Nguyễn Tường Thiết
Sáng
Khách sạn VIBE ở ngay góc đường Goulburn và Elizabeth. Buổi sáng lúc tôi xuống phòng tiếp tân đẩy cánh cửa kính bước ra đường trời mưa lất phất và lạnh. Cái lạnh làm tôi khựng lại vài giây dưới mái hiên khách sạn. Tôi sực nhớ là mình không mặc đủ áo ấm. Thời tiết vùng này thật khó đoán. Đêm trước tôi ghé mắt nhìn màn ảnh máy vi tính đặt ở trong phòng tiếp tân của khách sạn đọc bản tiên đoán thời tiết ngày hôm sau: trời nhiều mây, nhiệt độ 12 độ C. Tôi làm một con tính nhẩm: 12 độ C tức khoảng trên 50 độ F. Đâu đến nỗi nào, sao mình thấy lạnh thế nhỉ? Như để trả lời tôi một cơn gió từ phía cảng lùa dọc con phố trước mặt khiến đám bộ hành cúi khom người rảo bước qua ngã tư. Thảo nào, trời lạnh vì gió!
Theo hướng cảng tôi đi rảo trên đường Elizabeth tìm quán café. Chiều hôm trước khi vợ chồng tôi tản bộ qua công viên Hyde Park của thành phố tôi đã để ý có một quán cà-phê Starbucks nằm trên đường này về hướng bắc cách khoảng hai ba khung phố.
Quán nằm ngay góc Elizabeth và Park day hai mặt đường. Một bảng tròn màu xanh đề chữ STARBUCKS Coffee chìa ra khỏi quán. Qua hai mặt kính rộng từ phía ngoài nhìn vào có thể thấy những người trong quán ngồi đọc báo trên những chiếc ghế bành. Tôi đẩy cửa bước vào tiến về phía quầy gọi một ly cà-phê đen.
“Tall drip”. Tôi nói.
Một cô gái nhỏ bé người Á Đông rót cà-phê vào ly giấy đưa tôi. Tôi trả tiền, cầm ly tiến lại cái bàn thấp vớ một gói nhỏ đường nâu bóc bỏ vào ly, dùng que khoắng mấy cái rồi đưa lên miệng nhấp thử, thấy còn đắng, tôi toan lấy thêm gói đường thứ hai, lại thôi. Tập uống ít đường đi thì vừa. Tôi nghĩ. Thiên hạ chết vì tiểu đường không ít. Tôi quay tìm bình sữa half & half (loại pha sẵn nửa kem nửa sữa) nhưng trên bàn chỉ có độc một bình sữa loại whole milk, tôi bảo cô gái Á Đông:
“Cô cho tôi bình sữa half & half”
Cô không nói gì chỉ ra hiệu tôi đưa ly cà-phê cho cô. Cô ta bỏ ít kem vào đó rồi trả lại tôi cái ly, nói:
“Ông chêm thêm ít sữa nữa thì thành half & half. Ở đây không ai uống loại sữa này nên chúng tôi không chế sẵn. Thường thì chỉ những du khách đến từ nước Mỹ mới hỏi sữa half & half thôi. Ông ở bên Mỹ phải không?”
“Đúng thế. Tôi đến từ thành phố Seattle, thủ đô của Starbucks”.
“Vậy hả?” Cô gái ngửng lên xoe mắt nhìn tôi.
Cầm ly cà-phê tôi tiến đến một cái bàn nhỏ ở ngoài cùng sát mặt kính. Tôi nhấp ngụm cà-phê đưa mắt nhìn quanh. Ở bàn bên cạnh một cô gái cúi xuống lấy từ trong sắc tay một cái ví da nhỏ, cô mở ví lấy một thỏi son thoa môi trong lúc cô ta đưa qua đưa lại trước mặt cái ví có gắn gương soi nhỏ. Lát sau một thanh niên đặt hai ly giấy trên bàn cô gái. Vừa ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi anh ta bất thần xoay hẳn người lại giơ bàn tay cho tôi bắt, nói:
“Ồ, thưa ông, đúng là một sự ngạc nhiên, chúng tôi cũng đến từ thành phố Seattle. Ông đến đây từ hồi nào vậy? Ông thấy sao về nước Úc?”
