Năm 1977 sau khi được chuyển từ Long Giao lên Gia Rai, trại chúng tôi được phép thăm nuôi. Giấy phép được ban quản huấn gửi thẳng về gia đình, chúng tôi tràn trề hy vọng. Tên tôi vần N nên phải chờ đến ngày thứ 29 mới đến lượt tôi. Suốt 28 ngày trước, toàn trại rộn rịp như ngày hội. Tối hôm trước, không ai ngủ được. Buổi sáng người đến phiên hồi hộp ra gặp gia đình thì những bạn bè cùng láng cũng hồi hộp chờ bạn về. Người mang được tin vui. Không ít thất thểu xách giỏ thăm nuôi trở về với bộ mặt dàu dàu, ai hỏi gì cũng không nói. Buổi tối, những thức ăn phải ăn liền như xôi, bánh mì, bánh bao, thịt quay được bày ra, từng nhóm vừa ăn uống xì xụp vừa kháo chuyện nhà. Thuốc lá thơm chuyền từ môi này đến môi khác, khói un mù mịt cả đêm rừng. Lòng từng người dù đã thăm nuôi hay chưa đều mở hội, quà cáp thứ gì không thuộc loại lương khô (như mì ăn liền, cốm dẹp, mắm ruốc, muối đỗ, bánh tráng…) đều trở thành tài sản chung.
Ngày thăm nuôi của tôi đã đến. Thú thật vì đã sống suốt 28 ngày nôn nao rộn rã cùng với bạn bè nên đến lượt mình, tôi bình thản hơn. Tôi còn độc thân, các anh chị đã lập gia đình bận bịu vợ con nên chắc chắn chỉ có mẹ và đứa em gái út lên 14 tuổi lên thăm tôi thôi. Những người khác chờ mong nhìn lại mặt người vợ yêu dấu, âu yếm nắm bàn tay đã hao gầy, vuốt đôi má hóp, lùa tay vào mái tóc đã thưa để bồi hồi thương xót vợ con. Người trăn trở suốt đêm chờ gặp lại người yêu. Người nao nức muốn trời mau ngả chiều để hôn đứa con sinh ra lúc mình vắng nhà. Phần tôi, chỉ chờ một người mẹ và đứa em gái. Thứ quan hệ tình cảm đó đậm đà nhưng đơn giản, lim lĩm vào chiều sâu chứ không bồng bột sôi nổi như tình lứa đôi. Nó như nước trà chứ không như cà phê, muốn ví nôm na thì nói thế cũng được.
Toán vần NG của tôi lại thuộc buổi chiều, nên tôi càng có đủ thì giờ trấn tĩnh. Vì được lệnh chính thức nên chúng tôi lục bộ quần áo dân sự lâu nay nhét dưới đáy xắc ra mặc lại. Nếp áo còn nhăn, hăng hắc mùi băng phiến pha lẫn ẩm mốc với mồ hôi, kích thước lại quá rộng, nhưng ai cũng có cảm giác hân hoan như được mặc áo mới đi hái lộc đầu xuân. Một lần nữa cảm tưởng (hoặc ảo tưởng) được dứt khoát với quá khứ để lập cuộc đời mới, được vứt bỏ bộ quân phục dày cộm khoác áo nhẹ về quê xây nhà lập vườn trở lại với chúng tôi. Ðúng hai giờ chiều, tôi xếp hàng cùng các bạn theo cán bộ quản giáo ra cổng trại. Nhà thăm nuôi nằm sát bên trong rào kẽm gai, đứng đó có thể nhìn rõ nhà ga và cảnh thân nhân các nơi đổ về đây. Chúng tôi được lệnh ngồi theo hàng ngũ dưới một gốc sấu già, ai được gọi tên mới xách bao xách túi ra khu tiếp tân. Lệnh thật nghiêm: không được nói chuyện, không được đứng dậy chỉ trỏ, không được ra dấu hoặc nhờ vả nhắn nhủ kẻ đi trước. Vì sợ bị phạt, chúng tôi răm rắp tuân theo. Nhưng lòng chúng tôi có yên đâu. Vắng cán bộ quản giáo một lúc là tiếng xì xầm nổi lên ngay. Nhiều người thấy vợ con xách giỏ đi vào cổng, mừng quá reo lên, hoặc đứng hẳn dậy gọi ơi ới. Biết làm sao được! Hơn hai năm nay chúng tôi không được biết gì hết ngoài việc học chính trị và làm rẫy, tin tức gia đình và những gì xảy ra bên ngoài vòng kẽm gai đều mù mịt. Ở vào cảnh huống đó mới thông cảm được chúng tôi.
