Hắn biết hắn có nhiều tính xấu, nóng nảy, bộp chộp, liều lĩnh, và nhất là đa nghi. Thường thì những người thâm trầm mới đa nghi, còn mình thì hời hợt, xốc nổi, cũng bày đặt đa nghi, thế mới dở khóc dở cười. Mà hình như nghi ngờ thì sai nhiều hơn đúng, trong sâu xa hắn cảm thấy như thế. Tuy nhiên, cũng như những người ưa đi các casino thua nhiều hơn được, lại tưởng rằng mình được nhiều hơn thua, nên hắn nghĩ rằng mình nghi đúng nhiều hơn sai. Có khi đánh bạc thua dài dài, trong cuộc sống cũng có những ngộ nhận xẩy ra liên tiếp, như câu chuyện dưới đây. Nhưng làm sao hắn không nghi ngờ được, làm sao yên tâm được khi sống xa nhau hơn ba năm, nay mới gặp lại. Lần gặp lại này là lần thứ nhì, lần thứ nhất cách đây hơn một tháng.
Trong lần thứ nhất ấy, hắn không còn tâm trí đâu để nhận xét, để quan sát, để ngờ vực. Lòng lâng lâng, chân đi như có cánh nâng lên khỏi mặt đất. Cô ta hiện ra như một nàng tiên, đến trong khoảnh khắc quá ngắn ngủi rồi biến mất. Mình ở lại trống rỗng, hụt hẫng, ngơ ngác. Chưa kịp hỏi một câu gì muốn hỏi, chưa kịp nói hay nghe một câu thương yêu, tình tứ, chỉ vớ vẩn toàn những chuyện đâu đâu, chuyện người này, người nọ, chuyện trên trời dưới đất, chuyện hàng xóm láng giềng, thì giờ thăm nuôi hết. Lại nữa, tên công an cứ lui tới gần chỗ vợ hắn ngồi đối diện với hắn. Muốn đến phá tổ chim hả? Hay mình là loại tù có vấn đề nên tên công an được lệnh đến gần canh chừng? Hay vì vợ mình có chút nhan sắc nên tên này “tự giác” đến dòm ngó chứ hả có lệnh lạc nào của cấp trên? Rất đáng nghi. Vợ hắn đẹp, hắn biết. Vợ đẹp là vợ người ta, tên nào đã nói một câu rất vô duyên! Và cũng rất hàm hồ! Nghĩa là vợ của người ta mới đẹp, hay vợ mình đẹp thì người ta chiếm? Hiểu nghĩa nào cũng lỗ vốn.
Xem nào, mình đi tù khi bé Vy mới lên ba, nay sáu tuổi, hắn lẩm bẩm. Lên ba thì đã biết gì, kỷ niệm với bố có bao nhiêu đâu. Và cô này nữa, hình như khác với lần thứ nhất, lần này môi một chút son, má một chút phấn, tóc một chút mượt mà. Nhìn vợ, hắn định hỏi tại sao, nhưng lại nói:
“Hình như em ... hình như bé Vy không ưa bố, phải không em?”
“Vy, vô đây!” Vợ hắn lừ mắt và mắng. “Tới ngồi với bố đi! Không chạy lăng quăng nữa!”
Bé gái từ ngoài mái hiên của nhà thăm nuôi chạy vội vô, rồi nhảy ngay vào lòng hắn, nhoẻn miệng cười sung sướng. Lần đầu tiên bé được mẹ dẫn đi thăm bố, lần trước mẹ đi một mình. Vợ hắn mắng thêm:
“Con hư lắm ...”
Hắn vội nói chen vào:
“Em đừng mắng con, tội nghiệp nó. Lúc anh đi bé còn bé quá, đâu nhớ bố được nhiều. Tình vợ chồng, ờ cha con cũng cần phải có đủ thời gian để... để...”
