có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 4 25, 2011

Thương nhớ Mỹ-Tho "thành phố trầm lặng"


Chùa Vĩnh Tràng

Người ta được biết rằng từ bốn thập niên qua, thì vùng địa lý của tỉnh Tiền-Giang ngày nay chính là khu vực đất đai của tỉnh Mỹ-Tho mới ngày nào vừa được mở rộng do nhờ có sự kết hợp thêm vào của cả tỉnh Gò-Công, theo cuộc cải tổ về hành chánh vào năm 1976. Sau khi có hợp nhất giũa hai tỉnh nầy để lập thành tỉnh Tiền-Giang, thì thành phố lớn Mỹ-Tho với đầy triển vọng tiềm năng cùng với nhiều cơ sở hạ tầng thuận tiện về mọi mặt cho nên giờ đây đã được công nhận là đô thị loại II. Trong khi kể từ năm 1987 về trước cho đến bây giờ, thì thành phố Gò-Công chỉ lại được lập thành đơn vị là thị xã.

Là thủ phủ của tỉnh Tiền-Giang, thành phố Mỹ-Tho có vị trí nằm ven bờ sông Tiền (Cửu-Long) suốt tháng quanh năm nước chảy êm đềm, lác đác xa gần nhấp nhô bóng dáng đủ các loài phiêu lưu thảo. Và nhất là hình ảnh của từng mảng lục bình di động, lờ đờ trôi theo dòng nước dưới bầu trời rực nắng chói chang. Phản chiếu ngược lại, là bằng với những muôn ngàn tia sáng sắc màu lung linh trên sóng nước tạo thành ra được một bức tranh thanh thoát, thiên nhiên. Cùng với cảnh quan hòa quyện cây trái ruộng vườn xanh tươi bao la tươi mát, hình ảnh Mỹ-Tho yên bình lại còn có dịp thể hiện ra dáng đứng nên thơ trong vẻ đẹp đặc trưng của miền đất lành chim đậu, phú cường thịnh vượng ở miền Tây.

Mấy năm trước đây, khi con đường cao tốc giữa thành phố Hồ-Chí-Minh và Mỹ-Tho chưa được hoàn thành thì lộ trình cũ chỉ dài có 70km, vậy mà nạn ách tắc xe cộ hằng ngày đã gây ra biết bao nhiêu là trở ngại về mặt giao thông lẫn cả thời gian của người dân cần có nhu cầu xê dịch. Còn cách đây trên một thế kỷ, thì Mỹ-Tho là một thành phố duy nhất ở miền Tây cũng như của cả trên dải đất phương Nam, là nơi đã từng có thiết lập một hệ thống giao thông đường sắt được hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 1885. Và tuyến đường sắt Sài-Gòn - Mỹ-Tho lúc bấy giờ cũng chính là tuyến đường sắt đầu tiên ở trên bán đảo Đông-Dương, do người Pháp khởi công xây dựng. 


Chuyến xe lửa đầu tiên tuyến Sài-Gòn – Mỹ-Tho

Thuở ấy, người dân Sài-Gòn, hay nói các khác là lộ trình giao thông đường bộ từ miền Đông sang miền Tây Nam-bộ thì chỉ có trông cậy duy nhất vào nhịp cầu Bến-Lức dài nhất ở miền Nam lúc bấy giờ được công ty Eiffel xây cất lên từ cuối thế kỷ 19 bắc ngang sông Vàm-Cỏ Đông ở Long-An. Và cây cầu Bến-Lức lúc bấy giờ cũng là đường huyết mạch của xe hơi, xe lửa lưu thông vượt qua để chạy về Sài-Gòn, hay ngược lại tới Mỹ-Tho. Rồi nếu từ Mỹ-Tho muốn đi sang các tỉnh miền Tây khác, thì lại phải qua rất nhiều bến phà khác nữa như là phà Rạch-Miễu, phà Mỹ-Thuận, phà Cần-Thơ, phà Vàm-Cống và các phà nhỏ xíu kéo bằng dây thừng cột ở hai bên bờ sông, thường được quen gọi là phà kéo tay hay đò rút.

Cầu sắt Eiffel Bến-Lức về miền Tây thời xa xưa

Đi thực tế, Mỹ-Tho hiện nay là một địa điểm được nhiều người đánh giá xem như là nơi có nhiều tiềm năng du lịch quanh vùng đồng bằng sông nước Cửu-Long ở miền Tây. Và cùng với một ưu thế khác nữa, là điểm đến không xa thành phố Hồ-Chí-Minh, cho nên người dân sở tại đã biết tận dụng khai thác nhiều loại hình du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn, liên kết với với các công trình di tích lịch sử đa dạng ở địa phương. Vì thế cho nên, thế hệ trẻ bây giờ thường hay thay nhau rũ cùng đi phượt vào trong khoảng thời gian mỗi cuối tuần, hay nghỉ lễ. Còn đối với những thành phần du khách cao niên vừa khi mới đặt chân lên đất Tiền-Giang ngày nay, thì thoạt tiên là trong không gian ký ức của họ hiện ra từ hình ảnh đặc sản của tô hủ tíu Mỹ-Tho nổi tiếng từng hằng thập niên dài được phổ biến kinh doanh quảng cáo ở khắp nơi nơi, cho tới sự mường tượng về cái nôi nghệ thuật sản sinh ra các đoàn hát xướng ca đầu tiên ở Nam-bộ. Thêm nữa, là ngoài chuyện chiến tranh tàn phá quê hương, các danh nhân văn hóa, các bậc nữ lưu đức hạnh. Các tấm gương khí khái anh hùng hào kiệt xả thân đóng góp quê hương, làm đẹp xóm làng Mỹ-Tho, thì lại còn có cả những mẩu chuyện ly kỳ về hình ảnh cuộc đời của con người khác lạ ở thuở đương thời, cũng từng để lại dư âm với nhiều tình tiết hài hước, thú vị y như nghe qua trong huyền thoại.

Bến phà Rạch-Miễu bờ Mỹ-Tho ngày trước 

Cầu Rạch-Miểu ngày nay

Đất miền Tây tuy nhỏ nhưng cũng không hiếm người suốt cả cuộc đời chưa bao giờ có dịp đặt gót chân mình lên cục đất Tiền-Giang ngày nay để tham quan, tìm hiểu về nét đẹp địa phương. Thậm chí, có người từng đến với thành phố Mỹ-Tho, nhung nhớ biết bao kỷ niệm về hình ảnh của con kênh Bảo-Định trong suốt thời kỳ còn chiến tranh. Nhưng kể từ khi đất nước tái lập hòa bình, thì họ hoặc vì nhiều lý do nào đó, cho nên tới bây giờ cũng chưa hề có dịp trở lại để nhìn thấy được quá nhiều mọi sự thay đổi về diện mạo phố phường nơi sở tại. Chẳng hạn, như riêng về các đơn vị hành chánh của tỉnh Tiền-Giang hiện nay thì gồm có thành phố Mỹ-Tho, thị xã Gò-Công, thị xã Cai-Lậy. Và 8 huyện là Châu-Thành, Gò-Công Đông, Gò-Công Tây, Cai-Lậy, Tân-Phước, Tân-Phú-Đông, Cái-Bè, Chợ-Gạo, cùng với tổng số dân được kiểm tra vào năm 2011 là 1.682.600 đầu người. Và tại thành phố Mỹ-Tho ngày nay nếu phân chia theo địa bàn, thì hiện có tới 13 chợ thành thị nằm rải rác trên các phường, và 2 chợ nông thôn tại Mỹ-Phong và Trung-An. Ngoài ra, ở địa bàn tỉnh lị còn có nhiều siêu thị hiện đại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân như Vinatex Mỹ-Tho, Co.opmart Mỹ-Tho, siêu thị Tiền-Giang, siêu thị điện máy Nguyễn-Kim, siêu thị điện máy Chợ-Lớn. Và các trung tâm doanh nghiệp, dịch vụ hợp tác xã, hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, viễn thông, khách sạn, giải trí v.v với trên 11.000 cơ sở khai thác kinh doanh thương mại.

