có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 4 23, 2012

Tháng Tư





(Viết cho con LêHuy QuangMinh)


1. Tháng Tư

Tháng Tư. Trời Cali hanh nắng gợi nhớ Saigon nắng hanh. Cũng một vòm xanh ngắt điểm vài cụm mây trắng lửng lơ. Cũng phố phường tấp nập trong khu Bolsa-Westminster với những dãy nhà mái đỏ tường vàng chen chúc những mái đầu đen ra vào nhộn nhịp. Nơi đây là Tiểu Saigon, để nhớ Saigon năm xưa …


Saigon năm xưa, tháng Tư, 1975. Thuở đó tôi mới tròn mười tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới còn say mê những bộ tem sưu tập để mơ một ngày nhởn nhơ ngao du thế giới, hoặc còn chúi mũi theo sát những loạt truyền hình Mỹ Gun Smoke, Bonanza, Wild Wild West… có những tài tử vừa múa súng vừa bắn nhanh như chớp, hay còn mê những đường gươm thần sầu cú đấm quỷ khốc phép khinh công điêu luyện của các chàng Khương Đại Vệ, Địch Long trên màn ảnh Tàu. Tôi còn khoái những truyện hoat hoạ gián điệp phiêu lưu có chú chó nhỏ Rin Tin Tin, hay vùi đầu theo dõi những trò chơi kỳ thú của Dũng Dakao, Bồn Lừa, Loan Mắt Nhung … trong những tiểu thuyết của Duyên Anh, để cũng mơ có ngày làm được người hùng trừ gian diệt bạo.

Ký ức Tháng Tư trong tôi là một Saigon hốt hoảng hầm hập, từ những khuôn mặt đăm chiêu, những bàn tay run rẩy gói ghém, những bước chân cuống quít đôn đáo vào ra, những ánh mắt lạc thần thảng thốt, những làn môi mím chặt ngậm kín quyết định.

Những tin tức truyền đi từ nhà này sang nhà nọ, chưa kể những bản tin trên các hệ thống truyền thông truyền hình, về việc một số tuớng tá chạy có cờ, bỏ ngỏ từ Quảng Trị vào Huế rồi Đà Nẵng Điện Bàn Qui Nhơn lên các tỉnh Cao nguyên về duyên hải miền Trung. Những hình ảnh chạy loạn trên phà vượt biển, đạp đầu nhau leo lên máy bay, hàng hàng lớp lớp rừng người chen chúc với đủ loại xe kể từ xe tăng xe bò cho đến xe hơi xe gắn máy xa ba gác … đăng khắp trang nhất báo chí, được Má tôi theo dõi và cắt dành riêng một tập lẫn lộn những vệt nước mắt nhoè nhoẹt.

Những nét hỗn loạn đó in rõ trong tôi trên một nền trời Saigon xám khói đỏ lửa từ phi cảng Tân Sơn Nhất, từ Nhà Bè, từ Khánh Hội … mà đêm về còn thêm những đốm mắt hoả châu trừng trừng soi rõ từng nét thất thần trên mỗi khuôn mặt.

Hình ảnh Saigon những ngày cuối tháng Tư còn có nhạc đệm là những tiếng nổ kinh hồn của đạn pháo kích trúng kho xăng kho đạn, lẫn vời hàng loạt súng lớn nhỏ xa gần chen tiếng rú ga rồ máy, tiếng người gọi nhau thất thanh và những tiếng la hét kêu khóc hãi hùng.

Trong khung cảnh đó, tôi thấy các gia đình bà con nội ngoại hàng xóm láng giềng hớt hải chạy loạn di tản. Thôi thì mạnh ai nấy lo vì không ai biết đàng nào mà lo cho ai. Má tôi cũng chuẩn bị chạy loạn.

Trong chiếc ba-lô Sói Con nhỏ của tôi, bà đã nhét chặt mấy bộ quần áo, vài món đồ dùng cần thiết, một đôi giày bố, một mớ mì gói, cơm sấy, sữa hộp, sinh tố C, kẹo chanh … Bà còn cẩn thận khâu một túi nhỏ bên trong thắt lưng quần tôi mặc, trong có một lượng vàng mỏng, một mớ đô la giấy, và một mảnh giấy bọc nhựa ghi tất cả địa chỉ các Dì các Cậu tôi ở Việt Nam cũng như bên Pháp bên Mỹ. “Lỡ có bề gì, con còn có nơi mà tìm đến. Biết đâu!” Đó là lời giải thích của bà khi căn dặn tôi đủ điều. Tôi còn biết dưới lớp lót của đôi giày bố còn có một mớ tiền nữa cũng được bọc nhựa cẩn thận. Phần tôi đã lén nhét vào ba-lô cuốn tem sưu tập và cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam mà tôi mới bắt đầu say mê đọc. Về sau, khi khám phá hai tập đó, Má tôi chỉ lắc đầu nhìn tôi, ôm tôi thật chặt, đưa tay vò tóc tôi, nhưng chẳng rầy rà gì.

