có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 6 25, 2011

Chuyến trở về sau cùng



Người tài xế mở mắt nhìn lên kính xe, ánh nắng chói lòa chiếu từ trên mái nhà tôn xuống. Tiếng động buổi sáng rì rầm trong khu trại lính. Anh ta trở dậy, những khớp xương mỏi nhừ, với tay gấp chiếc màn nhỏ lại, mở cửa xe, ngồi trước tay lái. Một con gà đang thơ thẩn kiếm ăn trước mũi xe bỗng đập cánh vươn cao cổ gáy, tiếng gáy nhỏ và yếu, lạc lõng. Người tài xế xuống xe, với chiếc khăn mặt nhỏ bẩn thỉu vắt nơi tay lái xuống, nhìn quanh quất, anh tiến lại chiếc vòi nước nơi phía gần tường cao với những hàng dây thép bao phía dưới, chăng phía trên, anh ta bỏ đầu vào và mở nước cho nước chảy sối sả. Anh ta háp miệng lấy một ngụm nước đầy rồi ngửa cổ súc, tiếng nước kêu sục sục trong miệng trước khi anh ta nhổ mạnh nước ra xa. Lau mặt, vuốt tay lên mái tóc, anh ta trở lại leo lên lòng xe đánh thức người bạn đồng hành. Người lính nằm dài trên băng, quấn kín người bằng chiếc màn nhỏ, quần áo và giày vẫn còn ở trên người, chiếc mũ sắt và khẩu súng ở ngay bên cạnh.

- Dậy đi thôi.

Người lính nằm vùng dậy, dụi mắt nhìn chung quanh lơ đãng trong khi thu màn bỏ vào chiếc ba- lô. Người tài xế kéo ngay lại chiếc quốc kỳ xô lệch trên cỗ quan tài để giữa lòng xe, lá cờ ngắn không đủ che hết cỗ quan tài gỗ, đứng lên, người lính đu người nhảy xuống, chiếc quần vướng vào vòng hoa để bên kéo theo xuống, vòng hoa đã héo để phơi ra chiếc khung làm bằng dây kẽm gai, mấy bông hoa giấy đỏ, hoa dại trắng rơi vãi trên nền đất bột.

- Mẹ, vòng hoa bằng kẽm gai nữa.

Người tài xế ngồi yên trên băng ghế lấy gói thuốc ra rút một điếu châm hút. Người lính bỏ chiếc vòng hoa trở lên xe. Quà tặng của tiểu khu gởi cho người chết, mỗi lần có chiến sĩ hy sinh, nơi phòng tâm lý chiến lại có một công tác, lính được phái đi lấy về những thứ hoa tạp nhạp, bất cứ hoa gì và xúm nhau lại cố gắng làm lấy một vòng hoa tang , những hoa dại mọc trên những bờ tường, nơi hàng rào, mấy bông vạn thọ trong sân tiểu khu, mấy bông sứ trong sân ngôi chùa bỏ hoang ở ngài ven thị trấn. để có được một vòng hoa không phải là một công việc dễ dàng trong tỉnh lỵ nhỏ bé nghèo nàn.

- Đi chưa ?

Người lính đứng dưới sân hỏi lên. Người tài xế nhìn xuống khói thuốc thở ra trên hai lỗ mũi:

- Đi cho rồi, trưa có thể về tới nơi, để kiếm chút xăng nhớt đã chứ. Sao không táng nó trên đó cho rồi, chết là hết ,bày đặt làm gì.

- Đừng nói thế, nó nghe thấy nó buồn.

- Chết rồi còn biết buồn ?

- Sao lại không ?

- Thôi đi rửa mặt còn kiếm chút cà phê.

