có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 7 25, 2013

Các con tôi đã về


Lời Giới Thiệu
Tôi bắt đầu nuôi dưỡng đề tài viết về những ngày cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng Hoà vào những ngày cuối cùng của Miền Nam, như một trò chơi của trí tuệ để giúp mình khỏi bị chìm đắm trong những biến cố dồn dập, quá sức đau thương và vô cùng hoang mang khi hết tỉnh này tới tỉnh kia bị rơi vào tay Bắc quân vào mùa xuân năm 1975 sau hai chục năm chiến tranh và đã tốn nhiều máu xương.
Những ngày tháng nằm trong trại tị nạn ở Camp Pendleton, Nam California, tôi tiếp tục trò chơi trí tuệ đó với cùng một mục đích, bởi vì đã có lúc tôi thấy tôi, một tay ẵm đứa con gái hai tuổi rưỡi, tay kia dắt thằng con trai lớn mới chín tuổi, đứng tần ngần trước một tấm bảng lớn của Bộ Ngoại Giao Mỹ dựng ngay lối vào trại, thông báo những ai muốn trở về Việt Nam thì họ sẽ can thiệp với một nước thứ ba để thu xếp cho hồi hương. Tóm lại, đã có lúc tinh thần tôi xuống thấp tới độ… tính về Việt Nam. Nhưng rồi tôi đã vượt qua được những giây phút yếu đuối thê thảm đó, một phần cũng nhờ trò chới trí tuệ kể trên, và phần khác vì tôi vốn có khuynh hướng hướng về tương lai.
Tôi tiếp tục nuôi dưỡng đề tài sáng tác trên vào mấy năm đầu tị nạn, nhưng chưa viết ra được vì chưa biết bắt đầu và kết thúc ra sao, chủ đề là chi. Chỉ biết rằng trước sau gì mình cũng phải ghi lại những ngày cuối cùng đó ở Saigon, dưới hình thức này hay hình thức khác. Phải ba năm sau, vào đầu năm 1978, tôi mới tìm ra được chủ đề cũng như quyết định hình thức thể hiện đề tài sáng tác nhân một buổi tối xem một cuốn phim thuộc loại… kinh dị trên truyền hình. Vào thời kỳ này tôi thích xem loại phim kinh dị, có lẽ vì biến cố tháng Tư năm 1975 đã khiến khả năng xúc cảm của mình bị tê dại hẳn đi. Xem phim kinh dị là một cách kích thích cái khả năng tê dại đó, để biết là mình còn sống, còn có thể bị kích động, còn cảm được.
Cuốn phim, tựa là “Deathdream”, cũng còn có tựa là “The Night Andy Came Home”, được thực hiện năm 1974, về một người lính Mỹ đã tử trận tại Việt Nam. Thế nhưng một buổi tối nọ có tiếng gõ cửa nhà, bà mẹ ra mở cửa, thấy Andy về trong bộ quân phục tề chỉnh. Bà nghẹn ngào không nói nên lời, ôm chầm lấy con trai, cũng chẳng thắc mắc tại sao đã có tin báo tử, mộ đã đào sẵn để chờ xác về thì chôn, mà giờ lại thấy về. Chắc là đã có sự nhầm lẫn nào đây. Hẵng cứ vui mừng vì con trai đã về, bằng xương bằng thịt hẳn hoi.
Tuy nhiên, trước sự vui mừng vồn vã của người thân, cô người yêu, bạn bè và hàng xóm, Andy thản nhiên xa vắng, suốt ngày ngồi trong phòng, cũng ít hoặc hầu như không chịu ăn uống gì. Bà mẹ biện minh cho con trai, nói là Andy cần một thời gian để thích nghi với đời sống bình thường. Sau khi Andy về nhà một thời gian thì trong tỉnh bắt đầu xảy ra những vụ người chết một cách bí mật, máu trong người các nạn nhân bị hút sạch. Một buổi tối nọ, cô em gái năn nỉ quá Andy mới bằng lòng đi xem xi nê với người yêu cũ của anh và cô em gái với cậu bồ của cô ở một rạp chiếu bóng ngoài trời (drive-in.) Andy ngồi với cô người yêu ở băng sau nhưng giữ một khoảng cách, với cặp kính mát che mắt mặc dù trời tối. Cô người yêu bị kich thích bởi cảnh hôn hít ở băng trước nên ngồi xích lại gần Andy, tìm cách gỡ kính khỏi mắt Andy. Sau mấy lần gạt tay cô gái ra, Andy cuối cùng không dằn lòng đươc, bỏ kính ra để lộ đôi mắt đang rỉ máu, ôm chầm lấy cô gái và ghé răng vào cổ cô ta toan hút máu, cô hoảng sợ, tông cửa nhảy ra khỏi xe, la hét, khiến cả rạp xôn xao. Bị lộ, Andy nhào lên băng trước, vồ lấy tay lái rồi lái xe chạy ra khỏi rạp hát. Cảnh sát được báo động đuổi theo. Loanh quanh trong thành phố một chặp, Andy lái xe vào nghĩa trang, rồi bỏ xe loạng quạng lết tới mộ huyệt của mình và lăn xuống, tay cào đất cát vun đống trên miệng huyệt xuống thân thể đang dần tan rã. Vừa lúc bà mẹ chạy tới quỳ phục xuống bên huyệt mộ của con, nước mắt giàn dụa, bà vừa giúp vun đất xuống huyệt hộ con, vừa nói qua tiếng núc nở nghẹn ngào: “Andy is home.”
Tôi bỗng thấy lạnh toàn thân, ứa nước mắt theo, vì cảnh tượng trên màn ảnh truyền hình một phần, song phần lớn, tôi nghĩ, là tôi vừa chợt tìm ra chủ đề cho dự án sáng tác đã nuôi dưỡng từ ba năm qua. Tựa đề “Các Con Tôi Đã Về” cũng thành hình từ đấy, từ câu nói nghẹn ngào trong nước mắt của bà mẹ Andy, “Andy đã về”. Tôi sẽ viết một vở kịch xoay quanh niềm khắc khoải trông chờ những người con trai trở về từ những chiến tuyến khác nhau của một bà mẹ miền Nam chất phác, đơn giản, chỉ có tình yêu thương không biên cương, phi ý thức hệ dành cho các con mình đã dứt ruột đẻ ra. Nhưng khi các con về mẹ chỉ thêm đau lòng vì những khác biệt không hoá giải được. Tôi chọn hình thức kịch, nghĩ nếu viết dưới hình thức tiểu thuyết, tối thiểu thì cũng phải từ 200 tới 300 trang, các biến cố sẽ trải ra, rồi lại phải thêm các chi tiết bối cảnh, miêu tả, đặc tính dồn dập của các biến cố sẽ loãng đi. Kịch, cũng như phim, chỉ đòi những nét phác của thủy mạc về nhân vật và bối cảnh, khiến cho các biến cố do đấy mà được làm cho nổi bật lên.
Hai tháng sau khi xem phim “The Night Andy Came Home”, tôi hoàn tất bản nháp bằng tay, rồi viết lại bằng máy chữ, hồi ấy còn bỏ dấu bằng tay, tất cả diễn ra như một cơn mộng du, nghĩa là tôi chả hiểu làm sao mà mình đã hoàn tất. Nó không phải là một vở kịch theo đúng nghĩa kịch, mà chỉ là một ghi chép sắp xếp hết sức thô thiển những biến cố của một giai đoạn lịch sử. Muốn trình diễn, đối thoại đã hẳn là cần phải viết lại. Tuy nhiên, nó đã giúp tôi dứt khoát chấp nhận đời sống của một di dân tị nạn, thay vì tiếp tục tiếc thương dĩ vãng không còn nữa. Vở kịch được đăng tải lần đầu trên tạp chí Việt Nam Hải Ngoại ở San Diego, rồi được tờ Đất Mới ở Seattle trích đăng lại vài cảnh. Vào năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm ngày 30 tháng 4, 1975, tạp chí Gió Văn tại Houston xin đăng lại. Để đánh dấu 38 năm kể từ biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tôi đã đồng ý để tạp chí điện tử Da Màu phổ biến. Cũng xin cám ơn ban biên tập Da Màu đã cho tác phẩm này một nơi trú chân từ nay. (TD)

NHÂN VẬT
(theo thứ tự quan trọng)

Bà NĂM, 65 tuổi, góa phụ, sinh trưởng tại miền Nam
Bác SÁU, 55 tuổi, lão bộc của gia đình Bà Năm, gốc miền Nam
BA, 38 tuổi, con thứ của bà Năm, nhà báo chống Cộng và chống chính quyền tham nhũng Cộng Hòa do ông Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo
Bà THÁI, 39 tuổi, giáo chức, gốc người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, hàng xóm của bà Năm
MAI, 29 tuổi, con dâu của bà Năm, vợ góa của Tư, sĩ quan Việt Nam Cộng hòa (đã mất tích ngoài mặt trận), con trai út của bà Năm
TÀI, 40 tuổi, viên công an chìm của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu
Viên ĐẠI ÚY CẢNH SÁT của chính phủ NVT, 40 tuổi
Viên TRUNG ÚY của Quân đội Cộng Hòa, 26 tuổi
HAI, 42 tuổi, con trai lớn của bà Năm. Biệt danh Lê Văn Tám, Thượng Tá của Quân đội Cộng Sản
TUẤN  , hai con của Mai, 10 và 6 tuổi
Vài NHÂN VIÊN CẢNH SÁT của chính phủ NVT
Vài KHÁCH HÀNG của bà Năm
Vài NGƯỜI LÍNH của Quânđội Cộng hòa
Vài BỘ ĐỘI của Quân đội Cộng sản

THỜI GIAN
Tháng Tư năm 1975 tại Saigon, thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa.
KHÔNG GIAN
Một con phố tại khu đông dân cư và bình dân ở Saigon.
CẢNH TRÍ
Cửa hàng tạp hóa vừa là phòng khách của bà Năm (xem hình vẽ).



HỒI I
(Cửa hàng tạp hóa của bà Năm vào buổi chiều. Tờ lịch trên tường phía trên bàn viết của Ba đề ngày 2 tháng 4. Nắng xiên khoai từ phía trái sân khấu chiếu trên mặt tiền căn nhà đối diện bên kia đường.)
Cảnh 1
Bác SÁU và Khách Hàng

(Người khách cuối cùng trong ngày đang sửa soạn rời cửa hàng. Bác Sáu vừa gói hàng vừa ngó chừng ra cửa, xong đưa gói hàng cho khách. Khách trả tiền, cầm gói đồ đi ra. Bác Sáu dáng người nhỏ bé, hiền lành, chất phác, chân mang dép Nhật. Bác Sáu bỏ tiền vào một cái hộp dưới quầy, rời quầy hàng, đi ra phía cửa, kéo tấm cửa sắt lại. Trước khi đóng hẳn cửa sắt, bác nhìn ngược nhìn xuôi con phố như trông ngóng ai. Chợt bác khựng lại khi ngó về phía tay trái.)
Bác SÁU (vui mừng.) A,cậu Ba đã về.
Cảnh 2
Bác SÁU và BA.

(Bác Sáu đẩy cánh cửa sắt rộng ra một chút, đủ chỗ cho BA bước vào. Ba có dáng người dong dỏng cao, gầy, lưng hơi khòm, đeo kính cận thị,có nét mặt đăm chiêu, khắc khổ, mái tóc hơi rối phía trên trán, phục sức đơn giản với quần tây mầu đậm, áo sơ mi ngắn tay bỏ trong quần, chân mang dép da. BA bước vào, cắp dưới nách một xấp báo, tay kia nhét trong túi quần, như đang suy nghĩ tận đâu đâu với một nét mặt căng thẳng.)
Bác SÁU (khép hẳn cánh cửa sắt sau lưng.) Tui cứ lo bữa nay cậu về trễ chớ.
BA (như đang suy nghĩ tận đâu đâu.) Sao bữa nay đóng cửa hàng sớm vậy? (vừa nói, Ba vừa banh cổ áo, mắt nhìn lên chiếc quạt trần bất động, làm vài động tác chứng tỏ cảm giác nực nội)
Bác SÁU (ngơ ngác.) Ủa, cậu quên bữa nay giỗ ba cậu sao? Mọi năm giỗ ba cậu, mình thường đóng cửa cả ngày. Năm nay vì khách hàng đông nên Má cậu quyết định chỉ đóng cửa sớm thôi.
BA (vỗ tay lên trán.) Ờ há! Tôi quên mất tiêu. (Ngó đồng hồ tay, đi lại chỗ bàn làm việc, vất xấp báo lên đó, rồi đi ra lối cửa vào nhà trong, thò tay vào sau màn vặn quạt máy.) Trời nóng quá, đã đóng cửa kín mít lại tắt quạt, chịu sao thấu! (Làm động tác như vặn quạt, mắt ngước nhìn chiếc quạt vẫn bất động. Cau mày.) Sao quạt không nhúc nhích gì hết vậy cà?
Bác SÁU (loay hoay xếp gọn mấy món đồ trên quầy hàng, rồi kéo chiếc hộp đựng tiền ở dưới quầy ra, chuẩn bị đếm. Ngước mắt nhìn lên chiếc quạt trần.) Quạt bị hư sao đó hổng biết, từ sáng tới giờ. (Hất hàm về phía ghế rocking.) Có cây quạt giấy của bà ở trên ghế róc-kinh kia, cậu lấy quạt đỡ.Tháng Tư là tháng giao mùa giữa hai mùa mưa và nắng, mà lại. (Nhìn trời.) Chắc chẳng bao lâu nữa, mùa mưa tới… (Ngó BA đi lại nơi ghế rocking, giọng trách móc.) Má cậu sẽ buồn nếu biết cậu quên ngày giỗ của Ba cậu mà xem.
BA (cầm quạt lên, mở ra, quạt phành phạch.) Dầu sao thì ông già cũng mất đã cả hai chục năm nay rồi…
Bác SÁU (dáng không bằng lòng.) Nhưng phận làm con, nhất là từ ngày cậu Hai tập kết ra Bắc không có tin tức đã hai mươi mốt năm nay coi như chết, rồi cậu Tư mất tích ngoài mặt trận đã năm năm nay, thì cậu kể như là con lớn và duy nhhất, cậu không được quyền quên ngày giỗ của Ba cậu. Cậu phải chứng tỏ cho Má cậu biết vậy để bả hổng phải lo khi bả chết, cậu cũng sẽ không quên ngày giỗ của bả chớ.
BA (đi lại phía quầy hàng, ngó Bác SÁU, cười.) Tôi có lỡ quên thì có bác nhớ. Bác làm như thể tôi còn là đứa con nít không bằng.
Bác SÁU (ngừng tay đếm tiền, ngước nhìn BA, giọng săn sóc.) Ngày nào cậu còn chưa chịu lấy vợ, ngày đó cậu chỉ là một cậu bé con đối với tui. Tiếc là tui hổn còn đét đít cậu như hồi cậu còn bé. (Chép miệng.) Nghĩ cũng tội nghiệp cho bà chớ. Già chỉ mong có vài mống cháu quanh quẩn ở bên cho vui cửa vui nhà. (Ngó hình Tư trên bàn thờ.) Được hai đứa cháu là hai em Tuấn, Tú thì từ ngày cậu Tư mất, cô Tư buồn rầu đem hai đứa nhỏ về bên ngoại ở, nên bà có cháu mà rồi cũng như không. (Quay qua BA.) Mà tôi hỏi thiệt, sao cậu hổng chịu lấy vợ gì hết trơn trọi vậy?
BA. Sao Bác với lại Má tôi cứ thắc mắc ba cái chuyện đó hoài làm chi vậy không biết. (Lảng qua chuyện khác.) Má tôi đâu, bác Sáu?
Bác SÁU (lắc đầu, vẻ ngao ngán khi thấy BA cố tình lảng chuyện. Cúi xuống hộp tiền vừa đếm nhẩm vừa trả lời.) Bà đang lo đồ cúng dưới bếp. (Mang cuốn vở từ dưới quầy lên mở ra bỏ trên quầy, khởi sự ghi chép.)
BA (nhìn vào cuốn sổ, đọc lướt qua.) Coi bộ gạo, mắm với đồ khô được khách hàng chiếu cố dữ, há?
Bác SÁU. Còn phải nói, mấy thứ đó buôn về nhiêu bán hết nhiêu. Chả là thiên hạ lo trữ phòng lỡ Saigon bị tấn công như hồi Tết Mậu Thân. (Ngó BA.) Mà bữa nay tình hình tới đâu rồi, cậu Ba? Tui nghe ngoài chợ người ta nói với nhau là Nha Trang đã bắt đầu rối loạn, có đúng vậy hôn cậu Ba?
BA (thở dài.) Đúng thế. (Một lát.) Nha Trang có thể lại mất nốt, không chừng… (Mím môi, như cố nén sự căm phẫn.)
Bác SÁU (nét mặt nhăn nhó, vò đầu vò cổ.) Hổng đánh đấm gì hết trọi trơn mà từ gần tháng nay, hết Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku, Quảng Trị, Huế rồi Quảng Ngãi, Đà Nẵng lần lượt rơi vào tay tụi nó… Bây giờ sắp tới lượt Nha Trang, thế là làm sao? (Nhìn Ba lo âu.) Hổng hiểu khi tới lượt Nha Trang mất, những người dân chạy từ Pleiku, Kontum xuống, những người chạy từ ngoài Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi vô, những người đó rồi ra sao? (Nhìn nét mặt căng thẳng nín câm của BA, bác SÁU lắc đầu, cúi xuống cuốn sổ trước mặt, để rồi vài giây sau, lại ngửng lên.) Mà từ hôm mất Ban Mê Thuột tới nay, sao nghe êm rơ hổng thấy nói tới chuyện phản công gì hết trọi trơn? Tui nghe ngoài chợ người ta kể, lính tráng mình hổng được đánh, cứ phải rút nên uất ức lắm, ai cũng mong cho ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để người khác lên thay mới mong cứu vãn được tình thế. Tham nhũng, thúi nát, bất lực như ổng, ai còn tin tưởng nổi. Ông Tổng Thống ổng nói ổng chỉ ra đi khi người Mỹ hết viện trợ. Thì người Mỹ đang chuẩn bị di tản đó, sao ổng còn ngồi đó mần chi vậy cà, cậu Ba?
BA. Vấn đề đâu đơn giản như bác nói. Sau cả chục năm cầm cự, bỗng dưng sụp đổ trong một sớm một chiều, hẳn phải có cái gì đó bí ẩn ở bên trong mà chính tôi đây còn chưa hiểu nổi, nữa là… (Ngó đồng hồ tay.) Tôi mắc một cái hẹn quan trọng. Chắc tôi không thể ở lại cúng Ba tôi được đâu, nhờ bác nói lại với Má tôi…
Bà NĂM (từ trong hậu trường bên tay mặt nói vọng ra.) ThằngBa dìa đó hả?
BA (lưỡng lự một lát, rồi cuối cùng đành bước vài bước về phía cửa dẫn vào nhà trong.) Dạ, thưa Má, con đã về.
Bác SÁU. Tui đã biểu mà. Thôi, bận gì thì hãng xếp qua một bên, để mai lo. Má cậu lớp này già yếu, hổng mấy khỏe, cậu đừng để bả buồn, sanh bệnh, rồi ân hận hổng kịp đa.
Bà NĂM (vẫn từ trong hậu trường vọng ra.) Bác Sáu à, đóng cửa hàng rồi chưa, xuống giùm tui một tay cái coi?
Bác SÁU (lật đật xếp sổ sách và hộp tiền xuống dưới quầy.) Dạ, có tui đây. Tui xuống liền giờ đây. (Rời quầy hàng, băng qua sân khấu tới cửa vào nhà trong, tất tưởi toan đi vào.)
BA (gọi giật lại.) Bác Sáu…
Bác SÁU (khựng lại nơi cửa dẫn vào nhà trong.) Chi vậy, cậu Ba?
BA (móc trong lưng quần ra một gói giấy báo bên trong có một vật cồng kềnh hình dáng một khẩu súng.) Nhờ bác cất giấu hộ… cái này. Nhớ cất kỹ, đừng để Má tôi biết. (Trao gói giấy cho bác Sáu.)
Bác SÁU (cầm gói giấy, nắn nắn. Thốt giật bắn cả người.) Chèng đét ơi… Một khẩu súng! Sao cậu…
BA (đưa ngón tay chỏ lên miệng.) Suỵt! Xin bác cất đi giùm cho kỹ. Phải phòng hờ vậy… Biết đâu có khi tôi cần đến nó. Thời buổi này… (Giục giã.) Thôi, bác xuống bếp đi kẻo má tôi lên bất ngờ biết được… (Bác Sáu vẫn còn chưa hết thảng thốt, song cũng gật lia, quay vào trong.)
Cảnh 3
BA và BÀ NĂM.

