có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 4 29, 2012

Huyễn Mộng Buớc Đời





Khi Phước Tuy in vết xích sắt T54,Dân lính từ Bà Rịa lếch thếch bồng trống chạy ra Vũng Tàu. Từ Trại Lam Sơn, tôi cũng lên đường trên chiếc xe dodge, tới Vũng Tàu tôi dẫn mấy đứa em ra Bến Đình đón tàu hàng băng biển về Vàm Láng, tàu cặp bờ vào buổi chiều ngày 26 tháng 4,có khoảng gần trăm lính bị nhốt ngoài mõm đất theo leo bên bờ sông, vì là quê nhà nên tôi dễ nhận ra người quen đang đứng trên bờ nhìn xuống..Khoảng 6 giờ chiều, thiếu tá Sự ( Khóa 16 VB) quận trưởng quận Hòa Tân đi xe jeep với 2 chú lính cận vệ ngừng xe trước bến cảng, Anh đứng nhìn một lượt nhóm người đang bị cô lập, anh nhận ra tôi dù không biết chính xác tôi là ai nhưng Anh biết tôi là con trong gia đình họ Nguyễn cũng ở gần nhà anh,Anh vẫy tay cho tôi lên bờ, hỏi thăm mọi việc, anh có ý cho tôi quá giang xe về Gò Công nhưng tôi từ chối vì còn mấy đứa em đi theo, tụi nó theo tôi từ KonTum, qua biết bao nhiêu khúc đường sinh tử, về tới đây nỡ nào tôi bỏ tụi nó bơ vơ,..


Xe quân cảnh do thượng sĩ Hương, cũng là cựu học sinh Trung Học Gò Công sau tôi một lớp hướng dẫn đoàn xe GMC chỡ đám lính rã ngũ về phi trường L19 cạnh trung tâm yễm trợ tiếp vận tỉnh, tôi bước vào trung tâm gặp rất nhiều người quen chào hỏi, kìa là Đại Úy Để (Khóa 17 TĐ) là Trung Úy Dư ( khóa 2 CTCT/ ĐL)…, vì lệnh giới nghiêm 24/24 tôi không dám về nhà vì ngại tầm súng của đám nhân dân tự vệ, mịt trời khói lửa không sao về đây té lổ chân trâu cũng phiền, thôi thì phơi sương ngoài phi trường cùng với mấy chú em thêm một đêm nữa .

Sáng ngày 29 tháng tư, Trung sĩ nhất Khâm dùng xe Honda chở tôi lên Sài Gòn trình diện, hai thầy trò với một cây cold lận lưng nhắm hướng Cầu Nổi trực chỉ, lên tới Cầu Ông Thìn khoảng 10 giờ sáng thì có lệnh giới nghiêm 24/24, thiết giáp đang đụng nặng với chính quy Bắc Việt từ hướng Long An qua, suốt đọan đường từ cầu Ông Thìn đến Cầu Nổi đông đúc đủ các loại xe đò miền tây vì mấy ngày sau cùng tuyến đường Long An bị gián đọan, Sư Đoàn 22 và Sư Đoàn 7 đang đụng nặng với quân Bắc Việt. Xe đò từ miền Tây đều dùng ngả Mỹ Tho qua Gò Công lên Sài Gòn, vì nghẻn đường dân chúng căn lều hai bên lộ bày hàng mua bán dù lệnh giới nghiêm đã ban hành, thoạt mới nhìn thấy vui vui, nhưng có đi có đứng trên đoạn đường nầy mới thấy sau cảnh nhộn nhịp là những tấm lòng đang đau xé… tôi về tới Cầu Nổi ,bến Phà đóng cửa.Hai thầy trò sửa soạn tìm chỗ nghỉ trong nhà chờ đò, may mắn có một chiếc xe dân sự trên xe có 2 người đàn ông,một người bước xuống xe vào trạm mượn máy liên lạc về tỉnh, chỉ vài phút sau một chiếc phà đặc biệt rời bến trên đó có tôi và thêm 1 chiếc xe chở hàng nhỏ của nghệ sĩ Tùng Lâm, cùng với chiếc xe nhà của hai vị nầy.. ( Lúc vô tù ( trại Hà Tây) chung buồng với Anh Tống, trưởng ty cảnh sát Long An, tôi mới biết người lái xe chiều hôm đó là Anh Tống và thiếu Tá Xuân ngồi bên cạnh)

