có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 7 08, 2014

Đêm kể chuyện



Tôi ngáp dài, đưa tay lên che miệng vừa lén liếc đồng hồ. Mới hơn mười một giờ. Khách khưá chưa ai có vẻ muốn ra về dù không khí đã có phần hơi chùng xuống, uể oải. Ðám bàn cãi sôi nổi lúc đầu về vấn đề làm sao cho trẻ con sinh ra nơi này thích và biết nói tiếng Việt, đã rã dần chỉ còn ba, bốn người nhưng vẫn tiếp tục tranh luận vì chẳng ai đồng ý với ai. Tụm năm, tụm ba ở những chỗ khác của gian phòng khách rộng, kẻ chơi cờ, người chơi videogames. Thỉnh thoảng vài tiếng cười vỡ ra, kéo theo những cái ngoái đầu, những nụ cười và lời bàn góp.

Tôi đưa mắt tìm Tùng. Chàng đang đứng gần lối ra vào, khuỷu tay chống vào thành cửa, tay kia cầm ly rượu, đầu hơi cúi, chàng như đang thì thầm với cô gái mặc áo tím đang đứng xoay lưng về phía tôi. Cô gái đang che miệng cười, đôi vai tròn rung lên nhè nhẹ. Ai thế nhỉ, bạn bè hôm nay đông, tôi không nhớ rõ Tùng có giới thiệu cô ta với tôi hay không. Nửa lưng để hở, chiếc áo cắt khéo không bó sát người nhưng mềm mại uốn theo những đường cong tự nhiên. Ðôi chân thon, thẳng, cổ chân nhỏ, giày cao gót nhọn màu tím có những nét trắng nhỏ song song vắt chéo mũi giày. Tùng chợt ngẩng lên, gặp ánh mắt tôi, chàng nheo một bên mắt rồi lại cúi xuống tiếp tục câu chuyện, hàng ria mép mỏng lại liến thoắng nhấp nhô. Cô gái vẫn không quay lại, mái tóc ngắn, chiếc gáy thon có ngọn tóc nhọn hấp dẫn, mời mọc. Tôi đứng dậy, với lấy chai rượu và cầm dĩa bánh. Có tiếng cười ngoài vườn vọng vào, nhắc nhở đúng lúc. Tôi đi ra, Tùng hơi nép người vào cô gái chừa lối cho tôi. Bên ngoài sáng ngợp ánh trăng, từng cặp một đang dìu nhau trong tiếng vĩ cầm réo rắt điệu slow. Tôi ngán ngẩm nhìn chai rượu và dĩa bánh. Trăng vằng vặc trên cao, bầu trời thật trong và đầy sao lấp lánh. Có tiếng dế rả rích trong khu vườn bên cạnh. Ðêm thành phố nơi này trừ trăng sao, chẳng có gì quyến rủ. Vừa định quay vào, chợt tiếng nhạc bùng ra, dồn dập thúc đẩy. Vài tiếng cười lẫn tiếng phàn nàn, những bóng người rời nhau, nhún nhẩy theo điệu nhạc mới. Những người trong nhà túa ra. Thiên hạ mời nhau, lôi nhau nhảy; tôi chưa kịp trốn thì đã bị Tùng ôm cứng, kéo ra. Có tiếng vỗ tay:

– Anh Tùng, chị Nhã biểu diễn với bà con đi chứ!

Mọi người nhao nhao lên tán đồng. Tùng xoay tôi được vài vòng. Gỡ tay chàng ra, tôi dí chai rượu vào mặt chàng:

– Ðể đem cất đã, anh muốn em tưới vườn bằng champagne?

Thoát được vào nhà, tôi nhẹ nhõm, chỉ tiếc ánh trăng. Lâu lắm rồi tôi không có thì giờ để một mình đối diện với trăng sao, thưởng thức tách trà thơm, quên hết quá khứ vị lai, quên luôn hiện tại. Quên đời với cuộc chạy đua hàng ngày, chạy hụt hơi mà cứ đinh ninh rằng mình đang sống. Chạy băng băng trên xa lộ. Chạy hộc tốc vào sở làm, chạy đua với đồng hồ, chạy đua với đồng nghiệp. Vội vàng ăn uống, vội vàng hầu hạ chủ nhân, chiều chuộng khách hàng. Lâu lâu, nhớ tới đời sống xã hội, vội vã tổ chức một bữa ăn với bạn bè, người quen, cười nói, thở than, khoe khoang trong mấy tiếng đồng hồ rồi vội vã dọn dẹp, vội vã đi ngủ để rồi hôm sau lại tiếp tục nhích từng tấc đường vì đám đèn đỏ hay lại chạy băng băng trên xa lộ …Thỉnh thoảng, trong một buổi tiệc cuối tuần, giữa những tiếng cười nói, tim óc bỗng dãn ra vì có thì giờ thở những hơi dài và sâu, trong một vài khoảnh khắc, tôi có cái ảo tưởng mình vứt bỏ được hết mọi rắc rối vô duyên của đời sống hay đứng được bên ngoài đời sống chõ mắt nhìn vào, tha hồ mà ngẫm nghĩ và triết lý như một người già từng trải… Chợt một ý nghĩ loé lên, tôi bỏ lại dĩa bánh, với lấy chiếc ly sạch trong mớ ly dĩa ngổn ngang. Mọi người đã kéo hết ra ngoài, trừ đám cờ tướng. Hai đấu thủ ngồi yên, trầm ngâm, nghiêm trọng. Hai ông chầu rìa cũng đang nín thở. Tám con mắt dán chặt lên bàn cờ. Tôi bước nhanh lên thang lầu.

oOo

Vào phòng tắm, tắt đèn, khép hờ cánh cửa, tôi mở cánh cửa sổ nhỏ ngay phía trên bồn tắm, ánh trăng ùa vào. Tôi kéo tấm màn nhựa dầy ngăn đôi bồn tắm với phần còn lại của phòng tắm, tôi trải mấy lớp khăn rồi bứớc vào bồn. Lưng dựa thành bồn lạnh buốt, tôi ngửa mặt ngắm trăng. Chú cuội, Hằng Nga và vài ngôi sao lọt thỏm vào khung cửa nhỏ. Hương đêm nhẹ nhàng, êm ả.

