Bạc Liêu , ngày…
Cuộc thi kéo dài hai ngày, đã qua. Lần nào nộp bài, ra khỏi phòng thi trước nhiều đôi mắt thèm muốn cũng như ước ao của nhiều người không làm bài được tôi nhìn đồng hồ tay, còn hơn nửa giờ nữa mới hết hạn.
Tôi không ngờ mình có thể làm bài được một cách trôi chảy và cũng không ngờ tôi chẳng hề sung sướng một mảy như tôi vẫn nghĩ trước cuộc thi. Có lẽ học hành, thi cử chỉ như một cái cớ được tôi vịn vào để khỏi cúi đầu bước qua một chặng đường khác mà ở đó lễ nghi cùng một vòng nhẫn làm cho chật vật đời sống. Đậu? Tôi cũng chẳng mừng lắm dù mảnh bằng kiếm được giúp tôi kiếm sống một cách dễ dàng hơn. Còn rớt? Có lẽ tôi cũng chẳng hề buồn hoặc toan tính bày một keo khác như lời tôi đùa với mọi người, thua keo này ta bày keo khác. Đã hai keo, thêm một keo thứ ba nữa ắt chẳng hay ho gì. (Đậu, rớt , những tên gọi, những dấu hỏi vẽ lên không hề đem theo được một hình ảnh vui buồn nào. Lạ không?)
Lại phải chịu đựng thêm nhiều đôi mắt thán phục nữa, tụ tập sau bức tường thấp của trường trung học, tôi mới thảnh thơi, đi chậm rãi xuống phố như bất cứ một ai chung quanh không bận bịu vì thi cử.
Con đường đưa xuống phố chợ, không một bóng cây. Bên này, những gian nhà nửa cổ kính nửa điêu tàn ngăn cách nhau bằng một lớp tường loang lở, cùng ngó sang xóm nhà tồi tàn phía bên kia con sông nhỏ. Mỗi lần đi giữa vẻ điêu tàn của con đường tôi đều cảm thấy hồn xác rối bời không khác gì những căn nhà hai bên lối đi. Lúc chiều này cũng thế, nắng chiều làm ngột ngạt và thư hẹn xuống của Thăng cùng với cuộc thi mới qua khiến tôi không rõ mình đang có những ý nghĩ nào trong đầu. Nếu có một phù phép nào giúp tôi tách bạch tâm tưởng thành một vật có thể nhìn ngắm được, chắc hẳn đó là một vật biến dạng liền liền. Tôi bật cười một mình khi tạt vào quán nước vắng và chọn một góc có thể nhìn thấy chút trời vương mây trắng trôi lờ đờ biếng nhác, qua khung cửa nhỏ. Gọi một ly trà lạnh, tôi thử vẽ vời ra một vài hình ảnh có liên quan xa gần đến cuộc thi và ngày hẹn xuống của Thăng.
Bốn ngày nữa, Thăng xuống. Chàng viết thư và dặn dò, nhớ đón anh ở bến xe. Bốn ngày nữa, có lẽ cũng khoảng giờ này, Thăng có mặt. Cuộc thi chưa có kết quả nhưng tôi chắc mình đậu. Như thế, có Thăng, tổ chức một vài cuộc chơi cũng là điều hợp lý. Rồi sẽ ra sao nhỉ? Tôi chịu không biết ra sao cả cũng như nhiều lần tự hỏi tôi yêu Thăng, chúng tôi có thật yêu nhau hay mỗi đứa chỉ yêu những điều lý thú do cuộc tình này mang lại? Những câu hỏi, chẳng khi nào tôi tự trả lời được hay có chăng chỉ là những câu trả lời dẫn theo một mớ những câu hỏi quá quắt khác. (Những câu tự hỏi như những lần lên đường dẫn tôi đến trước từng khung cửa đóng khít rịt!).
Cái quán nước hồi chiều tôi ngồi khi vừa từ phòng thi ra, cũng có thể là nơi tôi với Thăng cùng đem nhau đến ngồi được. Cảnh trí tao nhã, nhạc tạm được. Nhưng chẳng hiểu bên người tình tôi có còn tự dẫn mình đến những câu hỏi tai ác nữa không? Nếu có và nếu Thăng biết được điều tôi nghĩ, liệu chàng có tự hối hận khi hiến mình cho một chuyến đi dài?
