có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 2 13, 2013

Ngọn cỏ khô trên thung lũng mùa Xuân



Nhà người bạn chàng ở khu ngoại ô có cái tên thật thơ mộng: Thung Lũng Mùa Xuân.

Nhưng chàng đến thành phố đại học này vào cuối mùa đông, hai hôm trước đó lại có một trận bão tuyết làm đổ nhiều cây cối và cột điện, đường sá trơn trợt dơ bẩn vì nắng sớm mùa xuân bắt đầu làm những tảng băng hai bên vệ đường tan đi, khu thung lũng còn giữ nguyên vẻ héo úa tang tóc. Những cây phong còn trơ cành khẳng khiu. Các ngôi nhà cổ xây dọc theo sườn đồi có tường gạch nâu trông ảm đạm hơn dưới ánh sáng vàng vọt của một thứ mặt trời lạc lõng.

Người bạn dắt chàng vào nhà theo lối sau, vừa đi vừa nhắc:

- Anh cẩn thận kẻo ngã. Cửa trước băng còn đóng đầy nên khó mở lắm. Anh coi chừng, đừng bước lên chỗ băng chưa tan.

Rồi như sợ phật lòng người khách xa, bạn chàng biện hộ giùm cho thời tiết:

- Chẳng hiểu sao năm nay kỳ cục vậy. Đáng lý mọi năm đến độ này thì rừng phong phải bắt đầu nhú lá. Đã vậy lại thêm trận bão tuyết bất ngờ. Báo hại điện bị cúp suốt hai hôm nay, không biết trong nhà đã có điện chưa. Anh vịn lên thanh gỗ mà đi cho chắc. Đã rải không biết bao nhiêu là muối mới được như thế đấy!



Trong nhà, chưa có điện. Chàng bắt đầu run cầm cập. Anh bạn đem cái xách nhỏ của chàng cất vào góc phòng khách, rồi hỏi:

- Tôi đun tí nước sôi pha cà phê uống cho ấm nhé!

Chàng không muốn bạn thấy mình yếu đuối, nên cố dằn cơn run đáp:

- Vâng, tùy ý anh.

- Lúc xuống phi trường, anh tìm ra xe về đây dễ không?

- Nhờ anh dặn kỹ nên tôi chỉ việc đến chỗ giao hành lý và hỏi cô thư ký hãng xe chở khách về New Haven.

- Đêm qua anh ngủ được chứ?

- Vâng, được. Ban đầu còn rán xem xi-nê, nhưng sau ngủ thiếp lúc nào không biết. Lúc tai lùng bùng và có tiếng lao xao bảo chỗ kia là tượng Nữ Thần Tự Do, tôi mới choàng thức dậy. Hóa ra đã đến phi trường New York rồi.

Người bạn bật mãi mà diêm ẩm không chịu cháy để thắp cái bếp gaz. Mảng tóc ướt phủ cả lên trán, cái gương cận gọng nhựa nâu tụt xuống tận chóp mũi. Chàng bắt đầu áy náy đã làm phiền người bạn, nên hỏi:

- Chắc chị và các cháu đi làm cả!

- Vâng. Hai cháu gái đầu đi học xa, còn cháu trai út thì học luật tại đây. Nó nội trú, thứ bảy, chủ nhật mới về. Nhà tôi thì làm chỗ thư viện anh sắp xuống.

Đáp xong, người bạn tiếp tục bật cái diêm quẹt thứ năm, lần này lửa cháy. Bạn chàng vừa thắp cái lò gaz vừa pha trò:

- Tụi mình già hết rồi. "Lửa lòng đã tắt duyên trần dứt", nên bật mãi không ra chút tia nóng để pha tách cà phê. Đáng về vườn hết!

- Không đâu! Trông cái cảnh anh đơn thương độc mã mà làm được tờ tạp chí nghiên cứu như vậy, đủ biết lòng anh còn hôi hổi bốc lửa.

- Ôi, chỉ là thứ loé sáng trước khi tắt lịm đấy thôi. Anh nói tôi thêm thẹn!

Tuy khiêm nhượng như vậy nhưng lúc uống cà phê bạn chàng lại say mê nói về nội dung số báo sắp ra. Bao nhiêu người đã gửi bài, bài nào đã dịch xong qua Anh văn, họa sĩ nào đã tự động gửi tranh tới để làm phụ bản. Bạn chàng còn lên tận phòng ngủ lục tấm check một độc giả bên Âu châu vừa gửi qua để đặt mua báo năm.

