có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 6 06, 2011

Rượu, niềm vui của thế gian




Tặng những ai có duyên với rượu


Trong lịch-sử từ Đông sang Tây, tận cổ chí kim, dù bậc vương-giả hay hạng thứ dân, những lúc vui hay buồn, trong buổi trùng-phùng cũng như hồi ly-biệt, rượu là một thức uống được phổ-cập nhất. Nhân dịp Xuân về, mùa mà mọi người nô-nức chào đón cũng là dịp mà rượu được dùng nhiều, chúng ta thử tìm hiểu về thức uống đại-chúng này, thứ mà có nhiều người cho là “rượu với người như hình với bóng” hay như văn-hào Anh Fergus Hamilton Allen nêu ý-kiến: “Whisky là mặt-trời chiếu sáng tình bạn, là mặt trăng soi sáng tình yêu”.


1. Nguồn gốc.

Về nguồn-gốc, dựa theo nhiều tài-liệu, người ta vẫn chưa xác-quyết thời-điểm xuất-hiện của rượu cũng như ai là người đầu tiên làm ra. Theo Chinese Win Market của Stephen Reiss thì Trung-hoa có lịch-sử 6 ngàn năm trồng nho và có 2 ngàn năm làm rượu. Chiến-quốc sách cho biết thời Nghi-Địch đã sản-xuất rượu cùng với các vật-dụng dùng để đựng, để uống rượu như chum, vại, ly, chén, chung v.v... Từ-ngữ “dạ-quang-bôi” trong bài thơ Lương-Châu-Từ có nghĩa là chung lưu-ly, là một loại đựng rươu làm bằng thủy-tinh trong suốt, khi rót rượu bồ-đào vào, màu đỏ tía hiện ra rất đẹp. Theo vài tài-liệu khác của người Trung-hoa thì rượu có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế sau khi con người tìm ra ngũ cốc.

Về lai lịch, một tài-liệu cho rằng rượu được một nông gia tên là Đỗ-Khương phát-giác ra một cách tình-cờ. Một hôm, họ Đỗ đem lúa ra ngâm nước chuẩn-bị gieo mạ thì gia-đình có chuyện chẳng lành xảy ra nên đành bỏ dở việc gieo lúa. Khi xong việc nhà, xem lại thì mớ lúa lên mộng quá dài không thể gieo được. Bỏ đi thì tiếc nên ông đem nấu. Khi nấu sôi lên, mộng lúa tan thành một chất nước sệt sệt. Ông lược xác, lấy nước nước nầy uống thử thấy thơm ngon và có vị ngọt. Sau đó ông nhận thấy nếu nấu lâu hơn, nước nầy đặc lại, để dành ăn được lâu. Đó là nguồn-gốc của mạch-nha ngày nay.

Rồi lại một sự cố khác xảy ra khi ông ta đang nấu thứ nước này lần sau đó. Khi nồi nước đang nấu thì bị giặc đến, gia-đình ông phải bỏ chạy. Khi trở về, vì quá lâu, nồi nước hư mốc không thể uống được. Cũng vì tiếc của, ông lấy nồi nước bị hư đó đem nấu lên. Khi sôi, nồi nước tạo nên một mùi thơm nồng nồng rất lạ. Thấy thế, ông đậy nắp lại, xoi một lỗ cho hơi bay ra để ngữi. Ông còn kêu những người chung-quanh đến để chứng-kiến điều lạ-lùng này và mời họ cùng ngữi.

Thế rồi cũng tình-cờ, để cho khỏi nóng, ông cắm một ống trúc vào lỗ đó để ngồi xa bếp lửa cho bớt nóng mà vẫn ngữi được hơi này. Và rồi hơi nóng đó ngưng đọng lại trong ống trúc thành một thứ nước cay nồng chảy ra, uống thử thấy ấm ấm và ngây ngây, tinh-thần phấn-chấn. Ông ta đưa cái ống qua nước lạnh để có được nhiều thứ nước này hơn; và rượu có từ thuở đó.

Theo Tự-điển Bách-khoa Britannica thì người Tây-phương trồng dây nho để làm rượu vào năm 6.000 trước Thiên-Chúa giáng-sinh. Người Ai-cập làm rượu vào khoảng năm 2.500 trước Thiên-Chúa giáng-sinh. Theo Giáo-sư Dewel Samuel và giáo-sư Christian Leblanc thì rượu có từ những năm 2.000 trước Thiên-Chúa giáng-sinh. Gần đây, người ta mới đào được một số đồ đựng rượu ở ngôi mộ Đại-đế Ramès Đệ Nhị (1301-1235 trước Công-nguyên), điều nầy cho thấy rằng rượu có rất lâu. Các cổ vật lịch-sử này hiện đang được trưng-bày tại Bảo-tàng-viện Louvre, Paris, Pháp quốc.



2. Các tính chất của rượu.


Về nồng-độ của rượu, người ta căn-cứ vào tỷ-lệ bách-phân của cồn có trong chất nước đó. Tỷ-lệ càng cao, rượu càng mạnh. Bia là một loại rượu có nồng-độ nhẹ nhất. Cách chế-tạo bia cũng khác cách chưng cất rượu. Người ta phân loại bia như sau: Bia có đến 2.50 rượu gọi là extra light, lên đến 4.00 gọi là light, lên đến 5.50 gọi là beer, từ 5.60 trở lên gọi là strong beer, có khi gọi là malt liquor. Thông-thường, theo luật-lệ nhiều quốc gia, nếu trên mức nồng-độ này, nhà sản-xuất phải ghi nồng-độ vào nhãn của chai. Trên 100 được gọi là rượu.

Rượu có rất nhiều loại, nằm trong hai nhóm chính:

1- Rượu chưng cất (spirits) từ các loại tinh-bột, ngũ-cốc, đường, củ-cải, củ-cải đường,...

2- Rượu lên men, cất từ nước ép của trái cây, hoa quả, ...

Ngoài ra, còn có nhiều loại rượu được pha chế từ cồn Etalic với đường, acid citric cùng các hợp-chất để làm thành màu khác.

Dụng-cụ để đo nồng-độ của rượu gọi là tửu-kế. Tại Pháp người ta dùng loại cân rượu có tên Gay-Lussac (nhãn rượu có ghi 40oGL có nghĩa là rượu được 40o Gay-Lussac), Anh quốc thì tên là Proof, Mỹ cũng gọi Proof nhưng tăng gấp hai (ví du: 40oGL thì Mỹ ghi là 80 Proof USA, Anh là 70 Proof British). Cognac được đựng trong các thùng làm bằng gỗ sồi (Oak) Limousin (ở rừng Limousin Forest, hướng Bắc của Cognac) làm tăng hương-vị của rượu. Cây sồi phải từ 100 tuổi trở lên thì đựng rượu mới ngon. Cây hạ xuống, xẻ thành miếng, để trong 3 năm mới đóng thùng được.

Ngoài tửu-kế ra, ở Pháp và các nước châu Âu có những chuyên-viên nếm rượu. Chỉ cần nếm qua một chút, họ có thể biết đó là loại rượu nào, xuất-xứ từ đâu, nồng-độ bao nhiêu, chưng cất được bao lâu rồi... Ở Tây phương, người ta chia danh hạng rượu như sau:

- 3 stars (***) còn gọi là V.S., là loại rượu thường, cho dân ít tiền nhưng bán chạy nhất, tuổi rượu từ 3 đến 5 tuổi (để lâu từ 3 đến 5 năm).

