có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 11 12, 2012

Phiên chợ


Nhà văn Kinh Dương Vương


Quay mặt ra phía sân chợ X… Hội đồng xã TL có dựng một tấm xi măng làm bảng kẻ khẩu hiệu, từ thời đệ nhất Cộng Hòa. Dạo đó người ta đắp nổi hẳn bằng xi măng giòng chữ "Ngô Tổng Thống muôn năm". Nhưng dường như lòng hoài vọng của con người ít khi được toại nguyện, nên sau đó họ phải hối hả đục bỏ, viết lại trên mặt xi măng nham nhở một câu khác: "Hoan hô tinh thần cách mạng 1/11". Để rồi sau đó và sau đó… Bây giờ thì chồng lên có đến năm bẩy lớp sơn nứt nẻ, người ta đọc thấy: "Y… Chính phủ của dân nghèo", viết bằng sơn màu lục đậm mà sương nắng đã làm cho bạc mầu. Một buổi sáng, dân chúng đến họp chợ lại thấy lấp lên trên hàng chữ vôi: "Đả đảo Mỹ ngụy" trắng xóa. Ông xã trưởng sai thằng con nhỏ ba chân bốn cẳng xách miếng giẻ chạy ra chùi không kịp thở.

Bên cạnh, một tấm bảng thiếc cong queo đóng trên một cây tre khô nhỏ, vẽ mũi tên chỉ xuống, viết mấy chữ "cấm phóng uế nơi đây" bằng sơn đỏ, đã hóa màu gạch. Nhưng dường như sự cấm kỵ luôn luôn có sức hấp dẫn trái ngược, nên chỗ nào viết một câu có nội dung tương tự thì chỗ đó người ta đến phóng uế kỹ hơn những chỗ khác! Ở đây cũng không tránh khỏi trường hợp chung đó.

Phía sau tấm xi măng kẻ khẩu hiệu là nơi để cho mấy ông mấy bà, mấy cô đi chợ lỡ đường ghé lại trút bỏ sự khó chịu. Lâu ngày, mặt đất nhão ra thành một vũng bùn đen sền sệt, nước đọng vàng vàng, từng chỗ váng khô trắng loang lổ như muối, mùi khai nồng xông lên quyện trong không khí lan ra cả một vùng. Cỏ mồng gà, rau dền, cải trời cất đầu lên không nổi, đèo đọt, vàng cháy.

Phía ngoài thì chẳng đến nỗi nào. "Ăn coi nồi, ngồi coi hướng" người miền quê Việt Nam có ý tứ, chỗ nào khuất thì làm những việc kín đáo hơi khó coi, còn chỗ phơi ra giữa mắt thiên hạ họ biết kiêng dè, làm những việc dễ nhìn hơn. Ở khoảng đất ngay dưới chân tấm xi măng, mấy bà già thường đến nhổ cỗ trầu. Ngày này tháng nọ, lớp cỗ trầu khô dày lên, mặt đất hóa mầu nâu sẫm. Những cái bã đã vắt hết nước cốt khô queo, dẹp lép giơ những sợi vỏ cau trắng bện chặt lại với nhau, nằm rải rác. Nước cỗ trầu văng bám lên mặt xi măng chảy dọc xuống như những vệt máu đọng.

Xế chiều hôm đó, khi phiên chợ sắp tan, có cuộc di quân ngang qua chợ. Hai người lính trong đoàn quân khiêng một người đàn ông mình mẩy đầy thương tích, đặt nằm trong bóng ngả dưới chân tấm xi măng. Hắn nằm ngay chò, thở thoi thóp, chân tay phó mặc. Mấy anh lính súng đạn đầy người, vẻ mặt mệt mỏi, áo quần bết bùng đã khô, dừng lại nhốn nháo đứng vây quanh. Đám dân chúng đi chợ tò mò xúm lại xem, thì thầm những câu hỏi, đưa vài nhận xét. Chẳng mấy chốc cái thân thể khốn nạn bị một vòng người vây chung quanh.

Con Bê lên bốn và em nó, cu Lộc lên ba, thấy người ta đông đảo cũng vội vã chạy đến chen vào xem. Chúng chui lòn qua kẽ đùi, qua trôn những người lớn lọt vào giữa đám. Vừa trông thấy gã đàn ông bị thương mắt hai đứa sáng rực lên, mừng rỡ nhào tới kêu: "Ba! Ba! Ba về rồi!" Những cặp mắt đổ dồn vào hai đứa trẻ. Nhưng đã có người cúi xuống nắm cánh tay hai đứa lôi mạnh ra, nạt: "Có đứng im không?". Con Bê không dám ngước nhìn người vừa la nó, tiu nghỉu vòng hai tay trước bụng, còn thằng Lộc chắp hai tay sau đít, nẩy cái bụng ỏng, dương mắt ngó lơ láo hết người nầy đến người khác. Trong ánh mắt ngây thơ của chúng có thể đọc thấy nỗi ngạc nhiên. Hai đứa trẻ nghĩ rằng cha chúng bị đau và đang nằm ngủ, nhưng sao người ta lại đứng vây quanh dòm ngó chi vậy!

Gã đàn ông văn mình rên rỉ, ú ớ nói sảng. Con Bê lại xấn đến, nó định cúi xuống nói với gã điều gì, nhưng một lần nữa tiếng người lúc nãy lại thét bắt nó đứng yên.

Ở vòng trong cùng, đứng gần gã đàn ông bị thương, viên đại úy tiểu đoàn trưởng - có bàn tay bị thương đã được băng bó - vẻ mặt cau có, nhìn gã đàn ông chằm chằm, hằn học. Ông ta quay ra nói lớn với đám đông: - "Thôi đồng bào giải tán đi! Ai về nhà nấy, lo công lo việc. Giải tán! Giải tán!. - Ông khoác khoác bàn tay quấn băng trắng thấm máu ra dấu, nhưng chẳng mấy ai nghe lời. Họ chỉ dang ra một đỗi, đứng xa xa nhìn lại.

