có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 11 07, 2012

Người đàn bà bay trên mây



Thông tin về việc bà Sáu Linh bị ngã từ thềm nhà xuống sân lan nhanh như vệt dầu trên mặt nước. Đầu trên, xóm dưới ai cũng hay. Mọi người hớt hãi, ùn ùn kéo tới đông nghìn nghịt. Người sau vin vai người trước hỏi: Bị làm sao không? Nghe nói té cái đùng. Té từ hiên xuống sân. Té kiểu đó thì còn gì thân!… Tiếng ai đó trong bọn rên lên: Thiệt vô phúc.

Vòng trong vòng ngoài lèn cứng. Họ ngồi trên bờ sân, níu hàng rào bông bụt, đứng lố nhố ngoài truông nhóng vào, cố sao cho cặp mắt mình được chạm tới thân thể bà Sáu Linh, nhìn thật rõ ràng sự thể bà ngã bổ nhào. Nhưng chỉ chừng đó, không ai biết được gì thêm, bèn quay ra bàn tán:

-Thằng Quảng mới lạ. Làm lớn thế, lắm tiền nhiều của, quyền lực cùng mình không nuôi nổi mẹ mà lại đổ lên vai thằng què.

-Đâu mình thằng Quảng, cả con mụ vợ “trời đánh” của nó nữa?

-Con với cái!

-Tội thằng què.

Thằng què mà họ nói tới là đứa con trai út, bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ. Hai ống chân không khác ống thổi lửa, khuỳnh ra tưởng chừng không đủ sức đỡ lấy tấm thân. Hai cánh tay bỏ thõng chưa đụng tới hông với những ngón cong vẹo và chiếc đầu khác người khiến nó được tiếp đón với một thứ tình cảm vừa thương hại vừa kinh hãi. Chiếc đầu càng lạ hơn: dài và lớn, gắn hai mắt như hai viên bi quá cỡ, mỗi khi nhìn ai thì hút lấy như thôi miên. Tia nhìn của thằng què sượt lên mắt người đối diện gây sự lạnh giá, dờn dợn trên những phần thịt da không thể che khuất cùng với cảm giác buồn buồn tiếp liền sau đó; số khác, ít hơn, không nghĩ vậy, mà thấy đó là tia nhìn hiền dịu như cặp mắt Phật!

Thân hình kỳ dị ấy không thể là anh trai cày như bao thanh niên khác trong làng. Còn đầu óc thì không mụ mị, nhưng không thể nghĩ được chuyện gì lớn hơn ngoài việc nấu cơm, tắm giặt, thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên bất kỳ lúc nào nó thích. Rất nhiều lần Quảng bàn với với mẹ “gửi nó vào trung tâm xã hội để mẹ bớt cực”, nhưng bà Sáu nhất mực từ chối, nói: “Nó là núm ruột của tao, không thể dứt bỏ như liệng vật thừa ra bãi rác” Và bà đã nuôi nó cho tới khi mắt mờ, tai nghễnh ngãng, lưng còng xuống.

Giờ thì thằng què nuôi bà mẹ già chín mươi com cóp như ngày xưa bà nuôi nó, yêu thương nó. Nó đỡ mẹ ra thềm giếng thọc chiếc gáo sút cán vào khạp nước xối lên người, kỳ cọ; gội đầu mẹ bằng nước lá chanh, lá sả… lau chùi sạch sẽ; mùa lạnh nó biết vùi những cục than hồng trong chậu tro đặt dưới chõng tre, kéo tấm mền đắp ngang ngực… Bà đôi lúc cũng hứng chí giúp nó lặt mớ rau tập tàng, đẩy que củi vào bếp lửa, ngồi canh nồi cá kho… Hai người cứ thế vịn nhau qua ngày tháng. Và có lẽ cũng không ai buồn nhớ đến Quảng, ngay cả ngày giỗ cha.

-Không xong rồi – Ông Chín Cư từ trong nhà vẹt đám đông đi thẳng ra sân, vuốt mồ hôi trán thông báo – Bị nặng lắm, thầy Ba nói thế.

-Là sao?

-Tai biến chớ còn sao nữa!

-Sao không chở đi cấp cứu?

-Đợi mấy ông mấy bà nhắc. Kêu xe rồi chớ sao không.

Nói và Chín Cư bỏ đi thẳng trước sự ngơ ngác của mọi người vì sự thể đến với bà Sáu quá đột ngột. Họ chậc lưỡi, hít hà tỏ rõ lòng thương với bà Sáu và cảm thấy gần như bất lực trước sự không may của người hàng xóm tốt bụng. Những tiếng thầm thì cứ trôi đi cho đến lúc từ phía đầu xóm có tiếng nổ phèn phẹt như tiếng khạc nhổ của người ho lao.

