có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 12 29, 2011

Vọng Ngoại



 Trải qua bao thăng trầm của quê cha đất tổ, ai mà không nghĩ đến làm một cái gì cho xứ sở mình tốt đẹp hơn. Nhưng điều mà ta vẫn vướng mắc, phải chăng là không thoát được thói quen coi người trọng hơn mình. Phải! vì đất nước ta cứ càng ngày càng tụt hậu. Chỉ có dùng hàng ngoại, học đòi làm dáng như người nước ngoài mới là thời thượng, thậm chí du nhập vào những rác rưởi của người khác để vấn đục nền văn minh nước nhà mà còn kiêu hãnh. Tinh thần vọng ngoại đáng cho chúng ta cảnh giác mà tiêu trừ, bằng không, đất nước vẫn còn đó mà dân tôc ta sẽ biến thể, chẳng còn giống con giáp nào, cũng chẳng xa lắm đâu. 

Ta thường đổ cho lịch sử, “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ thằng Tây”.

Một ngàn năm đô hộ của Tàu cũng cho ta một nền văn minh nào đó. Và một trăm năm đô hộ của Tây cũng vậy. Phần nào, họ cũng đã mang tới cho ta nhiều hiểu biết mới mẻ, những triết lý sống khác nhau, những kỹ thuật và khoa học cũng đã giúp ta tiến bộ. Điễn hình nhất là chữ Nôm xuất phát từ chữ nho hay chữ Hán của Tàu. Và chữ quốc ngữ mà ta đang dùng phải chăng do một cố đạo Tây phương giúp ta sáng lập. 

 Nhưng mỗi thời một khác. Những cái hay ngày trước chỉ có giá trị ở hoàn cảnh xã hội và thể chế thời đó. Vì thế, có những thứ còn dùng được, nhưng có nhiều thứ chẳng những không nên dùng mà vì nó đã tiêm nhiễm vào dân gian, biến thành mê tín dị đoan, ta phải cố gắng tiêu trừ. Ví dụ như việc cưới gả, nhờ thầy coi tuổi coi có hạp hay xung khắc, mà thầy chỉ biết ba mớ cũng tin theo thì thật là tội cho con trẻ. Những chuyện như đồng bóng toàn là gạt người thì ta nên tránh để tiến bộ. Cách xưng hô yếm thế của người Tàu thời trước, họ phải tự hạ mình xuống để xưng hô “tôi, tớ” khi đối thoại để tỏ ra khiêm tốn. Và chữ “tôi” nay đã thành một đại danh từ trong ngôn ngữ chúng ta rồi. “Tôi tớ” không phải là của ta, nhưng dùng quen rồi, làm sao sửa. 

Các ông Khổng Tử, Mạnh Tử là thánh? Hay lắm! Họ đã có triết lý luận người và vật của đất nước họ, trong thế hệ của họ sống, một xã hội phong kiến mà người dân đâu có đời sống của một con người tốt lành? Tứ thư ngũ kinh thật là huyên bác. Từ kiến thức đó, người ta đã giải quyết nhiều vấn đề hốc búa, về y học, về binh thuyết, về bói toán…Có nhiều kết quả tìm thấy từ ngàn xưa bên Tàu mà ngày nay Tây y cũng chưa giải thích được, như về chăm cứu chẳng hạn. Cũng như làm sao ta nghĩ được mấy nghìn năm trước đã áp dụng matrix. Và biết đâu từ Kinh Dịch người ta lại phát minh ra bom nguyên tử. Ở đâu cũng có cái hay mà ta nên học, và học cho đến nơi đến chốn hầu có thể áp dụng lại trong hoàn cảnh đất nước ta. 

Ta mượn kiến thức nước ngoài để nâng cao trình độ của ta, chứ không để làm tay sai cho họ. 

