có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 6 27, 2012

Một đêm




Tôi về đến Huế vào ngày 15 tháng 5 năm 1975.

Thế là tôi đi giáp một con đường vòng. Rời Huế ngày 21 tháng 3 vào Đà Nẵng. Rời Đà Nẵng khuya 29/3 vào Cam Ranh. Rời Cam Ranh ngày 5/4 đi Phú Quốc. Rời Phú Quốc ngày 18/4 trở lại Vũng Tàu. Rời Vũng Tàu về Sài Gòn ngày 23/4. Rời Sài Gòn ngày 12/5 để trở lại Huế.

Đó là một cuộc trốn chạy bước tiến quân của Cộng Sản gian nan, kinh khiếp, hãi hùng, phấn khích và tuyệt vọng.

*

Tôi trở về Huế trong tâm trạng của một người phương xa bị dẫn dắt vào nơi hiểm địa. Cảnh vẫn còn đó, người vẫn còn đây, nhưng mỗi một nụ cười, mỗi một ánh mắt đều khác lạ. Bạn bè biến mất. Bà con lơ láo nhìn nhau. Hàng xóm nghi kỵ. Trở lại thăm ngôi trường, tôi bắt gặp những cái nhìn tóe lửa, thù nghịch từ một số học trò cũ, mới ngày nào đây vẫn còn thầy thầy em em trong quán cà phê. Thành phố lặng đi, buồn bã, bồn chồn như đang trong tình trạng giới nghiêm, chờ đợi một cái gì ghê gớm lắm sắp xảy ra.

Đứa con đầu lòng ra đời. Mẹ tròn con vuông. Đã đành là không vui tí nào mà lạ, lại cũng chẳng buồn. Mọi cảm giác lắng đi, chai lì. Đúng một tuần sau khi đứa con ra đời, chiều hôm đó, trong khi đang loay hoay nựng con trong phòng thì có tiếng gọi cửa. Tôi nhìn ra, thấy thấp thoáng bóng người đội mũ cối đứng sau cánh cổng. Lòng tôi hồi hộp. Tôi ra mở cửa. Đang loay hoay tháo chiếc then gài, tôi nghe có giọng ai đó nói nhỏ nhẹ:

– Thưa thầy.

Tôi hơi giật mình nhìn lên, bắt gặp một khuôn mặt quen quen, nhưng nhất thời chưa nhận rõ ra là ai. Cửa mở. Người đàn ông đội mũ cối chìa tay ra. Tôi cũng chìa tay ra bắt. Anh ta nhìn thẳng vào tôi:

– Anh là T.

Giọng Nghệ An đặc sệt kèm theo một nụ cười thật khó diễn tả. Dường như vui. Dường như ngạc nhiên. Dường như đe dọa. Cười mà vẫn không có vẻ gì là cười. Tôi gật đầu đáp vâng. Người thanh niên lập lại:

– Thưa thầy.

Tôi nhìn người thanh niên, phân vân. Người thanh niên giở chiếc mũ bê rê đen ra. Tôi ngạc nhiên:

– Hưng. Phải Hưng không?

– Dạ, em đây thầy.

Đúng là Hưng, người học trò hiện đang học với tôi năm đó. Định hỏi Hưng tiếp vài câu, thì người đàn ông lên tiếng:

– Ta vào nhà cái đã. Tôi tìm anh cả tháng nay.

Tôi lặng lẽ đi trước. Tôi mời vào thẳng nhà trên, nhưng người đàn ông dừng lại ngay trước hàng hiên:

– Khỏi, anh T. à. Tôi bận lắm. Gặp anh tí chút để giải quyết mấy chuyện rồi đi ngay.

Không đợi mời, người đàn ông ngồi ngay vào chiếc ghế để kế cây cột trụ mái hiên, rồi nói như ra lệnh:

– Anh kiếm ghế ngồi đây, ta nói chuyện cho tiện. Đây thoáng mát.

Tôi lấy chiếc ghế cho Hưng và tôi, rồi ngồi xuống. Người đàn ông nhìn quanh. Khi tia nhìn dừng lại ở bàn thờ, anh ta hỏi:

– Anh Phật giáo à. Thế mà tôi lại tưởng anh là Công giáo kia.

Lại nhìn quanh, săm soi. Rồi nhìn chăm tôi:

– Anh còn trẻ quá nhỉ.

Lại nhìn quanh nữa. Bỗng nhiên, anh ta đứng dậy vỗ vai tôi:

– Nào, dẫn tôi đi thăm chị và cháu một chút đi. Nghe chị vừa sinh cháu gái phải không? Thăm một chút, trở ra, ta nói chuyện sau.

