Hình như muôn đời thiên hạ vẫn thích nghe những âm thanh buồn bã. Nhạc hay đa số là nhạc buồn có bối cảnh của màu tím hoàng hôn hay màu đen của bóng đêm.
Bóng đêm có thể im lặng đến tuyệt đối nhưng vẫn có thể tạo nên những âm thanh cuồng nộ như trong ca khúc The Sound Of Silence mà nhạc sĩ Paul Simon đã viết “Silence like a cancer grows” để diễn tả âm thanh của sự yên tĩnh có thể mãnh liệt như một tế bào ung thư đang phát triển.
Nhạc Việt Nam có rất nhiều ca khúc có bối cảnh là bóng đêm. Nhưng để bậc lên những âm thanh cuồng nộ của bóng đêm tĩnh lặng như ca khúc The Sound of Silence thì chỉ có một số tác phẩm. Cá nhân tôi thích nhất là ca khúc Ðêm Thấy Ta Là Thác Ðổ của Trịnh côn Sơn, Bên Ni Bên Nớ của Phạm Duy và Ðợi Chờ của hai cố nhạc sĩ Nhật Bằng và Phạm Ðình Chương.
Bài viết này tôi xin được phép nói về ca khúc Ðợi Chờ với tiếng hát của nữ danh ca Lệ Thu.
Ca khúc Ðợi Chờ nguyên thủy có tên là Hoa Trăng do nhạc sĩ Nhật Bằng viết trước khi di cư vào Nam năm 1954. Nhạc sĩ Phạm Ðình Chương với sự đồng ý của nhạc sĩ Nhật Bằng đã thêm thắt lời của bài hát và đổi tên thành Ðợi Chờ. Tôi tình cờ nghe ca khúc này khi đi tham dự chương trình nhạc Phạm Ðình Chương do hội ung thư Việt Mỹ tổ chức ở hí viện La Mirada ngày 21 Tháng Chín năm 2003. Chương trình rất hay, ca khúc nào cũng được chuẩn bị cẩn thận với dàn nhạc hợp xướng Mỹ Việt rất bề thế và ca sĩ hát live đều hát hết mình như cô Mai Hương hát Xuân Tha Hương, Lê Uyên hát Xóm Ðêm, Thái Hiền hát Ðêm Màu Hồng, Trần Thái Hòa hát Dạ Tâm Khúc... nhưng không hiểu vì sao tôi lại thích nhất là ca khúc Ðợi Chờ với tiếng hát Lệ Thu.
Ðêm đó sau khi xem chương trình Phạm Ðình Chương xong tôi từ giã các bạn rồi một mình lái xe ra bãi biển Huntington Beach. Thành phố biển này chỉ có một vài con đường nhưng quán xá nào cũng đông nghẹt. Người ta uống rượu cười giỡn tạo nên những âm thanh hỗn loạn. Lạ lùng thay những tiếng ồn ào đó không lấn áp nỗi những dư âm của ca khúc Ðợi Chờ và tiếng hát Lệ Thu đang lởn vởn trong đầu tôi.
Tôi đi bộ ra bãi biển không phải để tránh xa những âm thanh náo nhiệt,không phải để tránh xa những ngọn đèn chói lóa, mà để có được một không gian thích hợp hơn cho dòng tư tưởng đang trỗi dậy trong hồn. Bãi biển về khuya gần như không một bóng người. Nơi đó ở trên cái không gian bao la của biển đen, có một vòm trời cũng đen ngòm như biển và đằng sau vài cụm mây xám ngắt ẩn mình một bóng trăng hình lưỡi liềm. Từ trong sự yên tĩnh đến gần như thoát tục tôi nghe, nghe rất rõ những lời ca tuyệt diệu của ca khúc Ðợi Chờ.
“Trăng lắng sâu vào đêm đợi chờ
Ðêm thế gian quạnh cô mịt mờ
Như ném ai vào cõi bơ vơ”.
Không biết có phải vì sự tình cờ hay chăng mà không gian đêm đó như cũng đang làm nền cho sự cô quạnh cho ca khúc Ðợi Chờ. Từng lời ca chầm chậm thấm vào da thịt. Ánh trăng như ẩn mình sâu thêm một chút vào trong đám mây đen và chung quanh là sự bao la tuyệt đối của bóng đêm. Tôi không phải là kẻ thất tình đang than van đi tìm kiếm sự thông cảm cho cái lẻ loi của mình, nhưng lúc đó tôi đã thấy cõi lòng như chùng xuống và tôi mới khám phá ra rằng cái bóng đêm và sự tỉnh lặng tưởng chừng như huyền hoặc đó thật sự hiện hữu rõ ràng và đầy quyền lực dễ dàng ném chúng ta vào cái cõi bơ vơ bất tận.
Và từ đó ca khúc Ðợi Chờ đã trở thành một trong những ca khúc mà tôi thích nhất. (Không hiểu vì sao những bài nhạc Việt Nam tôi thích nhất thường chỉ có 2 chữ như bài Kỷ Niệm của Phạm Duy, bài Ðồi Thông của Y Vân, bài Phôi Pha của Trịnh Công Sơn và bây giờ là bài Ðợi Chờ của Anh Bằng và Phạm Ðình Chương). Bất cứ ca sĩ nào hát bài Ðợi Chờ là tôi đều mua CD đem về nhà nghe. Dĩ nhiên đây là một ca khúc tầm cỡ rất khó hát nên chỉ có ca sĩ thượng thặng mới có thể trình bày ca khúc này. Ở đây tôi không muốn làm sự so sánh với riêng tôi cô Lệ Thu vẫn là người hát ca khúc Ðợi Chờ của Nhật Bằng và Phạm Ðình Chương hay nhất.