Tôi lóng ngóng chờ đợi mãi vẫn chưa thấy bóng mẹ và em tôi vào cổng. Ba giờ. Ba giờ rưỡi. Rồi bốn giờ. Chỉ còn nửa giờ nữa! Bốn giờ mười, rồi bốn giờ mười lăm. Toán của tôi hầu hết đều đã gặp thân nhân và hớn hở xách giỏ lương thực nặng trở vào. Bốn giờ hai mươi. Chỉ còn tôi và một cụ già thiếu tá bảo an hồi hưu ngồi lại. Cụ thiếu tá thất vọng ra mặt, hết đứng lên ngóng ra cổng trại hoặc tận ga xe lửa lại ngồi xuống ho sù sụ. Tôi cố giữ trầm tĩnh ngồi bó gối nhưng trong lòng như có ai đốt lửa. Nhà tiếp tân vắng dần. Bốn giờ 23, rồi bốn giờ 24 phút. Ðúng 4 giờ 25 thì chuyến tàu chợ từ Sài Gòn lên xình xịch đỗ ngoài ga. Niềm hy vọng của tôi đây. Không dằn được nữa, cả tôi lẫn cụ thiếu tá đều đứng bật dậy dợm chạy ra nhà tiếp tân. Tôi đã không lầm. Lúc hồi kẻng báo hiệu giờ thăm nuôi đã hết uể oải điểm đều từng tiếng, tôi thấy mẹ và em tôi vội vã xách hai cái giỏ lát khá lớn chạy từ nhà ga vào cổng trại. Em gái tôi gầy gò, mẹ tôi già yếu, nên thấy dáng hối hả của hai mẹ con, tôi xúc động quá bất giác kêu lớn:
– Mẹ, con đang chờ đây!
Có lẽ tiếng gọi của tôi bị gió rừng bạt mất, vì tôi không thấy mẹ và em tôi quay lại. Anh vệ binh đứng tuổi mang kính râm giữ việc kiểm soát giấy phép đã đứng dậy ra về, toán thân nhân đến trễ đang bu quanh anh, nét mặt người nào cũng khẩn khoản, chới với. Họ năn nỉ gì đó, nhưng tôi thấy anh vệ binh cứ lắc đầu. Một bà cụ nắm tay anh nói một hồi. Anh ta chăm chú nghe, nhưng đưa tay lên xem đồng hồ, rồi cương quyết lắc đầu. Ðến phiên mẹ tôi chen vào. Mẹ tôi nói gì tôi không rõ, chỉ thấy mẹ tôi vừa nói vừa trỏ về phía nhà ga. Có thể bà cụ đang đổ lỗi cho chuyến tàu chợ trễ nãi. Anh vệ binh vẫn lắc đầu. Nóng ruột quá, tôi liều lĩnh bỏ chỗ gốc sấu chạy đến khu thăm nuôi. Tôi nghe rõ mồn-một giọng Nghệ Tĩnh giận dữ tức tối của anh ta:
– … Các người còn muốn đòi gì nữa? Chồng con các người mang tội với nhân dân phải học tập cải tạo nhưng còn có ngày được về. Còn tôi đây này, nhập ngũ từ 1965, đi khắp các chiến trường cho đến lúc về ở cái xó rừng này, biết bao giờ tôi mới được về? Chồng con các người còn được tiếp tế giỏ này giỏ nọ. Còn tôi đây, vợ con không có đủ tiền gửi cho lấy một cái kẹo. Các người có dư tiền để mua vé xe lửa lên đây thăm nuôi. Vợ tôi biết tôi ở đây từ hơn hai năm nay, chưa thấy mặt tôi gần bảy năm rồi mà không có đủ tiền mua lấy cái vé xe hạng chót! Các người còn đòi gì nữa!
Nghe lén được mấy câu đó, tôi sững sờ đến nổi gai ốc. Tôi va đầu vào cái tường sự thật tàn nhẫn nên choáng váng. Người tôi ngây ngây, quên cả ý định lên tiếng để mẹ và em tôi trông thấy. Có lẽ các thân nhân đến trễ cũng có tâm trạng y như tôi, nên nghe anh vệ binh nói xong, họ tản ra hết. Ðã nói đến nước đó thì nằn nì cũng vô ích, nên tôi thấy mẹ và em buồn bã xách đồ ra ga mà không biết phải làm gì. Cuối cùng tôi chỉ còn biết sợ! Tôi nháy mắt ra hiệu cho cụ thiếu tá hồi hưu, rồi se sẽ nép vào các gốc cây để trở lại chỗ cũ. Chúng tôi về trại tay không, lòng vừa buồn rầu vừa hoang mang thật khó tả. Anh vệ binh già cầm xấp giấy phép hướng dẫn chúng tôi vào. Nét mặt anh lầm lì, bước chân nặng nề, đầu cúi xuống. Chiều ở rừng buốt lạnh. Chuyến tàu chợ ngược về Sài Gòn xình xịch đỗ ở cái ga xép. Tiếng còi tàu khao khao hơi nghẹn. Cổ họng tôi cũng nghẹn. Buổi tối hôm đó tôi nằm riêng một góc không tham dự cuộc vui chung. Các bạn tưởng vì không được thăm nuôi tôi buồn, nên ân cần đem đến tận chỗ tôi nằm mời ăn hết thức này đến thức khác. Tôi cầm cho họ vui lòng, nhưng không thể nói hết lý do nỗi hoang mang của tôi.
