Giới Thiệu
Ghi rải rác trong những trang nhật ký, trên bìa cuốn vở nháp, sau lưng cuốn sách, cuốn lịch... là những suy nghĩ nhỏ, bất chợt. Nay chọn lọc lại, xén cắt, trang điểm, đặt tên là "Trầm tư".
Trong chỗ bạn bè thân quen, tôi hay rủ mỗi tối dành năm phút trước khi ngủ, lược ghi 3-4 hàng về những gì xảy ra trong ngày. Gọi tên là nhật ký, là gì... gì... tùy. Chỉ biết là rất có ích. Còn "Trầm tư" thì hể chợt nghĩ là ghi liền.
Có những câu của tôi mang nội dung giống những danh ngôn thường gặp. Cũng tất nhiên thôi, vì các danh nhân đích thực cũng thường nghĩ giống nhau. Bà con nông thôn thì có lịch duyệt bình dân, như cụ bà nhà quê mù chữ thường nói, chẳng hạn "Ăn mặn cho lắm vô, rồi khát nước chết cha mày". Có chất trầm tư trong đó! Tôi ít băn khoăn về tính chất "bản quyền". Nội dung có thể giống, nên tôi chọn câu có cách phô diễn ngồ ngộ. Đúng vậy, Ai cũng nói được "lá xanh... hoa thơm... yêu quê hương..." Nhưng nói bằng một cách nói lạ thì người ta gọi là Thi sĩ. Có những câu không độc đáo, nhưng tôi cứ giữ để người đọc có dịp nhớ tới một cái gì hay hay.
Mỗi câu dầu ngắn mà gợi lên được... một cái gì đó, thì một tập 500 câu cũng đã khá giàu. Như sinh hoạt ngân hàng tiết kiệm.
Có trường hợp những trầm tư của người gây suy nghĩ nơi mình. Kinh Talmud của dân tộc Do Thái ghi "Hãy leo lên một bực để chọn bạn, hãy bước xuống một bực để chọn vợ". Tôi nói khác : " Hãy bước xuống một bực để tìm vợ. Hãy leo lên một bực để chọn chồng" (câu 512) và tôi cảm thấy thú vị. Câu Talmud chỉ đề cập đến một nửa nhân loại: đàn ông. Câu của tôi bao trọn cả đàn bà nữa.
Có những câu chợt hiện ra không do hoàn cảnh cụ thể nào hết. Như câu 430 "Tôi ghét chữ Hiền thê nhưng bởi tánh vợ tôi quá hung dữ nên không dám dùng chữ khác để thay". Do tính nghịch ngợm cố hữu nơi tôi mà ra. Có lần cô bé ở cạnh nhà la con chó "Chó mà cũng chê cơm", tôi liền ghi lên cửa dưới dạng danh ngôn: "Thân phận làm chó mà cũng học đòi chê khen". Tôi nghĩ tiếp: nếu dưới câu đó, ghi tên một hoàng đế La Mã? Rồi đem làm đầu đề bình giảng? Té ra làm tác giả danh ngôn còn khỏe hơn, dễ hơn trồng một... cây bắp.
Lại có hôm chị của cô bé vô bếp rối vừa thở vừa la em: " Bếp núc bỏ bừa bãi. Rờ đâu cũng bụi bặm". Tôi cười thầm: Đã mệt ngất ngư mà còn từ hoa: bụi bặm. Và tôi viết câu trầm tư số 521 " Sắp tới ngày mà ngôn ngữ cũng phải chịu ảnh hưởng của luật Kinh tế: bụi không bặm, chậm không chạp, vui không vẻ, buồn không bã..." Trong tập này, câu nào hình thành trước thì được đánh máy trước và mỗi câu mang một số hiệu để dễ gọi tên. Định sau khi hoàn tất sẽ sắp xếp lại theo từng mục như Tình yêu - Tôn giáo - Triết lý... Nhưng chợt nghĩ: cứ để lộn xộn, khi đọc, gặp được sự bất ngờ. Mọi xếp đặt đều không ít thì nhiều mang vẻ gượng ép cố ý. Nhàm nữa. Chớ đằng này: đang triết lý tôn giáo bỗng gặp một cô..., đang suy gẫm về Nghệ thuật chợt gặp một bà... Nếu xếp họ vào cùng chung một dãy, một cụm, một lô, họ sẽ bớt giá trị, mình sẽ nhìn lướt qua, thậm chí bỏ chạy qua cho mau.
Nha Trang, mùa Phượng 1992
Võ Hồng
----------------------
Chương Một
1. Đừng ưa chê bai kẻ khác. Con hãy nhìn vào gương. Khi chê ai, mặt con nhăn nhíu xấu xí. Khi khen ai, mặt con rạng rỡ xinh tươi. Hỏi còn có thuật trang điểm nào đơn giản mà hiệu quả hơn không?
2. Khi tuổi cao, người ta hay ngồi gợi lại Quá khứ và chừng như ở kỷ niệm nào cũng bắt gặp một nguời nay không còn nữa. Ký ức biến thành một nghĩa trang mênh mông.
3. Trong phiên tòa xử Lavoisier, ông chánh án Coffinhall đã hùng dũng phán: "Cộng hòa không cần những nhà bác học". Vậy đó, khi có quyền, nhiều người đã dùng tài hùng biện để tố cáo sự ngu dốt của chính họ.
4. Dẫu là Voi cũng phải tự trồng lấy cỏ mà ăn.
5. Chỉ có Chúa nhẫn nại đợi ngày phán xét cuối cùng mới kết luận. Người đời thì nhiều khi mới nghe 1 phần 8 câu nói đã lật đật kết luận rồi.
6. Người gây tai tiếng thường không được nghe tai tiếng do họ gây. Như sự lặng yên của trận bão lớn.
7. Người ta thường nói lòng tham không đáy, nhân dục vô nhai. Không hoàn toàn như vậy. Chín giờ tối ăn chè ngọt thì sáng hôm sau không thích uống cà phê. Năm giờ sáng uống ly nước cam thì nửa giờ sau tách trà không còn ngon nữa.
8. Khi nghe chê ai, tôi thấy tôi dễ có cái xấu của người đó. Khi nghe khen ai, tôi thấy tôi khó có cái tốt của người đó.
9. Người đàn bà soi gương nơi mắt của người đàn ông.
10. Ông bảo tôi vô thần. Bà nói tôi mê tín. Cô cho tôi lập dị... Sai ráo. Không có tĩnh từ nào được cắt đo theo kích thước của tôi. Tôi có mỗi thứ một ít. Như người cưỡi bò, chân bên này chân bên kia. Hơn thế, như con nhện, đứng bằng cả tám chân.
11. Hãy bằng lòng mức sống trung bình. Tài trí ta không bằng nhiều người, cả sự gian hùng ta cũng thua nhiều người.
12. Sự khổ đau nuôi dưỡng thiên tài. Nếu được thỏa mãn Hạnh Phúc thì đến hai phần ba danh nhân cổ kim trên thế giới đã bị xóa tên.
13. Bất hạnh cho kẻ nào không thấy còn ai xứng đáng để kính trọng.
14. May thay cuộc đời chỉ dài nhất trăm năm: bao nhiêu sai lầm, ân hận, hối tiếc... ta sẵn sàng quên đi khi nghĩ rằng cái chết rồi sẽ xóa hết. Ôi, nếu cuộc đời dài những ngàn năm!
15. Hãy diệt nơi ta những tính xấu nào mà ta chê trách nơi người khác. Với chừng ấy, ta đã là người khá rồi.
16. Mừng rỡ bấu vào một lời nói của người khác để dồn sức công kích, đó là cốt cách đồ tể. Chỉ căn cứ vào những điều phát biểu mà tự hào rằng hiểu hết tâm hồn một người, đó là cốt cách thầy lang, thầy bùa. Hiểu một người phải hiểu cả những điều người ấy không nói.
17. Ta biết về một người có thể nào rõ hơn một băng sơn? Ấy vậy mà cái phần nổi trên mặt nước mới chỉ là một phần mười của toàn khối.
18. Ra ngoài đường, người đàn bà cười tươi với người này, lời ngọt ngào với người nọ, mắt mềm với người kia. Ai cũng thèm địa vị của người chồng. Nào ngờ anh ta đang câm lặng ở nhà, chuyên nhận lãnh các tĩnh từ ngược lại.
19. Trà, cà phê, thuốc lá, rượu... không cần thiết nhưng chúng làm đẹp cuộc sống. Nghệ thuật cũng vậy. Không có thứ nghệ thuật nào lại không vị nhân sinh. Chỉ có trực tiếp hay gián tiếp, gần hay xa, nặng hay nhẹ mà thôi.
20. Quyền uy đòi hỏi sự hiện diện của ít nhất là hai người.
21. Nghe Radio báo tin một danh nhân từ trần, tâm hồn thính giả cảm thấy buồn, thương, tiếc. Nhưng sau đó lại có cảm giác yên bình nhẹ nhàng. Một sự tự an ủi có hơi tàn nhẫn.
22. Trên sân khấu chỉ có kẻ bại trận mới ngồi lại nói dai. Kẻ thắng trận đã mỉm cười bỏ đi mất với chiến lợi phẩm.
23. Hãy nhìn cây ớt có bón đủ phân, cành lá sum suê, hoa trái đầy cành. Sau ba tháng huy hoàng, nó héo, chết. Còn cây ớt không phân, mọc len lỏi giữa khe đá, còm cõi, nhỏ bé, đến nay đã mười tháng hơn mà vẫn cứ sống. Muốn rút ra từ đó bài học gì tùy bạn.
24. Có điều này để nhà làm phim giáo dục bớt lạc quan: khán giả trẻ con không thích nhớ đoạn chót của phim mà ưa nhớ đoạn giữa; không muốn nghe lời khuyên răn ở phần cuối; khoái bắt chước những hành động xấu ở phần đầu: du côn, ăn cắp, nói dối...
25. Đừng bao giờ trách kẻ khác. Có thể họ đang ân hận vì những điều họ đã lỡ làm phiền lòng bạn. Có thể họ đang tìm dịp để chuộc lại. Có bao giờ bạn cũng ân hận tự trách như họ không?
26. Truyện ngụ ngôn kể người cưỡi ngựa đã giết chết con chó chạy theo sủa, chỉ bằng một câu nói. Ngôn ngữ là một vũ khí. Gọi một người trí thức cẩn trọng, tinh tế bằng "ba phải" thì thật tiện lợi, bởi người dốt bao giờ cũng phán quyết dứt khoát hơn người học rộng. Nhị nguyên luận...Bất khả tri luận...là những danh từ họ thích dùng, vì chúng gần với Nhị Hà, tên một tiệm phở và Kha Nhi Luân, tên một nhân vật tuồng cải lương.
27. Tài cao không có để người phục, đức lớn không có để người trọng, thì chỉ còn một đức nhỏ để người mến: đó là nhường nhịn, ít nói.
28. Chỉ cần một lần tự trách mình sao nói quá ít, và 99 lần tự trách mình sao nói quá nhiều.
29. Này còn ánh sáng và khí trời dành cho mọi người. Đừng vội khinh ai.
30. Khi phải chê ai, hãy chọn lời nhẹ nhất, nhẹ bằng một phần năm ý mình muốn nói. Bởi lời phê phán độc ác hành hạ tâm hồn người nhận, đau nhức hơn roi vọt gươm đao.
31. Dẫu là chân lý khoa học cũng chỉ đúng 99 phần trăm. Bạn đang vội vã chụp nhằm cái phần ngoại lệ 1 phần trăm rồi.
32. Muốn làm một điều tốt cho người thì phải hao tiền tài, tốn sức lực. Có một điều tốt không đòi hỏi hao phí gì hết, đó là chọn một lời thân ái đem lại niềm vui cho người, góp một lời chân chính bày làm việc tốt cho người.
33. Người kia nhân đức, nhường cơm xẻ áo. Bạn nỡ keo kiệt đến mức không nhường cho ai được một lời sao?
34. Danh ngôn thường làm ta thích vì tính chất độc đáo của nó, chớ không hẳn là chân lý thập toàn, nó thường nhắm vào một điểm nóng nào đó nên nhiều lúc nó cực đoan. Và bởi cực đoan mà nó gây được sự chú ý.
35. Nói theo danh ngôn thì hay, làm theo danh ngôn thì nhiều khi lại dở.
36. Phải nhiều danh ngôn, hoặc thuận nhau, hoặc nghịch nhau, bổ túc cho nhau.
37. Cho dẫu lời nhận xét của kẻ kia là sai, thì thái độ giận dữ của bạn vẫn không đúng. Chẳng lẽ bạn không có đủ lòng nhân ái nằm nghe tiếng mèo gào trong đêm với nụ cười bao dung.
38. Nhìn quá xa, cái thấy ắt không đúng. Nhìn quá gần, cái thấy thường không đúng. Nhìn quá quen, cái thấy càng không đúng.
39. Bao nhiêu phi lý trong chiến tranh: Kẻ gây chiến thì được sống an toàn... vì sợ bị bắn mà phải bắn trước... vì vua nó và vua mình tranh giành nhau, giận nhau, mà mình và nó nhào vô giết nhau... Dù bên nào thắng thì kẻ bại trận vẫn là người lính chết trận, chưa biết hương vị ái tình hoặc phải bỏ lại vợ goá con côi.
40. "Chớ kết giao với người đáng ưa", cái chân lý sao mà sáng rực một ánh sắc lạnh như kim cương vậy!
41. Hỷ ái, tham ái, lạc dục, tham dục, ái dục: 5 cánh hoa làm êm cảm giác. Còn trên dĩa cân bên kia? - Chỉ có hai: Lo và Sợ.
42. Mọi người sinh ra đều có khiếu hội họa. Họ biết màu đen làm nổi màu trắng, do vậy họ thích nói cái xấu và nghe cái xấu của người khác. Cái xấu đó gián tiếp làm nổi cái tốt của họ, và cái tốt càng nhỏ, càng lợt thì càng cần cái xấu của người khác làm nổi bật lên.
43. Tùy vị trí của người áp dụng nó mà Trung Dung được ngợi khen là đạo đức hay bị chê là thái độ hèn. Tôi ngượng mỗi khi khen ai hòa hưỡn trung dung dẫu rằng tôi biết: Trung Dung tuy không giúp người anh hùng tạo nên sự nghiệp, nhưng giúp giữ được sự nghiệp.
44. Nhìn quá xa có thể làm mất Hạnh phúc.
45. Đánh chuông gõ mõ mà chú ý cho ăn rập nhịp nhàng, thì đó là làm văn nghệ. Nhưng nói vậy không có nghiã là tôi chê chuông mõ. Này, hãy nhìn bàn tay tôi đây: chê bai sự nhịp nhàng chuông mõ chỉ là đốt chót của ngón giữa. Còn đồng ý về nội dung tu tập là trọn bàn tay. Hãy nhận bài học này: Đừng lấy cái đốt chót của ngón tay mà nói rằng đó là cả bàn tay.
46. Tôi yêu biết bao cây mãng cầu đứng cạnh cửa sổ. Dáng đứng manh mảnh, cành nghiêng mềm nõn, màu lá xanh nhạt, sắc hoa nhũn nhặn. Nó lặng im đứng đó, không rực rỡ, không cạnh tranh hương sắc. Tôi cứ tưởng nó là tôi.
47. Giá trị của một người như một quả cầu đường kính 10 mét, bao gồm nhiều mặt. Ít khi người ta nhìn toàn khối trước khi phê phán. Tệ hơn, có cả những người cứ cúi sát rờ mó một khoảng hẹp rồi chợt đắc thắng mừng rỡ la to: "Biết rồi! Tôi ngửi thấy mùi cống rãnh ở gần đây. Chẳng ra cái gì đâu!"
