Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chén rượu tha hương, trời! đắng lắm
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông
Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng
Mỗi năm tôi đều chép một hai đoạn Xuân Tha Hương của Nguyễn Bính để gởi về cho chị Trúc ở Vĩnh Long. Không biết Nguyễn Bính có may mắn hơn tôi hay không, riêng tôi, tôi không bao giờ được chị Trúc trả lời. Chị Trúc của tôi không có máu văn nghệ văn gừng gì hết. Chị có trái tim nhân hậu, nhưng tôi không biết chị tìm gì trong cuộc đời này. Tình yêu? Tuyệt đối? Vui chơi?
Trật lất hết. Chị Trúc rất hiền lành và chơn chất, đâu có lẩm cẩm đi tìm một cái gì siêu việt. Chị nấu cơm kho cá, chị khâu vá thêu thùa, đặc biệt chị làm bánh rất ngon. Tết đến chị làm bánh lu bù. Còn tôi thì ở phương xa.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi chị một em em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
Mấy con sông? Sông Cái Cá, sông Cổ Chiên, sông Long Hồ, sông Thiềng Đức, sông Cầu Lộ, sông Cầu Lầu, sông Định Tường, sông Cửu Long, sông Tiền Giang... Càng xa chị Trúc tôi càng lãng mạn, tôi càng rên rỉ, nhứt là lúc gần Tết.
Tết đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công
Em không khóc nữa không than nữa
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Mà nào tôi có hận gì ai. Thiệt lãng xẹt! Vậy mà năm nào tôi cũng lăn ra nằm vạ với chị Trúc. Và dĩ nhiên chị không bao giờ trả lời trả vốn cho cái lãng mạn nửa mùa của tôi. Riêng tôi, tôi cũng chẳng phiền hà gì về sự im lặng của chị. Thành ra Tết nào cũng vậy. Tết này chưa chắc em về được. Mà em về được hay không về được gì thì chị Trúc vẫn đốt lò nướng bánh và chăm chỉ thêu thùa. Chị rất khéo tay, trong Xóm Cái Cá ai cũng đã từng thưởng thức tài nghệ của chị.
Nãy giờ chắc ai nấy đều thắc mắc. Chị Trúc tài như vậy, còn sắc thì sao? "Đẹp!" Ôi, chị Trúc của tôi đẹp lắm. Đường nét xấp xỉ Thẩm Thúy Hằng. Cũng mũi thẳng mắt to, môi dưới mời mọc và nhứt là trắng tươi, trắng rất trắng. Ngực vừa phải, eo thon, mông tròn trĩnh, thích mặc áo dài trắng học trò. Mỗi lần lượn ngang Xóm Rạp Hát của tôi, bọn con trai ùa ra ngắm nghía, chắc lưỡi "Người Đẹp Bình Dương", không ai thấy mình có đủ tiêu chuẩn để chinh phục một mỹ nhân như vậy. Phần tôi, tôi cũng chỉ còn biết dậm cẳng kêu trời. Tết đến cho em thêm một tuổi, thế nào em cũng phải thành công. Thành công? Thành công cái gì? Ở tuổi dậy thì, sự thành công có nghĩa là thành công trong tình yêu.
Và tôi đã thành công! Không, không, không phải như quý bạn tưởng đâu. Tôi đâu có tham vọng chinh phục Người Đẹp Bình Dương. Tôi bắt bồ với Ánh, em nàng. Tuy Ánh tài sắc không bằng chị, nhưng dung nhan này cũng làm rung rinh bao trái tim ở Cầu Cái Cá, Xóm Lò Tường, Xóm Rạp Hát, trong đó có tôi. Nhờ thằng bạn học cùng lớp là em bà con của Ánh, tôi lọt vào nằm vùng ở nhà chị Trúc. Không biết lẽ gì, chị Trúc lại ưng bụng tôi nên chị lén mở tập ảnh gỡ vài tấm ảnh của Ánh tặng tôi cho thỏa tình mơ ước - và bỏ bóp lấy le với bạn bè.
