có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 5 12, 2011

Một bài thơ cho Bidong


Pulau Bidong 1981 – Tranh La Toàn Vinh

Bidong sáng nay thức giấc thật sớm. Nắng chưa lên đảo đã rộn ràng. Trời mới vừa tờ mờ sáng là anh em chúng tôi đã sắp xếp thu gọn đâu vào đó, xong xuôi lục tục tay xách tay mang, ríu rít kéo nhau về phía cầu tàu. Hôm nay là ngày tôi rời đảo, cái ngày trọng đại mà người tỵ nạn Việt Nam nào cũng ước ao mong đợi. Như con chim bị nhốt chặt trong lồng sắp được đem đi thả, tôi nhìn khoảng trời cao biển rộng, cảm thấy như hai chưn sắp mọc cánh. Những vật dụng không cần thiết được bỏ lại bớt, tôi cầm cái xách tay nhỏ nhẹ thênh thênh, lòng đầy tràn niềm vui háo hức. Mùi muối biển mặn nồng lẫn trong không khí trong lành khiến tôi sảng khoái. Con đường cát trắng ven theo mé biển để ra cầu tàu, đẹp đẽ dễ thương hết sức. Mà đâu phải Bidong sáng nay, chỉ có con đường nầy dễ thương. Bidong còn có những núi đá chênh vênh hùng vĩ, những rừng cây cao san sát, những tàn dừa xanh mát, những nhánh bàng gie như chiếc dù, những dãy lều chen chúc, những đợt sóng nhấp nhô, những đám mây trôi xô dạt…. Bidong trong tôi còn có anh chị Tư Trần Hưng Đạo, Dân, Cương thủy thủ, Dân gì đó, Út Trung, Sơn, Quách Linh Họat, anh chị Thuần, chị Kiều, chị Huệ, Tô Tỷ, Hủ Tiếu, Xám Mã Chải, … tất cả đều rất dễ thương.

Tôi ngoái mắt nhìn lại lần cuối cái lều cheo leo tôi đã nương tựa trong những ngày qua. Lều nằm khuất trong con hẻm hẹp té. Một dải nước dơ xanh mốc rong rêu chảy len dưới cầu thang. Đống củi vụn lượm trên núi mấy tuần trước xài còn phân nửa, bấy nhiêu đó chắc cũng đủ cho Chiêu dùng để chờ cho tới ngày được đi Mỹ. Một chiều nào tôi đến, rồi để sáng nầy tôi đi! Trong niềm vui sướng, bất chợt tôi bịn rịn ngậm ngùi. Chiêu đi sát bên tôi, tay ôm dùm một gói nhỏ, nói:

-Em ở lại có một mình, điệu nầy phải năn nỉ Sơn hay Út Trung đến ở chung cho vui.

Tôi nghe nói cảm động:

-Nhưng Sơn có bồ rồi, không dễ gì rủ hắn, Út Trung thì chắc được… Ở đây có một mình buồn lắm!

Chiêu vốn ít nói nếu không có bạn bè đông vui thì cái lều nầy chắc trở thành cái chùa! Nó thiệt xui, hôm phái đoàn Canada phỏng vấn, trả lời trật vuột sao đó nên bị xù, đành phải chờ để đợi phái đoàn Mỹ, nếu may mắn được nhận thì sớm lắm cũng phải năm, bảy tháng nữa mới rời đảo được. Tôi đề nghị:

-Hay là em kiếm người, bán cái lều kiếm chút đỉnh tiền xài đỡ qua ngày… rồi dọn hết qua bên Út Trung, ở chung cho có bạn?

Chiêu trầm ngâm một hồi, rồi nói:

-Anh tính vậy cũng được, để thủng thỉnh em lo…

Nó trả lời, giọng buồn buồn. Tôi nhìn thấy cặp mắt hấp háy sau mặt kiếng dầy cộm. Đầu cúi xuống, nó lẳng lặng đi không nói tiếng nào. Buổi sáng nước thủy triều dâng cao, những lượn sóng lớn đánh tràn lên gần sât bờ đất, làm ướt đẫm làn cát trắng phẳng lì, xóa hết những dấu vết rác rưởi của ngày qua. Giờ nầy khu chợ trời còn vắng tanh, không khí im mát nhờ chút hơi lạnh ban đêm còn sót lại. Mấy đứa em vui mừng trò chuyện líu lo như chim, tiếng bước chưn hối hả nghe rào rào trên mặt đường. Tụi nhỏ đi lẹ quá, tôi và Chiêu bị lọt tuất ra đàng sau.

