Người có mặt bên tôi khi tôi tỉnh dậy là đứa em gái mười chín tuổi của tôi. Tôi hiểu là vợ tôi đang lo cho con nhỏ ở nhà. Tôi cựa mình nhưng toàn thân tôi rơi vuột ra khỏi sự điều khiển của ý thức. Tôi bất động, hai tay, hai chân tôi đều bị trói vào thành giường. Không một cảm giác đau nhức nào chứng tỏ tôi vừa qua một cuộc giải phẫu. Em gái tôi nói bây giờ là 3 giờ sáng, nó bảo tôi đừng nói chuyện và nói cho tôi biết Mẹ tôi vừa ngủ, nó chỉ về phía cuối phòng, Mẹ trải chiếu nằm ở đó. Ảnh hưởng của một lượng thuốc mê khá lớn đã làm tôi lịm đi hơn 4 tiếng đồng hồ – dù tôi loáng thoáng nhớ khi vừa được mổ xong, nằm trên giường từ phòng mổ đẩy ra, tôi có tỉnh dậy một chút và nghe Bác sĩ nói với Ba tôi " thì coi như đã chết rồi mà, tìm cái sống trong cái chết thôi…". Đến bây giờ đầu óc tôi vẫn bồng bềnh, ngầy ngật, hỗn độn với bao nhiêu là những chuyện đã xảy ra. Phòng hồi sức có máy điều hòa không khí và lúc nào đèn cũng được mở sáng. Có năm giường song song với giường tôi nằm và giường nào cũng có bệnh nhân. Tôi mỏi rã rời, tôi bảo đứa em gái mở cho tôi mấy sợi dây trói nhưng nó sợ sệt lắc đầu, nói anh ra máu nhiều quá, người ta nói mở dây sợ anh dãy dụa máu ra thêm nguy hiểm. Tôi năn nỉ, tội nghiệp anh, nào phải tù tội gì đâu, mở cho anh cựa một chút, anh không biết sợ chết thì ai biết cho anh. Tôi bực bội lảm nhảm và mê đi.
-Không, anh mỏi kinh khủng, giá có em chắc là em đã tin anh.
-Em không biết. Bây giờ anh thấy khỏe nhiều không ? Cả đêm rồi em không ngủ, vừa hết giới nghiêm em để con ở nhà cho mấy cô, vội vã xuống anh.
-Em viết tiếp đi. Tôi…
-Không, em không chìu anh nữa đâu. Bác sĩ không cho anh nói chuyện nhiều đấy. Đọc rồi phải suy nghĩ nữa, mệt lắm. Mà có gì phải gấp gáp vậy. Để em lấy nước anh uống .
-Không có gì gấp nhưng mà để qua mất giờ linh.
-Mệt ông quá, nói tào lao không.
-Thì đang hứng mà. Anh thấy khỏe. Anh có thể đọc thêm nhiều hơn nãy giờ em đã chép. Lúc khác có Bác sĩ và y tá thì làm sao đọc được.
Tôi tỉnh dậy bởi tiếng hét của bệnh nhân giường bên cạnh, một quân nhân đã bị cắt một chân và vết thương không lành vì bị nhiễm trùng. Anh ta được Bác sĩ cho chích morphine, nhưng morphine không thể lạm dụng nhiều được mà cơn đau nhức thì hầu như lúc nào cũng sẵn sàng hành hạ anh ta.
Tôi nghe tiếng Mẹ tôi nói chuyện với vợ tôi. Người này bảo người kia về, ai cũng muốn ở lại bên tôi. Tôi mở mắt cười vui vẻ, mặc dù thấy không khỏe lắm.
-Thấy chưa, còn dấu em nữa không, em không viết nữa. Lúc nào cũng anh khỏe, anh khỏe..
-Viết đi.
Mẹ hỏi khỏe không con, tôi gật đầu, con có đau đớn không, tôi lắc đầu. Đèn vẫn sáng, nhưng tôi biết đã là ban ngày, các y công đang làm việc, họ lau nhà, thay drap cho các giường, đến chỗ tôi, thật là thiên nan vạn nan cho họ để nhấc được cái tấm thân trần truồng, cứng nhắc, đụng chỗ nào cũng ê ẩm của tôi.