Sáng ngày 30, đám lính trong nhà tôi ( khoảng 20 tên) sang khu nhà thờ uống cà phê sáng, sang bàn billard cạnh bên làm vài cơ chờ mở đường…Tôi nhớ khoảng gần 11 giờ có một chú nhân dân tự vệ vào mời tất cả về nhà nghe radio… Mọi người đều ngạc nhiên không biết chuyện gì xãy ra…, sao lại mời nghe radio…

Thiếu Tá Sự, Chi khu trưởng quận Hòa Tân, lảnh thổ quận Hòa Tân, tỉnh Gò Công có hai ngõ chánh vào Tỉnh là cửa biển Vàm Láng và bắc Cầu Nổi; bên kia bờ Cầu Nổi thuộc quận Cần Đước, tỉnh Long An, bên kia biển Vàm Láng là Vũng Tàu, hàng ngày có tàu làm ăn qua lại giữa hai cửa biển nầy. Đài phát thanh Sài Gòn, Đài BBC, đài VOA…suốt ngày phát tin di tản…di tản…Tình hình nghiêm trọng lắm rồi, không biết đất nước sẽ đi về đâu, quân nhân thì nghe lệnh cấp trên mà di tản, còn dân chúng thì di tản theo quân nhân cho trọn tình quân dân cá nước…và Vũng Tàu đã tràn đầy …cá nước.Làn sóng người từ vùng I qua vùng II tới trung tâm vùng III, rất nhiều người muốn tìm đường xuống vùng IV, tin vào sự an toàn của vùng nầy.Họ ra Bến Đình băng biển về Vàm Láng Gò Công.Đơn vị nào còn cấp chỉ huy thì còn kỷ luật, đơn vị nào rã hàng thì lính tráng không còn muốn nghe lệnh ai nữa.Đời lính dạn dày gió sương, đã nguyện đem thân trai hiến dâng cho tổ quốc, họ đã biết bao lần vào sinh ra tử; họ là những người lính thiện chiến mà bây giờ bị bỏ rơi khi súng đạn vẫn còn mang bên người…Họ ấm ức, họ bất mãn; xin ai đừng làm điều gì trái ý họ lúc nầy…giờ nầy có ai biết đơn vị họ đang ở đâu? Giờ nầy có ai biết gia đình, cha mẹ, vợ con họ đang ở đâu? Thiếu Tá Sự trên xe jeep hết có mặt tại Cầu Nổi lại xuống Vàm Láng, Cầu Nổi đông nghẹt xe chờ hai bên bến bắc nhưng không hỗn loạn bằng Vàm Láng vì ít lính nhiều dân,Phía Vàm Láng thì đã có nhiều thuyền lớn nhỏ và ghe cá từ Vũng Tàu chạy qua, cặp bến cá đổ lên bờ không biết bao nhiêu là dân thường và quân nhân của nhiều binh chủng khác nhau, còn mang đầy đủ vũ khí, chuyện chết chóc xãy ra dễ dàng, cấp bậc cao nhất người ta nhìn thấy có Đại tá Lân, hình như là tỉnh Trường Phước Tuy, nguyên trước kia là Tham mưu Trưởng sư đoàn Dù.Ông cúi đầu lặng lẽ đi theo đoàn người di tản tìm phương tiện về Gò Công. Xa bờ một khoảng có hai tàu sắt chỡ lữ đoàn I Dù gồm 3 tiểu đoàn 1,8,9 không vào bến bải cạn được nên phải thả neo ngoài xa…

Trung Úy Thăng, Phân Chi Khu trưởng Vàm Láng sợ có hỗn loạn, gọi máy xin chi khu tăng cường quân cảnh giữ trật tự. Nhưng chi khu làm gì có quân cảnh.Anh Sự báo lên tiểu khu thì được Đại Tá Lê, tiểu khu trưởng ra lệnh phải tước tất cả vũ khí và chỡ lính rã ngũ về tiểu khu.Đây là một lệnh rất khó cho những ai muốn thi hành lệnh nầy.

Chi khu trưởng lên xe với mấy người cận vệ, theo sau xe jeep là chiếc GMC trực chỉ Vàm Láng; Hương lộ nhỏ hẹp đi vào bến cá dày đặc những lính và dân.Anh Sự xuống xe đi bộ và tìm gặp được vài sĩ quan võ bị khóa đàn em,Anh không ra lệnh mà chỉ cố thuyết phục các sĩ quan trẻ nầy kêu gọi thuộc cấp buông súng rồi lên xe để được chỡ về tiểu khu.

