1966-2011: đã gần nửa thế kỷ cầm bút có lẽ cũng là dài với một tác giả đã trải qua những thời thế của một đất nước của chiến tranh, của di cư năm 1954, của di tản, của lưu vong năm 1975, như Phan Lạc Tiếp. Từ tác phẩm đầu tay, “Bờ Sông Lá Mục”, là khởi đầu của những dòng chữ văn chương, là những bước chân đi vào nghiệp dĩ.
Từ đó, dẫn đến những giòng chữ của “Một Thời Oan Trái” viết mấy chục năm sau. Năm 2011, nhìn lại chính mình qua những thăng trầm thời thế, tác giả họ Phan đã viết ký sự của đời mình và qua đó, phác họa lại chân dung những nhân vật mà suốt cả trong cuộc đời ông không thể nào quên. Những cảnh, những người, những nỗi niềm tâm tư, dường như đã gắn chặt trong bộ nhớ và khi ông nhắc lại, rõ mồn một từng chi tiết và hình như có ẩn chứa một sức sống tiềm tàng.
Có người đã nói Phan Lạc Tiếp là một nhà văn hải quân. Ông đã viết nhiều về đời sống của người lính hải hồ đại dương của mình với cả sự hãnh diện như một người nhập cuộc. Một sự kiện rõ ràng nhất là trong công trình thực hiện Tuyển Tập Hải Sử ông là người có đóng góp đáng kể. Đọc những bút ký ông viết, một đời sống mà ở đó, con người bằng xương bằng thịt hiển hiện một mẫu người thực, đầy nét nhân bản nhưng lại vô cùng sống động. Đời sống quân ngũ chẳng phải là một con đường phẳng phiu mà những chông gai, những khó khăn lại dẫy đầy dọc theo con đường thăng trầm người lính. Nhưng, ở trong sự chừng mực của một người luôn điềm đạm nhìn thấy những nét tích cực của cuộc đời, ông vẫn coi sự thăng trầm của đời quân ngũ cũng là bình thường của cuộc nhân sinh.
Phan Lạc Tiếp là sĩ quan HQ tốt nghiệp khóa 11 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Năm 1966, ông đã xuất bản tập bút ký Bờ Sông Lá Mục như một người tham dự cuộc chiến. Tại hải ngoại sau 1975, ông xuất bản tập bút ký Nỗi Nhớ, Quê Nhà 40 Năm Trở Lại và bây giờ, năm 2011, Một Thời Oan Trái. Ông rất thành công với thể loại bút ký. Tuy nhiên với tập truyện ngắn Cánh Vạc Lưng Trời cũng là một dấu ấn không phai để lại cho độc giả với những sắc thái riêng biệt từ trong tác phẩm.
Nói về truyện ngắn Phan Lạc Tiếp, tôi thấy ở văn phong của ông là tấm lòng hồn hậu với đời, và có những nhân vật đẹp, cả từ tâm tính nhân bản đến suy tư trong sáng. Truyện ngắn của ông là những mảng sống được tạo dựng từng phần để như là những nét phác họa cho một cuộc sống mà ở đó thời thế thay đổi đến chóng mặt. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chất đôn hậu vẫn tràn đầy và con người nhìn tha nhân với đôi mắt chia sẻ nhiều hơn là phê phán trách cứ. Tập truyện Cánh Vạc Lưng Trời có những nhân vật tuy thường gặp ở đời sống hàng ngày nhưng khi hình ảnh ấy đi vào trong văn mạch lại trở thành những nét riêng biệt và có sức lôi cuốn bởi sự trung thực với cuộc sống. Có thể, mỗi người trong độc giả chúng ta cũng đóng vai một nhân vật trong hoàn cảnh ấy và có thể chia sẻ với tâm tư, với những điều mà tác giả muốn bày tỏ.
Viết, về chiến tranh như Bờ Sông Lá Mục, về di tản như Nỗi Nhớ, và về lòng hoài hương của Quê Nhà 40 Năm Trở Lại, thì nét đặc biệt của tác giả Phan Lạc Tiếp rõ nét vẫn là sự trung thực của một người lính hãnh diện vì sự đóng góp của mình. Với vai trò người lính Hải Quân trong lửa đạn nên khi viết bút ký Bờ Sông Lá Mục đã có nét riêng tạo thành hấp lực cho người đọc từ những mảng đời sống ngồn ngộn chất sống và sinh động chất suy tư. Những địa danh, những trận đánh, được kể lại, tuy phản ánh sự thực chiến trường nhưng ít sắt máu. Và, ở thấp thoáng đâu đó là niềm trắc ẩn, của những người phải bắt buộc cầm súng để tự bảo vệ mạng sống chính mình. Chính nét nhân bản ấy đã làm cho những trang bút ký tha thiết với cuộc sống hơn..
