Một quyển tiểu sử nhằm đánh dấu 20 năm thành công trong sự nghiệp. Một vòng lưu diễn tại các nước Đông Âu và châu Á. Hai cuộn album chuẩn bị trình làng trong những tháng sắp tới. Có thể nói 2011 là một năm khá bận rộn đối với danh ca người Pháp Patricia Kaas. Trời Tây có thể lu mờ, nhưng phương Đông vẫn bừng sáng.
Nếu như ở quê nhà, tên tuổi của Patricia Kaas không còn ăn khách nhiều như trước, thì ngược lại ở nước ngoài, cô vẫn là một trong những biểu tượng của dòng nhạc Pháp. Bằng chứng là trong tháng 12 vừa qua, Patricia Kaas là khách mời danh dự của Phòng hợp tác thương mại Pháp-Hàn (FKCCI). Cô đã thực hiện hai đêm trình diễn tại thính phòng khách sạn Grand Hyatt ở Seoul. Nhân dịp này, cô đã quay hai chương trình truyền hình để quảng bá cho tuyển tập gồm 20 ca khúc chọn lọc dành riêng cho thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đây là lần thứ năm cô đi diễn ở xứ bình minh yên tĩnh. Lần đầu tiên là vào năm 1994 trong khuôn khổ vòng lưu diễn châu Á theo lời mời của bộ Ngoại giao Pháp. Đó cũng là lần duy nhất Patricia Kaas đến biểu diễn tại Việt Nam : một đêm tại Hà Nội, một đêm ở Sài Gòn, mở đường sau đó cho nhiều nghệ sĩ Pháp đến Việt Nam, trong đó có Maurane và nhóm Indochine.
Phối lại tình ca theo điệu tango mới
Ngoài những ca khúc rất quen thuộc, tuyển tập chọn lọc mà Patricia Kaas dành cho thị trường Bắc Á, còn bao gồm một số phiên bản hiếm thấy vì ít khi nào được phổ biến. Đó thường là những bản nhạc mà cô chỉ hát trực tiếp trên sân khấu. Chẳng hạn như bài Avec le Temps (Với thời gian), nhạc phẩm kinh điển của tác giả Léo Ferré hay phiên bản của bài Les Hommes qui passent (Những người đàn ông đi qua đời tôi) phối khí lại theo điệu tango mới.
Vừa từ Hàn Quốc trở về, Patricia Kaas lại bay sang Đức để hoàn tất kế hoạch ghi âm album tưởng niệm nhà thơ người Áo Rainer Maria Rilke. Do nhóm nhạc Schönherz & Fleer chủ xướng, dự án này mang tựa đề The Rilke Projekt bao gồm 14 bài thơ phổ nhạc. Do nói thạo cả hai thứ tiếng Pháp và Đức, nên Patricia Kaas đã ghi âm hai đoản khúc cho album này.
Sinh năm 1966 trong một gia đình nghèo ở Forbach, vùng biên giới miền Đông, Patricia có hai dòng máu : cha cô là người Pháp, còn mẹ cô (Irmgard) là người Đức. Do vậy, từ thuở thiếu thời, cô đã có quan hệ gắn bó với quê mẹ, từ ngôn ngữ cho đến truyền thống văn hóa. Đến khi lập nghiệp thành danh, Patricia đã ghi âm một số ca khúc nói về nước Đức. Tiêu biểu nhất là hai nhạc phẩm D’Allemagne (Từ nước Đức) và Une fille de l’Est (Cô gái miền đông).
Patricia Kaas nổi tiếng trong làng nhạc Pháp từ năm 1987, nhưng thật ra cô đã có hơn 10 năm kinh nghiệm sàn diễn trước khi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Cô bắt đầu đi hát từ năm lên 8 trong các quán nhạc, tại các buổi văn nghệ hay các liên hoan ca nhạc địa phương. Chất giọng trầm ấm và khỏe khoắn của cô lọt vào tai kiến trúc sư Bernard Schwartz. Tuy không hoạt động trong ngành âm nhạc nhưng do quen biết rộng, nên ông mới giới thiệu cô với nhà sản xuất kiêm tác giả Francois Bernheim.
