Huế mùa Hè bắt đầu vào những ngày cuối tháng Tư. Bây giờ đã quá trung tuần tháng Năm, nắng càng gay gắt hơn, cái gay gắt của một thứ nắng lửa làm bỏng da. Ngay từ sáng sớm, vừa thức dậy đã phải hứng ngay những cơn gió Lào hừng hực bên kia Trường Sơn thổi về. Suốt đêm qua trên khu đồi trọc, nơi Đại đội tôi đang đóng - làm lực lượng phòng thủ quận Phú Lộc - mấy anh lính không ngớt chạy đi tìm một chỗ nào đó ngoài trời để có thể hưởng chút mát mẻ của những hạt sương tan loãng trong một bầu không khí nặng nề oi bức. Họ bỏ hầm trú ra ngủ ngoài, nằm phơi bụng, phơi ngực, dù biết những vụ pháo kích thường xảy ra và mảnh đạn trái phá có thể xé tan thân thể họ. Trong phiên tuần đêm, tôi nói với binh Thí: “Bộ anh muốn bỏ mạng sao ra nằm đưa thây đó?”. Binh Thí cười hề hề: “Nóng quá, chịu không thấu Chuẩn úy à. Hầm chật cứng, ngủ ba bốn đứa thở sao nổi. Chết biết liền chớ chi. Khi tới số thì chui xuống đất đen đạn cũng tìm theo”.
Trở vào, tôi cũng không sao ngủ được, cứ nằm lăn qua trở lại và cuối cùng mê thiếp đi trong một cơn mê nặng nề, quái gở. Tôi mơ thấy tôi đang nằm trên một ổ rơm. Bỗng nhiên tất cả những cọng rơm biến thành một bầy rắn lúc nhúc, một bầy rắn lửa đỏ rực, chúng không làm gì hại tôi cả, nhưng chúng bò lên che lấp cả người tôi rồi, hình như tôi đã biến thành rắn cùng loại, nhưng là một con rắn chúa tể, có uy quyền trên bầy rắn kia. Lúc tôi còn đang chơi vơi trong cảm giác run rẩy như một ngọn lửa sắp tắt, tôi nghe có tiếng người kể chuyện về lửa, về sự thiêu đốt. Tôi nghe mơ hồ, rồi tôi biến thành một ngọn lửa lớn, tan biến trong một màn đêm dày.
Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm hơn lệ thường – như có một việc gì thôi thúc – làm vội vã những việc lặt vặt. Thay quần áo xong, tôi khom người chui ra khỏi hầm, đi thẳng đến văn phòng đại đội. Tôi còn đứng chần chờ ngoài hàng hiên, ngại phải bước vào khu nhà tôn hầm hơi như lò hấp đó. Trong phòng, ngồi ở bàn viết, Trung sĩ Lâm đang cắm cúi làm việc, một lúc lâu ông không rời mắt khỏi trang giấy để trước mặt. Trung sĩ Lâm lớn tuổi nhất trong đại đội – chúng tôi gọi đùa là Trung sĩ Bố – có hơn ba mươi tuổi lính, ông đi lính từ thời Khố xanh, Khố đỏ, ông thường hãnh diện kể lại những trận chiến đã tham dự từ Bắc chí Nam, trận Điện Biên Phủ, và cả thời kỳ sang Pháp đánh giặc cho “mẫu quốc” nữa. Mấy chú lính sữa nghe hoài những chi tiết như “đạn trúng ngay ngực nhưng không hề hấn gì, rơi ngay xuống trước mặt”… được ông thích thú nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Ông quả quyết người ông có chất kỵ đạn và không thể nào chết vì đạn được. “Đạn bay tới gặp tui là phải tránh về hướng khác liền, ông nói, sức mấy mà trúng tui nổi”.
Tôi nhìn mái tóc hoa râm của Trung sĩ Lâm đang rung rung theo cử động của những ngón tay thô gầy. Tôi định hỏi xem ông đã làm phiếu, gởi đơn xin phục vụ theo khả năng chuyên môn của tôi chưa. Nhưng thực ra đó không phải là lý do tôi dậy sớm và hối hả đến đây để gặp ông sáng nay. Vì một chuyện khác, mà tôi không dám nghĩ hẳn tới và để cho nó hiện ra rõ rệt trong trí tôi. Tôi sẽ phát run lên khi thốt ra câu hỏi về nó. Tôi phải bịt kín tai lại để khỏi nghe câu trả lời, mặc dù tôi vô cùng nôn nóng muốn được nghe ông Lâm – hay bất cứ người nào – kể lại rành rọt với đầy đủ chi tiết câu chuyện đó nữa.
Tôi bước vào văn phòng. Tiếng động làm ông Lâm hơi giật mình. Ông đứng dậy chào và than phiền ngay với tôi về bản báo cáo vũ khí của “cái thằng hạ sĩ nghĩa quân ngu ngốc” nào đó. Ông đưa cho tôi xem tờ giấy và chỉ vào con số ghi số vũ khí cấp phát là 23, vậy mà tổng cộng các thứ lại là 40, làm ông tức tối không chịu nổi. Sau một hồi thử lại mấy con tính cộng ông để tôi ngồi lại một mình, bước ra cửa, nói đi tìm cho ra “cái thằng hạ sĩ ngu” để mắng cho một trận.
Tôi ngồi trên mé góc bàn viết, chân thấp chân cao. Gian phòng dùng làm Văn phòng Đại đội nầy được dành một chỗ ngăn ra bằng một tấm vách tôn gợn sóng. Trên tấm tôn có treo một miếng giấy bồi mầu vàng nhạt, viết mấy chữ “VÔ PHẬN SỰ CẤM VÀO” bằng bút nguyên tử đỏ, kiểu nửa thì chữ in, nửa chữ thường. Đó là kho vũ khí của Đại đội, nơi tàng trữ những cây súng của các chú lính-không-thích-đời-lính đã gởi lại – về nghỉ phép rồi biệt tích luôn – sét rỉ chưa kịp đem trả, và những thùng lựu đạn chưa ném giặc mà mỗi lúc một vơi đi dần trong những vụ “ném cá ăn chơi”.
Nắng đã bắt đầu mất dần mầu hồng vàng của bình minh, đang chiếu ánh sáng trắng xuống khoảng sân đất đỏ. Bên kia sân, con đường dốc chạy từ cổng vào giữa khu đồi. Kế cận con đường, ở mép đồi là những hầm trú ẩn mà cả đêm lẫn ngày, trong đó chúng tôi sinh hoạt: ăn uống, ngủ, trò chuyện và đánh bài.
Hố được đào sâu chừng vài thước, lấy đất đắp lên tấn chung quanh, chất thêm mấy lớp bao cát. Trên nóc che tôn, đổ đất vun lên trông như những ngôi mộ to lớn, chui vào trông có vẻ giống những nhà mồ. Vào những buổi trưa mùa hạ, khi gió Lào thổi về không ngớt, thì những nhà mồ đó biến thành những lò hấp bánh, trong đó trăn trở, lăn lộn những thân người trần trụi, đầm đìa mồ hôi. Trung sĩ Lâm trở lại, vẫn không ngớt phàn nàn “cái bản báo cáo mắc toi”. Ông không tìm thấy “thằng hạ sĩ cù lần”. Ông đến bên tấm lịch bóc một tờ, nhìn con số chỉ ngày mới rồi vò nát tấm lịch cũ trong lòng tay, vất vào chiếc sọt rác méo mó, để ngay dưới chân ghế.
- Tôi về Huế sáng nay nghe, ông Lâm. Phiền ông làm cho tờ phép.
Ông Lâm ngước lên nhìn tôi thoáng chút dò hỏi. Tôi cũng nhìn lại ông.
- Bữa nay cấm trại mà, Chuẩn úy. Ông ngập ngừng trả lời.
- À… há, tôi cố kéo dài giọng để thay lời giải thích là tôi cũng có nhớ điều đó, đã xem qua lệnh cấm trại và cũng biết đến nỗi lo lắng của ông qua hai tiếng “cấm trại” trong một ngày đặc biệt. Tôi gục gật đầu nhè nhẹ ra chiều đã hiểu.
