có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 10 25, 2013

Võ Kỳ Điền và dòng ý-thức xuyên-suốt trong tác-phẩm


Nhà văn Võ Kỳ Điền

Nhà văn Võ Kỳ Điền sinh ngày 30.10.1941 tại Dương Đông, Phú Quốc, trưởng thành và hành nghề dạy học ở Bình Dương (và một thời gian ở Ba Xuyên) sau khi tốt nghiệp ban Việt Hán Đại học sư phạm Sài-Gòn. Vượt biển đến Mã Lai năm 1979 và định cư ở Montréal rồi Toronto. Võ Kỳ Điền bắt đầu viết văn khoảng năm 1980, những truyện ngắn đầu tay của ông xuất hiện trên tờ Dân Quyền ở Montréal và Làng Văn ở Toronto (Canada) trước khi trở thành một trong những nhà văn góp phần đánh dấu một giai đoạn văn học lưu vong nặng chính trị nhất của người Việt. Tờ Dân Quyền số 1 ra đầu tháng 2-1978 đến năm 1987 ngưng mặt báo chí, thông tin văn nghệ để tham gia các liên minh và mặt trận đấu tranh trên các diễn đàn hải ngoại – nay đi vào quên lãng đối với các thế hệ sau. Những cây viết của nhóm như Bắc Phong nay ngưng làm thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy, nhà thơ Vũ Kiện đã mất ở Québec, Nguyễn Ngọc Ngạn từ bàn đạp tiểu thuyết chống Cộng trở thành nghệ sĩ nói, một số khác (đã) đi vào đấu tranh và số khác nữa sử dụng ‘lý tưởng’ để hợp tác với ‘kẻ thù’ theo… thời. Phần tư thế kỷ sau, thời gian và chính trị thế-giới đã xoay chiều. Cuộc chiến tranh lạnh đối với nhiều nước và chiến-tranh Việt-Nam đối với Hoa-Kỳ đã là chuyện… tiền kiếp, với người Việt thì vết thương chiến-tranh đó có khi vẫn chưa thành sẹo. Dĩ nhiên nếu không nuôi… sẹo như Triều Sơn thời tha hương đi lính cho Pháp thì cũng không thể quên vết sẹo nhiều lúc vẫn làm ngứa tâm can, một loại sẹo “thế hệ” không dễ gì quên. Nhưng, đời sống vẫn theo dịch lý tuần hoàn và nước vẫn chảy dưới cầu, mùa Đông cực Bắc Mỹ có đông giá nhưng nước vẫn âm ĩ chậm trôi ngầm bên dưới những tảng băng. Cũng chính thời gian đã cho thấy Thiện Ác và nhân quả nhãn tiền. Riêng Võ Kỳ Điền, sau những trận… chiến Văn Bút và nghiêng ngã tình đời, tình người, ngưng sáng tác một thời gian, nay hình như đã ổn định cuộc đời và gần đây sáng tác trở lại và thiên về bút-ký.


1.

“Biến cố đau thương 30.4.1975 đổ ập xuống đầu dân chúng miền Nam như trời sập. Trong cái biển đau khổ tột cùng người người bị dập vùi như cọng rác trong cơn sóng lớn” (Lời Tựa Kẻ Đưa Đường, tr. 6). Biến cố đến như một tai họa bất chợt; lịch-sử như bị cắt đứt, hiện tại với quá khứ như không còn liên hệ, ít ra là kẻ cưỡng chiếm miền Nam cũng muốn như vậy. Viết lại lịch-sử giai đoạn này cũng là một vấn nạn vì phe nào cũng có những chủ quan và thị-kiến riêng. Người viết sử chân chính có những khó khăn khi đụng đến thời đại vừa mới qua, quá gần. Nhà văn ngược lại, tương đối không bị những trói buộc khách quan đó. Tác-phẩm trở nên công cụ của chứng giám lịch-sử, với những hình thức và kỹ thuật tự truyện, bút ký và tiểu-thuyết: nhà văn và người đồng thời là những chất liệu sống động. Văn bản, tác-phẩm văn-chương trở thành bằng chứng, là kết quả của chứng giám, của những gì được nghe, được nhìn thấy. Sự việc tự nó không là bằng chứng nếu không được trãi qua tiến trình ghi nhận. Nhân chứng trở thành phát-ngôn viên của một chân lý, tường trình cái đã sống, đã để lại dấu vết, đã còn nhớ lại. Sử gia sẽ đến sau, lúc tro tàn đã lắng xuống và từ những chứng giám đó mà khai triển, cân nhắc đánh giá sự kiện và chân lý trên là chân lý kiến thức hay chân lý của lòng tin, hay cả hai.