Tên công an lúc nãy vừa đi ngang qua sau lưng vợ hắn nay đứng hỏi han một cặp vợ chồng khác ngồi gần đấy, nhưng hắn biết rõ tên đó đang cố nghe ngóng vợ chồng hắn nói gì. Cứ nhìn cái cặp mắt liếc liếc, cái lỗ tai dong dỏng nghe, là hiểu ngay.
Chưa tìm ra chữ nào vừa ý, miệng lắp bắp, hắn kín đáo nhìn vợ từ đầu đến chân. Cô nàng hôm nay lạ quá. Má phấn môi son lại còn ... chiếc áo bà ba màu tím nhạt chưa cũ và cái quần đen còn mới, chân mang đôi dép Nhật còn lành lặn.
Lẽ dĩ nhiên trước kia cô ta vốn cẩn thận trong việc ăn mặc -- hình ảnh một thiếu phụ trẻ đẹp, duyên dáng trong những chiếc áo dài màu sắc khác nhau tùy lúc, chiếc quần lụa trắng trang nhã, chân mang guốc hoặc giày cao gót, tay cầm ví, hoặc vai đeo giỏ, tiệp với màu áo. Hình ảnh đó vẫn thường hiện lên trong trí của hắn. Hắn nhớ quá. Quay quắt. Có khi nằm ngủ, nằm thấy. Sau ngày miền Nam sụp đổ, chiếc áo dài phụ nữ và đôi giày phái nam cũng mất theo. Đàn ông mang dép râu, áo sơ-mi ngắn tay nhăn nheo bỏ ngoài quần, đàn bà mang guốc gỗ, áo bà ba cũ và quần vải thô. Thế mà hôm nay.
Có lẽ cô ta biết hắn chú ý nhìn, đỏ mặt. Lạ nhỉ. Đi đường xa xôi lặn lội, sang xe hai ba lần, mà còn ăn mặc như thế này. Hay đã đến đây một mạch trên một “ô tô con”. Sai rồi, có bé Vy cùng đi, đâu dám. Hay cứ dám như thường, biết đâu. Thế lúc ở nhà không có ta, cô còn chưng diện đến mức nào! Phải hỏi cho ra lẽ:
“Chắc là ở nhà em... em... em... hay mắng con lắm, phải không?”
“Không đâu anh. Nhưng bé Vy hôm nay kỳ quá. Anh biết không, tối nào trước khi đi ngủ bé cũng cầm hình bố đưa lên hôn, rồi cười nói với tấm hình như với người thật. Cứ đòi theo mẹ đi thăm bố. Đem nó đi khổ lắm anh ơi, sang xe mấy chuyến, tay xách đồ cho anh, tay dẫn bé. Đi băng qua mấy đường rầy xe lửa, hay chen lên mấy chiếc xe đò đông nghẹt, lại phải bồng nó lên. Để nó chạy theo, nó chạy lạc mất. Vậy mà tới đây gặp được bố thì bé cứ lảng lảng chạy ra ngoài kia...”
Nghe mẹ nói, bé Vy xụ mặt xuống.
Nhà thăm nuôi thấp lè tè, mái tranh, phên tre, cửa sổ ngắn về chiều cao nhưng dài về chiều dài, được dựng trên nền đất nện ở ngay dưới chân một ngọn đồi thoai thoải trên đấy là những trại giam tù. Bên trong nhà có hai dãy bàn ghế thô kệch nối nhau chiếm hết căn phòng, giữa là lối đi. Theo quy định, vợ và chồng phải ngồi đối diện nhau qua cái bàn gỗ tạp bề rộng khoảng gần hai thước. Vợ hắn ngồi xây lưng ra lối đi, hắn xây lưng vô phên tre. Những cặp vợ chồng khác cũng thế. Trên lối đi chính giữa ấy, một người công an mặc đồng phục màu vàng nhạt, mang khẩu súng lục nơi thắt lưng, đi lui đi tới quan sát, kiểm soát. Trước khi từ trên ngọn đồi xuống phòng thăm nuôi, người tù được lệnh: không được trao đổi thư từ, không được “phát biểu linh tinh”, nghĩa là cái gì vậy, không được làm ồn, và không được “hủ hóa”. Cái “không được” cuối cùng coi bộ thừa, hắn buồn cười. Bề ngang của cái bàn như thế thì làm sao “hủ hóa”. Khều chân cũng không tới.
