Lợi dụng thời gian đổi diễn giả, tôi rời căn phòng họp lớn ồn ào tiếng người và nồng nực mùi khói thuốc lá để thoát ra phòng ngoài.
Ở phòng này, còn vắng vẻ và không khí còn thanh khiết. Thiên hạ và người lác đác cũng trốn ra, la cà bên những quán hàng ăn. Những tấm bảng giấy quảng cáo, mời mọc: bánh cuốn Ða Kao, thạch chè Hiển Khánh, bò viên Casino… Thì ra nhắc nhở suông chưa đủ. Khi nãy, xen kẽ với những bài hát, câu hò, ca vọng cổ, các nhà văn, nhà thơ lần lượt lên sân khấu nhắc nhở đến những buổi sáng ở Cây Quéo, những buổi trưa Bà Chiểu, những ngày mưa ở Bình Hòa, những phiên chợ ở Gò Vấp… Mọi người ngậm ngùi ôn lại hình ảnh trường xưa lớp cũ, bạn bè, lính tráng, công tư chức, kẻ mất người tù, kẻ đông người tây bây giờ. Rồi lát nữa đây, ra nhấm nháp những tiêu biểu cụ thể thì ai nấy có thể… yên tâm sống cho đến lần kỷ niệm sau.
Chợt có một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi từ phía sau lưng, một giọng nói ấm áp quen thuộc, nhưng từ lâu lắm, tôi cố tình đẩy ra bên ngoài trí nhớ.
– Xin lỗi cô Nguyễn, tôi có chuyện muốn nói với cô.
Câu nói bằng tiếng Pháp thật nhẹ, thật chậm rãi. Ðôi tay chàng ôm vai tôi vài giây rồi lập tức nới lỏng, gọng kềm êm ái chợt buông ra. Làm sao diễn tả cho chàng cái cảm giác tiếc nuối khôn cùng lúc đó? Tôi xoay người lại. Ðúng là Dân đang đứng trước mặt tôi, vẫn nụ cười đôn hậu và quyến rũ. Tóc đã bạc đi nhiều nhưng vẫn dáng người rắn rỏi, vẫn kính cận dày lấp lánh, đàng sau, hai con mắt vẫn thiệt thà, thông minh. Ba năm dài đằng đẵng, tôi héo sầu tuyệt vọng còn chàng vẫn cứ… tỉnh khô không thay đổi vậy ư? Tôi đứng chết trân, nước mắt tuôn ra ban đầu thì lặng lẽ, sau đó thì ra tiếng hu hu ư ử… Chàng kéo tôi ra khỏi tầm mắt đồng bào, một tay móc túi lấy khăn đưa tôi, một tay vỗ vỗ nhẹ vào lưng tôi. Tôi giật mình vô cùng, tôi thấy tôi dở ẹc, chưa giáp trận đã giơ cờ trắng. Nhưng này, tôi còn ước mơ ham hố gì nữa đây? Có trận địa nào, còn ván cờ nào nữa? Nhưng tôi chẳng đặng đừng cho phép mình nhâm nhi một cách thú vị cơn bối rối và nỗi ngây ngất đang dâng lên. Lại một thoáng tiếc nuối khi bàn tay chàng rời khỏi lưng tôi, tôi bay bổng theo chàng ra bãi đậu xe. Trên suốt quãng đường dài, tôi nhắm mắt, dựa đầu vào ghế, vừa sung sướng vừa sợ hãi nghe tiếng chàng hát nhỏ những bài nhạc xưa. Không gian lâng lâng, huyền ảo.
Khi cả hai ngồi trong quán, thì mặt trời đang lặn dần xuống biển, mây hồng từng đám lừng lững nhìn xuống bãi cát. Sóng nhịp nhàng vỗ về những ghềnh đá. Người ta đông đảo, dập dìu, nói cười vui vẻ trên bãi, trên những bao lơn, dựa vào thành gỗ, hay ngồi trên những tảng đá, ngồi trong những ngôi quán nhỏ sáng đèn, nhìn từ xa như những ngọn tháp. Chàng mở đầu:
– Ðây là Redondo Beach…
Tôi nhìn chàng, chờ đợi. Giọng chàng bỗng mềm đi:
– Anh thật may mắn… Người bạn rủ mãi mới chịu đi, lại định bỏ về sớm nữa chứ…
Tôi ngắm những sợi tóc bạc của chàng. Mỗi sợi tóc bạc là một ngày nhớ nhung phải không anh. Cho nên nhớ nhung, cũng như tóc bạc, không chỉ dài ra thôi mà còn lấn đất, thêm hoài, thêm hoài… Cũng như những kỷ niệm của chàng của tôi, lẫn lộn, quấn quít nhau, nguyên vẹn. Tôi đã kể cho chàng nghe những biến cố trong thế giới tuổi nhỏ của tôi. Có Lăng Ông, có rạp Huỳnh Long mười đồng hai phim Ấn Ðộ ca vũ nhạc thần thoại, có ao rau muống, những con cá ba màu ở xóm Khăn Ðen Suối Ðờn. Và trong tôi còn sống động những ngày thơ ấu của chàng… Nhưng tôi giận dỗi bâng quơ:
– Dân Tây tám chục phần trăm mà cũng đi dự “Ngày nhớ Gia Ðịnh”…
Chàng tha thiết:
– Anh thấy em từ lúc nghe cái ông có hàm râu cá chốt nhắc nhở về xóm Hàng Xanh và trận đánh hồi năm Mậu Thân… Anh nghĩ tới người dì của em…
Ừ, Tết Mậu Thân, tôi còn nhớ như in bữa ngồi xem ti vi ở cư xá đại học, cuộn phim cũ nhắc lại những trận đánh lớn nhân khi hiệp định Paris được ký kết. Tôi thấy lại bà dì áo bà ba, quần đen, chân trần, tóc bay trong gió, đứa con nhỏ trong tay, vừa chạy vừa khóc trong đám đông hỗn loạn. Tôi nhớ đã đành, mà Dân cũng chua quên… Tôi liếc chàng thật bén, giọng vùng vằng:
– Nói em nghe coi rạp Cao Ðồng Hưng nằm chỗ nào, chợ Bà Chiểu có món gì ngon?