Mặt khác, nhân chứng tự bản chất là dấn thân, muốn nói lên, muốn trả lời về sự thật, trước tha nhân – những người đang nghe đang đọc, hoặc hậu thế. Lời chứng như vậy nhập vào một hệ thống diễn-văn, nơi biến cố và ngôn-ngữ gặp nhau; khiến hiện thực và ngôn-ngữ có mối liên hệ mật thiết, nối kết chứng giám sự kiện và chứng giám ý nghĩa. Võ Kỳ Điền đã nhận vai trò làm nhà văn chứng giám, một nhân chứng và là một người dân Việt muốn sống yên cũng đã không được nữa, khi ‘trời đất nổi cơn gió bụi’, ‘đất bằng nổi sóng’, các biến cố lịch-sử đã ùa đến phủ lên người những tai ương, bất hạnh,… Từ thân phận nhà giáo, ông thầy Võ Tấn Phước (tên thật) bị lửa loạn lịch-sử cuốn hút, thoát ra đến hải-ngoại trở thành nhà văn nhân chứng Võ Kỳ Điền. Trong Lời Tựa tập truyện Kẻ Đưa Đường, ông cho biết lý do viết: “văn-chương đích thực phải là tiếng nói của kẻ yếu đấu tranh chống độc tài, áp bức, bạo lực, bất công bất cứ từ đâu đến. Nó phải chống bất cứ hình thức nô lệ nào, chống sự ngu xuẩn, hầu đưa Con Người vươn lên từ tăm-tối-đổ-vỡ” (tr. 8). Khi viết Pulau Bidong, Miền Đất Lạ (1992), ông cho biết đã quyết định phải viết cho con cháu sau này “hiểu tại sao cả nhà phải liều chết ra đi ăn đậu ở nhờ xứ người”.

Với tập truyện Kẻ Đưa Đường (Viet Publications, 1986), Võ Kỳ Điền đã nói lên tiếng nói chống độc tài và ngu xuẩn của một loại ‘con người’ (Lời Tựa). Phần lớn là những chuyện đổi đời sau 1975 qua các nhân vật chân chất quê mùa, ở tỉnh nhỏ nhưng tinh thần chống áp bức lộ rõ, như bác Năm hớt tóc, ông Bảy thợ rèn, chú Bảy Cò, qua nhân-vật các cán bộ từ bưng biền ra và từ Bắc vào tiếp thu trường học, cơ sở, “tiếp thu” cả… con chó của Ty giáo dục; qua các chuyện trả thù cán bộ, “sửa lưng” cán bộ quá thuộc lòng những bài bản tuyên truyền, v.v. Nói chung, những bức tranh bi hài về con người và xã hội “mới” cùng những ngậm ngùi cho nếp sống nhân bản vừa mất!

Chốn học đường thân yêu của tác-giả đã là sân khấu ‘giải phóng’ và ‘cách mạng’: chuyện Quì, một anh học trò cũ vô bưng nay trở về tiếp thu ngôi trường cũ: “Quì thay đổi hẵn ra. Đầu đội nón tai bèo, chân mang dép râu, bên hông đeo khẩu súng ngắn, vai mang chiếc bóp da. Nó ngồi tại cái bàn của ông Hiệu Trưởng, thân thể có hơi ốm hơn lúc trước, cộng thêm nét dày dạn, đen đúa, phong sương. Duy cặp môi và ánh mắt thì khác nhiều. Cặp môi thâm hơn. Vẻ trưởng thành, già giặn hiện rõ trên khuôn mặt. Những ngày đầu tháng năm, biểu ngữ cờ sao đầy phố. Trường tôi cũng đỏ rực một màu cờ máu. Ông Hiệu Trưởng, vốn đã nhỏ con, bây giờ gầy tóp lại. Cái cà-vạt thường ngày không còn. Ông lại bỏ áo ra ngoài, chưn mang dép, coi cũng có vẻ giác ngộ cách mạng” (Đá Hoa-Cương, KĐĐ tr. 80-81). Nhưng ‘theo cách mạng’ thì sao đọ được với ‘chuyên chính’: vài tháng sau, Quì bị một cán bộ “ở ngoài Bắc vô, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Thanh Hoá, mười mấy tuổi đảng” vào thay thế. Ông thầy, thuộc phe ‘thua’, an ủi học trò cũ: “… Đừng mong làm hoa hướng-dương, suốt ngày ngước mắt nhìn mặt trời hoài mỏi cổ lắm. Cũng đừng thèm làm đá xanh cứ phải lót đường cho người ta đi. Em phải nhớ một điều, vì lý tưởng cao cả, chúng ta có thể chấp nhận hy sinh thân xác để bón lúa, chớ đừng bao giờ dùng nó làm phân để bón cho thứ cỏ dại sinh sôi nẩy nở…” (KĐĐ tr. 84).