Tù và vợ con hơn ba mươi người ngồi nói chuyện với nhau rù rì, rè rè như tiếng ruồi bay. Có người vợ dọn ra tô phở, tô bún bò, tô bằng giấy, đã nguội cho chồng ăn liền. Hoặc ổ bánh mì thịt, gói xôi muối mè, ly chè đậu đen, đậu đỏ. Hắn không ăn gì cả, để dành mang lên nhà giam ăn với vài bạn tù, như thế đỡ mất thì giờ quý báu nơi này. Ai nấy đều gầy gò. Tù gầy hơn. Và cái mặt nào cũng buồn thiu. Chỉ có bé Vy tuy ốm nhách nhưng tươi như hoa, ngồi trên đùi hắn nhìn ngang nhìn ngửa, thỉnh thoảng hát nho nhỏ, “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ...”, rồi “Bác cùng chúng cháu hành quân...” Chốc chốc bé cười rúc rích trong cổ họng. Trong lòng bé hẳn có điều gì vui thích lắm. Có lẽ ở nhà với mẹ mãi, nay được đi xa, thích quá mà. Người lính công an bỗng tiến đến nghiêm mặt nói:
“Anh kia, ngồi ngay ngắn nghiêm túc!”
Vợ hắn ngơ ngác. Hắn biết ngay, bồng bé Vy đặt xuống ghế dài ngồi giữa hắn và một người tù khác. Bé được dịp lại tụt xuống đất, chạy tung tăng ra ngoài cửa. Người lính công an nghiêm mặt nhìn hắn một lần nữa rồi đi thẳng đến cuối phòng. Vợ tỏ ý khó chịu. Hắn hạ giọng xuống thật thấp :
“Anh quên nội quy. Không được phép để bé ngồi trong lòng. Con nó chạy đi chỗ khác thế mà tiện đấy. Mình trở lại câu chuyện bàn dở lần trước nghe em. Em nhớ không, lần trước mình có nói với nhau được gì đâu, thì giờ qua nhanh chóng quá. Người ta bảo thời gian ở tù dài ra, nhưng khi có em lên thăm, lại khác.”
Vừa lúc đó người tù ngồi bên cạnh đứng dậy gói ghém lại các thứ lặt vặt còn sót trên bàn cho vào giỏ xách đi. Người vợ ngồi đối diện cũng đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi. Thời gian thăm nuôi nửa tiếng đồng hồ của họ đã hết. Thế là vợ chồng hắn có thêm một chút chỗ trống, dễ nói chuyện với nhau hơn, chả ai nghe được. Hắn chồm người tới trước nói cho vợ nghe rõ hơn, nhưng cũng vẫn thì thầm:
“Anh không dám viết trong thư, lỡ bị lột ra coi. Em ráng tìm đường đem con đi đi. Anh biết mình không thể nào sống được dưới cái chế độ này. Lần trước anh đã định nói với em về chuyện này thì hết giờ. Nay anh nói lại cho em nghe đây...”
Vợ hắn ngắt lời:
“Nhưng ...”
“Nhưng vì còn kẹt anh chứ gì? Em đi thoát, anh sẽ trốn trại, đi sau. Anh đã nhất quyết như thế. Sống như thế này thà chết còn hơn.”
“Anh ơi, anh đừng nói gở. Em sẽ, em sẽ ...”
Hắn sốt ruột:
“Nói gở cái gì? Anh đã nhất quyết như thế rồi, không còn con đường nào khác nữa.” Hắn bỗng ngập ngừng. “Này em ... anh có chuyện muốn nói ra, nhưng có lẽ không nên nói.”
