có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 2 24, 2012

“Thuyền Viễn Xứ” trong tâm thức hoài hương




Một thi sĩ lừng danh của nước Mỹ ở thế kỷ 19 là Henry W. Longfellow đã để lại trên 10 tập thơ, trong đó có những câu thơ bất hủ mà cho tới nay vẫn còn được nhiều người trích dẫn mỗi khi nói đến tâm thức hoài hương. Đại ý đoạn thơ viết rằng hoài hương “là một nỗi buồn nhớ mênh mang mà không phải là sự đau đớn”, và nếu ta nghĩ tâm trạng hoài hương cũng giống như niềm sầu khổ thì chẳng khác nào ta thấy “một màn sương muối giống như một màn mưa giăng”.

Có lẽ đúng thế thật. Với thời gian càng lúc càng chồng chất trên mái tóc và quê hương càng lúc càng khuất sâu trong trí nhớ, tôi dần dần nghiệm ra rằng, khác với tình yêu lứa đôi mà khi tan vỡ có thể biến thành niềm oán hận hoặc để lại một vết thương khó lành, tình hoài hương là tình cảm duy nhất sống mãi trong tâm hồn mà chẳng gây ra nỗi đau lòng, ngược lại đôi khi còn vỗ về an ủi tâm hồn ta như bàn tay mẹ hiền những ngày thơ ấu, hoặc đưa tâm hồn bay vút lên cao như cánh gió ban mai, để từ đó ta cảm thấy nỗi nhớ thương tràn ngập trong tim dường như đang hỏa lẫn với một niềm hạnh phúc mơ hồ…

Những ý nghĩ vụn vặt ấy thường hay đến với tôi cùng với giai điệu và lời hát của một ca khúc viết về tình hoài hương. Đất nước nào, dân tộc nào cũng có những ca khúc viết về tình hoài hương, nhưng tôi tự cho phép mình lý luận một cách rất chủ quan rằng chỉ có đất nước Việt Nam mới mang lại cho dân tộc Việt Nam một khối lượng lớn những ca khúc viết về tình hoài hương tuyệt vời đến như thế, mỗi ca khúc đã trở thành một viên ngọc trong kho tàng âm nhạc. Dĩ nhiên đây là một điều đáng tự hào. Nhưng hình như đây cũng là một định mệnh hàm chứa nỗi bất hạnh.

Tình hoài hương được định nghĩa một cách đơn giản là nỗi nhớ quê hương. Nhưng trong văn chương, nghệ thuật, âm nhạc của nhân loại nói chung, quê hương luôn luôn là một ý niệm rất tương đối. Người ta không thể mang những quy ước hay tiêu chuẩn về địa dư, lãnh thổ, biên giới, hoặc về sinh quán, nguyên quán, gia tộc… để xác định nguồn cảm hứng đã tạo thành những tác phẩm gói ghém lòng tư hương của người nghệ sĩ. Điều này thể hiện rõ rệt qua các ca khúc hoài hương trong giòng nhạc Việt.

