có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 1 13, 2014

Những nhà bình luận nghiệp dư




Thằng em tôi che thêm cái chái trước hiên nhà làm quán ăn. Trời chưa sáng hẳn, vợ chồng nó đã bày hàng. Vợ bán bánh canh. Chồng bán bánh mì, kiêm bồi bàn bưng bánh canh cho khách. Phía bên phải chái hiên, nó cho một cặp vợ chồng trẻ bán cà phê. Khách uống cà phê, luôn tiện ăn bánh canh, hoặc ngược lại. Việc buôn bán nương tựa vào nhau mà sống.

Nhìn cái quán của thằng em, tôi thấy hết nỗi nghèo nàn cơ cực.

Vợ nó cho biết: “Hôm nào bán khá thì đủ ăn. Bán ế, lỗ vốn. Mùa mưa thường bị ế, ông xã nhà em phải xoay qua nghề cầm bút.”

Tôi ngạc nhiên: “Trời! Nó cũng biết viết văn à?”

“Không. Ảnh cầm bút viết thư xin tiền các anh chị ở nước ngoài. Ảnh thường nói đùa là nghề cầm bút, em quen miệng nói theo.”

Tôi chỉ biết lắc đầu cho cái kiểu làm ăn vá víu, tạm bợ qua ngày của vợ chồng thằng em.

Cái mặt bất mãn kinh niên của thằng em thường khinh khỉnh. Nhưng khi nó dọn bàn cho khách thì tươi cười, xã giao đúng mức.

Lúc nó vào trong, tôi hỏi nhỏ: “Mày vất cái bản mặt khó ưa đi đâu rồi?”

Nó nói: “Tiền.”

“Tiền mua được cái mặt của mày sao?”

“Tiền không mua được. Tôi mang mặt nạ.”

“Chỉ có mấy đồng bạc mà mày chịu mang mặt nạ. Tao cho mày mấy trăm đô, sao mặt mày không thay đổi?”

“Anh cho tôi là bổn phận của người anh lo cho thằng em. Anh em ruột với nhau mà nói chuyện ơn nghĩa gì? Anh muốn tôi giở trò đóng kịch nịnh bợ tâng bốc anh hả? Xoàng quá! Anh làm tôi thất vọng.”

“Chính tao mới thất vọng về mày.”

“Anh chê tôi, chê cái nhà của ba để lại thì xách va li ra khách sạn nằm chổng cẳng lên trời cho sướng, như con của mụ Tư Lúa vậy. Việc gì phải ở lại đây chuốc lấy bực mình?”

“Khốn nạn! Mày hay lấp liếm từ chuyện nọ xọ chuyện kia. Tối nay, tao sẽ nói chuyện với mày.”

“Anh chỉ giỏi bắt nạt em út trong nhà.”

“Mày câm miệng đi.”

Mặt nó lại khinh khỉnh: “Anh hỏi tôi, tôi trả lời. Anh bảo câm. Câm thì dễ, nói mới khó.”

Nói xong, nó bỏ ra đứng nơi chỗ bán bánh mì, móc thuốc hút.

Khách hàng ăn bánh canh, hoặc uống cà phê là những anh Tư, anh Tám, chú Ba, cậu Bảy... Mọi người đều quen nhau. Họ là người láng giềng. Họ uống một ly cà phê đen nhỏ, nhưng ngồi rất lâu. Khách ngồi lâu chỉ tốn nước trà. Có người ngồi từ sáu giờ sáng đến mười một giờ trưa. Tôi thật không ngờ có kẻ “đóng trụ” lâu bền đến thế. Sau này mới hiểu ra, họ muốn đi làm nhưng không tìm được việc. Nằm nhà mãi cũng chán, họ ra quán cà phê ngồi đấu hót cho qua thì giờ. Họ nói với nhau đủ thứ chuyện. Thời tiết nắng mưa, trên trời dưới đất, năm châu bốn biển. Chuyện gì cũng nói được. Tôi ngồi bàn kế bên hóng chuyện, và lấy làm thú vị về sự hiểu biết rất “trời ơi đất hỡi” của họ.

“Thằng Mỹ bị thằng Áp Ga Nít Tăng chơi đau vố này, ông nội nó cũng ỉa cứt ra quần.”

“Chưa ăn thua gì đâu. Cơ sở của nó lớn lắm. Nó có hàng trăm tòa tháp. Chỉ mới quánh sập được hai tòa, những tòa khác vẫn vươn lên.”

“Tin mới nhất, thằng Mỹ bắt đầu xua quân chơi lại thằng Áp Ga Nít Tăng.”

“Đó. Đó. Cái đó mới chết đó. Nhưng tin đó lâu rồi, không phải mới nhất đâu. Quân Mỹ đã tiến tới Kăng Đa Ha hay Kăng Gu Ru gì đó, nghĩa là vào sâu trong nội địa của thằng Áp Ga Nít Tăng. Theo nhà bình luận Liên Xô, thằng Mỹ sẽ sa lầy còn tệ hại hơn sa lầy ở ta.”

“Mỹ lập quốc hai trăm hai mươi bảy năm, chỉ thua hai trận lớn. Một ở ta, và một ở I Rắc. Hồi ở ta, ta còn nhân đạo cho nó xuống tàu rút lui. Khi quánh với I Rắc nó không dám vào, chỉ đứng xa xa ngoài sa mạc thụt hỏa tiễn. Thằng I Rắc cũng chơi lại bằng hỏa tiễn không đối không, địa đối địa. Rốt cuộc thằng Mỹ ôm đầu máu. Lần thứ ba này, nó gặp thằng Áp Ga Nít Tăng. Theo đài nói, quân dân Li Băng đã rút bỏ nhiều cứ địa. Tôi đoán biết ngay rằng tụi này áp dụng chiến thuật tiêu thổ kháng chiến, dụ cho địch thọc vào thật sâu. Cuối cùng phản công quánh cho một trận. Con đĩ mẹ của thằng Mỹ cũng chạy sút quần. Nhưng chạy đi đâu? Đầu đít đã bị khóa. Để rồi coi...”

