có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 8 09, 2012

Lọt xuống tầng hầm




Trước ngày hôm sau

Tôi chậm chân một chút rồi dừng lại đọc mấy dòng chữ trên cái bảng nhỏ cắm ở rìa bãi cỏ rộng ước chừng đến cả ngàn mét vuông:

Hiển nhiên nội dung gốc được viết bằng một thứ tiếng Pháp văn học văn hóa văn minh hơn nhiều, nhưng không khác mấy với cách diễn dịch vừa rồi. OK là một từ đại khái và đại chúng.


- Anh OK không?

- Không OK. Nhưng phải làm.

- Làm như vậy liệu có OK không?

- Không. Làm như vậy không OK, nhưng nếu anh thấy OK thì cũng OK.

- OK, vậy cứ làm thế nào miễn OK thì thôi. OK?

- OK!

Bây giờ là 10 giờ sáng thứ năm ngày 14 tháng 6. Một ngày đẹp trời sau suốt tuần lễ xám xịt lâm râm dai nhách từ sáng đến tối. Tôi dè dặt dẫm lên mép rìa của bãi cỏ còn lấm tấm sương sau một đêm mát mẻ, rồi như dần tự tin hơn, dồn bước tiến vào trung tâm điểm của cái diện tích mênh mông không một bóng người, từ từ ngã lưng êm ái trên bãi cỏ chan đầy nắng. Thay vì nằm sấp dang rộng hai cánh tay như kiểu người ta làm trong nhà thờ trước tượng Chúa để xưng tội hay than thở nài nỉ chút ơn phước từ đấng Chí Công, cũng trong tư thế đó tôi nằm ngửa, không thú nhận, không xin xỏ. Trời xanh, tất nhiên là xanh da trời, không một gợn mây. Cỏ xanh, tất nhiên là xanh lá cây, không lẫn lấy một vết úa. Đang cuối xuân. Cây cối như đồng loạt bung cho cạn sinh khí để còn hổn hển chuẩn bị hè, vốn chỉ còn một tuần nữa chứ mấy. Sau đó thì sẽ vặn vẹo chuyển màu vàng nâu để chết ngắc trong mùa thu rồi trụi lũi trong mùa đông. Biết quá mà, lòng tôi đã trải qua những mùa màng như thế. Xung quanh chim hót líu lo. Không biết chim gì. Một dàn đồng ca lổn nhổn những âm cao khiến buổi sáng càng bổng. Tôi nhắm mắt và trầm mình xuống cái cảnh thênh thang vừa nhìn thấy, trong trí tưởng phơn phớt phần nền của những ý nghĩ nát vụn là gam màu xanh lỏng như có pha nước, một màu xanh nhập nhoạng giữa lá cây và da trời.

Rất nên để cho toàn thân rơi tự do, xuống, xuống nữa. Đừng có ghìm lại. 14 tháng 6 thì sao chớ? Níu lấy nó để làm gì, bề nào nó cũng trôi qua ngày 15. Nắng càng lên hai mí mắt càng trong veo như thể nhìn thấu được qua lớp da mỏng có cắm hai hàng lông mi thưa. Bóng tối trong mắt ửng màu đo đỏ của gân máu pha màu am ám của mặt kính râm. Tôi thử điều khiển cho hai tròng mắt chạy qua chạy lại, cảm nhận được dây chằng kéo đẩy như nhịp võng. Dễ chừng rơi thong dong đã hơn 1 giờ đồng hồ. Với thời gian này người ta đạt được độ sâu bao nhiêu giữa đỉnh và vực? Coi chừng đấy! Liệu có ai rón rén đến gần cúi sát xuống nhìn cái kẻ đang nằm phơi nắng với áo quần tươm tất, có đội cả nón, quấn khăn quàng và đeo kính mát. Cùng một tư thế và điều kiện không gian thời gian, không phải ai cũng được coi như là tôi. Cũng còn tùy giới tính và tuổi tác. Đàn ông ư? Một nghệ sĩ. Thiếu nữ thanh xuân? Một đào lẳng. Đàn bà trung niên? Bệnh nhân trốn trại tâm thần. Một nhóc tì? Dào, vô tư thôi. Tôi? Nhòa nhòa vành nón che khuất nửa mặt, một vật thể không xác định đang chìm chìm.