48. Ta thường không an tâm, không phải vì nghĩ rằng người khác xấu, mà vì sợ họ nghĩ rằng ta xấu. Nếu họ xấu thật thì dễ: ta tránh họ. Nhưng nếu họ nghĩ rằng ta xấu thì ta biết làm sao để tốt theo ý họ? Thường ta không đủ khả năng để làm tốt theo ý họ muốn.
49. Ý kiến đó, nếu được phát biểu 3 giờ sau khi sự việc xảy ra thì tin được. Nếu phát biểu liền sau đó thì khoan tin. Nếu phát biểu giữa cơn tức giận thì đừng tin.
50. Sự thật nhiều khi không khó như ta tưởng. Sự thật nhiều khi không dễ như ta tưởng.
-------------------
Chương Hai
1. Cái khó ở đời là định được ranh giới. Tới đâu thì dân tộc tính dừng lại, hiện tại tính bắt đầu? Cả đến đạo đức cũng vậy. Đi quá ranh giới, TỐT sẽ thành XẤU. Tiết kiệm quá thành keo kiệt, chân thật quá thành thô lỗ.
2. Khi khuyên ai, ta thường vụng về làm họ bị chạm tự ái. Thực ra thì với cách giải quyết của họ, họ chỉ nên thêm hơn một chút hay bớt đi một chút.
3. Ôi tạo hoá rộng lượng! Một trái ổi có tới bốn trăm hột.
4. Con người thường không ưa những ai chưa quen. Hãy quen với họ đi, và ta sẽ thấy họ có nhiều điểm tốt để ta mến.
5. Càng thêm kinh nghiệm ở đời, tôi càng thấy thấm thía câu nói của Đức Khổng Tử: "Dư dục vô ngôn": ta chẳng muốn nói gì hết.
6. Muốn được tiếng đạo đức, dễ nhất là nên nói ít. Người tầm thường, nói dở nên ít nói, do vậy mà những ý nghĩ xấu không lộ ra, không ai biết. Người khôn tự mãn hay nói, nên phanh phui hết cái xấu của mình.
7. Ông nhà văn, ông được ưu đãi nhiều quá. Ông được nói chuyện dịu dàng với người đọc vào một giờ yên tĩnh nhất, trong một khung cảnh êm đềm nhất. Người đó đem trọn tâm hồn ra để nghe ông và ông được chọn nói những điều mà ông cho là thâm thúy. Những cánh cổng uy nghi, những cửa phòng hoa lệ tự nguyện mở ra đón ông.
8. Cô ấy đồng ý với anh rằng "Im lặng là vàng" hả?...À, vậy thì tốt. Nhưng đừng vội mừng. Kìa, hãy nghe cô ấy nói tiếp cái gì kìa. - Dạ, đúng. Im lặng là vàng. Còn ồn ào là… kim cương.
9. Bất hạnh cho kẻ nào phải giao thiệp với người độc dữ. Như con cú chỉ kêu được tiếng độc, họ quen miệng chỉ nói được lời dữ.
10. Hoặc là trắng hoặc là đen, anh phải dứt khoát chọn một. - Nhưng thưa ông, màu trắng tự nó cũng không phải là một. Nó gồm tới bảy màu.
11. Đừng bám vào một câu nói để đả kích, để xưng tụng, mà nên nhìn vào toàn thể việc làm. Một câu nói nhiều khi chỉ như cái chấm dùng làm đỉnh cho một hình tam giác. Cùng chung một đỉnh, nhưng cái đáy có thể nằm nơi khác thì bề mặt của hai tam giác hoàn toàn khác nhau.
12. Liễu Tôn Nguyên kể chuyện người bắt rắn. Hiện tại không chắc có còn một nấm cổ khâu nào, trên đó những bụi cỏ dại lặng lẽ nở hoa mà người đời xác quyết rằng đó là mộ của Liễu thứ sử. Vậy mà, vào một ngày tàn Đông của năm Nhâm Tuất, có một người dị tộc phương Nam lại ngồi bùi ngùi cảm mến tiên sinh trước trang sách mở.
13. Tạo ra tiền của nhiều khi dễ hơn tạo được tình cảm. Bởi chưng tiền của không biết phê phán khen chê.
14. Lên 60 tuổi, ta gặt những gì đã gieo suốt một đời người. Trễ rồi nếu chỉ có cỏ. Đâu còn thì giờ để gieo hột giống khác tốt hơn?
15. Truyện cổ hay kể những cô thôn nữ trung thành với người yêu nghèo mà từ chối ông vua. Vậy đó, cái cao cả nhiều khi phát xuất từ cái bình dị. Có những tâm hồn mộc mạc làm những hành động hy sinh một cách tự nhiên. Y như hoa cỏ nở lác đác giữa đồng nội, không hề bận tâm tìm xem người ta có thể khen chê gì về chúng.
16. Đừng nói những nhận xét quá tinh tế với những kẻ căn cơ quá tối. Nói "Ai cũng có lúc tham" sẽ được hiểu đơn giản rằng anh là đồ tham.
17. Người tốt được 80 người khen, 20 người chê. Người xấu bị 80 người chê, được 20 người khen.
18. Phước cho kẻ nào trên thế gian có ân huệ được một xá lợi tử cất giữ dùm kỷ niệm.
19. Thỉnh thoảng hãy nhớ lại những ngày gian khổ của đời mình để bớt kiêu căng, để thêm nhân ái.
20. Bất hạnh cho ta nếu có người họ hàng xấu: ta không nhận được cái tốt từ họ, không làm được cái tốt cho họ.
21. Ngu ngốc thay cho kẻ tự hạ mình: "Tính tôi cà trớt... tôi không sâu sắc..." Người khác sẽ dùng những tính từ đó để kết luận về anh, như dùng những dụng cụ giảo hình tự anh rèn sẵn.
22. Khi nhỏ, ta ghét những người ta phải kính trọng. Khi già, ta thèm có những người để ta kính trọng.
23. Nhiều người đàn bà khổ chỉ vì vừa giàu vừa mạnh. Giàu tình cảm và mạnh lý trí.
24. Đừng mắng trẻ con bằng từ ngữ tổng hợp mà nên phân tích cái lỗi, cái sai. Mắng "mày ranh mãnh, nói láo, ganh tị..." thì nhiều khi lại chính là dạy chúng ranh mãnh, nói láo, ganh tị...
25. Bữa ăn sang làm khổ con người. Bữa ăn khổ làm sang con người.
26. Dù khốn khổ nhất, người ta cũng nuôi một chút hy vọng về tương lai. Chính tâm lý đó nuôi sống nghề bói toán.
27. Tôi thường nói chuyện đạo đức với cô. Cô tỏ ý không thích. Ghét tôi thì được, có thể tôi rất dễ ghét. Nhưng xin đừng ghét lây Đạo đức.
28. Khi bị xúc phạm bằng lời nói, người ta thù hận sâu hơn là khi bị lừa đảo một cách lặng lẽ.
29. Chỉ cần một lần nói lỡ lời đủ tạo một hình ảnh xấu cho suốt đời.
30. Sự suy nghĩ có tỷ trọng của bạch kim. Nó khiến công việc thêm nặng. Nhen lửa đun cho ấm nước sôi, công việc dễ dàng, nhẹ nhàng biết bao. Nhưng ngồi mà nghĩ xung quanh việc đun nước thì ta sẽ thấy việc đó nặng cả tạ.
31. Người ta ưa nói thái quá một cách tự nhiên, không băn khoăn. Họ không nghĩ rằng chỉ thêm chơi 1, 2, 3, 4... con số không ở đằng sau là một đại lượng nhỏ đã trở thành khổng lồ.
32. Sự hiểu biết nông cạn thường dẫn tới cái nhìn thiên lệch và lời phê phán sai lầm. Ta khen Démosthène lập chí khi ngậm sỏi luyện giọng, ta phục Démosthène hùng biện, nhưng ta thường không biết thêm rằng ông ta là một chính khách dở. Thật bất công cho vua Philippe khi phải đương đầu với Démosthène và bị phê phán bởi những độc giả chột mắt.
33. Người đàn ông có giá trị đối với kẻ dưới, người đàn bà có giá trị đối với người trên. Ông Vinh Khải Kỳ há không hiểu rằng, cả vào thời đại của ông, khi cần vận động xin xỏ với cấp trên thì nụ cười và khóe mắt của người đàn bà có hiệu lực hơn trí thức của ông sao?
34. Chúng ta hiểu người khác qua từ ngữ. Nhưng những từ ngữ chính xác nhất vẫn không diễn tả đúng ý, huống chi còn có người dùng từ ngữ sai, từ ngữ hời hợt và cả từ ngữ dối trá.
35. Mỗi chân lý thường chỉ đúng có một nửa. Nửa kia dành cho chân lý ngược lại.
36. Tên những vị có quyền lực, tên những học thuyết, những trường phái, những chủ nghĩa, những...ism được các thiên tài cỡ nhỏ dùng thay lý luận, dùng làm kết luận.
37. Con người có thể, bằng tài năng, bằng ý chí, chinh phục được tất cả, chiếm đoạt được tất cả. Ngoại trừ tình yêu.
38. Con người chỉ thiếu phương tiện chớ không thiếu nhu cầu.
39. Chuột thường sập bẫy chặng khuya gần sáng. Chống chọi với sự cám dỗ quả thật không dễ.
40. Nói " được cái này, mất cái khác" không có nghĩa là cái Được ngang bằng với cái Mất. Chỉ xét về mặt chính tả, Được đã hơn Mất một chữ rồi.
41. Người trì độn dễ có Hạnh phúc. Nó phản ứng chậm nên tránh được những xung đột. Người thông minh mà nhân hậu dễ mất Hạnh Phúc. Bởi nó không biết nói dối.
42. Đừng sợ vô lễ đối với người lớn bằng sợ thất lễ đối với người nhỏ. Người lớn thường đã phạm nhiều điều xấu, có thể đáng bị xử vô lễ. Nếu là người tốt thì họ rộng lượng không câu chấp. Người trẻ trong sạch hơn và thường cố chấp hơn. Giữ lễ với họ để họ khỏi mất niềm tin khi bước vào đời.
43. Với người đàn bà đang tự hào vì được nhiều kẻ tán tỉnh, đừng trả lời câu họ hỏi " Em có đẹp không?" Trả lời đẹp thì họ thêm say sưa, xông xáo, đem sử dụng cái đẹp. Trả lời không đẹp thì họ tự ái, đem đi thí nghiệm vung vãi, để chứng minh là anh nói sai. Cả hai cách trả lời đều thiệt hại cho anh, nếu anh lỡ yêu người đó.
44. Những con vật đáng ghét càng thêm dễ ghét khi chúng còn nhỏ. Như thằn lằn con, rắn con. Vì sao?
45. Trộn cà phê loại 10 đồng với loại 2 đồng sẽ không thành loại cà phê 10 + 2 : 2 = 6 đồng, mà chỉ thành loại cà phê 4 đồng. Cái Tốt kề cạnh cái xấu thì cái xấu không tốt thêm bao nhiêu, còn cái Tốt thì mất đi quá nhiều.
46. Nếu phụ nữ bớt thì giờ trang điểm sắc đẹp để thêm thì giờ trang điểm tâm hồn!
47. Hãy liệt kê những trường hợp bất hạnh của những người mà bạn biết. Thỉnh thoảng đọc lại. Chúng như bài thuốc giải khổ, giúp bạn an nhiên chấp nhận cuộc sống.
48. Hãy liệt kê những may mắn bạn từng gặp được trong đời. Đọc lại, khi bạn gặp những điều bất như ý, những điều buồn khổ.
49. Không có một cuộc đời hạnh phúc, chỉ có những ngày, những giờ hạnh phúc.
50. Này bạn, bạn đang tự hành hạ mình, bạn có biết không? Luôn luôn bạn để thường trực nơi tâm hồn bạn, không một nỗi khổ tâm lớn thì một nỗi bực bội vừa hoặc một bất như ý nhỏ. Sao bạn hào phóng nét nhăn mặt mà bủn xỉn nụ cười vậy?
-------------------
Chương Ba
1. Với một người mà mình không ưa, cách giải tỏa hay nhất là gắng làm một điều gì tốt cho họ.
2. Bạn không tìm ra được một người tương đối tốt trong số người mà bạn quen biết? Sao bạn hẹp hòi vậy? Sao bạn ích kỷ vậy? Sao bạn tự mãn vậy?
3. Mỗi cơn mưa chỉ cuốn theo một viên sỏi nhỏ, vậy mà hai mươi năm sau đã thành một đống đá lớn. Thương cho thân cha cô đơn, tự xét mình đầy khuyết điểm.
4. Ta thích nghe Sự hơn Lý. " Sự " để ta thong dong. " Lý " bắt ta mệt trí. Sự, ta có thể tin. Lý, thường hay dối trá.
5. Một lời khen nhận được giữa hồi thất bại khốn khổ an ủi ta nhiều, bởi ta tin là nó chân thật.
6. Con người có thể vị tha chín mươi chín mặt. Chỉ có một mặt tình yêu là không thể vị tha nổi, không thể vị tha được.
7. Hãy nhường, hãy nhịn kẻ thô bạo đang xúc phạm anh, nếu kẻ đó ở vào địa vị thấp kém thua anh.
8. Cứu một người quyết tâm tự tử là đã vô tình phạm tội sát nhân.
9. Cảm thương cho ông Galiléo đóng vai thiểu số tuyệt đối khi khám phá ra rằng Trái Đất quay chứ không đứng yên như cái đa số đang tin.
10. Sự bất hạnh tự nó tìm đến ta, còn Hạnh Phúc thường phải nhọc công tạo lấy.
11. Bạn có bốn câu nói tinh tế, mỗi câu đáng giá 10 điểm. Chỉ một câu thì giá trị là 10, nhưng nếu nói cả 4 câu trong cuộc trò chuyện thì giá trị mỗi câu chỉ còn có 6. Vậy đó, nên nói ít, dẫu là câu nói hay.
12. Răn dạy dâu con cũng có nhiều cách. Bạn đã chẳng thấy chỉ một chứng bệnh Trĩ thôi mà đã có tới 24 loại đó sao?
13. "Chớ để ngày mai". Phải. Ít nhất là trong việc đi bỏ thư. Bởi giá tem chỉ có thể tăng thêm chứ không bao giờ chịu hạ xuống.
14. Có thứ trí thức lưu loát hùng biện do tài lắp ráp thật mau những chuỗi từ ngữ thời trang thịnh hành.
15. Khi anh tự nói: "Tôi không xứng đáng" thì người nghe, ngược lại, lại thấy anh xứng đáng, hơn thực tế, hơn trước khi anh nói.
16. Có tiền là có sức khỏe, có danh giá, có tình yêu, có hạnh phúc. Nhưng để kiếm ra tiền nhiều khi phải mất sức khỏe, mất danh giá, mất hạnh phúc, mất tình yêu.
17. Danh dự khó tạo ra mà dễ mất đi. Như những lớp đất bùn mỏng trầm tích nhiều năm mới tạo thành doi phù sa nhỏ. Vậy mà chỉ một cơn lũ lụt lớn đã cào sạch mất tích.
18. Người nịnh hót anh hôm nay chính là người sẽ nói xấu, sẽ vu cáo anh trong tương lai.
19. Nhìn trái khổ qua nằm trong bát canh làm tôi xúc động. Đã bao nhiêu năm qua nay mới gặp lại. Mười năm? Mười lăm năm? Có lẽ chỉ bấy nhiêu thời gian vật lý đó thôi, nhưng thời gian tâm lý thì hun hút dài, tưởng như tôi đã gặp nó trong cổ sử Ai Cập.