Cái anh chàng này lắm chuyện, tôi rủa thầm. Không đợi tôi dẫn đường, anh ta đứng dậy đi ngay xuống nhà dưới. Đến ngay cửa chính của nhà dưới, anh ta đứng đợi tôi:

– Phòng chị chỗ nào?

Tôi bước đến gần anh ta, tần ngần:

– Để tôi gọi vợ tôi ra…

Anh ta xua tay:

– Tôi muốn thăm chị ấy một chút. Anh cứ để tôi đi.

Lại cái giọng ra lệnh. Không biết làm sao hơn, tôi dẫn anh ta vào phòng. Vợ tôi vô cùng bối rối, cố gượng ngồi dậy chào. Anh ta ra dấu cho vợ tôi nằm xuống, rồi nhìn quanh. Cũng lạ, cái tay này! Bước đến đâu, anh ta cũng nhìn quanh, đôi mắt tưởng như muốn ghi nhận hết thảy những gì có mặt. Liếc thật nhanh qua cháu bé mới một tuần tuổi, anh ta nói với vợ tôi:

– Anh phải đi học tập một thời gian. Cũng không lâu đâu. Dăm ngày nửa tháng. Chị yên tâm chăm lo cho cháu, đợi anh về.

Không đợi vợ tôi trả lời, anh ta quày quả bước ra khỏi phòng. Tôi ở lại một lát trong phòng, nói nhỏ với vợ:

– Chuyện gì đến thì phải đến thôi. Em đừng lo lắng gì cho mệt. Anh đi, rồi sẽ về.

Vợ tôi thở dài, kéo đứa con ôm vào lòng, nước mắt lưng tròng. Khi tôi trở ra, chẳng thấy anh chàng bộ đội đâu, chỉ thấy Hưng vẫn còn ngồi đó. Tôi nhìn Hưng, dò hỏi. Hưng im lặng. Một lát sau, tôi thấy anh ta xuất hiện phía đầu kia của căn nhà, kế hàng chìa tàu. Thì ra, anh ta đi quanh sau vườn. Tôi nhìn anh ta chờ đợi một câu giải thích. Đoán chừng tôi thắc mắc, anh ta nói ngay:

– Tôi muốn xem cái vườn nhà anh một chút. Vườn rộng nhưng có vẻ như thiếu người chăm sóc, phải không?

Tôi cười gượng, không trả lời. Anh ta đến ngồi lại trên ghế, bảo tôi:

– Anh ngồi xuống đó đi, ta nói chuyện. Tôi là Lam, công tác tại Ty Công An Thừa Thiên. Bọn tôi biết anh từ lâu, khi còn ở trên rừng kia, giờ mới gặp. Theo chính sách của trên, anh nằm trong diện phải đi học tập cải tạo. Chúng tôi có ý chờ anh trình diện, nhưng mãi không thấy. Anh không định đi trình diện sao?

Tôi đáp:

– Có chứ. Nhưng ông biết đấy, vợ tôi sanh.

– Tôi biết. Lẽ ra, anh không nên để chúng tôi phải tới đây. Nhưng không sao, sớm muộn gì ta cũng gặp nhau thôi. Sớm thì hay hơn. Anh chuẩn bị áo quần, giấy bút, mai đi học tập. Chúng tôi sẽ trở lại đón anh ngày mai.

– Đón tôi?

– Vâng. Anh cứ ở nhà. Chúng tôi sẽ đến.

Nói xong, Lam đứng dậy, vỗ vai tôi:

– Nhớ ở nhà, không nên đi đâu hết.

Tôi tiễn hai người ra cửa. Hưng đi chậm lại, nói nhỏ với tôi:

– Em xin lỗi thầy. Thực tình em không muốn làm như thế này tí nào. Nhưng bên Ty họ tìm thầy mãi. Vào nhà cũ, không có. Đến nhà thầy thuê, cũng không có. Thầy thông cảm cho em. Dù gì em cũng là học trò của thầy. Thầy nhớ đem theo mền, chiếu và ráng… giữ mình.

Tôi vỗ vai Hưng, cười:

– Em không có lỗi gì. Trước sau gì họ cũng tìm ra tôi thôi. Mà nào tôi có định trốn đâu. Đã trốn thì về lại Huế làm gì, phải không?