Chị ơi Tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não nùng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông
Tết năm đó, tôi viết cho chị Trúc như vậy. Lúc đó tôi với Ánh chưa tỏ tình gì hết, và tôi cũng chưa biết uống bia. Vậy mà tôi vẫn cứ cười sập gác trọ ầm ầm và liệng gà-mên xuống sông Định Tường ào ào. Tôi du học Mỹ Tho và yêu Hoa xóm Bến Đò. Tôi không khổ sở vì yêu đương, nhưng cũng rên với chị Trúc cho có lệ. Tôi còn muốn tỉ tê hơn nữa. Rượu say nhớ chị hồi con gái, thương chị từ khi chị lấy chồng. Nhưng chị Trúc đâu có ưng ai mà lấy với bỏ. Chị tiếp tục cặm cụi làm bánh và cũng chẳng buồn khỉ móc gì hết. Nhiều lúc ngó chị, tôi cũng rung rung trái tim.
Nhưng người rung rinh trái tim hơn hết là Lộc, anh tôi. Chàng là kép độc trên sân khấu học trò của cả tỉnh Vĩnh Long nên có nhiều ưu điểm để lọt vào mắt người đẹp. Bởi vậy cho nên Ánh lo lắng. Ánh lo rủi Lộc rước chị Trúc về làm vợ thì tôi với Ánh kẹt cứng. Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao đất rộng biết đâu mà tìm? Thành thử khi Lộc ghé chiếc Vespa vào nhà chị Trúc thì Ánh và tôi tìm đủ mọi cách để đẩy chàng ra - không xì bánh xe là may. Để an ủi chàng, Ánh mang tập ảnh ra cho chàng xem. Chàng lựa những tấm hình mỹ miều mơ mộng nhứt của chị Trúc và lén gỡ dắt bóp lấy le. Người ta bận bịu mọi thứ, riêng tôi tôi trấn an Ánh "Lộc cưới chị Trúc thì Lộc cứ cưới, còn anh cưới em thì anh cứ cưới, đã chết ai". Ánh la kỳ chết!
Nhưng Lộc không phải là người duy nhất mê chị Trúc. Trăm vạn người mê. Nhưng đi hỏi cưới chính thức lúc đó thì chỉ có một người: Phước. Phước lớn tuổi hơn tôi nhưng học cùng lứa với tôi.
Phước âm thầm yêu chị Trúc lâu lắm, khi nàng theo học lớp nữ công gia chánh. Thuở đó, cuối năm học đều có diễn tuồng. Lộc đẹp trai được đóng vai Ngô Quyền, Phước xấu trai đóng vai tướng Tàu - từ chết tới bị thương khi màn sập. Phước có tài diễu và diễu rất có duyên. Mỗi lần Phước kể chuyện vui là tôi ngã lăn ra cười chết bỏ. Người sao mà có duyên dữ vậy! Nhưng than ôi, ý kiến của chị Trúc lại hoàn toàn trái ngược. Về Phước, chị phê bình người gì mà mặt dài như mặt ngựa, chuyên làm hề cho thiên hạ, chưa nói đã cười. Dù biết hay không lời phê bình bất lợi một trăm phần trăm đó, Phước vẫn thừa thắng xông lên và xúi má mình chính thức đến nhà ở Cầu Cái Cá hỏi chị Trúc về làm vợ. Vâng em trẻ dại em đâu dám, thôi để người ta được kén chồng. Nhưng chị Trúc không kén chồng. Chị không từ chối hẳn lời cầu hôn của Phước, chị dùng kế hoãn binh. Lúc đó Phước được học bổng du học Mỹ hai năm, nhưng Phước nói nếu chị Trúc nhận lời cầu hôn thì Phước sẽ ở lại quê hương để cưới chị - sợ ra đi thiên hạ sẽ thừa cơ cưởm mất cái bàn thờ của mình. Chị nói Phước hãy du học trước đi, lúc về rồi hẵn tính sau. Phước xin đính hôn trước khi lên đường nhưng chị từ chối. Và Phước ôm mối mộng tình lớn lao lên đường du học.