Trầm xuống, trầm xuống nữa. Hãy tập trung vào độ sâu, hút bên dưới đó. Cứ rơi không nỗ lực, không để vướng vật cản. Chớ nghĩ đến ngày hôm sau. Tưởng tượng chi đến bản đồ đường xe điện dẫn từ ngoại ô ra trung tâm Paris, từ lộ trình màu xanh lam chuyển qua màu tía tô. Tính chi đến thời lượng sẽ mất cho mỗi chặng đường, sao cho không trễ giờ hẹn ở chốn công đường. Bịch! Hả? Đụng đáy? Tôi mở choàng mắt nhưng liền hấp háy bởi màu nắng chan chát. Xung quanh đã thấy lác đác nhum nhúm người tuân thủ theo bảng chỉ dẫn, đi dạo thư giãn trong khu vực dành riêng. Một thằng nhóc e dè đến gần nhặt quả bóng. Tôi ngồi bật dậy giơ ngón tay trỏ lên, vừa đưa qua đưa lại trước mũi vừa chậc lưỡi khiển trách:

- Tchk, tchk! Chơi bằng tay OK, chơi bằng chân không OK! OK?

Thằng nhỏ líu ríu nói OK rồi cặp vòng quả bóng dưới nách bỏ chạy. Cảm tưởng như vừa bị kéo giật lên từ đáy giếng, tôi đứng dậy tẽn tò phủi lưng áo, lừ đừ tiến về phía rìa bãi cỏ, bước qua cái gờ, đặt chân xuống lòng đường có lát đá dăm râm mát hàng cây trồng lượn cong cong dẫn ra cổng Coysevox.

Đi đâu đây? Cụt hứng, tôi bắt đường Arouet đi thẳng quẹo phải góc Duchesse du Maine. Cắt ngang trước mặt là đại lộ mang tên tướng Leclerc, rẽ trái là nó. Một căn hộ 60 mét vuông nằm trên lầu 1 của tòa nhà 4 tầng không có thang máy. Cửa thứ nhất bên phải, 3 lần khóa. Lộ trình này chỉ mất 10 phút. Chả bù ngày đầu tiên đến chỗ ở mới, rị mọ đi tìm cái công viên tên Sceaux nghe đồn rộng đến 181 ha, đã phải quanh co theo Alembert quẹo Le Notre bỏ Marouise du Deffand một khúc rõ lâu rồi mới đến cổng, gấp đôi thời gian. Coi như hai lượt đi về mất 40 phút, lẩn quẩn quanh cái hồ bát giác 45 phút, ngồi lơ ngơ ghế đá 30 phút. Vị chi gần 2 tiếng cho mỗi buổi sáng có nắng. Đó là hai tháng trước kìa. Dạo này đã gần như thành thổ địa; 181 ha thì đã kinh lý gần trọn, chỉ chưa có lặn xuống hồ tìm hiểu đời sống của bọn phù du. Hôm nay trời đẹp nhưng giữa chừng lại bị bóng đè. Dù gì cũng giết được nửa ngày. Mưa dầm như tuần rồi chỉ có nước lục đục trong 60 mét vuông.

Nhà này thoạt trông tưởng phức tạp. Mấy hôm đầu thỉnh thoảng lại quẹo lung tung. Thực ra nó chỉ là một chữ L mập, có hơi thò thụt ở cánh nhà bếp. Từ cửa vào đi thẳng hành lang hẹp ngang qua nhà vệ sinh nhà bếp và phòng tắm dàn thẳng hàng bên trái sẽ đụng ngay cửa một phòng ngủ vuông vuông. Phòng khách chung vách nằm bên phải được biết trước đây mênh mông sau ngăn đôi để có thêm một phòng ngủ dẹt dẹt với cửa kính dày có thể mở lớn bước ra ban-công đứng ngó xuống đường Leclerc chơi; ban đêm nằm trên tấm nệm cá nhân trải sát tường cuối phòng, do lầu 1 ngang tầm với trụ đèn giao thông, sẽ nhìn thấy ngả tư nhấp nháy xanh đỏ cùng tín hiệu dành cho người đi bộ. Hộp kim loại thon thon chạy đầy đường nhưng không nghe tiếng động cơ. Hộp bê-tông cao cao bên kia đường thực vật trồng viền hàng hiên đong đưa, cửa sổ màn che trướng phủ năm khi mười họa mới thấy động vật nhúc nhích. Đại khái là tuy ở ngay mặt tiền quốc lộ 20, ngồi trong nhà nhìn ra rõ ràng thấy có sự sống nhưng không có âm thanh. Hôm nào trời đất ui ui, buồn buồn ngồi xem phim câm nhớ Charlot đen trắng của đầu thế kỷ trước.