“Ủa, cái gì vậy anh? Em đang nghe anh đây. Anh nói tiếp đi.”
“Hả? Độ này em ... Thôi, có lẽ anh không nên nói nữa. Chuyện lớn lao, chuyện sống chết đang chờ ta trước mặt, thì kể chi những thứ nhỏ nhặt ấy, phải không em?”
Vợ hắn ngạc nhiên:
“Cái gì vậy anh? Có gì anh cứ nói ra đi, rồi mình cùng giải quyết.”
“Thôi, anh không nói chuyện đó nữa. Mà đã chắc gì đúng.”
Vợ hắn năn nỉ:
“Anh ơi, anh cứ nói cho nhẹ người. Cứ ấm ức, khổ lắm.”
“Anh đã nói không mà, sao em tò mò thế.” Bỗng hắn buột miệng. “Hình như em có hơi chưng diện ... ô không phải, anh không định nói thế.”
Vợ hắn cười thật tươi:
“Thế à? Em biết mà. Anh quên rồi sao, hôm nay sinh nhật của anh, cho nên em... em phải sửa soạn một chút cho anh vui.”
Hắn lặng người, ngẩn ngơ nhìn vợ. Nghi bậy rồi, hắn tự trách thầm.
“Sinh nhật của anh mà em chỉ đem mấy món... chả ra làm sao cả,” vợ hắn gượng cười nói tiếp. “Anh ráng học tập tốt lao động tốt để mau về. Rồi cùng nhau vượt biên. Sống cùng sống, chết cùng chết. Nghe anh.”
Im lặng một hồi lâu, hắn âu yếm nhìn vợ trả lời:
“Học tập tốt để về sớm! Ai bảo em vậy? Còn chuyện này nữa ...”
Người lính công an lặng lẽ đi trờ tới, đứng ngay sau lưng vợ hắn mà vợ hắn không biết. Hắn lắp bắp nói một hơi dài:
“Mấy con khô cá sặt em mang lên tháng trước ăn ngon quá. Chỉ nướng nửa con là đủ một bữa ăn. Kỳ tới nhớ mang thêm cá sặt, không, khô cá sặt chứ không phải cá sặt tươi. Nhớ nhé, nhé. Em quên anh giận đấy!”
Vợ hắn cau mày:
“Cá sặt nào vậy?”
“Lại quên rồi hả? Sao em mau quên thế? Lần sau đừng quên nữa nhé, cái cô này. Cứ nhớ cá rô, cá giếc, không phải, cá sặt, khô cá sặt là ngon nhất. Khỏi cần những món khác.”
Vợ hắn sửng sốt, nói lạc cả giọng:
“Nhưng... nhưng... Em có bới cá sặt cho anh bao giờ đâu! Hay có cô nào khác mang lên cho anh, phải không? Xin anh đừng giấu diếm, cứ nói thẳng ra.”
Người lính công an ngang nhiên đứng nghe, ồ lên một tiếng, nhìn hắn một cách thật khó hiểu, thương hại, khinh bỉ, cười cợt, rồi đi qua bàn khác. Đến lúc ấy vợ hắn mới biết có người công an đứng đằng sau khiến hắn phải hắn bịa chuyện. Cô ta ngượng nghịu, cúi nhìn xuống mặt bàn.
Hắn càng ngượng hơn. Thảm hại quá, mình phải đóng một màn kịch quá tồi tệ trước cái thằng con nít ấy. Láu cá, lếu láo, trân tráo, lố bịch, hèn hạ. Cái thằng đó chắc đã biết mình nói trớ rồi, mới nhìn mình như thế. Hắn giận người, giận mình, giận cá chém thớt, trừng trừng nhìn vợ, cao giọng:
“Thôi, quá lắm rồi, cô hãy nghe lời tôi. Về đến nhà, lo vượt biên ngay. Đừng có lôi thôi, đừng có làm phiền tôi nữa.”