Một góc nhìn trung tâm thành phố Mỹ-Tho 
Vòng xoay Trung-Lương

Thành phố Mỹ-Tho ngày nay mặc dù đã từng được khoác lên chiếc áo huy chương có nhiều thành tích phát triển đầy khích lệ, nhưng không thể nào có thể so bì được với những đô thị có tầm cỡ lớn hơn ở trong nước. Tuy nhiên, với tinh thần Mỹ-Tho đại phố thuở xa xưa, thì người dân ở nơi đây lúc nào cũng muốn tìm dịp để làm sống lại những hình ảnh huy hoàng của thời kỳ vàng son phong phú mà miệt sông nước miền nầy từng được coi như là hưng thịnh nhất trên vòm trời ở đất phương Nam.

Niềm tự hào đó chính là hình ảnh đầy ấn tượng trong những ngày lễ hội kỷ niệm 330 năm thành lập thành phố Mỹ-Tho, vốn là nơi có nhiều nghệ sĩ đầu tiên đứng ra thành lập các đoàn hát về nghệ thuật sân khấu cải lương, cũng như là nơi từng có rạp hát cải lương Năm Tú đầu tiên vào năm 1918 ở đất phương Nam, rồi sau khi một thời gian dài đổi tên lại là hí viện Vĩnh-Lợi, và bây giờ thì được mang tên mới là rạp Tiền-Giang tọa lạc tại đường Nguyễn-Huệ, Mỹ-Tho.

Và về phương diện mở mang văn hóa cũng vậy, thành phố Mỹ-Tho là nơi tiên phuông có trường Trung-Học đầu tiên ở đất phương Nam. Ngày xưa, trường có tên là Collège de Mytho được thành lập từ năm 1879, nay mang tên là Trường THPT Nguyễn-Đình-Chiểu tọa lạc tại đường Hùng-Vương, Mỹ-Tho. Đây là một ngôi trường nổi tiếng nhất ở miến Tây, từng là nơi xuất thân của nhiều vị khoa bảng cũng như các nhà chính trị từng có đóng những vai trò then chốt đảm nhiệm trên đỉnh cao quyền lực ở đất phương Nam trải qua trong suốtcác giai đoạn của thời kỳ chiến tranh tàn phá nước nhà.

Tượng Nguyễn-Đình-Chiểu

Trong hiện tại, cái mốc thời gian 330 năm kỷ niệm thành lập thành phố Mỹ-Tho đã trôi qua. Tuy nhiên, hình ảnh duyên dáng của cô gái đẹp (khi xưa người Khmer gọi vùng đất nầy là srok mé-so, có nghĩa là xứ có nàng con gái có nước da trắng) mà thành phố Mỹ-Tho từng được mệnh danh từ thuở ấy, thì nay cũng vẫn hãy còn là kỷ niệm đối với những thành phần thế hệ con người đã từng có những tình tự buộc ràng, gắn bó yêu thương cùng với thành phố Mỹ-Tho.

Chào mừng tinh thần Mỹ-Tho đại phố 330 năm 

Lễ hội kỷ niệm đô thị Mỹ-Tho (1679-2009)

Thực vậy, trước hết nói chung về địa hình của tỉnh Tiền-Giang bây giờ thì nó đã được chia ra làm thành 3 vùng miền sinh thái tự nhiên đặc biệt. Đó là vùng miền ảnh hưởng cạnh Đồng-Tháp-Mười nước ngập quanh năm, sen súng mọc um tùm trên những đầm lầy. Vùng miền ven dọc sông Tiền chạy dài tới biển Đông dài 120km với ruộng vườn sum suê trái cây, lúa gạo. Và vùng miền duyên hải Gò-Công dồi dào hải sản cá tôm v.v. Vì thế cho nên người ta có thể nói đất Tiền-Giang chính là nơi hội tụ tài nguyên nông sản, hải sản thiên nhiên của vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu-Long ở miền Tây.

Hơn thế nữa, thành phố Mỹ-Tho ngày nay cũng chính là trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị của tỉnh Tiền-Giang có ưu thế địa lợi vô cùng thuận tiện nhờ nằm không xa nơi ngã 3 sông có chiều dài lịch sử khẩn hoang khai thác dinh điền trong thời quá khứ. Và cũng do nhờ ảnh hưởng của vùng địa lý phong hồi thủy tụ đó mà Mỹ-Tho đại phố ngày xưa vào thế kỷ 17, là một vùng đất mở mang đã từng có một thời kỳ phát triển được coi như là trung tâm thương mại tấp nập nhất ở phương Nam cùng lúc với Biên-Hòa, khu vực nhộn nhịp ở vùng cù lao Phố ngày xưa. Và nếu cần phải nói về ngày trước, là khi Mỹ-Tho đại phố còn chiếm lĩnh vai trò trọng yếu về sự phát triển kinh tế thịnh vượng, sầm uất, hội tụ tấp nập trên bến dưới thuyền, lái buôn đầu mối đến từ các quốc gia láng giềng, thì là do nhờ có sự giao thương mở cửa ra thế giới bên ngoài. Trong khi đó thì vào cùng thời điểm bấy giờ, thì khu vực sinh hoạt thương mại Bến-Nghé, Sài-gòn chỉ đang là hình ảnh của một cái bóng nhạt mờ với dấp dáng của một khu chợ nhỏ bán buôn nội địa.

Cho mãi đến thời kỳ về sau lịch sử sang trang, khi đế quốc Pháp chính thức thành lập thành phố, đường sá Sài-Gòn có ngọn xanh ngọn đỏ*, thì lúc bấy giờ đường sá, thành phố Mỹ-Tho mới có dịp nối gót văn minh theo sau trở thành là nơi có ngọn tỏ ngọn lu*.

Một thuở huy hoàng 
"Mỹ-Tho, trên ô tô dưới thời ca nô"

Tuy nhiên, người dân Mỹ-Tho dù có tinh thần trọng nghĩa mến tài, thật thà hiếu khách nhưng lúc nào cũng hãy còn mang niềm tự hào về ánh hào quang quá khứ tiên phuông phát triển thương mãi phồn vinh. Cho nên, họ vẫn thường xuyên từng tế nhị nhắc nhở người thương ở miền xa phải nên cẩn trọng tập tánh khiêm nhường để mà học lấy chữ nhu* ở giữa chốn kinh kỳ phồn hoa, và được vậy, thì người con gái có nước da trắng đẹp sẽ không ngần ngại mười thu em cũng chờ*...

Phải chăng ý nghĩa của mấy câu ca dao truyền khẩu nói trên từ lâu đã ngụ ý gián tiếp muốn giới thiệu về hình ảnh bản sắc địa phương, nơi quê hương của họ từng đã có được những con người nữ lưu đức hạnh, sáng giá. Và thành công trong cuộc đời sự nghiệp mà ngay cả thời điểm bây giờ, họ cũng còn có dịp được tiếng thơm lây qua những giai thoại về lịch sử giai nhân của đất Tiền-Giang là nơi có nhiều hoàng hậu nhất ở trời Nam.

Thực vậy, trước năm 1975 thì đã có xảy ra hai trường hợp điển hình về chân dung của các đệ nhất phu phân gốc người Mỹ-Tho, Tiền-Giang. Gần đây là của bà Nguyễn-Thị-Mai-Anh, phu nhân Tổng-Thống VNCH ở miền Nam. Và trường hợp trước đó nữa là của bà Đoàn-Thị-Giàu, phu nhân Chủ-Tịch VNDCCH ở miền Bắc. Còn trước những năm toàn quốc nổi lên kháng chiến chống giặc Pháp, thì đã có trường hợp của bà Nguyễn-Thị-Hữu-Lan gốc người Gò-Công (thuộc Tiền-Giang ngày nay) được trở thành hoàng hậu Nam-Phương sau khi kết hôn với vua Bảo-Đại.

Nam-Phương hoàng hậu 
(1914-1963)

Tuy nhiên, trường hợp vô cùng đặc biệt nhất phải nói chính là hình ảnh của Hoàng thái hậu Từ-Dụ (nhưng bị gọi nhầm thành thói quen là Từ-Dũ), mẹ của vua Tự-Đức. Sử sách ghi chép tên thật của bà là Phạm-Thị-Hằng sinh ra tại Gò-Công (thuộc Tiền-Giang ngày nay), và về sau trở thành chính cung của vua Thiệu-Trị. Là bậc mẫu nghi thiên hạ, và cũng từng là chứng nhân của 8 đời của vương triều nhà Nguyễn, bà đã tỏ ra là một nhân vật phi thường nổi tiếng thông minh, biết yêu dân lành và có tài giáo dục con cháu hoàng gia. Công đức của bà từ lâu đã được hậu thế không tiếc lời khen tặng, và hiện nay tại thành phố Hồ-Chí-Minh cũng có một bệnh viện bảo sanh còn mãi mang tên của bà.