Ngồi lì trong quán nước cả giờ đồng hồ, tuy thế khi trở ra, tôi cũng không về nhà vội. Tôi sợ phải đối đầu với khoảng thời gian trước lúc dùng cơm tối. Một giờ cũng đủ dài nếu Minh nó không chịu cho tôi phụ giúp nấu nướng và cũng đủ cho tôi khốn đốn với trí óc đầy những điều vớ vẩn. Tôi đi loanh quanh qua nhiều con đường. Đi mà chẳng nhìn ngắm, chẳng rõ có đọan đường nào tôi đi qua hai lần trong chiều này?
Mãi đến lúc trời đổ đêm, những trụ đèn hai bên đường làm bóng tôi nhảy múa chập chờn theo nhịp chân mỏi rã, tôi mới theo lối đi có nhiều căn nhà cổ, về nhà.
Như thế mà lúc này cũng chưa qua hết được một phần đêm rất nhỏ.
*
Bạc Liêu , ngày…
Vẫn chỉ là những ngày dư thừa thì giờ để tôi thấy tôi không mong lắm ngày Thăng xuống như ba tôi, Minh, hay Văn nghĩ.
Mỗi sáng, theo thói quen, tôi thức giấc lúc sáu giờ hơn dù chẳng có chuyện gì bắt tôi phải thức sớm như thế. Tôi thường cố ngủ thêm nhưng bận lắng nghe những âm thanh gần xa chung quanh nên tôi cứ trằn trọc cho đến lúc nắng lọt xuống chỗ nằm từ kẽ hở trên mái tole, tôi trở dậy vì không chịu nổi đôi mắt chế diễu cùng những câu nói đùa của Minh khi nó bắt gặp tôi trằn trọc, thở dài. Minh tưởng tôi mong Thăng thật. Nó bảo:
- Làm gì mà sốt ruột vậy? thế nào anh ấy cũng xuống mà.
Anh ấy. Tên gọi của Minh không dưng làm tôi cảm động và thì thào những điều mà tôi nghĩ chưa chắc gì ở tuổi Minh có thể hiểu được:
- Bộ Minh thấy chị có vẻ mong ngày Thăng xuống lắm sao?
- Chứ gì nữa. Đêm ngủ cũng mê. Mới đầu ngày vừa thức đã thở dài. Bà làm như tôi không biết.
- Chị không hề mong Thăng. Thật đấy.
- Thôi đi. Ai mà tin được.
Những ngày được bắt đầu bằng một vài câu trao đổi giữa hai chị em khi vừa thức giấc khiến tôi cũng chẳng rõ có thật tôi không mong Thăng hay cái vẻ thờ ơ giả tạo bị bại lộ ngay giữa giấc ngủ rằng, tôi có nôn nóng chờ?
Có Minh ở nhà, tôi rảnh rỗi để nhận thấy ngày quá dài và không dễ gì thu hẹp lại được bằng những việc lẩm cẩm. Tôi giả bộ làm việc lu bù lên để tưởng rằng chẳng có lúc nào rảnh rỗi. Thu dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc hay ngồi hàng giờ cặm cụi trước bàn máy sửa lại mấy tấm màn cửa. Rồi cũng có lúc không tìm ra việc để làm , tôi chúi mũi vào những trang tiểu thuyết kiếm hiệp. Cứ thế, quanh quẩn vào ra như con kiến bò hoài trong một chiếc chén rộng, dù bò nơi này đến nơi khác thì cũng chưa ra khỏi miệng chén.
Nếu như những cử chỉ hết sức bối rối đó được lập đi lập lại nhiều lần như một cách làm cho bớt nôn nao như điều Minh thường chế diễu, thì quả thật yêu nhau, chờ đợi nhau là một nỗi bận tâm hết sức trong sáng. Nhưng, khổ quá, biết giải thích thế nào với hai đứa em rằng thật sự không như chúng nó đã nghĩ. Liệu tuổi mới lớn có thể tin được sự bận rộn giả tạo nơi tôi chỉ để lấp đầy đầu óc cho không thể còn chỗ dung chứa những ý nghĩ hồ nghi về tình ái, về Thăng, về quãng ngày phía trước. Thi đậu, lấy Thăng, đó có phải là điều tôi tìm kiếm trên đời? Đầu đuôi chỉ giản dị như thế.