Nơi làm thủ tục rồi đảo ở bên hông trạm cảnh sát Mã Lai, cạnh cầu tàu. Có vài cái bàn được kê dưới tàn dừa, dùng để dò danh sách và kiểm sóat giấy tờ người đi. Mới giờ nầy mà người ta đông nghẹt. Mọi người đứng bên nhau trò chuyện nhắn gởi, dặn dò, tạo thành một hoạt cảnh rộn ràng. Tôi gặp lại hầu hết những bộ mặt thân yêu cùng đi chung chiếc BL 1648, họ vây quanh từ giã. Trong niềm vui của một hy vọng mới tinh khôi có xen lẫn nỗi sầu ly biệt. Cho nên trên những khuôn mặt quen thuộc, tôi thoáng thấy nét u ám ngậm ngùi. Chị Kiều bồng bé Xuân Lan tứ xa, tất tả chạy lại đưa tặng Duyên mấy gói mì Cary Koka để dành ăn đi đường. Chị Tư Trần Hưng Đạo cho Bi hai trái bôm. Út Trung đưa hai mươi đồng nhờ đánh điện tín cho một người bà con ở Longueuil Québec. Trong túi áo, túi quần tôi đầy nhóc thư từ của bạn bè nhờ gởi dùm cho thân nhân.

Chị Điệp dẫn Trung, Dung cũng vừa tới. Bữa nay Trung bận áo đàng hoàng, cũng đã hết sún răng. Lúc anh tôi bị bắt, tụi nó còn nhỏ xíu làm sao nhớ được, biết bao giờ cha con mới gặp lại nhau. Nhớ ngày nào mới đây, cha mẹ, anh em, vợ con, quây quần xum họp đông vui, chỉ một phút đất nước đổi thay, tất cả đều tan biến hết, kẻ góc biển người chưn mây, không ai biết được tương lai như thế nào!

Tôi cúi xuống ôm lấy hai đứa nhỏ dặn dò:

-Chú Tư với Bi đi Canada, hai con với mẹ ở lại, mai mốt qua Mỹ với dì Tư.. Ở đảo con phải cẩn thận nghe hôn, không được đi chơi xa, leo trèo trên rừng trên núi, khi nào đi tắm ngoài biển thì phải đi chung với mẹ hoặc cậu Bích…

Thằng nhỏ đã hiểu được cuộc chia tay sắp xảy ra ngoan ngoãn gật đầu, đứng im mặt buồn hiu, khác hẳn thường lệ. Đến giây phút nầy tôi đâm hối hạn, tại sao lại xin đi Canada để phải xa cách hết thân nhân bạn bè như vậy. Chị Điệp, vợ chồng Bích, anh chị Tư Trần Hưng Đạo, anh chị Thuần, vợ chồng Quách Linh Hoạt, Sơn, Út Trung, Tô Tỷ, Xám Mã Chải, vợ chồng Liêu Thạnh… tất cả đều kiên nhẫn chờ đợi để được đi Mỹ. Phải chi tôi cũng xin đi Mỹ! Nếu được nhận thì một ngày nào đó rời đảo cả đám, vui biết bao nhiêu! Cảnh kẻ ở người đi, lúc nào cũng buồn! Ở đời có nhiều việc xảy ra bất ngờ, mình không thể thấy trước. Hơn nữa nhiều khi, cách tôi giải quyết vấn đề cũng thường… không giống ai! Vì vậy mà cứ hết hối tiếc nầy đến hối tiếc khác, hèn chi cả một đời lận đận!

