có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 5 11, 2012

Vô Đề



Mây ba màu trên đường trời. Bầy chim trên chạc cây. Không khí thở yếu; tuy vậy, trên mặt cỏ mềm vẫn có một vài chén sương mù lỏng như cháo trắng. Xa xa, mặt biển tĩnh bơ, nhưng lòng biển chưa nguôi dục tình và cổ họng biển ợ chua.

Mấy hôm sau, gió nín thổi, bầu trời trầm cảm...

Nước Mỹ sạch. Cỏ được cắt kỹ còn hơn tóc được hớt.. Cảnh đẹp và cảnh trẻ.. Buổi mai mới tinh, hai người đàn bà Lào đi hái lá non từ sớm để ăn mặc dầu cơm tị nạn vẫn có món rau hằng ngày. Bầy chim cút ngửa mỏ hót, kêu đòi niềm vui. Lòng-chậu Los-Angeles mát; lòng-chảo Điện Biên Phủ, nơi người Pháp cạn tiền, nát tan danh dự vì Viên- ngọc Viễn Đông, không biết có nóng, nhưng chắc chắn Sàigon thì không lạnh rồi đa. Đôi vú của Hồ Chí Minh city lắm khi lên cơn sốt khô sữa.

Tâm bôi chút phấn hồng trên hai gò má rồi đi ra xếp hàng ăn cơm sáng. Da Tâm trắng hơn ai hết trong đám người sắp hàng một đứng đợi. Đôi má Tâm trông hỏi lệch, bởi vì chỉ một bên có cái lúm đồng tiền thôi, nhưng bộ ngực thì hai bên cân bằng trên cái bụng đẹp.

Chương trình cứu người vượt biển đã cho dân tị nạn ăn những bữa cơm xinh xắn. Tâm cầm một bản tin vừa coi vừa ăn. Bài báo viết bằng tiếng Anh đập vào mắt Tâm câu hỏi: "Mỗi ngày bạn ăn bao nhiêu màu sắc?". Màu sắc, theo tác giả bài này là rau và qủa. Hãy ăn hết một mâm cơm đang tô sắc thắm trước mắt bạn: Trái chuối màu vàng diệp, cà chua đỏ choét, dưa leo màu lam lục, cà rốt đỏ hồng, lá rau diếp xanh... Nhan sắc của một bữa ăn đang dậy thì với từng miếng ngon tươi đẹp. Và hãy kiêng bớt thịt cá đa tình...

Tâm nhìn cơm, thầm nghĩ "sáng nay tôi ăn màu trắng."

Tâm đặt tờ báo xuống bàn. Người đàn ông Mỹ cao to và trẻ, phụ bếp không lương trong trại tị nạn, đến bên Tâm gợi chuyện:

"Tên tôi là Jeffrey. Cô cần giúp đỡ gì không?"

Tâm nói tên mình ra. Anh ta đưa cho Tâm mảnh giấy và bảo:

"Địa chỉ của tôi. Sau này nếu cô có điều gì cần tìm đến tôi."

Trời nín mưa gần một tháng nay. Mặt trời ở Mỹ hình như nhỏ con hơn mặt trời Việt Nam nên tâm tính của thời tiết Mỹ ít nóng nảy. Sà igon đổ mồ hôi hột hoài.

Tâm cầm ly nước bước về trại, ngửa mặt bắt lấy sức nặng của ánh sáng trên vừng trán chưa có vết nhăn... Một gã tị nạn tiến đến trước mặt Tâm, chào:

"Tên tôi là Phan Văn Lương. Ngày mai tôi rời trại. Đây là điạ chỉ của tôi. Sau này nếu chúng ta có điều gì cần tìm đến nhau."

Tâm cũng khai tên họ mình ra.

Tâm sửa soạn đi học lớp Anh-văn dưới bóng cây. Giáo viên đến dạy là một nhóm trí thức quốc tế và người tị nạn tha hồ đặt câu hỏi.

Dưới bóng cây, một ông thầy dạy sinh ngữ khuyên học trò:

"Quý vị nên ở lại tại đây cho đến ngày nhổ trại để học thêm Anh-ngữ, đừng nên xuất trại ngay... trình độ còn qúa yếu kém; ra ngoài, quý vị chỉ có thể kiếm được những việc làm lao động mà ít lương như rửa chén bát tại các nhà hàng, hoặc cắt cỏ, hoặc săn sóc người già tại các viện dưỡng lão, hoặc đổ rác, hoặc xối rửa cầu-tiêu..".

Một tị nạn già lo ra:

"Trở ngại nói năng. Ông thầy ơi, già rồi, học tiếng Anh không vô. Nói chuyện cứ quen miệng chêm tiếng Pháp vô hoài..."

Ông thầy cười, tiếp tục giảng bài:

"Người di tản đừng bao giờ ước mơ trúng số đề ở Mỹ. Có thể một hay hai lần gì đó, bạn ra đường nhặt được tờ giấy một dollar hoặc hai dollar của ai làm rớt.. Nhưng, thần may-mắn chỉ có thể phù hộ các bạn chừng đó thôi, bạn đừng hy vọng trúng những số tiền to hơn vì ông cha của chúng ta không ai hy sinh xương máu cho cái đại cường-quốc này cả nên chúng ta không được tiền nhân của người Mỹ hậu tạ."

Ông thầy lại nói:

"Đi là dại. Mình ở lại cũng chẳng ai làm gì mình hết. Nhưng bây giờ cũng hãy còn kịp: Con tàu Thương-Tín đã chở 5 ngàn người hồi hương. Những người hoảng hốt bỏ chạy đó, nay đã trở về nước mẹ. Các bạn nên nghĩ lại. Nước Viêt Nam nay đã thống nhất, nhưng sao các bạn lại điên rồ cà -chớn vượt biển. Mỹ mất tiêu một tỉ đô-la cho cái cục cưng chiến tranh Việtnam của quý vị rồi".

Ông thầy phản chiến nhìn mấy tị nạn già, nói giọng xuống đường:

"Bác đi, bỏ lại nhà cửa cỏ nghiệp. Lúc khổ cực vì chiến tranh thì bác ở, lúc sung sướng thống nhất có được một quê hương thênh thang hai miền Nam-Bắc nhập một thì bác đi.."