Ông vẫn còn nhìn tôi chờ đợi, dường như ông cho rằng tôi cần phải tỏ ra biết điều hơn chút nữa, phải nói thêm một vài lời biểu đồng tình cho ông được yên tâm. Nhưng tôi lại mỉm cười, khiến cho ông không hiểu, đâm ra bực bội.
Tôi đang ngồi ở mép bàn, mấy ngón tay lồng vào nhau, kẹp giữa hai đùi, đu đưa chiếc chân hỏng đất, nện gót giày vào chân bàn cồm cộp. Một lúc lâu sau, trước khi cúi xuống với công việc, Trung sĩ Lâm mới nói:
- Chừ không thể làm giấy phép được, Chuẩn úy. Chỉ có thể cấp Sự vụ lệnh, mà sợ ổng – Đại đội trưởng – cũng không chịu ký nữa à.
Tôi nói “không sao” để ông ta yên lòng, bởi nét mặt ông lúc đó tỏ vẻ ái ngại đã không giúp tôi được việc mà lẽ ra ông đã làm một cách dễ dàng trong những ngày thường.
- Thôi, không cần giấy phép nữa, tôi nói lững lờ. Tôi dù về một lát, chắc cũng không đến nổi gì đâu.
Tôi muốn hỏi lại ông câu chuyện mà lúc mờ sáng tôi đã nghe ông nói không được rõ ràng – tôi dở thức dở ngủ – nhưng tôi vẫn ngồi im lặng. Trí tưởng tượng của tôi đã vẽ ra những hình ảnh khủng khiếp khiến tôi phải vội xua đuổi. Tôi sợ ông Lâm sẽ khiến cho câu chuyện đó trở thành sự thật. Tôi muốn thính giác tôi đã có sự lầm lẫn trong khi nghe ông Lâm nói về điều đó lúc mờ sáng.
- Nhờ Trung sĩ nói lại với Đại đội trưởng giùm nghe. Tôi phải đi Huế ngay, có chút việc cần.
Ngoài sân một chiếc xe Dodge đang rồ máy. Tôi gọi lớn:
- Thượng sĩ Đăng, cho tôi về Huế với. Ông Lâm, tôi đi nghe.
Tôi nhảy xuống – làm chiếc bàn đóng bằng ván gỗ pháo binh rung rinh – phóng ra sân, leo lên ngồi bên cạnh Thượng sĩ Đăng. Ông bảo tôi vào trong để ông ngồi ngoài vì ông có súng. Tôi cười nhìn gương mặt sạm nắng của ông và vừng trán khuất một nửa dưới chiếc mũ đen rộng vành phai mầu.
Ông giữ khẩu cac-bin M2, nơi thắt lưng đeo lủng lẳng mấy quả lựu đạn. Lúc xe ra đến đầu con đường dốc đổ xuống cổng, tôi còn thấy Trung sĩ Lâm đứng nhìn theo ái ngại và khi xe lăn chầm chậm xuống dốc, ông chạy ra giữa sân nói với theo:
- Chuẩn úy đi đường coi chừng, cẩn thận. Bữa nay đường đi nguy hiểm.
Tôi vẫy ông vội đưa tay lên làm loa, hét trở lại:
- Chết thì chôn, lo gì.
Chiếc xe chở đầy quần áo cũ đem về đổi ở phòng tiếp liệu Tiểu khu. Ngồi bên trái, sau lưng tôi, một người lính nghĩa quân tay lăm lăm cây M2, ngón trỏ luôn để hờ bên cạnh ổ cò, mắt anh đăm đăm nhìn vào phía núi. Dãy núi đổ dốc xuống những thửa ruộng lúa chín, một vài nơi đã gặt còn trơ lại gốc rạ. Thấp thoáng trong những đám ruộng gần chân núi, nổi lên giữa mầu lúa chín vàng những chấm trắng nón lá và những tấm lưng áo đen di động.
Xe bị chết máy ở khoảng đồi 30, lúc sắp qua một quãng đèo ngắn. Thượng sĩ Đăng và người lính nhảy ngay xuống đường chĩa súng vào hướng ruộng lúa. Tài xế giở nắp xe sửa chữa. Một lúc, xe nổ máy. Thượng sĩ Đăng lên xe, lấy khăn tay ra lau những giọt mồ hôi vả lấm tấm trên vầng trán da đen bóng.
- Chiếc xe mắc dịch, ông phàn nàn. Thật khéo lựa chỗ chết máy. Điệu này coi chừng không về tới Huế.
Ông móc túi lấy cái bật lửa để vào lòng nón quẹt châm thuốc. Làn khói đầu tiên rít hết hơi phà ra miệng mũi có vòi, bị gió thổi quặt về phía sau tan biến.
- Thiếu úy Dũng, Đại đội trưởng cũ bị phục kích chết tại đồi 30 đó. Thượng sĩ Đăng kể. Ông đưa đám tang Trung sĩ nhất Chánh lên Đá Bạc, lúc trở về thì bị. Ngay ban ngày chớ phải tối tăm gì. Đám lính đi dàn chào chỉ đem theo vài băng đạn, bắn hết bỏ chạy. Ông bị thương ở chân không chạy được, tháo lon lết vô trốn trong kẹt đá, họ lôi ra bắn chết.
Anh tài xế cho xe chạy như bay, anh nói chạy được lúc nào hay lúc ấy, vì chiếc xe không đáng tin cậy. Vả, chạy nhanh như thế, may ra có thể lướt qua những ổ mìn?
- Thượng sĩ có nghe tin gì về trận đánh đồn Lương Mai đêm hôm không? Thốt nhiên tôi buộc miệng hỏi ông ta.
Mắt vẫn không rời khỏi mặt đường lồi lõm, ông dở chiếc mũ vuốt mái tóc đã điểm bạc cho xuôi theo hướng gió, thong thả trả lời:
- Nghe đâu khi máy bay lên thả trái sáng thì chỉ thấy một đống lửa đang cháy rực, không còn chi tiết nào khác nữa. Sáng nay có phái đoàn trên Tiểu khu ra thị sát và lấy xác.
Tôi nhắm mắt lại. Ông Đăng đã vừa giúp tôi dở tấm vải phủ trên gương mặt nát của người thân chết thảm thương tôi đã kịp nhìn thấy trước khi nhắm mắt lại.
Xe hãm bớt tốc lực, rẻ xuống con đường vòng vào một thửa ruộng vì cây cầu vừa bị giật sập mấy ngày trước đây. Một thân chiếc cầu cắm xuống bùn sâu, phần còn lại chổng lên trời, dựng đứng thẳng góc với mặt đường.
Trên suốt quãng đường từ đồi 30 đến giáp cầu Truồi đếm cả thảy bảy ổ mìn đã nổ. Hai chiếc xe hàng bị lật còn để tại chỗ, nằm đưa bốn bánh lên trời. Đi trên quãng trường nầy bao giờ đến nơi mới tin mình còn sống. Ngồi trên xe luôn có cảm tưởng chiếc xe sắp bay bổng lên và không biết lúc nào tất cả chúng tôi cùng tan ra với mớ quần áo cũ.
Nhưng dẫu sự lo lắng có căng thẳng thần kinh tôi đến thế nào đi chăng nữa, hình ảnh ngọn lửa thiêu trọn đồn Lương Mai vẫn cứ chập chờn trước mắt. Hình ảnh của đám lính trong đồn liều mạng băng qua chính bãi mìn phòng thủ của mình để thoát thân, khiến cho gan ruột tôi cồn cào và một nỗi khiếp sợ lẫn ghê tởm chợt đến, quấn chặt lấy tôi đến nỗi, cuối cùng tôi thấy mình biến thành một ngọn lửa run rẩy tự thiêu mình và trong tận cùng nỗi tuyệt vọng, bỗng nảy sinh một ảo tưởng.