Ôm bao hy vọng lúc ra đi!
Trong thời gian đó có nhiều người tới dạm hỏi chị về làm vợ, trong số đó có Tất. Tất là đại úy, tướng người cao lớn, tuy không đẹp trai nhưng rất bền chí, dù đã bị chị Trúc từ chối hai lần cầu hôn. Và chị cũng không nhận lời ai hết - chẳng phải là để thủy chung với Phước. Chị tiếp tục thêu thùa nướng bánh, và bọn con trai Xóm Rạp Hát tiếp tục chắc lưỡi trầm trồ Người Đẹp Bình Dương và cô em bé nhỏ xinh xinh - trong số đó vắng mặt tôi. Bởi lẽ tôi đã lên đường du học Canada.
Em ơi em ở lại nhà,
vườn dâu em đốn mẹ già em nuôi.
Ánh ở lại nhà đeo chưn má tôi rất kỹ. Đáp lại má tôi cũng thủy chung với Ánh hết dạ hết lòng. Còn tôi thì trúng tủ thơ Nguyễn Bính. Năm nào, khi Tết đến ở Canada tôi cũng lăn ra dẫy đành đạch nằm vạ với chị Trúc: Tết này chưa chắc em về được. Em về không được là cái chắc. Con đường Québec - Vĩnh Long nào đâu có ngắn như con đường lục tỉnh Sài Gòn - Vĩnh Long, sáng đi chiều về. Càng chắc chắn về không được tôi càng làm dữ - với mọi da đỏ địa phương.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ một thêm đông
Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Ở Canada những năm 60 mà tôi đã bày bán gạo nếp, nước mắm, bánh tét và dán biển đỏ ở cột nhà hàng xóm tùm lum. Thây kệ, sư phụ biểu sao thì tôi làm vậy. Trời Québec càng xuống tuyết tôi càng la chói lói. Áo rét ai đan mà ngóng đợi? Còn vài hôm nữa hết mùa đông.
Tôi lạc quan quá trớn. Mùa đông ở nơi đây dài bất tận, hết làm sao nổi mà hết. Ánh không biết đan áo, còn chị Trúc thì lo nướng bánh kẹp. Thằng em chỉ có từ chết tới bị thương. Nằm vạ ở Québec đã đời tôi đáp tàu thủy sang Paris nghỉ hè và kết tình với Diane, người em Xóm Học. Hết mùa hè tôi chia tay với Diane bước chân xuống đò trở về Xứ Tuyết. Lênh đênh trên mặt biển, nhớ Diane quá cỡ, tôi khóc lóc (và một lần nữa) lại lăn ra nằm vạ với chị Trúc.
Chị cho em chị chiếc khăn thêu
Ý chị thương em khóc đã nhiều
Khóc chị giờ đây mình lại khóc
Cho mình khi tắt một tình yêu
Đêm nào tôi cũng la cà ngất ngư ở quầy rượu.
Ồ say thương nhớ vô cùng!
Rượu hay lệ ướt khăn hồng chị cho?
Trong lúc tôi muốn thắt họng trên mặt biển thì ở nhà chị Trúc ra sao? Chị Trúc vẫn mạnh giỏi và vẫn tiếp tục từ hôn. Từ hôn trở thành một phản xạ tự nhiên của chị. Nhưng oan nghiệt thay!
Lần này trầm trọng hơn. Chị từ hôn Lộc? Không phải. Chị từ hôn Tất? Không phải. Chị từ hôn Hồ Chí Minh? Không phải. Chị từ hôn một nhà tu? Không phải. Chị từ hôn quốc trưởng? Không phải. Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Chị Trúc, một lần nữa, lại từ hôn. Và nạn nhân là Phước, sau khi du học ở Mỹ hồi hương.
