Từng đứa một – cả thảy năm đứa – từ buồng ngủ nối đuôi nhau lừ đừ tiến sang phòng khách. Tôi đang đọc báo. Tới giữa phòng, chúng tản ra. Thằng lớn đeo lủng lẳng ở vế đùi một khẩu súng lục gỗ, báng súng bọc giấy kim tuyến vàng óng ánh, ngực nó, ở phía tay trái, đính một ngôi sao năm cánh lớn, bằng giấy bạc. Thằng nhỏ nhất cũng vậy. Dáng đi, điệu bộ chúng, như những đồ trang bị trên người chúng, cũng giống nhau như đúc. Nhìn những khuôn mặt non choẹt ấy thoắt sắc lạnh lại, những đôi mắt gườm gườm, sáng quắc, tóe lửa – những đôi mắt khi đã đoán thấy sự hiện hữu của kẻ thù – nhìn những thân hình chuột nhắt ấy di động chậm chạp, thận trọng trên nền đá hoa, trong những bước chân khuỳnh khuỳnh, dệnh dạng, trong cái phong thái ngang tàng của những đấng anh hùng tí hon bắn nhanh và bắn giỏi nhất thế giới, những đấng anh hùng đó đang nín thở, chờ rình, nghe ngóng, rón rén, rồi bất thình lình quay vụt lại, bàn tay lăm lăm trên báng súng sẵn sàng nhả đạn, nửa mình tạ rạp xuống, đôi mắt trừng trừng xuyên thủng cái màn đầy đặc bóng tối của một xó góc tưởng tượng – khi kẻ thù đã xuất hiện, đã đối điện – tôi không thể nhịn cười được trước cái cảnh tượng ngộ nghĩnh, nhưng tôi không dám cười. Đi thật sâu thật xa vào cái thế giới thiên đường ảo tưởng thần thánh, những thượng đế nhỏ thó là những đứa cháu tôi đang sống rất thực, rất mê đắm cái trò chơi kỳ thú của chúng, căn phòng khách hiền lành đã biến thành một vùng đất địch núi non trùng điệp, một thứ thung lũng của tử thần, bàn ghế, đồ đạc đã hóa thân thành con ngựa, quầy rượu, mái nhà, tảng đá, chúng nó đang truy nã, đang thanh toán kẻ thù, tiếng cười giễu cợt lúc này là một tội ác, tôi biết thế, tôi không dám cười. Một tiếng thét lạnh giá: “Giơ tay lên”. Tôi giật mình trước một nòng súng đen ngòm chĩa thẳng vào mặt. Thằng nhỏ nhất đã tìm thấy kẻ thù, kẻ thù đó chính là tôi, tôi đành buông tờ báo giơ cả hai tay lên. Nhưng kẻ giết người phải đền tội. Pàm, pàm. Tôi ngã xuống, tôi chết rồi và bỏ mặc cái tử thi kẻ thù khốn kiếp nằm đó, những đứa cháu tôi lại đăm chiêu, lừ đừ, khuỳnh khuỳnh, dệnh dạng, thẳng lớn dẫn đầu, thằng nhỏ tập hậu, vượt biên giới trở lại phòng ngủ.
Trò chơi đó tái diễn đã hơn một tuần nay, ngày nào cũng dăm bảy bận và tôi bị bắn chết đã hàng trăm lần, kể từ cái buổi sáng chủ nhật tôi đưa chúng nó đi xem xinê cuốn phim Tráng sĩ với khẩu súng bá vàng của Henry Fonda. Chúng nó mê Henry Fonda và cái biệt thự nhỏ, yên tĩnh của anh tôi, dưới bếp, ngoài hành lang, trong buồng khách, buồng ngủ, ngoài vườn, trong buồng chứa đồ, đã xuất hiện đầy chật những Henry Fonda với khẩu súng bá vàng và ngôi sao bạc của người tráng sĩ mã thượng dũng cảm. Trò chơi đó tạo thành một thích thú vô song và toàn thể ở những đứa cháu con người anh ruột tôi, không trừ một đứa nào, trò chơi không hề một lần – tuy nó cũng đi xem phim – có mặt Khôi, Khôi không hề một lần nhập cuộc, Khôi không hề một lần tham dự.
Nó ngồi đó, thật sâu, trong lòng ghế, hai cánh tay bụ bẫm duỗi thẳng song song trên đùi gối, mái tóc húi ngắn lởm chởm trên vừng trán rộng, đôi mắt nhìn thẳng dửng dưng, cái miệng mím chặt, khuôn mặt trang nghiêm, lững lờ, bất động và im lặng như một pho tượng. Không một thái độ, một phản ứng. Nhặt tờ báo lên, tôi cúi xuống hỏi nó:
“Cháu không chơi với các em sao?”
Nó nhìn tôi, đoạn lại nhìn thẳng trước mặt, không lắc cũng không gật đầu. Phút đó, tôi có cảm tưởng câu hỏi của tôi như tiếng gõ cửa một căn nhà đóng kín, nó đã thu mình vào một thế thủ như con ốc cuộn tròn trong vỏ, bao bọc toàn khắp cái thân thể và cái tâm hồn thơ trẻ của nó bằng một tấm giáp sắt. Tôi rút túi lấy năm đồng chìa cho nó: “Cho cháu”. Nó thò tay cầm lấy nhưng vẫn ngồi yên. Tôi vỗ vai nó, thân mật: “Ra ngã tư tìm hàng bò viên, mau lên”. Lúc đó Khôi mới rời khỏi lòng ghế, khuôn mặt trang nghiêm lững lờ vẫn không biểu lộ một trạng thái mừng vui nào, nó từ từ đứng dậy và mở cửa đi ra.
*
Một buổi sáng, tôi nhớ cách đây đã sáu tháng, Đường, anh cả tôi, nhận được lá thư của một người cô ngoại từ Biên Hòa gửi về. Đọc thư xong, Đường ngẫm nghĩ một lát, rồi ngửng lên hỏi tôi:
“Chú bận gì không?”