- V.S.O.P. (very special old product), từ 7 đến 10 tuổi, là rượu khá ngon. Pale không phải sắc mặt xanh lè của bợm rượu mà là màu lợt của thứ rượu hão-hạng.

- Napoleon, rượu hoàng-đế, là loại rượu dành cho giới thượng-lưu nhiều tiền (không phải lấy tên hoàng-đế Napoléon của Pháp đặt cho tên hạng rượu nầy), rượu từ 15 tuổi trở lên.

- Cordon Blue, tương-tự như hạng Napoleon, loại rượu thượng hão-hạng của Martell, Bras d'Or của Hennessy, Anniversary, của lò Monnet, Reserve Prince Hubert của lò Poli Gnac.



3. Quan-niệm của xã-hội đối với rượu.


Việc uống rượu, tùy-thuộc vào quan-niệm mỗi dân-tộc. Theo quan-niệm Trung-hoa và Việt-Nam ta ngày xưa, trong “tứ-đổ-tường” thì tội uống rượu được xem là nhẹ nhất. Phải chăng vì thế nên đã có câu:

“Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
Đất say, đất cũng lăn quay,
Trời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười?”.

Có người còn cho rằng rượu là thức uống phổ-thông cho mọi giới, vì thế có bài thơ:


“Rượu vẫn xưa nay mãi đứng đầu

Thông thường hành sự rất dài lâu.
Trầm ngâm Tiên Thánh tình thâm-thúy,
Nghiêng ngữa phàm-trần ý cố thâu.
Tình nghĩa tạc thù trong yến tiệc,
Thân sơ chuốc chén chốn cao lâu.
Rượu vào nhã ngọc phun châu luận
Độc dược nào hơn rượu ứng hầu!”.

Người Tây phương quan-niệm rượu là thức uống có liên-quan mật-thiết với đời-sống con người. Trong bữa ăn, tiệc-tùng, lễ-lộc không thể thiếu rượu. Họ đặt ra các cách-thức cầu-kỳ về cách rót rượu, bưng ly rượu lên uống, nhất là trong các buổi tiệc lớn. Trong các buổi lễ của tôn-giáo, rượu còn được dùng như một phần trong nghi-thức.

Người ta xây những hầm rượu trong từng nhà để chứa rượu. Tại Hungary, năm 1937, có luật “...mọi hầm rượu phải được don sạch-sẽ. Vi-phạm sẽ bị phạt”. Tại các quốc-gia văn-minh ở Tây Âu, số lượng rượu tiêu-thụ một năm tính theo đầu người rất cao, nhất là Anh, Pháp, Ý… Kỹ-nghệ sản-xuất, chế-biến, tồn-trữ, xuất-cảng, kinh-doanh trong lĩnh-vực rượu rất lớn, mang lại một nguồn lợi-tức đáng kể cho quốc-gia.

Tại Đông phương, xưa kia rượu được vua chúa, giới quan-lại, nhân-sĩ, giai-cấp giàu có dùng nhiều hơn dân-dã. Có những lúc chính-quyền ban-hành lệnh cấm rượu trong dân chúng. Người dân nghèo bao giờ cũng chịu thiệt-thòi về mọi mặt, nhất là chuyện ăn...chơi. Rượu dường như chỉ dành cho giới Nho sĩ. Kẻ sĩ uống rượu là lúc họ thực-hành cái nhân-sinh-quan của họ với bốn chữ: “thề, chết, trốn, uống”. Họ thề vì tổ-quốc, chết cho chính-nghĩa, trốn khỏi bọn gian ác bất-lương và uống cùng bạn hiền, người tâm-giao.

Khi uống rượu vào, mỗi người thể-hiện một cá-tính khác nhau. Có người khi uống rượu vào cười to nói lớn, hát xướng, đọc thơ văn, kể chuyện vui, làm trò hoạt-náo, vui-vẻ với mọi người, làm như quên hết mọi chuyện chung-quanh họ cho dù họ có điều đang bực-bội. Có kẻ khi rượu vào hay gây-gỗ với người khác, hay sinh chuyện lôi-thôi, cãi lẫy với mọi người, về nhà hạch-sách vợ con, đập phá đồ-đạc. Họ như con nhím lúc giận phóng lông độc tứ-tung, ai không may thì “lãnh đủ”. Có người khác uống rượu vào trở nên trầm-tư mặc tưởng, ít nói biếng cười, giữ yên lặng, xem mọi việc chung-quanh họ như xa lạ. Có người khi có tí rượu thì thần-trí mới linh-hoạt, họ mới nói lên những lời tâm-huyết, phân-định cái hay cái phải họ biết mà lúc bình thường không thố-lộ hay chỉ nói ra trong một chừng-mực nào thôi. Với hạng này, người khác nhìn họ mỗi người một nhận-xét khác nhau: có người cho họ là một con người của chính-trị, người thì cho là quân-sự, người khác cho là người của văn-chương, kẻ cho là mẫu người kinh-tế, triết lý. Có rất nhiều người cho rằng uống ruợu ngà ngà say mới thú. Nhìn chung, khi có rượu vào, thường thì con người dễ thố-lộ những cái thật của họ mà những lúc khác họ không cho thấy.


4. Rượu với y khoa.

Trong y-khoa, xưa nay rượu cũng được dùng, tùy theo từng trường-hợp. Theo cách chiết-tự trong chữ Hán thì chữ y (thuốc) có chữ tửu (rượu) đứng trước. Trong cuốn “Những toa thuốc cổ-truyền danh-tiếng của Trung-hoa” có nói rượu chữa được bách bệnh, giúp khai-uất, hành-huyết, có chất ôn, dùng để tải thuốc, đả-thông khí-huyết. Ngày xưa, khi con người chưa phát-minh ra thuốc tê và thuốc mê, trong các ca mổ, người ta cho bệnh nhân uống rượu thật say để họ không còn cảm-giác đau-đớn. Theo Đông y, nếu uống rượu điều-độ cũng là điều tốt, bởi thế có câu:

“Bán dạ tam bôi tửu
Bình-minh sổ trản trà
Mỗi nhật cứ như thử
Lương y bất đáo gia”.

Cũng theo sách vở của nghề y Trung-hoa và Việt-nam xưa, trong ba điều kiêng-cữ có ảnh-hưởng xấu đến sức-khỏe thì rượu có một điều, đó là cữ uống rượu sớm. Ba điều kiêng là: “Trà vãn, tảo tửu, ngũ canh sắc” (uống trà khuya, uống rượu sáng sớm và “ăn nằm” lúc canh năm).

Về cách uống rượu của người Trung-hoa rất cầu-kỳ, họ chia ra 5 cách uống: độc ẩm, đối ẩm, cộng ẩm, quần ẩm và loạn ẩm. Người Việt-Nam ta không phân-định cách uống rành-rẽ như người Tàu nhưng nếu người uống rượu cần, thích rượu ngon thì cũng cần có bạn hiền cùng uống thì mới thêm vui, “tửu phùng tri-kỷ thiên bôi thiểu” mà! Riêng tại miền Nam Việt-Nam trước ngày mất nước, con cháu thần Lưu-Linh uống rượu theo nhiều kiểu. Họ còn đặt ra không biết bao luật-lệ riêng biệt. Nào là luật “vào ba ra bảy”, nào “chào bàn”, rồi “chúc sức khỏe”, rồi “mừng tái-ngộ”, hoặc “phùng tri kỷ” (hay làm quen), rồi còn “thưởng”, “phạt”... Dù được thưởng hay bị phạt đều như nhau, khác chăng là chữ được hay chữ bị, nghĩa là người uống đi đến cùng một kết quả: “ngoắc cần câu”.