Người lính đi khỏi, người tài xế ngồi yên, chút sau anh ta lấy bao nhang thắp mấy nén cắm vào chiếc ống bơ để bên cạnh chiếc quan tài. Sinh hoạt trong tiểu khu đã rộn rịp hơn, người ra người vào mỗi lúc một đông, nơi khoảng trống phía gần cửa sổ xe cộ đã gần kín, một vài người đi ngang qua xe ngó lên rồi đi tiếp, mọi người như không chút ngạc nhiên với chiếc quan tài trong lòng xe. Người lính đã trở lại với gương mặt sáng sủa hơn. Người tài xế nhảy xuống xe. Hai người đi về phía câu lạc bộ, nơi đây ồn ào khác hẳn với không khí buổi tối hôm trước. Người tài xế gọi một tô hủ tiếu, người lính ngần ngừ một lúc rồi kêu một ly cà-phê sữa. Khi đứa nhỏ mang cà-phê và hủ tiếu lại, người lính giữ lấy vai đứa nhỏ :

- Đây có bán đế không nhỏ.

- Có

Đứa nhỏ nói nhanh và như còn đang cố gắng ghi nhớ những tiếng gọi khác đang vang lên.

- Đong cho một xị nghe.

Người lính đưa cho đức nhỏ cái chai không, đứa nhỏ chạy đi, người tài xế bẻ thêm bánh mì nhúng vào ăn chung với hủ tiếu, người lính nhẩn nha, chậm chạp uống từng ngụm nhỏ cà-phê trong khi hút từng hơi thuốc lá ngắn.

- Liệu chiều nay có xong không, kiếm không ra nhà thì chết bỏ đời đó nghe.

- Rỡn hoài, có địa chỉ đường hoàng, tao biết ấp đó mà.

- Ờ, cứ yên trí đi. Cái thằng chết rồi còn làm khổ thằng sống. Tao đã làm sẵn một chúc thư rồi, nếu chết là cứ việc đào một cái hố ngay bên cạnh mà bỏ xuống, khỏe không, rồi báo cho gia đình biết là được, mang về làm gì cho khổ, khóc mếu, tốn tiền bạc ma chay, mày nghĩ coi…

- Chuyện của mày thì khỏe rồi, còn của thằng khác thì mặc xác người ta.

Sinh hoạt chộn rộn chung quanh khiến câu chuyện có những ngắt quãng. Gõ chiếc muỗng vào thành tô, tiếng kêu lớn, đứa nhỏ tới mang theo xị đế, nó tính tiền nhanh chóng và thu dọn bàn cho những người khác. Ra khỏi câu lạc bộ, tới sân, người tài xế la lên :

- Xe đâu mất rồi.

Người lính nhìn quanh. Hai người rảo bước, khi ra tới ngoài mới thấy một toán lính đang cố gắng đẩy chiếc xe ra phía sau tiểu khu.

- Đẩy đi đâu vậy, bọn nó khùng hả ?

Khi tới nơi, một người lính la :

- Mấy cha nội đi đâu bỏ cái xác này cho ai đây. Sao không mang đi cho rồi.

- Đi đây.

Người tài xế nhẩn nha như không chút bận tâm tới những người chung quanh. Họ cho thấy một ông lớn sắp tới tiểu khu, cái xe để không phải chỗ nên được lệnh dời đi. Người lính ậm ừ:

- Tưởng ai tới đánh cắp chiếc quan tài thì bọn này đỡ quá.

- Đánh cắp để làm mắm à.

Người tài xế nổ máy, người lính ngồi phía sau cầm lấy súng lên tay, báng bỏ xuống sàn xe, đội mũ sắt lên đầu. Anh ta thấy những que hương cháy gần hết. Những lượng khói mờ nhạt loãng tan nhanh chóng vào không khí. Chiếc xe lùi lại rồi chạy trở ra cổng tiểu khu. Người lính gác bồng súng chào nghiêm chỉnh. Người lính ngồi trên xe mỉm cười, giơ tay vẫy thay một lời chào. Nắng sáng trên lá quốc kỳ, bầu trời trong, con đường lớn duy nhất của tỉnh lỵ, không có một bóng cây, những cột đèn, dây điện chạy dọc theo hai hè phố như hai bờ cao của một con kinh. Sinh hoạt nhạt nhẽo trong buổi sáng, đường vắng, xe chạy mỗi lúc một nhanh. Khi xe chạy tới đầu quốc lộ, người lính thấy đôi mí mắt như trĩu xuống với cơn buồn ngủ. Gió thổi mạnh làm mép lá quốc kỳ tung bay, những cây hương cháy nhanh hơn và gió không để lại một chút dấu vết của làn khói nhang nhẹ mỏng .