Ôm bao hy vọng lúc ra đi
Chuốc lấy buồn thương lúc trở về
Lòng mỗi lần đi lòng bão táp
Mỗi lần là một cuộc phân ly
Chị Trúc từ hôn và Phước lâm trọng bịnh. Bịnh tương tư. Tóc rụng một nửa phần đen, nửa phần còn lại bạc lưa thưa. Đa mang chi nữa tình mây nước. Để mặc sương sa bạc mái đầu. Má Phước phải đưa Phước vào chùa tịnh dưỡng cho nguôi ngoai mối tình oan nghiệt.
Hoa đào tưởng bóng đào xưa,
Thuyền sang bến nọ dòng mờ khói vơi.
Hoa dương vàng nhạt sầu người,
Ta về uống nước sông khuây khỏa lòng.
Con chim mùa nọ chưa chồng,
Cũng bay rời rã trong dòng xuân thu.
Mặc dù không phải chị Trúc từ hôn Phước để đi lấy chồng, nhưng tôi cũng e rằng chị Trúc đã tạo nghiệp chẳng lành. Mấy tháng sau, được tin Phước lâm bịnh ngặt nghèo, chị hối hận có nhờ Lộc đi thăm Phước. Lộc đến nơi được một ni cô cho biết Phước đã rời chùa. Rồi từ đó những nay biệt luôn tung tích. Lộc về nói lại, chị Trúc bưng mặt khóc ngất.
Thì thôi tóc ấy phù vân,
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương,
Thì thôi mù phố xe đường,
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi.
Rồi Xuân tiếp nối Xuân, Tết tiếp nối Tết, tôi tiếp tục rên rỉ với chị Trúc Tết này chưa chắc em về được.
Cho tới một mùa Xuân nọ, một lần nữa, lần thứ ba, đại úy Tất lại đến gõ cửa xin cưới chị về làm vợ. Nhờ bà mai trong gia đình nói khéo, ba má chị bằng lòng, phần chị Trúc có lẽ ngó lại tuổi Xuân mình nên cũng gật đầu. Thế là đám con trai ở Xóm Rạp Hát của tôi đều rút khăn mu-xoa ra mà lau lệ. Chạnh nhớ thuở nào ở xóm này, tôi ra ngồi ở đống cây trước nhà ngóng Ánh đạp xe chở Người Đẹp Bình Dương về ngang ngõ, hương đượm ba ngày hương chửa tan.
Lần nọ có lẽ tôi ngó kỹ quá nên Ánh luống cuống đâm xe vào một con chó lớn đang chạy băng qua đường bất kể đèn xanh đèn đỏ. Bị đụng vào đầu đau điếng, con chó la oẳng một tiếng lớn (là cái cẳng!) chạy lộn trở lại, còn hai Kiều thì cũng té ngửa xuống đường chổng gọng. Tôi vội vã chạy tới đỡ hai nàng lên một cách rất nịnh đầm? Không! Tôi chỉ biết nhăn hàm răng hô ống điếu của mình ra mà cười. Hai Kiều thẹn đỏ mặt. Hai nàng lật đật dựng chiếc xe đạp lên, thay tài xế rồi đạp thẳng một mách về nhà.
Ánh giận lắm, mét với chị Trúc là "thằng nhỏ vô duyên!" Đó là thời kỳ tôi chưa lọt được vào sào huyệt của hai Kiều và chưa nằm vạ với chị Trúc.
Đã có yêu nhau là đến thế,
Đừng về Chiêm quốc nhé Huyền Trân.
Bọn con trai ở Xóm Rạp Hát đều nhất tề năn nỉ chị Trúc một mực như vậy mà người đẹp vẫn bước lên kiệu hoa đành đoạn. Huyền Trân thì trao thân cho vua Chiêm còn chị Trúc trao thân cho ai? Than ôi, than ôi và than ôi! Chị Trúc đã trao thân lầm tướng cướp.
Cũng là thôi cũng đã đành,
Sang ngang lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào,
Đầy thuyền hận có biết bao nhiêu người.
Em đừng khóc nữa em ơi,
Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em.