Hoàng thái hậu Từ-Dũ 
(1810-1902)

Và đó cũng chính là những hình ảnh tinh túy của mảnh phần hồn địa phương được ráp nối vào với những phần hồn khác, do nguyên khí đặc thù của miền đất mà đã tạo nên được mọi sự khác biệt.

Tuy nhiên, giờ đây trong ánh mắt của mọi thành phần du khách thì Mỹ-Tho chỉ là hình ảnh của một thành phố trầm lặng, yên bình mặc dù nó đã từng có sự thể hiện rõ nét về hình ảnh sinh hoạt về sức sống năng động của người dân sở tại ở các nơi chợ búa, phố phường, đường sá v.v. Có thể sự nhận xét đó là do bởi tính trùng ngẫu về cảnh quan giữa các thành phố sông nước ở miền Tây, vốn đã không có sự khác biệt với nhau nhiều. Hoặc có thể là do các tổ chức cơ sở, văn phòng dịch vụ giải trí địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu dành cho du khách còn chưa được khai thác đúng mức vì nhiều lý do tế nhị. Cho nên, người ta thường thấy cuộc sống trôi qua hằng ngày ở ngay tại thành phố Mỹ-Tho hầu như là không có sự rộn ràng, hối hả nào như nhiều thành phố nổi tiếng khác từng có nhiều du khách nước ngoài vãng lai đông đảo liên tục ngày đêm. Nhưng dầu sao, thì người ta cũng phải thừa nhận rằng là Mỹ-Tho bây giờ là nơi từng đã có những cái gì mà họ khó tìm thấy ở những nơi khác do hoàn cảnh đặc thù lịch sử, địa lý và nhất là do yếu tố con người.

Du khách quốc tế tham quan KDL Cái-Bè

Do vậy, người ta thấy các tuyến du lịch từ Hồ-Chí-Minh và các tỉnh thành đến với miền sông nước Tiền-Giang ngày càng đông hơn. Theo thống kê của Hiệp-Hội Du-Lịch ĐBSCL vào cuối quý I năm 2014, thì đã có đến trên sáu triệu lượt du khách tham quan vùng nầy, trong đó có hơn 472 ngàn lượt khách quốc tế., và địa phương đứng đầu thu hút khách quốc tế nhiều nhất là Tiền-Giang với con số kỷ lục là 159.806 lượt.

Giờ đây, khi đi du lịch ngắn ngày ở Mỹ-Tho thì bất cứ thành phần loại du khách nào cũng có thể bỏ qua nhiều thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa địa phương nhưng có một địa điểm đặc biệt mà họ không thể bỏ qua. Đó là khu du lịch chợ nổi ở Cái-Bè. Địa lý của huyện Cái-Bè nằm dọc theo quốc lộ 1A và theo bờ sông Tiền là nơi được bao bọc bởi nhiều kênh rạch. Còn các dãy phố trong thị trấn, thì cũng nằm dọc theo quốc lộ và ven sông. Do vậy, phương tiện giao thông ở đây chủ yếu là dùng bằng đường thủy. Vả lại, nhờ đất đai trù phú, phì nhiêu cho nên người dân sở tại đã biết tận dụng khai thác ưu thế về điều kiện thổ ngơi để trồng chuyên canh nhiều loại cây ăn trái đặc sản cung cấp cho nhu cầu trong nước, và ngay cả xuất khẩu.

Du khách tham quan vườn trái cây

Ở đây, nếu đứng quan sát kỹ thì người ta sẽ có dịp dễ dàng nhìn thấy hiện ra ngay một bức tranh quê với màu sắc xanh tươi của những vườn tược kéo dài, những dòng sông nối tiếp nhau, và những kênh rạch đan xen nhau như mạng nhện. Miệt vườn trồng cây ăn trái ở Cái-Bè chiếm 1/3 trong tổng số diện tích trồng cây ăn trái ở tỉnh Tiến-Giang, cho nên nơi đây có cả rất nhiều các loại sản phẩm cây trái ở từ những địa phương khác. Chẳng hạn đặc biệt như nào là loại bưởi Năm Roi gốc Vĩnh-Long, sầu riêng tứ quý gốc Bến-Tre. Rồi còn loại xoài cát thương hiệu Hòa-Lộc, vú sữa Vĩnh-Kim, Lò-Rèn, quýt, ổi xá lị Cái-Bè, mận, hồng đào Trung-Lương, cam sành, nhãn lồng, mít, táo, khóm (còn gọi là thơm, hay dứa) Tân-Lập v.v. Nói chung, là có đầy đủ hình thức của các loại trái cây 4 mùa. Ngoài ra, Cái-Bè cũng cũng còn là nơi có nhiều đi tích lịch sử, kiến trúc văn hóa, đặc sản ẩm thực mang đậm hương vị đồng quê ở tại địa phương.

Tuy nhiên, hình ảnh của chợ nổi Cái-Bè mới chính lại là điểm nóng để cho hầu hết tất cả du khách sẽ có dịp trải nghiệm qua được những phút giây phấn chấn đầy ấn tượng.

Quang cảnh chợ nổi buổi sáng mai

và suốt cả buổi chiều tối

Khu chợ nổi Cái-Bè họp ở dọc theo cù lao Tân-Phong trên sông Tiền, đoạn ngã ba giáp ranh ba tỉnh Tiền-Giang, Bến-Tre và Vĩnh-Long, với quang cảnh ghe thuyền di động nhộn nhịp kéo dài gần cây số. Tại đây, có đủ loại ghe thuyền lớn nhỏ của kẻ bán người mua diễn ra trên sông nước bao la, và khi ánh bình minh vừa ló dạng, thì đó cũng chính là lúc mà hình ảnh sinh hoạt ở chợ nổi bắt đầu. Và du khách có thể chờ đến đây, để được dùng điểm tâm bằng những tô hủ tíu, cơm tấm, phở, uống tách cà phê nóng từ trong những chiếc xuồng bán rong chạy lòn lách tới chạy lui gần kề sát mạn thuyền mời mọc. Mọi hoạt cảnh diễn ra ở trên đoạn sông nầy hằng ngày đều giống y nhau như là hình ảnh của một thành phố nổi, lúc nào cũng có ghe thuyền tấp nập đến từ các miệt vườn lân cận chở đầy đủ loại trái cây, nông sản, hàng hóa, đồ gia dụng, gà vịt, cá tôm v.v. Ngoài ghe thuyền giao dịch đến từ các tỉnh ở miền Tây, thì ghe thuyền mua bán từ thành phố Hồ-Chí-Minh cũng thường xuyên giao dịch đầu mối đến tận chợ nổi Cái-Bè. Và nét đặc biệt của chợ nổi Cái-Bè, là hình thức rao hàng treo gì bán nấy. 

Treo gì bán nấy

Ngoài khu du lịch chợ nổi danh tiếng Cái-Bè, du khách còn có thể chọn chương trình tổ chức tham quan cù lao Thới-Sơn để có dịp đi thuyền ba lá dọc theo hàng dừa nước rồi lên bờ nghe xem nghệ sĩ miệt vườn biểu diễn đờn ca tài tử Nam-Bộ (từng đã được UNESCO vinh danh công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại). Và hiện nay, loại hình đờn ca tài tử nầy rất được thịnh hành phổ biến tổ chức trên ghe, tàu du lịch, trong vườn cây ăn trái, nhà hàng v.v ở đất phương Nam.

Du lịch sinh thái

Tuy nhiên, dưới cái nhìn những nhà hoạt động nghiên cứu về lãnh vực nghệ thuật văn hóa, thìtiếng ca ngọt ngào của tài tử miệt vườn hòa quyện vào cùng với nhạc cụ âm thanh thảnh thót tiếng đàn tranh, sâu lắng của đàn bầu, bùi tai của đàn cò, đàn kìm trong bầu không khí êm đềm gợi cảm ở miền quê...Đối với du khách nội địa, thì trước nay nó đã là một hình ảnh đầy ấn tượng rất khó phai mờ. Nhưng từ lâu, nó có thể không thích hợp đối với nhu cầu của du khách nước ngoài, mà giờ đây người ta mới có dịp được nghe qua có những ý kiến trái chiều. Đó là những đóng góp ý kiến quý báu trong tinh thần xây dựng của những bậc thầy về các hình thức cần phải có được sự cải lương về các tiết mục, bài bản đờn ca tài tử, để hầu làm tô đậm được rõ ràng về sắc thái và giá trị nghệ thuật của loại hình nầy.

