Chuông reo. Người chủ nhà ra mở cửa:
- Cám ơn chú. Chú đến đúng giờ quá.
Khách là một người thợ sơn. Chủ nhà dắt anh ta tới cái góc có kê chiếc bàn nhỏ và cái ghế dựa bật lên bật xuống. Cạnh bàn là cửa sổ lớn trông ra vườn, bên trên thòng xuống một cái chuông gió kêu lủng lẳng leng keng. Anh chỉ lên một vết ố trên trần cáu kỉnh nói:
- Chú có thấy chỗ ố ấy không? Chú làm ơn cạo nước sơn cũ dùm tôi. Cạo thật kỹ rồi quét sơn mới lên. Quét càng nhiều nước sơn càng tốt. Vết ố bị ăn thâm quá lâu. Tôi cho sơn nhiều lần mà không tẩy đi được.
-Chỗ ố ấy là do gì vậy anh?
Anh kể:
-Tôi mua lại căn nhà này được ba tháng nay. Bà chủ trước là người nghiện thuốc lá. Bà ta bị liệt cả hai chục năm. Mỗi ngày đứa cháu đẩy xe lăn cho bà ấy ra ngồi ngay đây, tại cái góc gần cửa sổ này. Anh có thấy đây là cái góc đẹp nhất trong nhà không? Ngồi đây nhìn ra cửa sổ, bên ngoài là vườn hoa, sáng sớm anh có thể nghe thấy hương hoa, nghe mùi sương lạnh và nghe chim hót nữa. Tôi mua căn nhà này với giá rẻ vì nhà có người chết. Người khác không dám mua đâu, nhưng tôi thì tôi mua. Tôi chẳng sợ cái cóc khô gì. Chết là hết chuyện. Bà già bị liệt ấy đã ngồi ở đây, nhả khói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, ngót nghét hai chục năm như thế. Bà ta chết là do ngủ gục, tàn thuốc bén vào quần áo ngún lửa dần dần. Bà ấy liệt nên không có cảm giác gì, tới khi đứa cháu phát hiện ra thì hết cứu. Chết cháy.... Khủng khiếp thật. Mà thôi, đó là chuyện cũ. Cái khổ mà tôi phải lãnh là trên trần có một vệt ố do khói thuốc của bà ta đọng lại. Tôi khó chịu lắm. Khi mua lại căn nhà này tôi đã cho sơn phết toàn bộ, bỏ hết các tấm màn cũ và bỏ luôn thảm để tẩy đi mùi khói thuốc lá đã quận trong không khí cả hai chục năm. Kết quả khả quan. Tôi đã tẩy được cái mùi xú uế đó. Tuy nhiên còn cái vết ố trên trần này thì tôi điên đầu. Những người thợ trước đã sủi sạch chỗ ố ấy, sau đó quét tới quét lui cả chục nước, tôi tới coi thì thấy sạch sẽ, mới tinh nhưng chẳng hiểu sau một thời gian vết ố lại lờ mờ xuất hiện, mới đầu thì lợt thôi, sau càng ngày càng đậm. Tôi điên tiết lên. Tôi nghi là có cái gì thấm từ trên xuống. Lên pla-phông coi thì tuyệt không thấy gì cả, hoàn toàn khô ráo. Chẳng lẽ tôi phải khoét cái lỗ chỗ ấy hay thay hết cả trần nhà?
Người thợ nhìn lên chỗ ố. Đó là một cái quầng có màu nước trà, chỗ rộng nhất khoảng ba gang tay, đậm lợt quấn quíu vào nhau giống như mái tóc quăn của một người đàn bà, hoặc cũng có thể là đàn ông. Anh bắc thang trèo lên để xem cho kỹ. Chẳng lẽ đây là khói thuốc? Khói thuốc nào mà bám dai dẳng như thế này.
Những người thợ trước đã cạo sạch chỗ ấy rồi và quét lên hàng chục nước sơn mới rồi mà. Anh cầm đèn pin trèo lên pla-phông. Lom khom dưới những cây xà đầy bụi, anh rọi đèn vào ngay góc nhà xem xét. Không có gì cả. Không ướt, không ẩm. Không có một thứ nước gì từ đây thấm xuống. Không hiểu tại sao lại để bên dưới một cái quầng. Anh kề mũi xuống ngửi. Chẳng lẽ....