Rồi phải tới lúc người bạn thấy phải dừng lại để dành chỗ cho khách. Bạn chàng hỏi công việc chàng định làm ở đây.

Chàng hỏi lại:

- Tôi nghe đại học này vừa mua lại được trọn tủ sách gia đình của bác sĩ Huard, phải không?

- Đúng đây! Khá nhiều sách hay. Hầu hết đều là sách về văn hóa Việt Nam. Tôi lu bu cho tờ báo, nên chưa qua bên thư viện để xem cho hết được! Anh uống cà phê kẻo nguội mất. Chưa đủ ngọt thì lấy thêm đường ở cái lọ kia. Bên này tụi tôi uống không đường đã quen, nên quên bẵng thói quen uống cà phê có đường hồi ở Việt Nam.

- Anh chị qua đây từ năm nào?

- Tôi, năm 1949. Nhà tôi năm 1953. Anh có thấy tôi nói tiếng Việt ngập ngọng quá không?

- Trời! Anh mà quên tiếng Việt thì làm sao dịch được truyện Kiều hay như vậy!

Chàng thấy ánh mắt bạn chàng sáng lên ánh vui, khuôn mặt trở nên trẻ trung hẳn đi. Bạn chàng định nói gì đó nhưng cuối cùng lại thôi. Vẻ bối rối thật hồn nhiên nơi một người đàn ông sống tha hương trên ba mươi năm, trời qua nhiều thăng trầm và cô độc, đối với chàng, giống y như hình ảnh "một đóa hoa hạnh nở ngoài tường"trong bài tổng luận truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh. Bạn chàng nhìn quanh quất tìm kiếm thứ gì, rồi hỏi chàng:

- Anh định ngủ cho lại sức,hay xuống phố chơi với tôi?

Chàng do dự chưa biết trả lời thế nào. Xuống phố, chàng thích lắm, vì đây là lần đầu tiên chàng đến một thành phố miền Đông nước Mỹ. Nhưng lúc đón chàng ở bến xe, bạn chàng có xuýt xoa xin lỗi đến trễ vì công việc ở sở quá nhiều, xếp đặt xong chạy ra bến xe buýt thì đã trễ mất chuyến thứ ba, phải chờ nửa giờ sau mới có chuyến tiếp. Chàng thành thực đáp:

- Tôi không thấy buồn ngủ. Còn dạo phố thì làm sao anh giải quyết công việc ở sở. Thư viện có gần chỗ anh làm không?

- Gần thôi. Nhưng anh hỏi làm gì?

- Vì tôi muốn xem thư viện ở đây trước. Buổi chiều tan sở, anh ghé lại thư viện đón tôi, rồi đi lăng quăng cũng không muộn.

Bạn chàng thấy tiện lợi, nên đồng ý không chút khách sáo. Nhưng bạn chàng bảo trước:

- Anh lạ, phải có tôi giới thiệu làm thẻ tạm họ mới cho phép lên kho lục sách. Được, bây giờ tôi dẫn anh xuống thư viện.

Rồi bạn chàng lên phòng khách mang xuống một lô tiền đồng 25 xu và 10 xu, đưa cho chàng, ân cần bảo:

- Anh thủ sẵn nắm tiền này, để cần photocopy thứ gì. Buổi trưa đói có thể ăn ngay trong căn-tin thư viện, ở tầng dưới.

***

Khác với cách kiến trúc tân thời theo hình kỹ hà của các công ốc miền Nam Cali, thư viện đại học này là một tòa nhà cổ thoạt trông giống giống như một ngôi nhà thờ. Cửa vào xây bằng đá, thấp và hẹp. Tiền sảnh dài hun hút vòm cung theo kiểu gothic giống y tòa giảng của thánh đường. Bác người Mỹ già ngồi ở bàn tiếp tân vui vẻ chào bạn chàng rồi tiếp tục kiểm soát số sách sinh viên đem trả. Thủ tục phải làm để được lên tận kho tìm tài liệu, đối với những người không phải là sinh viên hoặc giáo sư dạy trong trường như chàng, là phải điền một mẫu đơn, có chữ ký và địa chỉ người bảo lãnh, rồi đứng trước một máy ảnh tự động để nhân viên thư viện chụp hình lưu hồ sơ. Bạn chàng chỉ chỗ thang máy và phòng lưu trữ thư mục sách báo Đông Nam Á ở tầng 3, phòng số 307. Muốn vào tận kho thì rẽ hành lang phía tay trái, leo lên một cái thang gỗ nhỏ để đến tầng kho thứ nhì.