Tị nạn bóp tay, hoặc bẻ ngón tay, máu gầm lên trong động mạch nhưng cố tốt nhịn. Một tháng nay, riêng trong cộng đồng tị nạn người Viêṭ ở trại A-san đã xẩy ra sáu vụ ẩu-đả, trong khi đó, cộng-đồng Miên và Lào được đài phát thanh ghi nhận không có đập lộn la-ó. Người xưa đã truyền miệng lại rằng Cụ Mạc Đĩnh Chi đi sứ nghe người Tàu nói: "Dân An-Nam, vóc thì nhỏ, tầm thì ngắn, nhưng khẩu khí rất hùng hậu khi phê bình đời tư của kẻ khác và mặc cảm tự tôn qúa lớn. Ngày hôm nay, sống chung trong trại tị nạn, người Việt Nam dào dạt một nguồn cảm hứng khi xoi móc nhau và tung tin đồn: Đàn ông Mít mình sang Mỹ loãng xương long gối hết rồi, teo rồi chứ không to như hồi xưa nữa. Bậy nào, ai chứ tôi thì chẳng bao giờ móp méo cái cục cưng gì trơn.. Không tin cứ thử đo coi cho biết. Dù gì dẫu gì, thì đàn bà cũng là Thị-mẹt, Thị Mầu, thị Nở... quý báu chi. Nghe tôi kể đây: Đầu tiên khi vừa đến Mỹ, đàn bà Viet Nam mê Mỹ qúa trời; nhưng sau đó, lại quay về với đàn ông Việt Nam liền.. vì hạm-đội Mỹ ngoài khơi vớt hàng chục thuyền-tàu vượt biển chở toàn vịt xiêm đực.. vì miền Nam vụt mất qúa nhanh, lính phải bỏ chạy ngay không kịp về nhà lấy theo vợ con nên cái xác thịt ngon béo của mấy Thị Mẹt, Thị Bẹp tại hải ngoại mới hấp dẫn còn hơn món Đỉm-Sấm ở các tiệm Tàu. Một ông bác sĩ nà o đó mà phải lấy một bà thợ may vì trống thừa mái thiếu. Vậy, tội đách chi mà ta phải lấy Mỹ khi ta có thể dễ dàng lấy một ông lớn Viêt Nam.

Hai tuần sau, trại tị-nạn lại có tin mới: Đó đó, hãy nhìn cái ông bác sĩ người Nam đó, người miệt vườn Bà -Rịa đó.. đàn ông mà lại rẽ đường ngôi chính giữa cái đầu, đàn ông con trai phải rẽ đường ngôi một bên chứ ai lại chia đầu tóc ra làm hai phần bằng nhau như cán cân công lý rứa. Khi còn ở tại Bà Riạ, khi ông ta vừa mới tốt nghiệp thì được một gia đình giàu có kêu gả con gái, hứa sẽ hồi-môn một phòng mạch với đầy đủ dụng cụ y khoa. Mười ngày sau, cô gái về nhà cha mẹ và khóc i-ỉ, ông bà via mới hỏi tại sao, cô ta khai: "Mười đêm nay, anh ấy ngủ riêng đâu có đụng tới con.. vì.. vì trong cái phòng mạch mà tiá-với-má làm của hồi môn cho con đó... không có cái máy chụp hình phổi tức là cái máy-rọi."... ừ ừ... đúng đa, mấy cha bác-sĩ là rứa đó... cưới tiền mặt, cưới vàng làm vợ... người Huế tui có câu nói: "Hai hạng người ăn ở ác đức nhất là mấy ông quan toà và mấy ông y-sĩ... con cái của họ rồi sẽ mạt"..." Ôi thôi, dẹp chuyện mấy ông bác sĩ Huế và ông bác sĩ Bà -rịa với cái máy-rọi lại đi.. Sang tới đây rồi thì đốc-tờ, tu-bíp... gì gì cũng bị sung công làm việc từ thiện trong trại tị nạn hết.. Mỹ họ phát quần áo cho tị nạn, phát toàn quần áo mặc ngoài thôi, chớ không phát đồ- lót... thành ra mấy thằng nhóc Cu tý Cu tèo Cu toét không có xì líp để mặc bên trong cáí quần tây... Ui chao.. ngày nào cũng xẩy ra tai nạn kẹt chim vào cái phẹt-ma-tuya. Cha mẹ của mâý thằng Cu tý, Cu Tèo, Cu toét đó phải bế chúng nó vào trại phát thuốc xuýt xoa xin mấy ông bác sĩ làm ơn kéo con chim chân chính của chúng nó ra khỏi cái phẹt ma tuya... Thôi mà, chuyện mấy ông bác sĩ tham tiền là chuyện xưa từ đời bà Rịa, bà Bầu, bà Hom, bà Hạc, bà Queọ, bà Tà-lơn... chứ bây giờ trong trại tị nạn này, bao nhiêu ông bác sĩ đang làm việc thiện nguyện khám bệnh cho đồng bào tị nạn."

Hai tháng rưỡi sau, nhiều cặp vợ chồng lục-đục bỏ nhau, một bà vợ nói: "Anh mà yêu tôi ư? Anh quậy tôi thì có. Tôi đã cảnh cáo trước với anh, anh ngỡ rằng tổ quốc trọng nam khinh nữ, anh nện kềnh kềnh cái tấm thân thông minh nhất nam tử của anh để mà đè ép tôi, tôi sẽ cắm cho anh một cái sừng... Ở đó mà đàn ông thông minh nhất nam tử"

Ông chồng cãi:

"Nếu các cụ ông nhà ta ngày xưa mà không thông minh nhất nam tử thì làm sao họ đa thê được? Họ phải làm được cái chi đó ngầu lắm thì đàn bà, kẻ trước người sau mới chịu chui vào đời vào đùi họ để mà đè nhau chơi chứ. Đàn ông phải là kẻ đè đủ năm thê bảy thiếp chứ không ông nào chịu chơi với chỉ một bà mà thôi. Các gia đình ngày xưa, bốn năm bà cùng lăn xả vào cho một ông đè, họ ghen tuông nhau, bà nào cũng muốn một mình ăn nguyên một cái chả-giò, một cái gỏi-cuốn. Tục lệ đa thê có được từ xưa là do tại đàn bà, đàn ông đã chịu một tá tiếng oan..."

Một tuần sau trong giờ học Anh văn dưới bóng cây, thân cộng lại kiếm chuyện:

"Việt Nam thống nhất... một phép lạ chưa từng có trong lic̣h sử."

Mấy vượt biển độc thân đứng lên nạt:

"Vậy sao không cút về với Cộng sản đi ông cố nội. Đứng đó mà nói dại, chúng ông đập cho văng bựa ra trong quần bây giờ."

Sau khi thân cộng bỏ đi, một giáo viên khác đến dạy cách chia động từ bất quy tắc và chép lên bảng bài thơ nhỏ:

Roses are red
Violets are blue
But they don't get around
Like the dandelions do
Slim Acres.

Hoa hồng màu đỏ
Hoa "đừng-quên-em" màu xanh
Nhưng chúng không mọc khắp nơi
Như hoa dandelion sắc vàng.

Giáo viên viết xong, nói:

"Bây giờ đến phiên cả lớp hãy hát tặng tôi một bài ca Viêt Nam hay thật là hay đi nào."

Một lính đa tình đứng lên:

"Chúng ta hãy hát bài Việt Mam Việt Nam của Phạm Duy. Trong bài này, Phạm Duy quẳng vào bao nhiêu con chữ Việt Mam Việt Nam, nên hát bài này Mỹ nó nghe nó hiểu được mấy chữ đó, chứ hát bài khác Mỹ nó đếch hiểu. Phạm Duy sáng tác ra ca khúc ni là cốt để cho chúng ta hát trong hoàn cảnh này."

Cả lớp hát xong, một học trò hỏi thầy giáo:

"Ra ngoài, người Mỹ có cho chúng tôi học Anh văn hay bắt chúng tôi đi làm liền.?"

"Có ngân sách nuôi người tị nạn học English, học nghề. Các bạn sẽ kiếm được việc làm sau đó để dành tiền mua nhà thực hiện giấc mộng Mỹ."

"Kiếm việc làm ở văn phòng có dễ không? Ngày còn ở Saìgon tôi là thư ký đánh máy."