5. Các nơi sản-xuất rượu và các loại rượu nổi tiếng.


Việt-Nam ta có nhiều nơi sản-xuất rượu nhưng chỉ 4 nơi có rượu danh tiếng nhất, đó là Gò-đen ở miền Nam, Bàu-đá ở Bình-định, Kim-Long ở Kẻ-diên thuộc Hải-lăng, Quảng-Trị và rượu ở làng Vân miền Bắc-Ninh. Ngoài bốn nơi trên còn có các loại rượu ngon nổi tiếng khác ở Long-Thành, Củ-Chi, Phụng-Hiệp (Cần-Thơ), Bắc-Hà (Lào-Kai), Nga-My (Hà-Tây), Nguyên-Xá (Thái-Bình), Trương-Xá (Hưng-Yên), Quảng-Xá (Thanh-Hóa),... Riêng về rượu Phụng-Hiệp, có ba loại chính là Tam-xà tửu, Ngũ-xà tửu và Thập-xà tửu.

Qua đến thời Việt-Nam xã nghĩa, những năm đầu, các “đỉnh cao trí-tuệ” điều-hành các nhà máy rượu “quốc-doanh” cất rượu bằng...mạt cưa. Thực-chất là các loại cồn, họ pha cồn vào một ít rượu khác để bán phân-phối cho dân nghèo. Nói đến các thứ dỏm mà con người dưới “chế độ mới xã-hội chủ-nghĩa” từng làm thôi thì đủ thứ: hột đu-đủ trộn giả làm hột tiêu, xác mía trộn chung cua lột,... Người dân nấu rượu bằng đủ thứ ngũ-cốc; muốn làm cho rượu trong để dễ bán, họ chấm vào rượu chút thuốc trừ sâu. Cán-bộ “nhà nước” và người giàu thì uống rượu “xịn”, những kẻ mua hàng quốc-doanh thì uống gì chả được, chết bớt đi cho nhẹ gánh nhà nước mà! Dân uống rượu thời xã nghĩa có một câu nói “để đời” về rượu đế: “đế… quốc nào “ta” cũng đánh thắng những đế… quốc doanh thì đầu hàng”. Ngoài đế quốc doanh, còn có đế “cuốc lủi” nữa.

Những loại rượu nổi tiếng của Trung-hoa là: rượu Trúc-Diệp-Thanh, rượu Mai-Quế-Lộ, rượu Mao-Đài, rượu Thấu-Bình-Hương, rượu Thiệu-Hưng Trạng-nguyên-Hồng, rượu Thiệu-Hưng Nữ-Nhi-Hồng, Bồ-Đào tửu, Hầu-Nhi tửu, Cao-Lương tửu, Ngũ-Tiên tửu, Phục-Đặc-Gia tửu, Bách-Thảo mỹ tửu. Riêng rượu Thấu-Bình-Hương (rượu thơm thấu ngoài bình) còn gọi là rượu Xuất Môn Tảo (nghĩa là mới uống vào thì ngọt như rượu nếp rồi một lúc ngã say) xuất-xứ tại trấn Trương-Thu, huyện Dương-Cốc, tỉnh Sơn-Đông, địa-danh nổi tiếng với giai-thoại Võ-Tòng đánh hổ trong truỵện Thủy-Hử. Rượu này được Vua Tống khen là “quí nhân giai tửu”. Ngày nay, Công-ty rượu Cảnh-Dương-Cương ở Dương-Cốc xuất-cảng rượu với danh hiệu Cảnh-Dương Trấn-Nhưỡng, là công-ty rượu nổi danh của Trung Cộng.

* Ở Tây phương có nhiều loại rượu nổi tiếng. Cognac, tên một loại rượu mạnh của Pháp (Mỹ gọi là Brandy) vang danh thiên-hạ (như Mai-Quế-lộ, Ngũ-Gia-bì của Tàu), lấy tên nơi cất rượu, ở miền Nam của Pháp gần biển Atlantic. Nguyên có một người lái buôn Hòa-Lan gốc Đức là Den Helkenwijk chuyên mua rượu của Pháp từ Cognac chở bằng thuyền sang Hòa-Lan bán. Mua bán một thời-gian, ông thấy lỗ vốn vì rượu chuyên chở quá cồng-kềnh, tốn công khuân vác. Chẳng lẽ bỏ nghề cha ông để lại, ông mới nghĩ làm cách nào để loại bớt nước từ trong rượu ra, chở về đến nơi hãy pha nước vào để bán. Do đó, ông nhờ một lò rượu chưng cách thủy dùm rượu cho mình, tiếng Hòa-Lan gọi là Brandewijin (nghĩa là burned-wine: đốt rượu). Đun rượu nóng đến 173oF (78.3oC) thì rượu chát bốc thành ethyl-alcohool. Hơi nóng được đông lạnh lại thành rượu mạnh. Chủ rượu và thợ cất uống thử ly rượu đầu tiên, cả hai “chổng gọng” cả đêm. Từ đó có rượu mạnh hiệu Cognac, do giai thoại nầy.

* Champagne là thứ rượu phổ-biến nhất, cũng phát-xuất từ nước Pháp, dịu nhẹ, thường dùng trong các buổi lễ, đám tiệc; do giáo-sư Dom Perinon sáng-chế vào thế-kỷ 17. Whisky, một loại rượu cất từ lúa mạch hay lúa mạch đen và các loại ngũ-cốc khác. Nhiều quốc-gia sản-xuất Whisky nhưng chỉ có 4 loại nổi tiếng, đó là Whisky Scotland, Whisky Irish, Whisky Mỹ và Whisky Canada, trong đó Whisky của Scotland nổi tiếng nhất có nhãn hiệu Johnnie Walker. Các đệ-tử lưu-linh Việt-Nam chúng ta ngày trước thường gọi V.V.S.O.P. (Very Very Superior Old Pale) là “ông già chống gậy” với hai loại: nhãn đỏ, được ủ trên 3 năm và nhãn đen được ủ trên 12 năm. Dân nhậu không lạ gì với tên V.V.S.O.P., chỉ cần “chơi” một ly là nghe mấy con ve sầu kêu trong bụng ngay. Nga nổi tiếng với rượu Vodka, Nhật-bản với rượu Saké, Anh với rượu Rhum.


6. Thi-nhân với rượu.

Rượu là một trong các nguồn cảm-hứng vô tận cho giới thi, văn, nghệ-sĩ. Rượu giúp họ tạo được những sáng-tác bất-hủ. Hơi men chếnh-choáng làm hưng-phấn tâm-thần, dễ tạo nguồn hứng cho thi-ca. Rượu đưa hồn thơ bay cao, giúp cho tâm-hồn con người bay ra ngoài cuộc sống, thoát khỏi hiện-thực, bước vào thế-giới của ảo-tưởng, chơi-vơi trong mơ-màng, tạo được cái đẹp hư-ảo, làm nên nguồn hưng-phấn cho sáng-tạo. Nguồn cảm-hứng là sự kết-hợp giữa rượu với và thi-ca, giữa lý-trí và thiên-nhiên, từ trạng-thái hưng-phấn kích-thích cảm-xúc nên tạo thành những tuyệt-tác bất-hủ cho đời.