Bỗng đêm nay trước cửa bóng trăng quỳ *

Tôi rót rượu ra ly, nhắm mắt nhâm nhi. Rượu lạnh ngon vô cùng. Lâu rồi mới có được một khoảnh khắc dễ chịu. Hơn một năm lo ổn định cuộc sống của má tôi và vợ chồng cô em út, tôi không thấy thời gian trôi qua. Bây giờ đã tạm xong. Má tôi bớt thở than nhưng thu nhỏ, cuộn tròn ít nói. Tôi bất lực trước căn bịnh của bà bởi vì tôi cũng đã bó tay với chính mình. Mười mấy năm xa nhà nỗi nhớ vẫn còn nguyên. Gia đình bây giờ bên cạnh, bạn bè tin tức thưa thớt nhưng vẫn còn liên lạc, nhưng sao tôi vẫn nghe xôn xao bất an ? Hay vì có ngừơi thân, tôi nghe như cây cành sum suê mà rể cái, rể con đã đứt ? Trong một khoảng thời gian dài, tôi nghe mình hụt hẫng.

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?*

Tùng vẫn cười dài trước những khúc mắc của tôi:

– Em rắc rối quá, lo sống thôi, sống đi, sống đời hiện tại, nếm hạnh phúc tức thì, quay lưng với dĩ vãng. Quên đi cái đất nước khốn khổ, xâu xé nhau, chém giết nhau, dằn vật nhau chẳng ngừng, từ mấy chục năm nay, từ Nam Quan tới Cà Mau, từ Thái Lan qua tới Úc, từ Mã Lai tới Cali!

Sống. Sống tức thì. Không tiếc thương, không phân vân, không thao thức. Nói thật dễ dàng, nhưng…

Chợt có tiếng lao xao, đến gần. Ðèn bật sáng, tiếng Tùng ngọt ngào, lịch sự:

– Mời các cô cứ tự nhiên.

– Cám ơn anh Tùng.

Có lẽ phòng tắm dưới nhà đã có người. Hai cô gái cười khúc khích, có tiếng ngáp, tiếng áo quần sột soạt, tiếng nước mở, đóng. Tôi ngượng ngùng, ngồi im, gần như nín thở.

Cả hai vẫn vô tình cười nói.

– Trầm Hương này, xem bức tranh trên tường, tĩnh vật màu nước, những cánh hoa hồng rơi rụng trên mặt bàn gỗ nâu. Ðẹp quá!

– Ừ, đẹp đấy chứ. Cùng một tác giả với những bức tranh ở dưới phòng khách: t. n. Chắc là bà Nhã. Tôi có học vẽ tranh Tàu trước khi sang bên này, nghe nói bồ cũng có học vẽ?

– Tớ thì học lung tung đủ thứ. Cái gì cũng học. Làm bánh, may áo dài, quần tây, học cắm hoa, học vẽ. Chờ mãi vẫn không đủ giấy tờ đi, ba mẹ mình cứ sợ mốc meo mớ nử công nử hạnh … còn sót lại từ hồi 75, nên cứ bắt ghi tên học, nghe ở đâu có thầy giỏi…

– May mắn thì gặp thầy giỏi, thông thường thì là thầy dỏm. Người học thì ít, người dạy lại quá nhiều. Ừ đúng rồi, t.n. chỉ có thể là Thanh Nhã. Ðúng bà ấy.

– Bà nào?

– Thì chị Nhã, vợ anh Tùng.

– Bồ có quen à?

– Có mà không. Vì chắc chị ấy không nhớ tôi đâu. Loan biết không, mình nhớ nhiều về chị ấy vì ngày xưa chị là bạn thân với bà Cúc Phương chị mình. Ðến nhà mình chơi hoài, khi đó mình còn nhỏ xíu. Năm hai bà học đệ Nhất, ba mình xin đổi về Huế. Bây giờ chắc chị đã quên. Mình nghĩ vậy nên chưa nhìn “bà con”.

Ơ, sao cô bé lại nói thế. Làm sao tôi quên được chị cô, con bé Cúc Phương mập mạp trắng trẻo rất có duyên, giọng Huế ngọt ngào mà đanh đá đối đáp bạn bè.. Ðứa nào chọc người xứ dân gầy, vô Nam có vài năm đã lột da và béo tốt. Phương cong cớn trả lời: Ấy nhờ cái nón Huế của tau, không có hắn thì đã đen đúa xấu xí như bọn mày. Ắy nhờ bánh khoái, nhờ chả Huế…

Làm sao quên được bạn bè khi mười mấy năm nay tôi chỉ có bấy nhiêu để làm hành trang, mỗi lần có dịp là lại mở ra tưởng nhớ? Mấy chục đứa đa số cùng theo nhau lên lớp, mỗi năm mất đi vài đứa qua lớp khác, trường khác. Sương về Mỹ Tho, Vân qua Gia Long. Bù lại có thêm vài đứa mới như Cúc Phương từ Huế, Mỹ Lan từ Ðà Lạt. Thất năm lên lục bốn rồi tứ bốn qua tam P hai, nhị P hai, nhất P ba. Lớp xoay quanh từ năm mươi lăm tới sáu mươi lăm bảy mươi dứa, tôi nhớ gần hết: Phạm thị An, Nguyễn thị Kim Anh, Bùi thị Ánh, Nguyễn thị Bạch…Nguyễn thị Vân…Bùi thị Xuyến, Phan Bạch Yến…

Làm sao quên dược những ngày ấm êm hạnh phúc đó. Sắp nghỉ hè là chạy đôn đáo đưa nhau lưu bút, tặng nhau hình. Có mấy đứa khôn ngoan kêu thợ chụp ảnh tới. Thôi thì rủ nhau ơi ới, lôi kéo nhau, năn nỉ “mượn” thầy cô để cùng chụp hình. Một năm sau khi tôi đến học Berkeley, Dung gởi – từ VN – mấy tấm ảnh chụp cuối năm Tú Tài. Hình một đám con gái tóc thề áo dài trắng chen chúc nhau đứng trước cửa lớp. Hình hai ba đứa níu tay nhau, những nụ cười tươi, những ánh mắt trong. Bây giờ “trong đám xuân xanh ấy, lắm kẻ bỏ đời, bỏ cuộc chơi!”

Tôi chợt giật mình khi nghe Trầm Hương lớn giọng đổi đề tài:

– Loan này, có mùi hoa thơm thoang thoảng, bồ có nhìn thấy chậu jacinth nơi thành cửa sổ không ? Mình thích loại hoa nầy ghê!

– Tiếng Việt hình như là phong tín tử hay dạ hương. Trước nhà này cũng trồng đầy dạ hương. Mình thích bà Nhã mà chẳng ưa ông Tùng. Ông ta làm sao ấy!

– Mấy ông có vợ rồi tui không để ý tới bồ ơi!