Sau khi cưới hỏi đủ lễ nghi, chị Trúc theo chồng lên Sài Gòn sống chung ở Xóm Vườn Chuối. Khi chị có bầu, Tất bắt đầu hắt hủi chị và bỏ nhà đi suốt đêm. Lúc đó mới vỡ lẽ ra là Tất đã có vợ lớn cư ngụ tại Chợ Lớn. Một buổi chiều Tất chê cơm chua canh mặn, mắng mỏ chị, chị cãi lại, hắn xô chị ra ngoài đường rồi khóa cửa lại bỏ đi mất. Một thân một mình trên đất khách, chị Trúc chỉ còn biết ra ngồi bên lề đường đô thành bụi bặm mà khóc sướt mướt. Lối xóm thấy tội nghiệp đem chị về nhà mình an ủi và cho tá túc. Sự thể càng lúc càng trầm trọng nên má phải lên Sài Gòn rước chị về Vĩnh Long chăm sóc. Vậy mà đâu có êm. Tất lại đuổi theo về tận Vĩnh Long quát mắng, đòi ăn như giặc, rồi lại chê cơm chua canh mặn, vỗ bàn đập ghế, đánh chó mắng kèo. Thấy ai nấy nín thinh nên hắn làm tới. Có lần hắn nói với Ánh: "Phải chi mà vợ tôi được lanh lợi như cô Tám..." Ánh trả đũa liền tức khắc: "Anh có phước lớn mới cưới được chị tôi, gặp tôi, tôi đã tống cổ anh ra ngoài đường từ khuya". Hắn nín thinh xò câm. Ma nhát bắt mặt người có khác. Tuy giận hắn, nhưng chính một tay Ánh đã nuôi nấng đứa con đầu lòng của Tất, vì sau khi sinh nở thì chị Trúc ngã bịnh li bì. Vậy mà lần nào Tất về Vĩnh Long cũng có một màn đòi ăn nằng nặc như con nít đòi bú, như giặc!
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này ô thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng
Rượu say nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng
Ở Canada, mỗi lần Tết đến, lạnh teo bu-gi, tôi lại tiếp tục lăn ra nằm vạ với chị Trúc, mà nào tôi đâu có hay biết gì về kiếp hồng nhan bạc mạng của chị. Cũng may mọi người đều giấu biệt tin tức bất lợi cho đệ tử Nguyễn Bính. Nếu không có lẽ tôi đã đáp máy bay về hành thích bạo chúa, đại úy dâm tặc, và ra hầu tòa một cách hiên ngang. Sang Tần tráng sĩ Kinh Kha chết, Máu đỏ trôi sông Dịch Thủy về. Ta hề là tráng sĩ. Ta tráng sĩ là hề! Tiếc thay trời đã không cho tôi dịp may so gươm với đại úy Tất và cứu chị Trúc của tôi đang bị con quỷ râu xanh uy hiếp. Chị thà coi như là hạt bụi, em thà coi như hơi rượu cay. Nếu biết thế, tôi đã đêm đêm mài kiếm dưới trăng, hâm bầu máu nóng, dọn đường về nước. May thay tôi không biết gì hết và tiếp tục lãng mạn. Rời Diane, trở về Québec, tôi gặp Louise và trở thành người tình của nàng. Nàng bèo bọt quá em lăn lóc, Chấp nối nhau hoài cũng uổng công. Một trăm con gái đời nay ấy. Đừng nói ân tình với thủy chung!
Tết này chưa chắc em về được. Tuy nói vậy nhưng tôi đã trở về. Về quê hương. Về Việt Nam. Về Vĩnh Long. Tôi cưới Ánh - đám con trai Xóm Rạp Hát thêm một lần nữa, lại rút khăn mu-xoa ra mà lau lệ. Đừng về Chiêm Quốc nhé Huyền Trân, Ta viết thư này gửi cố nhân. Năm mới tháng Giêng mồng một Tết, còn nguyên vẹn cả một mùa xuân. Bẵng đi một dạo tôi không còn viết thơ Xuân cho chị Trúc nữa. Chị có hai con rồi ba con. Và tiếp tục không hạnh phúc. Một lần chúng tôi về, tôi nằm đưa võng kẽo kẹt trong căn nhà bên Cầu Cái Cá, chị kéo Ánh về nhà kế bên tâm sự. "Mầy có phước hơn tao. Tao không biết hạnh phúc và sung sướng là gì hết. Mỗi chiều tao lo cho thằng chả ăn. Thằng chả ăn no, dọn dẹp xong thằng chả leo lên bụng tao. Như gà đạp mái. Xong lăn ra ngủ ngáy phì phò. Sáng thức dậy đòi cà phê bánh mì như giặc..."
