có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 1 10, 2013

Năm nay đào lại nở


Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thấm
Mực đọng trong nghiên sầu...

(Vũ Đình Liên)


- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm. Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ?

Tiếng hỏi làm tôi giật mình ngó người đàn bà chít khăn mỏ quạ. Tôi vừa ăn xong cơm chiều, đang đứng trước sân nhà xỉa răng ở trần cho mát. Tôi vội đáp:

- Thưa cụ vừa mới Tết xong ba bữa. Còn lâu lắm mới Tết nữa.

Người đàn bà có vẻ bối rối:

- Thế hở ông? Thế mà cháu quên mất, làm phiền ông quá. Ông cho nhà cháu xin lỗi.

- Thưa cụ, có gì đâu mà xin lỗi.


Một cơn trốt thổi đến xoáy những cánh bông giấy chạy tán loạn trong sân. Bông giấy đủ màu: đỏ, cam, tím, trắng; Tết nào cũng rụng đầy, đúng hẹn với trời đất. Người đàn bà ngập ngừng:

- Phiền ông cho nhà cháu hỏi thêm: Ông có biết nhà ông Đa ở lối nào xin ông chỉ hộ cho nhà cháu.

Nữa. Lại câu hỏi đó nữa! Tôi vừa nghĩ thầm vừa nhìn vào đôi mắt hom hem của bà. Chiều nay bà không đeo kiếng mát, loại kiếng gọng nhỏ, có tròng đen tròn vo như loại kiếng đen lính cảnh sát đeo trong phim Hitchcock. Bà lại bối rối, cố nhoẻn miệng cười vớt vát, để lộ mấy chiếc răng nhuộm đen còn đương cự được với tuổi trời.

- Dạ thưa cụ, cháu không biết nhà ông Đa ở đâu.

- Thế hở ông? Thật khổ quá! Cháu đã hỏi thăm nhiều người mà không ai biết nhà ông Đa ở đâu cả.

Bà lí nhí xin lỗi rồi quay lưng đi, chiếc lưng mà sức hút của trái đất sáu bảy chục năm qua đã bẻ còng. 

Bà lom khom lê đôi dép Nhựt Bổn, đôi dép đã cũ, cao su bè ra hai bên. Tôi chắc chắn bà sẽ lại đi lượm lon, lon sữa bò, lon thịt hộp, lon đậu hộp... Mục này nằm trong chương trình hoạt động hằng ngày của bà. Không ai biết tên bà. Má tôi quen gọi bà là “Bà Lượm Lon”. Nhiều lần má tôi cho bà cái lon không đã rửa sạch, và kết chuyện với bà. Không biết hai bà già lẩm cẩm nói gì với nhau mà cười tíu tít như xuân nữ. Có bữa thấy bà lom khom sục sạo ngoài hàng rào, má tôi sực lo ngai ngái cho tương lai của chính mình.

- Tao sợ nữa già tao cũng lẫn lộn rồi đi lượm lon như bả quá! Rồi mầy với thằng con mầy đẩy xe bỏ tao trên núi.

Nói xong, bà cúi xuống hun thằng con trai của tôi bà đang bồng trên tay. Cục cưng của bà đó. Rớ tới là bà xuống đường, tuyệt thực để phản đối.

Bà Lượm Lon quẹo ở hông nhà tôi rồi đi ra phía đường lớn, đại lộ Bạch Đằng, xóm Hàng Xanh. Bà sẽ lạch bạch băng qua bên kia đường lớn, hỏi thăm nhà ông Đa, rồi thất vọng quay lộn trở về lề đường bên nầy, lại hỏi thăm nhà ông Đa, lại thất vọng, lại lạch bạch băng qua bên kia đường... Đâu mười bữa trước, tôi đang sơn lại cửa rào trước nhà thì bà tới gần hỏi tôi, vẫn giọng lễ phép cố hữu của người nhà quê miền Bắc:

- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm. Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ?