“Ngọc đang đứng ở ngưỡng cửa ra vào căn nhà bếp. Như thường ngày, nó mặc chiếc quần đùi đỏ, để mình trần, bày ra cái lồng ngực xẹp lép trơ xương. Thấy tôi về nó đưa tay lên vẫy: “Ê, mới về đó hả bồ? Dù coi chừng bị nhốt nghe”. Không kịp trả lời, tôi chạy bay tới ôm lấy nó mà khóc, vì mừng rỡ. “Ngọc ơi! Mày còn sống! Mày còn sống, hả Ngọc?”. Nó có vẻ ngạc nhiên lôi tôi ngồi xuống chiếc giường ngủ – mà đã bao nhiêu lần chúng tôi cùng ngủ chung trong những đêm học bài thi – hỏi giật giọng: “Cái gì vậy, hả? Có gì thì kể tao nghe, sao lại khóc?”. Tôi vẫn ôm lấy nó không trả lời. Ngọc quàng một tay lên vai tôi bóp nhẹ: “Cái gì làm mày đến nỗi phải khóc? Điên à? Lính tráng gì mà yếu quá vậy?”. Giọng Ngọc đã thoáng có vẻ lo lắng. Tôi ngẫng lên nhìn nó một lúc, như muốn để tin chắc rằng, tôi không đang sống trong một giấc mơ.
Nó đó, Ngọc đó. Với đôi mắt sâu và cặp lông mày dày nhưng nhạt màu, mái tóc quăn quăn kia. Hai vai thì lòi xương đòn gánh và những ngón tay dài quá khổ đang để trên vai tôi kia. Phải, đó là Ngọc, bằng xương thịt, Ngọc đang còn sống trên cõi đời. “Đêm qua đồn Lương Mai bị xơi gọn rồi. Tao tưởng mày…”. Ngọc cười to lên, cúi xuống ôm lấy tôi siết lại một cái thật mạnh tưởng chừng tôi bị gẫy xương. Nó buông tôi ra mà cơn cười vẫn chưa dứt, hai tay không ngớt vỗ xuống bắp đùi trần chan chát, đầu nghiêng ngã, gục gật ra chiều đắc ý. “Cái số tao cao lắm”, Ngọc dằn cười, nói, rồi lại cười lên ha hả. “Dại gì đi trình diện sớm chứ. Ở lại chơi cái đã. Đi đánh nhau chớ phải đi ăn cỗ đâu mà đi sớm. Mày thấy tao hên không? Phải đi trình diện đúng ngày thì chừ tiêu tùng rồi còn gì! “Đột nhiên nụ cười tắt trên môi nó, vẻ mặt Ngọc trầm ngâm hẳn lại.
Tôi có cảm tưởng như nó đang chìm vào giây phút mặc niệm một-thằng-Ngọc-nào-đó-là hình bóng của nó- vừa từ biệt cõi đời một cách tức tưởi thay cho nó. “Không còn gì cả Ngọc ạ”. Tôi nói. Bọn họ hai tiểu đoàn, pháo kích và tấn công chớp nhoáng. Pháo binh mình phải yểm trợ trên mục tiêu. Hôm nay là ngày kỷ niệm lớn, mày nhớ chứ?”. Ngọc gục gật đầu tỏ ý đã hiểu. “Mìn nổ trên suốt quãng đường tao về đây”. Ngọc quàng vai tôi đứng lên, nhìn vào mặt tôi cười. Bỗng nhiên tôi thấy nụ cười nó không gây cho tôi chút hứng thú nào. Tôi cau mày nhìn lại và nụ cười nó vội tắt.
… Hôm hai đứa đến bốc thăm chọn đơn vị ở Tiểu khu - theo lời Thiếu tá Tham mưu trưởng thì trong hai mươi chín người về trình diện đã có tới hai mươi sáu người, cha mẹ hoặc thân nhân có quen biết với ông, tới “nhờ Thiếu tá trông nom hộ”, nên để được công bằng, ông phải tổ chức cuộc bốc thăm. Nhưng ông lưu ý các tân sĩ quan, sẽ không có một người nào ở lại hậu cứ – dù là Chi khu đi nữa – tất cả đều phải đi làm Trung đội trưởng chiến đấu “cho quen đạn”. Ít nhất là nửa năm. Khi Ngọc bốc cái thăm có viết địa danh Lương Mai thì Thiếu tá Tham mưu phó nói ngay: “Anh đừng ngại, Đại đội đóng ở đó tối đa là ba tháng thôi”. Ông quay lại hỏi viên phụ tá: “Đại đội mấy hè?”. “Dạ 213”. “À, Đại đội này đã đóng ở Lương Mai một tháng rồi, ông nói. Hai tháng nữa tôi sẽ cho đổi về gần!”.
Chúng tôi ngơ ngác không hiểu gì. Lương Mai ở đâu, như thế nào, mà theo lời ông có vẻ “dễ sợ” quá vậy? Trong lúc Ngọc bối rối nhìn quanh thì Thượng sĩ Tân – hạ sĩ quan hướng dẫn chúng tôi – vội nắm khuỷu tay nó dìu ra một nơi. Chúng tôi vẫn lần lượt lên rút những cái thăm định mệnh, đựng trong chiếc mũ sắt để cao lên quá đầu. Kẻ Phú Thứ, người Phú Vang. Có người về Quảng Điền, Phong Điền, Vinh Lộc. Phần tôi bốc thăm nhằm Phú Lộc, một Quận lỵ nằm ven quốc lộ 1, cách Huế hơn bốn mươi cây số về hướng Nam.
Theo lời Thượng sĩ Tân, thì Lương Mai là một vùng tử địa. Ông nói với Ngọc bằng vẻ mặt nghiêm trọng:
- Tôi nói không phải để làm Chuẩn úy mất tinh thần đâu. Chỗ đó có tiếng nguy hiểm xưa nay, VC như rươi. Mới năm ngoái đây, đồn đã bị hốt sạch một lần rồi. Ngừng lại để chờ người nghe kịp hiểu rõ những lời mà ông nghĩ là rất đáng lưu tâm, nhất là đối với một sĩ quan mới ra lò như Ngọc, rồi ông thản nhiên nói tiếp: “Nói về cái cực khổ thì… Ông lắc đầu, trề làn môi dưới ra rồi thả lững lờ mấy tiếng “không chê được”. Ông cam đoan, đó là một cái đồn cô độc… nhất thế giới. Một tuần mới có chuyến bay tiếp tế một lần, gặp khi trời mù thì … hai tuần, có khi cả tháng, chỉ có cơm sấy đổ nước mà thôi và cá hộp… trường kỳ. Ông ngừng nói, rít những hơi thuốc dài. Ông định nói thêm gì nữa, nhưng nhìn nét mặt lo âu của Ngọc, ông hơi lưỡng lự. Ông cố tìm những chi tiết hạn chế bớt sự bi thảm sợ làm Ngọc nản lòng. Với hai con mắt nhìn ông không chớp, hai tròng mắt lồi của Ngọc đứng yên, dán vào đôi môi khô thâm đang ngậm chặt điếu thuốc gần tàn.
- Nói xin lỗi Chuẩn úy, lắm khi … đi đồng cũng phải bò từ trong đồn ra cầu, chứ hễ đi sổng lưng thì… tắc cụp! Thế là xong. Bọn họ bắn sẻ tài tình lắm. Mà lại núp trong bụi bờ, làm sao mình thấy được.
Nhưng rồi ông lại trấn an Ngọc:
- Mấy tháng nay nghe nói có một Tiểu đoàn pháo binh Mỹ và Đại Hàn đóng trên đó, như vậy có lẽ cũng đỡ. Ông vỗ vai Ngọc khuyên nhủ như một người anh từng trải nói với đứa em sắp sửa dấn thân vào chốn hiểm nghèo:
- Nói là nói vậy, chớ con người sống chết có số cả, lo lắng làm gì cho thêm mệt. Đời nhà binh không đo lường tính toán được. Có khi thấy tưởng xui mà lại hóa ra hên và ngược lại. Thôi cứ tới đâu thì hay tới đó.
Nói xong ông lảng đi, bỏ Ngọc đứng lại một mình.
Tôi bỗng chua xót nghĩ thầm: “Chẳng có số mệnh con khỉ khô gì ráo. Nếu không gây ra chiến tranh, nếu không đem con người ra trong cái “trò-chơi-xử-tử-lẫn nhau” ấy, thì làm sao họ có thể chết hàng đàn hàng lũ như vậy được?