Hai việc kể trên tạm gọi là quan trọng đối với chuỗi ngày trầm lắng này làm tôi như có một vẻ lạ trước mắt nhiều người. Ba tôi, Văn, Minh cùng đám bạn thân sơ đều tưởng rằng sở dĩ tôi trở nên như thế chẳng qua là vì gặp một lúc nhiều chuyện vui, sao giữ cho được bình thường? Trong những bữa ăn, ba tôi hay đề cập đến một vài công việc mà nếu thích tôi có thể bắt đầu ngay sau khi biết tin thi đậu. Ông cũng không quên dặn dò những việc phải làm khi có Thăng trong nhà. Những câu chuyện đẩy đưa, những ánh mắt của ba tôi làm tôi nhớ ơn ông hết sức dù thật sự không như thế.
Buổi sáng ngày Thăng hẹn xuống, chị Phi đem đến cho tôi một tấm thiệp mời dự một buổi dạ vũ. Chị nói, quà cho cô với Thăng. Trong lúc tôi chật vật đọc hàng chữ bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp thì chị Phi nhanh nhẩu vẽ vời ra cuộc vui sắp tới làm như Thăng đã xuống dù rằng lúc đó mới là buổi sáng. Vài tiếng đồng hồ biết đâu chẳng có những đổi thay to tát. Biết đâu một đời sống khác từ một nơi khác đến đây thay thế cho đời sống này để chẳng còn tôi, chẳng còn Thăng hay bất cứ gì thuộc về đời sống này. Nghĩ quẩn như thế nhưng tôi cũng hăm hở hưởng ứng những đề nghị do chị Phi đưa ra. Vâng, vâng. Tôi gật đầu cho đến một lúc chị kêu lên:
- Ơ, nhỏ này, gì mà như mất hồn vậy?
Tôi mất hồn thật, bởi nếu tỉnh táo chắc tôi đã nói cùng chị rằng đó là một nơi không phải dành cho tôi và Thăng được.
Trong bữa cơm trưa, ba tôi tỏ vẻ lưu ý đến việc Thăng xuống bằng cách bảo tôi nên làm một món gì đó có thể uống rượu được. Tôi ngần ngại vì không biết Thăng có uống rượu được hay không thì ba tôi cười bảo, yên chí đi, thế nào mà nó không nhấm nháp chút đỉnh. Con trai mà. Văn thêm, vả lại anh Thăng có một thời chơi nhạc phòng trà thì sao không khỏi không uống rượu. Trừ tôi, mỗi người đều nói một vài câu chứng tỏ cho tôi hiểu được dù Thăng vắng mặt nhưng thật ra chàng lúc nào cũng được có một chỗ đứng khá vững, nơi này. Nếu không vì những điều hồ nghi, tôi chắc mình sẽ cảm động vô ngần khi được những người thân yêu chiều đãi như thế.
Cùng với Minh, tôi đi ra khu chợ ở bến sông mua một giỏ cua bự, trở về để làm món nhắm. Xong, tôi định thay áo dài cùng Văn ra đón Thăng ở bến như ý chàng muốn thì Văn cản lại. Nó nói, ở đó không phải là chỗ cho chị đứng lóng ngóng. Tôi nghe Văn và ở lại nhà đợi Thăng.
Gần chiều khi tôi đoán có lẽ Văn sắp về nên ra cổng đón và nó về thật. Văn trở về một mình. Tôi im lặng theo Văn vào nhà. Lúc đó tôi nhớ hình như căn nhà bỗng lạ hẳn đi vì nỗi im lặng mênh mông tôi vừa đem vào. Tôi nghe như có một chuỗi âm thanh rền rĩ kéo dài trong hồn. Thăng không xuống. Thăng không xuống. Tôi cứ im lặng để điệp đi điệp lại như thế. Bữa ăn lặng trang. Món cua xào dấm chấm với nước sốt gạch chua ngọt ba tôi tấm tắc khen ngon và khôi hài, Thăng xui thật, không chịu xuống để thưởng thức món ăn rất tuyệt. Câu khôi hài của ba tôi chẳng làm cho bữa ăn thêm vui vẻ dù chúng tôi đều cười. Sau cùng, lúc dời bàn, bằng giọng dịu dàng ba tôi kể về những tin tức chiến sự ông đọc được, cho hay vùng Thăng trú đóng đang có những trận chiến sôi động. Ông nói, tình thế đó dễ gì có phép. Tôi nói, vâng, con có nghe tin trên đài phát thanh. Sau câu nói tôi muốn khóc một tí khi nghe được chính tiếng nói mình bỗng trở nên ngậm ngùi.
