Trại còn mười hai tù binh, mười sáu công an, hơn bốn trăm con bò. Công an giữ tù. Tù giữ bò. Cứ như thế mà thống trị nhau. Nhưng luôn luôn cái gì ít thì có giá, ở đây tù ít hơn công an, bò nhiều hơn tất cả, cho nên công an gọi tù là các Bác hoặc các Bố, còn bò thì cứ bị giết thịt hoài! Từ trước tới nay công an vẫn gọi tù là anh xưng tôi đồng hạng, dù người tù ấy bảy, tám chục tuổi còn công an mới mười chín, hai mươi! Kể ra vai vế thì phải là ông cháu, phúc đức dày phải là cụ cháu. Nhưng thời này phúc đức rất là mỏng! Anh tôi suốt thành quen miệng và quen tai, kẻ nói không ngượng miệng người nghe cũng không còn chói tai. Con cháu cũng không thấy mình là sách mé hỗn láo vô phép mất dạy.
Cha ông cũng không thấy phiền muộn vì bị xúc phạm. Chẳng qua là cái chính sách đàn áp khống chế nó xiềng xích đầu óc người ta lại thành quen rồi. Bọn khủng bố còn tập cho tù nhân chịu đựng cái sức ép lún xuống một độ sâu hơn nữa, chúng lên lớp rằng chính sách cải tạo là một chính sách giáo dục, trại giam là trường học, tù nhân là học trò, còn chúng tự nhận là… thầy! Chúng nói hoài nói mãi suốt mấy chục năm, nói từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc, ai nói khác đi chúng bắt bẻ, buộc tội ngay. Miết rồi quen, vợ con họ hàng ở nhà có ai hỏi cũng quen miệng trả lời nhà tôi đi… học, bố cháu đi học, chú ấy, bác ấy đi học… thậm chí đến các hãng thông tấn, các tờ báo quốc tế có khi cũng dùng những từ ngữ giả mạo đó để mô tả một tội ác giam cầm đày đọa khủng bố con người kinh khủng nhất. Trong tù có anh cũng dễ dãi hoặc dại khờ tưởng mình đi học chứ không phải đi tù! Có người, có lúc, có nơi… cũng là do quá nhu nhược vì bị khống chế tinh thần mà như vậy thôi. Thế nhưng từ ngày chúng thả rất đông chỉ còn giữ lại hơn trăm cho cả nước thì nhiều cái phải thay đổi. Phân trại K2 biến thành chuồng bò. Trại này trước kia có thời đã nhốt tới một ngàn tư, trong nhiều năm chúng thả dần hoặc đưa đi trại khác, số tù binh giảm xuống chỉ còn mười hai người. Cái thay đổi đầu tiên là cách xưng hô, từ trưởng trại gọi bố trước rồi đến tất cả đám cán bộ bên dưới như được mặc nhiên hợp thức hoá, đều bố bố con con hoặc bác bác tôi tôi… Khởi đầu là:
Cha ông cũng không thấy phiền muộn vì bị xúc phạm. Chẳng qua là cái chính sách đàn áp khống chế nó xiềng xích đầu óc người ta lại thành quen rồi. Bọn khủng bố còn tập cho tù nhân chịu đựng cái sức ép lún xuống một độ sâu hơn nữa, chúng lên lớp rằng chính sách cải tạo là một chính sách giáo dục, trại giam là trường học, tù nhân là học trò, còn chúng tự nhận là… thầy! Chúng nói hoài nói mãi suốt mấy chục năm, nói từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc, ai nói khác đi chúng bắt bẻ, buộc tội ngay. Miết rồi quen, vợ con họ hàng ở nhà có ai hỏi cũng quen miệng trả lời nhà tôi đi… học, bố cháu đi học, chú ấy, bác ấy đi học… thậm chí đến các hãng thông tấn, các tờ báo quốc tế có khi cũng dùng những từ ngữ giả mạo đó để mô tả một tội ác giam cầm đày đọa khủng bố con người kinh khủng nhất. Trong tù có anh cũng dễ dãi hoặc dại khờ tưởng mình đi học chứ không phải đi tù! Có người, có lúc, có nơi… cũng là do quá nhu nhược vì bị khống chế tinh thần mà như vậy thôi. Thế nhưng từ ngày chúng thả rất đông chỉ còn giữ lại hơn trăm cho cả nước thì nhiều cái phải thay đổi. Phân trại K2 biến thành chuồng bò. Trại này trước kia có thời đã nhốt tới một ngàn tư, trong nhiều năm chúng thả dần hoặc đưa đi trại khác, số tù binh giảm xuống chỉ còn mười hai người. Cái thay đổi đầu tiên là cách xưng hô, từ trưởng trại gọi bố trước rồi đến tất cả đám cán bộ bên dưới như được mặc nhiên hợp thức hoá, đều bố bố con con hoặc bác bác tôi tôi… Khởi đầu là:
– Trong khi chờ quyết định của Trung ương về trường hợp của các bác bị sót tên, ban giám thị nhờ các bác coi giùm… đàn bò!