Lũ con trời đánh chưa biết chỗ này. Qui cố hương 7 tháng rồi đáo lai, nhưng xé lẻ, canh vừa kịp ngày gia hạn cái thẻ cư trú. Từ phi trường đi thẳng về nhà trọ mất 1 giờ 30 phút đường xe điện. Chủ nhà lúc lắc xâu chìa khóa giao cho khách rồi vừa đưa đi giới thiệu các ngõ ngách trong căn hộ vừa thông báo dưới bếp có mua giùm sẵn 5 ký gạo, còn tủ lạnh thì đã cắm điện. Tạ ơn Trời. Chắc kiếp trước ăn ở nhân đức, kiếp này gặp người tử tế. Nghĩ mà xem, bây giờ còn non nước gì trở lại cái phòng 9 mét vuông ngó xuống đường Ribière ở quận 19? Chỗ đó bọn chúng hiện phải đối phó với nạn nhân mãn. Đám hiện sinh tiếp tục sản xuất trẻ con khi chưa kịp có ý niệm gì về gia đình hạt nhân, huống chi là khoảng cách thế hệ. Biết bô lão có được chỗ ở riêng, thanh niên thiếu nữ lẫn thiếu nhi hẳn phải mừng ra mặt. Nghĩ cho cùng, các bên đều có lợi. Thế kỷ này bọn chúng không biết hát ầu ơ ví dầu

con chim se sẻ nó đẻ cột đình
bà ngoại đẻ má má đẻ mình em ơi…

mà người cao niên cũng hết xí quách để gồng tay đưa võng.

Bỗng nghe tiếng mình cười sằng sặc. Ban đầu ực ực nuốt xuống cổ họng, xong khịt khịt bung ra mũi, cuối cùng tràn xuống thanh quản ha hả. Mắc cười quá! Nhìn cái générique của Un Été Brulant xuất xưởng năm 2011 thấy đạo diễn Philippe Garrel ở trên, nam diễn viên Louis Garrel ở dưới bèn tự cá một ăn mười họ là cha con. Cha tạo điều kiện cho con đóng cặp với cô đào Ý nổi tiếng Monica Belluci nay mập thù lù, vai mông cứng ngắc như có tập tạ tuy mặt mũi tóc tai vẫn rất Gina Lolo, thêm một tí bốc bốc kiểu Isabelle Adjani trong L’Été Meurtrier. Cũng lại mùa hè. Thì phải mùa hè mới trần truồng được. Mười trên mười phim Pháp có đàn ông đàn bà lộ hàng trọn gói lòng thòng luộm thuộm đi qua đi lại trên màn hình, gặp tinh thể lỏng lại càng luộm thuộm lòng thòng.

Chuyện là vầy: Louis Garrel trong phim là Frédéric, họa sĩ a-ma-tơ ăn không ngồi rồi hưởng lạc cùng vợ là Monica Belluci trong phim là Angela, diễn viên hạng ba nhưng đầy tham vọng. Cả hai sống trong một cơ ngơi ra gì có hồ bơi và ban-công sân thượng nhìn xuống Rome dưới kia. Đôi tình nhân Paul – Elizabeth cũng vô công rồi nghề kéo va-li từ Paris sang Rome nghỉ hè theo lời mời của bạn vàng Frédéric. Trong thời gian lưu lại đây họ chứng kiến cuộc tình diễm lệ nhưng đầy nước mắt của vợ chồng chủ nhà. Angela phản bội Frédéric làm anh này ngồi khóc hu hu, than không còn lẽ sống. Sau đó thì nàng nhảy lôm côm qua vài người đàn ông nữa còn chàng thì tuyệt vọng đâm xe vào gốc cây tự tử do không thể sống thiếu đàn bà. Mùa hè kết thúc bằng một đám tang, và đôi tình nhân kết thúc kỳ nghỉ bằng một bụng bầu. Phim chấm dứt lúc họ kéo va-li về lại Paris; camera lia cận cảnh cho thấy một bé gái mới ra đời nằm ngo ngoe trong nôi. Paul là người dẫn chuyện cho 95 phút tuyệt tình ca. Hưỡn quá!

Thông điệp của đạo diễn: Người ta có thể chết cho tình yêu. Rằng đã yêu say đắm một người, khó thể yêu một người khác nên tốt hơn là chết cho rồi. Rằng hãy cứ yêu nhau đi đã và hãy đẻ đái đi đã, công ăn việc làm hãy đợi đấy! Hưỡn mà!

