Song Thao
Mỗi năm hình như tôi mỗi lười thêm. Năm nay tôi định xúp không vác cây thông giả ra trang hoàng cho Giáng Sinh. Mọi năm, con cháu ở xa về, cũng phải có tí ti đèn lấp lánh trong nhà cho bày trẻ vui, vậy là hăng hái dựng cây…sapin. Năm nay con cháu không về, cái lười về hùa với cái ngại ngùng, định lơ đi. Nhưng ông bạn nhà thơ Luân Hoán không cho tôi yên. Mới gần cuối tháng 11 ông đã a lô hỏi tôi trang hoàng Giáng sinh chưa? Tôi ù ờ. Ông này vốn thích chạy theo các lễ lậy, lễ nào thức ấy, ông chẳng bao giờ bỏ qua. Tính ông ấy lại thích màu mè nên rất ưa đèn xanh đèn đỏ. Vậy là ông… vãi màu từ trong nhà ra ngoài ngõ.
trước cửa nhà đơn giản
đỏ xanh trắng lẫn vàng
thay phiên nhau tắt sáng
tôi có cả con nai
kéo cỗ xe trên tuyết
tôi cũng có ông già
tóc râu trắng thật tuyệt
riêng với ông Noel
ủng cao đầy quà bánh
tôi không những quen tên
còn gần như là bạn
mỗi năm tôi mỗi chưng
đua đòi cùng thiên hạ
chẳng phải để chống lưng
mình thành người đạo đức
Vậy là ông Luân Hoán có đầy đủ lệ bộ, tôi có mỗi cây Noel trong nhà, không vác ra lắp ráp thì biết nói năng sao với bạn đây. Tôi không đủ kiên nhẫn để mỗi năm vác một cây thông thật về gắn đèn, vất vả lắm. Có một năm, hồi tôi còn… thanh xuân, theo gót dân chơi, tôi cũng ra chợ mua một cây thông thứ thiệt trăm phần trăm. Chơi đồ thiệt sướng hơn chơi đồ giả thật! Ngoài cái xanh cái đỏ lấp loáng trên cây còn có mùi thông thơm lừng trong nhà. Mỗi sáng, ra tới phòng khách nơi cây thông ngự trị, được hít thở mùi thông, cứ như đang ở Đà Lạt! Nhưng chơi thông thiệt vất vả vô cùng. Phải đi mua giữa trời tuyết trắng xóa ướt át. Kéo được cây thông vào nhà là dơ hầy khắp nơi. Mỗi ngày còn phải đổ nước nuôi cây. Nhưng khi lễ hết, cái nợ…thông mới vất vả. Phải hạ thông xuống, lá thông tơi tả rơi khắp nhà. Phải cưa cành thông nhựa tuôn bầy hầy. Khi mua về, cây thông được bó chặt nên rất gọn gàng. Khi chưng, phải cắt dây cột cho cây thông bung ra, xum xuê, càng xum xuê càng đẹp. Lúc hạ thông mang đi vứt, cây thông bỗng to xù, ra cửa không lọt, phải tém cho gọn. Chuyện hạ thông không thể lười hay ngại được vì thành phố đã ấn định ngày đi nhặt cây thông cho mỗi khu. Cứ đúng ngày là chàng phải có mặt nơi góc đường. Kéo được cây thông lớn như con bò ra tới chốn tống tiễn, thở đến phào một cái, lòng dặn lòng sang năm không dại nữa. Vậy là tôi khôn ra. Từ cái năm hăng tiết đó, máu tôi nguội hẳn đi, cứ thông giả mà xài, cũng đèn xanh đỏ chớp tắt, cũng kim tuyến óng ánh, cũng những trái boule lòng thòng, chỉ thiếu mùi thông. Thực ra muốn có mùi thông cũng dễ, chỉ cần mua gói mùi nhân tạo treo lên cũng được, nhưng xài đồ giả nhiều quá sợ mang tội… gian dối với Chúa. Khi Chúa đã được sanh ra xong xuôi, Đức Mẹ đã bế con rời nhà hộ sanh về nhà, dẹp cây thông giả cũng muôn phần nhẹ nhàng. Cứ tháo ra bỏ vào hộp, vứt vào một xó xỉnh trong nhà kho, đợi sang năm, khi Đức Mẹ sanh nữa, lại lôi ra để merry Christmas.