Tôi tiếp tục được hưởng sự ân cần mời mọc của bạn bè suốt nửa tháng thăm nuôi còn lại. Thật ngược đời! Trong láng, tôi và cụ thiếu tá bảo an hồi hưu trở thành hai đứa trẻ được nuông chiều. Tôi ăn uống sang trọng phủ phê còn hơn cả những người được thăm nuôi đầy đủ. Nhưng “sự phồn thịnh ấy giả tạo” đúng như bài học chính trị chúng tôi học thuộc làu trong năm đầu. Lúc các thức ăn chơi đã cạn và trong giỏ xách từng người chỉ còn lương khô, thì ai ai cũng lo tính đến đường xa. Kỳ thăm nuôi sắp tới chưa biết lúc nào, sức mang, xách, khiêng, đội, gánh gồng của những người vợ héo hon những bà mẹ già nua những đứa em yếu ớt thì có hạn. Cho nên ai cũng phải dè xẻng tính toán từng mẩu bánh khô, từng nắm cốm dẹp. Không muốn ích kỷ cũng phải đâm ra ích kỷ. Tôi trở lại sống nghèo đói đúng 100% nghĩa đen giữa đám bạn bè tương đối đầy đủ. Tinh thần tôi còn sa sút hơn trước. Không còn sự bình đẳng trong thiếu thốn nữa, nên tôi và cụ thiếu tá thui thủi một mình, mỗi lần thấy ai mở giỏ lương thực hoặc nấu nướng thứ gì, phải tìm cách lánh đi chỗ khác để họ khỏi khó xử. Và thành thực hơn, phải nói thêm là để đỡ thèm thuồng! Ðã thế hình như ban quản giáo ỷ y vào đồ thăm nuôi nên lặng lẽ rút bớt tiêu chuẩn cấp phát xuống. Tôi đói mà không kêu ca than van với ai được! Kêu ca với các cán bộ hoặc vệ binh ư? Lỗi tại mẹ và em tôi đi trễ chứ đâu phải tại tổ chức! Than van với bạn bè thì có khác nào xin khéo để buộc họ bố thí. Cụ thiếu tá đã trên 60 ăn uống nhỏ nhẻ và giỏi chịu đựng như đã từng chịu đựng cuộc đời 60 năm dài. Còn tôi, sức tôi còn trẻ. Tôi cần ăn nhiều. Tôi mới 24 tuổi. Nhưng lấy gì bỏ vào mồm bây giờ?
May cho tôi là khoảng ba tuần sau, tôi được chuyển sang toán làm rẫy!
Tôi xin nhấn mạnh ở chữ ÐƯỢC, vì làm rẫy bắp đúng là một ân huệ. Thung lũng Gia Rai đất đỏ phì nhiêu chẳng kém gì vùng Xuân Lộc, Long Khánh, nhưng vì thiếu nước nên chỉ làm rẫy được trong mùa mưa. Trước đây nhà nước có đưa dân lên lập một khu kinh tế mới, do các cán bộ chuyên viên qui hoạch lỡ quên vấn đề sống còn kém quan trọng là nước. Cũng có thể các chuyên viên ấy tin tưởng tuyệt đối vào ý chí con người: Không có nước ư? Thì hãy xắn tay áo lên, “vắt đất ra nước thay trời làm mưa”. Khổ nỗi mồ hôi của dân kinh tế mới không đủ tưới cây, và các cán bộ hướng dẫn lại không chịu đổ mồ hôi lao động, cho nên chẳng bao lâu khu kinh tế mới vỡ. Một số dắt díu bồng bế nhau trở về thành phố che lều ở bất hợp pháp ngay trên nền nhà cũ. Một số thành tiều phu. Ðàn bà con nít bán hàng rong, bán củi bó dọc theo đường xe lửa. Trên thung lũng gió hú chỉ còn lại đơn vị bộ đội lãnh phận sự quản giáo và các sĩ quan học tập cải tạo. Chúng tôi không được quyền giữ lại mồ hôi trong người. Mùa nắng phá rừng, mùa mưa tỉa bắp. Chẳng bao lâu hai bên đường xe lửa, từng nương bắp ngút ngàn lần lượt lấn chiếm cây rừng và những bụi gai dại. Dù là những tên tù bị cưỡng bách lao động, nhưng nhìn những chồi bắp vô tội nhú lên khỏi lớp đất đỏ, từng ngày theo dõi cách nó nức lá, trổ hoa, như trái, lòng người nào cũng nao nức rộn rã. Có thế chứ! Chúng tôi không phải là đồ phế thải. Có một niềm hãnh diện khắc kỷ trong lòng từng người, và chỉ cần có bấy nhiêu, chúng tôi cũng đủ sức mạnh tinh thần chịu đựng mọi gian khổ thiếu thốn.
