Em đã đi lại con đường 7 cũ, con đường thủa nọ đi thăm nuôi…
Em đã về, sau bao năm lưu lạc xứ người. Em nấn ná định chờ con cùng về, nhưng mấy năm trước thì con bận học và nay thì nó lại đang trong quân đội, nó nói nó muốn tiếp bước chân của Ba ngày trước.
Năm ấy, an toàn trong một chuyến vượt biên, mẹ con em may mắn –mà em tin là đã được anh phù hộ – được nhận vào nước Mỹ, nhờ trước khi đi em đã có sự chuẩn bị, “mua” được cái biên bản khám xét và bắt “vợ chồng” mình đêm hôm ấy, kèm theo là cái lệnh thả em, em cũng không quên khéo léo làm cái hôn thú cho mình và khai sinh cho con (anh có thể yên tâm và mừng là con chúng ta mang được họ của anh).
Hết cuộc chia tay này, đến cuộc chia tay khác. Thiên đường của chúng tôi, những ngày anh còn là quân nhân và tôi là y tá, cùng ở Qui Nhơn, một căn phòng trọ nhỏ, ấm áp, là nơi để tôi nơm nớp âu lo theo mỗi bước quân hành của anh, để khấp khởi mừng vui mỗi lúc anh về, để tôi nín thở ôm anh, mong cho thời gian dừng lại, mong cho đừng bao giờ để anh đi xa nữa, để rồi, bao nhiêu nước mắt cũng không đủ níu một chia ly.
Anh đi xa quá thật, đi, không có giã từ và không có tiễn đưa. Ba năm ấy như một giấc mộng, giật mình dậy mới nhớ chúng tôi chưa bao giờ là vợ chồng, mới nhớ tôi chưa kịp thú tội đã đùa dai về gốc gác “Nẫu Cô Nương” chính hiệu của tôi (Lần đầu tiên quen anh, tôi đã mời anh “về” Phù Cát, nói láo với anh, “em muốn về thăm nhà”, và anh, đáng lẽ về đơn vị, cũng đã “dại gái” theo đi Phù Cát, mà thật ra, đó là nhà của anh ruột tôi, một sĩ quan phục vụ trong Trung Tâm Huấn Luyện Phù Cát, thấy anh tin tôi tuyệt đối quá, tôi đã nuốt luôn xuống bụng lời nói đùa ban đầu, để mãi mãi anh vẫn nghĩ tôi là dân Phù Cát, thật anh vô ý thì thôi, giọng nói vậy mà tin được! giọng Phù Cát có hơi Quảng Quảng một chút). Chiến tranh kết thúc, anh không kịp về với tôi như bao lần hẹn trước, tôi không có dịp đưa anh về thăm gia đình tôi như đã báo trước với ba mẹ, anh cũng không kịp về gặp gia đình anh, người ta lùa các anh vào trại cải tạo.
Tôi về lại Tuy Hòa, nhờ ông chú ruột là chính ủy của một trung đoàn phụ trách trại cải tạo, nơi giam giữ anh, tôi đã được lên thăm anh một lần. Nỗi mừng vui đã làm tôi vô ý kể anh nghe sao tôi có thể thăm anh được, anh đã không vui, và khước từ những lần thăm viếng tiếp theo, từ chối cả những món quà mà tôi đã chắt chiu lặn lội mang đến cho anh. Việc làm của anh đã không cho tôi thấy là anh vì sĩ diện, tự ái, mà chỉ làm tôi tủi thân, đau đớn nghĩ tình yêu anh cho tôi không đủ mạnh để anh quẳng sau lưng những cục đá, những ổ gà nhỏ nhoi kia. Đối với em, ông chú cũng chỉ là phương tiện, ông anh em cũng là sĩ quan như anh, em và gia đình em đã phải “có qua có lại” để hai bên cùng có lợi. Em cũng bị ông ta lên lớp giảng đạo, nên bỏ anh đi, nhưng đối với em, anh là thịt da, là tim óc của em, em bắt đầu sống bằng đứng đi suy nghĩ của anh, với anh mỗi ngày.