Cả hai cười rúc rích. Ðèn tắt. Những tiếng chân và tiếng cười nói nhỏ dần. Tôi thở phào vươn vai, duỗi đôi chân mỏi. Áng trăng đã rời khung cửa, phải nghiêng đầu mới nhìn thấy bóng, nhánh hoa jacinth lung lay vì gió, màu hoa trắng nhuộm ánh trăng trở thành vàng.

Hoa giải nguyệt, nguyệt im một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thấm từng bông

Tôi rót rượu vào ly, uống một hớp nhỏ, ngắm trăng, hoa qua lớp nước trong vàng. Những hạt bọt nhỏ chạy thành hàng dọc từ dưới đáy ly, nối tiếp nhau vỡ nhẹ trên mặt rượu. Những đứa bạn xưa còn lảng vảng trong đầu. Phương bây giờ ra sao ? Má còn hồng, môi còn tươi? Gió thổi tung những hoa lá, bọt bèo, còn gặp được nhau chẳng là điều quý giá sao? Nhất định lát nữa phải tìm gặp Trầm Hương… Nhưng tôi vừa đứng lên, chưa kịp bước ra khỏi bồn tắm thì đã nghe tiếng nói chuyện. Lại hai bà, vừa nói chuyện, vừa cười khúc khích. Lại có tiếng nước tiếng áo quần sột soạt.

– Ối giời ơi, ăn no lại nhảy nhót thế kia, giờ tức bụng quá!

– Chị nhảy cừ thật, tôi chỉ bước cho vui jerk hay nhảy tự do, chứ còn valse, rock, tango, boléro thì xin chịu, cứ đạp tràn lên chân anh ấy.

– Ngày xưa em mê nhảy lắm. Cứ cúp cua đi học nhảy. Luyện thi Tú Tài mà chỉ đậu toàn bằng khiêu vũ. Biết rồi thì mê lắm, nghe boum, bal ở đâu thì phải đi cho được. Hồi xưa thì thế chớ giờ già rồi còn gì! Bớt đam mê, hết ngông cuồng.

Câu nói chấm dứt bằng tiếng thở dài tiếc nuối.

– Ồ chị mà già thì con ai trẻ ? Có tôi đây mới là…

Tôi ngao ngán hớp một ngụm rượu nhỏ. Champagne hết lạnh uống thật vô duyên. Tiếng nhạc ngoài vườn vẫn còn vọng lên. Mặt trăng đã ra khỏi tầm mắt nhưng ánh trăng hất bóng ly ngã dài nhợt nhạt trên đùi tôi. Tôi đặt ly thật nhẹ xuống cạnh chai nước gội đầu, cố duỗi những ngón tay đã mỏi rũ. Tôi nhận ra một trong hai người là Bích. Kiệt là chồng Bích, làm cùng sở với Tùng. Cũng khá gần gũi. Hai vợ chồng có đến ăn cơm vài lần kể từ lúc chúng tôi dọn nhà về đây.

Bích chợt cao giọng ngạc nhiên:

-…Thật không ? Chị chỉ đùa, anh ấy đứng đắn, nghiêm trang…

Người đàn bà kia thở ra:

– Ai cũng lầm chị ạ, tôi biết ra thì đã muộn. Ban đầu anh ấy đi làm về rất trễ, hỏi thì bảo tại máy hư, phải ở lại sửa. Máy hư một tuần một lần, cứ vào cuối tuần mà hư, dần dần ngày nào cũng hư. Tôi chán lắm. Gây nhau mãi tội nghiệp lũ nhỏ chúng đã bắt đầu hiểu biết, có suy nghĩ… Tôi không thể giữ mãi cho tôi được, phải tâm sự, phải nói ra cho vơi bớt…Khi nãy tôi nói tôi già rồi, là thật chứ không phải nói để chị an ủi đâu. Ở bên kia, vợ chồng nương với nhau mà sống, anh ấy mất việc, mất chức, tôi không khéo an ủi, chạy chọt, tảo tần thì anh ấy đã điên lên mà chết. Rồi trải qua bao hiểm nguy trở ngại, đến bây giờ, mọi đắng cay tủi nhục ở cả sau lưng thì lại sinh tật. Tôi chán lắm, nhiều khi không muốn sống…

– Chị có biết mặt “nó” không ?

– Xấu như ma! Có cái son phấn quần áo che lấp…

– Chị biết chuyện bao giờ? Chuyện phấn son, áo quần, chị cũng có thể…

– Tôi cũng đã thử đủ cách. Chưng diện hơn, sửa mũi, sửa mắt, nhưng chỉ tổ để anh ấy cằn nhằn thêm vì vấn đề tài chánh gia đình. Tôi nghĩ…có lẽ…có lẽ là nó trẻ hơn tôi. Cái đó thì tôi làm sao theo được! Mỗi người chỉ có một thời thôi, nhất là đàn bà chúng ta. Chỉ tiếc có những kẻ không bắt đầu bình thường!

– Có khi tại người đàn ông chứ! Chị có khi nào thử gặp để nói điều hơn lẽ thiệt với nó?

– Ðiều hơn lẽ thiệt với một đứa con gái đã từng có chồng có con. Dám bỏ tất cả để vượt biên với một thằng tình nhân có đầy đủ phương tiện. Ðiều hơn lẽ thiệt với một đứa con gái chỉ biết tiền và tiền? Nó đến với nhà tôi chỉ là để rút riả, ăn bám. Tôi run sợ khi nghĩ rằng một ngày nào đó anh ấy không trở về nữa.

Hai người đàn bà tiếp tục câu chuyện. Người kể lể, thở than. Người hỏi han, an ủi với một giọng thương hại, pha một chút tò mò.

Má và em tôi đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện tương tự. Hậu quả của những đổi thay, áp đặt bởi những người chiến thắng, hay hậu quả tất nhiên của chiến tranh? Mà cạnh đó, trong giấy tờ và diễn văn chính thức người ta tuyên bố nam nữ bình quyền. Có lẽ là một sự bình quyền trong bất hạnh và đau thương? Bất hạnh và đau thương kéo dài, dành cho người sống sót và thất trận. Khi chiến tranh vừa hết, tôi ao ước thấy những bài văn tế lễ như thời vua Quang Trung, cho âm hồn người lính (khách chết trên đất Việt), tôi chỉ thấy những hằn học, căm thù, những bia mộ bị đập phá, dày xéo. Tôi muốn thấy những góa phụ được giúp đỡ, con cái được học hành, tôi chỉ thấy những bà vợ, bà mẹ tủi thân, những đứa con bị hất hủi, bị vất bỏ bên lề chỉ vì chồng, cha là người chiến bại. Tôi muốn thấy những người quyết tâm quên hết hận thù, chỉ nhìn về phía trước với một trí tuệ trong suốt và một quả tim rộng lượng với con người, để lèo lái dẫn dắt đất nước đã kiệt quệ, đang thoi thóp bên bờ vực thẳm. Tôi chỉ thấy một đám đàn ông, già tuổi, già mồm, bám cứng lấy những chiếc ngai vàng đã mục nát, long sơn. Tôi mong ước được nghe lời ca ngợi thanh bình, những bài thơ diễn tả hạnh phúc, tôi chỉ thấy những nhắc nhở nuối tiếc của một thời đáng lẽ không nên được tiếc nuối. Của kẻ chiến thắng lẫn người bại trận. Tôi chỉ nghe tiếng than thở không cùng, những đau thương không tưởng tượng nổi.