Bên cạnh viên đại úy, một chuẩn úy trẻ, dáng người nhỏ nhắn, bộ điệu bối rối. Gương mặt trẻ đến nỗi, dầu làn da rắm nắng, vẫn chưa đủ phong thái dày dạn của một người lính trận. Đôi mắt đăm chiêu sáng hồn nhiên và làn da còn khá mịn màng của anh khiến người ta nghĩ anh từ giã nhà trường chưa lâu và chỉ mới nhập cuộc. Đứng quay về một hướng khác, nhưng anh luôn luôn liếc mắt nhìn chừng viên đại úy, chùi mãi bàn tay phải vào ống quần trận bết bùn, mạnh như cọ xát. Chốc chốc anh lại lấy khăn tay lau mồ hôi rịn ra trên trán, thu vào túi rồi lại lấy ra, vò nát. Những ngón tay bấu chặt lấy chiếc khăn như muốn bóp cho nát ra. Đôi mắt khuất dưới vành mũ sắt nghiêng, bọc lưới, vướng những chiếc lá nhỏ đã héo, nhờ chút bóng mờ che bớt làm tối lại không trông thấy rõ, vì lẽ hàm răng trên của anh cắn chặt vành môi dưới như muốn làm cho đứt lìa, khiến người ta không mong mỏi nhìn ánh mắt khổ sở của anh.

Thời gian như ngưng đọng lại. Mọi người giữ sự im lặng khác thường. Đến nỗi như họ đã hóa thành những tượng đá sống động. Chỉ riêng anh chuẩn úy, mỗi lúc tăng thêm vẻ bồn chồn. Anh như đứng không yên. Hai tay luôn luôn cử động, những cử động thừa thãi, rời rạc. Sự dồn nén xúc động khiến các ngón tay anh dù muốn giữ chặt cũng run lên nhè nhẹ. Một cái gì trong anh cần phải được giải tỏa ngay, nếu không, anh sắp nổ tung. Môi anh cũng run lên nữa, mấp máy muốn nói, nhưng anh vẫn giữ im lặng.

- Đại úy! Bỗng anh lên tiếng đột ngột. Tiếng nói phát ra làm cho chính anh cũng ngạc nhiên. "Hắn… Hắn…" Anh lấp bấp nói tiếp, đầy xúc động trong giọng nói. "Máu hắn đã ra nhiều lắm rồi. Đại úy! Giọng anh từng lúc tắt mất trong cổ họng như anh đã nuốt. Chỉ một câu ngắn anh phải dừng lại nhiều lần, tự trấn tỉnh bằng cách nuốt nước miếng trong cái miệng khô khan. Trái cổ nổi rõ chạy lên chạy xuống liên hồi.

- Đại úy… Tôi sợ… Hắn sẽ không qua khỏi, nếu không được… chuyền máu. Vì lòng nhân đạo, xin đại úy hãy gọi trực thăng đưa hắn về bệnh viện Trung ương. Từ đêm hôm đến giờ, hắn…"

Anh ngập ngừng, định nói thêm một lời khẩn cầu nào nữa, nhưng viên đại úy đã ngắt lời anh một cách khó chịu:

"Từ đêm hôm tới giờ… Hừ! Từ đêm hôm đến giờ bao nhiêu đồng đội của anh cũng phải nằm chờ từng chuyến trực thăng tải thương trong khi họ sắp chết". Gương mặt viên đại úy bỗng dịu lại, nhìn ra xa. Anh quên có những người đã nhắm mắt vĩnh viễn vì không đủ sức chờ đợi?! Ông nói tiếp, giọng chua chát thoáng chút mai mỉa, lạnh khô. "Họ là bạn anh, những người có thể đưa ngực hứng đạn AK thay anh, có thể nằm đè lên quả lựu đạn ném đến bên anh để chết thay anh".

- Nhưng trong chuyến tải thương cuối cùng… Đại úy… Giọng anh yếu hẳn, đầy bối rối, ái ngại. Gương mặt trong cơn xúc động bất lực xám lại như một mặt đá. Trên đó chỉ còn lại đôi mắt. Đôi mắt trong sức cố gắng tuyệt vời để duy trì nghị lực rực lên như hai hòn than đỏ, nhìn thẳng vào mặt viên đại úy, anh nói gần như thét:

- Chuyến tải thương cuối cùng còn thừa chỗ!" Nói xong, như đã trút ra ngoài tất cả sinh lực, người anh rũ xuống, buồn thảm, ánh mắt mờ đục, vừng trán phẳng lạnh, xanh, nhớp nháp mồ hôi, hai khóe môi chĩu xuống, hai cánh tay buông thõng, các ngón tay duỗi xuôi, mềm yếu. Hiện thân anh, nỗi tuyệt vọng cùng cực.

Trong vài giây cố đè nén sự kinh ngạc, viên đại úy cười mũi. Hai cánh chiếc mũi sư tử láng ngời của ông phập phồng như nở thêm ra. Nhưng vẻ mỉa mai chế nhạo trong nụ cười bỗng biến mất khi ông ngước mắt lên nhìn người thuộc cấp. Sự rũ xuống trong cơn tuyệt vọng nơi viên chuẩn úy như một khối băng mà dù lòng có chai đá, viên đại úy cũng không đủ can đảm làm cho nó tan chảy. Tuy nhiên hai khóe đôi môi khô khan của ông dịch xuống và nụ cười nở ra có vẻ cay đắng lẫn thương hại người sĩ quan trẻ.

