có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 4 22, 2014

Không Một Ngọn Nến Nào Cho Ngày Sinh Nhật




Có phải là em đang ngồi nghe tôi nói đây không? Có phải chính là em đã lắp băng nhựa này vào máy? Có phải là em đã hồi hộp ngồi chờ đợi nghe xem nốt nhạc nào sẽ mở đầu cho cuộn băng bởi vì em đã tìm kiếm khắp nơi, lật qua lật lại mặt trước mặt sau chiếc hộp bằng bìa cứng mà không thấy được tờ mục lục ghi những bài hát tựa là gì và sẽ do những ai trình bày.

Dù sao, rốt cuộc em đã nghe xong khúc hát mở đầu. Chẳng có gì lạ. Phải không? Đó chỉ là một bài hát thông thường như mọi bài hát mà ta từng nghe trong thế giới âm nhạc, máy-điện và nhựa hóa học này.

Nhưng cũng như chiếc bông hồng của cậu hoàng tử trong tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry, một bông hồng giữa muôn ngàn bông hồng khác, giống hệt nhau, dễ lẫn vào nhau, vậy mà cậu hoàng tử đã nhìn ra được chiếc bông hồng của chính mình, một bông hồng không giống với bất cứ bông hồng nào, tôi muốn nói bài nhạc mà em vừa nghe xong sẽ không giống với bất cứ một bài nhạc nào mà chúng ta đã từng nghe mặc dù âm điệu của nó hao hao như bất cứ một khúc hát nào mà chúng ta đôi khi bị buộc phải nghe. Là bởi vì, giữa em và tôi, hai ta đã có những ràng buộc vào với bài hát đó. Phải không?

Em thử bấm nút và cho máy chạy ngược cuộn băng coi.
Vy, em có nghe thấy tôi đang nói gì không?
(Im lặng)
Em,
Khi nào em mệt mỏi,
Thì em, hãy cầm lấy tay anh,
Đây con đường, con đường đưa em tới, đưa tới vùng, vùng mây trời biển xanh.
Em ơi,
Khi nào em tội lỗi,
Mời em, hãy giẫm lên đời anh
Đừng quên anh đã có thừa ô nhục
Và nơi đây cũng không còn thần linh
Khi nào, khi nào em tuyệt vọng
Thì xin em hãy cầm dao giết anh
Vì anh như tấm gương soi đối mặt em đó
Vỡ một lần,
Vỡ một lần cho xong.

Ca từ của bài hát đó gợi cho em điều gì? Những âm thanh ấy làm bật ra hình ảnh nào của hai ta?

Có phải đó là một buổi sáng, trên chuyến xe chạy xuyên qua cánh rừng cao su, gió lạnh buốc thổi tung tóc em và làm chúng ta co ro, tím săn da mặt? Có phải khúc hát đó bay ra như một lời thở than và em đã cầm lấy tay tôi?

Có phải đó là một buổi trưa, ngã lưng trên chiếc ghế vải, dưới bóng mát của những chiếc dù và trước mặt biển xanh lơ với bãi cát vàng đầy những hạt to thô kệch và bẩn thỉu, em đã nhìn tôi không nói một lời nào. Cả tôi nữa, tôi che mắt bằng chiếc kính đen to vì lúc đó một phần mặt trời chói nắng dữ quá, nhưng phần khác có thể vì lúc đó tôi đã nhìn thấy sự tuyệt vọng của hai chúng ta.

Tuyệt vọng?

Em không nhận ra được nỗi tuyệt vọng đó sao, Vy? Những cô bạn nhỏ của em, những ông bạn lớn của tôi, và cái thành kiến vững chắc hằng bao nhiêu thế kỷ bồi đắp tô dày thêm mãi, xây cao lên mãi tận trong xương tủy họ, len lỏi trong từng thớ thịt, mạch máu đường gân của cơ thể và ý nghĩ họ… Họ sẽ nghĩ sao về mối tình của hai đứa mình, họ có cái nhìn nào để nhìn hai chúng ta, họ sẽ có lời nói nào để nói về mỗi chúng ta?

