Thắng thân mến,
Lâu quá rồi bọn mình không gặp lại nhau. Gần cả năm hơn kể từ ngày xa tàu lớn. Tao nghĩ mầy đã rời tuần dương hạm Vân Ðồn, HQ 06, rồi phải không Chẳng còn hộ tống những đoàn convoy đi Nam Vang Còn thằng Thành chắc cũng đã rời tuần dương hạm Chí Linh, HQ 11, để đảm nhận chức vụ mới! Nói chung là bọn mình đã, từ lâu, được đổi lên bờ, những Duyên Ðoàn dọc theo duyên hải hay những Giang Ðoàn trong vùng sông ngòi, kinh rạch! Phần tao cũng vậy, sau hơn hai năm hải hành dư ngày tháng để lãnh Hải Vụ Bội Tinh, tao được (hay nói đúng hơn là bị) đổi về làm Chỉ huy phó Giang Ðoàn 71 Thủy Bộ... Hy vọng số phần của tụi mầy dễ thở hơn, chớ riêng tao từ ngày về Thủy Bộ, chu mẹt ơi, mệt nghỉ mậy. Ðụng trận liên miên, tính mạng như chỉ mành treo chuông thiệt đó mầy ơi. Ðể tao kể sơ sơ chuyện hành quân sống chết cho mầy nghe...
***
Vầng thái dương từ từ ló dạng phía sau rặng cây cao. Những cây dừa lão lơ thơ rũ lá, phất phơ trong gió ngó xuống cánh rừng tràm âm u tĩnh mịch ngút ngàn. Những tia nắng hồng thắm, ấm áp đầu ngày đang cố gắng xuyên thủng lớp sương mù nhàn nhạt màu sữa tươi, đóng dày đặc theo bờ kinh, lềnh bềnh trôi trên mặt nước. Một khoảng trống giữa dòng đục ngầu phù sa, vẽ lên một vệt vàng thẳng tấp về phía xa xa. Lẫn lộn trong đó những điểm chấm phá của những giề lục bình xanh, đen đang lầm lũi làm những cuộc hành trình lang thang vô định. Mùi hoa tràm vào dịp đang xuân thoang thoảng bay trong gió sớm ngọt ngào, quyến rũ. Thỉnh thoảng một con vạc ăn đêm muộn màng vỗ cánh tung bay về tổ cũ, mong tìm giấc ngủ bình yên. Tiếng kêu thảng thốt, lạc hồn nghe buồn thúi ruột...
Ðoàn tàu đang chầm chậm lướt qua cây "Cầu Duyên," đúng là cây... cầu ván đóng đinh đầu tiên. Rồi lần lượt sẽ đến cây "Cầu Nợ", "Cầu Vợ," "Cầu Chồng," "Cầu Cái," "Cầu Con"... những cây cầu không tên, bắc qua những con rạch đổ vào kinh Trèm Trẹm trong vùng Miệt Thứ, đã do nhân viên chiến đĩnh gọi như vậy ngõ hầu dễ dàng định vị trí. Riết rồi quen, mà chẳng biết tên thật của nó là gì. Thường thì tới khoảng "Cầu Vợ", "Cầu Chồng" thì sẽ có đụng lai rai, nhưng xuống tới "Cầu Cái" là mười lần như một, sẽ nổ lớn...
Chẳng cần nói đâu xa, chỉ mới trong tháng qua, đoàn tàu yểm trợ bộ binh tiến chiếm căn cứ hỏa lực Rạng Ðông của Việt Cộng đã bị tấn công dữ dội. Chẳng ai lạ gì về sự hiện diện của căn cứ hỏa lực này, kể cả các căn cứ hỏa lực Hòa Bình, Biện Nhị... nối tiếp theo, chỉ có điều là tất cả đều nằm trong vùng hầu như hoàn toàn do địch kiểm soát, nên khó tiêu diệt. Cơ sở đồn trú chắc chắn không khác gì những căn cứ hỏa lực của quân ta. Cũng hầm trú ẩn và giao thông hào. Có lẽ chỉ khác chăng là những ụ chứa súng kiên cố nằm phủ dưới tàn cây, bóng mát để khi bắn xong thì kéo súng vào trong, đề phòng phi cơ ta khám phá, bay đến oanh tạc.
Lần đó, kể ra, phải nói đúng là ba mặt giáp công. Có nghĩa là B 40, B 41 thụt từ hai bên bờ kinh và đạn súng cối từ trên trời rơi xuống. Lính biển tiếp cận chiến trường vùng này đều rành quá về thế đánh của Việt Cộng. Sát bờ thì có bọn du kích, đặc công chuyên sử dụng B 40, B 41 nằm trong những ụ núp kiên cố, đắp gần mấy bụi tre già hay gốc quau to, bên trên có thả mấy lớp dừa tròn nguyên cây, phủ đất. Mặt tiền làm sẵn lỗ châu mai giống những lỗ châu mai của các lô cốt đồn bót Nghĩa Quân, Ðịa Phương Quân. Xa bên trong một chút là những ụ súng máy, đại liên thường đặt trên những mô đất cao. Có khi liều mạng đặt cao hơn một chút ở các ngọn da, đọt dừa chẳng hạn. Rồi xa hơn nữa là những khẩu súng cối 82 ly, nằm sâu trong rừng rậm.