Cuộc chạy loạn của tôi bắt đầu bằng những ngày cuối tháng Tư, khi tôi được đưa vào gửi ở nhà Bác C. trong Cư xá Hải Quân đường Lê Lợi gần Bến Bạch Đằng, để đợi đi lánh nạn. Nghe đâu là ra đảo Phú Quốc tránh làn bom đạn ở Saigon.

Đám người lớn nhỏ to bàn tán. Lệnh người lớn ban bố cho trẻ con là không được đi xa quá mảnh sân vuông trước nhà, và phải luôn luôn sẵn sàng xách khăn gói theo. Má tôi vẫn đi làm việc mấy hôm cuối đó cho tới trưa ngày 20 mới hớt hải tới nhà Bác C. Bà vẫn mặc áo dài và đi giày cao gót. Bác C. gái giục Má tôi thay áo ngắn. Tôi thấy bà giở bộ áo bà ba tím quần Mỹ A đen ra mặc, và mang giày bata, đầu đội một mũ vải. Người lớn kháo nhau là phải ăn mặc gọn ghẽ vì có thể phải chạy, phải leo trèo, phải mau chân lẹ tay. Hành lý phải gọn và nhẹ. Tuy nhiên, tôi lén thấy Bác C. gái và Má tôi mỗi người nhét vội vào túi xách mấy cái áo dài. Họ đưa mắt nhìn nhau, những đôi mắt sưng đỏ mọng. Họ thì thào: “Biết đâu! Chắc chi mình sẽ trở về! Lỡ có chết đâu đó còn có cái áo dài mà mặc chớ!”


2. Tháng Tư. Chiều ngày 29.

Cả gia đình Bác C., Dì Tý, và má con tôi vội vã ăn bữa cơm cuối để khăn gói dắt díu nhau xuống tàu. Chỉ một đoạn đường ngắn từ đầu đường Lê Lợi băng qua đại lộ Cường Để vào Công xưởng Ba Son mà đám người lớn dường như lê chân bằng những bước nặng cả tấn chì. Lâu lâu Má tôi và hai bà bạn lại dừng chân, không phải để nghỉ mệt, mà để nhìn lại đàng sau. Như nuối tiếc. Như chờ đợi. Tôi nhớ một câu trong Chinh Phụ Ngâm mà Bà Ngoại hay đọc bước đi một bước giây giây lại dừng, và liên tưởng tới bài Kẻ Ở Người Đi trong tập Quốc văn Giáo Khoa thư mà Má tôi vẫn dùng dạy kèm ở nhà từ khi tôi theo học trường Lasan Taberd.

Chiều hôm đó không có kẻ ở bịn rịn chia tay nhưng người đi đã nuối từng hạt bụi đường vướng vít, từng viên sỏi nhỏ rên xiết dưới chân, từng cọng cỏ non rũ rượi, từng cành cây nhỏ cúi mình dưới bầu trời vần vũ xám khói đỏ lửa trong ánh hoàng hôn đen tím của Saigon.

Ôi! Cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!

Lũ nhóc chúng tôi thì nôn nao kích động vì chuyến đi. Tâm hồn trẻ vốn thích phiêu lưu, mà đây là cuộc phiêu lưu hoàn toàn vô định. Không ai định phiêu lưu như thế này mà cũng không ai biết là sẽ phiêu lưu về nơi nào.

Đêm đến, cả ba gia đình chúng tôi ngồi chụm lại một góc nhỏ trên boong tàu. Lũ nhóc chúng tôi dù cảm biết có sự thay đổi lớn nhưng chưa ý thức được tầm quan trọng, và vẫn còn ở tuổi vô tư nên chỉ thấy hồi hộp mà chưa thấy hãi sợ. Chúng tôi có dịp nghỉ học gặp nhau chọc phá đùa nghịch và chia ngọt xẻ bùi. Kể từ khi bước chân xuống tàu, tuy không có nước mắt như mưa, nhưng đã cảm thấy thân thiết nhau hơn với ý nghĩ bắt chước người lớn sống chết có nhau như trong quân đội nói là huynh đệ chi binh vậy, mặc dầu nghe đâu một số quý vị tướng tá đã đem bầu đoàn thê tử chạy ra nước ngoài từ cả tháng, bỏ lại cả triệu binh lính lơ láo tan hàng !

