Bạn ạ, có phải là tôi đã nói quá hay không? Mỗi năm Tết đến một lần nhưng xuân thì có về bao giờ đâu.
Đó không phải là ý nghĩ của tôi. Tôi mượn của người khác, của một ông bạn già. Tôi không hiểu tác giả câu trên đã nhìn ra điều ấy và viết xuống giấy vào lúc nào. Có thể ông đã thấy, đã nghiệm ra trong một sáng đầy gió của buổi đầu năm, lúc gồng lưng đạp xe qua dốc cầu tanh hôi rác rưởi, nơi trú ngụ của hàng trăm con người tả tơi lam lũ, hay lúc ông hớt hơ hớt hải phát hiện chiếc xe đạp của mình không cánh mà bay, hay cái lúc ông đang vừa trùm mền vừa run lẩy bẩy vì sốt rét, nhìn ra thềm nhà ngập nước lều bều những chiếc thuyền giấy mà hai đứa con ông đang lủm chủm chơi ngoài đó. Tưởng tượng chơi vậy thôi chớ biết đâu mà lần. Mà không chừng chính tác giả bây giờ cũng không nhớ mình đã viết câu ấy trong trường hợp nào. Ông đã bỏ thời thanh xuân của mình (hay nó bỏ ông) từ lâu lắm. Ông đã già, đã quên đi nhiều chuyện, lẫn lộn ngày tháng, tròng cái áo mặt trước ra mặt sau, đã từng múc một muỗng... muối cho vào ly cà phê thì hỡi ôi... trong vô số những khoảnh khắc của đời mình, ông làm sao nhớ được mình đã thấy “mùa xuân có về bao giờ đâu” vào lúc nào.
Đã một thời gian rất lâu tôi không thông cảm được với ông. Tôi trẻ người non dạ, tôi còn ham cãi chày cãi cối. Bài học địa lý năm lớp tám ghi như thế này: “Mùa màng nước ta chia làm hai vụ lớn, đông-xuân và hè-thu. Đông-xuân là mùa vụ quan trọng nhất trong năm, cho năng suất, sản lượng và chất lượng tốt nhất. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lúa đông-xuân thường được xuống giống vào khoảng tháng 10 âm lịch và thu hoạch trước Tết Nguyên đán... ” Thời tiết chuyển đổi theo chu kỳ, gieo trồng gặt hái theo thời vụ. Hết một năm, trời đất đáo hạn. Xuân trở về. Người ta gọi đó là mùa hồi sinh, mùa cỏ cây chết đi sống lại, mùa của tái tạo và thăng hoa.
Ông ạ, mùa xuân vẫn có về đấy chứ. Bằng chứng là mỗi năm cứ gần Tết ông bước xuống phố mà xem. Mai được bày bán hai bên lề đường. Mai nhiều lắm. Thiên hạ tấp nập đi gần vướng vào nhau, rộn ràng mua mua bán bán những cành nhánh khô gầy điểm hoa vàng rực. Vậy là xuân vẫn có về chớ đâu phải ... đi luôn. Nó bước thình thịch giữa đường, ngồi lù lù giữa chợ, nó nghiêng nụ cười nhõng nhẽo làm duyên làm dáng của mình xuống mặt đất đang thay màu đổi sắc. Ông không thấy hay sao? Câu thơ của ông nghe... kỳ kỳ. Hàng mai tôi hay ghé vào là của bà mẹ và một cô bé xinh xắn có hai má bầu bĩnh. Hai mẹ con chở mai trên xe tải, nghe đâu từ một nông trại xa cả trăm dặm đường, nâng như nâng trứng, sợ dằn, sợ xóc. Thấy mà tội nghiệp. Cô bé mắt đen láy, vẻ nhanh nhẹn, tươi tắn chào mời người qua lại bằng cặp môi đã khô vì lạnh. Lúc thưa khách cô ngồi nghỉ chân trên cái xô úp ngược, rút quyển sách kẹp trong nách ra vừa đọc vừa lẩm nhẩm. Tôi thích thích cô bé vì lời rao hàng của cô nghe rất ngộ nghĩnh dễ thương: “Mua mai đi cô. Cô thích mai Mỹ hay mai mình?” Tôi hỏi: “Mai Mỹ là sao, mai mình là sao?” Cô bé giảng giải: “Mai Mỹ nhiều cánh, nhiều lớp, lớp trong, lớp ngoài. Mai mình 5 cánh, một lớp thôi.” Tôi bảo: “À.” Một anh thanh niên vừa móc bóp đếm tiền vừa khoát tay: “Chậc. Mấy bà mấy cô khó tính quá. Mai