Các chiến đĩnh ta có điểm bất lợi là kẹt mấy hàng đáy, không làm sao chạy thênh thang giữa dòng được. Lỡ chạy gần kia mà rủi chân vịt cuốn lưới, cắt lưới nếu tàu không tắt máy thì rồi dân cũng thưa ra Tòa án Quân sự. Từ chết tới bị thương nếu dân chúng được đỡ đầu bởi mấy ông Cha chánh xứ họ đạo. Mà đi cạnh bờ thì kể như thí mạng cùi, hên xui may rủi vậy thôi. Việt Cộng chỉ cần căng sợi dây cáp ngầm là tàu ta cứ theo dây mà chạy thẳng vô bờ. Không có mìn đặt sẵn thì cũng bị phục kích, khó thoát. Còn bọn chúng muốn xài sang thì thả mìn nam châm tại chỗ, chìm ngầm trong nước cũng chẳng sai chạy đi đằng nào.
Kỳ vừa rồi thì cũng khoảng giữa "Cầu Cái" với "Cầu Con", Việt Cộng dồn hết lực lượng tấn công đoàn tàu. B40, B41 đâu mà nhiều quá, có chiếc trúng cả chục trái luôn, bốc cháy mù trời. Nhưng có chiếc nhờ giàn lưới chống B 40, B 41 nên đầu đạn dẫu có chui vào cũng còn kẹt cái đuôi, lửa đỏ xung quanh tàu mà bên trong không hề hấn gì. Tuy nhiên, lại có chiếc nổ tung, gãy làm đôi vì trúng mìn loại lớn. Ðạn súng cối rơi như mưa bấc, tưởng như phủ trùm hết đoạn kinh, không ngừng nghỉ. Những cột nước dâng cao đồng loạt tưởng chừng dưới mặt nước có nguyên bầy cá ông. Hết chiếc bên bờ này đến chiếc bên bờ kia, chiến đĩnh trúng đạn quay mòng mòng... Phải sử dụng phóng lựu dây, M 79 dây, thay cho đại liên, nhỏ xuống đầu bọn nằm trong ụ bắn B 40, B 41 làm sao cho bọn nó không ngóc đầu lên được mới mong cứu nổi mấy con cá bị thương. Ðó là phải nói trên trời đã có những chiếc A 37 thả bom napal lửa cháy ngợp trời, sức nổ tung cả bùn non lên tàu.
Ðến lúc hải quân ta ủi bãi càn quét thì mấy tên tử thủ B 40, B 41 cũng đã theo các địa đạo, giao thông hào đào hình chữ chi chạy tuốt vào trong sâu. Cũng chẳng phải dễ dàng thanh toán bọn này đâu, nếu chưa triệt hạ mấy khẩu súng máy, đại liên phía bên trong. Trước khi cắm mũi ủi bãi phải làm cỏ bọn đâm sau lưng này thì mới mong an toàn trên xa lộ khi đổ quân lên bờ. Thấy bọn nó rớt từ ngọn dừa, đọt da như sung rụng ấy vậy mà lâu lâu cũng còn bị vài tên lì lợm lảng vảng bắn sẻ AK 47, chát chát chát... Kết quả, đại khái, thì cũng vài tên bỏ mạng trong ụ bắn B 40, B 41 và hiển nhiên vũ khí đạn dược chưa sử dụng kịp bị tịch thu vô số kể...
Ngẫm nghĩ lại giữa cảnh bom đạn, chết chóc tình cảm con người dường như cũng phai lạt, chết dần chết mòn theo. Quen rồi với những cái xác vô hồn không toàn vẹn. Quen rồi với những bạn và địch đã nằm xuống, làm xong nhiệm vụ những người trai thời chiến. Tất cả rồi sẽ trở về với cát bụi, nơi đó không còn thù hận, yêu thương, phê phán, khen chê. Chiến tranh đã làm cho con người sống với những giây phút riêng tư, những suy nghĩ cá nhân trở nên bất chợt. Lúc mất lúc còn, chập chờn như những giấc mơ trong thế giới vô hình nào đó. Chẳng ai không có một mái ấm gia đình ở hậu phương. Chẳng ai không có ông bà, cha mẹ, bạn bè và người thân. Chẳng ai không có... một người yêu, một người tình. Tần nghĩ đến Phương Loan ở Mỹ Tho, cũng như Thắng nghĩ đến Hoàng Kim ở cư xá Lữ Gia hay Thành nghĩ đến Kim Oanh ở Cần Thơ với những trìu mến, dấu yêu.
Song, đó chỉ là bến chính. Lính thủy thường có nhiều bến đậu khác do hoàn cảnh đẩy đưa. Vì lần vừa rồi, đám cúng miểu Bà Chúa Chè bên kia sông, sông Cái Lớn, bỗng dưng có người tìm đến tàu đang ủi bãi nghỉ ngơi cạnh một bên miểu, thông báo:
- Mấy anh ơi, Bà Chúa đang nhập đồng kêu em ra đây thỉnh ông quan to vô cho bà hỏi việc...