Cho nên khi thoát ra đến một thế giới khác, những người đàn ông đàn bà thuở trước bỗng trở thành những con người nguyệt cầu. Mỗi bước chân nhỏ xưa kia bây giờ là những bước chân bảy dặm. Sức nặng quá khứ không còn, trói buộc của oán thù, cứng nhắc của lễ nghiã Ðông Phương chợt tiêu tan. Nơi này là tự do là bình đẳng, cho nên mọi người tận hưởng. Người may mắn có đủ hành trang khiến bước chân bảy dặm đáp xuống ở đầu dặm thứ tám. Người bất hạnh thì…bay luôn vào vũ trụ vô cùng. Sách báo, cuộc sống nơi này đã báo động mọi người về những quá trớn. Với bạn bè, trong khi trà dư tửu hậu: đó là đề tài sống chết, cùng với chuyện trở về quê xưa (không như Từ Thức mà lại như kẻ…chiến thắng!). Và với báo chí vừa làm nhiệm vụ thông tin, vừa để thỏa mãn tính tò mò rất con người của mọi người, vừa để cho những bài học luân lý. Nhưng tất cả rối loạn như nghé tan đàn, như những ngôi nhà thiếu nền móng, mỗi người chạy một hướng, xoay sở một cách.

Cho nên người đàn ông nọ được thêm … cô vợ trẻ. Ðể quên nỗi buồn nước mất. Người đàn bà kia thêm nỗi hận tan nhà. Ðúng rồi, con người ta thường được bình quyền trong đau khổ! Nhưng tôi là gì mà ngồi đó với ly rượu trong tay, triết lý về đời sống nơi này hay nơi nọ? Mai này thôi, tôi sẽ lại phải lao đầu vào cuộc sống, cũng chỉ biết có tôi, đời sống tôi và hạnh phúc tôi! Phải rồi, tôi lại như cái máy có một chương trình đã vạch sẵn. Sáng thứ hai bấm nút. Máy chạy, chạy vào đời hiện tại, múa may, cày bừa, vặn siết đinh ốc, sắm sửa…

Thứ bảy tới, mệt nhoài, máy tạm ngừng. Tôi sẽ có dịp ngắm trăng, ngẫm nghĩ về đòi sống. Về con người với tình thương, hận thù, hạnh phúc. Cũng cả một chương trình ! Người đàn bà bây giờ tỉ tê khóc. Tôi ngượng ngùng, bất lực Với lấy chai rượu còn hơn phân nửa, tôi ngần ngừ không biết nên uống thẳng hay phải rót ra ly. Bích yên lặng một lúc rồi nói như an ủi:

– Anh ấy không đòi ly dị, không kiếm chuyện gây gổ, thế là còn tốt lắm rồi.

– Hừ… ly dị là phải cuốn gói đi nơi khác, mất cả, tội gì…

– Chị giận nên nói thế chứ em thấy nhiều người rủ nhau trốn vợ trốn chồng, đi mất luôn.

– Tôi không biết phải làm sao bây giờ, trời ơi, chắc là kiếp trước tôi ăn ở ra làm sao….Phải chi tôi có được học hành, đỗ đạt đi làm thì chồng có dám khinh khi như thế này đâu và tôi cũng dám rời bỏ, cho anh ấy tự do..

– Chị nhầm khi nghĩ rằng cuộc sống gia đình làm mất tự do của anh ấy và việc chị ở nhà không đi làm khiến anh ấy bớt nể nang….Ðành rằng sự lệ thuộc về mặt kinh tế làm cho người đàn bà bị yếu thế.

– Thật ra thì cũng bởi tôi… già rồi, nên người ta chán chê hất hủi.

– Chị nói thế hóa ra những người vợ hay chồng già đi người kia sẽ chán chê, hất hủi? Thế thì những bà già ở một mình chúng ta thấy toàn là bị chồng … bỏ? Không, chị ạ. Có những trường hợp khác, có khi chỉ vì người đàn ông tham lam, hay người đàn bà không khéo… về một phương diện nào đó. Em có biết…

Bích chợt nhỏ giọng lại:

– …em biết có người kỹ sư, lương cao, lại đẹp, mà ông chồng vẫn có bồ như thường.

Người đàn bà hít mũi, giọng nghi ngờ :

– Thật ư ? Tôi cứ tưởng… đàn ông không thích vợ xồ xề, dốt nát…

– Em lắm lúc cũng không hiểu nổi, có lẽ người đàn ông có những lý lẽ riêng… nhưng đây là sự thật, em biết rõ…

– Chắc là có vấn đề gì? Có khi ông ăn chả, bà ăn nem?

– Không đâu, em nói, bí mật giữa chị em mình thôi nhé, bà Nhã nhà nầy chứ ai.

Tôi suýt buông chai rượu. Tim đập hụt một nhịp rồi sau đó chạy loạn đả, tôi nghe mặt nóng bừng, chai rượu rung bần bật trong tay. Ðầu óc choáng váng, đất trời tối sầm, trăng sao mất biệt. Gió mưa sấm sét như thưở tạo thiên lập địa! Tùng ư? là Tùng ư?

Ngoài kia, Bích vẫn vô tình, giọng thật nhỏ, đầy vẻ sung sướng, vì sự chú ý của người đàn bà, vì nắm trong tay một bí mật chết người.

– Em chưa thấy ai hiền như chị ấy! Lắm lúc không biết là hiền hay là… ngu dại. Lẽ nào chị ấy không hay biết? Một người thông minh tinh tế tuy rằng ít nói và rất tự kiêu. Có thể vì tự kiêu, chị không chấp nhận một thất bại quá lớn như vậy chăng? Em chịu thôi, em thà làm một người đàn bà khờ khạo, chấp nhận cái thua của mình -trước kẻ tình địch- nhưng em sẽ can đảm rứt bỏ tên đàn ông không còn yêu thương mình. Lạy trời, em nói gở thế thôi, chứ…

– Cái con mụ cướp chồng người ta, nó khác xa chị Nhã hay sao ?