Tôi được đi dạy, không phải qua một lớp sư phạm nào. Một bước nhảy vọt lên đội ngũ trí thức cùng với nhiều giáo viên không bằng cấp khác (người ta vẫn coi giáo viên là thành phần trí thức mà!), để lãnh mỗi tháng 21 cân gạo và sắn mì, để hàng năm được mấy mét vải cùng một số những nhu yếu phẩm khác như mắm muối, mì chính, xà-bông, đôi dép, cái mũ, đều nếu không nằm trong diện công nhân viên chức được phân phối, thì cũng phải xếp hàng chầu chực mới có được những thứ, mà, những người được quyền chọn đã không ghé mắt tới. Và với tiêu chuẩn khiêm tốn ấy, chúng tôi đã sống với nhau: hàng tháng tôi đến thăm má anh, và phụ với má chút quà để má thăm nuôi anh. Cũng may, đỗi sau này người ta không còn hạn chế quà thăm nuôi chỉ cho nhận 2 cân. (Sau này anh nói, đất đai, rừng núi khai thác vô tội vạ, mà công tù thì vô hạn, nên lúa ngô khoai đậu, gỗ quý, rễ thuốc…phải hết đoàn xe này đến đoàn xe khác chở đi, nếu không thì không còn kho nào chứa nổi, mà tù thì chỉ lưng lửng ngày hai bữa, bởi vậy họ vờ như dễ dãi cho nhận quà thăm nuôi nhiều hơn, để “trại viên” đủ sức), cho đến hơn ba năm sau, anh được về, ngay trong căn nhà anh, chúng tôi đã ôm nhau khóc. Tôi khóc, vì tay tôi đã chạm được vào giấc mơ cơ hồ đã biến mất, nước mắt đẫm ướt vai anh, những ngón tay tôi cấu trên lưng áo bạc, như sắp xếp lại từng mảnh vụn rã rời của chuỗi tháng ngày tàn khốc kia, anh khóc, vì anh không ngờ, người con gái trong bức tranh vân cẩu bàng bạc ấy lại biến thành xương thịt thân yêu trong gia đình tự lúc nào.
Anh thực sự chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp thích nghi với gạo cân, vải thước, với tiếng kẻng giục ra đồng mỗi sớm, tiếng loa ra rả khắp hang cùng ngõ hẽm, với công điểm mỗi ngày, với hội họp hằng đêm, với kiểm điểm, tự khai hàng tuần, còn nặng nề hơn cả khi còn trong trại (ở trong trại, ngày hai bữa dù không no, có bị lùa đi lao động, nhìn quanh cũng nhẹ lòng với những ánh mắt đồng cảm của anh em đồng đội, làm về, lăn đùng ra ngủ, đau bệnh lên trạm xá nằm, không mạnh thì chết, án “tập trung cải tạo” không ai biết ngày về, nên cũng chả buồn lo tới ngày mai, và nhất là không bao giờ lo bị…bắt, không cần mỗi bước ra khỏi nhà phải nhìn trước ngó sau xem chừng có ai theo dõi). Anh chưa tỉnh táo đủ để thấy dù gì mọi người cũng cần phải sống, phải chấp nhận một phía trước bằng chính tay lái của mình, phải có một tổ ấm, để, tình yêu sau những cơn giông tố được thả neo. Khi da chưa kịp bớt xanh mét, những cơn sốt rét vẫn còn thỉnh thoảng ghé về hành hạ, cũng như vẫn chưa kịp tìm lại hơn mười kí-lô thịt đã bị đánh cắp ở núi rừng, thì đôi tay gầy guộc tội nghiệp kia lại phải tiếp tục bị tra vào còng vì cuộc chiến tranh xa tít đâu ngoài biên giới phía Bắc.
Một lần nữa, án tập trung cải tạo lại không hẹn ngày về.