Tôi ngạc nhiên trả lời:
“Không”.
Đường gõ gõ ngón tay xuống lá thư:
“Đây là thư cô Linh viết nói về anh Quảng. Và thằng Khôi, đứa con của Quảng. Tôi muốn nhờ chú đi đón nó về đây cho ăn học cùng với các cháu. Chú còn nhớ anh Quảng không?”
“Quảng con cô Cả?” Tôi hỏi.
“Đúng, Quảng con cô Cả”. Đường cau mặt nói tiếp: “Lạ thật, cô Linh nói nó là đứa con độc nhất của Quảng, Quảng đã đến nỗi nào mà phải nhờ cô Linh nói với chúng mình nuôi dưỡng hộ? Thôi được, hãy cứ đón nó về đây đã. Chú đi ngay hộ tôi bây giờ mới kịp trở về chiều nay. Đường đứng dậy trao lá thư cho tôi: “Quảng hiện ở Trảng Bom, địa chỉ của Quảng đây”.
*
Trên chuyến xe hàng cũ kỹ lăn ọc ạch trên con quốc lộ số Một, cuộc hành trình, nhìn sang những cánh rừng cao su bát ngát, hàng nghìn gốc cây kéo hút tầm mắt vào những đường dài thẳng tắp, với những khung ánh sáng hiện lên thật xa dưới vòm lá xanh đặc tối thẳm như những cửa hầm, tôi đã nghĩ đến Quảng, nhớ lại Quảng.
Quảng là con đầu lòng của một người cô – cô Cả Đoàn – chị ruột cha tôi. Trong số những cô, thím, dì, mợ, nội, ngoại, xa gần của chúng tôi, có thể nói cô Cả là người đàn bà xấu số, hẩm phận, bất hạnh và đáng thương nhất của cái thành phần mà mẹ tôi thường có thói quen gọi chung là những con gái của dòng họ Nguyễn. Mẹ tôi nói: “Con gái họ Nguyễn vất vả, nhưng không ai vất vả bằng cô Cả Đoàn”. Và điều đó thật đúng. Nói về cô Cả, mẹ tôi thở dài: “Cô Cả Đoàn thì vất vả cả đời”. Cô Cả vất vả thật và sự vất vả đó hiện hình ra bề ngoài, từ cái tiếng nói lúc nào cũng vội vàng, từ cái dáng đi lúc nào cũng hấp tấp, nửa thân trên đâm chúi về đằng trước, như chạy. Cái hình ảnh mà mẹ tôi thường dùng để diễn tả cái thân phận của những người đàn bà về làm dâu họ Nguyễn, cũng như những người đàn bà họ Nguyễn xuất giá – như trường hợp cô Cả – là cái hình ảnh rất tục ngữ đó của một hạt mưa sa. Hạt vào ruộng móc. Hạt ra vườn đào. Đó là hình ảnh một định mệnh tùy thuộc vào may rủi, vào hồng phúc, vào thiên số. Của một đời sống thiếu vắng hoàn toàn mọi điều kiện chủ động. Và cô Cả tôi đã là cái hạt mưa xấu số rơi vào ruộng móc đó là cái hoàn cảnh, cái đời sống tối tăm cùng khổ của người chồng cô, đời sống tối tăm cùng khổ của những người đàn ông sinh trưởng, lớn lên và chết đi trên những thước đất cằn cỗi của một xóm nghèo, mà mọi đổi thay tốt đẹp chỉ có thể thực hiện bằng bỏ đi, bằng xuất ngoại, bằng ly hương, bằng lập nghiệp ở những địa phương khác, dưới những vùng trời khác.
Được may mắn vào gia đình một người đàn ông họ Nguyễn đủ can đảm xuất ngoại và tạo dựng được một địa vị, một cơ nghiệp – là cha tôi – những kẻ xa làng là chúng tôi chỉ họa hoằn, thường là vào mỗi mùa xuân, mới trở về quê cũ một lần. Nhưng những lần hồi hương hiếm hoi cũng đủ để tôi không thể nào xóa bỏ được trong trí tưởng, ấn tượng về đời sống trần trụi, nếp sinh hoạt cùng cực của cái thôn xóm nằm dưới chân đê Hồng Hà kia.
Những vũng nước tù, những ao bèo, những con đường sống trâu lầy lụa, những mái tranh xiêu đổ, những bụi tre xơ xác gió lộng, và những bóng người lầm than, lủi thủi, vất vưởng, lay lứt trên cái bối cảnh tối xám đến độ choáng váng. Người làng không có ruộng đất, cũng không có một nghề nghiệp đáng kể, đủ để trở thành một sinh kế nuôi thân. Lợi tức độc nhất hàng năm trông hoàn toàn vào số lượng ngô bắp ít ỏi mong manh của mấy thước bãi nổi bên kia bờ đê, lợi tức đó chỉ cần một đêm nước lớn dâng lên phủ kín khắp bãi là tiêu tán. Và mất mùa, và đói, thì người làng, từ cụ tiên chỉ đến thằng mõ, lại quay vào cái nghề thủ công lỗi thời và cùng khổ nhất: làm vàng. Chồng cô tôi chính là một điển hình của những bóng người lủi thủi lầm than đó vì thiếu điều kiện, thiếu tham vọng, bạc nhược, an phận, nên đã sống rất già và chết rất trẻ bên đống vàng giấy rẻ tiền. Cho tới Quảng, Quảng cũng lớn lên và cũng sống cái tuổi ấu thơ của Quảng trong cái cảnh ngộ tối tăm, kín đặc, không một lối thoát này. Quảng hơn tôi mười hai tuổi. Hình ảnh mà tôi giữ được của Quảng ở những ngày tháng trẻ dại của mình, cái vóc dáng xanh yếu, khuôn mặt nhẫn nhục của một người anh họ ngồi xổm bên những chồng nứa chẻ nhỏ, những thếp giấy bồi, chậu hồ bột nếp, lúng túng ngượng thẹn đứng dậy khi chúng tôi ầm ĩ kéo tới, và cái ngước mắt buồn rầu chứa đầy của Quảng buổi chiều từ cổng làng nhìn lên mặt đê cao, khi chúng tôi lên xe trở lại với ánh sáng và đời sống rực rỡ của thành phố.