Hãy thử nhớ lại giai điệu và lời ca của một số bài hát đã đi vào lòng chúng ta như “Nhớ Quê Hương” (Phạm Ngữ), “Làng Tôi” (Chung Quân), “Tình Quê Hương” (Việt Lang), “Chiều Quê” (Hoàng Quý), “Ôi Quê Xưa” (Dương Thiệu Tước), “Quê Hương” (Hoàng Giác), “Tiếng Sáo Chiều Quê” (Hoàng Giác), “Ngày Về” (Hoàng Giác), “Quê Mẹ” (Thu Hồ), “Xa Quê” (Lê Quang Nhạc), “Tình Hoài Hương” (Phạm Duy), “Thuyền Viễn Xứ” (Phạm Duy), “Người Em Nhỏ” (Nguyễn Hiền), “Buồn Nhớ Quê Hương” (Hoàng Trọng), “Lạnh Lùng” (Hoàng Trọng), “Hướng Về Hà Nội” (Hoàng Dương) v.v… Những ca khúc này đều được sáng tác trong khoảng từ giữa thập niên 40 đến giữa thập niên 50, hay nói cách khác, đều ra đời trước khi đất nước bị cắt đôi vì hiệp định Genève 1954. Vào thời điểm ấy, tuy cuộc ly hương thật sự của hơn 1 triệu người chưa xảy ra nhưng chiến tranh đã lan rộng khắp nơi, đã dìm ngập nhiều vùng đất trong khói lửa đạn bom và đã đẩy hàng triệu người ra khỏi làng mạc quê quán. Vì thế, “quê hương” làm rung động những tâm hồn nghệ sĩ trong giai đoạn ấy, là “miền quê binh khói” (Hoàng Giác), là “quê tôi chìm chân trời mờ sương” (Chung Quân), là “cảnh làng xưa vết hoang tàn đìu hiu gió sương” (Dương Thiệu Tước). Hình ảnh và âm hưởng “quê hương” làm ray rứt lòng người trong giai đoạn ấy có thể là một vùng quê với “ngàn dâu xanh ngát mấy nếp tranh xa mờ, tiếng sáo bay dập dìu đường về thôn xưa” (Việt Lang), hoặc có thể là Hà Nội với “nước hồ là ánh gương soi, nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui” (Hoàng Dương), mà cũng có thể chỉ là những kỷ niệm thật đơn sơ như “bên than hồng êm ấm, ta xum vầy sung sướng” (Hoàng Trọng), hay “lúc trăng đang dần nhô cao đầu trên khóm tre già, chúng ta quây quần vui nô đùa bên mấy khóm hoa” (Phạm Ngữ)… Biết bao nhiêu ca khúc bất hủ đã ra đời trong khói lửa chiến tranh để gửi gắm tình hoài hương của những nhạc sĩ phải lìa xa vùng trời kỷ niệm, ôm trong lòng nỗi nhớ mênh mang hướng về làng quê xưa hay thành phố cũ, và mơ một ngày “tàn cơn chinh chiến, lửa khói đắm chìm” (Hoàng Dương), để có thể “đón gió thanh bình trong nắng hanh vàng” (Hoàng Trọng), để được “tung cánh chim tìm về tổ ấm” và “say sưa cuộc sống bên ngàn lũy tre, xa lánh cuộc đời khắt khe trăm đau nghìn thương” (Hoàng Giác)…

Thế nhưng, như một định mệnh hàm chứa nỗi bất hạnh, cuộc chiến tranh 1945-1954 trên đất nước Việt Nam đã chỉ kết thúc bằng một cuộc phân ly, để rồi lại mở đường cho cuộc chiến tranh kế tiếp – một cuộc nội chiến tương tàn sẽ kéo dài hai thập niên và cũng sẽ chỉ kết thúc bằng một cuộc phân ly khác.