20. Vậy là chúng ta đã xa nhau mười năm. Những mười năm? Không ngờ chúng ta đã hoang phí cuộc đời như vậy. Làm như những buổi mai là những tờ giấy trăm mà ta có thể kiếm được hoặc để dành được.
21. Trốn xa bao nhiêu, trốn kín bao nhiêu, ông ta cũng tìm tới, chu đáo không bỏ xót ai. Lặng lẽ và bất ngờ. Ông nào mà tới vậy? - Thưa: ông thần Chết.
22. Khi phải đi thăm xã giao một người quen đang nằm bệnh viện mà không biết số giường, số phòng, tên khu trị liệu... người ta chân thành cầu Chúa ban phước cho mọi người quen để khỏi ai phải nằm bệnh viện.
23. Sống giữa đô thị ồn ào ta mới cảm thấy trọn vẹn nỗi cô đơn.
24. Mưa âm u. An ổn thay kẻ tầm thường. Nó họp cùng mọi người thành một khối. Lẻ loi ở trên cao, gió mạnh sẽ vật gãy. Tách xa cái khối, lẻ loi, gió cũng sẽ vật ngã. * Bạn nói sao? Đâu đợi gió vật? Cái khối đó, tự nó đủ vật rồi. Nó ưa cái gì tròn trịa, đều đặn. Có cạnh góc chìa ra, ngứa mắt, là nó tiện đứt.
25. Nằm kề bên người vợ ngoại tình, anh chồng cảm thấy thân phận mình là tên lính gác. Gác kho châu báu dành cho kẻ khác.
26. Khi đã có một số tuổi, người ta hay làm con tính trừ. Lấy số tuổi dự định sẽ chết đem trừ con số tuổi hiện tại.
27. Con chim nhỏ kia không biết làm hại ai. Nhưng nó bị bắn chết, dẫu nó không hề mổ một hột nào trong vườn của kẻ bắn nó. Tâm hồn tôi như con chim vô tội đó. Xin cô hạ súng xuống.
28. Mẹ ta sinh ta với khuôn mặt xấu xí. Bằng tài năng ta biến đổi cho nó bớt xấu đi.
29. Tâm hồn lạnh lẽo cô đơn, tôi thèm nghe một tiếng động biểu tỏ sự sống gần tôi. Cho có bạn. Tôi bẻ những ngón tay để nghe tiếng lắc cắc.
30. Sao ngày nào cũng nghe tin danh nhân này, nhà bác học kia từ giã cõi đời mà tuyệt nhiên chẳng nghe tin danh nhân nào vừa ra chào đời hết. À! thấy rồi. Ít nhất cũng phải nửa thế kỷ nữa, đứa nhỏ oe oe kia mới thành danh nhân.
31. Tôi yêu nhân vật lạnh lùng trên Ti vi kia. - Thưa bà không phải vì nó lạnh lùng mà bà yêu nó. Mà vì nó vừa đẹp trai vừa cao thượng, vừa phi ngựa bắn súng giỏi, vừa dòng dõi qúi tộc Ái nhĩ Lan. Nếu nó xấu xí, dốt nát, bần tiện mà lại cả gan dùng món " lạnh lùng " làm trang sức thì bà biết để đâu cho hết cái ghét?
32. Đồ tham lam...bần tiện...tiểu nhân... - Thưa bà, những từ ngữ mà bà vừa dùng là những vũ khí, những dụng cụ giảo hình đã được rèn sẵn. Hơi nặng. Với cái lỗi vừa rồi, lẽ ra bà nên dùng một từ ngữ tương đương với cái roi tre nhỏ bằng ba cọng lá dừa chập lại.
33. Chuyện chẳng ra chi, nhưng đem lắp từ ngữ vô, nó nổ hơn pháo.
34. Đeo mặt nạ làm chi? Mặt thiệt ngó đã đủ sợ rồi.
35. Về ông Tám mà ông chê.... - Tôi đâu có chê? Tôi có nêu vài ba cái dở của anh Tám, cạnh năm bảy cái hay, hoặc chưa nói, hoặc đã nói một phần. Hãy tránh những từ ngữ tổng hợp có tính chất kết luận: chê, khinh, ghét, thù, tởm...
36. Văn chương cũng nguy hiểm. Nó trình bày cái xấu nhiều hơn cái tốt. Với tác giả, cái xấu dễ tạo nhiều tình tiết lôi cuốn và độc giả dễ tin cái xấu hơn cái tốt. Dostoievsky làm tâm hồn người đọc thêm phong phú về những hiện tượng xấu mà thực tế cuộc sống gần gũi bình thường ít có.
37. Ông ta phải tích cực vận động để được bầu vào ban chấp hành là bởi học lực kém, dốt chuyên môn, tánh lười biếng, nghèo sáng kiến...vậy thì hỏi ông ta còn biết làm cái gì khác?
38. Này người đàn ông toàn hảo, anh chinh phục được tất cả, ngoại trừ người đàn bà mà anh yêu. Cô ta thích chọn một kẻ hạ cấp tầm thường cũng được, miễn kẻ đó hết lòng qùi lạy tôn thờ, điều mà anh không làm được.
39. Một cô có nhiều chồng, mắng một cô muộn màng: "Đồ tham".
40. Nhận xét cà phê thiệt giả dễ nhất là căn cứ vào nước thứ nhì, thứ ba. Nước nhất đậm quá khó phân biệt. Với loài người cũng có cái gì tương tự.
41. Tâm hồn tôi, nhân cách tôi...có một cái gì đó khác với...Xin cô đừng vội vàng tàn bạo ném nó lên cái cân hàng tiêu chuẩn ở đường Phan Bội Châu, đường Ngô Gia Tự.
42. Triết gia Descartes dặn "Có đạo đức cũng đạo đức vừa phải". Đạo đức còn vậy huống chi là Tàn ác, Bất nhân.
43. Khi không bị bắt buộc thì đừng nói đến cái xấu, cái dở của người khác.
44. Phật dạy luật vô thường, dạy cắt ly ái dục. Nhưng phải đợi gặp người đàn bà phản bội thứ sáu anh mới giác ngộ.
45. Người đàn bà đang làm ra tiền và cuộc sống rực rỡ trong thế lực của đồng tiền. Hãy coi chừng, con của bà đang chịu ảnh hưởng. Nó sẽ bất hiếu với mẹ, nếu mẹ vợ nó giàu hơn. Bất nghĩa với chị, nếu chị vợ nó giàu hơn. Rồi sẽ tệ bạc với vợ, nếu nó gặp cô gái khác giàu hơn.
46. Cố ý nói xấu thì thiếu gì chuyện để nói? Nếu người đó tài cao đức trọng ai cũng công nhận thì chuyển miệng điều lưỡi cú vào chế nhạo những khuyết điểm của một đứa cháu nào của người đó có họ xa. Thật xa cũng được. Rồi tha hồ mà cười.
47. Những bạo ngược, vô liêm sỉ nghe được ở ngoài phố, hãy gạt phủi trút bỏ ngoài cửa cổng. Những xã giao, tính toán dại khôn, hãy xếp lại nơi phòng khách. Bước vào phòng riêng chỉ nên với những ý nghĩ nhân ái, dịu dàng.
48. Khi đọc một tác phẩm tuyệt hảo, tôi hay thương tác giả. "Trong cuộc đời, ông đã đau khổ nhiều vậy sao?"
49. Giá trị một tác phẩm nghệ thuật thường tỉ lệ thuận với những khổ đau trong cuộc đời tác giả.
50. Trong phạm vi có thể, hãy nên nhường lời cho người, hãy nên nhường lợi cho người.
--------------------
Chương Bốn
1. Cả ngay trong đời sống tình cảm, người nào cũng đắn đo suy xét, cân nhắc. Nhưng họ vẫn ác tâm mắng kẻ khác là "tính toán kỹ"
2. Sung sướng trọn vẹn là người tặng hoa: hoa đang đẹp tươi lộng lẫy. Vừa vui, vừa buồn là người nhận hoa: vui vào giờ này hoa đang mơn mởn, tỏa hương, nhưng chiều nay, sáng mai, hoa bắt đầu úa héo.
3. Nét đẹp quê hương trong văn chương, có con trâu, con cuốc, bờ suối, cây keo. Chúng đang cất tiếng, đang vẫy chào. Hãy lắng nghe, gắng tìm hiểu chúng đang vui cái gì, đang thương yêu cái gì để mình cũng thương yêu theo. Hãy thấy cái đẹp mà mắt chúng đang thấy. Chúng khác với con họa mi và cây mai vàng trong chậu, được phân công véo von múa hát theo sự sắp đặt của lý trí con người.
4. Hãy nhờ những người bạn thân nêu lên ba ưu điểm lớn và ba khuyết điểm lớn của anh.
5. Điện tâm đồ! Ngoại tâm thu! Kiêng cà phê! Nhưng cái mình uống đâu phải là cà phê? Nó là bột bắp rang, là hột muồng rang, là hột táo nhơn rang. Nó thoát ra mọi kềm chế của khoa học chính thống. Cứ uống! Sự giả mạo muôn năm!
6. Những chất tốt, lành nuôi dưỡng sự sống: gạo, rau, thịt, cá...Những chất độc dữ làm đẹp cuộc sống: rượu, thuốc lá, cà phê...
7. Nhiệm kỳ của nghệ sĩ, của tác giả dài hơn nhiệm kỳ Tổng Thống. Vì không do hiến pháp qui định.
8. Khi kẻ thù tàn ác và tiểu nhân của ta cứ mỗi ngày một mập ra, một giàu thêm mà không bị chết khổ chết nhục, trâu vằm, ngựa xé... thì lần lần ta trở thành triết gia.
9. Lần lượt trên khung cửa, tên những người quen vừa từ trần được ghi bằng nét phấn mỗi ngày một thêm nhiều. Ranh giới giữa Sống và Chết như bớt phân cách.
10. Với người mẹ, cái gì của đứa con cũng dễ thương, kể cả nước tiểu. Với cô giáo thì không. Với người mẹ, tiếng la hét của con nghe cũng êm đềm. Với người hàng xóm thì không. Vậy thỉnh thoảng phải nhớ nghe bằng tai của hàng xóm.
11. Ta thường mau quên những trường hợp gặp may mà cứ ray rứt nhớ hoài những cái xui, vận rủi. Một cách tinh vi để tự hành hạ mình, để dễ dàng trở về cái kết luận "Đời là biển Khổ".
12. Lý luận quá nhiều sẽ dẫn người ta đến cái kết quả cuối cùng là: chẳng làm gì hết.
13. Người công chính thường giữ được lòng bao dung nhờ biết tìm được cái Hay trong sự Dở của kẻ bị thiên hạ chê, tìm cái Dở trong sự Hay của kẻ được thiên hạ khen.
14. Mỗi mỗi trong cuộc suy nghĩ miên man nào cũng dẫn tới cái tàn cuộc, cái Hư vô. Như cái cửa ngõ, cứ đưa mắt nhìn ra là bắt gặp.
15. Chỉ còn cây bút, tờ giấy và khối óc là còn tự chủ, là còn thuộc quyền hạn và khả năng cuối cùng của ta.
16. Một người tự trọng từ chối những tặng phẩm của người bà con khiếm lễ khinh mạn; đồng thời bị bắt buộc phải từ chối những ân cần của các bà con nhân hậu khác. Để khỏi bị ác khẩu xuyên tạc vừa để giữ trọn vẹn khí tiết.
17. Nếu chọn để yêu thì thà chọn đứa hà tiện. Hy vọng nó quí trọng tình cảm như quí trọng đồng bạc.
18. Nhờ bao nhiêu lớp người trí thức và dốt nát, đạo đức và hung bạo... đã góp tay đưa cuộc sống hang đá đến cảnh văn minh hôm nay.
19. Người đàn bà tầm thường dễ bị chinh phục bởi một tên vô lại đầm đìa nước mắt: "Tôi sẽ lừa giết vợ tôi, để được tự do yêu cô". Hơn là bởi một người nghiêm trang nói: "Tôi yêu cô chân thành".
20. Hỡi cây me lạc loài! Em lớn lên nơi chậu kiểng này mà ta coi là một hạnh ngộ. Hãy cứ đứng đó, làm bạn với ta. Chỉ ngày nào ta từ trần em mới bị người đời chặt đi. Với số phận của một hột me bị ném vãi may rủi, chắc em không đến nỗi coi phận mình là bạc, khi em chia xẻ những tháng năm cuối cùng của đời ta.
21. Tính tình con người vốn phức tạp nên không thể dùng một, hai từ ngữ mà tả đủ. Vừa tự tôn ở mặt này vừa tự ti ở mặt khác. Vừa quảng đại vừa cố chấp, vừa khó tính vừa xuề xòa. Vậy hãy chê trách từng sự việc mà đừng kết luận bao quát.
22. Quán bất tịnh để quên thì không khó, chỉ khó là nếu người yêu của bạn đang du hí với một kẻ khác.
23. Để tự bào chữa, đừng nói "Tôi tốt". Mà nên nói "Tôi không xấu".
24. Mãi đến khi bạc tóc anh mới, một hôm phát hiện ra điều này: ngày 1 tháng 2 và ngày 1 tháng 3 đều cùng rơi đúng vào một "thứ": thứ Tư hay thứ Năm, thứ Sáu hay thứ Bảy, ....Trừ năm nhuận.
25. Đừng nhìn quá xa, kẻo vấp đá dưới chân.
26. Để truyện kể hấp dẫn ly kỳ, nhà văn thường xây dựng những nhân vật nữ độc ác tàn nhẫn. Thì đồng ý với quí ông là có những người đàn bà dẫn ta đi qua cửa Thiên đàng để đưa thẳng luôn xuống Địa ngục, nhưng không yêu họ thì ta biết yêu món gì khác? Ngai vàng, kim cương không thể thay thế họ được.
27. Mất tiền thì còn nhà. Mất nhà thì còn vợ. Mất vợ thì còn con, Chỉ mất Danh dự là chẳng còn gì để mất nữa.
28. Khổ cho người nghèo: luôn luôn bụng đói mà không có món gì để ăn. Khổ cho người giàu: có quá nhiều món để ăn mà bụng không bao giờ thấy đói.
29. Đừng lấy người mang gương. Nó luôn cáu kỉnh khi đi mò kiếm gương.
30. Không khen cụ thể: "Đẹp...Giàu...Sang...Học giỏi..." thì khen nhè nhẹ, loáng thoáng. Chẳng hạn: "Ngó cũng đảm đang...Có vẻ hiền lành". Chỉ mới nói “có vẻ", chỉ "ngó", mới "cũng" mà đã tiếc, đã sợ trách nhiệm rồi sao?
31. Người quân tử như cây khế kia. Cứ lặng lẽ nở hoa kết trái. Ai cần thì tới hái. Cây thản nhiên, không tự hào vì hoa đẹp, trái ngon. Không đuổi xua. Không mời mọc.
32. Cô dư thông minh để hiểu vì sao tôi không cãi lại cô. Hãy nhìn cái lá mận nằm nổi trên mặt thau nước kia. Những lý lẽ của cô giống tựa cái lá. Mặt nước tự biết mình nên cứ im lặng.
33. Tôi không tin con người đó đã nói ra câu vừa rồi. Một tiếng sơn ca lảnh lót như vậy mà bảo rằng đó là tiếng của con chuột chù hôi hám?
34. Ông thích thú vì đã lanh miệng nói câu pha trò đó trên đài truyền hình. Một phút sau, ông chợt mắc cỡ vì nó hơi hạ cấp. Ông sẽ còn mắc cỡ suốt đời ông.