Chàng phải ghi hết lên tấm giấy nhỏ cho bạn chàng yên lòng ra về, ghi cả bản đồ đường đi từ thư viện đến sở bạn chàng, hoặc từ thư viện ra bến xe buýt gần nhất,"đề phòng trường hợp hai người tìm nhau mà không gặp nhau" . Thấy chàng cười, bạn chàng nói:

- Biết đâu đấy! Tuy thế nào tôi cũng đến đón anh đúng 5 giờ rưỡi chiều, nhưng phải liệu trước trường hợp bất khả kháng. Ở đời thiếu gì trường hợp tìm nhau mãi mà không thể gặp được nhau!

Chàng gật gù cho bạn vui lòng, nhưng không tin như vậy. Chàng tin rằng hễ tìm là phải gặp. Chỉ sợ ta bỏ cuộc nửa chừng vì nỗi ngờ mình ngờ người, còn nếu quyết tâm đi cho đến tận cùng phải có ngày ta gặp được cái ta tìm.

Nhiều người bạn đã từng mỉm cười thương hại, tuy không nói thẳng ra, nhưng chàng hiểu họ nghĩ chàng lẩm cẩm. Họ nghĩ cái đích cho bao nhiêu lo lắng, khổ nhọc của chàng thật chẳng giống ai, không hợp lý mà cũng không hợp tình. Cuộc sống trước mắt thì sống động phong phú, biến cố này chập chùng biến cố nọ, muốn sống cho trọn đã không đủ thì giờ thì công đâu đi lục đống sách cũ để so bản A với bản B, tìm xem chữ này khác chữ kia ở bộ thảo đầu là có nghĩa gì, ý người xưa muốn nói sao! Bay ngang qua lục địa mênh mông của nước Mỹ để tìm cho ra cách đọc hai chữ nôm bí hiểm. Trời đất hỡi, nếu không chút lòng bao dung thương hại có lẽ người bạn già của chàng đã không sốt sắng đến như vậy!

Chàng theo đúng chỉ dẫn của bạn, lên phòng số 307. Trong phòng, chỉ có một người Á Đông và căn cứ theo cuốn tạp chí tiếng Anh bà đang cắm cúi chăm chú đọc, lâu lâu dừng lại ghi chép, chàng đoán bà ta người Phi Luật Tân.

Chàng gật đầu chào, nhưng người đàn bà dường như bị cận thị nặng, hoặc đang chìm đắm trong suy tưởng, không mỉm cười chào lại. Lại thêm một bạn đồng hành trên con đường đi tìm.

Chàng nghĩ vậy, nên lòng thấy vui. Trên quầy tạp chí tiếng Việt đặt gần cửa sổ, những tờ báo đến từ mọi hướng: Pháp, Tây Đức, Canada, trại tỵ nạn Nhật, Hà Nội, một số các trường đại học trong vùng, vài tờ báo biếu ở miền Nam Cali. Nằm riêng một chỗ trang trọng ngay tầm mắt là hai cuốn tạp chí nghiên cứu Việt học của bạn chàng. Chàng đoán sỡ dĩ hai cuốn tạp chí đó nằm được ở chỗ "đắc địa" nhất, không phải do lòng ưu ái của cô nhân viên thư viện, mà do chính bàn tay của bạn chàng.

Bao nhiêu người đã chạm tay đến hai cuốn tạp chí này? Chàng là người thứ mấy?

Có thể là người thứ nhì (sau bạn chàng), vì khi lên tận kho để lục lại số sách quí của bác sĩ Huard, chàng thấy phiếu mượn sách dán ở bìa sau mọi cuốn vẫn còn trắng tinh.

Chàng lục tìm những sách viết về chữ nôm. Bộ An Nam Dịch Ngữ chàng muốn kiếm để kiểm chứng lại lối giải thích táo bạo của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, không thấy có ở đây! Có lẽ ở nơi khác, trong tầng kho mênh mông chứa không biết bao nhiêu sách vở quí giá của khắp các nước Đông Nam Á. Chàng tìm những cuốn khảo cứu chữ nôm khác. Một cuốn của Đào Duy Anh. Bộ Nguyễn Trãi Toàn Tập. Cuốn phiên âm và chú giải của Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm về Quốc Âm Thi Tập... Một bài báo của Đoàn Khách... Chàng lật xem qua một lượt, cuối cùng rút cuốn Chữ Nôm, Nguồn Gốc Cấu Tạo và Diễn Biến của Đào Duy Anh ra khỏi kệ, đến gần cái bàn gỗ gần cầu thang để xem kỹ hơn. Chàng hy vọng chính chàng là người đầu tiên đến đây để mở cuốn sách này từ khi phu nhân bác sĩ Huard thuận bán tủ sách quí giá của người chồng quá cố cho đại học Yale.