Cha tôi thấy Quảng thông minh, khuyên cô tôi cố gắng cho Quảng ăn học đến nơi đến chốn, điều mà cô tôi nghe theo. Nhưng tới được ban Thành Chung, Quảng cũng phải bỏ học. Ít lâu sau đó, Quảng đã hai mươi tuổi – trong ý định chia sẻ một gánh nặng gia đình chồng chất đã quá lâu trên đôi vai gầy yếu và đơn độc của người chị xấu số, cha tôi đã về tận làng đón Quảng xuống ở cùng với gia đình tôi, trả lương tháng cho Quảng để gửi về giúp cô tôi, bằng cách giao cho Quảng trông nom sổ sách kế toán, và buổi tối, kèm thêm chúng tôi học. Sống dưới mái gia đình tôi, Quảng đã làm mọi công việc được giao phó một cách chu đáo và có lương tâm, điều khiến cho cha tôi rất đỗi hài lòng, và đã khiến mẹ tôi – lúc nào cũng nhìn đời như “đũa có đôi” – tính đến chuyện thay quyền cô tôi gây dựng cho Quảng. Đã trưởng thành, nhưng bản chất không đổi thay, giữa chúng tôi, Quảng vẫn là kẻ xa lạ đó, lầm lì, tư lường, ít nói, những xúc động và ý tưởng thầm kín bị đánh chìm xuống tận đáy cùng một nội giới u uẩn, sự biểu tỏ ra bề ngoài, chỉ là sự cách biệt và cái thái độ im lặng, cái thái độ hư vô, mơ màng những phút Quảng cúi đầu đi đi lại lại hàng giờ ở khoảng sân vắng sau nhà, những đêm tôi chợt thức giấc, nhìn thấy bóng Quảng trên khung cửa sổ nhìn đăm đăm trên nền trời sao, những buổi chiều Quảng một mình đi qua chiếc cầu nhỏ sang con đê bên kia sông, cái bóng nổi lên vòm trời như một tháp chuông cô độc.
Tuy vậy, ở cái con người lầm lì trầm mặc đó, đôi khi đã bất chợt nổi dậy những phút cáu kỉnh, những cơn giận dữ khủng khiếp. Và khi giận dữ, Quảng biến đổi hoàn toàn đến độ mất tự chủ. Đôi mắt Quảng đỏ ngầu. Tay chân Quảng run bắn, miệng Quảng sùi bọt mép, mặt Quảng tái nhợt. Như một người điên.
Đó là những lúc mà, đang đắm chìm ngây ngất trong cái thế giới ảo tưởng của mình, Quảng bị chúng tôi tới phá quấy, làm rộn, hoặc chế giễu, Quảng ưa mơ mộng và có thói quen vừa mơ mộng vừa đi đi lại lại. Những lúc đó Quảng ở trên mây, khuôn mặt đờ đẫn như bị mê hoặc bởi chính sự mơ mộng của mình, những lúc đó, Quảng hoặc vừa đi đi lại lại, hoặc vừa khe khẽ ngâm thơ. Và chỉ cần chạy đến ôm chầm lấy Quảng, hoặc đùa nghịch ầm ĩ quanh người Quảng, làm thức tỉnh Quảng khỏi dòng mơ mộng triền miên liên tục của Quảng, là đủ để Quảng cáu lên như một người điên, và chắc chắn là kẻ đó sẽ ăn những cái tát nên thân. Một trong những câu thơ tôi nhớ Quảng thường ngâm ngợi là câu này, mà chỉ rất lâu về sau tôi mới biết là thơ của Lưu Trọng Lư:
Ước gì thuyền đậu ngoài muôn bến.
Tôi nhớ có một lần đã hỏi Quảng về câu thơ đó: “Ngoài muôn bến là cái gì, anh Quảng?”, “Ngoài muôn bến là là… hừm, hừm…”. Quảng có vẻ muốn cắt nghĩa cho tôi hiểu, nhưng liền đó Quảng đã cau mặt gắt lớn mắng tôi là trẻ con biết gì mà hỏi và đuổi tôi đi học bài. Bây giờ, nghĩ lại về Quảng, tôi mới biết cái hình ảnh “ngoài muôn bến” của câu thơ cũ chính là hình ảnh nỗi mơ ước trừu tượng, niềm ám ảnh siêu hình của Quảng, và câu thơ đã cắt nghĩa ở một khía cạnh nào đó cho cái quyết định lìa bỏ gia đình tôi của Quảng, lúc bấy giờ.
Sống với chúng tôi được ngót hai năm, bỗng nhiên một hôm Quảng xin cha tôi cho phép được nghỉ việc, lấy cớ là về làng thăm mẹ và lũ em nhỏ. Cha tôi bằng lòng nhưng dặn Quảng phải trở lại. Nhất là mẹ tôi, mẹ tôi bắt Quảng hứa phải trở lại, bởi đã dấm sẵn được một chỗ cho Quảng và muốn hỏi cái “chỗ ấy” cho Quảng. Quảng vâng dạ. Nhưng Quảng về mà không trở lại. Cô tôi mếu máo, khóc lóc báo tin cho cha mẹ tôi biết, Quảng đã xuống một chiếc tàu biển, đi theo đoàn mộ phu đồn điền cao su vào Nam kỳ.