Người thợ trèo xuống. Đầu tóc anh ta dính đầy bụi. Người chủ nhà lo lắng hỏi:
- Chú thấy sao? Liệu làm được không?
Anh thợ có vẻ trù trừ. Anh ta hỏi:
- Ông chủ, ông có tin vết ố này là do khói không?
Anh bực mình:
- Không là khói thì là cái giống gì ?
Người thợ ngập ngừng:
- Tôi nghi là có một con gì sống trên pla-phông. Nó đã tiểu vào chỗ ấy...
Anh la lên:
- Không có đâu. Trên ấy kín mít thì làm sao có con gì chui vào được. Mà sống trên ấy thì lấy gì ăn? Mà tôi cũng đâu có thấy phân hay thấy dấu chân gì của nó. Anh thấy dấu vết gì mà nghĩ tới điều đó?
Người thợ dịu giọng:
- Thiệt tình là tôi chỉ đoán mò. Bây giờ tôi sẽ làm thật kỹ những điều ông muốn, nghĩa là cạo chỗ ố đi rồi quét lên thật nhiều nước sơn. Sau đó tôi sẽ đem lên pla-phông một bao cát lớn dằn lên đúng chỗ ấy. Nếu thật sự có con gì thì nó cũng không tiểu lên được.
Người thợ căm cụi làm việc. Chủ nhà thỉnh thoảng ngước mắt nhìn lên trần. Anh dẫm lên những vụn sơn cũ rơi lả tả trên đất và dí chúng xuống mũi giày: "Mẹ mày. Cho mày chết."
Một tuần trôi qua. Hai tuần trôi qua. Ba tuần trôi qua.
Một buổi sáng tinh sương anh thức dậy, pha cốc cà phê, bước lại gần cửa sổ, ngồi xuống cái góc đẹp nhất của căn nhà mình chuẩn bị giở tờ báo ra đọc thì... ôi thôi... sừng sững trước mắt anh, vết ố loang ra đúng chỗ cũ, hình dáng như cũ, những chỗ đậm lợt quện vào nhau, lùng nhùng, líu nhíu, trông như mái tóc ngắn và quăn của một người nào đó. "Mẹ kiếp cái thằng thợ". Anh la lên như một con thú đang giận dữ. Mày đã lấy của tao bao nhiêu tiền mà làm ăn không ra gì hết. Anh đùng đùng ra sau nhà lôi vô một cái thang, leo lên, mở nắp pla-phông dí đèn vào từng góc từng kẹt. Không có cái con mẹ gì trên này cả. Anh lầm bầm. Cái bao cát khô ran. Anh trèo xuống, tức lồng lộn nhìn thật kỹ vệt khói. Tại sao nó có hình mái tóc. Tóc này là tóc ai? Tóc cái con chó nào trên đời? Trước mặt anh vệt khói-vệt ố như rung rinh qua lại, chờn vờn qua lại, y hệt như mái tóc của một người bằng xương bằng thịt đang phồng lên kiêu hãnh khi có cơn gió thổi vào. Những sợi khói-sợi tóc khi quấn quít, khi buông lơi, khi xô đẩy, khi âu yếm, lả lơi, cộng lạc. Tóc ai thế này? Người sống hay người chết? Trong trí anh hiện ra những cái đầu bờm xờm mà anh từng quen biết. Chị Tâm bán thuốc tây, anh Hồng chơi guitar và cả cái đầu xù như lông nhím của tay thợ sơn vừa rồi. Rồi anh nhìn lại vết ố một lần nữa. Không, không phải những người vừa rồi. Anh không tin được ở mắt mình. Có một bàn tay ma quỉ nào đã đùa cợt quá trớn trong chuyện này.
Anh tìm tới người nhân viên địa ốc mà đã lo giấy tờ cho anh trong việc mua bán nhà với cặp mắt quầng thâm sau nhiều đêm mất ngủ.
- Xin lỗi chị. Tôi muốn biết đôi điều về người chủ trước của căn nhà mà chị đã bán cho tôi. Bà ta... có phải bà ta tóc ngắn và quăn, bung ra như một cụm khói?
Người nhân viên trố mắt ngạc nhiên:
- Xin lỗi...Chuyện ấy có liên quan gì đến căn nhà? Sao ông muốn biết?
Anh nhào tới:
- Tôi muốn biết vì tôi muốn biết. Một câu hỏi như thế thì tổn hại gì cho ai. Tôi muốn biết mặt bà ta lúc còn sống. Có thể con cháu của bà ấy còn giữ lại những tấm ảnh.