– Một trời một vực! Chị có nhìn thấy tủ sách bà Nhã không? Xứ Trầm Hương, Hố thẳm của tư tưởng, La Liberté ou la Mort, Cent ans de Solitude… Còn con bé kia, chỉ có cái nhan sắc và tuổi trẻ thôi chị ạ. Nghe nói ông Tùng bảo cô ta đi học Anh văn, ghi tên học ở College nào đó mà cô ta không chịu, chỉ muốn… mở tiệm làm móng tay. Mà mở tiệm phải có license chứ có phải đùa đâu. Còn đang lằng nhằng… – Chị biết chắc là bà Nhã không hay biết?

– Vâng. – Thế thì ông ấy tài thật! – Em gặp hai người đưa nhau đi ăn tối. Chính ông ấy bảo lãnh cho nó sang từ bên đảo và đưa vào làm trong sở ông ấy. Quen nhau thế nào em không rõ.

Trời ơi, tôi đứt từng đoạn ruột, rời rã từng tế bào, những mạch máu muốn vỡ tung. Lỗ tai lùng bùng, trí óc không muốn nghe, tôi tưởng mình sắp ngạt thở, tay chân lạnh nhưng mồ hôi ra ướt cả lưng và cổ. Tôi nhìn sững những ngón tay tái mét đang ghì chặt chai rượu. Bấy lâu nay tôi tự mãn với hạnh phúc trong tay, với công việc, bằng cấp, với cái địa vị, với gian nhà rộng với người chồng đẹp trai, học giỏi, lương cao… bảy tám chục ngàn mỗi năm. Chưa một lần thoáng hiện cái ý tưởng Tùng không còn yêu thương tôi. Tùng ơi, Tùng đã có kẻ khác trong tim? Không, một ngàn lần không, những người đàn bà nhỏ nhen, ghen tị, lắm chuyện. Tùng lúc nào cũng ân cần săn đón, lúc nào cũng nồng nàn, yêu thương, chăm lo cho tôi như thuở ban đầu.

– Chị không biết ông Tùng đâu, ăn nói ngon ngọt lắm. Ðến con kiến trong lỗ nghe cũng phải bò ra!

– Có khi vì chị ấy quá trí thức nên…khô khan tình cảm chăng? Hay họ xử sự với nhau như người Mỹ: tôn trong tự do của nhau ..

– Ừ, hoặc là chị ấy vô cùng phương Ðông, thà cắn răng chịu đựng hơn là mang tai tiếng. Chỉ tại người mình hay có thói quen trút lên đầu người đàn bà mọi tội lỗi, mọi nguyên nhân khiến người chồng say sưa hay ngoại tình. Chị ấy thanh toán mọi chi phí trong nhà, để ông ấy lấy tiền lương chu toàn vợ bé!

– Trời đất, không thể nào tưởng tượng được!

– Ừ, thế đấy. Thì ông ấy bảo gửi về nhà nuôi gia đình. Chuyện ! Em có bà cô ở sát nhà bố mẹ ông ấy. Bà cụ cứ sang than thở với cô em là ông Tùng đi hơn mười năm, gửi về nhà đúng …hai gói đồ!

– Thế thì lạ thật, có khi yêu quá thì người ta dễ tha thứ…

– Em đôi lúc cũng nghĩ thế, nhưng có khi thương hại chị âý, em lại muốn nói huỵch tẹt ra. Nhưng chị xem, bà ấy cứ nhơn nhơn, lúc nào cũng trầm lặng ra điều ta đây chẳng cần đến ai, em đâm bực. Thêm vào đó nhà em, thân với cả hai, sợ mất bạn, cấm em không được xen vào chuyện riêng của họ. Ðành cứ ngầm ấm ức hộ cho chị ấy.

– Tôi ưa ông Tùng không nổi, thấy đàn bà con gái trẻ đẹp là nhào vào tán tỉnh.

– U, ông ấy thuộc thơ hay lắm, lại có giọng hát như Duy Trác. Lúc nảy, ông ấy cứ ngâm nga trước con Hương, con em của anh Kiệt: nàng là Hương hay nhan sắc lên hương. Lớ ngớ là chết! Hôm nọ,anh Kiệt phải ở lại làm nốt việc gì đó, nhờ ông ấy đưa em về, ông ấy vừa lái xe vừa rên rỉ:

Ðưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Tôi muốn cười, muốn khóc nhưng phải nghiến răng nuốt trọn nghẹn ngào với những ngụm rượu nhạt nhẽo. Phải rồi, Tùng có một giọng hát ngọt ngào, quyến rũ. Mười năm trước, đến thăm tôi trong dorm, hai con mắt đắm đuối, mười ngón tay lả lướt trên cây đàn guitare, và tiếng hát trầm ấm, si mê:

Một lần nào cho tôi gặp lại em
Rồi nghìn thu sẽ là nhung nhớ
Dòng đời nào đưa em về đâu
Sao không thấy qua đây một lần
…..
Ôi mái tóc mây bay, giờ còn không
Tiếng nói thơ ngây…

Ôi ai đã giết tôi, bằng tình yêu ,ôi ai đã trói tôi bằng tình yêu…* ( tiếng hát Anh Khoa)

Gió mùa nào, nơi đây cũng lạnh, sương mù giăng giăng, cây cầu treo mịt mờ, cái gì cũng xa xôi, tàn nhẫn. Tiếng hát, ánh mắt, lời ca lại vô cùng gần gũi… Quả tim tôi thổn thức, lâng lâng và hãnh diện. Tùng học giỏi, đẹp trai, hào hoa và đào hoa. Sau ngày cưới, tôi nhận được ba bốn thư sỉ vả, tố cáo của những mối tình xưa cũ của chàng – khờ dại và đầy đam mê con nít, theo chàng-