Đờn ca tài tử Nam-bộ

Sau khi thưởng thức qua màn đờn ca tài tử Nam-bộ, thì du khách cũng có thể đi bách bộ vào thăm các nhà vườn ở chung quanh khu vực có đầy những loại cây ăn trái đang treo mình lơ lửng duới các nhành cây che ánh nắng mặt trời. Và cũng có dịp để được tìm hiểu thêm về những sản phẩm địa phương mà cách nay 5 năm, thành phố Mỹ-Tho đã có tổ chức thành công một ngày lễ hội đặc biệt về trái cây Tiền-Giang có sự hiện diện của hàng trăm gian hàng trình bày trong hội chợ. Cùng với mọi hoạt động hấp dẫn diễn ra của các chương trình văn nghệ, quảng bá, buôn bán, ẩm thực v.v. Trong dịp nầy, hội thi thành phố Mỹ-Tho đã tạo nên được những hình ảnh nghệ thuật đặc sắc về tranh phun sơn (graffiti) và kết hình bằng vật liệu trái cây. Vả lại, trong năm 2014 vừa qua thì trái cây Tiền-Giang lại cũng có dịp được xuất hiện trưng bày trong ngày lễ hội trái cây Nam-bộ đã được tổ chức từ ngày 1-8/6 tại khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Hồ-Chí-Minh.

Trái cây Tiền-Giang

Hiện nay, trong các tuyến du lịch Mỹ-Tho thì các văn phòng tổ chức đều có một lộ trình gần giống như nhau là hướng dẫn du khách đến tham quan Trại Rắn Đồng-Tâm được thành lập từ năm 1977. Với khoảng gần 400 loài rắn độc để dùng vào dược liệu, cũng như loài rắn dùng để lấy thịt cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ ở các nhà hàng được nuôi dưỡng chung nhau. Tại đây, du khách sẽ được dịp tìm hiểu về đời sống sinh lý, sinh thái, và đăc biệt là về tập quán trong quá trình phát triển tự nhiên của các loài rắn khác nhau. Và chứng kiến tận mắt các hình thù đặc biệt của những con rắn độc như nào là hổ mang chúa, cạp nong, mai bạc, cũng như các loại rắn hiền lành có tên là rắn gáo, rắn nước v.v. Ngoài ra, du khách còn được có thêm cơ hội để tìm hiểu về công dụng hữu hiệu của những loại cây thuốc nam quý hiếm đang được gây giống bảo tồn.

Rắn hổ mang chúa 

Rắn lục trên cành cây

Gần Trại Rắn Đồng-Tâm còn có di tích lịch sử Rạch-Gầm – Xoài-Mút là chiến trường xưa, nơi mà Nguyễn Huệ thân chinh đại chiến thắng oanh liệt quân Xiêm xâm luợc vào năm 1785, và rượt đuổi Nguyễn-Ánh cõng rắn cắn gà nhà chạy ra khỏi biên thùy. Hiện chiến trường nầy còn lại bây giờ chỉ là hình ảnh của một khúc sông dưới bầu trời thiên nhiên bình lặng, hai bên bờ cây cối mọc xanh um, lá hoa tươi tốt. Tuy nhiên, nếu du khách giàu tưởng tượng thì cũng có thể thả hồn mình vào quá khứ để cảm nhận trong lòng một giây phút chia sẻ vinh quang và tự hào về thành tích lịch sử vẻ vang, oai hùng của dân tộc. Cách đây đúng 15 năm, nhân kỷ niệm 220 năm ngày dánh bại quân Xiêm, thì thành phố Mỹ-Tho cũng đã hoàn thành một khu di tích chiến thắng Rạch-Gầm - Xoài-Mút ở tại xã Kim-Sơn, huyện Châu-Thành nằm cách trung tâm thành phố Mỹ-Tho 12km về phía Tây. Ngoài tượng đài đại đế Quang-Trung, nơi đây còn có hai nhà trưng bày những hiện vật vũ khí có liên quan đến trong trận thủy chiến lịch sử như là gươm giáo được cả hai bên đối phương đưa vào sử dụng. Và một ngôi nhà cổ Nam-bộ dùng để trưng bày, tiếp khách.

Khu di tích chiến thắng Rạch-Gầm – Xoài-Mút

Đoạn sông Rạch-Gầm – Xoài-Mút

Còn tại trung tâm thành phố Mỹ-Tho, thì còn có nhà thờ Chính-Tòa được khởi công xây cất lên từ năm 1906 và hoàn thành vào năm 1910. Mặt tiền của nhà thờ được kiến trúc khá đặc biệt, vàmái vòm bên trong được trang trí bằng họa tiết, hoa văn thật là khéo léo.

Nhà thờ Chính-Tòa

Ngoài ra, tại trung tâm thành phố Mỹ-Tho cũng còn có một di tích đặc biệt, đó là đình Điều-Hòa. Đình Điều-Hòa nằm cạnh cầu Quay là một di tích văn hóa cấp quốc gia được xây cất với phong cách nghệ thuật kiến trúc dưới thời nhà Nguyễn (Gia-Long) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đình hiện còn lưu trữ nhiều cổ vật quý hiếm như binh khí thờ, đỉnh đồng, lư, vàsau cổng vào có hai câu đối :

"Tứ hải bổn đồng phùng thuận trị 
Nhất thôn phong hóa hảo Điều-Hòa"

Ngày xưa, đình Điều-Hòa là nhà vãng lai của các quan lại nhà Nguyễn khi đi công tác ở phương Nam.

Đình Điều-Hòa

Giờ đây, đối với một người sành du lịch thích phiêu lưu thì một khi đã đến với sông nước Mỹ-tho rồi, thì họ sẽ không không bao giờ bỏ lỡ dịp khám phá bờ biển Tiền-Giang ở huyện Gò-Công-Đông. Tại đây khu du lịch biển Tân-Thành có bãi cát chạy dài 7km, có các quán ăn nhô ra bờ biển bán đầy hải sản nhất là nghêu. Ngoài ra, trước biển cũng có một cây cầu dẫn dài ra ngoài biển để cho du khách ngắm nhìn thiên nhiên trời nước bao la. Xa xa, là khu du lịch sinh thái Cồn Ngang đang được đầu tư với nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao để nhằm thu hút nhu cầu du khách trong tương lai.

.
Bãi biển Tân-Thành

Rời biển Gò-Công, du khách hãy trở về đến thăm chùa Vĩnh-Tràng, vì đây là một ngôi chùa cổ đặc biệt nhất ở miền Nam, lần đầu tiên có mang hai phong thái kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Chùa được khởi công xây vào năm 1849, tọa lạc ngay tại đường Nguyễn-Trung-Trực thành phố Mỹ-Tho. Địa điểm nầy hiện nay không những là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, mà còn là nơi hành hương và du lịch nổi tiếng được nhiều người biết đến. Chùa rộng khoảng 2 mẫu tây, trước cổng tam quan có ao sen và hình các tượng Phật uy nghi. Bên trong chánh điện toát ra những sắc màu vàng rực, và hiện đã còn tồn tại được có nhiều tượng Phật cổ tạc từ hơn 100 năm qua. Cũng như, các câu đối hoành phi được chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt, là các tác phẩm tượng tròn độc đáo thể hiện bàn tay khéo léo của nghệ nhân vào đầu thế kỷ XX đã được bài trí trang nghiêm, và ngày nào cũng có rất đông khách thập phương vãng lai chiêm ngưỡng.

Tượng Phật cao 18m chùa Vĩnh-Tràng

Thành phố Mỹ-Tho ngày nay tuy không còn là hình ảnh huy hoàng của thời đại phố ngày xưa, nhưng nếu viễn khách hãy thử một lần rong ruổi đến đây để tìm cách tham quan khám phá, thì cũng sẽ còn có dịp được lắng nghe người địa phương thân mật kể lại chuyện xưa, về lịch sử ở trên quê huơng sông nước mến yêu của họ đã từng có nhiều danh nhân lỗi lạc, hậu thế lưu truyền.