(Bà Năm từ trong nhà đi ra, vừa đi vừa lau tay vào tấm khăn kẻ ca-rô màu đỏ vắt ngang trên vai, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Bà Năm dáng người nhỏ bé như đa số phụ nữ Việt. Bà phục sức theo lối của phụ nữ miệt vườn miền Nam: tóc búi củ hành phía sau đầu, áo dài trắng rộng thùng thình và ngắn tới đầu gối, quần đen ống rộng, trên vai luôn vắt sẵn chiếc khăn rằn màu xanh.)
BÀ NĂM (đi tới bàn tròn, cầm ống nhổ lên nhổ cốt trầu vào đó, kéo tấm khăn ca-rô lau hai bên mép.) Mấy bữa rày hàng họ bận quá chừng, xua đi hổng hết khách. (Quay sang BA, giọng âu lo.) Sao con, liệu rồi tình hình có sáng sủa hơn chút nào hông, con?
BA (nói cho mẹ an tâm.) Chắc…không sao đâu mà, Má.
BÀ NĂM (tiến lại phía bàn thờ.) Mày nói vậy thì Má hay vậy, thế nhưng quanh đây người ta lớp lo tích trữ gạo, mắm muối, sợ lại xảy ra biến cố giống như hồi Tết Mậu Thân 68, lớp nói tới chuyện bỏ nước đi rần rần…
BA. Dân mình đã quen sống với chiến tranh, họ phải lo xa là lẽ đương nhiên không thể tránh được.
BÀ NĂM. Đã đành là như vậy. Thế nhưng cái vụ bỏ nước ra đi, từ trên hai mươi năm nay đánh nhau, làm gì có chuyện đó, mà bây giờ… Mà thôi, ai đi đâu thì đi, nước mình mình ở, nhà mình mình sống. Ai cầm quyền, ai cai trị thì mình cũng vẫn chỉ là dân, vẫn phải tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ vậy.
BA. Má nói vậy cũng không đúng, vì vấn đề đâu đơn giản như vậy. Má thấy đó, bao nhiêu ngàn người từ Kontum, Pleiku, từ Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Đà nẵng v.v.. bỏ cửa bỏ nhà, băng rừng lội suối, chịu đói chịu khát, đã và còn đang trên đường xuôi Nam. Họ không chỉ ra đi với mục đích chạy trốn khỏi vùng có thể xảy ra giao tranh, mà còn vì họ đã có kinh nghiệm với người cộng sản và vì kỷ niệm hồi Tết Mậu Thân với những vụ thủ tiêu, hạ sát hàng loạt dân vô tội của cộng sản vẫn còn sống động trong tâm trí họ. Cuộc ra đi của họ, như báo chí ngoại quốc mô tả, là một cuộc “bỏ phiếu bằng chân” cho tự do. (Chua chát.) Tiếc thay, đa số những người đã bỏ phiếu bằng chân cho tự do ấy lại sắp sửa bị bỏ rơi vì chính sự lựa chọn của họ. (Biết mình lỡ lời, chợt ngưng.)
BÀ NĂM (với bao quẹt trên bàn thờ, đánh diêm, đốt nến.) Ờ, thì mày nói vậy má hay vậy, chớ ba cái chuyện chính trị chính em đó, làm sao má hiểu được. (Kéo tấm khăn ca-rô xuống, lau bụi trên mặt kính khung hình của Ông NĂM, nói như nói với Ông NĂM trong hình.) Mọi năm giỗ ông, tui đóng cửa hàng nghỉ cả ngày, mời bà con dưới tỉnh và bạn bè quanh đây lại để cùng tưởng nhớ tới ông. Năm nay, tình hình rối rắm, lại thêm hàng họ đông người mua bán, tui phần cũng tại tiếc mới nên hổng nghỉ cả ngày, như vậy có hổng phải, nhưng chắc ông cũng hiểu cho phải hông? Mặc dầu ông đi đã lâu, nhưng má con tui lúc nào cũng nghĩ tới ông luôn. Ông coi như thằng Ba đó, hổm rày hầu như có tối nào nó ở nhà đâu, vậy mà tối nay nó về sớm vì nhớ tới ngày giỗ của ông. (BA đang sắp đốt điếu thuốc, nghe Bà NĂM nói vậy, khựng lại, ngó đồng hồ tay, một lát rồi đốt tiếp.) Ông có về thăm má con tui bữa nay thì nhớ kêu cả thằng Tư về cùng với, để nó lang thang một mình tội nghiệp… (Dùng khăn lau bụi trên mặt kính khung hình của TƯ.) Ông cũng tha thứ cho con vợ của thằng Tư bữa nay mắc bận không mang hai đứa cháu nội của ông về dự đám giỗ của ông được. Cũng tội nghiệp cho con vợ thằng Tư góa bụa từ lúc còn thanh xuân… (Có tiếng đồ rơi lảng xoảng trong bếp. Bà NĂM giật mình, tất tả chạy ra phía cửa đi vào nhà trong, hỏi vọng bằng một giọng hốt hoảng.) Trời đất! Có chuyện chi vậy, bác Sáu? Bác không làm đổ mâm đồ cúng đó chớ?
BA (toan bước vào trong.) Bác Sáu, bác té hay sao đó? Bác có làm sao không?
Bác SÁU (từ trong hậu trường, như đang la mắng ai.) Đồ mắc dịch! Đi chỗ khác mậy, hổng có tao đập chết giờ à nghen! (Lớn giọng.) Dạ, tui hổng có sao hết trơn hà. Mâm đồ cúng cũng còn nguyên nè. Bị có con mèo đen của nhà ai lén vô bếp từ hồi nào, tính ăn cắp con gà luộc, tui xua nó đi, nó nhảy làm đổ chồng bát ăn cơm, bể có một hai chiếc thôi hà.
BÀ NĂM (hoàn hồn, nhưng có vẻ đăm chiêu lo lắng.) Chu choa, điềm xui xẻo đây à nghen. Đuổi nó đi, bác Sáu. Mèo đen vô nhà xui tận mạng à nghen.
BA (thở phào, cười.) Tưởng chi. Má khéo tin vớ vẩn.
BÀ NĂM (nguýt con trai.) Có tin có lành, chớ bộ. (Nói vọng vào trong.) Thôi, để đó, lát dẹp, bác Sáu à. Bưng giùm mâm đồ cúng lên đây cái coi. Nhớ xua giùm con mèo đi, nghe hông. (Đi trở lại nơi bàn thờ.) Để nó luẩn quẩn trong nhà, xui lắm. (Có tiếng “dà” của bác Sáu từ trong hậu trường.)
Cảnh 4
BA. BÀ NĂM. Thêm BÁC SÁU.

(Bác Sáu khệ nệ bưng mâm đồ cúng lên. Giữa mâm bày một con gà luộc còn nguyên đầu, cánh, chân, một tô canh, một dĩa đồ xào, hai bát ăn cơm, hai đôi đũa, một chai rượu trắng và hai cái ly. Bác cẩn thận đặt mâm lên bàn nhỏ trước bàn thờ, đổ rượu ra ly. Ba cùng bước tới tiếp tay bật lửa châm vào nén nhang bà Năm đang cầm nơi tay. Xong, Ba và Bác Sáu mỗi người đứng một bên bàn thờ, trong khi bà Năm trịnh trọng vuốt lại mái tóc và hai vạt áo, quỳ xuống trước bàn thờ, hai tay nâng nén nhang áp lên trán, bắt đầu khấn vái.)
BÀ NĂM (giọng kể lể, thành khẩn.) Ông đi, tính tới nay đã tròn hai mươi mốt năm, đâu biết những gì xảy ra cho tui, phải hông? Để tui kể ông nghe… (Ba ngó đồng hồ tay, vẻ sốt ruột. Cử chỉ đó của Ba không lọt qua cặp mắt quản gia của Bác Sáu. Bác Sáu nhìn BA, lắc đầu vẻ không bằng lòng.) Thằng Hai từ đó tới nay vẫn biền biệt tận miền Bắc, hổng biết sống chết ra sao, vợ con chi chưa. Xin Trời Phật độ trì cho nó! Tui biết ông buồn nó lắm. Mà thôi, nếu nó đã chết mà có gặp ông, thì ông cũng đừng giận nó làm chi, nghe! Thằng Hai nó nói với tui nó đi tập kết ra Bắc, chờ ngày về giải phóng Miền Nam. Tui đàn bà ngu dốt, hổng hiểu sao nó đòi giải phóng miền Nam khi tui thấy đời sống ở đây cũng hổng có gì đáng phàn nàn. Tui có cửa tiệm tạp hóa buôn bán, với bác Sáu phụ giúp, cũng đủ sống, hổng phải nhờ vả ai, mặc dù thằng Ba làm báo đủ sức nuôi tui, nhưng tui muốn tự lập. Với lại, như ông thấy đó, từ ngày ông lấy tui, cho tui mấy thằng con rồi ông bận công chuyện nước non này khác, nhờ cửa tiệm này mà tui nuôi thằng Hai, thằng Ba với lại thằng Tư nên lớn nên khôn. Thằng Ba học hành đỗ đạt nhưng nó ưng nghề viết báo hơn nghề dạy học. Còn thằng Tư thì ưng nghề lái máy bay. Cũng nhờ có buôn có bán, có chị có em, tui cũng quên đi được nỗi đơn chiếc từ ngày ông đi, nhứt là từ sau vụ thằng Tư hổng may chết trận tới nay… (Sụt sùi.) Trời xui chi tui có ba thằng con trai mà rồi cuối cùng chỉ còn có mình thằngBa này… (Khóc.) Ông có linh thiêng phò hộ cho đất nước mình chóng hết giặc giã, cho thằng Hai nếu còn sống sớm trở về với tui, cho người Việt mình thôi giết nhau, thôi ghét bỏ nhau, nghe ông. Chớ mà cứ vầy mãi rồi ra làm sao? Còn thằng Tuấn, con Tú, hai đứa cháu nội của ông đó, chẳng lẽ chúng lại lớn lên trong giặc giã, như ông với tui, như các con ông nữa hay sao chớ?…
(Sau vài giây thổn thức, Bà Năm lạy ba lạy, rồi đứng lên đi lại bàn thờ, cắm nén nhang vào bát hương, kéo khăn chậm nước mắt. Lần lượt, Ba và Bác Sáu cũng ra trước bàn thờ đốt nhang, lạy trước bàn thờ. Bên ngoài khung cửa sổ còn bỏ ngỏ, trời đã tối. Có tiếng gõ cửa.)
BÀ NĂM (hỉ mũi vào khăn ca-rô.) Bác Sáu ra coi ai đó ?
(Bác Sáu đi ra mở cửa. Bà Thái đứng nơi cửa.)
Cảnh 5
Bà NĂM, BA, Bác SÁU. Thêm bà THÁI.

(Bà Thái ló đầu vào. Bà Thái có dáng người gọn gàng, nhanh nhẩu, phục sức áo quần ở nhà: đồ bộ, tóc uốn quăn đánh rối và xịt keo để giữ nếp, một thói quen chỉnh tề hơi chải chuốt do nghề giáo mang lại. Bà Thái tay cầm một chai không để mua dầu hôi, nhìn vào nhà bà Năm, thấy bàn thờ khói hương nghi ngút thì có vẻ ân hận đã làm rộn.)
Bà THÁI. Chết chửa, em xin lỗi đã làm rộn. Thấy bên đây đóng cửa sớm, tưởng có chuyện gì nên chạy qua hỏi thăm, luôn thể mua cái hộp quẹt với một lít dầu hôi, sợ nhỡ đêm hôm tắt điện, có chuyện gì xảy ra thì khổ. Thời buổi này…
Bà NĂM (đi lại bàn, kéo ghế.) Cô giáo vô chơi ? Hôm nay giỗ ông nhà tui. Tụi tui cũng vừa cúng xong. Ngồi chơi tự nhiên, cô giáo?
Bà THÁI (bước vào, bắt đầu nói như bắn liên thanh.) Em không dám. Ra hôm nay giỗ bác Năm trai đấy? Thôi, em chẳng dám ở lâu, sợ làm rộn bác Năm. (Quay qua Bác Sáu.) Bác Sáu làm ơn bán cho tôi cái hộp quẹt với lại chai dầu hôi. (Bác Sáu đi ra quầy. Bà Thái đặt chai lên mặt quầy.) Lúc này đêm đến cứ phải để cái đèn hoa-kỳ lù mù để lỡ có gì dậy thì còn biết đường mà dò. (Nhận ra Ba.) Sao, cậu Ba, tình hình liệu rồi có hy vọng gì không, cậu? (Không chờ Ba trả lời, đi lại kéo ghế ngồi xuống đối diện với Bà Năm nơi bàn tròn, giọng nghiêm trọng.) Này bác Năm, em có mấy người quen vừa từ Nha Trang vào, cũng giáo chức như em, họ bảo tình hình ngoài đó giờ rối bời, mạnh ai người nấy lo, lớp dân tị nạn các nơi dồn về đó nằm đầy đường phố, đói khát, thêm nạn trộm cắp lung tung, y hệt như tình hình Đà Nẵng trước khi thất thủ vậy. Điệu này khéo không lại giống như Đà Nẵng mất. Mấy người đó liều bỏ nhiệm sở về đây trước với gia đình vì họ sợ sẽ lại xảy ra nạn chen lấn kinh hoàng như hôm Đà Nẵng sắp sửa mất. (Thở dài.) Thiệt, rồi còn những gì sẽ xảy ra nữa đây không biết. (Lại thở dài.) Bác Năm sinh trưởng ở trong Nam không lo, chứ như vợ chồng em di cư từ Bắc vào Nam, nếu Miền Nam lại rơi vào tay tụi nó nốt thì rồi số phận của tụi em chắc là khốn nạn mất thôi. (Một lát.) Em nghe người ta đồn là nếu tụi nó vào đây, bọn Bắc Kỳ di cư sẽ bị bắt buộc phải đi bộ về Bắc. Rồi lại cả tin đồn sẽ có “tắm máu” như ở bên Căm Bu Chia nữa! Thiệt tình, chả biết hư thực ra sao, nhưng giả thử mà tin đồn đó có thực thì như vợ chồng con cái em về ngoài Bắc rồi lấy chỗ đâu ra mà ở không biết nữa? (Chép miệng, thẫn thờ.) Làm gì mà ăn? Chắc chết chùm với nhau quá!
Bà NĂM. Cô giáo quá lo xa. (Bỏ trầu cau vào cối giã.) Còn trời còn đất đó, chớ có lẽ nào…
Bà THÁI. Thì nhiều lúc em cũng nghĩ như bác Năm vậy. Có lẽ nào cả trên hai mươi năm chiến tranh, chẳng thắng thì ít ra cũng hòa, như Đại Hàn, chớ có lẽ nào thua, chả hóa ra Trời bất công và vô lý lắm sao. (Quay lại Ba.) Có phải thế không, anh Ba ? (BA nhếch mép cười. Bà Thái bán tín bán nghi.) Cơ mà liệu… liệu có cách gì cứu vãn được tình thế không, hở anh Ba ?
BA (lấy kính xuống lau, rồi lại đeo lên mắt.) Tình hình tuy bi đát, song không phải là không thể giải quyết. Còn nước còn tát…
Bà THÁI. Mà tát như thế nào mới được cơ chứ ?
BA. Hồi Mậu Thân, Việt Cộng vào đến Saigon, tiến chiếm cả Đài phát thanh, mà mình còn phản công đánh bật chúng ra được. Rồi hồi 72, Bắc Quân tràn qua vĩ tuyến 17 chiếm Quảng Trị, sau mấy tháng mình còn đẩy lui được họ về bên kia sông Bến Hải. Vấn đề là lòng dân có còn tin ở cấp lãnh đạo hay không…
Bà THÁI. Thế nhưng cơ mà anh Ba quên một điều là hồi Mậu Thân cũng như hồi 72, mình còn có sự tiếp tay của quân đội Mỹ với đầy đủ vũ khí viện trợ. Nay quân đội Mỹ đã rút, và viện trợ quân sự coi mòi cũng sắp bị cắt nốt…
BA. Xin lỗi chị Thái, tôi là người đã từng theo sát quân đội Cộng Hòa để viết phóng sự trong thời kỳ giải vây Saigon hồi Mậu Thân, cũng như đã chia sẻ từng túi gạo sấy với anh em Thủy Quân Lục Chiến và Dù trên đường giải vây Quảng Trị hồi 72, và tôi không thấy có người lính Mỹ nào trong những đợt giải vây đó cả! Nếu chị Thái nói rằng trở ngại quan trọng có thể ảnh hưởng sâu xa tới tâm lý quần chúng và tinh thần chiến đấu của quân đội là vấn đề viện trợ quân sự, nhất là sự yểm trợ của không quân Mỹ đã bị cắt, thì tôi đồng ý. Tuy nhiên, tôi không đồng ý đưa lên tít lớn những tin liên quan đến vụ 300 triệu Mỹ kim viện trợ đang bị đe dọa cúp nốt. Và tôi nghi ngờ rằng sự khai thác tin đó quá lố của một số báo chí quốc nội cũng như quốc ngoại, nếu không là do sự thiếu chín chắn, thì chính là do một cố ý nào đó, không ngoài mục đích chuẩn bị dư luận và thái độ du miền Nam vào một biến chuyển chính trị và quân sự mà họ muốn người dân miền Nam tin là tất nhiên phải xảy ra. Tôi không chấp nhận thái độ quá lệ thuộc ngoại bang như vậy. (Nét mặt đanh lại.) Trở lại vấn đề đi tìm một giải pháp cho tình thế hiện tại, tôi thấy chỉ còn có một cách, đó là ông tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ chức, giao quyền lại cho đại diện của các đảng phái quốc gia, có như vậy mới gây lại được hứng khởi, tin tưởng nơi lòng dân và quân, để rồi từ đó chuẩn bị lật ngược lại thế cờ, trước khi quá trễ…
Bà THÁI (mắt lấm lét ngó ra cửa.) Này, anh Ba liệu mà giữ mồm giữ miệng. Hồi nãy tôi thấy thằng cha Tài công an chìm lởn vởn trước cửa nhà đó.
Bà NĂM (vét trầu trong cối bỏ vào miệng.) Bà Thái nói phải đó, Ba à. Con nên cẩn thận cái miệng, chớ lỡ mà để bị bắt như mấy ông nhà báo hổm rồi, khổ má à nghe. Ba đứa con trai, giờ chỉ còn có mình con…
Bác SÁU (thấy bóng Tài đi ngang qua cửa sổ, báo động.) Suỵt. Thằng chả đang đi tới kia kìa !
Bà THÁI (đứng bật dậy.) Thôi, xin phép bác Năm cho em về. (Với BA. Tôi về, anh Ba.
BA. Dạ, chị Thái về.
(Bà Thái đi tới bên quầy cầm chai dầu và chiếc hộp quẹt bác Sáu để sẵn trên đó, móc túi trả tiền, rảo bước đi ra. Tới cửa, Bà Thái đụng phải TÀI cũng vừa tới nơi. Bà Thái ngó Tài với cái nhìn khinh khỉnh, rồi ngoe nguẩy đi ra, rẽ phía tay trái về hướng nhà mình.)
Cảnh 6
Bà NĂM, BA, Bác SÁU, thêm TÀI.

(Tài có nét mặt nham hiểm, đôi mắt láo liên rình rập, đầu đội mũ phớt, áo sơ mi ca-rô bỏ ngoài quần, chân mang giày, trông rất “cớm”. TÀI bước vào nhà, ngang nhiên như một kẻ chuyên môn cậy vào cái quyền mặc sức báo cáo về hành vi của kẻ khác tùy theo chủ quan của mình, mặc bác SÁU ngăn hắn ta lại ở cửa.)
Bác SÁU (khó chịu ra mặt.) Cửa hàng đã đóng.
TÀI (thản nhiên bước vào nhà, mắt ngó lướt qua Bà Năm và dừng lại ở Ba, điểm một nụ cười nửa miệng.) Tôi muốn mua một bao thuốc lá.
Bác SÁU. Tui đã biểu là cửa hàng đã đóng. Bộ đui điếc sao chớ mà hổng hiểu ?
Bà NĂM (nhổ cốt trầu vào ống.) Thôi mà bác Sáu, bán cho ổng lè lẹ rồi đóng cửa lại, khuya rồi.
Bác SÁU (miễn cưỡng đi lại phía quầy, hỏi Tài, giọng trống không.) Hiệu gì ?
TÀI (tì một khuỷu tay lên quầy hàng, ngó quanh với cặp mắt láo liên.) Winston. (Bác Sáu lấy bao thuốc dưới quầy bỏ lên mặt quầy. Tài với lấy bao thuốc, bóc ra, rút một điếu gắn lên môi, với bao quẹt bật lửa châm thuốc, nhả khói thong thả.)
Bác SÁU. Hai trăm chín mươi đồng cả thẩy.
TÀI (tiếp tục hút thuốc, thong thả móc túi lấy tiền trả.) Bác giữa lấy tiền lẻ. (Bác Sáu bỏ tiền vào hộp và lấy tiền thối thẩy lên mặt bàn, vẻ không thèm. Tài cười.) Tiền gì thì cũng là tiền, sao chê ? Chê thì thôi. (Nhặt mớ tiền cắc bỏ vào túi quần, cầm bao thuốc và hộp quẹt, trước khi đi ra, ném về phía Ba một cái nhìn soi mói. Tài ra khỏi, vừa đi vừa tiếp tục phì phèo điếu thuốc.)
Cảnh 7
Bà NĂM, BA, và Bác SÁU.

(Bác Sáu rời quầy đi ra kéo tấm cửa sắt thật mạnh sau lưng Tài.)
Bác SÁU (quay trở lại, giọng bực tức.) Đồ chó săn bẩn thỉu. Lúc này mà mặt mũi nó còn vênh váo lên được! Đồ hại dân hại nước!
Bà NĂM. Cả bác nữa, liệu mà giữ mồm giữ miệng. Nhiều người bị bắt bớ chỉ vì không giữ nổi cái miệng, bác coi chừng đa. (Nhổ cốt trầu, lau mép. Chép miệng.) Thiệt cái ông Tổng thống Thiệu, hổng hiểu ổng còn ham hố chi nữa mà còn ngồi lì ra đó. Đi tới đâu cũng nghe người ta cầu mong cho ổng từ chức. (Chợt nhớ ra điều gì, quay qua Ba.) Ờ, mà sao cái thằng cha Tài làm cái chi mà ngó con dữ vậy, Ba?
BA (cố dấu vẻ ưu tư, nói cho mẹ an tâm.) Cái tụi chó săn như thằng Tài, nghề của tụi nó là nghề đánh hơi, rình rập. Má hơi đâu mà bận tâm.
Bà NĂM. Thì mày nói vậy, má hay vậy. (Một lát.) Thấy mày lóng rày đi về thất thường, má cũng hơi ngại mày lại dính vô ba cái chuyện chính trị chính em như ba mày hồi xưa, như thằng Hai, có gì lại bỏ mẹ già, thiệt… tội má lắm à nghe, con. (Quay qua bác Sáu.) Thôi, bác Sáu dọn giùm mâm đồ cúng vô nhà, rồi liệu mà ăn cơm thôi, chớ còn chờ gì nữa.
Bác SÁU (đi lại bàn bưng mâm đồ cúng lên.) Bộ bà với cậu Ba, hổng ai muốn ăn uống gì hết sao chớ?
BA. Tôi dùng cơm ở đằng tòa báo rồi. Bác cứ ăn đi, kẻo đói. (Ngó đồng hồ tay.) Cũng trễ rồi.
Bà NĂM (với cây quạt trên bàn phe phẩy.) Sao bữa nay tui cũng đầy quá hà, hổng thấy muốn ăn uống gì hết trơn. Bác Sáu đem mâm vô nhà rồi ăn cơm đi. Chút đói, tui ăn chút cháo được rồi.
Bác SÁU (ngó con gà trên mâm.) Con gà coi hấp dẫn như vầy mà hổng ai chịu ăn. (Lắc đầu, bưng mâm đồ cúng vào nhà trong.)
Cảnh 8
Bà NĂM và BA.