Ðám nhân viên ngơ ngác quay lại nhìn Tần làm chàng rất đỗi ngạc nhiên. Tại sao... Bà biết "quan to" có mặt trên chiếc chiến đĩnh này Thêm một ngạc nhiên lớn nữa là cô em đến mời sao mà xinh ơi là xinh. Bộ đồ bà bà nâu, quần đen lèng xèng của dân quê không che giấu được vẽ diễm kiều, ngây thơ của cô gái miền bưng biền ruộng rẫy nhưng có nước da trắng mát. Tóc dài buông lửng chấm ngang vai ôm khuôn mặt trái soan bầu bĩnh. Ðường chân mày hình vòng cung tự nhiên đậm nét trên vầng trán thông minh. Sóng mũi thon gọn ngó xuống đôi môi chúm chím mọng đỏ như son. Tuy trong lòng vẫn dè dặt về vấn đề cán bộ đặc công Việt Cộng thường hay dò la móc nối các sĩ quan, Tần cũng lận khẩu Colt 45 dưới áo, bước lên bờ vờ hỏi:
- Chẳng hay cô nói thiệt hay nói chơi vậy
- Em nói thiệt mà. Bà linh lắm. Anh hên đó nên Bà mới để ý mà kêu lên gặp mặt...
Trời đất, hổng quen biết gì hết mà tự nhiên gọi anh xưng em ngọt lịm. Còn kèm theo nụ cười duyên dáng, ngây ngô lộ hàm răng trắng đều như bắp. Tần hỏi tới:
- Cô tên gì
- Dạ, em tên Bé Tư...
- Nhà em ở đâu
Cô gái đưa tay chỉ về phía vườn ruộng xa xa:
- Dạ, ở phía đằng kia kìa, gần xóm đáy... Thôi, anh theo em đi lại đằng miểu lẹ lẹ lên đi, để Bà chờ lâu quá Bà quở...
Chua choa, con nhỏ ăn nói có duyên ớn. Lại còn cái liếc xéo cộng thêm cái bộ điệu lẩy đương, ngúng ngoa ngúng nguẩy sao mà dễ thương lạ. Chẳng đặng đừng, Tần nối bước theo Bé Tư về nơi làm lễ cúng miểu. Bà phán, đại để,... cuộc đời cậu đi làm ăn xa có quới nhơn phù hộ cho nên sẽ được an toàn rời khỏi nơi đây sáu bảy tháng sau, tự thân nên làm lành lánh dữ thì Bà sẽ độ cho... Bà độ đâu chưa biết vì là chuyện tương lai, nhưng chuyện trước mắt là từ buổi chiều hôm đó Tần đâm ra tương tư con Bé Tư dễ nhìn, dễ mến kia. Chàng thường xuyên kiếm cớ cho tàu ghé lại một bên miểu để hy vọng được gặp lại người đẹp một lần. Thật bất chợt như lần đầu. Nhưng, đã bao nhiêu lần rồi mà vẫn... bóng chim tăm cá, bằn bặt âm hao. Khuôn viên Miểu Bà trong những ngày không lễ lộc có vẻ hoang vắng, âm u, hiu hắt buồn. Và, duy nhất chỉ một lần, chàng bạo gan lẵng lặng dẫn thân đến miểu đốt nhang khấn vái. Thật ra, không phải nhờ Bà ra oai cho gặp... người tình nhỏ yêu dấu một chiều, mà âm thầm cầu nguyện Bà phò hộ chàng tai qua nạn khỏi, sớm rời bỏ vùng đất nặc mùi thuốc súng, âm thịnh dương suy này.
Chuyện tin vào dị đoan tướng số của các nhà lãnh đạo, tướng tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không phải là không có. Cũng không phải là chuyện luận bàn trong lúc trà dư tửu hậu. Ngay cả Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có các thầy tướng số, phong thủy, địa trạch riêng. Ðối với Hải Quân, những vị Tư lệnh Vùng cũng không thoát khỏi những thông lệ này. Nhiều khi chỉ là đổi một trạm gác từ bên này sang bên kia hay gỡ bảng hiệu Bộ Tư Lệnh cất đi.
Chẳng cần nhìn đâu xa, ngay trước mắt Tần, những lệnh lạc của các Chỉ huy trưởng Chấm của Lực lượng đặc nhiệm Thủy Bộ tại vùng cũng đầy huyền thoại. Bộ chỉ huy Chấm Một, thường viết gọn là đơn vị 211.1, đồn trú tại căn cứ Xẻo Rô. Chỉ huy trưởng tiền nhiệm họ Nồng, có thể đọc trại từ chữ Nùng, hậu duệ của Nùng Trí Cao cũng nên! Ông này sợ rắn! Lệnh ban ra cho nhân viên là ai giết một con rắn thì bị 8 trọng cấm! Chỉ huy trưởng đương nhiệm họ Bửu, thuộc dòng dõi hoàng tộc. Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh, như vậy là một trong những ông chú của vua Bảo Ðại, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông này lại kỵ rít. Lệnh ban hành cho nhân viên cũng không khác gì mấy, ai giết một con rít thì lãnh 8 củ. Mà cái xứ rừng rú U Minh này kể cũng lạ đời, rắn rít đâu mà nhiều quá. Ngồi đánh domino quanh chiếc bàn con hay khòm lưng lẩn quẩn quanh bàn bi-da, thỉnh thoảng dòm xuống chân hay ngó xéo trên kèo nhà lại thấy rít đỏ, rắn đen thong dong lui tới. Lính tàu đánh giặc thâm niên thì Việt Cộng còn không sợ huống hồ gì sợ rắn với rít. Chỉ mỗi mình chỉ huy trưởng sợ thôi mới là quái dị. Mà không sợ cũng không được, vì mỗi khi mấy ổng thấy rắn hay rít bị giết thì lúc đêm về, mười lần như một, căn cứ bị Việt Cộng pháo kích. Bởi vậy cho nên, kể cũng là một lý do chính đáng để tin vào tướng số dị đoan, Tần nghĩ.