Thể hiện những mảnh đời bằng những trang hồi ức, văn chương của ông có khi là những ghi chép lại từ những sự kiện có thể quen thuộc đối với chúng ta. Có khi là về những ngày cuối tháng tư, có lúc kể lại những kỷ niệm buồn, của những cuộc phân ly, của những ngoái nhìn về đất nước cũ, về đời sống xưa. Có nhiều người viết về di tản, nhưng tác giả đã viết với tâm cảm của người trong cuộc, kể lại những phút giờ căng thẳng của biến cố lịch sử, của những mất mát người thân, của những nỗi buồn của người vong gia thất thổ. Đọc những trang sách tả lại cuộc hạ kỳ lần chót trên biển của các chiến hạm của Hải Quân VNCH, ai mà không thấy đứt ruột khi lá cờ thân yêu bị kéo xuống và bài hát quốc ca bỗng tràn đầy nước mắt. Viết theo thể tự sự của hồi ức, là để nhắc nhở chính mình, và cả thế hệ mình những truân chuyên thời đại của một dân tộc Việt Nam. Với thế hệ sau, đọc lại sẽ thấy được tấm lòng của những người bị bắt buộc phải bỏ nước ra đi trôi dạt theo thời thế Việt Nam của cuộc chiến tranh lạnh đang quay cuồng thịnh nộ trên bàn cờ chiến lược thế giới. Trang sách viết là những ghi nhận độc đáo của một thời kỳ mà những người trong cuộc đã trải qua những mất mát, những bi thương của ngày tháng tư năm 1975 trên những con tàu đã mang họ đến xứ sở tạm dung để bắt đầu những ngày lưu lạc xứ người
“Quê Nhà 40 Năm Trở Lại” là tác phẩm về cái tâm tư của một người luôn hoài nhớ quê hương được biểu hiện khi trở về thăm. Gần một thế kỷ có lẽ là một thời gian dài mà cuộc sống tang thương biến đổi đã làm con người khi trở về lạc vào những mảnh trời, những khoảng đất của thuở nào xa xưa, mơ hồ. Dù cách xa bao nhiêu năm, nhưng những người con của quê hương, đã lớn lên từ quê cha đất tổ, dù ở những vị trí khác nhau có khi còn đối diện nhau ngoài mặt trận nhưng cùng một tâm nguyện, cùng một ước vọng cho ngày tươi đẹp của đất nước. Nhưng trở về, để thấy quê xưa vẫn chẳng đổi thay mà có khi còn tệ hại hơn thuở xưa cũ, thì tâm cảm ấy, có lẽ tất cả chúng ta cùng hiểu ra được cái oái oăm nghiệt ngã của nhữngcuộc chiến vô nghĩa…
Với tất cả mọi người Việt Nam, quê cha đất tổ vẫn là nơi chốn linh thiêng để tưởng nhớ và vọng về. Dù hoàn cảnh mỗi người khác nhau và phải rời xa, nhưng khi trở lại thì nơi chốn ấy, địa dư ấy, lịch sử ấy tự nhiên chất chứa bao nhiêu là kỷ niệm. Từ người đến cảnh, dù đã nhiều đổi thay nhưng vẫn gợi lại ngày tháng cũ, đời sống xưa và không bao giờ phai mờ được. Với Phan Lạc Tiếp, những ngày trở về quê cũ là dịp để nhìn lại quá khứ và với bản tính hồn hậu trung thực ông đã viết về những điều mắt thấy tai nghe với cả một tấm lòng mở rộng. Từ cách viết trong sáng, bút pháp giản dị, mục đích là diễn tả tâm tư một cách chân thành, Phan Lạc Tiếp là một nhà văn đã nâng thể bút ký thành một thể loại nhiều phong cách văn chương nhất.