Thế là mười hai bố sĩ quan cấp tá tù binh biến thành dân chăn bò hết. K trưởng còn nói:
– Các bác muốn ở chỗ nào thì ở, muốn ăn gì cứ lấy ăn, chắc cũng không lâu đâu, ít bữa nữa rồi các bác cũng về hết thôi.
Trong khu trại giam không canh gác ấy các bác tuỳ ý chọn chỗ nào mát, chỗ nào thích thì mắc võng, căng mùng, giải chiếu nằm… Xoài, đu đủ, chuối, rau, quả… các bác vừa ăn vừa phá. Các bác còn đùa với nhau:
– Ở tù lâu đến nỗi lên chức bác tù, bố tù rồi thì không còn gì để mà “bình” nữa.
– Nó gọi mình bằng thằng chán rồi bây giờ mới gọi bằng bố, đúng là lũ con bất hiếu.
– Nó gọi bằng bố nhưng lại bắt bố đi chăn bò, thêm một tội bất hiếu nữa.
– Trước mặt bố bố con con kiếm điếu thuốc thẳng hút chứ sau lưng nó vẫn chửi mình là thằng tù đấy.
– Đương nhiên, nói dại nếu đang đêm có lệnh trên bảo chúng đem các bố đi bắn thì chúng nó cũng sốt sắng làm. Bố thông cảm!
– Thế cho nên nói năng thế nào thì nói, vấn đề không có gì thay đổi.
– Thôi cũng được, mình còn đang ở tù, nó có lễ phép giả bộ cũng được, mình biết thế và đừng có cảm động sảng mất lập trường chính nghĩa… Miễn sao mình thoải mái mà sống cho qua ngày. Vấn đề không giản dị đâu, không phải là sót tên đâu, có một ẩn ý gì đây, bọn cóc cắn ở dưới này chúng đâu có biết gì cho nên cũng phải nói đại là sót tên cho nó xuôi tai, chứ thực ra bọn đầu sỏ chúng nó có tính đến một âm mưu gì đó.
Một nhà phân tách tình hình, tay cầm roi bò vung lên cao khua khua như cowboy Texas, phán:
– Các bác thông cảm, thả hết các bác ra, chúng nó đâu còn gì để mặc cả, cũng phải giữ lại một cái gì đó để làm giá chứ! Thử hỏi bây giờ, trong cái nông nỗi này, vườn không nhà trống, bạn bè năm châu sau nhân nghĩa miệng nay đều lảng tránh, nhà cháu nhảy cỡn lên làm anh hùng mãi cũng đã thấy là vô bổ, bèn phải thực tế đi tìm những cái gì cụ thể một tí, mà đi tìm ở đâu bây giờ, tìm chỗ nào thì cũng phải đổi chác, ngay khi đàm phán cũng đã cần phải có cái gì làm quà tặng cơ mà, thế cho nên các bác bị giữ lại là để có cái mà làm giá, các bác sẽ là quà tặng, là vật trao đổi, là con tin không chừng… hà hà… tiền không đấy!
Một ý kiến rất tếu:
– Dằn chảo hả?
– Chứ sao! Tổng bí thư nói thả hết là một nhẽ, còn những tên bí thư khác, tên bộ nội vụ, anh em chúng nó phải tính đến đường cùng của chúng, thả hết để mà tay không à? Thế cho nên phải sót tên một mớ, các bác số đen, tử vi của các bác chưa hết sao triệt, có lẽ vẫn còn la hầu, kế đô… gì đó nằm ngăn cản nên các bác chưa về, âu cũng là cái số… Coi như mấy anh em mình còn bị kẹt lại là do tử vi!