- Anh đừng quan trọng hóa một việc tầm thường. Ông nói, giọng độ lượng, đầy tự tin. Bỏ cái thói cảm động vặt của đàn bà đó đi. Anh phải nhớ, hiện tại anh là một chiến sĩ, anh hãy làm tròn và đúng bổn phận của anh: "GIẾT KẺ THÙ". Giết kẻ thù, anh nghe rõ chưa?" Giọng ông cao lên, lạnh sắc. Giết càng nhiều càng tốt. Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, trường hợp nào. Kẻ thù của anh là ai? Nó là gã đàn ông bị thương đang nằm trước mặt anh kia. Ông đưa tay chỉ. Nó đang hấp hối dưới chân anh. Giọng ông trở nên như thét. Hãy giết! Ông dậm mạnh chân giày xuống mặt đất khô. Giết không nghĩ ngợi. Đó là bổn phận của anh, dù anh không chọn lựa. Lì lợm và tàn nhẫn. Anh phải học tàn nhẫn không hối hận, như ngày trước người ta đã dạy anh những bài học luân lý về lòng thương người vậy. Anh phải ghi nhớ điều này. Ở mặt trận không có lòng nhân đạo, không có thời gian cho anh nhớ đến hai tiếng vô nghĩa đó. Chỉ còn lại những phản ứng, nhanh hay chậm. Và chỉ có sống hay gục ngã.

Viên chuẩn úy phát một cử động. Anh định nói điều gì nhưng nhìn ánh mắt lạnh lẽo và vẻ mặt kinh bạc của cấp chỉ huy, anh lại im bặt. Ông ta đã ngừng nói. Trong phút giây ngắn ngủi của khoảng thời gian im lặng đó, ông như lắng nghe giọng mình hãy còn tiếp tục, nhưng ý nghĩa những lời nói đã đổi khác, phản lại những gì ông vừa nói. Ông bối rối, vội vã phá tan khoảng thời gian im lặng khó chịu đó, dường như ông cũng sợ phải nghe giọng nói của chính mình trong khoảng im, cái giọng chống đối lại ông một cách hùng hồn.

- Anh hãy giết cho bằng hết những kẻ thù. Giọng ông đã giảm bớt vẻ hăng hái. "Trong một cuộc chiến tranh kéo dài không giới hạn thời gian, không gian hay hoàn cảnh này, một cuộc chiến tối tăm, rối nùi, liên miên vô độ, hầu như bất tận, cho đến khi anh buông xuôi tay, rồi đến lượt con anh, cháu chắt anh nữa cũng chưa chừng, anh phải luôn luôn tỉnh thức, chủ động và quyết liệt. Một cuộc chiến quái gở trong lịch sử chiến tranh nhân loại mà anh đã chìm vào. Anh có quyền nghĩ sẽ nhờ một phép mầu khiến nó đột nhiên chấm dứt, nhưng tự anh, anh hoàn toàn bất lực làm cho nó chấm dứt. Đó là công việc của những người khác. Bổn phận của anh là mù quáng tuân theo mệnh lệnh bắt anh phải chiến đấu, cho đến hơi thở cuối cùng, không được thắc mắc. Hiện tại, mệnh lệnh đó bảo anh phải giết cho bằng hết, giết đến tên cuối cùng những kẻ như gã đàn ông đang nằm hấp hối nầy. Đó là những tên Cộng sản, những tên Việt cộng phá rối. Anh phải say sưa và điên cuồng thi hành theo mệnh lệnh đó, cho đến khi… Đã là chiến sĩ, anh không nên và cũng không có quyền nghĩ bao giờ thì cuộc chiến chấm dứt, ngày đó còn xa hay gần đến. Chỉ có chiến đấu và chiến đấu. Ngoài ra…

Ông bỏ lửng câu nói giữa chừng. Một khoảng im lặng kéo dài, trong đó dường như viên đại úy lại nghe vang lên những lời phản đối của chính giọng ông. Anh chuẩn úy nhận ra điều đó nơi nét mặt trầm ngâm cúi xuống của ông. Ông cũng nghe thấy cái giọng phản đối hùng hồn như lần trước, hẳn vậy. Nhưng lần nầy ông không còn tỏ ra sợ phải nghe những lời phản đối đó nữa, ông đã hiểu ra. Ông nói tiếp, bớt xúc động, cố lấy giọng lạnh lùng:

- Anh đã có công mang hắn về đây, ông đưa mắt nhìn người đàn ông bị thương, lưỡng lự… Có thể đó là một việc làm tốt đối với riêng lương tâm anh, còn tôi, ông đưa bàn tay lành lên làm dấu bằng ngón trỏ và cái, số không! Mong người bạn trẻ không cảm thấy khó chịu khi nghe tôi nói như vậy. Đó là sự thật. Ông tiếp lời, cười thành tiếng ngắn, khô. Bạn là người mới nhập cuộc chém giết, còn quá mới mẻ trong nghề, nên bạn còn giữ được lòng nhân đạo và có thể dùng nó theo lương tâm bạn. Đó mới chính thực là lý tưởng con người hoài vọng. Nhưng thời gian và hoàn cảnh khắc nghiệt đã biến đổi họ thành những mẩu người khác hẳn mà mỗi khi nhớ lại họ không khỏi kinh ngạc, xót xa. Nhưng còn biết làm sao hơn khi tay đã nhúng vào chàm, là nhuộm luôn cả thân thể mình vào đấy như từ thuở cha mẹ sinh ra mình đã xanh ngắt một mảu, để tránh cái mặc cảm tay mình đã vấy máu! Không thế làm sao họ có thể sống nổi, với cái của nợ gọi là lương tâm chứ? Tôi là một người lính nghề - không phải làm nghĩa vụ, anh nhớ cho như vậy - tôi đi lính để lãnh lương nuôi vợ con tôi, thay vì tôi làm ruộng hay đạp xích lô hoặc làm một nghề gì khác. Trái tim đỏ của tôi đã được thứ kinh nghiệm mặn đắng của máu và nước mắt hai mươi năm lăn lộn trong nghề ướp cho nó khô chai thành một khối thịt vô cảm. Thật đau đớn và chua xót. Nhưng… Như thế…

Ông chấm dứt đột ngột, cúi mặt xuống, vẫy vẫy một bàn tay trong không, những cử động lơ đễnh, tuyệt vọng như những nhịp vỗ rã rời của một cánh chim mỏi. Ông đập mạnh tay vào khẩu súng lục đeo lủng lẳng bên hông.