35. Anh A phun tới tấp những tĩnh từ "gian lận...tráo trở..." vào mặt anh B. Tôi ngạc nhiên vì tôi biết rõ hai người, biết rằng chính anh A mới đáng nhận những tĩnh từ đó. Hay là bởi anh thường suy nghĩ về hành vi bất hảo của mình, những tĩnh từ hiện ra nhiều lần, quen thuộc đến độ trở thành nhập tâm?
36. Ba muỗng cà phê đậm uống ngon hơn tám muỗng cà phê lợt. Dĩ nhiên. Điều lạ không ngờ là: "vừa uống được lâu hơn".
37. Thật khó nói chuyện với người chỉ đọc một cuốn sách. Thà đừng đọc gì hết.
38. Người trí thức biết nhiều, hiểu nhiều nên hay rụt rè. Người dốt nát quan niệm mọi việc đơn giản nên rất bạo dạn. Trong tình yêu kẻ rụt rè chuyên lãnh thất bại.
39. Khi phản bội, người đàn bà biến thành con rắn độc ti tiện và nguy hiểm khôn lường, phun nọc độc tới tấp vào người chồng trong khi với mọi người nó vẫn dịu dàng với đôi mắt nai tơ. Hỡi người chồng bất hạnh! Không ai tin anh đâu. Mọi người sẽ đều lắc đầu: "lạ, vô lý. Chị ấy tốt mà. Ai cũng mến".
40. Chợt nhớ bài thơ "Dại khôn". Khôn nghề cờ bạc...Dại chốn văn chương...Ông thi sĩ ơi, sao ông không đẩy cao hơn một chút? Khôn vòng danh lợi...Dại chốn lâm tuyền... chẳng hạn.
41. Nó im lặng bởi nó nói để ai nghe? Người biết nghe thì phải xa cách, người kề cận thì chỉ thích nói để bắt nó nghe.
42. Sau khi nếm toàn những cà phê pha phách đủ kiểu, anh gần như hết khả năng phân biệt, anh quên hết hương vị cà phê thứ thiệt mất rồi.
43. Khi phê phán kẻ khác, con người thường bộc lộ tâm địa của mình, không che dấu được. Người độc ác gian xảo lúc nào cũng thấy kẻ khác đang gian xảo độc ác. Ôi! Con Cú chỉ kêu được tiếng Cú.
44. Khi một người ỷ thế giận dữ mắng anh là đồ giả dối, anh đừng cãi. Giữa lúc hò hét, người ấy cũng chỉ tin đến 70 phần trăm là anh giả dối, còn 30 phần trăm là anh chân thật. Thậm chí có thể ngược lại: chỉ 30 phần trăm giả dối, đến 70 phần trăm chân thật. Im lặng để người ấy lắng nghe được sự đính chính âm thầm nơi lương tâm họ.
45. Tiện nhân chấp lời người ta nói. Quí nhân hiểu lòng người ta nghĩ.
46. Nhớ thỉnh thoảng mua hoa tặng vợ. Để nuôi dưỡng tình yêu. Vả chăng, nếu anh không mua tặng thì vợ anh cũng tự tay mua lấy. Bằng đồng tiền của chính anh làm ra đem về.
47. Tôi không buồn cho bữa ăn đạm bạc của tôi, khi nghĩ rằng bụi Hồng nở hoa kiều diễm cũng chỉ được ăn có bã rác, đất bùn, lông vịt...
48. Ai đã phát minh ra Điện? Ra Rađiô? Ra Transistor? Nhân loại được giải phóng, nhân quyền được tôn trọng, nhờ Người. Xin tạ ơn người.
49. Khi được ai khen, hãy đem lời khen chia ba, khiêm tốn nhận một. Khi bị ai chê, hãy đem lời chê nhân ba, cúi đầu nhận đủ.
50. Cà phê loại 5 đồng! Nó không biết đắng, không dám đắng, không có khả năng đắng. Nó ngọt lành như một thứ đậu nhân từ.
---------------
Chương Năm
1. Nhiều khi ta nhận một lời khen hay một tiếng chê do một cử chỉ, một hành vi bất ngờ thoáng qua. Đành phải mượn chữ "vận may số rủi" để tự giải thích.
2. Lời của Nước: "Khi ngươi dơ bẩn và nóng nực, ngươi cứ nhờ ta. Ta không phân biệt ngươi sang hay hèn, ngươi tốt hay xấu".
3. Từ ngữ là những ký hiệu biểu diễn thực tế một cách tương đối. Vậy nên chỉ nghe, chỉ tin một cách tương đối.
4. Chỉ bằng một chữ "biển" mà mặt nước nhấp nhô trải rộng ra trong tâm hồn người đọc. Rồi liền đó một chữ "rừng", vậy là cảnh biển bị xóa tan, rừng cây âm u hiện ra có tiếng chim hót thánh thót. Kỳ diệu thay ngôn ngữ.
5. Sau cơn mưa, trên sân xi-măng có những vũng nước nhỏ màu bùn đen dơ. Cứ bỏ mặc. Trời nắng ba ngày, vũng nước không còn thấy bùn đen mà là một chất bụi vàng, mịn và đẹp. Cuộc đời cũng vậy đó.
6. Chớ ganh tị với những danh nhân, những nghệ sĩ. Họ đâu có hưởng được mãi được nhiều?
7. Khi nghèo, ta thích có bà con giàu. Để nhờ cậy. Khi giàu, ta thích có bà con nghèo. Để ban phát.
8. Đạo đức nhiều khi chỉ là kết quả của sự lười biếng, sự tiêu cực.
9. Triết gia duy vật nói "Tôn giáo là thuốc phiện của linh hồn" Nhưng loài người khôn ngoan đã dùng nó dưới dạng morphine, thuốc giảm đau.
10. Khi anh có quyền lực, những câu nói xuề xòa nhất của anh cũng được kẻ nịnh tôn vinh là danh ngôn và được đem quảng bá. Và đó là điều khốn khổ cho anh: bởi vô tình, anh biến thành kẻ nói nhảm, bạ gì cũng nói.
11. Ai nỡ ném cái hột nhãn? Hình tròn toàn hảo, mầu nâu láng toàn hảo, tất cả phải do những bộ máy tinh vi phối hợp tạo nên. Con người đành thầm kêu: "Thượng đế!"
12. Con người nhiều khi giống như thịt nướng. Trên lò than, hương tỏa ngào ngạt tưng bừng, nhưng trên bàn ăn thì trơ trơ, tầm thường, vô vị.
13. Có đau nhức quằn quại về thể xác, u buồn tuyệt vọng về tinh thần mới thấy cái chết là êm đềm, là ân nhân giải thoát. Khỏi cần cầu xin, khỏi phải cố gắng. Không đòi hỏi phải nhớ tạ ơn, cái chết từ bi nhẹ nhàng gỡ hết mọi khổ đau.
14. Người đói ăn hay nghĩ đến kẻ khác. Nhất là vào giấc 12 giờ, 19 giờ.
15. Ưa trách người cũng là một cách khéo để khỏi làm bổn phận đối với người đó.
16. Do cái miệng mà con người bộc lộ ý nghĩ thầm kín. Khi lớn: cái miệng nói ra rả. Khi lên hai, lên ba: cái miệng nhai suốt ngày.
17. Truyện dài được coi như truyện của một người. Truyện ngắn là truyện của xã hội rộng rãi, của nhiều người, và người đọc loáng thoáng thấy mình hiện diện trong đó.
18. Tôi trước sau như một. Nhiều nhất là 1,2. Chớ nhất định không là 2,1.
19. Kết quả công lao của người làm nông, của người chài lưới được dùng trong một mùa; của người thợ mộc thợ nề dùng vài thế hệ; của người nghệ sĩ có thể lưu truyền lâu hơn. Do vậy, hãy nhớ yêu thương đa số bà con mà kết quả công lao chỉ dùng trong ngắn hạn.
20. Người giàu và người nghèo đều than như nhau: - Có những cái tôi cần mà tôi không có. - Có những cái tôi có mà tôi không cần.
21. Mỗi chúng ta đều có đủ mọi tính xấu và mọi tính tốt của người. Có khác nhau chăng là độ đậm lợt, ở tỷ lệ nhiều ít, nặng nhẹ.
22. Biết bổn phận mình phải làm gì là một việc, còn bắt tay vào làm không chần chừ là một việc khác. Thường thì chỉ biết mà không làm. Cần thì giờ để tìm biết thêm những bổn phận khác.
23. Bảy giờ sáng. Mọi người hối hả đi làm, nhằm kiếm những tờ giấy bạc. Nhưng ngộ nghĩnh thay, kết quả của sự lo toan ích kỷ và đầy tư lợi đó lại vô tình thành cần thiết quý hóa đối với cuộc sống của những người khác: xây nhà, dạy học, chữa bệnh... Xuất phát từ ý đồ thấp hèn cận thị mà kết quả lại nhân nghĩa vị tha!
24. Xác nhận rằng chính danh nhân đó đã nói vậy với ông A thì chưa đủ. Còn phải minh định ông A là người như thế nào. Vì còn tùy trình độ, căn cơ của người nghe mà người nói nghĩ là nên nói gì, nói như thế nào.
25. Thi sĩ mà viết văn xuôi thì được, thì coi như việc tất nhiên. Còn văn sĩ mà làm thơ thì bị coi như kẻ ngoại lai.
26. Những cô hầu bàn bưng đặt dĩa thịt xào thơm ngát, cạnh những bát cà ri bốc khói. Thực khách ồn ào nâng ly bia sủi bọt. Chợt nhìn lên tấm bảng tên đường phố, tên ông danh nhân được mượn để đặt tên đường. Đời ông ta khổ lắm. Không có rượu thịt ê hề như thế này.
27. Bà A dành cho anh 1/4 tình cảm, Cô B dành cho anh 1/6, cô C 1/3, bà D 1/5 v.v... Cộng lại là một phân số lớn hơn đơn vị. Mà muốn có hạnh phúc thì chỉ cần đúng một đơn vị!
28. Tạo hóa là một tác giả phong phú và tự trọng. Không cần ai thúc đẩy. Không đợi ai khen. Không nhận đề cương của ai, không thi đua với ai...nhưng khi sáng tạo ông thay đổi biến hóa cho khỏi chán, khỏi nhàm. Các loại cây khác nhau về vóc dáng, lá, hoa, trái...về màu sắc hương vị...Các con vật: gà, trâu, rắn, cá...Sau ngày thứ Sáu của Sáng thế ký, công tác sáng tạo đó được trao lại cho loài người tiếp tục.
29. Đừng vội khen một người "đạo đức quá sức tưởng tượng". Có thể là trong quá khứ người đó đã quá xấu, nay muốn chuộc lỗi.
30. Người đời dễ có Nhân, có Trí mà khó có Dũng. Bởi hiếm có trường hợp để phải xử cái Dũng. Vả chăng, nhiều khi chính cái Trí bảo ta tạm lướt qua cái Dũng. Sống không đê hèn đã là đạo đức tối thiểu, sử xự quang minh là đạo đức trung bình, vậy có thể không đòi hỏi đến cái Dũng.
31. Đóng vai quan trọng trong việc ban phát hạnh phúc cho loài người là con Heo. Gần như nấu món ăn gì ngon cũng cần mỡ.
32. Cuối cùng, chỉ có cái huyệt mộ là nhân ái. Nó rộng lượng bao dung nhận người tốt cũng như kẻ xấu. Chớ con người thì luôn luôn: "Tôi có ý kiến!"
33. Trái Xoài Cát to bự đáng được tôn vinh trong phong trào "Sinh đẻ có kế hoạch": Nó chỉ có một hột.
34. Nước quá trong còn không cá, huống chi nước xoáy, nước gầm. Hãy gắng nuốt những cơn giận để giữ hòa khí giữa họ hàng.
35. Nhạc sĩ, họa sĩ mà nghèo tâm hồn thì còn nhờ âm thanh của cây đàn, màu sắc của thuốc vẽ thay thế. Chớ người cầm bút mà vô tài thì trần trụi.
36. Làm thầy giáo được hưởng cái vinh dự khi có ai nhắc: "Ồng là thầy cũ của ngài Tổng Thống..., của ông Bộ Trưởng..."Khiêm tốn mà xét thì nhiều khi sức học của thầy chỉ bằng 1/3 của ngài Tổng Thống, tuổi của thầy chỉ hơn ông Bộ trưởng có 5 năm. Vậy mà có vị làm như mình giỏi cỡ Sư, mình lớn cỡ Phụ!
37. Nghệ sĩ, nhà văn, nhà tư tưởng làm vui làm đẹp tâm hồn thế hệ đến sau. Không chỉ do cái Hay cái Đẹp của nội dung mà nhiều nhất là do cái hào quang êm đềm mà lòng mến mộ tạo ra một cách tự nhiên. Ông Phú Đức, Ông Lê Hoàng Mưu, Ông Nguyễn Chánh Sắt... không mấy người đã đọc, nhưng người ta quí trọng, thương mến. Các ông thường sống khổ cực. Sung sướng không phải là các ông. Độc giả và hậu sinh mới là người sung sướng thay các ông, khi họ đề cập đến các ông.
38. Người trẻ thích ông thợ chụp hình. Người già ghét ông thợ chụp hình. Chỉ có bà bán chuối là trẻ già đều thích.
39. Ông cư sĩ uyên bác đó đã giảng kinh Phật thật hay, rất hay, khiến người nghe đâm ra nghi ngờ: "Có thật đó là ý Phật?".
40. Khi tặng một món quà mà được người nhận vui mừng thì nhiều khi chính khi người tặng lại vui mừng hơn.
41. "Mọi người phải phục tùng Chân lý, chớ Chân lý không phục tùng ai cả". Đúng. Nhưng cái nào là Chân lý? Thượng Đế thật thà và sơ xuất đã quên cấp phát cho Tư Tưởng và Chân Lý các tính chất Vật Lý, Hóa học...cụ thể để dễ nhận diện, so sánh, cân nhắc, chọn lựa.
42. Muốn biết tư cách của một người thì tìm hiểu xem sự thụ hưởng hiện tại của người đó có tương xứng với tài năng của họ hay không. Nếu cao hơn thì hỏi làm sao mà có thể tin là họ chính trực, không a dua, không xu nịnh?
43. Người khôn có khuynh hướng trung dung. Duy trong yêu ghét là dễ bị cực đoan thiên lệch.
44. Khi người kia xin anh một món gì thì theo ý nghĩ của họ, anh có bổn phận phải cho. Từ chối có nghĩa anh là người xấu.
45. Tuổi trẻ hôm nay quen nghe sự dối trá. Khiến lần lần coi như đó là bản chất của sự sống.
46. Khi tiếp nhận một sự trân trọng thái quá, ta thường vội vàng nhìn kỹ lại mình.
47. Lạ: mới hôm qua ngồi cắt cổ gà, đánh tiết canh vịt, giã riềng ướp xả nướng, luộc, um, xào, nhậu nhẹt bia rượu... hôm nay đã hiền từ tương chao rau đậu. Mà phía nào cũng trọn vẹn hết mình!
48. Ngụm nước dừa xiêm đầu tiên: ngọt đến giật mình. Ngụm thứ năm: bình thường. Thượng Đế sáng suốt! Kẻ dư dật bị cắt bớt cảm giác hân hoan.
49. Có những sự thật không nên nói. Mọi sự không thật đều không nên nói.
50. Mới năm mươi mà tóc đã bạc, mà râu đã mọc dài! Ông ta lật đật già, cố ý làm cho mau già để được già lâu.
----------------
Chương Sáu
1. Đừng đặt tên con quá dài với quá nhiều chữ lót. Để phòng khi nó thành danh nhân, người ta sẽ rủa mỗi khi phải viết tên nó.