– Chúng nó dồn hết các nơi về đây, mỗi nơi “sót tên” mấy chục, gom về bên K1 cả rồi, nghe đâu hơn trăm, gồm tướng tá…
– Như vậy hơn triệu anh hùng nay còn hơn trăm gom về đây… Cả chế độ với chính phủ và quân đội, chính nghĩa và hùng mạnh, sau mười bốn năm sụp đổ và tứ tán, nay còn lại vỏn vẹn trong cái chai này!
– Coi như… số của mình xấu nên bị kẹt lại, còn ở tù, trong khi tất cả các anh em khác đã thoát, nhưng hãy nghĩ là chúng ta bây giờ là phần đọng lại của cả một tập thể, chúng ta là những gì còn lại của cái đã mất, chúng ta là đại diện, là biểu tượng của chế độ chúng ta. Ngay giữa lòng cái xã hội khốn nạn này, giữa nơi giam cầm này, giữa chốn rừng thiêng nước độc này, giữa cảnh nhục nhã khốn khổ này, giờ đây, chúng ta hãy tỉnh táo mà nhìn nhận vai trò hiện hữu của chúng ta. Trong đau thương! Cũng giờ đây, những chiến hữu khác, kẻ thì đã chết, kẻ thì đã ra tù nhưng đang phải ẩn nhịn cơ cực nơi âm thầm nào đó, cũng có một số đã thoát nạn và đang yên bình xa xôi… Nhưng, vâng, nhưng chỉ có những kẻ số xui này, chỉ những kẻ bị kẹt này, chỉ những con tin này, chỉ những kẻ làm món hàng trao đổi này, chỉ những thứ bị “dằn chảo” này là đang còn ở đây. Vâng chỉ còn chúng ta đây thôi ở trong cái chai. Chúng ta là những người tù binh cuối cùng.
– Và có thể là những tù binh vô thừa nhận!
Cho đến bây giờ thì vấn đề đã rõ ràng. Đến lúc phải giải quyết thôi không còn câu giờ thêm được nữa, không còn làm cao làm giá gì với ai được nữa, không còn giữ được nữa thì phải thả, không còn áp chế như trước được nữa thì phải nhân nghĩa “bà tú để”! Một bác già phát biểu:
– Thằng chó nào cũng đểu cả, ngoài miệng đứa nào cũng nhân nghĩa. Thằng bỏ tù mình cũng nói “đất này nhân nghĩa”, thằng đồng minh với mình cũng nói “nhân quyền”, nhưng chẳng thằng nào thật lòng với các bác cả đâu. Đứa nào cũng có chính sách của chúng nó, mà chính sách thì tùy quyền lợi và nhu cầu mà chúng hoạch định ra, thế cho nên khi cần bỏ các bác thì chúng trói gô các bác lại bỏ đấy cho quân thù vào hốt, xong sẽ la ầm lên đòi hỏi nhân quyền; khi cần giết thì chúng giết các bác không chút nương tay nhưng khi không giữ được thì chúng thả ra và nói nhân nghĩa… Các bác cứ việc ở tù tỉnh bơ, ở tù đã đến nước này thì còn cần chó gì nữa! Thử hỏi bây giờ chúng làm gì được mình nào? Làm gì tôi? Làm chó gì tôi. Tận “cùng bằng số” rồi là hết. Lâu cứt trâu hóa bùn…
Những năm tháng sau cùng của đời tù binh chúng tôi trở thành dân chăn bò chuyên nghiệp. Họ “nhờ” thì các bác “giúp”! Lúc đầu tưởng chỉ “giúp” mấy ngày, sót tên dò lại mấy hồi, ai ngờ dò lại hơn ba năm nữa chưa thấy tên đâu, mấy ngày của cộng sản hóa ra mấy năm. Được cái suốt mười mấy năm nghe chúng xạo thành nghe quen, nó muốn nói gì thì nói, các “bác” cũng không chấp. Những ngày đầu các vị cao bồi già cũng bối rối trong cái “cương vị” lạ mới này. Hơn bốn trăm con bò thả ra rừng trong giờ hành chánh, các bác chia nhau đi bao quanh đàn bò, nếu con nào đi lạc ra ngoài vòng phải đuổi nó vào đàn. Đến giờ nghỉ lùa