Trong Con Chó Đi Lạc, trong một thời gian mà đổi hiệu-trưởng đến ba lần, người cuối cùng là ‘anh Chín’, đảng viên, nói nhiều chữ khó hiểu như “cái gì mà ‘đại bộ phận’ ‘hạ quyết tâm’ ‘chủ yếu’ ‘động viên’ ‘quản lý’,…”. ‘Anh’ Chín hiệu trưởng nói láo để giựt cho bằng được con chó” mà ‘chú Cân’ tùy phái đã tình cờ bắt được, trước phản ứng lật tẩy của người tùy phái, ‘anh’ Chín bèn toa rập với Sáu Việt trưởng Ty Giáo Dục đế cướp con chó để cùng chén chú chén anh. Những thứ con người ‘siêu việt’… chiến thắng đớp chả chó mà còn tự đề cao: “Đúng đấy, con chó béo bở như thế nầy, phải dành cho dân cán bộ Hà-Nội chính cống bọn mình bồi dưỡng mới đúng. Chứ để cho bọn Nam bộ ấy mà thịt con cầy nầy thì phí lắm. Tụi nó có làm ra trò trống gì. Giá mà không có mưu kế của chúng mình thì nó đã lọt vào tay cái thằng gì… gì ấy nhĩ, ôi chao hỏng bét! Cứ kể như là vất đi” (KĐĐ tr. 108).

Một nhân-vật khác, ông Bảy thợ rèn, người chỉ tin những gì trông thấy, nên đã không tin trái đất tròn và không tin lời bác Cơ bán phở, một người Bắc di cư vô Nam sau hiệp định Genève, vì bác kể “ngoài Bắc người dân sống khổ cực. Công an kìm kẹp, theo dõi, bắt bớ. Dân chúng làm quần quật mà không có ăn. Nhà cửa, đất đai, xe cộ gì cũng bị tịch thâu hết. Sống thua con bò, con heo!”. Ông Bảy hùng hồn phản bác và cho rằng “Người làm cách mạng, cũng như tao rèn cục sắt, chỗ nào cao phải đập cho dẹp xuống, chỗ nào thấp phải gò cho cao lên. Như vậy mới gọi là cách mạng. Nếu cách mạng sai lầm, sao tao với ông ngoại mầy cho chú Út với cậu Bảy mầy đi ra Bắc?… Cộng sản là công bằng” (KĐĐ tr. 40, 41). Nhưng sau biến cố năm 1975, Ông Bảy thất vọng về ‘cách mạng’ của Hà-nội: “Ông Bảy cười mỉa: -Hứ, rèn cái kiểu cộng sản. Tụi nó nhắm mắt lại mà đập. Chỗ cao xẹp xuống đã đành, chỗ thấp cũng dẹp lép. Tao già như vậy mà hôm trước còn bị giáo dục. Ngày lễ mừng sinh nhựt cụ Hồ có lịnh phải treo cờ trước nhà. Nhà tao bây giờ thục tuốt phía sau, nó là cái garage, có phải là cái nhà đâu. Vậy mà thằng công an khu vực đi sồng sọc vào giữa nhà, hăm he đủ thứ. Tao đành phải đi kiếm mua để treo…”. Tác-giả kết truyện: ” Ông Bảy nói tới đó, ngồi thở dốc. Nỗi bực tức làm ông mệt nhòai. Không giận sao được, cả đời ông đầu tư trọn vẹn tình yêu vào cách mạng, nghĩa là trong đó có thằng con trai út của ông. Nào ngờ ông đã lỗ vốn nặng. Cách mạng về ấm no hạnh phúc tìm hòai không thấy. Chung quanh chỉ có khóc than đói khổ, tức tưởi, căm hờn. Riêng chú Út mặt mày giống hệch ông nhưng tình cảm và ý nghĩ giống Bác và Đãng. Cái giây liên hệ cha con mong manh quá. Ông Bảy phải trên hai mươi năm mới thấy điều đó. Ông đã trồng cái cây “cách mạng” thật là công phu, bây giờ lại hái cái trái đắng nghét” (Ông Bảy Thợ Rèn, KĐĐ tr. 44). Thì cũng có khác nào các Năm hớt tóc, sau 1975, “cuộc đời bác biến đổi từ đủ ăn xuống nghèo, từ nghèo xuống tới mức mạt rệp. Thời gian để phấn đấu được tới nghèo đói là năm mươi năm làm việc cực nhọc. (…) Cuộc cách mạng bây giờ quá to tát, vì phải nhân danh nhiều thứ nên hiện tại bác Năm còn được cái quần xà lỏn đen, ở trần phơi xương sống xương sườn mà đứng hớt tóc nơi cái xóm bình dân hẻo lánh nầy” (Bác Năm Hớt Tóc, KĐĐ tr. 20).