* Lý Bạch, một thi-sĩ đời Đường ở Trung-hoa, được gọi là trích-tiên (tiên bị đày), một người có danh-vọng rất cao trên văn-đàn đương-thời (nhưng không được liệt vào Đường Tống bát đại gia: 8 nhà thơ lớn của đời Đường, Tống), được nhắc đến như một “thi-sĩ của rượu”. Người ta biết ông ta, từ lúc sinh thời cũng như đến cái chết có nhiều liên-quan đến rượu. Trong bài thơ Tương-tiến-tửu (hãy mời rượu), một bài thơ được liệt vào hạng “cổ kim tuyệt-xướng” có đoạn như sau:

Hội tu nhất ẩm tam bách bôi
Sầm Phu tử
Đan Khâu sinh
Tương tiến tửu
Bôi mạc đình


(Cạn ba trăm chén một lần say

Nào Sầm Phu tử
Nào bạn Đan Khâu
Chớ ngừng nâng chén
Ta hãy mời nhau)

Ông ta đã bao lần say để rồi trong lần say cuối cùng vào năm 762 đã gởi tính-mạng mình theo dòng nước. Trong cơn say, thấy bóng trăng phản-chiếu trên mặt nước sông Thái-Thạch, ông đưa tay với bắt nên té xuống sông và bị chết đuối. Lý Bạch đã từng nói lên quan-điểm của mình:

Hứng hàm lạc bút dao Ngũ nhạc (trong bài Giang thượng ngâm) nghĩa là: hứng lên trong lúc say, hạ bút rung động cả năm tòa núi Nhạc (Khúc ngâm trên sông).

* Với Đỗ Phủ, một thi-sĩ nổi tiếng khác của Trung-Hoa, trong một bài thơ dài nói lên tình bạn giữa ông với Lý Bạch, có những câu thơ sinh-động như sau:

Lý bạch nhất đấu thi bách thiên,
Trường an thị thượng tửu gia miên.
Thiên tử hô lai bất thướng thuyền,
Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
(Ẩm trung bát tiên ca)

Lý Bạch uống một đấu rượu làm trăm bài thơ,
Ngủ trong quán rượu nơi chợ Tràng An.
Được nhà vua gọi vẫn không chịu lên thuyền,
Lại còn bảo thần là tiên trong làng rượu.
(Bài ca tám vị tiên rượu)

Cốt cách thi-nhân của Đỗ Phủ là nghèo mà vẫn thơ túi với rượu bầu. Ông rất thích rượu, thường không có tiền trong túi nhưng được những người bán rượu có bụng lân-tài nên cho uống thiếu (giống như lính tráng “ghi sổ” ngày xưa) cho nên đi đến đâu ông cũng có những món “nợ rượu” vặt-vãnh. Người ta không biết Đỗ Thiếu-Lăng (Đỗ Phủ) trước khi chết đã trả hết nợ rượu mà ông đã thiếu hay chưa nhưng một điều chắc-chắn là Trung-hoa còn nợ ông món nợ văn-chương to lớn lắm.

* Vương Hàn, một thi-sĩ đời Đường, có làm bài Lương-Châu-Từ vào năm 713 cũng đề-cập đến rượu:

“Bồ-đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ-bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa-trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh-chiến kỷ nhân hồi”. (1)

* Đào Tiềm, một nhà thơ Trung-hoa, hầu hết trong thơ phú để lại cho hậu-thế đều đề-cập đến rượu. Trong hai mươi bài thơ có tựa đề Ẩm tửu, ông gởi tâm-sự của mình vào đó cho nhân-thế như những lời tự-tình. Tiêu Thống, người biên tập thơ và viết truyện Đào Tiềm nêu ý-kiến: “Có người nghĩ rằng thơ Đào Uyên Minh (Đào Tiềm) bài nào cũng có rượu. Tôi xem ý nhà thơ không phải ở rượu mà gởi vào rượu tâm-sự của mình”.

* Tô Đông Pha, một trong Đường Tống bát đại gia, trong một lần nồng độ rượu lên cao trong huyết-quản, ông đã lột được cái thần của một cơn dông trên Tây hồ trong bài thơ Vọng hồ lâu túy thư (say viết trên lầu Vọng-hồ) lưu lại như một tuyệt-tác trong kho-tàng văn-chương Trung-hoa.

* Rồi một thi-hào đời Tống nữa là Dương Vạn Lý, khi nửa thức nửa mơ, lúc nửa tỉnh nửa say đã cảm hứng thành thơ, có câu:


Tửu lực nhân chính tác miên,

Mộng trung đắc cú hốt tỉnh nhiên.


(Sức rượu lịm người khiến mơ màng

Trong cõi mộng làm thơ rồi bừng tỉnh)

Hai ông Cheng Win Fun và Hervé Collet cho biết 47 nhà thơ đời Đường và 4 nhà thơ lớn đời Tống đều có các thi-phẩm đề-cập đến rượu cùng với thú uống rượu. Thực-tế thì con số này còn nhiều hơn nữa.

Trong các áng cổ văn Trung-hoa, nhiều tác-phẩm có nêu ít nhiều sự-kiện liên-quan đến rượu.

* Chén rượu của Thái-tử Đan nước Yên tiễn biệt Kinh-Kha vào đất Tần là chén ly-bôi buồn thảm nhất. Khi Cao Tiệm Ly cất giọng sáo véo-von, Kinh-Kha gõ nhịp theo, hát:

“Tráng-sĩ một đi không trở lại
Giòng sông Dịch Thủy rẽ đôi nơi
Rượu nồng máu hận đầy vơi ấy
Tiếng trúc còn vang mãi với đời”.

* Tác-giả Thị Nại Am, trong truyện Thủy Hử, dựng nên một nhà sư bất-đắc-dĩ Lỗ Trí Thâm. Khi phải nương thân vào Ngũ Đài Sơn tự vì mang tội, nhiều lần ông trốn ra khỏi chùa uống rượu, ăn thịt chó. Lúc khật-khưởng trở về chùa trong cơn say, có lần ông còn nhét thịt chó vào miệng các nhà sư cũng như phá-phách chùa-chiền, không một ai cản ngăn được.

* Trong truyện Hán Sở tranh hùng có nói đến nhân-vật Khoái Kiệt người nước Tề, là một người đa mưu túc trí. Trong thời-gian Hán, Sở còn phân-tranh, họ Khoái là bộ-hạ của Hàn Tín, xui Hàn Tín đừng giúp Lưu Bang diệt nước Sở mà nên chiếm lấy nước Tề, Triệu, Yên; chia thiên-hạ làm thế ba chân vạc cùng Hán, Sở nhưng Hàn Tín không nghe. Khoái Kiệt sợ mang tội với Lưu Bang do những lời xúi-dục này nên ông ta giả điên, lang-thang đầu đường xó chợ, say-sưa ca hát:


“Ngựa qua cửa sổ,

Bóng thời-gian lố-nhố
Mùi phú-quý hôi tanh.
Đất thẳm trời xanh,
Say sưa ba chén rượu
Mậy trắng rợn xây thành,
Hỡi công danh, hỡi công-danh!
Đời đen như mực, dữ, lành ai hay?

Khi Lưu Bang thống-nhất giang-sơn, lần-lượt giết hại các công-thần trong đó có Hàn Tín. Trước khi chết, Hàn Tín tự than: vì không nghe lời Khoái Kiệt. Lời than này đến tai Lưu Bang, Lưu Bang hỏi thuộc-hạ Khoái Kiệt là ai. Khi thuộc-hạ cho hay, Lưu Bang ra lệnh bắt Khoái Kiệt. Khi diện-kiến cùng Lưu Bang, Khoái Kiệt khẳng-khái ứng đáp không vẻ sợ-sệt, được Lưu Bang tha tội, hứa phong chức cho nhưng Khoái Kiệt chỉ xin phục chức cho Hàn-Tín và cho Khoái-Kiệt nhận nắm xương tàn Hàn Tín về quê chôn cất cho trọn đạo mà thôi.

