Sông Thu Bồn, từ nguồn đổ về đến làng Giao Thủy, rẽ ra làm hai nhánh, một dòng về Kỳ Lam, một dòng về Kiểm Lâm, La Tháp (quê hương Bùi Giáng), tạo ra một vùng gò nổi hình cái thoi, bắt đầu từ làng La Kham đến chót dải đất là làng Hà Mật. Từ đó hai dòng sông nhập chung lại, chảy về cửa Đợi, qua thành phố Hội An, tỉnh lỵ Quảng Nam.
Vùng đất hình thoi này xưa kia dân chúng gọi là Gò Nổi, thuộc quận Điện Bàn. Đến năm 1953, tòa hành chánh tỉnh Quảng Nam lập ra khu hành chánh, ông Phan Vỹ là khu trưởng, đặt tên vùng gò nổi này là khu Phù Kỳ, và địa danh ấy vẫn giữ nguyên đến bây giờ.
Dân số Phù Kỳ khoảng chừng hai chục ngàn, sản sinh ra nhiều nhà cách mạng, văn hóa và khoa bảng.
Từ làng La Kham, một con đường đất rộng xuyên qua các làng Bảo An, Xuân Đài, Đông Bàn, Bàn Lãnh, Cẩm Lậu, Phú Bông, Thi Lai, An Trường và Hà Mật, dân chúng trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, dệt vải. Một số ít trồng mía làm đường ở Bảo An. Thuở ấy, Phù Kỳ còn sản xuất một loại tơ may âu phục nổi tiếng trong nước là hàng tít-so bằng tơ tằm sợi lớn, càng cũ càng sáng nước ra, thanh niên Tây học ai cũng yêu thích. Khoảng thập niên 30, dân Nam Kỳ lục tỉnh ăn mặc đơn giản, đa số dùng lãnh đen hay lãnh Mỹ a, nhuộm mặc nưa. Loại lãnh này dệt bằng tơ tằm ở hai quận Duy Xuyên và Điện Bàn mà khu Phù Kỳ là đông dân làm nghề dệt hơn cả. Tuy là nơi sản xuất, nhưng loại hàng này dệt ra không dùng ngay được mà phải đưa vào Hốc Môn, Tân Châu nhuộm, xong mới tung ra thị trường tiêu thụ là lục tỉnh Nam Kỳ, sau đó là Nam Vang, Cao Miên. Nhờ vào nguồn tiêu thụ rộng lớn đó, dân Phù Kỳ làm ăn phát đạt, giàu có và ngành dệt phồn thịnh nhất Quảng Nam. Năm 1940, đã có nhiều nhà cất theo kiểu Tây, ở Thi Lai, ông Võ Dẫn sầm xe Traction 11.
Nguyên do khiến tiểu công nghệ dệt phát triển là một sự việc khá lý thú. Trước kia dân chúng dệt lụa bằng tay, chân đạp, tay phóng thoi; ba hay bốn ngày mới được một cây lụa hai mươi thước. Đến khoảng năm 1927, một người Pháp muốn kinh doanh ngành dệt, mua một máy dệt bằng sắt, chở đến Hội An, nhưng vì nhiều lý do phức tạp đã không dùng được. Tình cờ ông Võ Dẫn (tức Cửu Diễn) xuống Hội An chơi, thấy cái khung dệt này. Tuy xuất thân chỉ là thợ dệt, học hành chẳng bao nhiêu, nhưng ông rất thông minh, chỉ nhìn qua khung dệt một lần, về nhà ông lấy gỗ mít đóng một khung cửi hoạt động tương tự như cái khung cửi sắt đó. Ông phối hợp cả gốc tre (làm tay đánh cái thoi), quai guốc da bò, niềng thép. Thay vì máy sắt chạy bằng điện, ông chế ra đạp bằng chân. Dệt tay mất ba, bốn ngày mới được một cây lụa, dệt đạp bằng chân chỉ tốn có một ngày. Làm thành công, sợ người bắt chước, ông lấy thùng thiếc đựng dầu hôi, cắt từng tấm đóng kín khung dệt, chỉ chừa những bộ phận không thể che dậy được. Thế mà có ông thợ mộc Nguyễn Thống, chuyên đóng khung dệt bán cho bà con, đến xem, và chỉ kê tai nghe tiếng máy chạy đều, vài tháng sau ông đã sản xuất ra hàng loạt khung dệt để bán. Từ đó tiểu công nghệ dệt phát triển nhanh chóng, đến nỗi tơ tằm địa phương sản xuất không đủ cung cấp cho khung dệt, phải ra Bắc vào Nam mua thêm tơ sợi.