Trong khi đó cuộc chiến tranh chó má ở quê hương ta vẫn tiếp diễn, từ những năm 60 sang những năm 70. Tôi đi lính và Tất lên lon Thiếu tá, phục vụ ở Bộ Quốc Phòng. Ánh có hai con thì chị Trúc đã được năm con. Ra đường thiếp hãy còn son, Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng. Chị Trúc vẫn còn tươi tắn, đẹp đẽ, dù bất hạnh.
Tết này chưa chắc em về được. Em về không được là cái chắc, vì năm đó là Tết Mậu Thân 68. Tôi kẹt ở Hàng Xanh, chị Trúc kẹt ở Vĩnh Long. Và Việt cộng bắn chết một nhân vật mà cả tỉnh Vĩnh Long đều yêu mến: Chín Khùng. Bởi lẽ Chín Khùng không hiểu gì về cuộc chiến tranh tương tàn giữa phe ta và phe bên kia hết. Chín Khùng bỏ ra ngoài tai tiếng hô cảnh cáo "Đứng lại!" và rốt cuộc bị cán binh lạ tỉnh lạ người bắn chết. Dứt Tết Mậu Thân, qua năm 69 tôi xung vào quân đội rồi được biệt phái về dân sự. Tôi có gặp Tất một vài lần và thầm tiếc cho chị Trúc.
Nhưng mọi sự đều quá muộn màng. Em đi theo đuổi chuyện tơ duyên, Dò mãi lòng sông sắm mãi thuyền. Cho đến một hôm em mới nhớ: "Lòng người..." chị Trúc nhớ hay quên? Hỏi là hỏi chơi vậy thôi chớ chị Trúc có bao giờ cầm bút lên trả lời tôi - thằng em lãng mạn lẩm cẩm.
Cuộc chiến khốc liệt tiếp diễn dai dẳng và kết cuộc là miền Bắc nuốt trọn miền Nam năm 1975. Giải Phóng?
Đó cũng là một cách nói, một cách diễn dịch lịch sử. Điều trước mắt là mọi quân nhân, công chức Ngụy đều phải đi học tập. Tôi, Ánh và hai con may mắn không kẹt lại. Tất, bấy giờ đã lên lon trung tá, còn kẹt lại và học tập rất xa, tận ngoài Bắc Việt. Chị Trúc lên đường khăn gói thăm nuôi từ Nam ra Bắc và được chồng trách là nuôi ăn thiếu thốn, không đúng tiêu chuẩn. Chị Trúc chỉ còn biết giấu mặt âm thầm quẹt nước mắt.
Từ cái ngày tang thương năm 75 đó, tôi không được tin tức trực tiếp gì về chị Trúc. Chị chết, chị sống, chị hạnh phúc, chị khổ đau, tôi không biết gì hết. Dù rằng mỗi năm tôi vẫn cặm cụi viết cho chị.