*
Chiếc xe hàng tắt máy đậu lại trước một túp lều dựng sát mặt lộ, đầu một lối đi vào. Một dãy nhà lá lụp xụp gối lên nhau chạy dọc theo lối đó, đối diện với cánh rừng cao su phía nhà máy bên kia với những mái ngói đỏ chói nổi bật trên nền lá xanh đậm. Bà cụ hàng nước bảo tôi “thầy Quảng” ở căn nhà cuối dãy. Tôi đi vào, những chiếc xe ben vừa chở gỗ qua đây, những vết bánh chở nặng lún xuống còn in hằn trên mặt đất ẩm ướt. Suốt lối đi, những đứa trẻ con trần truồng ngồi chầu hẫu trên những chiếc vỏ xe cũ vất ngổn ngang từng đống lớn. Nắng bùng dữ dội. Không khí chập chờn choáng váng. Đến trước một tấm phên nứa mà nước mưa đã làm thành những tảng rêu loang lổ khắp bốn góc, tôi đứng lại. Tôi cất tiếng gọi lớn: “Anh Quảng, anh Quảng”. Tiếng chân người lệt xệt kéo lết trên nền đất bên trong, một bàn tay thò ra đẩy tấm phên, tấm phên nhích đi để lộ một khoảng trống hẹp, khoảng trống hẹp đó đã đủ cho tôi nhìn thấy người đứng trước mặt là Quảng.
Tôi còn nhớ, mãi mãi, cái cảm giác của tôi lúc bây giờ, là một nhói buốt kinh hoàng ở ngực, sự nhói buốt đau đớn đâm suốt vào tim như một chiếc gai. Qua bao nhiêu năm, tôi vẫn nhận được Quảng, nhận được ngay, tức khắc, sự đổi thay lạ lùng của Quảng, nó hiện hình ở khuôn mặt Quảng. Chưa từng ở một người nào, chưa bao giờ, tôi lại nhìn thấy, lại có một bằng chứng cụ thể về sức tàn phá hủy hoại ghê gớm, khủng khiếp của cái mà người ta vẫn gọi tuổi tác và thời gian, nhưng không phải, không phải vậy, không phải tuổi tác và thời gian. Mà chính là sức tàn phá hủy hoại của chính sự sống, khi sự sống không còn là một nguồn nuôi dưỡng, khi sự sống chỉ còn là một sức tàn phá dã man, mọi rợ, cái sức tàn phá của con rắn độc mổ mãi, mổ mãi không thôi vào mắt vào mũi, của những giọt cường toan cháy sèo, cháy sèo, mãi mãi, không thôi vào trán vào miệng và bây giờ là sức tàn phá đó đã để lại đầy đặc kín khắp những vết thẹo kinh khủng.
Trong ý tưởng gặp lại một người đứng tuổi tôi đã đứng trước mặt một ông già. Và sự già nua này cũng khác thường, rùng rợn. Nó tạo cho tôi cái cảm giác lạnh ớn, tôi đã xem một cuốn phim quái đản nào đó, của một khuôn mặt trước một phút thanh niên, trẻ trung, một phút sau đã biến hình, tất cả những nếp nhăn nhất loạt hiện ra, tất cả những đường máu đường gân đồng loạt rút mất, của một trái xanh thoắt chợt méo mó, nhăn nhúm, thối rữa và rụng xuống. Quảng mang trên mặt Quảng cái khuôn mặt đó, cái khuôn mặt của một sự già nua thê thảm hiện hình, cái khuôn mặt hãi hùng của cái chết thê thảm hiện hình, cái khuôn mặt hãi hùng của cái chết phơi bày toàn vẹn nhất, đầy đủ nhất, kinh dị nhất trên khuôn mặt của một kẻ còn sống.
Tôi không gặp Quảng đã ba mươi năm. Nhưng điều đó chẳng chứng tỏ gì hết. Giá có là ba trăm năm sau, tôi vẫn không thể nào ngờ Quảng có thể đổi khác đến như vậy.
Cố gắng lắm, tôi mới tạo được một nụ cười và hỏi Quảng:
“Anh Quảng còn nhớ tôi không nào?”
Đôi mắt đục đỏ của khuôn mặt tàn phá nhìn tôi trong cái nhìn đờ đẫn, mệt nhọc, Quảng lắc đầu: “Không”, Quảng nói, giọng khàn khàn, rồi Quảng cúi gập xuống trong cơn ho rũ rượi. Tôi đành phải nói tên tôi và vẫn chưa đủ, phải nhắc đến tên thầy tôi, lúc đó Quảng mới biết. Quảng à à mấy tiếng, đoạn né sang một bên cho tôi bước vào. Căn buồng tối mờ mờ, hơi lạnh từ mặt đất toát lên. Một cái tủ áo mất cả hai cánh, quần áo ném ngổn ngang trên những ngăn trống. Một chiếc chõng tre thấp và một chiếc giường còn buông màn kín mít, tấm mùng tối bẩn như căn buồng thiếu ánh sáng. Một cái bàn gỗ, hai cái ghế, trên mặt bàn để một ấm bình tích nước, mấy cái chén lổng chổng, một ngọn đèn dầu, ánh lửa trắng bệch.
Chúng tôi ngồi xuống chiếc chõng tre. Dọc đường, nhớ lại câu thơ mà Quảng vẫn ưa thích, “Ước gì thuyền đậu ngoài muôn bến”, tôi đã định bụng gặp lại Quảng sẽ nhắc lại để trêu Quảng, nhưng tôi không còn can đảm nữa. Người anh họ mơ mộng ngày trước đã lùi rất xa rất khuất sau cái ông già, kẻ lạ mặt đang ngồi trước mặt tôi, và thú thực, phút này, tôi đã muốn đứng dậy ra ngoài, tôi đã muốn bỏ đi thật mau, để may ra còn giữ được một phần nào cái ấn tượng muốn giữ về Quảng nếu không là muộn quá.