Anh Sự trở lại xe thì được hiệu thính viên báo có Trung Tá Đỉnh nhảy dù muốn gặp anh trong máy.Ông Đỉnh đang ở tại văn phòng xã. Từ ngày ra trường tới bây giờ Anh Sự mới gặp lại Trung Tá Đỉnh khóa 15 , Ông Đỉnh giới thiệu Trung Tá Hồng, Lữ đoàn phó và hai Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng.Ông Đỉnh nhờ anh Sự đưa đi gặp Đại Tá Lê.Trung Tá Hồng ở lại Vàm Láng với đơn vị.Lính Dù trên tàu cũng vào bờ thoải mái, ăn uống, chờ lệnh trong tinh thần kỷ luật rất cao…

Đại Tá Lê tiếp Trung Tá Đỉnh trong phòng làm việcvà gọi máy báo tin cho tướng tư lệnh vùng IV Nguyễn Khoa Nam, Tướng Nam ra lệnh tử thủ thẳng cho ông Đỉnhvà đặt lữ đoàn dước quyền chỉ huy của Đại tá Lê .

Anh Sự chỡ ông Đỉnh về lại chi khu Hòa Tân, cả hai đều im lặng, tiếng máy sau xe báo cáo có cờ giải phóng xuất hiện xa xa ở mé rừng.Vừa tới cổng quận thì thấy một bầy chó rất đẹp, loại chó nhà giàu không biết của ai? Thấy Anh Sự xuống xe, thầy Bùi Giáng tĩnh bơ như đất nước không có chuyện gì xãy ra, kéo bầy chó lại gần anh Sự:

-Bữa nay thầy đem mấy con chó nầy giao thiếu tá nuôi nó, tụi nó khôn lắm, con nầy là sứ giả của Thích ca nè…con nầy là sứ giả của Jesus…con nầy là sứ giả của…Anh Sự vội vàng từ chối

-Thầy ơi, tôi không thể nào tiếp Thầy trong ngày hôm nay, rồi Anh Sự móc tiền nhét vào túi nhà thơ bảo thầy tìm xe về Sài Gòn ngay lập tức vì ở đây nguy hiểm lắm, tình hình nặng nề lắm rồi…bữa khác hãy xuống chơi…Bữa khác trong lời hẹn cũng là mốc thời gian vô định. Cũng từ hôm đó, Anh Sự vĩnh viễn không còn gặp lại Ông Thầy Bùi Giáng kính mến lần nào nữa, Anh vừa quay lưng đi vào văn phòng thì hai chiếc xe của hai ông quận Cần Đước và Cần Giuộc ngừng lại hỏi

-Ê bộ toa tính ở lại chờ bàn giao hả…Nói xong hai xe tiếp tục chạy thẳng hướng Vàm Láng

Gần 3 giờ trưa, một đoàn xe, trong đó có thấy đại tá Lê mặc áo giáp cùng vợ và cô con gái ngồi trên xe chạy ngang quận về hướng biển.Không còn biết phải làm gì nữa, Anh Sự vội vã tiễn vợ con ra xe về bên ngọai ở làng Tăng Hòa rồi cùng Ông Đỉnh ra Vàm Láng, nơi đơn vị Dù vẫn còn đang chờ thượng cấp

Xã Vàm Láng là một xã sống bằng nghề đánh cá, họ có nhiều ghe tàu đủ khả năng đi đánh cá xa bờ, nên đã trở thành nơi hẹn cho những chuyến đi…dù không biết nơi đến là đâu…?Một mủ đỏ mang cái radio đang nghe lại cho Trung Tá Đỉnh. Bản tin đầu hàng của tướng Minh thường xuyên phát lại, vậy mà tới giờ nầy hai anh mới được nghe…mà vẫn không muốn tin…Ông Đỉnh đứng dựa vào đầu xe jeep, nước mắt ông chảy dài trên đôi má dạn dày phong sương, mắt Anh Sự cũng đỏ hoe, không phải chỉ có hai người khóc, mà còn nhiều, nhiều lắm, bao nhiêu là nước mắt nghẹn ngào, tức tửi.Họ khóc cho ai,? Cho tổ quốc? Cho Chánh Phủ?...hay cho đời mình? Họ khóc cho tất cả…!