Thời gian các ông Võ Dẫn và Nguyễn Thống sáng chế ra cái trục quì để dệt hàng cẩm tự (ô vuông âm dương) và hàng có bông nổi, Phù Kỳ rất trù phú, tuy vùng quê nhưng nhà ngói nhiều hơn nhà tranh; Đà Nẵng, Hội An tuy thành thị cũng không bằng được!
Đến năm 1945, chiến tranh bùng nổ, nhà cháy, dân chúng phải tản cư, khung cửi tan tành. Một số chạy vào Sài Gòn, ngụ cư tại vùng Ngã Tư Bảy Hiền, dựng lại nghề dệt. Lúc bay giờ Ngã Tư Bảy Hiền còn là một vũng sình, lần hồi dân Phù Kỳ tập họp lại khá đông. Có thể nói, Ngã Tư Bảy Hiền là khu Phù Kỳ thứ hai vậy.
Trên cuộc đất gò nổi Phù Kỳ này, nhiều anh tài lỗi lạc đã được sản sinh. Làng Bảo An, có cụ Phan Khôi, một nhà báo nổi danh cương trực và cũng là tác giả bài thơ mới nổi tiếng: Tình Già. Năm 1946 ở Bảo An, khi con trai cụ là Phan Thao ra ứng cử dân biểu khóa I của Việt Minh, cụ lên diễn đàn tại trường tiểu học Bảo An nói với đồng bào rằng: “Thằng Thao là con tui, tui biết nó hơn đồng bào. Nó là đứa con bất hiếu thì làm sao nó tận trung với đồng bào được!” Cụ đi luôn ra Vĩnh Điện để chửi Phan Thao và Lê Thị Xuyến (vợ Phan Thanh, em dâu của cụ). Hồ Chí Minh bèn sai Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam, em thúc bá với cụ) vào Quảng Nam mời cụ ra Bắc và giữ luôn không cho về.
Phan Thanh cũng ở Bảo An, là nghị viên Hà Nội, nổi tiếng hùng biện, bênh vực dân quyền, chống thực dân nên bị đầu độc chết rất trẻ. Đám tang ông ta rất lớn, thanh niên đương thời ai cũng tiếc thương.
Xuống làng Xuân Đài, chúng ta có anh hùng Hoàng Diệu, trấn thủ Thăng Long, và đã tuẫn
tiết khi mất thành. Lần theo con đường đất đến làng Đông Bàn, là nơi sinh trưởng của cụ Thượng Phạm Phú Thứ, nội tổ hoa tiêu anh hùng Phạm Phú Quốc. Đến làng Phú Bông có gia đình bà Tú Kinh, ông Tú mất sớm, để lại năm người con trai. Con cả là ông Trương Xuân Mai làm thượng thư, hai ông kế: Trương Xuân Ngô và Trương Xuân Thọ, đỗ bác sĩ y khoa tại Pháp, ông Trương Xuân Nam là dược Sĩ. Làng Hà Mật cũng có hai ông bác sĩ nữa. Trong một vùng gò nổi, so với tỉ lệ dân số không bao nhiêu mà có nhiều người đỗ đạt thành danh như vậy, Phù Kỳ quả là vùng địa linh nhân kiệt.
Khi còn đi học ở trường Bảo An, tôi được nghe kể về nhà cách mạng bị bỏ quên là cụ Phan Thành Tài.