* Người ta còn truyền-tụng giai-thoại về Hoài Tố một nhà sư Trung-hoa vào thế-kỷ thứ 8. Ông được người đương thời tặng biệt hiệu là Túy Tăng (nhà sư say) vì ông ta uống rượu rất khỏe, về hai giai thoại.

- Tài liệu để lại không nói tại sao nhà sư lại dám “phạm giới-luật” uống rượu của nhà Phật nhưng chỉ nói đến giai-thoại về chữ viết của ông tuyệt đẹp và nói về điều ông thích rượu. Nhà nghèo, lúc còn bé ông phải nương-thân trong nhà chùa. Không có giấy, ông tập viết trên lá chuối. Lớn lên, chữ viết của ông đẹp, bay-bướm, nổi tiếng khắp nước, nhất là nhũng khi ông viết lúc say. Lúc cao hứng, ông viết ngay lên bất cứ đâu: tường nhà, áo quần, cột chùa,...

- Giai-thoại thứ nhì là việc ông ta chôn bút. Ông không bao giờ đem một cây bút cùn nào mà vất đi cả. Ông dùng đến khi nào không còn dùng được nữa mới đem bút đi chôn. Mỗi lần ông đem bút đi chôn với đầy đủ nghi-thức tang lễ thời đó: tự tay ông viết điếu văn, đọc kinh cầu-siêu, báo cho thân-nhân bạn bè biết ngày giờ chôn. Đào huyệt xong, ông quì xuống, đọc điếu văn xong đem đốt cùng với các bức trướng mà bạn-bè đem đến để phúng-điếu cho cây bút rồi mới lấp đất chôn cây bút. Hành-động của ông nói lên tấm lòng thiết-tha của người nghệ-sĩ thương tiếc vật hữu dụng của mình, xem nó như người bạn đồng-hành trên đường đi tìm chân-lý của nghệ-thuật. Ông ta có điên chăng? mỗi người đọc trong chúng ta cảm-nhận để tự có câu trả lời cho mình vậy.

* Trên văn-đàn nước Việt.

Nhiều thi-văn-sĩ Việt-nam cũng có duyên nợ với rượu. Chiêu Lỳ Phạm Thái, người có tấm lòng hoài-vọng nhà Lê, đã phải cạo đầu lánh vào chùa để tránh nhà Tây-Sơn truy-lùng. Ông đã lưu lại trong kho-tàng văn-chương Việt-Nam bài phú “Chiến tụng Tây hồ” bất-hủ để họa lại bài “Tụng Tây Hồ” của Nguyễn Huy Lượng. Khi hy-vọng khôi-phục nhà Lê của mình đã tiêu-tan, tiếp đến là sự tan-vỡ với mối tình cùng người đẹp tài-hoa Trương Quỳnh Như, ông ta chỉ còn biết tìm quên vào rượu. Dường như lúc nào ông cũng có rượu, và trong những cơn say, ông thường hay ngâm-nga bài thơ yết hậu nổi tiếng, còn lưu-truyền cho hậu-thế như một chứng-tích:

Say
Sống ở nhân-gian đánh chén nhè
Chết về âm-phủ cặp kè kè
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
- Be!

Đã quá say, đã lè-nhè mà còn hạ được tiếng “Be” (2) thì thật quả là tuyệt-diệu! Các nhà phê-bình văn-học nước ta đều công-nhận bài Chiến tụng Tây-hồ của họ Phạm hay hơn bài Tụng Tây hồ của họ Nguyễn về nhiều mặt.

* Tản-Đà Nguyễn Khắc Hiếu, khi đã chịu hết nỗi gánh nặng của đời, đã tìm vui trong rượu như một cách chạy trốn:

“Thê ngôn: túy tửu chân vô ích
Ngã dục tiêu sầu thả tự do”.


(Lời vợ rằng: say rượu thật vô ích,

Nhưng ta muốn tiêu sầu nên cứ uống).

Những lúc tỉnh-táo, ông lạc-quan hơn:


Rượu thơ mình lại với mình

Khi say quên cả cái hình phù-du.
Trăm năm thơ túi rượu vò,
Ngàn năm thi-sĩ, tửu đồ là ai?

* Nguyễn Công Trứ, khi hoạn-lộ chưa đến, cũng có duyên với rượu trong một giai-thoại. Một đêm Rằm nọ ông lảng-vảng ra miếu Long-thần. Thấy rượu cùng thức ăn dân chúng bày cúng tại đó, ông bèn lấy rượu thịt ra đánh chén, say đến độ bưng rượu dìa vào môi pho tượng Thần mời uống. Thấy pho tượng trơ-trơ, trong cơn say, ông tức giận bèn vật pho tượng ngã ngữa ra mà đổ rượu vào miệng rồi đánh pho tượng mấy cái tát mới chịu ra về. Sáng ra tỉnh rượu thấy hối-hận, ông bèn làm một bài thơ yết-hậu đem dán nơi cửa miếu, bài thơ như sau:

Đánh Long Thần
Hôm qua trời tối tới chơi đây
Đánh phải Long Thần mấy cẳng tay.
Khi tỉnh thì nào ai có dám
Say!

* Tam-nguyên Yên-Đổ Nguyễn Khuyến, một nhà khoa bảng, cũng có bài thơ loại liên-hoàn, được người đời xếp vào hạng “cù nhầy” sau đây:

Lúc say sưa
Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được,
Chừa được thì ông cũng chẳng chừa!

* Tiên-Điền Nguyễn Du cũng không thể thiếu rượu, còn quyết liệt hơn:

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi

(Lúc còn sống không uống cạn rượu trong chén,
Khi chết ai là người đem rượu rưới lên mộ mình).

* Theo tài liệu để lại, thời Gia-Long, Tiền quân Nguyễn văn Thành và Tả quân Lê văn Duyệt vốn không ưa nhau. Trong khi chuẩn-bị đánh thành Bình-Định, Tiền quân rót một ly rượu mời Tả quân: “Tả quân hãy uống chén rượu này cho ấm bụng”. Lê văn Duyệt vốn ghét ông, nên thẳng thừng từ chối: “Có nhát gan mới lạnh bụng chớ bụng tôi chẳng cần rượu vẫn ấm như thường”. Câu trả lời này làm cho Nguyễn Văn Thành càng giận Lê Văn Duyệt hơn. Từ đó, hai người chống đối nhau ra mặt. Sau này, Nguyễn văn Thành bị vua Gia-Long bức tử, người cứu-xét vụ này, theo lệnh vua Gia-Long, cũng là Tả Quân Lê văn Duyệt.

* Thi văn sĩ cận-đại cũng đề-cập đến thú uống rượu trong các văn thi văn phẩm của mình. Một Quang Dũng, người “lính tiền-phương” một mình đến quán bên đường mà chủ quán là người Hà-Nội tản cư đến, thèm một ly rượu:


Chị ơi ly rượu nhỏ

Rượu nhỏ một ly thôi
Đời lính kham lắm rồi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời.
Để rồi ông mơ-màng:
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ.

* Thi-sĩ Vũ Hoàng Chương cho rằng say rượu không phá được thành sầu mà chỉ làm cho trời đất ngữa nghiêng mà thôi nhưng ông vẫn tìm quên trong rượu. Trong bài thơ Say đi em, họ Vũ than-thở:

“Say, ừ say ...
Rót thêm ừ... rót thêm
Say đi em
Say cho trời đất nghiêng ngửa
Và thành sầu sụp đổ
. . . . . . . . .


Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió

Hãy thêm say, còn đó, rượu chờ ta ...”.