Và trước tiên là hình ảnh của Tả quân Lê-Văn-Duyệt, hai lần giữ chức Tổng-Tấn Gia-Định thành. Ông là một trong bốn vị chưởng quản quân đội của nhà Nguyễn (Gia-Long) gồm có tiền quân Nguyễn-Văn-Thành, hữu quân Nguyễn-Huỳnh-Đức, tả quân Lê-Văn-Duyệt và hậu quân Võ-Tánh. Là một nhà quân sự nhưng cũng là một nhà chính trị có tầm nhìn chiến lược về kinh tế, ông đã có công mở mang phát triển khu vực miền Nam trở nên một vùng đất sung túc, thịnh vượng. Tính tình ông trung trực, khẳng khái dám phản đối cả việc nối ngôi của vua Minh-Mạng, nhưng ông cũng lại là một nhân vật uy quyền từng đã được nhà Nguyễn cả nể, và phong cho nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Ngày nay, ông vẫn còn được người dân tiếp tục vinh danh đúc tượng đồng mới, và an vị vào Lăng Ông Bà Chiểu (tức Lăng Ông Lê-Văn-Duyệt) tại thành phố Hồ-Chí-Minh vào năm 2008.

Lê-Văn-Duyệt 
(1763-1832)

Lăng Ông Bà Chiểu

Còn suốt trong thời kỳ chống giặc Pháp thì cũng có một nhân vật khác là Trương-Định (tên thật là Trương-Công-Định), một vị anh hùng khí phách hiên ngang từng bất tuân thượng lệnh, sau khi triều đình ký hòa ước Nhâm-Tuất 1862 nhượng đất 3 tỉnh Nam-kỳ và giải binh hàng giặc Trước đó, vào năm 1861 khi đồn Chí-Hòa do tướng Nguyễn-Tri-Phương giữ phòng tuyến bị thất thủ, thì ông lui về Gò-Công cùng với các chiến hữu yêu nước đứng lên kêu gọi đồng bào hưởng ứng tham gia phong trào kháng chiến. Ông được nhân dân nhiệt tình ủng hộ tôn là Bình-Tây Đại Nguyên-Soái, và cuộc khởi nghĩa của ông được coi như là lớn nhất ở Nam-kỳ trong nửa sau thế kỷ XIX.. Năm 1864, trong một trận đánh bị giặc bao vây ngay tại bản doanh "Đám Lá Tối Trời"làm cho ông bị trọng thương, cho nên ông đành chọn con đường tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết của mình. Lúc bấy giờ, khi nhận được hung tin thì Cụ Nguyễn-Đình-Chiểu vô cùng xúc động, và Cụ có làm một trong 12 bài thơ sau đây để nói lên với tất cả tấm lòng thương tiếc.

Thơ điếu Trương-Định

Trong Nam, tên họ nổi như cồn 
Mấy trận Gò-Công nức tiếng đồn 
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ 
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn 
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ 
Quả ấn Bình-Tây đất vội chôn 
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ 
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.

Trương-Định 
(1820-1864)

Đền thờ Trương-Định ở Gò-Công

Bên cạnh đó, đất Mỹ-Tho còn có cả nhân vật Thủ-Khoa-Huân (tên thật là Nguyễn-Hữu-Quân) cũng là một nhà lãnh tụ trí thức khoa bảng nhiệt tình yêu nước nổi tiếng, và từng hợp tác quân sự với đoàn quân của Trương-Định để chống lại bọn Thực-Dân xâm lăng Pháp vào lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau đó vì trước thế mạnh của giặc cho nên lực lượng kháng chiến bị tan rã, và cuối cùng ông phải lui binh về vùng Thất-Sơn ở An-Giang để tiếp tục lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng không may, về sau ông bị giặc bắt được kết án 10 năm tù khổ sai và đưa đi an trí tận Cayenne. Tuy nhiên, sau 5 năm thì ông được ân xá trở về nước. Lợi dụng thời cơ, ông lại tiếp tục hoạt dộng bí mật kêu gọi toàn dân vùng lên khởi nghĩa chống xâm lăng. Nhưng vào khoảng mùa Xuân năm 1875, thì ông lại bị giặc bắt chiêu hàng không đưọc cho nên kết án tử hình và hành quyết tại Chợ Gạo. Về sự nghiệp văn chương, thì Thủ-Khoa-Huân cũng còn là một nhà thơ mang dấu ấn tiêu biểu cho hiện tượng văn học yêu nước 
VN vào hậu bán thế kỷ XIX

.
Nguyễn-Hữu-Huân 
(1830-1875)

Tượng đài Thủ-Khoa-Huân ở Mỹ-Tho

Và Âu-Dương-Lân, một nhà chí sĩ trí thức yêu nước mà cũng là đồng chí giữ chức Phó tướng khởi nghĩa của Nguyễn-Hữu-Huân cũng đã hi sinh vì tổ quốc, khi ông bi giặc Pháp bắt hành hình.bên bờ sông Mỹ-Tho vào năm 1875. Hiện nay, phần mộ của ông cũng đã được trùng tu lại khang trang vào năm 2010 tại huyện Chợ-Gạo, nhân lễ kỷ niệm 135 năm ngày mất của Nguyễn-Hữu-Huân.

Phần mộ Âu-Dương-Lân ở Chợ-Gạo

Và bây giờ, nếu người ta muốn nói chung về vùng đất Tiền-Gang là nơi xuất thân của rất nhiều bậc anh tài, thì Mỹ-Tho nói riêng cũng từng là nơi xuất thân của nhiều nhân vật tài hoa trên nhiều lãnh vực, đặc biệt là về phương diện văn hóa nghệ thuật. Ngay cả những con người nổi tiếng là ăn chơi trụy lạc như Bạch Công-Tử (tên thật là Lê-Công-Phước 1901-1950, từng là phu quân của nghệ sĩ Phùng-Há), cũng được nhìn nhận là đã một thời kỳ có công đóng góp phát triển vào cho bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương ở tại địa phương sau khi lập ra gánh hát Huỳnh-Kỳ cùng lúc với xây cất lên rạp hát Huỳnh-Kỳ, và kinh doanh máy dĩa hát (thường là tuồng cải lương) thời đó. Nói thêm, vào thời đó, cũng có một tay ăn chơi nổi danh khác được gọi là Hắc Công-Tử (tên thật là Trần-Trinh-Huy 1900-1973) ở Bạc-Liêu. Và trong dân gian hiện nay người ta cũng còn lưu truyền, kể lại về những giai thoại tranh đua khoe tiền của đầy thú vị giữa hai con người nầy.

Trở lại về hình ảnh của những nhân vật từng làm sáng giá mảnh đất địa phương về phương diện văn hóa nghệ thuật, thì người ta không quên còn có những con người như NSND Bảy Nam (1913-2004), tên thật là Lê-Thị-Nam mẹ ruột của NSND Kim-Cương. Bà là em ruột của ngôi sao sân khấu cải lương Năm Phỉ, và cũng là bà bầu trẻ đầu tiên khi 19 tuổi đã thành lập gánh hát cải lương. Ngoài ra, bà cũng còn một nhà soạn giả nổi danh từng có nhiều kịch bản hay, để lại cho nghệ thuật sân khấu đến ngày hôm nay.