- Bây giờ, giọng ngập ngừng nhưng ông vượt qua được ngay, tôi không tiếc gì mấy viên đạn vô nghĩa nầy. Tôi tưởng đó là hành động nhân đạo tốt nhất tôi còn có thể cố gắng làm được. Người ta quen gọi đó là phát ân huệ. Ông gục gật đầu nhè nhẹ. Phải, phát ân huệ. Ông nói những chữ cuối cùng như chỉ để cho chính ông. Thôi tùy anh! Giọng ông hạ xuống trầm ở âm độ thấp như thì thầm. Anh có quyền hành động như một con người. Riêng tôi, hãy đừng chú ý đến. Hãy xem tôi như một người đã bỏ đi, một vật thừa còn mang hình dạng con người nhưng đã mất hẳn nhân tính.

Nói xong ông vội vã quay lưng bước đi, có vẻ như ông muốn giấu vẻ xúc động vừa thoáng hiện trên gương mặt không để viên chuẩn úy trông thấy. Anh lính cận vệ và người mang máy truyền tin cũng nhanh nhẹn bước theo. Được một quãng, viên đại úy quay nhìn lại nhưng thật nhanh, ông quay về hướng cũ lầm lũi bước.

Anh chuẩn úy đứng lặng người, có cảm tưởng bị bỏ rơi. Những lời viên đại úy vừa nói còn văng vẳng bên tai. Lòng thù hận mù quáng và lương tâm nhân ái bị nguyền rủa dậy lên trong anh như cơn bão dữ, vùi dập anh, con thuyền mỏng manh khốn khổ trong một biển thẳm vô tâm.

Anh nhìn xuống người đàn ông bị thương đang hấp hối, ánh mắt tối lại. Anh mở cặp mắt đỏ như khóc, buồn rầu nhìn theo dáng đi khập khiểng của người chỉ huy già. Các đường nét trên gương mặt trẻ trung nhăn nhúm lại trong cuộc phấn đấu tuyệt vọng. Môi anh mím chặt, run run như cố dằn tiếng khóc chực vỡ ra, mồ hôi rịn lấm tấm trên làn da trán xanh tái.


*

- Chết em rồi chuẩn úy ơi! Một quả lựa đạn nổ sát bên anh. Người lính mang máy truyền tin ngã xuống, thảng thốt kêu lên. Anh trườn tới bên hắn. Hắn quằn quại trên vũng máu nóng hổi, rên rỉ những lời trăn trối… Anh vuốt mắt hắn. Sờ làn da đang mất dần hơi ấm trở nên lạnh lẽo.

- Chết cha mày rồi! Sau một tràng đạn M16 nổ dòn, tiếng một người kêu thét lên. Người lính trong toán anh vừa bắn vừa nghiến răng nguyền rủa. Chính hắn đó, chuẩn úy. Gã đàn ông, người đã ném trái lựu đạn giết chết người lính của anh, bị trúng đạn M16, bị thương nặng, nằm ngất trong một hốc đá phủ rậm cây lá.


*

…Trong khói đạn chưa mờ, giữa những tiếng kêu than rên siết của các thương binh, chiếc trực thăng tải thương đáp liều lĩnh xuống giữa mặt trận. Những thương binh được hối hả đưa lên dưới làn đạn của địch.

Chân lún trong bùn lầy, anh bồng gã đàn ông chạy về phía máy bay.

"Đại úy! Đại úy!" Anh la lên khan cổ. "Còn người nầy, đại úy cho hắn lên luôn."

Ông đại úy nhìn lại, giận dữ, vung tay, trợn mắt hét:

"Anh điên à? Vất nó xuống ngay. Tôi ra lệnh. Mặc kệ quân khốn nạn." Ông giơ hai tay lên trời. "Hành động điên rồ! Điên rồ!"

"Nhưng hắn bị thương nặng, đại úy, phải cứu hắn!" Anh hốt hoảng la lên.

Cánh cửa chiếc trực thăng đã đóng lại. Tiếng động cơ nổ dòn, máy bay rời khỏi mặt đất để lại trận gió cánh quạt quật người anh nghiêng ngả. Người sững như trời trồng, bàng hoàng nhìn theo chiếc trực thăng có dấu thập đỏ biến mất trong mây xa, trên tay anh còn giữ chặt gã đàn ông bất tỉnh.


*


Anh đưa mắt nhìn những người chung quanh, nhưng họ vội quay đi tránh, sau khi để lại cho anh những ánh mắt xa lạ, nghi ngờ. Thái độ đó khiến anh xấu hổ và cảm thấy lạc lõng, tưởng chừng như anh đang đứng ở một nơi không phải là thế giới con người, và những sinh vật đang vây quanh anh kia, tuy giống anh hình dáng mà không là đồng loại. Muốn nhờ họ giúp đỡ anh, anh thấy có sự ngăn cách lớn lao. Anh là kẻ lạ đối với họ. Điều đó khiến anh khó nói ra lời yêu cầu khẩn thiết, nhờ họ thay anh giúp đỡ gã đàn ông khốn nạn. Nỗi chua xót bóp thắt trái tim anh. Cuối cùng, anh bước đến gần hai đứa trẻ, con Bê và thằng Lộc, mà anh để ý khi chúng xán đến bên người đàn ông và gọi gã bằng ba. Anh vơ vét trong các túi áo trận, moi ra nắm giấy bạc nhầu nát nhét vào bàn tay nhỏ của con Bê, anh giữ bàn tay run rẩy của nó một lúc, cúi xuống nhìn rồi lại ngẩng lên, nhiều lượt. Anh như muốn nói với con Bê điều gì, nhưng đột ngột, nhẹ nhàng anh buông tay nó, rẽ đám đông, bước những bước gần như chạy. Con Bê cầm nắm tiền đứng ngơ ngác nhìn theo. Viên chuẩn úy đi theo hướng của vị chỉ huy.