(Ba bước tới bước lui, vẻ bồn chồn, nhấp nhổm.)
Bà NĂM (đi lại ghế rocking, ngồi xuống, tay cầm cây quạt phành phạc. Ngừng tay quạt, ngó Ba.) Sao ngó bộ con đứng ngồi hổng yên vậy Ba? Có chuyện chi vậy? Mà chuyện chi thì chuyện, ngồi xuống một chỗ cái coi nào, làm cái chi mà như gà mắc đẻ vậy, hổng biết ? (Ba ngó mẹ, cười gượng, tới bên bàn tròn kéo ghế ngồi xuống đối diện với mẹ, ngập ngừng như muốn nói điều gì rồi lại thôi. Ba rút một điếu thuốc châm hút. Bà Năm giọng ân cần.) Mà thôi, có chuyện chi thấy khó nói thì thôi, để khi khác, má hổng ép. Con cũng lớn rồi, đâu còn như hồi xưa còn nhỏ nữa… (Chợt thở dài.) Thiệt, tuổi con, nhiều người đã con cái lớn tồng ngồng, và má đã có cháu để cưng, tuổi già cũng bớt đi phần nào cô độc. (Nhổ cốt trầu rồi lau hai bên mép bằng tấm khăn trên vai.) Nhiều lúc má thấy thiệt má vô phước vậy đó. Được ba đứa con trai, có mình thằng Tư lấy vợ, sanh cho má được hai đứa cháu nội, mà cũng như không. Thằng Tuấn với con Tú cần mẹ hơn cần bà. Người ta nói “cháu bà nội, tội bà ngoại”, thiệt tình mà nói, ở đây thì ngược lại “cháu bà ngoại, tội bà nội.” (Vẻ an phận.) Mà thôi, má cũng thông cảm trường hợp con Mai. Nhà này nhiều kỷ niệm của thằng Tư quá nên nó ít muốn lui tới để khỏi đau lòng. (Cười nhẹ.) Mà cũng lạ chớ, má hổng hiểu sao tụi trẻ lại ít thích sống với kỷ niệm. Ngược lại với Má, sở dĩ mà má còn bám riết lấy cái nhà này cũng vì những kỷ niệm với ba tụi con. (Ngó quanh, ngậm ngùi.) Cũng như nếu có ai các vàng má cũng hổng khứng đổi cho cái ghế này, kỷ vật của thằng Tư hồi đi tu nghiệp ở Huê kỳ về. (Vuốt ve hai tay ghế rocking như vuốt ve một vật thân yêu, chìm đắm trong hồi tưởng.) Mỗi lần ngồi xuống ghế là in như má thấy thằng Tư đứng trước mặt hôm nó mang cái ghế từ Mỹ về làm quà tặng cho má… (Một lát. Ngó qua Ba.) Mà má hỏi thiệt, chừng nào con mới tính lấy vợ đó, Ba? Gì thì gì, cũng phải tính tới chuyện đó chớ. Má cũng già rồi, chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa. Má muốn trước khi má chết, má biết có người săn sóc, lo cho con…(Thấy Ba cười, giọng Bà Năm trách móc.) Thiệt đó chớ, bộ giỡn sao cười, mậy?! Ngó trên đầu con coi, lấp ló hai thứ tóc rồi đó, lông bông mãi sao đặng, mậy?
BA (tằng hắng giọng, đăm chiêu.) Thưa má, điều má vừa nói, là trên đầu con đã lấp ló hai thứ tóc mà còn lông bông mãi, khiến con thêm suy nghĩ – không phải nghĩ về chuyện vợ con, mà về những chuyện khác…
Bà NĂM (nheo mắt ngó con trai, giọng mắng yêu.) Mày nói sao nghe y chang cái thằng cha mày hồi còn sống à nghen ! Vợ con hổng lo, lo ba cái chuyện khác! (Gật gù.) Ừa, mà trong mấy đứa, mày coi bộ giống ổng nhứt à nghen. Ổng mà hổng đi biệt mù tăm tích lo “ba cái chuyện khác” thì lại ở nhà tối ngày vùi đầu vô ba cái đống sách. (Quay lại khán giả.) Thiệt đúng là cha nào con nấy có khác (Giọng hồi tưởng, phân bua.) Từ ngày ổng cưới tui tới khi ổng nằm xuống, coi nào, được đâu mười lăm, mười sáu năm chi đó, mà, bà con coi, chỉ có mấy năm cuối cùng bị ổng bịnh quá chừng – hổng bịnh sao đặng: lớp bị tây bỏ tù, lớp bị Việt Minh nó hành cho sất bất xang bang tưởng bị thủ tiêu mất xác trong rừng rồi ấy chớ! Ấy, bị hổng lết đi đặng tới đâu nữa, mới chịu nằm nhà để rồi vợ chồng mới có dịp gần gũi nhau và khi ổng nằm xuống tui mới có dịp chôn cất cho ổng, chớ hổng thì ổng đâu có được một nấm mồ cho đường hoàng, như thằng Tư đó, chết mất xác, mẹ, anh, vợ, con có muốn thăm nom thắp cho nén nhang trên mộ phần cũng hổng đặng. (Chép miệng.) Thiệt, chiến tranh chi mà hết đời cha đến đời con, rồi đó mà vẫn chưa chịu dứt, và hổng biết tới chừng nào mới dứt nữa?! (Im lặng, nhai trầu bỏm bẻm. Một lát.) Hồi thằng Tư mới xong cái Tú tài đôi, đòi đi sĩ quan không quân, tui nghĩ mà rầu thúi ruột luôn. Đành là tui dìa phe dí ổng, nhưng bà con thử nghĩ coi, thằng Hai theo bên kia, thằng Tư theo bên đây, hai anh em nó oánh nhau, chết mà cũng hổng nghỉ nữa, có là cái giống gì đó, chớ đâu phải giống người!
BA (chua chát.) Giống người nên mới vậy, chớ má có thấy loài vật ăn thịt đồng loại bao giờ đâu?! Như con chó nhà mình đó, má thử thẩy cho nó một khúc xương chó coi nó có thèm ăn không nào.
Bà NĂM (quay lại nhìn Ba.) Ừa, mày nói nghe cũng có lý. Tao cũng mừng là mày chọn nghề báo và hổng phải đi lính…
BA (cười.) Nhờ con có mẹ già trên sáu mươi tuổi phải phụng dưỡng và có một em trai đã tử trận, chớ nếu không thì cũng phải nhập ngũ như ai vậy. (Trở lại vẻ ưu tư.) Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà con có dịp không phải chọn phe nào cả, bởi với con, phe nào cũng không đáng cho con chọn. Phe nào thì rút cục cũng chỉ gồm một lũ lãnh đạo đi buôn bán dân tộc, mượn dân tộc như một chiêu bài để theo đuổi những tham vọng cá nhân, phi dân tộc, nếu không là đưa dân tộc đến chỗ hấp hối, hoài nghi trong tuyệt vọng như bên này, thì cũng du cả dân tộc vào vòng nô lệ cho một chủ nghĩa ngoại lai, phi nhân bản như bên kia. (Đứng bật dậy, đến trước bà Năm, giọng thành khẩn.) Thưa má, con biết tuổi con đã lớn, lẽ ra không nên để má phải ưu tư nhắc nhở hoài về chuyện vợ con của con. (Ngồi xuống trên hai gót chân bên bà Năm, nắm lấy tay bà Năm.) Tuy nhiên, xin má hiểu giùm con là con còn rất nhiều việc cần kíp hơn phải làm. Hơn thế nữa, con cũng không muốn tạo thêm lo âu, đợi chờ cho một người đàn bà khác. Má đã từng chờ đợi khắc khoải vì ba, má hiểu tình trạng đau khổ đó hơn ai hết… (Bà Năm ngạc nhiên trước thái độ bỗng trở nên quyết liệt của Ba, toan nói điều gì, bỗng có TIẾNG CÒI nổi lên, báo hiệu giờ giới nghiêm.)
Bà NĂM (hướng về phía khán giả.) Đã tới giờ giới nghiêm đó, bà con.
BA (đứng dậy, ngó đồng hồ tay, vẻ hốt hoảng.) Đã tới giờ giới nghiêm rồi sao?
Bà NĂM (nhìn Ba ngạc nhiên.) Đã tới giờ giới nghiêm thì sao? Sao ngó bộ con hốt hoảng vậy cà, Ba?
BA. Con có cái hẹn phải đi…
Bà NĂM. Hẹn chi mà hẹn đêm hẹn hôm, để mai sáng đi hổng đặng sao chớ ? Con mà ra đường bây giờ, cảnh sát bắt thì hẹn gì cũng lỡ vậy. Lóng rày tình hình khẩn trương, họ xét ngặt lắm à nghen. Để mai sáng hẵng đi, con à.
(Ba còn đang lưỡng lự chưa biết nên đi hay ở, thì có TIẾNG XE đỗ xịch phía ngoài, tiếp theo là TIẾNG CHÂN NGƯỜI nện thình thịch, gấp rút, dừng lại trước cửa.)
TIẾNG NHIỀU NGƯỜI ( lao xao ngoài cửa.) Nhà này… Phải nhà này không? 30475 đường Bàn Cờ… Đúng nhà này rồi.
Bà NĂM (bật dậy khỏi ghế rocking.) Số nhà nhà mình! (Ngó Ba lúc đó như chôn chân trên sàn nhà, mắt nhìn dán vào cánh cửa sắt.) Mà ai vậy cà ? Ai mà lại tới cả bầy cả đám làm như đi ăn cướp vậy cà? Hổng lẽ cảnh sát tới xét sổ gia đình sớm vậy sao chớ? (TIẾNG ĐẬP CỬA tới tấp. Bà Năm đi về phía cửa ra vào, hỏi vọng ra.) Ai đó? Ai mà đập cửa nhà người ta rầm rầm như quân cướp vậy? (Bác Sáu cũng vừa từ dưới nhà chạy lên.)
Cảnh 9
Bà NĂM, BA. Thêm bác SÁU

Bác SÁU. Ai mà đập cửa nhà người ta dữ vậy? (Hết ngó Ba rồi lại ngó qua bà Năm.)
Tiếng NGƯỜI lẫn với tiếng ĐẬP CỬA. Mở cửa! Mở cửa! Cảnh sát xét nhà.
Bác SÁU. Ủa, sao bữa nay họ xét sổ gia đình sớm vậy cà? Mọi lần thường là sau một, hai giờ đêm kia mà…
(Ba có vẻ bối rối hốt hoảng. Anh đi vài bước về phía cửa đi vào nhà trong, ngừng lại, nghĩ ngợi sao đó, rồi cố trấn tĩnh, hướng mắt về phía cửa ra vào, làm ra vẻ thản nhiên, chờ đợi.
Tiếng ĐẬP CỬA, gấp rút, nóng nảy. Bà Năm nhìn nhanh về phía Ba, thoáng vẻ hãi sợ, như có linh tính về một điềm bất lành, rồi lập cập tiến ra mở cửa.)
Cảnh 10
Bà NĂM, BA, và bác SÁU. Thêm VIÊN ĐẠI ÚY CẢNH SÁT, và hai nhân viên cảnh sát.

(Viên ĐẠI ÚY CẢNH SÁT có dáng người đầy đặn, mặt mũi nhẵn nhụi, bóng loáng, trong khi hai nhân viên dưới quyền của ông ta, như đa số cảnh sát viên VN, gầy gò, da sạm nắng.)
Viên ĐU/CS (với bà NĂM.) Phải bà là chủ nhà?
Bà NĂM. Phải. Thày hỏi tui có chuyện chi?
Viên ĐU/CS. Chúng tôi có lệnh xét nhà bà.
Bà NĂM. Gia đình tui làm ăn buôn bán. Tui, con trai tui (chỉ tay về phía Ba) với lại bác Sáu đây đều có tên trong sổ gia đình, cư trú hợp pháp. Để tui lấy sổ gia đình cho thầy coi… (Toan quay bước.)
Viên ĐU/CS (khoát tay.) Khỏi. Chúng tôi biết gia đình bà gồm những ai. Chúng tôi có lệnh cấp trên xét nhà bà. (Quay lại ra lệnh cho hai nhân viên Cảnh sát dưới quyền bằng cái hất hàm. Hai người này bước vào.)
BA (bước tới đứng trước mặt ba người cảnh sát.) Nếu vậy, xin Đại úy vui lòng cho xem lệnh xét nhà. Tôi là Huỳnh Văn Ba, ký giả nhật báo Chuông Sớm. (Giọng chắc nịch.) Xin Đại úy cảm phiền cho xem lệnh xét nhà?
Viên ĐU/CS (móc túi áo sơ mi ra một mảnh giấy gấp tư, đưa cho Ba, rồi quay sang hai nhân viên cảnh sát dưới quyền.) Anh em khởi sự lục soát.
Hai NHÂN VIÊN CẢNH SÁT. Xin tuân lệnh. (Hai người chia nhau ra hai ngả, một đi về phía quầy tạp hóa, một đi về phía bàn thờ, bắt đầu lục soát khá mạnh tay.)
Bác SÁU (nhìn hết Cảnh sát viên 1 lại nhìn qua CSV 2. Thấy CSV 1 tiến tới gần bàn thờ và lục soát không chút kiêng nể, bác tỏ vẻ bất bình, chạy tới bên, cằn nhằn.) Nơi thờ phụng người quá cố, có gì đâu mà lục với lại xét hổng biết nữa. (CSV 1 nhìn bác Sáu, rồi thản nhiên tiếp tục làm phận sự. Tiếng chai lọ va chạm nhau nơi quầy hàng tạp hóa khiến Bác Sáu lại tất tả chạy tới chỗ quầy hàng tạp hóa.) Toàn là hàng họ không hà, có chi đâu mà xét vậy cà?! (CSV 2 sau khi lục lọi nơi kệ hàng, quầy hàng, ngó cả dưới gầm, xong đi tới nơi mấy bao gạo, đá đá vào mấy bao gạo, nghe ngóng.) Tui đã biểu là toàn hàng họ không hà, xét chi cho mất công! Có chi cần dấu thì dễ thường người ta bày ra đó cho mà thấy đó hay sao chớ! (Vừa nói vừa xếp gọn những món đồ vừa bị CSV 2 bới tung.)
Bà NĂM (bước lại bên BA đang đọc lệnh xét nhà, hết nhìn vào tờ giấy lại nhìn viên ĐU/CS.) Thế này là nghĩa làm sao ? (Chợt để ý thấy CSV 1 xét bàn thờ xong lại bước qua bàn giấy của Ba, mở cả các ngăn kéo ra soát, lật cả tấm lịch trên tường xem xem phía sau có cất giấu gì, xong lần đi vào nhà trong. Bà Năm vội rời chỗ đứng, tất tả đi theo.) Nhà tui dân làm ăn buôn bán, có đóng thuế môn bài hẳn hòi, có làm chi quấy đâu mà mấy người khi không vô đòi xét nhà xét cửa người ta vậy chớ? (Bà Năm và CSV 1 ra khỏi.)
Cảnh 11
BA, viên ĐU/CS, Bác SÁU và CSV 2.