Nhận ra anh chàng Mỹ lúc nãy đứng sau lưng tôi trước quầy hàng, tôi nói:
“Thế à? Trái đất quả là nhỏ. Tôi đến thành phố này cũng được mấy ngày. Tôi thấy nước Úc rất là ngược đời, ông ạ. Ở bên Seattle mình đang mùa hè nhiệt độ 90 độ F mà sang đây lại giữa mùa đông, lạnh muốn chết. Tôi ở Úc đã hơn tuần lễ mà vẫn chưa quen cái cảnh họ lái xe bên trái. Ngồi bên cạnh tài xế mà cứ giật mình thon thót, nhất là khi xe đến ngã tư họ turn right rồi lại keep lelf...”
Anh chàng chưa kịp trả lời tôi thì cô gái đã bỏ thỏi son vào ví nói chĩa sang:
“Tôi cũng vậy. Nếu tôi có xe tôi cũng không dám lái... Người ta nói ở xứ này trong một ngày mà có cả đủ bốn mùa. Ra đường không biết làm sao mà mặc áo quần cho hợp”.
Chúng tôi trao đổi thêm mấy câu xã giao rồi anh chàng quay qua nói chuyện với vợ (hay bồ, tôi không biết) sau khi chúc tôi một chuyến đi vui. Tôi nhìn qua kính. Bên ngoài dưới làn mưa mỏng vỉa hè đã đông người. Giờ đi làm. Những người đàn ông trong bộ nỉ đen, cổ cà vạt, đầu mũ phớt; đàn bà váy xậm màu, áo lông xù, giầy cao gót, tay dương cao chiếc ô, tất cả rảo bước trên hè, đứng dồn cục ở ngã tư, rồi lại tất tả băng qua đường khi đèn báo hiệu cho phép. Sinh hoạt tấp nập của thành phố – phía bên kia mặt kính – lướt qua trước mắt tôi lặng lẽ như những hình nhân câm nín lầm lũi trong mưa.
Bên kia đường là công viên Hyde Park nằm ngay khu trung tâm thành phố. Màu xanh mát của công viên, màu của rừng cây khuynh diệp tôi thấy rất nhiều ở nước Úc, tương phản với màu xám của dẫy cao ốc phía bên này đường. Ngay sau cổng công viên có ba cây thật lớn hình dáng lại giống cây đa Việt Nam: lá màu xanh đậm và rậm rạp khác hẳn với cây khuynh diệp lá thưa và nhạt màu. Bỗng tôi chú ý nhìn kỹ. Xung quanh thân cây có những giây rễ nhỏ từ trên cao rũ xuống lưng chừng, nom giống những cây si già mà tôi đã từng thấy trong quá khứ. Trí tôi vụt về Hà Nội trong một chuyến thăm quê mấy năm trước. Từ đầu phố Cầu Gỗ tôi đi dọc vỉa hè đường Lê Thái Tổ về phía Tràng Tiền. Bên kia đường Hồ Gươm lấp lánh ánh nắng sau những rặng cây. Trước một cái hàng rào sắt tôi dừng chân lặng người nhìn vào trong: một cây si thật lớn, lớn chưa từng thấy, lá phủ che rợp cả một tòa biệt thự hai từng ở bên cạnh. Tôi ngây người đứng nhìn cây si ấy lâu lắm. Hình ảnh cây si đánh thức tôi cả một thời ấu thơ của mình. Cây si cũng như cây bàng, cây sấu... là hình ảnh Hà Nội của một thời xưa, chúng ướp vào tuổi thơ tôi và dính chặt mãi trong ký ức tựa như những cánh hoa khô mà thuở nhỏ tôi đã ép giữa những trang sách. Vào Nam tôi tưởng là mình không bao giờ còn được nhìn thấy những cây ấy nữa; nào ngờ một hôm tình cờ đi bộ trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn Sài Gòn, tôi lặng người nhìn một cây si rất lớn nằm trong vườn hoa đối diện với Dinh Gia Long. Tôi nhớ là lòng tôi lúc ấy cũng nao nao cảm động như thế.
Bên ngoài trời bỗng nổi cơn mưa rào. Trời đất tối xầm lại. Lề đường bỗng vắng tanh không bóng một bộ hành qua lại. Những chiếc xe hơi đèn bật sáng nối đuôi nhau chạy trong làn mưa xối xả. Sau tấm kính dưới tấm bảng hiệu Starbucks một cô gái Úc đứng trú mưa dưới mái hiên. Cô ta đứng co người lại vì lạnh, hai tay thu trước ngực, thỉnh thoảng cô lại giơ một tay lên vuốt vuốt mái tóc ướt nhẹp. Em không phải đợi lâu đâu... Tôi nói thầm với cô ta. Thời tiết ở đây bất thường lắm, mưa to thế này nhưng tạnh ngay ấy mà... Tôi nhìn cô gái từ phía sau. Người cao và mảnh dẻ. Đàn bà Úc giống như đàn bà Âu Châu, trông thon thả chứ không đẫy đà như đa số đàn bà bên Mỹ. Rồi tôi thấy cô gái Úc trông có nét gì hao hao giống một người tôi đã từng gặp trong quá khứ...