Năm tháng sau, một sáng sớm mùa xuân, lúc tôi chuẩn bị ra khỏi nhà để đến lớp dạy, thì bất ngờ anh xuất hiện, lách nhanh qua khung cửa như cơn lốc: Anh vượt ngục. Anh nói anh chỉ ở tạm vài tuần, chờ đến chuyến đi, má đã “mua” được chỗ trên một chuyến chạy trốn quê hương, và anh muốn “em cùng đi”. Tôi chuẩn bị vội vã một vài tiện nghi, ăn uống, vệ sinh trong phòng tôi, nhốt anh trong đó, bình thường mỗi ngày thì tôi vẫn đã luôn luôn khóa trái cửa phòng bên ngoài, nên không ai lấy làm lạ. Sau mỗi buổi dạy về, ngó trước ngó sau, mua cho anh khi bánh cuốn, khi bánh mì, bánh bèo, bánh hỏi, bánh xèo, để anh chịu đựng qua những ngày đêm giam hãm trong căn biệt phòng hạnh phúc nhỏ bé, mong manh, thắc thỏm này. Và cũng bên bờ vực khắc khoải, tuần trăng mật vàng son tội nghiệp đã hân hoan mở hội trên thịt da bảy tám năm trời, mà nhiều khi tưởng cũng đã thuộc về nhau.
Đêm ấy trăng lên muộn, vừa đầu hôm, những là súng ống, đèn pin, hùng hổ xộc đến nhà, đọc “lệnh bắt và khám xét khẩn cấp”, cả hai chúng tôi đều bị còng tay dẫn đi, bị nhốt riêng mỗi người một biệt phòng, để rồi mấy hôm sau, họ chuyển anh về lại trại, còn tôi, nhờ “cây cao bóng cả”, gần một tháng được thả về (sau mới biết là tại tôi ngậy thơ quá, họ bám sát gia đình anh ngay từ khi anh vượt trại, phát hiện ra những lần lén lút gặp má, nhỏ nhỏ to to, rồi ráo riết theo dõi tôi, và y như rằng…)
Mất dạy, và mất cả phép được thăm gặp anh, cả đến khi anh không bao giờ về nữa. Nấm mồ cô quạnh như bao nhiêu nấm mồ khác, ở một bìa rừng gần trại, đã vĩnh viễn mang theo nỗi nhớ thương, thống hận khôn nguôi. Anh không về nữa, cũng đơn giản như những gì trong tay đã không còn giữ được nữa. Anh không về nữa, cũng có nghĩa là cục vàng của em, càng ngày càng giống anh kia, sẽ không bao giờ được thấy mặt cha.
Vậy là, cái gọi là quê hương kia, có phải đã quay mặt lại với em?
Giờ em đang ngồi đây. Em đã gặp lại Tuy Hòa “của anh”, mà người ta muốn em ngợi khen, “quê hương mình đổi mới quá, tiến bộ quá…” trong cái lần họ “mời” em xuống cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tâm tình, tâm sự gọi là “vì chị có quốc tịch Mỹ nên chúng tôi có bổn phận phải bảo vệ chị” (và cũng có nghĩa là, tôi đi đâu, làm gì cũng phải coi chừng những cặp mắt bảo vệ đâu đó loanh quanh!). Xin lỗi, tôi đã không thấy gì hết. Tôi về thăm gia đình, một gia đình Việt kiều, dẫu có đỡ hơn bà con chung quanh một chút, nhưng làm sao so được với “đời sống các ông!”. Tôi vẫn thấy bà con quanh tôi sao còn nghèo khổ quá!
Điều em thấy đầu tiên là cái không khí lạnh nhạt, hờ hững của Tuy Hòa, mạnh ai nấy lo cái bụng của mình, không như cái thư anh viết cho em thủa nào, khi còn ngỡ em là dân Phù Cát, đã giới thiệu về Tuy Hòa của anh
“Tuy Hòa của anh” mà có lần em “ghé” qua đó, anh nói với em, là một thành phố nhỏ, ít ai biết tới, cho dù có thể em ngược xuôi qua lại cả mấy chục lượt, Từ Qui Nhơn xuôi Nam, bắt đầu từ nửa Đèo Cù Mông quanh co, xe em chạy chậm dưới những vườn dừa xanh, em sẽ kịp thấy “đa tình con mắt Phú Yên” mà thủa nào Tản Đà đã hằng xao xuyến. Hoặc từ Nha Trang ngược Bắc, một nửa Đèo chớn chở hùng vĩ, để có chút âu lo, hồi hộp mà cũng vô cùng thích thú với bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan, những dòng chữ múa trên mặt biển xanh mấp mém chân đèo, của một