Hiểu theo một ý nghĩa hơi có phần cay đắng thì cuộc phân ly lần thứ nhất năm 1954 đã định nghĩa lại ý niệm “quê hương” trong tình hoài hương của những người nghệ sĩ, vì chiến tranh tuy đã kết thúc mà họ vẫn không có một quê hương thanh bình để trở về, chẳng những vậy mà họ còn phải lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để ra đi. “Quê hương” của chuyến ra đi năm ấy không phải là “miền quê binh khói” nữa, mà là quê hương đã bị cắt lìa bởi một giòng sông, một vĩ tuyến, một ý thức hệ. Tình hoài hương trong các ca khúc được viết vào thời điểm ấy tuy vẫn mang chất u hoài lãng mạn nhưng đã pha thêm niềm đau đớn, nỗi uất hận, và lòng xót thương gửi về một quê hương đang chìm vào bóng tối. Bao nhiêu tình cảm đó hòa lẫn với nhau để tạo thành những nhạc phẩm tuyệt vời như “Xa Quê Hương” (Đan Thọ & Xuân Tiên), “Thương Về Năm Cửa Ô Xưa” (Y Vân & Tạ Tỵ), “Hận Ly Hương” (Anh Hoa & Ngọc Long), “Giấc Mơ Hồi Hương“, “Nhặt Cánh Sao Rơi“, “Gửi Áng Mây Hàng” (Vũ Thành), “Bóng Quê Xưa“, “Vọng Cố Đô“, “Thu Ly Hương” (Nhật Bằng & Đan Thọ), “Nhạt Nắng” (Xuân Lôi & Y Vân), “Tình Cố Đô“, “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” (Lam Phương), “Sầu Ly Hương” (Lam Phương & Lê Mộng Bảo), “Hoa Bướm Ngày Xưa“, “Gửi Một Cánh Chim” (Nguyễn Hiền), “Lá Thư Gửi Mẹ” (Nguyễn Hiền & Thái Thủy), “Bắc Một Nhịp Cầu“, “Bên Bờ Đại Dương” (Hoàng Trọng & Hồ Đình Phương), “Chiều Mưa Nhớ Bắc“, “Em Còn Nhớ Không Em” (Hoàng Trọng & Thanh Nam), “Hướng Về Đất Bắc” (Phó Quốc Thăng), “Xuân Ly Hương” (Phó Quốc Lân), “Nỗi Lòng Người Đi” (Anh Bằng), “Xuân Tha Hương” (Phạm Đình Chương), “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội” (Phạm Đình Chương & Hoàng Anh Tuấn) v.v…

Sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được một danh mục đầy đủ các ca khúc thể hiện tình hoài hương trong âm nhạc Việt Nam, bởi vì chất hoài hương không phải chỉ tẩm đẫm giai điệu của những ca khúc giãi bày niềm thương nhớ một quê hương xa cách, mà chất hoài hương còn len lỏi vào cả những nhạc phẩm viết về tình yêu đôi lứa — những bản tình ca bất hủ như “Bến Xuân” (Văn Cao), “Tiếng Chuông Chiều Thu” (Tô Vũ), “Người Em Nhỏ” (Nguyễn Hiền & Thiệu Giang), “Tình Nghệ Sĩ” (Đoàn Chuẩn & Từ Linh), “Trên Đường Về” (Nguyễn Thiện Tơ)… Có phải đó là định mệnh chung cho mọi tâm hồn nghệ sĩ trên trần gian (mỗi nghệ sĩ đều có lúc cảm thấy mình giống như một đứa trẻ lạc loài), hay đó là một sắc thái riêng của âm nhạc Việt Nam, giòng âm nhạc mà ngay từ lúc phôi thai đã bị cột chặt với những thăng trầm của đất nước và đắm chìm theo từng mùa ly loạn, từng cuộc phân ly?

Nhưng dù giải thích thế nào đi nữa, rõ ràng là tâm thức hoài hương đã mang đến cho kho tàng văn chương nghệ thuật của chúng ta quá nhiều viên ngọc quý, và từ thế hệ này tiếp nối qua thế hệ khác, cho dù phiêu dạt ở phương trời xa xôi nào, nếu chúng ta vẫn cảm nhận được nỗi nhớ mênh mang hòa lẫn với niềm hạnh phúc mơ hồ mỗi khi gặp lại quê hương qua những vần thơ Nguyễn Bính “Tết này chưa chắc em về được, Em gửi về đây một tấm lòng…”, thì chắc chắn tâm hồn chúng ta cũng rung động y như vậy khi nghe những lời thơ Tạ Tỵ được Y Vân phổ nhạc để trở thành tiếng thở dài chua chát “…Có tiếc chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp? Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người? Ôi Hà Nội ơi! Tê tái tiếng cười, từng cánh hoa đời khép lại, thương về năm cửa ô xưa“, hay những vần thơ Huyền Chi được Phạm Duy đưa vào nhạc và trở thành một trong những ca khúc hoài hương tuyệt vời của giòng nhạc Việt.