Christina! Tôi thốt lên. Cô gái Úc tôi đã gặp ở Hà Nội trên một chuyến xe buýt đi du ngoạn ở Ninh Bình và Phát Diệm, chuyến gặp gỡ lý thú tôi đã viết trong hồi ký lấy tên Cây Bàng Lá Đỏ. Tôi tính nhẩm. Thế mà đã gần mười năm rồi đấy... Sau lần gặp đó lúc trở về Mỹ tôi tìm mảnh giấy có ghi địa chỉ e-mail của cô ta thì mảnh giấy đã rớt đâu mất. Tôi ân hận mãi vì không có dịp gửi cho cô ta bài viết của tôi mà sau này tôi đã nhờ người dịch ra Anh Ngữ (Red Leaf Talisay Tree). Tôi nhớ trong lần gặp ấy trước khi chia tay tôi có nói với Christina là cũng như cô, vợ chồng tôi rất thích đi du lịch thế giới và đề nghị khi nào cô có dịp ghé nơi chúng tôi ở thì tôi sẽ làm hướng dẫn viên đưa cô đi thăm thành phố Seattle và cô cũng sẽ làm như thế khi chúng tôi có dịp đến thăm Sydney, thành phố yêu dấu của cô.
Xoay tròn ly giấy trên tay cúi nhìn ly cà-phê đã bắt đầu nguội trí tôi miên man suy nghĩ về những chuyện trong quá khứ. Khi tôi ngửng lên nhìn ra ngoài thì cơn mưa đã dứt, đợt nắng đầu ngày phủ vàng dẫy cây khuynh diệp trong công viên. Khách bộ hành lại tấp nập rảo bước trên hè. Dưới mái hiên cô gái Úc trú mưa không còn ở đó nữa.
Tôi chợt ý thức mình đang ngồi trong quán cà-phê Starbucks, nơi góc đường Park và Elizabeth và mơ màng nhìn sang công viên Hyde Park của thành phố Sydney.
Trưa
Truyện mở đầu bằng những cánh hoa khô. Từ hơn 40 năm nay, rất đều đặn, cứ đến ngày sinh nhật của mình là cụ Henrik lại nhận được một món quà của một người ẩn danh gửi tặng. Món quà không bao giờ đề tên người gửi và bên trong luôn luôn là những cánh hoa khô. Sinh nhật năm nay của cụ cũng không ra ngoài thông lệ đó. Cụ mở gói quà mà cụ biết chắc bên trong có gì: một cánh hoa khô ép trên giấy thủy mạc lồng trong khung gỗ khổ 6x11 inches. Cụ nhìn lên trên tường nơi có treo 43 cái khung y hệt thế được xếp làm năm hàng: bốn hàng đầu mỗi hàng 10 khung, hàng thứ năm có ba khung. Cụ thở dài. Đã 44 năm trôi qua... Ai gửi những cánh hoa khô ấy cho cụ? Sự bí mật vẫn bao trùm cho đến tận ngày hôm nay, ngày cụ bước sang tuổi 82. Cụ Henrik bật khóc...
Theo mỗi bước chân đi tôi cảm thấy cuốn sách nhẩy trước bụng tôi. Từ khách sạn đi ra phố tôi biết là mình phải mang theo cuốn truyện ấy để đọc. Không muốn cầm trên tay sợ mưa ướt tôi mở khuy áo sơ mi bỏ cuốn sách vào ngực rồi cài khuy lại. Cuốn sách dầy và nặng, bụng tôi phình ra. Nhưng không sao, có cái áo lạnh che đi, ai mà nhìn thấy. Tôi nghĩ. Trưa nay vợ chồng tôi đi ra phố mua sắm. Biết tính Thái Vân rất đắn đo trước khi mua bất cứ một món đồ gì nên tôi luôn luôn thủ sẵn một cuốn sách để đọc trong lúc chờ đợi, nhất là cuốn truyện tôi mang theo hôm nay lại là một cuốn sách hiện đang bán chạy nhất thế giới trên 20 triệu cuốn.