Có nhiều người đến thăm tôi, phần đông là các quân nhân, công chức trên đường đi làm ghé vào, nhất là các anh em trong đơn vị tôi, trong đó có đứa em kề của tôi - may mắn thoát chết trong cái tai nạn chung với tôi hôm nọ sau trận đánh. Trên đường hành quân về, nó và một hạ sĩ quan truyền tin ngồi phía sau xe tôi, mà trong xe thì tùm lum lựu đạn và súng M72. Các nhân viên bệnh viện ở đây rất ghét nó, vì nó đã đại náo bệnh viện hôm tôi được tải thương về đây, do họ đã hách dịch, lơ là, yêu sách gì đấy. Tôi chỉ trả lời được một vài người rồi nhắm mắt nghỉ mệt, thì cũng bao nhiêu câu hỏi giống nhau, về tai nạn xảy ra trưa hôm qua, về tình trạng sức khỏe lúc này. Vợ tôi vừa quạt lất phất cho tôi, vừa nho nhỏ trả lời họ.
Đến giờ làm việc, thân nhân không được ở trong phòng. Tôi được cô y tá mở dây trói, được co duỗi tay chân. Tự do, chưa bao giờ tôi thấy lớn lao, tuyệt vời như vậy. Có lẽ Mẹ tôi đã về. Tôi thấy bên ngoài chỉ còn vợ tôi thỉnh thoảng hé cửa nhìn vào. Bây giờ tôi mới để ý tới những lỉnh kỉnh trên người tôi: một ống thông tiểu bằng cao su mềm ở hạ bộ, trên mũi một ống cao su cứng luồn sâu vào cuống họng, từ đó một chất lỏng màu xanh như nước rau má chảy ra chiếc bao nilon đặt bên cạnh, bên hông là hai cái ống trồng cứng vào hai cái lỗ bằng ngón tay út cũng có dịch xanh chảy ra. Người nữ y tá phụ trách đến giường tôi, thăm lại ống thông tiểu, các ống bên hông, trên mũi, thay băng ở bụng tôi và hỏi tôi thở có nhẹ nhàng không. Tôi gật đầu.
-Anh nghỉ chút đi. Có người đến thăm anh. Mấy bạn em để em nói chuyện, anh cứ nghỉ cho khỏe, nếu thấy có thể ngủ được thì nên ngủ một chút.
-Em nhớ đừng làm lộn xộn hay thất lạc.
-Không sao mà. Tiếp bạn xong có lẽ em về với con một chút. Con nó hỏi Ba hoài nhưng không khí ở đây không tốt cho con nít. Có lẽ mấy đứa em cũng sắp đến với anh. Ngủ chút đi, lát em không đánh thức anh đâu.
Những người bạn của nàng đến thăm tôi cũng vừa vào đến phòng.
[]
-Em đọc lại anh nghe
-Dạ, nhưng chờ em kể anh nghe chuyện ở nhà. Bà con, bạn bè đến thăm anh đông vô số. Có người mang cả đèn hoa đến viếng vì nghe anh chết.
-Em ghi giùm anh đoạn này rồi mới nói tiếp, lấy giấy bút ra
Tôi ứa nước mắt khi nghe anh em, bà con, bạn bè đã đến thăm tôi. Ít ra tôi cũng có được những giây phút nhìn lại mình và gia đình đã ăn ở ra sao khi mà "triệu người quen có mấy người thân…". Tôi còn nghe nói là trong ngân hàng máu của bệnh viện, hôm qua sau khi tiếp máu cho ca mổ của tôi, vẫn còn dư mấy bọc máu O của anh em hiến tặng trong lúc khẩn cấp bệnh viện không đủ máu, (mà trước đó Mẹ tôi còn phải mua một bọc cho kịp ca mổ ).
-Đủ rồi, anh cũng đã ngủ khá lâu. Em đã về cùng mấy đứa bạn và xuống đây với Ba. Thấy anh ngủ, Ba không đánh thức anh và Ba về rồi. Anh có thấy khỏe hơn khi trưa không?
-Thật ra trước khi em xuống, anh có thức dậy một lúc, đã phải chứng kiến cái chết của anh lính nằm ở chiếc giường ngang cửa ra vào kia. Em không để ý sao? Anh ấy trút hơi thở cuối cùng cách đây chừng một giờ. Anh thấy mệt lại rồi ngủ quên đi.
-Vậy bây giờ có đỡ hơn không ?
-Khỏe rồi, khỏe lắm. Đọc được
-Làm ơn. Uống gì không ? Có nước cam vắt.