Bây giờ nó đã chết. Thật kỳ. Nó ít nói, nó không uống rượu. Ngồi với anh em, mọi người uống đế, uống bia, nó kêu một ly trà đá, một chai nước ngọt, mọi người biết ý nó rồi nên không bao giờ làm phiền nó nữa. Lúc trước, có những lần như thế, bạn bè ép nó, nó mỉm cười tỉnh bơ đứng lên đi khỏi. Có đứa nói kiếp trước nó chết vì rượu nên kiếp này ngửi thấy rượu đã thấy kinh hoàng. Có đứa nói : nó là ma rượu. Ai nói gì nó cũng nghe. Sau khi đi kích đêm, trên đường trở về, một phát súng bắn sẻ từ ngực trổ ra lưng ngã nằm xoài chết ngay trên mép cỏ xanh còn ướt sủng sương đêm. Đưa về tiểu khu nhập quan, người ta lục lọi tìm kiếm địa chỉ của nó trước khi đưa tiễn nó lên xe trở về. Nó như trăm nghìn những người khác ở trong cuộc chiến, đến tuổi động viên, theo lệnh gọi nhập ngũ và ra trận. Rồi chết. Xe chạy khỏi tiểu khu lúc hơn mười giờ, trời nắng đầy trên những ngọn cây, đáng lẽ có một tiểu đội đưa nó về nhưng tình hình không yên, chiếc xe chỉ có một người lính, một người tài xế. Từ trên cao nguyên, theo quốc lộ trở về, sẩm tối thì xe chạy được hai phần ba đường. người tài xế cho xe chạy tới tiểu khu, trình giấy xin ngủ tạm chờ sáng hôm sau đi nốt đoạn đường còn lại. Xe chạy mỗi lúc một nhanh hơn, người lính bỏ băng ghế, đi lên phía trên, ngồi xuống lòng xe, phía đầu quan tài, ngả lưng dựa vào khoảng ngăn của thùng xe với chỗ người tài xế ngồi. Cơn buồn ngủ ập đến.

Những trạm kiểm soát dọc đường buộc chiếc xe ngừng lại, người tài xế ngừng xe xuống trình giấy. Tới trạm trước khi xe chạy giữa khu rừng cao su để qua một cây cầu xi măng, người tài xế chợt nhìn lên xe và không thấy người lính. Anh ta đến bên, trèo lên, ngó vào, người lính ôm súng ngủ gật. Người tài xế mỉm cười. Người lính quân cảnh tò mò đi theo, trèo lên ngó vào,

- Ngủ vậy mà thằng chết nó dậy thì hết đường chạy.

Người lính mở mắt, đứng vội dậy, kéo lại mũ, cầm lấy súng.

- Sướng nhỉ.

Người lính không nói, đi trở ra phía ngoài ngồi nơi đầu băng ghế với vẻ nghiêm chỉnh.

- Mơ ngủ hay sao vậy, ngồi xuống đi, ngồi thế này có khi ăn đạn cho xem.

- Sao vậy ?