Chiếc xe lam ba bánh xịt khói trờ tới. Mọi người nép sát bờ rào tránh chỗ. Tiếng khóc sụt sịt với dài theo sau bà Sáu được hai người đàn ông khiêng trên đôi chân không ra chạy. Thằng què bước lủn củn sau mẹ đang nằm ngang trên đôi tay vững chắc của người hàng xóm, mắt ráo hoảnh, vô hồn nhìn mọi người.

Người lái xe tháo hai băng ghế ném lên mui để lấy chỗ trải chiếc chiếu, đặt bà Sáu. Bà nằm thẳng đơ. Mắt nhắm nghiền, bọt mép sùi ra chùi chưa thật sạch.

Thầy Ba la lớn:

-Vào nhà lấy chiếc nệm trải lên, sao lại đặt bà cụ nằm trơ trọi trên sàn xe nhớp nháp thế này? Cả chiếc mền nữa.

Tiếng than não nuột cất lên:

-Khổ thân bà già. Ai đời có con làm lớn mà gần xuống lỗ không được hưởng lộc.

Giọng già, rất già, phều phào cất lên:

-Con cái gì ba cái đồ đó.

Xe lại nổ phèn phẹt. Khói xịt đen một góc truông kín cây dại và rác rưởi. Chiếc xe khọt khẹt rướn tới với nỗi nhọc nhằn đang rung lên trong lòng xe theo từng cái xóc nẩy.

Tiếng máy nổ sừng sựt nhỏ dần, xa hút đâu tận ngoài bìa xóm. Thằng què chắp hai cánh tay ngắn cũn cỡn trước ngực, giọng vô cảm:

-Không sao đâu. Má tui đang bay trên mây mà.


oOo

Bà Sáu Linh ra đi trên chiếc xe lam rách nát và trở về cũng trên loại xe ấy, không khá hơn. Hồi bà nằm trên xe ra đi thế nào thì về vẫn vậy. Mắt nhắm nghiền, thoi thóp thở không nói ra tiếng. Miệng méo xệch một bên như có người lấy cây sắt móc quai hàm bà kéo ngược lên vậy. Năm On và bà Hai Cọt, hai người đi theo bà Sáu ra bệnh viện, kêu “bác sĩ lắc đầu chê”. Mọi người trong xóm lại ùn ùn kéo tới thăm đứng chật một góc sân. Họ lật tung đầu óc, cố moi trong hóc nhớ những kinh nghiệm, bài thuốc dân gian cốt để giúp bà Sáu trở lại như xưa. Khốn nỗi có cả chục, cả trăm bài thuốc như vậy, nên cuối cùng không biết phải nghe theo sự bày vẽ của ai.

Bà nằm bất động trên chiếc chõng tre, ỉa đái một chỗ. Thằng què vừa bưng bô nước tiểu ra chưa tới đầu hồi đã ngửi thấy mùi hinh hỉnh, tanh lợm, vội vã quay lại, lóng ngóng thế nào cả bô nước và nó cùng ngã sóng soài trên nền đất. Hai cánh tay quạt ngang chưa qua khỏi đầu, giống như đang quạt nước trong đáy ao cạn. Nó ngạc nhiên nhìn bô nước màu xám cùng với thứ chất lỏng sền sệt, vương vãi lăn lóc bên cạnh, nhìn mẹ nhưng không khóc, chỉ ngạc nhiên tự hỏi, cớ sao mình lại có thể ngã một cách dễ dàng như vậy?

Suốt ngày nó quanh quẩn bên mẹ. Ai bày gì nó cũng nghe theo. Những bọc cây lá hàng xóm mang đến chưa nấu xong gói này, tiếp liền bọc khác. Cứ thế chất đầy bàn như kho thuốc nam ở trạm xá hợp tác xã. Và, nếu như những món thuốc ấy có hiệu nghiệm theo như sự đoan chắc của những người có tấm lòng, thì chỉ bằng ngần ấy, nội hơi của nó xông lên cũng đủ làm bà Sáu tỉnh lại đôi chút. Đằng này, hơi thuốc, nước tiểu, phân rơi vãi bám sâu dưới nền đất ẩm thành thứ mùi như mùi cháo cóc để lâu ngày! Được cái hàng xóm không ai phàn nàn, bịt mũi quay đi. Trái lại họ thay phiên nhau (lúc rỗi rảnh) lau rửa, mớm cháo cho bà. Những đêm trời trong, trăng sáng họ kéo tới ngồi chật sân, bàn về bệnh tình, về hậu sự cho bà.