Tuần lễ trước khi vợ chồng tôi đi Úc, con gái tôi gửi e-mail cho tôi, nguyên văn tiếng Anh:
Hi Bố,
Chuyến bay sang Úc dài lắm đó bố. Bố có sửa soạn cuốn truyện nào để đọc chưa? Nếu chưa thì con đề nghị bố đọc cuốn The Girl with the Dragon Tattoo của Stieg Larsson, hiện đang là sách bestseller đấy.
TB.
Bố đừng đưa cho mẹ đọc. Truyện này kinh dị lắm. Mẹ sẽ chết khiếp đấy.
Love,
T.
Tại phi trường L.A trong lúc chờ giờ máy bay cất cánh đi Úc nhớ đến lời nhắn của cô con gái tôi đi dọc hành lang tìm tiệm sách. Tôi không phải tìm lâu. Cuốn truyện bày trước mắt khách trên một cái giá đặt ngay cửa tiệm Hudson News. Cạnh cuốn truyện con tôi dặn mua còn có một cuốn sách khác cùng tác giả tên là The Girl Who Played with Fire.
Cầm quyển truyện trên tay tôi lật trang đầu và đọc mấy dòng giới thiệu tác giả: Stieg Larsson sống ở Thụy Điển là chủ bút của tạp chí Expo và là chuyên viên hàng đầu chống lại tổ chức Nazi cực hữu. Ông chết năm 2004, chỉ một thời gian ngắn trước khi công bố bản thảo ba cuốn tiểu thuyết mà nội dung có liên hệ với nhau là Cô Gái Xâm Mình Rồng, Cô Gái Rỡn Với Lửa và một cuốn truyện nữa.
Đi đến ngã tư đường Goulburn và George Thái Vân và tôi dừng chân. Chúng tôi phân vân không biết rẽ ngã nào. Tôi móc túi lấy tấm bản đồ nhỏ xíu mà hồi nãy tôi xin ở khách sạn ra nghiên cứu. Nếu cứ tiếp tục đi thẳng đường Goulburn sẽ đến khu chợ Tàu. Đi xa nữa sẽ đến một cái vịnh có tên là Darling Harbour. Cất bản đồ vào túi tôi nhìn quanh. Ở ngay góc đường gần chỗ tôi đứng có quán café À la Francaise. Mùi bánh mì thơm thơm từ trong tiệm thoảng ra phố. Tôi nghĩ bụng sáng mai thay vì đến Starbucks tôi sẽ ngồi ở đây uống cà-phê. Để tìm một chút không khí tây... Tôi nghĩ. Bỗng tôi có cảm giác trống vắng ở bên cạnh. Tôi xoay người. Thái Vân vừa rời chỗ đứng cạnh tôi đi vào một thương xá gần đó. Tôi ngước nhìn hàng chữ Worldsquare Shopping Centre rồi lững thững bước theo.
Thương xá tấp nập người qua lại. Đa số là những cô cậu trẻ. Rất nhiều mái tóc đen. Tôi thầm nghĩ sao thành phố Sydney này lắm người Á Châu thế. Các cửa tiệm trong thương xá những người đứng bán hàng sau quầy phần lớn là các cô gái Á Châu trẻ trung người Tàu, người Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Đến một ngã tư trong khu thương xá nơi có đặt nhiều chiếc ghế da dài để khách nghỉ chân, tôi nói với nhà tôi là tôi ngồi đợi ở đó, nàng muốn đi đâu mua sắm thì đi, một giờ sau trở lại đây. Ngồi xuống ghế tôi lôi cuốn sách trong ngực ra rồi theo vết gấp ở khoảng cuối quyển sách tôi mở trang sách. Nhưng tôi không đọc ngay. Tôi ôn qua trong trí những gì tôi biết về cuốn sách.
Tuần trước trên chuyến máy bay dài mười mấy tiếng tôi đã ngốn hơn nửa cuốn truyện dầy. Rồi ở Melbourne mấy ngày, mặc dù bận rộn, tôi cũng ráng đọc thêm được một số chương và bây giờ tôi đã nắm được gần hết nội dung cuốn truyện. Tuy vậy tôi vẫn không thể đoán ai là người đã gửi những đoá hoa khô cho cụ Henrik... Truyện rất lôi cuốn. Đầy tình tiết bất ngờ. Kinh dị và tàn bạo nữa. Nhiều đoạn tôi đọc mà muốn đứng tim.