Nghệ sĩ Bảy Nam và kỳ nữ Kim-Cương 
trong kịch bản "Lá Sầu Riêng"

Bên cạnh đó, nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch (tên thật là Trần-Quang-Trạch bào đệ của Giáo-sư Trần-Văn-Khê) cũng từng được mệnh danh là quái kiệt hài hước đã từng vang bóng một thời ở đất phương Nam. Là nhạc sĩ, ca sĩ đầu tiên của VN có phương cách biểu diễn mới lạ theo phong thái của Tây phương, tài nghệ của ông thực sự đã thu hút được lòng mến mộ của rất nhiều thành phấn khán giả. Ngoài ra, ông cũng còn là người đầu tiên có sáng kiến mở ra chương trình đại nhạc hội kết hợp các bộ môn nghệ thuật ca nhạc, ảo thuật, vũ, xiếc trộn pha trong phần trình diễn. Trước năm 1954, ông có đảm trách ban nhạc Sầm-Giang trên đài phát thanh Pháp-Á tại Sài-Gòn, quy tụ được nhiều nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng. Ông được công chúng hoan nghênh nhiều nhất là bài hát "Xổ số kiến thiết quốc gia" do chính ông là tác giả
.
Trần-Văn-Trạch 
(1924-1994)

Ở Mỹ-Tho ngày nay, hình như hầu hết mọi người dân sở tại không ai mà không biết đến một nhân vật kỳ tài, ngột ngôi sao chói rạng trên cả bầu trời phương Nam đã từng chinh phục được nhiều cảm tình của những thành phần khán giả bốn phương đam mê nghệ thuật sâu khấu cải lương tuồng cổ. Và đó là trường hợp đặc biệt của nữ NSND Phùng-Há (tên thật là Trương-Phụng-Hảo), một hiện tượng hiếm hoi tìm thấy trong làng hia mão, mà giờ đây, bà được hầu hết đồng nghiệp vinh danh coi như là bà Tổ của bộ môn nghệ thuật nầy. Thuở nhỏ, bà có năng khiếu về ca hát cho nên năm 14 tuổi thì đã được gánh hát "Tái Đồng Ban" mời tham gia vào làm đào chính. Từ đó, con đường tiến thân về nghệ thuật của bà bắt đầu có dịp mở ra một chân trời tương lai đầy khởi sắc cho đến ngày thành công sự nghiệp đạt đỉnh vinh quang. Bà vốn có giọng hát xuất sắc cùng với biệt tài diễn xuất tinh tế, và trọn vẹn thành công được hoan nghênh nhất là trong những vai tuồng đưọc coi như là để lại cho đời như Lữ-Bố trong vở Phụng-Nghi-Đình, An-Lộc-Sơn trong vở Đường-Minh-Hoàng du nguyệt điện, Dương-Quí-Phi trong vở Tình sử Dương-Quí-Phi v.v.

Đặc biệt vào năm 1964, trong ngày Hội-Thảo Quốc-Tế về kịch nghệ của Hội-Đồng Quốc-Tế Âm-Nhạc UNESCO được tổ chức tại Pháp gồm có trên 100 quốc qia tham dự. Nghệ sĩ Phùng-Há đã từng gây nên một sự kinh ngạc rất lớn, nếu không muốn nói là sự bái phục của đoàn nghệ sĩ đến từ Trung-Quốc, Đài-Loan khi được nhìn thấy tài diễn xuất của bà đóng vai Lữ-Bố trong màn trình diễn vở Phụng-Nghi-Đình. (Trong khi ấy thì có sự trùng ngẫu, là các nghệ sĩ ưu tú của họ cũng trình diễn vở tuồng có nội dung giống y như vậy). Hơn thế nữa, tài nghệ của Phùng-Há cũng đã được các chuyên gia kịch nghệ đại biểu tham dự trong các phái đoàn quốc tế đánh giá cao, và cho là hay nhất trong các màn trình diễn.

Suốt hằng những thập niên dài gắn bó với nghệ thuật, nghệ sĩ Phùng-Há đã để lại rất nhiều dấu ấn cảm tình yêu mến thật là sâu đậm vào trong lòng khán giả mộ điệu cho đến phút cuối đời. Dưới thời VNCH, bà từng là Giáo-sư của Trường Quốc-Gia Âm-Nhạc và Kịch-Nghệ, và cũng là người sáng lập ra Chùa Nghệ-Sĩ ở tại Sài-Gòn. Sau năm 1975, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ-Sĩ Nhân-Dân. Ngoài ra, bà cũng còn từng là Ủy-Viên Hội-Đồng Các Nghệ-Sĩ (cơ quan tư vấn Chủ-Tịch Hồi-Đồng Bộ-Trưởng về việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ).

Phùng-Há 
(1911-2009)

Danh nhân văn hóa ở Mỹ-Tho hãy còn nhiều, và tùy theo công lao sự nghiệp đóng góp của nhân tài mà họ được người đời trân trọng đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, từ lâu cũng có một cây đại thụ vươn mình lên trên tất cả những ngọn cây cao to lớn khác về lãnh vực văn chương tiểu thuyết, và mãi cho đến ngày hôm nay, gần như người ta cũng chưa có thể tìm ra đối thủ. Nói cách khác, sau lưng con chim đại bàng văn học Nguyễn-Đình-Chiểu ở phương Nam, thì chỗ ngồi xếp hàng tiếp theo có lẽ không ai có thể còn xứng đáng hơn là nhà văn Hồ-Biểu-Chánh.

Nhà văn Hồ-Biểu-Chánh (tên thật là Hồ-Văn-Trung, tự Biểu-Chánh, hiệu Thứ-Tiên sinh năm 1884 tại Gò-Công, thuộc Tiền-Giang ngày nay), nhưng trong giấy khai sinh thì đề ngày 1-10-1985, và trước sau vào thời điểm mà triều đình nhà Nguyễn vừa ký hòa ước Giáp-Thân, hay còn gọi là hòa ước Patenôtre 1884, để nhượng đất Nam-kỳ chính thức trở thành thuộc địa của Pháp. Lúc còn nhỏ, ông theo học ở Trường Collège de Mỹ-Tho (Trường THPT Nguyễn-Đình-Chiểu ngày nay). Sau khi lớn lên, thì ông đi làm quan lại với ngạch trật cuối cùng là chức vụ Đốc-phủ-sứ. Ông được nổi tiếng là thanh liêm, và cũng là một viên quan có lập trường đứng ngầm về phía nhân dân trong thời kỳ đất nước bị rơi vào tay giặc. Hồ-Biểu-Chánh khởi nghiệp viết văn vào từ năm 1910 và cho ra đời đứa con đầu lòng vào năm 1912, đó là tác phẩm tiểu thuyết đầu tay có tựa đề "Ai Làm Được". Năm 1946, ông xin nghỉ hưu để rảnh tay tiếp tục sự nghiệp văn chương. Suốt trong hơn 10 năm còn lại, ông vẫn tiếp tục miệt mài cho ra đời những tác phẩm tiểu thuyết đượm chất hình ảnh mộc mạc, dân dã tình quê. Và bằng với những áng văn phong bình dị, tự nhiên, ông đã khéo léo nhẹ nhàng đưa người đọc vào không gian văn học miền Nam bằng lối diễn tả nôm na, chất phát quê mùa theo sở trường về cách viết văn xuôi tự sự của ông dùng để phản ảnh màu sắc, tâm lý xã hội đương thời, làm cho người đọc có cảm tưởng rằng mình đang được nhìn vào một bức tranh sống thực. Nhiều nhà phê bình văn học từ lâu cũng đã từng không tiếc lời ca tụng, và lên tiếng thừa nhận cho rằng là viên ngọc quý của đất phương Nam Hồ-Biểu-Chánh không những là một nhà văn kỳ tài, mà còn là hình ảnh của một sử gia chứng nhân trong thời đại.

Tóm lại, người ta có thể nói chắc nịch Hồ-Biểu-Chánh là biểu tượng của một nhà văn tầm cỡ lớn của nước nhà từng có nhiều tác phẩm nhất ở trong lịch sử văn học Việt-Nam. Và tiểu thuyết của ông từ lâu cũng từng đã được phổ biến rộng rãi, ăn sâu vào lòng độc giả, nhất là ở tại miền Nam. Giờ đây, di sản đồ sộ phong phú của ông còn để lại cho vườn hoa văn học nước nhà hiện nay gồm có: 3 Tập thơ, 3 Tùy bút phê bình, 6 Hồi ký, 3 Hài kịch, 4 Tuồng hát bội, 3 Tuồng cải lương, 6 Đoản thiên, 3 Truyện ngắn, 22 Biên khảo, 2 Dịch thuật, và 65 Tiểu thuyết, quyển cuối cùng có tựa đề là "Hy-Sinh" còn dang dở. Và khoảng 15 cuốn phim, được chuyển thể từ các tác phẩm nổi tiếng của ông từ trước. Hiện nay, các nhà điện ảnh cũng còn đang nghiên cứu lựa chọn đề tài trong các tác phẩm khác của ông để tiếp tục thực hiện quay thành tuồng phim. Ông mất vào ngày 4-9-1958 tại Phú-Nhuận, Sài-Gòn thọ 74 tuổi. Khi được tin ông qua đời, nhà thơ Đông-Hồ Lâm-Tấn-Phát hết sức vô cùng thương tiếc, và có làm hai câu đối điếu như sau:

"Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ gió đùa, Tỉnh mộng, mấy Ai làm được?