Người Nhật Bản sau khi thua trận trong Thế Chiến II, họ đã từ từ đứng dậy, và ngày nay nọ đã có đời sống sung túc mà họ có thể tự hào. Vào năm 1957, sang Tokyo lần đầu tiên, nhìn thấy ngoài đường, các xe taxi đều thuộc loại xe 4 cv của Pháp (hiệu Renault sử dụng loại động cơ 4 mã lực) mà VNCH chúng ta đã từng dùng làm taxi ở Saigon. Họ làm xe đó y hệt, vì đã mua bản quyền nên trên tay lái đóng dấu chữ N, là Nippon, là của Nhật. Họ làm một máy ảnh lấy từ kiểu Leica của Đức. Những thứ đó, họ đều mua bản quyền rồi sản xuất tại Nhật từng bộ phận một. Vào năm 1962, một người trong đơn vị cưới một cô vợ thuộc gia đình Nhật, và chú rể được tặng một chiếc xe hoàn toàn của Nhật, hiệu Toyota. Lúc ấy nhìn chiếc xe mà khen rằng, nước Nhật đã tiến bộ nhiều trong công nghiệp làm xe, tuy rằng hình thù chiếc xe được vá vếu, như nó hao hao giống chiếc FIAT của Ý mấy năm trước đó. Nhưng ngày nay thì Nhật có rất nhiều loại xe, nhiều hãng khác nhau mà ta đều biết tiếng. Họ cũng đã làm như vậy trong lãnh vực máy ảnh, điện tử, và hàng của họ sản xuất cạnh tranh mãnh liệt với hàng Âu Mỹ. Mượn kiến thức của người để học tập, rồi từ đó làm một cái gì cho ta. 

 Ví dụ kế tiếp là Đại Hàn. Một nước được liệt vào hàng chưa phát triển trước năm 1970. Một nước chưa phát triển là một nước có nền kinh tế trì trệ, tổng sản lượng quốc gia không tăng trưởng nỗi. Thế mà chỉ mấy năm sau, lấy công nghiệp làm đà tiến triển kinh tế, họ đã có tên tuổi trong nhiều lãnh vực như làm xe hơi, điện toán, điện tử… cạnh tranh mạnh mẽ với cả Nhật là nước đã từng đô hộ họ. Phải nói tinh thần quốc gia của Nhật và Đại Hàn đáng cho ta lấy đó làm gương. 

 Năm 1967, một phái đoàn KQVN sang Đài Loan để học tập nơi họ về công việc chuyển tiếp sang F-5A, hầu rút tỉa kinh nghiệm trong kế hoạch tiếp nhận F-5 của KQVN trong năm này. Về chuyên môn bay hay bảo trì thì không có gì để bàn. Chúng ta đều biết đến Không Quân Đài Loan qua sự trình diễn của đội Lôi Hổ tại Saigon, Cholon trong năm 1962. Trong một bữa tiệc do BTLKQ Đài Loan khoảng đãi, phái đoàn Việt Nam được thưởng thức một thứ rượu thuốc đặc biệt của họ. Họ không dùng rượu Mỹ, rượu Pháp, hay rượu Nga. Họ có sự tự hào của họ. Các văn kiện kỹ thuật của Đài Loan đều được dịch ra từ tiếng Anh sang tiếng quan thoại. Họ xài đồ Mỹ, nhưng không muốn lệ thuộc Mỹ. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam lên cực điểm, Đài Loan đã giúp cho Mỹ làm đại tu trực thăng UH-1H. Và bây giờ, Đài Loan cũng đã có được một nền kinh tế phát triển tốt, một tự hào dân tộc, dù mộng tái chiếm lục địa chưa thành. 