Cụ Henrik Vanger là người trẻ nhất trong số 5 anh em dòng họ Vanger, một dòng họ giầu có bậc nhất của Thụy Điển. Cụ có vợ nhưng không con. Bao nhiêu tình thương vì thế cụ dồn cho một người cháu gái tên Harriet, là cháu nội của người anh cả Richard của cụ. Hơn 40 năm về trước khi Harriet được 16 tuổi cô bé bỗng dưng mất tích. Trong nhiều năm trời cảnh sát đã ra công điều tra nhưng vô hiệu. Cô bé biến mất không để lại một dấu vết. Đối với cảnh sát vụ Harriet mất tích đã khoá sổ từ lâu. Nhưng với riêng cụ Henrik thì hồ sơ ấy vẫn luôn luôn rộng mở. Cụ tin rằng cháu gái của cụ đã bị giết, và giết bởi chính một người trong dòng họ Vanger. Cụ cũng tin rằng chính người giết cháu cụ hơn 40 năm trước do một sự thù hận nào đó mà cụ không hiểu nổi đã gửi những cánh hoa khô bí mật cốt để hành hạ tinh thần cụ. Sinh nhật 82 năm nay cụ quyết tìm cho ra sự thực. Cụ thề phải tìm ra sự thực trước khi cụ nhắm mắt.
Bỏ một số tiền kếch sù cụ Henrik thuê Mikael Blomkvist, một ký giả nổi tiếng đến ở hẳn Hedestad nơi cụ sinh sống, lấy cớ là để chàng viết một cuốn hồi ký về dòng họ Vanger, nhưng thực ra để kín đáo điều tra ai là người đã giết Harriet. Blomkvist thoạt đầu từ chối vì không tin rằng mình có thể tìm ra sự thực. “Vụ án” (nếu đó thực sự là một vụ án) xẩy ra đã quá lâu, cả một guồng máy cảnh sát hồi đó đã thất bại, thì nay một mình chàng, chàng làm được những gì. Nhưng sau cùng nghe cụ Henrik năn nỉ chàng siêu lòng nhận lời. Cụ thú nhận là chính cụ, cụ cũng không tin rằng Blomkvist có thể tìm ra sự thực, nhưng cụ vẫn muốn thuê chàng điều tra để cụ có thể tự an ủi với mình trước khi nhắm mắt rằng cụ không bao giờ đầu hàng cho đến giây phút chót.
Với sự hợp tác của “cô gái xâm mình rồng” Lisbeth Salander, một cô gái “đợt sóng mới” người nhỏ thó có biệt tài đánh cắp tin tức từ máy vi tính của người khác, Blomkvist đã mở cánh cửa quá khứ để dần dần lộ ra bộ mặt thực của một số người trong dòng họ Vanger: đằng sau quyền lực và sự giầu sang, họ đích thực là những con quỷ sống có thể làm những chuyện tàn bạo nhất mà một người có đầu óc bình thường không thể nào tưởng tượng nổi.
Có tiếng cười nói oang oang lẫn tiếng gọi nhau bằng tiếng Nhật rồi một đám khoảng gần 10 thanh thiếu nữ tuổi choai choai đứng tụm ở ngã tư. Họ ăn mặc giống nhau: tuyền một màu áo đen. Con trai bận jeans, con gái quần nỉ bó, tất cả bận áo da đen. Một cậu cao lớn hơn hẳn những cô cậu kia ra dáng chỉ huy tay chỉ trỏ lung tung rồi cả bọn chia làm nhiều tốp đi túa ra bốn hướng khác nhau trong thương xá. Duy chỉ có một cô gái Nhật ở lại. Cô quay người nhìn xung quanh rồi ngồi xuống cái ghế dài đối diện chiếc ghế tôi ngồi.
Tôi cúi xuống cuốn sách. Đọc được một trang tôi ngờ ngợ là mình đã đọc đoạn này rồi và tôi kiểm soát lại vết gấp nơi trang sách. Thì ra vết gấp không phải là trang sách tôi đọc lần cuối cùng mà là lần trước đó nữa. Lần đọc chót có lẽ có chuyện gì bất ngờ tôi phải bỏ giở bất thần không kịp đánh dấu trang.
Tôi tiếp tục đọc và đi vào chương sách gay cấn nhất của quyển truyện. Đó là đoạn tả tên sát nhân lừa được ký giả Blomkvist vào trong căn phòng trang bị đặc biệt mà hắn dùng làm nơi giết người sau khi hắn đã hãm hiếp và tra tấn không biết bao nhiêu cô gái vô tội. Bị treo cổ Blomkvist ý thức mình sẽ bị giết một cách chậm rãi và đau đớn như hệt những cô gái kia. Nhưng rồi (tôi thở phào) phút chót chàng được cứu thoát trong đường tơ kẽ tóc bởi “cô gái xâm mình rồng” Lisbeth Salander.