Người bồi mang ra hai con cua luộc đỏ ối nằm kềnh càng trên đĩa. Dân điềm nhiên lấy khăn, rót rượu, đập vỡ vỏ cua, đưa tôi những cái ngoe với các sớ thịt cua trắng nõn. Vừa nói chuyện. Vẫn lối nói chuyện lôi cuốn, vừa kể lể tâm sự, vừa tra vấn. Tôi tự dặn mình hãy coi chừng, nhớ tấn công chứ đừng thèm giữ thế thủ. Trời ơi, ba năm rồi mà cứ tưởng như hôm qua. Chàng vừa mới làm quen, kín đáo điều tra tôi. Giọng chàng đang ngọt mật, chợt ngập ngừng, hỏi bằng tiếng Pháp:
– Cô Nguyễn, tôi có làm phiền cô không?
Tôi cười gượng, trả lời bằng tiếng mẹ đẻ:
– Thành bà rồi anh ơi! Con gái em vừa tròn một tuổi, hai bữa nay về ở nhà ông bà nội…
Chàng có nghe nhưng sao không một thoáng mây mờ trong ánh mắt? Ôi, tôi còn trông mong gì nữa vậy? Tôi cố tình quên đi khoảng thời gian đã qua nhưng sự thật vẫn rành rành và chứa đầy sóng gió. Ba năm đã qua, ba năm hay ba thế kỷ?
Như đọc được ý nghĩ tôi, chàng nghiêng đầu nói nhỏ:
– Em tính… nhất nhật bất kiến như tam thu hề, huống tam thu… Phải không, cái ông ba Tàu nào đó có nói… Em tính đi ba trăm sáu mươi lăm ngày nhân lên ba rồi bình phương lên.
Tôi vụt hỏi:
– “Người ta” ra làm sao? Có… đẹp không? Chắc là ngoan ngoãn lắm? Bố mẹ chọn hay là cái cô Oanh chọn?
Chàng lơ đãng nhìn ra ngoài, hất hàm chỉ chỗ có những ánh đèn chớp xanh đỏ:
– Nơi đó có nhiều trò cho những… bố trẻ con, mỗi lần thắng người ta đưa cho em một số thẻ với những điểm khác nhau, em cứ làm tính cộng rồi đổi lấy những con thú nhồi bông lớn nhỏ tùy theo…
Tôi muốn khóc:
– Các con chắc là dễ thương lắm, giống anh hay là…
– Thằng bé có đôi mắt giống… em.
Thôi đi ông ơi, xạo vừa vừa thôi, nhưng tôi chưa kịp nói với chàng câu đó thì, lạ lùng chưa, tôi chợt nhớ ra rằng cô con gái cưng của tôi có nụ cười y hệt chàng.
Chàng rót thêm rượu vào ly cho tôi, thở dài, hứa hẹn:
– Tuần sau anh đưa em đến một chỗ rất đẹp, đặc biệt, từa tựa vài khu ở Paris. Mấy năm ở nơi này, chắc em nhớ nhiều… Ðêm mát mẻ, diệu kỳ, mơ hồ mà rất hiện tại. Người đã thưa thớt dưới bãi nhưng vẫn đông đầy trong các hàng quán rực đèn. Khi chúng tôi đứng dậy ra về, tôi có cảm tưởng mình rời bỏ chốn vui chơi, mộng mị để trở về thực tế. Bụng buồn và… no óc ách, tôi xấu hổ khi ngoái cổ nhìn lại đống vỏ cua cao nghệu và chai rượu rỗng. Trước đó, theo bước chân chàng kể chuyện ba năm qua, nước mắt chảy đã đành mà miệng vẫn cứ nhai nhóc nhách không ngừng. Tôi muốn nhai, nuốt biến đi những nghẹn ngào, đau đớn, những quyết định thờ ơ đã có, đã khiến tôi trôi nổi nơi này, sống hững hờ không đợi chờ, mong muốn… cho đến hôm nay. Cuộc đời diễn tiến lặng lờ không có tôi nhập cuộc. Hồi đó Quỳnh, con em út của tôi đã trợn mắt, mím môi, hùng hổ:
– Chị ngốc lắm, chịu thua một con mụ chẳng có quyền hành chi đối với cuộc đời của chị, đầu hàng một anh chàng cù lần không có một chút gì hợp với chị…
Ðó là vì Quỳnh chưa rõ Ngôn đấy thôi, anh ít nói, hơi thô, nhưng thực tế, tốt tính, bộc trực, một con người trong suốt, sống dễ dàng không thắc mắc. Với lại, điều quan trọng nhất là tình yêu rất giản dị, trung thực anh đã dành cho tôi.