Cuộc điểm danh đã hoàn tất. Dòng người lũ lượt di chuyển dọc theo bờ cát đầy rác rến để ra cầu tàu. Thân nhân cùng bạn bè cố chen lấn đi theo một đoạn đường dài để nắm nuối tiễn đưa. Có xa cách mới biết quí những lúc gần nhau. Hàng dừa đứng lặng lẽ, những tàu lá xanh mướt lao xao trong gió như muốn từ biệt lần chót những thuyền nhân may mắn. Cảnh Bidong sáng nay khác hẳn bến Tầm Dương hiu hắt hơi thu ngàn năm trước. Ở đây chỉ có nắng và gió, không dễ gì kiếm cho ra được -phong diệp địch hoa, thu sắt sắt*, vậy mà tôi cứ nghe tê tái bồi hồi trong từng bước đi!

Bây giờ, vây quanh tôi là những người bạn một thời gắn bó, gặp nhau trong cảnh lận đận quay cuồng, rồi tất cả sẽ phân tán ra bốn hướng như những cánh chim bay. Cảnh biệt ly thì dầu hoàn cảnh nào cũng đều đứt ruột! Biết rằng giây phút thật sự xa nhau sắp bắt đầu, tôi cố ngoái lại nhìn thật kỹ lần chót những khuôn mặt bạn bè thân thương, những người bạn đã một thời sát cánh cùng nhau chia xẻ những gian lao lẫn ngọt bùi ở miền đất lạ. Tuy biết trước sau gì cũng mỗi người mỗi ngả, nào ngờ phút giây chia tay lại đến quá sớm. Tôi nắm chặt lấy tay anh Tư Trần Hưng Đạo định nói câu từ giã, nào ngờ cái cảm xúc dâng lên như một luồng điện mạnh chạy khắp châu thân, tự dưng tôi run rẩy nghẹn ngào:

-Anh Tư… tụi mình đành phải xa nhau rồi!

Tôi ngước nhìn mặt Tư Máy cày, thấy mờ mờ, không rõ hình thù gì cả. Nước mắt đã ứa, chực trào ra khóe. Tôi cố gắng nín thở để dằn cơn xúc động. Không, tôi không khóc, không thể khóc giữa đám đông như đứa con nít. Tôi là người lớn mà. Tôi làm bộ ngước nhìn đọt dừa, cố nuốt dòng lệ nghẹn ở cổ cho chạy ngược vô trong. Xung quanh đã có tiếng đàn bà khóc. Những câu mếu máo giã từ, những lời tiễn đưa nhau nhiều nước mắt. Tư Trần Hưng Đạo cũng cảm động nói:

-Chú thím qua bển… mạnh giỏi!

Út Trung cùng Sơn buớc theo dặn dò:

-Ông thầy nhớ gởi thơ về cho tụi nầy…

Tôi không thể nói thêm được tiếng nào nữa hết, đành nhìn hai bạn mà gật đầu. Hình ảnh những đọan đường đã trải qua chợt biến chợt hiện, những ngày chờ đợi ở Bạc Liêu, đêm giã từ Cà Mau, cảnh đói khát ở Kapas. cuộc sống gian khổ ở Bidong… tất cả cùng chung kỷ niệm, cùng chung sống chết. Vậy mà giờ đây tôi được sung sướng, còn các bạn ở lại, tiếp tục kéo lê chuỗi ngày gian khổ. Tôi còn lòng dạ nào nghĩ tới niềm vui sẽ tới. Rồi đây các bạn ở lại Bidong sẽ như thế nào? Quách Linh Hoạt còn còng lưng vác những thùng hàng nặng nề vượt qua những vách đá cheo leo trong đêm hôm khuya khoắc bao lâu nữa? Út Trung, Sơn, Tô Tỷ, Xám Mã Chải… phải lặn lội leo núi đốn củi, chen lấn xách nuớc, sắp hàng trên cát nóng như thiêu như đốt để lãnh thực phẩm bao nhiêu phen! Bidong vui ít, buồn nhiều. Da người tỵ nạn sẽ mốc đen vì nắng cháy mưa dầm, tay chưn trầy xước vì gai góc đá sỏi, tim phổi đóng đầy bụi khói Bidong. Ôi! những người tỵ nạn đáng thương!

Bên cạnh, Duyên tay bồng Bi đôi mát cũng đỏ hoe vì chị Tư, chị Kiều bịn rịn. Tôi và nàng cùng đi mà không biết chưn mình đang bước, tâm trạng bồng bềnh. Chiêu cầm dùm cái xách tay, đang lầm lũi đi phía trước. Chắc nó cũng xúc động dữ lắm, đầu cúi gầm. Nó đưa anh em tôi xuống tận ghe, sắp xếp hành lý đâu đó xong xuôi, rồi mới từ giã trở về.