Phim tình cảm bi đát, sao lại phá ra cười sằng sặc như xem phim hài? Chậc, khoảng chục năm trở lại hễ nghe đến hai chữ tình yêu là ngứa ngáy toàn thân như bị dị ứng chắc do bộ đồ lòng bị nhừ nhẩn bởi tuổi tác, đã trở nên nhạy cảm với cái chi mềm mềm mướt mướt. Dạo này lại sinh ra thói nói cười sang sảng trong cái nhà chỉ xộc xệch mấy khoang kệ trống và một ít bàn ghế cũ. Thỉnh thoảng tự nghe mình kêu rõ to: Trời, sao kỳ vậy, khi mở không được nút chai hay cắm ba trật ba vuột phích điện. Có lúc hứ, hé cười gằn khi gặp phải mấy dòng lãng nhách trong quyển sách đang đọc. Bây giờ mới hiểu vì sao có người tự nhiên nói chuyện rì rầm một mình. Độc thoại là một triển vọng đầy hứa hẹn đối với những ai lâu ngày thiếu cơ hội tiếp xúc hoặc biểu cảm với đồng loại, chớ quên!

Mùa Hè Nóng Bỏng chỉ giết được một phần buổi tối ngày 14 tháng 6. Không thể tắt đèn đi ngủ khi bên ngoài trời hãy còn lấp ló nắng chiều. Mùa này công viên mở cửa phục vụ công chúng từ 7 giờ đến 22 giờ, nhưng chẳng lẽ quay trở lại bãi cỏ lúc sáng để nằm ngửa hát bài Starry Night của Don McLean.

Starry, starry night
Paint your palette blue and grey
Look out on a summer night
With eyes that know the darkness in my soul

Bóng tối tâm hồn cái con khỉ mốc. Giờ này trời còn quang, sao sẽ chưa kịp mọc cho mà hát.

Soạn sành lại gần 20 thứ giấy tờ các loại phải trình cho sở Cảnh Sát Đô Thành theo lịch hẹn lúc 9 giờ 30 sáng ngày mai, 15 tháng 6, bỗng phát giác còn thiếu 3 tấm ảnh. Xem xong Mùa Hè Nóng Bỏng đã 10 giờ đêm. Giờ chỉ còn nước đi kiếm cái nhà ga đâu đó nơi thường khi có đặt máy chụp ảnh tự động. Tiêu chuẩn hành chính là thủ cấp nghiêm nghị, mặt mũi vô cảm, không râu mép râu hàm, tóc không cột nơ không phủ trán, vén gọn để lộ đủ hai tai không đeo khoen, mắt ngó thẳng không mang kính dù cận thị 12 độ, cận cảnh phải cho thấy khoảng cách từ đỉnh đầu xuống cằm chính xác trong qui cách từ 33mm đến 35mm. Bỏ vào máy 5 euros, quay ghế ngồi ngang tầm để thủ cấp lọt hẳn vào khung cố định trên màn hình, bấm nút theo chỉ dẫn, người mẫu có quyền nhá ba kiểu để chọn một; tất nhiên đó phải là tấm đúng chuẩn, không thì phải bỏ thêm năm đồng, và cứ thế. Năm trước chụp ở phố Tàu đường hoàng có phó nhòm nói tiếng Quảng Đông tiếp chuyện xí xô xí xào, lại còn chỉnh hộ tóc tai; 4 đồng 8 tấm xài hoài không hết, chỉ hết giá trị thời gian.

Chụp hình lúc quá 10 giờ đêm trong một phòng ảnh tự động tọa lạc ở ga xe điện là kinh nghiệm đầu tiên trong đời. Tôi nhìn soi bói 5 tấm hình rớt ra từ khe máy. Chân dung là một cái đầu ít tóc, hai đuôi mắt xệ tỉ lệ thuận với hai khóe môi trễ, mí mắt bùng nhùng dồn da xuống hai hàng lông mi còi làm hẹp lại tròng mắt trước đây vốn đã không lấy gì làm tinh anh. Hồ sơ, dù gì cũng coi như đã hoàn chỉnh.


Sau ngày hôm qua

Chưa kịp nguôi ngoai nỗi niềm của ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã đến rồi. Không biết từ lúc nào người ta bắt đầu xếp hàng trước cả giờ mở cửa. Khi tôi tới nơi đã thấy nối đuôi rồng rắn, kẻ đăm chiêu người ngáy ngủ. Đứng vào hàng ngũ này là đã phụng hiến trọn ngày cho mấy tờ giấy ôn hoàng dịch lệ, chắc ai cũng nghĩ vậy. Trước ngày hẹn họ có buông người rơi tự do xuống bãi cỏ công viên, xem phim tình cảm mùa hè nóng bỏng cho qua một phần buổi tối, lúng ta lúng túng soạn tới soạn lui bộ hồ sơ phải nộp, sảng hồn chụp ảnh lúc gẩn nửa đêm ở máy tự động, trăn trở hình dung đám nhân viên mặt sắt ngồi ngầu ngầu trong các ô cửa có đánh số; có hay không thoáng qua đầu ý tưởng ngao ngán muốn thối lui?