2. Đừng vội buồn khi người trẻ nói nghịch ý mình. Đừng vội mừng khi người lớn nói theo ý mình.
3. Coi chừng! Con quá nhiệt tình chăm chăm hành thiện nhưng chớ ngạc nhiên khi phải nhận lời mắng rủa hoặc bị ném đá.
4. Đang an bình với loại trà ướp sen mười ngàn đồng, bỗng một hôm được nếm loại hai mươi ngàn đồng. Và cái Khổ bắt đầu.
5. Đừng vội báo tin buồn. Hãy thêm cho họ vài ngày vui sướng.
6. Ủa! Cà-phê thiệt dành để xuất khẩu, bị chận bắt trở nên khan hiếm trên thị trường thì tăng giá đã đành. Chớ bắp rang, hột keo rang mà cũng bắt chước lên giá sao? Tráng sĩ tăng giá trị khi thời thế cần người dũng lược mài gươm, kẻ tiểu nhân thấy bậc quân tử được đời nể trọng cũng vội vã mở đại sảnh đón đưa tân khách tưng bừng sao?
7. Bạn có tham không? Có hèn không? Có. Tôi cũng có. Chỉ có điều: người ta tham tới bốn tạ, tôi và bạn chỉ tham cỡ ba mươi gam. Và chúng ta được khen là người tốt.
8. Con người giống nhau đến 85 phần trăm. Vậy gắng nhẹ nhàng khi phải chê ai.
9. Em như đóa Hồng, dành cho vương tôn quyền quí. Còn anh... Câu đó phải do em nói. Tâm hồn anh đẹp và mảnh như hoa. Nên khó nuôi dưỡng, khó chăm sóc. Em đành phụ bạc anh.
10. Cô yêu anh ta làm gì, một người không thích đốt pháo.
11. Lũ hột sen mập mạp trắng nõn trong ly chè của tên ma-cô bụng bự, đang uất ức muốn nhảy qua cái ly nước trà lợt của ông triết gia nghèo đang ngồi ở cái bàn trong góc.
12. Nghe nói mừng đám cưới không được tặng ly. Sợ ly biệt. Nhưng tặng vàng thì được, dẫu nó nhắc tới "vàng võ... suối vàng". Tặng bạc cũng được, dù nó gợi sự bạc tình, bội bạc.
13. Nhờ có tình cảm mà cuộc sống êm đềm. Anh chị em thương nhau, hy sinh cho nhau là vì tình cảm. Chớ không phải vì lý trí. Chính lý trí thái quá sẽ giết chết Tình cảm.
14. Dùng từ ngữ bình thường ít xúc phạm bằng dùng tục ngữ. Thử so sánh: "Không quyết định dứt khoát" với "nửa nạc nửa mỡ".
15. Rất nhẹ, rất êm... lần lần cuộc sống gặm mòn nhân cách của ta.
16. Năm 1939 ở tỉnh lỵ Sông Cầu chỉ có 4 người Pháp, mua được nước đá từ Qui Nhơn gởi xe đem vô. Năm 1940 ở Qui Nhơn không có tới 5 cái Radio tư nhân và chỉ có một học sinh có được xe đạp. Biết được điều này rất hay cho bạn, vì Hạnh phúc là kết quả của một sự so sánh.
17. Trong cảnh tuyệt vọng hắt hiu, con người bám vào niềm tin bình dân này, như vào cái phao cứu khổ: "ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ".
18. Hãy gắng giữ cái nhìn lạc quan. Người bi quan than: "Chỉ còn có nửa ký!" Người lạc quan reo mừng: "May quá! Còn được những nửa kỳ!"
19. Viết văn đòi hỏi phải tinh tế, phải tiến bộ, phải tiên tri, phải... phải... phải... nhưng điều quan trọng là phải có lương tâm và có nghệ thuật.
20. Đừng như Thược được, Cúc..., hoa héo vẫn cứ bám chặt vào cành. Nên như bông Giấy, rụng khi hãy còn tươi. Lúc khóe mắt bắt đầu có nếp nhăn, nhiều nghệ sĩ giã từ sân khấu.
21. Anh nghĩ rằng tôi xử sự với ông A khác với ông B? Không đâu, tôi coi họ như nhau. Chính miệng hai ông ấy nói khác? Thì cũng dễ hiểu thôi: như tôi đánh cái trống và cái chuông vậy. Bầm, boong khác nhau là tại vật bị đánh, chớ cái dùi đánh vẫn là một.
22. Ở nấc thang nào con người cũng có đồng minh, có giáo chủ. Giàu sang thì liên hệ với chính thống: sâm, nhung, yến, chuyền máu, sinh tố H3... Nghèo hèn thì có Ozawa, muối mè gạo lức. Bên nào bảo đảm cũng hồng hào tráng kiện, cải lão trường sinh.
23. Có những người sống sang trọng quý phải trong ngôn ngữ. Khi nói chuyện, họ thường nhắc tên mỹ phẩm đắt tiền: Revlon, d Orsay, tên xe hơi thượng hạng Cadillac, Chrysler... tên tỷ phú lừng danh Rockfeller, Onassis...tên tài tử thượng thặng Clark Gable, Liz Taylor...
24. Cái khổ của người này đôi khi ngẫu nhiên biến thành niềm vui cho kẻ khác. Trưa 28 Tết bỗng phát mưa rào, mọi người hối hả chạy bưng sàng mứt, mâm bánh đang phơi. Anh nhà nghèo nhàn nhã đứng nhìn chợt thấy trong giây lát lòng vui.
25. Bằng lý luận, người ta có thể biến sát nhân thành quan tòa, biến tên tử tội thành người anh hùng chiến thắng.
26. Con người độc ác bủn xỉn không muốn thấy ai sung sướng trọn vẹn. Đầu năm trúng xổ số, cờ bạc ăn to thì đã có lời răn đe: "Nhưng coi chừng trong năm sẽ gặp hạn".
27. Có điều này để an ủi người học trò nghèo: Phải học mới thuộc, mới giỏi. Không thể lấy bạc vàng thuê người giỏi học thuộc thay mình.
28. Hãy soát lại xem ta có xứng đáng bữa ăn - cho dầu đạm bạc, đang đặt trước mặt ta. Từ sáng đến giờ, cả ngày hôm qua, ta đã làm được những gì tốt, có ích, đáng giá với bữa ăn này. Bao nhiêu công lao của bao nhiêu người để có được hột gạo, hột muối, miếng cá, cọng rau.
29. Mùa cưới. Pháo nổ rộn ràng. Liên tưởng đến những hiện tượng hư hỏng bề bộn, bạn tôi bùi ngùi: "Trần Hỗn cưới Nguyễn Thị Lười, Trương Nhậu Nhẹt cưới Lê Thị Tham, Bùi Văn Nịnh cưới Huỳnh Thị Láo”
30. Ông nói khi đọc câu "Bầu trời vần vụ..." ông hình dung những tiếng sấm rung chuyển, những lằn chớp, những cơn lốc... Thưa ông, bao nhiêu hiện tượng thiên nhiên hùng vĩ đó tiềm ẩn nơi tâm hồn ông. Câu viết của tôi chỉ là tia điện. Nó ầm ầm như hàng triệu tấn TNT là do kho thuốc nổ phong phú của người thưởng ngoạn. Với cô bán hàng xén mê truyện Quỳnh Dao thì tiếng nổ có thể chỉ bằng tiếng pháo.
31. Giữa một cuộc gặp mặt, khi nghe ai kêu gọi cứu trợ thiên tai, ta đợi coi người nào tranh nói trước câu "lá lành đùm lá rách". Đề cập việc đền ơn trả nghĩa, ai là người vội vã nói trước "uống nước nhớ nguồn"... Kho tục ngữ đầy nghẹt những cách nói bào chế sẵn, cửa lại không khóa, ai muốn dùng bao nhiêu cứ lấy tha hồ. Nhưng người trí thức chỉ đi qua.
32. Khi nghĩ rằng mỗi con người chỉ ghé lại cõi đời này trong một thời gian rồi vĩnh viễn tuyệt tích, ta sẽ chân thành thương mọi người và cầu ơn phước cho mọi người.
33. Cuộc sống cần những cái nhảm, thậm chí cái vô ích. Như khi gặp nhau hỏi: "Ủa , anh Năm. Mạnh giỏi? Đi đâu đó?..." Mạnh hay bệnh thì ngó qua đã biết. Còn hỏi đi đâu thì người kia có trả lời cũng đâu chú ý nghe? Nhưng mà phải nói, phải hỏi thì tâm hồn cả hai mới gợn chút vui, mới hé chút mỉm miệng cười. Thực tế và lý luận nhiều khi xa cách nhau như vậy đó.
34. Có những đức tính cỡ nhỏ của loại quân tử cỡ nhỏ, như giữ đúng hẹn, đến đúng giờ. Đó là điều tốt, nhưng đừng coi là ưu điểm lớn để tự hào khoe khoang. Bởi có những người thầy thuốc giỏi đành chịu sai hẹn vì cần cứu một mạng sống, chẳng hạn.
35. Chúa nhân từ an ủi kẻ nghèo: món thịt quay không còn thơm ngát mũi nữa khi nó nằm nơi bàn tiệc.
36. Anh ấy như một cuốn sách dở. Càng đọc thêm trang, càng thấy dở thêm.
37. Một người có cách nhìn sự vật như vậy, có rung động ghét thương như vậy thật khó mà có hạnh phúc, thì trong cuộc sống tình cảm đành chịu cô đơn. Như cây lau tách xa đám bụi bờ, vi vu một mình ở đầu sông ngọn suối.
38. Chúa tạo người đàn ông. Thấy nó sống độc lập, được tự do thoải mái quá, liền tạo thêm người đàn bà.
39. Kẻ trộm nhắm những nhà nào mà người đàn bà làm chủ. Có nghĩa là người không chồng hoặc có chồng mà coi như không. Một người chồng đần và lười tới mức phải sợ vợ thì sức mấy mà nó dám bắt ăn trộm?
40. Khi tàu lửa đậu lại ở sân ga, hành khách đứng đợi đông như chợ, và người trên tàu túa xuống nghẹt cứng. Xin đừng hốt hoảng. Rồi tàu sẽ huýt còi, tàu chuyển bánh và sân ga sẽ trở lại vắng vẻ. Cuộc đời giống y như vậy. Rồi đâu sẽ vào đó.
41. Luôn luôn có sự thêm bớt, thậm chí sự bày đặt nói láo trong một câu chuyện bắt đầu bằng chữ "nghe nói". Hãy đem chẻ làm tám, chặt làm mười, chia làm hai mươi... họa chăng sự thật là một phần nhỏ đó.
42. Phật dạy "Tin ta mà không hiểu ta tức là phỉ báng ta". Nhưng tôi chắc có chỗ nào đó, Phật lại dạy: "Cứ làm theo lời ta, dù chưa hiểu ta. Cứ tin, đừng lý luận. Bởi người biết gì mà lý luận? Ôi, con thỏ ở rừng mà lý luận về đáy đại dương với con ba ba!
43. Người có tính khắc kỷ, thành công dẫu không lớn nhưng thất bại thường không nặng.
44. Làm chức cao mà vóc người nhỏ nhắn thì kẻ dưới thường áy náy mỗi khi phải lại gần. Vì sợ vô tình mà xấc xược, thách thức.
45. Quen nhìn dưới thấp, chỉ biết cái gần, một hôm anh ta rờ nhằm cái bụng mà anh tưởng là cái mặt. Anh vừa mân mê vừa phán quyết: "Địa cát cũng rộng. Tạm được. Hai má đầy đặn: khá. À, có mấy đường lằn vạch ngang. Nhân trung hoành lý tất vi nô. Số bần. Chỉ có thể làm tôi tớ người ta. Cái miệng (thật ra là cái rún) loe ra. Tướng pháp dạy "Khẩu như xuy hỏa, nha như thán... Nhất thế vi nhân, nhất thể sầu" Chẳng ra gì. Miệng như thồi lửa, răng như than thì khổ suốt đời. Mà ủa, sao cái miệng không có răng?
46. Khoa học giống người đàn bà. Khi đã lỡ say mê nó rồi thì anh nguyện theo nó suốt cuộc đời.
47. Khiêm tốn không có nghĩa là trong lớp có 40 học sinh thì con quyết giữ vị thứ 38, trước một bạn nói ngọng và một bạn gù lưng. Khiêm tốn là muốn đứng hạng thứ hai, thứ ba, nhưng điểm quá cao đành phải đứng thứ nhất.
48. Mấy con gà mái la quang quác ngoài sân. Nạt, đuổi, dọa: càng la thêm. Ném một bụm cơm: im lặng liền.
49. Bảo Thúc Nha quá yêu điều Thiện quá ghét điều Ác, Quản Trọng đã sợ người đời không chịu nổi, huống chi thời nay lắm kẻ quá ghét điều Thiện, quá yêu điều Ác thì còn chịu sao cho thấu.
50. Vị thuốc bổ công hiệu và rẻ tiền nhất là vị "không tham". Không tham ăn uống thì bao tử, ruột gan không bệnh. Không tham sắc dục thì thận, phế không suy. Không tham lợi danh thì tâm không trụy, não không liệt.
------------------
Chương Bảy
1. Bao giờ cũng có một mối lo đến đẩy lùi một mối lo trước. Bị đẩy lùi chứ không mất. Và chúng hiện diện đông đảo chập chùng, kiên nhẫn đợi sự giải quyết.
2. Mỗi lần già miệng cãi ẩu, chị ta cứ đem chồng ra làm chứng, như vị linh mục dẫn chứng từ Thánh Kinh. Và cũng như Thánh Kinh, người chồng im lặng không tán đồng, không phủ nhận.
3. Đừng nói "Vì dốt nên phải học" mà nói "Gắng học cho biết". Khi học, ta thấy rõ có thêm cái biết, chớ ít thấy có bớt cái dốt. Bởi càng học càng thấy thêm những điều mình còn dốt, dốt ở quá nhiều lãnh vực.
4. Người tin Trời Phật, ít nhất cũng đỡ ác độc. Vì còn biết sợ những hình phạt nơi Âm Ty, còn mong được thưởng nơi Thiên đàng.
5. Hãy rút hẹp bớt những điều ghét, mở rộng thêm điều thương. Thử nhìn kỹ, thật kỹ, thật lâu, thật nhiều, nhiều đến thành quen những vật mà bạn vốn ghét: cái mỏ con chuột, mặt loài bò sát, cặp mắt con heo... Bạn sẽ lần lần thấy bớt ghét, thấy không còn ghét nữa và tâm bạn trở nên độ lượng hơn, cuộc sống dễ chịu hơn.
6. Một đôi mắt đẹp tăng gấp đôi sắc đẹp của cả khuôn mặt. Hãy thử nhìn một khuôn mặt, có đôi mắt đã bị bịt kín.
7. Lồng tục ngữ vào câu mắng thì ác ý thêm đậm đà chua cay, vào câu khen thì người nghe thản nhiên để ngoài tai, vào lờì tỏ tình yêu thì người thiếu nữ bực mình bỏ đứng dậy.
8. Cuộc tranh sống bắt buộc mọi người phải tính tóan, phải thưc tế. Họa hoằn lắm mới có dịp để nghĩ về Thượng Đế, về Thần Thánh, về vận số rủi may. Vậy mà có thể lớn tiếng bảo một người là duy tâm để phân loại bạn thù?