*
Khi tôi về, Ngôn còn ngồi loay hoay cộng trừ nhân chia với những giấy tờ biên nhận, hóa đơn, toa thuốc. Tôi luống cuống khi anh ngẩng lên nói:
– Biết liền mà…
– Anh… anh biết… biết gì, em… em…
May quá chưa tìm ra lời dối quanh thì Ngôn cười:
– Anh đã không muốn đi vì biết rằng “mấy cha” xúm nhau kể… chuyện đời xưa. Ðất Gia Ðịnh rộng mênh mông, bao quanh cả Sài Gòn, muốn đi giáp vòng và kể chuyện gió mưa bão táp thì có lẽ ba ngày mới xong. Em… hết nhớ Gia Ðịnh chưa?
Tôi ậm ừ qua loa. Ngôn lại cúi xuống đống sổ sách. Ðầu tôi đầy ắp những tháng ngày hạnh phúc xưa cũ, những nuối tiếc… xôn xao. Nếu không có chiếc khăn tay thơm dịu của chàng, tôi đã nghĩ rằng mình lỡ dại nằm mơ.
*
Tôi năn nỉ má tôi cuối tuần đến thăm anh chị sui luôn tiện bắt cháu ngoại về nuôi giùm tôi vài bữa. Cuộc sống nhàn rỗi, khép kín đến chán nản của tôi bỗng dưng chấm dứt đúng lúc. Từ hơn hai tuần trước, tôi đã ghi tên học lớp “chữ Nho tốc hành” tối thứ sáu, thứ bảy thì đi học hội họa, nhiếp ảnh. Chính Ngôn đã thúc hối tôi ra ngoài vì thấy tôi sống quá bình thường, làm nội trợ, làm mẹ, làm vợ ngoan ngoãn không một lời… ta thán. Ngôn cũng muốn chiều tôi, nhưng tiệm thuốc của anh chỉ đông khách vào cuối tuần, đóng cửa tiệm để dẫn vợ đi chơi hay theo vợ đi học chắc là sẽ lỗ nặng.
Thế là tôi có những buổi tối hồi hộp đợi bóng xe chàng trờ tới, và tôi lúc nào cũng mặt thời lơ láo, mắt thì nhanh. Những bộ mặt Á Ðông thoáng thấy đều có dáng dấp của ông bà già chồng tôi hay mấy bà cô của con gái tôi. Tôi cố tình lừa dối tôi, tưởng tượng mình như trước, đang hăm hở lao vào “bóng mát một cuộc tình”, cố quên rằng xung quanh dây nhợ quấn quít tứ tung chằng chịt. Lâu lâu, hồi “tỉnh giấc Nam Kha”, tôi rên rỉ, tôi tự cảnh tỉnh, mắng mình, nè mi ơi, hãy tự nhìn cho kỹ, hãy nhìn mi cho kỹ, trước khi phạm tội. Nhưng tôi có nghe tôi đâu, chàng có để tôi nghe tôi đâu. Buổi sáng vác túi sơn cọ đi học vẽ, chưa thấy trường chưa thấy thầy, tôi đã thấy tôi đang hấp tấp theo chàng chạy ra phi trường, bay một hơi tới San Francisco. Qua cây cầu treo màu đỏ, xuống phố Tàu ăn “tiểm sấm”, chạy ra khu bến tàu cũ. Hòa mình vào dòng người rộng lượng vô danh. Em thấy chưa, cứ như là khu Montmartre, Beaubourg, có nhạc sĩ hát dạo, họa sĩ vẽ chân dung thần tốc, nghệ sĩ diễn tuồng câm. Ðêm còn tuyệt vời hơn nữa, ở lại đêm với anh, em sẽ thấy, em sẽ… em sẽ…
Chàng làm như tôi đang tiếp tục cuộc sống dở dang thuở trước, với thật nhiều hối hả để đền bù khoảng thời gian phí phạm. Nhưng chàng còn tỉnh táo, tôi hết rồi không liều lĩnh, đam mê xa xưa. Tôi lảng sang chuyện khác:
– Em chưa biết mặt “người ta”, giới thiệu em đi, giả bộ nói em là học trò cũ của anh hồi em còn bên Pháp.
Cũng may chàng nhìn tôi thấu suốt nên buổi chiều đó, trên đường về nhà, chàng cầm tay tôi:
– Em có vẻ mệt, tuần sau mình sẽ gặp lại…
Nhưng chưa đủ hai ngày chàng đã gọi điện thoại:
– Mình ra biển, anh đến đón em!
Mới hai tuần lễ, tôi lên năm pounds và đầu óc nặng nề những lời thống trách, chì chiết. Chàng hiểu ngay, ở những lần hẹn sau chàng chỉ gọi rượu nhẹ và trái cây. Biết rõ tôi, chỉ có chàng. Thật vậy, chàng đâu quên cái tật kỳ cục của tôi: người ta uống rượu để tiêu sầu, còn tôi thì… ăn để tưởng nhớ. Hồi xưa, lúc được tin ông ngoại mất, tôi vừa khóc vừa chạy vù vô xóm mua một đồng mía ghim và những trái cốc ngâm cam thảo tỉa múi thật đẹp. Chấm một miếng muối ớt, tôi thấy ngoại đang thoăn thoắt leo dừa; bẻ một khía cốc chua, tôi ngồi xem ngoại kết lá quít làm ổ cho kiến vàng; ngậm miếng mía, tôi hình dung ngoại đang quăng lưới trên sông. Khi cắn đầu trái cóc tròn như mái dù, tôi còn thấy rõ ràng ngoại nằm võng kẽo kẹt, tay gác trên trán, bên ngoài trời mưa, bong bóng nước thi nhau vỗ trên sân đất ngập nước, trên mặt rạch. Khi nước mắt đã cạn, mí mắt sưng cứng, đầu óc lùng bùng, hỗn loạn thì trên bàn ngổn ngang bã mía và những hột cóc trơ xương. Tôi thù ghét thằng Bển, đứa em họ đưa tin dữ khi tôi vừa đi học về, trời đất hỡi, trong nhà không ai có đủ can đảm nói với tôi là ngoại vừa mới mất! Khi mới sang Pháp, mỗi một trang cours phải tiêu một thẻ sô cô la. Học xong năm thứ nhất, tôi trở thành một bao gạo biết đi!
