(Riêng gửi những ai chưa từng ở xứ tuyết)
Tuyết, với tôi, là một giấc mơ dài thời niên thiếu. Ấn tượng nhất là hình ảnh Lara ra đi trong tuyết trong “Doctor Zhivago”: cùng với số phận con người, tuyết, chao ôi, đẹp lạ lùng và bi tráng!
Năm 1993, cơ duyên mang tôi và gia đình về xứ tuyết. Mới chân ướt chân ráo đến định cư thì có bão tuyết. Bão lớn. Mừng rơn. Tôi lấy một ngày nghỉ làm, hồi hộp băng đi trong tuyết. Tuyết phủ xe phủ đường phủ nhà phủ phố. Hào hứng nhìn những sợi tuyết bay lang thang như nhìn confetti ngày hội lớn. Thích thú dúi giày vào đụn tuyết. Khoái trá lắng nghe cái lạnh phả vào người, mơn man vuốt ve da thịt. Tôi chẳng lạ gì với lạnh. Nhưng cái lạnh ở đây khác. Rất lạnh, đã rồi. Và rất mới. Mùi lạnh xứ tuyết hăng, nồng và kích thích. Tôi thở phì phà hụt hơi, người tê điếng. Tuyết thân mật mắc trên tóc, vướng vào áo, bám vào giày. Tôi thỏa thuê vọc tuyết, sờ tuyết và cả… nếm tuyết.
Đi trong tuyết, tôi nghĩ đến mưa quê nhà tháng bảy. Mưa hùng hổ, tuyết dịu dàng. Mưa sướt mướt, tuyết rỉ rả. Mưa ồn ào, tuyết lặng lẽ. Mưa trôi đi, tuyết đọng lại. Tuyết hồn nhiên, thân tình và lãng mạn hơn mưa.
Nhưng xa lắm rồi, ngày ấy. Nỗi hào hứng nhìn những bông tuyết rơi đầu mùa vơi dần. Và biến mất. Đang giữa mùa thu tuyệt đẹp, đã thấy ngay ngáy lo toan. Những trận bão tuyết viếng thanh phố hàng năm không thân thiện và tình tứ chút nào. Tuyết chỉ còn là nỗi hoang mang và ám ảnh mùa đông. Khác với mưa, hiện tượng tuyết thay đổi hẳn trạng thái của đời sống và cảm quan con người. Đất trời tê cóng. Hoa lá cỏ cây biến mất. Sông, hồ, suối đóng băng, hóa thạch. Nhịp sống cơ hồ như ngừng hẳn lại.
Tôi chẳng còn thì giờ để nhìn những bông tuyết trắng bay mà chỉ cảm thấy ngán ngẩm với những đụn tuyết mọc lên khắp nơi. Tuyết vẫn thân quen, vẫn dịu dàng, nhưng đe dọa. Tuyết trơn. Và lầy lội. Và bẩn thỉu. Và ướt lạnh. Và trở ngại. Và vây hãm. Và tước đoạt. Tuyết tước đoạt bầu trời, tước đoạt mặt đất, tước đoạt lối đi, tước đoạt chim chóc, tước đoạt cỏ cây. Tuyết thu nhỏ không gian, chận đứng hẹn hò. Tuyết tốn công tốn tiền tốn sức.
Năm nay, nhiều cơn tuyết lớn và rất lớn. Lại diễn ra liên tục.
Đợt tuyết đầu tiên vào trước Giáng sinh: 19 inches.
Dù đã nghe dự báo thời tiết, sáng hôm đó, thức dậy, mở của ga ra, tôi vẫn sửng sốt: đất trời trắng xóa. Sống với tuyết bao năm rồi, thế mà lần này, tôi ngất ngây tuyết. Không thấy đất không thấy xe không thấy người không thấy nhà không thấy cửa…Tất cả bị tuyết hóa. Một cõi hồng hoang. Đẹp, ngoạn mục và…hùng vĩ! Tôi chợt thầm tiếc cho những ai chưa được sống trong một khung cảnh tuyệt vời như thế này.
Tuyết vừa tan sau hơn tuần nắng ấm, thì đợt tuyết thứ hai đổ xuống vào sau năm mới: 18 inches. Khiếp!
Chưa kịp hoàn hồn thì ít ngày sau, tuyết lại tới thăm: 8 inches
Chừng như còn tiếc rẻ, hai ngày sau, tuyết bồi thêm 7 inches nữa.
Chưa hết. Sau hai ba ngày khô ráo, tuyết lại trở về, rơi nguyên tuần. Đúng ngày tiễn ông táo về trời 23 tháng Chạp, một cơn tuyết mới tràn đến: 10 inches.
Những ngày sau đó, khi thì mưa tuyết sáng, khi thì mưa tuyết chiều, khi thì light snow, khi thì flurries…
Ngày 29 tháng Chạp, một trận bão tuyết mới: 10 inches.
Và đúng vào ngày 30 tháng Chạp: 6 inches.
Thế là năm nay, một cái Tết trắng. Hoàn toàn trắng!