 Điểm chung của các nước vừa kể giúp họ thoát ra từ cảnh chật vật, thua thiệt, đến trình độ có thể cạnh tranh với nước khác là họ có tinh thần quốc gia dân tộc rất mạnh. Sau Thế Chiến II, người Mỹ bước vào xứ hoa anh đào đều nể sợ, vì từ người già tới trẻ, ai cũng đứng nghiêm cúi đầu chào họ ngoài đường phố, chào người Mỹ thắng trận, bất cần họ mang cấp bậc gì. Cái chào đó nói lên cái nhục nhã của người thua trận, và từ đó phải đứng lên xây dựng tương lai cho mình. Đài Loan có cái nhục mất đi lục địa vào tay cộng sản. Đại Hàn có cái nhục đất nước bị chia đôi. Và họ đã đứng dậy được. Ba nước đó, không nhiều thì ít, đều nhờ Mỹ mà họ đứng lên được.Nhưng họ vẫn là các nước độc lập tự chủ. Liên kết với Mỹ về quân sự để chống lại sự bành trướng của Tàu, nhưng không lệ thuộc Mỹ về chính trị hay kinh tế.  

Phải làm sao cho người Việt chúng ta hãnh diện cái gì ta đang có. 

 Phải tự lực cánh sinh. Phải sản xuất mà tiêu dùng chứ không mua hàng hóa của Tàu vì rẻ. Bây giờ, hàng của Tàu chuyển lậu vào Việt Nam vô số kể, có thể nói là trên 90% hàng bày bán ở Hà Nội là của Tàu. Từ miền Bắc, hàng Tàu tràn xuống Nam, càng dễ dàng hơn trước khi xa lộ được mở rộng bên kia Trường Sơn. Chưa lệ thuộc Tàu về chính trị mà đã lệ thuộc Tàu về kinh tế. Việt Nam khi vào WTO đã trở thành một thùng rác để các nước tha hồ đổ vào những loại hàng không bán được nơi khác. Nhiệm vụ của ta là phải làm thế nào để dân ta ưa thích hàng nội hóa hơn là hàng ngoại. Một sĩ quan tùy viên quân lực VNCH trước kia kể lại như sau:ở Đại Hàn, là Nam Hàn, khi đi ra đường phố mà hút thuốc lá Salem của Mỹ thì bị dân qua đường đánh, vì họ cho là người bản xứ Đại Hàn thì không nên dùng “đồ ngoại”, nghĩa là hàng nước ngoài, dù đó là hàng Mỹ, người bạn đồng minh đang giúp Nam Hàn không bị Bắc Hàn xâm chiếm từ đầu thập niên 1950. Trái lại, người Việt chúng ta hồi còn quân Mỹ tham chiến thì rất thích bất cứ thứ gì của Mỹ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ hút thuốc lá Grand Prix do Việt Nam sản xuất, và dùng diêm quẹt Cánh Bướm Việt Nam, phải chăng ông muốn chứng tỏ mình là người Việt thì phải yêu quí hàng nước mình, dù ngon hay dỡ cũng là của ta. Bà Ngô Đình Nhu khi sang Mỹ để giải độc, bà cũng đã mặc áo dài, áo dài với cổ áo “kiểu bà Nhu”, thay vì mặc một bộ Âu phục đắt tiền. Cái hay cái đẹp của người chỉ là của người, có khi đặt lên ta biến ta thành ngợm. Cái thật sự của ta mới là đẹp, đẹp từ trong lòng. 

