có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 11 11, 2011

Chăn trâu cắt cỏ



Chùa Kiên Lao làng Hiền Lương là chùa nhỏ. Sư Tịnh ở chùa một mình. Năng hay đến chơi. Mẹ Năng bảo: “Năng, mày có duyên với nhà Phật đấy.” Năng cười, không nói gì.

Một hôm sư Tịnh bảo:

– Này Năng, con ở gần ta sáu năm. Nghe ta đọc kinh Phật có hiểu không?

Năng bảo:

– Có chỗ hiểu, có chỗ không hiểu.

Sư Tịnh bảo:

– Ừ!

Sư Tịnh bảo:

– Ngày xưa, Lục tổ nghe kinh Kim Cương, chỉ nghe câu: “ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” liền khai ngộ. Câu ấy có nghĩa là: “Đừng bám vào cái gì mà để lòng vào.” Con có hiểu không?

Năng bảo:

– Con đang nghĩ.

Nói thế nhưng không nghĩ gì. Sư Tịnh bảo:

– Nghĩ đi.

Hôm ấy có sư Diệu Thủy ở chùa Sùng Khánh đến nghe giảng. Sư Diệu Thủy hơn Năng vài tuổi, quê ở Thái Bình, đã học hết phổ thông trung học. Hỏi vì sao đi tu? Sư Diệu Thủy bảo:

– Hồi ấy, trường học tổ chức đi du lịch ở Côn Sơn Kiếp Bạc. Ta đến, thấy các ni cô đang ngồi đóng oản. Không khí trong lành, cảnh chùa đẹp đẽ Lòng ta tự dưng rung động. Ta ước ao có ngày cũng được như những người kia. Thế là về nhà, ta lạy chào cha mẹ rồi đi. Năm ấy 17 tuổi.

Sư Tịnh bảo:

– Bằng tuổi. Năng bây giờ.

Năng nghĩ:

– 17 tuổi là tuổi ngốc nghếch.

Sư Tịnh đọc được ý nghĩ của Năng. Sư Tịnh bảo:

– Không ngốc đâu.

Năng đỏ mặt. Năng đã coi thường sư Diệu Thủy chăng?

Sư Tịnh bảo:

– Hôm nay ta kể chuyện này. Lần ấy Lục Tổ đến chùa kia. Mọi người đang nghe giảng kinh, bỗng có ngọn gió thổi đến làm lay động lá phướn. Một thầy tăng nói: “Gió động.” Một thầy tăng khác nói: “Phướn động.” Thế là mọi người đua nhau tranh cãi.. Lục tổ bấy giờ mới bước lên nói rằng. “Không phải gió động, cũng không phải phướn động. Chỉ có cái tâm của chư vị động mà thôi.” Mọi người bấy giờ hết sức ngạc nhiên, tất cả sụp lạy Lục tổ.

Sư Diệu Thủy về, Năng cũng về.

Năng đi qua cánh đồng. Lúa sắp lên đòng nên có mùi thơm ngào ngạt. Trời nắng, thứ nắng đầu mùa hạ, không khô mà dịu.

Thoạt nhiên bỗng mưa bóng mây. Mưa rất nhanh, ào ạt, chỉ khoảng độ năm mười phút. Giữa đồng không mông quạnh, chẳng biết trốn vào đâu, Năng ngồi thụp xuống bờ cỏ, thế mà ướt đầu, ướt áo. Năng nhìn ra xung quanh, màu lúa như sẫm xanh hơn..

Năng đi đến bờ mương ngồi nghỉ. Không nghĩ gì, chỉ nhìn những gợn sóng lăn tăn đều đặn ở trong lòng mương. Nước như đứng lại, không biết chảy ngược hay xuôi. Từ phía phố Huyện có ba người đi đến.

Năng nghĩ:

– Không phải người làng.

Ba người ngồi dưới gốc cây phi lao. Một người béo chừng năm mươi tuổi trải một tờ báo xuống đất, lấy thức ăn trong túi xách đặt lên. Một người gầy cũng lấy trong túi ra mấy hộp bia và hộp nước ngọt. Còn người thứ ba, thấp lùn thì đứng bên cạnh, càu nhàu:

– Sao không vào quán mà ăn?

Người béo cười:

– Đánh chén ở đây khỏi phiền người ta.

Họ cùng ngồi xuống ăn uống, nói chuyện.

Người gầy nói:

– Ông Trọng tháng mười một này nghỉ hưu.

– Đáng lẽ về từ mấy năm trước nhưng ông ấy khai gian lý lịch để kéo thêm vài năm, ông ấy tuổi Sửu bằng tuổi chú Vượng tôi. Thế mà chú Vượng tôi đã chết được sáu năm rồi.