Còn những lời mắng mỏ? Tôi cố moi óc tìm những lý lẽ biện hộ cho hành động của mình. Có phải vì Ngôn mải lo làm ăn, hờ hững với tôi? Có phải vì đời sống tôi không hạnh phúc, dù với một người chồng hoàn toàn, một đứa con đẹp đẽ? Hay chỉ là một phút dừng chân (xé lẻ) để quên con đường dài phẳng phiu, buồn hiu trước mặt?
Tôi lao đầu vào công việc bếp núc, may quần áo cho con, siêng năng đi… thăm ông bà nội của con tôi. Ðến nhà ba má, tôi cắt cỏ, cho gà vịt ăn. Nhưng tôi cố tránh gặp mặt Quỳnh, hai con mắt một mí rưỡi coi vậy mà thấy rõ hết. Một ngày nào đó, nó từ tốn dọ hỏi, tôi sợ rằng nó sẽ chọc thủng được cái bầu tâm sự nặng trĩu của tôi, tôi sẽ khai hết, thế nào cũng khai hết. Tuần trước nó đã đòi tôi ghi tên giùm để đi học vẽ chung với tôi, không lẽ con bé đã bắt đầu nghi ngờ gì chăng?
*
Thế rồi tôi cũng biết được mặt “người ta”. Tôi mang con gái đến dự sinh nhật con trai lớn của chàng. Người đàn bà trẻ, nhỏ nhắn, dịu dàng, có vẻ hơi nhút nhát. Nhưng rõ ràng là chàng được yêu thương, săn sóc một cách vẹn toàn. Chàng ân cần, gần gũi với các con, chàng dịu dàng, từ tốn với vợ.
Sau giây phút bối rối, đau lòng, tôi lại nghe tự hào. Phải rồi, những sôi nổi, đam mê chàng đã dành hết cho tôi rồi, kẻ đến sau kia chỉ còn cái đuôi… bão! Tôi đã rồi chợt tắt nhưng tôi cũng đã có một phút huy hoàng, người đàn bà kia đang và sẽ chỉ le lói, dù là suốt trăm năm! Nhưng nơi thềm cửa tiễn khách, bàn tay nhỏ nhắn với cái hạnh phúc chỉ le lói đó đặt nhẹ trên cánh tay mạnh mẽ của chàng, đầy vẻ chiếm hữu. Tôi chua chát ngẫm nghĩ, ừ thế mà người ta có được chàng cho tới hơi thở sau cùng, còn tôi thì nhớ tiếc tới ngàn năm.
Trở về nhà, sau vài đêm thao thức, khổ sở, tôi quyết định không gặp chàng nữa, thôi kể như huề đi anh ơi, mỗi đứa có một đời sống, một gia đình, một bổn phận, và một “người khác” thương yêu và để thương yêu. Ðứng núi này dòm qua núi nọ làm chi?
Tôi hối hận mình không giữ lời khi nhận thấy tôi đang ngồi trên bệ đá, bên cạnh chàng, lắng nghe biển rì rào, tình tự. Bãi vắng lặng, những con chim hải âu cuối cùng còn luyến tiếc lượn quanh, tiếng kêu lạc lõng. Mặt trời chiều đỏ và to vừa chạm đám mây ở cuối chân trời, cả một vùng biển hồng rực rỡ nhưng buồn bã, câm nín.
Lâu lắm, chàng mới nói:
– Ðừng trách anh, đừng giận em. Hãy thanh thản, không toan tính. Anh vẫn… yêu em.
Tôi quay mặt về phía sau:
– Tim anh chắc là nhiều ngăn hơn người ta… Chắc to bằng thùng… container máy bay.
– Em không thấy sao, ngoại trừ những đứa trẻ, người nào cũng không thể sống mãi với trái tim người khác hay trái tim nhân tạo… Nói đùa thôi… vì méo mó nghề nghiệp. Anh mong mình chỉ sống cho hiện tại… ở nơi này. Không nhìn về phía trước, cũng chẳng trách cứ gì quá khứ.
Tôi biết vì sao chàng già không nổi. Tim óc lúc nào cũng có lớp lang thứ tự, ngăn này mở ra thì ngăn kia đóng lại. Hừ, không nhìn về phía trước, chẳng ngoái lại phía sau! Chàng tưởng cứ như vậy thì chẳng bao giờ vấp té?