oOo


Tôi viết “Thuyền Viễn Xứ Trong Tâm Thức Hoài Hương” vào những ngày đầu năm Nhâm Thìn, mùa Xuân tha hương thứ hai mươi tám kể từ khi lìa xa đất nước và chưa một lần trở lại. Cũng như rất nhiều người khác, đối với tôi cuộc phân ly ấy là cuộc phân ly lần thứ hai, sau chuyến đi lần thứ nhất theo cha mẹ và các anh chị trong làn sóng di cư của một triệu người rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để vào Nam tìm tự do. Những năm sau đó, lớn lên ở miền Nam, tôi bắt đầu biết nghe và yêu thích các ca khúc của một thời mà người ta quen gọi là “nhạc tiền chiến” nhưng thật sự bao gồm tất cả các ca khúc được viết trong giai đoạn từ 1938 đến 1954. Tôi bắt đầu hiểu tại sao anh tôi sưu tập và trân quý những nhạc phẩm do Tinh Hoa, Á Châu, An Phú… ấn hành trước và sau ngày di cư, những bản nhạc in rời bằng giấy cứng khổ lớn, mỗi mẫu bìa là một họa phẩm tuyệt đẹp. Tôi nhớ mãi bản nhạc “Thuyền Viễn Xứ” được cả hai nhà xuất bản Tinh Hoa và Á Châu ấn hành nên có hai mẫu bìa khác nhau, một là bức tranh màu nước với bà mẹ già đứng bên hàng liễu rủ nhìn theo bóng con thuyền ra khơi, và một là bức tranh lập thể của Tạ Tỵ với hình ảnh cánh buồm và cây đàn guitar như con thuyền trôi bập bềnh theo sóng nước…

Nhưng nếu không có cuộc phân ly lần thứ hai, có thể tôi vẫn chỉ biết yêu thích mà chưa cảm nhận được trọn vẹn chất hoài hương trong những ca khúc đã đi vào lòng người ngay từ cuộc phân ly lần thứ nhất. Hà Nội của tôi là Hà Nội bàng bạc qua những hình ảnh và âm thanh chỉ vừa đủ sắc nét để in vào trang giấy trắng của ký ức tuổi thơ, trong khi với cha mẹ và các anh chị tôi thì Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Cao Bằng… đều là những thành phố tràn đầy kỷ niệm đến độ khi phải lìa xa cũng chẳng khác gì cắt đứt một mảnh đời, rứt bỏ một phần da thịt. Cảm giác đau xót ấy, nhiều năm sau sẽ đến lượt tôi trải qua, khi lênh đênh giữa biển khơi, nhìn về cuối chân trời thăm thẳm mà không còn đoán được mảnh đất quê hương ở về hướng nào…

Thế rồi sau đó lại thêm nhiều năm nữa qua đi… Một buổi tối mùa Đông rất lạnh trên xứ người, tôi nhận được qua email tấm thiệp Xuân của anh tôi gửi từ quê nhà, kèm theo bản scan một bài thơ in trên trang báo cũ. Bấm “play” để mở thiệp, tôi nghe giai điệu quen thuộc của một bản nhạc không lời được đưa vào mp3. Bài thơ “Thuyền Viễn Xứ” của Huyền Chi và bản nhạc của Phạm Duy. Chắc hẳn anh tôi vừa tìm được một tờ tạp chí cũ kỹ nào đó đăng bài thơ ấy nên đã gửi tấm thiệp Xuân như một món quả cho đứa em tha hương. Là vì trong những email trước đó không lâu anh em chúng tôi đã nhắc với nhau bài thơ lục bát của Huyền Chi và tôi đã kể cho anh tôi nghe về cuộc nói chuyện qua điện thoại rất bất ngờ với tác giả bài thơ.