- Xin lỗi ông, xin ông bình tĩnh.
- Bình tĩnh cái con khỉ. Con cháu bà ấy bây giờ ở đâu?
- Tôi làm sao biết họ ở đâu.
- Chị phải cho tôi gặp họ. Tôi chỉ cần hỏi họ là có đúng bà chủ nhà này tóc ngắn và quăn không. Tôi chỉ cần biết như thế thôi. Ngoài ra tôi cam đoan là không làm phiền họ hay làm phiền chị một điều gì cả. Tôi muốn biết... muốn biết có phải chính là ba ta đã làm ra những chuyện ám muội ám khói đó không.
- Khói gì thưa ông?
- Trời ơi... khói thuốc chớ khói gì... Cái thứ khói đã ám trên trần nhà của tôi.
- Xin lỗi... tôi không hiểu.
- Chị không cần hiểu. Chị cứ cho tôi gặp con cháu người đàn bà đó, tự tôi giải quyết mọi chuyện.
- Xin lỗi ông. Tôi thật sự không còn một liên lạc nào với những người con cháu của bà ấy.
Người đàn ông dồn hết sự phẫn nộ vào nắm đấm và dằn mạnh xuống mặt bàn làm bình hoa rung rinh, chao đảo, nước sóng sánh chực trào ra ngoài. Chị nhân viên địa ốc đứng lên:
- Ông không được gây náo loạn ở đây. Nếu thật sự ông muốn biết mặt bà ấy thì ra nghĩa trang mà nhìn mặt. Bà ấy chôn ở Vườn Thiên Thu. Trên mộ bia có tấm ảnh. Đây là tên họ của bà ấy. Ngoài ra tôi không còn cách nào khác để giúp ông.
Khi người đàn ông trở về nhà thì trời đã sụp tối. Anh đẩy cửa bước vào, mệt nhọc tơi tả. Tấm ảnh trên mộ bia là chân dung của người đã khuất lúc còn trẻ, tóc dài và thẳng, đôi mắt buồn bã như sắp khóc. Ánh mắt u sầu đó như muốn bảo: "Anh về đi. Tôi không có liên can gì với chuyện sương chuyện khói trên trần nhà của anh. Hãy để cho tôi yên."
Anh leo lên giường, có cảm tưởng như cả người rời ra, chân một nơi, tay một nẻo. Giấc ngủ nặng nề, trạo trực. Một vì sao lặng lẽ xẹt ngang nền trời, dòm qua song cửa. Anh lắng nghe có tiếng xe ù ù, xa xăm, tiếng một con dơi đang thao thức, một con chồn đang mò mẫm ăn đêm, tiếng một trái cam rụng sau vườn. Những tiếng cựa mình ấy của không gian làm anh thấy trơ trọi. "Im mẹ nó cho rồi" -anh buột miệng. Anh cau có nhắm mắt lại. Tâm trí anh vật vờ, trôi giạt. Vệt khói xuất hiện trong một giấc mơ không đầu không đuôi, dài ra như cái móc câu, lôi từng uẩn khúc nào đó của đời anh ra khỏi những ngăn riêng bí mật. Và bất chợt, anh tỉnh hẳn, giật bắn người. Anh vừa nghe tiếng rít thuốc và tiếng thở vang ra từ cái góc nhà mà người đàn bà bị liệt đã từng ngồi nhả khói 20 năm. Anh ngồi bật dậy, rón rén bước ra và dưới cái ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường xuyên qua những tấm lá sách anh nhìn thấy một thân người bé nhỏ, rút lại, đang ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế dựa bật lên bật xuống, dép bỏ dưới sàn, hai bàn chân xương xẩu đòng đưa. Từ ánh lửa lập loè của điếu thuốc đang lập bập trên môi người lạ, anh thoáng thấy một mái tóc ngắn, uốn rất khéo, chải từng lọn loăn xoăn được đính lại bởi một cây kẹp nhỏ lấp lánh và một làn khói mỏng manh ẻo lả đang lượn lờ bay lên từ giữa hai ngón tay khô đét. Anh lạnh rợn sống lưng, mắt mở to gần rách mí, kêu thét lên một tiếng thì tự nhiên thấy mình đang đứng trước một cái ghế không người. Không có ai cả. Cái miếng nệm lót ghế dường như cũng không hề lún xuống chứng tỏ những gì anh vừa trông thấy trong khoảnh khắc vừa rồi chỉ là ảo giác hiện về từ một góc đời mù mờ, tối ám. Anh bật sáng tất cả đèn trong nhà và lôi xềnh xệch cái ghế dựa quẳng ra ngoài sân. Những ngôi sao trên trời he hé nhìn xuống anh. Anh rùng mình nghĩ đến cái người vừa rồi. Hình như không hẳn là một người xa lạ. Trước tiên là mái tóc.