Tôi dừng cọ sơn, mỉm cười ngó bà:

- Thưa cụ còn bốn bữa nữa thì Tết. Cháu đang sơn lại nhà để ăn Tết đây.

Bà cười tếch toác, răng đen nhánh:

- Thế hở ông? Sắp Tết rồi, vui quá nhỉ?

Bà đưa tay sửa lại chiếc khăn mỏ quạ bị gió Xuân xô lệch.

- Dạ... dạ thưa ông, xin phiền ông chỉ hộ cho cháu nhà ông Đa, cháu đi tìm mãi mà... (vân vân).

Nữa. Lại nhà ông Đa nữa! Ông Đa nào? Tôi không cách gì biết được. Ông Đa là ai? Tôi mù mịt. Ông là gì của bà? Một thân nhân? Một ông chủ cũ? Một người chồng cũ? Một nhân tình cũ? Ở đâu? Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Nam Định hay Phủ Lý? Kỷ niệm gì mà trên bước đường di cư khi đất nước chia hai đeo đuổi, đeo riết khiến bà còn nhớ hoài, nhớ mãi, cho tới bây giờ? Hai người đã yêu nhau khắn khít, sống vô số kỷ niệm đẹp, rồi đùng một cái! Xa nhau? Tôi cứ phỏng đoán lan man. Rốt cuộc vẫn là người mù đi trong bóng tối giữa đêm ba mươi.

Nhà ông Đa ở đâu, tôi không biết đã đành. Nhưng ngay chính nhà của bà ở chỗ nào tôi cũng không biết. Chỉ biết đại khái bà ở đầu xóm, vì bận nào bà cũng từ đầu xóm đi lại, qua ngang cửa nhà tôi, quẹo trái rồi băng qua đại lộ Bạch Đằng. Rồi băng trở lại (vân vân). Tung tích: bà là người di cư. Gốc gác: nhà quê miền Bắc – dựa theo giọng nói. Tuổi tác: trên sáu mươi – dựa theo chiếc lưng còng. Dĩ vãng: ông Đa. Hoạt động: lượm lon. Hết!

Bốn mùa bà chít khăn mỏ quạ màu nâu đất đã bạc thếch. Quần dài đen, áo cánh đen tay ngắn, răng nhuộm đen, đi dép Nhựt Bổn bè bè, đeo kính đen tròng kính tròn vo. Một đời sống bình yên thuở nào bên sông Hồng, giờ chỉ còn lại có bao nhiêu đó. Thời buổi này giặc giã, hoả tiễn Nga thụt vô Sài Gòn, phản lực Mỹ xẹt ngang Gia Định, xe tăng thiết giáp rần rần rộ rộ, kéo lê những khẩu đại bác dài ngoằng băng qua xóm Hàng Xanh của tôi và Bà Lượm Lon rồi trực chỉ xa lộ Biên Hoà. Xe tăng tương đối chạy chậm, so với xe vận lương phóng ào ào, nườm nượp, súng bắn lốp bốp mở đường, lôi theo những thùng sắt khổng lồ, no ứ, xẹt tới xẹt lui không ngớt trên đại lộ Bạch Đằng.