 Hồi còn trong trại tập trung của cộng sản, có một anh bạn tù bảo với tôi:”nếu chưa bị tan hàng, tôi sẽ có luận án tiến sĩ sắp sửa trình làng”. Hỏi anh có ý kiến gì mới, anh đáp đã vớ được một quyển sách tiếng Pháp cực hay, dựa vào đó làm luận án tiến sĩ là hết xẫy. Ý là ý của người ta, làm sao làm của mình được. Lại nữa, ý đó có giá trị ở xứ sở người ta, trong bối cảnh xã hội của người ta, làm sao phù hợp với xứ mình? Chỉ là đạo văn mà thôi. Giống như đạo văn vĩ đại là nhà Hồ, nói những câu như:”Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” là của ông ta, để ông tiếp:”Muốn có xã hội chủ nghĩa, phải có con người xã hội chủ nghĩa”, và từ đó, bè lũ cộng sản đã cấy vào đầu bao nhiêu thế hệ trẻ Việt Nam một học thuyết không tưởng, làm thay đỗi lối suy nghĩ của cả một dân tộc, áp dụng một lối suy luận không logic mà còn gọi là logic biện chứng. Nguy hại là ở chổ đó. Người lãnh đạo to đầu như vậy, nhưng trí thì không có thực, chỉ có tài mượn ý người khác làm của mình. Vì kém học mà lại nhiệt tình nên mang về một chủ nghĩa bất nhân vay mượn từ nước ngoài để đấu giáo cho giặc, làm nô lệ cho đảng cộng sản quốc tế, mà miệng cứ hô hào là giúp dân làm một cuộc cách mạng toàn diện, “đấu tranh giai cấp”. Và kết quả là đẻ ra quái thai của đảng cộng sản là giai cấp mới “tư bản đỏ”. Một người lãnh đạo như vậy mà không có chút căn bản dân tộc nên càng làm càng hỏng, hỏng từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Đó là một cái gương vọng ngoại nguy hại cho quê hương chúng ta. 

 Nước Pháp đã dạy cho dân ta có cuộc sống văn minh hơn về khoa học kỹ thuật. Ta đi Pháp học được cái hay cái đẹp của họ để mang về nước áp dụng. Nền giáo dục của Pháp có tính cách khai phóng, mở mắt cho con trẻ, để từ đó tự nó tiến lên. Không một sự gò ép nào. Cái hay về khoa học kỹ thuật của Pháp hay bất kỳ của nước nào, ta cũng nên học hỏi, học hỏi để mưu cầu tiến bộ bản thân, trở về nguồn mà giúp nước. Dựa trên kiến thức học hỏi được, hy vọng làm được cái gì ngang hàng với người nước ngoài, rồi từ đó, phát minh cái gì đặc trưng cho dân ta, làm cho đất nước ta sung túc hơn, làm bàn đạp để phát triển. Có tôn trọng bản quyền trí tuệ của nước ngoài mới quyết tâm xây dựng tài sản trí tuệ nước ta. 

 Về nước, người thì từ Âu từ Úc, người thì từ Á từ Mỹ, nhưng chúng ta phải ngồi lại với nhau mà trao đổi kiến thức, tránh việc coi nơi mình học được là vượt trội hơn nơi khác thì khó mà hòa hợp với nhau để sáng tạo cho đất nước mình. Ngôn ngữ nước ngoài chỉ là một phương tiện để thu hoạch kiến thức. Tự nó chẳng còn giá trị gì nếu cái biết của ta vẫn còn hời hợt. Chỉ khi nào kiến thức được tiêu hóa trọn vẹn, chỉ khi nào ta có thể mang kiến thức đó ra áp dụng vào hoàn cảnh đất nước ta thì mới có giá trị. Một kiến thức du nhập từ nước ngoài còn có vấn đề hệ thống hóa vào nước ta. Một chuyên viên giỏi về làm việc trong một cơ sở mà thiếu những người cần có để hợp tác với mình thì giá trị của họ coi như vất đi. Cách thức làm việc theo một sự lãnh đạo dân chủ, có đủ sự hợp tác của nhiều cơ quan nhiều ngành, có sự điều hợp chặt chẽ của trung ương thì mọi việc tiến hành suông sẽ. Trái lại, làm theo kiểu “quan liêu cửa quyền” thì dù chuyên viên có giỏi nhưng hệ thống thì hoạt động rời rạc,giống như một guồng máy không chạy nỗi vì các bánh xe răng không ăn khớp với nhau được. Và chuyên viên học từ nhiều nước khác nhau hội lại trong một tổ chức cũng giống như một hệ thống máy đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trao đỗi kiến thức với nhau để đi đến một sự dung hòa thích đáng. Vì thế nên thường sinh ra cãi cọ, ai cũng coi nơi mình học là tốt nhất hay đúng nhất. Đó là cái khó mà các du học sinh sẽ gặp phải khi về nước phục vụ. 