Mái tóc ấy gợi cho anh nhớ tới người chị đã mấy chục năm lưu lạc của mình. Chị của anh ngày trước là chủ một nhà in có tiếng, tiền bạc phủ phê, sống một cuộc đời xa hoa, phù phiếm. Trong các buổi tiệc tùng, dạ hội, chị thường mặc áo dài kim tuyến, trang điểm lộng lẫy, đeo chuỗi hạt xà cừ và bao giờ chị cũng cài lên tóc mình một cây kẹp có đính hột lấp lánh. Anh hỏi chị: "Hột này thiệt hay giả vậy chị?" Chị anh cười ha hả, anh thì ngơ ngác. Chị mất cả tiếng đồng hồ cho mái tóc. Trước tiên là sấy, rồi đánh rối, rồi xịt keo, sau rốt là dùng một cây kẹp bằng điện, toả ra sức nóng, quấn vào từng lọn tóc cho quăn. Làm tóc xong chị cứ nhìn mãi trong gương. Anh thấy chị mình đẹp nhưng diêm dúa. Chị kết thân với các tướng tá, qua lại với những tay thầu phán kếch xù. Chị có nhiều chồng, nhiều nhân tình, sa ngã trong những cuộc chơi bất tận. Chị nhét cho anh nhiều tiền nhưng những đồng tiền ấy không lôi anh đến gần chị cũng như không làm cho anh giống chị được. Anh thấy mình quá khác biệt với lối sống của chị, không khỏi lợm giọng khi nhìn chị bảo người giúp việc chiên trứng gà ốp-la và bò bít-tết cho chó ăn. Từ những duyên cớ nhỏ nhặt hai chị em bắt đầu giận nhau, cãi nhau rồi từ từ xa nhau, đường ai nấy đi, lặng lẽ chia tay như hai cái lá khô trên đường bị gió tạt về hai ngã.
Sau này anh nghe tin nhà in của chị bị tịch biên, gia cảnh suy sụp. Chị dẫn đàn con bảy đứa lên tàu vượt biên. Chị tới nơi nhưng cả mẹ và con đều bị cuốn vào cơn lốc của những đột biến lớn lao. Bảy đứa, bảy cuộc đời vá víu, trồi lên thụp xuống, sống ngoi ngóp, ngụp lặn giữa những lượn sóng đời. Chị, thất thế, thất vọng, ê chề, lạc lõng, làm đủ nghề để không chết, sau gần 20 năm vật vã chị xuống tóc đi tu.
Anh có tìm đến ngôi chùa ấy để thăm chị một lần. Đó không phải là chùa mà là nhà, sửa lại đôi chút, được gọi là tịnh xá. Thật tình anh không có ý định đến thăm chị. Nhân trong một chuyến du hành anh chợt nảy ra ý ấy. Anh tách ra khỏi đoàn, xin cho mình vài tiếng đồng hồ để rẽ vào tịnh xá. Tận cùng trong tim anh thấy thương chị và tội nghiệp cho một đời người. Ra mở cổng cho anh là một bà vãi già, lưng còng, má hóp, hai môi không ngậm lại được để lộ vài chiếc răng lỏng lẻo trên hai hàm méo mó. Bà vãi nói:
- Cô Ngọc Kim chưa về. Cô ấy đi hốt thuốc. Phải chờ người để có giang xe nên chẳng biết bao giờ về.
Anh hỏi:
- Thưa bà, cô Ngọc Kim bị bệnh gì?
- Ái chà... đủ thứ bệnh.