9. Đồng bạc không biết sinh hoạt không có hình dáng, nên dẫu nó kề cận, dầu nhiều khi nó đóng vai ân nhân giúp ta vượt qua cơn khó mà ta vẫn không nhớ, không giữ cảm tình. Không như cái bàn trong nhà, cây hoa ngoài sân, con mèo, con chó...
10. Người nghèo tiền thường giàu tưởng tượng. Tưởng tượng dĩa rau muống luộc thành dĩa thịt gà xào.
11. Cái Khó làm tăng cái Thích. Tình yêu hợp pháp dễ nhàm, khiến người ta phải mượn thêm tình yêu lén lùt.
12. Cái mỉm cười đẹp hơn cái cười.
13. Người công chính biết kính trọng kẻ thù cao thượng mà khinh bỉ người chiến hữu đê hèn.
14. Khi lớn tiếng chê những khuyết điểm nơi ngời khác, ta gián tiếp tự thấy ta có thêm giá trị hơn.
15. Với Thơ, Nhạc, Họa, cho dẫu không thích cũng ít ai dám chê. Chỉ với Văn xuôi, người ta mạnh dạn nói thẳng.
16. Sự Thật vốn cô đơn. Vì nó chỉ có một. Sự Láo thì thiên hình vạn trạng, nên ta dễ bị lừa. Sự Láo lại đông, tạo thành sức mạnh nên ta còn bị up hiếp nữa.
17. Bạn thân là người mang đến tặng ta thêm nhiều điều vui, vừa gánh đỡ cho ta bớt nhiều điều khổ.
18. Sau khi mệt mỏi với xã hội con Người, ta tìm sự hồn nhiên cạnh những con vật. Rồi sự im mát cạnh những cây lá. Rồi sự vắng lặng trong chính tâm hồn mình.
19. Cái Vui có thể chia, cái Buồn chỉ mình nhận lấy. Cái Vui tan đi mau, cái Buồn đeo đẳng tháng năm.
20. Dẫu biết vợ dở nhưng khi có việc, người chồng cũng hay đem ra bàn. Ít nhất cũng đề phòng, sợ quá chủ quan. Lỡ thất bại thì như nhẹ bớt trách nhiệm. Và khi cần thì có người để già hàm đổ thừa.
21. Con người ít thích khen bằng thích chê. Bởi lẽ khi nhắc tới cái Hay của ai là tự nhiên nghĩ đến bổn phận ta phải bắt chước cho bằng. Và chỉ nghĩ thôi đã đủ thấy mệt rồi.
22. Nếu mù quáng nô lệ dư luận thì anh biến thành con tắc kè đổi màu da lia lịa.
23. Ta thường ân hận vì đã lỡ nói nhiều, hơn là "vì đã không nói". Không nói thì còn có thể để rồi sẽ nói, chớ đã nói rồi thì xóa đi đâu được?
24. Con người vung phí Thời gian không hề biết tiếc. Cứ nghĩ những buổi mai sẽ rồi lần lượt hiện ra mà không nghĩ rằng ngày hôm nay không còn là ngày hôm qua nữa. Một ngày mất rồi. Vĩnh viễn mất rồi.
25. Khi người bạn mới quen lần đầu hỏi mượn tiền, thì tự nhiên người ta đặt nghi vấn: nên mất bạn hay nên mất tiền.
26. Thành phố giống bộ xiêm y sặc sỡ khoác ngoài, vô tình, giả dối. Đồng quê tựa linh hồn chung thủy, mặn mà tình nghĩa, nhân ái dịu dàng.
27. Con người không thể ăn nổi nửa ký thịt trong một bữa ăn. Không mặc nổi hai bộ quần áo mùa nực, thì sự giàu bạc tỉ là cái cực hình.
28. Đẹp mê say là Tình yêu. Hôn nhân đánh dấu chấm hết. Cũng như đẹp rộn ràng là những ngày giáp Tết. Cái Tết chấm dứt ngay từ sáng mòng Một.
29. Triết lý thường được dùng làm khí giới vừa làm cái mộc che cho người yếu.
30. Bận hết thì giờ để làm ra tiền thì còn thì giờ đâu để tiêu tiền?
31. Sung sướng là người có niềm tin, cho dẫu dại khờ. Người đàn bà kia tin là với bấy nhiêu lễ bái đó, sau khi chết hồn sẽ về Cực Lạc. Người trí thức trung bình mỉm cười thương hại. Người trí thức cao hơn thì rộng lượng nghĩ: Cái Cực Lạc cụ thể ngang tầm với bà ta, bà ta đã hưởng ngay khi sống, ở cõi đời này rồi.
32. Nguồn gốc của cái Khổ là Muốn và Sợ. Muốn mà Sợ. Vì Sợ mà Khổ.
33. Tin vào luật Luân Hồi, ta có thể bớt được lòng hận thù. Cứ nghĩ rằng người mà ta đang thù hận biết đâu chẳng là một người thân của ta: cha, mẹ, ông, bà, anh, chị... đầu thai trở lại kiếp này.
34. Những tâm hồn cao thượng thường ngượng ngùng khi phải biểu tỏ sự sung sướng, sự hân hoan.
35. Tránh sự thái quá: dẫu Đạo đức cũng nên Đão đức vừa phải. Hiền lành quá thành Đần. Khôn quá thành Ranh. Cẩn thận quá hóa thành rụt rè.
36. Thường những cái gì đã qua, đã mất, ta đều thấy đẹp.
37. Sung sướng thay những người làm việc bố thí với niềm tin là họ đang bỏ tiền tiết kiệm vào Ngân hàng Thượng đế trên Trời.
38. Khi có nhiều tiền, con người bắt đầu biểu lộ tính xấu, học đòi thêm tính xấu.
39. Những cái cao quí rực rỡ giữa ánh sáng của một người, nhiều khi là kết quả của không biết bao nhiêu cái bẩn thỉu đê tiện, người ấy đã làm trong bóng tối.
40. Người biết ít thường nói nhiều. Người biết nhiều thường nói ít.
41. Khi ta nghe mà không hiểu gì hết thì khuôn mặt ta tự nhiên trở nên nghiêm trang, long trọng. Và người nhìn đâm ra nể nang.
42. Hãy chịu khó uốn lưỡi 14 lần khi phải nói những điều bất như ý cho người lớn tuổi nghe. Bởi họ sẽ cứ loay hoay suy nghĩ, sẽ bị chúng hành hạ. Người trẻ thì không. Bận lo nhiều công việc, người trẻ dễ quên.
43. Người hống hách với cấp dưới thường xu nịnh cấp trên. Ai nghiêm với cấp trên thường khoan hòa với cấp dưới.
44. Ra đường nếu bị người xử thô bạo thì đừng vội giận mà nên nhân thứ dịu dàng, bởi kẻ kia có thể đang bị một hoàn cảnh u buồn, uất ức. Nếu được thì còn nên tìm cách giúp đỡ họ.
45. Nói rẻ hơn Viết, vì khỏi bị đánh thuế trước bạ.
46. Này con, hãy học theo thái độ của dòng sông: gặp trở ngại khó khăn thì đi vòng đễ tránh. Chớ không đi lui.
47. Dẫu phải sống xa quê hương, nhưng quê hương cứ nhẹ nhàng hiện ra nơi tâm hồn mỗi khi nghĩ đến. Khỏi cần di chuyển nửa bước, mà muốn nhìn đâu là thấy ngay đó.
48. Viết văn là muốn thắng sự Chết, muốn cứ được thỏ thẻ bên tai người sống, bắt họ thấy cái mình thấy, bắt họ ghét, thương, xúc động cái mình đã xúc động, ghét, thương.
49. Khi đi xe đạp, ta bị người đi bộ ghét. Đi xe gắn máy thì người đi xe đạp và người đi bộ ghét. Đi ô-tô thì người đi xe gắn máy, người đi xe đạp và người đi bộ cùng ghét. Vậy mà có người mua được ô-tô mới cứ thích bóp còi và đóng cửa xe rầm rầm khoe với hàng xóm. Họ quên rằng người nghèo có quyền thoải mái thong dong, còn người giàu thì phải hết sức nhún nhường lễ độ.
50. Chỉ có cái Chết là công bằng nhất: ai cũng bình đẳng được hưởng phần.
---------------------
Chương Tám
1. Pháp luật là những hàng rào thấp phân định ranh giới, ngăn chận những con vật hiền lành: vịt, cừu... Còn cọp beo, heo rừng, gấu... thì cứ thản nhiên dậm lên, bước qua.
2. Mỗi ngày lẩm nhẩm nhớ một kiến thức phổ thông: sông nào dài nhất, núi nào cao nhất, tỷ trọng mặt trăng, vận tốc sao chổi... Mỗi năm thuộc được 365 kiến thức. Bắt đầu lúc mười tuổi thì khi lên 30 tuổi bước vào đời đã biết tới 7.300 điều rồi, tới ngần ấy rồi. Nhưng lạ, dễ vậy, rõ ràng vậy mà chẳng mấy ai chịu làm.
3. Sự lo sợ khỏi cần phải mua mới có, phải mời mới tới. Hễ thấy ai có tiền là nó tự mò tới rồi.
4. Đừng quá coi trọng những thành bại ở đời. Xét về mặt nào đó thì sau vài chục năm, phân mục của lá mít hay lá keo nhìn giống như nhau.
5. Khi anh vừa phát biểu ý kiến mà có người nói ngược lại thì cũng đừng vội cãi, vội giận. Thường thì ý của anh và của người đó bổ xung cho nhau. Có thể đó là phần ngoại lệ, là phần hạn chế vấn đề mà nếu người đó không nói ra thì anh cũng sẽ tự ý nói. Khi bình giảng danh ngôn, sau phần "giảng" và "bình" vẫn có phần "hạn chế vấn đề". Huống chi...
6. Lỡ quen với sự sống, con người bèn sợ sự Chết, cho dẫu đang sống cơ cực. Do lòng tham, không muốn từ bỏ cái mình đang có. Do lòng ganh tị và tính so bì nữa: tội gì mình chết khi lũ nó còn sống.
7. Bạn nói tôi có tánh tự ái. Không. Xin thay chử "ái" bằng chữ "trọng": tự trọng. Và thay chữ "tự" bằng chữ "nhân": nhân ái. Tôi không tự ái. Tôi tự trọng và nhân ái.
8. Ông A theo đảng Quốc Xã, ông B chống đảng Quốc Xã. Chỉ mới bấy nhiêu đó thì chưa đủ để khen ông B để chê ông A. Mà phải xét cả nhân cách, đạo đức trong cuộc sống của họ.
9. Khi tuổi cao tự nhiên ta bớt kẻ thù. Lẽ đơn giản là thị lực yếu đi, mắt không còn nhìn thấy cả con muỗi, con kiến, con bọ chét...
10. Làm cho sạch sẽ tươi mát là nước. Làm cho nhầy nhụa, dơ dáy cũng là nước.
11. Thường người giàu phải ngồi vào bàn ăn khi bụng chưa kịp đói, do vậy một phần mà họ than khổ, họ chán sự sống.
12. Khi đã lỡ biết sự sống rồi, lỡ quen rồi thì người ta đâm sợ sự chết. Chỉ vì "nó" là sự lạ.
13. Mượn danh cái Cao cả, con người có thể làm được những việc tàn ác hoặc thấp hèn. Chớ ít ai vì lợi ích cá nhân mà dám làm.
14. Nhiều lần ký ức dựng lại rõ ràng từng chi tiết những sự việc xảy ra trong Quá khứ xa xôi. Rất xúc động, ta muốn ôm chầm lấy Ký ức mà hôn, nhưng Ký ức vô hình làm sao ôm hôn được.
15. Người đàn bà yêu người đàn ông mà họ kính phục, nhưng chọn sống với người đàn ông mà họ coi thường.
16. Cuộc sống của xã hội nhàm như cơn mưa dầm: lắc thắc giọt rơi, rún rẩy cành lá, rào rào nước chảy... Chỉ thỉnh thoảng nổi lên những tiếng sấm rền, những lằn chớp sáng. Như sự xuất hiện những thiên tài: nhà bác học, triết gia.
17. Ở bữa tiệc, tiệm nhảy, phòng trà... con người ồn ào, huênh hoang, tự tin. Ở phòng mạch bác sĩ chỉ thấy những người khiêm tốn, rụt rè.
18. Nhìn xã hội loài người đang ngủ say, nét mặt buông xả, hiền hòa, không ranh mãnh, không che dấu, không ngụy tạo, không hằn học, không hung bạo: Thiên đàng dưới thế.
19. Chúa tạo hình ảnh người đàn bà phản bội từ hình ảnh con cá liệt. Những đũa đầu ngon thơm. Những miếng giữa có lẫn xương nhọn bén.
20. Để cải thiện cuộc sống, ta có thể bảo đảm là ta không tham. Nhưng khi đói thì ta chưa dám hứa chắc là ta không ăn cắp.
21. Trong ngành Cải lương, vai Vua được dành phần cho kép phụ hát dở, diễn xuất kém, chỉ cần ngoại hình ngó được.
22. Không cần nhờ tới "con mắt thứ ba", cứ nhìn một người quá sang, quá giàu là ta cảm thấy như có vầng hào quang âm u bao quanh. Ngược lại, nhìn một người nghèo xấu xí bưng cái rổ đựng 5 trái cam, 4 trái ổi đi từ nhà quê xuống chợ, ta thấy không khí bao quanh như có phần sáng loáng hơn.
23. Ba nhu cầu lớn nhất của con người, của muôn động vật là: ăn, ở, yêu. Ba tiếng đều bắt đầu bằng nguyên âm nhẹ nhàng: A, O, Y.
24. Phải yêu nhiều, yêu hết lòng thì khi bị phản bội mới đủ sức mà thù hận.
25. Đừng khen anh ta thật thà, khiêm tốn, đạo đức... mà chỉ nên nói nhận xét: không tham, không hách, không ác... Bởi suốt đời anh ta chỉ tích cực giữ trọn được một chữ "không", chỉ làm nổi cái "không".
26. Một cuốn sách hay bắt ta cứ phải đọc hoài, đọc âm thầm trong trí nhớ, trong suốt nhiều năm.
27. Người ta trở nên từ thiện sau khi làm giàu, ít ai trở nên giàu sau khi làm từ thiện.
28. Người nói láo bị phát hiện là người còn thiệt thà. Họ không nỡ dùng Nghệ thuật để ngụy trang.
29. Trong suốt lịch sử nhân loại không có vị bạo chúa nào hành hạ con người tàn nhẫn, bắt làm nô lệ khổ sai suốt đời bằng cái Dạ dày.
30. Trong tình yêu, muốn chinh phục thành công, phải biết nói láo. Không người đàn bà nào chống lại nổi sự mê hoặc bởi lời nịnh vuốt ve.
31. Khi chuyện trò người ta thích nói về cái Xấu. Cái Xấu hấp dẫn người nghe hơn là cái Tốt. Dễ tin hơn, ly kỳ hơn.
32. Để làm cái tốt, con người ít cần sáng kiến, chớ muốn cái Xấu thành công thì phải phương kế muôn ngàn.
33. Có người quá rộng lượng, cái gì cũng khen. Để sửa lại tính này, chỉ còn một cách là cử họ làm Quốc Trưởng, có trách nhiệm phải khen và phải chê, mà mỗi khi khen là phải tốn tiền thưởng.
34. Ban phát dồi dào lời khen là ngầm mong được khen lại. Đi chợ mà biết khéo khen thì khi về xách một giỏ đầy mà số tiền xuất ra mua, hy vọng chỉ bằng nửa người khác.
35. Thật khó nhận được lời khen mà dễ nhận lãnh tiếng chê. Cứ đi ra đường thử lấn bên này một chút, dậm bên kia một cái là đã rào rào lời mắng. Còn đưa tay đỡ một người yếu, cầm tiền tặng một người nghèo thì chưa chắc đã được khen. Người ta coi đó như là một bổn phận. Tệ hơn, họ có thể nghĩ anh đang mưu đồ gì đây.