Không biết khi Đức Mẹ sanh Chúa Hài Đồng có thông thiếc chi không. Chắc rằng không vì tôi nhớ Đức Mẹ đâu có sanh Chúa ở Đà Lạt! Vậy thì tại sao tự nhiên cây thông lại nhảy vào ăn có? Không, thông là thứ cây quân tử, hậu thân của ông Nguyễn Công Trứ (kiếp sau xin chớ làm người / làm cây thông đứng giữa trời mà reo), đâu có thèm nhảy vào ăn có vào thời khắc lịch sử khi Chúa giáng sanh. Phải tới thế kỷ thứ VIII thông mới được thánh Boniface nhét vào với ngày Noel. Chuyện xảy ra từ 13 thế kỷ trước nên mù mù mịt mịt. Có tới ba truyền thuyết lận. Chuyện thứ nhất: thánh Boniface, một thầy tu người Anh, trên đường đi hành hương, tình cờ gặp một nhóm người ngoại đạo đang tập trung làm lễ quanh một cây sồi lớn. Lễ vật tế thần của họ là một đứa trẻ còn sống. Để dừng buổi lễ tế và cứu đứa trẻ, thánh nhân đã giở chưởng đánh gục cây sồi bằng một cú đấm ngoạn mục. Tại nơi này đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ ngoại đạo rằng cây thông nhỏ này là cây của sự sống, tuợng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế. Truyền thuyết thứ hai: khi giáo sĩ Boniface từ Anh sang Đức truyền đạo, ông đã tặng cho thành phố Geismer nột cây thông tượng trưng cho tình thương và tín ngưỡng mới mà ông đã mang đến cho dân Đức. Khi người Đức chấp nhận Cơ đốc giáo, họ chọn cây thông làm cây Giáng sinh để nhắc nhở tới công ơn của thánh Boniface, người đã giúp họ từ bỏ tà thần trở lại thờ phượng Thiên Chúa. Truyền thuyết thứ ba: truyền thuyết này không dính dáng chi tới vị thánh Boniface vả lại không rõ sự việc xảy ra ở đâu, lúc nào nên rất phổ quát, nước nào nhận vơ vào cũng được. Vào một đêm Noel có một người tiều phu nghèo khổ đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc đang đói lả người. Dù nghèo khó, không đủ ăn, người tiều phu cũng mang đứa trẻ về nhà, cho ăn uống và canh cho nó ngủ yên giấc. Buổi sáng, khi người tiều phu thức dậy, ông nhìn thấy một cây đẹp lộng lẫy mọc lên ngoài cửa nhà. Thì ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa Hài Đồng cải trang. Chúa đã tạo ra cây thông nho nhỏ đẹp đẽ để thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng.
Trong ba truyền thuyết này tôi kết nhất truyền thuyết thứ ba tuy không có ông thánh Boniface dính líu vào. Cây thông mà ngày nay chúng ta trân trọng chưng trong nhà vào dịp kỷ niệm ngày Chúa ra đời chính là lòng nhân của con người. Lòng nhân của người tiều phu, con người đại diện cho tình nhân ái của mỗi chúng ta, là lễ vật xứng đáng nhất của mỗi người chúng ta dâng lên Chúa Hài Đồng. Nó hợp với tinh thần của ngày lễ: bình an cho người dưới thế.
Sự bình an mà lòng dạ bất an của con người đã làm lu mờ đi bằng những nhộn nhịp rất trần thế trong mùa Giáng sinh. Những anh già Noel áo đỏ viền trắng đã được thương mại hóa, những con buôn ồn ào bán buôn ăn theo ngày lễ, những hội hè nặng tính trần tục làm ngơ ngác Chúa Giáng Trần. Họ mừng lễ mà thực ra đã giết tinh thần ngày lễ. Chẳng ai an bình được khi bị kéo theo cái đà nhảy nhót, tiêu pha kệch cỡm của nhân thế. Con tim an bình, chút lòng nhân của ngày lễ, họa chăng chỉ còn sống sót trong một số người rất ít ỏi trong cuộc sống ngày nay. Tôi muốn tìm tới họ.
