có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 2 15, 2013

Mùa xuân chơi bài tam cúc …



Ở tuổi tôi, chơi tam cúc đã là một trò cờ bạc xa lạ. Năm nay, tôi gần 60 tuổi, thế mà khi đọc hoặc nghe những câu thơ viết về thú chơi tam cúc, tôi có cảm giác như nghe lại một chuyện cổ tích truyền kỳ nào xa xôi lắm. Ở ngoài bắc ngày xưa, chơi tam cúc như một thông lệ ngày tết và với tiết trời lạnh lạnh lập xuân, cả nhà xúm vào chơi tạo ra một không khí xum họp đầm ấm. Bộ bài gồm những quân tướng sĩ tương xe pháo mã mầu đen mầu đỏ… và là một trò chơi cờ bạc khá dân giã và phổ thông của thời xưa cũ. Nhưng, cũng có nhiều thi sĩ đã viết những bài thơ mà chơi tam cúc là một đề tài độc đáo cho tình yêu đôi lứa…

Đọc những câu thơ, như một hướng vọng về một thời gian nào đã đi qua hàng thế kỷ. Tôi tưởng tượng. bên ngoài, mưa phai phai những bụi nước, những cơn gió bấc và bầu trời đầy mây đen, tạo một không gian lạnh lẽo. Nhưng bên trong, bên bếp lửa đỏ rực của nồi bánh chưng tỏa hơi ấm, cả nhà xúm nhau chơi tam cúc, ồn ào trong cái ấm áp bên trong đối nghịch với cái băng giá bên ngoài. Có những mối tình đã bắt đầu từ những ván bài tam cúc. Và có những thi sĩ đã nhắc đến, như một kỷ niệm luôn trân trọng của cả một đời người.

Một người làm thơ thuở ấy, là Hồ Dzếnh, đã nhắc đến ván bài tam cúc mà đến khi mái đầu đã điểm bạc mà vẫn không nguôi nhung nhớ. Cỗ bài tam cúc, của một thời hoa niên, của những ngày đầu năm tràn đầy ước mơ, luôn luôn hướng vọng đến mọi sự tốt lành.

“Ngày Tết mải chơi tam cúc
không hay anh tới sau lưng
ghé lại gần anh mách nước
kết luôn xe pháo mã hồng

Ô ván bài em đỏ quá
đỏ như đôi má ngày xuân
em có ăn trầu đâu nhỉ
mà sao người thấy bâng khuâng…”

Phải rồi, men trầu cau đâu có nồng nàn bằng men tình yêu. Nỗi ngất ngây của hai kẻ yêu nhau chen lẫn với nỗi e thẹn ngượng ngùng như men cay của những ván bài kết đôi xe pháo mã nồng thắm. Tình yêu như dệt bằng mơ ước, của những ngày sắp tới đẹp như trong chuyện thần tiên. Lúc ấy, chúng mình còn rất trẻ…

“nắng mới rọi vào song cửa
rung rinh bóng lá cành doi.
Năm ấy em mười sáu tuổi
Trăng tròn-anh chẵn đôi mươi

Từ đó mỗi mùa đào nở
Pháo xe lại nối cây bài
Có độ anh về, có độ
Vắng anh, em nhớ mong hoài..”

Chơi bài, chỉ là để nhìn nhau, ngồi bên nhau. Chơi bài, là để chỉ ngửi thấy mùi hương tóc, để những ngón tay đan với nhau. Chơi bài, để mong ván bài kết bằng những đôi hồng điều thắm thiết tươi đẹp. Và, những ván bài ấy, đẹp suốt một đời..

“mấy chục mùa xuân thấm thoát
nhớ thương hờn giận chen nhau
một bức tranh thơ bát ngát
quý thay cái thuở ban đầu

nay tóc đời ta điểm bạc
bể dâu thời thế phôi pha
Em ạ, cỗ bài tam cúc
Vẫn thơm nguyên vẹn tình ta..”

Không phải chỉ có một mình thi sĩ Hồ Dzếnh làm thơ về ván bài tam cúc đầu xuân. Một thi sĩ khác, Hoàng Cầm. cũng có một bài thơ đươc truyền tụng và được coi như là “hạt ngọc thi ca bắt được của giời“. Tên của thi sĩ là một vị thuốc đắng nhưng thơ tình của ông thì rất ngọt ngào. Mà bài thơ “Cây Tam Cúc “ là điển hình.