Đoàn tàu rời Bến Bạch Đằng lúc chập choạng. Sông Nhà Bè nước chảy chia hai nhưng thôi từ nay ai về Gia Định Đồng Nai thì về, còn chúng tôi coi như giã biệt! Những con mắt đèn Saigon vẫn ngọn xanh ngọn đỏ đêm giã từ rưng rưng sau khói lửa. Bờ Thủ Thiêm im lìm trôi lùi dần. Tôi và anh Kèo con Bác C. ngồi bó gối nhìn lại Saigon đang lùi xa như từ từ đi vào ký ức để mai này sẽ là dĩ vãng.

Tàu đi vào bóng đêm không thấy bờ bụi. Chắc đã vào khoảng rộng của giòng sông. Nhìn lại đằng sau, chân trời lấp loáng ánh sáng bập bùng của Saigon chập choạng giãy giụa, lâu lâu có những đợt loé sáng bùng lên kèm những tiếng nổ lớn. Bầu trời đen vần vũ khói lửa điểm những đốm hoả châu lập loè. Hai chúng tôi nhìn nhau và cùng thấy trong mắt nhau hình ảnh nhập nhoè của Saigon. Khi những trái hoả châu bùng cháy, tôi tưởng như mắt mỗi đứa bỗng rực toé thành mắt người Hoả tinh. Tuổi thơ chúng tôi từ đây chắc khép lại những hình ảnh nhập nhoè của Saigon đêm tháng tư đó, lẫn trong âm thanh tiếng nước óc ách đập vào mạn tàu và tiếng máy chạy rì rầm.


3. Tháng Tư. Sáng 30.

Vừa bừng mắt dậy, tôi chạy vội lên boong. Cả một vùng biển bao la mở rộng. Thái Bình Dương.

Tôi từng sống ở Nha Trang ngay bên bờ cát trắng, từng được đi Đại Lãnh, Cam Ranh, Cà Ná, Thuỷ Triều, Phan Thiết, Vũng Tàu nhiều lần để thấy cảnh hừng đông trên mặt biển. Nhưng sáng hôm ấy tôi mới được dịp thấy hết vẻ rực rỡ huy hoàng, uy nghi mà hiền hoà, của vầng mặt trời vụt nhô khỏi mặt nước. Một khối lửa đỏ rực đổ luồng hào quang chói lói, tráng hồng mặt đại dương xanh bạc và nhuộm thắm những khuôn mặt lơ láo thất thần của đoàn người di tản vừa qua một đêm lênh đênh, khởi đầu cho một tương lai mù mịt.

Lũ nhóc chúng tôi chạy loanh quanh nghe ngóng quan sát.

Đám người lớn bảo nhau là cả hạm đội Hải Quân đã kéo về tụ tập tại Phú Quốc. Saigon di tản bằng cả trực thăng lẫn xe gắn máy và xe ba gác. Bộ đội Công sản Bắc Việt đã đến ngay cầu Tân Cảng. Đường về Vũng Tàu bị cắt. Tôi không đếm được bao nhiêu tàu vì tầm mắt nhỏ bé của tôi không nhìn thấy hết bao quát, nhưng tôi đoán phải trên hai chục tuần dương hạm, hải vận hạm, vô số giang đỉnh cùng không biết cơ man nào là ghe thuyền lớn nhỏ của dân chúng, kể cả những chiếc bè ghép bằng tre lồ-ô và gỗ.

Vừa nhai xong mấy nắm cơm sấy thì chúng tôi được lệnh thu dọn chuyển qua tàu lớn. Lúc này tôi thấy có nhiều gia đình lỉnh kỉnh bê theo cả máy truyền hình cỡ lớn và giàn máy hát kềnh càng. Nhiều người đẩy theo mấy xe gắn máy Honda/Suzuki. Có nhà lùa theo được cả một bầy heo gồm mẹ nái và lũ nhóc trư, lại còn đèo bòng một mớ nồi niêu soong chảo. Chắc chuẩn bị thức ăn tươi dọc đường chạy loạn. Chúng tôi tinh nghịch bàn sẽ đi kiếm một ít hành bán cho nhà này, để mấy con heo kia khỏi phải khóc lóc ủn ỉn kỳ kèo trước khi chịu lên thớt!