Tôi hỏi Quảng:
“Anh vẫn mạnh?”
“Dạ, tôi vẫn mạnh”. Quảng trả lời và lại im lặng ngó xuống bàn tay, bàn tay mà tôi đã nhìn thấy những ngón gầy quắt, run run của người mắc chứng động kinh. Đó là những ngón tay lẩy bẩy của kẻ nghiện rượu đến cái độ rượu đã hành hạ đã hủy hoại mãnh liệt cơ thể. Không muốn kéo dài sự im lặng bắt đầu trở nên nặng nề, tôi vào thẳng câu chuyện:
“Chúng tôi vừa nhận được thư cô Linh…”
“Chú nói lớn một chút”. Quảng đã ngắt lời tôi, và lấy tay chỉ vào tai: “Chú nói nhỏ tôi nghe không thấu chú à!”
Tôi ngẩn người. Thảm thật. Quảng già, Quảng còn điếc nữa. Tôi đành ngồi xích lại, và đằng hắng lấy giọng, tôi nói lớn vào tai Quảng là chúng tôi đã nhận được thư cô Linh, và Đường cho tôi lên đây đón thằng Khôi về cho ăn học cùng với lũ con Đường. Lúc đó, Quảng mới nghe rõ. “À, vâng, thằng Khôi”. Nhìn ra mảnh vườn cao su lúc đó đã im sững trong nắng đứng bóng như tìm kiếm, Quảng lẩm bẩm: “Quái, nó lại chạy đâu mất rồi”. Và quay lại tôi: “Vâng vâng, chính thế, chính thế, tôi muốn phiền các chú trông nom giúp tôi thằng cháu. Tôi muốn phiền các chú… tôi muốn phiền các chú…”
Thân hình Quảng cúi gập lại như có một sức nặng vô hình đè xuống và Quảng cứ lắp bắp nhắc đi nhắc lại: “Tôi muốn phiền các chú, tôi muốn phiền các chú…” cho đến khi Quảng ngửng lên, đôi mắt đục đỏ của Quảng đã giàn giụa. Trên những khóe mắt mệt nhọc, dòng lệ dềnh lên, tràn đầy, ứa ra, lăn chảy từ từ thành vệt xuống khuôn mặt tàn phá. Quảng khóc, và ngồi nhìn Quảng khóc, tôi thấy hiện lên dần dần như một sự đổi thay ở Quảng. Tôi thấy tôi lầm. Sức hủy hoại đời sống ghê khiếp thật, nhưng không toàn thể, tận cùng như tôi đã tưởng. Trên những nhà cửa đổ nát tan tành dưới trận giông bão cuồng nộ, tôi vừa nhìn thấy ở cuối đáy cái góc vườn tâm hồn của Quảng, một nhánh cây non, nhánh cây đó vẫn sống, rất khỏe, và rất xanh. Nhánh cây đó, mọc dần theo dòng lệ chảy, đang làm tươi mát lại – như một trận mưa đầu mùa – cái khuôn mặt sa mạc héo hon của người anh họ tôi.
Nhắc đến thằng Khôi, đến đứa con độc nhất, Quảng đã chạm tới cái phím đàn chùng cuối cùng trong hệ thống những đường tơ cảm xúc đã tê liệt đã yên nghỉ của Quảng, thắp lên cái ngọn nến cuối cùng còn cháy sáng leo lét trong cái tâm linh, đen đặc của Quảng. Trước đối tượng của một niềm ăn năn, hối hận và thảm sầu vô cùng tận, người cha trong Quảng đã sống lại. Sự sống là một hồi sinh đau đớn. Nhưng Quảng đã sống trở lại, với nó.
Chắc đã lâu lắm, Quảng mới được khóc như vậy. Tôi nghĩ, tốt hơn là để mặc cho Quảng khóc. Những giọt nước mắt ấy tốt và cần cho Quảng. Nghĩ vậy, tôi đứng dậy đi ra cửa, nhìn ra ngoài. Cánh rừng cao su trước mặt ngút ngàn chạy dài, ánh nắng đứng lại trên những tàn lá dầy như môt cái mái chói lòa lấp lánh, không lọt được xuống dưới, thảm cỏ xanh nõn trải qua những gốc cây cách quãng đều đặn. Cổng vào nhà máy vắng tanh. Một toán phu ngồi quây quần ăn cơm trưa trên một khoảng đất trống. Những cánh bướm bay lượn chập chờn cuối lối đi mở vào cánh rừng già. Yên lặng, bát ngát, buổi trưa lớn ngủ thiếp.
Tôi đảo mắt nhìn toàn thể khu đồn điền thâm tâm chợt nổi lên sự so sánh đời sống thoi thóp tàn lụi trong cái nắng chói chang thiêu hủy dần dần với sự thoi thóp tàn lụi của đời Quảng. Như một chôn vùi, một lãng quên nghẹn ngào. Còn thuyền ước muốn được “đậu ngoài muôn bến” đã bỏ dở cuộc hành trình mộng tưởng ở chốn này, những khoang thuyền mục nát đã nằm gối đầu mà chết trên bãi khô của hòn đảo hoang vu, và những phiến gỗ thoi thóp thở dài thì vẫn không thôi nhớ thương những đại dương và những vùng trời sao không bao giờ biết đến.