Người tài xế vừa hỏi vừa nhìn quân cảnh :

- Xe đang chạy mà nếu thấy có người vẫy tay xin quá giang thì đừng có ngừng lại nghe, phóng cho nhanh mà chạy dù cho có đứa nào đứng ra giữa đường cũng vậy. Hôm trước có mấy con bị đi ngủ…

Người quân cảnh cười cười vẻ thoải mái, không bận chút lo sợ. Người lính cười cười theo đưa một tay lên sờ ở gáy, ví dụ một viên đạn từ trong rừng nhắm vào đó. Người lính trở lại chỗ ngồi cũ. Người tài xế nói bâng quơ :

- Chết có số, đạn tránh người.

- Thiệt không bạn ?

Người quân cảnh vừa nói vừa vỗ tay lên vai người tài xế. Anh ta chỉ lên chiếc quan tài :

- Tên nào có phúc vậy ?

- Phúc nữa ?

- Sao không, biết mấy đứa không còn một miếng, như mắm…

- Nó đi kích về thị bị hạ.

- Thôi đi cho sớm chứ.

Người quân cảnh vỗ mạnh tay nơi vai người tài xế rồi bỏ trở vào trạm kiểm soát. Người tài xế đứng nơi lề đường tiểu tiện rồi trở lại xe, dáng vẻ thong dong. Con đường còn lại, cây cầu xi măng, những tên lạ mặt nào. Anh ta nhìn theo con đường thẳng tắp trước mặt. Ngồi ngay ngắn trước tay lái, người tài xế lấy bao thuốc châm một điếu hút, khói thuốc un đầy trong lòng xe. Người lính ngồi phía sau chừng như nóng ruột khi không thấy xe chạy. Anh ta đứng lên, ngoài người về phía trước nhìn vào chỗ người tài xế ngồi :

- Ngủ hả, chạy cho rồi còn cà rịch cà tàng chi nữa ?

Người tài xế cười nhe hai hàm răng vàng nghệ :

- Nghĩ ớn quá, lên đạn đi nghe.

- Sợ chết hả ?

- Tao sợ thằng nhỏ nó chết thêm lần nữa thì tội.

- Không đâu, bọn mình…

- Thôi đi cha, cho con sống với vợ con chứ…

Người tài xế mở máy, tiếng máy vang động không khí im lặng. Người lính trở lại chỗ ngồi nhìn khói đen oằn oại phía sau xe. Vòng hoa đã héo rũ, tất cả chỉ còn phơi ra những gai kẽm. Anh ta đứng lên cầm lấy vòng hoa vứt xuống đường, chiếc vòng lăn đi một quãng, những cánh lá, cánh hoa vung vãi trước khi chiếc vòng đổ xuống nằm trên mặt đường.

Người tài xế mở hết tốc độ, chiếc xe chạy nhanh trên quốc lộ vắng. Người lính ngồi dựa lưng không yên phải nhích lưng ra và một tay giữ lấy thành xe. Khi mặt trời lên giữa đầu thì chiếc xe vào tới thị trấn để dừng lại. Ghé đồn quân cảnh, trình sự vụ lệnh, gửi chiếc xe để đi ăn cơm trưa nơi một quán bên đường. người lính, người tài xế đều mang theo súng, ba lô, mũ sắt, dáng vẻ yên tâm, mỗi người mỗi đĩa cơm, người tài xế kêu một chai bia lớn uống chung. Uống hết người lính lêu thêm một chi nữa :

- Khỏe rồi, uống cho phấn khởi.

Người lính cười. Người tài xế không nói cắm cúi ăn. Buổi trưa nóng bức, con đường đầy nghẹt xe cộ, khói và bụi mù mịt. Trong mắt nhìn, có lúc người lính thấy như lửa bật cháy và những hình người lay động yếu ớt, có lúc cong đi lung linh trong nắng lửa.

- Nắng thế này chắc nó trương lên rồi.

- Mới ba ngày ăn thua gì.

- Thôi đi, nắng thế này mà nói, có khi hơi nó phá vỡ quan tài cho mà xem.