-Thôi. Sợ nước cam vắt đến già. Trước khi mổ, mỗi khi uống chút cam vắt vào, anh quằn quại như ai cưa ngang eo lưng mình.
-Lúc đó khác, nước cam chua chạy thẳng xuống hai quả thận vỡ của anh, không cưa thì còn gì.
-Thôi. Đừng bao giờ nhắc nước cam vắt với anh. Đọc đây.
-Khoan nào, để em lấy cái ghế và đọc lại anh nghe đã.
Bác sĩ khám lại vết mổ cho tôi. Tự do đã bị giới hạn bởi hai bình nước biển chuyền ở hai tay. Tôi đã tiểu được nên ống thông tiểu cũng đã được lấy ra. Vợ tôi vào ngồi cạnh săn sóc cho tôi. Phải chăng có một cái gì đó không bình thường? Tôi mê mê, tỉnh tỉnh khá lâu, lúc mê thì tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng như mình đang gửi xác lại thế gian, còn hồn mình thì bềnh bồng đâu đó như khói, như sương không rõ ràng, mà nhiều khi tôi không biết hồn có cần trở về tìm lại xác không, tìm ở đâu, tìm làm gì.
-Mệt anh quá, nói toàn những chuyện làm em sợ
-Văn vẻ chút mà. Hư cấu cho vui.
-Vui gì. Con còn nhỏ lắm anh nhớ không ?
-Ừ, không nói bậy bạ nữa. Nín khóc đi. Viết tiếp.
Lúc nào được vài phút tỉnh tôi cũng thấy có nhiều người đến thăm, không ai dám hỏi gì, và chắc chắn là không ai trách tại sao tôi vừa mở mắt chút xíu đã vội nhắm mắt lại. Hình như tôi đã mê nhiều hơn tỉnh, trên mũi tôi có thêm một cái ống và bên cạnh là bình dưỡng khí. Tôi bắt gặp nhiều đôi mắt ái ngại nhìn tôi.
Độ hai giờ sau tôi thôi thở bằng dưỡng khí. Đến chiều tôi hoàn toàn tự do nhờ hai mũi kim chuyền nước biển đã rút ra khỏi hai tay tôi. Tôi ngủ qua một đêm rất êm ái sau khi có một buổi tối đầy đủ, Ba tôi cùng cả nhà xuống thăm tôi. Đêm nay Mẹ tôi không phải trải chiếu nằm dưới sàn, chiếc giường bên cạnh trống, bệnh nhân vừa được chuyển qua phòng khác.
Tôi thức dậy khá trưa. Cô y tá rút hai ống dẫn lưu bên hông tôi ra cắt bớt. Tôi khỏe nhiều. Chất lỏng màu xanh từ cái ống luồn trong mũi có vẻ như không còn chảy ra bao nilon nữa, và không đợi hỏi ai, tôi kéo tuốt ống cao su ra, ống khá dài, chắc là luồn tận dạ dày.Tôi cảm thấy thật sảng khoái. Chờ thay băng, chích thuốc và chuyền nước biển xong tôi đánh một giấc. Cứ mỗi lần chuyền nước, vợ tôi phải ngồi cạnh lo cho tôi tiểu. Đến chiều tôi bị đầy bụng, cái bụng mỗi lúc một căng phồng lên, tôi khó thở, vật vã, quằn quại. Những người sắp chết có lẽ nhờ vậy mà họ bớt luyến tiếc cái cõi đời đầy đau đớn này ( Đau đớn quá thì thà chết cho nhẹ nhàng ?). Giờ nghỉ việc, phòng không có nhân viên nào, kể cả y tá trực, vợ tôi phải vất vả vì sự trở cơn của tôi. Càng lúc tôi càng không chịu nổi, cố nén đau chừng nào, miệng cũng cứ rên la dữ dội, vợ tôi đành phải bỏ tôi nằm một mình chạy đi tìm bác sĩ trực
– Đã đến nhà Bác sĩ đó.
– Thì là vậy, nhưng cũng nên thông cảm cho họ chút đi.
-Em không thông cảm được. Đó là trách nhiệm, lỡ như anh chết thì sao ? Cùng lắm mấy ổng ân hận một chút, mà mạng người thì vĩnh viễn không tìm lại được. Bệnh nhân ở phòng này sẵn sàng chết bất cứ lúc nào mà. Sớm một phút thì khác hơn chứ
-Ừ, khác. Tiếp nha
Nàng đi tìm bác sĩ và được một cái toa thuốc, chạy luôn ra pharmacie mua thuốc về nhét ở hậu môn tôi. Dù vậy tình trạng đầy bụng cũng không thấy đỡ được chút nào.