*

Không phải đợi đến ngày mai như tay công an nói với tôi, mà chỉ mười lăm phút sau khi Lam bước chân khỏi nhà, một chiếc xe jeep Liên Xô (sau này nghe người ta vẫn gọi là xe con Liên Xô) đến đỗ ngay trước cổng nhà. Bốn công an nhảy vội xuống, vào nhà, buộc tôi lên xe. Tôi chỉ kịp lấy một bộ áo quần cùng cây bút, tập vở nhét vào xách, và lấy đại một chiếc chiếu rách cầm tay, leo lên xe. Vợ tôi nghe tiếng, chạy theo, đưa cho tôi thêm hai ổ bánh mì và hai gói thuốc. Xe chạy ngay.

Ra khỏi thành phố, xe chạy về hướng Kim Long. Lúc này, trời đã sâm sẩm tối. Mặt trời khuất hẳn sau đồi. Đường Kim Long vắng hoe. Giòng sông Hương đang chìm dần vào tối trong một nỗi ngậm ngùi lặng lẽ. Xe vòng qua dốc chùa Linh Mụ, đi thẳng một đoạn rồi rẽ phải vào một lối đi ngang qua một khoảng tường thành đổ nát. Xe dừng lại ngay dưới một bức thành cao, kế tầng cấp đi lên. Xuống xe, nhìn quanh, bất giác tôi rợn người. Trong cái nhá nhem tối, khung cảnh ở đây đã hoang phế lại càng hoang phế thêm, trông rất ma quái. Im lặng hoàn toàn. Mới có đầu hôm mà sông vắng, đường vắng. Cả cái làng nhỏ ven sông cũng im lìm y như đã đi ngủ từ lâu lắm. Chung quanh, cỏ dại mọc đầy, từ bờ thành lan ra khắp nơi, che lấp hết cả khoảng đất trống lót gạch. Dù đã từng qua lại con đường này, tôi bâng khuâng tự hỏi đây là nơi đâu, và sao người ta lại đưa tôi lên đây.

Trời tối hẳn. Bốn người áp tải thúc tôi đi. Hai người đi trước dẫn đường. Hai người đi kèm sát bên tôi, súng ngắn rút ra khỏi vỏ, cầm lăm lăm trên tay. Tôi mày mò bước lên từng tầng cấp, lòng hoang mang, nặng trĩu. Không ai nói với ai một tiếng nào. Lên khỏi hàng chục tầng cấp, tôi nhìn ra phía sông, nhận ra cái cổng chính quen quen, với ba lối vào. À thì ra đây là khu vực đền Văn Thánh. Tôi đã từng ghé đây một đôi lần. Chỉ trừ cái cổng tương đối nguyên vẹn, còn thì tất cả đều đầy dấu vết đổ nát. Một dãy nhà dài lợp tôn nằm dọc theo bờ thành thấp, hiện ra nhờ nhờ. Có ánh đèn dầu lay lắt ở một nơi nào đó trong dãy nhà. Bốn người dẫn tôi đi về cuối khu đất, nơi có một căn nhà. Thực ra, đó là một góc của khu đền Văn Thánh. Trời tối đậm. Một tay công an bấm đèn pin soi lối đi. Sỏi, đá, gạch, ngói vụn nằm rải rác trên lối đi. Cỏ dại, dây leo, tranh mọc đầy. Những thanh gỗ mục, thiếu đầu thiếu đuôi và các mảnh gỗ nằm lẫn lộn với ngói vỡ. Căn nhà—đúng ra là cái đền lớn—hầu như không còn gì nguyên vẹn. Cột, kèo, mái, tường cho đến nền, cửa tất cả đều xiêu vẹo, đổ nát. Chỉ còn một căn nhỏ nằm ngay góc. Mọi người lần mò từng bước tìm vào căn phòng. Lòng tôi hoang mang bất định. Tôi cố gắng không nghĩ đến một điều gì đặc biệt. Nhưng những hình ảnh đen tối, ghê rợn cứ tràn vào trong đầu óc tôi.

Một người nâng nhẹ tấm cửa rời chắn ngang cửa phòng, đặt sang một bên rồi bảo tôi:

– Vào đây.

Tôi bước vào. Anh ta rọi đèn khắp phòng, dừng ngang một góc, ở đó có một tấm ván dài kê trên mấy cục gạch. Anh ta nói:

– Đó là chỗ ngủ.

Nói xong, anh ta lẳng lặng bước ra ngoài. Tôi nghe tiếng thì thì thầm to nhỏ một lát. Anh ta lại trở vào:

– Chúng tôi được lệnh trên dẫn anh tới đây. Đây là chỗ ngủ của anh.

“Chỗ của tôi?” Tôi sửng sốt, môi lập bập muốn la lên như thế, nhưng kịp thời dằn lại. Anh ta nói tiếp, giọng bây giờ trở nên nặng nề:

– Anh chỉ được di chuyển nội trong phòng này. Cánh cửa kia không đóng, nhưng không được vượt qua. Có việc gì cần, đi tiêu đi tiểu chẳng hạn thì phải nói lớn, có người đến dẫn đi. Nên nhớ đây là lệnh trên, phải thi hành.