Nén tiếng thở dài, Ông Đỉnh đứng thẳng người ngỏ lời với đồng đội thuộc cấp…Chúng ta đã chiến đấu bao nhiêu năm dài để bão vệ miền Nam, bây giờ có lệnh đầu hàng…chúng ta không thể cải lệnh được.Anh em từ giờ phút nầy tự do quyết định cuộc đời mình, ai muốn về nhà, muốn đi đâu thì đi, riêng tôi…chắc sẽ đi Úc, anh em nào muốn đi theo thì đi…Nói xong Ông cho tay vào túi móc ra một nắm tiền ném tung theo gió, tiền Việt Nam bay lả tả cuốn theo gió bụi bước đời…mà chẳng thấy ai buồn nhặt lấy. Một hình ảnh rất bi hùng cuối trang chiến sử…đầy máu và nước mắt.!

Thành phần sĩ quan tiểu khu Gò Công tự tìm tàu thuyền mà đi, chỉ có gia đình Đại Tá Lê mới đến gần với tàu của đơn vị Dù. Lúc bấy giờ không biết có ai phóng tin bà Đỉnh từ Sài Gòn đã xuống tới Gò Công tìm chồng. Anh Đỉnh nói với Trung Tá Hồng và Anh Sự…

-Moi phải lên Gò Công đón bà xã xuống rồi sẽ đi..

Nhìn cảnh hỗn loạn tại bến cá, Thiếu tá Tây, đại Úy Để…và nhiều, nhiều nữa …trở lại Gò Công mặc cho cuộc đời đưa đẩy…Mọi người tự an ủi…thôi thì dù sao cũng hòa bình rồi, bên thắng cũng là người Việt với nhau…chắc không đến nỗi nào…

Trên chiếc tàu hàng loại cận duyên chỡ bộ chỉ huy lữ đoàn Dù bây giờ có thêm gia đình Đại Tá Lê, Thiếu Tá Sự với thằng em cận vệ, cùng vài sĩ quan chi khu kể cả nhân viên hành chánh như Phó Quận Thúy…Chiều xuống dần rồi tối hẵn.Chờ mà không thấy Trung Tá Đỉnh trở lại, Trung Tá Hồng quyết định cho nhổ neo, theo lời chỉ dẫn của Đại Tá Lê cứ cho tàu chạy thẳng ra hướng đông sẽ gặp tàu Mỹ?! Tàu chạy trong đêm tối, biển lặng yên, bầu trời đầy sao lấp lánh…nhưng giông bão hình như đang xé nát lòng người . Anh Sự ngồi bên cạnh người tài công cũng là chủ tàu, phụ quan sát theo vệt đèn pha để tàu tránh đụng vào các miệng đáy. Nhìn hướng Sài Gòn thấy khói lửa ngút cao, còn trước mặt vẫn là biển cả với một màu đen! Cũng phải vài tiếng sau mới nhìn thấy ánh đèn le lói từ xavà tàu cứ nhắm hướng đèn mà chạy tới chạy cho tới khi sao mai lấp lánh mờ dần và mặt trời ló dạng…

Một chiếc tàu Mỹ khá lớn đang neo ở đây từ lúc nào rồi.Trên boong tàu có nhiều người bước lui tới, họ đứng tựa lan can tàu nhìn xuống những xà lan chật kín người đang cặp hai bên hông tàu, người trên tàu nhìn xuống xà lan như tìm như kiếm người quen…. Tàu Dù tiến dần tới tàu Mỹ thì gặp phản ứng, Loa phóng thanh từ trên tàu kêu gọi người dưới tàu phải vứt bỏ vũ khí trước khi cặp vào xà lan. Tàu Dù chạy quanh một vòng thì người trên tàu đã nhận ra quân bạn…Có tiếng bạn mủ đỏ từ trên tàu vọng xuống

-Đại bàng ơi! Còn mấy đứa con của đại bàng đâu rồi. Mỹ không cho mang súng lên tàu nó đâu…

Anh Sự đề nghị với Anh Hồng kiếm tấm vải trắng viết 3 chữ SOS kéo lên và quăng súng xuống biển để cho nó biết mình muốn gì.Tàu mình nhỏ chắc không thể chạy xa được nữa, Anh Hồng cay đắng thở dài…

Thế là những thiên thần mủ đỏ của lữ đoàn I Dù một thời ngang dọc trên mọi chiến trường, hôm nay trên biển cả mênh mông đành phải giã từ vũ khí ở giờ thứ 25 của vận nước.