Mãi gần 10 giờ đêm cô y tá trực mới vào, chắc mới đi chơi về, có một sĩ quan đưa cô về tận phòng, còn bịn rịn chưa muốn để cho người ta vào làm nhiệm vụ. Cô đặt lại ống thông tiểu cho tôi, đặt thêm ở mũi ống cao su, hai cực hình tôi sợ nhất mà cũng không tránh khỏi, hình như bác sĩ đã dặn cô trước là phải làm vậy nếu tôi có chuyển biến gì. Nhưng càng lúc tôi càng bị khó thở hơn, hơi thở ngắn, gấp, đứt quãng, người tôi như đang chới với chụp lấy từng hơi thở đang chơi trò cút bắt, để nhét lấy nhét để vào buồng phổi, nhưng có vẻ chỉ là vô vọng. Có thể là chỉ cần thiếu một hai hơi thở tôi sẽ không còn kịp nói lời trăn trối với vợ tôi.
-Nói nghe khiếp. Nhưng em tin. Lúc đó em cũng muốn gào lên, anh ơi nói gì với em đi. Dễ sợ quá.
-Giúp anh viết chút nữa nha
-Dạ, em cũng thấy thích cái bài viết này rồi.
-Vui không ?
-Dạ vui, mà buồn. Toàn chuyện đau đớn. Anh đọc đi.
Đến lúc tôi hết muốn níu kéo mấy cái hơi thở dở hơi kia nữa, mà cũng không còn đủ sức tìm kiếm chúng nữa, thì tôi bĩnh ra tràn giường, hôi thối nồng nặc. Cô y tá đâu không thấy, chỉ có một mình vợ tôi, vừa nâng tôi qua một bên – tất nhiên là tôi đau đớn vô cùng – vừa rút tấm drap đầy phân của tôi ra khỏi giường. Cũng may, dưới tấm drap là một tấm nilon dày, nếu có dính thì chỉ lau sạch là xong, tấm nệm bên dưới không bị ảnh hưởng gì. Thật tội nghiệp vợ tôi quá.
-Thôi, cám ơn. Đủ rồi đấy.
Vợ tôi đi tìm cô y tá nhờ thay cho tấm drap khác. Bụng tôi đã xẹp xuống. Hô hấp điều hòa. Tôi thấy thoải mái vô cùng. Giấc ngủ đến thật nhẹ nhàng. Vợ tôi thì có chiếc giường bên cạnh nhưng hình như không mấy lúc nàng ngã lưng, hết nắn bóp mấy ngón tay ngón chân, lại sắp xếp cho ngay ngắn tay chân tôi mỗi khi tôi cựa quậy. Phần buồn ngủ, phần không muốn nàng buồn nên tôi đã không nói cho nàng biết làm vậy chỉ tổ khiến cho tôi khó chịu thêm.
-Thì bây giờ nói rồi đấy.
-Muộn còn hơn không phải không.
-Với em mà vậy, với mấy cô chắc có chết cũng ráng mà mà điệu há?
-Nhăn hay là cười vậy?
-Đùa đó mà.