Mãi về sau tôi mới hiểu những lời này của chàng. Lúc đó tôi hờn trách lung tung, giận mình, giận định mệnh, rồi giận cả chàng. Phải chi chàng… chờ tôi, đi tìm tôi, thế nào rồi cũng gặp. Bằng cớ hiển nhiên trước mặt. Tôi đòi hỏi có lẽ hơi nhiều. Xưa nay ngoại trừ anh chàng Lương Sơn Bá dám thác vì tình, có mấy ai (anh) “ở vậy” vì tình? Yêu ai yêu cả một đời mà vợ thì cứ lấy và “ghét” vợ đến nỗi bắt vợ đẻ… sòn sòn năm một.
Chàng cố cãi:
– Em luôn cả quyết một cách vô lý. Sống, phải có tình yêu, tình bạn, song cũng phải có một lý tưởng, một tham vọng nào đó nữa. Không thể vì thiếu cái này mà bỏ rơi tất cả những thứ khác. Phải dẹp qua một bên sự bất mãn, những điều không thỏa ý. Phải sống, dù như thế, cuộc đời trở nên bất toàn,không trọn vẹn.
Thật ra tôi trách chàng mà quên xét đến mình. Thử hỏi tôi có ở vậy chờ ai? Nếu không… thương sao tôi dám nhận lời Ngôn, có ai ép buộc tôi đâu? Không lẽ chỉ tại vì Ngôn có nụ cười giống chàng?
Một lần gặp trước, chàng nâng cằm tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi hỏi:
– Em sống có… hạnh phúc?
Tôi cười buồn, hỏi lại:
– Và anh, anh sống có hạnh phúc?
Rồi bỗng phát giận:
– Hạnh phúc là gì? Như thế nào thì gọi là hạnh phúc? Anh ngụ ý gì?
Không đợi chàng phản ứng, tôi nói một hơi:
– Hạnh phúc ư? Giản dị lắm. Ðó là buổi sáng thức dậy, nhìn khu vườn qua cửa sổ, thấy nắng vàng rực rỡ trên cây lá, nhìn đống chén dĩa sắp rửa, mớ quần áo sắp phải ủi, sàn nhà phải lau. Ðó là lúc nằm dài nghe nhạc, lúc đứng trước bếp lửa đảo mớ hành tí tách trong lớp dầu sôi, lúc thay tã cho con, lúc cho con ăn bột, lúc nhìn thấy hai cái răng cửa nhỏ xíu cắn vào đời sống. Ðó là lúc nghe con bi bô những tiếng nói đầu tiên. Ðó là lúc… rửa chuồng gà, nhìn đám gà con chíu chít bên mẹ. Hạnh phúc ư? Có gì đâu mà phải tìm kiếm. Ðó là một buổi tối, bắc ghế ngồi ngắm trăng, uống trà, nghe cõi lòng không vướng víu. Ðó là lúc ngồi ký chèque thanh toán nợ nần trong tháng, trái tim không dao động. Ðó là đôi lúc đớn đau nhận ra thân phận “gà què”. Ðó là lúc bất bình thấy rằng đã nửa đời trôi qua mà còn chưa làm được chuyện gì vừa ý, đôi lúc còn luyến tiếc dĩ vãng. Ðó là lúc… Ðó là những lúc… đau khổ thấy rằng mình quá nhiều hạnh phúc!
Chàng nhìn tôi đắm đuối, giọng nhẹ như hơi thở:
– Anh không nhìn thấy chỗ của “hắn” ở trong đó. Em thật sự có hạnh phúc?
Tôi cắn môi nhìn chàng thống trách. Biết mình lỡ lời, chàng vội nói sang chuyện khác. Dường như hai đứa đã có một thỏa thuận ngầm, tôi sẽ không còn nhắc tới “người ta” của chàng cũng như chàng tránh nói về “hắn” của tôi. Dù rằng trong bất cứ cuộc đàm đạo, rong chơi về miền quá khứ nào của “phe ta” cũng luôn luôn phảng phất bóng “địch quân”. Coi bộ không nhắc không được. Cho nên chàng lại tiếp tục, gieo vào đầu tôi một hạt mầm nguy hiểm:
– Em có dám bỏ tất cả? Chúng ta sẽ làm lại từ đầu… Tôi lạnh cả người, cố gượng đùa:
– Ở giai đoạn này mà anh còn muốn phiêu lưu?
– Em hãy nhìn những người Việt Nam khác ở nơi này, đa số đều bắt đầu lại từ số không, có khi từ cả một số âm! Mình trở về Pháp, trở lại M. hay bất cứ chỗ nào em muốn…
– Ông ơi, người ta bỏ đi vì đủ thứ chuyện: chính trị, tôn giáo, kinh tế… không ai khai mình thành boat people vì thất tình hay… trốn vợ, trốn chồng. Anh ơi, đừng bỏ mồi bắt bóng, em làm sao mà săn sóc anh cho bằng người ta, thương anh sao.. bằng người ta. Biết rằng chàng lỡ lời trong khi (tôi) quá chén, nhưng miệng thì nói đừng mà tim ngất ngây, da thịt nóng bỏng. Tâm hồn lâng lâng, đê mê như khi chàng tỏ tình lần thứ nhất. Nghĩ cho cùng, tôi không phải là kẻ may mắn hay sao, khi được hai lần trong đời, nếm cùng dòng suối ngọt với nỗi xúc động nguyên vẹn. Không, không, tôi đã lầm, không ai uống được hai lần cùng một dòng sông. Dòng đời đã đổi thay, bến bờ đã khác, tâm hồn đã nặng nề những hành trang lỉnh kỉnh với những vết thương, vết sẹo.