Dù sao thì Thăng cũng đã không xuống như đã hẹn. Tấm thiệp mời dành cho chàng may ra giúp tôi bớt buồn khi ba tôi nói khi bảo tôi nên đưa Văn đi. Tôi ra khỏi nhà với gương mặt trần lười trang điểm tự nghĩ biết đâu giờ này Thăng cũng đang trên đường đến một chốn vui.
Tôi và Văn là hai dạ khách trễ tràng và trẻ tuổi trong những người có mặt. Chúng tôi đến, theo người hướng dẫn qua phòng nhảy vì tiệc đã xong từ lâu. Nhạc ồn ào và đèn sáng. Ai nấy đều có vẻ trịnh trọng. Đàn ông khoác veste và đàn bà bới tóc cao, đeo những xâu chuỗi dài lấp lánh. Nhìn lại, tôi tóc xõa dài, dép thấp. Văn áo ngắn tay, quần rộng. Nếu không có chị Phi và người tình của chị kéo vào một góc, chắc là chúng tôi sẽ lúng túng lắm.
Ngồi xuống ghế, tôi nhận phần nước rồi nhìn quanh phòng nhảy. Toàn những khuôn mặt lạ lẫm trừ vài người quen ít ỏi ngồi chung lại một góc. Tuy thế, ban nhạc lại chơi rất được. Đèn tắt bớt, chị Phi ra piste với người tình. Văn cũng tiến về phía mấy người đàn bà bới tóc cao. Tôi tự do nhìn ngắm một người nam vừa ra dưới ánh đèn tỏa xuống từ trần phòng. Bản nhạc buồn được mở đầu bằng tiếng bass chờn vờn, ấm ức. Giọng người nam cũng buồn buồn. Tôi nhắm mắt mỗi lúc nghe và mở mắt mỗi lúc nhìn người hát. Lẫn lộn trong trí tưởng là chuỗi ngày sống lêu bêu thời mới lớn, hát hò trong một nhóm du ca. Ánh đèn và nhịp phách sênh ca ngày cũ trở về cũng chờn vờn như tiếng bass dồn dập ở phần cuối cùng bản nhạc.
Chị Phi trở về chỗ ngồi, uống ngụm nước nhỏ, nhìn quanh rồi hỏi Thăng đâu? Tôi đáp không xuống được và lịch sự từ chối lời mời của một người đàn ông lớn tuổi. Im lặng một lát chị Phi cùng vài người nữa xúm lại chọc ghẹo tôi, nhưng làm như an ủi. Tôi cười đùa đáp trả nhưng tai vẫn đón đầy giọng hát buồn của người nam ca sĩ hình như đã hát sang lần thứ mấy.
Ngồi lì một chỗ từ lúc đến, tôi nhâm nhi từng chút nước ngọt vừa cười đùa nho nhỏ, vừa nghe hát vừa từ chối tất cả những lời mời. Nếu có Thăng, chắc tôi cũng không nhảy cùng chàng. Bởi ở đó, đêm vui của mọi người không giúp cho tôi bớt buồn vì Thăng không xuống. Tôi chán nhiều hơn vui.
Mà tôi cảm thấy chán thật khi im lặng đi bên Văn trên con phố ngủ vùi để về nhà. Ngày hạn đã hết mà Thăng không có mặt. Chàng thất hứa hay những phiền toái của đời sống đã giữ chàng lại? Tôi tự hỏi và không muốn có câu trả lời.
*
Bạc Liêu , ngày….
Đã bốn ngày qua, Thăng có mặt trong nhà. Chàng đến, nhập vào sinh hoạt của chúng tôi và không hề đem theo được một chút ồn ào như mỗi lúc đón nhận một người mới. Thăng sống qua mấy ngày, như Văn , như Minh. Chàng đi ra đi vào, đọc sách, đàn hát, cũng đôi lúc ra phố. Thăng sống tự nhiên và hòa hợp. Bây giờ, trên chiếc divan ở phòng ngoài, Thăng ngủ nốt phần đêm còn lại lấy sức để trở về hay cũng như tôi, không thể nào nhắm mắt nổi sau lúc nói với nhau những lời không có vẻ gì một đôi tình nhân nói với nhau lúc giã từ? Lát nữa, trời sáng, chiếc xe của người quen sẽ đưa Thăng trở về nơi chàng trú đóng. Thăng sẽ sống như đã sống và chờ tôi đến thăm. Tôi ở lại. Như thế là chúng tôi xa nhau hay thật sự cũng chẳng gần thêm chút nào qua mấy ngày kề cận. Nhiều lúc lúi húi làm bữa dưới bếp, liếc nhìn lên thấy Thăng vẫn lặng lẽ với cuốn sách, tôi lại thẫn thờ tự hỏi giao tiếp giữa tôi và chàng được gọi là tình yêu? Nếu như thế, tình yêu không hề chuyên chở theo những gì êm đềm, sướt mướt và làm ta ngây ngất? Yêu nhau, vượt vài trăm cây số đường dài và hiểm nguy đến đây để mỗi người một góc. Sao? Sao?