Chàng đã lầm! Trên tấm phiếu mượn, đã có tên một người đến trước. Dòng viết bic nguệch ngoạc trên tấm phiếu: March 12/84, Jacqueline Nguyen.

***

Bạn chàng vồ vập hỏi:

- Thế nào? Có tìm được gì không?

Chàng hỏi lại:

- Hình như ở đại học này ngoài anh ra, còn có một người nữa hết sức chăm chú đến Việt học.

Bạn chàng trố mắt nhìn chàng, không tin ở tai mình. Giọng trả lời của bạn chàng pha lẫn hãnh diện và chua chát:

- Anh nói đùa! Nếu có một người thứ hai, tôi đã không vất vả với tờ tạp chí như anh đã thấy. Ông giáo sư trưởng ban nghiên cứu Đông Nam á rất ủng hộ việc tôi làm, nhưng ông ấy là giáo sư sử học, lại chuyên về Mã Lai. Một số người khác chú ý về Việt Nam, nhưng chú ý về cái phần đất nước chúng ta liên quan đến Mỹ, tức là chiến tranh Việt Nam. Một số nhỏ phản chiến vỡ mộng xem Việt Nam là một kỷ niệm buồn, không thèm lưu ý tới nữa. Tôi như người "vớt hương dưới đất, hái hoa cuối mùa", cô độc một mình, anh không biết sao?

Chàng ngần ngừ một lúc mới hỏi:

- Vậy anh có biết có cô sinh viên Việt Nam nào đang nghiên cứu văn chương Việt Nam tại đây không?

Bạn chàng quả quyết:

- Chắc chắn là không. Nếu có, ông Scott đã biết.

Xe buýt đã đến. Bạn chàng nhường cho chàng bước lên trước, sau khi cẩn thận dúi vào tay chàng mấy đồng xu tiền xe để bỏ vào hộp. Hầu hết người đi xe buýt là phụ nữ, người nào cũng quấn phu-la kín cổ và khuôn mặt hơi tái vì lạnh. Khi đã tìm được chỗ ngồi gần cuối xe, chàng mới hỏi bạn:

- Tôi đọc trên phiếu mượn sách nghiên cứu chữ nôm của cụ Đào, có tên Jacqueline Nguyễn. Ngày mượn là 12/ 3. Cách đây không đầy một tuần. Anh không biết cô ấy ư?

Bạn chàng láu lỉnh nhìn chàng hỏi:

- Anh quen cô này à?

- Không.

- Thế sao anh biết Jacqueline Nguyễn là cô?

- Cứ tưởng tượng người ta chưa chồng cho nó vui. Bà ta có chồng rồi sao?

Bạn chàng phá lên cười, làm cho những người đi xe buýt quay lại ngạc nhiên. Bạn chàng vỗ vai chàng đáp:

- Tôi có biết người đó là ai đâu! Chắc là dân mới đến đây chơi như anh. Vì nếu ở đây lâu, thế nào tôi cũng biết. Nếu tôi không biết, nhà tôi phải biết. Người Việt ở đây chỉ một nhúm, chúng tôi lại là dân kỳ cựu nhất, nên không muốn cũng hóa thành "thổ công".

Về tới nhà, chờ cho chàng hỏi hết những câu xã giao cần thiết để làm vui lòng bà chủ nhà, bạn chàng mới hỏi vợ :

- Em làm ở thư viện, có biết cô nào tên Jacqueline Nguyễn không?

Vợ chàng đáp:

- Không. Có lẽ cô ấy ở Pháp qua tìm tài liệu cũng chưa biết chừng.

- Sao em biết?

- Thì cứ nhìn cái tên Jacqueline cũng đủ rõ.

Bạn chàng vỗ trán bảo vợ :

- Ờ nhỉ! Nhưng ở Pháp thiếu gì tài liệu văn hóa Việt Nam mà phải lặn lội qua tận đây?

- Sao anh biết cô ấy qua đây tìm tài liệu văn hóa Việt Nam? Biết đâu cô ấy đang học sử, và viết luận án về thời kỳ 1955-1975.