Cang thường nặng gánh, cơn Khóc thầm, cơn Cười gượng, thanh cần trái bảy mươi bốn tuổi, Thiệt giả giả thiệt, Vườn văn xưa ghé mắt, Đoạn tình còn Ở theo thời". 

Hồ-Biểu-Chánh 
(1885-1958)

Sau cùng, tác giả muốn nhắc tới một nhân vật đặc biệt khác. Đó là Giáo-sư, Tiến-sĩ Trần-Văn-Khê, một nhà văn hóa lỗi lạc đương thời nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền dân tộc, một hiện tượng hiếm hoi tìm thấy trong lịch sử danh nhân nghiên cứu về âm nhạc hướng về nguồn cội văn hóa Việt-Nam. Nghệ sĩ Trần-Văn-Khê được sinh ra trong một gia tộc có truyền thống nổi tiếng về âm nhạc, có tới 4 đời làm nhạc sĩ, và ông cũng là cháu của cụ cố ngoại là tướng Nguyễn-Tri-Phương. Cô ruột của ông là bà Ba Viện, cũng là người đầu tiên đứng ra thành lập gánh hát cải lương lấy tên "Đồng Nữ Ban", quy tụ những nghệ nhân nổi tiếng về ca nhạc cổ truyền. Do vậy, từ thuở nhỏ ông đã có cơ hội thích hợp gần gũi với các khí cụ về âm nhạc, cũng như từng có dịp làm quen với các điệu hò hát cổ truyền. Thời kỳ còn ở trong nước, ông từng theo học ở tại các trường Pétrus-Ký Sài-Gòn và trường Y-Khoa ở Hà-Nội. Năm 1949, ông sang Pháp du học một thời gian thì tốt nghiệp Tiến-sĩ Văn-Khoa môn Nhạc học của trường Đại-Học Sorbonne (Paris). Suốt trên nửa thế kỷ sống ở nước ngoài, ông đã có dịp đi qua tất cả 67 quốc gia trên thế giới để giảng dạy và truyền bá về âm nhạc cổ truyền dân tộc Viêt-Nam.

Do vậy, cho nên tài nghệ thể hiện của ông đã có nhiều dịp đóng những vai trò quan trọng trong vị trí âm nhạc tại một số trung tâm âm nhạc Paris và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ngoài ra, ông còn là hội viên của Hội Nhà văn Pháp (Société des Gens de Lettres) (Pháp), Hội Âm nhạc học (Société Française de Musicologie) (Pháp), Hội Dân tộc Nhạc học Pháp (Société Française d'Ethnomusicologie) (Pháp), Hội Âm nhạc học Quốc tế (Société Internationale de Musicologie), Hội Dân tộc Nhạc học (Society for Ethnomusicology) (Mỹ), Hội Nhạc học Á châu (Society for Asian Music) (Mỹ), Hội Âm nhạc Á châu và Thái Bình Dương (Society for Asian and Pacific Music), Hội Quốc tế Giáo dục Âm nhạc (International Society for Music Education), Thành viên và chủ tịch hội đồng khoa học của Viện Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc với Phương pháp Đối chiếu (International Institute for Comparative Music Studies) (Đức), Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống (International Council for Traditional Music) nguyên phó chủ tịch (Mỹ), Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (International Music Council/Unesco), Nguyên uỷ viên ban chấp hành, Nguyên phó chủ tịch, Đương kim Chung sanh hội trưởng danh dự (Pháp), Viện sĩ thông tấn, Hàn lâm viện Châu Âu, Khoa Học, Văn chương, Nghệ thuật...Và cũng như, ông từng có thành tích đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, trong nước vào những thời kỳ từ năm 1949 cho đến nay.

Từ lâu, tên tuổi của nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần-Văn-Khê từng được gắn liền vào với các công trình giới thiệu về bản sắc văn hóa âm nhạc cổ truyền Việt-Nam ra thế giới bên ngoài. Và thành tích đặc biệt của cá nhân ông cũng đã từng thể hiện ra là hình ảnh của một nhân vật thiên tài, biểu tượng cho nghệ thuật âm nhạc truyền thống nước nhà. Còn giờ đây, thì hình ảnh thực sự của ông cũng không còn xa lạ gì với hầu hết đồng bào trong cả nuớc kể từ khi ông trở về sinh sống hẳn ở quê hương, và cống hiến cho quốc gia một một kho tàng tài liệu vô cùng phong phú về âm nhạc. Được biết kho tàng tài liệu âm nhạc của ông được chuyển về nước vào năm 2004 gồm có 460 kiện hàng văn hóa chứa đựng hàng ngàn quyển sách, băng video, máy quay phim, chụp ảnh, các loại đờn, và cả một khối tư liệu công trình nghiên cứu âm nhạc v.v mà người có nhu cầu để đọc qua thì cần phải bỏ ra thời gian ước tính bằng cả mấy năm trời. Và trong gần mười năm qua, người ta có thể nói rằng căn nhà mà chính quyền và nhân dân đã trao tặng cho ông vào năm 2006 ở tại Bình-Thạnh (Hồ-Chí-Minh), nay đã thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa của thành phố, một nơi hội tụ giao lưu quen thuộc của những tâm hồn yêu thích âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Và đó cũng là một hành động ý nghĩa chứng minh sự đãi ngộ xứng đáng công lao, thay lời cám ơn một người con nước Việt từng đã có những đóng góp quý giá vào cho nền nghệ thuật âm nhạc cổ truyền dân tộc nước nhà. Hiện nay, trong không gian trưng bày các nhạc cụ, kỷ vật, và tài liệu của ông ở Bình-Thạnh thường được ông tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, để nói chuyện và trình diễn nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Các phái đoàn quốc tế thỉnh thoảng cũng có tìm đến, để nghe ông thuyết trình về âm nhạc cổ truyền dân tộc VN. Và hầu hết những nỗ lực trong các công trình nghiên cứu, trình bày nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc của ông tại đây đều đã được cử tọa đánh giá cao về những bộ môn như nào là đờn ca tài tử Nam-bộ, hát bội, nhã nhạc cung đình Huế, nhạc Phật-giáo VN, ca trù, múa rối nước v.v.

Giờ đây, tuy tấm lòng ước nguyện thiết tha đóng góp về quê hương đã được toại nguyện nhưng trong trái tim ông cũng vẫn hãy còn có vài nỗi băn khoăn, trăn trở. Vì rằng theo ông nhận xét thực tế, thì từ lâu phương cách truyền thụ môn sinh về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam-bộ như hiện nay đang ở trong nước ngày càng tách xa rời với khái niệm về nghệ thuật, vì lý do quá chú trọng về phần kỹ thuật. Do đó, khả năng của các nghệ nhân chỉ có thể tác dụng làm cho khán thính giả thán phục về phần kỹ thuật, chứ không thể làm cho họ bị xúc động về mặt nghệ thuật vốn dĩ đã được sàng lọc, thẩm thấu từ ở bên trong. Và ông tâm sự, là cần phải có một sự thay đổi trong cách nhìn về giáo trình sư phạm sai lệch, để có thể mang lại được nhiều hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, hiện tượng khác là các sinh viên VN bây giờ khi thi lấy bằng Tiến-sĩ âm nhạc thì lại phải dựa vào phương pháp lý luận âm nhạc của phương Tây để làm nền tảng. Do đó, đường nét tinh hoa âm nhạc cổ truyền của dân tộc nước nhà không thể còn có cơ hội tốt, để được trọng dụng vươn mình phát huy và sáng tạo phong phú nhiều hơn. Vả lại, dưới cái nhìn sâu sắc của một nhà nghiên cứu về âm nhạc, từ lâu ông thường tỏ ra tâm đắc mỗi khi có dịp thuyết trình cùng khán thính giả về hai loại nhạc cụ cổ xưa thời tiền sử ở nước nhà. Đó là nhạc cụ Trống Đồng ở miền Bắc của dân tộc Kinh, và loại đàn Đá (Goong-Lú) của dân tộc Thượng ở Tây-Nguyên, chính là những sản phẩm âm nhạc phi vật thể được coi như là gia bảo của dân ta cần phải nên cẩn thận giữ gìn. Và về nghệ thuật đam mê thưởng thức âm nhạc thì cũng từng được ông chia sẻ, là phải nghe mới thấm, phải học mới hiểu, có hiểu mới thích, có thích mới thương, có thương mới muốn giữ gìn, mới sẵn sàng luyện tập biểu diễn và phổ biến. Như thế, âm nhạc truyền thống mới thêm sinh lực và bản sắc dân tộc mới được giữ gìn. Ngoài ra, ông cũng đã từng bày tỏ, là trước sự phát triển của âm nhạc truyền thống nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, những gì phát triển từ bên trong ra là của cha ông sáng tạo, gầy dựng và chịu sự thử thách của thời gian mới thành tựu, còn phát triển lai căng từ bên ngoài cần phải thận trọng để không bị mất gốc…