Thôi, đừng nói đến những điều tuyệt vọng nữa, anh!

Tôi biết là em đang có câu nói đó trong đầu. Và hơn cả điều này tôi biết là em đang tự hỏi tại sao hôm nay tôi bày đặt chi cái trò quỷ quái này? Phải vậy không?

Chẳng có gì gấp rút, câu trả lời sẽ nằm dài dài trong suốt cuộn băng nhựa này, nếu em còn muốn tiếp tục nghe giọng nói của tôi.

Em có nhớ cái gì đã xảy ra hồi chiều hôm qua không? Không phải là tôi nghi ngờ gì trí nhớ của em đâu. Bởi vì theo tôi hôm qua em là người vắng-mặt-hiện-diện hay cũng có thể nói ngược lại rằng em là người có-mặt-khiếm-diện.

Phải rồi, mới chiều hôm qua đây chứ nào có xa xôi gì đâu.

Em hãy cố nhớ lại coi!

Chiều hôm qua, không, có lẽ nên gọi là tối hôm qua mới đúng. Vì lúc đó bên ngoài trời đã tối từ lâu lắm và chúng ta đang quây quần chung quanh chiếc bàn dài trong phòng khách hẹp đầy những bánh trái thức uống và những gói quà xinh đẹp mà em và các bạn em đã dành cho tôi.

Lúc bấy giờ là mấy giờ?

Tôi không nhớ rõ. Nhưng tôi biết lúc bấy giờ trời đã tối.

Em có biết là sau khi chúng ta đã nói được những câu chuyện có thể nói, sau khi mọi người đã uống xong hết những chai nước ngọt, ăn tận cùng phần ăn dành cho mỗi đứa, sau khi đã nghe Thuý Hồng hát một ca khúc buồn thảm của thời đại, Rita phê bình về cái tính hung dữ của tôi, Mai Ly nói đến sự phù hợp đáng ngờ giữa một nhân vật trong tiểu thuyết của tôi và tác giả của nó, sau khi đã nghe Như Loan bàn về số mệnh của mỗi người trên những đường chỉ tay, nhìn Thục Nghi, cô nhỏ có má lúm đồng tiền nhìn ngắm mọi người như một quan sát viên cần mẫn… sau bao chừng ấy thứ em đã nhìn tôi bằng cái nhìn kỳ lạ, hơi ngơ ngác và đầy thắc mắc, tôi tự hỏi em muốn nói gì trong cái nhìn ấy, khi tôi nhấn mũi dao trên chiếc bông hồng bắt quá khéo ở mặt bánh.

Có phải là khi đó em đã biết sự ngạc nhiên dội lại của tôi. Em đưa mắt nhìn quanh đĩa bánh và em như ngầm nói với tôi đoán coi, đoán thử coi, Vy đang nghĩ gì đây?

Đoán không phải là nghề của tôi nhưng “đoan chắc” thì tôi biết.

Tôi tự hỏi và thường tự trả lời câu hỏi do chính mình đặt ra.

Trả lời một cách đoan chắc và cả quyết nữa.

Em vẫn không ưa cái tính ấy, cái tính xấu mà em đã chẳng nhiều lần nói là hình thức của một thứ kiêu hãnh quá độ cần phải được dẹp bỏ ngay lập tức. Phải vậy không?

Em muốn tôi phải trả lời gấp rút là tôi đoan chắc điều gì chứ gì?

Tôi đoan chắc là em đang hỏi tại sao không có một ngọn nến nào cho cuộc lễ sinh nhật hôm nay.