Sau khi chứng kiến vô số tai nạn – một lần trái tim người bị cán văng ra còn đập nhẩy trên mặt đường nhựa – tôi thường ê ẩm hàm răng, tóc tai dựng đứng, nổi da gà khiếp vía khi thấy Bà Lượm Lon đi ngang qua cửa nhà tôi, quẹo trái, chập sau có tiếng xe vận lương rầm rộ, súng nổ lốp bốp, rồi tiếng phanh xe khịt khịt, tiếng bánh xe cao su chợt đứng sững nhưng còn trớn cày xiết trên mặt đường nghe rát ruột. Tôi sợ rồi một ngày nào đó cái khăn mỏ quạ, đôi dép Nhựt Bổn, mấy cái lon vừa lượm được sẽ văng tung toé dưới lườn của một thùng sắt đồ sộ. Người ta sẽ thu nhặt những gì còn lại của chiếc lưng còng, của hàm răng đen, của cặp kiếng đen, của một thuở bình yên bên sông Hồng, của những tình tự một thời với ông Đa. Người ta sẽ bỏ hết những thứ đó vào một cái hòm nhỏ, đem chôn ở một nơi rất xa thành phố. Rồi mọi người sẽ dần dần quên, quên hết. Chẳng còn ai nhớ trong xóm mình đã từng có một bà người Bắc Kỳ lom khom đi lượm lon ở miền Nam – lượm lon để làm gì không biết. Sẽ không còn ai hỏi thăm nhà ông Đa. Cũng sẽ không còn ai hỏi tôi, khi mùa Xuân hãy còn đó:

- Thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm: Còn mấy hôm nữa thì là Tết ạ?

- Thưa cụ, vừa mới Tết xong. Còn lâu lắm mới Tết nữa cụ ạ!

Không rõ vì lẽ gì mà mỗi lần hoa mai nở, mỗi lần hoa đào nở, mỗi lần Tết đến là tôi lại bị ám ảnh bởi những người đàn bà già nua mà tôi đã có dịp gặp trong đời. Có lẽ tại vì tôi nhìn thấy quê hương qua những bà già đó, một quê hương vừa yêu dấu, vừa ngậm ngùi. Thương đứt từng khúc ruột. Viết tới đây tôi lại chảy nước mắt. Trời ơi! Sao tôi cần quê hương đến như vậy!

Những bà già đó tượng trưng cho quê hương. Không! Những bà già đó là quê hương. Những bà già có làn da nhăn thơm tho mùi đất, có nụ cười rì rào tre trúc, có bàn chân nứt nẻ phù sa, có trái tim từ bi vô lượng, trái tim đó đã bơm máu vào rún tôi từ thuở tôi trong bụng mẹ, từ lúc tôi còn nhỏ xíu, lớn chưa bằng đầu ngón tay. Trời hỡi! Sao thương quá sức! Ai nỡ cắt ruột cho đành? Tôi thèm thương. Tôi thèm khóc. Tôi thèm quê hương. Thèm quá đỗi! Tết lại đến rồi đó...


Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?


Năm nay đào lại nở. Phải, năm nào mà đào lại chẳng nở? Tôi muốn la một tiếng thất thanh: “Ôi Quê Hương!”. Đào lại nở, tôi lại nhớ. Tôi nhớ những người muôn năm cũ, những bà già lượm lon, những bà già bán cà-rem ở trường học, những bà già bán đậu phọng ở bến xe, những bà già bán nước mía trong chai xách trên chiếc bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống hay Rạch Miễu đưa bà con về thăm nhà trong dịp Tết. Những bà già mà mỗi lần ngó, bạn đều được tặng không một nụ cười hiền lành – hiền lành như cặp mắt của con trâu đi cày. Cũng không có gì khác để tặng bạn ngoài nụ cười đó. Rồi Tết qua, trở lại chuyến bắc, có thể bạn sẽ không còn gặp lại bà già đó nữa. Không bao giờ! Nụ cười tặng không đã mất. Cũng như quê hương.