Ông ta đã uống, uống thật nhiều, và cảm nhận ra rằng:


“Đất trời nghiêng ngữa

Nhưng thành sầu không sụp đổ, em ơi!”.


* Rượu còn là một đề-tài bất-tận cho thơ văn bình-dân truyền-khẩu. Trong một bài vè dí-dõm nói về lượng rượu vào trong cơ-thể con người, được cụ-thể hóa như sau:

Một xị, khai-thông trí-hóa
Hai xị, giải-phá thành sầu
Ba xị, mũi chảy đầy râu
Bốn xị, đụng đâu nói đó
Năm xị, cho chó “ăn chè”
Sáu xị, ai nói nấy nghe
Bảy xị, làm xe lội nước
Tám xị, vợ rước về nhà
Chín xị, ông bà miễn chấp
Mười xị, chở gấp nhà thương
Mười một xị, Diêm vương “giũ sổ”.

* Một soạn giả cổ nhạc, trong một bài vọng-cổ hài-hước, có mượn lời một con cầy bị làm thịt, tấu với diêm-vương những lời cáo buộc những người uống rượu giết nó để làm mồi nhậu, có đoạn như sau:

“... Ở trên dương-gian, có mấy thằng ăn nhậu. Chúng bắt con đem nhận nước một hồi. Đến khi chết rồi thì ngoảnh cổ nhe răng...”.

Người ta bảo “Có thịt cầy phải có rượu”, hai thứ nầy lúc nào cũng đi cặp với nhau nên trong câu hát trên có đề cập cả hai.

Nhân nói đến thịt cầy, tưởng cũng nên ghi lại một phần bài “Văn tế Thần Cẩu” của Cử Tạ hầu cùng độc giả. Đây là bài văn tế duy-nhất, đặc-sắc nhất thuộc về loại văn-chương thi phú hài trong Việt-ngữ.

Văn tế Thần Cẩu


Phục dĩ,

Thần giả cư thiên giới chi cao,
Nhi bản đồng súc sinh chi loại.
Ở cõi u minh
Ai mà biết tới
. . . . .


Thị dĩ thiên cẩu thần quan giả:

Kỳ hình dung giả, tất phi thường mươn mướt chi lông;
Kỳ đức độ hề, hữu bất quá gầu gầu chi tiếng.
Hơi hám lẹ làng;
Hình thù xó ró.
Đói kiếm ăn đã hay đứng chàng ràng;
Lạnh vào bếp lại ưa ngồi chò hỏ.
Sắc đủ sắc, này đen này trắng, này đốm vện khoan vằn;
Tài ấy tài, nào chạy nào đi, nào chồm mừng cắn sủa.
Độ Thiên thai noi dấu cung Càn,
Đồ địa đạo nhờ hơi thuộc Thổ.
Nanh dài vuốt nhọn, kém gì đâu lão chúa sơn lâm.
Tai vểnh mình thon, phải lớn cũng thành vua súc vật.
Lẫm lẫm oai phong,
Đường đường tướng mạo.
Diệc hữu thời, đắc lưng cong hình thỏ chi sang;
Diệc hữu lúc, tắc đuôi uốn khúc rồng chi bảnh.
Tưởng kỳ lúc cẩu ở nhà hề:
Cơm thừa ấy xực, canh cặn ấy xơi,
Gặm xương quăng rau ráu phát sờn, nhưng tánh xấu vốn là không phải kẻ.
Tưởng kỳ lúc cẩu ban ngày hề:
Chạy cùng làng khắp đó khắp đây, sải bốn vó kém gì đâu ngựa ký;
Tưởng kỳ lúc cẩu ban đêm hề:
Rình kẻ trộm rất linh rất thính, thức năm canh ra sức giữ nhà người.
. . . . . . . 


Chùm xương thịt phách dõi lò than,

Sắc vện vàng hồn theo bãi gió.
Chỏng đơ đơ trợn mắt túm giò;
Nằm thiêm thiếp nhăn răng nhíu mỏ.
Nhiên khảo sách vở dĩ truy kỳ nguyên, tắc:
Giọng cười hề oăng oẳng;
Tiếng nói hề gâu gâu.
Thưở bình sinh trước đã ở nhà người Đạo Chính;
Cơn thịnh nộ từng làm rách áo cụ Đường Nghiêu.
Đã có trí biết kẻ giỏi người ngay;
Lại có nhân ở cùng nòi cùng giống.
Lại biết hy sinh để chiến đấu đến cùng, chẳng sợ gì hổ dữ lang tham;
Lại biết trung thành với chủ nhân rất mực, dầu phải bị đòn tươi roi nặng.
Gan thơm thịt béo, nghe chuyện kể, Diêm Vương cũng còn thèm;
Tiết sống máu tươi, tục truyền lại Thánh nhân cũng thích.
Đỗ nhị Công đời Đường, cũng nhờ cẩu mà giữ chức sơn vương;
Phàn tướng quân đời Hán, cũng nhờ cẩu mà làm nên sự nghiệp.


Cẩu hề, cẩu hề:



Phải sanh ở trời Âu đất Mỹ, có đâu bị riềng mẻ cho tai;

Nhưng mà ở con Lạc cháu Hồng, thế tất phải bếp lò chi phụng.
Song nay đã đến lúc thịnh rồi.

. . . . . . . .


Cẩu giã đắc:



Hơn loài người được cưỡi vệ tinh đi;

Laợm bao bao ạ trong giaÔ hoăng nhan cuờngaợ




Hựu kiến kỳ:



Tục dựa mận, thành Sài-gòn đã thấy cấm từ lâu;

Lệ tiết canh, cụ Đô trưởng đã khuyên rằng chớ có.
Ô hô I hi!


. . . . . .



Cố mỗ dĩ:

Thịt dư năm ba miếng;
Bánh cũ một vài khoanh.
Này bát nước canh thừa;
Này khúc xương rắn bỏ.


Kinh cẩu thần chi hữu linh hề!

Tắc giáng hạ nhi xực chi!
Để bảo cùng đồng chủng ở Âu, Á, Úc, Phi;
Cùng nhũ chư đồng loại ở Đông, Tây, Nam, Bắc.
Hãy cứ những kẻ gian mà cắn, hoặc ra tay cho lũ chúng năm nay;
Còn với các người ngay phải phù, chớ đừng chuyện nhe nanh như thưở trước
Bọn tham tàn khát máu, cẩu nhớ đừng tha;
Nơi chuyên chế độc tài, cẩu đừng nên ở.



Cẩu hề, cẩu hề:



Tại ngã Việt Nam chi quốc;

Còn ba-xi-đế chi phong.
Lại vùng ông Tạ nọ
Với đất Phú-de kia.
Như cẩu muốn mau mau hóa kiếp để làm ngợm làm người;
Hãy cứ nên chong chóng lăn mình vào ở trong ở đó.


Cẩu hề, cẩu hề:



Linh chi lai hề!

Cấp cấp như luật lệnh!
Dĩ tất cả mộc tồn chi chủng tộc;
Vi toàn thể nhân loại chi ômơ-nuyọ.



Ô hô! I hi!

Phục duy thượng hưởng
Cẩn cáo.


(Cử Tạ)



(Nguyên-đán Mậu-Tuất, 1958)


Vì giới-hạn bài của viết nên bài văn tế đặc-biệt này chưa đầy đủ. Nếu ai muốn có trọn bài xin liên-lạc với tác giả.

7. Những chuyện ngụ ngôn liên quan đến rượu.

Nhân đây xin ghi lại vài câu chuyện ngụ-ngôn nói về tác-động của rượu vào con người gọi là phần nào nói về chuyện rượu.