2.

Trời đất đã nổi cơn gió bụi, đất lành thành hang cọp, lòng người hiền hoà đất miền đông và cả miền Nam một sớm một chiều thành lòng lang dạ thú; con người đành bỏ quê nhà mà đi, ra biển, về nơi vô định. Trong truyện dài Pulau Bidong, Miền Đất Lạ, viết từ năm 1981, 10 năm sau đăng từng kỳ trên Tập-san Y Sĩ (Montréal) trước khi nhà Xuân Thu ở Cali xuất bản năm 1992, Võ Kỳ Điền tả cuộc ra đi đầy bất trắc và bi thương của những người dân bình thường không thể sống chung với con người cộng-sản. Truyện dài này cho người đọc nhận ra một tình thâm thắm thiết nơi tác giả đối với người thân của ông cũng như với những con người đồng cảnh ngộ thuyền nhân. Truyện đánh dấu biến cố lớn đồng thời cũng là vết thương tích đối với lương tâm nhân loại: thuyền nhân (boat-people)!

Cuộc sống tị nạn, lưu vong ở xứ người (Bóng Nguyệt Lòng Sông, Một Thời Để Yêu, Rêu Phong Mấy Lớp,…), từ căn bản đã là biến thiên, nương chiều theo cuộc đổi thay, ngon thì oai hùng vẫy vùng (thật sự), tệ thì cũng lo cho cái sống còn lẽo đẽo theo kiếp người; tuổi già và tàn tạ nhân sinh thì ở đâu cũng không thể tránh!

Trong Rêu Phong Mấy Lớp, Võ Kỳ Điền kể chuyện ông bà Năm, một cặp vợ chồng già định cư ở Montréal (!) mà lúc nào cũng cứ ngỡ còn trong tầm mắt thấy “nhà mình” nơi quê-hương xa xôi. Khi gặp lại người quen mới qua định cư hỏi thăm mới biết cơn gió bụi đã đến với cả “nhà mình”: những cây nhãn, cây mận và cả cây mai già giữa sân đã bị con người chế độ mới đốn ngã để làm hợp tác xã:

“… Ông Năm ngồi dán người xuống ghế, lỗ tai lùng bùng. Ông thấy những biểu ngữ giăng giăng, những rừng cờ đỏ sắt máu, những đoàn người mặt đầy hận thù tràn vào tỉnh lỵ, tiếng nhạc đập đùng đùng chói tai. Ông thấy rất rõ những đứa con ông, những đứa cháu ông lần lượt bị bắt giam. Ông thấy tận mắt người ta bị bắt giết, đánh đập, giam cầm… Ông thấy những cảnh chia ly, đầy đọa, tang tóc, khổ đau. Ông thấy được những việc, những người mà cả đời chưa bao giờ được thấy qua. Tất cả đều quá lạ lùng, không thể nghĩ đến nổi. Xã hội mới, đất nước đổi mới là vậy đó sao? Ông có quá lỗi thời, cũ kỹ, già nua? Cái nhà bê tông cốt sắt trong đầu quay mòng mòng, tấm hình trong tay rơi xuống đất nhẹ đến nổi không nghe tiếng. Bên tai, ông nghe tiếng vợ móm mém, nói văng vẳng khi gần khi xa:

– À, nó nói cái năm mà vợ chồng mình hiến nhà cho nhà nước để được đi đó, hồi chưa bị chặt thì cây mai trổ bông nhiều lắm, rụng vàng cả đường đi!