“Cỗ bài tam cúc mép cong cong
rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây!
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa chị xuống quê Em..”

Ván bài như một gợi ý cho tình yêu. Chị gọi đôi cây mà trầu cay má đỏ. Không biết có phải vì rơm ấm, hay vì men tình, để “kết xe hồng đưa chị đến quê Em”. Có chút nồng nàn của mối tình ngây thơ của cậu bé yêu người lớn tuổi hơn. Ngồi trên ổ rơm trời lạnh , để kết đôi cây bài gơi nhớ đến chuyện tính ái bâng khuâng. Chị thì vô tư má hây đỏ hồng men trầu cay còn Em thì cũng rộn rực vì được sưởi ấm bằng hơi thiếu nữ thanh tân của tuổi đương htì.. Câu thơ có nét của một không gian nào mơ hồ , của đời sống dân giã nào ẩn hiện. Cỗ bài tam cúc đã cũ , đem rút trộm rơm để làm ổ đánh bài, những điều ấy đã tình cờ làm câu thơ có hồn và gợi lại một lãnh địa thi ca riêng của một hti sĩ hào hoa biết yêu từ thuở còn bé tí!!

“Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì.
Đứa được
Chinh chuyền xủng xoẻng
Đứa thua
Đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa chị đến quê Em..”

Em đánh bài không màng thua được mà chỉ là cái cớ để được ngồi cạnh người mình yêu để “nghé cây bài tìm hơi tóc ấm“ để ván bài ấy cứ ngưng đọng lại để mãi mãi em vẫn còn bé bỏng. Em chơi bài mà “tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa“,đánh bài mà bất kể thua được. Trong thâm tâm, chỉ muốn được gần chị để hương thơm của ổ rơm vẫn còn náo nức tuổi đương thì. Ván bài có đứa thua kẻ được, trinh tiền xủng xoẻng nhưng Em thì vẫn muốn đi đêm để đánh đổi cây bài tướng điều sĩ đỏ cao giá hơn để lấy cây xe hồng với ước nguyện đó là phương tiện để đưa chị về quê em như một ước mơ ấp ủ cả đời.

Mối tình nam nữ của Chị và Em là một nét đặc biệt của Hoàng Cầm. Mối tình khá đặc biệt và cũng thật say đắm lạ lùng. Trong cái chênh lệch tuổi tác, đã có mầm của chia phôi. Người em, ở tuổi vừa hiểu biết, đã thấy mình rung động trước cái hồn nhiên vô tư của người tình lớn tuổi già dặn hơn và lại càng thấy tha thiết hơn trước những hấp dẫn của người khác phái. Trong niềm luyến ái có sự chiếm hữu vị kỷ, tuy rất ngây thơ đáng yêu: ”Em đừng lớn nữa, chị đừng đi”. Em đừng lớn nữa để cái mơ mộng vẫn còn trong khi “chị đừng đi” để mãi mãi Chị là của Em để em “đi đêm“ tướng điều sĩ đỏ, những hào quang danh vọng để đổi lấy xe hồng kết đôi đưa Chị “đến quê em”

Nhưng, thực tế, thì buồn lắm. vẫn là một mối tình đơn phương. Em thì mê đắm trong khi Chị lại vô tình chẳng biết. Kết cuộc “Em đứng nhìn theo em gọi đôi”. Chỉ đứng lại mà gọi trong khi chị đã sang ngang. Bởi vì trời làm binh lửa , chiến tranh:

“Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị
Võng mây trôi”

Bài thơ này Hoàng Cầm viết năm 1960 sau khi ông bị liên quan đến vụ án Nhân văn Giai Phẩm. Mãi về sau này bài thơ mới được chính thức phổ biến. Khi nó ra đời, chỉ được truyền tụng trong giới những người yêu thơ. Lúc được in lại trong tập “ 99 Tình Khúc” gồm những bài thơ tình chọn lọc , bài thơ này được xếp vào phần đầu “Thời 1. Chị và Em” với câu thơ kế bên “Em đừng lớn nữa. Chị đừng đi..”

Tôi thấy rõ cái tâm sự muốn mãi mãi thơ ngây và sống cùng kỷ niệm suốt cả đời. Ai mà cứ trẻ thơ hoài, trẻ thơ mãi, nếu không là nhà thơ. Thi sĩ, có trời đất vũ trụ riêng, và trong cái tư riêng ấy có những điều mà người thường không ngộ hiểu được.