Người béo nói:.

– ông Trọng về là phải rồi. Cũng đã xây được nhà, con trai con gái đều đã lấy vợ lấy chồng. Thế là
“vinh thân phì gia,” có của ăn của để.

Người thấp lùn nói:

– Con gái bà chị tôi là con dâu ông Trọng, lấy thằng Điển. Hai vợ chồng nó đều dạy học ở thị xã, lại có cửa hàng ở chợ, thuê người bán hàng. Sống sung túc lắm.

Người gầy nói:

– Ông Trọng về nghỉ hưu thì ai lên thay chức ông ấy?

Người thấp lùn nói:

– Chắc lại ông Trung vây cánh của ông ấy thôi.

Người béo nói;

– Tôi đâm ra nghiện cái nước giải khát “Coca Cola.”

Câu chuyện kéo dài, mỗi người nói một câu rồi họ đứng lên đi về phía Năng.

Năng về nhà. Cơm nước xong thì mẹ Năng bảo:

– Năm nay con có định thi vào Đại học không?

Năng bảo:

– Thôi mẹ ạ, con ngại học lắm. Con cũng không muốn xa mẹ.

Mẹ Năng cười:

– Anh tưởng anh còn bé à. Đi ra đời mà học khôn chứ!

Bố Năng bảo:

– Khôn dại làm quái gì! Cứ làm anh nông dân là tốt! Kệ nó! Nó lớn rồi nó biết nghĩ.

Năng lên giường nằm.. Giấc ngủ kéo đến dịu êm và nhẹ nhàng. Trong giấc ngủ, Năng cảm thấy mình đang phiêu du ở đẩu ở đâu..

Buổi sáng, Năng dậy đi cắt cỏ trâu. Mang theo cái liềm với đôi quang gánh. Dọc theo bờ sông là bãi ngô với bãi mía. Năng cũng không biết cảnh vật ở đây đẹp hay không đẹp. Bây giờ ở Hà Nội người ta làm gì, ở New York người ta làm gì, ở Tôkyô người ta làm gì? Năng cảm thấy mình đã ở những nơi ấy, thậm chí thuộc làu từng khu phố một. Cắt cỏ chỉ hơn tiếng đồng hồ. Cỏ mật rất thơm nhưng trâu không ăn. Sao trâu lại chỉ ăn cỏ gừng cay mà khô, chỉ ăn cỏ cật ráp và ngứa, cỏ nhằng là thứ cỏ dai ngoách?.

Năng rẽ vào chùa. Sư Tịnh đang ngồi một mình, tựa như đang ngủ. Năng đặt nhẹ gánh cỏ xuống dưới gốc nhãn rồi nhẹ bước đi vào mà sư vẫn biết.

Sư Tịnh bảo:

– Năng đấy à?

– Vâng.

Sư Tịnh:

– Đi cắt cỏ à?

– Vâng.

Sư Tịnh:

– Có chuyện gì không?

– Không.

Sư Tịnh:

– Đang nghĩ gì?

Năng giật mình. Nghĩ gì? Có cần phải nghĩ một điều gì không?

Sư Tịnh bảo:

– Mỗi giây nghĩ đều không ngưng trệ. Sống. Biến đổi. Như dòng nước. Như mây bay. Như máu chảy.

Có khách đến. Khách là ông giáo Hội. ông giáo Hội cũng là người làng.

Sư Tịnh hỏi:

– ông giáo hôm nay không lên lớp à?

Ông giáo Hội cười, lộ chiểc răng khểnh.

Ông giáo Hội bảo:

– Bạch thầy, hôm nay tôi không có giờ. Chẳng là có chai rượu của cậu học trò mang biếu. Nghĩ uống rượu một mình buồn nên mang lên chùa uống với thầy. Có được không ạ?

Sư Tịnh bảo:

– Được.

Uống rượu một lúc. ông giáo Hội bảo:

– Tôi là người phàm phu, trông lên Phật “kính nhi viễn chi.” Không dám đến gần. Tửu cũng ham, sắc cũng ham, danh lợi cũng ham. Biết là xấu mà không bỏ được. Bằng tuổi này đau đớn ê chề đủ cả. Nếu bằng tuổi thằng Năng bây giờ, tôi không gần đàn bà – đấy là toàn những bộ xương khô. Tôi không đọc sách báo – đấy toàn là thuốc ngủ, tôi không làm bạn bè với ai – đấy toàn là yêu quái.

Sư Tịnh cười:

– Thế ông làm gì?

Ông giáo Hội không trả lời, hỏi vu vơ:

– Thế sống là chạy đuổi theo thói xấu với người xấu à?

Năng chào sư Tịnh và ông giáo Hội về nhà.