Hưởng ứng phong trào Cần Vương, cụ cùng các cụ Nguyễn Thành, Nguyễn Huy Hiệu, Trần Quý Cáp lên Hà Tân, Hà Dục, lập chiến khu Tam Tỉnh (Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị). Tòa sứ Quảng Nam xuất trát cho lý trưởng Bảo An biết, nếu trong vòng một tháng, cụ
Phan không về đầu thú, chúng sẽ đốt rụi làng Bảo An. Có lẽ vì thương dân làng, cụ đã về hàng. Ngày từ biệt dân làng ra tỉnh, tại bến Đường (thuộc sông Thu Bồn), cụ đã ứng khẩu đọc bài thơ:
Nay nói với anh em lớn nhỏ
Có chịu khó mới nên khôn
Phải lo cho hết việc nước non
Đừng để tiếng dã man mà xấu hổ
Tiến bộ hề tiến bộ
Mau mau theo trái đất lăn tròn
Dặn anh, dặn cháu, dặn con
Còn trời còn nước còn non
Nước Nam là nước Nam ta
Lúc ấy cụ đã có hai con trai. Anh cả là ông Phan Bá Lân, sau này làm hiệu trưởng tiểu học nên thiên hạ gọi là ông Đốc Lân. Ông này mất sớm, để lại tại làng Bảo An một ngôi nhà đồ sộ, nhưng vắng hoe. Kế là ông Phan Thuyết, sau đi Pháp du học đỗ cử nhân văn chương, về Sài Gòn mở trường trung học tư thục Đạt Đức.
Khi cụ Phan Thành Tài từ giã gia đình xuống tỉnh lãnh án tử, cụ bà đang mang thai người con út (sau đặt tên là Phan Út). Cụ cám cảnh thê nhi cũng ứng khẩu đọc bài thơ:
Con còn bụng mẹ cha đã chết
Con bước ra đời nước đã suy
Thù nhà nhục nước con nên biết
Hòa máu con ra tấm nước non.
Giải về tỉnh, cụ lãnh án yêu trảm (chém ngang lưng). Các nhà cách mạng đương thời vận động hai ông Phan Thuyết và Phan Út qua Pháp du học, cả hai đều đỗ cử nhân văn chương. Ông Phan Út về nước sớm, mở trường tư thục Tân Thanh ở Ngã Sáu Sài Gòn, không hề hoạt động chính trị. Ông Phan Thiết về nước sau em, cũng mở trường tư thục Đạt Đức như đã nói ở trên.
Dân làng Bảo An ai cũng thương tiếc cụ Phan Thành Tài, nhưng không rõ tại sao các nhà cách mạng đương thời và hậu thế, không một ai nhắc đến tên cụ Phan? Tuy cụ tự ý về hàng giặc để lãnh án yêu trảm, nhưng đối với phong trào Cần Vương, cụ không hề phản. Ông Phan Thuyết hiện định cư tại Pháp và con cháu ông Phan Út tại sao không làm việc này?
Bên Duy Xuyên có làng Cù Bàn, La Tháp, đối diện bên này là làng La Kham, hai bên bờ sông là bãi dâu trải dài xanh ngắt. Giáp ranh La Kham với Bảo An là một khu nghĩa địa hình mũi viết. Từ ngày Bảo An lập chợ, dân đi chợ đi tắt làm thành đường mòn cắt cái mũi viết đó đi, khiến dân Bảo An, tuy học hành đỗ đạt nhiều mà làm quan không bền, đúng như ông Phan Khôi đã viết trong truyện Ông Năm Chuột. Trước kia làng Bảo An không có chợ, phải đi chợ Bến Đền, bị lũ ăn mày phá quá, tức lòng bèn lập chợ. Thiếu dết, dân làng kéo hết trai tráng ra lấp cái bàu nước gần trường học để lập chợ, hai làng tranh chấp nhau vài năm mới xong.
Viết về khu Phù Kỳ mà quên nói về làng Bến Đền là một thiếu sót lớn. Nguyên lai từ ngày ba ông tiên hiền Phan, Nguyễn, Ngô từ ngoài Bắc vào Nam lập làng Bảo An, có một người ăn mày đến xin trú tạm. Sát bờ sông có một khoảnh đất bùn lầy không trồng trọt được, ba ông tiên hiền bằng lòng cho ông lão ở đó và trồng rau giền. Lần hồi đất lở sông bồi, miếng đất đó lớn dần thành làng. Ông lão ăn mày tụ tập ăn mày tứ xứ về đó cho cất nhà xây chợ và lập ra làng Bến Giền, sau này đổi thành Bến Đền. Dân làng này làm ăn phát đạt, cũng dệt cửi, ươm tơ. Tuy nhiên để nhớ tổ nghiệp, mỗi năm đến ngày cúng kỵ dân làng đều bận áo rách đi xin. Tế tổ đình mặc dầu làm heo làm bò, nhưng trên bàn tổ, các món vật thực đều do dân làng đi xin về cúng.