Tôi còn đang bâng khuâng với cái ý nghĩ buồn rầu đó về đời Quảng, bỗng hiện ra ở đầu đường một đứa nhỏ. Nó từ phía quán nước chạy về, vừa chạy tới vừa thở. Thấy tôi, nó đứng sững lại. Đầu nó đội một cái mũ cối to vành đã rách, tay nó cầm một chai rượu và một gói lá chuối. Tôi tránh ra cho Khôi – bởi chính là nó – bước vào. “Cháu Khôi đấy”. Tiếng Quảng nói sau lưng tôi. Tôi lại gần mỉm cười xoa đầu nó, “Khôi bỏ mũ xuống. Chạy đâu mà dữ vậy?”. Trong cái không khí nhợt nhạt, tiều tụy của căn nhà, sự có mặt của đứa nhỏ như một vết sáng rực rỡ chiếu vào và làm sáng lên. Trán nó lấm tấm mồ hôi. Khuôn mặt tròn hoay rám nắng đen cháy. Tay chân mập mạp trông thật thích mắt. “Chào chú đi thằng này”, Quảng nói. Khôi nhìn bố, rồi nhìn tôi trân trân, nhưng không chào. Nó đặt chai rượu xuống, đi lại phía cái rổ ở góc nhà lấy hai cái đĩa mang để lên mặt bàn, đoạn tháo dây lạt buộc gói lá chuối, nó đổ những miếng thịt lợn ba chỉ thái mỏng lên chiếc đĩa lớn. Xong đâu đó, nó đi lại đầu giường. Cúi mọp xuống, nó lôi ở gầm giường ra một cái hũ sành. Bưng cái hũ lại bàn, nó nâng hũ lên ngang tầm ngực, đổ một ít lạc rang lên cái đĩa nhỏ, đoạn đậy hũ lại và lại mang để vào chỗ cũ.
Trong suốt thời gian dọn bữa rượu hàng ngày cho bố, Khôi không nói một tiếng, cũng không hề nhìn tôi. Dọn xong, nó lại ngồi xuống ở một góc phản. Tôi nghĩ thầm: “Thật con nào bố nấy”, và mỉm cười bảo Quảng: “Thằng cháu lầm lì tệ”. Quảng nhếch mép, ngó con: “Tính nó vẫn thế đó”. Tôi hỏi nó: “Cháu đã ăn cơm chưa?”. Nó nhìn tôi nhưng vẫn không hé răng khiến Quảng phải đỡ lời con: “Chú mặc cháu, Nó ăn rồi. Thôi ra ngoài chơi để thầy và chú uống rượu”.
Khôi bỏ đi rồi, tôi ngồi vào bàn với Quảng. Quảng nhắc chai rượu, những ngón tay Quảng run lật bật khiến tôi phải đỡ vội lấy. Mầu rượu trắng đục lờ lờ trong chiếc ly cáu bẩn. “Mời chú dùng tạm”. Quảng nói như xin lỗi và đưa ly lên môi. Tôi hỏi: “Anh uống nhiều lắm nhỉ?”. Quảng gật, và lại uống tiếp. Có rượu Quảng như sống lại, đôi mắt đỏ sọng những tia máu ngang dọc. “Chú không uống?”. Tôi lắc đầu. Một lát, Quảng đã ngà ngà:
“Tôi bị nó ” – Quảng chỉ vào chai rượu – “đã mười mấy năm nay, bây giờ giá có muốn bỏ cũng không được nữa. Đời tôi sớm muộn rồi cũng chết rụi ở cái xó rừng này, bỏ làm gì. Quảng như thì thầm với chính mình. Còn thằng nhỏ, còn thằng nhỏ…” Quảng ngửng lên nhìn tôi, mái tóc rũ rượi trên khuôn mặt mà men rượu càng làm nổi bật những dấu tích tàn phá thê thảm, Quảng nói tiếp như khóc:
“Nó cứ sống mãi với tôi rồi đời nó cũng đến đốn mạt như đời tôi mất thôi. Tội nghiệp cho nó. Mẹ mất sớm, bố thì rượu chè bê tha thế này. Nhờ các chú làm ơn trông nom, nuôi dưỡng cho nó thành người, tôi đội ơn các chú. Nó cứng đầu cứng cổ lắm. Các chú phải dạy bảo nghiêm khắc sau này nó mới khá được”.
Tôi chỉ còn biết tìm lời an ủi Quảng. Người anh họ tôi, mà một điểm sáng le lói cuối cùng của lương tâm vừa chiếu sáng trong một thức tỉnh ngắn ngủi đau đớn, như những chiếc phao vừa dềnh lên đã lại đắm chìm tức khắc dưới mặt biển giông bão. Quảng gục đầu xuống, và men rượu nồng nặc, choáng váng lại lịm dần, từng mảnh một, những mảnh vỡ vụn của một đời sống tàn tạ.
Một lát sau, Khôi trở về. Tiếng động làm Quảng ngửng lên. Quảng gọi con lại gần. “Con thu xếp quần áo về Sài Gòn với chú”. Tôi lo lắng nhìn thằng nhỏ, chờ đợi sự kinh ngạc và sự giẫy giụa khóc lóc của nó. Nhưng không. Khôi yên lặng đi nhặt nhạnh quần áo xếp vào một chiếc bị cói. Thái độ nó bình tĩnh như một người lớn. Tôi đoán Quảng đã bảo cho con biết từ trước. Không muốn kéo dài những giây phút đối với Quảng khổ sở như một cực hình, thằng nhỏ vừa xếp xong quần áo là tôi đứng dậy, xin phép Quảng được ra xe ngay. Quảng đứng tựa lưng vào tấm phên, nhìn chúng tôi đi. Tôi bắt tay Quảng và nắm lấy tay Khôi: “Đi cháu”. Nó đi theo tôi nhưng giằng tay ra. Cái mũ cói đội lệch trên đầu, Khôi đi giật lùi. Nó vừa đi giật lùi, vừa đăm đăm nhìn lại bố nó như thế, mắt ráo hoảnh, cho đến khi ra đến đường lớn. Suốt dọc đường, tôi thử gợi chuyện vài lần nhưng vô hiệu. Nó ngồi thẳng, hai tay ôm chặt lấy chiếc bị để trên đùi, mặt quay nghiêng, nó yên lặng ngó ra ngoài và giữ mãi dáng điệu đó cho tới khi chúng tôi về tới thành phố.