(CSV 2 rời quầy hàng, đi về phía bàn thờ, rồi bàn giấy của Ba, lục soát một lần nữa. Bác Sáu lẽo đẽo theo sau.)
Bác SÁU (cằn nhằn.) Tui đã biểu có gì đâu mà sao xét tới xét lui vậy hổng biết!
BA(Gấp tờ lệnh trao trả viên ĐU/CS. Người này bỏ tờ lệnh vào túi áo Ba. Ba gợi chuyện.) Tình hình liệu rồi có khá hơn không, Đại Úy ?
Viên ĐU/CS (tránh không nhìn Ba.) Xin lỗi, phần nhận định tình hình không thuộc thẩm quyền và phần vụ của tôi, xin ông ký giả thông cảm. Vả lại, ông ký giả là nhà báo, hẳn phải biết rõ thời sự hơn tôi!
BA (rút một điếu thuốc ra gắn trên môi, lấy bao thuốc ra mời viên ĐU/CS, nhưng người này khoát tay từ chối. Ba thong thả châm thuốc hút.) Nếu vậy, để tôi nói Đại Úy hay. Trong mỗi chúng ta, ngoài phần vụ công việc đòi hỏi, còn có một con người và gia đình với những người thân yêu để ưu tư lo lắng về họ, đặc biệt nỗi ưu tư dành cho thế hệ của con em chúng ta. Tình thế từ đầu cuộc chiến tới nay, chưa bao giờ trở nên nghiêm trọng như lúc này, cũng như chưa bao giờ tinh thần của quân đội và dân chúng xuống thấp như mấy tuần gần đây. Tôi không hiểu sao, chính phủ của Đại úy thay vì ngồi lại với dân chúng để tạo thông cảm và cùng lo chung việc quốc gia đại sự theo truyền thống Diên Hồng của tổ tiên ta xưa kia và cũng tìm cách để chống lại kẻ thù chung, thì ngược lại là những lục soát khủng bố tinh thần của nhau như thế này, chỉ tổ tạo thêm chia rẽ hận thù chống đối lẫn nhau. Sao đại úy không đưa mắt nhìn quanh để thấy lòng dân đối với chính quyền hiện hữu thực sự ra sao, thay vì cứ nhắm mắt làm theo lệnh trên? (Viên ĐU/CS nhìn nhanh Ba, rồi quay nhìn về hướng khác.) Đại úy cùng tuổi với tôi, và nếu trút bỏ bộ đồ đồng phục, tôi tin rằng Đại úy cũng như tôi, cũng mang nặng mối ưu tư của một thằng đàn ông Việt đã sống qua một phần tư thế kỷ đánh nhau mà vẫn chưa nhìn thấy một tia sáng nào ở cuối đường hầm hết cả …
Viên ĐU/CS (ngắt lời Ba.) Xin lỗi ông ký giả, chúng tôi đến đây để làm phận sự do cấp trên giao phó, không phải để thảo luận về tình hình. Xin ông ký giả thông cảm.
Bà NĂM (Từ trong hậu trường.) Chèn đét ơi, làm cái chi mà lục tung đồ của người ta vậy hổng biết ? Trong đó toàn là sách vở của con trai tui không hà…
BA(Cố nén sự phẫn nộ.) Chúng ta nếu cứ tiếp tục như vầy mãi thì ngư ông là tụi Cộng sẽ là kẻ cuối cùng thủ lợi. Đại úy có biết như vậy không? Và một khi họ trở thành kẻ chiến thắng, thì cả tôi lẫn Đại úy cũng sẽ khốn khổ khốn nạn như nhau. (Nhìn vẻ lạnh lùng của viên ĐU/CS, Ba khẽ lắc đầu, thở dài.) Bao nhiêu người đã bị bắt bớ giam cầm oan uổng chỉ vì họ không đành ngồi yên khoanh tay trước tình thế suy sụp một cách thê thảm như hiện nay; họ muốn làm một cái gì. Lo việc quốc gia, đâu phải độc quyền của một người hay một nhóm? Trừ phi… (Tự ngăn lại, đau đớn hiện lên nét mặt, vất điếu thuốc xuống sàn, dùng chân dập tắt, xong bước tới gần viên ĐU/CS, vẻ quyết liệt.) Đại úy, xin Đại úy nghe tôi…
Viên ĐU/CS (tránh cái nhìn của Ba.) Tôi xin lập lại là tôi không đến đây để thảo luận về tình hình chính trị. Tôi đến đây để thi hành phận sự được giao phó.
Cảnh 12
BA, Viên ĐU/CS, Bác SÁU và CSV 2. Thêm Bà NĂM và CSV 1.
(CSV 1 từ trong nhà đi ra, tay cầm mấy cuốn sách. Bà Năm tất tả ra theo.)
Bà NĂM (phân bua.) Tui đã nói là trong đó toàn sách vở không hà. Mà mấy người kiếm cái chi vậy chớ? Nhà này là nhà làm ăn buôn bán, có mần chi đâu mà bày đặt lục soát… (Khựng lại khi thấy CSV 1 tiến lại chỗ Viên ĐU/CS và chìa cho xem mấy cuốn sách đang cầm nơi tay, nói nhỏ chi đó, vẻ mặt nghiêm trọng.)
Viên ĐU/CS (cầm mấy cuốn sách lật ra xem, gật gù, vẻ hài lòng, quay qua Ba lúc đó cũng đang chú ý theo dõi hai người, với nét mặt căng thẳng.) Đây là những cuốn sách xuất bản tại Hà Nội. Ông ký giả biết đây là những thứ quốc cấm chứ?
BA (nhìn qua những cuốn sách trên tay Viên ĐU/CS.) Tôi biết. Đó là tài liệu riêng của tòa báo, tôi mượn về để tham khảo đặng viết bài…
Viên ĐU/CS (giọng lạnh như tiền.) …Nhằm phổ biến những luận điệu của kẻ thù!
BA (cười nhạt, cố nén tức giận.) Tôi là một nhà báo chống Cộng, cả nước biết điều đó. Đại úy không nên dựng đứng câu chuyện một cách vội vàng và thiển cận. Vả lại, muốn thắng Cộng sản, không phải cứ cắm đầu cắm cổ mà chống xuông theo kiểu con đà điểu. Cần phải tìm hiểu địch. Và đó là mục đích của việc tôi sử dụng những sách đó.
Viên ĐU/CS (cười gằn.) Những lý luận đó, xin ông ký giả dành để trình bày với cấp chỉ huy của tôi. Tôi chỉ là người thi hành lệnh trên. Tôi có bằng cớ hiển nhiên là ông chứa đồ quốc cấm trong nhà. Xin mời ông cảm phiền theo tôi về bót.
Bà NĂM (tất tả chạy lại đứng giữa viên ĐU/CS và Ba, một tay ôm chặt lấy cánh tay Ba, quay qua viên ĐU/CS.) Cái chi? Thầy Hai nói cái chi? Con tui làm cái chi mà thầy đòi bắt nó chớ? (Nhìn mấy cuốn sách trên tay viên ĐU/CS.) Còn như ba cái đồ này, cái chi mà quốc cấm với lại quốc kỵ? Sách vở chớ bộ súng đạn hay truyền đơn đâu mà bày đặt kêu là quốc cấm? (Toan giựt mấy cuốn sách trên tay Viên ĐU/CS, nhưng người này gạt tay Bà Năm đi.)
Viên ĐU/CS (với Ba.) Rất tiếc, tôi không thể làm khác được. Xin mời ông ký giả theo tôi về bót. (Nhìn Bà Năm, giọng đe dọa.) Và xin tránh cho chúng tôi phải sử dụng tới võ lực.
Bà NĂM (quay qua Ba, giọng cuống cuồng.) Thế này là thế nào, hả con?
BA (vỗ nhẹ lên cánh tay mẹ.) Xin má bình tĩnh…
Bà NĂM (giọng muốn khóc.) Làm sao mà bình tĩnh được, mà biểu! Nhà chỉ có mình con… (Quay qua túm lấy cánh tay viên ĐU/CS, mếu máo.) Thầy Hai thử nghĩ coi, tui già cả chỉ có mình nó… Thằng em nó đi lính chết mất xác (chỉ hình Tư trên bàn thờ) được chính phủ tuyên dương công trạng cho lên lon lận. Tui đã hy sinh cho Tổ quốc một đứa, nay còn có mình thằng Ba, thầy mà bắt nó, tui lấy ai nương tựa giờ?
Viên ĐU/CS (gỡ tay bà Năm ra, lạnh lùng.) Xin cụ thông cảm. Chúng tôi chỉ là những người thi hành luật. Con cụ chứa sách vở của Cộng sản trong nhà, và luật cấm tàng trữ mấy thứ đó bất kể vì lý do gì. Chúng tôi bắt buộc phải mời ông ấy về bót để thẩm vấn. (Quay qua hai nhân viên Cảnh sát dưới quyền, ra lệnh.) Giải ông ký giả về bót cùng với tang vật!
Bà NĂM (khóc lóc.) Xin các thầy thương tình. Tui già cả chỉ có mình nó, giờ mấy thầy bắt nó nữa, làm sao tui sống nổi đây, trời đất thiên địa ơi… (Lảo đảo, như đứng không muốn vững.)
BA (đỡ bà Năm.) Má, xin má bình tĩnh. Chắc không hề gì đâu…
Bà NĂM (vùng ôm chặt lấy cổ Ba.) Đừng, con! Đừng để người ta bắt con… (Hai nhân viên cảnh sát nhận thêm một cái lệnh nữa bằng cái hất hàm của Viên ĐU/CS, sấn lại, mỗi người kèm một bên Ba. Cả hai cùng ái ngại nhìn Bà Năm ghì chặt lấy con.) Má sẽ chết mất nếu người ta bắt con. (Kéo đầu Ba xuống ngực mình, như cố gắng che chở cho Ba, đưa mắt nhìn hai nhân viên cảnh sát, giọng kể lể, ráo hoảnh.) Mấy thầy biết hông, hồi thằng Hai đi biệt tích, rồi thằng Tư chết mất xác, tui khóc đã hết nước mắt tưởng hổng sống nổi. Nhờ thằng Ba đây mà tui còn gượng sống được. Lớn ngần này mà nó chưa lấy vợ, mấy thầy biết hông, là tại vì nó hổng muốn chia sẻ tình thương của nó dành cho tui cho một người khác. Nó là lẽ sống của đời tui. (Mếu máo.) Nay mấy thầy đòi bắt nó, làm sao tui sống?… Tui già cả rồi…
Viên ĐU/CS (quát.) Giải ông ta đi! Sao mấy người đứng ngay như phỗng đá cả lũ vậy? (Hai CSV túm lấy hai bên cánh tay Ba xốc dậy.)
BA (gỡ tay Bà Năm khỏi cổ mình, nắm lấy hai bàn tay của bà trong tay mình, cố nén cơn xúc động lẫn phẫn nộ.) Má. Má bình tĩnh nghe con nói đây. Mai sáng má lại ngay đằng tòa báo thông báo cho ông chủ nhiệm hay tin con bị bắt. Ông sẽ lo mọi chuyện cho con. Má cứ yên tâm, đừng lo nghĩ quá có hại cho sức khỏe. Ngày một ngày hai con sẽ về… (Quay qua bác Sáu nãy giờ đứng như chôn chân nơi góc nhà bên cạnh bàn viết của Ba, miệng há hốc nhìn cảnh tượng xảy ra quá bất ngờ như khiến bác tê liệt mọi phản ứng.) Bác Sáu, xin bác săn sóc má tôi giùm tôi…
Bác SÁU (như chợt tỉnh, lật đật chạy tới đỡ bà Năm đang khóc lả trên ngực Ba.) Rồi… rồi… cậu Ba cứ yên tâm… Có tui…
BA (giựt tay ra khỏi tay của hai CSV, giọng dõng dạc.) Tôi bước đi một mình được, mấy ông khỏi dẫn. Tôi không chạy đi đâu đâu mà sợ! (Xốc lại cổ áo, vươn thẳng người, bước khoan thai giữa hai CSV, khi tới gần cửa ra vào, Ba ngoái lại nhìn Bà Năm do bác Sáu dìu theo sau.) Xin má bảo trọng sức khỏe, đừng qua ưu lo. Mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó. (Mím chặt môi, quay bước ra cửa. Hai CSV đi kèm hai bên Ba. Viên ĐU/CS bước ra theo sau cùng. Cả bốn người cùng đi về phía tay mặt.)
Bà NĂM (dừng lại nơi cửa, hai tay vói theo, gào to.) Trời đất ơi, mấy người là cái giống gì vậy? Trả con tui lại cho tui… (Toan vùng ra chạy theo Ba, nhưng quá xúc động nên khuỵu xuống. Bác Sáu vực Bà Năm dậy. Bà Năm lả người trên tay Bác Sáu, khóc nức.) Trả con tui lại cho tui… Trời ơi là Trời…
Màn từ từ hạ

HỒI II
(Cửa hàng tạp hóa của bà Năm vào lúc gần ngọ. Tờ lịch trên tường phía trên bàn giấy của BA đề ngày 21 tháng 4. Chiếc máy chữ của Ba đặt ngay ngắn trên bàn. Phía dưới cửa sổ có một đống đồ đạc xếp lỏng chỏng, gồm một bộ bàn ghế sa lông chất lên nhau, vài khung ảnh úp mặt vào tường, một hai thùng đựng đồ bằng giấy cạc tông. Nơi quầy hàng tạp hóa có thêm một món đồ mới: một đống túi xách tay bằng da hoặc simili đủ kiểu bày trên kệ sát tường.)
Cảnh 1
Bác SÁU, Bà THÁI.

(Bác Sáu ngồi coi hàng, vẻ mặt buồn so. Có tiếng đập nện chát chúa sửa nhà từ phía bên trái là nhà bà Thái vọng sang. Bà Thái từ phía tay trái hậu trường, đội nón, xách giỏ thức ăn, mặc áo dài bước vào.)
Bà THÁI (bỏ giỏ xuống đất, giở nón ra quạt.) Chà, trời nóng quá. Chưa đóng cửa hàng nghỉ trưa sao bác Sáu?
Bác SÁU. Dạ, cũng sắp, cô giáo à. Sáng giờ khách ra vô tới tấp, giờ mới ngơi tay một chút đó. Cô giáo bữa nay đi chợ về trễ vậy?
Bà THÁI. Tại vì từ sáng tới giờ bận coi cho mấy người thợ sửa nhà. (Ngó về phía nhà mình.) Chắc họ cũng sắp nghỉ trưa tới nơi (Quay lại bác Sáu.) Bác dành cho tôi một bao gạo nhé. Thấy người ta trữ thực phẩm quá, cũng thấy nao nao. Thôi thì bê đại một bao gạo với hũ nước mắm, vài ký cá khô, cho nó chắc ăn, ngộ nhỡ có gì xảy ra… (Tiếng đập nện chợt ngừng. Bà Thái ngó về phía nhà mình.) Chắc mấy người thợ đã nghỉ trưa. (Quay lại ngó đồng hồ bên dưới cửa sổ, nói với bác Sáu.) Bà Năm có phàn nàn gì về mấy món đồ đạc tôi gởi bên đây không, bác Sáu?
Bác SÁU (lắc đầu, buồn bã.) Bả lóng rày đâu để ý đến chuyện gì nữa đâu mà cô giáo sợ bả phiền.
Bà THÁI (chép miệng.) Tội nghiệp bà cụ. Thế vẫn chưa nghe tin tức gì về cậu Ba hết cả sao?
Bác SÁU (lắc đầu.) Coi nào, tui nhớ bữa cận Ba bị bắt là bữa mùng hai tháng tư, bữa nay là ngày 21, tính ra vừa đúng ba tuần. (Lại lắc đầu.) Thiệt tui rầu muốn chết vậy đó, cô giáo. Mấy bữa đầu sau hôm cậu Ba bị bắt, tui cũng đi với bả tới nơi này nơi khác, mấy chỗ bạn bè quen biết của cậu Ba rồi lên bót xuống quận không biết bao nhiêu bận, dò la tin tức, nghe ngóng này khác, mà rút cục chẳng có kết quả gì hết trọi trơn. Mấy lớp rày tui phải ở nhà coi cửa hàng, chớ cô giáo nghĩ coi, đóng cửa hàng mãi rồi lấy gì mà sống, nhất là giờ cậu Ba đã bị bắt, hổng biết tới chừng nào mới đặng ra. (Một lát.) Bà tui lớp này như người ở tận đâu đâu ấy, cô giáo à. Sáng nào cũng như sáng nào, bả thức dậy, tui ép lắm thì ăn được chút đồ lót lòng, rồi là bả đi biền biệt, khi thì lên chùa cầu nguyện, lúc đi coi thầy bói, thầy tướng. Hễ bả nghe ở đâu có thầy bói thầy số hay là cậy cục đi coi cho đặng, bất kể tốn kém vậy đó.
Bà THÁI (thở dài.) Nghĩ cũng tội nghiệp bà già. (Một lát, đổi đề tài.) Này bác Sáu nghĩ tôi có điên không, khi không đi sửa nhà lúc này, trong lúc người ta lớp thì lo Sài Gòn bị Việt Cộng pháo kích, tấn công, lớp lo tìm đường ra khỏi nước. Ai thấy tôi kêu thợ tới sửa nhà cũng bảo tôi điên. Nhưng mà bác Sáu nghĩ coi, cái nhà thì cũ quá, mái giột tùm lum, mùa mưa lại sắp tới, không sửa, làm sao ở? Hơn thế nữa, tiền hai vợ chồng đi làm dành dụm được bấy lâu, không mang ra sửa nhà, lỡ “tụi họ” vào vô sản hóa cả lũ thì cũng chẳng được tiêu nào, vậy thì cất giữ lúc này thì ích gì, bác Sáu nghĩ coi có phải không chứ?
Bác SÁU (gật gù.) Cô giáo nói vậy cũng phải. Vả lại, tui thấy cô giáo sửa nhà để có chuyện lo, chẳng hơn là cứ lo ba cái chuyện tình hình thời sự, mà mình thì làm được cái gì đó mà lo?
Bà THÁI (xách giỏ lên.) Bác Sáu nói thì tôi cũng thấy vững dạ phần nào. Mà bác Sáu nói có lý à nghe. Lo vụ sửa nhà sửa cửa, tôi cũng bớt đi được phần nào nỗi bồn chồn đứng ngồi không yên, nhất là từ sau khi Nha Trang rồi Phan Rang, Phan Thiết mất, rồi chiến cuộc bùng nổ ở Long Khánh, cách Sài Gòn có bảy mươi cây số! (Vẻ ưu lo.) Thiệt, không biết rồi còn những gì xảy ra nữa đây?!? (Đội nón lên đầu.) Thôi tôi về lo cơm nước kẻo trễ nghe bác Sáu. (Đi ra.)
Bác SÁU. Dạ, cô giáo dìa.
Cảnh 2
Bác SÁU. Thêm MAI.

(Mai bước vào từ phía tay mặt. Mai là một thiếu phụ khoảng 30, phục sức áo dài màu đậm, tóc chải sơ sài, vẻ tất tả, bồn chồn, vai đeo bóp. Mai có thể nói giọng Nam hay Bắc tùy ý.)
MAI. Mạnh giỏi, bác Sáu?
Bác SÁU (mừng rỡ.) Kìa, cô Tư. (Ủ rũ trở lại.) Dà, mạnh thì có mạnh mà hổng giỏi. Rầu quá mà, cô Tư, giỏi sao đặng! Sao cô Tư hổng cho hai em lại chơi?
MAI. Tôi bận chạy lo nhiều công chuyện, luôn thể tạt qua đây nên không mang tụi nó theo được. (Bỏ bóp lên bàn tròn, lấy vạt áo quạt quạt trước mặt, nhìn quanh nhà.) Má tôi đâu rồi, bác Sáu?
Bác SÁU (thở dài.) Bả đi từ sớm đã về đâu!
MAI (vẻ thất vọng.) Má tôi đi đâu, bác Sáu biết không?
Bác SÁU. Bả nói bả đi nhờ cái cô gì đó ở chợ An Đông gọi hồn ông Năm với lại cậu Tư về để hỏi xem liệu rồi cậu Ba có bằng an trở về với bả hông.
MAI. Má tôi… quẫn rồi chắc?
Bác SÁU (rầu rĩ.) Hổng quẫn thì cũng gần sắp, tui e vậy. (Một lát.) Cô Tư nên cho hai em Tuấn, Tú lại đây ở chơi với bả ít bữa, may ra có mấy em, bả nguôi đi được phần nào chăng? Chớ mà cứ như vầy hoài, tui e bả bịnh rồi chết mất lúc nào hổng hay. (Thấy Mai lặng thinh, bèn tiếp.) Tối nào cũng vậy, bả đi chán rồi về ngồi nơi ghế kia, cái ghế rốc kinh rốc keo gì đó, cậu Tư mua làm quà cho bả hồi cẩu đi Mỹ tu nghiệp dìa đó, ngồi cả giờ đồng hồ luôn, chẳng nói chẳng rằng gì hết trọi trơn vậy đó. Tui sợ bả điên mất. Ăn uống thì thất thường, mấy bữa rày bả lại húng hắng ho, thiệt, tui lo cho sức khỏe của bả quá đi, cô Tư à. Hồi cậu Tư mất, bả buồn sinh bệnh tới cả năm mới hết, đấy là nhờ cậu Ba nên mới được như vậy. Chớ mà lần này… Sao tui có linh cảm sao đó kỳ quá, cô Tư à…
MAI. Cả Bác nữa, bác cũng đừng nên nghĩ ngợi nhiều quá rồi sinh bệnh ra thì khổ, lấy ai coi sóc cho má tôi lẫn bác nữa. (Đi lại bên bàn thờ, lấy một cây nhang trong gói nhang trên bàn thờ, thắp, khấn nhỏ, xong lạy ba lạy rồi cắm vào bát nhang. Chợt để ý đến đống đồ bên dưới cửa sổ.) Đồ đạc của ai vậy bác Sáu?
Bác SÁU. Đồ của cô giáo Thái bên hàng xóm. Cổ sửa nhà nên mang qua gởi ít bữa.
MAI (ngó qua cửa sổ về hướng nhà bà Thái.) Cái nhà cô giáo đó khùng chắc? Người ta đang lo chạy giặc chưa xong, lại lo đi sửa nhà…
Cảnh 3
Bác SÁU, MAI. Thêm một KHÁCH HÀNG.

(Một KHÁCH HÀNG có dáng sinh viên bước vào.)
Bác SÁU. Cậu Hai cần chi?
KHÁCH HÀNG (ngó lên những chiếc túi xách tay trên kệ.) Tôi cần một cái túi xách.
Bác SÁU. Tui bán đủ kiểu. Cậu Hai ưng cái nào để tui lấy xuống?
KHÁCH HÀNG (ngó tới ngó lui.) Bác lấy cho tôi cái kia… Không, cái bên cạnh, bên tay mặt… Đúng rồi. (Bác Sáu lấy túi xách xuống đặt trên quầy hàng.)
KHÁCH HÀNG (mở ra, xem xét bên trong, rồi cầm túi lên ngắm nghía, gật gù.) Nhiêu đó bác?
Bác SÁU. Một ngàn đồng.
KHÁCH HÀNG. Năm trăm được không?
Bác SÁU (vẻ bất bình.) Tui bán đúng giá, hổng nói thách như ở ngoài chợ. Cậu ưng thì lấy, hổng ưng thì thôi.
KHÁCH HÀNG. Thôi được, tôi lấy cái này. Bác có thuốc đánh răng, xà bông, khăn mặt gì không?
Bác SÁU. Có thứ gì mà tui hổng bán, từ thực phẩm cho tới các dụng cụ văn phòng, đồ dùng cá nhân, kể cả tem quốc nội quốc ngoại, hổng thiếu thứ gì hết trơn. (Vừa nói vừa lấy mấy món kháxh hàng hỏi mua bỏ lên mặt quầy.)
KHÁCH HÀNG (ngó xuống quầy.) Bác có bán cả tem nữa à?
Bác SÁU (vẻ hãnh diện.) Đã biểu là ở đây tui có đủ hết mọi mặt hàng mà lại. Cậu cần tem ngoại quốc hay tem Việt Nam? Tui có nguyên bộ tem Việt Nam từ hồi còn Vua Bảo Đại. Cậu Hai sưu tầm tem?
KHÁCH HÀNG (lắc đầu, cười.) Không. Nhưng tôi có vài chục ngàn, không biết để làm gì, đổi ra tiền đô la chẳng được bao nhiêu, không bõ công, mà cũng chẳng kiếm được mối đâu ra mà đổi. (Ngẫm nghĩ.) Bao nhiêu tiền một bộ tem Việt Nam?
Bác SÁU. Nguyên bộ năm mươi lăm ngàn. (Lấy dưới quầy ra một cuốn album tem.)
KHÁCH HÀNG (lật ra xem, gật gù.) Không đủ lắm, nhưng cũng tạm coi là biểu tượng của một giai đoạn lịch sử từ Bảo Đại qua tới Ngô Đình Diệm và gần đây… Thôi được, bác để tôi bộ này. (Gấp cuốn album tem lại, giọng ngậm ngùi.) Ít ra còn giữ lại được chút kỷ vật… (Móc bóp.) Bác tính tiền cả thảy giùm.
Bác SÁU (vừa gói hàng vừa gợi chuyện.) Cậu Hai tính di tản ra nước ngoài hả? (Mai chăm chú theo dõi câu chuyện.)
KHÁCH HÀNG. Tôi là sinh viên từ Đà Nẵng vào đây trọ học. Gia đình thầy mẹ và các em tôi đều bị kẹt lại ở ngoài đó vì không tìm ra cách nào di tản vào Sài Gòn được. (Ngậm ngùi.) Trong lúc tôi đang loay hoay tìm cách về lại ngoài đó thì gặp một người bà con trốn được vào Sài Gòn, đem theo được một mảnh giấy do thầy tôi viết, khuyên tôi nên tìm cách đi ra nước ngoài để có thể tiếp tục việc học. Thầy tôi nói, dù đất nước sắp thống nhất, song không có nghĩa là hòa bình, hết chiến tranh. Thầy tôi không giải thích vì sao. Có lẽ vì sợ người mang thư khó đi lọt, có thể bị bắt lại. Một người bạn gia đình có tàu hàng đang chuẩn bị di tản ra nước ngoài có nhã ý dành cho tôi một chỗ. Tôi quyết định ra đi, dù trong thâm tâm tôi không nỡ, nhưng tôi không còn chọn lựa nào khác. (Một lát) Thôi, bác tính tiền giùm.
Bác SÁU (tính nhẩm một hồi.) Hết tất cả năm mươi tám ngàn đồng.
(Khách hàng trả tiền, bỏ tất cả đồ mua vào bên trong túi xách, đi ra.)
Cảnh 4
Bác SÁU, MAI

MAI (vẻ sốt ruột, ngóng ra đường.) Má tôi đi mà không nói với bác chừng nào sẽ về sao?
Bác SÁU (đang đếm lại mớ tiền, chưa hết hân hoan về món tiền vừa thu được, thì chợt như bị kéo về với thực tại, nét mặt lại rầu rầu.) Có bữa bả đi tới tận tối mịt mới về vậy đó, hổng có giờ giấc gì hết trọi trơn.
MAI. Bữa nay về thấy bác bán được trúng mối, chắc má tôi mừng lắm, hy vọng má tôi cũng đỡ buồn phần nào.
Bác SÁU. Cô Tư hổng biết, chớ từ bữa cậu Ba bị bắt tới nay, bả có thiết gì tới hàng họ nữa đâu mà biểu mừng với lại chả vui… (Như chợt nhớ ra điều gì.) Nói vậy mới sực nhớ ra… Cô Tư có bận đi đâu gấp không?
MAI. Bận thì bận nhiều lắm. Tuy nhiên, tôi có ý chờ má tôi về để thưa một chuyện, nên đành dẹp tất cả mọi thứ khác lại. Bác cần chi?
Bác SÁU. Vậy cô Tư cảm phiền ở chơi coi nhà giùm tui, tui phải chạy đi cất ít hàng về bán. Tui đóng cửa hàng thì được, nhưng tui sợ bả dìa hổng có ai ở nhà hết trơn, coi bộ hổng xong.
MAI. Được mà, bác Sáu cứ đi đi. Tôi coi hàng cho, luôn thể chờ má tôi về. Bề nào tôi cũng phải chờ má tôi về.
Bác SÁU(Gói tất cả tiền vào chiếc khăn tay rồi nhét vào bên trong ngực áo may ô. Thấy Mai ngó, bác cười chất phác, giải thích.) Cất tiền vầy mới chắc ăn. Chợ búa đông người ta chen lấn, để tiền như vầy, trừ phi gặp ăn cướp có dao nó đè mình ra nó móc thì chịu, chớ ba cái thứ trộm móc túi, khỏi lo chúng giựt! (Vỗ vỗ vào mớ tiền trong ngực, lấy chiếc nón dưới quầy đội lên đầu, tất tả đi ra cửa.) Thôi, cô Tư ở nhà, tui đi độ vài giờ sẽ dìa. Bà có dìa, cô Tư nói giùm là tui đi cất hàng. Tui có nấu sẵn cơm, cô Tư coi cho bà ăn giùm tui, tui cám ơn.
MAI. Người ăn người làm được như bác thiệt hiếm có, bác Sáu.
Bác SÁU. Cô Tư quá khen. Tui sống với gia đình ông bà Năm từ ngày mấy cậu còn nhỏ, riết cũng như gia đình mình rồi chẳng nghĩ tới đi đâu khác nữa… Thôi, tôi đi nghe cô Tư.
MAI (bước ra sau quầy ngồi lên chiếc ghế đẩu.) Bác Sáu cứ đi. Mọi chuyện ở nhà đã có tôi. (Bác Sáu ra khỏi, đi về phía tay mặt.)
Cảnh 5
MAI. Thêm Bà NĂM.