"Đánh máy chữ cũng giống như đi xe đạp. Nếu các bạn đã biết từ trước, thì các bạn sẽ nhớ lại ngay sau một lúc ngồi vào"

Một nữ tị nạn hỏi:

"Chúng tôi đến từ một nước nóng, mà Hoa Kỳ thì qúa lạnh. Chúng tôi không có tiền mua thịt bò ăn cho ấm, liệu chúng tôi có bị ho lao không?"

Giáo viên vội cười :

"Người Mỹ lập quốc trên tuyết, đức tính chịu lạnh là niềm tự hào của họ, chúng ta nên tỏ ra cho họ thấy rằng trời mùa đông Washington cũng thi vị lắm chứ bộ.."

Tị nạn lại đặt vấn đề:

"Chúng tôi có đi hái dâu được không?"

Gíáo viên giảng:

"Hái dâu strawberry thì phải nằm... cũng không phải là nhàn. Cây dâu thấp như người ngồi nhưng gia chủ cấm không cho mình ngồi mà hái mà phải nằm, vì họ sợ nếu mình ngồi thì bể đầu gối, họ phải chở mình đi nhà thương điều trị tốn tiền của họ. Họ còn cấm mình không được đứng dậy đi, mà phải nằm và bò lê bò lết từ bụi cây này đến bụi cây khác trong biển dâu rộng, và mình phải hái lanh tay, vừa giựt vừa ngắt vừa vồ như ăn cướp, mình phải mau thật là mau mới đúng với chỉ tiêu mỗi ngày phải hái mấy trăm pound gì gì đó."

Tị nạn cứ hỏi lung tung:

"Vậy thì chúng tôi đi hái trái cherry... okay?"

"Hái cherry không phải là một nghề. Trái cherry nhỏ mà nặng, ai thấy cũng thèm. Bạn đợi đến giữa mùa, lúc đó, các tay nhà nghề đã hái hết những quả to rồi, cherry chỉ còn lại những quả không to, bạn vào vườn hỏi mua, gia chủ sẽ đưa cho bạn một cái túi nylon, bạn trèo lên cây, bạn vừa hái vừa ăn ngay tại chỗ, và bạn cứ hái hoài cho đủ một số lượng nào đó, bạn có thể hái cả ngày, 50 hoặc 70 pound, gia chủ sẽ cân và bán cho bạn mỗi pound chỉ bằng 1/5 giá cherry bán ngoài thị trường... thí dụ, mỗi pound chỉ 50 xu."

Tị nạn lại thắc mắc:

"Chợ Tàu có gần đây không?"

Ông thầy tươi cười:

"Ngày ra khỏi trại, các bạn nên làm và i phát chả-giò Sàigòn đãi ân nhân bảo trợ. Ngay bây giờ, mấy bạn có thể đưa tiền nhờ tôi mua giúp mấy bạn vài xấp bánh đa và bún Tàu. Chợ Tàu ở rất xa đây."

Tị nạn về trại moi tiền đưa ra nhờ ông thầy mua hộ hai thứ đó, không nghĩ rằng bánh sẽ mốc và bún sẽ mọc râu vì để lâu trong trại nóng. Tị nạn tin chắc rằng: Sàigon còn mãi, và chả giò sẽ còn với Sàigòn, ta đã quyết ra đi vì giấc mơ Mỹ, nếu ta nuôi mộng mua nhà thì ta ơi, sao không làm trăm cái chả-giò bưng đến nhà thờ đãi bảo trợ ăn..

Hơn mười năm sau, thầy trò tình cờ gặp lại nhau trên đất khách, ông thầy ôm lấy học trò, bảo:

"Chả-giò Sàigòn tuyệt lắm, ngon hơn chả-giò đương-đại Trung quốc Chinese egg roll, beó hơn chả-giò Phi lumpia, bùi hơn chả-giò Đài Loan ."

° ° °

Gia đình Tâm nằm vùng tại trại tị nạn cho đến ngày đóng cửa thì được một cơ quan truyền giáo bảo trợ ra ngoài bao nuôi ăn ở trong một apartment thuộc vùng phụ cận Los Angeles.

Sau khi dọn dẹp, kê bàn ghế, Tâm chải tóc bước xuống tầng lầu dưới, gõ cửa một căn hộ.

Người đàn ông Mỹ mở cửa ra. Tâm ngậm câm một cục, nàng đã cho con mèo mượn cái miệng nên không nói được một câu. Đó là Jeffrey... cao to và hiền, phụ bếp ở trại tị nạn.

Một lát Tâm cố nói:

"Gia đình tôi mới dọn đến, ở lầu trên... không ngờ ông cũng ở đây.. xin ông.. xin ông..."

"Xin cô cho tôi biết cô muốn hỏi tôi câu gì?"

"Xin hỏi ông gần đây có ngôi nhà thờ nào không?"

Người đàn ông lạ ấy không phải đồng hương, khác quốc tịch, khác màu da, nhưng cùng chung một thế giới, một quả đất, một bầu trời, trả lời chậm:

"Nhà thờ St.Humphrey chỉ cách đây hai block."

Chiều hôm sau, Tâm đi công chuyện về, mới vừa nằm xuống đọc vài trang truyện dài thì có tiếng gõ cửa. Tâm ra mở. Jeffrey dáng dài, vai rộng, ̣đứng đó.

"Cô Tâm có cần hỏi tôi điều gì nữa không?"

Tâm không soạn bài trước, không có sẵn câu hỏi. Chợ, chùa, nhà thờ, nhà thương, nhà quàn, phòng mạch nha khoa, trường học, sở bưu điện... đều biết cả rồi.

Jeffrey không đứng lâu, bỏ đi. Sáng Chủ nhật, người lạ ấy lại đến và nói:

"Cô còn muốn hỏi tôi câu gì nữa không và cô có cần tôi giúp cô cái gì không?"

"Xin cám ơn ông, gia đình tôi đang sửa soạn đi lễ nhà thờ."

"Tôi xin đưa gia đình cô đi nhà thờ."

Trước giải phóng 75, một chiến sĩ tiền đồn về phép cưới Tâm là m vợ được năm ngày trăng mật, rồi đêm sau đó chàng trở ra chết tại mặt trận Bình Thuỷ; hiện tại Tâm sống cùng cha mẹ trong lòng chậu Los Angeles. Buổi sáng ở đây, sương gió an lành, chén cơm điểm tâm nàng ăn pha màu tươi đẹp như cuộc đời nàng sẽ làm lại.

Jeffrey hiện ra mỗi buổi chiều để trả lời những câu hỏi, để giúp đỡ những điều cần. Chàng đề nghị cùng Tâm đi shopping, và đi dạo để nắm tay nàng khi họ bước bên nhau dưới hàng cây hiền lành đứng bên bờ hồ ngó họ. Tay chàng khô và ấm và mềm, che chở bàn tay nhược tiểu của Tâm. Thật dễ tin rằng chỉ một cái nắm tay của chàng mà toàn thân thể Tâm xóc mạnh với hai ba cái run...

Tâm không hề lên cân, nàng nói trong mơ:

"Tình yêu thơm như nước mắm quê hương em. Cắn một miếng nem rán, hay nhai một miếng bánh pizza, hoặc ăn Mcdonald, em cảm-tưởng như nghe một tiếng pháo nổ nhỏ trong miệng."

Jeffrey trầm lặng, trông chàng không lanh như đàn ông Việtnam, Tâm tiếp:

"Và em sẽ cho anh ăn phở mãi đến hỏi thở cuối cùng của đời em."