Hoàng Cầm hình như sống thật nhiều với kỷ niệm. Cuộc sống lẫn lộn giữa mê và tỉnh, giữa đêm và ngày, giữa mê đắm và tỉnh táo. Bất cứ hình ảnh nào cũng gợi lại bóng hình xưa, khuôn vóc cũ. Trong bài “ Gọi đôi” ông làm những câu thơ thật tha thiết:

“…Áp môi bóng cõi mưa dài
khát thêm từng trận khát hoài tuổi xưa
Em về chưa? Chị đến chưa?
Bỗng dưng hai đứa khóc mờ đêm trăng
Chị đây có phải Em chăng
Em đâu có thật Em rằng Chị không
Xiết tay kết một vô cùng
Lơi tay lại vẫn đôi dòng lửng lơ
Song song có gặp bao giờ
Hai dòng lệ chảy hai bờ sông trôi
Mưa nhung áp má bồi hồi
Nghe khô từng sợi mưa dài lặng im
Em không nổi. Chị không chìm
Chị tung gió tím Em tìm sang xuân
Nằm trong mắt bão tuyệt trần
Mưa nhung tung cánh trắng ngần…
Em bay…”

Em. Chị. Chị.Em. Những mối tình lạ lùng cứ ám ảnh suốt đời người thơ. Cái cảm giác lúc mười hai tuổi sao cứ kéo dài mãi, để lửng lơ trong tâm hồn những xao động khôn nguôi ”dưới kia sông chẳng quay đi. Mười hai tuổi cũ biết gì Chị ơi. Một con bướm lửa đậu môi. Hai nhành hoa lửa chia đôi tay cầm…” Tha thiết quá một thời yêu ngây thơ, của đứa trẻ sớm dậy thì. Thật lạ lùng, cậu bé ấy cứ muốn muôn năm thời trẻ dại, để yêu mê một hình dáng nữ lớn tuổi chững chạc hơn…

Một nhà thơ khác, Y Dịch Lê Đình Điểu cũng có bài thơ viết về mùa xuân và bộ bài tam cúc. Cũng chỉ có hai người và cái dễ thương là chính sự ngây thơ của thuở mới lớn. Ván bài tam cúc bắt đầu cho một mối tình:

“ Tốt đỏ mà đè tốt đen
kết nhất bội nhị làm em phải đền.
Ứ ừ người ta đang đen
Không thèm chơi nữa giả tiền tôi đây
Ơ ơ bêu chửa cô này 
bị đè còn khóc giơ tay đòi tiền
Có gan để kết tốt đen
tất có gan để chịu đền chứ sao?
Ứ ừ, sao ở trên cao
Người ta thua mất sáu hào hai xu!..”

Những đoạn đối thoại tự nhiên của hai cô cậu mà bây giờ có lẽ ít ai còn nghe lại. Nó nhắc lại cả một tuổi thơ, của bắt bướm hái hoa, của những nỗi niềm giàn trải mông mênh đã theo thời gian mất hút. Nếu những chuyện tình như Love Story đã làm hàng triêu người đọc hâm mộ vì những câu đối thoaiï ngổ ngáo đặc biệt tuổi trẻ thì bài thơ này cũng làm cho nhiều người đọc bâng khuâng. Cô bé và cậu bé đã hé mở ra một chút tình ý nào, nhẹ nhàng.

“Mưa phùn trông như sương mù
mắt em như có sương mù đọng mi
chiếu điều xô chẳng nói gì
cỗ bài vung vãi rơi đi đâu rồi?
Thôi đây (anh thấy em cười)
Giả em tất cả cười tươi lên nào..”

Dù cãi lẩy đôi co, nhưng trước sương mù đọng trên mi cô bé thì cậu trai kia cũng phải đầu hàng. Sáu hào hai xu cũng lớn lắm với tuổi bé con nhưng cũng chưa bằng sự giận dỗi của cô bé. Đổi cả cuộc đời còn được, xá gì món tiền ấy. Chỉ để lấy lại một nụ cười...

Và:

“Mười năm đi dưới trăng sao
bây giờ dừng lại (nơi nào đây em?)
ván bài đời có tốt đen
trăm lần để kết phải đền cả trăm
thơ ngây thua nhẵn mười năm
xòe tay thấy trắng khóc thầm cả đêm
ngày xưa em khóc anh đền
bây giờ anh khóc ai đền cho anh?