- Bày đặt, hồi năm trước có lần tao chở tám thằng trên một xe, biết không, chết từ một tuần trước, thế mà chẳng sao hết. nước vàng chảy rỉ rả, có mùi, làm tao ăn không được nôn mửa một tuần, thế mà người ta vẫn ôm lấy mà lăn lộn khóc, ruột thịt đau đớn chừng đó, người ta chẳng biết kinh sợ nữa. Thằng này chết vậy là có phúc lắm. một mình một ngựa trở về thảnh thơi… Chỉ khổ cho người sống. Cái số mình như phải đóng mãi vai trò của tử thần.

- Cái gì ? Mình là tử thần ?

- Ờ rồi coi, tao biết quá rồi. Tao vốn ớn cái trò mang quan tài về nhà, báo tin người chết… Mày tưởng tượng thử coi…

- Chết thì mang về chứ có sao, họ phải cảm ơn mình chứ.

Người tài xế cười ngất.

- Mày là cái thứ gì không biết. Nhà người ta đang vui vẻ bỗng nhiên mình đưa đến một xác chết,hoặc đến báo tin một người chết. Như vậy không còn là tử thần à. Lúc gặp người ta cười nói, nghe mình nói xong người ta khóc mếu kêu gào, vậy mà thú vị lắm sao ?

Người lính uống cạn ly bia rồi nhìn bạn :

- Ừ nhỉ, nếu bây giờ mình đang ở trong nhà, cười nói, có người tới báo tin em mình vừa chết, xác để trên xe… không được, không được…

Vừa nói vừa lắc đầu, người tài xế đập tay lên đầu người bạn :

- Say rồi hả.

- Đâu có, mình thiệt ngu.

Trở lại đồn quân cảnh, người lính và bạn ngồi lên phía trước. Trưa nắng mỗi lúc một khó chịu :

- Đi chưa ?

Người lính hỏi bạn, giọng ngái ngủ mệt nhọc, nói hết câu anh ta đã nhắm mắt lại :

- Trưa thế này vào nhà người ta kỳ. Thôi cho họ ngủ trưa đi đã.

Người tài xế xuống xe, đóng cửa lại, anh ta đi về phía sau nhìn màu lá quốc kỳ rực rỡ dưới ánh nắng. Anh ta di vào hiên nhà, nơi chỗ ghế dài chừng như dành cho những người ngồi đợi, anh ta bỏ khuy áo, ngả người nằm xuống.

Khi nghe tiếng còi xe vang bên tai, người tài xế trở dậy thì nắng đã hơi nghiêng xuống. Người lính ngồi trên xe giơ tay vẫy bạn. Người tài xế sửa lại quần áo trở lại ngồi trước tay lái :

- Định giữ của thêm đến bao giờ đây.

- Mệt quá, ngủ như chết. Thôi đi.

Người lính trở lại sau xe, nhảy lên, đội mũ sắt, cầm súng, ngồi ngay ngắn. Xe ra khỏi đồn chạy vào đường phố. Chạy một quãng ngắn, người tài xế ghé vào lề đường, đứng lên nói với người bạn :

- Đưa cái địa chỉ đây.

Người lính mở túi lấy ra một chiếc phong bì màu nâu trao cho người tài xế.

- Chạy hết đường này đi, tới chỗ ngã tư quẹo tay mặt.

- Làm như là thổ công không bằng.

- Chứ sao. Nhớ là phải đi hết khu nghĩa địa rồi mới tới xóm này. Chà, cái ấp này nhà cửa cũng lộn tùng phèo ghê lắm…

Người tài xế không nói, trở lại với tay lái, chuyến xe chạy theo con đường lớn ven đô. Những nhà cửa hai bên không đều, có những khu mới tân trang sầm uất, có những khu còn nguyên vẹn khung cảnh của một vùng ngoại ô, nhà thấp, mái ngói, một vài khóm tre, những tàn vú sữa, những chiếc sân đất và những hàng rào cây xanh thấp. Xe tới ngã tư thứ nhất, người tài xế cho xe quẹo. Con đường rộng, hai bên trơ trụi những mái nhà tôn thấp, không có lề đường, chạy một quãng thì qua khu nghĩa địa, một khoảng dài không có nhà cửa cho thấy hình ảnh khu vực ngoại ô. Khi tới đầu khu dân cư thì người tài xế ngừng xe lại, tắt máy, mở cửa xe bước xuống, anh ta ngó lên người bạn đồng hành đang đứng tì tay nơi thành xe :

- Xóm này đây.