Ngay lúc đầu Thăng xách túi hành lý nhỏ xíu như một món đồ chơi của con nít vào nhà theo người anh họ tôi, chàng lẫn tôi không có với nhau một cử chỉ nào khả dĩ làm cho người ngoài nhận thấy rằng hai người yêu nhau vừa gặp mặt. Không hề có. Thăng ngồi xuống ghế, chàng đùa :
- Đường xa quá. Xa ghê. Xa thật.
Tôi cười sau câu nói đùa của Thăng dù trong lòng tôi không ngờ và không chờ câu nói đầu tiên của chàng lại như thế. Có lẽ người anh họ cũng ngạc nhiên nữa, anh ấy lúng túng đặt những gói đồ cồng kềnh xuống chân và nhìn quanh quất. Tôi mới ngủ dậy, mệt mỏi. Thăng mới trải qua một chuyến đi dài, mệt mỏi. Chúng tôi im lặng ngay trong phút đầu gặp lại và cảm thấy nổi mệt mỏi vây phủ tứ bề. Thêm nữa, chiều oi nồng, bứt rứt. Tôi nói:
- Em soạn đồ cho anh tắm nhé ?
- Để anh gặp ba đã. Chừng nào ba về ?
- Cũng sắp rồi, anh .
Chúng tôi ngưng ngang những câu trao đổi vu vơ khi ba tôi vào cổng. Thăng đứng dậy, tôi thoáng bắt gặp chàng đưa tay sửa lại mái tóc rối bù trên đầu.
Giới thiệu Thăng với ba tôi xong, tôi cùng người anh họ tránh về phía nhà sau. Dù hai chúng tôi có thể nào chăng nữa thì Thăng cũng phải chuyện vãn cùng ba tôi với tư thế của một chàng rể tương lai trong nhà. Điều này làm tôi vừa lo ngại vừa buồn cười. Thăng sẽ phải khép nép, từ tốn và ba tôi dĩ nhiên ông sẽ tra vấn thật kỹ chàng trong lần nói chuyện đầu tiên nầy.
Trong khi ba tôi và Thăng chuyện trò, tôi đi mua thêm thức ăn ở một tiệm làm thức ăn sẵn. Trở về, câu chuyện vẫn chưa chấm dứt. Tôi hỏi người anh họ :
- Anh thấy sao?
- Căng thẳng quá. Nhưng Thăng có vẻ làm ông cụ hài lòng.
Mãi đến lúc Văn từ hội quán thể thao trở về, ba tôi mới cho dọn cơm. Trong bữa, trái với vẻ nghiêm nghị lúc đầu, ba tôi vui vẻ tiếp thức ăn cho Thăng và hỏi han những điều có liên quan đến vùng chàng trú đóng. Bữa cơm vui dù không có rượu. Gần cuối bữa, ba tôi đùa bảo Thăng không có số hưởng lộc. Lần trước cháu hẹn xuống, Thu nó làm món cua xào dấm tuyệt lắm. Nhưng không sao, ngày mai sẽ có món khác, phải không Thu? Chúng tôi thảy cười. Giọng cười của Thăng nhỏ và lững lờ không biết ẩn giấu những gì.
Buổi tối, tôi, Thăng, người anh họ, và Văn đưa nhau đi chơi. Vào quán tôi ngồi cạnh Thăng, chàng săn sóc thức uống cho tôi bằng những cử chỉ từ tốn và trầm tĩnh cố hữu. Lúc nào thì chàng cũng vậy, nhàn nhã, từ tốn. Tôi muốn thà để tôi tự lo lấy hơn là được Thăng giúp bằng cử chỉ của anh dành cho em.