36. Vẫn phải cảm tạ người đàn bà đã phản bội ta. Người đó đã cùng ta sống ba hay bốn năm yêu thương và như vậy, đời ta chỉ cần năm hay bảy người đàn bà phản bội là đủ.
37. Tình yêu là Thơ, hôn nhân là Văn xuôi. Thời gian yêu nhau, những lần gặp nhau là những bữa tiệc. Sau hôn nhân, chỉ còn là những bữa cơm thường.
38. Bắt chước theo người thì thật khó, nhưng chê người thì rất dễ.
39. Đừng vì coi trọng tình yêu mà lơ là tình bạn. Tình yêu nồng nàn say đắm nhưng có thể dứt, tình bạn nhẹ nhàng mà cứ còn hoài.
40. Tủ sách đầy làm ta có ảo tưởng là ta đã đọc nhiều, đã biết nhiều. Thì cứ vô tình mở ra một cuốn là thấy ngay có nhiều, rất nhiều đoạn ta chưa đọc, hoặc có đọc mà đã quên hết.
41. Đọc truyện không làm ta khó chịu bằng coi phim. Những khuôn mặt nhân vật do tác giả gợi tả, ta cứ tưởng tượng lấy, theo sở thích của ta, chớ không bị ông đạo diễn đóng vai tạo hóa, ấn định khuôn mặt, bắt phải tin theo.
42. Tự bắt buộc và bắt mọi người phải y phục tề chỉnh, nói năng lễ độ, đi đứng nghiêm trang... một người như vậy bị cho là khó. Ở trần , chui nằm trong thùng gỗ, vua cung kính tới viếng mà xua bảo "Đứng xê ra", đập luôn cái gáo khi có thể bụm nước uống bằng bàn tay... ông Diogène cũng được gọi là khó. Tính từ không có hình dáng, màu sắc cụ thể, nên nó vừa là tròn vừa là vuông, gọi xanh hay đỏ đều được.
43. Hãy bước lui một bước. Hãy nhường ba buá đầu như Trình Giảo Kim. Trên trận đấu còn vậy huống chi giữa chỗ bạn bè.
44. Ta thích giao du với người ái mộ ta hơn với người mà ta ái mộ, với người chịu ơn ta hơn là với người mà ta chịu ơn.
45. Người dễ có Hạnh phúc, dễ bằng lòng mình là người chỉ biết chăm chút đến cái hoàn hảo vụn vặt. Kệ cho con chim Đại bàng hãnh diện cánh vượt từng mây nhưng phải lo lắng vì mũi tên hòn đạn, con Bọ hung cứ sung sướng vê cho hòn phân bò, cục phân ngựa được thật tròn.
46. Chỉ vì đua đòi mà sinh khổ, bởi chưng cái cần thiết thì rất rẻ, chỉ cái phù hoa vô ích mới đắt thôi.
47. Hãy gắng làm điều tốt cho kẻ thù của ta. Chỉ có cách đó mối thù mới dứt và thay vào đó là sự an lành.
48. Con người có thể đánh lừa Luật pháp chứ không thể đánh lừa Lương tâm.
49. Người có tri thức thường không hoa hòe. Họ suy nghĩ sâu sắc, xúc cảm tinh tế và nói lời bình dị.
50. Người lanh trí thấy mau, nghĩ mau, ứng đối mau. Người lưu loát nói mau, có thể vừa ngủ vừa nói, trí óc cứ ngủ mà miệng vẫn cứ nói.
---------------------
Chương Chín
1. Tủ sách thật huyền diệu. Những gì loài người thấy và biết đều bị xếp nằm im lặng trong đó.
2. Khi nghĩ rằng rồi mình sẽ già, sẽ yếu, sẽ chết, cô Hoa hậu thấy mình có quyền được thưởng thức nhiều người đàn ông. Thì cũng như thay đổi hương vị cà phê, phẩm chất nước giải khát, nhãn hiệu nước hoa, mốt áo quần giày mũ.
3. Hãy mang kính lúp vào là bạn sẽ không dám ăn đĩa thịt xào quen thuộc.
4. Những triết gia, những giáo chủ có tư tưởng trái ngược nhau thường kính trọng nhau, coi nhau như thầy, như bạn, như anh em. Chỉ các đệ tử của họ mới coi nhau là thù địch.
5. Với chế độ nhà tù ngày càng nhân đạo, với tấm lòng thương xót bảo vệ thú hoang khỏi nạn diệt chủng, hy vọng tới ngày Phán xét cuối cùng, chế độ Địa ngục sẽ không còn đáng sợ nữa. Loài người mà còn biết vị tha, huống chi là Thượng Đế. Và lúc đó ta sẽ thích ở Địa Ngục hơn lên Thiên Đàng, vì nơi này có đông bà con, bè bạn, người quen.
6. Người hà tiện trở thành rộng rãi sau khi chết.
7. Con gà không biết hôm nay đã là 29 tháng Chạp rồi. Vẫn vui vẻ tự tin cất tiếng gáy dõng dạc kiêu hãnh.
8. Ở dưới phố người ta nhìn ngược nhìn ngang, hằm hằm nhìn vào sự sống. Ở trên Chùa và Nhà Thờ, người ta dịu dàng ngước mắt lên nhìn, nhìn cõi Hư vô.
9. Dễ thấy rõ cái Sai mà khó nhận ra cái Đúng. Cái Sai lộ ra trước mắt, đòi hỏi phải sửa ngay, còn cái Đúng thì tiềm ẩn, nhiều khi không nhận thấy.
10. Các ông Thánh đang xầm xì với nhau, ngạc nhiên về một số các hành vi và tư tưởng cao cả mà người đời cứ khăng khăng gán cho họ.
11. Cuộc sống trên trái đất duy trì được là nhờ những con người tầm thường chiếm đa số.
12. Nhiều lần sự im lặng đã cứu ta, tránh để lộ ra cái sai, cái dốt.
13. Sự huyền diệu của chữ viết và trang giấy là cứ nhìn vào đã nghe ào ào tiếng động, rực rỡ màu sắc, loạn mắt vì vật vì người, từ thời Cléopâtre đến ngày chinh phục vũ trụ.
14. Không cần bằng cấp, khỏi cần sắc đẹp, miễn nói đạo đức, dẹp đưa lý luận, ngu ngốc và bất tài, nhưng Vàng chiến thắng tất cả.
15. Làm nghề gì cũng phải nể nang khách hàng, là thạc sĩ Y khoa cũng phải nể nang ông bệnh nhân bác học, anh bệnh nhân dao búa. Chỉ có nghề giáo viên dạy lớp nhỏ là ngự trị trọn vẹn, như ánh sáng, như chân lý bất khả tư nghì.
16. Tục ngữ, danh ngôn là cái kho chân lý nhắc người đời làm việc tốt, nhưng đồng thời vô tình làm chỗ dựa, làm đồng minh cho việc xấu: Cây khô tưới nước cũng khô... Vô sự tiểu thần tiên...
17. Từ khi có đồng hồ, con người thêm lật đật. Từ khi có cuốn lịch, cuộc đời như ngắn đi.
18. Hàng ngày con người sống giữa sự nói láo cùng khắp bộn bề, nói láo trâng tráo, nói láo tế nhị, nói láo biến thành công thức xã hội. Từ việc mặc cả mua bán đến những báo cáo thành tích lấp lánh tĩnh từ, rộn ràng con số.
19. Ngôn ngữ khác nhau giữa các dân tộc, chỉ có sự im lặng là có nghĩa giống nhau.
20. Tôi ghét chữ "hiền thê" nhưng bởi tính vợ tôi quá hung dữ nên tôi không dám dùng chữ khác để thay.
21. Nếu cấm nói tốt về mình và nói xấu cho người thì bớt đi được bao nhiêu thì giờ trò chuyện.
22. Trong nhiều trường hợp, sự im lặng kèm theo ánh mắt còn thâm thúy hơn lời nói, khiến người nghe phải tinh tế hiểu. Im lặng là hứng chịu. Im lặng là từ khước.
23. Không dễ mà được lưu danh, cho dẫu ô danh. Bởi phải có can đảm làm việc thật xấu, làm điều thật ác thì cái xấu, cái ác mới đủ tầm cỡ được lưu truyền.
24. Có thể tin lời người thất bại, có thể nghi ngờ lời người thành công.
25. Người quân tử cỡ nhỏ thường có tính phục tùng nên ít giúp ích được cho ai.
26. Dư luận phê phán việc làm tốt xấu nên thường khuyến khích người làm việc tốt, cản tay người làm việc xấu. Nhưng quá tin dư luận thì sẽ thành mù quáng, quá coi trọng dư luận thì dễ thành đồng loã.
27. Người đàn bà nhiều khi phải gắng bấm bụng nín cười khi nghe đó đây người ta ca ngợi đạo đức và tài năng của chồng mình.
28. Khổ cho người giàu: vãi giống xuống miếng ruộng, nhẹ hơn khi gặt lúa. Ngồi vùi chơi một hột nhãn xuống đất, nhưng khi cây ra trái thì phải nhọc công mới leo hái hết.
29. Cái Xấu là bản chất của cuộc sống. Khi nghe kể về một người, ta tin ngay cái xấu của người ấy. Về cái Tốt thì còn nghi ngờ, đợi đã.
30. Chỉ khi trí thức thật, người ta mới nói năng giản dị. Chỉ khi giàu có thật người ta mới ăn mặc giản dị.
31. Đừng ân hận vì đã yêu, yêu một bài thơ, một loài hoa, một người đàn bà... Cho dẫu hôm nay anh đã đổi thay, thì chúng cũng đã làm êm đềm tâm hồn anh trong thời gian anh yêu.
32. Người đàn bà đẹp, giàu và nhiều quyền uy giận sao Tạo hóa ban cho chỉ một thân thể để chỉ được bận một bộ quần áo, chỉ một bộ ngực để chỉ được một bàn tay vuốt ve. Đáng lẽ phải có đến năm đến mười.
33. Nếu biết khéo nói, con người có thể mua được tiếng khen là hào phóng, là nhân từ... bằng đồng tiền của kẻ khác.
34. Hãy coi chừng kẻo tránh cái sai này ta lại rơi nhằm cái dở ngược lại.
35. Thi sĩ Ấn Độ Bhartrhari, thế kỷ thứ 8 viết: "Người đàn bà nói chuyện với một người đàn ông, nhìn một người đàn ông khác và nghĩ đến người đàn ông thứ ba". Tôi thêm: "Còn người đàn ông thì nói chuyện với một người đàn bà, nhìn hai người đàn bà đứng gần đó và nghĩ đến ba người đàn bà khác, không biết nên chọn rủ ai để đi dự khiêu vũ đêm nay".
36. Triết gia nào thành công lớn trong tác phẩm là người thất bại nặng giữa cuộc đời.
37. Trước cái huyền diệu của sự sống, con người bái phục quỳ xuống. Tôn giáo bắt đầu như vậy.
38. Cứ tới tấp dồn mọi ưu điểm để khen tặng một người đàn bà: đẹp, sang, giàu, thông minh, trí thức, tế nhị, thâm thúy... thì người đó sẽ hết nói.
39. Đừng tưởng người khác qua tâm trạng của mình. Mình trân trọng từng chỉ vàng trong khi có người cất vài trăm lượng, không biết nên tiêu vào mục gì. Lại cũng có những người không biết mượn đâu ra hai ngàn để mua viên thuốc hạ sốt cho con.
40. Nhiều người lầm lũi suốt đời như chỉ để lo trả nợ. Họ không dám nói:"Tôi muốn..." nên họ không hề biết rằng trong ngôn ngữ có chữ "Tôi có thể...Tôi có quyền..."
41. Nhiều người nói trước khi nghĩ. Thậm chí, họ không hề nghĩ, không dám nghĩ. "Nghĩ" là việc của người khác. Họ chỉ có bổn phận nghe, thuộc và lập lại rập khuôn.
42. Người nghèo, hèn, can đảm hơn người giàu sang. Vì họ không có gì để phải sợ mất.
43. Hãy tự soát lại xem có lần nào ta nhìn kỹ một đóa hoa quen thuộc: hoa sen, hoa huệ, hoa hồng... một cái lá, một con gà, một trái ớt... Ta chỉ thấy chúng từ xa. Ta thường chỉ "thấy" qua lời người khác nói.
44. Thân thể con người giống tựa một lâu đài, nhưng không như lâu đài, khi đổ xập thì vôi gạch ầm ì nhào lăn. Mà chỉ cần hơi thở nhẹ nhàng ngừng lại là cái lâu đài khởi sự tan rã, cũng rất nhẹ nhàng.
45. Muốn xã hội thật tốt hơn, hãy dồn sức vào việc giáo dục người phụ nữ.
46. Muốn sống lâu thì điều kiện đầu tiên là phải già.
47. Con người chỉ phí thì giờ để tiếc Quá khứ, để lo Tương lai, mà quên vui Hiện tại.
48. Có thể không phải là thất bại đầu tiên, nhưng nhất định đó là thất bại cuối cùng của mọi con người. Nó là sự Chết.
49. Nghe theo lẽ phải thì chưa đủ. Hãy nghe thêm trái tim. Nếu phải chọn giữa lẽ phải và trái tim thì thà chọn trái tim. Lỡ thất bại, ta sẽ ít ân hận bằng nếu chỉ nghe theo lẽ phải.
50. Phải thỉnh thoảng nhớ tới những khốn khó, tai họa mà mình đã may mắn vượt được.
---------------------
Chương Mười
1. Cái Mỹ dẫu làm hoa mắt, nhưng con người ít bị lừa trong thời gian lâu cho bằng cái Chân. Trí óc khó phân biệt cái Chân nhưng lại giúp con mắt phân biệt nhanh cái Mỹ.
2. Nghệ thuật là thấy được cái nhỏ nhất chưa ai thấy, nghe được cái nhẹ nhất chưa ai nghe và diễn tả bằng ngôn ngữ chưa ai dùng. Là tránh xa những vết xe cũ, những lối mòn.
3. Con người thường chăm chăm nghĩ đến cái nhỏ nhất mình bị từ chối mà không chịu nhớ đến nhiều cái lớn hơn mình đã được nhận.
4. Người ta thường đòi hỏi quá nhiều điều kiện khi tuyển một nhân viên hạng thấp, quá ít điều kiện để chọn một thủ lãnh cấp cao.
5. Người không theo một tôn giáo thường bị coi là kẻ chê ghét tôn giáo. Nên hiểu ngược lại. Đó là người quá yêu tôn giáo, yêu nhiều tôn giáo, khiến không thể theo một mà xa những tôn giáo kia.
6. Giữa khi tốt trời, phải đề phòng cơn dông. Khi giàu phải nghĩ đến lúc sẽ sa sút. Khi có chức vụ phải nghĩ đến ngày về hưu.
7. Người làm ơn cho nhân loại chẳng hưởng được gì. Chỉ nhân loại được hưởng. Mà hưởng nhiều nhất là kẻ bất nhân.
8. Cô đơn nhất là những người quá đẹp, quá giàu có quyền chức quá lớn. Họ không có bạn, bởi họ không còn biết nên tin ai.
9. Có những hạnh phúc ngẫu nhiên, ta không hiểu nhờ đâu mà có. Nhưng khỏi phải bỡ ngỡ lâu bởi nó sẽ bất ngờ ra đi như đã bất ngờ vụt đến.