Sư Tịnh bảo:

– Tùy duyên, sao lại phân biệt tốt xấu để cho đau lòng?

Năng gánh cỏ. Năng thấy gánh cỏ một bên nặng, một bên nhẹ. Để cân bằng phải lệch đòn gánh một bên. Gánh thế không đi xa được nhưng may từ chùa về nhà chỉ dăm trăm thước. Trâu đang đợi cỏ, thấy Năng về vẫy đuôi rối rít. Năng đang cho trâu ăn cỏ thì chị Thư đến. Chị Thư là thủ quỹ của xóm chuyên đi thu tiền.

Mẹ Năng ra tiếp.

Chị Thư bảo:

– Cháu đến thu tiền điện. Tiền điện tháng này của nhà hết 28 ngàn đồng. Tiền góp cho lễ Thánh mỗi nhà 5 nghìn đồng. Tiền tiêm chó 3 ngàn đồng. Cả thảy 36 ngàn đồng.

Mẹ Năng cười ngượng ngịu:

– Cả nhà còn mỗi 30 ngàn đồng. Hay tao bảo thằng Năng mang con gà ra chợ bán?

Chị Thư bảo:

– Con gà nhà mấy cân?

Mẹ Năng bảo:

– Làm gì mấy cân? Con gà ri trứng đẻ cứ vỡ. Bán giỏi lắm chắc được 15 ngàn đồng.

Chị Thư bảo:

– Thím bắt ra đây cho cháu xem nào. Đăng nào cháu cũng phải đi chợ mua thức ăn đãi khách ủy ban. Nếu thấy được thì cháu “duyệt” luôn. “Nhất cử lưỡng tiện.” Khỏi phải ra chợ.

Mẹ Năng đi bắt gà.

Năng bảo:

– Con đánh trâu ra đồng cày. Được không mẹ?

Chị Thư bảo:

– Thằng Năng đảm việc thật. Về sau cô nào lấy được cậu ấy thì sướng cả đời.

Năng đỏ mặt. Nghĩ đến ông giáo Hội bảo đàn bà là đống xương khô lại bật cười. Người đàn bà nào gắn với số phận của Năng liệu có sướng không?

Năng vác cày, đánh trâu ra đồng. Năng nhìn theo dấu con trâu bước đi chậm rãi.

Sinh ra là kiếp con trâu
Suốt đời tăm tối dãi dầu nắng mưa
Thân tôi cổ cày vai bừa
Nào thừng buộc, nào mõ khua rộn ràng
Xin ông, ông xử nhẹ nhàng
Tôi xin nộp đủ thóc vàng cho ông
Chú nghé tơ có độc chiếc răng
Còn chưa vực được, ông đừng vụt roi
Tôi biết thân biết phận tôi rồi
Tôi không hé miệng nửa lời với ai
Gác sừng, rọ mõm, vểnh lai
Cắn rơm cắn cỏ lạy ngài lượng cho
Đêm năm canh tiết bốn mùa
Chuồng xiêu, mái dột gió lùa vẫn cam
Ai ơi bưng bát cơm vàng
Xót thương trâu đứng bên đàng lẻ loi
Khi nào trâu giết tế Trời
Miếng thịt bùi ngùi trâu hỡi là trâu…

Năng cày ruộng. Năng biết cày hết thửa ruộng cũng phải quá trưa nhưng Năng không vội. Nước xâm xấp bờ. Con trâu im lặng, lầm lũi như đang nghĩ ngợi, khắc đi khắc đến. Năng cũng im lặng, chăm chú vào việc lái cày cho thẳng. Đất lật sang một bên thành từng hàng như sóng. Năng cố gắng để không nghĩ ngợi, không xét đoán. Chợt nhớ sư Tịnh có lần khuyên rằng không nên xét đoán hay dở, đúng sai, xấu tốt. Ta đã chắc gì mình ở đẩu, ở đâu?

Năng cày một mình không nghỉ. Đứng bóng thì xong thửa ruộng, đánh trâu xuống sông tắm mát. Năng lấy cỏ kỳ cọ cho trâu. Con trâu dim mắt lại. Năng bơi một lát, thấy đói cồn cào.

Năng về nhà. ăn cơm xong thấy ông giáo Hội ngật ngưỡng xiêu vẹo đi vào. Ông giáo Hội bảo:

– Cho bác nghỉ nhờ ở đây một lát. Về nhà thấy toàn những khuôn mặt cũ, chán lắm!

Năng bật cười. Nhà ông giáo Hội có tiếng nền nếp: vợ đảm đang, những đứa con rất ngoan, hiền lành, nhà cửa khang trang, ngăn nắp. Ông giáo Hội nằm võng. ông giáo Hội bảo:

– Lúc nãy ở chùa nói chuyện với sư, giật mình nghĩ lại thấy mấy chục năm nay mình đi dạy học, dạy trẻ con toàn thứ láo khoét. Phen này xuống ngục A-tỳ là chắc. Thôi ngày mai bỏ về cày ruộng.