Số mạng? Tôi ghét cay ghét đắng và thương hại những kẻ tự lừa gạt mình và lừa gạt cả thiên hạ bằng hai tiếng vô nghĩa đó. Đó là một thứ ngụy tín của bọn ý chí suy nhược, bất lực và ngu xuẩn. Hoặc của bọn xảo quyệt, có ác tâm, dùng để lừa đảo.
Bốc thăm xong, chúng tôi tụm năm, tụm ba lại bàn tán. Có những người đùa nghịch đòi đổi bù tiền để lấy chỗ có tiếng hiểm nghèo mà người bạn không may đã vớ phải.
Tôi quàng vai Ngọc xuống lầu. Thấy nét mặt rầu rầu của bạn, tôi không muốn làm cho Ngọc thêm lo với câu chuyện của một người lính mà tôi vừa nghe được. Theo lời anh ta thì những người ra đồn Lương Mai ít ai có dịp về phép. Lần về nghỉ phép của họ là dịp họ nhận một giấy phép về chơi bên kia thế giới – những người lính gọi đùa là “thuyên chuyển về vùng V – và mình mặc một chiếc “sơ mi gỗ tạp”.
Lúc chúng tôi xuống nửa bậc thang, có người chạy theo gọi Ngọc, anh ta nhảy từng hai bậc thang một:
- Nghe mày cũng ra Lương Mai hả? Hắn vội đưa cái thăm cho Ngọc xem. Tôi thấy rõ hai chữ “Lương Mai”. Đi cho có đôi, đỡ buồn. Hắn ta nói. Mầy định bao giờ trình diện? Đi trễ trễ đợi tao với nghe.
Giọng buồn mà quả quyết, Ngọc nói sau khi đã chửi thề:
- Cho chết! Tao cóc cần! Ở nhà tới cuối tháng luôn, chơi cho đã rồi sẽ hay.
Hôm đó mới là mồng 9 tháng 5. Trọng Sự vụ lệnh đề ngày 10 tháng 5 phải trình diện đơn vị.
*
Xe dừng lại trước Tiểu khu, tôi vội phóng xuống đón chuyến buýt về chợ Đông Ba. Nắng hạ tuần tháng 5 ngột ngạt, đi bộ về đến nhà tôi hoa mắt.
Ông cụ bảo tôi:
- Sao con lại mạo hiểm vậy? Không nhớ hôm nay là sinh nhật Cụ Hồ à? Để qua ngày khác đi có hơn không?
Bà cụ tôi nói:
- Con nó mới về còn mệt, ông để nó nghỉ, hỏi dông dài chi vậy. Rồi bà dịu dàng bảo tôi:
- Con đi rửa mặt, tắm rửa cho khỏe.
Bà giục đứa em gái út pha cho tôi ly chanh đá. Nhưng tôi không làm theo lời bà cụ mà chỉ cởi bộ đồ trận, nằm sãi tay trên mặt đi-văng, nhắm mắt lại:
Một lúc, hốt nhiên tôi mở choàng mắt, hỏi ông cụ một cách đột ngột:
- Ngọc đi trình diện đơn vị ngày nào vậy, ba?
- Thì nó cũng đi hôm con về Phú Lộc đó, nhưng không có máy bay nên buổi trưa về lại. Mãi mấy hôm sau mới đi được. Hình như nó mới đi hôm kia.
Tôi ngồi bật dậy, mở to mắt nhìn ông và bắt gặp ông cũng đang hướng về tôi, vẻ nghi ngờ, dò hỏi:
- Đồn Ngọc bị đánh mất đêm hôm rồi. Tôi nói, như hoàn toàn do bất ngờ, lưỡi tôi run lên vậy, rồi ngã mình không gượng, nằm xuống lại. Mắt nhìn lên trần nhà. Dường như cho rằng mình đã nghe lầm, ông cụ lập lại những lời tôi vừa nói thành câu hỏi:
- Đồn Ngọc bị đánh? Mất đêm hôm rồi? Nhưng nó mới đi hôm kia đây mà. Con nghe tin đó ở đâu vậy?
- Ở ban truyền tin Đại đội con. Đến hôm nào mà họ đánh chẳng được? Tôi đáp xẵng. Bỗng dưng tôi tức giận vô cớ và cảm thấy mình lố bịch. Tôi dịu giọng nói với ông:
- Ba làm ơn qua báo cho bác Huỳnh hay để bác sang Tiểu khu hỏi lại cho đích xác. Theo chỗ con biết thì không có mấy người chạy thoát.
Để mình trần, ông cụ tôi chạy băng ngang đường sang nhà bác Huỳnh - đối diện với nhà tôi.
Còn lại một mình, tôi nằm yên và nhớ lại cái cảm giác bàng hoàng thảng thốt khi tôi vừa về đến cổng nhà, nhìn qua khung cửa bếp nhà Ngọc trống trơn. Ngọc đâu có đứng đó, tôi đâu có được ôm Ngọc khóc sung sướng như tôi đã tưởng tượng.
Cả khu phố công chức im lìm trong buổi trưa nắng cháy. Buổi trưa như một khối thủy ngân rực rỡ chĩu nặng, đè xuống lòng người. Một sự im lìm trông có vẻ như vô hại của một khối thuốc nổ. Cái yên lặng trong khu rừng đã có sẵn ổ phục kích.
Khi tôi sang nhà Ngọc, ông cụ tôi hãy còn ở đó. Bác Huỳnh ngồi xếp bằng tròn trước mâm cơm có đĩa cà muối, bát canh cải xanh và đĩa cá đối kho. Ở vành mâm trước mặt bác, chén cơm đầu vừa bới ra, chưa động đũa, đang bốc hơi.
Bác mở to đôi mắt ốc nhồi nhìn tôi nói, tưởng như bác nghe tôi bằng hai con mắt muốn lồi ra đó, trên gương mặt thất đảm xám xanh. Đôi đũa trong tay bác run lên, cái trán hói nhăn lại những nếp sâu, đã rịn mồ hôi. Miệng bác há hốc để lộ mấy chiếc răng vàng đóng đen nhựa thuốc lá. Một lúc lâu bác mới hỏi tôi, bằng một giọng mất hẳn âm điệu thường ngày mà nếu tôi không trông thấy bác chắc hẳn tôi không còn nhận ra:
- Thiệt… thiệt hả con? Đồn thằng Ngọc …. Mất đêm hôm rồi ồ… ồi à?
- Dạ… con cũng nghe tin điện tại Đại đội con như vậy thôi. Ăn cơm xong bác qua Tiểu khu hỏi lại cho chắc.
Nhưng bác đã vội đứng lên thay áo quần đi ngay. Chén cơm còn nguyên đang nguội dần. Bác đã quên bữa cơm.
*
Cả khu xóm công chức của tôi đã hay tin, nhưng người ta còn chờ ông cụ Ngọc trở về để biết chắc chắn. Mỗi người như có gài sẵn trong tim một quả mìn nổ chậm. Thời gian trôi qua và những trái tim căng, sắp vơ.
Nắng hừng hực như có đám cháy ngay trên đầu, không có lấy một làn gió nhẹ. Lá cây rủ xuống trong sự chịu đựng kiệt lực. Suốt con đường vắng tanh. Nắng. Chỉ có nắng đang ngự trị, thả ra muôn vàn con đom đóm sáng lóa trên mặt nhựa đường, trên các mái ngói.
Trong nhà tôi, nét mặt mọi người trở nên xa vắng một cách kỳ cục. Mỗi người chọn cho mình một chỗ và cách ngồi, bộc lộ tâm trạng họ, như những người tham thiền, họ thấu hiểu tư tưởng của nhau, không cần phải thổ lộ bằng lời nói: họ đang chờ đợi tin một tai họa mà họ còn nuôi chút hy vọng được cứu vãn bằng một phép màu vào giây phút cuối cùng. Một thứ ảo ảnh của người khát nước trong sa mạc, khi họ chưa ngã xuống, niềm hy vọng chỉ bám víu vào sự phò hộ của một quyền lực vô hình.