Tôi im lặng, gật đầu trong bóng tối. Anh ta rọi đèn khắp phòng một lần nữa rồi bước ra. Chợt nhớ điều gì, anh ta quay lại:

– Sẽ có người mang thức ăn lại.

Anh ta cẩn thận lấy tấm cửa rời, chắn lại. Bên ngoài nghe có tiếng lách cách của đạn lên nòng. Tôi đứng như trời trồng giữa phòng, toàn thân tê điếng hẳn đi. Tôi cố nuốt nước bọt, nhưng miệng mồm giờ khô khốc. Trong đầu vang vang môt câu hỏi không được trả lời: “Chỗ của tôi. Chỗ của tôi?” Tại sao lại chỗ của tôi ở một nơi như thế này?

Đã nghe vo ve tiếng muỗi. Một lát sau, đám muỗi háu đói bay quanh, vồ vập bám vào thân thể tôi, châm chích loạn xạ. Tôi hờ hững lấy tay đập vài con, rồi buông thõng, mặc kệ để chúng tự do hành sự. Nhưng có lẽ nhờ thế, tôi thấy tỉnh táo để nhìn căn phòng. Mắt đã quen với bóng tối, nên bây giờ, tôi có thể thấy mọi vật rõ ràng hơn. Đúng là một phòng với tường bao quanh. Tường nứt nhiều chỗ, các lớp xi măng bóc từng mảng lớn. Nền nhà cũng thế, hư hỏng, chỗ lồi chỗ lõm. Tôi lấy chân chà qua xát lại, không thấy có ngói gạch gì ở dưới. Như thế ở đây sạch sẽ hơn phía ngoài. Chắc người ta cũng có dọn dẹp đôi chút trước khi đưa tôi lên đây. Tuy vậy, mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc. Phòng có một cửa lớn, hai cửa sổ. Cửa sổ phía trong thì đóng chặt, có một tấm gỗ nẹp thêm phía ngoài. Cửa sổ kia hướng ra ngoài, còn một số chấn song ngang, dọc, cái thẳng, cái cong. Có song truột ra khỏi tường. Bên ngoài là một khoảng đồng trống. Tôi vịn chấn song, nhìn ra, mắt cố điều tiết để nhìn cho rõ. Cách một khoảng ngắn từ cửa sổ trở ra là một hàng rào thép gai dày, cao quá đầu người. Cỏ vươn cao, tự do xen giữa các ô thép gai. Xa hơn là một khoảng đất trống với nhiều gò đống lờ mờ nhấp nhô trong màn đêm. Cố gắng nhìn, tôi phát hiện ra những gò đống kia là những ngôi mộ. Hóa ra, đó là một bãi tha ma. Điều này một lần nữa khiến tôi thốt nhiên lạnh toát cả người. Một ý nghĩ kinh khiếp mọc nhanh trong đầu. Tôi buông tay khỏi khung cửa sổ, run rẩy. Tôi bước vào, thả mình xuống tấm ván kê sẵn, hai tay ôm đầu trong một trạng thái kích xúc lạ lùng. Muỗi tấn công ào ạt. Tôi sờ soạng chung quanh, tay đụng cái túi xách. Tôi mở túi lấy hai gói thuốc bastos xanh. Tôi bật lửa đốt thuốc, hút. Tôi hít hà liên tục. Khói thuốc dường như làm cho tôi bình tĩnh đôi chút. Trong bóng tối, thỉnh thoảng đóm lửa lại lóe sáng như đốt lên một niềm hy vọng mong manh nào đó. Tôi lắng tai nghe động tịnh bên ngoài. Hoàn toàn im lặng. Bọn họ đi đâu cả? Tôi nhìn ra phía cửa chính. Tuy tối, nhưng tôi cũng lờ mờ nhận ra ngay trước căn phòng là một khoảng trống đổ nát, cây cỏ um tùm trông như một vạt rừng hoang mà lúc mới vào, vì quá bối rối tôi không để ý. Hoang liêu, vắng lặng hoàn toàn. Rõ ràng, phải từ lâu lắm, chỗ này chẳng có ai lui tới.