[]
Hai ống bên hông được kéo ra một chút và cắt ngắn thêm hơn. Tôi khỏe nhiều, mặc dù vẫn chưa cựa quậy gì được. Bác sĩ khám vết mổ hai tấc trước bụng bảo khô tốt. Tôi tự động rút ống cao su ở mũi ra, sau đó ống thông tiểu cũng đuợc y tá lấy ra luôn. Hàng chục người quen đến thăm, thỉnh thoảng thấy khỏe tôi cũng có trả lời được năm ba câu hỏi của họ. Các quân nhân trung đội tôi là thường lui tới nhất. Họ kể đi kể lại trận đánh "tuyệt đẹp" mà ít khi pháo binh vớ phải :
"…Sau hai ngày chia xẻ gió sương, chúng tôi kéo súng lên một ngọn đồi nhỏ gần quốc lộ, để yểm trợ cho một cuộc hành quân cách đó 5 cây số về phía tây. Nhờ vào hai "con gà đã gáy" khá chính xác, nên trận chiến càng lúc càng thuận lợi cho quân bạn. Thương vong địch quân do những quả đạn pháo yểm trợ của chúng tôi đã lên mức đáng kể. Thế rồi đến buổi trưa hôm ấy, lúc vừa ăn trưa xong, sau khi nhận được lệnh tác xạ vào một mục tiêu mới, chúng tôi mới khai hỏa được hai quả, thì bất chợt những tiếng nổ dữ dội ngay ngay trước đầu súng 105 của chúng tôi. Tôi hét lớn "Việt cộng, trực xạ !". Anh em tức tốc phản công. May sao hơn một nửa pháo thủ của tôi là con năm cha bảy mẹ, nhảy dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến, bộ binh đã từng lăn lóc nhiều chiến trường lớn trước khi "ranh lộn" về đây. Anh em hai người một khẩu cà nông, những người còn lại thì chụp kịp gì bắn nấy, M16, M72, phóng lựu nã bất kể vào những lùm bụi nghi ngờ cách đó chừng vài chục mét. Mãi đến lúc trận đánh gần kết thúc các đơn vị địa phương quân bảo vệ hai bên hông mới ra tay "bảo vệ". Sau đó họ nói là tại tụi đặc công Việt cộng lợi dụng tiếng nổ đề pa của pháo binh, thừa gió bẻ măng, tung b40 vào nên các lực lượng chung quanh phát hiện hơi muộn. Điều họ giải thích để bào chửa thật khá vô lý. Tại sao tụi đặc công lại có thể lọt qua vành đai bảo vệ của mấy chiếc com-man-do-ca và trung đội Địa phương quân bên ngoài được?
-Vậy cũng nói, không lọt thì sao kêu họ là đặc công được .
-Em làm như đặc công là thần thánh.
-Em nghe ai cũng ngán đặc công.
-Thì ngán bởi vì ai giữ được ăn trộm. Chúng trong bóng tối mà.
-Dạ, trung úy. Kết quả đi.
Việt cộng đã không may mắn, hầu như không còn lại mạng nào để về báo cáo là cái nhiệm vụ bịt họng hai con gà cồ của chúng tôi. Ngược lại họ bị bị lỗ vốn nặng, xác chết cùng súng ống nằm la liệt các lùm bụi chung quanh. Anh em ta chỉ vài người bị thương ngay loạt tấn công đầu tiên nhưng vẫn còn chiến đấu gỡ được cả vốn lẫn lời.
Hôm sau là kết thúc cuộc yểm trợ, chúng tôi hân hoan kéo súng về. Đi được hơn một cây số, đoàn xe chậm lại để qua một cái quẹo gấp, lại phải chậm hơn vì có mấy con bò lạng quạng trước đoàn xe, thì một tiếng nổ thảng thốt, nẹt lửa trước đầu xe. Tài xế quặt tay lái. Chiếc xe jeep lộn hai vòng đè lên lưng tôi. Trước khi ngất đi tôi còn kịp nghe anh em la "việt cộng", và nổ súng. Anh em kể tôi nghe là chỉ có một đứa bé chăn bò, ôm cây b40 chết trong một bụi cây bên đường. Sau đó chính quyền giao cái xác tan nát đó lại cho gia đình. Mẹ của đứa bé đau đớn cho đứa con một, vừa khóc vừa chửi cả ngày "cố nội tụi bay, quân đầu trộm đuôi cướp, đã lấy lúa gạo của tao còn dụ dỗ, phỉnh phờ con tao chết thế cho bọn mày, mồ cha tụi mày, bọn đâm cha chém chú, con tao mới 12, 13 tuổi đâu biết gì, có ngon thì giết tao đi,” và người ta đã không để bà thách thức lâu, ngay sáng hôm sau dân làng đã sớm thấy cái đầu của bà treo trên một cành tre thấp với một bản cáo trạng. Nghe nói cha đứa bé cũng bị dẫn lên núi học tập.
Hú hồn, nếu khẩu b40 nằm trong tay một Việt cộng thứ thiệt thì giờ này cả xe ăn cơm cúng hết rồi.