Trong lúc đọc những đoạn văn gay cấn trên chắc hẳn sự kinh hoàng lộ rõ trên nét mặt tôi, bởi vì khi đọc xong ngửng lên, tôi bắt gặp ngay đôi mắt to đen láy của cô gái Nhật nhìn tôi chăm chăm. Tôi cũng mở to mắt nhìn lại cô. Trong mấy giây đầu tiên tôi không thấy cô gái Nhật mà chỉ nhìn thấy đôi mắt vô cảm lạnh tanh của “cô gái xâm mình rồng” Salander trong truyện; cô ta người cũng nhỏ thó và mặc chiếc áo da đen y hệt như cô gái kia. Giây lát tôi hoàn hồn và mỉm cười. Cô gái Nhật cũng mỉm cười lại. Nhưng đôi mắt cô ta vẫn dương to nhìn tôi như muốn hỏi: “Ông đọc truyện gì mà ghê gớm thế?”.
Tối
Cái tên hay nhỉ? Hải Cảng Yêu Dấu. Tôi vừa tự hỏi vừa giơ cao máy hình chụp hàng chữ néon trên nóc một toà nhà cao, hàng chữ sáng xanh in trên nền đêm đen: SYDNEY CONVENTION CENTRE DARLING HARBOUR. Gió lạnh thổi từ ngoài vịnh vào. Trên Cảng Dấu Yêu những bóng đen từng cặp dìu bước trong đêm tối.
Chúng tôi vừa rời vùng ánh sáng tấp nập của khu chợ Tàu thành phố Sydney để bước vào vùng cảng này, bất chợt cảm thấy không khí đêm lắng dịu hẳn xuống. Phía bên phải của vịnh là rạp chớp bóng IMAX với hàng chữ quảng cáo “màn ảnh lớn nhất thế giới”. Tại rạp này tối qua vợ chồng tôi xem phim 3D HUBBLE, cuốn phim nổi ba chiều về chiếc viễn vọng kính vệ tinh đặt trên thượng từng không gian. Trong rạp khi đeo chiếc kính đen lên mắt tôi nhớ lại thuở nhỏ lần đầu tiên được xem phim nổi ba chiều. Thuở ấy vào năm 1954 tại rạp Olympic đường Hồng Thập Tự Sài Gòn mỗi khán giả được phát một cái kính làm bằng miếng bìa cứng có hai lỗ dán giấy bóng màu xanh đỏ. Lúc đưa kính lên ngang mắt thằng bé há hốc mồm trông thấy từ màn ảnh thòi ra ngoài một thỏi kẹo xúc-cù-là to tướng đưa thẳng vào miệng nó. Ở rạp xi-nê đi ra chúng tôi mua “cơm tay cầm” tại tiệm Subway ngay cạnh rạp rồi hai đứa ngồi trên bực đá vừa gậm bánh mì vừa ngắm hải cảng về đêm. Trên vịnh những chiếc thuyền trắng đậu im lìm; hai bên vịnh hiện những cột đen thui của khung những tòa cao ốc mà ánh đèn cửa sổ in trên nền đêm đen những ô sáng chi chít. Dưới ánh đèn đường gần bờ đá những con chim hải âu đi kiếm ăn đêm mon men lại gần đám du khách.
Phía trái của vịnh sau tòa hội trường của thành phố là một dẫy nhà hàng ăn nằm dọc theo vòng cung của vịnh. Sau hai đêm dùng cơm tối tại China Town chúng tôi đã ớn đồ tàu nên định bụng tối nay đổi món tìm một hiệu cơm tây. Tiệm ăn nằm san sát nhau. Dưới những chiếc dù vải bàn ăn phủ khăn trắng bầy ngoài trời, dưới ánh mờ ảo của những lồng đèn mắc trên lùm cây, người hầu bàn bận đồng phục đứng khoanh tay chào khách ở cửa, tiếng nhạc dịu thoảng từ trong quán vẳng ra. Nghiên cứu thực đơn đặt trước cửa quán chúng tôi sau cùng chọn một cái quán nhỏ xinh xắn và ấm cúng. Thực đơn của quán này có món thịt cừu nướng mà tôi định bụng sẽ gọi. Món này nhắc tôi kỷ niệm về một lần đi ăn tiệm cơm tây với cha tôi tại quán La Cigale đường Đinh Tiên Hoàng (Albert 1er cũ) thuộc khu Đa-Kao Sài Gòn. Đó là vào khoảng năm 1953, 54 gì đó tôi không nhớ rõ và tôi mới 13,14 tuổi. Cha tôi gọi món thịt cừu và nói với tôi: “Không quen ăn thì thấy thịt cừu có vị hôi, nhưng thịt cừu ngon chính là vì cái vị hôi đó”. Ăn cũng là một cách tìm về kỷ niệm. Tôi nghĩ thế và theo chân cô hầu bàn tiến đến một cái bàn nhỏ đặt dưới gốc cây, trên bàn một ngọn nến thắp trong một hộp kính vuông. Hai tờ thực đơn được mang tới. Tôi nói với nhà tôi:
– Em chọn món cho em đi. Anh thì anh biết gọi món gì rồi.