Đột ngột, phá tan bầu không khí yên lặng, từ đầu đường, có tiếng máy xe hơi nhà binh vang tới. Rồi một chiếc xe "đốt" xuất hiện, chạy chầm chậm vào con đường. Cả xóm như bị dựng dậy, mọi người đổ xô ra đứng ở hàng hiên nhìn trân trối chiếc xe vừa dừng lại trước nhà Ngọc. Hạ sĩ tài xế từ trên xe bước xuống. Cả nhà tôi cùng chạy sang. Chú Kham ở liền vách nhà Ngọc, bước choàng qua hàng rào dâm bụt, không kịp vào bằng cửa chính. Hai bên hàng xóm kéo tới. Chúng tôi đứng vây lấy anh. Anh hạ sĩ đưa mắt nhìn khắp một lượt để đáp lại những tia nhìn của chúng tôi đang đổ dồn về anh, với nét mặt buồn, nhưng giọng điềm tĩnh, anh nói:
- Tôi muốn gặp thân nhân của Chuẩn úy Ngọc. Bác Diên trai vội gọi với vào nhà:
- Bác Huỳnh gái đâu? Người ta kiếm… À, kia rồi. Có anh đây muốn gặp bác để … Bác ngừng bặt, chưa biết nói gì thêm, nét mặt hoàn toàn bối rối.
Anh Hạ sĩ rẽ đám người, tới trước mặt bác Huỳnh gái mà gương mặt đã tái nhợt như một hình nộm. Thân hình bé choắt của bác như bị dìm mất trong trạng thái vô giác. Bác đứng vòng hai tay trước bụng, đầu ngoẻo sang bên gần thẳng góc với chiếc vai so, vẻ thảm thương, bác nhìn anh lính trân trối. Bỗng mọi người nghe tiếng khóc cố kìm hãm của Hương - cô em gái kế Ngọc - nức nở. Anh Hạ sĩ quay nhìn Hương đứng giấu mặt khóc sau cánh cửa, đoạn nhìn thẳng vào mặt bác Huỳnh gái:
- Thưa vâng. Tôi xin báo tin buồn cho bà được biết, Chuẩn úy Ngọc đã tử trận đêm hôm qua, xác sẽ được đem về để tại nhà “Vĩnh biệt” bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Giọng nói của người lính nghe rõ ràng, âm độ vừa phải, không vấp váp, như đọc một câu anh đã học thuộc lòng vì từng lập lại nhiều lần. Khi nào tẩn liệm, anh nói tiếp, chúng tôi xin tin bà được biết. Anh cúi chào bác Huỳnh gái, hơi nghiêng người về phía đám đông, rồi lặng lẽ rẽ lối bước ra xe.
Hương khóc to lên gọi tên Ngọc thất thanh: “Anh Ngọc ơi! Anh Ngọc ơi!… Nàng ôm lấy mặt và những giọt nước mắt chảy ràn rụa qua kẽ tay nàng.
Mọi người có mặt cũng khóc theo nàng. Một vài người cố dùng nghị lực để chống lại cơn cảm xúc, chỉ chợt tái mặt đi, nhưng nước mắt réo gọi được nước mắt và cuối cùng người ta cũng thấy họ kín đáo quay mặt đi để che giấu nước mắt trong khăn tay.
Bác Diên gái vừa khóc vừa đỡ bác Huỳnh đang ngã ra bất tỉnh:
- Bác Huỳnh! Bác Huỳnh ơ.. ơ.. ơi! Khổ quá! Bác Huỳnh! Bác Huỳnh ơi! Bác tỉnh lại. Bác Diên gái réo ba hồn chín vía bác Huỳnh gái. Người ta phụ nhau đỡ bác Huỳnh vào nhà.
Chú Kham mắt đỏ hoe, chạy đi lấy ống dầu ngửi. Những người khác lăng xăng đem tới tí thuốc cấp cứu nào ở nhà họ tìm thấy. Bà Phán bên nhà cắt một lát sâm, cạy miệng cho bác Huỳnh gái ngậm. Bác đang nằm thiêm thiếp trên giường với chiếc khăn mặt thấm nước lạnh đắp ngang trán. Da mặt bác trắng như một tờ giấy. Mãi cho đến khi bác Huỳnh trai trở về làm cho chút niềm hy vọng mơ hồ của mọi người tan ra như mây khói – và người ta lại xúm nhau khóc một lần nữa – bác Huỳnh gái vẫn chưa tỉnh.
Bác Diên gái vừa khóc mếu máo vừa thốt lên những tiếng gì nghe không rõ, như là “trời ơi” và “tội nghiệp”. Hầu như không ai còn lời gì khác hơn để nói. Bác Hồng, bà Phán cũng chỉ thốt lên những tiếng ấy.
Còn bác Huỳnh trai khóc mà không có nước mắt. Chỉ thấy cái miệng móm của bác méo xệch và đôi mắt đỏ hoe như bác đang làm trò. Bác khóc một lúc rồi ngừng hẳn lại kể chuyện. Kể xong bác lại tiếp tục khóc theo cái lối đặc biệt của bác. Những lúc bác nói, tôi tưởng bác đang kể đến cái chết của một người xa lạ nào không phải chính con trai bác.
- Xong rồi, các bác ơi! Ba ông Chuẩn úy mới ra trường, tiêu hết rồi… Còn gì!
Bác kể rằng…, và… Đó là những điều bác vừa nghe về trận đánh người ta kể lại bên Tiểu khu.
Xác Ngọc chưa đem về được. Bác hỏi ý kiến bác Diên về cách tổ chức đám tang và phải đặt để quan tài Ngọc chỗ nào trong căn nhà chật chội của bác.
Chúng tôi xúm nhau đào lỗ dựng cột, che tạm một mái hiên bằng hai tấm bông-sô ghép lại. Chú Kham theo bác Huỳnh trai xuống nhà xác Mang Cá Nhỏ chờ nhận xác Ngọc. Bác Huỳnh vừa khóc vừa nói:
- Các bác coi. Tội nghiệp thằng nhỏ tôi, nó vừa mới ra trường sĩ quan. Vừa đi hôm kia đây chớ lâu la gì cho cam. Người ta hứa chín mười hôm nữa sẽ cho nó về làm ở văn phòng. Bác khóc rống lên thê thảm. Cái số con sao mà đen quá vậy Ngọc ơi! Con ơi! Gập đôi người lại, hai tay bác ôm lấy bụng, như ruột bác vừa mới đứt ra. Phải nghe lời người ta thì có đâu đến nỗi này. Bác kể lể. Họ bảo trong thời gian chờ đợi, hãy khai bệnh nằm nhà thương đi, chờ cho đến khi nào được đổi về làm ở văn phòng rồi xuất viện đi làm. Tôi không nghe, cũng nổi máu anh hùng rơm, xúi nó đi trình diện, “con trai mà, thử lửa một chút cho biết”, tôi nói với nó như vậy. Trời ơi! Con ơi! Nào ngờ lửa nóng quá, con chịu không thấu, Ngọc ơi! Mà hôm đi thấy nó cũng vui vẻ. Cả thằng bạn nó cũng vậy. Mặt hai đứa tươi tỉnh, đâu có vẻ gì là sắp chết bất đắc đâu. Chỉ có hôm nó ủi bộ đồ trận bị cháy cái lon, tôi đã sinh nghi, nhưng lại cho là dị đoan, chớ có ngờ đâu là điềm dữ…
Rồi bác Huỳnh lại khóc ngất.
- Trời ơi! Chú Kham hốt hoảng kêu lên. Làm sao, sao vậy? Bác Huỳnh! Bác Huỳnh! Bác Huỳnh mặt tái dần, mắt trợn ngược rồi ngã ra bất tỉnh. Người ta vội vực bác đem vào nhà, trong phòng riêng của bác.