Thầy Ba là người am hiểu y học trong xóm, người đầu tiên đưa ra nhận định, chắc như xỏ dây mũi trâu:

-Thím Sáu không thể nào bình phục được đâu. Bị nhũn não. Chỉ là sống ngày sống bữa, như cây già cỗi vậy, không hút nước nổi nữa thì nghẻo. Không lâu nữa đâu.

Tiếng Chín Cư lạp quạp do đôi môi thâm đen đang kẹp cứng điếu thuốc vấn to bằng ngón tay cái:

-Thằng Quảng không hay biết gì sao? Không ai cho nó hay sao?

-Chắc có chớ sao không. Nhưng do bận việc tỉnh tà gì đó nên không về được.

-Ô hay, nó từ đất nẻ chun lên, từ trời rơi xuống chắc? Một mình thằng què, cái thân nó lo không xong huống hồ cõng bà mẹ già nằm ngay đơ cán cuốc!

Xem chừng câu chuyện bàn tán có chiều hướng xấu đi, thầy Ba lái sang phía khác:

-Bữa tôi đọc tài liệu nói về tác dụng của nấm linh chi. Nó có thể chữa được chứng tai biến. Tất nhiên là từ từ. Ngặt cái: nấm ở đâu, tiền ở đâu?

-Tui cũng có nghe. Nó chữa bách bịnh – Một người nào đó từ phía sau gióng tới.

-Nghe đâu mắc gấp mấy chục lần sâm Cao Ly.

Giọng bà Hai Bánh tráng the thé cất lên:

-Dưới Tân Đông có bà già bị như chị Sáu, trượt chân té xuống thềm giếng, tay chân miệng mồm cứng ngắt, vậy mà thuốc thang gì cũng không khỏi, chở tuốt vô Tây An có bà thầy xông nhang xoa bóp, sờ mó đâu hơn tuần là khỏi liền.

Chín Cư nhổ nước miếng đánh phẹt xuống sân, ngay chỗ ông ngồi, nói như quát:

-Bá láp! Thời buổi này mà còn sờ với mó. Khéo tin, nhảm nhí.

Bà Bánh tráng cố cãi, giọng càng nhọn như chiếc kim may ghim vào màng nhĩ:

-Thì rành rành ra đó. Tui bày đặt ăn cái giống gì? Có ông mới bá xàm bá láp.

Lời qua tiếng lại kéo trăng lên tới đỉnh đầu. Cái lạnh giữa đêm bổ xuống khiến không còn ai đủ sức để tranh thiệt hơn. Mọi người lại đứng lên, lục tục kẻ trước người sau quay về với tổ ấm của họ. Căn nhà và góc sân trở lại vắng lặng. Thằng què kê ngay chiếc giường bố cạnh chõng mẹ, thỉnh thoảng đập muỗi bem bép. Tiếng đập nghe thật yếu trong đêm sâu.

Bệnh tình bà Sáu Linh ngày càng xấu đi. Tấm thân của bà giờ như con cá lép phơi khô. Hai hốc mắt sâu hoắm, tóc rụng gần hết. Chân tay như que củi mục. Chòm xóm đã gắng đến mức cuối cùng, nhưng thuốc đổ không vào, cháo không trôi qua khỏi cổ họng làm mọi người nghĩ ngay đến khu đất cạnh bầu nước Cò Ma. Duy nhất có một người không tin bà Sáu sắp sửa ra đi là thằng què. Nó vẫn tin mẹ sẽ sống đời với nó, sẽ phụ nó lặt rau, chụm lửa… Ánh mắt nó vẫn dờn dợn lạnh và vô cảm; vẫn nghĩ rằng bà đang bay trên tầng mây xanh. Và một người khác là thằng Quảng vẫn không hề về thăm mẹ lấy một lần. Nó đang bận túi bụi công việc tỉnh tà như cách nói của chòm xóm.

Nhưng thằng Quảng trong ánh mắt, suy nghĩ của mọi người chưa phải là thằng vô ơn, bội nghĩa và bất hiếu. Thế nào Quảng cũng về làng, dẫu hơi muộn, còn kịp nhìn thấy mẹ thoi thóp thở.

Và Quảng về thật. Ông về thăm mẹ trên chiếc xe bóng lộn.