Rồi Tâm lãng mạn :

"Em thích đọc văn chương đủơng đại và truyện ngoại quốc Mỹ vừa mua của Phi-châu 25 ngàn con voi.. em muốn coi voi cười và nghe voi hát.. Giọng voi hát trủ̃ tình hơn tiếng ca của chó, khúc ngâm của mèo và điệu hò của cá dolphin."

Jeffrey trầm lặng, trông chàng không lanh như đàn ông Việtnam, Tâm tiếp:

"Em biết vẽ tranh tĩnh vật, nghĩa là vẽ những vật thường thấy như hộp cá sardine, con thằn lằn, con kiến lửa, con gián."

Jeffrey cười hỏi:

"Vậy thì tranh động vật có phải là bức hoạ những con vật nhúc nhích trên bưć tranh không em?"

Tâm giảng:

"Em không biết."

Tâm tiếp:

"Em có hai khuôn mặt: một, để em nhìn cái đẹp và một, để em nhìn bổn phận."

Và Tâm nên thơ:

"Em đổ bụi đời vào thùng rác. Em làm bếp. Em không cười xuân, không hờn hè, không hoài thu, không buốt đông, và không bao giờ em kêu ba tiếng: em yêu anh... trong kiếp này."

Một tháng sau, hai người cưới nhau tại nhà thờ St.Humphrey, ước mong một đời mãi mãi bên nhau trong ngôi nhà mùa đông chỉ mở máy sưởi 62 độ, trong mùa hè mát, trong mức sống cao, trong hạnh phúc nhiều... vân vân.. Jeffrey là công chức lớn của hãng điện thoại Verizon, thỉnh thoảng trực ca đêm để thanh tra toàn bộ đường dây và kiểm soát nhân viên dưới quyền..

Những chiều cuối tuần, hai người cùng cởi giày bỏ dép ra, để đi chân đất bên nhau trong nhà hoặc ngoài vườn. Những ngày trong tuần, buổi trưa nào Jeffrey cũng về ăn cơm nhà, Tâm nấu nồi cơm tình nghĩa: đong một chén gạo nanh chồn, cởi bốn chiếc nhẫn hột xoàn ra khỏi tay để vo cho sạch cám. Tiếp theo,Tâm bắt son chảo làm ba món căn bản: xào mặn canh. Đúng 12 giờ, Tâm cắm nồi cơm điện. Nửa giờ sau, nồi cơm vừa chín tới thì Jeffrey về tới nhà. Tôi cho chồng ăn hạt cơm vừa chín tới; tôi không bao giờ bắt chồng ăn cơm nguội đem hâm nóng lại. Ngày nà o tôi cũng nấu hai nồi cơm trinh trắng chứ không phải chỉ một. Nồi cơm xới ra được bốn chén. Buổi điểm-tâm, tôi xay đậu nành làm sữa uống ấm bụng.

Buổi cơm tối, gạo phải vo lúc 4 giờ chiều rồi ngâm nước lạnh. Gạo phải ngâm trong nước mát đủ hai tiếng, giống như con trâu phải trầm mình trong bùn hai giờ mỗi ngày để khỏi phát điên lên vì cái cày nặng và ông Trời nóng. Buổi cơm tối phải ăn trước 7 giờ, nếu để muộn hơn mới ăn thì mới hơn 50 tuổi đã phải nhuộm tóc rồi.

Bà bạn người Huế lanh chanh nói:

"Rứa là sai công thức.. cơm vừa chín tới không dẻo, phải để lâu hơn trên bếp điện một chút cho cơm ráo nước, dẻo và mềm hơn."

Nếu Jeffrey làm ca khuya thì ngày đó, Tâm đổi giờ làm bếp: Mười giờ đêm, Tâm nấu cháo hoặc xúp đậu-hũ. Giữa khuya, Tâm mang tô cháo vừa chín tới với đĩa đồ xào vào sở.

Jeffrey cầm tay Tâm:

"Vợ cho gì, ăn nấy.. nhưng.. please... đừng bắt anh ăn canh măng chua. Em đừng muối măng chua trong nhà và đừng mua măng muối chua ở siêu thị đem về nhà ."

Đôi má da màu, một thân hình không mập dù ngày nào cũng ăn thịt với gạo thơm đầu mùa và một thoáng kiến thức về kinh Phật cùng sách Khổng Mạnh.. Tâm còn chộp thêm một cái lộc khác trời thiên vị cho riêng Tâm, là ai mới gặp nàng lần đầu tiên cũng thích ngay. Muốn được thích như vậy, người xưa dạy rằng phải thực tập, phải thao diễn chăm chỉ, phải học thuộc lòng những lời hay ý đẹp, đừng bao giờ tơ ra lanh và khôn khéo vượt hẳn người khác trong khi nói chuyện, mỗi đêm phải soạn bài kỹ về phương châm xử thế để sáng mai đem ra áp dụng: Muốn được yêu thì mình phải yêu trước đã, không giận, không thù, không ghét bất cứ một ai, phải dễ chịu, dễ chơi, dễ thương, dễ mến. Sau chót, phải ra tài gia chánh: nấu ăn ngon và nhanh, chịu khó đứng lâu trong bếp để nấu phở Bắc, bún bò Huế, mì Quảng, chả giò Sàigon. Bếp thân thương và bếp thơm phức... đà n ông khoái ăn phở, đàn bà thích bánh bột lọc.

Jeffrey nhìn Tâm luộc bún, nói:

"Cuối tuần này, anh sẽ mời 51 người bạn đến nhà thưởng thức món phở Bắc của Viêtnam. Em nấu cho anh nồi phở gia truyền thơm mùi thuốc đông-y nhé."

Tâm trả lời:

"Cái gì chứ nấu phở là nghề của nàng mà. Chúng ta có vườn rộng đủ chỗ để tiếp khách."

"Em đang mang thai, cũng nên cử động chân tay chút ít."

Tâm cười:

"Sức khoẻ em tốt lắm"

Nhưng Tâm rên thầm: "Cái giọt máu Mỹ sao mà nặng. Cái hột giống Hoa Kỳ sao nó to như một trái mít Viêtnam. Nó đạp mạnh như bào thai của một con voi Phi châu, nó nhúc nhích hoài như một con lươn chưa um xì dầu."

Rồi Tâm nói:

"Sao tôi lên cân chứ không sụt ký, sao tôi được uống thuốc bổ thuốc bệnh. Tôi có xe hơi để lái đi làm tóc, tôi ở nhà lầu và thừa tiền gửỉ nhà băng, tôi sức khoẻ có dư. Còn chồng tôi thì làm việc đêm làm việc ngày, lao động tâm não mà mặt mày không hề nhăn nhó."

Tiếng đồng hồ kêu tick-tick trên tường nghe như những mảnh vụn thời gian đang rớt xuống quả đất cứ quay hoài và u hoài.

Tâm tiếp:

"Sao tôi không mệt phờ, sao tôi không hốc hác như anh sau mỗi ngày là m việc, và sau mỗi đêm thức trực?"

Jeffrey hỏi:

"Em muốn đi du lịch Trung Quốc không?"

Tâm lắc đầu:

"Sống sung sướng qúa như em là có tội. Em không thiếu một cái gì hết, đời em đầy đủ như cái tủ áo của em."