Anh vừa đi khỏi, đám đông ồn ào lên. Mỗi người một câu, đưa ra ý kiến mình, không ai nghe gì. Thằng cu Lộc sợ hãi níu lấy cánh tay chị nó, nhưng lầm tay một người đàn bà. Chị ta nhìn xuống, rẩy nhẹ khiến nó hoảng kinh, co rúm người lại, mắt lắm lét. Chị ta nhìn nó, mỉm cười rồi ngước lên nghe những lời bàn tán.

- Mới bữa tê hắn còn ngồi uống cà phê với tui ngoài quán bà Tùng đây ne" - Một người đàn ông nói dửng dưng. Anh ta đang ngậm một điếu thuốc Cẩm lệ vấn to tướng, nước miếng thấm ướp mẹp - Ai mà có dè. Hắn theo Giải phóng khi mô rứa hề? Anh ta chợt ngẩng lên nhìn lướt qua những người đứng xung quanh rồi chậc lưỡi:

- Thời buổi ni bò trâu lẫn lộn, thật chẳng biết ai là ai, thấy thì thấy rứa thôi, biết lòng họ ra răng.

- Răng khôn chở hắn lên nhà thương quận băng bó? Một chị đàn bà đứng bên anh ta lên tiếng hỏi. Coi bộ hắn yếu dữ rồi.

- Ai mà dám. Tiếng trả lời. Khi hồi bộ không nghe ông đại úy đòi bắn bỏ răng còn đòi băng với bó?

- Cái thứ phá làng phá xóm nớ thì để cho chết đáng kiếp, người đàn ông hút cẩm lệ nói, cứu vớt làm chi.

- Hừ! Chị đàn bà cãi lại. Thì cũng phải cứu người ta cái đã rồi mần tình mần tội chi thì mần chớ. Để hắn chết rứa mà coi được con mắt à? Chị nói mập mờ. Biết ai phá ai không. Ai cũng phá hết. Kẻ phá thứ ni, người phá thứ tê.

Người đàn ông bực tức gắt:

- Ừ, bà có giỏi đem hắn về nuôi thử.

Chị đàn bà đỏ bừng mặt không trả lời được. Đám người đứng chung quanh tò mò lắng nghe hai người đối đáp. Chị đàn bà háy anh ta một cái dài rồi ngoe ngoảy bỏ đi.

- Người ác chi mà ác dữ rứa. Cũng thời người ta với nhau chớ bộ thú vật răng mà xử tàn tệ như rứa. Chị cúi mặt nói lầm bầm. Đi một đổi xa rồi chị còn quay lại nguýt anh ta nửa con mắt.

Đến lúc ấy mới có người chú ý đến hai đứa trẻ, nói với con Bê:

- Chuẩn úy cho tiền mi đó. Lộn vô lưng quần cất đi. Coi chừng không cả mất.

Phiên chợ chiều còn lưa thưa mấy người dẹp hàng muộn. Chỉ một lát sau khu chợ đã vắng ngắt, còn trơ cái nền trống và mớ rác rưởi.

Hai đứa trẻ vừa thoát khỏi đám người làm chúng sợ hãi, vội chạy xấn đến bên gã đàn ông. Gã tỉnh lại chút ít, trở mình rên rỉ, cố mở đôi mắt sưng húp bầm tím, kêu khát. Con Bê kiếm một lon sữa không chạy xuống mé sông rửa rồi múc lên một lon nước để bên cạnh gã:

- Nước nì ba. Ba uống đi. Nó tì hẳn hai khuỷu tay xuống đất, ghé cái đầu nhỏ tóc rối khô sát vào mặt ba nó, giọng nó hết sức âu yếm:

- Nước nì ba. Ba uống đi ba. Nó sờ lên những vết thương đầy ruồi hỏi. Ai đánh ba mạnh dữ rứa?

Gã đàn ông cố mở từ từ cái miệng sưng húp ra, nhưng không nói được. Gã ráng sức đưa bàn tay xanh mét dính đầy máu khô chỉ vào cái miệng mở hé chỉ chực khép lại. Con Bê bối rối một lúc, nhưng rồi nó biểu ra, bưng lon nước lên đổ vào miệng gã. Nó lóng cóng, làm nước đổ tràn ra cả mặt mũi, khiến gã đàn ông sặc sụa, thở nấc lên. Con Bê sợ cuống, lật đật để lon nước xuống đưa tay vuốt lia lịa những giọt nước còn đọng lại trên trán gã, trên hai gò má nhẫm những vết thương nhỏ đã khô máu. Bàn tay đầy đất của con Bê vẽ lên làn da xanh mặt gã những đường nét bùn quằn quện.

- Ba uống nữa thôi? Con Bê ái ngại cúi xuống hỏi. Người cha cố mở mắt nhìn đứa con gái nhỏ với hai khe mắt tối. Gã muốn lắc đầu nhưng không thể cử động được. Cái đầu chỉ nghiêng qua nửa vòng rồi nằm yên. Khe mắt vội khép lại.

Con Bê bưng lon nước lên uống một hơi, đưa tay quệt ngang miệng. Nó ngồi xếp bè he, chống hai bàn tay xòe xuống đất hai bên gối, ngoẻo đầu nhìn cha nó:

- Ba đi mô lâu ghê. Nó nói, giọng trách móc. Ba có mượn gạo bác Năm về nấu cơm ăn không. Mấy bữa ni tụi con đói bụng, bà Tư cho ăn cơm cháy không hà.