Lại chuyện gần đây hơn nữa, chỉ mấy ngày qua thôi, tuồng như có điềm lạ, Tần than thầm. Ðêm nào cũng vậy, cứ nghe chim cú kêu mãi. Ðám thủy thủ canh gác thỉnh thoảng rẹt một tràng M 16 xua đuổi nó đi, hoặc có đứa nóng lòng bắn luôn cả phóng lựu M 79 định giết tại chỗ mà rốt cuộc chẳng làm nên trò trống gì. Cứ bay đi đâu đó một hồi rồi thì cũng bay trở lại. Ðến nỗi Trung sĩ nhứt Tám, Trần Văn Tám, thuyền trưởng chiếc Tango báo cáo:
- Chỉ huy phó có để ý gì hông Vòng vòng đây có con chim cú bắn hoài hổng chết, tui nghi quá... chỉ huy phó!
Tần cũng nghi lắm nhưng phải trấn an binh sĩ thuộc quyền:
- Mấy anh ra trận mà còn bày đặt tin dị đoan nữa hả Chỗ nào lại không có chim cú
Tám từ tốn:
- Ðành rằng chỗ nào cũng có chim cú, nhưng ít khi nó kêu ròng rã mấy ngày liền. Mà hình như nó chỉ muốn kêu ngay trước mũi tàu của mình mới là lạ...
Cái thằng làm Tần thêm lo. Ông chỉ huy trưởng mới đổi về, tên Thuận trên Tần 4 khóa, nhát như cáy. Ngay cả chuyện luân phiên đi hành quân, tuần tiễu ổng cũng lựa những chỗ không ngặt lắm mà giành đi. Viện cớ cần thời gian học hỏi, kinh nghiệm chiến trường. Nhưng, theo Tần nghĩ, có lẽ tướng của ổng là tướng sát quân. Lần nào đi cũng đụng, nhân viên lớp chết lớp bị thương, chẳng khi nào không tì vết, sứt mẻ. Số của Tần thì có phần ngược lại, đi vào những chỗ phải nói toàn là hiểm địa, nhưng dẫu có đụng đi nữa cũng chẳng hề hấn gì. Bảo toàn lực lượng, nhứt là mạng sống đoàn viên.
Tuy nhiên, đi đêm sợ có ngày gặp ma. Chẳng lẽ đến phiên mình nên con chim cú ngầm báo trước. Lại đúng phiên chỉ huy trưởng ở nhà. Cuộc hành quân phối họp giữa hai Giang đoàn 70 và 71 Thủy Bộ, mỗi Giang đoàn đưa đi gần một nửa quân số, chiến đĩnh yểm trợ bộ binh tiến chiếm căn cứ hỏa lực Rạng Ðông của Việt Cộng lần thứ hai. Bên Quân Vận cũng biệt phái một chiếc LCU chở quân dụng, đạn dược...
Cố xua đuổi những ý nghĩ chết chóc trong đầu, Tần buột miệng nạt vội đàn em:
- Mạng thằng nào cũng một viên đạn thôi, sao mà anh lo quá...
Lại một câu nói chót lưỡi đầu môi của mọi người, không riêng gì đoàn viên binh sĩ mà luôn cả những sĩ quan Thủy Bộ. Cái kết luận không phải bi quan mà là thực tế không khác gì nhau của những ai đang tham dự những cuộc hành quân kéo dài hầu như vô hạn định. Nhiều lúc Tần cảm nhận được những gian truân khổ ải của nhân viên thuộc quyền là có thật. Cuộc sống bấp bênh, trôi nổi, bềnh bồng, không biết chuyện gì sẽ xảy đến ở ngày mai. Ðêm ngày ăn ngủ không yên. Ðang mơ mơ màng màng chợp mắt thì một quả MK 3 chống đặc công nổ tung... ầm, làm tỉnh giấc. Không kể những tràng M 16 của lính gác tác xạ vào những điểm nghi ngờ. Rốt cuộc rồi quan cũng như lính không ai dám ngủ dưới hầm tàu, phải giăng mùng ngủ trên boong, trên sàn dã chiến, gần mấy ụ súng. Một khi đã từng chứng kiến những cái xác chết thê thảm không toàn thây vì sức mìn tống bẹp dí lên trần. Ðêm về còn đỡ đỡ, ban ngày thì nóng như điên trong chiếc hộp bằng sắt thép. Thèm một mái tranh trong tàng cây bóng mát giữa trưa hè.