Người giới thiệu để có được cuộc điện đàm là chị Hồ Thị Ái Liên, chủ nhân và hiệu trưởng một trường dạy thẩm mỹ ở Virginia và là em thúc bá của nhà thơ Hồ Đình Phương (tác giả “Tình Thế Hệ“, “Sưởi Nắng“…. với một số bài thơ phổ nhạc đã trở thành những ca khúc bất hủ của Hoàng Trọng, Châu Kỳ…). Tình cờ trong một lần nói chuyện, chị Ái Liên cho biết hồi 1955-57, chị là học trò lớp đệ Ngũ và đệ Tứ của phu quân nhà thơ Huyền Chi: giáo sư Trần Phụng Tường, dạy Pháp văn tại trường trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết. Chị Ái Liên cũng cho biết nữ sĩ Huyền Chi hiện vẫn đang ở Sài Gòn và mở lớp dạy kèm sinh ngữ luyện thi đại học tại tư gia.

Qua điện thoại, tác giả “Thuyền Viễn Xứ” nói đến tập thơ đầu tay của bà mang tựa đề “Cởi Mở“, với 22 bài thơ ký bút hiệu Huyền Chi, do nhà in Sống Chung ấn hành. Bà kể lại: Sinh năm 1934 tại Từ Sơn, Bắc Ninh, bà theo gia đình rời nguyên quán vào Nam khi còn là một nữ sinh trung học, thoạt đầu ở Đà Lạt với chị, sau đó về Sài Gòn ở với mẹ, vừa đi học vừa giúp mẹ trông nom sạp bán vải ở chợ Bến Thành. Lập gia đình năm 1954, bà theo chồng ra Phan Thiết, mở hiệu sách, dạy Anh ngữ, rồi làm việc cho cơ quan MAC-V, và sau biến cố 1975 bà cùng gia đình dời về lại Sài Gòn. Phu quân của bà, giáo sư Trần Phụng Tường đã tạ thế năm 2010. Trong 7 người con của ông bà, 4 người hiện ở Việt Nam, 3 người ở Hoa Kỳ.

Bà tỏ vẻ xúc động khi nghe tôi đọc mấy câu đầu của bài thơ mà tôi đã nhớ thuộc lòng không biết từ bao giờ. Bà kể lại, cùng với những bài thơ khác trong tập “Cởi Mở“, bài “Thuyền Viễn Xứ” được sáng tác vào năm 1952, thời gian bà sinh hoạt với một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký tòa soạn chuyên trách mục thơ cho tạp chí Phụ Nữ ở Sài Gòn. Tình cờ gặp gỡ tại nhà in Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo, cô nữ sinh 18 tuổi ký tặng một ấn bản của tập thơ đầu tay còn thơm màu mực mới cho một nhạc sĩ thành danh, lúc đó đang ở Sài Gòn để sắp xếp công việc cho gia đình vừa từ Bắc vô Nam. Đó là lần duy nhất tác giả bài thơ gặp tác giả bản nhạc. Đó cũng là thời điểm đánh dấu một khúc quanh khắc nghiệt của lịch sử: chiến tranh sắp kết thúc nhưng hòa bình đã chỉ đến qua một hiệp định quốc tế cắt đôi đất nước, đưa tới cuộc di cư của một triệu người dân miền Bắc và mở đầu cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo dài 20 năm…

Rồi thời gian tiếp tục trôi đi… Đất nước lại trải qua thêm một cuộc bể dâu… Những ấn bản của tập thơ “Cởi Mở” đã bị thất lạc từ năm 1975 lúc tác giả cùng gia đình di chuyển về Sài Gòn, và đến bây giờ thì chính nữ sĩ Huyền Chi cũng không còn nhớ trọn vẹn từng bài thơ trong đó nữa. Về lần gặp gỡ ngắn ngủi nhạc sĩ Phạm Duy đúng 60 năm về trước, bà cho biết gần đây bà cũng đã kể lại với một nhà báo ở Việt Nam là cựu nữ sinh trường Phan Bội Châu, để viết trong bài “Huyền Chi tác giả bài thơ Thuyền Viễn Xứ là ai?” (Nguyễn Phước Thị Liên, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 768 tháng 12-2011).