Chàng có thiệt tình liều lĩnh, hay chỉ là một ý nghĩ bốc đồng? Dù sao, chàng không còn nhắc nhở đến chuyện đó nữa. Những hạt mầm đang lớn mạnh trong tôi, tôi phải làm gì, vun quén hay chà đạp cái cơ hội, dám sống đến kỳ cùng bản năng hay nghiến răng trở về cái hạnh phúc mà tôi hơn một lần định nghĩa?
*
Trọn một tuần dài, tôi không trả lời những cú phôn dồn dập, kêu gọi của chàng. Tôi muốn yên tĩnh suy nghĩ, sắp đặt, tìm một lối thoát khả dĩ làm… vừa lòng mọi người. Ðã quá nhiều phí phạm cho lần quyết định cũ, tôi không thể tự cho phép tái diễn lỗi lầm. Tôi sẽ viết cho Ngôn một bức thư dài, kể hết chuyện xưa, giải thích lý do sự ra đi đột ngột. Ngôn còn trẻ, có tiệm thuốc tây, sẽ có lắm cô sẵn sàng thế chỗ tôi. Gia đình hai bên cha mẹ sẽ ngượng ngùng mỗi lần gặp gỡ, nhưng thời gian sẽ xóa mờ tất cả, cuộc đời sẽ tiếp tục. “Vợ mới” của Ngôn sẽ sinh cho anh, cho ông bà nội một đứa, hai đứa cháu bụ bẫm, kháu khỉnh khác. ề, bởi vì tôi sẽ… mang con gái tôi đi cùng. Phần chàng, nếu “người ta” không chịu nuôi con thì chúng tôi sẽ lãnh luôn. Nhất định, chúng ta, con của chúng ta sẽ vô cùng thương yêu con của em và con của anh. Nhưng nếu Ngôn không bằng lòng ly dị? Nếu anh không chịu để tôi bắt con bé con? Tôi không thể nào bỏ rơi nó! Nếu ba má tôi xen vào? Nếu vợ chàng cũng không muốn buông tha chàng? Liệu chúng tôi có dám dứt bỏ tất cả để chỉ sống cho nhau? Chúng tôi đã thiếu can đảm thuở trước, bây giờ chắc gì đứa nào táo bạo hơn? Tới đây thì tôi bí lối.
Phải rồi, tình yêu bùng cháy lên lần nữa nhưng… than củi đam mê có còn nhiều cho đến mai sau hay chỉ một thoáng sau đó, lại là giằng xé oán trách, đổ thừa cho nhau. Ôi, tôi đã hết ngõ ra rồi.
Còn loay hoay khổ sở vì những câu hỏi, những giả thuyết thì một hôm chàng dám đến tìm tôi nơi tiệm thuốc… Lúc đó, Ngôn đang xem toa để lấy thuốc cho một bà khách. Tôi đang ngồi kiểm điểm sổ sách. Tôi ngẩn ngơ, rụng rời khi ngẩng lên nhìn thấy đôi mắt kính cận gọng vuông đen lù lù trước mặt:
– Chào cô, tôi muốn mua mười chai dầu xanh, năm hộp dầu cù là con cọp…
Chàng hạ thấp giọng, nói như hát:
– … nhớ em nhiều…
Tôi lóng cóng lấy hàng, làm rớt hết món này đến món khác. Trời ơi là trời, tôi vừa cúi xuống nhặt nhạnh, vừa đảo mắt nhìn quanh theo ánh mắt chàng. Những thùng các tông chất đầy những chiếc nịt ngực đệm mút, những đôi dép xanh đỏ bằng nhựa. Những chồng băng nhạc, băng video, máy truyền thanh, máy thu băng. Những đồ chơi bằng nhựa rẻ tiền, những món nữ trang giả lòe loẹt treo đầy trên tường. Phía bên kia là một dãy quần áo trẻ con treo lủng lẳng với tấm bảng kẻ bằng mấy chữ nghệch ngoạc “Ðồ jogging con nít ở Hồng Kông mới qua. Ðại hạ giá một bộ 12$ hai bộ 20$.” Bên cạnh còn có những cây vải đủ màu với giá biểu và hàng chữ “nhận gửi quà về Việt Nam”. Tôi đã cố gắng xếp đặt cho gọn gàng các món hàng nhưng Ngôn chuyên môn bày biện đầy ra lấy cớ cho khách hàng dễ thấy. Lúc tôi run rẩy đưa chàng gói thuốc, chàng nắm tay tôi bóp nhẹ một cái, nói thật nhanh trước khi quay đi:
– Tha lỗi cho anh…
Tôi ném tờ giấy bạc vào tủ, ngồi thừ ra thở dốc vì cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt. Tiếng Ngôn oang oang:
– Ðây thuốc xin gởi bà. Còn món này bà vui lòng trả cho quầy hàng bên ngoài… Dạ, hàng tốt lắm thưa bà, tôi có lấy về cho con gái tôi hai bộ hôm qua, mặc vào coi dễ thương lắm. Dạ, như vậy là bớt nhiều rồi, hạ nữa sẽ không có lời…
Ngôn lại gần tôi, vui vẻ:
– Em thu tiền cho anh, mấy đôi dép mười đồng, hai bộ đồ trẻ con hai mươi, đây tờ giấy năm mươi, em đưa lại bà khách hai mươi đồng… Chào bà, cám ơn bà…
Tôi làm theo lời Ngôn như cái máy. Người khách vừa đi khỏi, anh hí hửng nói:
– Ðể anh mở thùng máy cho em xem, đô la Mỹ lên giá vùn vụt. Thành ra lần này thừa tiền để mua thêm vài chục cái đồng hồ và máy tính điện tử… may quá bà khách cho biết mốt Hà nội bây giờ là màu trắng, mặc quần trắng, mang giầy trắng, chạy xe màu trắng mới có vẻ sang… Anh phải order thêm vài cây xoa suisse gân và giấy rửa hình… à… mà… mà… em… em sao vậy…
Tôi òa lên khóc, chạy ra khỏi tiệm. Lái xe rời bãi đậu, qua kính chiếu hậu nhòe nhoẹt nước mắt, tôi còn thấy anh đứng ngẩn ngơ nhìn theo.