Bác Huỳnh gái vừa tỉnh lại – Những người đàn bà hàng xóm đã ra về, chỉ còn lại bà Phán, vợ chồng Lan – Chị cả của Ngọc – đang săn sóc cho bác. Bác nằm trên giường, lăn qua trở lại, đập chân tay xuống mặt giường réo tên Ngọc thảm thiết. Bác đấm vào ngực thình thịch. Bà Phán giữ tay bác lại, tìm lời an tủi:
- Thôi bác Huỳnh, dẫu sao cháu nó cũng đã mất rồi. Bác cũng không nên buồn bã âu sầu quá mà có hại đến sức khỏe. Bác vừa mới qua cơn đau, người đang còn yếu. Bác nên nghĩ đến Hương, thằng Bé và Huệ.
Bác Huỳnh gái nhìn bà Phán, đôi mắt dại của bác dần dần lấy lại được thần sắc. Bác nhận ra Lan đang ôm lấy vai bác khóc thút thít. Bác nằm thẳng cẳng, hai mắt nhìn không chớp lên trần nhà như nhìn một vật, một người nào nhưng chỉ một mình bác thấy. Và rồi, hai giòng nước mắt tuôn chảy ra hai bên khóe, lăn tràn xuống kẽ tai, thấm ướt cả chiếc gối. Giòng nước mắt tràn từ hai khóe mắt của bác Huỳnh gái tưởng chừng như hai mạch nước ngầm chảy ra từ một kẽ đất nứt, không bao giờ dứt. Một lúc mặt gối ướt đầm đìa như đổ nước dù Lan không ngớt lấy khăn tay thấm đi cho bác.
Từ buồng bên, chú Kham đi ra cho hay bác Huỳnh trai cũng đã tỉnh lại, đang sửa soạn đi lấy xác Ngọc, nghe đâu đã được chở về.
*
Bác Diên đứng ở cổng ra vào nhà bác Huỳnh nói chuyện với chú Kham, đợi bác Huỳnh cùng xuống Mang Cá nhỏ.
- Cũng còn chút hy vọng chớ chú. Nghe nói trong đồn có bốn sĩ quan mà chỉ chết ba. Biết đâu Ngọc nó đang còn chạy lạc ở đâu đó chưa tìm thấy. Có những trường hợp lạ lùng lắm. Cứ đinh ninh là chết rồi, cả nhà xúm lại khóc lóc, lập bàn thờ khói hương nghi ngút sì sụp vái lạy. Mấy hôm sau lù lù trở về như ma hiện hồn.
Chú Kham ái ngại nhìn bác Diên, chú trả lời bác, giọng nhỏ nhẹ và cố làm cho trở nên nhẹ nhàng, tỏ cho bác Diên là chú không muốn làm cho chút hy vọng vừa chớm nở của bác tan ra như bọt sóng va vào đá cuội:
- Vâng, tôi hiểu ý bác. Bác muốn nói đến vị sĩ quan thứ tư chứ gì? Đó là ông Đại đội phó đi phép, đêm tấn công ông không còn ở trong đồn nữa. Bác Huỳnh vừa gặp ông ta bên Tiểu khu. Vả, người ta đã tìm thấy xác Ngọc có đeo tấm thẻ đính bài khắc rõ tên họ. Sở dĩ xác chưa đem về được vì còn phải đợi máy bay.
Chú Kham và bác Huỳnh trai vừa ra khỏi cổng thì một chiếc xe Jeep đổ lại. Một ông Trung úy Hắc Báo đến cho hay, chính ông đã tìm thấy xác Ngọc trước tiên bị vùi dưới hố cát, và căn cứ vào thẻ bài kim khí, ông đã viết lại rõ ràng tên họ của Ngọc trên một tờ giấy đính vào xác cho thân nhân dễ nhận. Nói xong ông lái xe đi ngay, bỏ lại bác Diên đứng sững như bị trời trồng. Bóng bác in xuống mặt nền xi măng, đen như một vết dầu hắc loang.
*
Bác Diên gái rơm rớm nước mắt nói với tôi:
- Tội nghiệp Ngọc quá con à. Bác thương nó như con vậy. Mới mấy ngày trước đây, nó qua nhà bác lục cơm nguội ăn với Đức – con trai bác Diên, đi trước Ngọc hai khóa – khi hai đứa đi chơi khuya về đói bụng. Có chuyện gì Ngọc cũng kể lại cho bác nghe và hỏi ý kiến bác. Vậy mà bữa nay Ngọc không còn trên cõi đời nữa. Thật như nằm mơ, bác không thể nào tin được là Ngọc đã chết. Vậy mà đó là sự thật. Bác ngừng lại, lật vạt áo lên lau mắt.
Nghĩ đến bạn, mắt tôi cũng bắt đầu thấy cay cay. Nhưng tôi cố kìm hãm – mọi người đã khóc, đó là công việc của đàn bà và của những ông già tinh thần suy nhược. Tôi không muốn tỏ ra – ít ra là trước mặt một người thứ hai – là tôi cũng yếu đuối như vậy. Tôi an ủi bác Diên, và thật khó chịu, khi chính tôi cũng lại nói đến số mệnh – trong hoàn cảnh của bọn thanh niên chúng tôi đối với cuộc chiến tranh nầy, tôi không sao hiểu nổi hai chữ đáng thương đó – để làm cho bác Diên dịu bớt cơn phiền não - đó là cái số không may của riêng Ngọc hay là cái số khốn nạn chung cho cả thế hệ chúng tôi trong cuộc chiến bỉ ổi hiện nay?!
Bác Diên gái nói tiếp:
- Vợ chồng bác Huỳnh lâu nay sống cực khổ, thắt lưng buộc bụng nuôi con ăn học, vừa thành tài thì bị bắt đi lính để bây giờ ra nông nỗi vậy. Ngọc nói với bác là khi nào lãnh lương Ngọc sẽ đưa hết cho cha mẹ… Ngọc là nguồn hy vọng độc nhất mới chớm nở của gia đình bác Huỳnh, đã vội tàn. Thằng Bé thì ham chơi bời lêu lõng, chẳng kể gì đến nhà cửa. Con Hương, thằng Huệ còn đi học. Lan có chồng có con yên phần nó. Bác Huỳnh trai ngày hai buổi còng lưng trên chiếc xe đạp, bất kể nắng mưa với số lương ít ỏi, có đủ đâu vào đâu. Còn bác gái thì quanh năm suốt tháng chúi đầu vào bếp có biết đến một trò giải trí nào. Ngọc chết là nguồn hy vọng của gia đình bác cũng tắt hẳn. Hương rồi sẽ đi lấy chồng. Đợi cho đến lúc thằng Bé, thằng Huệ lớn lên làm sao đợi nổi? Già sắp xuống lỗ đến nơi rồi.
Bác Diên nói với tôi rằng, bác có khuyên bác Huỳnh gái hãy để thì giờ mà cầu Trời khấn Phật cho Ngọc nó được tai qua nạn khỏi. Chính bác đêm nào cũng tụng kinh, xin Phật Trời phù hộ cho Đức, con trai bác.
- Nói xin lỗi con, bác tiếp lời. Chớ ngay như đến chồng bác bây giờ bác cũng không cần đâu con. Chỉ có những đứa con của bác thôi. Chúng nó mà có làm sao thì chắc không sống nổi con à… Tội nghiệp, trước hôm đi Ngọc có hứa với đám con bác, bao giờ lãnh lương ráp-pen Chuẩn úy nó sẽ đãi đám nhỏ đi xi-nê. Mấy đứa nhỏ mừng rỡ vây lấy Ngọc, “hoan hô anh Ngọc một phát”.
Giọng bác Diên gái mỗi lúc trở nên bình tĩnh hơn, giống một bầu trời trong sáng lên dần khi gió thổi đẩy đi xa những đám mây u ám. Bác kể, buổi sáng cách đây ba hôm, bác thấy một chiếc xe “đốt” dừng lại trước nhà Ngọc. Trên xe đã có người bạn của Ngọc. Ngọc xách chiếc ba lô từ trong nhà đi ra cười với bạn:
- Ê, sao bữa trước nói ở nhà chơi cho đã mà bữa nay lại đi sớm vậy bồ?
- Thì nói thế thôi. Đi phức cho rồi, ở nhà chẳng biết làm gì. Người bạn cũng tươi cười trả lời.
Ngọc quăng xắc lên xe hỏi:
- Lần nầy chắc có máy bay không đó? Ngọc vừa hỏi vừa leo lên xe. Không khéo đợi đến trưa rồi lại trở về như bữa trước.