(Có tiếng bà Năm ho khù khụ, rồi bà Năm đi vào từ phía tay trái, dáng người phờ phạc, tiều tụy, mồ hôi nhễ nhãi, bước vào chậm chạp, như hết muốn đứng nổi trên hai chân. Mai rời khỏi ghế đẩu sau quầy hàng, chạy ra đón.)
MAI. Thưa má, má mới về?
Bà NĂM (ngó lên, nhận ra Mai.) Vợ thằng Tư đấy ư? (Ngó quanh.) Bác Sáu đâu rồi? (Ho.)
MAI (đỡ bà Năm vào nhà, dìu bà tới nơi chiếc ghế rocking và đỡ bà ngồi xuống, chạy về lối cửa đi vào nhà trong toan thò tay vặn quạt.) Trời nóng quá, để con vặn quạt lên cho má…
Bà NĂM (khoát tay.) Quạt hư từ cả tháng nay rồi, con. Chờ ít bữa nữa thằng Tư về sẽ sửa. (Mai khựng lại, vẻ ngạc nhiên không hiểu. Nàng đi trở lại chỗ bà Năm, ngó bà Năm bằng đôi mắt mở to, bà Năm vẫn thản nhiên.) Ừa, tao biểu là chờ ít bữa nữa thằng Tư về nó sửa. Nhà chỉ có mình nó ưa máy móc, hay táy máy sửa chữa cái này cái khác. (Ngã lưng ra ghế, đung đưa, mắt lim dim.) Ừa, trong mấy đứa chỉ có mình nó ưa máy móc và sửa chữa đặng bất cứ thứ gì…
MAI (đi vòng ra phía trước bà Năm, ngó bà Năm sững sờ.) Má, má… có sao không?
Bà NĂM (mở mắt ra nhìn Mai, rồi lại nhắm mắt lại, xua tay.) Tao khỏe mà, hổng có sao hết. (Một lát.) Ổng dìa, ổng biểu tao vậy. Ít bữa nữa, tất cả tụi nó ba đứa sẽ về. Ổng nói có vậy, rồi ổng đi. Tao hổng kịp hỏi thêm gì khác.
MAI (ngạc nhiên.) Má, má nói ai vậy? Ai là ổng?
Bà NĂM (mở mắt nhìn Mai, trách móc.) Ba thằng Tư, chớ còn ai vô đây nữa mà hỏi. Cái con này, thiệt!
MAI (quỳ xuống bên bà Năm, một tay đặt trên tay bà Năm trên tựa ghế, lay nhẹ.) Má, má nói cái gì mà nghe lạ vậy? (Giật mình đưa tay sờ trán bà Năm, hốt hoảng.) Chết chửa, má đang sốt nặng! Ho rồi lại sốt nữa, khéo không bệnh phổi lại trở lại thì nguy… Để con đưa má đi bác sĩ. Rõ là khổ! Đúng là họa vô đơn chí!
Bà NĂM (gạt tay Mai ra.) Tao có đau ốm gì đâu. Tao không cần bác sĩ. Để tao yên, mậy! (Tiếp tục đong đưa ghế rocking.) Tao chỉ bị mệt chút đỉnh. Rồi đâu lại vô đó. Tao sẽ ngồi đây chờ tới khi tụi nó về cả ba thằng. Ổng cam đoan với tao là tất cả tụi nó ba đứa sẽ về…
MAI (khẩn khoản.) Má, con xin má. Nếu má không chịu đi bác sĩ thì để con chạy đi mời bác sĩ về trông nom cho má vậy… Má ráng nằm nghỉ đừng nghĩ nhảm. Khổ quá… Sao má tin chi ba cái thứ đồng cốt đó làm gì không biết nữa.
Bà NĂM. Mày đừng có nói bậy, ổng giận à nghe. Ổng dìa rõ ràng, tao nghe tiếng ổng rõ ràng. Ổng biểu thằng Hai thằng Ba, cả thằng Tư sẽ về…
MAI (thổn thức.) Anh Tư con đã chết từ năm năm nay, nếu không đã về đợt trao trả tù binh hồi ngưng bắn năm 73 rồi. (Đứng lên.) Để con chạy đi mời bác sĩ.
Bà NĂM (gắt.) Tao đã nói là tao hổng có sao hết. Mày mà kêu bác sĩ lại, tao giận cho mà coi. Tao biểu thiệt đó. Mày chạy đi lấy cho má ly nước trà coi. Má khát quá hà. (Mai đi lại bàn tròn rót một ly nước trà đem lại cho bà Năm. Bà Năm uống một ngụm dài, trao trả ly cho Mai.) Hai đứa cháu nội của tao đâu? Sao mày không dẫn chúng lại cho chúng nghe tin vui là ba chúng sắp về, cả cậu Hai với cậu Ba của chúng cũng sắp về… (Vẻ mơ màng. Chợt nhớ ra điều gì.) Mày chạy ra đóng cửa hàng lại cho má cái coi. Má không muốn ai làm rầy lúc này hết.
MAI(Mai làm theo lời bà Năm. Bồn chồn trở lại kéo một chiếc ghế ngồi xuống đối diện với bà Năm.) Thưa má, xin má bình tỉnh nghe con trình bày với má một việc. Con cần phải thưa gấp với má chuyện này.
Bà NĂM. Chuyện gì, nói đi, má nghe. Nếu mày đã lỡ đính hôn với ai để sửa soạn bước đi bước nữa, má không trách. Thằng Tư dìa, má sẽ kiếm cho nó con vợ khác vậy…
MAI (đau đớn.) Thưa má, không phải chuyện đó. Mặc dù anh Tư con đã khuất núi từ năm năm nay, nhưng vì các cháu và vì lòng con vẫn tưởng nhớ tới ảnh, nên con chưa hề nghĩ tới việc bước đi bước nữa… Chuyện con sắp thưa với má, với con, còn quan trọng hơn cả việc cá nhân của con. Nó liên hệ tới tương lai của các cháu Tuấn và Tú. (Lưỡng lự.) Thưa má, tình hình ngày một trở nên nguy ngập, coi mòi không còn có thể cứu vãn được nữa. Vấn đề Cộng sản sẽ chiếm miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, mặc dù (xót xa) con vẫn không tin rằng quân đội mình lại có thể bị bại trận một cách vô lý và nhục nhã như vậy. Có cái gì bí ẩn đàng sau sự đột nhiên tan rã này!… Con… (ngập ngừng) … dầu sao con cũng phải tính khi còn có thể tính được. (Hướng về phía khán giả ưu tư hằn trên nét mặt.) Từ nhiều đêm nay con không ngủ được, cũng chỉ vì băn khoăn không biết nên đưa các cháu đi hay là thế nào. Thú thực với má, cá nhân con, con chẳng nghĩ tới chuyện di tản ra nước ngoài làm gì. Con sống sao cũng được. Nhưng còn các cháu (Đứng lên đi đi lại lại, bứt rứt.) … Nếu con ở lại, con biết người Cộng sản chắc chắn sẽ không quên các cháu Tuấn, Tú là con của một sĩ quan Cộng hòa và như thế, tương lai của chúng chắc chắn thế nào cũng chịu ảnh hưởng. Con cũng không đành tâm nhìn các cháu lớn lên trong xã hội cộng sản, nơi đó trẻ con bị nhồi sọ tuyên truyền chính trị từ tấm bé. Con muốn các con của con lớn lên và được quyền phát triển đầy đủ năng khiếu và cảm nghĩ của chúng, được sống và suy nghĩ như một con người thực sự thay vì là những người máy rô bô. Con không thể nói chắc chắn cái gì sẽ xảy ra cho miền Nam nếu một khi bọn họ chiếm được miền Nam; nhưng con linh cảm sẽ có một thay đổi lớn lao và chắc chắn là còn nhiều biến động, nhiều xáo trộn. Con không muốn, do một quyết định có tính cách tình cảm của con trong hiện tại, để rồi sẽ phải ân hận khi nhìn thấy các cháu bị lôi cuốn vào một chuỗi những viễn ảnh đen tối đó. (Ngừng lại, cương quyết.) Con phải đưa các cháu đi. (Trở lại bên bà Năm, quỳ xuống chân bà, đầu gục xuống ngực.) Con đến đây hôm nay là để xin phép má đưa các cháu đi… Con xin tạ lỗi với má về tội đưa hai đứa cháu nội duy nhất của má đi… (Chờ đợi. Thấy bà Năm im lặng, ngó lên. Bà Năm lả đầu trên ghế, mắt nhắm nghiền. Hốt hoảng, Mai cầm tay bà Năm lên nghe mạch. Nàng có vẻ yên tâm.) Mạch vẫn còn nhảy, nhưng người má tôi nóng như cái lò than, phải kêu xe đưa bả tới ngay nhà thương mới được! (Mai đứng dậy, băn khoăn, chưa biết phải làm gì thì có tiếng gõ cửa. Mai chạy ra mở cửa. Bác Sáu ào vào như một cơn gió lốc.)
Cảnh 6
Bà NĂM, MAI. Thêm Bác SÁU.

(Bác Sáu bước vào nhà, mặt hơ hải, tay không.)
MAI (ngạc nhiên.) Có chuyện gì vậy, bác Sáu? Bác bị cướp lột hết tiền rồi chắc?
Bác SÁU (thở dồn dập.) Đâu có. (Tay vỗ vỗ lên ngực.) Tiền vẫn còn đây nè… Số là tui ra đến chợ, nghe người ta đồn với nhau là ông Tổng thống Thiệu sắp đọc diễn văn từ chức, nên bỏ cả mua bán, chạy về đây báo tin… (Chợt nhận ra bà Năm nơi ghế rocking.) À, bà đã về… (Chạy lại bên bà Năm, vui mừng.) Bà ơi, ông tổng thống sắp từ chức. Vậy là cậu Ba sắp được thả… (Khựng lại khi thấy bà Năm đang thiêm thiếp trên ghế.) Ủa, bà đang ngủ… (Quay lại Mai, vui mừng.) Bà biết tin này chắc mừng lắm. (Nhận ra vẻ căng thẳng nơi Mai.) Có… có chuyện chi vậy, cô Tư? (Nhìn lại bà Năm.) Bà… bà hổng mần sao hết chớ, cô Tư?
MAI (lắc đầu.) Má tôi chỉ bị sốt nặng. Má tôi không sao hết, nhưng… má tôi cũng không còn sống cái thế giới nhiều chuyện mà chúng ta đang sống nữa…
Bác SÁU (bứt đầu bứt tai.) Cô Tư nói thế… nghĩa là làm sao?
MAI. Tôi e má tôi mất trí rồi. Nãy giờ bả nói toàn chuyện, những là anh Hai, anh Ba với cả anh Tư tôi sắp về với bả. Má tôi nói là ba tôi biểu vậy.
Bác SÁU (chạy lại sờ trán bà Năm.) Chèng đéc ơi, đầu bà nóng như cái hỏa lò! (Quỳ xuống bên bà Năm, lay nhẹ.) Bà ơi, bà tỉnh lại đi. Ông tổng thống sắp từ chức, người khác sẽ lên thay, như vậy cậu Ba sẽ có hy vọng được thả về với bà với tui. Bà ơi, bà tỉnh lại đi… (Toan đứng dậy, vẻ cuống cuồng.) Bà hổng tin để tui chạy đi lấy cái ra dô vặn bà nghe ông tổng thống đang đọc diễn văn từ chức…
MAI (bước tới, đặt một tay lên vai bác Sáu.) Bác Sáu, để bà nghỉ. Tôi chạy đi kiếm bác sĩ. Bác ở đây coi chừng cho bả. (Bác Sáu gật. Mai xách bóp đi ra. Trước khi ra khỏi, còn ngoái lại dặn.) Tôi sẽ trở lại liền. (Ra khỏi.)
Cảnh 7
Bà NĂM, Bác SÁU.

(Bà Năm cựa mình, mở hé mắt. Bác Sáu vui mừng quỳ xuống bên cạnh.)
Bác SÁU (vui mừng.) Kìa, bà đã tỉnh. Tui biết bà sẽ hết bịnh nếu biết cậu Ba sắp được thả. (Kể lể.) Bà ơi, tui vừa nghe người ta nói với nhau ngoài chợ là ông tổng thống sẽ từ chức trong ngày hôm nay. Bà nhớ lời ông chủ nhiệm đàng tòa báo chỗ cậu Năm mần hông? Ổng nói là cậu Ba chỉ có hy vọng được thả nếu ông tổng thống từ chức và người khác lên thay. Bà còn nhớ hông?
Bà NĂM (nhìn bác Sáu, nói như nói một mình.) Thằng Ba sắp về… Ổng nói đúng y chang. Thằng Ba sắp về… Ổng biểu cả thằng Hai với thằng Tư cũng sẽ về… (Gượng đứng dậy, nhưng quá yếu nên lại té ngồi xuống ghế lại. Đưa tay cho bác Sáu.) Bác Sáu…
Bác SÁU (đỡ bà Năm dậy.) Dạ, có tui đây. Bà muốn sai bảo tui điều chi?
Bà NĂM (rời khỏi tay bác Sáu, bước ra giữa sân khấu, vuốt lại mái tóc, ngó quanh.) Bác Sáu à, mình phải lo dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, tươm tất… Đừng để nhà cửa luộm thuộm coi hổng đặng nghe bác Sáu… (Ho)
Bác SÁU (chạy lại đỡ bà Năm.) Bà ơi, bà ngồi nghỉ đi, tui van bà. Cô Tư vừa chạy đi kêu bác sĩ về chữa cho bà lành bệnh.
Bà NĂM (khoát tay, nói như người trong mơ.) Tui có đau ốm chi đâu mà kêu bác sĩ cho tốn kém. Tụi nó về là mọi chuyện sẽ đâu vào đó mà… (Quay qua bác Sáu, vẻ không bằng lòng.) Sao bác còn đứng đó mần chi vậy? Tui biểu bác lo lau chùi nhà cửa, bác có nghe hông?
Bác SÁU (mếu máo.) Dạ… dạ… tui sẽ làm tức thì…
Bà NĂM(Hai tay mở rộng, hướng mặt về phía khán giả, giọng hân hoan một cách khác thường với nụ cười ngơ ngẩn trên môi) Các con tôi sắp về…
Màn từ từ hạ

HỒI III
(Màn mở ra là một sân khấu tối om. Hoàn toàn im lặng trong ít phút. Âm thanh của một tiếng ríu vút trong không gian của một trái hỏa tiễn được phóng từ đâu đó ở bìa thành phố từ xa tới gần, tiếp liền theo là một tiếng ầm rung chuyển cả không gian và cảnh vật. Tiếng trẻ con giật mình khóc thét, tiếng chó sủa, tiếng người la hét. Lại một tiếng ríu vút khác và tiếp theo là tiếng nổ ầm vang, lần này nghe gần hơn. Có tiếng đồ rơi vỡ loảng xoảng xen lẫn tiếng trẻ con khóc, tiếng người la, tiếng chân chạy hỗn loạn, tiếng người gọi nhau ơi ới. “Pháo kích! Chết bà con ơi! Sài Gòn bị pháo kích!” Những tiếng động hổn độn đó nhỏ dần, rồi tắt.)
Cảnh 1
Bà NĂM

(Bà Năm bước ra sân khấu trong bóng tối, trong bộ đồ bà ba màu trắng. Bà quờ quạng đi lại chỗ bàn giấy của Ba loay hoay vặn đèn nhưng đèn không bật.)
Bà NĂM (gọi lớn.) Bác Sáu, Bác Sáu! (Một lát vẫn chưa nghe tiếng đáp của bác Sáu, lại gọi.) Bác Sáu, bộ chết rồi hả?
Bác SÁU (từ trong hậu trường, giọng run lập cập.) Dạ… có… có… tui… đây…. Thì thủng thẳng… cho tui bận đồ vào cái đã… Chưa chết mà đièu hồn vía lên mây hết rồi bà ơi…
Bà NĂM. Bác thắp giùm cho cây đèn dầu cái coi. Điện bị hư rồi. (Một lát.) Tui nghe có tiếng đổ vỡ tùm lum. Khéo không mấy hũ nước mắm đổ bể hết thì chết… Nhà cửa sẽ cứ hôi rình lên cho mà coi. Thằng Hai, thằng Ba với thằng Tư hổng thích vậy đâu. (Đi ra phía cửa dẫn vào nhà trong.) Bác Sáu, bác làm cái gì ở trỏng mà lâu dữ thần vậy? Đem giùm cây đèn dầu ra đây cái coi nào! (Tiến về phía quầy hàng.) Rồi xem xem thế nào mà lo dọn dẹp những mảnh vỡ mau mau, lỡ các con tui về bây giờ, thấy nhà cửa lộn xộn bê bối chúng lại bỏ đi cho mà coi à.
Cảnh 2
Bà NĂM. Thêm Bác SÁU.