Bé Amy Hagadom là một cô bé tật nguyền. Trong trường mọi học sinh đều tìm cớ trêu chọc bé. Ngay từ khi còn học lớp ba, bé đã phải chịu đựng những lời giễu cợt của bạn học về tật nói ngọng và chiếc chân đi cà nhắc của bé. Lớp đầy bạn bè nhưng bé Amy lúc nào cũng cảm thấy đơn độc. Một buổi tối gần ngày lễ Giáng Sinh, mẹ bé nói: “Này Amy, đài phát thanh có tổ chức cuộc thi về Điều Ước đêm Giáng Sinh, con có muốn dự không? Mẹ nghĩ cô bé tóc vàng đang ngồi ở bàn ăn có thể tham dự được đấy”. Ami cười khúc khích. Coi bộ cuộc thi khá hấp dẫn. Nhưng mình ước chi đây? Nghĩ ngợi một chặp, bé mỉm cười sung sướng, bé biết mình muốn ước điều chi. Lấy giấy bút, bé ngồi viết. Ai cũng băn khoăn đoán mò điều ước của bé. Chắc chẳng ngoài những đồ chơi mà bé đang mong muốn. Bé Amy bắt đầu lá thư: “Kính gửi ông già Noel, cháu tên là Amy. Năm nay cháu 9 tuổi. Cháu có chuyện khó xử ở trường. Ông có thể giúp cháu không? Các bạn luôn chế giễu cách cháu phát âm và cái chân cà nhắc của cháu. Cháu bị bệnh liệt não. Cháu chỉ ước được một ngày không bị bạn bè cười nhạo!” Hàng ngàn thư dự thi gửi về đài phát thanh WJTL ở Fort Wayne, tiểu bang Indiana. Lá thư nào cũng có điều ngộ nghĩnh của con trẻ. Tới lá thư của Amy, ông Giám Đốc Lee Tobin khựng lại. Ông nhẩm đọc không biết bao nhiêu lần lá thư ngắn ngủi nhưng khác thường. Bé Amy không xin quà, chỉ xin sự bình an. Ông bỗng thấy cần phải cho mọi người ở Fort Wayne nghe câu chuyện đặc biệt của cô bé học lớp ba trường tiểu học South Wayne và điều ước khác thường của cô. Ông phôn cho một tờ báo địa phương. Ngày hôm sau, hình Amy và lá thư của cô bé gửi ông già Noel xuất hiện trên trang nhất của tờ News Sentinel. Câu chuyện được lan truyền nhanh chóng ra toàn nước Mỹ. Báo chí, đài phát thanh và truyền hình trên khắp nước tường thuật về câu chuyện của cô bé ở Fort Wayne, Indiana, cô bé không mong quà cáp, chỉ xin được một ngày an bình không bị chế nhạo.
Thư thăm hỏi và chia sẻ tới tấp được gửi tới địa chỉ nhà Amy, không những từ khắp nước Mỹ mà còn từ nhiều nơi khác trên thế giới. Amy ngộ ra là mọi người thực sự thương yêu bé. Không còn bất cứ lời chế giễu nào có thể làm cho bé cảm thấy bị bỏ rơi nữa. Tại ngôi trường nhỏ bé nơi Amy theo học, thầy trò họp nhau lại để đưa ra nhận định là việc chế nhạo làm tổn thương người khác như thế nào. Năm đó, Thị Trưởng Fort Wayne chính thức tuyên bố ngày 21/12 là ngày Amy Jo Hagadom. Lý do là vì chỉ với một điều ước đơn giản như thế, Amy đã dạy cho mọi người một bài học. Ông nói: “Mọi người đều mong muốn và xứng đáng được người khác đối xử tôn trọng, thân ái và quý mến”. Amy đã tìm lại được an bình trong dịp Chúa giáng trần.