Đây là 24 câu lục bát của bài thơ “Thuyền Viễn Xứ“:

“Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhòa như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…“



Và như chúng ta đã biết, từ bài thơ trên, nhạc phẩm “Thuyền Viễn Xứ” đã ra đời, với giai điệu buồn mênh mang như từng đợt sóng đưa con thuyền xa bến, với những lời hát chẳng những gửi gắm niềm nhớ nhung của một triệu người rời quê cha đất tổ năm 1954, mà hơn hai thập niên sau đó sẽ lại một lần nữa gửi gắm nỗi lòng của hàng triệu người phải bỏ lại tất cả những gì yêu thương nhất trên mảnh đất quê hương để vượt biển tìm tự do và phiêu bạt nơi đất lạ quê người:

“Chiều nay sương khói lên khơi – Thùy dương rũ bến tơi bời – Làn mây hồng pha ráng trời – Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người – Thuyền ơi! viễn xứ xa xưa – Một lần qua dạt bến lau thưa – Hò ơi! giọng hát thiên thu – Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về – Nhìn về đường cố lý – Cố lý xa xôi – Đời nhịp sầu lỡ bước – Bước hoang mang rồi – Quay lại hướng làng – Đà Giang lệ ướt nồng – Mẹ già ngồi im bóng – Mái tuyết sương mong con bạc lòng – Chiều nay gửi tới quê xưa – Biết là bao thương nhớ cho vừa – Trời cao chìm rơi xuống đời – Biết là bao sầu trên xứ người – Mịt mờ sương khói lên hương – Lũ thùy dương rủ bóng ven sông – Chiều nay trên bến muôn phương – Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…“


oOo


Trong “Hồi Ký Phạm Duy” (Tập 3, ấn bản 2008), sau khi mở đầu Chương 3 “Gần hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ ở Sài Gòn“, nhạc sĩ Phạm Duy kể về chuyện bắt đầu sáng tác trở lại vào giai đoạn cuối năm 1952 với các ca khúc Tình Hoài Hương, Tình Ca, Bà Mẹ Quê…: “…Vào thời điểm này [trước cuộc di cư 1954] không phải chỉ có tôi viết về đất nước mến yêu hay soạn những bài hát nhớ quê hương khi đang sống trên quê hương (…) Phải sống bon chen với thực tại, thỉnh thoảng tôi muốn sống với viễn mơ. Huyền Chi, một cô em bán vải ở Chợ Bến Thành đưa cho tôi phổ nhạc bài thơ nhan đề Thuyền Viễn Xứ. Bài thơ này nói lên tâm trạng một người Bắc Việt phải rời bỏ bến Đà Giang để vào sinh sống tại miền Nam. Phổ nhạc xong bài thơ nhớ miền viễn xứ, trong tôi lại nổi dậy sự viễn mơ của bài Bên Cầu Biên Giới năm xưa, tôi bèn soạn bài Viễn Du…“

Từ thời điểm bài thơ rồi bản nhạc ra đời, cho đến suốt hơn 20 năm sau đó, âm hưởng của “Thuyền Viễn Xứ” đã trở thành tiếng lòng của những người “xa quê hương”, trong số đó chắc chắn có rất nhiều người không thể ngờ rằng họ sẽ còn “xa quê hương” thêm một lần nữa trong đời, và niềm thương nhớ ngày nào hướng về “cố lý xa xôi” sẽ được nhân lên nhiều cấp số để trở thành nỗi hoài niệm không nguôi của những tâm hồn lưu lạc “gửi về phương ấy mịt mờ quê hương“.