Có tiếng động. Tôi hồi hộp lắng nghe. Tiếng bước chân lại gần. Một lát, tôi thấy khoảng không gian bên ngoài sáng lên. Có ánh đèn. Hai cô gái bước đến trước cửa. Một cô bưng chiếc đèn dầu nhỏ, giơ cao, tay nâng tấm chắn cửa, giữ cho cô kia bước vào phòng. Cô gái nhìn quanh, rồi đặt xuống chỗ nằm một mâm cơm. Cô bưng đèn đặt cây đèn kế bên mâm cơm. Xong, cả hai cô đồng bước ra. Một cô nói, giọng cộc lốc:

– Ăn xong, để mâm và đèn ở ngoài này.

Nhìn mâm cơm, tôi bất giác rùng mình, thảng thốt. Một tô canh còn bốc hơi nóng. Một đĩa đồ xào. Một tô thịt heo kho. Một đĩa cá. Chén, đũa, muỗng tươm tất. Bữa ăn dành cho tôi? Một bữa ăn thịnh soạn dường ấy cho một tên tù trong nhà tù Cộng Sản? Tôi nhìn mâm cơm và không thể ngăn chặn được ý nghĩ về một bữa cơm ân huệ cuối cùng dành cho tử tội. Thoạt đầu, đó chỉ là một cảm giác bất thường. Nhưng hàng bao câu hỏi mọc lên trong đầu không trả lời được khiến cho ý nghĩ đó hình thành và càng lúc càng rõ nét. Không nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ bị giết đêm nay. Chết! Ý nghĩ dứt khoát này khiến tôi đứng sững bất động giữa căn phòng, mắt không rời khỏi miếng thịt, con cá, cái muỗng… Đó là những điều bình thường trong một bữa ăn bình thường. Nhưng trong tình huống này, bữa ăn lại có vẻ thịnh soạn và vì thế, rõ ràng nó không bình thường một chút nào. Những kẻ chiến thắng vẫn tự hào về cái bản chất nghèo của họ. Không những thế, họ yêu cái nghèo và ghét tất cả cái gì sang cả, ngon lành. Đó là chưa nói đến sự trả thù. Vậy thì tại sao trong lúc người ta đi “học tập” chỉ được ăn cơm với muối và phải lao động cực nhọc để gọi là “cải tạo,” thì tôi lại được cho ăn một bữa ăn tươm tất như thế này? Tôi nhìn đồ ăn. Đồ ăn nhìn tôi. Con cá, những miếng thịt, muỗng, đũa… thảy đều nhìn tôi trừng rừng, thách thức.

Tôi lảo đảo ngã xuống đất. Mọi nghị lực bỗng nhiên tiêu tán. Tôi chới với vịn tấm ván ở chỗ nằm, đứng lên, rồi lại nằm vật xuống. Tôi chìm sâu trong một nỗi tuyệt vọng mênh mang. Và lịm người đi.

– Này anh kia, ăn đi để còn phải bưng xuống.

Tôi giựt mình nhìn ra. Không thấy ai. Một người nào đó chõ miệng vào ném một câu nói, xong đi mất. Tôi cố ngồi dậy. Bụng đói thật, nhưng nhìn mâm cơm, tôi kinh hãi. Cái cảm giác của một bữa cơm ân huệ của người tử tội khiến tôi lợm giọng. Nhìn còn không muốn, nói gì đến chuyện ăn! Tôi nhìn trong bóng tối. Gặp cái gì, tôi nhìn trừng trừng vào cái đó. Thanh gỗ, mảng tường, chấn song, khuôn cửa, góc phòng, trần nhà… Tất cả đều toát lên một vẻ thê thiết đến cùng cực. Tôi nhìn thân thể tôi. Thừa thãi. Vô nghĩa. Cảm giác về một cái chết thấy trước khiến tôi cảm thấy chán cái thân thể buồn nản này. Y như thể nó không còn là của tôi nữa.

Không gian bên ngoài vang động lời ca và giọng nói. Từ Kim Long. Từ Long Thọ. Từ Hương Hồ. Từ phố. Xuyên qua các loa phát thanh đặt cùng khắp, các điệu nhạc chiến đấu và những chuỗi từ ngữ nối nhau tuôn ra trong bóng đêm. …Quê em miền trung du, đồng tươi lúa xanh màu… hành quân trên đồi cao, nhìn vô trong Huế… trung tá Đính, một sĩ quan ngụy đầu hàng quân giải phóng, hôm nay đã nói chuyện cùng các trại viên trại cải tạo tại Ái Tử… phát biểu của sinh viên Hoàng Thị Thọ, thành đoàn sinh viên học sinh giải phóng… ba giòng thác cách mạng tiến công như vũ bão vào thành lũy của tập đoàn tư bản… Đêm và nỗi sợ vây lấy tôi. Âm thanh vây lấy đêm. Âm thanh vò nát, cày xới đêm bằng những chuỗi từ ngữ lạ tai, chắc nịch, cao vút phát ra từ tứ phía. Bên kia sông. Bên này sông. Từ phố. Từ chân núi. Bừng bừng. Vô tận. Âm thanh và ngôn ngữ như muốn nuốt sống cả đất trời.