Giọng ca xứng đáng thừa kế Edith Piaf
Nhóm sáng tác này viết cho Patricia Kaas cuộn album đầu tay. Được phát hành vào tháng tư năm 1988, tập nhạc Mademoiselle chante le blues, với ca khúc chủ đề cùng tên phá kỷ lục số bán, giúp cho cô đoạt hàng loạt giải thưởng, trong đó có giải Victoire de la Musique dành cho tài năng mới xuất hiện và giải SACEM do Hiệp hội các tác giả trao tặng. Patricia Kaas được giới chuyên nghiệp mệnh danh là Giọng ca thừa kế Edith Piaf.
Từ đó trở đi, sự nghiệp của Patricia Kaas cất cánh vươn cao, không chỉ thành công rực rỡ ở Pháp mà còn tạo bước đột phá ngoạn mục ở nước ngoài. Năm 1990, cô đoạt cùng lúc giải thưởng ca nhạc châu Âu Goldene Europa và một Victoire de la Musique thứ nhì dành cho ca sĩ xuất sắc nhất trong năm. Quan trọng hơn nữa là trong bốn năm liền, Patricia Kaas trở thành ca sĩ Pháp bán chạy nhất trên thị trường quốc tế. Cô được mời làm đại sứ âm nhạc trong các chương trình quảng bá văn hoá Pháp ở nước ngoài, củng cố uy tín của mình tại các nước Nam Mỹ, Đông Âu và châu Á.
Đỉnh cao sự nghiệp của Patricia Kaas kéo dài trong hơn một thập niên, từ năm 1990 đến năm 2002, thời kỳ mà cô cho ra mắt tập nhạc Piano Bar, ghi âm lại trong tiếng Anh các ca khúc bất hủ của làng nhạc Pháp, trong đó có bài If you go away (nguyên tác là bài Ne me quitte pas) của Jacques Brel, hay nhạc phẩm Autumn Leaves (Les feuilles mortes) của hai tác giả Jacques Prévert và Joseph Kosma, từng ăn khách qua tiếng hát của Yves Montand.
Kể từ năm 2002 trở đi, tên tuổi của Patricia Kaas bắt đầu có dấu hiệu lu mờ ở trời Âu. Sau một thời gian thành công nhờ cộng tác với nhóm sáng tác của Jean Jacques Goldman, người đã viết cho cô ca khúc để đời Il me dit que je suis belle, cô lại gặp thất bại khi chuyển sang hợp tác với tác giả Pascal Obispo. Tập nhạc Mot de passe (Mật khẩu) đã không thành công như mong đợi cũng như hai album kế tiếp mà Patricia đã thâu vào năm 2003 và 2008.
Trời Tây lu mờ, phương Đông lại sáng
Đây là giai đoạn mà tên tuổi của cô ít còn được công chúng ở Pháp nhắc nhở, nhưng lại là thời kỳ cô đi hát nhiều nhất ở nước ngoài, nhân vòng lưu diễn mang tựa đề Kabaret. Nếu như ở Pháp, số bán của album này chỉ dừng lại ở mức 100 ngàn bản, thì ngược lại tại Nga, tập nhạc Kabaret trở thành đĩa kim cương với hơn 1 triệu bản được bán chạy. Kabaret không đơn thuần là một đĩa hát, mà còn được tạo dựng như một vở ca nhạc kịch, chọn những năm 1930 làm bối cảnh. Trên sân khấu, phong cách diễn đạt của Patricia Kaas mang nhiều kịch tính, gợi hứng rất nhiều từ hai thần tượng điện ảnh là Marlene Dietrich và Liza Minelli.