“Sao quân dân Li Băng lại chiến đấu ở Áp Ga Nít Tăng?”

“Li Băng là tên cái đảng cầm quyền của Áp Ga Nít Tăng. Cũng như nước ta có đảng Cộng Sản vậy.”

“A... tôi hiểu ra rồi. Không phải đảng Li Băng, mà là Ta Li Băng.”

“Tôi thắc mắc, sao lại nói Mỹ lập quốc hai trăm hai mươi bảy năm? Con số đó lấy ở đâu?”

“Có vậy cũng hỏi. Hồi Mỹ thua ở ta, nó lập quốc đúng hai trăm năm. Từ đó đến nay là hai mươi bảy năm. Cộng hai con số đó lại, không phải hai trăm hai mươi bảy sao?”

“Thằng Áp Ga Nít Tăng trải qua nhiều cuộc kháng chiến. Hết Liên Xô, giờ tới Mỹ. Tụi nó đã có kinh nghiệm về chiến tranh du kích. Đào địa đạo luồn sâu trong núi như hang chuột. Bom đạn Mỹ dội không ăn thua.”

“Tôi nghe nói thằng Mỹ có bom tinh khôn như quỷ, khi thả xuống bom tự động tìm cửa hang chui vào rồi mới nổ.”

“Tuyên truyền láo khoét, chiến tranh tâm lý nhằm khủng bố tinh thần. Hồi ở ta, nó cũng thả bom đìa, bom chùm, bom lửa nhưng ăn nhằm gì? Nói nghe chơi, các loại cánh cụp cánh xòe, con ma không đủ gãi ngứa. B52 chỉ đào ao cho ta nuôi cá.”

Trên đây là những lời bình luận của những người du kích cũ. Họ đã hy sinh hết một thời tuổi trẻ đi làm cách mạng chống Mỹ cứu nước. Bây giờ, họ về vườn với hai bàn tay trắng. Họ tỏ ra là người am hiểu thời cuộc. Khi nói chuyện, ít nhiều họ cũng nhắc về cái thời kháng chiến cũ. Coi đó là hào quang anh hùng của lớp người ngày trước, bọn trẻ ngày nay không thể thay thế.

Buổi trưa, trời nóng dữ. Vợ chồng thằng em thu dọn đồ nghề. Hàng cà phê còn bán lai rai.

Khách quen vào quán có người ở trần, có người mở phanh áo bày cái ngực lép xẹp lòi xương. Họ ngồi vào cùng một bàn. Chuyện khác lại bắt đầu.

“Trời nóng quá!”

“Ảnh hưởng Eo Ni Nô làm thời tiết thay đổi bất thường. Xứ mình nóng chết người, nhưng báo đăng nhiều nơi trên thế giới bị lũ lụt.”

“Eo Ni Nô là cái gì vậy?”

“Đó là hiện tượng mặt trời. Tiếng chuyên ngành của nha khí tượng là Eo Ni Nô. Năm nay, mặt trời nóng hơn những năm trước. Nước nơi này bốc hơi, bay qua nơi khác làm mưa lũ.”

“Sở dĩ năm nay nóng dữ như vầy, một phần cũng do nhà máy của các nước văn minh tiên tiến thải khí độc làm lủng bầu không khí. Bầu không khí đã lủng thì tia hồng ngoại tuyến của mặt trời chiếu thẳng xuống, không có gì ngăn cản được. Tia này có thể làm ung thư da.”

“Theo lẽ tự nhiên, mỗi năm quả địa cầu nóng hơn vài độ. Bây giờ lại thêm ảnh hưởng Eo Ni Nô làm tan chảy khối băng trên miền Bắc Cực, nước tràn xuống gây ra nạn ngập lụt. Miền Tây năm nào cũng lụt, nguyên nhân từ đó mà ra.”

“Đại diện các nước đã có họp bàn, tìm bịện pháp chận đứng các nhà máy thải khí độc để cứu vãn bầu không khí, nhưng không anh nào thi hành đúng mức. Cha chung không ai khóc là vậy.”

“Nếu dẹp hết các nhà máy thì chính nước ta cũng kẹt, đừng nói các nước văn minh khác.”

“Nước ta làm gì mà kẹt? Dẹp là dẹp mấy cái nhà máy chạy bằng nguyên tử lực. Chất thải của nó làm lủng bầu không khí. Nhà máy nước ta xài xăng dầu, không gây ảnh hưởng.”

Tôi nghe một cách thú vị những lời tán hươu tán vượn như thế.

Khi họ phủi đít ra về, tôi hỏi thằng em: “Nhóm trước là những nhà cách mạng ra rìa. Nhóm sau là ai vậy?”

Thằng em sừng sộ: “Hỏi làm gì? Nghe chuyện người khác, miệng anh cười châm biếm. Khinh người hả? Họ là khách hàng quen thuộc của tôi đó.”

“Biết họ là khách quen rồi. Nhưng họ là ai?”

“Thầy giáo hưu non. Nông dân không có ruộng. Lái buôn sạt nghiệp... Đủ thứ thành phần sa cơ thất thế.”


Lâm Chương

Trích “Truyện và Những Đoản Văn”