Ông Lê lên xà lan ngồi trên trụ sắt buộc tàu, khi mọi người lên hết xà lan, tàu không người điều khiển tự trôi lui theo giòng nước, dây buộc tàu vòng qua chân Ông Lê siết mạnh, tiếng xương gãy phát ra một âm thanh rợn người.Ông Lê thét lớn rồi ngất lịm. Biết có tai nạn, Tàu Mỹ ưu tiên nhận người bị thương, Phó Thúy cùng mấy người ngồi cạnh khiên Ông Lê cùng dẫn gia đình ông lên tàu. Chiếc tàu Mỹ nhổ neo… Ông Tỉnh Lê và Ông Quận Sự chia tay nhau từ đấy. Những xà lan đầy người được các tàu Mỹ khác lần lượt kéo người lên.. và dòng xà lan từ Sài Gòn vẫn liên tục được kéo tới, cùng với biết bao nhiêu ghe thuyền mong manh khác cứ đổ ra biển …tìm con đường sống dù con đường ra đi đầy hiễm nguy, chưa nói đến giặc Cộng tàn nhẫn bắn xối xã vào những tàu nào chúng thấy được…

Con sông Bến Hải, đứng bên nầy bờ nhìn thấy bờ bên kia rõ ràng, vậy mà sau năm 54 đất nước đôi miền chia cách, Bắc Nam từ đấy biệt tin nhau.. Bây giờ không phải là con sông mà là biển cả, sóng nước chập chùng xa cách nhau nửa vòng trái đất, ra đi bỏ quê hương đến xứ người xa lạ, biết làm sao sinh sống, người cùng giòng giống mà còn không yêu thương nhau, thì người dị chủng biết có chịu cưu mang mình không, rồi còn cha mẹ, anh chị, vợ con còn kẹt lại ở quê nhà, mình là cột trụ gia đình mà bỏ ra đi, con còn nhỏ, vợ chưa từng nếm gió trải sương làm sao nuôi con? Với lại kẻ chiến thắng cũng cùng chung huyết thống, gốc con cháu Lạc Long, nghe tin tức từ radio, chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam vẫn ra rả thông tin…Đánh người đi chứ ai đánh người trở lại..! Qua cơn lốc xoáy kinh hoàng, không phải tất cả đều bằng lòng với chuyến đi của mình.Có người…khá nhiều người đủ mọi thành phần trong xã hội, trong quân đội lẫn chánh quyền khi mà họ nhìn thấy, biết được chung quanh họ trên tàu, trên đảo…hầu hết người ta đi có mặt đông đủ vợ con gia đình, có cả người giúp việc, chị vú đi theo..Những người ở lại, có nhiều người đã gửi vợ con thân nhân đi trước để họ an tâm ở lại với chức vụ cho tới giờ chót.Họ nhìn lại mình với nỗi đau của tận cùng thân phận, xa vợ vắng con làm sao họ an tâm sống?, có ai muốn làm người chồng lỗi đạo với người vợ trẻ, có ai muốn chạy trốn bổn phận làm cha?Đây là những lý do đã khiến cho con tàu Việt nam Thương Tín đem về cả 1500 người đã thoát ra đi mà không đi tiếp tục…

Khi nhìn thấy người trở về từ tàu Việt Nam Thương Tín, các anh em tù chung trại thường hay cười nhạo, đã ra đi mà còn nhớ cái còng nên trở lại, trở lại bằng con tàu Việt Nam Thương Tâm thường thì những anh em trở về nầy đều nhẫn nhịn nuốt đắng cay, không nói dù một lời biện minh cho bước trở về…Ai có ở trong cảnh mới hiểu được người trong cảnh…