chúng về chuồng. Những ngày đầu vào nghề thì lo lắm vì bò là loại động vật nổi tiếng là… ngu, chúng đi lang thang bất kể qui định trại giam, cho nên có ngày lạc mất gần trăm con, các bác già lo lắng đi các ngả rừng tìm bò lạc. Có bác còn tính nhẩm mỗi con trung bình ba chỉ vàng, mười con ba lạng, trăm con ba chục lạng… chia đều cho mười hai bác, mỗi bác ngót ba “cây”, gom nhau mà đền nhà nước. Đi tù phải đăng ký, ghi tên tuổi, đóng tiền ăn, mang theo tiền tiêu, thuốc men, quần áo chăn mùng mền… đủ dùng cho một tháng “học tập”. Đến năm thứ mười bảy vẫn chưa mãn… khoá học, lại để mất bò thì phải đền. Tài sản xã hội chủ nghĩa là “thiêng liêng”, không ai được đụng tới, không được để mất mát, mọi người đều phải bảo vệ nó. Nghe chưa? Người ta nói ra rả từ năm 75 như thế. Cũng may là đến chiều tối lũ bò lạc lục tục từ các ngả trong rừng lần lượt về đủ cả. Có bác già khen lũ bò này khôn, biết tìm đường về chuồng. Cũng có bác già thì chửi chúng “ngu như bò”, thoát thân tự do trong rừng không ở lần về chuồng bị nhốt rồi ra còn bị giết thịt nữa. Người khen, kẻ chê, chẳng biết thế nào là đúng sai nữa.
Có bác già kinh nghiệm thì nói:
– Bò cũng sợ rừng và đêm tối, như…
– Như gì?
– Như người ta.
Người ta có sợ hãi hay không thì còn tranh cãi và tuỳ, nhưng người ta khôn bỏ mẹ, những ngày sau đó các bác không rỗi hơi đi tìm bò lạc nữa, thây kệ, chúng sẽ tự tìm về. Đúng như vậy, mỗi buổi chiều lùa bò về thấy thiếu các bác đóng cửa chuồng, đi tắm rửa nghỉ ngơi, lát sau trời nhá nhem tối lũ bò lạc kéo về nằm lền khên trước cổng chuồng kêu rống inh ỏi. Bác tổ trưởng nói:
– Lúc nãy thiếu mười lăm con, ông nào rảnh chịu khó ra mở cổng chuồng cho chúng vào xem có đủ không giùm tôi chút.
Một bác gắt gỏng:
– Thây kệ nó, ai bảo về trễ ở ngoài ráng chịu, phạt không cho vào nữa.
Một bác già khác:
– Lúc vào chuồng chúng cũng chen nhau giành giật mà vào, về trễ không được vào thì kêu rống lên. Nhốt trong chuồng giống như ở tù sao chúng lại đòi vào nhỉ?
Một bác nằm đong đưa trên võng hút thuốc lá thở khói mù mịt:
– Ờ, kỳ nhỉ, sao lũ bò lại đòi vào chuồng nhỉ?
– Ông hỏi đểu bỏ mẹ đi ấy!
– Người ta chửi bò ngu, cũng đúng, nhưng có khi ngu si dốt nát không biết suy nghĩ gì cả hóa ra lại có… hạnh phúc.
– Vậy hạnh phúc là cái gì trong cõi người ta?
Hôm sau bên trại K1 đem sang đổi một con bò kéo xe. Con bò kéo xe cũ rất lớn và rất hung dữ, nó mới húc chết một người nên không ai dám đánh xe bò cả. Đó là một con bò lớn nhất trại, nó lại rất đẹp, bộ lông màu huyết dụ nên tù đặt cho nó cái tên là Thắm. Và lập tức cả trại gọi nó bằng cái tên ấy. Ở trại tù có nhiều tiếng do tù đặt ra rồi trở thành tiếng chính thức dùng trong trại. Trưởng trại là một anh trung tá công an mới học lớp ba nhưng anh ta rất ma mãnh, anh ta nói với đám nhân viên dưới quyền:
– Tụi bay đừng lý luận cãi vã với mấy bố già, nói không lại họ đâu, kể cả lý luận về chính trị chủ nghĩa cộng sản, sẽ bị họ vặn hỏi là bí đấy. Tao chủ trương nhốt, mấy bố ấy lộn xộn là nhốt, thế là sợ.