Ông giáo Hội nói xong thì ngủ.

Năng không nói gì. Năng biết ông giáo Hội chỉ nói thế thôi, ngày mai sẽ lại lên lớp dạy học như thường. Năng đã nghe ông giáo Hội nói thế không phải một lần. Có lần ông giáo Hội bảo “trường học là nơi tu hành theo lối hưởng lạc.”

Năng ra đồng. Lại phải đi cắt cỏ cho trâu. Mẹ Năng bảo:

– Bố mày ra đình từ sáng. Ngày mai làng tế Thành hoàng.

Sớm hôm sau, mới gà gáy nhà Năng đã dậy. Cả những nhà bên cũng thế. Mẹ Năng thổi xôi, luộc thịt. Năng tắm gội sạch sẽ rồi ra đình làng. Hôm nay hội đình, việc này đã dược chuẩn bị từ hơn tháng trước. Các cụ ông, cụ bà ở trong đội tế đã thay áo quần, tề tựu cả. Đám thanh niên gồm mười tám trai tân với mười tám gái tân cùng chuẩn bị nhập hội tế.

Năng cũng ở trong số này.

Năng vào phòng hóa – trang thay quần áo. Hội đình năm nào cũng diễn sự tích của Thành hoàng làng. Chuyện rằng ngày xưa Trời làm hạn hán, ở dưới mặt đất dân tình đói khổ. Dân làng theo một chàng trai bắc thang đánh Trời. Trời sai Thiên Lôi mang sấm sét thiên la địa võng dánh lại. Ba lần chàng trai đều thắng Thiên Lôi. Cuối cùng Trời phải làm mưa, dân tình thoát khỏi tai nạn hạn hán. Chàng trai cùng dân làng vui vẻ cày bừa, trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng Thiên Lôi đợi khi chàng trai không đề phòng thì tới đánh lén. Khi chàng trai chết, dân là ng đã thờ chàng làm Thành hoàng.

Khoảng 9 giờ sáng bắt đầu hội tế. Người đông nghìn nghịt sân đình. Cờ, hoa, các mâm lễ vật bày la liệt. Không khí náo nhiệt. Năng cùng đám thanh niên vác những cái thang ngắn ra giữa sân đình. Điệu múa thang đã được tập luyện công phu từ mấy tháng trước. Câu chuyện cũ được diễn lại rất tao nhã, đẹp mắt và sôi nổi. Năng cầm thang đứng trong đội múa khi tiến, khi lùi, rẽ ngang, rẽ trái đều theo nhịp trống. Các ông già đóng vai Thiên Lôi và sấm sét cầm đao búa, kiếm kích cũng tiến cũng lùi, rẽ phải trái theo nhịp trống. Trậ n đánh diễn ra theo những nghi lễ ước lệ. Năng thấy bố mình cũng đóng vai một tướng nhà Trời. Trông ông rất hung dữ, khác hẳn với lúc bình thường.

Năng bị một quả chùy đánh thốc vào ngực. Đòn đánh rất hiểm. Nếu Năng ngã xuống thì thật xấu hổ ê chề. Trông ra thấy sư Tịnh đứng ở góc sân cười tủm tỉm. Diễn tích xong thì đến rước kiệu. Năng vịn vào vai kiệu. Kiệu đi vùn vụt như trong mơ. Đám đông la hét điên cuồng. Ai đó kêu to:

– Kiệu bay!

Cuộc vui kéo dài đến hết buổi chiều. Năng về đến nhà thì tối. Năng tắm giặt, ăn cơm rồi xuống thả trâu.
Trăng non bắt đầu mọc. Gió thổi nhẹ. Năng thấy lòng mình trống rỗng. Năng dắt trâu ra bãi cỏ ven đê rồi nằm dài xuống vạt cỏ mềm. Bây giờ mới thấy người đau ê ẩm, cởi áo ra thấy có vết tím ở ngực trái: rõ ràng vết của quả chùy. Năng nhìn lên trời cao, Năng không biết mình đang ở đẩu, ở đâu? Con trâu gặm cỏ bên cạnh, nhẫn nại bình thản. Nó đang nghĩ gì. Nó đang ở đẩu, ở đâu?

Bóng tối lan tỏa trên cánh đồng. Có gió thổi, rõ ràng là có gió thổi. Nghe rõ cả tiếng phần phật của cờ, của phướn.


Nguyễn Huy Thiệp
Nguồn: vnthuquan.net