10. Không có vị tha, tất cả đều vị kỷ. Làm tốt cho người là làm tốt cho mình. Làm xấu cho người thì sớm muộn gì mình cũng lãnh cái xấu đó.
11. Hãy nhìn những cái khổ của người khác, và ta sẽ bớt khổ.
12. Khi đã nếm nhiều đau khổ thì con người trở nên hoặc là quá xấu hoặc là quá tốt.
13. Người học đòi cầm bút thường vung phí từ ngữ như anh nhà nghèo may trúng số độc đắc vung phí tiền.
14. Cảnh sát thường chỉ bắt qủa tang món hàng giả nơi nhà những người dân lương thiện.
15. Không ai thích giao thiệp với một người hơi thông minh cứ tự cho là mình rất thông minh và ưa nhai lại những điều mà người kém thông minh cũng dư biết.
16. Này người đẹp! Những gì cô đút vô miệng đều là món thơm ngon, còn từ miệng cô tuôn ra sao chỉ thấy toàn xấu xa, cay độc.
17. Thanh thiếu niên thích bắt chước những gương tốt cụ thể ngoài đời, thích ngáp trước lời hoa mỹ trong sạch.
18. Một không có nghĩa là ít, là kém Hai, là chịu thua thiệt. Như khi nói: "Con người chỉ một lần chết."
19. Người trí thức nhút nhát hơn người bình dân. Tiểu thư khuê các nhút nhát hơn cô thôn nữ lam lũ. Con thỏ xinh xắn nhút nhát hơn con nhím xù xì.
20. Lời nói khiêm tốn, nụ cười dịu dàng tước khí giới nhẹ nhàng hơn Nhu đạo và Thái cực đạo.
21. Người tốt luôn luôn áy náy rằng sao mình còn chưa thật tốt, người xấu luôn luôn tự hào rằng dẫu gì mình cũng không đến nỗi xấu.
22. Với người xuất gia thì tư chối lợi danh không khó bởi phải làm việc cực nhọc mới có được lợi danh. Từ chối ái tình mới khó, vì hễ có hoàn cảnh dễ dãi là nó mời mọc mình.
23. Một số những kẻ ném đá anh không tiếc tay được tuyển từ những đệ tử hiện đang hết lòng sùng bái anh.
24. Khi tạo cái vui cho người khác, anh được vui theo. Loại vui này không giống cái vui mua ở nhà hát, rạp xiếc.
25. Khi trẻ ta thấy ta đẹp hơn thực tế. Khi già ta thấy ta xấu hơn thực tế. Chớ chi ta có thể nhìn thấy ta bằng con mắt của người khác.
26. Với một người đã chết không ai còn ganh tị, khỏi cần lưu tâm đề phòng, không sợ giành giựt, cho nên bài bi ký khắc nơi bia mộ nào cũng rổn rảng giọng ca ngợi.
27. Những con bò vạm vỡ, những con trâu đường bệ, những con ngựa dũng mãnh... may mà chúng không biết nói như người. Nếu không thì với sức lực đó chúng ồn ào chịu sao cho nổi, khi bên tai tiếng động cơ, tiếng nhạc... đã rống suốt ngày.
28. Nỗi khổ tâm của cha mẹ là không biết làm cách nào để tạo cho con mình một khuôn mặt đẹp. Tặng một bộ quần áo đẹp dễ hơn. Dễ nhất là đặt cho con một cái tên thật đẹp.
29. Cuốn sách luân lý dạy Đạo đức lý thuyết, trong khi cuộc sống dạy cái Xấu thực tê, dễ nhìn mà bắt chước: độc ác, hung bạo, tham lam...
30. Bà giám đốc trại gà có chồng và hàng tá bồ bịch vậy mà nỡ bắt gà mái chỉ được ăn để đẻ trứng. Ông giám đốc trại nuôi heo có vợ và lu bù nhân ngãi vậy mà bắt thiến hết mọi con heo trong chuồng. Thượng đế ơi, luật sống văn minh tàn nhẫn vậy sao?
31. Bao nhiêu bất công dành cho người đàn bà. Đứa con sinh ra xinh xắn thì không ai khen là công của mẹ, nhưng khi sinh đứa con xấu xí thì được ngầm coi là lỗi của mẹ.
32. Xung quanh ta Thiên nhiên nhân ái rộng khắp. Cây mít, cây xoài cần cù ra trái và ta tàn nhẫn lặt hái rụi. Vậy mà năm sau tới mùa lại vẫn ra trái, không biết giận.
33. Khỏi cần đi xa mới tìm học được cái Xấu: cha nói láo với khách hàng, mẹ mồm năm miệng mười, cô giáo thương ghét bất công...
34. Người Âu Mỹ nghèo nàn đáng thương khi phải đặt tên cho con. Chỉ quanh quẩn có Răng, Rắc, Rọt, Rim... Ta xài sang hơn. Tha hồ mà chọn: Diễm, Hương...Dũng, Tuấn...cả một cuốn tự điển.
35. Đời người là một con đường mà khởi đầu và kết thúc là hai đứa con nít.
36. Bầy chó con mới đẻ được một tháng, thấy cô chủ tới gần vội chạy ùa lại quấn quít, vừa vẫy đuôi, vừa ríu rít reo mừng. Tình yêu cần ai dạy, ai khuyên.
37. Này anh bạn trẻ, xin hãy chọn một hoặc là được hưởng thụ đầy đủ tràn trề, hoặc là chịu sống quạnh hiu để được làm nhà học giả.
38. Thắng người khó, thắng mình cũng không dễ. Vâng, bạn đừng bị chạm tự ái khi nghe tôi khuyên. Điều tôi khuyên, chính tôi cũng đang không làm được.
39. Trước khi phê phán, hãy tìm hiểu nguyên nhân: nguyên nhân rõ ràng và lý do tiềm ẩn. Sự việc càng ghê tởm, càng rùng rợn, càng vô lý thì càng nên dè dặt, đừng vội kết luận nặng lời.
40. Vì thực hiện lời sách dạy "Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói "nên không còn đủ thời giờ để nói dài. Lời dạy thật thâm thúy, thâm thúy đến mấy tầng.
41. Nhờ có kẻ thù mà ta phải cố gắng: cố gắng làm tốt hơn, sống tốt hơn.
42. Những người tàng tàng ưa nói triết lý nên nhà triết lý thường bị coi là tàng tàng.
43. Mặt trời nói "Ta vẫn vậy" Nhưng người cãi "Rõ ràng buổi sáng trông mày xinh xắn, buổi chiều ngó mày âm u"
44. Hãy vặn cho nhiều chiếc đồng hồ chỉ khác giờ nhau. Mỗi chiếc sẽ cứ cần mẫn chạy nghiêm trang phần mình, như chính mình là tiêu chuẩn, là chính thống. Con người trong xã hội cũng giống vậy.
45. Khi phê phán cụ thể công việc của ai, đừng dùng chữ Dốt để chê, bởi sự Dốt rộng như vũ trụ, dày như đêm tối, bao trùm con người từ buổi Sáng thế đến ngày Tận thế.
46. Lúc trẻ, cái gì cũng khiến khóc được. Lúc già, cái gì cũng khiến cười được.
47. Cái gì khó hiểu thì đổ cho Trời sắp đặt
48. Cái gì khó xử thì giao cho Trời làm dùm. Chỉ vì "Cái áo làm ra thầy tu" mà ta gặp phải ông giảng Triết mới học A B C về Triết, ông thuyết trình Luật mới thuộc đoạn Luật đó trước khi đăng đàn, ông đọc tham luận Kinh tế đọc lộn trang sau ra trước một cách hùng biện.
49. Ông thầy thuốc giỏi thì mở phòng mạch chữa bệnh. Ông thầy thuốc dỡ thì mở lớp dạy nghề thuốc.
50. Sự thèm muốn điểm phấn thoa son, cắm hoa, đệm nhạc cho vật được thèm muốn. Sự thoả mãn lau, ném, dẹp hết.
--------------------------
Chương Mười Một
1. Anh đừng sợ nó bị chạm tự ái. Tôi biết mà, nó có tự ái bao giờ đâu mà bị chạm?
2. Khi chê người khác, chợt có lúc ta bỗng giật mình, bởi chưng ta có y những tính xấu đó.
3. Thành thật xin lỗi thì không ai còn trách nữa mà còn chúc mừng thì có. Mừng rằng anh đang khôn ngoan hơn hồi bị phạm lỗi.
4. Cổ văn nói "Ích kỷ hại nhân" (Ích cho mình, hại cho người). Chỉ trong tình yêu mới vừa ích kỷ mà vừa ích nhân. Tình yêu là "Ích" cho cả hai.
5. Mẹ ơi, xin tha thứ gương mặt u buồn của con. Mẹ đã tạo dựng nó với bao nhiêu nét khả ái kèm theo nụ cười tươi, nhưng dưới vầng trán thanh tao có ẩn hố nước mắt. Năm tháng dần trôi, vui ít buồn nhiều, cuối cùng trong những món quà của Mẹ, còn sót lại cho con chỉ hố nước mắt mà thôi.
6. Đừng đinh ninh rằng làm Quốc trưởng cũng dễ, vì đã có cố vấn giỏi. Lỡ gặp trường hợp hai cố vấn đưa ra hai giải pháp chọi nhau thì làm sao?
7. Thật chán ngấy một khi nhìn gặp con số chẵn, con số được ưu ái: song hỉ, luỡng nghi...tứ đức, lục hợp...
8. Thành tích không đòi hỏi bằng khen nên nhiều khi bằng khen không đòi hỏi thành tích.
9. Tại sao phải gọi đúng tên? Gọi sai, tòa án đâu có quyền phạt? Vậy thì từ nay đổi tên: rau, gọi là giò heo, nước mắm gọi là gà hầm, cá vụn gọi là tôm hùm, mắm ruốc gọi là nem chả. Có ấn tượng những món ăn ngon, bữa ăn sẽ bớt khổ.
10. Chỉ vì sự thật thường không được đẹp như ý muốn nên phải thêm bớt nói láo một chút. Tương tự như cắm hoa cho căn phòng, thoa phấn tô son nơi mặt, bôi dầu thơm lên áo.
11. Hãy tha thứ, hãy rộng lượng đối với người. Chỉ nên nghiêm khắc đối với mình.
12. Hãy bước xuống một bực để tìm vợ. Hãy leo lên một bực để chọn chồng.
13. Lời nói còn kín hơn cái mền. Nó che dấu được sự thật.
14. Cứ lý luận một lát là cái cối đá biến thành vật ăn được rất mềm, rất thơm, rất ngon.
15. Cái ta mong thì đợi hoài không thấy đến. Cái ta tránh thì cứ lù lù hiện ra.
16. Nghe lời hỗn xược không tức bằng nhìn cái mặt hỗn xược.
17. Sống ở giữa đời cần phải có nhiều tính tốt. Nếu chưa có đủ thì tạm thời nhờ một đức tính này: lòng khoan dung.
18. Có tình cảm nào mạnh hơn tình yêu và hận thù? Chúng mang đặc tính của nước: nước sôi sùng sục trào ra vòi ấm, nước tuôn ào ào trào vượt lòng sông.
19. Người ta thường tự tử vì tình, mấy ai vì đời, vì dốt? Vậy mà Quốc hội, Chính phủ chỉ lo phát triển kinh tế, nâng cao văn hóa mà quên đầu tư cho tình yêu.
20. Cái Giàu che lấp cái xấu, cái Nghèo che lấp cái tốt.
21. Sắp tới ngày mà ngôn ngữ cũng phải chịu ảnh hưởng của luật kinh tế: Bụi mà không bặm, chậm không chạp, vui không vẻ, buồn không bã...
22. Khi tâm hồn chán nản, mệt mỏi tuyệt vọng, khi những hiện tượng hung ác, ranh ma, lừa đảo vây quanh... ta thèm được làm bạn với một đứa nhỏ lên 7 tháng, lên 10 tháng.
23. May mà Trời và Chúa đều ở xa, không nghe được và khỏi phải làm những gì mà con người cứ sẵn miệng xin và đề nghị.
24. Chỉ cần một hột chanh rớt ngẫu nhiên trên sàn nhà và bàn chân vô ý bước vội dẫm lên, trượt dài... là hàng chuỗi tai nạn có thể nối tiếp xảy ra.
25. Lỡ tạo ô danh, con người khốn khổ trăm bề, trong khi tạo được phương danh thì niềm vui chỉ rất thoáng qua.
26. Khoa học phải giải phóng con người khỏi cái nhu cầu ĂN. Vì nô lệ cái ĂN mà phải nhục nhã cúi đầu làm nô lệ nhiều mặt khác.
27. Muốn được nhàn, khỏe, hãy cứ dùng đơn độc một tiếng KHÔNG để trả lời các câu hỏi. "Dạ, không biết...Không có nghe...Dạ, không thấy...không gặp...không nhớ...
28. Tội thân cái dạ dày. Phải nhận lãnh hết mọi thứ thuốc men đổ vào nhằm chửa trị cho các bộ phận khác của cơ thể: cái chân lở, gan thận suy, da mặt sần sùi muốn thành trắng mát nõn nà...
29. Bà cụ nghèo giận dữ nạt "Chó mà cũng kén ăn". Nhưng nếu là Quốc trưởng, là Giáo chủ, là danh nhân thì câu đó sẽ được nghiên cứu, bình giảng, lưu truyền và được tôn vinh là thâm thúy vô giá.
30. Đừng chúc Vinh hoa phú qúy, vì người được chúc sẽ mất ngủ bởi nơm nớp lo sợ mất phú qúy vinh hoa. Đừng chúc lên xe xuống ngựa, vì sợ tai nạn lưu thông. Đừng chúc nhà cao cửa rộng, vì đi lại nhất định sẽ rất mỏi chân.
31. Người có làm việc, dơ tay, bùn đất bám đầy mình mới biết nước là qúy. Giàu sang nhàn nhã thì chỉ biết giá trị của nước qua lý luận, qua sách vở.
32. Phải biết cách làm thơ mới không sợ người làm được thơ. Phải làm được thơ mới biết sợ người làm thơ hay.
33. Cái tư thế quỳ gối...cúi đầu...lạy...thật phù hợp với tâm hồn ta khi xúc động trước một người thân yêu qua đời, nhưng tâm hồn ta từ chối không muốn tuân theo luật lệ quy định vào trường hợp nào thì phải lạy mấy lần.
34. Dối trá và huênh hoang là hai cái sừng của Qủy. Tham lam và độc ác là nanh vuốt của yêu tinh.
35. Khi tự nguyện làm nô lê miếng ăn, người ta bỏ mất khối óc...Khi có nhiều quyền lực trong tay, người ta bỏ mất trái tim.
36. Đừng tìm biết quá nhiều về một người, vì ta sẽ ngần ngại không dám yêu người đó nữa. Sự khôn ngoan khuyên ta chỉ nên tìm hiểu.
37. Đừng nặng lời trách kẻ hậu sinh. Giữa thời này mà làm sao được tự do chọn láng giềng tốt như mẹ Mạnh Tử. Sao mà làm được như Kiềm Lâu, học rộng tài cao nhưng chịu sống nghèo để giữ Đức (nghèo đến nỗi chết phải bó chiếu) khi mà vợ cần đi dự nhạc hội và phải trả học phí cho con.
38. Này ông Socrate! Ông bị vợ chê ghét trong khi quần chúng ái mộ ông. Đừng ngạc nhiên. Những người tiếp xúc với ông, được nghe ông thuyết giảng về cái Hay cái Đẹp của Triết lý... mỗi người được nghe một lần, trong khi vợ ông ở gần thì cứ phải nghe lặp lại hoài. Chỉ một việc đó cũng đủ để bà nổi xung đổ ghét.
Hết