Phan Lạc Tiếp viết về chiến tranh. Biến cố ngày 30 tháng tư năm 1975 cũng đậm nét trong hồi ức của ông. Điểm rất thành công với thể loại này khi diễn tả tâm trạng có lẽ chung của rất nhiều người trong những tâm tư chung, hoàn cảnh chung của một thời thế chung mang. Ký đã trở thành một thể loại khác với những ghi chép lại từ đời sống một cách trực tiếp. Mà, ký, có khi còn chuyên chở nhiều hơn từ những tâm cảm, những hiện thực mà những giòng chữ biểu hiện. Ở văn phong của ông là ngôn ngữ biểu hiện tấm lòng hồn hậu với đời, và có những nhân vật biểu trưng cho cả một thời đại mà những nhân vật ấy đã sống, đã thở, đã cảm xúc. Trong nhận xét và cảm quan của ông với đời sống là một sự chừng mực, chừng mực trong cả những nhận định, những hoàn cảnh nóng bỏng nhất. Đề tài viết của ông bao quanh những mảng sống được nhìn thấy nhiều đến nỗi thành bình thường nhưng lại thành nét phác họa cho một cuộc sống mà ở đó thời thế thay đổi đến chóng mặt. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chất hiền hòa vẫn tràn đầy và con người nhìn tha nhân với đôi mắt của người cùng chịu đựng cảnh ngộ hơn là những đối thủ đang ở vào những vị trí tranh sống một mất một còn. Truyện ngắn của ông có những nhân vật quen quen tưởng đã gặp đâu đó ở đời sống hàng ngày nhưng khi hình ảnh ấy đi vào trong văn mạch lại trở thành những nét riêng biệt và có sức lôi cuốn từ chính bởi sự chân thành với cuộc sống.
Tác phẩm mới của Phan Lạc Tiếp ”Một Thời Oan Trái” viết về người và cảnh của cả một thế hệ đã lớn lên từ quê hương, đi vào đời rồi lưu lạc mọi nơi mọi chốn nhưng không bao giờ nhòa phai trong ký ức. Người, là ở tuổi thanh niên lớn lên, là những nhân vật như Soái Nham, như Tào Mạt, như Sơn Chung Tiên Sinh, như Phan Lạc Trạch… Họ bị cuốn vào những cơn lốc xoáy lịch sử. Cảnh là những nhắc nhớ lại một thời, là cây khế góc vườn xưa, là những căn nhà tranh êm đềm thuở nào. Cảnh nhắc lại người, người làm nhớ thêm cảnh. Đất cũ người xưa làm dầy thêm ký ức người xa xứ. Đọc để như sống lại một thuở nào. Trong văn học Việt Nam, viết về phong tục thôn quê đã có những Toan Ánh, Tô Hoài, Nam Cao,… phác họa lại một thời, dựng lại một đời tưởng đã không còn ai nhắc đến.
Có khi những cuộc sống buồn của một đất nước tao loạn đã làm tăng thêm niềm hoài cảm. Những người trai trẻ thuở nào bây giờ đã thành, hoặc là tồn tại trong ký ức, hoặc đã thành những nạn nhân của thời gian.
Viết về những người xưa cũ, không sao tránh khỏi được nỗi ngậm ngùi. Như khi viết về một người cậu bên ngoại của tác giả:
“.. bây giờ, bây giờ bao nhiêu kẻ còn người mất, bao nhiêu nỗi thăng trầm, hợp tan khốn khổ. Thoáng chốc trên nửa thế kỷ đã ào ạt trôi qua… cậu Cử, người em út của Cậu Giáo tôi, niềm hãnh diện và cũng là hình ảnh mà lũ học trò nghèo nhà quê chúng tôi hướng tới như một ước mơ, một mục đích, cũng không còn. Sau 1975 với những đoạn đường oan nghiệt trong tay kẻ thắng, nhiều năm sau gia đình cậu mợ tôi mới được định cư tại Pháp. Tháng năm và thời cuộc khiến tôi có cơ hội gần gũi với Cậu hơn, không còn xa cách như bao ngày tháng cũ. Trong những lá thư dài cậu gửi cho tôi, nét chữ Cậu viết đã run, quê hương nghèo đơn sơ và những ngày xa của một sinh viên đầu tiên của đại học Hà Nội những năm ba mươi bốn mươi đã quện lẫn vào nhau như một nỗi u hoài vàng son với đầy nuối tiếc. Như thư của cô Cử viết ”cậu mất tuổi thọ đã trên 80 mà cô thấy như còn trẻ quá!..”