Ghe còn phải đợi làm thủ tục lâu lắc nên chưa mở đỏi. Tôi ngồi bên be thuyền nhìn thẳng xuống bên dưới. Nước biển buổi sáng trong veo, những tia nắng vàng nhạt long lanh chiếu sâu thăm thẳm. Tôi nhìn thấy hàng triệu triệu con cá lớn bằng bàn tay bơi lội nhởn nhơ, chúng lượn qua lượn lại đều đặn nhịp nhàng như có một động lực vô hình nào điều khiển. Trên kia dáng núi Bidong to sầm, khu định cư nhỏ xíu. Một đám khóí xám bao phủ mịt mùng dưới chưn núi trông như một đám mây mù chiều mưa. Cuộc sinh hoạt của những bạn bè thân yêu của tôi diễn ra âm thầm trong đó. Tôi chợt cảm thấy khối núi đá to sầm sập kia như đè hết sức nặng ngàn cân lên trên đám người tỵ nạn khốn khổ lúc nhúc bên dưới. Bidong thiệt gian khổ mà cũng thiệt thân thương gần gủi. Biết bao giờ tôi mới có dịp trở lại chốn nầy?

Ghe đã nổ máy sắp khởi hành. Tôi cố nhìn cho thật rõ Bidong một lần nữa.

Trời ơi! Dưới gốc dừa ở đầu cầu tàu, Chiêu vẫn còn khoanh tay đứng trơ trọi.., một mình!

*Trích trong Tỳ Bà Hành, Đường Thi Tam Bách Thủ, thất ngôn cổ thi của Bạch Cư Dị. Phan Huy Vịnh dịch: Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.

-Đường Thi của Trần Trọng Kim ghi là: Phong diệp lô hoa thu sắt sắt.


***

Marang, ngày… tháng…

Anh chị Tư, Út Trung, Sơn và các bạn thân mến,

Vợ chồng tôi đã tới Marang nầy vào lúc bốn giờ chiều, được ở tạm đây nghỉ ngơi hai ngày, rồi đi tiếp tới trại chuyển tiếp Convent ở thủ đô Kuala Lampur (Convent Transit Camp) nên rán tìm cách gởi bức thư nầy về Bidong, để anh chị và các bạn, đọc cho biết đoạn đường sẽ qua của mọi người trong thời gian sắp tới. Tôi nhớ Bidong, nhớ anh chị và các bạn nhiều lắm…

Đây là cuộc di chuyển lần thứ ba trên biển. Từ Việt Nam đến đảo Kapas, từ Kapas đến Bidong. Bây giờ là từ Bidong qua Kuala Trengganu, toàn đi bằng ghe. Hai đoạn đường trên đầy nguy hiểm bất trắc mà sao tôi không cảm thấy sợ hãi. Duy có đọan đường nầy đi vào buổi sáng, chừng ba tiếng đồng hồ là tới, biển lại êm trời đẹp ghe tốt, vâỵ mà tôi lại cảm thấy sờ sợ. Có lẽ gần tới nơi an toàn rồi, rủi ro có bề gì thì uổng công toi. Cái mạng mình lúc trước là đồ bỏ, bây giờ lại thấy quí. Mà càng quí trọng lại càng sợ chết!