Sở Cảnh Sát Đô Thành, cũng giống như đa số các dinh cơ được xây cất hồi thế kỷ 19, là một tòa nhà mênh mông có kiến trúc néo-florentin. Tọa lạc trên một hòn đất nổi được nối với quận 4 bằng Pont au Change và quận 5 bằng cầu Saint Michel, nó chiếm một diện tích bề thế giữa lòng Paris, đối diện nhà thờ Đức Bà, bốn mặt phơi ra bốn con đường Palais-Lutèce-Cité-Quai des Orfèvres tiếp giáp với một mé sông Seine. Dù được nhìn từ góc nào, trông nó vẫn không khác chi một cái chuồng với tường quây tứ phía chừa ruột rỗng ở giữa – một khoảnh sân hình chữ nhật được dùng làm bãi đậu xe có lẽ dành riêng cho các nhân viên có chức sắc. Xung quanh là các phòng ban sự vụ được phân loại theo chữ cái A, B, C, D, E, F. Nơi đây tập trung giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến lý lịch cá nhân, bằng lái, đặc trách việc di trú của người nước ngoài, có thẩm quyền đưa ra các quyết định sinh tử đối với những kẻ nhập cư.

Nối đuôi nhau vào cổng từng đợt 10 người, cho giỏ xách chạy qua máy dò an ninh, ngoặt ngoẹo hai ba lần cửa mới thoát ra sân, nơi có thể đứng nhìn bao quát quét mắt xác định tọa độ trước khi trực chỉ mục tiêu. F là khu vực xử lý hành chính cho dân Châu Á và Châu Đại Dương. Nó kia kìa. Mùa đông năm trước đã từng chầu chực chỗ này 5 tiếng đồng hồ không đi vệ sinh dù trời lạnh te tái, đơn giản chỉ để được cấp một chứng nhận tạm có giá trị 3 tháng trước khi có thẻ cư trú thời hạn 1 năm. Thẻ này phải được gia hạn hàng năm; sau 5 năm sẽ được cấp cho một thẻ 10 năm. Mỗi lần gia hạn lại truân chuyên khởi đầu từ cửa số 1 của 12 tầng địa ngục. Hãy nhớ lấy, đây chỉ mới lần đầu gia hạn thẻ cư trú, sau điệp khúc sẽ lộn lại tempo rồi đáo về 4 lần điệp khúc nữa. Ngó xung quanh không thấy ai có sắc mặt căm hờn muốn đánh bom Sở Cảnh Sát, nếu không nói là cầu cạnh, nhẫn nhục đến nỗi gần như hèn hạ, vậy đâu là công dụng của máy dò an ninh?

Tôi ké né ngồi cạnh một cặp nửa Tây nửa Tàu, chặp chặp lại ngó lên cái mặt kính đen đen hình chữ nhật mắc cao trên góc tường đang nhấp nháy số của người được gọi. Ngáp chảy nước mắt sống. Tối qua trằn trọc, không phải vì lo mà vì tiếng lạo xạo của mấy tờ giấy mắc dịch cứ lật phật trong đầu gần như suốt đêm. Ngó quanh quất không biết làm gì, lại moi hồ sơ ra vọc chơi cho qua thì giờ. Thấy đa số ai cũng làm vậy.

Lần nào cũng na ná, từ phía người bảo lãnh vẫn giấy lương 3 tháng cuối, biên lai điện nước gaz, hợp đồng thuê nhà có ghi rõ diện tích sử dụng, giấy khai thuế hàng năm, thuế nhà ở, giấy khai sinh chứng minh trực hệ, giấy hôn thú nếu đã kết hôn, sổ gia đình. Phía người được bảo lãnh luôn luôn là giấy thông hành, bảo hiểm an sinh xã hội, giấy hôn thú, giấy ly hôn, giấy khai tử nếu góa bụa; mỗi lần gia hạn phải trình chứng chỉ xác nhận trình độ tiếng Pháp, khả năng chuyên môn, kiến thức dân luật, hiểu biết về văn hóa và đời sống của nước sở tại – bốn thứ này đã được cấp khi xin thẻ cư trú lần đầu sau rất nhiều thử thách qua một buổi phỏng vấn cá nhân và các khóa đào tạo, cuối cùng là hợp đồng cam kết hội nhập có chữ ký của chính đương sự. À, 3 tấm ảnh 35mm X 45mm, thủ cấp vô cảm.