- Đi chút nữa đi, tới con ngõ lớn vào trong, chắc là ở trong chứ không phải ở ngoài này.

Người tài xế lên xe cho chạy chậm, tay giữ vòng lái, mắt nhìn vào tấm biển số nhà. Tới đầu con ngõ đưa vào xóm thì xe ngừng lại. Người tài xế nhìn vào tấm bảng treo chi chít nơi chiếc cột cổng, đó là những biển quảng cáo, lời rao bán nhà, những mũi tên chỉ cho thấy những địa chỉ ở phía trong. Một vài người trong quán cóc đầu ngõ chỉ trỏ chiếc quan tài, mấy đứa nhỏ chạy ra, có đứa nghịch leo lên bánh xe, người lính phải la lớn đuổi chúng nhưng chúng vẫn bu quanh.

Khi người tài xế bước vào quán cóc thì những người ngồi bỗng nhiên im lặng hết, ai cũng nhìn lên như chờ đợi điều gì. Người lính ngại ngần đứng lại gần một người đàn ông đứng tuổi :

- Thưa bác có phải đây là ấp Tây Nhứt không ạ…

- Phải, ấp Tây Nhứt…

Con cái nhà nào đây, mọi người chung quanh bu lại, một người đàn bà nói giọng lo âu :

- Con cái nhà ai đây ?

- Dạ Nguyễn Văn T.

- Nguyễn Văn T nào cà ?

Mọi người lặng im như cố nhớ tên một người nào đó của gia đình, quen biết hiện đi xa.

- Nhà số mấy ?

Một người đàn bà ngồi phía trong hỏi vọng ra giọng khô. Người lính vừa nhìn vào tờ giấy vừa đọc :

- Số 131 trên 32.

- Thế thì xóm trên kia, đây là hẻm 30. Anh làm tôi hết hồn, thằng con tôi đi hơn tháng nay không có tin tức gì.

Người đàn ông thở ra :

- Anh làm tôi nghẹt thở, thằng Hai nhà tôi nó mới viết thư về nói đánh hoài không về phép được.

Không khí trong quán cóc bỗng trở lại vui vẻ, mọi người nói chuyện trở lại, câu chuyện quanh những người đi xa, những liên hệ và tỏ vẻ tội nghiệp cho gia đình nào là thân nhân của kẻ xấu số đang nằm kia. Mọi người cũng nhắc đi nhắc lại số nhà như cố gắng nhớ xem mình có liên hệ gì với con số đó. Người lính sau khi hỏi han về địa chỉ trở lại xe. Khi đứng ở đầu ngõ anh thấy những con mắt ngó nhìn. Có gia đình nào ngày nay không có con em trong quân đội. Có gia đình nào trong suốt mười năm nay không có những cái tang đau đớn. Hôm nào mình cũng ngã xuống, người lính bắt đầu bước lên xe, mở máy cho xe chạy về phía trước. Xe chạy khoảng hơn trăm thước thì tới đầu con ngõ lớn, con số 32 trên tấm bảng lớn treo cao. Người tài xế cho xe chạy vào, những người hai bên gõ thấy chiếc xe chở quan tài thì ra cửa đứng nhìn, những cánh tay giơ lên chỉ trỏ, người lính nhìn một bên, người tài xế nhìn một bên tìm kiếm một con số. Đi được một khoảng thì xe phải ngừng, một ngôi nhà đang xây cất chất đầy gạch nơi đường hẻm khiến xe không đi được. Người tài xế đứng lên cao ngó lại người lính phía sau :

- Xuống tìm chút đi, ngõ này rồi, xe không vào được.