Người con gái từ đâu bên ngoài bước vào:

– Này, anh kia, ăn xong chưa?

– Chưa.

– Ăn mau đi. Không ai công mô đợi mãi.

Mẹ kiếp, ăn thì ăn! Tôi lấy chén đũa, xúc cơm gắp vội mấy miếng thịt, lùa đại vào miệng, cố nuốt. Nhưng không được. Nghẹn. Lại vọt ra. Không cách gì nuốt nổi. Tôi nói vói ra bên ngoài:

– Xong rồi.

Người con gái bước vào, nhìn mâm cơm rồi hỏi:

– Không ăn sao? Bộ chê cơm cách mạng há?

– No rồi.

Tôi lấp lửng cố không nói chữ dạ đầu câu. Cô gái bưng mâm cơm và đèn, bước ra ngoài. Căn phòng tối lại. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy tiếc. Tại sao lại phải làm ma đói, nếu bị chết? Nghĩ thế, tôi lục xách, lấy ra hai ổ bánh mì mang theo, nhai. Cố nuốt. Và nuốt được. Tôi nuốt những miếng bánh mì như nuốt những ý tưởng chết chóc lớn dần lên đến độ bão hòa. Ừ, thì chết. Có sao đâu! …Sóc băm bô rộn rã tiếng chày khua… giã gạo đêm đêm vì ngày bận làm mùa… cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc nước ta… cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở miền nam… bác hồ dạy… đây cầu chống mỹ xe qua dập dìu… cùng mắc võng trên rừng trường sơn… Tiếng hát và tiếng đọc không ngớt tuôn ra.

Còn tôi, nỗi chết không rời. Tôi bắt đầu làm quen với ý nghĩ mình sẽ chết. Tôi bước trở lại khuôn cửa sổ, nhìn ra bãi tha ma. Những nấm mộ, những tấm bia cắt thanh những đường nét mơ hồ ngoài kia. Thỉnh thoảng, những đóm lửa đỏ nhờ nhờ bắn lên không trung. Tôi tưởng tượng một lúc nào đó trong đêm, tôi sẽ bị dẫn ra ngoài đó, bị trói lại, bị bắn bỏ và đạp xuống một cái hố đào sẵn. Hết. Cuộc đời tôi sẽ chấm dứt đơn giản như thế. Như những xác người hồi Tết Mậu Thân. Chết là một im lặng bất tuyệt. Thế thôi. Tôi sẽ ra ngoài đó, sẽ vĩnh viễn nằm xuống ở đó. Vĩnh viễn. Có gì đâu! Chết là rơi vào vĩnh viễn. Trút sạch hơn thua. Không ai thắng, không ai thua.

Bên kia sông, những giọng hát vang lên, bắt đầu cho một hội diễn văn nghệ nào đó, do sinh viên học sinh phụ trách. Bên này sông, những giọng nói. Từ dưới phố, những giọng nói. …Cách mạng, làm chủ tập thể, công trình thủy lợi, ngụy quân ngụy quyền, tiến công, dãy chết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng… Giọng hát cương lên. Giọng nói cũng cương lên. Nhạc ào ạt. Tất cả như muốn nghiến ngấu những mảnh đời nhỏ bé, những thân phận đớn hèn đang âu lo trước cuộc phế hưng. Nào bạn. Nào thầy. Nào học trò. Nào hàng xóm. Rụp một cái, mọi quan hệ thay đổi tận gốc. Người ta hăm hở ùa theo kẻ thắng. Kể cả cây cỏ, giòng sông. Giả có thật có. Một kẻ mới hôm qua đây còn chưởi rủa Việt Cộng, thì hôm nay cầm cờ đỏ, cố chường mặt ra cho mọi người nhìn thấy. Còn những người thua cuộc thì bé lại, đột nhiên mất tăm giữa giòng cuồng lưu. Giữa đất trời chỉ còn một thứ, một loại, một âm thanh. Lảnh lót. Kiêu hãnh. Ngông nghênh. Nghiêng đồng đổ nước ra sông. Vắt đất ra nước thay trời làm mưa. Người ta xem đó là điều có thật. Và mọi người cố tin đó là sự thật. Chỉ vì, ngoài thứ âm thanh đó, chỉ còn là một im lặng. Im lặng thảng thốt. Im lặng như hàng hàng lớp lớp mồ mả ngoài kia. Như tôi. Một mình giữa căn phòng tối tăm, u uất này.