Trời ơi, tôi cứ tưởng ngựa đã nản chân bon, nào hay nó vẫn quen đường cũ? Không ngờ rằng ở tuổi hai mươi tám, tôi đã trở nên nhàm chán, héo khô đến nỗi chàng phải đi tìm nguồn an ủi khác? Ô, không phải vậy đâu. Không thể như thế được. Không phải đâu. Tùng đối với tôi vẫn như ngày đầu, lúc nào chúng tôi cũng tương kính như tân. Chàng vẫn như xưa. Còn hơn cả ngày xưa. Chàng hiền lành chăm chỉ như một người thợ Ðông phương, chàng lịch sự, tế nhị như bạn bè phương Tây. Lúc nào với tôi cũng có nụ cười, đôi khi một đóa hồng, một hộp kẹo chocolat, thường khi một lời nói nồng nàn, một lời thơ, một câu ca..Tùng cũng lo lắng và chu cấp đều đặn cho gia đình chàng, chỉ có thư từ thì thưa thớt vì ít thì giờ… Tại sao Bích không ưa chàng? Ghen tương, ganh tị nào đó? Bích trẻ đẹp, Kiệt là người tốt, hai đứa con đẹp đẽ, gia đình Bích hạnh phúc. Vậy thì Bích nói xấu, vu oan Tùng để làm gì chứ ? Tại sao? Tại sao? Tâm trí tôi lạc vào cõi hỗn mang với những câu hỏi, câu trả lời nối tiếp chồng chất, đối nghịch, bào chữa, buộc tội…Trong một thoáng tôi nhớ lại những ý nghĩ chua chát, bao dung và nhiều khách quan của mình về số phận những người đàn bà. Bao dung vì tôi ngỡ mình ở ngoài vòng cương tỏa, khách quan vì tưởng rằng mình ở trên mọi rắc rối thường tình. Tự ái bỗng nổ bùng ra. Tất cả đã sụp đỗ dưới chân tôi. Tùng ơi là Tùng!…

Ngoài kia như để tránh hạ nhát dao ân huệ cho tôi, hai người đàn bà đã thay đổi nạn nhân. Họ nói đến một bà bác sĩ X. đang cậm sừng ông chồng, bà luật sư Y. có “toy boy”, họ bàn tán về một cuộc tình tay ba, những chuyện đánh ghen, những vụ thanh toán, những trường hợp tréo cẳng ngỗng. Trong phút chốc, họ ở ngoài mọi rắc rối, mọi cương tỏa, nên tự cho phép cùng cười rú như điên. Tôi muốn hét lên, mở màn, ném chiếc ly vào hai người đàn bà để ngưng những âm thanh nhọn hoắt đang đâm thẳng vào tim tôi. Chợt có tiếng gọi cửa. Tôi cố nén, mím môi rót nốt rượu ra ly rồi ngửa cổ uống cạn, rượu đắng lưỡi, nước mắt mặn môi và cõi lòng tan nát!

Có tiếng cười mới, giọng còn rất trẻ:

– Anh Tùng nói em mới biết hai chị ở trên này. Anh Kiệt gọi chị Bích đấy, anh hỏi chị là mình sắp về chưa. Anh Tùng thì cứ nói về làm gì, còn sớm. Cái ông nói chuyện vui ghê!

Tiếng Bích cười nhẹ, có lẽ hai người đàn bà đang nhìn nhau, đồng lõa:

– Anh ấy ngâm thơ cho Châu nghe phải không ? Ðưa người ta không đưa qua sông…

– Trời, sao chị biết hay thế, có máy vi âm ngầm phải không ? Em còn được tặng cho một bài hát nữa kìa. Ôi, cái ông thật tốt giọng, nghe cứ mềm cả người…

– Ắy, mật ngọt chết ruồi… Cả ba phá ra cười. Người con gái vui vẻ:

– Chị khỏi lo cho em. Ðàn bà con gái ai lại không ưa được tán tỉnh, nhưng từ đó đến chuyện…

– Ừ, ngoan đấy, tha hồ chọn, liệu mà chọn, em đang ở thế mạnh…

– Thôi mình xuống chào chủ nhà rồi về. Gần hai giờ khuya rồi!

– Chết thật, hai giờ! Mai phải dậy sớm đi chùa Bích ngáp dài chấm câu. Bọn đàn bà lục tục loạt soạt sửa sang quần áo tắt đèn đi ra ngoài. Tôi chìm trong bóng tối, ánh trăng sáng dần dần qua khung cửa, bóng nhánh jacinth đã đổi chỗ trên tường. Hương đêm vẫn thoang thoảng. Nhạc đã tắt dưới kia. Tất cả có vẻ an bình thanh thản, mà tôi thì rối như tơ vò, ngả nghiêng, lộn lạo!

Tôi đứng lên, lảo đảo, người thì nhẹ hẫng mà cái đầu lại nặng chịch. Tôi dạt tấm màn hoa dầy, chưa kịp bước ra khỏi bồn tắm thì có người bật đèn, mở cửa đi vào phòng tắm. Tôi quắc mắt nhìn người đàn ông. Kiệt, người ấy là Kiệt, lắp bắp, giọng kinh ngạc:

– Xin lỗi…xin lỗi chị. Tôi..tôi lên lấy hộp phấn Bích bỏ quên…

Tôi không nói gì, thoáng nhìn mình trong gương. Nước mắt đầm đìa, hai con mắt đen nhòe nhoẹt những chì than. Trời ơi! xấu xí như một trái ô môi! Tóc tai rối bù dựng đứng như trái mãng cầu xiêm. Hèn chi Tùng đem tim, đem lời ca tặng cho kẻ khác. Tôi giơ tay quẹt mũi, ngất ngưởng đi ra. Bước chân hai, ba hàng, đầu vai xiêu đỗ nhưng tôi ra được tới đầu cầu thang. Tôi tựa người lên lan can, đảo mắt tìm Tùng. Những bóng người mờ ảo tiến ra cửa, nói cười, từ giã. Tùng đứng nơi thềm, bắt tay từng người, cái miệng với hàng ria mép đang vo vảnh thật dễ ghét. Ngẩng lên thấy tôi, Tùng toe miệng cười, hàng ria duỗi thẳng. Dễ ghét thật.

– Em đi đâu mất biệt tự nãy giờ. Xuống tiễn khách chứ. Anh…

Chàng chưa dứt câu, tôi thẳng cánh ném cái ly. Chiếc ly bay không xa, phần trên ly bể nát ở giữa cầu thang, chân ly lăn loong coong trên những bậc thang cuối cùng. Những tiếng thì thầm im bặt, vài bóng người khựng lại. Kiệt đi nhanh qua mặt tôi, xuống thang, nhảy qua từng hai bậc một. Tôi nắm thành gỗ, hét vọng xuống:

– Huệ là con khốn nạn nào? Những bóng người lao xao, chập chờn di động phía dưới. Tôi mím môi, lấy hết sức ném chai rượu rỗng. Chai bay xéo vào tường vỡ nát, những mảnh vụn lại rơi rớt trên các nấc thang gỗ nâu bóng loáng. Những người khách cuối cùng chuồn êm ra cửa. Tùng né đâu mất dạng. Tôi đưa tay quẹt nước mắt vừa hít mũi. Tức tối. Trời ơi, mới có một chai mà đường gươm đã hết thẳng!