Cứ như cá thòi lòi đòi vượt vũ môn. Tội nghiệp lũ con trời đánh, tuy không có chỗ cho ở cơm cho ăn tiền cho xài, vẫn sốt sắng cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ, chu toàn nghĩa vụ làm con. Máu Giao Chỉ còn chảy trong người, chắc cũng hơi lo sẽ có lúc gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại… Một năm trước đây, khi mới bắt đầu vướng vào cái vòng nhiêu khê này, chúng đã không ước lượng được mức độ tàn phá của sự chung đụng. Nay ai nấy đều tỉnh ngộ, nhưng may quá lòng kiêu ngạo của đấng sinh thành đã xử tử sạch sẽ mọi vướng mắc, không để cho kẻ liên lụy hành chính phải bị dày vò bởi tình máu mủ chằng chịt. Đây có lẽ không phải trường hợp duy nhất. Nhìn xung quanh ngó kỹ sắc mặt từng người mà xem. Vàng vàng màu nghệ, trăng trắng ngà voi, đùng đục cà phê sữa hay đen tuyền cà phê phin, tất cả đều vần vũ âm khí, cơ thể như liên hồi phát ra tiếng sột soạt của giấy A 4, bản gốc lẫn bản sao.

12 giờ kém 15 số 058 hiện trên màn hình; thay vì ôm xấp hồ sơ hoàn chỉnh tiến đến bàn số 11 với lòng tự tin của một người nhập cư hợp pháp vừa mới trúng số, tôi tất tả đi ngược chiều kim đồng hồ, bước sấn ra cửa. Chà chà! Quang đãng! Ngoài này không khí thặng dư, ánh sáng bão hòa. Nheo mắt xác định tọa độ cửa thoát hiểm. Nó kia kìa. Băng chéo qua sân hình chữ nhật, trực chỉ mũi tên bắn ra đường Cité sẵn trớn bay vèo qua đường Arcole nơi Notre-Dame sừng sững màu đá trắng quai quái giữa nắng trưa chang chang. Tôi khum hai tay đưa lên mồm làm loa gọi khẩn trương a-lô a-lô, Quasimodo đâu, không kẹt giờ kéo chuông thì ra đây nói dóc chơi! Không phải Esméralda nghen, cũng không phải cha Frollo, nhưng để tán gẫu thì đây cũng rất OK.


Qua ngày hôm trước

Kể từ sau ngày 15 tháng 6, tôi trở thành kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Chủ nhà trọ có vẻ khó xử. Chỗ quen biết lâu năm, họ lọng cọng nghẹn họng. Bèn trấn an:

- Người tử tế đừng lo! Mọi chuyện rồi sẽ OK thôi; tôi sẽ cuốn gói về quê làm ruộng thậm chí trước khi có giấy trục xuất do Sở Cảnh Sát tống đạt.

Rồi đổi giọng kể lể:

- Về bên đó, tuy không còn cha mẹ con cái nhưng đâu có phải tứ cố vô thân màn trời chiếu đất, chỉ là muốn tiêu cho hết các khoản còn lại cho phỉ chí tang bồng. Nấn ná lâu hơn có ngày phải chui xuống gầm cầu gia nhập băng đảng Cái Bang đi ăn mày chứ tiền đâu mà sống.

Nói vậy nhưng vẫn thanh toán bằng tiền mặt sòng phẳng hàng tháng theo giá thân hữu rồi cứ nhơn nhơn đi ra đi vô không thèm trả lại chìa khóa căn hộ.

Từ lúc chạy ngược chiều kim đồng hồ ra ngồi chat với Quasimodo ở hiên nhà thờ Đức Bà, rõ ràng đầu óc đã nhẹ nhõm lắm, không còn chi ngo ngoe trong đó dù chỉ một mẩu giấy vụn. Thẻ cư trú hết hạn để dành kỷ niệm, lỡ ai có hỏi giơ ra đây nè, nhưng mà… khà khà. Thôi cố tận dụng thời gian chưa bị áp tải dẫn độ về nước, đi lang bang chơi thêm vài bữa ngoại ô hoang dã cho đã nư cái mộng nhàn cư trước khi hồi hương làm lại cuộc đời. Không đi xa được thì vòng vòng trong cự ly khả thi, coi bọn cây cỏ nó gian truân cỡ nào để mà vừa dậm chân tại chỗ lại vừa sống sót và phát triển. Thực vật huyền bí. Bọn động vật tưởng rằng có khả năng di chuyển là một ưu thế trong cuộc chiến đấu sinh tồn, lầm, đúng ra hoàn toàn bất lợi. Vô Sở Cảnh Sát Đô Thành thì biết.