Tôi bước lui bước tới, gậm nhấm nỗi bất lực của chính mình. …Từ thành phố này người đã ra đi… tư tưởng tiến công cách mạng… đi thông đường để những chuyến xe băng băng qua… Trong không gian đầy cả những tạp âm ấy, bỗng nhiên một âm thanh khác lạ vang lên.

Bò…ò…oò…oò…n…g. 

Tiếng chuông! Vâng, tiếng chuông! Tôi cố lắng nghe. Âm thanh tiếng chuông cao dần lên, tan loãng ra, tưởng như biến mất, bỗng dội lại từng chút, rồi cuối cùng chan hoà trong không gian. Từ đó, chốc chốc, tiếng chuông lại đều đặn vang lên. Giữa những chuỗi từ ngữ sắc mạnh ào ạt ném vào không gian, tiếng chuông lúc đầu trông khá lạc điệu. Có cái gì như ngập ngừng, ẩn nhẫn, chịu đựng khiến tôi liên tưởng đến thái độ dè dặt của người đánh chuông. Đánh mà lòng không yên. Đánh mà không muốn đánh. Vừa đánh vừa dè chừng. Vừa đánh vừa dò dẫm.

bò…ò…ò…òng.

…năm anh em trên một chiếc xe tăng…

bò…ò…ò…ng

…từ thành phố này…

bò…ò…ò…ò…ng

Tôi lắng mình vào tiếng chuông. Càng về sau, tiếng chuông càng tròn trĩnh, đầy đủ, trầm lắng. Nó từ tốn vang lên, từ tốn truyền dần vào không gian, xuyên qua cây lá, thành quách, nhà cửa, nhỏ dần và biến mất. Cứ thế. Không cần người nghe. Không cần khua rộn.

bò…ò…ò…òng

Tiếng chuông hiền hòa, không lấn át nổi tiếng hát và những âm thanh chát chúa hùng hổ vang vọng trong đêm. Nhưng may thay, nó còn đó. Ít ra là nó còn đó giữa một đất nước đang bị bức bách thay đổi theo một chiều hướng vô định. Trong cái âm thanh nghe bình thường đó, tôi tự dưng linh cảm một sự cố gắng phi thường để tồn tại. Phải cố gắng lắm để cho nó bình thường. Vì mọi thứ đã trở thành bất trắc. Mọi thứ trở thành không bình thường. Như mâm cơm mà người ta vừa dọn cho tôi chẳng hạn. Như tôi, hôm nay, tại đây, trong căn phòng đổ nát, ẩm thấp, tối tăm này. Một nhà tù không cửa khóa, không tường cao hào sâu, không kẽm gai. Người ta nhốt tôi. Tôi nhốt tôi. Sự tan vỡ của một đất nước đột ngột, ghê gớm quá đến nỗi mọi phản ứng như tê liệt đi.

bò…ò…ò…ò…ng

Tôi bước lui bước tới, nhìn ra bãi tha ma, nhìn quanh phòng, đốt hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Đêm trôi qua nặng nề, chậm chạp. Tôi chờ đợi. Một lúc nào đó, tôi thiếp đi và giật mình tỉnh lại. Thì ra tôi ngủ khi đang đứng giữa phòng. Tiếng nói và âm thanh nghe đã ngớt. Chỉ còn tiếng hát vang lại từ bên kia sông, phía Long Thọ. Các giọng hát cố cương lên nhưng không nổi. Có lẽ vì đêm đã khuya. Tôi cố ý chờ đợi tiếng chuông, nhưng không còn nghe gì nữa. Bên ngoài bây giờ im lìm. Tôi bước gần cửa nhìn ra, xem thử có ai canh gác gì bên ngoài không. Chẳng thấy ai. Im lặng nặng nề, đe dọa. Đốt thuốc tiếp. Cứ thế, trong đêm tối, tôi lặng lẽ chờ đợi một cái chết. Những hoảng hốt đã qua. Nỗi sợ hãi cũng lịm dần. Tôi chờ đợi một bước chân, một tiếng lách cách của đạn lên nòng, một tiếng gọi. Không. Từng giờ, từng phút trôi qua trong vắng lặng hoàn toàn. Không hẳn thế. Còn có tiếng dế và tiếng muỗi. Nhưng trong tâm tưởng của một chờ đợi ngột ngạt, những âm thanh đó trở thành vô nghĩa. Với tử tội, mọi thứ đều vô nghĩa, kể cả niềm hy vọng. Đêm khuya khoắt, sâu dần. Tôi đi lui, đi tới, bóng dáng nghiêng ngả. Cho đến một lúc, tôi có một cảm giác thật lạ lùng: tôi chết rồi. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy tôi nhẹ hẫng, không trọng lượng, không vướng víu, không buồn phiền. Nhìn ra không gian bên ngoài, tôi thấy mình thoát, thoát khỏi cái xã hội đang bị kềm thúc ngoài kia, cái xã hội đang bị buộc, bị gói, bị nhốt ngoài kia, cái xã hội đang bị tiêu chuẩn hóa ngoài kia. Tôi sẽ được tự do. Dưới một cái hố nào đó ngoài bãi tha ma thầm lặng ngoài kia. Vâng, tự do. Tôi sẽ hoàn toàn tự do, ướt đẫm tự do.