Từ đầu xóm, người ta có thể nhìn thấy chiếc xe chạy chậm trên đường đất gập ghềnh. Bụi bốc mù phía sau cùng đám trẻ con chạy bám theo. Tiếng máy nổ xè xè nghe còn nhỏ và êm hơn tiếng cối xay quay lúa trên con ngỗng gỗ rào rào, cọt kẹt. Nhốn nháo, ầm ĩ cả một góc làng mùa tháng Ba là lũ trẻ con, vì lần đầu tiên chúng mới được tận mắt nhìn thấy chiếc xe đen trùi trũi. Chúng căng mắt tìm phía bên trong, nhưng chỉ thấy khung kính màu đen, bốn bánh xe và đám bụi mù bốc lên cao. Chúng vừa chạy bám theo vừa reo hò, vui như đám rước hội. Xe tới cây da Xà, không thể chạy được nữa vì đường hẹp, hang hố lồi lõm, mặt đường băm nát bỡi những súc gỗ lậu kéo lia qua trong mùa bão lũ, găm xuống. Anh tài xế còn trẻ bước xuống, đi vòng ra sau lom khom người mở cửa bên trái, lại chạy vòng sau đít xe mở cửa bên phải. Hai người một nam một nữ, kẻ trước người sau lần lượt nhoài người ra khỏi khung cửa thấp hẹp. Họ đều là trung niên. Ăn mặc sang trọng, khác với đám dân làng chỉ có bộ bà ba và pyjama để dành ăn cưới, ăn giỗ. Người đàn ông mập nung núc. Người đàn bà mặc robe hoa màu xanh, mang kính đen, tay trái xách chiếc bóp đầm, môi và móng tay màu đỏ chói. Bà vịn vai chồng, gần như ngã cả nửa thân người lên tấm vai rộng, khó nhọc bước trên đôi giày cao gót. Họ đi thật chậm như đi dạo. Thỉnh thoảng bà vợ níu tay chồng dừng lại, thở: “Em nói rồi, anh về một mình cũng được mà. Vào được tới trỏng, có khi cẳng em bị trẹo chớ chẳng chơi”. Ông chồng suỳ suỳ: “Còn mấy bước nữa thôi”. Bà vợ ngó chồng như kiểu gái già đưa mắt ngó anh trai tơ: “Em mệt thấy mồ”.

Cuối cùng thì vợ chồng Quảng cũng lọt qua chiếc cổng tre xiêu vẹo, đứng lọt thỏm trong chiếc sân gạch cũ nát, đất trồi lên nhiều chỗ, cỏ dại mọc tràn. Cả hai đứng ngó quanh quất hồi lâu mới bước lên thềm. Hàng xóm nghe nói Quảng về, lại vội vã kéo nhau chạy đến, không phải để cầu cạnh, xum xoe mà thực bụng muốn nhìn tận mắt ông quan đầu tỉnh, vốn là con dân làng này ra thể nào. Quảng gật đầu chào mọi người theo cung cách lãnh đạo, không thân không sơ; chẳng mặn nồng vồn vã mà cũng không ra lạnh nhạt. Dân làng không hề để ý bỡi họ không còn đầu óc đủ tỉnh táo để nhận xét. Ông ta có chào bằng những cái gật đầu mà không hề mở miệng cũng đã quí lắm rồi. Vả lại, thực lòng, bụng dạ họ cũng mừng. Mừng vì Quảng về sẽ có cách gì đó tựa phép màu để giúp bà Sáu thoát cơn hiểm nghèo; chí ít, bà cũng mở được mắt, nhìn mọi người chung quanh với nụ cười hiền cố hữu. Dẫu sao sự có mặt Quảng vẫn còn hơn thằng què với ánh mắt dờn dợn vô cảm luôn quấn quanh mẹ.

Hai vợ chồng vừa bước lên thềm đất, thì ngay sau đó bà vợ như bị điện giật, người rung lên rồi quay ngoắt lại, bụm miệng, bịt mũi chạy như ma đuổi ra phía vườn cây xơ xác. Bà ta nôn oẹ liên hồi, giống mấy bà đang ốm nghén.

Quảng chạy theo, đỡ hai vai vợ:

-Em làm sao vậy? Có sao không để nói chú Chánh đưa em về.

Người vợ hất tay Quảng ra khỏi vai trước khi oẹ lần nữa, rõ dài:

-Em đã bảo rồi. Anh về một mình có làm sao đâu. Sao lại đèo bòng cả em. Em đến chết mất.

-Thôi mà, phận dâu con dẫu có khó chút vẫn phải có mặt, không khéo xóm làng chê trách. Với lại lọt tới tai người khác thì sống thế nào?