Vũng Rô lúc nào cũng sóng yên gió lặng, với sừng sững trên chóp núi, ngọn Đá Bia oai hùng như một dũng tướng trấn biên cương của một thời Phú Yên được Vua Lê giao trọng trách là Dinh Trấn Biên, trong thời kỳ Nam tiến của dân tộc, mà phía Nam của Thạch Bi Sơn (Đá Bia, nhiều người còn gọi là Đá Vọng Phu) thủa còn là lãnh thổ của Chiêm Thành. Vâng, có thể em đã biết “Tuy Hoà của anh” qua một bài hát ít người biết của Nguyễn Đức Quang, Chiều Qua Tuy Hoà, “dừng chân sao thấy như còn xa”. Mà thật, Tuy Hòa Nguyễn Đức Quang thấy chỉ là một chòi quán thô sơ dựng vội nào đó bên lề Quốc lộ 1, để thấy “vọng phu đưa mắt cũng buồn theo…” (Nguyễn Đức Quang lầm Đá Bia là Vọng phu), nghĩa là không phải sao thấy như còn xa, mà là còn xa thật. Nhiều người cũng thấy như vậy, vì họ chỉ băng qua, bằng một cạnh Tuy Hòa, mà nếu em không dừng xe xuống phố, như họ, chỉ đứng ở một góc nào đó Tuy Hòa, sẽ không thấy được cuộc sống đầm ấm yên vui, những nụ cười hiếu khách thân thiện, những dãy phố xôn xao hoa đèn, áo quần như hội. Có thời gian, em sẽ lên thăm Tháp Nhạn, một tháp Chàm nhỏ đứng sừng sững trên Núi Nhạn, ngọn đồi biểu tượng của Phú Yên, nằm ở một góc thành phố, nhìn xuống giòng Sông Đà Rằng nước xanh thơ, có Cầu Đà Rằng dài nhất Miền Nam, để thấy mình gần gũi hơn, nếu không nói để trở thành dân “Núi Nhạn Sông Đà”!
Em cũng thấy những cánh đồng bát ngát quê anh, những cánh đồng vào mùa lúa chín, có lúc ngang qua, anh đã ngỡ mình hóa lúa: lúa vàng ươm không thấy chân trời.
Về quê anh, để em hiểu, sao anh không trả lời được câu hỏi của ai đó “ăn uống quê anh có những đặc sản gì?” Không trả lời được, đơn giản là vì, cái gì cũng là đặc sản. Phú Yên gần rừng núi, gần biển, có nhiều ao, bầu, sông, đầm, nên quê ai có gì thì quê anh có nấy. Từ con cá rô, con cua con rạm đồng đến con cá thu, cá ngừ, con cua huỳnh đế, con ốc vòi voi, ốc nhảy ở biển (em biết không, có những sáng, mấy chị rổi, chạy cá giã cào dạo, đã đem bán đến nhà anh những con cá thu còn giãy giụa!), từ con cá đối nước xà hai đến con ghẹ, con tôm sú, con sò huyết ở đầm Ô Loan, cũng như cả đến nghe anh nói mà vẫn có nhiều người không hiểu nổi con cá chép ở sông khác thế nào với con cá giếc ở bầu. Em biết con cua đinh không? Cái giống rùa mai mềm mà dân cả tiền ở các tỉnh khác phải đặt trước nhà hàng mới có thì Phú Yên là quê hương của chúng, rồi con giông, một món ăn thích khẩu ở các nhà hàng cao cấp, mà bình dân bá tánh Phú Yên nào cũng dễ dàng nếm qua.
Nhưng em ạ, Tuy Hòa vẫn nhỏ bé nép mình, nhiều người khi nghe anh nhắc đến quê anh, đã như trên trời rơi xuống, lúc lắc cái đầu “chưa bao giờ nghe”.
Em sa đà mất, nhưng mà, em nhớ anh, ở cái Tuy Hòa này còn gì cho em nhớ, ngoài những hồi ức đẹp đẽ kia? Em đang lạc lõng giữa quê hương mình. Cái nét duyên dáng, mộng mơ, của một cô gái đẹp không mỹ phẩm ngày nọ, đã bị cưỡng chế bôi trét đủ thứ phấn son rẻ tiền lừa mị lên mặt mày Tuy Hòa tội nghiệp. Loang lổ, dị hợm, phản mỹ thuật, khó tin mà Tuy Hòa phải cúi mặt chịu đựng. Ngày ấy vừa thiếu thốn, vừa bị canh chừng, mình chưa bao giờ được đưa nhau đến những nơi anh đã nhắc trong thư cũ, để bây giờ, những nơi ấy không còn là chung của mọi người. Người ta thích những cái giả tạo, cắt mắt, nâng mũi, bơm ngực…và người ta bắt mọi người cũng phải thích, phải giả như họ.