Cũng may sáng đó trời đẹp. Biển lấp lánh sóng bạc, chiếc ghe lướt êm xuôi. Vì ít người nên ngồi đứng thoải mái hơn trên chiếc BL1648 của anh em mình. Ghe đi dọc theo bờ biển Mã Lai. Tôi thấy từng rặng núi lướt qua, nối tiếp không dứt. Xứ Mã Lai này có lẽ chỉ toàn là núi rừng, ít đồng bằng. Độ giữa trưa thì tới Kuala Trengganu. Đó là một thị trấn cực bắc của Mã Lai, nằm ngay trên cửa sông, nhỏ nhưng xinh xắn. Nhà cửa Mã Lai màu sắc sặc sỡ, xe cộ mới tinh. Gần ba tháng nay sống xa khuất ánh sáng văn minh, bây giờ được nhìn thấy lại nhà cửa, xe cộ, điện nuớc, mừng quá. Ai nấy như mán rừng về thành phố nôn nao, sung sướng, cứ luôn miệng hít hà, nhà cao quá, xe đẹp quá, cái gì cũng mê quá trời. Còn thằng Dân gì đó, thì thôi, khỏi nói. Cái miệng nó cứ tía lia ‘gì đó’, ‘gì đó’ liên tu bất tận. Từ ngoài biển khơi ghe đâm thẳng vô cửa sông. Nơi đây có bãi cát lài ra tận ngoài xa. Cửa sông rất rộng, bề ngang chừng hai tới ba cây số. Có nhiều xác ghe tàu mục nát của Việt Nam mình nằm chơ vơ. Nhiều người đã ở đây nói rằng, có nhiều ghe vượt biên bị chìm vì không biết bãi cạn, vướng vào cồn cát. Một số bị đuổi xô ra, lật chết nhiều lắm!.

Ghe cặp vào cầu tàu bằng xi măng rất lớn. Bến cảng hoạt động rộn rịp. Trời nắng chói chang, kiếm một bóng mát không có, tất cả đứng lóng nhóng trên cầu chờ xe búyt đến đón để đi tiếp lộ trình. Chờ mãi không thấy xe đâu, tôi đành kiếm chỗ tránh nắng, ngồi núp dưới một đống ván. Cạnh bên có một cặp vợ chồng với bảy đứa con nhỏ lôi thôi, lếch thếch. Người chồng đen đúa, ăn mặc đơn sơ, người vợ dáng lam lũ vạch vú cho con bú, tay cầm nón lá quạt phành phạch. Thoáng nhìn thì có vẻ nông dân hay ngư phủ. Tôi lân la chào hỏi làm quen, biết được họ cùng đi Canada. Đợt nầy đi đông lắm vì ngoài người đi Canada, còn có nhóm đi Mỹ và Úc nữa. Lúc nhơn viên Liên Hiệp Quốc tới đón, các đại diện Việt Nam mình ra nói chuyện, nhiều người nói rất giỏi và lưu loát. Tôi rán lắng nghe mà chỉ hiểu được vài tiếng, tức mình vì quá dốt, đành quay trở về ngồi núp nắng với cặp vợ chồng nông dân kia cho đỡ quê!

Xe buýt đến. Trước khi đi, mỗi người được phát cho hai gói cơm còn nóng, đựng trong bao ny lông, có một trứng gà và một miếng gan bò luộc. Mấy hộp trà hoa cúc. Tôi đi đường còn mệt, trời lại quá nóng nên ăn không vô. Thành phố Trengganu đẹp quá, nó được cất trên một ngọn đòi. Các công viên trồng bông rất đẹp, đường xá sạch bóng, xe chạy bên trái như bên Anh. Ra khỏi thành phố, xe chạy dọc theo bờ biển. Đường ven theo chưn núi, quanh co, nhà cửa sơn màu sặc sỡ cất rải rác dọc theo hai bên đường. Ít thấy đồng bằng và ruộng lúa. Người dân quê Mã cũng ăn mặc đẹp đẽ. Xe chạy độ hai tiếng là tới Marang, ghé vào một villa rất lớn, trơ trọi giữa đồng. Đây là nơi nghỉ tạm vài ngày để đi Kuala Lampur. Tôi kiếm một phòng trống trên lầu rồi sắp xếp hành lý nghỉ ngơi. Nhà cất bằng cây rộng lớn nguy nga, chia làm mấy chục phòng. Từng trệt có nhiều giuờng đôi, sắp thành hàng dài. Thấy người ta ùa qua bên kia đường ăn hàng, mấy đứa em và Duyên cũng bắt chước nhau đi mua. Bên quán có bán chocolat sữa lạnh, cà rem, nước đá. Giá cả rất rẻ so với Bidong của mình. Đã quá, anh Tư ơi! tôi mê thiệt tình. Anh tưởng tượng đi, mấy tháng trời cả đám chết khô, bây giờ lại có nước đá lạnh. Tôi cầm chai Coca, chưa uống mà đã thấy sướng, mát lạnh cả hai tay. Thiên hạ kéo nhau đi mua rần rần. Được cái con nhỏ bán quán coi cũng ngộ hết sức. Mai mốt anh có ghé qua đây nhớ mua cà rem, nuớc đá, rồi thử nhìn coi lời quảng cáo của tôi có đúng không. Phải rán học chút đỉnh tiếng Anh nghe, tôi ham nói chuyện nên mỏi tay quá!