Chuyện ăn uống cũng kham khổ không kém. Ngoài lương khô thịt hộp Ration C ăn cầm chừng tiền lính nào đã đủ đâu vào đâu. Mười mấy ngàn một tháng cho lương thủy thủ mà một tô phở đã năm bảy trăm rồi. Không đủ tiền ăn phở mỗi sáng thì tìm đâu ra tiền để gởi về nuôi vợ con, đối với những người có gia đình ở hậu phương. Nhiều lúc chỉ là mắm tôm cà pháo với dĩa rau muống luộc hay là một bát canh tập tàng với đủ thứ rau hái vội trên bờ với một mớ tép rang. Tần vẫn ăn chung với nhân viên chiến đĩnh, tàu này sang tàu khác. Như một thông lệ bất thành văn, hễ có mặt chỉ huy phó thì tổng khậu trên tàu mang thêm đũa, chén vậy thôi. Trong hoàn cảnh chật vật đó, cũng như tất cả sĩ quan khác, Tần không bao giờ đòi hỏi món ngon vật lạ. Họa hoằn những lần tổ đãi như cuối tuần vừa rồi. Chẳng biết Tám và nhân viên tùng đĩnh đã đào đâu đó ven bờ hai hang chuột, bắt về hơn những 50 con. Ông bà cha mẹ nội ngoại con cái cháu chắt gì gì chắc đều bị bắt hết, quay chảo hết. Riêng cho Tần hai con vàng lườm và xị rượu đế đã là một bữa tiệc lý tưởng có một không hai trong đời binh nghiệp.
Chính trong cảnh đói, khổ đó mà tính mạng lại cầm bằng như cỏ rác... mạng thằng nào cũng một viên đạn thôi... như Tần vừa nói, cho nên chuyện nhân viên bỏ tàu, đào ngũ cũng là chuyện thường tình. Nhiều chiến đĩnh, cấp số 5, 6 nhân viên chỉ còn 2, 3 đứa. Thủy Bộ là một, Ngăn Chận là hai, tận cùng bằng số bị đì của Hải Quân thì còn đày đi đâu được nữa. Thủy Bộ đi trước, Ngăn Chận đi sau, số phần như nhau, thằng nào cũng xí lắc léo..., câu nói đã trở thành câu đồng dao. Có lẽ chính vì vậy mà để cứu vãn tình thế, Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ, Ðô Ðốc Hoàng Cơ Minh, đã ra lệnh... hễ ai đi hành quân liên tục trong vòng một tháng thì sẽ được một tuần lễ và hai ngày đường đi bờ... Kể cũng đỡ cho căn phần hẩm hiu ăn gởi ở nhờ nơi rừng rú...
Mặt trời đã lên cao. Bầu trời xanh ngăn ngắt không một gợn mây. Màn sương tan loãng đi nhường lại cái phong cảnh thường nhật hằng ngày, tưởng chừng như rất quen thuộc ngay cả với những kẻ mới tới, sống tạm một vài tuần. Bóng nắng che khuất bởi hàng lau lách, cỏ dại ven bờ cũng thu nhỏ lại. Cơn gió nhẹ thoảng qua, cành lá lao xao lấp lánh. Thỉnh thoảng hiện ra một bến ghe trống trải, không người. Chiếc xuồng con động đậy, nhấp nhô theo sóng gợn lăn tăn.
Nhân viên chiến đĩnh đã cẩn thận mặc áo giáp nón sắt, càng súng bên vai ngay từ phút đầu. Nhiệm sở tác chiến. Ðoàn tàu gần 20 chiếc như đang lừng lững tiến vào chỗ vườn không, nhà trống. Ðã vượt qua cả "Cầu Cái" lẫn "Cầu Con" mà chẳng cần tốn một viên đạn. Hai bên bờ có vẻ im lìm lặng lẽ quá, không một ai qua lại chợ búa như mọi khi. Kể cả đám trẻ con cũng không chạy nhảy rong chơi quanh quẩn bên những căn nhà mái tranh, vách đất. Trong thanh vắng, hoang vu chỉ còn nghe tiếng máy tàu rì rầm, ru ngủ lúc xa lúc gần...
Bỗng dưng... ầm, một tiếng nổ long trời lở đất. Cột nước tóe lên, dâng cao hơn nóc tàu và sức ép dường như muốn đẩy các chiến đĩnh đang lềnh bềnh dội ngược lại. Chiếc LCU to lớn dềnh dàng, chở đầy quân trang quân dụng cho bộ binh bốc lửa, từ từ chìm xuống dòng phù sa. Còn thấy một vài nhân viên sống sót nhanh nhẹn phóng mình xuống nước. Trái mìn lớn quá. Súng nhỏ súng lớn tức thời nổ râm rang, tứ phía.
Hai mặt phản công. Mấy chiếc chạy trước quành lại, mấy chiếc sau trườn tới. Bắn xả vào hai bên bờ. Ðạn M 16 súng cá nhân hòa trộn với tiếng đạn đại liên 30, đại liên M 60, đuôi-sết 12.7 như một bản nhạc hùng viết toàn các nốt cao. Lửa đạn túa vào mảng rừng tràm thưa như pháo bông. Ðạn M 79, bùng bùng bùng... điểm thêm những nốt nhạc trầm. Nhưng không bằng những quả đại bác 40 ly, cà-nông Bô-phô đơn, khạc ra đều đều từ mấy chiếc Monitor. Những cây pháo đại đang bứng gốc các ổ du kích, đặc công cố tử thủ hai bên bờ... Vậy mà B 40, B 41 vẫn tiếp tục phóng ra chí chóe. Có trái bắn trật tàu, bay thẳng sang bờ bên kia, ầm..., gậy ông đập lưng con. Bọn này kể cũng gan lì thiệt...