Nhắc đến điều này để thấy “quê hương” chỉ là một ý niệm tương đối, nhưng phải chăng cũng chính vì thế mà sau bao nhiêu thử thách của thời gian, sau bao nhiêu thăng trầm của đời sống, tình hoài hương mãi mãi vẫn là một tình cảm làm đẹp và thăng hoa tâm hồn nhiều hơn là vò xé và dằn vặt tâm hồn? Trước khi quê hương cách trở cả một trùng dương, đã có một thời mà không gian ngăn chia người với quê hương chỉ là một giòng sông Đuống như miền Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, chỉ là một đường tàu Nam Bắc như xứ Hà Đông trong thơ Nguyễn Bính, chỉ là một vùng lửa đạn như thành phố Hà Nội trong nhạc Hoàng Dương… Rồi lại có một thời mà nửa mảnh đất quê hương bị cắt lìa vì một vĩ tuyến đánh dấu hai ý thức hệ đối kháng khiến người ra đi chỉ có thể “đứng bên này vĩ tuyến thương về năm cửa ô xưa” như trong thơ Tạ Tỵ nhạc Y Vân… Nhưng dù cho không gian có khác, hoàn cảnh có khác, tình hoài hương vẫn là nguồn cảm hứng để từ đó đã thoát thai biết bao nhiêu tác phẩm giá trị của kho tàng văn chương âm nhạc Việt Nam. Có lẽ bởi vì, nói cho cùng, quê hương là nơi cất giữ những kỷ niệm đẹp nhất, và nếu hình ảnh quê hương sống mãi trong lòng người thì cũng chẳng qua bởi vì đó là một tuyển tập hình ảnh của chính mình, những hình ảnh nguyên vẹn mà mỗi người khi ra đi đã mang theo và nâng niu cất giữ trong cõi riêng của tâm hồn, để có thể mở ra vào những giờ phút tĩnh lặng và tận hưởng một hạnh phúc rất riêng tư, tách biệt với mọi xô bồ, đắng cay, mệt mỏi của cuộc sống hiện tại.

Hơn nửa thế kỷ sau khi viết “Hướng Về Hà Nội“, trả lời câu hỏi về hoàn cảnh sáng tác ca khúc đã tạo nên tên tuổi của ông, nhạc sĩ Hoàng Dương nhắc lại không khí của những năm 1953-1954 và cho biết: “…Tình yêu Hà Nội trong tôi là nỗi nhớ nhung về những tháng ngày đã lùi dần vào dĩ vãng… là một Hà Nội nhỏ nhắn và dịu dàng nơi tôi đã chôn chặt mối tình thời trai trẻ…”. Sự mong manh của đời sống giữa khói lửa chiến tranh khiến cho người nhạc sĩ dù lúc ấy còn đang ở ngoại thành Hà Nội mà đã nhớ về Hà Nội như một “thành phố xa xưa”, một thành phố của “những tháng ngày đã lùi dần vào dĩ vãng”. Thế rồi chỉ một năm sau đó, Hoàng Dương lại trở về và sống ở Hà Nội, trong khi một làn sóng người rời bỏ Hà Nội để di cư vào Nam, và với họ, Hà Nội kể từ đó đã thật sự chỉ còn là quê hương trong trí nhớ, một quê hương để làm cay mắt mỗi khi nghe lời hát “dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê, biết đâu ngày ấy anh về…”

