có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 7 20, 2012

Tình hoài hương



Tiếng hát Thái Thanh



Sáng tác: Phạm Duy

Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê.
Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!

Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười ơ ơ ớ!
Ai về mua lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ ờ!

Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi
Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi.
Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu!

Tình hoài hương!
Khói lam vương tâm hồn chìm xuống
Chiều soay hương!
Sống vui trong mối tình muôn đường.
Tình ngàn phương!
Biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng!
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương! Yêu quê hương ... quê hương ấy!







------------------------

Khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài Tình Hoài Hương (1952). Nằm trong loại huyền thoại quê hương mà tôi tạo ra nhờ có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình và trong thời chiến… bài hát này không còn là một bài đối cảnh sinh tình như trước đây nữa. Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lià. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó. Rồi khi một triệu người khác, trong một thời gian khác — nghĩa là sau ngày lịch sử 30 tháng tư năm 75 — phải vượt trời, vượt biển ra khỏi bán đảo chữ S thì bài Tình Hoài Hương của 20 năm trước lại trở thành một bài hát rất hợp tình, hợp cảnh cho con số một triệu người đó, kể từ năm đó trở đi.

Bài hát nói tới sự nhớ thương con sông đào xinh xắn, nhớ phiên chợ chiều xa tắp, nhớ vòm tre non và làn khói ấm hương thôn nơi đó, trong mảnh đời thơ ngây của tôi, có con trâu lành nằm mộng bên đàn em bé, có mẹ già yêu dấu ngồi nghe tiếng sáo chơi vơi… Chao ôi là nhớ nhung! Ngày hôm nay nhắc tới bài hát Tình Hoài Hương tôi còn thấy từ lúc ngồi nhớ con sông đào ngây ngất ở chốn quê cũ vào năm 1952, tôi đã mơ ước có một chiều xoay hướng để tôi được vượt qua những đại dương sâu thẳm, đi khắp các lục địa bao la, sống vui trong mối tình muôn đường… Không ngờ 23 năm sau, tôi đi tị nạn chính trị là thực hiện giấc mơ vượt cầu biên giới trở thành con người phiêu lãng của bài hát hoài hương xa lơ xa lắc. Rồi từ đó, được đi khắp năm châu bốn bể, dù nhiều phen nước mắt có chẩy về miền quê lai láng, cũng xin cám ơn cuộc sống vô cùng.

Tại sao vào cuối năm 1952 này tôi có nổi một niềm nhớ quá lớn lao như vậy? Nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng chưa đủ, còn phóng tâm tư đi tới những mối tình muôn đường của hàng ngàn phương trời mình chưa hề đặt chân tới. Cũng có thể vì sức sáng tác bị dồn nén sau gần hai năm bây giờ mới được toàn vẹn tung ra chăng? Ngồi một mình trong đêm tối ở căn nhà thật yên tĩnh nằm trong cái ngõ dài trên đường Phan Thanh Giản (sau đổi tên là Ngô Tùng Châu) — chúng tôi vừa dọn tới vì không chịu nổi sự huyên náo của đại lộ Trần Hưng Đạo — tôi không chỉ làm công việc thụ động là nhắc lại ca dao mà phải tích cực hơn, nghĩa là phải đối thoại với ca dao:

Ai về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, tôi nhớ hàm răng cô mình cười
Ai về mua lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời ngây thơ…

Đây cũng là lúc tôi không phải đầu tắt mặt tối vì công việc dẫn dắt ban Thăng Long đi hát nữa. Mấy anh em họ Phạm đã quen với nghề đi hát rồi. Tôi cũng có thêm bạn bè khác ngoài Lê Thương, Trần Văn Trạch. Hai anh bạn cũ là Nguyễn Đức Quỳnh và Hoàng Trọng Miên đã dinh tê vào Hà Nội rồi cùng gia đình di cư vào Nam. Tôi gặp lại họ thì rất thích thú vì chúng tôi đã có chung với nhau những ngày sinh hoạt văn nghệ hào hứng ở Chiến Khu IV.

(Trích: Hồi Ký Phạm Duy)