Ầm..., ầm..., ầm... liên tiếp mấy quả B 40, B 41 xối xả, trực xạ vào chiếc Tango bên kia bờ phải. Một trong những trái đó trúng ngay hầm máy, bốc cháy đỏ rực. Chiến đĩnh khựng lại, bất khiển dụng, chết máy tại chỗ. Một nhân viên chiến đĩnh bị hất bổng lên không, rơi tòm xuống nước, chìm ngủm. Tàu trôi theo sức nước, ẹo qua ẹo lại như nhảy Tango, rồi tấp vô cột đóng đáy. Nằm im không nhúc nhích. Nhân viên lái tàu nằm ngoẽo một bên lồng cu không cục cựa, chẳng biết đã bị trúng đạn chết tại chỗ rồi hay chỉ bất tỉnh nhân sự trong giây lát. Việt Cộng cũng ngưng bắn vào tàu, hầu như không muốn phí đạn vào một xác tàu ma. Nhưng, bất thình lình, hừm... một cuộn khói đen xịt ra từ sau lái, xác tàu ma đã sống trở lại, đang lùi ra giữa dòng. Như vậy, còn một nhân viên sống sót trong hầm máy và đang đứng dưới sàn chồm lên quay tay lái. Một loạt AK 47 trả lời nhắm vào hình người đang ngoẽo trên lồng cu mà Việt Cộng đoan chắc là người điều khiển con tàu, máu tươi bắn ra tung tóe khắp khung thành. Càng lấy làm lạ hơn là, xuất phát từ phía trước mũi, những trái M 79 bắn cầu vồng thay súng cối 81 ly lại bắt đầu nhả ra, bung bung bung... Tức khắc, một loạt B 40, B 41 đáp lời... Con tàu lắc lư, run run, khựng khựng mấy cái rồi tà tà ủi thẳng vào bờ... Biết nhân viên của mình tối thiểu cũng có hai đứa còn sống sót, Tần hét vang trong máy vô tuyến:
- Mười hai, Mười hai... đây Mười trả lời...
- Mười hai, Mười hai... đây Mười trả lời...
Sau vài lần... đầu kia vẫn giữ im lặng vô tuyến...
Tần la phóng đại:
- Mười Hai, Mười Hai... anh rút ra, nghe rõ trả lời... Mười sẽ tới cứu anh... Mười sẽ bắn yểm trợ cho anh rút ra, nghe rõ trả lời...
Chẳng nghe thằng Mười Hai trả lời trả vốn gì hết, có lẽ nhân viên vô tuyến bị thương hay chết rồi, nên Tần ra lệnh cho chiếc Monitor của mình tiến tới, tập trung hỏa lực vào các ổ B 40, B 41 ven bờ. Trước khi bọn đặc công nhảy lên tàu, nhảy lên chiếc Tango, dùng làm bàn đạp tấn công mấy chiếc khác. May thay, Tần còn thấy rõ ràng từng trái lựu đạn ném tay được thảy ra sát bờ kinh từ phía sát mũi của chiếc Tango. Ầm, ầm, ầm... cây lá rạt một bên lòi ra lỗ châu mai, đang tua tủa nhả đạn về phía tàu. Tiếng chạm vào sắt thép vỏ thành tàu nghe... keng, chéo, chéo... Một quả Bô-pho bắn thẳng vào lỗ châu mai... đùng, lửa đỏ ngập tràn phía bên trong, đụn khói đen bốc lên hình tai nấm. Tiếng súng nhỏ AK 47 im bặt. Tiếng B 40, B 41 im bặt. Chỉ còn súng cối từ xa thỉnh thoảng bay tới. Và, trong giây lát, tình hình có phần lắng dịu trở lại...
Chiếc Monitor của Tần từ từ cắm mũi cạnh chiếc Tango, chàng nhảy lên tàu chăm sóc nhân viên. Trời, xác thằng Hạnh, thằng Bang, thằng Vàng, thằng Mai "tứ quí" bê bết máu trên sàn, hầm máy trong tư thế thật là thảm thương, chân tay co quắp, cong queo mà còn bị cháy xém một bên. Tần rưng rưng buông tiếng thở dài, nén xuống nỗi đau đớn khi vuốt mắt những thằng em thân tình, những đồng đội một thời từng sống vui, sống khổ cùng nhau. Lần về phía trước, rất ngạc nhiên khi thấy thằng Tám, Trung sĩ nhứt Tám, máu me đầy người... đang run run cầm quả lựu đạn đã rút chốt, Tần lên tiếng:
- Tám, mầy bị thương rồi hả Tám... Chỗ nào mà máu me tùm la tùm lum vậy...
Tám đóng chốt trái lựu đạn, mừng rỡ:
- Chỉ huy phó ơi, rát quá ông thầy ơi...