– Anh gọi gì?
– Grilled lamb.
– Sao lại chọn thịt cừu, gọi beef steak đi, anh vẫn thích steak mà!
– Anh ăn thịt cừu để nhớ lại hồi bé được cậu dẫn đi ăn cơm tây và anh ăn thịt cừu lần đầu tiên trong đời. Đã bao nhiêu năm trời anh không bao giờ anh quên được kỷ niệm ấy, nhất là mỗi lần bước vào một hiệu cơm tây.
– Thế là anh có một đề tài để viết rồi nhé. Viết đi! Viết về kỷ niệm với cậu và cái quán này, quán tên gì nhỉ?
Nhà tôi nhìn dáo dác rồi nói tiếp:
– Anh nhớ đấy! Quán này tên The Plate. Plate là cái đĩa đó. Mình viết đúng tên thì độc giả mới tin là chuyện anh kể có thật.
Cô hầu bàn đi tới với cuốn sổ và cây bút trên tay. Thái Vân gọi salad với dressing để riêng như thường lệ, còn tôi ngoài grilled lamb còn gọi thêm ly vang đỏ.
Tôi nhìn xung quanh. Thực khách hầu hết đi từng cặp. Trẻ có, già có. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Vừa ăn họ vừa nói chuyện và nhìn nhau qua ánh nến mờ ảo. Thảo nào hải cảng này có tên Darling Harbour. Tôi thoáng nghĩ thế. Nhưng bàn sát cạnh chúng tôi lại là một ngoại lệ. Một cô gái Tàu ngồi ăn một mình, đối diện với một chiếc ghế trống. Trước mặt cô có hẳn một chai rượu vang. Vừa ăn cô ta vừa tự rót rượu uống liên hồi. Thoạt đầu tôi tưởng chồng cô ta rời chiếc ghế trống để đi vào trong toilette. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai xuất hiện ngồi trên ghế ấy. Một mình cô ta độc ẩm hết chai rượu vang rồi đứng lên ra quầy trả tiền. Cô này tửu lượng khá uống hết chai rượu mà bước đi còn vững. Tôi nghĩ. Thái Vân nhìn theo bóng cô ta khuất trong màn đêm, bảo tôi:
–Anh nhớ cho cô gái này vào trong truyện, chắc hẳn cô ta đang có tâm sự gì buồn.
Món ăn được dọn lên. Tôi cầm dao nĩa lên nhìn miếng thịt cừu trên đĩa tính cắt.Trí tôi thoáng hiện lời dậy của cha tôi từ một thời xa xăm: “Con cầm nĩa tay trái, cầm dao tay phải. Dùng nĩa cắm vào góc miếng thịt, đặt dao sát vào nĩa rồi cắt xuống thẳng góc. Cắt xong đưa nĩa lên miệng bằng tay trái. Chớ có chuyển sang tay phải để ăn. Miếng thịt cắt trông phải gọn ghẽ, không lòi phần thịt đỏ bên trong. Muốn thế phải cắt mạnh và thẳng góc. Đừng bao giờ cầm xiên con dao. Nhiều người khi cắt thấy thịt dai cứ để xiên con dao cứa cứa, thịt cắt là một miếng đỏ bầy nhầy trông mất cả ngon lành. Ăn đến đâu hãy cắt đến đấy. Đừng cắt hết miếng thịt thành những miếng nhỏ rồi ăn một lượt. Ăn như vậy là không đúng cách”.