*
Về nhà chưa được năm phút có tiếng chuông gọi cửa. Quỳnh đi thẳng vào nhà, nói mà không nhìn tôi:
– Em vừa vào tiệm thì anh ấy bảo em chạy về nhà xem. Anh ấy bảo Quỳnh coi… cạo gió cho chị, coi bộ chị muốn bịnh. Ông anh rể em ngộ ghê, ai lại… muốn bịnh bao giờ. Lúc nãy anh chị nhiều khách quá, em ngồi ăn chưa hết tô phở đã thấy năm sáu người khách. Tiệm phở Tốc nấu càng ngày càng tồi!
Tôi hơi lo, giả vờ mỉa mai:
– Rảnh rang ngồi nhâm nhi vừa đếm khách, thích quá ta… Thay vì đến bán phụ tao một tay. Mày ngồi ở tiệm phở từ bao giờ?
– Cũng chẳng lâu lắm đâu… vừa đủ thấy anh Dân vào tiệm và chị… ra khỏi tiệm.
Tôi quay mặt đi, cắn răng, hốt hoảng. Quỳnh vẫn chậm rãi:
– Em chỉ biết anh ấy qua ảnh chụp, nhưng vừa thấy em nhận ra anh ấy ngay…
Tôi hấp tấp:
– Quỳnh đừng… hiểu lầm chị. Chị cũng chỉ vừa gặp lại…
Quỳnh đứng dậy:
– Em có nói gì đâu. Em nghĩ là mình ít nhiều… thông cảm anh Dân, em thương chị, em quí anh Ngôn. Chuyện riêng của chị, em chẳng có ý muốn can thiệp… Thôi em đi đây, em tạt qua tiệm nói chị chỉ mệt chút xíu cho anh ấy an tâm.
*
Chuông điện thoại kêu réo không ngừng trong những ngày sau đó, nhưng tôi cương quyết bỏ máy xuống mỗi khi nhận ra tiếng chàng. Mỗi lần tôi tự khen khá lắm, tiếp tục đi em, cuộc đời em sẽ chính chuyên, thẳng tắp. Một ngày rồi một tuần, hai tuần, chàng như hiểu ý tôi, không thèm gọi nữa. Tôi chợt nghe tuyệt vọng nhưng đôi lúc nghe mình nhẹ nhõm. Dần dần tôi bình yên trở lại. Thế cũng hay, coi như tôi đã sống lại vài khoảnh khắc đam mê, đã khơi lại được chút tro sắp tàn. Còn mong muốn gì nữa, người ta đã chẳng từng rên rỉ rằng tình chỉ đẹp khi còn dang dở? Nói thì nói vậy chứ tôi chắc là nét hoa ủ dột hơi nhiều, Quỳnh xúi Ngôn đóng cửa tiệm đi chơi vài bữa. Khi Ngôn hỏi tôi nghĩ thế nào, tôi chợt nghe mình có lỗi, Ngôn thì cặm cụi làm ăn, tôi thì ngồi đó mà sầu mơ, bất công quá, hãy định thần lại thôi! Tôi bàn với Ngôn đi chơi một tuần ở Monterey, anh vui vẻ đồng ý khiến tôi ngạc nhiên sung sướng.
Tôi vừa sửa soạn hành lý, quần áo, đồ đạc lặt vặt, định chiều nay sau khi thanh toán sổ sách xong, tôi sang bên ông bà nội bắt con bé con về, ghé ông bà ngoại dặn dò công việc cho Quỳnh. Tối cả nhà đi ngủ sớm để ngày mai khởi hành trước khi mặt trời lên.
Chợt Ngôn gọi từ tiệm:
– Anh quên mất! Hôm qua có người nhà chị Mỹ Dân gọi đến nói từ giã em, sáng hôm nay gia đình chị ấy sẽ đáp máy bay về Paris.
Trống ngực tôi đập thình thình, tôi tưởng mình sắp đứt hơi. Mỹ là tên vợ chàng. Tôi muốn gào lên, muốn khóc, muốn… ngất đi.