Vy yêu dấu, em biết rõ là tôi đâu có ưa gì cái trò chơi trẻ con sinh nhật sinh nhiếc, còn nói chi đến đèn nến, hoa giấy với hoa thật, rắc rối đại loại như thế này. Và như vậy em sẽ hỏi thế tại sao không như mọi bận đi: làm thinh và để cho người khác tự hiểu có phải hơn không.

Làm thinh và để cho người khác tự hiểu?

Điều đó tôi đã làm và tôi vẫn tiếp tục muốn như vậy ngay khi em đang nghe giọng nói của tôi phát ra từ cuốn băng nhựa này đây. Nhưng chiều tối hôm qua hình như là ngày sinh nhật của tôi, ngày sinh nhật thứ nhất trong đời một người đàn ông đã quá ba mươi tuổi là tôi. Chắc em sẽ không tin điều này. Cũng chẳng sao. Cơ hội tốt cho tôi biện minh về sự bất thường bữa nay.
Ngày sinh của tôi, em biết đấy, làm sao tôi có thể quên được trong một thế giới đầy rẫy những con số này, nhưng tổ chức cho một lễ sinh nhật, em cũng biết đối với tôi là một việc làm ngoài sức tưởng tượng mà tôi có thể có về tôi, nó mang cái vẻ trưởng giả xu thời tầm thường và ngây ngô không chịu được.

Vậy thì cớ sự nào đã khiến tôi bày đặt ra cái buổi chiều đó?

Trước hết bởi vì tôi quý những người bạn nhỏ kia, những người bạn mà không dễ gì ta có thể tìm kiếm được trong một thế giới như thế giới này. Sau đó là vì tôi thực tình muốn chúc mừng họ đã qua được chiếc cầu gian khổ, chiếc cầu mà tôi đã bước qua một cách lo âu hồi hộp.

“Nhưng…”

Tôi biết chắc rằng em sẽ ngắt lời tôi. Đừng, em. Đừng. Tin tôi đi. Nói lung tung chỉ là cái cớ, cái cớ nhằm giải thích (em sẽ kêu lên lại giải thích nữa rồi, khổ lắm ông ơi) cớ sự nào không có ngọn nến cho ngày sinh nhật chiều bữa qua.

Cái cớ còn nhằm trả lời cho em một điều khác, một câu khác nữa về mối tình đầu tiên của tôi mà không hiểu sao em cứ thiết tha muốn biết, mà tôi cứ lần lữa hẹn hoài.

Vậy thì câu chuyện nó như thế này…

Hồi đó tôi học lớp đệ tam và được mười sáu tuổi. Gia đình sống ngay trong thành phố nhưng tôi không ở nhà (tôi là đứa con bị ghét bỏ trong một căn nhà đầy tình thong yêu), tôi theo sống với Tôn, một người bạn cùng lớp, người bạn tốt nhất mà suốt đời tôi không thể nào quên được, mặc dù chúng tôi đã xa cách nhau quá lâu. Dì củaTôn (chính ra Tôn phải gọi là mẹ mới phải vì bà là người sanh ra Tôn) là một người đàn bà đẹp, quá đẹp để có thể ví bà như một thiên thần trong những chuyện cổ tích Tây Phương tôi nghĩ vậy, và bây giờ khi nhớ đến khuôn mặt bà tôi vẫn còn tiếp tục nghĩ như vậy. Tôi ăn uống tại nhà Tôn, nghỉ ngơi luôn tại đó và được đối xử như một đứa con trong gia đình. Dì của Tôn chính là người mẹ thứ hai của tôi. Bà chia sớt cho tôi những gì bà dành cho Tôn, những đồng bạc quà sáng, ly chè trước phần ăn tối, thuốc men khi bị ốm và hơn tất cả những thứ đó, tình thương của bà mẹ và đứa con hoang đàng phiêu bạt trở về là tôi.