Sceaux, với chừng đó con đường bãi cỏ băng ghế hồ nước, bây giờ đã hết lực hút nên bán kính hoạt động được phình ra đến tận công viên Heller của Antony; đỡ ghiền thôi, bởi nó có hơi bị vun vén tỉa tót giống bức tranh thủ công thêu thùa tỉ mỉ, thiếu mất nét đẹp man rợ của sơn nữ không mặc xà-rông. Ở khoản này hình như bọn chim chóc cóc cần miễn sao có cành để đậu, có sâu để ăn, có nước hồ nhân tạo trộn calcaire để uống, có lùm bụi để làm tổ.

Mò sang địa phận Antony phải bắt đường Le Brun đi miệt mài cho đến Léon Blum, ẹo người sang trái để ôm Pierre Brossolette rồi phom phom tây tiến. Trên đường Francois Molé có một ngôi nhà nát ngày nào đi ngang cũng thấy nó vẫn nát, không một bóng người. Rào gỗ xiêu xiêu hé hé, trong sân đất cục trộn đá cuội um tùm cỏ đuôi chồn xanh lam hồng phớt xum xoe mơn trớn dăm bãi anh túc đỏ cam, linh miêu rình rình phóng lủi mất dạng còn gửi lại một tiếng ngao ai oán. Cơ ngơi này đồ sộ hết biết, vách đá nghều nghệu nhưng lởm chởm vôi vữa, ngoằn ngoèo dây leo. Thoạt nhìn đã muốn làm phim có máu, mô-típ Chạng Vạng của Stephenie Meyer.

Hấp lực đầy chất xi-nê của ngôi nhà chiều hôm nay đã kéo chân khách nhàn du qua cổng. Lần đầu thấy được toàn cảnh trong buổi hoàng hôn, quỷ thần ơi, nó đẹp sững sờ với nắng chảy rớt trên rêu phong và đổ nát. Bước sâu vô sân, tôi cẩn thận ngó ngoái ra đường sục tìm một ánh mắt theo dõi, rồi thiếu điều muốn ngao lên một tiếng đầy hăm dọa thách thức như người mèo trước lúc giương vuốt tấn công người dơi, tôi bắn nhanh qua khung xương vặn vẹo của cánh cửa đang khép hờ như mời.

Làm như vậy có OK không? Không. Làm như vậy không OK nhưng nếu thấy khoái thì tất nhiên là OK, bèn tự nhủ. Qua nắng chiều từng sợi xỏ vào các khe cửa sổ bể kính, đại sảnh trông thật đông phương sương mờ với nền đá trống, vương vãi vài chiếc ghế đã sứt ngoe gẫy gọng. Tĩnh vật đẹp não nùng nhờ được phủ mịt mùng bởi một màu bụi hẳn đã lưu niên. Một dương cầm đầu bạc răng long, thậm chí sún mất răng hàm lẫn răng cửa, chỏng vó dưới gầm cầu thang dẫn lên đâu không biết. Tôi đến gần khom người ngó ngược rồi ấn thử một răng nanh vàng khè. Tiếng búa nỉ đập vô sợi dây đồng rỉ sét làm bung lên một âm ong ong lưng chừng giữa mi và fa, bay là đà rõ lâu trước khi chết lịm trên đường rơi xuống.

Ráng chiều gần như tắt ngúm khi tôi lò dò bước vấp mấy bậc đá dẫn xuống tầng hầm. Mò tìm trên vách nham nhám không thấy có công tắc điện. Men được khoảng năm sáu nấc thì hụt giò. Mang máng nhớ hình như đã lộn hơn hai vòng, va đập kịch liệt một hồi mới chạm tới đất. Chắc chắn có máu; tới đây coi như mãn nguyện giấc mộng điện ảnh. Tôi ngồi bệt nhắm mắt xuýt xoa, một tay mằn mằn mắt cá chân, tay kia vói ngược ra sau xoa xoa xương chẩm. Chẩn đoán tình hình sơ bộ thấy có vẻ trầy nhiều da tróc nhiều vảy nhưng không có bể đầu gẫy cổ đứt cột sống. Vậy là OK. Mở choàng mắt ra để định vị vẫn thấy đen thui như lúc nhắm mắt. Bỗng nghe giọng Mỹ không rõ giới tính:

- Are you OK?