* Chuyện thứ nhất:

Thuở xưa, có anh chàng nọ muốn cất một nồi rượu, anh ta đem đặt bếp lò dưới một gốc cây cổ-thụ để nấu. Nấu cả buổi mà không có chút rượu nào chảy ra, anh bèn đi vấn kế người khác. Có một người khuyên anh ta phát hết cây mà đốt thế nào cũng có rượu. Nghe lời, anh ta chặt lùm cây để đun. Không ngờ nơi đây là chỗ trú của bốn giống thú: một con chim sáo, một con vẹt, một con cọp và một con heo rừng. Chiều về, con sáo về chỗ ngụ trước nhất, thấy mất chỗ ngủ đâm ra buồn nên phóng mình vào ngọn lửa đang cháy. Rồi con vẹt, con cọp, con heo rừng lần lượt đều lao vào ngọn lửa chết khi về chỗ trú ngụ của mình. Cứ mỗi lần có con vật chết, rượu chảy ra nhiều hơn. Anh ta thành-công, bèn đem rượu đi bán. Điều lạ lùng, rượu anh ta bán khi uống xong có các việc sau đây xảy ra: Uống chén đầu tiên, nói cười vui-vẻ, nói năng hoạt-bát như sáo. Uống chén thứ nhì, lượng rượu vào người nhiều hơn, lè-nhè, nói lặp đi lặp lại như giống vet. Chén thứ ba, hùng-khí trong người bốc lên, cảm thấy mạnh-bạo như cọp beo, thích khoe-khoang, ai đụng tới thì sẵn-sàng “tung chưởng” hay chống trả. Chén thứ tư, người uống cư-xử sai quấy, quá say đi đứng không được mà phải bò như loài heo.


* Câu chuyện thứ hai:

Một anh tiều-phu vào rừng đốn củi. Anh ta đốn nhằm cây có một hung thần trú ngụ. Tiếng chặt cây làm hung thần thức giấc, hiện lên đòi ăn thịt. Anh van xin với hung thần vì con mẹ già, vợ dại con thơ. Hung thần bèn bảo:

-“Ta có ba cách, cho nhà ngươi chọn một: thứ nhất là đánh mẹ ngươi, hai là giết vợ ngươi hoặc điều thứ ba là ngày nào cũng phải uống rượu”.

Anh ta suy nghĩ hồi lâu rồi chọn điều thứ ba. Anh ta được hung thần tha cho về. Về nhà, sợ lời thề với hung thần, ngày nào anh cũng uống rượu. Lâu ngày, anh đâm ra ghiền rượu. Những khi say, anh ta đánh vợ con, rồi trong một lần quá say, anh đánh mẹ rồi giết chết vợ.

Cả hai câu chuyện cho ta thấy phải biết điều-độ khi uống rượu, phải biết tửu lượng của mình, uống quá độ sẽ làm cho con người mình không còn đủ lý-trí để phân-biệt đâu là đúng, sai.


8. Các giai thoại về rượu.

Xin nói vài giai-thoại từ Đông sang Tây liên-quan đến rượu để bạn đọc thưởng lãm. Chuyện xảy ra ở đất nước “ông tổ XHCN” (Xếp hàng Cả Ngày) Nga-sô. Một nông-dân Nga cao niên, trong một lúc hứng chí, muốn mua một chai rượu Vodka để uống nên đến “cửa hàng nhà nước”. Ông ta xếp hàng 8 tiếng đồng-hồ trước cửa hàng thương-nghiệp thì hết giờ làm việc nhưng không mua được. Ba ngày xếp hàng như thế, đi không vẫn về không. Phẩn-uất quá, ông ta bèn phán một câu xanh rờn:

-“Mẹ kiếp! Đủ rồi! Tao sẽ lên thủ-đô Mạc-Tư Khoa khiếu nại với đồng-chí Chủ-tịch về việc nầy mới được”.

Rồi ông ta bầu cọ lên đường. Mấy hôm sau ông trở về. Người ta gặp ông, hỏi kết quả chuyến đi gặp Chủ-tịch ra thế nào. Ông tỏ vẻ chán-nản, lắc đầu trả lời:

-“Muốn gặp đồng-chí chủ-tịch, hàng còn dài gấp mấy lần tại hợp-tác-xã thương-nghiệp địa-phương. Chai rượu tợp mấy ngụm hết toi mà mất mấy ngày xếp hàng, thôi thì ráng đợi khi nào đất nước tiến lên“thiên-đường” như Đảng nói, tha-hồ mà uống, các đồng-chí ạ!”.

* Đến chuyện bên Tây, một nhóm ba người say rượu mang tội danh “ăn cắp xe-hơi đầu tiên” ở Pháp. Ông Léon Serpolet, một người thuộc hạt Sein của Pháp, là một trong những người hiếm-hoi có chiếc xe-hơi đầu tiên ở Pháp. Ông đã cùng ông Peugot, cũng là người Pháp chế ra chiếc xe-hơi chạy bằng hơi nước này vào năm 1889, chiếc xe mang tên Serpolette. Một chiều nọ ông lái xe đi “ăn cơm khách” tại nhà một người thân. Khi đang ăn, người nhà vào báo cho ông hay là xe ông đang bị ăn cắp. Thế là ông Serpolet chạy bộ theo kẻ gian đang lái xe mình. Chạy một đoạn, quá mệt, ông dự-định bỏ cuộc thì chiếc xe bất ngờ quay ngược lại 180 độ. Ông ta nhảy lên xe, cho xe ngừng lại. Thì ra có 3 đệ-tử của thần Lưu-Linh trên xe đang mất hồn mất vía vì không biết làm sao cho xe đứng lại. Ba người nầy, sau khi uống rượu đã ngà-ngà say, thấy chiếc xe lạ quá, leo lên ngồi thử chơi. Lũ trẻ con thấy thế, cùng nhau đẩy xe cho chạy. Chiếc xe phát nổ và cứ thế thẳng đường vèo tới, ngoài dự tính, họ không biết làm cách nào cho nó dừng lại. Khi ông Serpolette cho xe ngừng, họ hết lời cảm-tạ ông, coi ông là cứu-tinh của họ. Chủ xe được một phen cười ngất nên không kiện ba tên trộm “ngoài ý muốn” nầy.

* Chuyện Cộng hòa Latvia, với “Viện Hàn Lâm… bia". Mới đây, quốc gia nầy thành lập “Viện Hàn Lâm bia”, do vậy, họ tổ chức thi để tuyển “Viện sĩ”. Điều kiện phải trên 18 tuổi, bất luận nam nữ, phải vượt qua các kỳ sát hạch mới được công nhận chức viện sĩ. Thí sinh phải qua 3 vòng thi. Vòng 1, mỗi thí sinh phải uống 5 loại bia khác nhau, sau đó, ban giám khảo đưa 1 cốc bia, thí sinh uống xong phải đoán nó là loại nào trong 5 loại đã uống trước đó. Phải vượt qua vòng 1 mới đến vòng 2. Vòng 2 cũng như vậy nhưng đòi hỏi các thí sinh phải tỉnh táo hơn. Đến vòng 3, thí sinh phải phân biệt đến 40 loại bia khác nhau. Qua kỳ 3, được công nhận là Viện sĩ, nhận bằng đỏ, được quyền “uống bia xả láng mà không phải trả tiền”.