Thăng trầm tĩnh như vậy trong suốt bốn ngày qua. Chàng thường lặng lẽ với cuốn sách từ giờ nầy sang giờ khác. Cũng có lúc chàng ôm đàn tự đệm để hát. Tôi ngồi đâu đó vừa nhìn Thăng vừa hát theo nho nhỏ. Không hiểu sao lúc nào chúng tôi cũng xa lạ với nhau, dù rằng nếu Thăng chỉ đi ra khỏi nhà một lát thôi tôi cũng đã cảm thấy thiếu vắng và nhớ chàng.
Sáng mai, Thăng trở về. Chàng nói với ba tôi như thế trong bữa cơm chiều giữa lúc tôi nghĩ ít ra chàng cũng còn ở lại thêm một vài ngày nữa. Tôi không hỏi nhưng Thăng cũng nói sở dĩ chàng về sớm vì còn chút ít công việc cần phải giải quyết trước lúc hết thời gian nghỉ phép. Tôi không níu kéo Thăng sau lời từ giã khiến bữa cơm bỗng trở nên bứt rứt. Lúc đứng lên đi lấy nước, tôi thoáng thấy Minh cau mày vẻ nghĩ ngợi. Có lẽ tuổi mới lớn đầy mộng mơ khiến Minh không thể nào tin được hai người yêu nhau lại có thể từ giã nhau trong tẻ nhạt như thế.
Khi vuông sân trước nhà chỉ còn lại tôi với Thăng, đêm cũng chưa khuya lắm. Ba tôi, Văn và người anh họ lần lượt tạo ra những cái cớ để lánh mặt. Có lẽ mọi người cho chúng tôi được đôi chút riêng lẻ trong vài giờ cuối bên nhau. Nhưng dù có riêng lẻ chúng tôi cũng chẳng hơn gì khi có mọi người cùng ngồi. Có nghĩa là những câu chuyện bỏ dở lại được tiếp tục và Thăng vẫn không thay đổi thế ngồi, thế ngồi làm chúng tôi gần như đưa lưng về nhau. Chẳng ai có thể tin được, chúng tôi đang yêu nhau, đang là một đôi tình nhân trong giờ phút giã từ. Tôi cũng không thể tin nổi nên có lúc đã phải kêu lên nho nhỏ với Thăng, làm sao có thể gọi chúng mình là những người yêu nhau cho được. Sau câu nói không thể kìm giữ, tôi nghe Thăng thở dài nhẹ . Tuy thế, chàng cũng chẳng nói gì về điều tôi vừa phàn nàn, ngờ vực.
Những câu chuyện chẳng ăn nhập gì đến yêu đương làm đêm qua rất mau. Thăng mồi điếu thuốc cuối trong bao, chàng nói :
- Mai anh về rồi. Em có gì để nói không ?
Tôi muốn nói cùng Thăng là có rất nhiều điều cần tỏ bày nhưng nên giữ trong lòng vì nếu nói ra cũng chẳng đem đến được điều gì hay ho, mới mẻ cho cuộc tình lạ lùng nầy.
- Cuối tháng này, em về S. để bắt đầu đi làm.
- Anh có nghe Văn nói. Mà sao?
- Em sẽ lên thăm anh.
- Khuya rồi, em vào nghỉ đi thôi.
Nghe lời Thăng, đứng dậy, vào phòng, tôi không ngủ được mà khổ sở hoài với lời hẹn thăm chàng. Thăng có ngủ hay chàng cũng đang thao thức chờ sáng. Còn vài tiếng đồng hồ nữa, trời sáng, Thăng trở về nơi trú đóng. Ở đây cũng từ buổi sáng sắp tới, tôi sẽ nhớ chàng, mỗi bữa cơm sẽ thấy thiếu một cái gì mà biết rõ khi có chẳng cảm thấy cần thiết. Nơi trú đóng Thăng sẽ chờ tôi lên thăm như tôi đã chờ chàng ngày nào.
Có phải yêu nhau là tổ chức những đuổi bắt miệt mài là tìm kiếm một điều đã gặp nhưng không cho là điều tìm kiếm. Tôi chợt rùng mình sợ hãi khi chợt nhận thấy mình như một con kiến bò quanh quẩn mãi trong một vòng tròn rất rộng. Và lời hẹn thăm Thăng những ngày sắp tới chỉ như một cái mốc , mà ở đó tôi tưởng mình đã lên đường những chuyến rất xa, rất dài nhưng thật ra chỉ vừa trở về điểm khởi đầu trên con đường tìm kiếm./.
Âu Thị Phục An
Bạc Liêu tháng 7/1974