 Có thể nói trong tình thế hiện nay, người Việt đã thu thập được nhiều loại văn hóa khắp nơi trên thế giới, từ Đông Âu cũng như Tây Âu, từ Nhật, Đại Hàn hay Đài Loan, từ Úc, từ Mỹ. Và ta đã có cái nhìn cá biệt không tránh khỏi. Ngoài kiến thức về khoa học kỹ thuật, ta còn có cơ hội nhận xét về đời sống chính trị ở các nơi đó. Điều đó mới thật sự giúp ích cho đất nước ta phát triển. Bất cứ ngành nghề nào, cho là việc nước hay là việc nhà, nó chỉ phát huy được tốt trong một môi trường chính trị thích hợp. Một ý tưởng chính trị chỉ có thể phát huy khi xã hội đó có được những điều kiện cần và đủ. Lấy ví dụ “kinh tế thị trường” áp dụng cho Việt Nam sau thời kỳ “xã hội chủ nghĩa”. “Kinh tế thị trường” là một nền kinh tế dựa trên thuyết “cung, cầu”. Người ta sản xuất (cung cấp) vì có nhu cầu tiêu thụ (cầu, cần), không quá nhiều cũng không quá ít. Làm ăn, ai cũng muốn có lời. Ai thấy được làm ăn có lời đều được tự do theo đuổi mục tiêu kinh doanh của mình. Nghĩa là tự do cạnh tranh, cấm kỵ độc quyền. Đó là mô thức phát triển kinh tế áp dụng trong một chế độ tư bản. Miền Bắc Việt Nam theo chế độ “xã hội chủ nghĩa” trước 1975, và cũng đã áp dụng chế độ này cho cả nước sau khi thôn tín miền Nam. Cho đến năm 1986 bắt đầu công cuộc “đổi mới”. 