Hai cha con bước vào tiệm La Cigale ở khu Đa Kao trên đường Albert 1er, gần góc đường Richaud. Người bồi bàn hướng dẫn chúng tôi đến một cái bàn trong góc có phủ khăn ca-rô hai màu đỏ trắng. Trên bàn muỗng nĩa để bên trái, dao tây bên phải. Giữa là khăn ăn, cùng màu với khăn bàn, xếp gọn thành hình cái thuyền. Lần đầu tiên đi ăn cơm tây tôi không biết phải làm gì nên chỉ biết nhìn cha tôi làm gì thì bắt chước. Ông gọi hai đĩa thịt cừu và một cốc rượu vang đỏ rồi ông lấy khăn ăn rải ra đặt phủ trên đùi. Ly rượu mang lên ông đưa lên miệng uống nhấm nháp. Tôi thích nhìn cha tôi uống rượu. Với cặp mắt sâu, chiếc mũi cao, hàng ria mép trông cha tôi giống như một ông tây. Giữa hai lần nhấp rượu ông đặt hai khuỷu tay lên bàn chống cằm nhìn tôi mỉm cười, cặp mắt mơ màng và đằm thắm.
Trên đĩa thịt có đậu Hà-lan cha tôi giải thích về cách dùng nĩa để ăn đậu: “Người Anh họ rất nghi thức trong cách ăn uống, không bao giờ để ngửa cái nĩa, ăn đậu cứ phải cắm từng hạt đậu một, mất bao nhiêu là thì giờ. Người Pháp họ dễ hơn, có thể để ngửa nĩa xúc đậu như kiểu người ta dùng thìa. Ăn xong thì để ngửa thìa, nĩa, dao trên đĩa, đây là cách báo cho bồi biết là mình đã ăn xong, bồi có thể dọn, cho dù là trên đĩa còn thức ăn”.
Uống hết ly rượu vang tôi biết là mình chưa say, nhưng vừa đủ để thấy lòng mình mềm xuống. Những kỷ niệm cỏn con sao lại thổn thức đến với tôi như thế? Trong đêm tối từ ngoài vịnh tiếng sóng biển vỗ vào bờ rồi nhẹ nhàng rút ra nghe êm như những tiếng thở dài. Cha tôi đã ra đi gần nửa thế kỷ. Kỷ niệm bữa ăn cơm tây khiến tôi liên tưởng tới những buổi tiệc quan trọng mà cha tôi đã từng đi dự với tư cách Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Tôi hình dung trong khách sạn Langbian của Đà Lạt lộng lẫy ánh đèn năm 1946 ở bàn tiệc với tư cách trưởng phái đoàn cha tôi đã nâng ly chúc Hội Nghị Sơ Bộ Việt Pháp thành công trước cả trăm nhân vật lịch sử của hai nước. Tiệc ắt hẳn là cơm tây. Là trưởng phái đoàn cha tôi không thể nào không biết rành rẽ về nghi thức ăn uống. Gần 10 năm sau ông đã truyền lại một ít cho tôi, nhưng ngày đó còn nhỏ nào tôi có biết gì? Ngậm ngùi tôi nhớ tới những người ngồi nơi bàn tiệc lịch sử ấy nay đã trở thành người thiên cổ, chỉ duy nhất một người mà tôi biết còn tại thế, đó là phó trưởng phái đoàn Võ Nguyên Giáp, người ngồi cạnh cha tôi trong bàn tiệc.
Ăn tối xong chúng tôi ra về theo lối chợ Tàu. Sau bốn ngày ở Sydney chúng tôi đã rành đường lối về khách sạn. Chợ Tàu đánh dấu bằng hai cổng chào sơn đỏ, đặt ở hai đầu con hẻm Dixon, nằm giữa hai đường Hay và Goulburn. Trên cổng có khắc 4 Hán tự thật to, dưới là hàng chữ Anh mà tôi đoán là dịch từ 4 chữ Hán ở trên: “Understand Virtue and Trust”.
China Town về đêm rực rỡ ánh đèn. Trên vỉa hè người đi bộ đông như chẩy hội. Mấy chục năm ở Mỹ quen cảnh ban đêm vắng lặng không mấy ai ra đường, chúng tôi ngạc nhiên về sinh hoạt tấp nập về đêm ở Melbourne và Sydney. Không khí vui nhộn quá làm chúng tôi chưa muốn trở về khách sạn ngay, nhưng nghĩ tới chuyến bay ngày mai đi Auckland chúng tôi đành phải trở về khách sạn sớm để sửa soạn cho cuộc hành trình mới tại New Zealand.
Nguyễn Tường Thiết
Seattle, mùa thu năm 2010