- Yeah yeah, I’m OK.

Trả lời xong mới hoảng vía nghĩ, có người!!! Làm gì có! Tưởng tượng thêm cho vui thôi. Chẳng lẽ chủ nhà là dân nhập cư gốc Mỹ có giấy cư trú hết hạn nên trốn chui trốn nhủi dưới hầm để khỏi ôm xấp hồ sơ đi xin gia hạn.

Ngửi thấy hơi đá ẩm. Nghe ra tiếng nước róc rách đâu đó. Sàn nhà có chỗ đọng vũng, dẫm phải nghe đánh tõm, mấy lần suýt trượt. Từ phía bên trái phả ra mùi thum thủm của động vật phân hủy trộn mùi ung ủng của lá cây mục. Phía đó hẳn có khe hẻm bí mật dẫn vào một hang sâu. Ha ha! Ta là Indiana Jones! Chút nữa đây sẽ được đạo diễn bất ngờ ấn vào tay cái đuốc, đủ ánh sáng cho khán giả hít hà le lưỡi nhìn thấy bọn rắn rít bọ cạp gián chuột bò lổn ngổn trên màn hình. Lạnh sống lưng vì những hiệu ứng đặc biệt trong phim kinh dị phiêu lưu mạo hiểm là lẽ thường tình, nhưng sẽ phải tăng dần liều lượng như khi dùng thuốc an thần, cho đến khi có thể hoàn toàn làm chủ hệ tiết niệu.

Lờn thuốc rồi, có ghê rợn lắm cũng chừng ấy thứ. Chan chán vì chẳng làm được gì thêm ngoài việc vận dụng tối đa khứu giác thính giác, bèn dùng xúc giác mò tìm chân thang để bò trở lên. Lần này tự hứa cẩn thận pảo-tchọng, hầy, pảo-tchọng! Dù gì cũng phải trồi lên mặt đất, đi ngược về đường Leclerc, chuẩn bị trả nhà khăn gói về quê. Tham quan địa đạo tạm gọi là đủ. Xứ này xét cho cùng không hợp lục phủ ngũ tạng. Đã đành kinh đô lấp lánh, văn hóa rạng ngời, thời tiết quyến rũ những buổi giao mùa, có bãi cỏ để nằm lênh đênh, có đường râm mát để đi là đà, hệ thống an sinh xã hội bình đẳng cho bất cứ ai cư trú hợp pháp. A hèm, dù muốn dù không ở điểm này lại phải đáo về điệp khúc Cảnh Sát Đô Thành. Nhưng mà liệu hồn! Nhịp pasodoble kiêu hãnh và đĩnh đạc đòi hỏi đấu sĩ bò tót phải theo dõi mục tiêu tấn công với ngực ưỡn vai mở đầu ngửa thân nghiêng. Bệnh nhân thấp khớp, lại thiếu mất bạn nhảy là tấm vải đỏ, e rằng không kham.

Quái! Xần quần hơi lâu vẫn chưa mò ra chân thang. Có đứa chơi nghịch khuân đi đâu mất mấy bậc thang đá. Rõ ràng đã quá chủ quan khinh địch; phàm kẻ phiêu lưu nào cũng luôn kè kè một cái đèn pin nếu không có ê-kíp quay phim tíu tít trao cho cái đuốc trước khi hô « diễn ! ». Đoạn « cắt » này hơi lâu. Nhớ xưa kia thuở còn sinh tiền mẹ già thường nói, cuộc đời như cái cầu thang nhiều nấc, có khi bước hụt lộn cổ té nhào bươu đầu sứt trán, nhưng rồi phải lồm cồm bò dậy nghe con, dù đang leo xuống hay leo lên. Đã từng leo lên xe 4 bánh lái đi vèo vèo, xong leo xuống xe đạp Trung Quốc gò lưng hùng hục, rồi leo lên xe PC, Chaly vật lộn với bình xăng con trong mùa nước nổi, gần đây đạt tới trình độ xe ôm chỉ cần leo lên yên sau sau khi ngã giá, đi hết tiền leo xuống. Thưa má, má dạy chí phải, đời là thế! Có khi sát trần có khi đụng đáy. Con đã quán triệt nên vội lồm cồm bò dậy quờ trong bóng đêm.


Trần Thị Ngh
Sceaux, 07.2012


(http://damau.org)