Bà già cầm cái chuông nhỏ đưa lên lắc leng keng, ngó tôi mỉm cười. Mỉm cười vì bà đã được tôi ngó. Bà ngồi ở sân trường, giờ ra chơi. Tôi học lớp nhứt, được đâu mười tuổi. Cái nón lá rách để một bên, cái bình cà-rem để một bên, bình tròn dài sơn xanh, trên đậy nắp thiếc mạ kền đã trầy ố. Bà vừa từ bên trường nữ cách đó khoảng hơn trăm thước tất tả chạy qua, mồ hôi còn đổ hột trên trán. Bên trường nữ vừa hết giờ ra chơi là tới phiên trường nam ra chơi, trống giục liên hồi. Có lẽ bên trường nữ bà già cà-rem bán được hơn bên nầy. Bên nầy tụi nhóc khoái đổ xí ngầu hơn là bỏ tiền ra mua cà-rem một cách lương thiện. Được thì ăn nhiều, thua thì bơ mỏ. Nhưng hào hứng. Vì vậy mấy thằng nhỏ bán cà-rem đều thủ sẵn một cái tô và ba hột xí ngầu. Ra chơi tụi nhóc bu lại, trong đó có tôi. Bỏ bà già ngồi ở góc sân chong ngóc một mình vì bà không có... đổ xí ngầu.

Vì vậy khi có đứa nào ngó, bà liền đưa cái chuông nhỏ lên lắc lắc mời mọc. Như con chó hiền lành, chỉ chờ có người ngó là vẫy đuôi ngoắc. Tôi biết sự so sánh có vẻ kỳ cục, nhưng tôi không có cách nào diễn tả ánh mắt của bà hơn là ánh mắt mừng rỡ của con chó khi nhận ra được người quen. Và tiếng chuông leng keng là tiếng sủa mừng. Tôi nghĩ bà cũng quý chuông lắm vì lúc nào nó cũng được bà chùi bóng. Hồi nhỏ tôi cũng ham vui, như mấy thằng lỏi khác. Nhưng đôi khi nhìn ánh mắt mừng rỡ của bà, tiếng chuông leng keng và cái miệng móm cười không còn răng, tôi chợt thấy má tôi đang ngồi chồm hổm đó – tôi cầm lòng không đậu. Tôi bỏ ra năm cắc mua của bà cây cà-rem đậu xanh và hi sinh buổi đổ xí ngầu. Tay bà run run giở cái nắp bình thuỷ bằng mốp lựa cây cà-rem đưa cho tôi, tay run run. Tôi không quên nổi hình ảnh đó – cho tới chết không chừng. Run run không phải vì cảm xúc mà vì tuổi trời, có lẽ. Bà đã già lắm rồi, tóc bạc trắng như trang giấy học trò điểm sợi đen như những đường gạch hàng trên trang giấy. Nhưng bà lúc nào cũng tặng không một nụ cười móm khi đưa cho tôi cây cà-rem. Tôi không hề bắt gặp một chút nào đau khổ hay than trách trong ánh mắt và nụ cười đó. Ngay lúc bà ngồi suốt cả giờ ra chơi, không bán được một cây cà-rem nào.

Có bữa tôi ngó bà, bà ngó tôi đưa cái chuông lên lắc leng keng, cười móm, nhưng tôi đành ngoảnh đi vì tôi vừa đổ xí ngầu thua sạch. Bước đi mấy bước tôi ngoảnh lại, bà lại đưa cái chuông lên lắc. Tôi vụt bỏ chạy... Có bữa tôi thấy ngón chân cái của bà sướt móng chảy máu – bà đi cẳng không. Có lẽ vì chạy quá vội vàng trên con đường đá xanh lởm chởm từ trường nữ qua trường nam, bà vấp cục đá lớn. Tôi đã có lần bị vấp đá xanh trật móng, đau đứt ruột, nên biết. Nhưng nét mặt bà không hề lộ vẻ gì đau đớn. Chỉ chờ thằng lỏi nào ngó là bà lại đưa chuông lên, cái chuông bóng loáng, như tiếng sủa mừng, như tấm lòng của bà.