An bình đó cũng đến với một người đàn bà ở Hà Nội trong đêm Chúa giáng trần. “Tôi không muốn nhắc lại một kỷ niệm mà ở đó, tôi là nhân vật chính khốn khổ, đơn độc, run rẩy, cuồng nộ, suýt hóa điên vì không biết làm sao cho đúng. “Em đã làm đúng, ít nhất là để anh nể em đến mức… không dám nghĩ về ai khác nữa”, chồng tôi khẳng định. Tôi tin anh, ít ra là cho tới giờ, năm năm đã đi qua vết thương lòng ấy, tôi vẫn còn giữ được anh cho hai đứa con của mình”. Chuyện xảy ra vào một đêm Giáng sinh tại Hà Nội. Người vợ sáu năm thâm niên trong cuộc sống lứa đôi, bà mẹ của hai đứa con kháu khỉnh đã tự thuật lại. Giáng Sinh năm đó, anh chồng mua hoa tặng vợ. Đây là lần đầu tiên anh chồng có cử chỉ đẹp như vậy. Giác quan thứ sáu của chị vợ làm việc ngay tức khắc. Chị vừa cắm hoa vào bình vừa líu lo với chồng: “Hay là đêm nay em gửi con sang ngoại, hai đứa mình đi hâm nóng tình yêu ngoài đường nhé!”. Anh chồng bỗng ngẩn người ra, hình như không biết nói năng chi. Chị vợ cảm thấy hụt hẫng, lẳng lặng mang bình hoa ra bày ngoài phòng khách. Khi chị đi ngang, anh mới lấy lại bình tĩnh, nói: “Em này, tối nay anh phải đi tiếp khách”. Im lặng một chập rồi anh chồng nói tiếp: “Ông này bay từ trong Nam ra, sáng mai lại vào sớm, không gặp bây giờ thì mất cơ hội”. Ghìm một tiếng thở dài, chị vợ nhẹ nhàng bảo chồng: “Vậy thì em đưa con sang chơi với ông bà. Lúc nào về thì anh qua đón ba mẹ con nhé”.
“Tiếp khách, tiếp khách, tiếp khách! Đấy là điệp khúc mà tôi ghét nghe nhất ở chồng mình. Nhưng biết làm sao được, tôi không bao giờ cho phép mình cản trở công việc của chồng. “Miễn là đừng bao giờ về quá nửa đêm”, tôi giao hẹn với anh, ngay từ khi bắt đầu bước vào hôn nhân. Đêm ấy tôi cũng nhắc lại với anh câu này. Và anh đã mỉm cười, âu yếm hôn vào trán tôi, thầm thì: “Tất nhiên rồi, vợ yêu quý ạ”. Đêm ấy có quá nhiều lời nói dối. Tôi gọi điện cho mẹ, nói dối là tôi muốn gửi con để đi nhà thờ cùng chồng. Tôi nói dối chồng rằng tôi chờ anh ở nhà ông bà ngoại. Một mối nghi ngờ không nguyên cớ khiến tôi nói dối những người thân yêu nhất bằng một giọng điệu thật thà nhất. Tôi phải đi theo anh! Nhất định là thế, vì cái luồng điện lạnh lúc chiều vẫn không ngừng ám ảnh tôi. Anh lên xe đi trước. Tôi lên xe đi sau. Tôi, trong vai một bà Noel, lặng lẽ theo đuổi chồng trong đêm Giáng Sinh lạnh giá ấy. Lý trí chống cự, nhưng con tim yếu mềm lại cứ buộc tôi phải làm cái điều đáng sỉ vả ấy. Tôi không tin chồng, lần đầu tiên sau sáu năm chung sống, tôi nghi ngờ người đàn ông vừa hoan hỉ tặng tôi những đóa hồng đỏ thắm. Bộ đồ ông già Noel tôi mua, định vận vào để gây bất ngờ cho chồng con không ngờ lại thành thứ cải trang, biến tôi thành một thám tử bất đắc dĩ. Tôi đã thủ một vai diễn không nằm trong kịch bản mình đã viết đi viết lại trong đầu. Để quà ở nhà, để con ở với ông bà ngoại, đầu óc rối như tơ vò, tôi theo dõi chồng”.