-Mặc xác, em không biết. Em không thể nào chịu nổi cái mùi hôi thúi như xác chết để rữa lâu ngày thế kia.

-Em nói gì vậy? Thôi nào, đi vào kẻo…- Vừa nói giọng dỗ dành vừa đỡ vợ nhưng nhất định bà ta không chịu bước lấy nửa bước.

Quảng đành quay vào nhà một mình. Cái mùi hôi đến lợm giọng khiến ông có cảm giác trạo trực khó chịu, nhưng cố dằn lại và ngồi xuống chiếc ghế gỗ thừ người ra nhìn về phía thân người nằm tù hụ trong tấm mền ngã màu vàng ố. Quảng không nghĩ rằng đó là mẹ mình, một người phụ nữ cứng cáp, đã từng một mình gánh gần tạ gạo thay chồng đi dân công; một mình đội mưa mang thuốc men ra khu cho anh em, luồn lách qua các đồn bót…Nỗi thương xót ào tới bất chợt như cơn trốt đẩy ông đứng bật dậy, chạy lại cầm tay mẹ. Bàn tay lạnh ngắt, chỉ có lớp da bao quanh khúc xương lỏng. Quảng lật chiếc mền ra, tấm thân dán sát xuống tấm nệm mỏng. Tất cả đều lạnh lẽo, bốc mùi. Quảng nắm vai thằng què:

-Mẹ nằm như thế này bao lâu rồi?

Thằng què mở nụ cười vô cảm và ánh mắt dờn dợn lắp bắp:

-Mẹ đang bay trên mây đấy.

Ông thở hắt ra. Hơi thở đó nửa giống như biểu lộ sự bất lực, lòng hiếu thảo nửa như xua đuổi cái mùi khó chịu xa khỏi người ông. Quảng ngó lên bàn thờ trống trơ; tấm ảnh cha hoen ố không nhận ra mặt mũi và bát hương đầy chân nhang đỏ màu máu, nguội lạnh.

Một tia chớp vụt loé sáng trong đầu Quảng khiến ông rụt tay khỏi lớp da bọc lạnh lẽo, quay ra chiếc bàn long chân ngoài hiên, nơi một số đông người đang đứng ngồi nhóng vào, dõi theo từng cử chỉ của Quảng. Ông khẽ khàng ngồi xuống, lấy giọng thật nhỏ nhẹ:

-Thưa cô bác, trước, vợ chồng tôi cảm ơn cô bác đã giúp đỡ, chăm sóc mẹ tôi. Tôi có lỗi là không về sớm hơn. Mong cô bác thứ lỗi. Công việc dày kín, không thể tách ra mà đi được. Nay mẹ cũng gần đất xa trời, nhưng còn nước còn tát; xin cô bác để vợ chồng tôi đưa mẹ về dưới, được ngày nào hay ngày ấy.

Những người hàng xóm thở phào, thầm nghĩ: “Có thế chớ. Dẫu gì cũng mẹ”. Mọi người lại xúm nhau bàn. Kẻ xuôi người ngược, nhưng thảy đều với cả tấm lòng dành hết cho bà Sáu. Họ không mong gì bà bình phục như xưa. Nhưng nếu có ra đi thì cũng ra đi một cách thanh thản, bên con cháu, bên dâu một cách ấm áp. Không ai nói ra miệng, nhưng người nào cũng thầm khen phải, xử sự như vậy là hợp lẽ trời, hợp đạo lý làm người. Thầy Ba và Chín Cư là hai người luôn sốt sắn bởi tình nghĩa và tấm lòng bà Sáu dành cho họ trong những lúc khó khăn. Một trong hai người nói:

-Chú nói chí phải. Dưới tỉnh dẫu sao cũng sẵn thuốc, sẵn thầy. Biết đâu phước đức tổ tông để lại, thím mau lành bịnh.

Giọng Quảng nhỏ nhẹ:

-Dạ, cảm ơn mấy chú.

Bỗng dưng Chín Cư như chợt nhớ ra điều gì, vỗ trán:

-Uở, hồi nãy thấy thím…

Quảng hơi bối rối, nhưng cũng trấn tỉnh lại ngay:

-Dạ, cô ấy bị cảm cúm mấy ngày nay. Hồi sáng tôi kêu ở nhà nhưng cô ấy không nghe, nhất định đòi về thăm mẹ.