Đám con nít chúng tôi được bốc chung trong một cái lưới khổng lồ có những mắt gút to bằng cả nắm tay, để được kéo lên tàu lớn. Người lớn phải leo qua tấm ván rập rềnh lắc lư bắc nối mạn tàu đậu sát nhau. Nhiều người chen chúc dành leo trước. Tôi thấy hai đứa con của Bác Trang cỡ 6, 7 tuổi bị lấn tuột khỏi lưới rơi tòm xuống nước, ngoi ngóp trong những đợt sóng rập rềnh giữa hai lườn tàu. Bác Trang nhảy ùm xuống lội theo, nhưng hai con tàu bỗng xô mạnh vào nhau và hai đứa mất hút dưới dòng nước. Khoảng mươi phút sau, khi chúng tôi đã đứng trên tàu lớn, Bác Trang lóp ngóp nổi lên vẫy tay xin cứu. Bác được người ta quăng giây xuống kéo lên, run rẩy nức nở cho biết hai đứa nhỏ bị sóng cuốn va vào mạn tàu trôi xa không tìm được.

Khi kiếm được chỗ ngồi gần cửa ra vào ca-bin, chị Mimi lục chiếc radio nhỏ mở đài Saigon. Tiếng Tổng thống Dương Văn Minh trầm, chậm, buồn: “Yêu cầu các quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà chấm dứt tình trạng chiến tranh, bình tĩnh ở yên vị trí, đừng nổ súng, để bảo toàn sinh mạng nhân dân. Kêu gọi những người anh em trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời đừng nổ súng vì chúng tôi đang chờ gặp các đại diện để thảo luận về việc trao quyền lãnh đạo chính phủ quân sự cũng như dân sự trong trật tự, để không gây đổ máu cho đồng bào.” Đồng hồ trên tay Bác C. chỉ 10 giờ 20.

Không khí trên tàu đặc quánh, ngột ngạt. Bác C. đứng quay lưng lại, nhưng tôi thấy hai vai bác rung bật từng hồi. Tôi xích lại gần Má tôi. Bà vòng tay ôm sát tôi, nhưng vẫn ngồi im sững, mắt nhìn ra khơi, nước mắt lặng lẽ chảy dài trên má. Tôi có cảm tưởng thấy da mặt bà vốn mịn màng đột nhiên nhăn nheo co rúm, trán hằn rõ những lằn ngang, và bà vụt già đi cả mười tuổi. Bác C. gái ôm vai Má tôi khóc lịm, trong khi Dì Tý nấc lên : “ Thôi rồi! Saigon mất!” Không ai bảo ai, chúng tôi xích lại gần nhau hơn và những bàn tay tìm nắm những bàn tay.

Không khí căng thẳng ngột ngạt hơn khi đài Saigon phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. 1 giờ trưa. Những nét mặt đanh lại. Những đôi mắt ngầu đỏ. Những bờ vai run rẩy. Những chiếc đầu cúi gục. Những tấm lưng gập cong. Cả boong tàu im phắc. Sững sờ. Tuyệt vọng.

Tôi nhìn ra khơi. Buổi trưa nắng gắt và chói chang. Biển mênh mông lặng lẽ lấp loáng phản chiếu màu trời trong xanh. Lằn chân trời thẳng tắp tiếp nối màu bao la. Đâu cũng thấy một màu xanh bát ngát. Màu của hy vọng, của tương lai. Nhưng trong mắt mọi người, tôi chỉ thấy một màu u ám. Trong mắt tôi, hình ảnh Saigon đêm giã biệt chập choạng giãy giụa trong khói xám lửa đỏ điểm những đốm mắt hoả châu trừng trừng soi rõ những nét mặt thất thần. Saigon, Saigon mới hôm qua, hôm nay đã là dĩ vãng.

Đứng bên này bờ đại dương ngó về bên kia biển Thái Bình xa tít mịt mù, giữa nắng hanh của trời tháng Tư Cali, tôi tin vùng khói xám ngày nào nay đã tan loãng và vùng lửa đỏ cũng lụi tàn. Đông Âu đã nhìn thấy và tắm ngập ánh sáng tự do. Đất nước tôi chẳng lẽ cứ mãi chìm trong mịt mờ hỗn loạn?


Trần Thị LaiHồng
Viềt từ tiểu bang xanh Washington


(sangtao.org)