Người cha không nghe lời của đứa con gái nhỏ nói, gã nằm thiêm thiếp, vô giác.

Thằng cu Lộc chạy rông trong sân chợ bươi các đống rác rưởi tìm thức ăn. Nó khệ nệ ôm trước cái bụng ỏng đem về mấy củ khoai lang sùng, vài lon sữa bò còn dính chút sữa, một miếng xơ mít và những vỏ ốc, vỏ sò, để xuống bên cạnh chị, nói:

- Khoai nì, mít nì, chị Bê ăn đi. Nó vừa mời vừa gỡ những sợi xơ mít đút vào miệng nhai ăn ngon lành. Con Bê lựa một mẩu khoai lang sùng nó cho là ngon nhất, cúi xuống sát mặt cha nó, hỏi:

- Ba ăn khoai hông ba? Nó chờ đợi một lúc, nhưng người cha không nghe lời con mình hỏi.

Thằng cu Lộc vặt xong miếng xơ mít, đưa phần vỏ còn lại cho chị nó. Nó lấy một lon sữa, thò cả bàn tay nhỏ vào vét, mút ngón tay chùn chụt. Con Bê cạp miếng vỏ mít chỉ chừa lại lớp gai nhọn. Buồn bã, nó nhai luôn mẩu khoai khi hồi đã mời gã đàn ông.

Trời sụp tối. Khu chợ và suốt dọc con đường duy nhất dẫn đến hoàn toàn vắng vẻ. Chợ họp ở đây như những phiên chợ ma. Người ta ùa đến để trao đổi với nhau một lúc rồi biến đi cả. Không ai còn dám ở ngoài khi bóng tối trở lại, vì lúc đó người ta không còn phân biệt được nhau, sự ngộ nhận dễ đưa đến tai họa.


*

Gã đàn ông bị những cơn ác mộng vây chặt. Nhiều lần gã mở choàng mắt ngơ ngác giơ một bàn tay lên, quờ quạng trong bóng đêm, thảng thốt kêu lên: "Cứu tôi với… Cứu tôi với…"

Trong tâm trí mịt mờ, phản ứng đó hoàn toàn từ vô thức. Hai con mắt gã đã bị một bức màn đen như bóng tối sâu thẳm mịt mùng của cõi hỗn mang che lấp. Hai con mắt thất thần mở trừng trừng trong những cơn động kinh nối tiếp kéo theo những bắp thịt hai bên mép sắp cứng lại, làm cho cái miệng muốn phát ra tiếng kêu la méo xệch, và thứ âm thanh thoát ra biến thành những chuỗi tiếng ú ớ kinh dị.

Trong cõi u minh của thần trí, những hình ảnh ghi đậm nét trong quãng đời quá khứ hiện về. Lẫn lộn, mịt mờ, xô đẩy chen lấn nhau như những hình ảnh trong một đoạn phim chồng.

(…) Cha mẹ gã, mặt mũi hốc hác, xanh xao như hai xác ma, áo quần rách nát, ướt sũng thứ bùn đen quánh dưới đáy mồ, lỗ mắt, hốc mũi sâu hoắm, đen ngòm. Hai cái đầu chỉ là hai mẩu sọ dừa khô còn bám những sợi tóc bạc. Hai người đến trước mặt hắn run rẩy, khóc lóc, vén mớ vải rách tươm lên chỉ vào hai cái bụng xẹp khô, để lòi hai bộ xương sườn, kêu đói: "Con cho ba mạ xin miếng cơm miếng cháo. Con cho ba mạ xin tấm áo manh quần mặc cả lạnh." Nước mắt gã ứa ra, chảy ròng ròng xuống má. Gã nhớ ra, từ ngày cha mẹ gã nhịn đói nhường cơm cho gã ăn trong năm mất mùa, rồi vì cơn đói mà chết, đã mấy chục năm qua rồi, gã không có chén cơm, nén nhang cúng bái. Gã đau đớn gào lên: "Ba ơi! Mạ ơi! Con bất hiếu của ba mạ đây!" Gã chồm tới ôm lấy hai người, nhưng toàn thân gã đau buốt, ngã quỵ xuống. Cha mẹ gã cúi xuống hôn lên mặt gã. Từ hốc mắt, mũi dòi bọ lúc nhúc rơi ra, bò lổm ngổm. Bỗng hai bóng người dang ra xa, cười lên sặc sụa - những tràng cười dài đầy hờn oán biến thành những mũi tên đen đâm vào tim gã làm văng vung vãi những con bọ tanh hôi lên mặt gã. Hình ảnh hai bóng ma mờ dần. Âm thanh giọng cười rùng rợn trôi xa, vang vọng trong một cõi sương mù đen dày đặc…

(…) Thằng Ất mới lên tám với bầy trâu của người chú họ lang thang trong những đồng cát bao la những ngày nắng cháy mùa hè, những chiều mưa tầm tã giá buốt mùa đông… Nó quằn quại kêu khóc trong những trận đòn trối chết khi có một con trâu đi lạc không tìm thấy. Những đêm lùa trâu về muộn không dám hỏi cơm. Nó nằm ngủ trong chuồng với bụng đói trên lưng vật, ôm lớp da lông lá để tìm chút hơi ấm. Người thím dâu đanh đá mỏ dài mồm nhọn với đám con ác độc.

