có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 4 05, 2011

Thôi hết còn gặp nhau

thơ Phạm Công Thiện
Jazzy Dạ Lam phổ nhạc và hát


(tranh Đinh Tiến Luyện)

Buốn

Có chuyện buồn trên cao
phù phép nổi lào rào
có chuyện buồn hôm nao
thôi hết còn gặp nhau...


Có chuyện buồn hôm sau
có nàng tiên cởi áo
đôi vú nhỏ nghẹn ngào
thơm nóng đỏ trăng sao

Có chuyện buồn chiêm bao
nàng tiên cài khuy áo
mưa dột mấy rừng đào
thôi hết còn gặp nhau...


Bài hát phổ từ bài thơ “Buồn” trong tập "Trên tất cả đỉnh cao là lặng im" của Phạm Công Thiện được tôi viết một năm sau lần đầu gặp gỡ ông, cũng là lần cuối, tại Munich. Đưa ông từ sân bay về nhà trọ ngay trung tâm thành phố, ông chẳng mang theo gì ngoài một valise nặng toàn sách. Lôi ra một đống sách, ông nói “Cho Hương!”

Thời gian đó, tôi thường ở trường đến khuya mới về nhà. Buổi khuya tĩnh lặng khiến tôi thích ư ử ngâm nga hát những câu nhạc chợt đến trong lúc ngồi chờ xe điện. Chẳng hiểu sao, luôn là những nét nhạc mang âm hưởng cải lương vọng cổ xuất hiện thật tự nhiên trong trí. Mặc dù không thể hát được câu vọng cổ nào ra hồn, tôi rất mê âm điệu cải lương, nhất là hai bản Nam Ai và Tứ Đại Oán, bởi màu sắc đậm đặc ai oán thê lương, đậm đặc blues, nghe là não lòng. Nhất là những chỗ người hát “xuống xề”, nhảy một quãng rộng (quãng 10 hay 13) khiến tôi có cảm giác như bị hụt cẳng, lọt giếng một cách vô cùng ngọt ngào.

Với ca trù, chèo thì cái lẳng lơ, nũng nịu, nhẩn nha nhấn nhá, ở không được dứt không xong, câu nhạc cứ thế mà dùng dằng đến sốt ruột, cũng làm tôi vô cùng mê mẩn. Nó làm tôi nghĩ tới những viên cuội nằm trong khe suối ướt mềm trơn trượt, từ viên này sang viên khác, chỉ cần di bàn chân đi thật nhẹ nhàng, lướt trên cái trơn nhẵn ấy, nhưng đừng để ngã, thì tha hồ mà đong đưa.

“Có chuyện buồn...” mà Phạm Công Thiện kể, tôi đã nghe thấy nó như thế.

Trên chuyến tàu tốc hành từ Munich đi Berlin một đêm tháng chín năm 2000, toa tàu dành để phục vụ khách ăn uống vắng ngắt, chỉ còn tôi và ông vẫn ngồi lại cùng chai vang đỏ gần cạn. Ông nói nhiều, tôi chỉ việc lắng nghe, hay thật sự chẳng còn nhớ đã nói gì với ông. Duy nhất không thể quên là ánh mắt sắc như dao ẩn sau cặp kính trắng như xuyên thấu, lột trần mọi vỏ bọc, khiến tôi trở nên yếu đuối, vô phương chống đỡ.

Rồi, ông nhắm mắt lại, và bắt đầu niệm chú. Phải chi tôi hiểu được những câu chú ấy có nghĩa gì, hiểu được cơn chấn động nơi những mật ngữ ấy bay qua, rơi vào, đọng lại. Và hiểu được lý do của những xao xác trong lòng tôi, hay lòng ông lúc ấy.

“Thôi hết còn gặp nhau” đã ra đời từ câu chuyện kể của ông, và cũng là điều tôi muốn kể bằng âm nhạc của mình. Nó là sự kết hợp của nỗi im lặng giữa đỉnh cao và hố thẳm, ngọt ngào như khi tôi bị hỏng cẳng, lọt giếng bởi câu vọng cổ miền Nam. Là nỗi âu lo dùng dằng khép mở của nàng Tiên nữ “vú nhỏ nghẹn ngào” thơm ngát, vừa khiến “nóng đỏ trăng sao”, đã làm “dột mấy rừng đào”, vừa ngây ngất say đã chẳng còn gặp nữa. Nàng tiên nữ ấy đã khiến ông chới với như trượt trên những viên cuội dưới khe nước trơn nhẵn ướt mềm kia. Là tiếng lào rào phù phép của những thiền sư Tây tạng trì tụng tiếng “OM” dài bất tận, xen trong tiếng lục lạc, một nhạc cụ trong nhạc lễ của Phật giáo Tây Tạng. Là tiếng chuông nhà thờ La Mã, chồng lên tiếng glass bowl của những thiền viện Tây Tạng, như ông đã từng có thời là con chiên Chúa, hay là một thiền sư say mê Mật tông. Là tiếng piano với những bồi âm của cả hai loại chuông kia, chồng lên nhau, tạo thành những thoáng mê sảng, cùng lúc như thức tỉnh, chấm dứt một cuộc rong chơi trên cõi tạm này. Là nén hương lòng tôi dành đưa tiễn ông về miền cực lạc.

“Thôi hết còn gặp nhau”, sau mười năm cất kỹ trong ngăn tủ chỉ vì cái tên Phạm Công Thiện quá lớn, cuối cùng đã được tôi quẳng hết ngại ngùng để cho nó đến với ông, để thấy trong hơi thở mình là hơi thở của đời sống đang chảy trôi thật nhẹ nhàng, như là cánh bướm thoáng đậu thoáng bay, vừa chấp chới trên cao, bỗng vụt sà xuống thấp... hơi thở tung tăng, tung tăng, tung tăng... (*)

đô fá fà... đô fá fà... đô fá fà...

Jazzy Dạ Lam

---------------
(*) lấy ý từ câu “hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ” trong tập “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”