Ở dưới sân rộng, có cất nhiều trại nhỏ cho người ta nghỉ mát, có mắc võng ở các gốc cây, có giếng nước để uống và tắm rửa, có củi cả đống để nấu nướng, nghĩa là có đủ mọi tiện nghi cho người tỵ nạn sử dụng. Tôi đi lang thang dọc theo bờ biển nhìn tuốt ra khơi xa tít mù, thấy có một hòn đảo xanh xanh ở chưn trời. Rán nhìn cho kỹ, thấy cái cầu tàu bằng sắt sừng sững. Cái cầu tàu nầy sao quen thuộc quá. Trời ơi! anh Tư ơi, đó là cầu tàu của đảo Pulau Kapas, cái đảo Dừa anh em mình trôi dạt đến hôm nào. Kỷ niệm đâm dạt dào. Khúc phim ngày đầu tiên đến đất Mã hiện trở lại trong óc tôi. Chỗ tôi hiện đứng đây là Marang, là nơi buổi sáng ghe mình tấp vào, Chiêu và Hiếu vì lo lắng an nguy của cả ghe, lội vào bờ bị đánh đập và bị bỏ rơi. Chiếc BL 1648 trôi dạt dật dờ mãi đến chiều tối mới tấp được vô Kapas đậu cặp cầu tàu nầy. Một tháng trời anh em mình làm Lỗ Bình Sơn nơi hoang đảo với tâm trạng hoang mang chờ đợi… Bây giờ tôi đã được trở lại đây, nhìn Kapas một lần nữa, đâm nhớ và như thấy anh chị, anh chị Thuần, vợ chồng Quách Linh Hoạt, Út Trung, Sơn, Chị Điệp, chị Kiều, chị Huệ, Hủ Tiếu, Nhựt Bổn,… nói chung tất cả những người đã cùng nhau chia xẻ nỗi gian lao của chiếc BL 1648… Phải chi cả đám được đi một lượt đến đây thì vui biết bao nhiêu. Trọn cả buổi chiều còn lại, tôi nằm trên võng đong đưa dưới tàn cây râm mát, nhìn qua đảo Dừa mà ngùi ngùi…

Bãi biển chỗ nầy mọc nhiều cây phi lao và dừa. Sân cỏ đầy chim sáo mỏ vàng và mèo. Có vài xác ghe vượt biên rải rác nằm đây đó. Có lẽ cũng tại nơi nầy, Chiêu đã xúc con ruốc để phơi khô trong những ngày nó lạc loài với Hiếu ở đây. Chiều nay ăn phần cơm phát buổi trưa, có thêm canh cải bẹ xanh nấu với dầu dừa, hôi hôi mà đói quá cũng rán nuốt…

Lúc đó tụi em đi chơi vẩn vơ có dịp nói chuyện với cặp vợ chồng lam lũ bảy con kia. Lúc đó tụi nó mới té ngửa, người chồng là giám đốc một công ty ngoại quốc nổi tiếng ở Sài Gòn, vợ là chuyên viên bộ Kinh Tế. Hai vợ chồng từng du học ở Toronto Canada trên tám năm. Vậy mà từ đầu đến cuối không hề nghe hai người nói một câu tiếng Tây hay tiếng Anh nào. Ai nghe qua cũng ngẩn ngơ kính phục. Công phu hàm dưỡng của hai người thiệt cao cường. Rồi tôi ngẫm nghĩ tự xấu hỗ. Bản thân mình dốt rồi cứ tưởng ai cũng dốt như mình! Tôi lại được dịp làm quen với cặp vợ chồng nầy, biết được nhiều chuyện thú vị của xứ Canada. Các câu chuyện trong trại tỵ nạn thì không bao giờ dứt được.