Một buổi tối mùa Đông nơi xứ người, tôi nhận được tấm thiệp Xuân của anh tôi gửi từ quê nhà, kèm theo bài thơ “Thuyền Viễn Xứ” của Huyền Chi in trên một trang báo cũ. Cũng khoảng thời gian ấy, qua điện thoại, chị tôi kể cho tôi nghe là trong một chuyến đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, chị tôi đã có dịp thăm lại khu phố cũ nơi có căn nhà mà mấy chị em chúng tôi ở cùng cha mẹ trước ngày rời đất Bắc. Nửa thế kỷ đã trôi qua với hai cuộc bể dâu. Hà Nội vẫn còn đó, cũng như Sài Gòn vẫn còn đó, nhưng cha mẹ chúng tôi không còn nữa, thời thanh xuân của các chị tôi với tà áo dài và mái tóc thề thả gió trên hè phố Hà Nội cũng không còn nữa, và đứa em trai út là tôi thì chưa một lần trở về. Nghe chị tôi kể chuyện căn nhà của tuổi thơ, tôi nghĩ đến hình ảnh cha mẹ, và trong giòng kỷ niệm dạt dào, tôi nhớ ra rằng cha mẹ tôi cũng đã không một lần trở về đất Bắc. Những năm lớn lên ở miền Nam, thình thoảng tôi vẫn nghe cha tôi hát nho nhỏ những lời hát rời rạc từ một ca khúc trước 1954, “Làng Tôi” của Chung Quân. Càng về sau tôi càng cảm thông được tâm trạng của cha mẹ qua lời hát mang theo hình ảnh một quê hương trong trí nhớ, một quê hương với những nơi chốn thân yêu mà đến một thời điểm nào đó cha mẹ tôi đã có thể trở về thăm, nhưng cha mẹ tôi không trở về. Những “cây đa cao ngất từng xanh“, những “mái tranh san sát kề nhau” hay “bóng tre ru bên mấy hàng cau” có thể vẫn còn đó, nhưng không còn thôi thúc lòng người trở lại, bởi vì quê hương đã đổi thay và những tháng ngày đẹp nhất không còn nữa.



(Thuyền viễn xứ qua tiếng hát Lệ Thu)

Bao nhiêu năm rồi, mỗi lần mùa xuân sắp đến ở quê nhà thì nơi tôi đang ở vẫn là mùa đông lạnh buốt và thường là tuyết phủ ngập trời. Nhưng mỗi khi nghe vang vọng “câu hát ngàn xưa, ngân lên trong một chiều mưa xứ người“, mỗi khi nghĩ đến “đường về cố lý xa xôi, nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang“, tôi không còn cảm thấy tâm hồn chùng xuống theo hơi gió lạnh nữa, có lẽ vì bài thơ gửi từ quê hương hay lời kể chuyện về căn nhà xưa đã mang theo tất cả tình thương yêu của các anh chị tôi để sưởi ấm cõi lòng đứa em xa xứ. Quê hương chẳng những là tuyển tập những hình ảnh đẹp nhất của một quãng đời đã sống, quê hương còn là những tình thương yêu đằm thắm không phai nhạt theo thời gian và không bị ngăn cách vì không gian. Tình hoài hương là niềm nhớ nhung khó nguôi ngoai nhưng không gây ra nỗi đau đớn mà chỉ làm đẹp thêm cho tâm hồn. Nếu lồng vào bối cảnh thời cuộc thì làm sao có thể để cho những kẻ thiếu lương tâm khai thác một tình cảm đẹp như thế thành lớp son phấn ngụy trang một mục tiêu tuyên truyền xảo trá, làm sao có thể chấp nhận để cho những kẻ đó đồng hóa ý niệm cao quý của quê hương với một chủ nghĩa hấp hối rồi nhân danh chủ nghĩa ấy để hủy hoại và dâng bán mảnh đất quê hương mà tôi yêu thương với tất cả tâm hồn.

Tôi nhớ đến lời thơ Nguyễn Bính “Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió, Xuân này em chị vẫn tha hương, Vẫn ăn cái tết ngoài thiên hạ, Son sắt say hoài rượu viễn phương“. Có một mùa xuân nào đó, Nguyễn Bính đã trở về để rồi chết trên một quê hương mà tôi tin chắc là ông đã không tìm thấy lại. Nếu cuộc trở về buồn bã như thế thì tình hoài hương của những người mượn lời thơ Huyền Chi “Biết bao thương nhớ cho vừa, gửi về phương ấy mịt mờ quê hương” phải chăng lại là một niềm hạnh phúc?


Đào Trường Phúc

2-2012


nguồn sangtao.org