Anh ta rất lưu manh, cả khu rừng lá bị anh ta cho tù vào cưa hết cây đem bán lấy tiền một phần bỏ túi, một phần xây cất lung tung lấy tiếng với cấp trên là biết làm kinh tế sinh lời nhiều của cải cho nhà nước. Anh ta lập những trại nhỏ vào sâu trong rừng để tiện đường khai thác gỗ qua mặt kiểm lâm. Trại có các phân trại như K1, K2, K3… bây giờ bày ra những trại nhỏ vài ba cái nhà, đem máy điện vào thắp sáng trưng, đào ao đắp đập ngăn nước thành hồ, đắp đường… nhưng chưa biết đặt tên là gì, nghe tù gọi đó là K Mini, là Hồ Thiên Ân… anh ta chịu liền, thế là thành tên luôn, cả trại đều gọi như thế. Nhưng một công an lại hỏi Mini là gì, Thiên Ân là gì hả bố già? Một bố già bèn lấy bài mười mấy năm trước ra đọc: “Mini là chữ của đế quốc, Thiên Ân là chữ của phong kiến, bậy, không nên dùng.” Anh ta ngớ người ra một lát rồi lẩm bẩm “Bây giờ còn phong kiến với đế quốc gì nữa hả bố?” “À, nếu thế thì thôi.” Cũng như chữ “thăm nuôi”, lúc đầu họ không chịu, “bộ nhà nước không nuôi nổi các anh hay sao mà gia đình phải nuôi, gia đình lên thăm gặp và “động viên” tinh thần các anh thôi…” Nhưng rồi chết đói nhiều quá mang tiếng với thế giới bèn phải để gia đình đi nuôi hàng tháng, lần nào cũng phải “thăm” bằng gạo và mì, thịt, cá, tôm khô, lạp xưởng, bột ngọt… dùng cho đến kỳ “thăm” tới. Do đó “thăm nuôi” là thăm nuôi, tiếng gọi chính thức không né vào đâu được. Vì thế tù đặt tên con bò là Thắm thì nó phải được gọi là Thắm, tất cả, và cả chính con Thắm nữa, nó cũng phải nhận cái tên đó. Khi một bác già gọi “Thắm” thì nó phải biết là bác gọi mình.
Hồi tháng trước cô Thủy nữ tù đánh xe bò từ K1 sang lấy phân, cô thì nhỏ người mảnh mai xinh xắn, con Thắm to lớn dềnh dàng ngang bướng vừa đi vừa rống, đến trước cổng chuồng bò cô hỏi một bác già:
– Chú ơi chuồng bò ở đâu chú chỉ dùm cháu…
– Cô hỏi chuồng bò…
– Dạ, cháu đi lấy phân.
– Biết, thấy đánh xe bò là biết đi lấy phân, nhưng cô hỏi chuồng bò ở đâu hả, nó ở trong túi tôi này…
Cô Thủy dậm chân xuống đất bành bạch:
– Người ta phải xúc cho đủ một xe phân, sợ không kịp, mà chú còn nói rỡn…
– Tại cô đứng ngay trước cổng chuồng bò rồi hỏi nó ở đâu…
Cô Thủy ngoái đầu nhìn vào trong cái cổng lớn:
– Đây là cổng trại mà…
– À như vậy là cô chưa rõ đó thôi, phân trại này bỏ rồi, bây giờ làm nơi nhốt bò, nhà cửa trong đó dỡ đi hết rồi, vào trong đó mà lấy phân nhiều lắm.