Jeffrey cương quyết:

"Anh bắt buộc em phải đi vacation nghỉ ngơi"

Tuần sau, Jeffrey đưa Tâm đi Seattle chơi. Trên phi cơ, Tâm chỉ nghĩ đến Saigon, nghĩ đến mấy thứ ngọc-ngà vùng Viễn-đông: Ngọc bích, ngọc trai, và ngà voi nhiệt đới..

Nàng bảo chồng:

"Sàigon vốn được gọi là Paris của vùng Viễn-đông, một thành phố ngọt, một trung tâm du lịch sang trọng nhất châu Á. Màu sắc của trái cây làm da thịt Sà i-gon sáng óng lên.. nhưng mỗi một ngày, Sàigon lại đông nghẹt người và ùn ùn các loại xe gắn máy, xe đạp-điện, nên Sàigon bụi rác và đổ mồ hôi hột và trong mồ-hôi Sàigon có mỡ béo, có muối i-ốt."

Sau giải phóng, đàn ông Sàigòn túa ra đường nhiều hơn đàn bà, đại lộ mất qúa nhiêù khoảng trống, lề đường không còn thênh thang.

Tâm thương nhớ những con chó Saigon chạy theo sau những chiếc xe ba bánh chở trái cóc và tráí chùm ruột. Tâm thâm thù và sợ hãi bọn người dã man ăn thịt cầy, công khai đạp xe đi bắt chó ngoài đường. Tâm khó chịu khi đọc một bà văn sĩ Mỹ đã viết rằng người Viêtnam xưa kia vốn chỉ ăn nhái sống chấm với ớt hiểm và để dành lửa trong cái sọ dừa khô. Nhà văn đó còn bảo rằng Việtnam mang nặng ân tình bảo hộ của người Pháp trong cách kiến trúc nhà cửa và trên những mảnh giấy viết thực thực-đơn kê khai món ăn. Bàn tay người Pháp đã sờ và vuốt ve Viêtnam cho đẹp hơn lên. Với Việt Nam, thực dân cũng là ân nhân.

Buổi chiều đi chơi núi Rainier về phòng trọ, Tâm thấy quý vị trong bộ biên tập toà báo Đất-Mới đứng bên ngoài và một ông Mỹ say ngồi trên ghế tay cầm ly rượu.

Chủ nhiệm báo Đất-mới chỉ tay vào căn phòng số 6B để giảng cho Tâm hiểu:

"Đồng-hương mình tổ chức khiêu vũ ở bên trong, ông Mỹ này tới đây đánh ghen vì vợ ông đang nhẩy đầm với Việt-kiêu trong ấy. Cả toà báo Đất-mới bị ông ta lôi đi dự vụ bắt ghen này.."

Chủ-bút HQ im bặt ngay vì ông Mỹ say hét lớn:

"Tôi hạ lệnh cho tất cả những người có mặt ở bên trong hãy đứng dậy ra về và từ nay cấm không được đến đây tụ họp nữa. Nếu các ông là người Đại-Hàn, người Lào, người Miên hoặc Tàu hoặc Nhật, Mã-lai, Indonesia, Thailand vv...thì hãy đứng sang một bên, tôi không làm gì quý vị hết.. Riêng các tên đàn ông Viêtnam thì hãy cởi giày dép ra, tụt vớ, tụt bít tất ra cầm ở hai tay dong cao lên và quỳ xuống mà đi bằng hai đầu gối. Tôi tự giới thiệu tôi có vợ Viêtnam sinh được một đứa con.. và một bào thai hiện đang nằm tại chỗ kín...

Khi tôi mở cánh cửa này ra thì quý vị Hàn-quốc, Trung quốc, Lào, Miên, Mã, Xiêm, Hời .. cứ thong thả đi ra, với thẻ căn cước hoặc bằng lái xe cầm ở tay chứng thực quý vị là người nước nào. Còn các tên đàn ông Việtnam thì phải bò phải lết không được đứng dậy. Bỏi đàn ông Viêtnam đã dê vợ tôi và dê những người đàn bà Viêtnam khác lấy chồng Mỹ. Tại sao vậy? Tại sao đàn ông Viêtnam dê xồm vợ tôi và vợ của đàn ông Mỹ khác vậy? Còn đàn ông Miên, Lào, Thailand, Tàu... thì tôn trọng lễ giáo Khổng Mạnh, không làm chuyện đó? Tại sao đàn ông Viêtnam mắt la mày liếc vợ Mỹ vậy? Tại sao đàn ông Viêtnam cứ tìm cách gặp mặt vợ của người Mỹ hoài vậy? Tại sao đàn ông Việtnam cứ điện-thoại cho vợ tôi hoài vậy? Tại sao đàn ông Viêtnam cứ ưa đớp vợ của người Mỹ vậy? Cứ nhè vợ của người Mỹ mà buông lời thư thi âm- dương? Đàn ông Vietnam... đêm đêm các ông ngủ với vợ nhưng lòng ngoại tình nghĩ đến vợ của chúng tôi. Đây, tôi xin đưa ra một thí dụ điển hình nói về dục tình của đàn ông Viêtnam mà tôi đã đọc trong một bản tin của hội thánh Tin Lành trong số báo ra ngày 27 tháng chạp năm 1977, cách đây hai tuần lễ:

"Một thuyền nhỏ bằng gỗ chở hai mươi bốn người Viêtnam vượt biển vừa đến được Phi Luật Tân, trong số thuyền nhân đó có một người đàn bà vừa có bầu được hơn một tháng rưỡi, khoảng tám tuần lễ. Người đàn bà này vượt biển cùng với chồng và ba con, lênh đênh hơn hai tháng trời trên mặt nước và đã mang bầu trong thời gian đó.

Uỷ ban bảo trợ lấy là m lạ là tại sao trong những giờ phút nguy nan gần kề cái chết trên biển dữ như vậy, và trong một chiếc thuyền gỗ nhỏ đông người chen chúc như vậy mà người chồng Việtnam lại có thể đè vợ ra làm tình đến thụ thai."

Tên Mỹ hắc hắc cười:

"Vậy là hai vợ chồng này đã trần truồng trước bao nhiêu cặp mắt và... và đã làm tình mà không biết mắc cỡ trước những cái nhìn của trẻ con... Đà n ông Viêtnam đúng là... cứng hơn ai hết, cứng hoài bất cứ lúc nào, nơi nào."

Chủ bút báo Đất Mới cải chính:

"Ông hiểu lầm rồi. Người Việtnam vượt biển trên thuyền gỗ nhỏ, đã gặp hải tặc Tháiland. Và những người đàn bà đẹp đã bị hãm hiếp, chồng của họ phải nhận mình là cha của các bào thai đã thụ trong thời gian vượt biển. Thuyền gỗ nhỏ do người vượt biể̉n tự đóng lấy ra đi tìm tự do, không dá́m chạy giữa bể khỏi sóng bổ vòi, mà phải dong gần bờ biển, men theo con nước cạn nên mới gặp bọn chài lưới Tháiland ."

Tên Mỹ say quay lại căn phòng số 6B réo vợ:

"Tôi hỏi con mụ đàn bà ghê gớm, tôi yêu mày, bao nhiêu tinh trùng trong người tôi dành hết cho mà y chưa đủ sao?"

Tâm hỏi ông chủ báo:

"Anh dám đăng chuyện này lên báo Đất Mới không?"