Ở quê nhà vào mùa lụt, tôi có cái thú lội nước lụt. Ở xứ tuyết, tôi lây “cái thú” của người địa phương: cào tuyết. Giày ống, găng tay, mũ len trùm đầu, áo ấm trong, ngoài vài ba lớp, chiếc máy xúc tuyết, cộng thêm vài dụng cụ cào tuyết khác, thế là xông ra ngoài trời. Cái driveway nhà tôi khá dài, lại dốc, nên công việc khá bề bộn. Và tốn thời gian. Nhưng bằng mọi giá, công việc phải hoàn tất. Không hoàn tất thì phải tự nhốt tù mình trong nhà. Mười lăm phút, nửa giờ, bốn mươi lăm phút và có khi hơn cả tiếng đồng hồ. Đẩy, cào, xúc, hất…để, theo cách nói trong nước, “giải phóng” lối đi. Cào tuyết, một cái thú nhọc nhằn. Một cách tập thể dục mùa đông. Đôi khi, một lãng mạn. Hình dung màu trắng vây quanh một bóng người màu đen từ đầu đến chân chuyển động không ngừng. Hình dung bầu trời trắng đục ăm ắp những mầm nước sẵn sàng chuyển thành vô vàn bông hoa trắng thả xuống trần gian. Hình dung tuyết trên cao, tuyết dưới thấp, tuyết bắn, tuyết bay, tuyết tung tóe…Of snow and man, của tuyết và người.
Tết bao giờ cũng rơi vào lúc cao điểm của mùa tuyết vùng đông bắc. Tết không phải là ngày nghỉ lễ như Giáng Sinh, đã đành. Mà còn lo bão tuyết. Lo rét. Lo chủ không cho nghỉ ở nhà để…ăn Tết. Đêm Giáng Sinh, người ta mong có tuyết. Đi nhà thờ dưới bầu trời tuyết hay quây quần trong nhà quanh cây Giáng Sinh mà bên ngoài tuyết đang rơi thì thật là không có gì thích thú bằng. Lại còn thiêng liêng nữa, nhất là đối với người Thiên Chúa giáo. Tết thì khác. Tết lạnh, Tết mưa phùn, OK. Nhưng Tết trong tuyết, tuyết trong Tết, nghe sao xót xa quá! Tết ở xứ người đã rầu, mà đón Tết bằng tuyết nữa thì còn rầu hơn. Có năm, tuyết rơi nặng vào đúng đêm giao thừa. Vừa cúng giao thừa, vừa nghe băng nhạc xuân, lại vừa nhìn tuyết phủ trời phủ đất, thật là một hân hoan rất đỗi… nghẹn ngào! Mùa xuân âm thanh, mùa xuân ca từ, mùa xuân vidéo y như chuyện đến từ hành tinh khác. Sáng hôm sau, lại hì hà hì hục xúc tuyết, cào tuyết và ngồi ở nhà (năm nào, mọi người gia đình tôi cũng đều lấy một ngày nghỉ vào mồng một tết), tận hưởng một mùa xuân trong tâm tưởng. Không biết phải xuất hành theo hướng nào, vì hướng nào cũng tuyết.
Không khí Tết dồn vào trong hai cái chợ. Đúng ra, hai loại tiệm tạp hóa lớn. Dẫu vậy, đối với một cộng đồng Việt Nam nhỏ bé ở đây, chợ là hình ảnh của một quê nhà cổ truyền thu nhỏ. Chậu mai, chậu đào, phong pháo, bánh chưng, bánh tét, mứt dừa, mứt khoai, mứt gừng, mứt bí, hạt dưa, bao lì xì, dưa hành, câu đối, lịch coi ngày, hương đèn, hoa quả, nhạc xuân, báo tết…Người người bận rộn mua sắm, tiếng cười đùa, trò chuyện râm ran hòa cùng với tiếng hát vang vang đón xuân này tôi nhớ xuân xưa một chiều xuân tôi đã hẹn hò…bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng trông bánh chưng chờ trời sáng…Mua sắm và ngậm ngùi lắng nghe tuổi thơ, lắng nghe quê nhà, lắng nghe xóm giềng, lắng nghe pháo nổ, lắng nghe những đói nghèo, lắng nghe những đơn sơ và mộc mạc trong từng ước mơ…
Bước vào, Tết!
Bước ra, tuyết!
Năm nào tôi cũng ăn Tết. Cũng bận rộn với mứt bánh thiệp chúc mừng quà cáp tiền lì xì cúng ông Táo cúng tất niên….
Với những ngày cuối năm giả thuyết.
Những chiều ba mươi bịa đặt.
Những giao thừa tự chế (biến).
Những ngày đầu năm hư cấu.
Và những mùa xuân vắng mặt.
Cũng thế, năm nay, Tết. Dẫu không tiếng chim kêu. Dẫu mặt trời thấp thỏm. Dẫu cây không lá, bồn không hoa, đất không cỏ. Và dẫu, giữa những trắng trời trắng đất, Tết chỉ là một ẩn dụ buồn.
***
Tuyết rơi, tôi trốn trong nhà, chim trốn trong hốc, nai trốn trong hang. Còn hoa cỏ trốn ở đâu?
Chúng trốn trong chính mình. Dưới mấy feet tuyết.
Tháng tư, sau xuân phân, tuyết tan dần. Thoát khỏi đám tuyết hỗn láo, bồn hoa lộ diện sau những tháng ngày dài âm thầm chịu đựng. Những cây hoa năm trước vẫn còn nằm đó. Ngơ ngác. Xác xơ. Héo úa. Tàn tạ.
Nghe nắng ấm, từ trong cái héo úa, tàn tạ, từ trong cái chính mình đó, vụt trứt ra những nụ, những mầm. Những tinh khôi. Bừng bừng, hớn hở, rực rỡ, tươi mới. Những lạ. Lạ vô cùng.
Thoắt một cái, xứ tuyết tràn trề hoa cỏ.
Tháng Tư, tuyết không còn rơi nữa. Hơi xuân phảng phất.
Mà Tết (dẫu trắng) thì rụng mất rồi!
Năm nào/năm nào/năm nào…
Cũng là năm nào.
Trần Doãn Nho
2/1011