 Khi Liên Sô chuẩn bị chuyển hướng thì Việt Nam cũng bắt đầu “đổi mới” theo chỉ dạy của Liên Sô. Mở cửa cho dân chúng tự do làm ăn, nhưng nhà nước muốn giữ lại cái quyền cai trị độc tôn của đảng cộng sản. Và cũng vì nán lại với chủ nghĩa cộng sản ấy mà đưa vào thêm cái đuôi vô duyên “theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa”, cho rằng làm như vậy không mất mặt là đi theo con đường tư bản. Và ta đã thấy họ rêu rao “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Người nước ngoài chỉ nhìn thấy mấy chữ đầu là “kinh tế thị trường”, tưởng bỡ nhảy vào thì gặp ngay chính quyền đôc tài không cho phép tự do kinh doanh. Khi đã thấy sự thật rồi, muốn rút vốn ra cũng không còn kịp nữa. Ý tưởng kinh tế thị trường đòi hỏi một căn bản chính trị dựa trên pháp luật ấn định rõ rệt tự do kinh doanh là như thế nào, nhưng nhà nước Việt Nam chỉ đưa ra những luật đầu tư để dụ dỗ đầu tư nước ngoài, còn họ vẫn cai trị dựa trên nghị quyết, mà nghị quyết thì họ thay đổi tùy hứng, thuận lợi cho họ mà thôi. Chính các luật sư ở Việt Nam còn không theo kịp nghị quyết nào đang hiệu lực và nghị quyết nào đã lỗi thời, thì làm sao các giới kinh doanh nước ngoài có thể biết được. Khi thất bại, bỏ của chạy lấy người, họ mới rõ lẻ ra rằng Việt Nam chơi luật rừng. Tóm lại, ở Việt Nam, kinh tế thị trường chỉ có nghĩa là theo cung cầu, còn tự do kinh doanh thì là chuyện khác. Điều kiện chưa đủ để kinh tế thị trường mang ra áp dụng. Đó gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Cái tệ vọng ngoại còn là thói quen của nhiều người khi đọc tiếng nước ngoài. Nhiều khi phải dựt mình khi đọc được một bài nói về Việt Nam bằng Anh hay Pháp ngữ, tuy bản văn có rất nhiều mới lạ so với hiểu biết từng người, nhưng hoàn toàn thất thiệt. Ấy thế mà có nhiều người tin, và lấy đó làm cơ sở để xét về sự việc đã xảy ra, không nghe những người Việt cũng kể về một việc như vậy. Tôi nhớ có lần tôi đọc một đoạn kể một cố vấn vĩ đại bảo:”Quân dù tấn công vào căn cứ Không Quân Biên Hòa vào năm 1960 khi mưu đồ đảo chính, đã bị Skyraider dùng bom Napalm chận đứng ngay cổng vào căn cứ”. Trong khi đó, chúng tôi có mặt tại căn cứ đó ở thời điểm đó thì không biết nỗi việc động trời này. Cũng như có một ông Tướng về vườn xác nhận một điều rất khẳng định, ông đã dạy cho 24 khóa sinh Việt Nam mà ngày nay chẳng còn người nào sống sót sau chiến tranh. Ông tướng đó có thiện chí nói lên sức tích cực đấu tranh của nhân dân ta trong cuộc chiến chống cộng. Thật sự đã chết rất nhiều rồi nhưng cũng còn một số người sống sót. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn đưa ra những vụ điễn hình, người ta nói hay viết tiếng Anh, chưa hẵn là người ta nói đúng đâu. Nhưng nếu ta tin ở những bản tiếng Anh hay tiếng Pháp không thôi thì thật là không công bằng. Bỏ qua tinh thần vọng ngoại thì ta sẽ xét việc đúng đắn hơn. Chuyện của người Việt nhưng người nước ngoài viết cho người nước họ đọc nên tha hồ vẽ vời, viết cho hấp dẫn thôi cho dù có sai sự thật cũng khó mà kiểm chứng. Nếu ta đọc các bản văn đó thì ta cũng nên bình tâm suy nghĩ đó là do người nước ngoài viết, hư thực còn phải kiểm chứng lại. Nếu còn thiếu tài liệu thì nên tham khảo thêm, tìm thêm tài liệu sống. Ít ra cũng nên nhờ những nhân chứng sống để kiểm lại tài liệu đang có còn hơn trình làng một tài liệu hoàn toan thất thiệt. Điều tôi muốn nói ở đây là, đừng quá tin ở tài liệu nước ngoài, vì họ viết theo nhu cầu của họ, không phải hoàn toàn là sự thật. 

 Những ai có dịp xem phim Việt Nam ngày nay sản xuất đều có thể xác nhận một điều là dân ta đã có tiến bộ về kỹ thuật làm phim rất đáng khen ngợi. Còn rất nhiều thứ cần tiến bộ hơn, nhưng bước đầu như vậy cũng đã khá lắm rồi. Xuyên qua câu chuyện phim, điều làm cho tôi ngại nhất là người mình bây giờ sang trọng quá, ăn mặc theo Tây, kiểu cách tập cho giống Tây nhưng không tránh khỏi sơ xuất, lộ ra cái quê người mình. Trái lại, những gì thuần túy Việt Nam thì trở thành hiếm hoi, điễn hình là cái áo dài như đã tuyệt chủng rồi. 

 Hãy tự hỏi tại sao, những người Việt bỏ nước ra đi khắp nơi,nay đã tạo được nhiều thành tích phát minh ở xứ người. Vì xã hội nơi họ đang sống cho phép họ thực hiện những gì họ muốn. Thậm chí “nước mắm” cũng giúp cho người Mỹ gốc Việt đoạt giải về nấu nướng. 