Ðược đi rẫy tức là được đại diện anh em đón nhận trọn vẹn niềm kiêu hãnh thầm kín của kẻ thất thế. Nhưng ân huệ không chỉ là phần thưởng tinh thần. Nó còn là phần thưởng vật chất. Chúng tôi được chuyển về Gia Rai không bao lâu thì khách đi lại trên các chuyến xe lửa xuyên Việt dần dần biết chúng tôi là ai. Tin “lành” bay xa và vội, nên khi chúng tôi bắt đầu ra khu vực dọc theo đường xe lửa phá rừng thì nhiều chuyện bất ngờ xảy ra. Ban đầu chúng tôi tưởng mình bị đồng bào căm thù quăng đá như các bản báo cáo lên lớp của chính trị viên. Phản cách mạng, gây tội ác với nhân dân, ác ôn côn đồ, kẻ thù giai cấp, những kẻ dám quay ngược bánh xe tiến hóa tất yếu của lịch sử, chúng tôi quá xứng đáng lãnh nhận lòng căm thù của nhân dân tiến bộ. Xứng quá rồi. Nhưng ơ kìa! Chờ cho vệ binh đi tìm bóng mát, vài người lén lượm những viên đá căm thù đó lên, tâm trạng cay đắng như tử tội muốn được nằm ngửa để nhìn lần cuối lưỡi máy chém. Không phải đá! Chỉ là những bức thư chữ viết chi chít, nhiều lá còn nguyên các ngấn lệ, gói bên trong một hòn cuội nhỏ tròn trĩnh. Lời thư làm thơm thêm hương cuội. Rồi sau đó không phải chỉ có thư nhà: nào bánh ú, kẹo đậu phộng, mía hấp, cam quít. Một lần tôi lượm được cả cà phê sữa đá bọc bằng nhiều lớp ni lông dày. Thế này là thế nào? Những kẻ vô danh quăng đồ ăn thức uống cho chúng tôi biết rõ quà cáp gửi theo lối may rủi ấy rất ít may mắn đến được tay thân nhân. Nhưng họ vẫn gửi, tự ý gửi đồ thăm nuôi theo lối tự phát. Anh em chúng tôi xì xầm bàn tán về chuyện đó nhiều lắm. Người nhẹ dạ vô tư liền tin rằng đó là một hình thức phản đối chính trị. Một lời nhắn nhủ thâm trầm, tha thiết, cụ thể. Ði xa hơn, có người mắt sáng rỡ cho đó là một lời kêu cứu. Phần tôi không ngây thơ tin quàng như vậy. Tôi có quá ít tin tức bên ngoài, nên chỉ phỏng đoán cầm chừng. Tôi nhớ một lần đi chợ về, qua công viên lỡ thấy mấy cái xác du kích đã chương phình trên người chỉ có cái quần đùi đen và mo cơm thiu cột ở thắt lưng, mẹ tôi hớt hải về nhà thắp hương cúng Phật. Mẹ nghẹn không nói được gì hết, lâu lắm mới rơm rớm nước mắt lẩm bẩm “Mô Phật, tội nghiệp quá. Không biết con cái nhà ai? Chết thì thôi làm gì tội nghiệp vậy hỡi Trời!” Tôi cho rằng chuyện ném quà chỉ là biểu lộ của lòng bất nhẫn, ai không thương xót kẻ đã ngã ngựa. Lòng cao thượng, tinh thần hiệp sĩ, cốt tủy của bản tuyên ngôn nhân quyền, hay nền tảng của hội hồng thập tự quốc tế, có lẽ chỉ là cái ngọn của lòng lân ái đối với kẻ thất thế bất hạnh mà thôi. Mẹ tôi, những hành khách xe lửa, đã sống đúng với mơ ước của đấng tạo hóa, mơ ước được thấy tình thương thay thế cho hận thù, được thấy cây nhân sinh trổ toàn trái ngọt. Nếu đi xa hơn một chút, muốn khoác cho hành động đó mầu áo chính trị, thì có thể nghĩ thế này: chị hàng mía đi lậu tảo tần nuôi con dám quăng cả bọc mía chẻ sẵn cho chúng tôi vì vừa bị ông xếp ga đội mũ cối mang dép râu nạt nộ đòi quẳng xuống đường rầy. Chị khóc lóc năn nỉ, nhưng ông xếp ga quay gót thì chị đã quắc mắt nhìn theo. Giá chị có đủ quyền và đủ sức, chị đã quẳng “hắn” xuống đường sắt cho xe lửa cán dẹp như tờ giấy vấn thuốc. Nghĩ cho oai thế thôi chứ làm sao chị làm thế được. Không làm thế được thì làm gì? Chị đành quẳng bọc mía cho chúng tôi vậy! Lan man nghĩ ngợi như thế, tôi có thể thấy dấu tay của chị buôn hàng chuyến vừa vét cả vốn lẫn lời đóng thuế trên lớp lá thơm chiếc bánh ú, ngấn lệ người vợ đi thăm nuôi để nhận giấy báo tử trên miếng kẹo đỗ, dấu móng tay giận dữ của cậu bé lý lịch xấu vừa bị đuổi khỏi trường trên vỏ trái quít… Những liên tưởng đó có thể có thực, phải có thực. Nhưng từ đó thổi phồng thành một phong trào, hoặc một lời thúc giục, thì hơi quá! Quá đáng chẳng khác nào buộc AQ trở thành lãnh tụ công nhân như Lénine.
Tôi nghĩ nôm na như thế, nhưng chắc chắn ban quản giáo vốn quen suy nghĩ theo biện chứng pháp không nghĩ thế. Cái gì cũng thuộc vào hệ thống, biểu lộ nào cũng là hình thức rõ ràng hoặc tế vi của một kế hoạch, âm mưu. Hành động ném quà thay vì ném đá của hành khách các chuyến xe lửa thật đáng ngại. Làm gì? Phải chờ chỉ thị của cấp trên! Trong khi chờ đợi, từ cấp cao đến anh vệ binh làm ngơ giả vờ như không thấy gì hết.