Tàu Việt Nam Thương Tín vào tới hải phận Vũng Tàu, sau khi gửi tín hiệu xin cặp bến, tàu nhận hiệu dừng lại.Có hai chiếc tàu nhỏ võ trang mang cờ mặt trận giải phóng của Việt Cộng chạy ra đón rước, súng đạn lên nòng trong tư thế chiến đấu, tất cả đoàn người lên hết trên boong tàu đứng đầy xung quanh lan can nhìn xuống tàu VC với nét mặt đầy vẻ lo âu. Mấy cán bộ cao cấp mang súng nhỏ lên tàu tiếp xúc với thuyền trưởng hải quân Trung Tá Trần đình Trụ và đại diện đoàn người hồi hương là Trung Tá Trần Ngọc Thạch, chánh võ phòng của Tổng thống Trần Văn Hương, sau khi quan sát khắp mọi nơi, tên cán bộ VC đứng giữa boong tàu, an ủi bà con nên yên tâm, vì cách mạng chỉ đánh người chạy đi chứ không bao giờ đánh người trở lại. Khi hai tên cán bộ xuống tàu nhỏ thì tàu Việt Nam Thương Tín được lệnh trực chỉ Nha Trang với sự hộ tống của hai tàu võ trang VC.Tàu cập bến Nha Trang, tất cả thuyền nhân lên bờ, và bị giam giữ rải rác nhiều nơi trong tình Nha Trang. Đây là thời gian từng người được gọi đi làm việc( Chữ của VC) và họ bị làm việc liên tục suốt mấy tháng trời, khai thế nào chúng vẫn bảo là chưa thành khẩn khai báo…

Anh em thuộc tỉnh Gò Công trở về trên tàu khá đông, ngoài binh sĩ, cán bộ xây dựng nông thôn, cảnh sát…trong hàng ngũ sĩ quan có các anh Thiếu Tá Sự, Đại Úy Phạm văn Mến, Đại Úy Bá, Trung Úy La Ngàn, Trung Úy Ngô Bứa,Trung Úy Minh Hiếu, trung úy Vàng, Trung Úy Bé, Phó quận Thúy…Sau đợt lấy cung, một số đàn bà trẻ con, dân sự được tha về sớm. các anh được coi là trong ban đại diện bị đưa về Chí Hòa, còn lại tất cả giải giao ra Xuân Phước… ra đây để mà học tập cải tạo hầu sớm tiến bộ trở thành người công dân… Cộng Sản

Trại Xuân Phước trước đây là doanh trại của Lực Lượng Đặc Biệt, đã bị bỏ hoang từ ngày ngày Lực Lượng Đặc Biệt giải thể sau khi Mỹ rút. Trại nằm sâu trong rừng núi tỉnh Phú Yên

Đoàn tù VNTT coi như là nhóm tiên phong xây dựng lại trại Xuân Phước từ hoang tàn trở nên vững chắc đủ tiêu chuẩn nhốt tù.

Anh Sự nằm cạnh anh Trần Hồng Đăng, trung sĩ nhất nhảy dù, Đăng hiền lành chân thật, anh được lòng bà con từ ngày còn trên đảo, anh hớt tóc không công cho bà con, đền trả công anh nhận lại từ bà con đủ thứ vật dụng, thức ăn thuốc hút…, những thứ mà trại cấp phát cho người trên đảo.Những điếu thuốc Mỹ anh Đăng mang về bây giờ được ngắt ra từng khúc nhỏ thay thế bi thuốc lào…hút nhã khói cho qua cơn ghiền.!

Sau một thời gian tạm coi là ổn định, trại cho phép tù viết thơ về thăm nhà…Lá thư gửi đi kéo theo chuổi thời gian trông ngóng tin nhà, biết bao nhiêu điều mà người tù rất muốn biết kể từ khi rời đất lênh đênh trên biền cho tới bây giờ…

Một buổi sáng Đăng được cán bộ trại gọi ra lên gặp giám thị trưởng…Tới trưa Đăng trở về buồng, dáng dấp trông như người mất hồn, nằm dài nhìn lên mái nhà bằng đôi mắt xa xôi…

Thấy tình cảnh của Đăng như vậy, Anh Sự hỏi thăm ..chuyện gì đã xãy ra….Đăng ngồi dậy, tay với lấy ống điếu cày, thong thả nhồi vào nỏ một bi thuốc, mối đóm lửa kéo ro ro một hơi dài, ngước mặt thả khói lên trời, Đăng móc túi lấy ra một lá thư mới nhận được từ tay cán bộ trưởng trại trao cho anh Sự

Lá thư có dấu bưu điện Hà Nội, lá thư được viết khá dài nhưng chỉ có một câu ngắn đủ nói lên cơn huyển mộng của một trong nhiều bi kịch của cuộc chiến tương tàn trên quê hương Việt Nam…”Đăng con!Hòa bình lập lại đã lâu rồi sao con không xin phép thủ trưởng về thăm mẹ…Vợ con vẫn chờ con, nay vợ con đã thăng quân hàm thiếu úy Công An …”..Thì ra…