Một bữa gần bãi trường ăn Tết, tôi háo hức nhào vô đổ xí ngầu với tụi lỏi, chợt trời mưa. Tụi tôi từ sân chơi dời vô núp mưa dưới hàng ba và tiếp tục sát phạt. Tôi cháy túi như mọi bận. Tôi còn đang đứng xớ rớ ngó ra cổng trường chợt thấy bà già cà-rem xớn xác từ ngoài cổng chạy vào, rồi tấp vào hàng ba đụt mưa. Bà giở chiếc nón lá rách ra giũ nước. Mưa lớn quá, bà ướt mem. Bà ngồi chồm hổm dưới đất, dựa lưng vào vách lá của lớp học, mặt bà xanh xao, môi tái mét, có vẻ mệt mỏi. Bà lấy tay lau sơ cái chuông đã ố nước rồi ngó lên chờ khách hàng. Tôi ngó bà, bà ngó tôi rồi đưa chuông lên lắc leng keng, cười móm. Tôi muốn khóc. Tôi chạy vô lớp mượn của thằng bạn năm cắc. Tôi trở ra, đến ngồi chồm hổm bên cạnh bà, leng keng… leng keng...

- Bà cho tui cây cà-rem đậu xanh.

Bà đặt chuông xuống đất, giở nắp thiếc mạ kền. Bà mở tiếp nắp xốp, các ngón tay run run còn đọng nước mưa. Thùng...thùng...thùng thùng thùng... Tiếng trống chấm dứt giờ ra chơi chợt gióng lên liên hồi. Cây cà-rem đậu xanh vừa lấy ra khỏi bình thuỷ còn run run trên tay bà. Tôi vội vã quăng năm cắc vào nắp thiếc:

- Bà cất cà-rem đó, mơi tui lấy.

Bà cười móm:

- Ờ, mơi nhớ lấy nghe cháu!

Bà cầm nón lá đứng dậy, má tôi đó. Tay xách bình cà-rem, má tôi đứng ngó thằng con trai của bà đang xếp hàng đi vào lớp. Khi tôi đi ngang, bà nghiêng người kề tai tôi dặn nhỏ: ‘‘Mơi nhớ lấy cà-rem nghe cháu!’’. Hơi thở ấm áp của bà phà vào lỗ tai tôi. Vào lớp, thầy ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Tôi ngồi xuống ở bàn đầu ngó ra còn thấy má tôi đang tất tả chạy trên con đường đá xanh lởm chởm, tay vịn nón lá sợ bay mất. Rồi bóng má tôi với cái áo vá vai mờ dần trong mưa...

Ngày hôm sau, tôi có ý chờ bà tới. Bà không tới. Hai bữa sau bãi trường. Tôi ăn hủ tiếu uống nước bạc hà, tôi ăn dưa hấu đỏ, đốt pháo chuột, và quên hết. Quên tiếng chuông leng keng, quên ngón chân sứt móng, quên cái bình cà-rem trầy ố, quên con mắt vẫy đuôi mừng.

Qua Tết, nhập học, chúng tôi trở lại trường. Nhưng bà già cà-rem với cái nón lá rách và cái chuông bóng lộn không bao giờ trở lại nữa. Không bao giờ...

Đã có bao nhiêu bà-già-quê-hương tôi đã gặp trong đời? Năm người? Mười người? Hay một trăm người? Hay nhiều hơn nữa? Có lẽ vậy. Không sao đếm hết. Những bà già đó nhan nhản đầu làng cuối xóm, ở quê mình. Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ thấy. Họ sờ sờ đó, lúc nào cũng hiện diện, nhưng cũng đồng thời rất âm thầm. Họ không có nhiều lời nói, chỉ có cái nhìn độ lượng, ánh mắt từ bi, nụ cười móm. Và đôi khi họ khóc. Cũng như bạn. Khi đau khổ quá, bạn khóc.