(Bác Sáu, một tay cầm cây đèn dầu, lẩy bẩy bước ra sân khấu, mặt thất sắc, vừa đi vừa cài mãi không xong mấy cái khuy áo sơ mi với mấy ngón tay run rẩy. Sân khấu sáng dần theo bước chân của bác Sáu, cho thấy đống đồ của bà Thái đã được đem đi, đồ đạc xô lệch, một cái ghế bị ngã xuống sàn nhà, tấm lịch tuột xuống mặt bàn của Ba, tấm hình của Tư trên bàn thờ đổ úp mặt xuống bàn thờ, một chân nến rớt xuống sàn nhà.)
Bác SÁU (giọng lạc hẳn đi.) Tụi nó… tuị nó… bắt đầu pháo… áo…. kích bà ơi….
Bà NĂM (thấy bác Sáu run rẩy với cây đèn dầu, đi lại đón lấy cây đèn đem đặt trên bàn tròn giữa phòng khách. Sân khấu sáng hẳn. Bà Năm hai tay chấp trước ngực, mặt hướng ra cửa ra vào, giọng hân hoan, một hình ảnh trái ngược với khung cảnh xộc lệch và vẻ mặt thất sắc của bác Sáu.) Như vậy chắc thằng Hai ở quanh quẩn đâu đây… Đã hai mươi năm có hơn rồi còn gì… (Quay sang bác Sáu, mỉm cười xa vắng.) Bác thử đoán xem thằng nào sẽ về trước? Thằng Hai, thằng Ba hay thằng Tư?
Bác SÁU (dơ hai tay lên trời rồi buông thòng xuống, vẻ chán ngán lẫn khổ sở.) Bà ơi, tui van bà đó, bà tỉnh lại cho tui nhờ cái coi! Pháo kích làm tui sợ thấy mẹ ông nội tui ấy chớ, trong khi bà ở đó mà reo vui! (Gãi cổ gãi tai, quay về phía khán giả, phân bua.) Đang nằm ngủ, nghe hai tiếng cái rầm, hồn phách thất lạc đâu đâu, giờ còn chưa hoàn hồn. (Khoát cánh tay run lẩy bẩy.) Thôi, thôi, ai đi ai dìa mặc ai, chớ mà rồi lại giống như hồi tháng Năm sau Tết Mậu Thân ăn pháo ngày đêm thì tui chắc chết vì sợ chớ hổng đợi tới lúc ăn pháo à nghen. (Run rẩy đi lại bàn, dựng chiếc ghế đổ lên, ngồi xuống ghế, hai đầu gối lập cập va vào nhau, bác Sáu phải dùng hai tay giữ chúng lại.) Tui đứng hết muốn nổi rồi… (Tiếp tục phân bua.) Tưởng ông tổng thống xuống, người khác lên thay thì cậu Ba được thả dìa, có cậu Ba thì bả tỉnh lại, cũng đỡ khổ cho tui. (Thở dài rầu rĩ.) Ai dè người ta còn giữ riết cẩu mần chi hổng biết nữa, làm tui cũng muốn phát khùng luôn theo với bả đây nè. Bây giờ lại còn ba cái vụ pháo kích này nữa chớ mới chết mồ tui. Chắc số tui cũng sắp tàn tới nơi rồi đa…
Bà NĂM (đang lúi húi ở quầy hàng, nhổm lên, thấy bác Sáu còn ngồi đó, lộ vẻ không bằng lòng.) Bác Sáu, sao bác còn ngồi đó chi vậy? Bắt tay vào dọn dẹp đi chớ. (Cúi xuống ngó dưới quầy.) May quá, mấy hũ nước mắm còn nguyên… Có mấy chồng bát kiểu đó, bể mất mấy chiếc… Với lại mấy cái ly… (Đứng lên, thấy bác Sáu còn ngồi yên nơi ghế.) Bác Sáu, bộ bác hổng nghe tui nói chi hết sao chớ? (Sẵng giọng.) Bác mần sao vậy? Bộ điếc hả?
Bác SÁU (ngó xéo bà Năm.) Tiếng pháo kích làm tui cũng muốn điếc tới nơi rồi, bà ơi. Để thủng thẳng tui hoàn hồn rồi tui dọn. Làm cái chi mà gấp dữ vậy hổng biết?
Bà NĂM (rời quầy hàng.) Bộ bác quên là tụi nó có thể về bất cứ lúc nào sao chớ? Tui hổng muốn tụi nó về thấy nhà cửa bê bối. (Đi lại lượm cuốn lịch rớt trên bàn Ba, treo lại lên tường. Tờ lịch đề ngày 30 tháng 4. Bà Năm dùng khăn vắt trên vai phủi bụi trên bàn giấy của Ba, lau chiếc máy chữ, xếp lại mấy cuốn sách trên bàn cho ngay ngắn.) Tánh thằng Ba nó ngăn nắp trật tự lắm, đồ dùng của nó mà hơi lệch đi là nó biết liền, khác hẳn với thằng Tư tính bừa bãi đã quen… (Đi về phía bàn thờ, lượm chân nến bị rớt trên sàn nhà, xếp lại chỗ cũ, dựng tấm hình của Tư lên, ngẫm nghĩ sao, cầm lấy ngắm nghía một lúc rồi mỉm cười một mình.) Thằng Tư sẽ cười ngất khi về nhà thấy hình nó trên bàn thờ. Tốt hơn hết nên cất đi. (Quay qua bác Sáu.) Nè, bác Sáu, bác cất giùm cái hình của thằng Tư đi cái coi, để nó về thấy tui thờ sống nó, nó cười cho à nghen.
Bác SÁU (vịn hai tay vào đầu gối đứng lên, lắc đầu, nói với khán giả.) Nhiều lúc tui hổng hiểu bả khùng hay chính tui mới là đứa mất trí. (Đi lại chỗ bà Năm đỡ lấy khung hình của Tư, ngắm nghía hình Tư, nói với hình Tư, giọng thiểu não.) Cậu Tư ơi, cậu sống khôn thác thiêng, cậu làm ơn phò hộ cho má cậu chóng bình phục, chớ mà cứ như vầy hoài thì tui cũng chẳng mấy lúc phát khùng theo, rồi lấy ai lo cho bả đây, cậu nghĩ coi vậy có phải hông? (Lắc đầu, cầm hình Tư đi lại chỗ bàn giấy của Ba, kéo năn kéo ra, bỏ hình vào trong ngăn kéo. Xong bác đi lại chỗ quầy hàng, bắt đầu dọn dẹp.) Mới pháo sơ sơ mà đây đã bể đồ tùm lum hà. (Ngao ngán.) Cậu Hai ơi, cậu dìa cái điệu này thì có ngày đến nhà bà già cậu cũng chẳng còn, nói chi khác nữa…
Bà NĂM (thắp nhang lạy trước bàn thờ ông Năm, khấn vái.) Cám ơn ông đã báo cho tui biết tin tụi nó sắp về. Phải chi bữa đó ông ở lại lâu lâu một chút cho tui hỏi thăm kỹ càng hơn, coi coi thằng Hai lóng rày mặt mũi người ngợm ra sao. Với lại hỏi thăm coi thằng Tư hồi máy bay bị bắn rớt có bị thương gãy chưn gãy cẳng gì hông, coi thằng Ba có được người ta nuôi cho ăn uống đường hoàng hông, có bị sút ký hông. Mà chắc đứa nào đứa nấy ốm nhom quá hà. Thôi, chúng bay dìa, má nuôi cho chẳng mấy hồi mà lại mập tròn như mấy con heo cho mà coi. Má bay có tiếng là mát tay mát chưn mà. (Cười một mình.) Chèn ơi, ông ơi, cứ nghĩ tới lúc anh em tụi nó đoàn tụ với nhau, sao mà tui muốn điên lên vì sung sướng quá hà.
Bác SÁU (ngó bà Năm, rồi ngó xuống khán giả, phân bua.) Hổng điên, mà điều mất trí, hết còn biết gì nữa! (Toan cúi xuống dọn dẹp tiếp, có tiếng gõ cửa. Bác Sáu ra mở cửa. Trời tảng sáng phía ngoài.)
Cảnh 3
Bà NĂM, Bác SÁU. Thêm Bà THÁI.

(Bà Thái mặc bộ đồ bà ba, đầu tóc không chải, bù rối, hớt hải bước vào.)
 THÁI (thở hổn hển.) Chết chửa! Tụi nó pháo kích! Như vậy là tụi nó quyết định lấy Sài Gòn bằng võ lực! Như vậy là không có vấn đề hòa giải hòa giếc gì hết ráo! Chết! Chết! Thế này thì chắc chết! Bác Năm ơi, nguy quá! Thế này rồi làm sao đây?
Bà NĂM (thản nhiên như những chuyện xảy ra không có chút ảnh hưởng gì đến bà. Chậm rãi, bà rời bàn thờ, đi ngang qua chỗ bà Thái đang đứng, như thể không nhìn thấy bà Thái đang đứng đó, tiếp tục đi tới bên ghế rocking và ngồi xuống với cây quạt mở ra phe phẩy.) Mùa mưa cũng sắp đến rồi đó. Bác Sáu à, mình phải sắp sẵn mấy cái lu để chứa nước mưa vì thằng Hai có tật hay đau bụng, chỉ có nước mưa là tốt cho nó thôi. (Giọng hồi tưởng.) Tui còn nhớ ngày nó đi, nó mặc một bộ đồ bà ba đen, tóc hớt ngắn, mặt xanh như tàu lá vì bị đi tiêu chảy. Tui đã biểu nó ở nhà để tui trông nom cho nó mà nó hổng chịu. Nó biểu nó phải đi ra Hà Nội — hồi còn đi học, nó chỉ mơ có dịp ra Hà Nội… Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã hai mươi mốt năm rồi đó chớ chơi sao. (Lắc đầu, cười một mình.) Tui chịu, hổng hình dung được nó lúc này ra sao. (Xua tay.) Mà nó ra sao thì ra, trước sau vẫn là con tui chớ bộ. Lần này nó mà về ấy à, tui sẽ cưới cho nó một con vợ, nó sẽ ở lại trông nom cửa hàng cho tui. (Ngó quanh.) Thì chẳng gì cũng nhờ cái cửa hàng ọp ẹp này mà bấy lâu tui nuôi thân tui với nuôi cho ba thằng chúng khôn lớn đó, chớ bộ! Rồi hai vợ chồng thằng Hai sẽ đẻ cho tui mấy đứa cháu nội để cho tui có cháu mà bồng ẵm và trò chuyện. (Làm động tác như đang bồng một đứa nhỏ trên tay ru.) Thằng Hai với thằng Tư có vợ con rồi, thì tui sẽ để mặc cho thằng Ba muốn sống độc thân tới bao lâu đó tùy ý nó, vì coi bộ nó mê viết văn viết báo hơn là mê đàn bà. Thiệt cái thằng kể cũng lạ!… (Vẻ mãn nguyện, đôi mắt lim dim, như thiếp ngủ.)
Bà THÁI (nãy giờ đứng há hốc miệng nhìn bà Năm. Quay qua bác Sáu với cặp mắt dò hỏi.) Bác Sáu, Bác Năm nói gì mà lạ quá vậy?
Bác SÁU (lắc đầu, khẽ nhún vai.) Từ hơn tuần nay bả cứ như vậy đó: hổng nghe, hổng nhìn, hổng thấy gì hết trọi trơn ngoài mấy người con trai của bả. Bữa ăn nào bả cũng bắt tôi phải nấu cơm với đồ ăn cho nhiều, với lại bắt tui dọn sẵn ba cái chén ăn cơm và ba đôi đũa để sẵn đó, phòng hờ mấy cẩu về. Đó, như cô giáo thấy, thậm chí bả con tin là cậu Tư vẫn còn sống nữa. (Chỏ lên bàn thờ.) Bả mới vừa bắt tôi dẹp hình cậu Tư xong. Bả nói để cậu Tư về thấy bả thờ sống cẩu, cẩu cười cho. Pháo kích rầm rầm đó, đồ đạc bể tùm lum, còn tui sợ thấy mụ nội tổ tui đi mà bả không chịu cho tui hoàn hồn, bắt tui dọn dẹp liền, sợ mấy cẩu dìa thấy cửa nhà bề bộn coi hổng đặng. (Vò đầu vò tai.) Tui rầu quá đi thôi, cô giáo ơi. Cô giáo coi, hồi hôm bả còn biểu tui bữa nay đi kêu thợ về tính chuyện cơi thêm lầu để có sẵn phòng cho mấy cẩu… Thiệt tui chịu hết muốn thấu rồi, cô giáo à. (Mếu máo muốn khóc.)
(Có tiếng gõ cửa. Bóng Tài lấp ló ở khung cửa hé mở. Bác Sáu bước tới gần cửa.)
Bác SÁU (toan đóng cửa lại.) Còn sớm. Hàng chưa mở.
TÀI (năn nỉ.) Bác làm ơn, tôi cần mua ít đồ gấp lắm…
Bác SÁU (giọng tức giận.) Làm ơn cái con khỉ khô! Gia đình người ta tan nát vì cái nhà anh đó, hổng thấy sao mà con vác cái mặt lại đây làm chi nữa!
TÀI. Thôi mà, bác Sáu, chết cả đám tới nơi với nhau bây giờ đây, bày đặt khó với nhau làm chi!
Bà THÁI. Bác Sáu, mở cửa cho ông ấy vào. May ra ông ấy biết tin tức gì chăng. (Bác Sáu đành nhượng bộ, xô cánh cửa sang một bên chừa đủ chỗ cho Tài bước vào nhà. Trời dần sáng phía bên ngoài.)
Cảnh 4
Bà NĂM, Bác SÁU, Bà THÁI. Thêm TÀI.

(Tài bước vào, vẻ sợ sệt, vội vã, không còn hống hách sấc sược như trước nữa.)
Bà THÁI (tới bên, hỏi dồn dập.) Sao, ông Tài? Tình hình ra sao?
TÀI (hổn hển.) Vô phương! Hết thuốc chữa rồi! Tụi nó hiện đang bao vây Sài Gòn với cả mười sư đoàn và xe thiết giáp. Từ giờ tới trưa, Sài Gòn không chịu đầu hàng thì kể như sẽ bị sang bằng! (Làm động tác san bằng bằng tay.)
Bà THÁI (kinh hoàng.) Chết chửa, thế này thì chết!
TÀI. Ba mươi sáu chước chỉ còn chước chạy là hơn cả. Ông tổng thống mới chắc chắn sẽ chọn giải pháp đầu hàng, tôi biết điều đó mà. Ổng tưởng ổng có thể nói chuyện hòa giải hòa hợp với bên kia. Sức mấy mà tụi nó chịu, nhất là khi tụi nó biết rõ lính tráng mình đã tan hàng và các tướng tá nhiều người đã cho vợ con di tản ra nước ngoài trước cả rồi. (Quay qua bác Sáu.) Bác bán cho tôi một cái túi xách với vài bao thuốc lá… Cái nào cũng được. (Móc túi bỏ lên bàn một mớ tiền.) Lo mà tẩu thôi!
Bà THÁI (giọng phẫn uất, sỉa sói Tài.) Rõ là thầy nào tớ nấy! Ông Tổng thống Thiệu của nhà anh khôn ngoan tẩu trước với vàng bạc và đô la vơ vét được của dân, bây giờ đang ở yên lành ở Đài Loan! Bây giờ đến lượt anh! (Bỗng túm chặt lấy Tài.) Anh tưởng anh bỏ đi ngon lành được a? (Đấm Tài túi bụi, rít lên.) Đồ hại dân hại nước!
TÀI (cố gỡ mình ra khỏi tay bà Thái.) Ơ hay, cái nhà bà này… Có buông người ta ra không nào? Tôi làm gì mà bà đánh tôi? Sao bà không nắm thằng có tóc mà lại nhè đứa trọc đầu mà nắm, hở?
Bà THÁI (hung hãn.) Nếu không có cái thứ chó săn như mày thì đâu đã tới nỗi! (Lôi Tài ra chỗ bà Năm.) Mày nhìn bà già này coi. Vì mày đang tâm làm quân cẩu tặc mà cậu Ba bị bắt, cả tháng nay chưa được thả, làm bà già này thương xót con, trở nên mất trí kia kìa, mày có thấy chưa?
TÀI (dùng sức mạnh gỡ tay bà Thái ra, xô bà Thái té rụi xuống sàn nhà, quơ cái túi và mấy bao thuốc trên bàn, chạy ra cửa. Trước khi đi, quay lại nói.) Mặc dù bà đối xử với tôi chả ra gì, nhưng tôi cũng mách nước cho mà biết. Ai có muốn rời Sài Gòn di tản ra nước ngoài thì nên đi xuống khu bến tàu ngay giờ trước khi quá trễ. (Chạy về phía tay mặt mất dạng.)
Cảnh 5
Bà NĂM, Bác SÁU và Bà THÁI.

(Bà Năm nãy giờ vẫn thản nhiên ngôi đung đưa trên ghế, mắt lim rim như người đang ngủ. Bác Sáu lật đật chạy tới đỡ bà Thái lên.)
Bác SÁU (đỡ bà Thái lên.) Đất nước mình hổng ở đặng làm sao sống đặng ở đất nước người đó mà nói tới chuyện di tản, hổng biết nữa!? (Cúi xuống, giọng hỏi han bà Thái.) Cô giáo có mần sao hông? Cái thằng thiệt vũ phu vậy đó!
Bà THÁI (gượng dậy, nước mắt đầm đìa trên má, giọng trách móc.) Sao bác không đóng cửa, hiệp với tôi cho thằng khốn nạn đó một bài học?
Bác SÁU (gãi đầu.) Ờ há, tui thiệt hổng nghĩ ra, cô giáo à. Thiệt tui hổng nghĩ ra. Từ lúc nghe pháo kích tới giờ, tui cứ như người hổng còn hồn vía nào nữa vậy đó. Mà điều, nè cô giáo, thằng đó nói đúng, đánh nó thì có giải quyết được chuyện chi đâu cà! (Quay qua bà Thái.) Mà điều… cô giáo có mần sao hông?
Bà THÁI (bật khóc tức tưởi.) Có sao tôi cũng không thể cảm thấy gì bây giờ được. Sài Gòn sắp đầu hàng hoặc sẽ tan nát… Trời ơi, làm sao vợ chồng con cái tôi sẽ sống nổi đây hả trời? (Nức nở.) Tôi bỏ cửa bỏ nhà bỏ cha bỏ mẹ từ ngoài Bắc vào đây, hơn hai mươi năm qua, có đâu dè tới ngày hôm nay, giời ơi là giời.
Bác SÁU (lúng túng tìm cách an ủi bà Thái.) Thôi, cô giáo… khóc lóc bây giờ thì tính được chuyện chi đâu… Cô giáo nên bình tỉnh lại…
Bà THÁI (cầm tay bác Sáu, giọng đau đớn.) Bác Sáu ơi, nếu gia đình tôi có bề chi, nhờ bác lo ma chay giùm. Tôi sẽ gom góp tất cả tiền bạc nữ trang còn lại đưa bác cất giùm, lỡ mà có sao thì bác lo hộ…
Bác SÁU (ngơ ngác.) Cô giáo nói cái chi mà lạ vậy cà?
Bà THÁI (vừa khóc tức tưởi vừa đi ra phía cửa.) Tụi nó mà vào đây thì bọn di cư 54 tụi tôi chắc chết đầu nước quá… Giời ơi, giời nỡ lòng nào hả giời? (Ôm mặt thất thểu đi về phía nhà mình.)
Cảnh 6
Bà NĂM, Bác SÁU.

Bà NĂM (cựa mình trên ghế.) Bay làm cái gì mà ồn ào quá vậy hổng biết, làm tao muốn chợp mắt một chút mà cũng hổng đặng. (Làm động tác như ru một đứa trẻ trên tay.) Lại đánh thức cả con tao đây nữa nè… (Cất giọng ru con.) Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đanh, cầu tre vắt vẻo gập ghềnh khó đi… ầu ơ…
Bác SÁU (vẫn đứng nơi cửa ngó người ta chạy qua chạy lại, kẻ ôm gối, kẻ mang túi xách, người tay dẫn theo trẻ nhỏ, vẻ mặt thẩy đều thất sắc, hãi hùng. Bỗng có tiếng người la lớn “Sài Gòn đã đầu hàng rôi, bà con ơi”. Có tiếng khóc nấc xen lẫn tiếng bàn tán xôn xao bên ngoài. Bác Sáu quay nhìn bà Năm, mặt méo xệch.) Bà ơi, chừng nào bà mới chịu tỉnh cho đây, hả bà? Sài Gòn đã đầu hàng!… (Nghẹn ngào.) Sao tui ao ước được mất trí như bà quá hà, để khỏi phải nhìn phải nghe thấy gì hết vậy đó! (Ngó về phía tay mặt.) Kìa, ai như cô Tư với hai em Tuấn, Tú vậy cà?
Cảnh 7
Bà NĂM, Bác SÁU. Thêm MAI, TUẤN và TÚ.

(Mai bước vào, phục sức quần tây áo sơ mi, vai đeo bóp, tay xách một túi xách, đang hấp tấp vội vã, mắt đeo kiếng mát lớn để che đôi mắt đỏ hoe vì khóc. Tuấn và Tú, mỗi đứa một túi xách nhỏ, theo sau Mai, vẻ mặt ngơ ngác như hai con nai tơ.)
MAI (chưa nhìn thấy bà Năm ngay, vừa thở vừa hỏi.) Bác Sáu, má tôi đâu, bác Sáu?
Bác SÁU. Bả ngồi kia kìa… Đang ru con hay cháu gì đó, hổng biết. (Ngó mấy cái túi xách của mấy mẹ con Mai.) Cô Tư với hai em cũng tính ra đi sao?
MAI (tháo mắt kính xuống.) Đúng thế, bác Sáu. Tôi đã do dự từ mấy ngày nay, những tưởng còn có thể hòa giải hòa hợp, nào dè Sài Gòn đã đầu hàng…
Bác SÁU (ngẩn ngơ, lập lại.) Sài Gòn đã đầu hàng!
MAI (bật khóc tức tưởi.) Phải, Sài Gòn đã đầu hàng, tức tưởi đầu hàng! (Đau đớn.) Chẳng còn gì nữa hết, bác Sáu à… (Cố nén xúc động.) Tôi ghé đây để từ biệt má tôi với bác… (Quay sang bàn thờ, giọng nghẹn ngào.) Và thắp cho anh Tư tôi một nén hương cuối cùng… (Chợt nhận ra ảnh Tư không còn trên bàn thờ nữa.) Ủa, ảnh của anh Tư tôi đâu rồi?
Bác SÁU. Bả biểu tôi dẹp đi. Bả nói bả hổng muốn cậu Tư về thấy bả thờ sống cẩu. (Đi lại bàn giấy của Ba, mở ngăn kéo lấy tấm hình của Tư ra, trở lại trao cho Mai.) Thôi, cô Tư mang hình cậu Tư theo để mà thờ. Biết đâu chừng cậu linh thiêng sẽ phù hộ cho mấy mẹ con cô trên bước đường lưu lạc. Chớ tôi chắc bà chẳng cần tới hình này nữa đâu. (Mai đỡ lấy bức hình của Tư, ôm vào ngực. Bác Sáu kéo hai đứa con của Mai vào lòng, giọng ân cần.) Hai em đi, nghe lời má, ráng học hành cho giỏi để sau này trở nên người hữu dụng, nghe. (Ôm hôn cả hai đứa nhỏ, mặt dấu giữa hai mái đầu trẻ thơ, vai rung rung như đang khóc.)
MAI (giọng hối hả.) Thời giờ cấp bách lắm rôi. Bác Sáu cho phép tôi dẫn hai cháu lại lạy chào bà nội của chúng. (Mai dẫn hai con lại trước mặt bà Năm.) Thưa má…
Bà NĂM (vẫn tiếp tục ru một đứa nhỏ tưởng tượng trong tay, ngước nhìn Mai rồi nhìn Tuấn, Tú, nét mặt hiền hòa.) Suỵt! Hai, Ba, hai con của má, để yên cho thằng Tư ngủ… Hai đứa chạy ra ngoài chơi, giỏi má thương. (Hai đứa bé hết nhìn bà Năm lại nhìn Mai, ngơ ngác. Mai sụt sịt khóc.)
Bác SÁU. Bà giờ hổng còn nhìn, còn nghe, còn thấy gì nữa hết, cô Tư à. Thế giới của bả giờ là dĩ vãng, ngày các cậu còn ở nhà với bà và chưa có chuyện gì xảy ra, hay nếu không thì là một thứ tương lai nào đó, chớ chẳng có chút chi dính líu tới hiện tại hết trọi trơn vậy đó. Trừ tui bà còn nhận ra, chớ còn dường như bả chẳng còn nhận ra ai khác nữa. (Rầu rĩ.) May ra chừng cậu Ba dìa bả sẽ hồi lại chăng…
MAI (nói với hai con.) Tuấn, Tú, hai con quỳ lạy nội đi rồi còn đi, kẻo trễ mất. (Nói rồi, chính Mai cũng quỳ xuống cùng với các con lạy biệt bà Năm.) Thưa má, má ở lại mạnh giỏi, chúng con xin phép má chúng con đi… (Đứng lên, đặt một tay lên vai bác Sáu, khóc nấc.) Bác Sáu, xin bác làm ơn trông chừng cho má tôi, hy vọng ngày một ngày hai anh Ba tôi về rồi tính…
Bác SÁU (mếu máo.) Cô Tư khỏi phải dặn, tui trừ phi chết, chớ mà còn sống ngày nào, tui nguyện coi sóc cho bà…
MAI (gạt nước mắt, đeo kiếng lên mắt.) Thôi, đi, các con. Tôi đi, bác Sáu.
Bác SÁU (tiễn Mai ra cửa, quẹt nước mắt vào cánh tay áo.) Dà, cô Tư với hai em đi may mắn, bằng an… (Sụt sùi.)
MAI (nén xúc động.) Cám ơn bác Sáu. Cả bác nữa, bác ở lại may mắn, bằng an. (Cùng với hai con, Mai rảo bước về phía tay phải.)
(Bác Sáu còn đang bịn rịn nơi cửa trông theo Mai và hai con, chợt có tiếng chân nhiều người chạy từ phía tay trái tới. Bác Sáu quay nhìn về phía tay trái.)
Cảnh 8
Bà NĂM, Bác SÁU, viên TRUNG ÚY, vài NGƯỜI LÍNH CỘNG HÒA.