Sắc mặt Chín Cư bổng trở lạnh, nói hờ hững:

-Ờ hén, hèn chi…

Thầy Ba nháy Chín Cư, Quảng không nhìn thấy, tiếp tục giọng thảm não:

-Năm trước kìa, cô ấy kêu để đưa cụ xuống chăm sóc, có mẹ có con; để trên này một mình thằng Sanh không kham nổi, nhưng nó không chịu, cả cụ cũng không bằng lòng. Nói thế nào cũng không nghe. Đành để vậy.

Chín Cư lơ đãng ngó lên mái rui ễnh cong như muốn rụng, miệng lại kêu “ờ hén” khiến thầy Ba dùng chân mang dép nhựa tái chế đạp mạnh lên mu bàn chân trần Chín Cư đau điếng. Ông thở đánh phào, đứng lên:

-Chú nói cũng phải. Làm con… – và bỏ đi thẳng. Thầy Ba xớ rớ một lát cũng về theo. Bóng những con người chòm xóm “tắt lửa tối đèn có nhau” lần lượt khuất sau truông rậm. Quảng như người tỉnh ngủ, đứng vụt dậy bươn ra vườn. Vợ ông vẫn ngồi gục mặt, hai tay bụm kín miệng mũi mà nếu có ai đó vô tình nhìn thấy thể nào cũng nghĩ vợ Quảng đang ngồi khóc vì thương mẹ chồng. Quảng bước tới, ngồi xuống cạnh vợ.

-Mình đưa bà cụ về dưới đó.

Vợ Quảng trừng mắt:

-Đưa xuống làm cái giống gì? Trước sau bà cụ cũng mất. Cứ để trên này có tiện hơn không, xuống dưới ai lo, bộ anh tưởng tôi là con hầu phỏng?

Quảng cúi thấp, nói nhỏ gì đó vào tai vợ. Mặt mũi bà ta dãn ra:

-Vậy mà em không nghĩ ra. Anh thì có khác – Nói và bà ta níu tay chồng đứng lên như thể trước đó chưa hề có điều gì ghê gớm xảy ra.


oOo

Thẩm là đứa cháu họ phía bà sáu. Nhà nghèo, đông con nên chỉ học đến lớp Năm phải nghỉ. Bà Sáu thương tình, đưa về nuôi, cho ăn học tiếp nhưng chưa qua hết lớp Chín, không học nổi nữa, ở nhà phụ bà chuyện vườn tược bếp núc. Nó là đứa thật thà, giỏi giang. Trong nhà, ngoài sân, dưới bếp…đâu đâu cũng đều gọn gàng, ngăn nắp. Một lần về thăm mẹ, vợ chồng Quảng thấy vậy, nằn nì bà Sáu cho nó về ở với mình. Bà nghĩ bụng, dẫu sao ở với Quảng, miếng ăn, giấc ngủ ngon hơn, quần áo lành lặn hơn, nên bằng lòng, dù trong bụng không muốn xa nó.

Vợ Quảng đúng là loại phụ nữ tinh đời. Đánh giá về con người, sự việc hiếm khi sai. Thẩm không có biệt lệ dưới con mắt người phụ nữ lõi đời này, nên trở thành nhân vật phụ tin cẩn của hai vợ chồng. Công việc của Thẩm chỉ lau dọn phòng ngủ hai ông bà và phòng khách, nhận thư, quà cáp, trả lời khách đột ngột tới thăm khi cả hai vắng nhà. Tất cả mọi chuyện khác đã có hai người phụ nữ khác, đều là bà con gần bên vợ. Cuối mỗi tháng hoặc hơn thế, Thẩm được giao chở những thùng mì tôm, thùng sữa cũ mèm mà nặng như vác bao lúa trên quê, đến tiệm Tân Cẩm Hưng rồi quay về, chỉ có vậy. Nhiều khi nó cũng thắc mắc tự hỏi “gì mà lắm mà nặng thế” nhưng chưa lần nào tự ý hé ra coi trong đó là những gì, bởi bà Quảng luôn miệng dặn: “Ở nhà này chỉ biết làm, chớ tọc mạch hỏi han hay làm bất kỳ điều gì mà không được phép”.

Chính vì cái tính thật thà ấy mà bà Sáu nằm bệnh viện hơn tháng nay, Thẩm không hề hay biết. Cho đến buổi sáng nọ, hai ông khách đi trên xe con sang trọng gọi chuông. Thẩm mở cửa. Ông khách khẽ chào, lịch sự:

-Xin lỗi, chúng tôi đến thăm bác gái.

-Thưa, bà đi vắng từ sáng sớm ạ!