Có thể cũng có yếu tố khách quan vì tôi nghe cô Lệ Thu hát ca khúc này lần đầu tiên. Tôi không chối điều này bởi vì bao giờ sự cảm nhận đầu tiên cũng để lại nhiều ấn tượng sậu đậm nhất. Nhưng tôi vẫn thấy cái lý của mình khi kết luận điều này như thể khi người ta xem Vivian Leigh diễn vai Scarlett O'hara trong phim Cuốn Theo Chiều Gió, như Katherine Hepburn diễn vai người mẹ trong phim In the Golden pond, như Thanh Nga đóng vai Trưng Trắc trong vở Tiếng Trống Mê Linh. Có thể sẽ có nhiều diễn viên khác đóng các vai trên sẽ hay không thua gì các nữ diễn viên này, nhưng khi xem Vivian Leigh đóng đoạn đi đào khoai trên đồi Tara lúc cô đối diện với sự lam lũ và cái đói đang chập chờn trước mặt, rồi đến Katherine Hepburn run run nét mặt run rẩy bàn tay khi đưa tay tát vào mặt đứa con gái yêu quý khi cô đã nặng lời chửi rủa cha của mình, cũng như sau khi xem đoạn độc diễn của Trưng Trắc Thanh Nga sau khi hùng hồn ra lệnh cho quân sĩ xuất binh đã quỵ xuống thềm đá để khóc than chồng và sau đó lại trở lại với sự cương quyết và bổn phận của một người chủ tướng thì chúng ta phải thốt lên một câu rằng những người nghệ sỹ này trong các vai trò này sẽ không có người thay thế. Và tôi tin rằng khi nghe nữ danh ca Lệ Thu hát đoạn giữa của ca khúc Ðợi Chờ, chúng ta mới thấy rằng ca khúc này đã phải gắn liền với tiếng hát Lệ Thu.
Ðó là các câu:
“Ta đi ngóng trông em trong bóng đêm dài than
Ngàn tơ vàng chìm lắng mơ dáng ai về trong ánh trăng vàng
Như gió đi tìm hướng như chim nhớ mùa khác khao tình xưa
Ta níu xin thời gian đừng cho phai úa kiếp duyên tình man mác”.
Khi cô hát ba câu đầu giọng của cô rất mượt mà như than như oán nhưng rồi bất ngờ qua đến đoạn này cô hát rất mạnh ngay từ câu đầu tiên nhưng giọng cô càng mạnh hơn ở những câu kế và rồi mạnh nhất ở câu cuối cùng tạo nên cao trào của bài nhạc. Những chữ có dấu sắc như “ngóng”, “lắng”, “hướng”, “nhớ”, “úa”, “mác” cô sử dụng lối ngân đi thẳng vào lòng người trong khi những chữ dấu huyền cô hát rất đầy đặn tạo nên những nét chấm phá lung linh. Và đoạn này chính lá đoạn mà sự yên tĩnh của bóng đêm đã biến thành những cơn bão táp của tâm hồn. Ðó chính là cái cốt ý của ca khúc Ðợi Chờ mà chỉ có Lệ Thu mới tạo nên sự tĩnh mịch cùng sự thỉnh nộ cần thiết.
Ca khúc Ðợi Chờ được kết thúc bằng sự vỗ về của bóng đêm sau khi nó đã thét lên những tiếng lòng lẻ loi bấc lực. Lệ Thu trở lại với lối hát mềm mại để ru hồn người nghe vào trong giấc ngủ muộn khi trời vừa sáng.
“Ta thiếp đi vì đêm tàn rồi
Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi
Ôm đóa hoa đọng ngát hương môi
Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi”.
Tôi không hiểu tại sao mỗi khi nghe Lệ Thu hát đoạn chót của ca khúc Ðợi Chờ này, tôi lại nhớ đến một đoạn thơ Kiều của Nguyễn Du:
“Ðêm thu một khắc một chày
Bâng khuâng như tỉnh như say một mình”.
Khi lòng người mang nhiều tâm sự thì sự yên tĩnh của bóng đêm có thể là sự an ủi, chia sẻ như thể “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhưng ở đây có điều gì đó lớn lao hơn nỗi buồn, có lẻ là một sự cô quạnh trắc trở bấc lực gần như là tuyệt vọng. Như Thúy Kiều đã thức trắng đêm để nghỉ đến số phận hẳm hiu của mình, như Hàn Mạc Tử trong một đêm trăng đã giãy giụa hồn mình qua những lời thơ ai oán:
“Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngập đầy sông chảy láng lai
Buồm trắng phất phơ như cuống lá
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai
Tôi ngồi dưới bến đợi nàng mơ
Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng
Rung tầng không khí, bạt vi lô
(Máu cuồng và hồn điên - Hàn Mạc Tử 1942)
Vâng, đó là tiếng ai oán của Thúy Kiều trong đêm thu cô lẻ, của Hàn Mạc Tử trong đêm trăng giãy giụa và của Nhật Bằng - Phạm Ðình Chương trong đêm đợi chờ một điều gì không đến. Chỉ có Lệ Thu mới tạo ra được những tiếng lòng như tỉnh như say để đưa trí tưởng tượng của người nghe vượt qua trái cô đơn bình thường chưa đủ chín.
Duy Tâm
March 24, 2006
nguồn:nguoi-viet.com