Má Ngọc chạy theo ra đứng cạnh hông xe nhìn lên. Bác hiền lành quá, chẳng biết nói với con những gì trước khi từ biệt. Bác cứ đứng vịn tay vào bờ thanh sắt mà nhìn Ngọc mãi như muốn thu lấy cho rõ ràng hình ảnh đứa con trai yêu vào tâm khảm, đứa con trai bác rứt ruột đẻ ra, nhọc công nuôi nấng cho lớn khôn, bây giờ sắp xa bác, đi vào chốn hiểm nghèo.
Ngọc chống tay lên càng xe, cúi xuống nói với mẹ:
- Thôi má vào nhà đi, đứng đó làm gì cho thêm nắng. Con đi ít lâu có phép lại về thăm nhà. Đâu có xa xôi gì má lo. Lên đến con viết thư về liền cho má yên lòng.
Bác Huỳnh gái nhìn con van lơn:
- Mặc kệ má con à, nắng chút có sao. Con cho má đứng nhìn con một lát. Con đi rồi, có muốn má cũng không nhìn con được nữa.
- Nhưng nắng quá mà, má. Ngọc nôn nao nói. Con đi lâu nhất là hai tháng con lại về, má à. Ngọc cười tươi. Lúc đó tha hồ má nhìn con chớ gì.
Má Ngọc gượng cười, lập lại lời nói:
- Kệ má, con. Cho má đứng đây nhìn con một lát. Xe chưa chạy mà.
Bác Huỳnh trai đã đi làm, lũ em Ngọc đi học. Buổi sáng, khi dắt chiếc xe đạp ra đường, ông bắt tay Ngọc cái bắt tay đầu tiên ông dành cho đứa con trai:
- Lát nữa… Ba không có nhà… Thôi con đi mạnh giỏi.
Hai đứa em kế Ngọc, Hương và Huệ, tay mang cặp, cũng nói:
- Anh Ngọc đi mạnh giỏi nghe.
Hương, cô em gái nói mà không nhìn anh, quay mặt dấu nước mắt sau vành nón lá. Còn Huệ, cậu em trai thì lí lắc:
- Anh đánh giặc cho chì nghe. Lấy về cho em cây súng, nhớ nghe. Em bắn chim.
Bác Diên gái cũng ra đứng ở cửa, trông thấy, Ngọc đứng thẳng người đưa tay lên chào theo lối nhà binh, rồi cười nói:
- Lần này chắc con đi thật rồi, còn lâu con mới về, vì đường giao thông khó khăn. Con xin chúc hai bác ở lại mạnh giỏi.
Người tài xế đã cho nổ máy xe. Ngọc quay sang mẹ, cầm lấy hai tay bà rồi bất ngờ, hôn lên làn má nhăn nheo của mẹ:
- Má, con chúc má ở nhà bình an. Nói con gởi lời chào ba con và các em. Thôi, con đi nghe. Xe sắp chạy rồi, má vào đi kẻo nắng.
Mặc cho Ngọc có nói gì, người mẹ cũng vẫn đứng đó, hai mẹ con nhìn nhau. Ngọc gắng gượng cười tươi cho mẹ yên lòng.
Chiếc xe lăn bánh. Hai tay người mẹ níu lấy thành xe rớt xuống, trơ trọi. Nhìn theo con, bấy giờ hai giòng nước mắt mới tuôn tràn xuống má.
Trẻ con trong xóm chạy theo gọi “anh Ngọc, anh Ngọc”. Ngọc cười, đưa tay vẫy. Có đứa nghịch ném lên xe một hòn sỏi. Ngọc cung tay lên làm bộ điệu bắn súng, miệng thét “Pằng! Pằng!” Bọn trẻ con vẫn chạy đuổi theo xe. Ngọc vẫn quay lại bắn bằng miệng cho đến lúc chiếc xe tăng tốc độ bỏ lại lớp bụi mờ và khuất mắt ở khúc quanh đầu đường.
- Bây giờ, bác Diên tiếp. Bác còn nghe rõ ràng tiếng Ngọc cười nói, tiếng giày Ngọc nện cồm cộp trên mặt đất lúc Ngọc chạy ra xe. Bác lắc đầu, thật khó tin quá con ạ, bác khó tin là Ngọc đã thực chết rồi.
Bác thở dài, chào tôi ra về. Tôi đưa bác ra cổng, không biết phải nói lời an ủi nào với bác cho phải. Bác còn nán lại thêm chút nữa, nói:
- Ngọc thật vô tội con ạ. Ngọc chết vô tội. Công lao cha mẹ nuôi nấng hơn hai mươi năm trường cầm bằng đem đổ xuống sông. Mà có ích lợi gì cho ai đâu? Lợi cho ai thì chẳng thấy, chỉ thấy thiệt thân con cháu mình và làm đau buồn các bậc cha mẹ. Thôi, con vào ăn cơm đi, bác về. Mai con còn ở lại chớ? À, con nên nói với anh em trong xóm giúp đỡ bác Huỳnh đưa Ngọc đến nơi an nghỉ cuối cùng. Một lần trong một đời người, nghĩa tử nghĩa tận. Rồi thì người sống có công việc của người sống, còn ai có thì giờ mà nhớ đến Ngọc nữa, phải không con?
*
Buổi chiều thì tôi nghe xác Ngọc đã được liệm, đang còn quàn tại chùa Diệu Đế. Nghe đâu Ngọc chết nhằm ngày trùng nặng nên bác Huỳnh cử không dám đem về nhà.
Sau khi mở cuộc lạc quyên trong xóm lấy tiền mua lễ vật phúng điếu, chúng tôi – những thiếu niên trong xóm – đến chùa làm lễ.
Quan tài Ngọc được kê trên hai bục gỗ, để ngay trước sân chùa, bên trên phủ lá cờ dài rủ xuống che gần khuất hai bên hông. Trên nắp áo quan, cháy leo lét một hàng sáu cây nến trắng. Ở một đầu có đặt bàn thờ với tượng Phật Bà Quan Thế Âm. Bác Huỳnh đang bàn việc chôn cất với sư ông trụ trì. Bác cho chúng tôi biết, là bác đã liệm Ngọc bằng một bao bố trà Tàu. Bác nhờ chúng tôi làm một mái hiên che quan tài Ngọc, “kẻo mai nắng dọi tội nghiệp nó”.
Hôm sau, suốt buổi sáng tôi bận việc nên không đến chùa được. Nghe đâu sáng đó, Trung tá Tiểu khu trưởng và phái đoàn chính quyền có đến phúng điếu. Ông có đọc một bài điếu văn ngắn theo thông lệ với nội dung sáo, cho rằng Ngọc là một sĩ quan can đảm “đã sát cánh cùng đơn vị chiến đấu đến giây phút cuối cùng” và “đã hy sinh cho chính nghĩa, để lại bao tiếc thương cho dân tộc”… Ngọc được truy thăng cấp bậc Thiếu úy và gắn Anh dũng Bội tinh kèm nhành dương liễu. Buổi trưa, trước khi về đơn vị, tôi xuống chùa, gọi là để từ giã vong linh Ngọc lần cuối cùng. Chiếc hòm đã được sơn màu lam nhạt, trang trí hai bên hông hình bông sen trắng. Trên đầu quan tài, bức ảnh Ngọc chụp khi mới gắn Alpha được phóng to, lồng khung kính. Bên cạnh để cặp lon Thiếu úy, hoa mai đồng vàng chói nổi bật trên nền vải nhung đen. Tôi đứng xa nên không thấy tấm huy chương để chỗ nào.
Thằng cháu nhỏ đi theo tôi nói:
- Anh Ngọc được thăng cấp Thiếu úy.
Tôi hỏi nó:
- Cháu có thích làm Thiếu úy như anh Ngọc không?
Nó giãy nãy:
- Làm Thiếu tướng cháu cũng không thèm. Chết rồi thì còn biết gì nữa. Nghĩ ngợi một lúc, nó phát biểu thêm:
- Chết rồi mà cho làm Tổng thống cháu cũng không ưng. Làm dân thường mà sống sướng hơn.