Tôi nghiêng người tìm kiếm, xung quanh chẳng có gì ngoài chậu cây to, không còn vũ khí xứng đáng và vừa tầm tay, tôi đành xoay lưng lại định bước xuống lầu, nhưng đôi chân hụt hẫng… Tôi rơi gọn vào đôi tay của Tùng, cố vùng vẫy để thoát mà không được. Tôi khóc mùi mẫn, nghe trong nước mắt có cả vị champagne, tôi khóc như chưa bao giờ khóc, tôi lè nhè, kể lể:

– Buông tao ra đồ khốn kiếp, quân dê xồm, lòng lang dạ thú, bạc bẽo, vô lương tâm, có mới nới cũ. Hãy ra khỏi nhà này, hãy đi tìm cái con Huệ kia đi…

Tùng ẵm tôi vào phòng ngủ, đặt xuống giường. Ôm vai tôi, chàng nói ôn tồn:

– Trời ơi, em đẹp như … ả đào say, đẹp tuyệt trần, quyến rủ vô song…

Chàng vừa nói vừa chậm nước mắt cho tôi. Tôi giật phắt lấy chiếc khăn, hỉ mũi. Chàng lật nghiêng tôi, kéo chiếc khóa fermeture cái robe nhung dài. Tôi lăn lộn, đấm đá, vùng vẫy, khóc lóc, la hét như một mụ điên. Hừ, biết gì mà làm bộ, ả đào, ả mận, say với chẳng say, nhưng tôi như nàng Olive nhỏ bé trong đôi tay khổng lồ, lông lá của Brutus. Tùng chỉ nới lỏng tay khi tôi bất động.Tôi vật vả, rên rỉ:

– Trời đất ơi, Huệ là con nào, mày…mày…anh lừa dối tôi, anh cắm sừng tôi…

Tùng phì cười, bàn tay tiếp tục vuốt ve bờ vai trần của tôi :

– Lan Huệ nào mà cứ đòi anh phải khai. Em chỉ có tưởng tượng là tài. Hay là nghe lời ai đồn láo lếu, mấy bà rỗi rãnh ngồi lê đôi mách, đâm bị thóc, chọc bị gạo. Anh chỉ có một mình em thôi. Nghĩ lại coi, yêu một bà mà còn mệt ngất ngư, anh chẳng dại…

– Anh đừng giở giọng tán láo. Em…em…Tôi biết hết rồi, con nhân tình của anh tên là Huệ. Anh thú nhận đi. Ðó là một con bé ngây thơ, trẻ đẹp, không nơi nương tựa, anh lợi dụng người ta, anh lường gạt tôi, anh hứa hẹn hão huyền, anh dụ dỗ trẻ con… Khốn nạn lắm, tôi sẽ xin ly dị…

Tùng hơi khựng lại một giây, rồi mỉm cười khoả lấp:

– Em say nhiều lắm, bây giờ đi ngủ đã, mai em tỉnh táo, mình sẽ nói chuyện…

– Không, tôi không say, chỉ hơn một chai mà say nỗi gì, tôi muốn biết ngay sự thật, anh ….anh…đã có người khác..

Tôi úp mặt xuống nệm khóc oà lên. Còn gì đau đớn bằng khi biết mình bị phản bội. Tùng vuốt lưng tôi rồi kề mặt hôn lên, hàng ria làm nhột nhạt khó chịu, với con bé kia, Tùng cũng hôn như thế? Tôi bực bội xoay người lăn vào trong. Chàng thở dài, đứng dậy:

– Làm gì có chuyên vớ vẩn đó. Quả tình, em y như bà sư tử Hà Đông, may là chỉ mới bể chai với bể ly, chưa bao giờ anh thấy em dở đến thế ! Anh xuống làm cho tí nước chanh, uống vào giã rượu ngay, xong thì muốn nói gì thì nói.

Tôi chưa kịp phản đối thì Tùng đã đi mất, tôi sờ soạng tìm khăn lau nước mắt, lại vớ phải khung ảnh hai đứa ngày mới cưới. Thưở đó tôi đẹp tươi như giọt sương buổi sáng, tóc dài ngang lưng kết những sợi dây hoa hồng tí xíu, tay ôm chòm hoa tròn gọn nhỏ, bàn tay đặt nhẹ lên cánh tay Tùng. Tin tưởng và giao phó. Tùng cười mỉm, cái miệng chưa có ria mép, tươi tắn trông như trẻ thơ. Mới mười năm….

Tôi phát giận, gạt chồng sách xuống đất, ném bức ảnh vào tường rồi vùi đầu vào chiếc gối. Trời ơi… mới mười năm, với tôi chưa đủ mặn nồng, với Tùng đã dư rồi chán nản? Tùng xoa xoa lên cổ tôi, dịu dàng:

– Em ngồi dậy uống nước. Xong anh sẽ nói cho nghe, anh nghĩ ra rồi. Huệ ấy à, em có biết cô ấy…

Tôi ngồi bật dậy, giật phắt lấy ly nước, ngửa cổ uống cạn một hơi. Và nghe tỉnh táo hẳn ra. Vì nước chanh hay vì lời hứa hẹn? Tôi nhìn Tùng bằng nửa con mắt:

– Huệ nào mà tôi hân hạnh được quen tới? Anh biết chứ tôi chỉ hay biết hôm nay mà thôi !

– Em không nhớ cách đây mấy tháng, Hữu điện thoại bảo anh làm giấy tờ bảo lãnh cho em nó từ đảo sang, nó không đủ điều kiện…

– Nhưng dính dáng gì tới con Huệ của… anh?

Tùng bật cười đắc thắng, vuốt ve cánh tay tôi:

– Anh biết ngay là em đã quên.. Huệ là em gái của Hữu !

– Nhưng làm sao…làm sao anh lại có quen với nó từ bên nhà?

Tùng ngẩn ra, rồi kêu lên:

– Em có thuê thằng cha Colombo hay không mà rõ đủ thứ chi tiết, chắc là bà nào đặt điều, thêu dệt. Anh sợ lắm những người đàn bà rỗi việc và thích chăm sóc chuyện gia đình người khác.