Giọng Ngôn lo lắng:
– Hello… hello.. em còn ở đầu dây không? À, à… chị Mỹ Dân nào anh không biết? À bạn cũ… à… hèn chi anh không biết, hai vợ chồng chị ấy chỉ ở đây mười tám tháng thôi, ừ, hết hạn stage của chồng chị ấy, họ về ở hẳn bên Pháp. Gia đình chị ấy đều ở Paris. Em không biết trước? Người nhà chị nói rằng em không rảnh thì thôi, khỏi tiễn đưa phiền phức. Vợ chồng chị ấy gửi lời chúc em ở lại vui vẻ, hạnh phúc… hả giờ máy bay… anh không có ghi… Em phone ra airport hỏi xem, nếu anh không lầm thì mười giờ bốn mươi lăm hay mười một giờ bốn mươi lăm. Chuyến sau thì em đủ thì giờ hơn… ừ, thôi, em có đi thì nhớ lái xe cẩn thận… Gọi ra phi trường xong, tôi chạy bay ra nhà xe. Tay run lập cập, mãi mới mở được cửa xe, nước mắt như mưa. Cái xa lộ 104 thật đáng giận, xe kẹt ứ cả mấy lanes, xe chỉ nhích từng khoảng ngắn không nghĩa lý gì cả, tôi nghe ruột gan cháy bừng bừng. Tôi nào ngờ chàng chỉ ở nơi này có bấy nhiêu ngày.
Ôi, tại sao chàng không chịu nói trước. Chúng ta luôn luôn phung phí, tại sao? Làm sao tôi kịp nói với chàng những ý nghĩ, những dằn vặt bấy lâu nay? Làm sao để nói với chàng rằng tôi vẫn còn… yêu ? Rằng phải rộng lượng cho tôi thêm thời gian để suy nghĩ, anh không thấy rằng mọi sự diễn ra vô cùng chớp nhoáng, em choáng ngộp nên quyết định cắt đứt vừa rồi của em rất là đột ngột, thiếu… suy nghĩ chính chắn.
Tôi vào được phi trường trước khi cháy thành tro. Chỉ hơn nửa giờ nữa là máy bay cất cánh. Tôi nhìn ngay ra chàng trong đám người đứng ngồi bên cạnh những chiếc túi xách tay. Tôi vội lẩn vào quán nước bên cạnh.
Qua lớp cửa kính, tôi thấy chàng lóng ngóng tìm kiếm. Tôi đeo cặp kính đen to tướng, gọi nước khi người bồi bàn đến gần. Ngoài kia một người bạn của chàng còn nấn ná nói chuyện. Những người ra đi khác bình thản, lặng lẽ. Có những người tiễn đưa nói cười vui vẻ, đâu phải chuyến đi nào cũng là lần vĩnh biệt. Ðôi khi lại là những chuyến đi “cho rảnh nợ”.
Khi loa lên tiếng mời khách lên máy bay, tôi đưa mắt theo dõi chàng, tôi như từng bước đang tiến tới đoạn đầu đài! Vợ chàng đi trước, ẵm đứa con nhỏ. Chàng theo sau, vác túi lên vai, sửa áo cho thằng con lớn, cột lại sợi dây giày cho nó và không ngừng ném những cái nhìn ngắn, rất ngắn, về phía cửa đến. Tôi nhìn theo chết sững cho đến khi cả gia đình bé nhỏ của chàng khuất sau lối quẹo. Trời ơi, tương kiến thời nan, biệt diệc nan! Tôi ngồi yên, đầu óc trống rỗng. Ngoài kia từng đợt, từng đợt người đến, người đi. Không gian thay đổi từng lúc, đầy ắp rồi trống trơn, ồn ào rồi yên tĩnh, nhộn nhịp rồi lặng lẽ. Tiếng động cơ ì ầm từng chập…
Tôi đứng dậy ra ngoài, nhìn phi đạo qua lớp cửa kính dày. Tôi dừng lại nơi chàng đã đứng, vuốt ve lưng ghế chàng đã dựa khi nãy. Lòng ngổn ngang, xót xa, đau đớn và tiếc nuối.
Khi tôi rời phi trường, trời đã về chiều, mặt trời đỏ hồng bên phải, xa lộ thênh thang, vắng vẻ, xung quanh chẳng còn ai hiện hữu… un seul être vous manque… Tôi về tới nhà, Ngôn hầm hầm:
– Em đi đâu mất biệt vậy? Tại sao không phone về, để nhà ai cũng lo… Thiệt tức quá đi, sổ sách ngoài tiệm chưa xong, cơm nước chưa có…
Ông chồng của tôi ơi, sao ông không hỏi bằng cách nào vợ ông về được tới nhà?
Ngôn vẫn tiếp tục cằn nhằn:
– Dặn gì cũng chẳng nhớ, tính gì xong lại quên, còn con phải đi rước nữa kìa…
Trời hỡi, nếu tôi đi luôn thì ai đứng lặng mà nghe mắng mỏ như thế kia…
Không, không, anh mắng nữa đi anh ơi, con vợ này thiệt đáng đánh đòn.
Tôi đứng yên, nghĩ ngợi lung tung, nửa muốn khóc, nửa muốn cười. Cơn hồng thủy đã qua anh có biết? Vợ anh về từ cõi rất xa xăm, anh có hay?
Thấy tôi vẫn lặng yên thiểu não, Ngôn dịu giọng:
– May mà Quỳnh vừa điện thoại cho hay ông bà ngoại đề nghị đưa cả nhà đi ăn bò bảy món, bằng không thì biết bao giờ mới xong để nghỉ ngơi cho sớm, thiệt tức ơi là tức…
Ôi, tôi có con em bằng kim cương, thông minh lóng lánh, quả tim bằng ngọc chói lòa khoan hồng. Tôi đến gần Ngôn, vuốt tóc anh, giọng thê thảm thiệt tình:
Thưa anh, anh giận em chi
Muốn có vợ bé, em thì cưới cho.
Ngôn hứ một tiếng dài rồi cười ha hả trong khi tôi đứt từng khúc ruột.
Phan Thị Trọng Tuyến
12-1987