Cây cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải Từng ghi vết nhơ chia cắt đôi miền. nay Cộng quân cưỡng chiếm miền Nam, cây cầu không còn gây khó dễ cho dân hai miền Nam Bắc lại qua, thì trước sau gì người mẹ của Đăng cũng thấu rõ định mệnh nào đã đeo đẳng người con trai từ ngày đem tuổi trẻ xẽ dọc Trường Sơn.Thì ra Đăng là một bộ đội trẻ xâm nhập vào Nam ở lứa tuổi 20.Trong một trận tấn công vào một đơn vị Mỹ ở miền Trung, Đăng bị trọng thương bất tỉnh tại chiến trường.Khi tỉnh lại, trong ánh đèn sáng rực mà Đăng chưa lần nào được trông thấy, nhìn băng bông trên người Đăng biết mình được đối phương cứu sống nhưng chưa biết mình đang nằm ở đâu? Rồi sẽ bị đối xữ như thế nào đây.?Sau thời gian được tận tình cứu chữa, Đăng bình phục,bệnh viện Mỹ chuyển giao Đăng qua chính quyền địa phương. Không chấp thuận cuộc sống tù binh Đăng chọn con đường cải danh hồi chánh, Lúc còn trên giường bệnh, Đăng cũng có ý muốn tìm về đơn vị cũ, nhưng bây giờ thì chịu ra hồi chánh, Đăng coi như tứ cố vô thân, còn trong tuổi động viên, Đăng tình nguyện nhập ngũ trong màu áo hoa rừng Nhảy Dù. Đăng có khả năng, sau nhiều lần bị thương, cũng như lập được nhiều chiến công, với một khoảng thời gian khá dài Đăng trở thành một hạ sĩ quan xuất sắc của đơn vị,.Tết Mậu Thân, Đăng có mặt trong trung đội tái chiếm đài phát thanh Sài Gòn, đơn vị xuất phát từ cầu Phan Thanh Giản, lần theo phố vào Nguyễn Bỉnh Khiêm, xuyên lần qua các dãy phố đến Phan Đình Phùng, trong lúc băng qua đường xung phong vào sân đài phát thanh Đăng bị trọng thương, nằm tổng y viện Cộng Hòa xuất viện lọai 2, Đăng không xin giải ngũ mà tiếp tục đời lính làm việc nhẹ tại hậu cứ, Anh làm lính hớt tóc, sau thành tài xế. Khi hiệp định Ba Lê ra đời Đăng được chỉ định làm tài xế cho phái đoàn quân sự liên họp bên kia trong trại Davis nằm trong Tân Sơn Nhứt. Đăng tiếp tục kể, có lần tướng trưởng đoàn Bắc Việt thấy Đăng kéo thuốc lào, có hỏi xin một bi hút thử, kể tới đây Đăng cười kéo áo lên khoe những vết thẹo trên người

-Đây là thẹo của đạn M16, đây là thẹo của AK47..

Vừa nhìn những vết thẹo Anh Sự cười cười

-Vậy chú em mầy khỏe rồi mai mốt thả về đoàn tụ với mẹ, có vợ là thiếu úy Công an…..ấm đời trai Nghe Anh Sự nói, Đăng lắc đầu cười như …mếu

Thấy vậy mà không phải vậy đâu, em đã có vợ hai con trong Nam rồi, trước đây vợ con em ở trong trại gia binh Hoang Hoa Thám, bây giờ không biết trôi dạt về đâu.. Anh thấy đó, mình đã tới đảo rồi mà đành phải trở về cũng vì thương vợ nhớ con, vì thương tụi nó quá nên em mới chấp nhận đau thương mà về, nếu không bây giờ đang đi trên miền nắng ấm…!Bây giờ thật khổ, không biết nói sao với mẹ với vợ đang mong chờ ngoài Bắc

Một số sĩ quan từ cấp trung úy tới trung tá được chuyển ra Bắc trên mấy chiếc xa hàng bít bùng chiếc còng đôi đã xác định họ là ai …!Đoàn xe chạy ngang qua hai con sông lịch sử, hai dòng sông phân ly mà người hai miền không ít người mong có ngày đi thăm nhìn cho tận mặt.