Tuy Hòa cũng đã bị cắt sửa: Tháp Nhạn “của anh” kia, họ tân trang lại để anh có thể nhìn giống như một “búp sen quê bác”, chắc ý họ muốn cho những oan hồn tử sĩ Chiêm Thành mấy thủa, phải đau đớn một lần nữa, đập đầu vào tháp, siêu sinh! Gần đó, họ xây thêm mấy cái bảng gì thật lớn, sơn trắng, mà không biết họ có biết là người dân ở dưới nhìn lên thấy đó là những mảnh khăn tang, để tang cho những gì Tuy Hòa không còn nữa?
Vũng Rô êm ả thơ mộng kia được quảng cáo ầm ĩ cho những chuyến du lịch thăm viếng cái gì là “tàu không số”, mà không được mấy ai để ý, hay biết tới, bằng cái lúc quân dân Miền Nam đã hốt trọn chiếc tàu và mấy kho đầy hàng tiếp viện từ Miền Bắc vào, ở đây.
Những món ăn đặc sản ngày ấy, bây giờ trở thành là hàng cao cấp, chỉ có trong những bữa ăn của các quan lớn. Khan hiếm đến nỗi, anh có tiền cũng không có cơ hội để nhìn thấy, đừng nói là ăn được. Tuy Hòa không lớn, nên không có nhà hàng nào dám bán cho khách trước khi báo cho các quan lớn mỗi khi có món gì độc đáo. Tất cả những gì gọi là đặc sản đều coi như các ngài đã đặt hàng trước, xuất khẩu là ưu tiên hai, không biết đến bao nhiêu ưu tiên nữa thì hàng “thấp cấp” thừa thãi còn lại mới ra chợ được.
Anh có muốn em của anh về với “Tuy Hòa của anh” nữa không?
Dẫu sao, em cũng phải nói với anh, với anh thôi, về những đổi thay mà anh không bao giờ mong này. Em không nói với người khác, có thể họ không đồng ý với em “người ta làm ra, không thích thì thôi, đâu có hại gì ai!" Nhưng với em, thì thật sự là những mất mát to lớn, bởi vì, không còn gì trong lòng em là Tuy Hòa của anh.
Nhưng như có lần em nói với anh “Tuy Hòa là anh, và anh là của em, em về đây để … anh và Tuy Hòa không còn là của ai hết”. Để, có được lúc này, em đang ngồi bên Tuy Hòa của em: Anh đó! Cái nấm mộ có tấm mộ bia tên anh, má chất đá chung quanh, đơn sơ, nằm cạnh các bạn tù ngày nọ, với nhiều kiểu chết khác nhau: bệnh chết, bị đánh chết, bị cùm xích lâu ngày kiệt sức chết, vượt ngục bị bắn chết, chống lại lệnh trại bị “tòa án nhân dân” xử tử hình, và khó tin hơn, bị “cháy nhà kỷ luật” chết tập thể. Còn may, nghĩa địa này nằm trong một khu kinh tế mới, biến thể từ một trại cải tạo ngày xưa, nên người ta cho thân nhân thăm viếng. Má, cũng như ý em, chỉ muốn giữ cho đất mộ không bị chài lấp, không bị gió mưa làm mất dấu, chứ không muốn anh đặc biệt hơn bạn bè, (bạn bè, mà không biết gia đình họ đâu, có nhiều nấm mộ đã hoang tàn gần như sắp trở lại thành mặt đất với chi chit cỏ dại bò dọc bò ngang. Em chợt chạnh lòng. Hư vô! Cát bụi! Ở bên kia, người có nhà và người không nhà sống có khác nhau không?
Nước mắt em vẫn cứ lừng lững đáy mắt. Em cắm nốt những nén nhang cuối cùng trên tay lên những ngôi mộ quanh đó.
Rất xa kia, những vành khăn trắng cứng đơ, im lìm trên Tháp Nhạn có ngậm ngùi cho những số phận hắt hiu này?
Đặng Kim Côn