(Một tốp lính Cộng Hòa áo quần tả tơi, có người chỉ có độc cái quần đùi màu rêu nhà binh và đôi giày bốt đờ sô, có người còn cầm súng. Dẫn đầu là một viên Trung úy trẻ tuổi, đầu trần, tóc bơ phờ, bộ quân phục xộc lệch. Tất cả đều mang bộ mặt hốt hoảng lẫn uất nghẹn, tủi hờn. Người nào người nấy nước da đen sậm, chứng tỏ nhiều năm phơi nắng dầm mưa với đời lính tác chiến. Họ dừng lại trước cửa nhà bà Năm trước đôi mắt mở to và ngỡ ngàng của bác Sáu.)
Viên TRUNG ÚY (ngó quanh anh em đồng đội.) Các anh em, chúng ta không thể cứ tiếp tục chạy xiêng chạy quàng như vầy. (Nhìn thấy bác Sáu, như chợt nảy ra một ý kiến.) Có lẽ chúng ta nên vào nhà đồng bào nào đó xin dừng chân, xin ít bộ đồ thường phục và ít đồ ăn, rồi bàn tính xem xem phải có thái độ như thế nào. Từ hồi hôm tới giờ chưa có gì vào bụng, anh em chắc cũng như tôi, đều lả rồi, làm sao tính được chuyện gì.
Hai NGƯỜI LÍNH. Trung úy nói phải đó.
NGƯỜI LÍNH 1 (thắc mắc.) Nhưng cơ mà bây giờ bên ta đã đầu hàng, bên kia đang trên đường tiến vào tiếp thu Sài Gòn, liệu đồng bào có còn ai dám chấp chứa anh em chúng mình không?
Viên TRUNG ÚY. Để xem… Chắc chưa đến nỗi nào đâu. (Tiến lại trước mặt bác Sáu, giọng lễ phép.) Thưa bác, từ hai ngày nay anh em tôi không có gì vào bụng, đơn vị chẳng biết ở nới nào, mà nếu có biết ở đâu thì giờ này chắc cũng đã tan hàng cả rồi… (Đau đớn mím chặt môi ngăn nỗi uất hờn, nhưng vẫn không ngăn nỗi hai giọt nước mắt tuôn ra lăn dài trên má.) Tụi tôi cần chỗ nghỉ chân trong giây lát đồng thời bàn tính xem phải có thái độ ra sao, luôn thể kiếm cái ăn vì chẳng có đứa nào có đồng nào hết, lại chẳng quen biết ai ở Sài Gòn cả. Vì danh dự, dù là danh dự của những tên lính bất đắc dĩ bại trận, chúng tôi thà đi ăn xin còn hơn làm bậy. Vậy xin bác thương tình…
Bác SÁU (xô cánh cửa sang một bên, giọng thương cảm.) Tự nhiên, tự nhiên, anh em vô đây.
Viên TRUNG ÚY. Anh em chúng tôi nguyện sẽ không bao giờ quên ơn bác. Xin ơn trên phù hộ cho bác và gia đình. (Quay sang mấy người lính.) Chúng ta vào đây nghỉ lát đã, anh em. (Mọi người bước vào nhà. Có người mệt lả, vừa bước vào nhà bèn ngồi phệt xuống đất, thở dốc; có người gần như nằm dài ra sàn nhà. Viên trung úy gượng đứng trên hai chân, ngó quanh nhà.)
Bác SÁU (kéo một cái ghế.) Trung úy ngồi nghỉ chân. Nhà chì có mình tôi và bà cụ già kia. Bả là chủ nhà…
Viên TRUNG ÚY. Cám ơn bác, xin bác để cho tôi được tự nhiên. Xin bác cũng đừng gọi tôi bằng trung úy nữa… (Bước lại phía bà Năm, lễ độ.) Lạy cụ ạ. (Bà Năm ngước lên nhìn viên trung úy.) Anh em chúng cháu chẳng may lỡ độ đường, hiện chẳng biết đi về đâu và phải làm gì. Nhờ cụ và bác đây thương tình cho tá túc ít giờ, tụi cháu nguyện suốt đời ghi ơn.
Bà NĂM (cười hiền hoà, xa vắng) Có phải chiến tranh đã kết thúc rồi phải hông, con?
Viên TRUNG ÚY (nén đau thương.) Dạ, thưa cụ, chắc là vậy. Tuy nhiên…
Bà NĂM (đung đưa ghế, nói như nói một mình.) Vậy chắc hổng bao lâu nữa các con tôi sẽ về… (Viên trung úy nhìn bác Sáu, vẻ không hiểu. Bác Sáu lại gần ghé tai nói nhỏ vài câu, trong khi bà Năm lập đi lập lại.) Các con tui sắp về… (Nhìn viên trung úy, như thể lần đầu tiên nhìn thấy hiện tại.) Còn các con, các con đi đâu dậy? Sao áo quần tả tơi, người ngợm bơ phờ vậy nè? (Gượng đứng dậy, quá yếu, nên bác Sáu phải tới bên đỡ lên.)
Viên TRUNG ÚY. Dạ, chẳng dấu gì cụ, tụi cháu bây giờ kể như một lũ bại quân nhục nhã…
Bà NĂM (rời khỏi tay bác Sáu, gượng đứng một mình, nhìn mấy người lính, rồi nhìn viên trung úy, dịu dàng.) Ai thắng đâu? Anh em một nhà bôi mặt đánh giết nhau, đó là cái nhục chung, sao gọi là có kẻ thắng người bại, và càng làm gì có người vinh kẻ nhục cà. (Mọi người nhìn bà Năm với vẻ kinh ngạc.)
Viên TRUNG ÚY. Dạ, cụ nói vậy, tụi cháu hay vậy. Tuy nhiên, liệu những người chiến thắng đang tiến vào thủ đô thân yêu của chúng ta có chịu nghĩ như vậy? Xin phép cụ cho cháu được hoài nghi điều đó. Nhiều triệu con người đã chết ở Nga, ở Tàu khi cách mạng thành công. Đã đành là cách mạng phải có giết chóc và đổ máu. Nhưng mà để làm gì, được gì? (Nghiến răng.) Chính mắt con đã nhìn thấy cha con bị đấu tố chết chỉ vì lỡ là điền chủ và yêu ruộng đất của mình, mặc dù ông đã dâng hiến nhiều phần tài sản cho kháng chiến; và các anh con theo kháng chiến chống Pháp đã bị Việt Minh thủ tiêu khi kháng chiến thành công chỉ vì họ không chấp nhận việc đem một chủ nghĩa ngoại lai áp đặt lên dân tộc Việt. Con cầm súng chiến đấu và chấp nhận đời lính gian khổ chỉ vì không quên được lời mẹ dặn dò… (Bỗng đau đớn.) Trời ơi, mẹ già con… Người cũng cỡ tuổi cụ hiện kẹt ở Đà Nẵng chả biết giờ thế nào? Chỉ vì tin lời cấp chỉ huy thối nát, lừa phản, con và các anh em đây đã lên đường vào Nam những tưởng để củng cố hậu tuyến chờ ngày phản công… Có ai ngờ… Thật có ai ngờ đâu nông nổi ra thế này! (Ôm mặt uất nghẹn.)
Bà NĂM (tiến lại gần viên trung úy, một tay đặt lên vai anh ta, giọng ân cần.) Mẹ già con đang chờ như già đây đang chờ các con của già về nè. Con còn chờ gì nữa mà không vất bỏ khẩu súng này (tay chỏ vào khẩu súng giắt bên hông của viên trung úy) mà sửa soạn về với mẹ già của con?
Viên TRUNG ÚY (lùi lại hai bước.) Con biết mẹ con đang ngóng chờ con. (Mím chặt môi. Một lát.) Nhưng mẹ con sẽ hiểu nếu không thấy con trở về…
Bà NĂM. Con tính đi đâu bây giờ? Chiến tranh đã chấm dứt rồi mà…
Viên TRUNG ÚY. Nhưng chiến tranh vẫn chưa thực sự dứt đối với những kẻ còn nặng ân oán giang hồ. Con sẽ đi về miền Tây, nơi con còn nhiều anh em bạn đồng chí. Con phải về dưới đó, trước khi mọi ngã đường đều bị kiểm soát gắt gao bởi những kẻ chiến thắng. (Quay qua bác Sáu.) Thưa bác, thì giờ cấp bách lắm rồi. Xin bác thương tình cho chúng tôi cái gì gói theo ăn đường…
Bác SÁU (cuống quít.) Ơ… ơ… để tui chạy vô nhà lấy (trở gót toan quay vào nhà trong.) Gì chớ đồ ăn thì nhà này có dư, nhất là cơm, bị bữa nào cũng nấu một nồi tổ chảng phòng hờ mấy cẩu dìa mà lại…
Viên TRUNG ÚY (gọi giật lại.) Bác… bác… (Bác Sáu quay lại.) Bác thương tụi tôi xin bác thương cho trót. Nếu bác có quần áo cũ không xài tới thì bác cho anh em tụi tôi lấy mặc, chớ để đeo theo mấy bộ binh phục này coi không tiện. Tụi tôi nguyện sẽ không quên ơn bác.
Bác SÁU. Ngỡ gì, chớ áo quần đàn ông thì cả đống… Để tui chạy đi lấy liền giờ. (Ra khỏi.)
Cảnh 9
Bà NĂM, viên TRUNG ÚY và hai NGƯỜI LÍNH.

(Bà NĂM dò dẫm đi về ghế rocking, ngồi xuống, cầm cây quạt lên phe phẩy.)
Bà NĂM (nói như nói một mình.) Chiến tranh đã kết thúc, sao hổng về với mẹ già, với vợ con, mà còn đi đâu nữa, hổng biết?
Viên TRUNG ÚY (không để ý đến lời bà Năm, quay lại mấy người lính.) Các anh em, bây giờ mỗi người tùy ý quyết định lấy cuộc đời của mình. Ai chọn đi với tôi thì đi, ai muốn ở lại, chờ yên hẳn rồi về quê kiếm gia đình, thì về.
NGƯỜI LÍNH 1 (gãi đầu.) Em xin phép Trung úy cho em đi về kiếm vợ con em. Em nông dân, chắc tụi nó chẳng mần chi em mô.
Viên TRUNG ÚY. Anh em cứ gọi tôi bằng anh được rồi. Chúng ta chẳng còn ai là cấp trên hay cấp dưới, nên cũng chẳng cần phải xin phép tắc gì nhau nữa hết. Anh em cứ tùy tiện.
NGƯỜI LÍNH 2. Lâu nay em chẳng có ai là người thân kẻ thuộc. Thôi, để em đi với trung úy cho có bạn.
Bà NĂM (nói như nói một mình.) Đất nước hòa bình thống nhứt tới nơi, còn tính đi đâu hổng biết cà!…
Cảnh 10
Bà NĂM, viên TRUNG ÚY, mấy NGƯỜI LÍNH. Thêm bác SÁU.

(Bác Sáu ôm một đống quần áo và mấy gói đồ ăn đi ra.)
Bác SÁU. Đây đây… Áo quần đâu có thiếu, đồ ăn lại càng dư hơn nữa… (Đặt mấy gói đồ ăn lên bàn tròn, trao đống quần áo cho viên trung úy.)
Viên TRUNG ÚY (cảm kích.) Cảm tạ bác nhiều lắm. (Phân quần áo cho mấy người lính. Mọi người thay quần áo lẹ làng. Viên trung úy không quên dắt khẩu súng vào lưng quần, phủ áo sơ mi ra ngoài. Xong xuôi anh tiến lại gần bên bà Năm, quỳ một gối xuống bên bà Năm.) Con xin chúc cụ sớm gặp lại các con trai của cụ. Con cũng xin cảm ơn cụ về tất cả, và xin phép cụ cho chúng con đi.
Bà NĂM (xa vắng.) Hòa bình rồi, còn đi đâu nữa hổng biết, thiệt khổ…
Viên TRUNG ÚY (mím môi, đứng dậy, quay lại người lính 2.) Thôi đi, Tám… (Tiến ra phía cửa, hai người lính cùng quay bước ra theo, bỏ lại khẩu súng trường và những bộ đồ quân phục vương vãi trên sàn nhà.)
Bác SÁU (quơ mấy gói đồ ăn trên bàn, lật đật chạy theo sau.) Nè, còn cái này nữa… (Viên trung úy quay lại, bác Sáu trao cho anh mấy gói đồ ăn. Anh ta chia cho mấy người lính mỗi người một gói, còn mình giữ một gói. Bác Sáu lần trong ngực áo rút ra gói bạc.) Khoan… (Rút một nắm giấy bạc trong đó ra nhét vào tay mỗi người vài tờ.) Nè, mỗi người cầm lấy một ít để mua vé xe đò với lại tiêu dọc đường…
Viên TRUNG ÚY (đặt tay lên vai bác Sáu, cảm động.) Xin ơn trên phò hộ cho bác được mọi sự như ý, và nhất là bằng an. (Bóp mạnh vai bác Sáu, rồi cùng hai người lính bước ra khỏi cửa. Ra tới ngoài, anh dừng lại, nói với người lính 1.) Thôi chúng ta chia tay ở đây. Chúc chú em may mắn.
NGƯỜI LÍNH 1. Em cũng chúc Trung úy và anh Tám may mắn. (Ba người chia tay. Viên trung úy và người lính 2 rảo bước đi về phía tay trái, trong khi người lính 1 thong thả đi về phía tay mặt.)
Cảnh 11
Bà NĂM, Bác SÁU.

(Bác Sáu thở dài, đóng cửa, quay trở vào trong thu dọn đống đồ quân phục và súng ống đem bỏ phía sau màn cửa dẫn vào nhà trong.)
Bác SÁU (lắc đầu buồn bã.) Thiệt, hồi mấy ông Tây xuống tàu dìa nước ở bến Sài Gòn, tui có đi coi, thấy họ dù sao cũng hổng tôị nghiệp bằng mấy người lính Cộng Hòa. Tây họ dìa nước chấm dứt đời lính viễn chinh, xum họp với gia đình làng nước, bà con; chớ còn mấy người lính Cộng Hòa, hết chiến tranh chớ mà có làng có xóm, có mẹ có em đó mà có được dìa xum họp với họ đâu!… Thiệt, thấy mà tội nghiệp. Xin Trời Phật phù hộ cho họ. (Tới bên bà Năm.) Sáng giờ bao nhiêu là chuyện xảy ra, tui quên hổng dọn cơm bà ăn. Chắc bà đói dữ rồi hé? Để tui dọn cơm bà ăn nghe?
Bà NĂM (xua tay.) Tui chờ các con dìa ăn luôn thể. Tui biết tụi nó sắp dìa mà…
Bác SÁU (vò đầu.) Thôi, bà ơi, để tui dọn cơm bà ăn. Tui cũng đói rồi. Với lại cũng đã trễ rồi chớ bộ giỡn sao chớ. (Toan quay vào nhà trong, chợt có tiếng gõ cửa nên đứng khựng lại.) Trời đất, lại còn ai nữa đây hổng biết! (Ngó ra phía cửa.)
Bà NĂM (đứng bật dậy, cuống quít.) Bác Sáu, mở cửa mau! Mở cửa mau!
Bác SÁU (vừa tiến ra cửa vừa cằn nhằn.) Thì để thủng thẳng rồi tui mở, chi mà giục dữ vậy hổng biết! Từ sáng tới giờ chưa ăn một hột cơm nào vô bụng, mệt lả muốn chết đây nè, hổng thấy sao?!
(Giọng Ba từ phía ngoài, thôi thúc: “Bác Sáu, mở cửa mau! Mở cửa mau!”)
Bác SÁU (giật mình, đứng khựng lại.) Í, tiếng ai như tiếng cậu Ba vậy cà?!
Bà NĂM (giọng reo vui.) Thì tiếng thằng Ba chớ còn ai vô đây nữa. Tui biết nó sẽ về mà. (Cười.) Chậm chạp nhất nhà là thằng Ba, mà hóa ra nó lại về nhà trước nhứt!
BA (từ phía ngoài, giục giã.) Bác Sáu, tôi là Ba nè. Mở cửa cho tôi mau!
Bác SÁU (lật đật chạy tới mở cửa, quá xúc động nên loay hoay mãi mới mở được cửa.) Chèn ơi, chèn ơi. Cậu Ba đã dìa… (Cười hể hả.) Bà hay thiệt, đóan trúng phóc. Tui phục bà sát đất vậy đó!
Cảnh 12
Bà NĂM, Bác SÁU và BA.

(Bác Sáu vừa xô cửa qua một bên, Ba đã vội vã lách mình vào, vẻ vội vàng, mặt hốc hác, áo quần nhầu nát.)
Bác SÁU (giọng run vì xúc động.) Chèng đéc ơi, cậu Ba, cậu đã dìa. Tui mừng thiệt hết lớn vậy đó! (Vò đầu vò tai, cười ngơ ngẩn, nắm lấy cánh tay BA, nắn nắn.) Đúng thiệt cậu Ba bằng xương bằng thịt đã về, bà ơi! Vậy mà khi mới nghe thoáng tiếng cậu kêu cửa, tui ngỡ mình nằm mơ chớ! (Sụt sịt.) Thiệt, tui mừng hết lớn…
BA (gỡ tay ra, vỗ vỗ vào bàn tay bác Sáu.) Tôi gấp lắm bác Sáu. Tôi cần nói chuyện gấp với má tôi. (Tiến tới bên bà Năm.) Thưa má…
Bà NĂM (tai tay dang rộng, nước mắt chan hòa.) Ba, con của má… Lại đây với má. Má biết thế nào con cũng về. (Tới bên Ba, hết sờ đầu lại sờ cổ, sờ tay con.) Trời đất, sao con ốm nhom ốm nhắt vậy nè… (Kéo Ba lại bên bàn tròn, kéo một cái ghế rồi đầy BA ngồi xuống.) Ngồi xuống đây, con. Chắc con má mệt lắm… Con đói không? Để má nói bác Sáu nấu cho con một nồi nước nóng tắm cho khỏe, nghe…
BA (đứng dậy, nắm hai bên vai bà Năm.) Thưa má, xin má ngồi xuống đây để con được thưa chuyện với má… (Dìu bà Năm ngồi xuống ghế, xong quỳ một chân xuống bên cạnh bà Năm, kéo khăn ca rô trên vai bà lau nước mắt cho bà.) Tội nghiệp má, trông má tiều tụy quá…
Bà NĂM (lùa mấy ngón tay vào mái tóc Ba, cười hiền hòa.) Con đã về, rồi tất cả sẽ lại đâu vào đó. (Ngước mặt lên trời.) Cám ơn Trời Phật đã trả con tôi về cho tôi. (Cúi xuống nhìn Ba) Chiến tranh đã chấm dứt rồi, có phải thế không con?
BA (nén đau đớn.) Thưa má, phải, chiến tranh đã chấm dứt, thế nhưng…
Bà NĂM (để ngón tay chỏ lên môi.) Suỵt. Đừng nói nhưng nhiếc gì hết, kẻo lại gở đó con. (Đặt tay lên ngực trái nơi trái tim.) Chiến tranh đã chấm dứt, với má, như vậy là đủ rồi. Rồi thằng Hai với thằng Tư cũng sẽ lần lượt về và gia đình mình lại đoàn tụ như xưa, phải hông con?
BA (nhìn bà Năm kinh ngạc, rồi nhìn bác SÁU dò hỏi. Bác Sáu lắc đầu, trỏ ngón tay lên đầu mình quay nhiều vòng tròn nhỏ, diễn tả tình trạng điên loạn của bà Năm. Ba nhìn mẹ xót xa, nén xúc động, giọng ôn tồn.) Thưa má, xin má bình tĩnh nghe con thưa chuyện với má… Má nói đúng, anh Hai con sắp về. Bởi lẽ đó nên con không thể nán lại đây thêm giờ nào… (Bác Sáu há hốc miệng, kinh ngạc.) Sáng nay khi tin đầu hàng được loan truyền, người ta thả tất cả tù ra. Con đã đi một vòng Sài Gòn tìm bạn bè cùng nghe ngóng tình thế. Chúng con đã hoàn toàn thua cuộc, song điều đó không có nghĩa là một sự buông xuôi hoàn toàn. Các bạn con và con đã quyết định đi lập chiến khu tiếp tục chiến đấu. Con về đây thăm má lần cuối để đi…
Bà NĂM (vẫn như người trong mơ.) Chiến tranh đã kết thúc, hòa bình chúng ta mong đợi bấy lâu đã ló dạng, anh con và em con cũng sắp về và gia đình sẽ lại đoàn tụ như hồi các con còn nhỏ, con còn tính đi đâu nữa đây? Nhà con, con không ở, con lại tính đi đâu bây giờ? (Đứng lên, ngó quanh.) Hay tại con chê nhà cửa bề bộn. Thì để thủng thẳng má biểu bác Sáu dọn cho gọn gàng đâu đó… (Đi quanh quanh, cất cái này, dẹp cái kia, phủi bụi chỗ này, lau chùi chỗ khác.)
BA (đứng dậy, bồn chồn.) Thưa má, xin má nghe con. Con không còn bao nhiêu ngày giờ nữa. Anh em đồng chí đang chờ con ngoài kia. (Tiếng còi xe giục giã phía ngoài.) Con phải gấp rút đi về miền Tây ngay bây giờ. (Tiến vài bước về phía bà Năm.) Con xin má tha cho con tội bất hiếu vì không thể ở bên má lúc này. Con phải lên đường ngay lúc này trước khi quá trễ… (Bà Năm như không nghe thấy lời Ba nói, vẫn đi tới đi lui lăng xăng dọn dẹp.)
Bác SÁU. Cơ mà… cậu Ba vừa về tới nhà mà, cậu nỡ lòng nào lại bỏ đi ngay sao đành? Cậu hổng thấy má cậu mong chờ cậu đến trở thành gầy guộc, điên loạn như thế kia sao? (Mếu máo.)
BA (quay qua Bác Sáu.) Bác Sáu, xin bác hiểu cho tôi. Tôi đâu có muốn như vậy, nhưng thời thế không cho phép tôi làm điều tôi muốn. Bác đã thay tôi trông nom cho má tôi bấy lâu, tôi ơn bác lắm. Nay tôi xin bác lại tiếp tục lo cho má tôi, còn sống ngày nào tôi thề không quên ơn bác. Tôi phải đi, vì nếu tôi có ở lại, chưa chắc người ta đã để tôi yên.
Bác SÁU (gãi đầu.) Người ta là ai mới được chớ? Còn cậu Hai đó, cẩu là anh ruột của cậu, lẽ nào…?
BA (cay đắng.) Bác nói như vậy là bác chẳng hiểu gì người Cộng sản hết. Anh Hai tôi, đối với tôi, giờ đã chết. Ảnh giờ là ông Thượng Tá Tám. Lê Văn Tám. Tôi được biết ảnh hiện đang trên đường vào tiếp thu Sài Gòn. Đối với ảnh, tôi, thằng Ba độ nào, cũng đã chết. Cuộc tranh chấp ý thức hệ đã khiến chúng tôi trở thành hai kẻ xa lạ, nếu không nói là thù nghịch với nhau. Hy vọng đoàn tụ của má tôi chỉ là hão huyền. (Nhìn Bà Năm đang lui cui chùi bàn giấy của mình.) Tôi thà để má tôi đau lòng thấy tôi lại ra đi, còn hơn để má tôi thấy tận mắt cảnh anh em chúng tôi hủy diệt lẫn nhau. Bởi vì tôi chắc chắn không thể chấp nhận anh Hai. Và ngược lại, không có lý do gì anh ấy lại sẽ chấp nhận tôi…
Bác SÁU (bứt đầu bứt tai.) Cậu nói những gì tui hổng hiểu gì hết trọi trơn hà. Hồi cậu còn ở trong tù, tui đã muốn bắt khùng theo với bà. Giờ nghe cậu nói, tui thiệt hổng còn biết tui ra sao nữa. Chắc tui khùng thiệt rồi đa!
BA (quay lại nhìn Bác Sáu.) Rồi bác sẽ hiểu. Bác có còn nhớ khẩu súng colt tôi nhờ bác cất dấu hộ dạo nào không?
Bác SÁU (cười mếu máo.) Nhớ, nhớ chớ. (Hí hửng.) Tôi dấu kỹ lắm, bởi vậy mà mấy cha cảnh sát xét nhà bữa hổm hổng thấy đặng! (Ngơ ngẩn.) Mà… cậu cần nó mần chi vậy? Hòa bình rồi…
BA (giục giã.) Đâu, bác chạy đi lấy dùm tôi cái coi. Tôi vội lắm, đừng bắt tôi phải giải thích. Lẹ lên, bác Sáu.
Bác SÁU (lật đật đi ra phía cửa dẫn vào nhà trong.) Rồi… rồi.. Tui chạy đi lấy liền giờ đây… (Trước khi đi vào, quay nhìn khán giả, phân trần.) Thiệt tui hổng hiểu gì hết trọi trơn hà. Hết người này nói bỏ đất nước quê hương ra đi, tới người kia nói có bề chi lo ma chay giùm, lại tới người khác nói phải đi về miền Tây tiếp tục chiến đấu. Vậy thì… hòa bình thống nhứt nghĩa là thế nào? (Vò tai.) Thiệt tui hổng hiểu gì hết trọi trơn hà. (Đi vào.)
Cảnh 13
Bà NĂM và BA.

(Bà Năm sau khi dọn dẹp cái này cái kia xong, ngắm nhía chung quanh với nụ cười hài lòng, đi về phía Ba đang bồn chồn, một tay nắm lại đấm vào lòng bàn tay kia, đi tới đi lui.)
Bà NĂM (dịu dàng.) Ba à, bao lâu nay con cứ biểu má dẹp cửa hàng đi khỏi buôn bán chi cho cực thân già. Lần này má quyết định nghe lời con, dẹp cửa hàng đi. Chừng thằng Hai về, má sẽ cưói cho nó con vợ. Thằng Hai với thằng Tư có vợ con rồi, thì má sẽ để tùy ý con, muốn ở độc thân tới chừng nào đó thì ở…
BA (bồn chồn, khốn khổ.) Thưa má, xin má hiểu cho con…
Bà NĂM. Thì má hiểu chớ, sao má lại không hiểu cà. Con yêu văn chương chữ nghĩa và coi đó là lẽ sống của đời con. Má mà hổng hiểu con nữa thì ai hiểu con? Thôi để má xuống nhà xem cơm nước ra sao… (Vào trong nhà.)
Cảnh 14
BA

BA (đau đớn.) Phải chi má tỉnh táo để con lên đường đỡ đau lòng… (Có tiếng còi xe hơi giục giã ở phía ngoài. BA ngó ra cửa.) Anh em đồng chí đang giục con… (Ôm đầu.) Trời ơi, phải chi tôi biết trước như vầy, tôi đã không trở lại đây làm gì để thêm đau đớn, bịn rịn lúc ra đi… (Vùng quay lại nhìn ảnh ông Năm trên bàn thờ.) Ba ơi, xin ba tiếp sức mạnh tinh thần cho con với… (Có tiếng xe jeep từ xa tiến lại gần và dừng ở phía ngoài. Ba hốt hoảng.) Có tiếng xe jeep ngừng trước cửa… Ai đến vậy kìa? … Hay là….? Ta phải đi gấp thôi. (Nói vọng vào trong.) Bác Sáu, sao lâu dữ vậy?
Cảnh 15
BA, thêm Bác SÁU.

(Bác SÁU từ trong nhà chạy ra với khẩu súng lục gói trong tấm khăn mùi xoa.)
Bác SÁU. Đây, súng đây cậu Ba. (Trao súng cho BA.) Cậu đi thiệt sao, cậu Ba? Chừng nào cậu sẽ lại dìa? (Mặt mếu xệch.)
BA(Mở khăn ra, nâng khẩu súng lên, mở hộp đạn xem xét.) Không ai có thể trả lời được câu hỏi của bác, bác Sáu à. (Nhét súng vào lưng quần, kéo áo phủ lên trên. Tơi ben6n Bác SÁU, BA đặt một tay lên vai người lão bộc.) Tôi không biết phải nói làm sao với bác… Thôi thì trăm sự nhờ bác, nhất là xin bác hết lòng coi sóc cho má tôi. (Cúi đầu xuống rồi ngửng phắt lên, giọng thành khẩn.) Nếu không đền được ơn bác kiếp này, tôi sẽ trả ơn kiếp sau…
Bác SÁU (mếu máo.) Cậu Ba cứ yên tâm. Tui hứa sẽ tiếp tục lo cho má cậu như lo cho chị ruột tui vậy, bởi vì, thiệt tình tui cũng chẳng biết phải làm chi khác nữa… Cậu Ba đi, rán bảo trọng lấy đời sống… (BA bóp mạnh vai Bác SÁU, quay đi ra cửa. Bác SÁU vò đầu.) Thiệt bữa nay… tui hổng biết mình đương sống thiệt, hay đây chỉ là một cơn ác mộng nữa? (Có tiếng chân nhiều người ở phía ngoài. Tiếng chân dừng lại trước cửa, tiếp theo là tiếng gõ cửa dõng dạc. Ba khựng lại. Bác Sáu hết nhìn ba, lại nhìn ra cửa.) Nữa, gì nữa đây hả trời?! Chắc lần này Diêm Vương tới kêu tui quá hà… (Lật đật bước vài bước, dừng lại, ngó về phía khán giả.) Mà nếu ổng có tới thiệt, tui cũng mừng à nghen. Tui mệt thở hết muốn nổi rồi. (Đi ra cửa.)
BA (đưa tay ngăn lại.) Khoan đã, bác Sáu…
Cảnh 16
BA, Bác SÁU, thêm Bà NĂM.

(Tiếng gõ cửa lớn hơn, nghe dõng dạc.)
Bà NĂM (từ trong nhà hớt hải chạy ra.) Bác Sáu, bác ra xem thằng Hai hay thằng Tư về đó? (Hai tay chắp trước ngực, nhắm mắt, mặt hơi ngước lên trần nhà, cười ngớ ngẩn.) Để tui đoán coi… Lần này chắc thằng Hai quá…
(Ba nhìn mẹ, thảng thốt, lui dần về phía cửa dẫn vào nhà trong, tay đặt lên báng khẩu súng giắt nơi lưng quần phía dưới áo. Bác SÁU hết nhìn bà NĂM, lại nhìn BA, chưa biết nên mở cửa hay không nên. Tiếng gõ cửa tiếp tục, tiếp theo là tiếng người dõng dạc: “Mở cửa cho Cách Mạng! Mau!” Bác Sáu lập cập mở cửa.)
Cảnh 17
Bà NĂM, BA, Bác SÁU. Thêm HAI và hai Bộ Đội CỘNG SẢN.

(Hai đứng nơi cửa, trong bộ quân phục của Bắc Quân: nón cối, áo bốn túi, cổ cao, chân mang dép Bình Trị Thiên, quần kaki vàng, ống rộng; khẩu súng lục giắt bên hông. Hai có dáng người tầm thước, ốm, nước da xanh xạm, có khuôn mặt khắc khổ đến lạnh lùng. Sau lưng Hai là hai cán binh cộng sản tay bồng súng AK.)
HAI (lạnh lùng.) Cách Mạng có lời chào mừng tất cả mọi người.
Bác SÁU (ngó sững Hai hồi lâu, lắp bắp) Có phải cậu Hai đó không? Đúng … cậu Hai rồi! (Chạy tới bên Bà Năm lúc đó vẫn còn nhắm mắt với nụ cười của một người trong mơ.) Bà ơi, cậu Hai. Đúng là cậu đã về rồi nè…
Bà NĂM (mở bừng mắt ra, hướng về phía Hai, đôi tay từ từ mở rộng.) Hai, con trai của má. Má trông con từ trên hai mươi năm nay…
HAI (vẫn đứng yên một chỗ, không tỏ lộ một cảm xúc nào.) Thằng Hai con bà đã chết. Tôi là Thượng Tá Lê Văn Tám.
Bà Năm (không quan tâm đến lời cải chính của Hai. Tiến lại gần Hai.) Hai! Trời ơi! Vậy mà má cứ lo con đã chết. Con đã về, má đoán hổng sai chút nào… (Quay qua Ba, nãy giờ vẫn đứng gần nơi cửa vào nhà trong với vẻ mặt căng thẳng.) Ba, anh Hai con nè… (Thấy Ba vẫn đứng yên,bà ngó qua Hai, bắt gặp vẻ mặt lạnh lùng của Hai, giọng bà Năm trách móc.) Sao anh em bay gặp nhau mà ngó nhau như người dưng nước lã vậy? (Gật gù, tự an ủi.) Ờ, mà cũng phải… Đã trên hai mươi năm nay, tụi bay xa nhau, nay gặp nhau làm sao hổng tránh khỏi ngỡ ngàng lúc đầu, há. (Gật gù.) Má hiểu, má hiểu. Má cho bay vài bữa để làm quen với nhau. Rồi thì tất cả sẽ lại đâu vào đó… Để má kêu bác Sáu chạy đi chợ mua đồ ăn. Gia đình mình sẽ có một bữa tiệc thiệt lớn để mừng ngày bay đoàn tụ… (Bỗng khựng lại.) Ờ mà cũng nên từ từ… vì còn thằng Tư nữa… (Ngó ra cửa.) Chắc nó cũng sắp về tới…
HAI (nhìn Ba, giọng lạnh lùng.) Chúng tôi là người của Cách Mạng. Chúng tôi đến đây với một sứ mạng trọng đại, là quét sạch mọi tàn tích Mỹ Ngụy. (Nhìn bà Năm.) Chúng tôi không đến đây để dạo mát và dự yến tiệc. (Đanh thép.) Và dĩ nhiên không có chỗ cho tình cảm gia đình. Tất cả sẽ không đâu vào đó như các người nghĩ một cách đơn giản. (Cười giọng sắc lạnh.) Vì chúng tôi chủ trương thay đổi từ căn bản, gốc rễ. (Cắp tay sau mông, đi qua đi lại, nhấn mạnh từng chữ.) Phải, chúng tôi sẽ thay đổi từ căn bản, gốc rễ, bằng cách đảo lộn mọi trật tự, kể cả tư tưởng, tình cảm của mấy người, và sắp xếp lại tất cả theo thứ tự và quan niệm Mác Lê trong chiều hướng nhằm đưa nhân loại tới một thế giới đại đồng anh em. Những tình cảm cá nhân vụn vặt phải được dẹp bỏ qua một bên. (Tới trước mặt bác Sáu.) Trong thế giới đại đồng cộng sản không còn sự phân biệt giai cấp, không còn chủ nhân cũng như không còn người làm công. Kể từ nay, bác là một người tự do, bác không còn là một người làm công của bất cứ ai nữa. Cách Mạng trả tự do lại cho bác. Bác có quyền rời khỏi nhà này. Bác nên cảm ơn Cách Mạng đã giải phóng bác khỏi kiếp tôi đòi.
Bác SÁU (ngẩn ngơ.) Í, cậu Hai nói cái chi nghe lạ vậy? Tui từ hơn ba chục năm nay sống ở trong gia đình cậu, đã coi nhà này như nhà tui, gia đình cậu như gia đình tui, nay cậu biểu tui rời khỏi đây thì lấy chỗ đâu ra mà ở? Lấy gì mà sống? Với lại, tui mà đi khỏi thì lấy ai ra mà săn sóc cho má cậu?…
HAI (thản nhiên, tiếp tục cắp tay sau mông đi đi lại lại, dừng lại trước bàn thờ ông Năm.) Và mọi kẻ phản động, dù còn sống hay đã chết, đều phải bị xóa bỏ không thương tiếc cùng với những tàn tích của chúng. (Quay lại hai người bộ đội.) Các đồng chí, còn chờ gì nữa? Triệt hạ ngay lá cờ của lũ ngụy và cả bàn thờ tên phản động kia!
Hai BỘ ĐỘI. Xin tuân lịnh đồng chí Thượng Tá. (Xăm xăm bước lại bên bàn thờ ông Năm trước những cặp mắt sững sờ của bà Năm và bác Sáu.)
BA (rút súng ra khỏi lưng quần, lên cò, chĩa về phía Hai, nói với hai cán binh Cộng sản.) Mấy người khôn hồn thì dừng tay lại, nếu không, tôi sẽ thế mạng tôi với mạng của Thượng Tá của mấy người! (Cười nhạt nhìn Hai.) Tôi chắc chắn Thượng Tá của mấy người đâu có muốn phải chết uổng mạng đúng ngày cách mạng thành công. Có phải vậy không, anh… à quên, (gằn giọng) Thượng Tá Lê Văn Tám? (Hai người bộ đội dừng tay ngó Hai, chờ đợi. Ba bước thêm vài bước về phía Hai, dừng lại, khẩu súng chỉa thẳng vào người Hai, gằn giọng.) Thượng Tá có thể làm bất cứ gì, nhưng nếu ông đòi triệt hạ bàn thờ của người đã sinh thành ra ông, cho dù ông có thù hằn người đó đến đâu mặc lòng, thì trước khi làm việc đó, xin ông hãy bước qua xác của thằng Ba này cũng như (trỏ bà Năm) của người đã mang nặng đẻ đau ra ông, người đã trên hai mươi năm nay không ngừng lo lắng cho ông, không ngừng tự hỏi ông đã sống chết ra thế nào, để hôm nay đây, ông đã trả lời cho sự lo lắng ấy bằng thái độ ngạo mạn, vô ân vô nghĩa như thế này!
HAI (cười khẩy, nhìn Ba khinh mạn.) Cái thứ ký giả phản động, trói gà không chặt như chú làm được trò gì với khẩu súng rỉ sét đó? Khôn ngoan thì nên nộp cho cách mạng, may ra còn được tha cái mạng sống thừa. Chú nên nhớ chúng tôi bây giờ là kẻ chiến thắng. (Quay qua hai người cán binh, hạ lệnh.) Các đồng chí hãy thi hành mệnh lệnh! (Hai cán binh hè nhau kéo lá cờ vàng ba sọc đỏ phía sau bàn thờ xuống.)
BA. Tôi đếm đến ba, các người còn tiếp tục thì tôi sẽ lấy mạng của Thượng Tá mấy người. Một… hai…
HAI (phá lên cười ngạo nghễ.) Ta đố chú mày lẩy cò đấy. (Giọng khinh bỉ.) Bọn ngụy chúng bay mà làm được cái gì, chẳng qua chỉ là một lũ ăn hại đái nát, hèn nhát, ủy mị. (Nhìn bà Năm.) Cho là chú mày có đếm tới mười, chú mày cũng vẫn không có can đảm lẩy cò… (Quay lưng lại phía Ba.) Kể cả việc hạ sát ta từ phía sau, chú mày cũng không dám. (Hai cười lớn. Ba mím môi, bất ngờ hướng khẩu súng về phía hai cán binh, nhưng bắn chỉ thiên hai phát báo động. Hai cán binh hốt hoảng dừng lại. Bà Năm rú lên. Có tiếng chân người chạy rầm rập ở phía ngoài. Hai lanh tay rút khẩu súng bên hông ra, quay phắt lại phía Ba, cũng vừa đúng lúc Ba hướng mũi súng về phía Hai.)
Bà NĂM (hốt hoảng, la lớn hơn.) Trời đất, bay làm cái gì vậy cà? (Chạy tới đứng giữa hai con. Hai phát súng cùng nổ vang một lúc. Bà Năm lảo đảo ôm ngực, từ từ khuỵu xuống trên đầu gối.)
Bác SÁU (hốt hoảng chạy tới đỡ bà Năm.) Trời đất quỷ thần ơi, thử ghé mắt xuống đây mà coi nè… Bà ơi, bà có sao hông? (Xòe bàn tay dính đầy máu của bà Năm, mếu máo.) Máu… trời ơi… Máu…. Bà ơi…
(Đèn trên sân khấu từ từ tắt, spotlight khuôn tròn lấy bà Năm nằm trên tay bác Sáu. Hai và Ba nhìn nhau gườm gườm và cũng chìm vào trong bóng tối. Tiếng chân nhiều người dừng lại trước cửa. Tiếng người lao xao. Tiếng một người hỏi hốt hoảng: “Anh Ba, có chuyện gì vậy? Anh có sao không?” Rồi tất cả đều im lặng, tối đen.)
Bà NĂM (níu lấy cánh tay bác Sáu, đôi mắt lạc thần, giọng thều thào.) Bác Sáu!…
Bác SÁU (khóc tức tưởi.) Bà… tui đây, bà sai biểu tui điều chi?…
Bà NĂM (gượng dậy, nhưng vì kiệt sức, lại khuỵu xuống.) Bác… đỡ… ơ… tui… dậy…. Thẳng Tư… ư… tui thấy… nó đang trên đường về… Bác đỡ… tui dậy… ra đón… ón… nó…. Tui… ui… thấy nó rõ… ràng. Nó kìa… (Trỏ tay về phía khán giả.) Thằng Tư đã về… (Nhìn bác Sáu, nở nụ cười héo úa, ngơ ngẩn.) Các con tui… đã về… (Ngoẹo đầu qua một bên, mắt hướng về phía khán giả, đôi mắt mở, thất thần, với nụ cười bất động trên môi, hai tay buông xuôi. Bác Sáu vừa khóc tức tưởi vừa đưa tay vuốt mắt cho bà Năm, rồi gục đầu xuống ngực, đôi vai rung lên theo tiếng nấc đau đớn. Từ xa, nhiều tiếng súng nổ, AK xen lẫn với M16, nhỏ rồi lớn dần…)
Màn từ từ hạ

Trùng Dương Nguyễn Thị Thái

Viết xong tại Citrus Heights, California, Tháng Ba 1978
Hiệu đính 2005 & 2013