Nhà Tôn ở ngay mặt đường Hoàng Tử Cảnh. Chiếm trọn hai gian. Một gian làm quán ăn và một gian dùng để ở. Những sĩ quan thuộc các binh chủng đang trấn đóng hay thụ huấn tại đây vẫn thường tới lui ăn uống ở quán đó. Có nhiều lý do để tôi nghĩ rằng họ khó lòng rời bỏ được cái quán này. Thứ nhất là vì các thức ăn ở đây, được nấu rất khéo và ngon tuyệt. Thứ hai nữa, mà theo tôi lý do này có lẽ vững chắc hơn là vì quán còn có Vân, một thiếu nữ Bắc, đẹp một cách kỳ lạ, một cái đẹp vừa chín tới làm ngây ngất lòng người (tôi biết em đang cười tôi, phải không?)

Em muốn biết Vân bao nhiêu tuổi hả?

Sau này tôi mới biết là chị hai mươi lăm tuổi, nhưng hồi đó, tôi không làm sao đoán được tuổi Vân. Tôi chỉ biết là chị trẻ lắm, dân phần di cư, sinh trưởng ở Hà Nội, mẹ đã chết.

Vân được một sĩ quan quen với dì của Tôn giới thiệu. Và ngay tuần lễ đầu, qua cách chào hỏi đi đứng của chị, lối nói chuyện lễ phép và duyên dáng của chị biểu lộ rõ rệt cái nền nếp của một gia đình có giáo dục, dì Tôn giao cho Vân công việc thu tiền ở quán rượu. Vân trở thành thỏi nam châm của hàng ăn, nếu không muốn nói là thỏi nam châm của cả thành phố. Các sĩ quan và thanh niên khá giả trong cái thị trấn miền biển này là những mảnh sắt vụn nằm trong từ trường của Vân.

Hình như hồi đó tôi khó chịu vô cùng khi nhìn thấy Vân nói chuyện với bất cứ người đàn ông nào. (Tại sao hả? Thôi đừng ngắt lời tôi nữa bé. Để yên tôi kể tiếp cho mà nghe.)

Những buổi tối, khi khách ăn đã về hết, quán đóng cửa, tôi mang sách vở sang học bài ở một bàn ăn. Vân ngồi bên tôi và kể chuyện Hà Nội của chị cho tôi nghe.

Chị kêu chị nhớ quay quắt Hà Nội, nhớ từng gốc cây phượng vĩ nghiêng đầu xuống mặt đường Quan Thánh, nhớ tiếng chuông tàu điện leng keng qua vườn hoa Hàng Đậu, nhớ cái màn sương trắng đục phủ kín chân cầu Long Biên, nhớ cái mặt đồng hồ lớn trên nóc ga Hàng Cỏ…, nhớ người anh trai đã ở lại ngoài đó, nhớ người cha già mắt yếu hấp háy đọc truyện Tàu mỗi tối, nhớ khuôn mặt của mẹ lần cuối cùng xanh xao, tóc xõa dài mắt nhắm nghiền như ngủ giấc ngủ bình yên ngàn đời khi người ta liệm bà trong quan tài.

Và hơn tất cả những nổi nhớ nhung đó là tình yêu của chị dành cho anh Thạc. Vân nhắc mãi đến Thạc, người tình thất lạc của chị, khi cả hai vừa đặt chân xuống SàiGòn cùng với đoàn người di cư.

Chị nói có lẽ anh ấy đã chết và chị nhắm mắt lại ngả đầu ra thành ghế. Tôi nói chị Vân buồn lắm hả. Chị gật đầu. Hình như lúc đó tôi có được một nỗi thích thú: không ai thấy được nỗi buồn của chị ngoài tôi. Những tối tôi không học bài được (tại sao? Hồi đó tôi không hiểu nổi những buồn bã ma quái cứ ám ảnh mình, nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu) tôi muốn an ủi chị và làm cho chị vui. Tôi kể cho chị nghe những câu chuyện cười trong lớp học mà, những trò nghịch ngợm quậy phá mà lũ bạn của tôi đã gây ra cho nhà trường và các giám thị. Nhưng em biết đấy, tôi vụng về và giọng nói cứng nhắc, ngắn ngủn cộc cằn của tôi (có lẽ vì nước biển mặn quá phải không Vy?) đã không làm bay đi được chút bụi phấn buồn bã nào trên mặt Vân.