Người lính nhảy xuống xe nhìn ngơ ngác hai bên đường. Một số người đã bu đến xe hỏi thăm người tài xế. Không khí im lặng, đe dọa như bỗng nhiên ập xuống con ngõ. Những mắt nhìn lo âu. Ai đó anh ? Những tiếng nhắc lại một tên người ghi trên tờ giấy. Những thở ra nhẹ nhõm. Người lính đã đi vào tới sâu trong ngõ. Người tài xế chợt nhận ra cánh tay vẫy của người bạn.

- Thấy rồi.

Người tài xế như nói với riêng mình. Thấy rồi, cả một gánh nặng như được trút xuống khỏi vai. Anh ta xuống xe đi lại phía người bạn.

- Người đàn ông mặc chiếc quần cụt, áo mai-ô cáu bẩn đứng nơi cửa chờ đợi người tài xế. người lính nói :

- Đưa giấy coi nào, đúng số nhà này phải không ?

Người tài xế vừa mở giấy vừa nhìn lên tấm bảng ghi số nhà :

- Đúng rồi, 131/32.

Từ trong nhà một người đàn bà, một cô gái chạy ra với vẻ kinh hoàng. Người đàn bà hỏi :

- Gì vậy ông ? Thằng Út hả.

- Út chết sao ba ?

Mắt người con gái và người đàn bà đỏ lên như sắp khóc.

- Không phải, đây là con của ông chủ nhà trước.

- Trời ơi, tôi tưởng…

Người đàn bà phác một vẻ mặt thoát nạn, người đàn ông nói giọng trầm tĩnh trước sự chờ đợi của hai người lính :

- Đúng số nhà đấy, nhưng nhà này người ta đi chỗ khác rồi, mới được hơn tháng. Tội chưa, ông ta có hai người con, đứa trước bị gãy chân, đứa này chết nữa…

- Bác có biết ông ta đi ở đâu không ?

- Không, chúng tôi mới mua nhà này.

Người tài xế nhìn bạn :

- Làm sao đây ?

Người lính vẻ chán nản hiện ra, không nói năng anh ta đi trở ra khỏi ngõ, những người chung quanh ngó ngàng. Người tài xế cầm sắp giấy tờ đi theo ra. Trong con hẻm chưa lúc nào đông người như lúc đó, họ tụm lại bàn tán với nhau, có người tới gần xe nhìn lên cỗ quan tài phủ lá quốc kỳ với màu sắc rực rỡ. Người tài xế đứng nơi đầu xe nhìn người bạn đồng hành :

- Thật tổ chác, cái thằng chết tiệt này nó hành mình. Làm sao đây ?

Người lính nói :

- Thì tìm chứ làm sao ?

- Tìm ở đâu ?

Người lính không nói thêm, anh ta trèo lên xe thò tay lấy xị đế để ở dưới chỗ ngồi mở ra tu một hơi dài…

Người tài xế văng tục một mình, lấy bao thuốc ra châm hút, lúc sau anh ta trở lên chỗ ngồi mở máy cho xe lùi ra khỏi ngõ, hai bên hẻm nhiều người vẫn tụ tập, đám trẻ bám quanh xe khiến người tài xế phải bấm còi liên hồi… Uống hết xị đế người lính đứng lên vứt vỏ chai không xuống đường, tiếng vỡ khô sắc...Xe đã ra khỏi con ngõ, đậu sát vào lề, người tài xế mở cửa nói về phía sau :

- Bây giờ làm sao ?

Người lính nói lớn :

- Muốn sao thì muốn, không biết.

Người tài xế văng tục, nhìn bạn hơi mỉm cười :

- Kiếm chỗ nào cho họ vùi cả bọn cho xong....


Dương Nghiễm Mậu
(1972)

(Trong tập truyện "Trời cao đất dầy")