Ông Năm bất động, hồi lâu tỉnh lại nói nho nhỏ:

-Tại sao mình đi mà nó lại không biết, trổ bông chi cho nhiều vậy! Tại sao vậy? Nó không biết thương tôi với bà sao mà… Hay là nó chưa biết nhà đã đổi chủ từ lâu!”.

Trong Câu Hỏi Kiếp Người, người tình đầu đời gặp lại nơi xứ người khi đôi bên đã yên bề gia thất, câu hỏi ‘anh có hạnh phúc không?’ trở thành cái nợ đời mà nhân-vật Hoàng ‘tưởng sẽ không bao giờ trả được và mãi mãi’! Truyện Bếp Hồng (còn có tựa Bếp Lạnh) là một trong những sáng tác thuộc giai đoạn sau này. Nơi đây là một Bếp Hồng tức không phải là Bếp Lửa như đối với Thanh Tâm Tuyền thời tuổi đôi mươi; mà ở đây, nơi xứ người, cái làm ấm cuộc đời vẫn là những tình thâm dù hệ lụy. Ngọn lửa không những cần cho những món lương-thực trần-gian, mà còn là cái không thể thiếu cho con người, cái làm sống và đem hương vị đến cho đời!

Ở tác-phẩm dù không nhiều của Võ Kỳ Điền, người đọc sẽ khám phá một số mảnh đời của người Việt-Nam sau biến cố tháng 4-1975, những cuộc phiêu lưu tìm sự sống và tự do của thuyền nhân cũng như đời sống ở xứ người, trẻ có, già có và có một số rất riêng nhưng đa số là phận chung.


Ý-thức xuyên suốt tác-phẩm

Nói một cách tổng quát, văn phong một tác-giả thường theo một đơn chất hay nhất quán: nhất quán về hành văn, giọng văn, về văn bản; đơn chất của tác-giả và của cả độc giả – độc giả nào, tác-giả nấy! Đây có thể gọi là ý-thức hệ của văn bản. Một tin tưởng nhân bản, một cốt-lõi làm một, làm nền cho văn bản. Viết, đối với Võ Kỳ Điền là để dóng lên một tiếng nói, cố vạch rõ (nhắm tố cáo, dù có thể không nói ra) những hành động và lời nói lừa lọc, phỉnh gạt người dân, những lừa dối ‘nguyên chất’ (không thể có biện minh). Qua các tác-phẩm-chứng-từ, tác-giả đã vẽ lại những mẫu, những nét, những mảnh đời dở dang. Ông đã trở về quá-khứ để thấy rõ quá-trình của nhân-vật và để biện minh tâm lý các nhân-vật và như vậy, đưa ý thức vào văn phong sử dụng để kể lại những tàn bạo và bất nhân của những con người (thắng một trận chiến) đã xảy ra trong một lịch-sử gần. Giọng văn Võ Kỳ Điền mang nét phúng thích, phúng thích những cái gọi là khách quan của ‘chân-lý’ (áp đặt!).

Sau tháng Tư 1975 (và cho đến 30, 35 năm sau), miền Nam bị người Bắc phương biến thành địa ngục và hầu như mọi người đều là nạn nhân, bất kể tuổi tác: “Chị Sáu ơi, trong các thứ định mạng ở cái cõi đời nầy, thì Cộng Sản là cái thứ định mạng khắc nghiệt nhứt. Nó là chén thuốc độc cuối cùng bắt cháu Thuỷ uống từ giọt, từ giọt,..” (Bóng Nguyệt Lòng Sông, KĐĐ tr. 150). Trí thức hay dân thường đều trở thành nạn nhân, tài sản, sự nghiệp có thể bị tước mất, nhưng nạn nhân vẫn còn khí giới lý-trí và ngôn-ngữ qua những lời nói đùa, nói đía, châm biếm, trào phúng, nhại, nói ngược, nêu đích danh, nói thẳng thừng, thách đố, vạch mặt láo là láo, hứa hão là hão, là gian,… trước những tình cảnh bất bình, tình thế tréo cẳng ngỗng. Bi quan, thất vọng, mất tin tưởng, bất hạnh vì trớ trêu của con Tạo, lời nói trong tình cảnh đó có thể lật ngược tình thế, một gỡ nút bất ngờ.