Dọc theo con đường chánh của khu Phù Kỳ là các nhà thờ của tộc Phan, tộc Nguyễn, tộc Ngô... Cứ cách khoảng vài trăm thước là một ngôi đồ sộ. Từ Bảo An đến Xuân Đài, quê hương của cụ Hoàng Diệu, leo lên một dốc cao là con đường xe lửa, từ cầu Chiêm Sơn chạy qua ga Kỳ Lam. Trên khoảng đường sắt này có một ga tạm mà hành khách đi Sài Gòn đông hơn các ga chánh, chỉ thua ga Trà Kiêu mà thôi. Qua con dốc là đến Đông Bàn (quê hương Phạm Phú Quốc), nơi có hai cây da cổ thụ, cành lá sum sê che mát trọn con đường, khách bộ hành thường nghỉ chân ở đây.
Rời Đông Bàn, Bàn Lãnh, Cẩm Lậu, chúng ta sẽ đến chợ Thu Bông. Nơi đây có một đồn binh Pháp lớn, kiểm soát trọn khu Phù Kỳ. Về chiến thuật, cái đồn này nằm chơ vơ giữa đồng. Về tiếp tế, cả hai bên đồn đều bị con sông Thu Bồn ngăn cách. Từ Vĩnh Điện vào Phú Bông phải qua phà Hoa Trà; từ Phú Bông qua đồn Trà Kiệu phải qua sông và một khoảng đường dài kém an ninh. Thế mà đồn Phú Bông không mấy khi bị Việt Minh tập kích. Lý do giản dị: chỉ vì dân làng làm ăn giàu có, không chấp chứa, nuôi dưỡng du kích.
Phú Bông có một món ăn độc đáo mà bất cứ ai là dân Phù Kỳ đều ưa thích, đó là món ram bà Thiều. Ram là món ăn chơi đặc biệt của xứ Quảng, tương tự như món chả giò, chỉ khác là nhân làm bằng một con tôm, một lát thị ba chỉ, một củ hành lá, cuốn tròn đem rán mỡ. Khi ăn, trải miếng bánh tráng mỏng, thêm một miếng bánh tráng nướng, và rau thơm, đặt cuốn ram lên, hai tay nhẹ nhàng cuốn tròn lại, túm đầu túm đuôi cho cuốn bánh trong lòng
bàn tay và bóp mạnh. Miếng bánh tráng nướng rệu kêu giòn, nhiên hậu mới chấm nước mắt ớt đưa vào miệng. Cái bánh tráng loại này mỏng vừa phải, nhúng nước vẫn bền nên dù
bóp mạnh mà không rách. Cái món ăn cầu kỳ quê mùa này, nhắc để mấy lão già xa xứ còn sót lại tưởng niệm mà thôi, con cháu của mình, dù là gốc Phù Kỳ, mấy đứa còn nhớ!
Rời Phú Bông, xuống Thi Lai, Hà Mật, là làng cuối cùng của khu Phù Kỳ. Vùng này có một nhân vật khá kỳ lạ, đó là ông H.A. Ông nguyên là một công an xuyên sơn của Việt Minh (1947). Bởi mối thù du kích Hà Mật giết cha, ông giận dữ bỏ về đồn Phú Bông đầu thú. Từ 12 người hương vệ và một khẩu mút-cơ-tông, vài quả lựu đạn, H.A. đã phát triển lực lượng này thành Tổng Vệ rồi Cảnh Vệ thuộc tỉnh Quảng Nam, cuối năm 1952, có quân số khoảng 1000 binh sĩ, đổi tên thành Nghĩa Dũng đoàn, sau gia nhập Bảo An đoàn. Lúc này ông mang lon thiếu tá. Năm 1953, ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 34 địa phương quân trong chiến dịch Atland (Qui Nhơn).
Con gái làng Hà Mật trắng da dài tóc, giỏi tài dệt lụa ươm tơ, nổi tiếng đẹp nhất khu Phù Kỳ.
Trung Nhân