* Chuyện Ái-Nhĩ-Lan, một trong những quốc-gia tiêu-thụ nhiều rượu trên thế-giới, nam giới nước này uống rượu rất nhiều. Chuyện kể một ông quan tòa hay uống rượu, một hôm sau giờ làm việc, ông ta dự một bữa nhậu, say đến hoắc cần câu. Khi về đến nhà thì không còn biết gì nữa, nôn ra đầy áo quần rồi nằm quỵ và ngủ luôn tại cầu thang. Sáng hôm sau, để đở thẹn, ông ta “đổ tội” nôn ra áo quần của mình cho một tên “vô lại say sưa” nào đó trên xe buýt. Vợ ông ta quá biết về chồng mình nên chỉ cười. Ông ta biết vợ không tin lời mình, sáng ra, ông đến tòa làm việc, đến trưa, ông gọi điện thoại về cho vợ:

-“Bà biết không, thằng say tối hôm qua nôn vào áo quần tôi trên xe, hôm nay nó đến tòa. Tôi phạt 30 ngày tù cho nó biết thân”.

Bà vợ liền trả lời ông ta trên điện-thoại:

-“Ông ơi! ông nện cho nó thêm 30 ngày tù nữa đi. Nó “ị” cả vào quần ông nữa kìa!”.

* Sang chuyện ở Mỹ:

- Tại thành-phố Ames thuộc tiểu-bang Iowa, có một thời-gian, chính-quyền thành-phố này ban lệnh cấm: “đàn ông không được uống quá 3 ly bia hay rượu trong lúc đang nằm trên giường với người đàn bà hay đang ôm-ấp người đàn bà trong tay”. Nếu bất tuân là vi-phạm lệnh, sẽ bị cảnh-sát bắt. (Chẳng biết làm sao cảnh-sát biết được để bắt?).

- Một luật khác cũng được người ta gọi là luật tréo cẳng ngỗng liên-quan tới rượu. Francis Glancy, 41 tuổi, một cư dân của Pittsburgh, Pennsylvania, là người nghiện rượu, lúc nào không xỉn thì cũng say. Ông ta không có bằng lái xe-hơi nên đi lại bằng xe-đạp. Một hôm quá xỉn, đang đạp xe thì bị té bể mặt, gãy xương sườn, phải nằm bệnh-viện mấy ngày. Trước khi xuất viện, ông nhận được tin buồn, đó là luật chính-quyền vừa ban-hành: người đi xe-đạp hay lái xe-hơi đều phải chịu chung một luật lệ liên-quan đến rượu. Như vậy, nếu đi xe-đạp mà có nồng-độ rượu trong máu ngoài qui-định vẫn xem là vi-phạm luật. Trong trường-hợp của Glancy, phải chịu sự chi-phối của luật-lệ đã ban-hành. Như thế, ông ta phải chọn một trong hai cách, theo luật mới:


1- Ra tòa lãnh án và án này được ghi vào hồ-sơ cá-nhân.


2- Muốn tránh có hồ-sơ xấu, ông ta phải “chịu vào bệnh-viện theo chương-trình cai rượu. Sau đó, ông ta phải học lái xe, phải thi đậu bằng lái xe để rồi bị treo bằng lái một thời-gian theo luật định rồi được trả bằng lái và có thể lái xe-hơi để...đi nhậu”.

Và rồi Francis Glancy đã chọn trường-hợp thứ nhì. Người ta cho rằng đây là luật kỳ-quái vì buộc những người hay say-sưa lái xe-hơi gây tai-nạn cho người khác thay vì lái xe-đạp, nếu họ có quá say té nhào, chỉ người say chịu nạn một mình. Thật là chuyện Hoa-kỳ...cục!

* Nói chuyện rượu vòng quanh thế-giới, xin nêu hai quốc-gia có lệnh cấm rượu cho nên không có quán rượu: Saudi Arabia và Thụy-Điển.

- Saudi Arabia, một quốc-gia ở Trung Đông, tên nước là Al Mamkala al' Arabiya as Sa'udiya với diện-tích 865 ngàn dặm vuông, dân-số 19 triệu rưỡi người, với nguồn lợi chính là dầu-hỏa. Ngôn-ngữ dùng thường-xuyên là Arabic và Anh ngữ, theo đạo Islam 100%. Tại quốc-gia này, chính-quyền coi rượu là chất độc. Họ qui-định cấm uống rượu nơi công-cộng. Người say rượu bị giam 7 ngày, người buôn bán rượu bị giam 1 tháng. Nhân-viên quan-thuế xét kỹ hành-lý của du-khách nhập vào quốc-gia họ.

- Thụy-điển (Swenden) là một quốc-gia ở Bắc Ây có tên nước là Konungariket Sverige, rộng 173,800 dặm vuông với dân số khoảng 9 triệu người, nói tiếng Thụy-điển, đơn-vị tiền-tệ là đồng Krona. Thụy-điển có chính-sách cưỡng bách giáo-dục lớp 12 với 99% người dân biết chữ. Tại Thụy-điển không có quán rượu trên toàn quốc. Chỉ buổi tối, các nhà hàng mới được lệnh cung-ứng một lượng rượu nhưng rất ít. Muốn mua rượu phải có giấy phép đặc-biệt và mua ở những chỗ đã được định sẵn, có giấy phép được bán rượu của chính-phủ cấp. Cảnh-sát có quyền bắt giữ người say rượu. Nếu hàm-lượng rượu trong máu cao quá 1/1.000 thì bị đưa đi bệnh-viện cai nghiện rượu, điều-trị cưỡng-bức trong 3 tháng.


9. Lời kết.

Cuối cùng, nếu nói uống rượu để “phá thành sầu”, có lẽ hết thảy hơn 80 triệu dân Việt-Nam ở trong nước ngày nay (trừ vài triệu đảng viên Đảng Công-sản ra) sẽ thành bợm nhậu hết, nếu họ có đủ điều-kiện. Từ ngày họ được tròng cái gông “chủ-nghĩa Mác-Lê” lên đầu lên cổ dân Việt làm cho dân-tộc tiêu-điều, đau-thương, đói khổ đến độ cùng-cực, tạo nên một thành sầu to lớn ở họ, người dân nghèo chỉ mong sao cho đủ no - dù chỉ trong ba ngày Tết - mà không được thì lấy rượu đâu mà uống để giải-phá cái thành sầu chất-chứa trong họ đã quá nhiều từ hơn 25 năm qua. Nhiều lúc quá buồn, quá chán-nản, quá thất-vọng vì cái thiên-đường “xã-hơi chủ-nghĩa” mà Đảng Cộng-sản từng rêu-rao, họ mơ ước có “một chút... cũng đủ lãng quên đời!”. Nhưng có được chút rượu để uống, ước-mơ này cũng... xa-vời như cái “thiên-đuờng” mà họ đã và đang chán-chường vậy!



Lê Chánh Thiêm
California 2000



------------------------------------

Chú thích:

(1) Gởi đến độc giả ba bài dịch của bài Lương Châu Từ:

1. Bài hát Lương Châu
Rượu bồ-đào, chén dạ quang
Muốn say đàn đã rền vang dục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!
(Trần Trọng San).

2. The song of Diangchow.
The beautiful grape wine, the night-glittering cups
Drinking or not drinking, the horns summon you to mount.
Do not laugh if I am drunk on the sandy battlefield
From ancient times, how many warriors ever returned!
(Robert Payne)

3. Chanson de Leangtcheou.
Le beau vin de raisin dans la coupe phosphorescente
J'allais boire, mais le cistre des cavaliers me presse
Si je tombe, ivre, sur le sable, ne me riez pas
Combien, depuis les temps anciens, sont revenus de la guerre!
(Paul Demieville).



(2) Be là một trong các đồ đựng rượu.