Bạn chàng đành ngồi im, ánh mắt hấp háy thật ngây thơ sau đôi kính cận dày. Vợ bạn chàng thật nhạy, mới nghe qua câu chuyện đã nắm bắt được nhiều điều rất có lý. Có lẽ "cô" ấy chỉ là khách lạ ở New Haven, có thể người khách lạ đầu tiên cặm cụi lục tìm tài liệu ở khu rừng sách báo nguyên sơ ở tầng lầu ba thư viện Yale như chàng.

Đêm đầu tiên ngủ ở nhà người bạn già, ở một thành phố cổ kính miền Đông, chàng có niềm hy vọng nho nhỏ, thật vu vơ hy vọng cái cô Jacqueline nào đó còn nấn ná ở lại đây, và còn đủ kiên nhẫn trèo lên tầng thứ ba thư viện Yale một lần nữa, cho chàng được biết mặt. Nhờ niềm nô nức bất ngờ ấy, mặc dù sở điện lực New Haven chưa kịp nối lại đường dây điện dẫn vào nhà bạn chàng, máy sưởi không chạy được khiến căn phòng ngũ lạnh ngắt, chàng vẫn không cảm thấy nhớ tiếc cái nắng ấm của California.

***

Chàng không dám thú thực với hai vợ chồng bạn rằng sự siêng năng đến thư viện của chàng không dính dáng gì tới những thứ dao to búa lớn đại khái như "lòng đam mê chân lý", "trách nhiệm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. " Không! Chàng thích chữ nôm từ hồi còn đi dạy, ban đầu thích như người khác thích nhậu, thích đánh cờ, thích lâu lâu ghé xóm chị em ta để tìm món mới, thích thịt chó, thích nhổ lông mũi... Thích rất khơi khơi, không mục đích gì!

Thế rồi đến lúc nào không biết, chàng trở thành một thứ chuyên viên "có thẩm quyền" về chữ nôm. Ờ, có dán thêm tí nhãn hiệu "có thẩm quyền" để lâu lâu được những vị khoa bảng hạ cố đến hỏi cái này, cái nọ, cũng không sao! Chàng cứ làm một thứ chuyên viên tài tử như vậy cả đời, giống y như kiểu các ông họa sĩ ngày chủ nhật ở Âu châu, giống y như Ganguin thời còn ngoan ngoãn làm anh thư ký kế toán sáu ngày trong tuần để thỏa thuê với hội họa một ngày còn lại.

Chàng bay qua tận đây để giải quyết cho được cách đọc hai chữ nôm 双 曰 (*) , đối với người ngoài,cũng lẫm liệt chẳng khác gì Gauguin bỏ vợ bỏ job sống chết với màu sắc man dã. Nhưng với chàng, thật chân thành với mình, chàng biết công việc ấy vẫn chỉ là cái thú của ngày chủ nhật.

Chàng đến tầng ba của thư viện đúng giờ, về đúng giờ, và giữ được như vậy suốt ba ngày. Đến ngày thứ tư, chàng bắt đầu nản, nên buổi trưa thay vì xuống căn-tin nhét 4 đồng 25 xu vào máy, lấy cái hot dog, chàng lang thang ra phố tìm một quán ăn có đồ nóng. Một tiệm pizza. Ăn xong lại phất phơ một lúc ở vài khu phố cổ, ghé mua một tờ báo. Trở về thư viện, chàng đến hộc thẻ đề mục, rút phần Việt Nam tìm xem thử có bao nhiêu sách trên thế giới nói về đất nước mình. Ba giờ chiều, chàng trở lên tầng ba. Giở những sách của bác sĩ Huard liên quan đến chữ nôm, chàng rúng động cả người vì hối tiếc: đằng sau tập photocopy bài nghiên cứu của Emile Gaspardone đăng trong Journal Asiatique năm l953, trên tấm phiếu trắng tinh của thư viện đại học Yale, lại có tên người mượn Jacqueline Nguyễn. Ngày mượn đọc tại chỗ là 22-3-84. Đúng ngày hôm đó!

Chàng bỏ cả đống sách đang tra cứu, chạy vội xuống chỗ thang máy. Chờ khá lâu, chưa thấy thang máy đến, chàng định xuống tầng dưới bằng cầu thang thường. Cửa thang máy mở. Chàng lại chạy ngược về. Cô sinh viên Mỹ từ tầng 5 xuống hốt hoảng hỏi chàng: "What happens?" Chạy xuống tới tiền sảnh, chàng dáo dác nhìn quanh để tìm cho ra người phụ nữ Á Đông có tên Jacqueline Nguyễn.