Anh ngồi chờ trong khi bà vãi lui cui đi rửa một thứ lá gì đó rồi bỏ vào cối đâm, giã lấy nước. Bà ấy bảo: "Uống cho bớt sưng chân." Xong bà ấy lấy ra một ít đậu phọng rang mời: "Ăn đi chú. Ăn cho đỡ buồn." Rồi bà ấy móm mém cười. Một lần nữa anh thấy những cái răng mờ mờ, to và thưa như những cột thạch nhũ trong vòm hang tối. Anh tưởng tượng đến giây phút trùng phùng và tự nhiên cảm thấy rụt lại. Anh sẽ phải nói câu gì đây trước một cảnh tượng thê lương, an ủi hay cho tiền? Đến khi bà vãi lên đèn, chuẩn bị thắp nhang tụng thời kinh tối thì anh đứng lên, mở cửa tịnh xá, bước đi trong bóng đêm chập choạng. Chị vẫn chưa về. Chiếc xe của đoàn du hành đến đón và đưa anh đến một nhà hàng sang trọng, rực rỡ hàng ngàn ngọn đèn, cao lương mỹ vị thừa mứa. Anh không ăn được gì cả. Anh hình dung chị mình chắc cũng giống như bà vãi khi nãy với cái đầu trọc lóc và hai quai hàm méo mó, lưng gập xuống, ngực chảy lòng thòng. Anh tự hẹn là sẽ trở lại lần nữa nhưng mãi cho đến bây giờ là bao nhiêu năm trôi qua anh vẫn không trở về nơi ấy. Bây giờ thì có lẽ chị anh đã chết. Có lẽ chị đã chết thật rồi..
Anh tự nhủ: "Chắc cái người ngồi trên ghế khi nãy là chị! Có lẽ chị ấy về trong những giao cảm tâm linh."
Nhưng anh không dám quả quyết. Mái tóc thì đúng là chị nhưng có một điều còn mập mờ khiến anh do dự là chị anh chưa bao giờ hút thuốc. Trong gia đình có một người đàn bà duy nhất hút thuốc là mẹ anh. Bà hay hút thuốc lá Cẩm Lệ, tự tay cuốn lấy trong tờ giấy quyến. Thuở nhỏ anh hay đòi vấn thuốc cho mẹ và mẹ vẫn hay vò đầu anh cuời hể hả mỗi khi anh vấn khéo. Rồi bà nhét điếu thuốc bốc khói vào miệng anh. Anh gạt ra, ho sặc sụa. Thứ thuốc ấy rất mạnh, rất say. Mẹ anh ghiền thuốc từ khi còn con gái.
Anh thương mẹ thì ít mà oán hận mẹ thì nhiều. Anh oán hận mẹ từ khi cha mẹ anh tan rã. Cha anh lấy vợ khác. Mẹ anh lấy chồng khác. Bà gởi hai chị em anh cho người cậu nuôi dùm. Rồi mẹ lún chân trong cờ bạc, quên luôn núm ruột của mình. Anh sống cô độc, âm thầm, không thừa hưởng cái nòi tình bạt mạng của cha hay cái máu hoang đàng phung phá của mẹ. Anh đi học, đi làm, có đồng nào chắt bóp đồng ấy trong khi mẹ anh thì bất kể trên chiếu bạc. Bà ấy không từ một thủ đoạn nào để nẻ tiền anh. Anh tự coi mình đã mồ côi ngay từ khi cha mẹ còn sống. Cũng như đối với chị anh cắt đứt giao tiếp với mẹ, theo làn sóng người loạn lạc trong những năm bão bùng, bỏ quê hương, tìm phương sinh sống ở xứ người. Mẹ anh, bằng cách này cách khác, truy ra được tung tích anh. Bà gởi những bức thư than vãn, cầu xin anh tha thứ và cầu xin anh hãy thương tình gởi cho bà chút tiền độ nhật.
Anh gởi tiền cho mẹ nhưng không bao giờ viết thư cho mẹ cũng như không bao giờ muốn gặp lại mẹ. Mẹ anh sau này già yếu, ốm và bệnh, phải sống nhờ vào một người cháu họ. Người cháu viết thư qua kể: "Bà đã hết đánh bạc rồi. Bà chỉ mong cậu nghĩ tình mà về gặp bà lần cuối. Bà không còn sống được bao lâu nữa."
Anh cười khẩy. Tuồng cũ, vai cũ mà cứ diễn đi diễn lại hoài. Người cháu gởi hình qua cho anh xem. Mẹ của anh gầy rộc như bộ xương, hai má hóp, mắt bầm một bên vì té ngã, đầu như cái sọ dừa, sói sọi, môi phập phều, nằm một chỗ, sống như thảo mộc. Anh vẫn không về. Rồi mẹ anh chết, anh gởi tiền về cho người cháu chôn mẹ. Đến khi người cháu cho hay nghĩa trang bị giải tỏa thì anh cũng chỉ gởi tiền về, nhờ người ấy hỏa thiêu mẹ, đem tro cốt rải ra ngoài sông lớn.