Cả hai người khách đều ngạc nhiên, vẻ mặt nửa mừng rỡ, nửa thất vọng:

-Bác đã bình phục rồi à, xin chúc mừng!

-Sao ạ? Bà tôi có làm sao đâu ạ?

-Cô nói… – Người khách chưa hết ngạc nhiên, và như nhớ ra, vỗ trán – Là chúng tôi hỏi thăm mẹ của anh Quảng kìa.

-Là bà Sáu? Có làm sao đâu. Ở tận trên quê chớ có bao giờ xuống đây đâu.

Bây giờ thì sự ngạc nhiên không phải hai ông khách lạ mà đang chuyển dần qua Thẩm. Hai người khách ngơ ngác nhìn vào mặt nhau, người nọ muốn hỏi người kia, nhưng câu hỏi đột ngột biến mất khỏi đầu họ. Một trong hai người lấy từ túi áo ra mẫu giấy nhỏ màu xanh, chìa ra cho Thẩm:

-Cô làm ơn đưa cho anh chị Quảng. Chúng tôi sẽ gọi điện thoại sau – Nói và hai người chào Thẩm lần nữa trước khi đóng sập cửa xe.

Tấm danh thiếp in bằng tiếng nước ngoài. Tiếng Anh. Vì học dốt nên nó cũng chỉ đọc, hiểu được mỗi chữ the và chữ and cùng tên họ không dấu của người đưa thiếp. Chắc có sự nhầm lẫn. Nó tự nhủ vậy và thôi không buồn tra vấn nữa.

Sau “sự cố” hai người khách lạ Thẩm mới để ý đến vẻ mặt của ông bà Quảng. Ông thì hốc hác hơn xưa. Bà ngược lại, bộ mặt khó đăm đăm với lũ kẻ ăn người ở đã rụng mất đâu đó ngoài đường. Càng bất ngờ hơn khi Thẩm nghe lỏm câu chuyện của hai vợ chồng trên sân thượng, lúc Thẩm đứng bên trong những tấm lưới đen phun thuốc định kỳ cho những giò phong lan treo kín nửa góc sau.

-Sao em không thấy thằng Thành…?

-Em đi mà hỏi nó.

-Anh mới lạ. Chính lúc này mới biết được đứa nào tình nghĩa, trung thành. Cái hồi nó chạy chức giám đốc, sao em thấy hình như ngày nào nó cũng xum xoe bên anh? Còn nữa, con mụ Ngàn từ hóc núi đưa về giữ chức quản lý dự án ngon ơ cũng không thấy đâu?

-Anh mệt mỏi quá lắm rồi. Em mà cứ chắc lép, vỡ lở ra thì đẹp mặt lắm đấy! Em cũng biết cả rồi. Có thuốc thần mẹ cũng không khỏi. Người ta tới thăm hỏi đã là quí. Em còn bày vẽ, gợi ý linh tinh – Miệng nói vậy nhưng bụng nghĩ khác. Những Thành, những Ngàn kéo lướt qua đầu ông như đèn kéo quân, những hình nhân chạy vòng vòng, không tách khỏi nan tre.

-Em chỉ muốn giúp anh thôi. Đây là dịp để anh biết ra ai là ai.

Họ còn nói gì nữa nhưng thấp giọng, không nghe ra. Vả lại điều Thẩm muốn biết là bà Sáu. Bà ngã bệnh, nhưng ở đâu thì không thể lần ra. Còn những mẫu đối thoại qua lại giữa hai người, Thẩm nghĩ chắc là công việc cơ quan, không liên quan đến tình hình bà Sáu. Nó muốn bước ra khỏi mành lưới đen, hỏi rõ ràng cớ sự. Nhưng muộn mất rồi. Họ đã đứng lên, bước xuống cầu thang.

Lúc hai ông bà dùng xong bữa cơm chiều (hiếm khi họ ăn cơm nhà), đang ngồi uống nước ở phòng khách sáng choang, lộng lẫy, nó định hỏi chuyện bà Sáu thì có chuông điện thoại reo. Bà Quảng thong thả với lấy chiếc điện thoại đưa cho chồng. Quảng một tay xỉa răng bằng que tăm nhọn tay kia áp chiếc điện thoại một cách hờ hững vào mang tai. Những âm thanh lít nhít trong máy, đến bà vợ ngồi bên cũng không thể nghe ra điều gì. Kịp khi ông Quảng quăng bừa cây tăm lên mặt bàn, giọng hớt hãi:

-Sao? Anh bảo sao? Được… được rồi… Tôi đến ngay.