(…) Út, người con gái mồ côi cùng xóm đã mang đến cho gã chút niềm tin và hy vọng. Một đêm mưa lũ hai đứa bỏ nhà chủ trốn đi. Nàng đã cho gã con Bê và Cu Lộc… Một quả đạn oan nghiệt đã cướp nàng ra khỏi đời gã. Một buổi sáng ngoài ruộng lúa. Út ngã ra quằn quại trên vũng máu, một bàn tay níu lấy gã, tay kia còn giữ chặt nắm mạ chưa kịp cấy. Nàng kêu tên gã, con Bê, thằng Lộc thảm thiết rồi tắt thở. Những giòng nước mắt nóng hổi của gã tưới đầm đìa lên mặt Út…

(…) Anh Năm, người đàn ông trong xóm đến khuyên lơn, an ủi gã, lo lắng chôn cất vợ gã chu đáo. Anh Năm nói những lời dỗ dành hứa hẹn… gã không hiểu anh Năm nói gì, nhưng trong trí tưởng tượng của gã vẽ ra một đời sống tương lai tuơi sáng. Trước mắt gã mở ra một thiên đàng hạnh phúc: gã và các con sẽ sống một đời sung sướng, cơm no, áo ấm, trong sự nhìn nhận và tôn trọng nhân phẩm của con người… Rồi gã bằng lòng nhận lãnh những việc anh Năm giao phó. Gã say mê, tận tâm thi hành với lòng hoài vọng, tự tha thứ…

(…) Những oan hồn thi thể không toàn vẹn ùa đến vây lấy gã kêu réo, khóc lóc đòi đền mạng… Lão trưởng ấp cụt đầu đứng sừng sững, tay bưng chiếc nón lá đựng cái đầu lão mắt còn mở nhìn gã trừng trừng. Ở khoảng cổ cụt hơi thở ra phun phì phì, máu sủi bọt reo lên như tiếng cười… Cô Lan có chồng đi lính Quốc gia bị gã hạ sát, tay bồng đứa con bào thai sáu tháng đỏ hỏn nét mặt buồn rầu, xanh xao, nhưng đôi mắt nhìn gã rực lửa căm hờn… Vô số những oan hồn già trẻ mà hắn chưa hề quen biết, đứt đầu, cụt tay, gẫy chân, mất nửa thân mình treo lơ lửng giữa từng không. Có cả vong hồn những đoạn đường, những chiếc cầu, những toa xe lửa, xe đò, xe lam… Tất cả vây quanh gã la hét, kêu gào, nguyền rủa như muốn ăn tươi nuốt sống gã. Gã hốt hoảng, vùng dậy chạy và bỗng thấy mình nhẹ hẫng như một làn khói. Gã la lên: "Tui không biết… Tui không biết… Không phải tui… Người ta xúi tui làm… Tui vô tội… Vô tội… Ối cha ơi… Mẹ ơi!" Gã chạy trốn đám oan hồn, lướt đi trên các ngọn cây, nóc nhà, băng qua vườn tược ruộng đồng, làng mạc, núi đồi, giòng sông chảy qua làng gã đang yên ngủ… Gã lướt đi như một cơn gió mỏng manh yên lặng. Những oan hồn đuổi nà theo gã bén gót. Bỗng giữa tiếng khóc than kêu réo đòi mạng ồn ào, gã nghe giọng vợ gã áo não vượt lên cao: "Ất ơi! Anh Ất ơi! Chờ em với… Anh ơi!" Gã bàng hoàng quay lại, xô ngã đám oan hồn, ôm chầm lấy vợ. Đám oan hồn đông vô số kể ào đến vây lấy gã. Một tay ôm vợ, một tay gã vung lên gạt đám oan hồn ra mở được một lối thoát, cắm đầu chạy miết. Bên nách, vợ gã rền rỉ: "Anh ơi! Con Bê! Thằng Lộc, mô rồi anh? Con chúng ta mô rồi?" Nhưng gã không còn nghe gì nữa, gã mãi lo tìm lối để thoát thân, chạy trốn đám oan hồn đang níu kéo. Trước mặt gã là một cõi tối tăm lạnh lẽo. Gã không còn thấy, còn nghĩ ngợi, gã ôm chặt vợ, lao vào khoảng tối đen mịt mờ…


*

Sáng hôm sau, khi con Bê thức dậy nó không thấy Cu Lộc nằm bên cạnh. Nó dụi dụi hai con mắt, ngó quanh quất tìm em.. Thằng Cu Lộc đang tẩn mẩn sờ lên đôi mắt nhắm nghiền của gã đàn ông. Nó cong hai ngón tay trỏ và cái bé xí nhéo lấy từng con kiến cao cẳng trong đêm đã đánh hơi bu lại,nhấm nháp chất nước sền sệt, rỉ ra từ hai khóe mắt đọng ghèn của gã.

- Mi có để cho ba ngủ không hả Lộc, phá chi nớ?

Con Bê rày em. Nó chớp chớp mắt liền mấy cái, vuốt vuốt hàng lông nheo dính ghèn khô, để ra trước mắt nhìn.

Những tia nắng bình minh trong trẻo của một ngày mới dọi qua bụi tre như những mũi tên vàng, làm nó chói mắt. Bóng cành lá tre vắt qua thân thể người đàn ông những nét mờ, di động theo gió, in đậm hơn trên màu đen chiếc áo bà ba lấm bùn, vén lên hở bụng. Gã nằm co lại như một con tôm nướng, hai cẳng chân dài xanh mét, chồng lên so le. Gân rút hai cánh tay lại co quắp. Chiếc đầu ngả hẳn sang bên, tóc dài quá gáy dính máu bện lại thành từng lọn. Đôi môi khô xám, miệng há ra như đang la lộ ra những chiếc răng đóng bựa và nhựa thuốc lá vàng.