Học hết tiểu học, tôi lên trung học. Hết lớp đệ tam, tôi rời Vĩnh Long sang học trọ ở Mỹ Tho, lớp đệ nhị Nguyễn Đình Chiểu. Nhà trọ ở gần trường, sau trường là bến xe đò. Ban đêm có xe hủ tiếu, xe bán bò bía, khô mực, ổi cóc, la-de nước ngọt... đẩy tới bày bán. Tôi thức khuya học, thỉnh thoảng đói bụng chạy ra làm một tô mì hay uống nước dừa tán dóc với mấy thằng bạn cùng trọ. Lần nào tôi cũng gặp bà-già-quê-hương đi rảo qua các bàn ăn mời mua giùm một hai gói đậu phọng. Bà bưng cái rổ nhỏ, các gói đậu làm bằng giấy nhựt trình quấn thành hình nón dài. Bà để đầu trần, đi cẳng không, quần đen, áo trắng rách lưng đã ngả màu vàng xỉn. Đôi mắt hom hem thụt sâu trong hố mắt, nụ cười nhăn nhúm, móm xọm, hiền hậu.

Lần đầu tiên bà đến mời, tôi mua hai gói. Gói đầu mở ra, bẻ đậu, đậu lép. Bẻ tiếp, lại đậu lép. Lần thứ ba, có một bên lép, bên kia hột đậu có chút xíu. Gói thứ hai, cũng đại khái như vậy. Nói chung, đậu lép rất nhiều, hầu hết. Tôi nghĩ thầm tại mình xui. Nhưng lần thứ hai tôi mua, cũng vậy nữa, lép nữa. Và những lần kế tiếp khác, lại đậu lép và đậu lép. Một bận tình cờ nói chuyện với bà chủ nhà trọ, bà cho biết tình cảnh bà-già-đậu-lép. Bà sống chung với con trai và con dâu ở ngoại ô Định Tường. Con trai bà đi lính đã chết. Con dâu mua bán đậu phọng, hột chắc thì luộc đem ra chợ bán ban ngày, hột lép thì rang sơ bỏ vô gói giấy nhựt trình giao cho bà già đi bán ban đêm – ban ngày bà ở nhà giữ cháu. Thấy bà già cả lụm cụm, người mua nhằm đậu lép chắc không ai nỡ nói gì. Nhưng sau đó, khi đã biết được thì không ai mua nữa. Mặc tình cho bà rảo tới rảo lui, hay bưng rổ đứng chờ rất lâu bên cạnh bàn ăn.

Tim tôi se lại, ruột quặn thắt. Trời hỡi ! Sao khốn cùng tới mức phải đi bán đậu lép! Tối hôm đó, tôi ngồi uống nước dừa Bến Tre, có ý chờ bà. Bà lẩm đẩm, lom khom tới bàn tôi mời, tôi mua hai gói. Khi bà run run đưa tôi gói đậu phọng, tôi thấy cánh tay bà nổi gai ốc. Trời lập đông. Tết sắp đến rồi. Bà cám ơn tôi. Tôi thấy cổ mình nghẹn thắt. Và nhiều lần như vậy nữa. Lần nào tôi cũng mua hai gói đậu phọng bỏ vào túi, về nhà trọ bẻ ra lấy mấy hột đậu không lép, nhâm nhi thấy bùi ngọt mà sao chua xót ngậm ngùi. Trời gần Tết, càng lúc càng lạnh.

Nhiều bữa có những chuyến xe đò muộn ghé qua cho khách xuống hoặc đổ xăng. Những người bán hàng rong ùa tới, đưa cao những rổ mận, những chùm mía ghim, những bọc kẹo chuối, mứt chuối... ơi ới réo mời hành khách. Bà-già-đậu-phọng cũng lụm cụm chạy tới, nhưng bị lấn giạt ra xa, chen vô không được với bọn đàn bà con gái. Bà đứng phía sau, cầm gói đậu phọng nhựt trình lóng nhóng đưa lên, miệng lắp bắp, lí nhí, nghe không rõ được tiếng nào. Rồi xe rồ máy nhả mùi xăng cháy và khói xanh um và mùi xăng cháy mịt mù, vọt chạy... Người bán rong chạy theo để lấy tiền hoặc thối tiền. Bà già bỏ gói đậu phọng lại rổ, đứng ngó theo. Tới lúc xe khuất.