Anh Sự gở 13 cuốn lịch, về lại Gò Công…Đời người tù cải tạo vẫn tưởng tàn dần trong chế độ mới… Đâu có ai ngờ sau cơn mưa trời thực sự sáng, chương trình HO ra đời cứu vớt biết bao gia đình quân công đang ngụp lặn trong bể khổ về được miền đất hứa. Gia đình Anh Sự cũng nằm trong thành phần may mắn đó, trước khi rời bỏ quê hương ra đi, cũng giống như nhiều người khác, tìm về nơi chốn làm việc năm xưa nhìn lại cảnh cũ, Anh Sự nhẹ ngàng trên chiếc xe đạp ( Thời đó được gọi là Cúp điếc) anh xuống thăm gia đình người cận vệ, chú Tiếp đang sống tại Hòa Tân, Tiếp là hạ sĩ quan nên được về sớm , nói là sớm chứ cũng trên 3 năm, Tiếp cũng đang học Anh văn chờ đi Mỹ..Thầy trò gặp lại nhau hàn huyên tâm sự, kể cho nhau nghe những thay đổi trong bước đời

Thằng Đăng có lần tưởng chết vì ăn trúng cóc độc, sau nầy nhiều bạn tù thấy nó áo quần bảnh bao. Thong dong trên chiếc Dream đời mới trên đường phố Sài Gòn…

Vậy là Đăng đã đoàn tụ với vợ con ở Rạch Giá và chắc đã nhiều lần xin phép “ Thủ Trưởng “ ra Bắc thăm mẹ già…Cũng lại một bước đời huyển mộng

Chia tay thuộc cấp cũ, Anh Sự trên đường về làm một vòng ngang qua doanh trại quận Hòa Tân cũ, Anh nhìn thấy mấy con gà đang bươi đất kiếm trùng dưới mấy bụi bắp chưa trổ cờ…Lòng anh như chùn xuống, bức tranh đời thay đổi quá nhanh, cảm khái vừa đạp xe vừa khe khẻ…

“ Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thắm thoát mấy tin sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Đền cũ lâu đài bóng tịch dương…"

Anh Sự ra đi mà lòng chưa được ổn lắm, vợ anh phải ở lại uống thuốc đi sau, vợ anh lặng lẽ tiễn cha con anh lên đướng. Anh đốt nén nhang trước bàn thờ gia tiên từ giã Ông bà Cha Mẹ ra đi.Trước khi lên xe Anh tình cờ gặp lại Thầy Nguyễn Văn Ba nguyên giáo sư Trung Học Gò Công…coi như Thầy Ba là người duy nhất tiễn cha con Anh Sự lên đường..Một trang đời của một gia đình được lất qua…

Tôi ở trại Hà Tây có gặp Đại Tá Lân, sau mấy năm tù Ông bị bệnh mù mắt, ông có hỗn danh là Lân mù, Ông ở buồng 15 cạnh buồng 16 dành riêng cho sĩ quan cấp đại tá, Trong hai buồng nầy cũng có 2 vị Trung tá cũng đều trong ngành Chiến Tranh Chính Trị là Ông Diên Nghị ( Quân Đoàn IV) và Mười Hai ( Cục Chính Huấn) Ông Lân rất vui vẽ yêu đời, ông được nhiều cảm tình của đám tù sĩ quan trẻ.Ông Lân không biết bây giờ ở đâu, Ông Đỉnh cũng tới miền đất tự do và hình như đang lâm bệnh, Trung Tá Hồng bỏ miền đất hứa về chiến khu với Hoàng Cơ Minh, để rồi xuôi tay nhắm mắt khi ước vọng chưa thành,thương cho một người chiến sĩ, luôn quyết đem thân đền ơn tổ quốc…

Thì ra cuộc đời như một cơn trường mộng, thấy đó rồi mất đó, điều mình làm thấy phải, người khác lại cho là sai…

Hằng năm sau tết ở đất tạm dung nầy, lòng tôi luôn thấy bùi ngùi… Những ngày thiêng liêng đối với người Việt thì mình lại sống xa quê, đâu biết tết nhứt là gì, mùng một lên xe đi làm, làm sao lòng không khỏi rứt ray… cũng mùa xuân, tôi hưởng xuân cuối cùng trong đời lính tại KonTum, tám cái tết trong lao tù Cộng Sản, hơn 15 cái tết xa quê…

Một khoảng đời khá dài…Thương cho Việt Nam mình, cứ mãi chịu cảnh phân ly, cha con chồng vợ nhiều khi gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le.. phủ phàng…Với tôi..chẳng qua là Huyển Mộng Bước Đời


Viết tại Kỳ Đà Động, Mạnh Xuân 09
Thủy Lan Vy


(http://www.gocong.com)