Cứ sợ Tám sẽ hận mình bỗng nhiên nhảy qua chiếc Monitor sáng nay thay vì đi chiếc Tango của nó như thường lệ, hừm... cũng tại nó bàn cái chuyện chim cú kêu hoài qua đêm, nhưng không... trong tiếng kêu mệt mỏi đó còn những thân thương dành cho Tần như mọi ngày! Nhưng, lạ quá, tại sao hộp cấp cứu cá nhân lại đổ tung tóe dưới sàn tàu Vải băng lại quấn đầy mình Tám Tần hỏi:
- Ai băng bó cho mầy vậy
Tám un dung trả lời trong khi Tần cầm tay đỡ đứng dậy:
- Tui băng mình ên, chỉ huy phó. Tui xịt luôn chai thuốc đỏ, trùng chỗ nào hay chỗ đó...
Vỡ lẽ, Tần cười:
- Như vậy chắc mầy bị miểng B 40 thôi. Có đau chỗ nào không
- Thấy rát rát trước ngực đây, chỉ huy phó...
Tần ôm Tám:
- Giỏi... Tao gắn lon Thượng sĩ tại mặt trận cho mầy...
Chiếc Zippo, mệnh danh là tàu phóng thủy hỏa, tàu xịt lửa xịt nước, đã vào vị trí. Mục tiêu là cánh rừng tràm, đước ven bờ trước mặt. Cạnh mấy bụi tre gai thật lớn. Mấy chục thùng xăng đặc đã khui ra trộn với xăng lỏng và máy bơm xăng bắt đầu chạy. Vòi lửa xịt xa hằng cả trăm thước. Ðốt rừng. Ðốt hết cho lòi ra mặt chuột Việt Cộng. Lá tràm dễ bắt lửa, thân tràm đầy nhựa bùng lên từng hồi, lan nhanh ra trong chớp mắt. Chẳng bao lâu, đám cháy đã lớn hằng cây số vuông. Biển lửa. Khói đen bốc lên ngợp cả vòm trời. Lần hồi, lòi ra cả căn cứ địa của địch nằm trong phía sâu. Mèn ơi, căn cứ hỏa lực Rạng Ðông nằm đây mà nẵm nay chẳng ai hay biết. Thành lũy bề thế, chắc chắn tưởng không thua gì các căn cứ Charlie, Delta của mình...
Tiếng máy liên lạc phối họp giữa bộ binh, không quân và hải quân còn nghe rõ mồn một trên máy PRC 25 của các chiến đĩnh... Chẳng bao lâu, các chiến đấu cơ đủ loại F 5, A 37, Skyraider có mặt trên không phận ven kinh Trèm Trẹm. Bom thả trong sâu, rồi trong sâu nữa giữa cánh rừng tràm mênh mông. Ầm, ầm, ầm... nơi này, phía kia. Những đốm lửa hồng tươi, những cuộn khói bốc lên cao như diều lên gió. Nhằm chận đường rút lui, chém vè của địch Lại thấy đạn phòng không túa lên như pháo Tết. Từng đợt từng đợt lấy lệ rồi cũng tắt ngủm... Xong, kể từ nay những khẩu 122 ly, 130 ly sẽ không còn cơ hội hoạt động, sử dụng nữa. Nếu không tháo gỡ mang đi thì cũng bị hủy diệt hay tịch thu. Các quận lỵ quanh vùng như Kiên An, Kiên Hưng, Thới Bình... không còn xảy ra những cảnh hãi hùng vì pháo kích mỗi chiều về hay mỗi đêm khuya.
Tiếp đến, trực thăng ào ào đổ tới. Tiếng đạn dây... hừm hừm hừm như cọp rống nghe biết đã. Trực thăng vận, đổ quân. Cả tiểu đoàn luôn thuộc Trung đoàn 32, Sư đoàn 21. Sẽ làm thịt bọn Pháo Cộng cho sạch cỏ phen này. Khỏi cần dọn bãi, bảo vệ bãi. Gì chớ trực thăng đổ quân thì dễ dàng thôi, cứ nhắm những lỗ trống do bom nặng cân tạo thành mà từ từ hạ xuống thấp là xà mật đất, không cần phải đáp. Gì chớ nhảy trực thăng thì hầu như lính bộ binh cũng đã được huấn luyện nhuần nhuyễn rồi.
Lo thu dọn chiến trường thôi. Xác của các đoàn viên, thủy thủ đã hy sinh đền nợ nước cùng những thương binh nặng cũng như nhẹ đã được lần lượt cấp tốc chuyển sang chiếc Alpha, loại tàu nhỏ tương đối có vận tốc nhanh, để đưa về lại căn cứ Xẻo Rô, bộ chỉ huy Chấm Một. Nghĩ đến cảnh rên la trong bệnh xá vì mổ xẻ cấp thời, thiếu phương tiện dụng cụ, cũng như một vài ngày sau tiếng khóc than của người thân đến nhận xác chồng, xác con sao mà thảm não...
Hoàn tất nhiệm vụ giao phó xong xuôi đâu đó, Tám mò đến bên Tần, giọng buồn buồn:
- Rồi sao chỉ huy phó, mình ăn ngủ, đóng đô tại đây cho đến khi có lệnh mới hả
Ðang theo dõi đám lính của mình đang nhảy lên thanh toán mấy thằng đặc công bắn B 40, B 41 còn sót lại, Tần chẳng cần quay nhìn gương mặt bí xị của Tám bâng quơ trả lời:
- Ừa, mình nằm đây án ngữ, coi bộ binh đánh giặc. Mấy thằng Vẹm cùng đường ngu ngốc có chạy về phía nầy thì mình tóm cổ nó luôn.