Tôi nhìn đăm đăm vào bức ảnh của Ngọc. Tôi nhớ lại lời tôi đã nói với nó buổi sáng hai đứa đi nhận Sự vụ lệnh:
- Ngọc này, Thiếu tá nói còn hai tháng nữa Đại đội mày sẽ được đổi về chỗ tốt. Hai tháng kể ra không là gì, ngay như hai năm cũng vậy, đối với một đời người. Nhưng mày nhớ cho là giữa sự sống và sự chết khoảng cách không đầy một giây đồng hồ.
Ngọc đã làm thinh không trả lời. Mãi lâu sau nó mới nói một cách giận dữ:
- Ôi thôi! Kệ cha nó, hơi đâu mà lo lắng cho mệt xác. Nói xong nét mặt Ngọc trở nên buồn rũ rượi. Từ ngày đó đến nay mới hơn một tuần lễ.
Tôi muốn đến chào vĩnh biệt Ngọc, nhưng chân tôi vẫn không nhúc nhích. Tôi nhìn ảnh Ngọc đang mỉm cười với ánh mắt sáng rỡ kia mà tự nhủ: “Không Ngọc ạ. Tao không cần phải đến chào vong linh mày. Không cần thứ hình thức phiền toái tầm thường đó. Cái điều tao phải làm khó khăn hơn nhiều và không phải một mình tao có thể làm nổi. Nó cần đến tất cả những người còn lòng xót thương cho số phận khổ ải của đất nước nầy. Nó cần đến sự chung sức của cả dân tộc mình đó Ngọc… Mày chết yên phần mày, bỏ cái cõi sống đầy bất trắc này lại cho bè bạn. Công việc phải làm không phải là thăng cấp cho mày và ban thưởng bảy thứ huy chương – đó chỉ là hành vi phỉnh phờ – Không, công việc phải làm là từ nay cố ngăn ngừa những thằng- Ngọc-vô-tội khác, không cho vùi thân một cách lãng nhách, tội tình trong lò quay súc vật của bọn đồ tể quốc tế. Cố ngăn giòng nước mắt của các ông cha bà mẹ già nua khóc những đứa con còn măng trẻ.
Ngay trưa hôm đó tôi trở về đơn vị. Đám tang Ngọc mãi xế chiều mới đưa.
*
Trong cái chết của Ngọc có hai điều mà người nhà của Ngọc không muốn cho ai biết.
Thứ nhất, Ngọc chưa có vợ mà lại chết nhằm ngày trùng nặng. Ba má Ngọc sợ có chuyện rắc rối trong gia đạo do hồn oan của Ngọc không chịu đi đầu thai trở về quấy phá, như trường hợp các cô gái còn trinh chết uất ức.
Tôi biết điều này không thể xảy ra được, dẫu cho có thật chuyện hồn oan đi nữa, vì Ngọc đã không còn là một cậu trai tân. Chính tôi đã dắt Ngọc xuống đò sông Hương, xô nó vào lòng một ả và mọi sự đã xảy ra hoàn toàn như ý, dù rằng trước đó nó có phản đối lấy lệ và khi cô gái choàng tay ôm nó, nó run lên như cầy sấy. Đối với Ngọc, việc đó có thể chưa được rõ ràng và cũng chẳng lấy gì làm điều, nhưng bây giờ chắc nó cũng được yên tâm đi đầu thai kiếp khác và tự hào kể với những con ma ngây ngô rằng, nó đã từng biết đàn bà là gì rồi.
Còn điều thứ hai, thì chỉ riêng bác Huỳnh và chú Kham biết rõ mà thôi, khi hai người nhận xác Ngọc để tẩm liệm. Chi tiết hệ trọng nầy bác Huỳnh và chú Kham không tỏ cho ai biết nhất là đối với những người trong gia đình Ngọc. Nhưng chú Kham đã không cầm lòng được khỏi kể lại với tôi, trong lúc tôi đang sửa soạn trở về đơn vị.
- Cháu về trại đó hả? Chú hỏi tôi. Này, đi đứng cẩn thận nghe cháu, mấy ngày nay họ hoạt động ghê lắm. Cháu không nghe các trận đánh xảy ra khắp nơi, mìn đua nhau nổ trên quốc lộ đó sao? Rồi, sau một hồi lâu trầm ngâm, chú vội nói, như vừa chợt nhớ ra:
- À, cháu đi không kịp đưa đám Ngọc hả? Tội nghiệp Ngọc cháu ạ. Chú lại nín lặng một lúc rồi mới ngập ngừng nói tiếp:
- Ngọc bị chết thiêu, cháu à. Áo quần cháy hết. Chết trần truồng và không được toàn thây. Chú nói, nhưng cháu để bụng, đừng kể lại với ai nữa mà tủi cho vong linh nó. Giọng chú trở nên thì thầm, như tự nói với mình một điều gì quan trọng. Chú nhìn cũng chẳng ra nữa cháu à. Y như một khúc than hầm. Phải, một khúc than không hơn kém. "Tượng khỏa thân đàn ông" của một điêu khắc gia bi quan thuộc trường phái biểu tượng. Mất một phần đầu và cả cánh tay mặt, người lấy xác bảo tìm mãi không thấy. Làm sao tìm cho ra được, phải không, khi nó đã cháy rụi trong tro than ấy chứ? Nếu trên cổ tay Ngọc không còn lại tấm lắc thì chẳng biết đàng nào mà nhận ra nữa cháu ạ. Thê thảm quá! Trông tang thương cái cảnh cha liệm xác con ấy. Không làm sao mặc áo quần vào cho nó được. Thật là khó khăn quá. Chỉ có thể để yên như vậy rồi quấn vải trắng bao quanh thì mới giữ nguyên lành được. Cháu nghĩ, chín rục hết cả rồi, động tới là nó rã ra cả. Thôi thì đành thất lễ với cháu nó vậy và cầu cho vong linh nó thấu rõ lòng cha nó chua xót đến độ nào đã phải làm như vậy.
Tôi nói:
- Cháu vì bận chút việc chiều qua, nếu không cháu cũng theo chú đi nhận xác Ngọc.
- Thôi cháu ạ, chú nói cháu đừng trách, không đi mà lại hơn. Đi chỉ thêm đau lòng. Chuyện vui nên chia sẻ. Trong hoàn cảnh nầy, tốt hơn là nên giới hạn nó lại. Gieo rắc thêm nỗi khổ tâm cho người khác có ích gì. Chú và bác Huỳnh đã đủ rồi. Ảo não lắm cháu ạ. Lúc người ta mới dỡ tấm khăn che mặt lên chỉ cho bác Huỳnh cái khúc than đó nói là xác của Ngọc, ông khóc rống lên:
- Con ơi! Sao mà con chết thê thảm như vầy… Ai bắt con chết, ai xui con chết vậy con ơi… Con tôi vô tội. Con đã làm nên tội tình gì mà bắt con phải chết oan ức giữa tuổi thanh xuân…? Ngọc ơi! Công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng nuôi, con chưa đền đáp mà… Ai bắt con chết, Ngọc ơi?!
Ông ôm lấy xác Ngọc khóc như một người điên loạn, chú phải hết lời khuyên can ông mới nguôi, chiếc áo trắng của ông lấm đầy bụi than.
Tôi đứng lặng yên nghe chú Kham nói. Chú ngưng kể nhìn tôi hỏi:
- Bao giờ cháu đi? Cháu đi ngay bây giờ chứ? Ừ, thôi cũng được. Ráng mà lo bảo toàn lấy tấm thân cháu nhé. Công lao cha mẹ dưỡng nuôi mấy mươi năm trường mới nên được như ngày nay. Chú bắt tay tôi:
- Cháu đi mạnh giỏi và may mắn. Chú còn giữ tay tôi, mắt đăm chiêu. Cháu ạ, như vậy là Ngọc chưa kịp lãnh lương Chuẩn úy nữa nhỉ?
- Thưa chú vâng. Tôi đáp. Ngọc vẫn còn lãnh lương Trung sĩ.
- Mới mấy hôm đời lính. Chú nói, vội buông tay tôi./.
Kinh Dương Vương