Một lần lượm được hai cái bánh ú, tôi vừa thành thật, vừa tinh nghịch mời cậu vệ binh tuổi khoảng 19, 20 ăn. Tôi tinh nghịch muốn thử lại một bài toán đã biết đáp số, còn thành thật vì thấy khuôn mặt cậu hiền hậu quá, trên mép mới mọc lông măng và cái liếc nhìn về phía tôi có vẻ thèm thuồng. Một lính sữa vừa mới nhập ngũ sau ngày “giải phóng”, tôi đoán vậy. Thấy tôi chìa cái bánh ú về phía mình, cậu vệ binh lắc đầu quầy quậy:
– Không.
Rồi như sợ tôi hiểu lầm, anh ta thêm:
– Tôi no rồi. Anh ăn đi!
Câu nói thêm khiến tôi có cảm tình với anh vệ binh trẻ tuổi ngay. Hình như anh ta muốn xác định rõ: việc từ chối không phải là xác định lập trường, dứt khoát phân biệt bạn thù, kiên quyết theo con đường chính thống. Nó thuộc về phạm vi tiêu hóa, bạn thù đều có bao tử, thế thôi. Tôi bạo dạn đưa ra nhận xét:
– Anh từ chối cũng phải. Hôm qua bạn tôi kể một trường hợp tương tự. Em gái bạn tôi đang mang thai nhưng tính lém lỉnh y như thời con gái. Cô ta phải ì-ạch xách cái giỏ thăm nuôi nặng từ nhà ga vào khu tiếp tân. Cô nhìn quanh định nhờ vả, nhưng ai cũng lo phần mình cả. Cô ta bắt gặp một anh vệ binh trẻ đang nhìn cô, ánh mắt ngập ngừng, ái ngại. Cô đánh bạo nói: “Anh ơi, xách giùm cái giỏ cho em với!” Anh vệ binh chợt đổi mặt nghiêm lại đáp “Tôi là vệ binh, giúp cô sao tiện!”
– Nếu cô ta nhờ tôi, tôi cũng đáp y như vậy.
Một lần nữa tôi yêu sự chân thật của cậu vệ binh.
Tôi nói ngay không do dự:
– Tôi thích sự sòng phẳng của anh. Cũng như tôi thích sự thẳng thắn ruột ngựa của ông quản đốc. Hôm chúng tôi mới tới, ông ấy nói ngay: “Các anh là tù, tù chứ không phải cải tạo viên cải tạo viếc gì ráo trọi. Các anh phải răm rắp nghe lời. Ngày trước các anh làm cha rồi, bây giờ đến lượt chúng tôi làm cha, nghe chưa!” Ðấy, thà nói quách như vậy cho dễ xử trí với nhau. Hình như ông ta gốc Nam bộ thì phải?
Cậu vệ binh cười hô hố một cách thoải mái, tôi cũng cười. Bức tường vô hình ngăn cách giữa cai tù và phạm nhân biến mất. Cậu vệ binh bảo tôi nghỉ thêm một lát, rồi chân thành hỏi:
– Trong này gọi con rô-ti là con gì nhỉ?
Tôi ngớ ra, hỏi lại:
– Con rô-ti à?
– Phải, con rô-ti.
Tôi đáp liền:
– Có lẽ một loại súc vật mới lai giống, như trâu sữa Mura, heo Yorkshire. Nhưng anh thấy nó ở đâu? Hình thù thế nào?
Cậu vệ binh đỏ mặt, sau một hồi ngập ngừng mới đáp:
– Tôi đã trông thấy nó đâu! Hôm qua tôi được phân công kiểm soát đồ thăm nuôi. Một chị có chồng bên khu C biên vào tờ kê: “Gà rô-ti: 2 con”. Tôi hỏi: Gà có đây, còn con rô-ti đâu? Chị ta cười phá lên. Rồi cả khu tiếp tân đều cười. Thú thật tôi ngượng quá, nhưng không hiểu tại sao.
Tôi nhìn cậu vệ binh, ái ngại. Tôi thấy thương cậu như thương một đứa em hiền lành. Không sợ cậu tự ái vặt, tôi giải thích cho cậu ta hiểu. Cậu đỏ mặt, gật gù:
– À ra thế! À ra thế!
Ðể vớt vát, cậu than:
– Nhưng việc gì phải dùng chữ Pháp cho rắc rối. Nói gà quay, có tiện hơn không. Trong này lai căn đến kỳ!
Tôi công nhận cậu vệ binh nói đúng. Lỗi không phải ở cậu. Tôi nghĩ cái cười ở khu tiếp tân cũng giống như hành động ném quà của chị hàng mía, chị buôn hàng chuyến, cậu học sinh mất học… Cậu thay mặt ông xếp ga, chú thu thuế trên xe lửa, cán bộ tổ chức tuyển sinh, để đưa lưng chịu đòn hội chợ. Tôi bị đà cảm tình lôi cuốn đến nỗi tỏ ra bất công với chị nhà giàu dám mang cho chồng một lúc hai con gà quay. Tôi nói lúc bụng bắt đầu cồn cào:
– Anh nói phải. Việc gì phải xài mót thứ tiếng Tây lỗi thời! Có lẽ trước đây hai cô cậu đều học trường Tây cả, cậu ở Rousseau, còn cô thì Marie Curie. Trong nhà ăn toàn muỗng nĩa, cha con gọi nhau bằng “toa moa”. Họ không hề biết Nguyễn Du là ai, nhưng thuộc lòng thơ Ronsard như cháo. Tại sao trước kia họ sướng, mà bây giờ họ vẫn còn tiếp tục xé gà quay ăn với bánh mì sandwich nhỉ?