Ngày hôm sau tôi qua phòng chung của trại, thấy trên bàn có cuốn báo Văn Nghệ Tiền Phong, số Tân Niên 1979. Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi cầm tờ báo đọc ngấu nghiến. Lật tới lật lui gặp được bài thơ hay, tựa là Ta Đã Tới của tác giả Đăng Trình. Tôi đọc cho cả đám nghe, ai nấy đều xúc động ngậm ngùi. Chuyện người tỵ nạn ở Bidong chỉ biết ‘thương một đời hai chữ Việt Nam thôi’ Tâm sự của tác giả mà cũng là tâm sự của anh em mình… Tiện đây tôi chép lại để anh chị và các bạn đọc cho qua những ngày dài chờ đợi.

TA ĐÃ TỚI

Ta đã tới dung thân miền đất lạ
Chiều Pulau lồng lộng gió bi thương
Lòng gặp lòng sao nhớ quá quê hương
Lỡ đánh mất sau lưng đời phiêu bạt
Ôi! Mẹ già chiều Trường Sơn lây lất
Ôi! Đất cha khoai sắn độn từng ngày
Ôi! Đướng xưa máu nhuộm tóc thơ ngây
Giặc đã đến dựng công trường tập thể
Tuổi trẻ không trường, nhà buôn thiếu chợ
Quê hương mình xa xót lắm người ơi!
Nghĩa sống gì đâu khi mất cuộc đời
Giặc cướp trọn trong vòng tay sắt máu
Lớn bé trẻ già bỏ nơi nương náu
Ngày thâu đêm quần quật đói từng cơn
Thân làm bia đầu đội đạn tủi hờn
Thương quá thôi -bạn bè ơi biền biệt
Giặc trả thù có mấy ai được biết
Lần ra đi là trăm vạn ngày thương
Buồn nào hơn người vợ trẻ khóc chồng
Tim thắt héo chạy theo nguồn dư lệ
Khổ nào hơn mẹ già nua kể lể
‘Suốt cả đời mới gặp cảnh tang thương
Sống quê hương chịu chết một quê hương’
*
Ta đã tới dung thân miền đất lạ
Nghe ngậm ngùi thương tiếc một tình quê
Nghe hồn đau chia cắt mấy dặm về
Mà rưng rức lệ hờn căm tê tái
Ai ra đi không thương người ở lại
Nơi quê nghèo rách áo cả đói cơm
Đất của ta sống tủi nhục gông cùm
Nước của ta mà ba miền ruột cắt
Kẻ tới người đi pha mùi nước mắt
Chuyện ba năm ấp ủ mấy đau buồn
Những đầu xanh héo úa tự buổi non
Và tuổi bạc chìm sâu vào sức sống
Ta đã tới miền hồi sinh sống động
Đi trên hoa nghe lá gọi Sài Gòn
Nghe trong hồn rạo rực chút héo hon
Như vỡ lỡ cả muôn trùng sóng dậy
Huế -Sài Gòn -Hà Nội xa lạ mấy
Đến bao giờ nối lại một cầu thương?
*
Ta đã tới dung thân miền đất lạ
Tình bao la trang trải mấy cho vừa
Như dòng sông nhơ nhớ mãi nguồn xưa
Như mây biếc ôm khung trời tưởng vọng
Dù vai đời mang hai dòng ý sống
Ta vẫn hoài đan dệt mộng quê hương
Vẫn thương em cách biệt lắm dặm trường
Ghi dấu mãi ngày đầu tiên xa xứ
Ta nằm lại bên bờ thương bến lạ
Giương ngọn cờ bất khuất mãi trong tay
Lửa sụt sôi tim mắt sáng từng ngày
Lòng hướng tới chan đầy bầu nhiệt huyết
Thương một đời hai chữ Việt Nam thôi.

Malaysia 11, 1978
Đăng Trình
(trong Văn Nghệ Tiền Phong, Số Tân Niên 1979)

Cái điệu nầy chắc cả đời, dầu trôi giạt đến tận đâu di nữa, tôi cũng không quên được những ngày tháng ở Bidong của anh em tụi mình, anh Tư ơi!

Thương mến,


Võ Kỳ Điền
(Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ. Chương cuối 25)