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Cầu mong cho chị vui như Tết
Tóc chị bền xanh má dậy hồng
Cho tới một Tết nọ, có người về thăm quê hương trở qua và mô tả nhan sắc hiện thời của chị Trúc. Ánh vội vàng gởi tiền về cho chị trồng răng. Chị biên thơ cám ơn, không xin gì thêm. Ngày qua ngày, và cuối cùng trung tá Tất trở về và đòi bán nhà để ăn uống tiêu pha. Chị Trúc khóc lóc, năm đứa con của chị phản đối kịch liệt ba nó mới chịu buông tha. Rồi Tất nộp đơn xin ra đi với diện HỌ Lúc bấy giờ tôi và Ánh đang ở Pháp và được thư chị Trúc cầu cứu: "Em gởi cho chị bốn cây để chị lo giấy xuất cảnh cho cả gia đình". Dĩ nhiên Ánh từ chối vì chúng tôi không có tiền, mặt khác chúng tôi lại sợ Tất làm áp lực chị Trúc để lường gạt. Ngoài ra, lo sợ cho sự dốt nát của chị, "to eat, to drink" không biết, Ánh khuyên chị chớ nên ra đi. Được thư Ánh, chị Trúc lặng thinh cho tới ngày chị lên đường sang Mỹ. Chúng tôi được tin chị tới Mỹ qua lá thư đứa con trai của chị cám ơn nhờ Ánh khuyến dụ mà bây giờ má nó, nó, và em gái nó được tha hồ uống sữa và Coca Cola - có hình kèm theo. Được thư Ánh giận lắm, gởi trả lại khổ chủ và dặn chị Trúc phải biết dạy con. Chị Trúc, như bao giờ, chẳng trả lời trả vốn gì hết.
Đúng mùng một Tết nọ, chị Trúc viết thơ cho Ánh biết là chồng chị đã đứng ra lãnh hết tiền trợ cấp của chánh phủ Hoa Kỳ, xua chị và hai con ra đường mặc kệ. Nhờ người chỉ dẫn chị đã nộp đơn xin ly dị với Tất. Chị đòi chết. Chị kêu cứu. Chúng tôi biết đại khái chị ở vùng Philadelphia, nhưng không có một địa chỉ chính xác nào hết. Thơ gởi về địa chỉ cũ bị trả lại. Ánh báo động cho người anh thứ Năm -trung tá ra đi với diện HO - cư ngụ ở Cali tiếp tay tìm kiếm. Chị Trúc vẫn biệt vô âm tín. Xứ Mỹ minh mông, chim trời cá nước biết đâu mà tìm. Tôi và Ánh vô cùng lo lắng. Nhưng có lo lắng cách mấy cũng đành bó tay mà thôi. Tôi tưởng tượng chị Trúc lang thang trong gió lạnh mà lòng mình như dao cắt. Tôi mở địa đồ nước Mỹ ra tìm kiếm. Philadelphia nằm gần New York, mùa đông rét buốt biết chừng nào. Mà biết chị Trúc có còn ở đó hay không? Chiếu chăn phủ lạnh y xiêm, Y xiêm còn đó cánh chim biệt mù.
Ánh và tôi tiếp tục hồi hộp cho chị Trúc.
Cho tới một hôm tin tức từ quê nhà nhắn qua cô cháu gái của Ánh ở Paris cho biết chị Trúc đã trở về Việt Nam và ở lại luôn bên đó - cũng ngôi nhà cũ bên dòng sông Cái Cá êm đềm. Chúng tôi mừng húm, thở phào nhẹ nhõm. Đứa con trai của chị cũng về theo, cưới người xứ ta rồi dắt vợ trở qua Mỹ sinh sống.
Riêng tôi bây giờ, cơ hội lãng mạn đã trở lại. Mỗi độ Xuân về, như Xuân năm nay, tôi lại được dịp lăn ra nằm vạ với chị Trúc:
Tết này chưa chắc em về được
Em gởi về đây một tấm lòng
Tết này ô thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhủ
Xa nhà rượu uống có say không?
Được thư tôi, chị Trúc lần mò xuống gian bếp nhỏ lợp lá còn đọng khói, kéo chiếc ghế nhỏ xục xịch, ngồi vào chiếc bàn ăn nhỏ, vặn nhỏ ngọn đèn dầu. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhứt trong đời, chị Trúc rưng rưng viết cho tôi mấy câu bằng mực tím tràn đầy thương mến:
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở
Chị gửi cho em một cánh hồng
Với lá thư này là tất cả
Những lời tâm sự một đêm đông
Chị về ở lại vườn dâu cũ
Buồn cũng như khi chị lấy chồng.
Kiệt Tấn
(*) Thơ trong bài này mượn của Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Thâm Tâm và của chính tác giả.