Con chữ bóng gió hay thẳng thừng, tất cả, trong một hoàn cảnh nào đó, đã muốn sự thật sáng tỏ, ngầm muốn đặt lại tôn ti cao thấp dù đang bị kẻ ‘thắng’ cưỡng chế lập lại bảng giá trị (kẻ thắng, người thua, kẻ ‘giải phóng’, người thuộc về ngụy, địch, cán bộ 30, nằm vùng nay ra mặt,…). Tả cán bộ Việt cộng thì: “… cán bộ áo trắng, bộ đội áo kaki màu cứt ngựa xanh đùng đục, mang dép râu” (PBMĐL tr. 14). Hay những cảnh sống:

– “Cho đến một ngày mà người ta nuôi heo trong dinh Độc Lập hoặc xúm nhau cởi trần bửa củi ở trước sân tòa Đại sứ Anh thì tôi quay trở về tỉnh cũ với một tâm sự rối bời. Ngoài đường xe phóng thanh chạy rầm rộ khắp phố. Những điệu nhạc lạ lùng khó nghe, chói tai vang dội, nửa như vui mừng chiến thắng, nửa như đe dọa…” (KĐĐ, tr. 19)

– “Từ ngày mấy ổng bỏ rừng về thành phố, toàn dân miền Nam đâm thất nghiệp. Vợ con công chức quân nhân chế độ cũ, chồng cha bị đày đi một nơi khỉ ho cò gáy nào đó, ở nhà túng quẩn, phải bương chải tảo tần, kiếm kế sinh nhai, hầu sống còn qua ngày. Họ trở thành bạn hàng buôn thúng bán bưng bất đắc dĩ”. (PBMĐL, tr. 14).

Văn-chương trở thành chứng-từ, Võ Kỳ Điền đã tấn công mưu đồ giấu sau những mỹ từ, vạch mặt lời và cách nói vẽ rồng vẽ rắn, so với thực tại tệ hại, sự thật đau lòng trước mắt. Phúng thích ở Võ Kỳ Điền và hoàn cảnh miền Nam sau 30-4-1975, còn mang tầm vóc lịch-sử quan trọng của một tập thể dù bị ‘thua’. Nhìn nhận phúng thích như khí giới còn lại và sử dụng tài tình tùy hoàn cảnh, đó là đặc tính chính-trị nhân bản có từ xa xưa, trước cả thời Khổng-tử. Phúng thích không chỉ là một phương tiện của lý trí, trí thức, mà còn là một tham gia nhập cuộc vào cuộc tranh đấu chung có tính chính-trị – tức liên hệ giữa người với người, một cuộc đấu tranh có chiều sâu và viễn tính. Những ca dao, văn vè truyền khẩu đã là những khí giới còn lại, không bạo lực nhưng hiệu quả, của người bị trị chống toàn trị và tàn bạo, những phê phán của ‘miệng đời’, của kho tàng văn chương truyền khẩu dân gian, tất cả sẽ ở lại cùng lịch-sử:

– Nam-Kỳ Khởi-Nghĩa tiêu Công-Lý
Đồng-Khởi vùng lên mất Tự-Do.

– Vẹm vào, vênh váo, vơ vét, vội vù!

– Miền Nam nhận Họ, miền Bắc nhận Hàng

– Đôi dép-râu dẫm nát hồn son-trẻ
Chiếc nón tai-bèo che khuất nẻo tương-lai. v.v.

Nhà văn nhân-chứng Võ Kỳ Điền đã sống, đã là nạn nhân và đã nhìn thấy, đã hiểu chế độ mới áp đặt, khi đặt bút viết, ông đã làm công việc một sáng tạo ngữ pháp: con chữ phản ảnh thực tại mới, phản ảnh nhận thức và ý tưởng và những cái ‘Tôi’ và ‘chúng ta’ nhập trùng làm một. Cái ‘Tôi’ biến mất, bị chối bỏ, bị vô hiệu hóa, nhường chỗ cho cái ‘chúng ta’ tập thể trong một xã hội mà cá nhân (và tập thể phe ‘thua’) bị thu hẹp, bé nhỏ, vô nghĩa một cách cưỡng bách trong khi cái thậm xưng ‘chúng ta’ có mặt khắp nơi, cưỡng chiếm hết mọi của cải, tiện nghi và ngay cả bóng cây, hơi thở hay riêng tư thầm kín (tiếp thu, tố cáo, kiểm thảo, tự kiểm thảo). Cái ‘chúng ta’ mới này không có mặt những ‘cái Tôi’ của phe thua, ‘thua’ nhưng là chủ nhân chính thức của miền đất do tổ tiên để lại, ‘thua’ dù không tham gia chiến-tranh, phe phái! Trở thành số không suốt bốn năm trước khi tác-giả cực chẳng đã, phải quyết định bỏ quê-hương mà đi tìm sự sống con người: “Gần trên bốn năm nay rồi tôi sống im lặng, vật vờ, thu mình như một cái bóng mờ, lặng thinh câm nín. Một chút động tĩnh cũng không dám. Người ta hoài nghi, xoi mói, rình mò…” (PBMĐL tr. 20). Như ông giáo Hưng trong Một Thời Để Yêu: “Đi đâu cũng được, miễn là khỏi phải sống một cuộc đời cực nhục, khổ sở, dưới bàn tay sắt máu, của bọn người vô tâm” (tr. 135).