Dù sao, dạo đó tôi vẫn tin tưởng một cách chắc nịch là chị cần đến tôi cũng như tôi rất cần đến chị. Những buổi học của tôi từ khi có mặt của Vân bỗng trở nên dài ra (trong lớp học tôi cứ mong tiếng chuông reo để có thể chạy bay về nhà) và tôi không làm sao có thể hiểu nổi được những phương trình toán học và những công thức kỳ cục của môn lý hoá nữa (những điều mà trước kia tôi là học sinh xuất sắc). Điểm hàng tháng và thứ hạng trong lớp của tôi bắt đầu rơi xuống một cách thảm hại. Nhà trường gửi giấy báo về cho gia đình và mẹ tôi nhờ người nhắn gửi với tôi là nên lưu ý đến việc học thêm một chút. Tôi điên cuồng trong những ngày lính xả trại, mặc dầu tôi không nhìn thấy một dấu hiệu xấu xí nào nơi chị.

Thế nào là một dấu hiệu xấu xí hả? Dấu hiệu xấu xí nơi Vân chính là sự thân mật suồng sã của chị với một người đàn ông nào không phải là tôi. Không, Vân vẫn nghiêm trang. Chị không phải là loại con gái cười cười nói nói. Chị đứng đó, chôn chân ở quầy hàng, biên giấy tính tiền, hơi nghiêng đầu chào một thực khách quen, và đọc chăm chú một quyển truyện mà tôi ưa thích và cố tình cho chị mượn. Vân nói quyển này tôi đã đọc một lần ở Hà Nội, nhưng tôi vẫn thích đọc một lần nữa. Tôi thấy cần phải cám ơn chị và bỏ cả lớp học ra biển, nằm một mình trên cát dưới gốc dừa, ngửa mặt nhìn trời, cười một mình với hạnh phúc của mình.

Một buổi tối, như thường lệ tôi mang sách sang hàng ăn học bài và tôi chờ mãi không thấy Vân ra. Cửa buồng chị đóng kín nhưng đèn thắp sáng. Tôi mở cửa ra sân ngồi trên bậc cấp buồn bã nhìn những ngôi sao trên trời và nghe thấm lạnh những ngọn gió biển thổi vù qua thành phố. Không biết tôi ngồi đó đã được bao lâu, chỉ biết khi tôi nghe thấy mùi tóc thơm phức của Vân phả xuống và cái mát rượi của bàn tay chị chụp lên mắt tôi, tôi mới sực tỉnh lại. Chị hỏi tại sao Kha buồn? Tôi nói với chị là tôi không buồn, chẳng có gì làm cho tôi buồn được.

“Thật không?”
“Thật”.
“Nhưng tôi biết là Kha buồn!”
“Tại sao?”
“Không nói được. Thôi vào đi.”
“Chị vào trước đi.”
“Vào nhà, tôi cho Kha xem cái này hay lắm.”

Và tôi đứng dậy, cánh tay tôi trong tay chị. Nhưng chúng tôi không ngồi ở bàn học như mọi bữa. Vân đưa thẳng tôi vào buồng riêng của chị, căn buồng tôi hằng mơ ước nhưng chưa bao giờ được được đặt chân đến. Ngọn đèn ở đó đã tắt ngúm. Vân mở cánh cửa và giữ tôi đứng yên ở một chỗ. Tôi nghe hơi thở chị thơm tho ngọt ngào, hai bàn tay chị đặt trên vai tôi. Vân nói, Kha hôn tôi và mừng tôi đi. “Mừng gì?” “Hôm nay là sinh nhật tôi mà.” Và tôi run rẩy đặt môi tôi trên mắt chị. Đôi mắt tôi có thể nhìn thấy một cách rõ ràng trong đêm tối mà không sợ lầm lẫn với bất cứ một đôi mắt nào khác.