Bỗng nhiên, có tiếng động. Tôi giật mình, lắng nghe. Vâng, tiếng động. Tiếng bước chân nhè nhẹ đâu đó bên ngoài. Tóc tôi dựng ngược. Đã đến lúc rồi! Đến rồi! Người tôi căng cứng. Tôi hít thật sâu thêm một hơi thuốc, vứt phần còn lại xuống đất, dí tắt, nhìn ra chờ đợi. Không có gì. Chưa có gì. Tôi đốt một điếu thuốc khác, lập bập từng hơi. Và cảm thấy mình vừa thoát chết. Mình còn tồn tại đây. Khói thuốc chất ngất trong lồng ngực, sảng khoái.

Đêm trôi. Tôi trôi. Bồng bềnh, lấp lửng giữa bờ vực tử sinh. Giữa cảm giác, tưởng tượng và hình dung, suy đoán. Bên ngoài, lâu lâu lại có tiếng động. Hình như đổi phiên gác. Tôi chiến đấu với những cảm giác và suy luận của mình. Tôi không nằm xuống được, chỉ bước lui bước tới, bước ngang bước dọc và đứng.

Bò…oò…oò…n..g

Tôi giật mình. Tiếng chuông! Lại là tiếng chuông. Tiếng chuông bỗng nhiên vang lên giữa một không gian vô cùng tịch lặng. Chuông sáng. Khác với đầu hôm, tiếng chuông lần này có vẻ tự chủ hơn, chắc hơn, tự tin hơn.

Bò…oò…oò…ng

Tiếng chuông đều đặn vang lên trong không khí trong lành sau thời gian lắng dịu của đêm. Một mình. Cả bộ máy tuyên truyền vẫn còn ngái ngủ, chưa kịp thức dậy, vì thế, tiếng chuông khoan hòa êm ái truyền đi. Qua không khí, qua gió, qua sương, qua cây, qua cỏ. Chuông nối tiếp chuông cho đến lúc trời hửng sáng. Chỉ có tiếng chuông. Khi hồi chuông cuối cùng đánh dồn dập để kết thúc, thì tôi tìm lại được chính tôi. Một tôi nhếch nhác, đờ đẫn giữa một căn phòng nhếch nhác, đờ đẫn. Tiếng chuông đã đưa tôi qua một đêm khắc khoải, hoang tưởng. Tôi ngồi ngẫm nghĩ về những sai khác trong tiếng chuông. Suy cho cùng, có lẽ tiếng chuông vẫn thế từ mấy trăm năm nay ở ngôi chùa Linh Mụ cổ kính này. Có khác chăng là khác ở người đánh chuông và kẻ nghe chuông.

Tiếng chuông làm gì có hưng phế.

Chỉ có hưng phế trong phận người.

*

Đó là đêm đầu tiên trong 176 đêm tôi bị biệt giam nơi căn phòng đổ nát này của đền Văn Thánh để “tẩy não” trước khi được chính thức chuyển sang trại tù khổ sai, nhiều năm tháng sau đó. Đêm đó có lẽ là đêm dài nhất trong cuộc đời tôi. Sau đó thì đêm nối đêm, trong bóng tối, tôi chờ đợi tiếng chuông để lấy lại thăng bằng sau khi trải qua những ngày nối ngày căng thẳng đương đầu với những cuộc thẩm vấn liên tu bất tận của hết toán công an này đến toán khác. Có một khoảng thời gian, tiếng chuông biến mất. Rồi xuất hiện trở lại. Rồi biến mất.

Dù sao, tiếng chuông của đêm đầu tiên ghi đậm trong tâm tưởng tôi. Mỗi khi gặp điều gì bất như ý trong cuộc đời, tiếng chuông đó lại trở về, khoan hòa, trầm lắng.


Trần Doãn Nho
6/1999