Tôi giật mình tự thẹn. Quá lắm rồi! Chẳng lẽ cái bụng cồn cào đã xui tôi đến chỗ hận thù nhỏ nhen thế sao? Nước dãi tôi trào ra khi nghĩ đến hai chú gà quay vàng rộm béo ngậy. Tôi liếc về phía cậu vệ binh. May quá, ánh nhìn thân thiện của cậu khiến tôi yên tâm. Cậu không cười mỉa mai xem tôi như một kẻ phản bạn bần tiện. Cậu ta nhìn tôi như nhìn một kẻ đồng cảnh ngộ. Lúc đó có hai cán bộ quản giáo đi tới. Cậu ta bảo tôi tiếp tục làm cỏ bắp. Từ đó về sau, tôi không có dịp nói chuyện với anh ta nữa. Vô tình gặp nhau ở đâu đó, chúng tôi mỉm cười chào nhau, ngầm thông cảm.
Mùa bẻ bắp đã tới. Ban quản giáo phân công rất đông anh em học tập cải tạo chúng tôi đi gác rẫy. Sự khác thường ấy lại khiến cả trại xôn xao bàn tán. Làm gì có chuyện ly kỳ đến thế? Ban ngày được ra làm cỏ bắp đã là một ân huệ. Bây giờ ban đêm dám cử chúng tôi ra khỏi trại giữ bắp? Giữ ai đây? Khỉ chăng? Ðuổi heo rừng chăng? Bộ đội có súng còn chưa giữ được huống chi chúng tôi! Chỉ có một lối giải thích độc nhất: chúng tôi sắp được cho về, và ban quản giáo muốn thử thách lập trường của chúng tôi trước khi lựa chọn. Mừng hơn cả thuở bé đón mẹ về chợ! Anh em chúng tôi tự tin sẽ vượt thử thách một cách dễ dàng. Nhờ có đồ thăm nuôi, chúng tôi không bị đói như trước. Trong xắc còn mì khô, cốm dẹp, gạo sấy, lại sắp được về, việc gì phải đi ăn trộm bắp rẫy của nhà nước cho mang lụy vào thân?
Ðêm ấy tôi đi gác với một người nữa. Hai chúng tôi chịu trách nhiệm nặng nhất: canh chừng rẫy bắp sây trái ở sát mé rừng rậm phía nam. Sau khi bắt thăm, bạn tôi may mắn chịu trách nhiệm từ 7 giờ tối đến khuya. Tôi từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Tôi nằm chờ đến phiên mình bên đống lửa lập lòe, vừa lạnh vừa đói không sao ngủ được. Tôi phải bò dậy ra nói đủ thứ chuyện đầu cua tai nheo với bạn tôi. Ðến khuya, có lẽ chưa đến 12 giờ, bạn tôi buồn ngủ quá giao phận sự lại cho tôi. Tôi sẵn sàng nhận lời với chủ tâm xấu. Hãy ngủ say đi, anh bạn! Hãy nằm ôm đống lửa cho ấm. Ngoài kia nếu cần tôi sẽ nhen đống lửa khác! Bạn tôi cảm ơn tôi rối rít. Chờ cho bạn ngủ xong, tôi… tôi làm chuyện gì, chắc các bạn đoán ra rồi. Tôi hổ thẹn không dám kể thẳng. Tôi đó, tôi yếu đuối, tôi không đủ ý chí qua cơn thử thách, hãy thông cảm cho tôi. Nếu chuyến tàu chợ Sài Gòn-Phan Thiết đến Gia Rai không trễ, tôi đã có đủ cơm gạo để nuôi sống ý chí!
… Tôi đang cố len sâu để bẻ vài trái bắp đem nướng thì nghe có tiếng sột soạt phía trước. Tôi chùn lại, thu mình im lặng. Không nghe thấy gì! Có lẽ tại gió rừng dữ quá! Yên tâm, tôi bẻ liên tiếp ba trái bắp. Tiếng lá va chạm nhau, tiếng cuốn bắp gãy khỏi thân mẹ như được khuếch âm vang xa khắp thung lũng. Hình như vì tình liên đới mà khắp nơi mọi cây bắp đều xào xạc thương cảm. Nhưng ơ kìa! Tại sao trước mặt tôi cũng có tiếng lắc rắc và tiếng lá bắp chạm? Tôi cố giữ yên lặng, phía trước lại yên lặng. Tôi kiên nhẫn chịu kiến cắn ngồi yên thật lâu thì nghe rõ mồn một tiếng thân bắp gãy: ai ăn trộm bắp nhà nước thế này? Tôi. Dĩ nhiên trước tiên tôi là thằng “chủ tâm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa với đầy đủ dự mưu”. Nhưng ngoài thằng tôi ra còn ai nữa. Các bạn tôi chăng? Không có lẽ. Họ được thăm nuôi no đủ, đi gác còn bọc theo bánh mì khô để nhai cho vui miệng. Tình cảnh tôi thật khó xử. Thằng ăn cắp hô hoán để cảnh sát bắt một thằng ăn cắp khác, thì có khác nào kê họng súng vào đầu tự vận! Nhưng ai? Ai? Ai? Không chịu đựng được sự mơ hồ, tôi se sẽ vạch lá bò về phía có tiếng động. Trí tôi hoang mang cực độ, thế mà bàn tay trái của tôi, a tòng với bao tử vẫn không chịu buông ba trái bắp. Cho nên khi sững sờ chạm mặt với bóng đen phía trước, tôi đang quả tang phạm pháp. Sợ quá tôi ù té chạy. Bóng đen cũng chạy, khác hướng. Về chỗ nhóm lửa, tôi run cầm cập, dáo dác nhìn quanh. Nhìn về phía bạn tôi, bạn tôi vẫn ngủ yên. Phía bóng đen, chỉ có đêm và gió núi. Nhìn lại mình. Trời hỡi! Tay trái tôi còn nắm chặt ba trái bắp. Chỗ nhóm lửa, gặp khoảng củi khô nên ngọn lửa đột nhiên bùng sáng. Ðúng là thứ ánh sáng đáng ghét của công lý và lương tâm! Tôi bậm môi lại, đâm liều, đã trót thì trét! Tôi vùi ba trái bắp vào đống lửa đỏ, tôi đói quá, tôi lấy quyền được ăn để tự cho phép. Trái bắp đầu, tôi chỉ cạp vài cái là hết. Trái thứ hai tôi ăn từ tốn hơn, cẩn thận lấy tay lảy hết những hạt còn sót cho vào miệng. Ðang lảy chầm chậm theo hàng dọc trái bắp thứ ba, vừa nhai vừa thưởng thức vị ngọt của chính mồ hôi mình, thì tôi thấy một bóng đen tiến lại gần. Các bạn khỏi phải lo âu giùm tôi. Chính cậu vệ binh hôm nọ! Biết rõ chính tôi đang canh lửa, cậu ta mang bắp đến nướng nhờ. Còn cách biểu lộ lòng tin cậy nào trọn vẹn và cao cả cho bằng!
Chúng tôi cảm động cầm lấy tay nhau. Ánh lửa rừng soi đôi mắt rớm lệ của anh, và nhờ cảm giác nhột nhạt ở đầu mũi, tôi biết mình cũng sắp khóc.
Tôi phân bua trước:
– Kỳ thăm nuôi vừa rồi, mẹ và em tôi lên trễ. Kẹt quá!
Cậu vệ binh thì kín đáo hơn:
– Ðược ăn bắp chính mình trồng, ngon đấy chứ.
Giành quyền làm chủ ngang xương như vậy, kể cũng bạo! Cậu ta mời tôi thêm trái nữa. Tôi e dè nhìn về phía người bạn tù. Cậu vệ binh cũng lo ngại. Chúng tôi không hẹn mà cùng quay lưng về phía bạn tôi, rồi mới mời bắp nhau. Khi đã khá no, cậu ta hỏi:
– Sao hôm ấy anh không tìm gặp tôi?
– Lúc ấy tôi đã quen với anh đâu! Vả lại…
– Vả lại thế nào?
– Vả lại nếu có quen cũng không dám nhờ. Ông ấy dữ quá.
– Ông nào dữ?
– Cái ông giữ phần kiểm soát giấy thăm nuôi trên khu tiếp tân. Ngồi ở cái bàn sát cổng vào.
– Nhiệm vụ ấy luân phiên, anh nói thế khó xác định lắm.
Có phải cậu thanh niên nói giọng Bùi Chu?
– Không. Ông này khá lớn tuổi. Khoảng trên 30.
– Ông ta có cái sẹo dài trên trán?
– Không. Hình như ông ấy bị đau mắt, phải mang kính râm.
– A, ông Lâm đấy. Có phải ông ấy nói tiếng Nghệ?
– Phải.
Cậu vệ binh bật cười:
– Anh suýt rờ tổ kiến rồi. Hôm ấy anh bị xát xà phòng ghê lắm phải không?
– Không, tôi lén đứng ngoài nhà trạm để nghe. Một số thân nhân lên trễ sau giờ thăm nuôi, trong đó có mẹ và em tôi. Nằn nì mãi, ông ấy vẫn không chịu.
– Ông ấy nói sao?
Tôi cố ý thêm mắm muối cho chuyện đậm bi đát:
– Ông ấy chỉ tay về phía chúng tôi hằn học nói: “Chúng nó toàn bọn ác ôn có nợ máu nhưng đi học tập còn có ngày về. Còn tôi đây nhập ngũ từ hơn hai mươi năm, biết bao giờ mới được nhìn lại mặt vợ con”.
Cậu vệ binh chồm về phía tôi hỏi vội:
– Từ bao lâu? Ông ấy nhập ngũ từ bao giờ?
– Từ năm 1956!
– Năm nay ông Lâm 34. Chẳng lẽ mới 13 tuổi đã làm nghĩa vụ quân sự à.
– Chẳng lẽ ông ta nói dối!
– Không nói dối. Chỉ nói quá! Ông ấy đi B năm 1969, lúc vừa lấy cô vợ làm mậu dịch viên. Ði một lượt với anh cả tôi, lầm lẫn sao được. Ông ấy còn nói gì nữa?
Tôi tiếp, vẫn thêm chút gia vị:
– Ông ấy còn nói: “Các người ở Sài Gòn ăn sung mặc sướng lên thăm nuôi chúng nó giỏ này giỏ nọ, xách đến trật xương vai. Tiền thăm nuôi tốn nghìn này nghìn khác. Còn vợ tôi đây không đủ tiền gửi cho tôi mấy miếng kẹo lạc”.