Tám lo bổn phận:
- Vậy thôi để thằng em lục lọi coi có gì ăn được thì ăn dằn bụng, chỉ huy phó. Ðã trưa trờ trưa trật rồi...
Cởi nón sắt máng lên càng súng Bô-pho, Tần moi gói Cool trong túi, rút ra một điếu châm lửa hút, kéo một hơi dài nhả khói như khói tàu. Kiểm điểm lại thì ngoài chiếc LCU của Quân Vận chìm tại chỗ, Giang đoàn 70 Thủy Bộ hai chiếc chìm, Giang đoàn 71 Thủy Bộ một chiếc chìm một chiếc cháy. Ðược coi như là những tổn thất nhỏ cho một chiến thắng lớn. Rồi, sẽ có công việc làm cho các tàu trục vớt với các toán người nhái. Dưới sự hộ tống, yểm trợ của các Giang đoàn 42, 43 Ngăn Chận...
Xa hơn nữa, những ngày sắp tới thì sẽ ra sao đây, Tần bâng khuâng nghĩ ngợi. Lại tiến chiếm các căn cứ hỏa lực Hòa Bình, Biện Nhị... Liệu Bà Chúa Chè có còn độ cho chàng như lần này không Mà sáu tháng hơn đã trôi qua rồi, sao lời tiên tri của Bà chưa chịu linh ứng Chàng vẫn tu thân, làm lành lánh dữ kia mà... chẳng lẽ bắt chàng mỏi gối chồn chân nơi đây mãi
Bất chợt, Tần nhớ thương hình bóng Bé Tư quá đỗi. Người đã đem đến cho chàng một ước mơ vô vọng nhưng thêm vào đó một niềm tin để cuộc sống hưng phế thăng trầm trong thời buổi chiến chinh này có ý nghĩa. Ðẹp đẽ, hiền lành, thùy mị, duyên dáng. Có phải Bé Tư chính là hiện thân của nàng Công chúa Chè thời Gia Long tẩu quốc Có lẽ nàng không cho chàng gặp lại để chàng còn bình thản lúc ra đi Vì, gặp lại, biết đâu nặng nợ mà chàng phải chọn nơi này làm quê hương thứ hai Thôi thì, cứ hãy để chàng ra đi nhưng lòng vẫn nhớ, như những vần thơ nhởn nhơ xuất hiện trong đầu. Chàng xé giấy thuốc viết vội:
Phù sa Trèm Trẹm đôi bờ
Ra đi có kẻ đợi chờ dáng ai
Hương tràm hẳn khác hương lài
Ðường trường xa vẫn miệt mài vó câu
Phù sa Trèm Trẹm về đâu
Ra đi có kẻ nhớ màu mắt trong
Tàu lui, đời vẫn xuôi dòng
Mấy ai hiểu được cõi lòng ly tan
Phù sa Trèm Trẹm đôi đàng
Người đi kẻ ở muôn vàn đắng cay
Trèm Trẹm nước chảy chẳng hai
Mai về xứ Mỹ nhớ hoài người thương...
Tiếng súng... bộ binh đánh giặc vẫn ì đùng từ xa vọng lại. Trong khu rừng tràm ngút ngàn, hoang vắng...
***
Ê Thắng, mầy đâu có ngờ rằng trên đời nầy có nhiều chuyện khó tin nhưng mà có thật hả Chính tao, tao còn sững sờ, chưng hững thì nói gì đến mầy. Vì sau trận thư hùng với Việt Cộng đó, trời bất dung gian đảng, tao được đổi về Sài Gòn học khóa Tham Mưu trung cấp đó mầy. Cầm công điện đọc mà tay tao bắt run...
y da, nói mầy đừng cười, lúc đụng trận say mùi thuốc súng mình làm gan theo phản xạ tự nhiên giành quyền sống, đứng sổng lưng chỉ huy, đạn có con mắt nó tránh mình... chớ thật ra thằng nào mà hổng sợ chết Phật còn nói, không riêng gì con người, con nào ngo ngoe được đều sợ chết, kể cả những con vi trùng mà mậy... Thì ra Bà Chúa Chè đã độ tao và đã tiên tri số phần tao rất đúng mầy ơi. Ông chỉ huy trưởng tao còn muốn dụ dỗ... anh ở lại đây đi, tôi đề nghị anh lên nắm chỉ huy trưởng... Thôi, tao xin bái bai...
Ừa, mà rốt cuộc rồi... tao không được gặp con Bé Tư lần cuối mới là khổ đời đó chớ. Ôi, một lần chạm mặt nhau mà một đời tiếc nuối thương đau... Ý da, mầy đừng nói chuyện tao nhớ thương Bé Tư là xạo nghen Thắng, tao rành mầy quá và biết rõ là mầy đang nghĩ gì, hì hì... có thật đó mầy ơi...
Thắng nè, mầy thấy tao viết được hông mậy. Bài này gởi về báo Lướt Sóng thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân của mình là Ban Biên Tập chọn đăng liền đó mầy. Mèo khen mèo dài đuôi một chút nghen...
Thôi, cuối thư chúc mầy gặp nhiều điều may mắn, vạn sự như ý... Hẹn gặp lại mầy một ngày rất gần...
Bạn mầy,
Tần.
Nguyễn tấn Hưng