Hẳn cái người khi nãy là mẹ. Anh nghĩ thế và cảm thấy lòng thắt lại. Cái hận đã tiêu pha lâu rồi. Nợ nần giữa hai mẹ con thì đã dứt giữa hai bờ âm dương. Mẹ còn tìm anh làm gì nữa. Không lẽ chuyện hốt cốt, hỏa thiêu có điều gì vướng mắc.
Anh mở ngăn kéo lôi bức thư của người cháu ra đọc lại.
"Cháu đi hốt cốt cho bà vào một ngày đẹp trời cậu à. Trời quang mây tạnh, nắng tốt lắm. Những công nhân bốc mộ làm việc rất hăng hái. Cháu đem được xác bà lên. Huyệt mả rất khô ráo. Hồi trước cháu liệm bà trong cái bao nylon lớn thì bây giờ cái bao cũng còn y nguyên, à, mà cậu có nhớ là cháu đã đổ vào hòm mấy ký lô trà không. Xác trà còn y. Chưa có cái gì rữa ra hết. Cháu không mở cái bao gói xác bà mà cứ để nguyên thế, tròng bên ngoài thêm lớp bao nữa rồi chở đi thiêu. Mọi việc suông sẻ tới ba giờ chiều. Sau đó cháu với anh Út đi xe honda đem hủ cốt của bà ra sông, định thuê chiếc đò chèo ra sông lớn. Cái xui bắt đầu từ lúc này. Trời lúc ấy thình lình kéo mây đen vần vũ, khởi sự có cơn giông lớn. Không đò nào chịu đi vì sợ lật. Cháu hứa trả tiền bao nhiêu họ cũng không chịu đi. Sau cùng anh Út biểu cháu đổ đại hủ cốt của bà xuống bờ kè. Lúc đó sấm chớp nổi lên ầm ầm, gió tạt ướt mặt mày nên cháu hấp tấp đổ đại hủ tro xuống sông mà chắc không trọn. Nửa phần tro rơi xuống sông, nửa phần vướng lại bờ kè. Cháu sợ bà quở phạt nên hôm sau mua đồ về cúng vái mà bà không để cho yên. Cứ vài ba ngày là cháu thấy tàn thuốc lá rơi đầy ngoài hàng hiên dù chẳng có ai ngồi hút ngoài đó. Bà về bà hút chớ chẳng phải ai vô đây. Cậu ơi, cậu về đây một lần đi cậu. Cậu về đây thắp nhang để bà siêu thoát mà đi. Cậu không về thì bà còn vương vấn ở đây hoài. Cháu sợ lắm, không làm ăn gì được..."
Bức thư ấy gởi đã lâu nhưng anh xem xong rồi quên mất hay nói đúng ra anh không muốn màng tới nữa. Anh tưởng rằng những điếu thuốc của mẹ anh đã tắt ngúm từ lâu sau cái chết cũng như mái tóc trần tục của chị anh đã về với cát bụi sau khi chị dứt bỏ cái kiếp phù sinh. Thật sự thì chẳng có cái gì mất đi cả. Chúng vẫn tồn tại ở đó, tận đáy lòng anh, khắc khoải chút thâm tình, nấn níu một cái quay đầu nhìn lại. Anh mở cửa bước ra sân, nhìn cái ghế ngã lông lốc ngoài ấy rồi trở vào nhìn lên cái vệt khói trên trần nhà. Nước mắt tự nhiên ứa ra nóng hổi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Thôi thì....
Căn nhà treo bảng bán. Người đàn ông ấy khóa cửa bỏ đi mất. Có người nói anh đi tìm chị, có người nói anh đi tìm mẹ và có lẽ anh đã gặp họ đâu đó, trong những làn khói hư huyễn mang hình dáng một mái tóc bồng bềnh, tỏa ra từ một điếu thuốc lá cháy âm ỉ hai đầu âm dương, và trong cái chung cuộc đó chắc cả ba cũng đã hoá giải được nhiều điều, hạ màn cho bao nhiêu sóng gió...
Cao Thanh Phương Nghi
2/2014