“Em chờ anh. Ra giêng ngày dài tháng rộng rồi tính,” vợ hắn tránh cái nhìn của hắn, cúi mặt trả lời.
Hắn càng thấy bực bội hơn. Không kiềm chế nổi, hắn đập bàn nói như hét:
“Tên công an sắp quay lại kia kìa. Tôi nói cho mà biết, lần này là lần thăm nuôi cuối cùng nhé. Dù có vượt biên được hay không cũng thế, đừng lên đây nữa! Nếu cô không nghe lời tôi, không chịu đi, tôi sẽ liều mạng.”
Vợ hắn hoảng hốt:
“Anh ơi, anh sao thế?”
“Tôi sẽ trốn trại ngay chiều hôm nay để cùng về, cùng đi với cô cho cô vừa ý,” hắn gầm gừ như con thú.
Cái mặt của hắn chắc là quái gở lắm, hắn đoán, vợ hắn ngồi phía bên kia bàn thun người lại mở to đôi mắt. Người lính công an từ cuối phòng rảo bước đến hét:
“Anh kia, làm cái trò gì đấy? Đứng dậy, ra khỏi đây ngay. Giờ thăm nuôi của anh, hết!”
Hắn trợn mắt nhìn vào mặt tên công an. Hết giờ cái con khỉ. Mới đó mà đã nửa giờ sao! Lại trổ tài nói ăn ngược nói ngạo hả? Tao sẽ kiện, sẽ khiếu nại, sẽ báo với, với, với ... Hắn nén cơn giận xuống, nhìn quanh. Phòng không có đồng hồ treo tường. Hắn liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của tên công an. Tên công an đặt tay lên khẩu súng đeo bên hông, cặp mắt tóe lửa. Hắn từ từ đứng dậy bước ra khỏi phòng, vợ hắn mặt tái mét, run rẩy, riu ríu đi theo sau. Tên công an đi cuối cùng. Hắn để quên trên bàn cái giỏ thức ăn vợ mang đến, ngập ngừng một giây, rồi bỏ, đi luôn.
Bỗng bé Vy từ cổng chạy đến. Bây giờ hắn mới nhìn kỹ bé. Sao con ốm quá vậy? Chiếc quần tây cũ lượm ở đâu rộng thùng thình và quá dài phải quấn lai lên hai ba lớp, chiếc áo sơ-mi cụt tay có mấy miếng vá trên lưng, cái mặt hốc hác. Chỉ được đôi mắt to tinh nghịch, thông minh. Vợ hắn nói, giọng còn run:
“Bé Vy hư quá, chạy đi chơi hoài. Không đến hôn bố để về hả?”
Bé mở to mắt nhìn hắn nói như mếu:
“Mẹ, mẹ. Bố cũng về với mình chớ.”
Nghe bé nói, hắn bàng hoàng. Chết tôi rồi, con tôi tưởng tôi cùng về nên nãy giờ chạy ra ngoài hiên đứng chờ. Hắn nhìn ra xa. Xóm làng ẩn hiện sau những chòm cây xanh, cây vàng, gió thổi, ngọn cây đu đưa. Những cánh đồng rộng thênh thang. Có con đường đất đá bò qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang con lạch. Chốc nữa em và bé sẽ đi qua những nơi đó nhé. Hắn thấy ruột thắt lại. Thôi, thôi, chết tôi rồi. Bố đã nghĩ oan cho con. Lại đa nghi. Lại nghĩ rằng bé không ưa bố, bé ghét bố, nên cứ đứng lấp ló ngoài hiên. Hắn quay lại nhìn bé âu yếm. Được thể bé níu tay bố reo lên:
“Bố về, bố! Mình về đi bố!”
“Vy, để bố yên,” vợ hắn nói nhỏ nhẹ.
Bé ngẩn người nhìn hắn chờ đợi.
“Không, bố không về,” hắn nói trong cổ họng.