Đến được các đảo tị nạn chưa hẳn đã thoát đau khổ, như chỉ mới chực ra tới bậc cửa địa ngục. Hoàng, một nhân-vật trong Bóng Nguyệt Lòng Sông đã kể lại: “Ở đây mỗi ngày tôi được chứng kiến hàng bao nhiêu thảm kịch mà đồng bào phải gánh chịu. Chết chóc, đói khát, bịnh tật, bão tố, hãm hiếp, giam cầm, đánh đập, con mất cha, vợ lạc chồng, người nào người nấy xơ xác như trái mướp phơi khô, tàn tạ, ủ rũ như cây cãi hết nước. Nỗi bất hạnh của gia đình chúng tôi có thấm thía gì với cái bất hạnh của cả một dân tộc bị đọa đầy”. (KĐĐ tr. 151).

Người ra đi vì không còn lựa chọn, như ‘chú Hai thợ bạc, quê ở Sóc Trăng’ trong truyện Cây Sầu Riêng Vườn Cũ: “Tại bên mình khó sống quá, vừa nhức đầu, vừa nghẹt thở, nên phải đi. Chớ vui vẻ gì. Tôi đâu có muốn nhưng hoàn cảnh bắt buộc. Thầy tư nghĩ coi, cái tiệm thợ bạc nhỏ xíu cũng bị tịch thâu. Thôi đành dẹp kềm, dẹp búa. Tôi làm đơn xin về quê làm ruộng. Nhà nước cũng không cho, bắt phải đi xây dựng kinh tế mới. Cái chế độ gì có mắt không được nhìn, có tai không được nghe, có miệng không được nói, thì ở lại làm gì. Nói thiệt với thầy tư, tôi ngồi đây mà đầu óc vẫn nhớ Bãi Xàu. Trước nhà tôi có cái rạch nhỏ, chiều chiều ra đằng trước câu cá, cũng đủ vui. Lớn tuổi rồi, đâu còn ham muốn gì nữa!” (KĐĐ tr. 64-5).

Trong các tác phẩm ở giai đoạn đầu, nhất là trong các truyện ngắn, Võ Kỳ Điền tỏ lộ một văn phong miền Nam đặc biệt, không quá “miệt vườn” như Hồ Trường An, Nguyễn Tấn Hưng, Nguyễn Đức Lập, cũng không quá… ‘nóng’ như văn Kiệt Tấn, Cao Bình Minh, nhưng gần với Nguyễn Văn Sâm – phải chăng vì cùng gốc mô phạm! Các truyện viết về sau của Võ Kỳ Điền mang chất ký, nhiều hoài niệm và triết lý nhẹ nhàng, tức là ông theo khuynh hướng tự-sự trội bật của mảng văn học hải ngoại những năm cuối thế kỷ XX và đầu một thiên niên kỷ mới. Ngòi bút Võ Kỳ Điền trước sau luôn đi sâu thám hiểm tình người, ông muốn chạm những ngõ ngách bí hiểm mà chỉ có cuộc đời kinh qua mới nhận ra được! Giọng văn Võ Kỳ Điền tiềm chứa những tiếc nuối, nhung nhớ,… và ngay cả ở những hoàn cảnh phải phản ứng, đối kháng, phẫn nộ, giọng văn vẫn không hề tàn độc, thâm hiểm! Với ông, hình ảnh, chứng từ là đã quá đầy đủ!


Nguyễn Vy Khanh
2-2008