Chị bật diêm châm những ngọn nến trên bàn phấn. Những ngọn nến nhỏ hồng (bao nhiêu ngọn, không, tôi không biết, tôi chỉ ngửi thấy cái mùi thơm của gian phòng chị, những chiếc áo dài, mấy cuốn sách truyện, cái kẹp tóc, thỏi son, bức ảnh chụp cảnh Chùa Một Cột…) soi sáng chai rượu, thức ăn, bánh ngọt và những hoa giấy.

“Kha ngồi xuống đi. Đầu tháng tới có lẽ tôi sẽ đi xa.”
“Đi xa?”
“Phải, đi xa.”
“Có ai làm phật lòng chị sao?”
“Không. Chẳng có ai làm phật lòng tôi hết. Tôi rất kính mến Dì, tôi rất quý Kha và Tôn. Tôi yêu hết thảy mọi người trong nhà này.”
“Vậy sao chị lại bỏ đi?”
“Bởi vì chị đã bắt đầu tìm thấy dấu tích nơi ở và sở làm của anh Thạc. Chị cần phải gặp anh ấy.”

Tôi nhìn thấy đôi mắt chị sáng lên khi nhắc đến Thạc. Bỗng nhiên tôi bật cười thành tiếng. Chị ngơ ngác nhìn tôi. Hình như tôi có nụ cười mất dạy. Chị lặng lẽ rót rượu ra cốc, đẩy về phía tôi, cầm dao bổ đôi đóa hoa trên chiếc bánh sinh nhật trước khi cúi xuống thổi tắt những ngọn nến.

Thuở đó, tôi mười sáu tuổi học lớp đệ tam, biết hôn môi lần đầu và yêu một người đàn bà bằng tất cả sức lực của tuổi mới lớn của mình.

Vy yêu dấu,

Những ngọn nến hồng đêm đó đã tắt, làm tắt theo tuổi trẻ mà tôi vừa mới có. Vân bỏ việc sớm hơn dự định của chị. Có lẽ chị đã tìm được Thạc, cũng có lẽ là chị vẫn tiếp tục đi tìm mối tình thất lạc của mình.

Còn tôi em biết đấy, con mắt ngó lên trời, những sợi tóc chĩa trên một đầu xù, (em còn nhớ không khi em nhìn thấy lần đầu tiên mái tóc tôi, em đã kêu lên với tất cả sự kỳ cục đó!), một chút kiêu hãnh trong lòng, và rất nhiều tàn bạo trong trái tim.

Vy, cô bé thần thoại Diane, tôi đã đến Huế, đã tìm vô vọng những trái sầu đông cho em, nhưng làm sao có được những thứ trái đó trong mùa hè này! Ở trước trường Nữ Trung Học Đồng Khánh tôi có hái cho em những lá cây đặc biệt thơm mùi băng phiến, tôi có mang về đây cho em. Hãy đến lấy, nếu em muốn.

Em đừng cười tôi nghe, người cộc cằn hung hãn mà nói chuyện tình cảm như tôi chỉ làm những trái cây xanh đến phải chín vì ngượng thôi.

Tắt máy đi Vy.

(im lặng…) Rồi một tiếng động.

Em có nghe tiếng động vừa rồi không? Đố em biết đó là tiếng gì? Phải, em thừa sức hiểu mà!
Cám ơn em đã chịu khó nghe câu chuyện tình kỳ cục của tôi.

Chào nghe! Diane. Hôn em.


Tháng Bảy, 1970
Nguyễn Xuân Hoàng


Nguồn: vietnamthuquan.net