Lúc trắng tay, lại thấy cần người chia sẻ. Ngày xưa, anh dỗ dành em, thì bây giờ ai an ủi anh khi gặp những lần kết tốt đen bị đè phải đền… Mười năm, một tình yêu nuôi dưỡng bằng một ván bài tam cúc.

Nhưng, kết cuôc lại vuông tròn. Ván bài tam cúc ngày xưa lại là dịp để anh sẽ “chui” tốt đỏ để em kết tốt đen tha hồ. Anh sẽ không lý gì đến ván bài nữa mà cứ “chui” mãi “chui “hoài để cho em cười để cuộc đời sẽ có đôi mãi mãi:

“Trời cho mười mấy lênh đênh
đời cho anh mấy điêu linh của đời
tết này anh chẵn hai mươi
trở về tìm lại nụ cười sương mi
bâng khuâng biết nói năng gì
mưa phùn giăng mắc buồn tê lưng giời
chiếu điều lại giở ra rồi
cỗ bài lại sắp em ngồi tay trên
tha hồ để kết tốt đen
anh chui tốt đỏ cho em đây này
run run ép chặt bàn tay
sợ làng bắt được biết ngay.. chúng mình
anh chui cho lấp điêu linh
anh chui cho hết điêu linh cuộc đời
em được thì em mới cười
thế gian thua thế gian cười làm sao!
Ừ thì sao ở trên cao
Anh thua anh bán ngôi sao trên giời
Bán cho em lấy nụ cười
Bán cho em lấy… cuộc đời đôi ta!”

Bài thơ đẹp như một ván bài thắng lớn. Anh thua bạc nhưng rất đỏ cuộc tình. Thơ Y Dịch rất... Bắc kỳ với những ngôn ngữ của tuổi thơ ngây làm người đọc cảm thấy có một chút Nguyễn Bính vương vấn ở bên trong. Nhưng thơ thật dễ thương! Dễ thương như mối tình hơn mười mấy năm của hai cô câu bé…

Ngày đầu năm, tự nhiên tôi bị lạc bước vào những thế giới tình yêu của những thi nhân có nhiều nỗi niềm riêng. Nếu mang cái tâm tư của người bình thường, có lẽ khó mà thấu đáo được cái tâm tình sôi nổi của người làm thơ. Một thời kỳ, với tôi có lẽ xa xăm lắm. Thời buổi bây giờ, có ai còn quây quần bên ván tam cúc, để nghe hương của tình cảm thơ ngây đã từ từ nhú mầm yêu thương. Ngồi cạnh nhau trong buổi đầu xuân, trong ván bài tam cúc có lẽ cũng thú vị. Nhưng, với giới trẻ, cái thơ mộng lãng mạn ngày xưa như thế chỉ còn trong kỷ niệm. Bây giờ, có một người làm thơ trẻ hơn, đón xuân bằng một cách khác. Ấm cúng hơn và cũng đời thực hơn.

Bài “Anh Em mùa xuân”:

“Da thịt Em, tuyết mùa xuân
hồ nghi, dường có gót chân ngại ngùng
lạnh vai, hẹp tấm chăn chung
tay Anh, chợt ẩm lạnh cùng hạt mưa
ngón tay Em, nhắc ngày xưa
người dưng sao lại nửa khuya gũi gần
xiết vào nhau, cõi phân vân
lửa nào đốt giữa châu thân mịt mùng
mùng một Tết, nắng rưng rưng.
Gió ve vuốt chốn chập chùng bâng khuâng
Hình như từ sợi lông măng
Có mênh mang một vết răng còn hằn
Lạnh Em, sao hẹp góc chăn
Đôi gối lệch vẫn ân cần thấp cao
Này Anh, vài sợi nắng đào
Rơi trong mắt, xuống lũng sâu vô thường..."


Kỳ cục, tại sao đang đọc từ bài thơ về ván tam cúc của những nhà thơ nổi danh từ hơn nửa thế kỷ nay lại lạc bướcc sang bài thơ của một thi sĩ vô danh như thế. Có phải, liên tưởng đến một trời xuân nồng nàn của quê hương chỉ còn trong quá vãng của kỷ niệm. Dù lãng mạn, dù thực tế, thì hôm nay, đọc vài bài thơ, trong cái xôn xao của đất trời, cũng là một cách thưởng xuân. Vui xuân, kẻo hết xuân đi...


Nguyễn Mạnh Trinh

http://www.vantuyen.net