Ông Vinh trả lời:

"Báo Đất Mới chả dám đâu... các cha nội sẽ kéo tới đập phá cho hư cả hai cái máy chữ... còn chi để đánh bài. Tờ báo chỉ nhận một chút tài trợ của tiểu bang thôi, để in ra và phát hà nh, nên bất cứ hội họp ở đâu cũng bị lôi đầu đến tham dự. Cuối năm nay tôi sẽ thôi tờ Đất Mới để̉ cho Mai Thảo làm chủ bút. Hắn ta vừa đến trại tị nạn Bi-đông."

Jeffrey kéo Tâm vào phòng, đóng mạnh cửa. Hôm sau Tâm thức dậy sớm, ngoài trời, đời sống vẫn chưa sáng.

Họ trở về Los-Angeles. Sau đó, Tâm sinh ra hai tí-nhau, làm chủ ba ngôi nhà. Jeffrey hỏi:

"Em còn muốn có con nữa không; nếu không, anh đi bác sĩ để cắt bỏ, hoặc cột lại.. Anh nghĩ rằng người chồng nên đoạn sản thay cho vợ vì khi nào muốn có con trở lại, người chồng sẽ đến nhà thương để tháo ra, hoặc gì gì đó.."

Tâm dụi mặt vào ngực Jeffrey thầm cám ơn người chồng chịu để dao kéo mổ xẻ đụng đến thân thể thay cho nàng.

Một hôm Jeffrey bảo:

"Sáng thứ hai tuần tới, sở tổ chức bữa ăn sáng, anh cần em làm cho anh ba khay cơm chiên lạp xường và tôm tươi để anh mang vào sở đãi nhân viên."

Một người bạn kéo Tâm đến xin yết kiến Hoà Thựơng Thích Mãn Giác tức Thi-sĩ Huyền Không nhân dịp Thầy đến Seattle làm Phật-sự và sau đó, hỏi thăm tin một Phật-tử. Người này có một đứa con trai được chính phủ Hoa Kỳ trả lương thật hậu để đi theo nhóm trí thức trở về nước phản tuyên truyền, trong thời hạn 4 năm. Chiến dịch lạnh này do Mỹ đưa ra, bác lại chiến dịch lạnh ở Việt-Nam khuyến khích dân chúng vượt biển của Cộng-sản.

Thầy Mãn Giác bảo Tâm:

"Chùa nghe nói chị Tâm và anh Phan Văn Lương sẽ cùng đi với phái đoàn Phật giáo về Việt Nam phát chẩn gạo cho đồng bào."

° ° °

Một ngày tuyêt́ tan, Jeffrey dẫn Tâm ra bờ hồ ngồi trên ghế đá nhìn mấy con ngựa nhai tuyết, tụi ngỗng Canada tắm dưới hồ, một đoàn lục bình run lạnh đứng xúm xít vào nhau. Bên cạnh Jeffrey, Tâm như nghe được tiếng reo của sức khoẻ, như nếm được nhưạ sống, như hôn được cái đẹp của giống đực để tình nghĩa phu thê bung nở với hy vọng vươn lên trong tiếng hát du ca.

Chàng hỏi:

"Mỗi lần về Vietnam, em có chích ngừa không?"

"Không, tại sao em phải để mũi kim nhọn phập vào da thịt em? Chích ngừa là có lỗi với Sàigòn, là làm mất lòng đồng bào đang ở lại với Sàigòn dơ dáy và vi trùng."

Jeffrey nhẹ bảo:

"Luật quốc-tế nói rằng ai đến Nam Mỹ, Mexico, Châu Á ngoại trừ Nhật Bản, Châu Phi và Bắc Âu... đều phải chích ngừa ."

Việt-kiều naò về nước cũng chích ngừa đủ thứ: thương hàn, tetanus, viêm gan, quai-bị, sưởi, iả chảy, ho gà , sưng phổi, lở đít.

Hảo, người Huế, cũng bảo Tâm:

"Phải chích ngừa cả mấy thứ đó, Tâm ơi, và phải... ngừa thai nữa"

Tâm cười:

"Chị lo ngừa thai cho cái thân chị đi."

Rồi Tâm nghiêm giọng:

"Lần này, em về Viêtnam với mục đích thăm mấy chàng thương-phế-binh, chị có đồng nào bỏ ra để em đem về giao tận tay gia đình chị. Chị còn lại bên quê nhà cả một đống chị em ruột thịt, máu mủ, xương da, dạ dày, lông tóc."

Hảo phụ hoạ:

"Tôi còn sáu chị em bị tôi bỏ lại không đem qua Mỹ. Ai sang Mỹ cũng đi cày để mua được ít nhất một cái nhà.., tôi đã đánh mất tại Mỹ sáu ngôi nhà đáng lẽ thuộc về tay sáu chị em tôi."

"Vậy thì lần này, chị phải gửi về cho gia-đình 200 dollars... em bù thêm 800 đô cho đủ một nghìn."

Đang nói chuyện, Hảo nghe tiếng điện thoại réo ở đầu dây bên kia, Tâm kêu vội:

"Em có người kêu viễn liên... lát nữa em sẽ gọi lại chị"

Một giờ sau, Tâm gọi lại:

"Phan Văn Lương gọi em. Cha nội này em quen từ ngày còn trong trại tị nạn. Hồi đó, dân tị nạn ưa hỏi xin địa chỉ của nhau để sau khi xuất trại sẽ tìm gặp lại nhau."

Tâm nói tiếp:

"Nhưng Lương là kẻ đến sau... Jeffrey gặp em trước mất rồi."

Năm kia, Tâm thải ra một lô áo quần cũ để cứu trợ Hảo. Thân hình Tâm cong như một cánh cúc gầy với hai trái ổi chín mềm nằm núp dưới áo dài.. còn Hảo thì ốm đói, khô rốc khô ráo như tôm khô ai về Việtnam cũng nhớ mua... nhưng lại to ngang nên quần của Tâm thải ra, Hảo mặc vừa.

Jeffrey lại nhắc:

"Anh không thể để em về Vietnam mà không chích ngừa."

Tâm cãi:

"Em về thăm quê-hương em, cho dù sẽ bị viêm gan A, em vẫn không chích ngừa.. và em vẫn ăn rau sống xịt thuốc giết rầy..."

Jeffrey ngơ ngác, Tâm giỡn:

"Em về Viêtnam, ôi... em tiêu chảy, em nhiễm trùng, thấp khớp, ho gà, hen suyển, lòi rôm... Nhưng em không chích ngừa.."

Tâm và Lương về Huế đúng vào một ngày trời mưa kịch liệt. Mưa Huế lúc Tâm về thật hung ác và bạo hành, gió Huế rống to căm tức trước khi mưa bắt đầu khưng bố. Giọt mưa nhọn nỗi khùng đâm rách tàu chuối và xé lá chuối xác xơ. Huế lốc và Huế lụt. Mưa tấn công tới tấp và chừng hai giờ sau thì nước sông dâng bốn bề, người Huế chỉ vừa kịp leo lên mái nhà. Phan văn Lương đèo Tâm trên xe đạp chở đến nhà bà Phán Dần. Nhà văn Văn-Quang giới thiệu gần hai chục thương-phế-binh đến gặp Tâm và Lương. Tâm đem về ba mươi chai dầu gió xanh, hai chục chai Nhị thiên đường vạn ứng Nhị thiên dầu, sáu nghìn dollars và hai va li đựng qùa vặt... đủ để tổ chức một cuộc họp mặt văn nghệ. Các chàng thương-phế-binh này có người cụt hai giò, có người phải cắt bỏ một tay, nhưng ai nấy thắm thiết chào mừng Lương Tâm và vui nhộn gãy đàn thật điệu nghệ, tàì tử, oằn người đánh trống, trầm giọng hát ca, ngâm thơ, hò Huế, chỉ một mình Tâm là buồn tái-tê. Thật quê một cục. Một chàng biệt kích dù cụt hai chân hát tặng Tâm bài "Đèo Ba-Rền".