Viết về Sơn Chung Tiên Sinh, như một hồi tưởng về một thời tao loạn, mà con người như ngọn lá cuốn vào cơn lốc. Tưởng đã qua một thời gian, chấm dứt chiến tranh nhưng rồi cả hai cha con lại gặp nhau ở trong tù với cái oái oăm thời cuộc.
“Một cuộc đời nho sĩ vừa đóng laị. Tôi lại nghĩ đến bút hiệu của ông. Sơn Chung Sơn là núi. Chung đây là cùng, là tận. Sơn Chung là góc núi. Người ví mình như kẻ sống trong tận cùng góc núi, tự xa lánh cuộc đời, hay ví mình như một thứ trích tiên. Tôi không biết được thực ý của ông khi lấy bút hiệu ra sao, vì trong giao tiếp hàng ngày ông không nói. Trên những trang sách ông viết, ông chỉ nói về làng xóm, về những người khác, tuyệt nhiên không có một dòng nào viết về ông. Nhưng anh em tôi, những kẻ hậu sinh, trong mấy chục năm qua, vì thời cuộc đẩy đưa được làm việc này việc khác, có cơ hội học hỏi gặp gỡ từ nhiều người, khi nghĩ về ông, Sơn Chung Đỗ Nhật Tân, chúng tôi vẫn thấy ông là một người hiếm quý. Ông đúng là một kẻ sĩ đầy nghĩa khí và khiêm cung. Ông như từ một cõi nào xa cũ, lạc loài sống giữa thời đại chúng ta. Bao quanh ông hình như có một bầu không khí khác, một cánh chi khác đầy ắp vàng son đang tàn lụi dần lẫn những nuối tiếc buồn phiền. Ông biết thế, biết rất rõ, nhưng ông chẳng muốn thoát ra mà còn vô cùng trân quý, nâng niu những hình bóng ấy. Do đó, dù không nói hết được những điều ông đã làm, đã ký thác, tôi viết những dòng này thay cho nén hương vái trước linh cữu ông, vì chúng tôi ở xa không thể về viếng thăm và nhìn ông lần cuối. Mộ ông táng ở cánh đồng làng, gối đầu vào Sài Sơn, núi Thầy trước mặt, dưới thấp là cánh đồng Bùi trùng trùng gió thổi và bạc trắng nước khi mùa mưa tới..”
Viết về Tào Mạt, người đã được những “quan“chỉ định viết vở chèo về cuộc đời Hồ Chí Minh nhưng đã từ chối vì thấy “Bác gian giảo quá!”. Phan Lạc Tiếp viết: “Tào Mạt người làng Nủa, người bạn của tất cả anh em chúng tôi khi chúng tôi còn nhỏ, còn ở trong làng. Kỷ niệm giữa chúng tôi dầy đặc chất ngất bao nhiêu tình nghĩa éo le. Sau năm 1954, chúng tôi ở hai bên trận tuyến và cũng có những công tác quyết liệt chống lại nhau. Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi đều tin vào những điều nhân nghĩa mà chúng tôi hấp thụ khi còn nhỏ giữa xóm làng. Những khuôn thước ấy không bao giờ chúng tôi đi xa. Cũng vì thế khi cuộc chiến tàn, bỏ ra ngoài những phiền lụy của thế sự, chúng tôi đã nghĩ đến nhau ngay và cũng hiểu ra rằng dân tộc chúng ta vừa trải qua mọt tai biến kinh hoàng. Tai biến ấy không chỉ giết hại hàng triệu sinh linh, phá tan đất nước mà đau thương hơn là cả dân tộc đã bị lùa vào một môi trường đầy xảo trá bất nhân. Kết quả ấy không biết đến khi nào mới mờ xóa đi được.
Giữa nỗi bàng hoàng, do dự, chúng tôi đã nghĩ đến nhau, thư từ cho nhau. Và Tào Mạt Nguyễn Duy Thục đã viết: ”Các anh hãy cố mà về để anh em còn được nắm tay nhau, kẻo chần chừ thì quá muộn. Anh em ta là những người con của làng Nủa, cùng uống nước giếng Bỉm mà thành người, trước sau vẫn không thay đổi..”