[]
Tôi vẫn chưa được phép ăn gì, bác sĩ nói ít nhất cũng ba tuần. Ông cũng không nói cho tôi biết tình trạng của tôi có khả quan không, tôi có loáng thoáng nghe ông nói với người nhà tôi, "vết cắt nơi cuống thận có thể lành cũng có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, khó kiểm soát được, ít nhất phải qua tuần lễ đầu, miễn đừng sốt thì tốt." Tôi không thể nào nhớ được là ông đã nói lúc nào. Tôi muốn quên câu nói đó. Tôi nói với những người đến thăm tôi, lẽ ra thì tôi đã chết rồi, và nếu thực sự không qua nổi, thì coi như tôi được chứng kiến cái đám tang của mình
-Nhảm nhí.
-Anh nói nếu mà, không chịu thì em đổi lại đi. Nếu, ví dụ, giả như gì gì đó…
-Không vui.
-Em sắp phải chép nhiều chuyện không vui hơn nữa đấy.
-Làm gì rào trước đón sau. Có gì chúng ta đã không hiểu nhau, hơn nữa, không lúc nào bằng những ngày này, anh không nên để chất chứa những u uẩn trong lòng. À mà anh có mệt không, nghỉ chút đi. Chắc không có bà vợ nào chiều chồng kiểu này.
-Không kiểu này thì còn kiểu khác
-Dẹp ông đi. Lúc nào cũng đùa được.
-Ừ thì dẹp chứ đâu còn gì nữa.
-Em về đó.
-Thôi viết thêm chút nữa đi. Anh biết sức khỏe của mình.
Tôi ngủ. Một giấc ngủ êm ả.
-Khoan đã, anh có chữ nào khác với chữ êm ả không, hình như ở trên đã có rồi.
-Anh không nhớ, thì em sửa sau giùm anh đi.
Nước biển vẫn đang được chuyền ở hai tay. Có tiếng mưa rào rào trên mái. Không biết giấc ngủ kéo dài bao lâu, khi tôi thấy lạnh thì tôi tỉnh giấc, định lên tiếng gọi em ơi thì tôi thoáng trông thấy một người đàn bà mặc bộ áo quần màu đen đứng dưới đuôi giường. Tôi vội nhắm mắt lại. Kim, hình ảnh mà nếu tôi đã phải chết đi, thì là một trong những hình ảnh thân yêu cuối cùng mà tôi đã nghĩ tới, đã mang theo trong cái khoảng cách cực ngắn giữa tỉnh mê, sống chết, là vết hằn đầu tiên của đường chỉ tay gọi là mạng đạo trong cuộc đời tôi, mà từ đó lúc nào, cho dù không muốn nhớ. Cái hình ảnh đó cứ bàng bạc, hòa nhập, lẩn quẩn theo từng bước chân đời. Cách đây một tuần, nghe tin chồng nàng bị tử nạn, tôi về thăm và tặng nàng bức họa chính tay tôi vẽ, copy lại tấm ảnh "Tiếc Thương" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, với tấm thẻ bài mang tên chồng nàng. Bạn bè tôi cho đó là điềm không nên.
Tôi hé mắt nhìn nàng. Nàng cúi đầu, hai tay khoanh trước ngực, đôi mắt đăm chiêu. Người đàn bà trong bức ảnh Tiếc Thương với những giọt nước mắt xót xa, đau đớn đã bước ra khỏi bức họa và đang đứng lặng lẽ, sâu kín không dấu được ánh mắt quặn thắt, vô vọng, Tôi nhìn nàng thêm lần nữa để biết chắc mình không đang nằm mơ – thực tế tôi không hề thấy mộng mị gì từ hôm bị giải phẫu cắt một quả thận -một Kim mênh mông, thực sự đang đứng đó, thầm lặng như một giấc mơ. Em hãy cứ im lặng mãi như vậy, để tôi tưởng mình gặp lại nhau ở một chiêm bao xa xôi nào. Nỗi xúc động đã làm tôi mê đi, khi tỉnh dậy, Kim đã trở về bức ảnh Tiếc Thương, tay cầm tấm thẻ bài không mang tên tôi, với mấy giọt nước mắt lăn trên má. Tại sao tôi đã tặng nàng bức ảnh đó? Phải chăng trong tận cùng tiềm thức, tôi cũng đã mừng vì cái chết của chồng nàng? Hay đúng hơn mừng vì nàng không còn thuộc về ai nữa.
-Tàn nhẫn.
-Anh nghĩ cái ta của anh không đến nỗi độc ác như vậy. Đó chỉ là một cách phân tích, lý giải cái tâm trạng mâu thuẫn của mình. Em có buồn với đoạn vừa viết không ?