Thế mà bé vẫn nghe được. Bé nói trong nước mắt:
“Sao vậy? Sao vậy? Hồi giờ con đứng ngoài kia chờ bố về.”
Hắn thả tay bé ra, quay mặt bước nhanh về phía con đường dốc dẫn lên trại giam tai còn nghe tiếng khóc tấm tức của bé Vy. Anh công an trẻ tuổi bước theo hắn, tiếng giày xéo lên đá sỏi kêu trèo trẹo. Gần đến ngọn đồi, anh đi qua mặt hắn.
Vào khu trại giam trên đỉnh đồi, anh công an không cho hắn trở về cái lán của hắn, trái lại đưa hắn đến một văn phòng nơi đó có hai công an khác đang ngồi chờ. Anh ta ngồi xuống ghế và chỉ hắn đến ngồi vào chiếc ghế trống đối diện. Lấy thuốc lá ra hút, rót đầy một tách trà, nhìn thẳng vào mặt hắn, anh trịnh trọng tuyên bố:
“Anh sẽ bị nghiêm trị.”
Lại cái trò quái quỷ gì đây. Không lẽ chỉ vì cái chuyện “ruồi bu” hồi nãy, bây giờ đem hình phạt ra hăm dọa. Ta nhất định sẽ chống trả đến cùng, tới đâu thì tới. Hắn cũng nhìn thẳng vào mặt anh công an hỏi từng tiếng một:
“Vậy hả? Nhưng tôi đã vi phạm điều gì?”
“Vi phạm điều gì anh tự biết lấy. Đừng ngoan cố.”
Đặt mẩu thuốc lá hút dở lên mép bàn, người công an dằn giọng:
“Thật thà khai báo may ra còn được khoan hồng phần nào.”
Hắn bình tĩnh trả lời:
“Tôi chẳng làm gì trái. Anh sai rồi.”
“Cách Mạng không bao giờ sai,” anh công an lớn tiếng.
“Vậy hiểu lầm.”
Anh công an quát:
“Cách mạng không bao giờ hiểu lầm. Được rồi, để tôi sẽ nói cho anh biết. Vợ chồng anh lấm la lấm lét bàn tán nhỏ to với nhau chuyện gì thế?”
“Chuyện bình thường, riêng tư. Không lẽ tôi cũng phải khai báo hết cả ra đây,” hắn đáp.
“Anh lấy bức thư ra, đưa đây.”
“Tôi chả có bức thư nào cả.”
Anh công an lấy điếu thuốc từ mép bàn, hít một hơi dài. Hắn buồn cười còn con nít mà hút tợn. Rồi nói với hai người đồng sự ngồi cạnh:
“Khi anh này với vợ chen nhau vô cửa phòng thăm nuôi, vợ anh nhét lẹ bức thư vô túi áo của anh ta, tưởng tôi không biết. Tôi để yên, theo dõi. Bất ngờ tôi đến nghe, họ liền vờ vĩnh đóng một vở kịch thật lố bịch. Hai đồng chí biết kịch gì không? Kịch ghen. Tôi làm như không biết gì cả. Lại ý đồ, lại âm mưu. Tôi đã biết từ lâu, anh này thuộc thành phần vô cùng nguy hiểm cần phải được trấn áp thẳng tay và kịp thời. Này, anh kia. Anh lấy bức thư trong túi áo của anh ra đây coi.”
Hắn hơi giật mình, thò tay vào túi áo, quả có miếng giấy. Người lính công an giật mạnh bức thư trong tay hắn, cười khoái trá, mở thư ra, đặt lên bàn cho mọi người cùng đọc. Trên trang giấy học trò có dòng chữ thật lớn, nguệch ngoạc, non nớt, không ngay hàng thẳng lối, viết bằng bút chì, choáng hết nửa trang:
thưa bố
mẹ biểu kính thưa bố
con thương bố con lên thăm bố bố về liền nghe
ký tên
Vy.
Ngự Thuyết