Từ những ngày lưu lạc, sống ở miền Nam và di tản ra Hoa Kỳ, tác gỉa đã gặp những nhân vật đặc biệt và ông đã phác họa lại với tất cả những nét chân thành sinh động. Như ông truyền thần lại chân dung Võ Phiến, một nhà văn mà cũng là một người bạn của ông với những kỷ niệm khó quên. Như chuyện kể về Nguyên Phong, với cái duyên của cuộc sống, đã tìm ra được những chia sẻ của tâm linh của những người đi tìm trong Thiền ý nghĩa của cuộc sống. Như ông viết về cụ Hoàng Văn Chí, về ca sĩ Thanh Hùng, nhắc lại một thời làm việc, một thời dấn thân. Ông cũng viết về những cấp chỉ huy cũ trong Hải Quân VNCH, như Hoàng Cơ Minh, như Chung Tấn Cang, như Lê Hữu Dõng,.. nhắc lại một thời binh lửa, của những biến cố mà những nhân vật ấy là chứng nhân.
Ông viết về người chỉ huy cũ, phó đề đốc Nguyễn Hữu Chí tức nhà thơ Hữu Phương: ”.. cho đến lúc này, hơn 30 năm sau cuộc chiến, tóc đã bạc tay đã run, bạn bè kẻ còn người mất. Những người một thời gắn liền với thời cuộc, tốt cũng như xấu, đáng kính trọng hay chỉ đáng thương hại, buồn cười,.. tất cả đã lần lượt lặng lẽ chìm vào quên lãng, hoặc đã tan vào hư vô. Trong gia đình Hải Quân, một trong những người bỏ hàng ngũ, giã từ cuộc đời rất sớm trên đất tạm dung này là thi sĩ Hữu Phương tức Phó đề đốc Nguyễn Hữu Chí. Trong quân đội, về cấp bậc tôi với ông tương đối xa cách nhưng giữa những người đi biển với nhau tôi có chung với ông một niềm rung cảm trước mời gọi của biển khơi và cùng chia sẻ những giây phút vui buồn của người thủy thủ. Nhưng cũng chính sự đồng cảm và gần gũi này đã gây cho tôi biết bao nhiêu phiền lụy. Những phiền lụy ấy như một nghiệp chướng tôi muốn từ khước cố duỗi mà không ra. Giờ ông đã đi xa lắm, ngoài cuộc sống này. Vết tích một đời ông trong trí nhớ mòn mỏi của tôi chỉ còn mấy câu thơ chất ngất nỗi buồn thương:
“thua bại như cơn lụt
dâng lên chiếm cả vùng
chẳng còn gì dưới lũng
đắm chìm ơi! Nước non..”
Đọc xong những tác phẩm của Phan Lạc Tiếp, từ cuốn đầu tiên “Bờ Sông Lá Mục” cách nay mấy chục năm, đến “Một Thời Oan Trái” in năm 2011, tôi thấy hiển hiện lộ trình của những người lớn lên trong một thời đại Việt Nam đầy biến cố. Từ ngôi làng nhỏ ở Sơn Tây, làng Nủa, những thanh niên thuở ấy đã lớn lên trong những hoàn cảnh khói lửa, của những cuộc chia ly, và những oan trái trùng trùng. Dòng đời chia ra nhiều nhánh, người ở bên này, kẻ ở bên kia, có khi lưu vong ở chính quê nhà nhưng cũng có lúc lưu lạc xứ người, tất cả cùng chung nhau tâm tình của những người không bao giờ quên được tình cảm quê hương. Chính cái tâm tình hun đúc ấy đã làm cho tác giả “Một Thời Oan Trái” dấn thân. Vào lính, theo nghiệp hải hồ, làm bổn phận của một công dân dưới cờ. Khi lưu lạc, tham gia tích cực trong nhóm cứu giúp người vượt biển gióng lên tiếng kêu đánh thức lương tâm nhân loại. Rồi giở lại những trang sách, tìm lại từng tài liệu để góp công viết Tuyển Tập Hải Sử, để ghi dấu lại những chiến công bảo vệ đất nước mà lịch sử về sau chẳng thể nào quên, như trận hải chiến với quân xâm lược Trung Cộng năm 1974.
Với riêng tôi, qua những tác phẩm và những trang sách, tôi nhìn rõ một chân dung nhà văn chân thành hồn hậu. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, yên ổn hay dầu sôi lửa bỏng, vẫn là một phong cách, nhẹ nhàng, của những người đã hiểu được trong sâu thẳm ý nghĩa tận cùng của đời sống Việt Nam…
Nguyễn Mạnh Trinh
nguồn http://phusaonline.free.fr