Và cứ hỏi tại sao chất xám của Việt Nam ta tiếp tục rò rĩ ra nước ngoài. Ai đi du học cũng có cái mộng lưu lại nước ngoài để sống mà không muốn trở về. Là vì môi trường sống ở quê nhà không mở cho họ một chân trời rộng rãi, tự do sinh hoạt, tự do sáng tác, tự do biến những cố gắng lao động của mình để làm cho mình vinh quang thay vì chỉ để phục vụ đảng cộng sản, một nhóm người ăn không ngồi rồi để uống máu nhân dân. Du học sinh không muốn về nước, chỉ vì đất nước họ không còn là môi trường tốt để con người sống, để cho nghề nghiệp được phát huy. Ngoài đường thì ồn ào tấp nập, chen lấn vô kỷ luật, khí thở vào càng hại phổi, thức ăn ăn vào ngại nhiễm độc, nước cũng không có mà uống, gái đứng đường mà sờ vào cũng ngại SIDA….Hàng bán thì giá cả trên trời dưới đất, biết đâu mà trả. Thậm chí tiền để vào ngân hàng cũng không biết lúc nào sẽ trở thành giấy lộn…Và gần đây thôi, ngày 6 tháng 3 năm 2009, người ta đã loan tin trên đài truyền hình rằng Việt Nam đang sản xuất một trò bịp mới, đó là phát hành công khố phiếu (bonds) giá $10,000USD, mục tiêu là bán cho “Vịt kiều” đấy. Nghĩa là cả nhà nước cũng công khai dỡ trò bịp bợm ra rồi, vì không còn dấu diếm được nữa là tiền trong ngân khố đã cạn, xin “khúc ruột ngàn dậm” cứu giúp cho. Phải nhờ đến “Vịt Kiều”.!!! 

 Cái tên “Vịt Kiều” này mới thật là trớ trêu. Có phải người Hoa mà sống ở Việt Nam thì ta gọi là “Hoa Kiều”. Người Pháp là “Pháp kiều”. Người Mỹ là “Mỹ kiều”. Vì những người đó có quốc tịch của họ là người Hoa, người Pháp hay người Mỹ mà họ đang ở Việt Nam làm ăn sinh sống. Còn cái này thì đâu giống. Người Việt bỏ nước ra đi để tị nạn cộng sản, họ đang có quốc tịch Mỹ thì khi họ trở về Việt Nam để thăm thân nhân, họ là “Mỹ kiều” nếu họ về từ Mỹ, “Úc kiều” nếu họ về từ Úc, không biết tại sao lại đẻ ra cái “Việt kiều” vô duyên thế. Chỉ vì cộng sản muốn ta là người Việt để khi muốn giựt của cải của ta thì lấy thế chính quyền Việt Nam trị vì công dân Việt Nam. Vì ta chưa có giấy tờ hợp lệ từ bỏ quốc tịch Việt Nam tuy nay đã có quốc tịch khác. Những người Việt mà ở Việt Nam, tại sao được gọi là “Việt kiều”? Cũng không ổn, phải không bạn đọc. 

 Tóm lại, ở Việt Nam bây giờ chẳng có cái gì là thật cả. Một ngày nào đó, người Việt ra nước ngoài không còn dám xưng mình là người Việt nữa đâu, vì người Việt có gì mà hảnh diện? Trái lại, ai cũng biết người làm ăn không giữ uy tín là người V…, người nói một đàng làm một nẽo là người V…, người ăn cháo đá bát là người V…, người chuyên ăn cắp của công là người V…, người không tôn trọng luật lệ lưu thông là người Việt…Trái lại, khi có một phát minh mới ở xứ người, người Việt trong nước lấy làm thơm lây mà nhận ra ngay đó là một người Việt … di tản buồn… 


Tarin65 
 3-2009


nguồn