Chị đã nghi đúng. Anh chồng hẹn với một cô gái tại một nhà nghỉ. Chị vợ hoang mang không biết phản ứng ra sao. Chị rút phôn ra, và quay số phôn ở nhà, như một phản xạ. Chị hy vọng anh đang ở nhà chờ chị về mừng Giáng sinh. Đứng chôn chân cạnh một gốc bàng, chị ngước nhìn lên những cánh cửa sổ nhà nghỉ. Cánh cửa nào đang là nơi chồng chị vui vầy với tình nhân? Chị phôn cho tất cả các số điện thoại chị có một cách máy móc. Khi người bên đầu dây kia trả lời, chị nói lời chúc Giáng sinh mà chị chẳng biết chị đang nói gì. Mẹ chị cũng nhận được một cú điện thoại như vậy. Nghe lời chúc, bà hỏi lại chừng nào vợ chồng mới tới đón con. Nghe nhắc tới con chị như bị dội một gáo nước lạnh. Lúc đó là 10 giờ rưỡi đêm. Chị mê hoảng bấm vào số điện thoại của anh chồng: “Anh tiếp khách xong chưa?” Anh chồng miễn cưỡng trả lời xong, chị nói tiếp: “Vậy thì mình cùng về nhé. Em đang chờ anh dưới gốc bàng ngoài cửa đây!”.
“ Tôi đứng tim khi nhìn thấy anh lầm lũi bước ra từ cái nhà nghỉ ấy. Anh vẫn còn mất vài phút nữa để nhìn ra tôi, bà già Noel đứng cô độc trong bóng tối. Anh phải gọi taxi đưa tôi về vì tôi đã ngất đi. Anh nói dối bố mẹ tôi, nói dối các con tôi rằng chúng tôi bị tắc đường ở nhà thờ, không về được. Đó là lời nói dối vô hại nhất trong cái đêm đáng quên ấy. Khi tôi tỉnh lại thì thấy anh vẫn đang cầm tay tôi, áp vào bên má sũng nước của anh. Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên vì sao một người mau nước mắt như tôi lại không nhỏ giọt nước mắt nào trước sự thật tàn nhẫn đến thế. Anh hỏi tôi có thể tha thứ cho anh không. “Miễn là đừng về quá nửa đêm”, tôi mệt mỏi nhắc lại giao ước ngày nào. Nước mắt lăn dài trên má anh. Chúng tôi quay lưng vào nhau. Tôi sợ phải nhìn một người đàn ông khóc. Chẳng cần anh hứa hẹn hay thề thốt gì, nhưng tôi biết không bao giờ tôi để mất anh lần nữa. Một đêm Noel quá lạnh, đủ để anh phải đền trả tôi những đêm ấm áp còn lại của cuộc đời này”.
Nếu không có bầu không khí an bình của đêm Chúa ra đời, câu chuyện của người vợ tội nghiệp này có được cái kết thúc an lành như vậy không? Tôi không nghĩ thế. Hình như trong đêm thánh đó, mọi chuyện đều thênh thang hết. Chị vợ không cô đơn trong bóng tối dưới gốc bàng. Có một người cũng lén nhìn cùng chị. Đó là nhà thơ Hồ Chí Bửu.
Không đi lễ vì ta vô số tội
Đêm Noel – trong góc tối lén nhìn
Em với Chúa – ta chọn em cho chắc
Chúa biết rồi – nên Chúa vẫn làm thinh.
Chúa bị xuống hạng nhì, Chúa có giận không? Tôi nghĩ rằng không. Bình an dưới thế là bình an cho tất cả mọi người, biết Chúa hay không biết. Chúa nào chấp! Chắc Chúa chỉ bưng miệng cười trừ, thương cho thằng nhỏ si tình!
12/2010
nguồn: http://www.songthao.com/