Tôi có cái áo blouson cũ màu trắng, dính mực ở lưng giặt không ra. Một đêm tôi cầm cái áo ra bến xe đò, đứng ở gốc cây me núp chờ. Tôi chờ bà-già-đậu-phọng. Một chiếc xe đò muộn tấp vô bến, đậu lại xuống hành khách. Mấy cô bán rong ùa tới, bà già đậu phọng lụm cụm, lẽo đẽo, đứng xa giơ gói đậu phọng lên lắc lắc, lí nhí. Xe rồ máy vọt chạy. Bà đứng xớ rớ bên lề. Tôi bước tới bỏ cái áo blouson dính mực vào cái rổ của bà, không nói được lời nào. Tôi ngó bà, bắt gặp ánh mắt từ bi đang nhìn tôi. Tôi quay lưng bước lẹ như chạy trốn. Đến gần đầu đường tôi ngoái người ngó lại. Bà già đậu phọng còn đứng đó, trong bóng tối nhá nhem, tay cầm cái áo trắng đưa về phía tôi ngoắc ngoắc. Bà có nói một lời nào không, tôi không biết.

Và sẽ không bao giờ tôi biết được. Hôm sau tôi lấy chuyến xe đò sớm về Vĩnh Long bãi trường, ăn Tết với gia đình. Tôi ăn thịt kho, ăn dưa hấu, uống la-de, đốt pháo đại, và quên hết. Quên bước chân lụm cụm, quên bà già đứng xớ rớ, quên những gói đậu phọng lép. Và cũng sẽ không bao giờ tôi được thưởng thức món đậu phọng lép của bà-già-quê-hương nữa – cái hương vị bùi ngọt mà sao chua xót khôn cùng ! Trời hỡi, sao thương quá thể!

Tết qua, tôi trở lại Định Tường, đổi nhà trọ, xuống gần bến đò bên kia sông là chùa Vĩnh Tràng, gặp Hoa, người yêu đầu tiên ở đó. Nhưng không còn bao giờ tôi gặp lại bà-già-đậu-lép nữa. Bà chưa chết. Tôi không dám nghĩ rằng bà đã chết. Tôi năn nỉ bà đừng chết. Bà đang bưng rổ bán đậu phọng ở một bến xe đò khác, ngoài ngã ba Trung Lương chẳng hạn. Có thể bà bị lấn ra xa, nhưng bà chưa chết. Bà đang cầm gói đậu phọng đưa lên cao, dù không ai mua. Bà đang mặc cái áo blouson trắng dính mực, coi rất kỳ cục. Nhưng bà chưa chết. Cũng như bà già cà-rem - má tôi. Bà cũng chưa chết. Bà đang ngồi chồm hổm bán cà-rem ở một trường tiểu học khác nào đó, ở Cai Lậy chẳng hạn. Chỉ chờ bạn ngó, tôi ngó, thằng nhóc nào đó ngó là bà đưa cái chuông bóng lộn lên lắc leng keng, cười móm, mời mọc, ngọt sớt.

Có thể bà vẫn còn ngồi đó, dù không ai mua cho bà cây cà-rem đậu xanh. Có thể bà vẫn còn bưng rổ đứng đó, dù không ai mua cho bà gói đậu phọng lép. Có thể bà vẫn còn lom khom đi lượm lon trong xóm Hàng Xanh, dù không ai chỉ cho bà nhà ông Đa. Nhưng mọi người vẫn còn đó. Những bà-già-quê-hương, những ‘‘Mối Tình Đầu’’ thiệt sự của tôi, vẫn còn đó. Cho dù bạn vô tình hay thờ ơ không ngó thấy.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài giời mưa bụi bay.../


Kiệt Tấn