– Anh thú nhận rằng tôi có nhiều chi tiết chính xác sao còn bảo là người ta thêu dệt. Giấu đầu, hở đuôi. Tôi nói thật, nếu…

– Hữu là bạn thân của anh từ lúc hai thằng còn học chung trung học. Ðến nhà nó thường thì biết em nó, không chỉ cái cô Huệ thôi mà còn cả một lũ nhóc sau hay trước Huệ. Khi đó cô ta còn bé xíu, bụng ỏng, da đen thui, tóc tai bờm xờm…

– Còn bây giờ thì eo thon, ngực nở, da đen bên này ai cũng chuộng, tóc tai thì cắt uốn, xấy, nhuộm..Bởi thế cho nên anh bảo lãnh luôn cuộc đời người ta? Anh tồi tệ lắm, anh gian dối, anh lường gạt, anh lợi dụng…

– Trời ơi, ngỡ là em ghen với ai, nhè cái cô Huệ “bánh ít” mà đi so bì. Con nhỏ không đẹp, chẳng có duyên, lại lùn xủn, tròn vo. Sánh thế nào được với em. Em đừng ghen bóng gió, tội nghiệp anh…

– Anh chỉ nói mò cho qua, như thế nào là đẹp, là xấu? Không lẽ anh dại dột đi mê một cái…hột mít cháy?

Tùng chồm lại, ôm choàng lấy tôi, dụi mặt vào ngực tôi, nói trong hơi thở mạnh:

– Như em là đẹp nhất. Em của anh là tài nhất, xinh nhất. Anh yêu em, anh chỉ biết yêu mỗi mình em thôi, yêu mãi mãi, yêu nhất trên đời này…

– Anh chỉ nói xạo. Chỉ yêu tôi thôi thì còn chỗ đâu cho con Huệ. Tôi sẽ xin ly dị. Quả tình, tôi tự hỏi làm sao anh còn can đảm và liêm sĩ để nói yêu tôi.

– Trời ơi là trời, oan ơi ông địa, oan ơi Thị Kính! Nói cho anh biết, ai nói với em chuyện này ? Mà thôi anh cũng chẳng cần. Em không nhớ rằng buổi tiệc hôm nay là sinh nhật mười năm ngày mình cưới nhau. Tính cho đúng thì là mười hai năm biết nhau. Chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện dối em, chưa bao giờ anh nghĩ rằng anh có thể ngừng yêu em. Theo tục lệ tây phương, nếu anh không nhầm thì mười năm là noces d’ivoire. Hai mươi lăm năm thì noces d’argent, năm mươi năm thì d’or, sáu mươi năm thì diamant. Nhưng em yêu, ngọc ngà, kim ngân nào đủ quí giá để nói lên được lòng anh, để so sánh với cái tình anh dành cho em. Ðó chỉ là cách thức của người thực tế và vật chất. Hai mươi năm nữa, ba mươi năm nữa, một trăm năm nữa, anh vẫn yêu em như hiện tại…

Chàng tiếp tục thầm thì những lời nói mật ngọt, yêu thương xưa cũ, đôi bàn tay chuyển động đánh thức những đam mê ngày đầu, chàng cất giọng hát đắm say, bài ca phù thủy :

Rước em lên đồi cỏ hoang ngập lối…
…Như bao nhiêu mộng đời,
nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu thương

Tôi quên mất những lời Bích khi nãy, dù đã bớt hoang mang, rối loạn. Ðúng là những người đàn bà độc ác. Bích chỉ muốn vu oan cho Tùng, tôi thông cảm Bích vì muốn an ủi bạn nên đặt chuyện, nhưng Bích thật quá lắm. Bạn bè là thế đó ư? Còn nói xấu tôi tự kiêu, nhẹ dạ, điều này có thể còn xét lại, nhưng sao Bích lại ghét Tùng đến thế, vì Tùng đã có lần tán tỉnh? Hay là…hay là…ồ, tôi phải để ý theo dõi Tùng? Tôi phải săn sóc nhan sắc mình hơn nữa? Săn sóc Tùng hơn nữa? Tôi mơ hồ cảm thấy có điều gì không ổn nơi Tùng. Chàng không để tôi có đủ thì giờ tỉnh táo, chàng trườn lên mình tôi, chàng hôn khắp mặt tôi, chàng cắn nhẹ vành tai tôi, thì thầm:

– Thỉnh thoảng uống… trọn chai champagne cho anh… chết…

Liệu ngày mai, chất rượu tiêu tan, sự thật sẽ hiển hiện hay tất cả những gì xảy ra hôm nay chỉ là cơn ác mộng? Hay là lâu nay đã manh nha mối nghi ngờ trong tôi? Những buổi đi về thất thường của Tùng, những ân cần, săn đón bất ngờ, ngày càng nhiều. Lắm khi chàng ngồi ôm điện thoại hằng giờ, tôi ít hỏi han, tò mò vì không mảy may nghi ngờ. Tùng nói thao thao, chỉ cần nhìn hàng ria mép múa may là đủ biết, mà hễ buông ống nói xuống là lắc đầu, chắc lưỡi:

– Thằng cha thật là nhiều chuyện, cứ cà kê chẳng gì ra gì… mất hết thì giờ… Lúc đi làm, càng ngày chàng càng mất nhiều thì giờ để sửa soạn,cứ đắn đo, do dự trước mớ cà vạt hay hàng sơ mi đủ màu, chỉ vội vàng quyết định khi tôi sốt ruột kêu lên:

– Trời đất ơi, đành rằng hôm nay thứ bảy, nhưng trong sở chẳng còn cô thư ký hay một nữ đồng nghiệp nào, sao anh diện đến thế? Mấy cái máy điện toán, theo tiếng Pháp cũng không phải giống cái! Chàng chống chế :

– Mình làm “sếp”, không có ai cũng phải chỉnh tề, gọn ghẽ…

Thư từ, sổ sách, chi tiêu …của chàng tôi cũng không động đến, không phải tại vì chàng vẫn khen tôi lịch sự như Mỹ mà bởi tôi rất ghét nghi ngờ, lục lọi, tôi muốn chàng trọng tôi như tôi trọng chàng. Phải chăng, nghi ngờ đã phát sinh, mà tự ái, hèn nhát đã khiến tôi xoay lưng với sự thực ? Không lẽ tôi cứ muốn chìm mãi vào u mê như con tằm nằm gọn trong tổ kén, muốn ở lại, nắm níu, kéo dài sự an toàn sẵn có? Bây giờ cánh đã mọc, thân đã lớn, tổ uyên ương hóa chật lại còn có kẻ lạ xâm nhập. Sao tôi cứ muốn nhắm mắt, cố thu người thật nhỏ? Ðến nỗi người ngoại cuộc phải ra tay đâm thủng vỏ kén, kêu réo… Tôi tự hỏi liệu con bướm nhỏ có đủ can đảm bỏ tất để tung mình vào nắng ấm? Ðủ thông minh để tận hưởng cuộc đời trước mặt? Và thấy rõ rằng giai đoạn vừa qua chỉ là phần cuối của một thời thơ trẻ cần phải có? Là một thứ kinh nghiệm đời cho? Người cho?


Phan Thị Trọng Tuyến
1986