*
Khôi không về đã hai ngày. Buổi sáng thứ hai, ăn điểm tâm xong, nó lấy cặp, đội mũ đi học, với lũ con Đường như thường lệ, nhưng đến trưa, ngồi vào bàn ăn, chúng tôi nhận thấy ngay sự vắng mặt của nó. Hỏi, thằng con lớn của Đường nói nó thấy Khôi lần cuối cùng ở cổng trường, trước khi vào lớp – hai đứa học khác lớp nhau – lúc tan học nó có ý chờ Khôi cùng về nhưng không thấy, lại tưởng Khôi đã về nhà từ trước. Đến ba giờ trưa thì chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo ngại thật sự. Tôi vội vàng mặc quần áo tới trường, ở đây tôi được người thầy học Khôi cho biết nó không hề tới lớp từ buổi sáng, ông lại tưởng nó đau và nghỉ học. Từ trường đi ra, tôi thuê xe đến thẳng nhà mấy người cô và chú họ chúng tôi, những nơi tôi và Đường thường hàng tuần lui tới và đã có một vài lần đem Khôi đi theo. Nhưng ở nơi nào mọi người cũng đều lắc đầu nói không trông thấy bóng dáng thằng nhỏ.
Tôi nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn thấy có già Lâm, già Lâm là thân sinh người mẹ xấu số của Khôi, (sau này tôi mới biết mẹ Khôi đã chết vì một tai nạn khủng khiếp ở đồn điền cao su), và xuống đó. Nhưng ông lão miền Nam hiền lành chất phác này cũng không đem lại một tia sáng mới nào. Cái hy vọng cuối cùng tan biến, tôi đành trở về nhà thuật lại đầu đuôi cho Đường về những kiếm tìm vô hiệu quả trong suốt một ngày ròng rã. Và đến buổi tối, thì lo lắng nhìn nhau dưới ánh đèn, chúng tôi chỉ còn có thể đi đến một kết luận: Khôi đã đi lạc, hoặc nó đã gặp phải một tai nạn lưu thông nào đó.
Hết ngày hôm đó, sang buổi sáng và buổi chiều hôm sau, tôi dành tất cả thời giờ vào việc đến hỏi thăm tin tức về những người mới bị thương được chở đến các bệnh viện, các trạm cấp cứu công cộng ở đô thành và các miền phụ cận, một mặt khác, gặp ai quen biết tôi cũng lưu ý kiếm tìm giùm.
Nhưng rồi lại thêm một ngày nữa qua đi trong hoài công. Khôi vẫn biệt vô tăm tích.
Đến chín giờ tối, cảm thấy mệt mỏi, chán nản và bất lực hoàn toàn trước sự mất tích của đứa nhỏ, tôi nghĩ không có cách nào hơn là đến thẳng quận cảnh sát.
Sau khi đã cắm cúi ghi những đặc điểm về vóc dáng, mặt mũi, phục sức lên một mảnh giấy nhỏ, người cảnh sát đặt bút ngẩng lên hỏi tôi:
“Ông nghĩ thằng nhỏ có thể đến một địa chỉ nào đó không? Một người bà con, một người bạn nó chẳng hạn?”
Tôi lắc đầu và vắn tắt thuật lại hai ngày kiếm tìm vô hiệu quả của mình.
“Thằng nhỏ là con một người anh họ ở xa gửi về nhờ các ông nuôi giùm?”
Tôi gật đầu. Y nhìn tôi gật gù:
“Hừ, nuôi giùm. Ông cho tôi biết sự thật: nó có bị bạc đãi hắt hủi bao giờ không?”
Đang mệt mỏi, bực bội, ý nghĩa của câu hỏi làm tôi nổi nóng. Tôi quắc mắt:
“Ông nghĩ về gia đình tôi thế nào mà cho rằng nó bị bạc đãi hắt hủi”.
Thấy tôi nổi đóa, người cảnh sát mỉm cười đứng dậy:
“Câu hỏi này chỉ có tính cách nghề nghiệp, ông đừng vội hiểu lầm. Thôi được, ông cứ về. Chúng tôi sẽ loan báo cho các quận. Có tin tức gì mới lạ, sẽ liên lạc với gia đình ông ngay”.
Ở quận cảnh sát đi ra, tôi nhìn đồng hồ: đã mười giờ đêm. Tôi châm một điếu thuốc và cái đầu chậm chạp bước đi trên hè đường. Qua những rạp chớp bóng, những tiệm giải khát, những ngã tư nhộn nhịp xe cộ, nhìn những bầy trẻ nhỏ hớn hở ngồi giữa bố mẹ chúng, trước những cốc kem nhiều màu có ngọn, nhìn những gót chân lẫm chẫm băng qua đường trong sự dẫn dắt của những bàn tay người lớn, tôi nghĩ đến nó. Đến cái câu hỏi đầy mỉa mai của người cảnh sát. Đến sự có mặt của Khôi trong gia đình tôi những ngày tháng vừa qua. Đến cái trách nhiệm của tôi đối với Đường. Đến cái trách nhiệm lớn lao của người lớn đối với đời sống và tâm hồn những đứa nhỏ.
Tôi nghĩ lại, có một điều chắc chắn là Khôi không bao giờ bị bạc đãi, hắt hủi. Vậy cái nguyên nhân nào đã khiến nó bỏ đi? Và đi đâu? Tôi loay hoay tự hỏi với mình như thế và tự hỏi, tôi đã dần dần trở lại trong tâm trí cái thái độ kỳ lạ của nó, cái thái độ ấy đã có từ lúc nó đi giật lùi khỏi nhà, từ lúc nó lên xe, hôm tôi lên Trảng Bom đón nó về, thái độ ấy, trong cái không khí đầm ấm yên vui của gia đình Đường vẫn không thay đổi, vẫn nguyên vẹn, mà chỉ đến bây giờ tôi mới chợt khám phá thấy. Đó là cái thái độ rửng rưng cách biệt, ở ngoài, của một kẻ lạ mặt. Cứ một điệu ngồi thu mình bất động. Của một đôi mắt mở lớn ngó thẳng nhưng không hề ánh lên cái ánh lửa ham thích mừng rỡ trước bất cứ một điều gì. Tóm lại, của một cái thản nhiên, im lặng, lững lờ, đi qua, không phản ứng, không gia nhập.