Năm nay, tuổi hạc của ông đã quá cao (94 tuổi) nhưng tinh thần hãy còn sáng suốt, và ông cũng vẫn còn tiếp tục có những sinh hoạt văn hóa âm nhạc để đáp lại tấm thạnh tình của những con người yêu thích âm nhạc cổ truyền dân tộc. Họ đến với ông từng cá nhân (như trường hợp của tác giả), hay từng những tổ chức (của các phái đoàn). Và ngoài sự mến mộ tài năng, thì họ còn có cả sự bày tỏ lòng kính trọng ông về nhân cách của con người. Hơn thế nữa, hiện nay GSTS Trần-Văn-Khê đã được hầu hết các nhà soạn nhạc trong nước đều nhìn nhận vinh danh coi như là một vị thầy của những bậc thầy, một cây đại thụ quý hiếm có ảnh hưởng rất lớn lao đối với công phu sự nghiệp nghiên cứu bảo tồn và phát huy nền âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Trần-Văn-Khê 
(1921) 

Sông nước miền Tây đẹp như tranh

Sông nước miền Tây đẹp như tranh, và hồn thiêng nguyên khí của cục đất Mỹ-Tho sở dĩ có được những nét gấm hoa là do nhờ có yếu tố thiên nhiên ưu đãi làm nên sự hình thành của vùng phong hồi thủy tụ. Và trên đây là những hình ảnh của quê hương đất nước con người của nhiều thế hệ từng đã đi qua, hay còn sót lại cho đến bây giờ. Dù không tiêu biểu trọn vẹn được cho lịch sử của cả địa phương, nhưng nó cũng đã phản ảnh được phần nào về màu sắc tập quán dân sinh xã hội mang theo ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của thành thị xóm làng sở tại. Hơn thế nữa, vì thành phố Mỹ-Tho đang trên đà hội nhập vào tiến trình mở mang, phát triển không ngừng về nhiều lãnh vực, vì thế cho nên tác giả không sao có thể tránh khỏi được những điều thiếu sót còn cần phải được bổ sung, đề cập đến.

Tuy nhiên, dù sao thì người ta cũng được biết rằng từ lâu hình ảnh yên bình của thành phố Mỹ-Tho cũng từng đã được quảng bá ra thế giới bên ngoài, qua sự kết nghĩa thân thiện từ lâu với thành phố Changwon ở Hàn-Quốc. Do vậy, ngày nay các tín hiệu hân hoan đón chào viễn khách đến với Mỹ-Tho không chỉ thuần là những mỹ từ gợi cảm quen thuộc, mà nó còn được thể hiện kèm theo bằng với những trái tim nhiệt tình, những nụ cười thân thiện của người dân địa phương có ý thức giao lưu văn hóa, kết thân bè bạn trong thời đại mới.

Và đặc biệt người ta có thể nói rằng,kể từ khi hai cây cầu Mỹ-Thuận và Rạch-Miễu được khai thông đưa vào hoạt động giải tỏa mọi ách tắc giao thông, thì thành phố Mỹ-Tho (nói riêng) và tỉnh Tiền-Giang (nói chung) cũng đã thực sự vươn mình không trễ hẹn cùng lúc với nhịp cầu hiện đại được bắc qua sông, để tăng tốc đà phát triển các cơ sở hạ tầng cũng như xây cất các công trình quy mô khác. Và lợi dụng yếu tố tiết kiệm được thời gian, cho nên du khách từ ở khắp các nơi ngày càng đến với thành phố Mỹ-Tho được nhiều hơn. Đặc biệt, đối với một thành phần thế hệ cao niên nào đó, thì họ tìm đến nơi nầy tham quan là để bù lại những thiệt thòi trong khoảng thời gian quá khứ còn chiến tranh khiến cho mọi sự đi lại không được thuận tiện dễ dàng.

Cầu Mỹ-Thuận

Và thực tế, là suốt trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh thì vùng địa bàn Mỹ-Tho cũng từng là một bãi chiến trường tàn khốc. Đặc biệt, là ở nơi nầy đã có xảy ra một trận giao tranh ác liệt ở tại Ấp-Bắc vào ngày 2-1-1963 (10 tháng trước khi nhà Ngô bị sụp đổ), được các nhà nghiên cứu về quân sự trên thế giới chú tâm theo dõi. Và đây cũng là lần đầu tiên, trên một chiến địa sông nước ở miền Nam mà du kích quân Việt-Cộng lúc bấy giờ đã phục binh chủ động áp đảo thế trận, làm cho vô hiệu hóa chiến thuật trực thăng vận từ lâu từng được coi như là có nhiều ưu thế của quân đội Hoa-Kỳ thường hay áp dụng trong mọi cuộc hành quân từ trước đó. Nhưng giờ đây thì hình ảnh chiến tranh ngày ấy đã qua rồi, mùi thuốc súng đạn từ lâu cũng đã được thay thế vào bằng mùi hương thơm ngào ngạt thiên nhiên, lan tỏa ra của các vườn trái cây khắp trên quê hương Mỹ-Tho.

Ngoài ra, Mỹ-Tho cũng còn là một thành phố ở miền Tây từng đã có thành tích đứng ra tổ chức Festival lễ hội trái cây để nhằm mục đích quảng bá sản phẩm thương hiệu địa phương, và đồng thời cũng nhằm để tôn vinh nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học. Với chủ đề "Trái Cây Việt-Nam Thời-Kỳ Hội-Nhập", và "Tiền-Giang Mở Hội Sông Hóa Rồng Cho Cây Lành Trái Ngọt", dấu ấn tưng bừng mở hội trái cây tại thành phố Mỹ-Tho trong năm 2010 từ lâu tuy đã trôi qua, nhưng hiện nay vẫn còn là một hình ảnh đẹp trong lòng du khách bốn phương từ miền xa tìm đến tham quan.

Riêng đối với tác giả, thì Mỹ-Tho là một thành phố từng có nhiều kỷ niệm của thời quá khứ khi có dịp rong ruổi đến ở một địa phương có những huyền thoại về xã hội con người. Và cũng là một vùng miền sông nước mây ngàn cỏ nội, đượm chất tình quê đã từng sản sinh ra có nhiều loài dân dã chi hoa gần gũi trong sinh hoạt cuộc sống dân gian, như nào là hoa trinh nữ còn gọi phổ thông là hoa mắc cỡ, hoa súng, hoa sen, hoa lục bình, hoa cà, hoa rau muống, hoa dại của muôn loài phiêu lưu thảo v.v đua nhau mọc nở um tùm lẩn theo trong bờ bụi, đầm lầy, sông nước.

Mỹ-Tho, thành phố trầm lặng mến yêu, hôm nay lưu lại mọi hình ảnh của chuyện xưa nay để mai đây còn sót lại trong ký ức của mọi người, để còn có dịp khắc ghi vào lòng một thời để nhớ…

Mỹ-Tho cảnh đẹp người xinh 
Quyện lòng du khách gợi tình nước non


An-Tiêm MAI-LÝ-CANG 
(Paris)


---------------------------------------------

* - Ca dao Mỹ-Tho:

Đèn Sài-Gòn ngọn xanh ngọn đỏ 
Đèn Mỹ-Tho ngọn tỏ ngọn lu 
Anh về học lấy chữ nhu 
Chín trăng em cũng đợi mười thu em cũng chờ