Cô Thủy bẽn lẽn quay xe đi về phía cổng chuồng. Chừng mươi phút sau có tiếng kêu, người ta chạy vào thấy cô Thủy lăn lộn trên nền đất đầy phân, con Thắm thì dậm chân gầm gừ. Cô bị con Thắm húc vào bụng, cái đầu sừng đâm thành một vết bầm tím to bằng quả chanh. Người ta khiêng cô đi bệnh xá nhưng ngày hôm sau bụng cô chương lớn lên rồi mê man luôn cho đến khi chết. Từ hôm đó ai thấy con Thắm cũng sợ tránh xa, nghe nói nó bị cột lại đánh đòn nhiều lắm, những người thương cô Thủy đánh nó. Và nó được trả về đàn, đến lần các bác già chăn bò sợ. Chẳng lẽ ở tù mười bốn năm không chết, nay người ta về hết còn mình sót tên ở lại chờ… cho bò đá thì vô lý quá! Mà cũng đáng ngại lắm, thường những hoạn nạn nó hay tới vào những lúc bất ngờ, có khi khó khăn gian khổ trải qua hết rồi tưởng thoát, thế mà… họa vô đơn chí… năm phút cuối cùng của cuộc chiến mà chết thì đau… Năm phút cuối cùng của cuộc chiến trước bị đồng minh và lãnh đạo lừa phỉnh trói tay bỏ lại cho địch bắt làm tù binh vô thừa nhận… đã là đau, chẳng lẽ đau thêm lần nữa. Con Thắm đến chỗ nào, các bác lảng đi nơi khác, chẳng tội gì… Hình như anh chàng cũng buồn, nó lững thững đi theo đàn, nó nổi bật giữa đàn bò cỏ vì nó cao to hơn hẳn, màu lông thật đep, tướng đi chững chạc. Có lúc con Thắm lơ đãng đứng nhìn về một nơi xa xôi nào đó, có lúc nó uể oải gặm mấy cọng cỏ, cũng có khi nó đi lẻ một mình phía sau cùng của đàn. Nó là nơi cho bác già tổ trưởng đổ xuống những cơn nóng giận, bác già đưa ra cho toàn thể các”thành viên”trong tổ chăn bò một nguyên tắc kỳ cục: với lũ bò là phải nện, mỗi người phải có một cây gậy cầm sẵn nơi tay, con nào chậm chạp bướng bỉnh là phang ngay cây lên lưng lên đầu… tay phang miệng la hét dường như bác có nỗi niềm ấm ức gì đó trong lòng. Gặp con Thắm đủng đỉnh còn ăn đòn nhiều hơn:
– Mày là quân giết người, là đồ sát nhân…
Các bác già khác đứng nhìn vị lãnh đạo mà lòng ái ngại, một nói:
– Điên cả rồi…
Một khác vung roi đánh lung tung vào đàn bò, miệng cũng la hét:
– Đừng tưởng tao không biết đánh! Cũng đừng tưởng tao không biết chửi thề! Đù má!
Lũ bò chạy cuống quýt! Các bác già khác đứng ngơ ngác nhìn! Đêm đó có hai bác già uống rượu đế say khướt, nôn mửa tùm lum, hình như nửa đêm về sáng trong cơn mê có bác còn khóc thút thít như trẻ thơ. Đêm không trăng sao, rừng Lá suối Lạnh, âm u và lạnh lẽo! Sáng sau các bác lùa bò tới một vùng cỏ trống và bằng phẳng cho chúng gặm cỏ. Hai bác già một ngồi một nằm dưới một tàn cây lớn trấn giữ không cho lũ bò lội qua suối. Cánh đồng mênh mông một màu trắng của loài bông cỏ. Một đàn bướm vàng nhiều vô số kể, từ đâu tới chập chờn trải rộng khắp cánh đồng. Mỗi con bướm chỉ nhỏ bằng móng tay, vàng, rực rỡ, đan lấy nhau thành một tấm thảm. Bác già ngồi nheo mắt nhìn ra xa:
– Một nền mây trắng, bên trên lại trải thêm một giải tơ vàng.
Bác già nằm:
– Thế còn đàn bò?
– Chúng đang bơi trên biển trắng vàng.
– Biển gì?
– Để lim dim mắt lại chút nữa xem đã, biển gì nào, làm gì có biển vừa trắng vừa vàng…
– Có chứ, biển mộng…
– Xạo…
– Trong một cơn mê sảng hồi bị sốt cấp tính có lúc tôi đã thấy mình chập chờn ngụp lặn trên một mặt biển như thế này…
– À, mộng mị.