Đứng gần máy photocopy góc trái là một người đàn bà Á Đông có khuôn mặt đẹp phúc hậu quí phái, nhưng tuổi tác phải trên 50. Không thể là "nàng ". Để cho khỏi hối tiếc về sau, chàng đến gần để xem thử bà ta đang photocopy thứ gì. Một cuốn sách dày đặc thứ chữ ngoằn ngoèo, hình như là Mã Lai hay Thái Lan, hay gì gì đấy. Chỗ hộc phiếu, một phụ nữ Á Đông khác, có đôi mắt nhô và xếch. Mắt nhô và xếch thì không thể mang họ Nguyễn. Ngoài ra, tìm khắp mọi nơi trong thư viện, chỉ toàn người da trắng.

Chàng thất vọng. Nhìn đồng hồ đã 5 giờ l5. Sinh viên Mỹ đã bắt đầu ra về, đứng xếp hàng chỗ cái quầy gỗ để trả sách. Chàng nấn ná chờ ở cửa ra vào cho đến lúc bác gác cửa đẩy ập cánh cửa nặng bằng gỗ sồi. Thế là hết!

Chàng buồn bã ra đường, rẽ phía tay trái để đến chỗ hẹn với bạn chàng. Lúc băng qua đường, chàng nghe có tiếng ai gọi ơi ới sau lưng. Bác gác cửa thư viện! Lạ hơn nữa, hình như ông lão vẫy tay bảo chàng chờ.

Chàng nghĩ có thể mình quên trả tấm thẻ tạm nên đưa tay lên túi áo tìm kiếm. Bác gác cửa đến gần, hỏi chàng:

- Ông là người Việt Nam?

- Thưa vâng.

- Ông tên Tran? T.R.A.N.

- Dạ đúng. Xin lỗi tôi quên trả tấm thẻ.

- Không, lúc nãy, có một phụ nữ á Đông nhờ tôi nếu có người tên Tran (đến đây bác gác cửa lại đánh vần chữ TRAN theo giọng Mỹ) đến trả thẻ mượn sách thì trao lại giùm cô ấy tấm giấy này.

Chàng run run đưa tay cầm lấy tờ giấy trắng gấp tư, quên cả cám ơn. Không thể dằn được tò mò chàng đứng sang góc đường để nhường bước cho đám sinh viên trẻ đang đi tới, giở tờ giấy ra đọc. "Người lạ" viết:

Thầy,

Em qua đây tìm tài liệu để làm cho xong cái luận án sử, không ngờ trưa nay thấy thầy đang bước qua cửa thư viện ra đường. Em chạy theo đến góc phố thì không thấy thầy đâu nữa. Trở lại chỗ mượn sách hỏi mới biết đích xác là thầy, khổ nỗi em phải về Pháp ngay chiều nay. Thật tiếc. Mấy hôm trước lên kho sách Đông Nam Á tìm tài liệu, qua kệ sách khảo cứu chữ nôm, em lặng người. Bao nhiêu chuyện cũ lại về! Tự nhiên em nghĩ: Mình cứ thử ghi tên vào đây, biết đâu có ngày thầy tìm tới Yale, và nhất định thầy sẽ nhận ra nét chữ cô học trò giỏi Việt văn ngày trước. Câu hỏi em không dám biết lời đáp là : "Thầy có nhận ra nét chữ em không?"

Bên dưới lá thư, không có tên tiếng Việt đầy đủ của người viết, ngoài hai chữ tắt J.N.

***

Chàng xúc động hân hoan đến ngộp thở, tuy... tuy chịu thua không thể nhận ra nét chữ ấy là của cô học trò cũ nào, ở đâu. Nội chuyện đó không thôi cũng đủ chứng tỏ tuổi già của chàng đã đến rồi!

Làm sao được! Mặt trời đỏ ối của đông muộn sắp lặn phía sau mái ngói phủ đầy rêu của khu thư viện. Cỏ mùa đông còn héo khô, dù chàng ở trọ tại vùng có cái tên mỹ miều là Thung Lũng Mùa Xuân.


Nguyễn Mộng Giác
New Haven, 3 năm 1984
------------------------------

(*) 双 曰 : song viết


Nguồn: từ tập truyện ngắn Xuôi dòng, nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1987