Phải rồi, Khôi đã đến với thành phố, với người khác, với gia đình chúng tôi như thế đó. Trong cái thái độ của một kẻ, bởi không có quyền lựa chọn và tự định đoạt, nên không thể phản đối. Nhưng không phản đối không có nghĩa là nó đã chấp thuận, hoặc nếu có đi nữa, thì cũng chỉ là chấp thuận trong một hoàn cảnh, một giây phút, một thời kỳ nào đó mà thôi. Chứng cớ là sau đó, là bây giờ, nó đã lặng lẽ bỏ đi. Thu nhặt dần trong tâm tưởng từng cử chỉ, từng nét mặt, để thấy tổng hợp thành từ những cái đó, cái tư thái đĩnh đạc, chủ động, đẹp một vẻ đẹp vừa thư thái vừa trầm tĩnh của đứa nhỏ, điều khiến tôi kinh ngạc là cái tư thái đó đã có thể có được ở một tuổi nhỏ như nó, cái thân hình bé bỏng ấy đã mang một tâm trí, một kích thước ít thấy ở cả những người lớn, một sự trưởng thành không đợi tuổi, một ý thức vượt bực. Và sự trưởng thành và ý thức ấy đã soi sáng, đã điều động, đã tạo cho nó một con đường, một thế giới, một chủ định không đổi rời, không lay chuyển. Không, Khôi không gặp phải tai nạn nào đâu, nó cũng không lạc đường, không mất tích. Nó chỉ trở về, như một con chim, một loài cây với cái vòm trời, cái mảnh đất của nó. Nó chỉ trở về với cái điểm xuất phát, với cái bản thể, với cái tiếng réo gọi của chính nó.
Và tôi đã đoán được, không, tôi đã biết chắc được Khôi hiện ở đâu. Tôi yên tâm trở về nhà.
*
Chiếc xe hàng, vẫn chiếc xe hàng ọc ạch, cũ kỹ, chở tôi tới địa phận Trảng Bom và đậu lại ở đầu lối đi vào con đường nhỏ, đúng chỗ tôi đã bước xuống sáu tháng trước đây. Cái quán lá dựng sát mặt con lộ, bà lão già móm mém, cánh rừng cao su ngút ngàn thiêm thiếp trong nắng lớn vẫn còn đó. Tôi bước vào quán, tôi ngồi xuống chiếc chõng tre, tôi gọi một ly nước trà đường, và chỉ tay về phía cuối con đường nhỏ, tôi hỏi bà bán hàng:
“Thầy Quảng vẫn ở trong kia?”
“Dạ, phải”. Bà lão nhìn tôi và đáp.
“Đứa con giai của thầy Quảng đã về đây rồi chứ cụ?”
Chừng như lúc đó bà lão đã nhận ra tôi:
“Thầy là người mấy tháng trước đây lên đón nó về Sài Gòn đấy phỏng?”
Tôi gật và bà lão cũng gật theo:
“Thằng nhỏ đã về đây được hơn một tuần rồi. Bộ thầy lại muốn lên kiếm nó về nữa sao?”
Tôi mỉm cười lắc đầu trong khi bà cụ chép miệng:
“Con nít có khác, dại nghếch. Ở đây khổ chết chứ sung sướng gì. Chắc nó trốn về không cho thầy biết phải không?”
Tôi lại mỉm cười lắc đầu và tôi trả lời bà lão là Khôi không trốn, Khôi không trốn ai hết. Sau đó, bà lão thuật lại cho tôi nghe, hôm Khôi về, xe chưa kịp ngừng nó đã nhảy xuống và chạy bay vào con đường nhỏ. Đến buổi chiều thì mọi người thấy Quảng và con đi ra. Người cha vừa cười vừa khóc, còn thằng nhỏ thì nghiêm trang dắt tay bố nó như một người lớn, rồi hai bố con dìu nhau đi dạo khắp khu vườn cao su.
Cũng từ hôm đó, theo lời bà lão, đã có một đổi thay lớn lao không ngờ đến cuộc đời tưởng như đã vĩnh viễn tàn lụi của Quảng – Quảng ôm lấy con, Quảng thề độc sẽ bỏ rượu, Quảng đã bỏ được rượu và Quảng đã xin được làm việc trở lại trong nhà máy cao su của đồn điền.
Tôi từ biệt bà lão và trước khi lên xe trở về, tôi đứng ở đầu con đường nhỏ nhìn vào. Con đường chạy dài dưới ánh nắng đứng bóng, bên những hàng cây ngút ngàn thẳng tắp như một đời sống, một trạng thái bình yên. Con đường đó như gắn liên với bóng nắng ấy, những hàng cây ấy, như một toàn thể hòa đối không thể tách lìa, không thể đổi khác. Con đường phút đó như có hẳn một đời sống, một chủ định, một thái độ. Nó đẹp một vẻ đẹp bất khả xâm phạm. Tôi quay gót lại, và tôi nghĩ, tôi nghĩ đến một người cha, tôi nghĩ đến một người con. Nghĩ rằng trên cái trang sách lớn của đời sống tôi đã nhận được rất nhiều bài học quý giá, nhưng đây là lần đầu tiên, cái con người lớn ở tôi đã nhận được một bài học thật quý giá viết bằng những ngón tay của một đứa trẻ nhỏ.
Mai Thảo