– Nhưng là có thực.
– Ờ, nhiều cái tưởng là không nhưng lại có thực, biết đâu đấy.
Hai con bê cái sóng đôi nhau gặm cỏ, cả hai cùng màu vàng nhạt. Theo sau là con Thắm. Một chú bò đực đến gần bèn bị con Thắm đuổi đánh. Bác già nằm, nhỏm ngay dậy, cả hai bác đều dõi theo cảnh đánh ghen:
– Tới rồi.
– Hoá ra chúng nó cũng biết yêu.
– Hoá ra chúng nó cũng biết ghen.
– Ghê thật.
Còn xảy ra nhiều lần nữa. Cứ có con đực nào đến gần là con Thắm đánh đuổi. Hai con cái tơ thì vẫn bình thản vô tình, coi như mình không can dự gì tới cái mâu thuẫn ngàn đời ấy.
– Cậy to con lớn xác làm trùm thiên hạ.
– Nhà độc tài độc quyền…
– Tham.
– Ích kỷ.
Chợt con Thắm cào cào hai chân trước mấy cái khiến những bụi cỏ bật rễ, rồi nó nhảy hai chân trước lên lưng một con bê tơ, con tơ này phải đứng khựng lại, sức nặng quá lớn của con đực Thắm làm cho con bê muốn quị xuống, trong khi ấy con tơ kia vẫn thản nhiên gặm cỏ kế bên. Nhưng rồi sau mấy cái xông xáo, con Thắm xìu xuống, cái sinh dục của nó đỏ hỏn lòng thòng như một giải cờ gặp nước. Con tơ thoát nạn tiếp tục đi bên con bạn, lững thững, gặm cỏ… Con Thắm chán chường theo sau… Hai bác già ngồi ngó kẻ bất lực.
Có những khi người ta muốn lật đổ một cái gì đó nhưng sức không đủ đành ngậm ngùi nhìn… “nước chảy hoa trôi”. Buổi sáng hôm đó, con Thắm còn cố gắng nhảy thêm mấy lần nữa, khi thì với con cái này, khi thì với con cái kia, nhưng không lần nào thành công cả. Có lần còn thê thảm đến nỗi hai chân trước mới chỉ gác lên lưng con tơ thì đã tuột xuống ngay. Hai bác già lắc đầu:
– Chấp nhận đau thương cho rồi.
– Lực bất tòng tâm.
– Ngày tàn của bạo chúa.
Đến gần trưa các bác già lùa đàn bò về gần tới chuồng thì có hai công an ôm hai khẩu AK đi theo đội hình hàng ngang tiến tới in như trong bài tập tấn công. Có anh còn đi theo thế lom khom như đang xung trận thật sự. Anh ta lên đạn cái xoạch. Một bác già đứng lại hỏi:
– Cán bộ làm cái gì thế?
Thiếu uý công an tên là Chức nói:
– Bắn con Thắm?
– Sao bắn nó?
– Ban giám thị cho… làm thịt.
Bác già thở phào:
– Tưởng cán bộ đi tấn công quân đế quốc bành trướng gì chứ, làm như đi trận thiệt ấy, thôi khóa an toàn lại, để lùa cả đàn vào chuồng rồi muốn bắn con nào thì bắn.
Nhưng anh ta không nghe, anh ta lăm lăm khẩu súng tiến đến gần con Thắm. Đàn bò nối đuôi nhau vào chuồng, một bác già đứng đếm. Thiếu uý công an Chức chặn con Thắm lại bên hàng rào tre, con Thắm nhìn chăm chăm vào người công an và khẩu súng rồi nó đủng đỉnh gặm mấy cọng cỏ bên đường. Một bác già nói với một bác già bạn:
– Mình tránh ra phía sau nó kẻo lỡ mang họa.
– Ừa, mình đứng ngoài cuộc chiến…
Tên Chức giương súng lên nhắm ngay đầu con Thắm, chỉ cách mục tiêu chừng bốn mét, anh ta lấy thế đứng hai chân dạng ra… đùng, đùng, đùng… một bác già la lên:
– Ba phát là báo động có tù trốn.