-Dạ có. Nhưng em nghĩ để anh nói ra tốt hơn để nó âm ỉ, như là oxyt hóa anh. Đó là cái vũng nước tù đọng trong tim anh, và cũng trong lòng em. Khi anh nói ra thì cũng như là tháo cho nó chảy đi hết.
-Thật ?
-Dạ thật. Để anh xem, không hết thì cũng nhẹ lòng hơn. Quan trọng là có muốn nhẹ hay không. Sao anh không hỏi em là mộng hay thực ?
-Sao phải hỏi. Anh nghĩ là em hiểu em có nên nói cho anh biết hay không. Em đọc lại từ đầu anh nghe đi. anh nghỉ một chút, nếu anh ngủ, em cứ về. Kê lại giùm anh cái gối dưới chân. Cứ đọc đi, anh chưa ngủ ngay đâu. Chiều có xuống em nhớ hỏi bác sĩ, có thể cho anh uống chừng một muổng nước sinh tố gì đó được không.
[]
Hai ống cao su được lấy hẳn ra khỏi hông tôi, để lại hai lỗ sâu hoắm. Người ta dùng kéo gắp bông nhúng cồn ngoáy sâu vào đó để rửa, rồi băng lại. Hôm nay tôi được chuyền một chai huyết thanh. Tôi đã nói chuyện nhiều được, nói nhẹ nhàng dễ dàng hơn những lúc phải cố gắng đọc cho vợ tôi viết. Buổi trưa tôi đọc cho vợ tôi chép thêm một vài đoạn về những ngày nằm ở đây, với tôi giống như thói quen ghi nhật ký. Tôi không cần chải chuốt mấy, mọi việc đã như được xếp sẵn từ những mê thiếp, những im lặng của ý tưởng. Tôi nói với vợ tôi, anh dành cho em cách ngắt câu, phân đoạn, những chấm phẩy. Anh tin là em đã quen thuộc ở anh khi nào cần bắt đầu và khi nào phải dừng lại. Chiều, tôi ngủ một giấc dài, với giấc mơ đầu tiên, tôi thấy mình đi vào một khu rừng, thật sâu trong rừng là căn nhà của tôi có vợ con tôi ở đó. Bỗng chỗ tôi đang đứng bốc cháy và đám cháy bùng lớn. Trong đám lửa đỏ rực sao lại có Kim, nàng dãy dụa, gào thét, hai mắt mở lớn hốt hoảng, đớn đau. Tôi choàng tỉnh. Trong suốt mấy ngày qua tôi không hề thấy chiêm bao, Ba tôi nói theo y lý đông phương, thận thuộc thủy, thủy tạo ra chiêm bao, nếu thận hoạt động yếu hoặc hỏng, chiêm bao có thể rối loạn hoặc tắt hẳn. Như vậy hôm nay quả thận còn lại của tôi đã hoạt động lại.
Đến tối thằng em kề tôi từ đơn vị xuống thăm. Lúc nào nó cũng đùa được. Tôi biết nó đóng kịch cho tôi vui, làm sao dấu được tôi những hốc hác vì âu lo trên mặt nó. Nghe nó nói chuyện một chặp, tôi ngủ quên đi.
Tôi thức dậy sớm. Bụng đói và thèm ăn, nhưng bác sĩ chưa cho phép. Tôi đọc cho vợ tôi chép thêm được mấy đoạn. Ngày nào cũng có người thăm viếng, Vợ tôi nói trái cây, sữa, bánh hộp, trứng gà ở nhà chất đến cả 3, 4 mét khối – mà tôi thì chưa đụng được đến món nào !
Gần tối người tôi phát sốt, Bác sĩ cho thêm liều trụ sinh gì đó. Càng lúc tôi càng bị sốt cao. Tôi lại mê mê tỉnh tỉnh, bên cạnh tôi có cả Mẹ tôi, em gái tôi và vợ tôi thường hơn. Có gì nghiêm trọng chăng ? Vợ tôi không cho tôi đọc nữa, và hình như thỉnh thoảng ba mẹ con đều đỏ mắt.
[]
Ghi chú :
Có khi tỉnh lại, anh cầm tay tôi dặn, nếu anh không đọc được nữa, em viết thêm "có lẽ anh còn định viết dài hơn nữa ". Bây giờ dài ngắn gì anh cũng không còn đọc được. Không bao giờ còn nói gì với tôi nữa.
Đặng Kim Côn
(Tuy Hòa, mùa đông năm 1974)