Tâm hỏi:

" Đèo Ba-Rền ở đâu vậy Lương.?"

" Quảng-Ngãi... một ngọn đèo sát nhân.. giết chết không biết bao nhiêu chiến sĩ anh hùng.".. Chiều vàng lên đeò, quân hùng ca reo."

Một chàng lính biệt-động, sống sót sau hành quân Lam-Sơn 719 kể rằng một tiểu đoàn biệt kích đóng ở Khe-sanh.. vượt biên giới qua Hạ-Lào, sau hai đêm giáp chiến với quân Bắc-Việt ở Tchepone, đã hoàn toàn bị tận diệt.. 500 chiến sĩ rằn-ri mũ đỏ đã bị giết trong hai đêm.

Phan văn Lương đứng lên:

"Đừng nhắc đến chuyện bại trận nữa; bây chừ, thiên hạ quên chiến tranh hết rồi, quên người lính miền Nam đã cam nhận cái chết và vui nhận số phận sau khi được sống còn. Ơn trên không công bằng, chính quyền miền Bắc nuôi quân đầy đủ cơm, cá, thịt, rau; chính quyền miền Nam cho lính ăn đồ hộp C-ration, lính miền Nam bị táo bón và trĩ lòi rôm, đuối sức, sụt cân. Bất công hơn nữa, dân chúng miền Nam, trước năm 1975, lại ủng hộ quân đội miền Bắc hết mình. Từ cuối thập niên 1960 đến 27 tháng ba năm 1973, liên-quân Mỹ-Việt tại miền Nam không hề thắng Cộng quân một trận nào cả."

Chiều thứ bảy, Lương và Tâm đi thăm lăng Tự Đức. Bầu trời chất đầy những đám mây đen nặng. Huế ơi sao Huế đau khổ vậy? Huế cứ mưa hoài. Huế ôm lấy dòng sông, cây cầu và những con đường áo trắng. Điệu hò Trước bến đã dứt nhưng đôi tai gái Huế vẫn còn hát.

Sáng chủ-nhật, Lương và Tâm đi cửa Thuận... rồi sau đó chia tay, mỗi người về một tiểu bang của nước Mỹ..

Tâm điện thoại cho Hảo:

"Trưa mai tui đón bồ đi ăn phở Hùng."

Buổi trưa mưa dứt, trời sáng nhạt, lá phong rụng ít nhiều trên mặt đường ban đêm có người phu quét dọn và dãy núi nằm cong lưng ngủ.

Tâm húp một muỗng phở, chê:

"Phở tiệm thua xa phở nhà em nấu. Nồi nước dùng của em không bao giờ qúa nhiều mùi thuốc Bắc và không bao giờ đắng mùi hồi."

Hảo kêu lên:

"Tôi xin thề từ nay không bao giờ nấu phở nữa, bởi vì tôi là một kẻ không bao giờ thất bại trong tình yêu mà chỉ thất bại khi nấu phở."

Rồi hỏi:

" Phan văn Lương là ai rứa ?"

Tâm tươi cười:

"Một kẻ em quen từ khuya, khi còn trong trại tị nạn. Chị... chị goá buạ... có thèm đàn ông lắm không?.. em nhường lại cho chị."

Hảo từ chối:

"Thôi cô giữ lấy để mà dùng.. Cô lấy chồng Mỹ nhưng lòng vẫn còn ấm ức, vẫn còn nuối một người đàn ông Viêtnam, vẫn muốn có một chút đàn ông ấy để ăn vụng."

Mùa đông sau đó, tuyết ngập đường phố cao tới nửa đùi. Hai trận bão khốc liệt quét qua, kéo theo bao nhiêu cỏn mưa dài. Hoa lilac nín nở, bồ câu xếp cánh không bay. Thời tiết cũng xấu như lòng người, gây cảm tưởng bực mình và khó chịu như đàn bà thấy tháng.

Tâm bỗng lên một cơn sốt không có triệu chứng báo trước, bị đưa vào nhà thương cấp cứu, bị bác sĩ cắt đi một khúc dồi trường gần hậu môn.

Hết một tuần lễ nhập viện, Jeffrey chở Tâm về nhà, cõng Tâm lên gác, bế Tâm bỏ vào giường, vuốt tóc, đắp mền lên tận cổ Tâm. Chàng đặt một cái chuông nhỏ cạnh gối vợ. Ban đêm, chàng trải manh chiếu gon dưới đất nằm cạnh giường nàng.

Jeffrey xin nghỉ phép hai tuần lễ và hiền lành nói:

"Anh đặt cái chuông gần cánh tay phải của em, anh nằm dưới đất để em ngủ cho dễ. Em cần gì, rung chuông, có anh ngay, em đừng mở miệng nói mà mệt."

Tâm ngồi lên định đi vào buồng tắm. Jeffrey bốc nàng vào đôi tay, bưng nàng vào toilet.

Sau khi mạnh khoẻ, Tâm xin việc làm ở sở y tế Hồng thập tự, thông dịch giúp bệnh nhân người Việt đi bác sĩ mà không nói được tiếng Anh.

Hai tháng sau, Tâm làm đám cưới cho con gái. Jeffrey bảo chàng rễ Mỹ:

"Không được quên sự có mặt của bà già vợ cậu đấy nhé. Cậu phải làm rể đúng theo phong tục Vietnam của bả. Cậu phải mặc lễ phục của triều đình Vietnam: áo thụng xanh may bằng gấm Tàu dệt hình chữ thọ, đội khăn đóng đen 5 vành, mặc quần lót bằng vải Tàu tám trắng, mặc quần dài may bằng vải quyến thô, thứ vải bình dân mà cựu Tổng-thống Thiệu đã mặc ngày mồng một Tết hồi xưa, chân cậu không đủơc̣ mang vớ bỏi vì cậu phải xỏ chân vào đôi giày hạ. Cậu phải ăn mặc y-chang một hoàng tử của triều đình Huế."

Tội nghiệp chàng rễ Andy, ông già vợ chỉ đâu đánh đó. Mặt chàng ướm rịn mồ hôi vì lễ phục Viẹtnam mặc nóng qúa.

Cuối Tháng ba, Tâm lại sửa soạn mấy va-li nặng về thăm quê hương Ninh Bình. Mấy mươi chai dầu gió xanh, chai Nhị thiên đường vạn ứng nhị thiên dầu và tiền mặt. Jeffrey tiễn Tâm tận phi trường, cân hành lý và ngồi bên nàng cho đến khi Tâm xếp hàng lên máy bay.

Phan văn Lương gặp Tâm ở sân bay Phú-Bài. Một qủa cười đa tình nở trên môi chàng khiến Tâm nhớ tới thi sĩ Cao Tần đã làm bà i thơ Một qủa cười đểu.