Tên Chức “đùng” thêm một phát nữa, bác già lại la lớn:
– Bốn phát là báo động cháy. Coi chừng bên K1 nghe bắn lại tưởng bên này có tù trốn hay có hỏa hoạn họ kéo nhau sang bây giờ…
Tên Chức bắn thêm một phát nữa là năm, năm phát AK nhưng con Thắm vẫn đứng sững, máu me ròng ròng chảy xuống từ miệng, tai, cổ nó… và con Thắm chợt lầm lũi đi về hướng tên Chức, anh ta hoảng sợ bỏ chạy. Người công an kia nói:
– Đồng chí lui ra để tôi xử nó cho.
Con Thắm chậm chạp tách bầy, nó đi về phía khe suối cạn, hai người công an vẫn khư khư ôm hai khẩu súng đi theo sau nó trong một tư thế hết sức thận trọng. Hai con bê cái vẫn sánh đôi bên nhau bình an đi vào chuồng. Bác già lúc nãy chửi đổng:
– Bố tiên sư quân bạc tình. Chớ hề ngoái đầu lại nhìn lấy một lần vĩnh biệt. Chúng làm như không hề biết, không hề nghe, không hề thấy…
Bác già kia đáp:
– Bác thông cảm, chúng nó là súc vật không có ý thức.
– Thế nếu là người thì sao?
Con Thắm bị lùa xuống một chỗ trũng, sau đó thêm một phát súng nổ nữa thì nó quị. Hai người công an đứng trên bờ nhìn xuống hồi lâu rồi một anh mới xách cái búa nhảy xuống. Anh ta nhắm ngay sọ con Thắm mà bổ, con vật chồm dậy đứng sững, người công an liệng búa nhảy vội lên bờ. Hai người lại đứng trên nhìn xuống con vật, lúc đó nó đã máu me cùng mình. Thêm một phát súng nữa con Thắm lại quị, người cầm búa nhảy xuống bổ nhát thứ nhì, con vật lại chồm lên đứng sững, lại vứt búa nhảy lên bờ. Cứ như thế cả thảy bốn lần bắn bốn lần bổ búa và cuối cùng thì con vật cũng chẳng vùng dậy được lần thứ năm. Một bác già làm tính nhẩm rồi tổng kết trận đánh như sau:
– Chín viên đạn AK cộng với bốn búa kết liễu một kiếp kéo xe.
Chiều hôm đó các bác già được nhà bếp cấp phát thịt bò làm bữa cơm tối nhưng không có bác nào dám ăn. Các bác kiêng, sợ xui, vì nó là con bò húc chết người. Bèn cho hai anh công an có công lớn trong vụ hạ sát con Thắm. Hai anh này, một anh nấu thịt, một anh đạp xe ra chợ Sông Giêng mua rượu đế. Tối đó hai kẻ thắng trận được một bữa nhậu liên hoan mừng công hể hả mãi tới khuya còn khướt. Sáng sau một bác già cầm roi ra cổng đi thả bò, gặp Chức, bác hỏi:
– Tối qua đạt yêu cầu?
Chức cười ngoác miệng tới mang tai:
– Quá đã, quá đã.
– “Cũng đủ lãng quên đời…” hả?
– Mà sao các bố không ăn thịt bò…?
– Ăn chứ, nhưng không phải lúc nào cũng ăn…
– Các bố lạ nhẩy!
Bác già định nói gì đó nhưng không hiểu sao lại thôi. Bác đi một quãng chợt đứng lại vạch ống quần lên đến đùi, bác gãi gãi cái đầu gối mấy cái, rồi mới đi tiếp về phía những con bò.
Chuyện này có lẽ chẳng ai để ý tới và có lẽ cũng chẳng có ai còn nhớ tới. Thế nhưng không hiểu sao hình ảnh con Thắm tội nghiệp, hình ảnh cô Thủy xinh đẹp, hình ảnh các bác tù binh già lầm lì khốc liệt, khu rừng Lá âm u, và tính chất súc vật của một nền văn minh cộng sản, nó cứ ám ảnh lẽo đẽo theo tôi hoài. Tại sao, tại sao nhỉ, người ta, đôi khi, lại không quên được những chuyện mà người khác không chú ý tới.
(HB/5.18.1993)
Thảo Trường