Riêng tại các nước Đông Âu, Patricia Kaas đã từ lâu được nâng lên hàng thần tượng. Cô ký hợp đồng quảng cáo mỹ phẩm cho các cửa hiệu thời trang l’Etoile. Cô cũng là ca sĩ Pháp đầu tiên ghi âm một số ca khúc bằng tiếng Nga, mở đường cho các nghệ sĩ khác như Lara Fabian hay Alizée chinh phục thị trường Đông Âu. Trong đó, có nhạc phẩm ăn khách mang tựa đề Tu n’apelleras pas tạm dịch là Người yêu không gọi, hát bằng hai thứ tiếng Pháp và Nga.
Trong giới nghệ sĩ hát tiếng Pháp, Patricia Kaas cùng với Isabelle Boulay người Canada là hai gương mặt diễn đạt trội hơn cả các nhạc phẩm bất tử của làng nhạc Pháp. Có lẽ cũng vì thế mà sau khi hát lại các tác giả như Brel, Ferré và Aznavour, Patricia Kaas đang lên kế hoạch ghi âm nguyên một album với các ca khúc của thần tượng quá cố Edith Piaf. Thông tin này do hãng đĩa nhà của cô chính thức tiết lộ và chỉ dự trù cho ra mắt sớm nhất là vào cuối năm nay, muộn lắm là sang năm tới. Sinh thời, Edith Piaf đã ghi âm hàng trăm ca khúc. Trong cái gia tài đồ sộ ấy, Patricia Kaas sẽ phải khéo léo chọn lựa những ca khúc thích hợp với cô và nhất là có thể được tạo dựng lại thành hoạt cảnh sân khấu.
Người đáng yêu thương lại không được hưởng
Nhưng trước mắt, cô đang chuẩn bị trình làng quyển tiểu sử đầu tiên của mình do nhà xuất bản Flammarion phát hành. Mang tựa đề L’Ombre de ma voix (tạm dịch là Bóng hình đằng sau giọng hát), quyển sách này không đơn thuần viết về cuộc đời và sự nghiệp của Patricia Kaas mà còn xoáy vào quan hệ mật thiết giữa cô và người mẹ ruột. Theo lời kể của Patricia Kaas, cô chọn nghề ca hát từ khi còn nhỏ là theo sự dìu dắt của người mẹ. Bà Irmgard là người duy nhất tin tưởng một cách tuyệt đối vào tài năng của đứa con gái, từ thời cô gia nhập ban nhạc Black Flowers.
Nhưng trong vòng 14 năm liền, thành công sự nghiệp vẫn không chịu đến. Sau bao lần lỗi hẹn, Patricia Kaas toan tính bỏ nghề hát vì thiếu tự tin nơi bản thân. Nếu không có sự khuyến khích của mẹ cô, thì có lẽ Patricia sẽ không còn đeo đuổi nghiệp hát. Trớ trêu thay đến khi cô thành danh, thì bà lại qua đời vì bạo bệnh vài tháng trước đó, do vậy mà không được nhìn thấy tận mắt cái ngày đăng quang trong sự nghiệp của Patricia. Cũng từ đó, trở đi mà Patricia Kaas không bao giờ đi hát ngày 16 tháng 5, tức là ngày giỗ của thân mẫu. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất mà cô phá thông lệ này là khi cô đại diện cho nước Pháp đi tranh giải thưởng ca nhạc truyền hình Eurovision, tổ chức đúng vào ngày 16 tháng 5.
Đằng sau tiếng hát trầm buồn của Patricia Kaas, lúc nào cũng phảng phất hình bóng của người mẹ ruột. Đối với cô, sự ra đi quá sớm này tựa như một mảnh vỡ nhức nhối tâm hồn, mà không chi có thể hàn gắn được. Lớp bụi năm tháng vẫn không làm mờ đi hình bóng trong kỷ niệm, dòng thời gian không phải là liều thuốc nhiệm mầu giảm đi cơn đau. Người xứng đáng được nhiều yêu thương, rốt cuộc, lại không được hưởng.
Tuấn Thảo