Lương bảo Tâm:

"Cô đau mới dậy nhưng trông vẫn đẹp như một MC đứng trước đám đông khán giả. Chắc cô sẽ bỏ nghể y-tá để làm xướng ngôn viên băng nhạc.."

Lương đèo Tâm trên xe đạp điện đến nhà bà Phá Dần nghỉ qua đêm. Tâm nằm bên cạnh bà Phán và tâm sự:

"Tại sao em lại lấy chồng nước ngoài. Tại vì răng mà em lấy Jeffrey? Nhiều khi gặp một người đàn ông Việtnam ngã ngựa, mất công danh sự nghiệp, mất niềm tin, em cảm tưởng như mình là người có lỗi và có trách nhiệm trong nỗi mất mát của người ta. Nếu em lấy một người chồng Vietnam thì có phải bớt đi được một tâm hồn xa xứ cô đơn không? Một oan hồn bất mãn không? Em bây giờ có muốn cưú ông nào cũng chẳng được nữa mà phải tự cứu mình mỗi ngày, cứu tất cả đỗ vỡ trong lòng em."

Bà Phán Dần cười:

"Tôi quen năm bảy bà bạn lấy Mỹ, họ ghé thăm tôi mỗi lần họ về nước. Họ bỏ bùa mê đàn ông Viêtnam một cách dễ dàng. Theo tôi nghĩ, bởi vì đàn ông Viêtnam từ ngàn xưa cổ tích, đã đa thê quen rồi, bây giờ đổi đời, họ bị hạn chế một lấy một, nên họ ức... họ muốn đòi lại chủ quyền, muốn giựt lại các bà từ tay thằng Mỹ."

Bà Phán Dần nói tiếp:

"Tôi nghĩ cô có tu từ kiếp trước: Khi đã qúa tuổi thanh xuân, cô lại lấy được ông Mỹ trẻ chưa lập gia đình lần nào, chưa có con riêng, chưa có cháu nội ngoại... nên cô lấy được luôn cả tiền bạc và nhà cửa của ông ta. Mấy bà khác lấy mấy ông Mỹ không ngon lành như ông Mỹ của cô.."

Tâm nằm đông cứng không trả lời, bà Phán nói dai:

"Cô còn nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau, cô nói với tôi rằng một ngày nà o đó cô sẽ bán bớt một ngôi nhà lấy tiền giúp bà con, đồng bào nghèo .."

Sáng hôm sau đôi bạn ra sân bay sớm. Sau đó, họ đi xe về những làng xa nơi người dân quê khổ cực ngâm mình trong nước bùn đục để mò cua, bắt ốc, lưới tép sinh sống từ trẻ tới già .

Rủ nhau xuống biển mò cua,
Đem về nấu qủa mỏ chua trên rừng.
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau.

Người dân bần-cố vươn mình đứng giữa thiên nhiên: một bên là rừng, một bên là biển. Để nấu tô canh, họ lội xuống biển bắt còng rồi bước và o rừng hái trái mỏ chua.

Khi Lương và Tâm quay lại Yên Bái, bà con giết một con mực thiết đãi họ: thọc huyết lấy máu đánh năm đĩa tiết canh, nhóm ba cái bếp lộ thiên để bắt lên ba cái thùng nấu con chó theo ba kiểu: một nồi cà -ri, một nồi nhựa mận, và một nồi thịt hươu thềm luộc.

Bà con trải ba chiếc chiếu dưới đất, bưng ra mấy đĩa dồi, bốn tô nhựa-mận, bốn tô cà -ri cay, và năm tô tiết canh. Cả đời Tâm chưa bao giờ gặp cảnh ngộ này. Nước mắt ứa ra, nước mũi chưa hĩ đã thò-lò. Hai đầu gối gập lại đánh cập vào nhau, khuỵ xuống, Tâm cố ăn rau sống thật nhiều nhưng bà con xúc mấy thìa tiết canh, gắp thịt cầy vào đầy bát nàng. Ai nấy chăm chăm ngó Tâm không chớp mắt, cố mời và vui sướng bắt nàng phải ăn cho được. Tâm gắp cục thịt lên, rồi bỏ xuống, muốn ngất xỉu đi ngay lúc đó mà không được.. Cuối cùng, phải đút cục thịt vào miệng ngậm lại và nhai và nuốt và nín ói.

Tâm nghĩ thầm nếu chồng con tôi biết tôi ăn thịt hươu thềm, chắc sẽ từ mặt tôi, và nếu bạn bè tôi biết chuyện này, không ai thèm chơi với tôi nữa. Tâm gục xuống như một cành lilac gãy dưới áp suất gió.. Tâm nhớ thời gian đầu mới sang Mỹ, gia đình nàng định cư ở Seattle, các nhà thờ Công giáo họp mặt lớn, mời ban biên tập báo Đất Mới đến dự. Các ông cha và viên chức cao cấp sở Welfare kịch liệt đả-kích người Hàn quốc, người Tàu, người Vietnam ăn thịt chó, họ bảo rằng ăn thịt chó là phạm một nửa tội ác sát nhân, trong tương lai sẽ có phiên toà xử tội ăn thịt chó.

Bộ biên tập báo Đất Mới mắc cỡ qúa ngồi im; lát sau, nhà văn Th.N. nói: "Chó Viêtnam xấu, chó Mỹ đẹp nên không bị ăn thịt. Ai sinh ra với một sở thích và lòng thương yêu chó mèo thì, với người ấy, chó mèo rất xinh đẹp, dễ thương. Ai sinh ra không có sở thích này thì, chó mèo đến bên họ, họ đá cho một phát."

Khi hai người thoát khỏi mâm thịt chó thì trời rất tối. Họ đi tìm một chỗ trọ tạm qua đêm. Phòng trọ êm vắng, không khí nhẹ nhàng thở. Bàn ghế mới lau, cành hoa cà -phê mới cắt đem vào cắm, cửa sổ có màn che mỏng trang trí gian phòng tăng thêm dương tính. Cái giường kê sát tường đúng với nguyên tắc khoa học lao động: Cái giường thấp để dễ dàng nằm xuống ngồi lên đứng dậy.

Lương quay người, kéo Tâm vào bụng mình rồi cúi xuống hôn miệng nàng. Tâm gạt ra, bảo:

"Tôi biết thế nào rồi cũng có cái màn này. Một nhà tâm lý nói: Vợ chồng là hai người bị Trời lấy dây trói lại bắt sống với nhau, vợ chồng phải giữ hoà khí, không gây chiến, hai bên tương kính, không la hét nhau. Jeffrey và tôi chung sống trên ba mươi năm đầm ấm, hắn nói với tôi những lời tốt, những lời hiền... Lương, gặp lại Lương, tôi yếu mềm thương mến Lương, nhưng trước giờ phút cám dỗ này... tôi xét lại cái tình nghĩa giữa tôi và Jeffrey: giữa hai vợ chồng tôi, không có một lần nào gây lộn, không nói với nhau một lời xấu; cho đến giờ này, giữa chúng tôi, chỉ thấy những kỷ niệm tốt hiện ra... chỉ thấy cái đẹp hiện ra... Nếu, nếu một hình ảnh xấu nào hiện ra... thì... thì lúc này, tôi thuộc về Lương.


Ngà y 27 tháng 11 năm 2008
Túy Hồng