Bà vợ níu cánh tay chồng:

-Gì vậy anh.

-Hình như mẹ mất rồi…!

-Bà ấy làm sao mà chết được? Rõ khéo… Công chuyện chưa xong…

Chính miệng ông Quảng nói ra và lỗ tai Thẩm thì không thể nghe lầm. Phích nước đang cầm trên tay suýt rơi xuống sàn. Trần nhà như xoay vòng vòng, kéo theo bà Sáu bay quanh nóc. Bà chết thật rồi. Nước mắt nó ứa ra. Bao nhiêu ý định với bà, nó không thực hiện được và vĩnh viễn không thể thực hiện. Tấm lụa màu mỡ gà bà Quảng cho nó cất kỹ dưới đáy túi xách, ống ngoáy trầu bằng bạc, chai dầu gió xanh và củ sâm thừa ông Quảng vất trong giỏ rác nó lượm lên, phủi sạch, cất kỹ… tất cả sẽ được gói lại, sẽ được mang về biếu bà khi có dịp. Vậy mà… Thẩm có cảm giác như ngón tay mình đang bị dần nát nhũn cho đến khi đứt ra, máu không chảy nhưng đau nhức.


oOo

Đám tang bà Sáu Linh đông. Rất đông. Lễ viếng phải kéo dài hơn thời gian lão hoà thượng chùa Diên Pháp ghi trong mảnh giấy trắng gấp làm tư. Phòng khách biến thành phòng tang lễ. Ảnh bà Sáu phóng to trong khung viềng đen. Nhìn bà Sáu thấy lạ, trẻ hơn đến vài chục tuổi, không thể nhận ra, duy nhất có đôi mắt là hiền hậu nhìn khách viếng tang với tấm lòng rộng mở. Họ lâm râm trước bàn thờ. Bà từ bên trong khung kính nhìn ra. Khói nhang nghi ngút. Những vòng hoa viếng đặt kín gian phòng. Trên bàn thờ, chiếc khay xưa cẩn ốc xa cừ đặt bên giỏ trái cây, chất chồng những phong bì phúng điếu dày cộp. Sau những cái vái lạy trả lễ, bà Quảng, đứng xế bên hông chồng lại thò tay lên khay, đỡ lấy những chiếc phong bì và cho vào chiếc túi xách đặt ngay dưới chân mình. Thằng con trai từ nước ngoài về, mặc bộ vét đen, đầu bịt khăn tang luôn lúc lắc thân người. Bên cạnh là cô bạn gái trông bộ dạng không phải là con gái Việt. Thỉnh thoảng nó rút khăn tay lau mắt. Không hiểu nó thương bà nội hay vì khói nhang cay xè và khách viếng đông đảo trong không khí oi nồng mùa Hạ?

Lễ viếng kéo dài khá lâu khiến bà Quảng có vẻ mỏi người khi cứ phải đưa tay tới lui liên tục. Cuối cùng thì một người đàn ông tóc hoa râm đứng ra đọc điếu văn. Ông Quảng từ trong bàn thờ bước ra nói mấy lời cảm ơn trước khi ông thầy lễ nhảy nhót loi choi, miệng ê a làm lễ di quan.

Chiếc quan tài phủ kín hoa dịch ra từ từ. Nhưng đôi chân như chân rết đưa lên thả xuống đều đặn hai bên hông quan tài, nhịp nhàng bò ra tới chiếc xe tang đang chờ sẵn ngoài đường. Một rừng người và rừng vòng hoa sáng rực đoạn đường dài. Những chiếc xe con nối đuôi nhau như một cuộc diễu hành, thật chậm…

Những người hiếu kỳ đứng hai bên đường kiễng chân nhìn theo đoàn xe tang có một không hai trong thị xã nhỏ này. Lấp trong đám đông lố nhố kia, có người đàn ông mặc bộ bà bà trắng, chân đất, môi thâm sì ngậm chặt điếu thuốc vấn đã tắt ngúm tự lúc nào. Níu một bên hông vạt áo trắng là một thằng người dị kỳ. Đầu to và dài. Hai mắt tròn to hơn viên bi quá khổ, tay chân khuỳnh, ngắn cũn cỡn. Nó ngơ ngác nhìn theo đoàn xe khuất tít tận trên ngả Bảy, rung rung vạt áo người đàn ông có đôi môi thâm: “Coi kìa, má đang bay trên mây kìa”.


Nguyễn Lệ Uyên
Tuy Hoà, tháng 3.2008

(Trích tập truyện "Chân dung tự vẽ")