Một con chim chìa vôi từ trong bụi tre bay ra, kêu lên mấy tiếng, nhẹ nhàng sà xuống đậu trên mặt đất, nhún nhẩy trên đôi chân nhỏ, gần bên Cu Lộc. Mắt thằng bé sáng lên, nó bỏ ngay lũ kiến đen cao cẳng quay ra phía con chim, khum khum cái mông đít tóp, nhè nhẹ bò chồm tới. Con chim nhảy nhảy, mắt nháy láo liêng, ngoắc ngoắc chòm lông đen chen trắng, như phe phẩy một cánh quạt mở ra chưa hết. Thấy có bóng người nó niễng đầu nhìn rồi vụt bay vào bụi tre đậu trên một cành nhỏ làm chĩu xuống, rung rinh những chiếc lá tre non xanh mởn còn láng ướt lớp sương đêm.

Cu Lộc nhìn theo tiếc ngẩn ngơ. Thấy con Bê đã thức dậy, nó nhăn nhó đòi ăn:

- Đói bụng quá chị Bê ơi! Kêu ba thức dậy về nhà nấu cơm ăn, ngủ chi mà lâu dữ rứa.

- Mụ cô mi nờ. Con Bê cóc lên đầu Cu Lộc, mắng phủ. Ăn liền cái miệng mà cũng đòi hoài.

Mắng xong, nhìn nét mặt tiu nghỉu của em, ánh mắt nó dịu lại, hối hận đã mắng oan thằng nhỏ. Từ chiều qua, hai chị em mới ăn mấy củ khoai lang sùng rồi xuống mé sông uống bụng nước lạnh, chớ có gì đâu mà ăn hoài.

Ba hôm trước, cha chúng nó trước khi đi có nấu để lại nồi sắn. Gã dặn con Bê hễ đói bụng thì lấy sắn đó mà ăn. "Ba qua mượn gạo về nấu cơm cho hai con ăn". Gã nói với hai đứa nhỏ rồi bỏ đi biệt. Nhưng nồi sắn chỉ có mấy củ, hai đứa đã ăn hết cả ngay ngày đầu. Mấy hôm sau đói bụng, đến bữa ăn chúng qua nhà bà Tư hàng xóm ngồi dòm miệng. Khi ăn xong, bà vét cho chúng phần cơm cháy, chan cho tí nước cá kho.

Cu Lộc khóc mếu máo, đưa bàn tay bẩn lên gãi đầu đầy những mụn ghẻ lở. Nó trần truồng, da đen bóng, đóng lớp cáu ghét lâu ngày không tắm rửa, loang lổ từng chỗ như dấu nước mưa dột thấm trên một trần nhà ám khói. Con Bê thì có được manh quần cụt vải thô, nhưng đã lên nước, chẳng còn nhận ra màu gì.

- Mi ngồi đây nghe Lộc, con Bê dặn em, tao lại thím Tùng mua xôi về cho ăn. Nó vươn vai đứng dậy, há họng ngáp dài. Đừng có phá, Bê dặn em, để ba ngủ. Mi mà phá làm ba thức dậy, tao không cho ăn xôi mô nghe. Ba đang đau đó.

- Răng mà ba đau rứa chị Bê hè? Lộc liếc nhìn ba nó, vui vẻ hỏi chị. Ai đánh làm ba đau rứa?

- Tao biết chi mô. Con Bê nạt. Mi con nít hỏi chi?

Trước khi đi, con bê xách cái lon sữa chạy ù xuống sông múc một lon đầy nước để bên cạnh gã đàn ông. Nó dặn em:

- Răng chừ ba thức dậy, đưa cho ba rửa mặt, nghe Lộc.

- Chị Bê đi mua xôi mau hí. Thằng Lộc nói với theo, Cu đói bụng ghê đi.

Trong khi chờ con Bê mua xôi, Cu Lộc thấy dưới cạnh lưng gã đàn ông một vết loang màu đỏ sẫm, thấm ra trên đất. Nó bốc lên một ngụm, bóp trong lòng bàn tay, thấy dẻo như bùn đặc. Nó xúc lên, ém đầy mấy vỏ sò, vỏ hến, chơi làm bánh. Nó đổ ra, sắp thành hàng những chiếc bánh in hình nửa con sò màu huyết dụ. Con Bê trở lại, ôm trước bụng ba gói xôi, hai gói nhỏ, một gói lớn. Thằng Lộc trông thấy vội vàng nhổm đít dậy, chạy ra reo mừng. Nó quẹt hai bàn tay chiếu lệ sau mông, chìa cả hai tay ra đỡ lấy gói xôi con Bê đưa.

- Mi lấy gói nhỏ ni nghe. Bê nói. Tao cũng ăn gói nhỏ. Gói lớn để dành cho ba.

Hai đứa trẻ ngồi bệt xuống đất, bên cạnh gã đàn ông, ăn chăm chỉ, giữ từng hột xôi, vén khéo không hề rơi rớt. Chúng nâng gói xôi cẩn thẩn trong hai bàn tay, cúi xuống, kề miệng mà ngoạm.

Cu Lộc khoe chị công trình làm bánh của nó. Con Bê miệng nhai nhóp nhép, cầm những chiếc bánh in đất lên xem vẻ khoái chí. Nó rướn cổ ra để nuốt cho trôi miếng xôi to, nói với em:

- Ờ, giỏi! Tí nữa ăn xong, chị em mình chơi buôn bán. Cu đi kiếm lá về làm tiền nghe.

Hai đứa đã ăn xong. Thằng Lộc chạy đi bẻ lá. Con Bê bọc thêm lớp lá chuối khô ngoài gói xôi lớn đem để bên cạnh lon nước gần chỗ cha nó nằm. Nó dặn đi dặn lại Cu Lộc:

- Xôi ni của ba, mi không được ăn chùng, nghe Lộc. Tao đập.

Hai đứa trẻ bắt đầu cuộc chơi. Thằng Lộc làm người đến mua. Con bê bán cho em nó những chiếc bánh in làm bằng đất trộn với máu của cha chúng nó. Cu Lộc trả lại chị nó những đồng tiền lá./.


Kinh Dương Vương