– Bà ấy bán ở cửa hàng mậu dịch thiếu gì kẹo lạc. Chỉ tại bà ấy không muốn gửi ấy chứ!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao thế?
– Thong thả đã. Ông ấy còn nói gì nữa?
– Ông ấy còn bảo vợ biết chồng đóng quân ở đây từ bao năm mà không thể mua nổi cái vé hạng chót để vào thăm.
– “Không thèm” mua chứ không phải “không thể” mua!
– Tại sao thế?
– Ông vừa được phép về thăm nhà tháng 12 năm ngoái.
– Sao ông ấy bảo suốt bảy năm trường vợ chồng chưa được gặp mặt?
– Ông ấy về lần trước năm 1970 sau khi bị thương ở mắt phải. Tính từ đó đến nay đúng bảy năm. Lần sau có mà như không. Cho qua cũng phải, anh ngạc nhiên chứ gì? Ðể tôi kể anh nghe. Năm ngoái, chờ đợi sốt ruột suốt một năm rưỡi sau ngày “giải phóng”, ông Lâm mới nắm được tờ giấy phép. Ðời bộ đội kham khổ, anh hiểu. Ông ấy dành dụm bao nhiêu năm được 200 đồng, trước khi về phép quá giang xe đơn vị về Sài Gòn để mua một ít quà cho vợ. Những thứ rẻ tiền thôi: cái gương soi hình trái tim, một tá kẹp tóc, hai cái nịt ngực may ở Chợ Lớn chóp nhọn hoắc như nón khỉ, một cái khăn thêu, kim chỉ, quần lót và cái ống bơm xe đạp. Trước khi lên xe lửa, ông ấy dàn ra khoe mọi thứ với tôi. Thấy ông ta hí hửng quá, tôi không dám nói hơn phân nửa những thứ ông mua đều là đồ giả. Thấy ông lăng xăng thấp thỏm, tội nghiệp lắm. Ông ấy còn giở kính đen nhờ tôi xem con mắt bị thương có bị lé không. Tôi bảo không hề gì. Ông yên tâm ra ga. Bọn chúng tôi thì không yên tâm chút nào. Trước đó đã có nhiều lời xì xầm, nhưng chúng tôi nửa tin nửa ngờ. Mà dù có tin thật cũng không dám nói gì với ông ấy. Hạn về phép là một tháng. Tinh thần phục vụ xứng đáng với cái phép đặc biệt ấy. Ông ta về chưa được mười ngày đã vào. Anh em kín đáo quan sát thái độ ông Lâm, thấy rõ những lời đồn đại không phải hoàn toàn bịt đặt. Ông vẫn giữ vẻ trầm tĩnh nghiêm túc như trước kia, nhưng hay cau có gắt gỏng hơn. Chuyện vặt bằng một sợi tơ ông ta cũng giận. Anh em nhịn làm lành, ông ấy càng giận hơn. Ông ấy không chịu được lòng thương hại. Không ai bắt chuyện được với ông ngoài tôi, anh có biết chuyện gì đã xảy ra ngoài Nghệ không?
Ông ấy đến ga Vinh xuống đi thêm nửa ngày xe khách nữa mới đến quê nhà. Hăm hở vào cổng thì nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc. Ông ấy khựng lại, không dám tin trí nhớ của mình. Nhưng rõ ràng đây là căn nhà hai vợ chồng. Cái sân gạch ấy, mái tranh ấy, cái cửa sổ ván tạp sơn xanh ấy, giàn hoa lý vẫn như cũ tuy bây giờ rườm rà và tiêu điều hơn. Một người đàn bà quàng khăn sản phụ từ nhà trong bước ra: “Ðúng là chị mậu dịch viên vợ anh”. Chị cũng ngó ra. Hai vợ chồng bàng hoàng nhìn nhau, chưa biết phải làm gì, nói gì. Tiếng trẻ thơ khóc càng thống thiết hơn, âm thanh chói chang xoắn vào lỗ tai ông ấy. Chị vợ chộp ngay cơ hội nói mau: “Anh mới về! Cho em vào ru con chút”. Ông ấy cảm thấy lơ lửng, không dám bước tiếp bước nào. Trong nhà, chị vợ à ơi hát ru:
… Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Tôi xúc động vội hỏi:
– Làm sao anh biết chuyện đó?
– Chính ông Lâm kể cho tôi nghe vào một đêm ngồi ăn bắp nướng như tôi với anh đêm nay. Khỏi cần dặn anh cũng biết không nên kể lại chuyện đau lòng này cho ai khác. Tôi phải kể cho riêng anh, để anh khỏi oán ông ấy. Từ lâu, tôi vẫn nghĩ lẩn thẩn: không biết người nghệ sĩ nhân dân nào đặt ra hai câu ca dao đó (để hát trống quân đêm rằm hay hát quan họ hội Lim) có tiên đoán tác phẩm của mình về sau lại được sử dụng vào hoàn cảnh oái oăm như thế không? Tôi nghĩ rằng có, vì đôi mắt nghệ sĩ có thể nhìn suốt chín cõi. Kể cả cảnh hai chúng ta lén ăn bắp nướng, phải không?
./.
Nguyễn Mộng Giác