nào cũng là mai. Cho tôi một bó đi. Mai Mỹ mai mình gì cũng được, miễn tới Tết làm ơn nở giùm cho tôi lấy hên.” Cô bé toe miệng cười, nhấc một bó mai (mà tôi không nhớ là Mỹ hay mình) ra khỏi xô nước một cách rất thận trọng như sợ rụng sợ gẫy, trao cho người thanh niên. “Năm mới phát tài nha anh. Mai của em hên lắm. Năm sau tới mua nữa dùm em nghe anh.” Có người đứng cạnh rỉ tai hỏi: “Mua nhiêu vậy? Có nói thách nhiều không?” Người thanh niên cười: “Thôi ông ơi. Tết nhứt tới nơi. Mua lẹ lẹ còn về cúng. Trả giá gì nữa.” Mỗi năm cô bé lớn thêm một chút, bà mẹ của cô già thêm một chút. Rồi tới một năm tôi không còn gặp cô bé nữa. Bà mẹ quàng khăn len, trùm nón len vừa thối tiền vừa trao cho tôi bó mai mình. “Con nhỏ đi học xa rồi cô à. Tôi nói nó thôi khỏi về phụ.” Tôi đem bó mai mình về cắm trong cái lục bình có vẽ tranh sơn thủy. Tôi nhớ nhớ cô bé ngày nào. Rồi năm sau, năm sau nữa, bao nhiêu năm tôi không nhớ, cô bé cũng không thấy về. Chỉ thấy bà mẹ trẻ bấy giờ đã thành một bà đứng tuổi vừa lăng xăng bán buôn vừa coi chừng cháu. Đứa bé được bọc trong mấy lớp vải dày, đôi mắt đen láy và hai má bầu bĩnh (như mẹ), ngồi nghịch nghịch dây pháo nhựa màu đỏ chói. Tôi đứng trên con phố cũ đông nghịt những người mua mai, tai gần điếc vì tiếng nhạc xuân ầm ĩ từ những cái loa phóng thanh, người run bần bật vì gió đêm. Mai nở tưng bừng — cả mai Mỹ lẫn mai mình — nhưng cô bé (nay đã không còn là cô bé) thì vắng bóng. Tự dưng tôi nhớ đến ông tác giả... hơi gàn gàn kia. Hình như ông có lý. Tôi cảm nhận được một điều gì vừa lướt qua, nhẹ nhẫng như một cái bóng mờ, một dư ảnh nhợt nhạt còn sót lại của mùa xuân xa xôi nào đã khuất hẳn. Cô bé bán mai không còn trở lại, hoặc nếu có trở lại thì cô đã không còn là cô bé bầu bĩnh ngày xưa. Một người đàn bà hín mùi, bình tĩnh, biết đâu có nanh có vuốt cũng không chừng... ai biết được... Mùa xuân năm đó — của tôi, của cô — của kỷ niệm về những cây mai Mỹ mai mình chỉ đến có một lần. Nó đến rồi nó... đi luôn. Nó có về bao giờ đâu.
Mùa xuân của đời người ngắn ngủi, mong manh và vô chừng như một cơn gió sớm. Có khi nó dừng lại lâu hơn ở người này, mau hơn ở người kia hoặc có khi nó chỉ thở một hơi rất nhẹ khiến người ta chưa kịp giữ cái chéo áo vừa phất phơ thì nó đã bỏ xa rồi. Đến một hạn tuổi nào người ta coi như hết, chẳng còn vẽ nổi một chân trời nào khác cho những thực tại của mình, cam phần nhìn cái bóng đời thanh xuân của mình trượt dài khỏi tầm tay níu kéo vô vọng. Chị Thanh — một người quen trong xóm tôi ngày trước — về làm vợ anh Thanh đã hai mươi năm. Cuộc hôn nhân chóng vánh — gặp nhau mùa đông, lấy nhau mùa xuân — làm như là cái căn phần mà chị không lường trước được. Cách biệt một thời gian, ngày gặp lại chị tôi gần bật ngửa. Đâu rồi chị Thanh ngày trước, đâu rồi người con gái xinh đẹp rờ rỡ như đóa hoa vừa độ mãn khai, có hái quăng xuống đất người ta cũng lượm lên cắm vào bình. Thay vào đó là một người đàn bà bèo nhèo, nhăn nhúm, xẹp lép, không còn thiết gì hoặc tin tưởng gì ở cái cuộc đời quá đỗi te tua mà chị phải kéo lê chừng ấy năm trời. “Lấy nhau hai chục năm thì anh Thanh đau thận mười bảy năm. Đi thay thận, đi lọc máu, ra vô bệnh viện còn hơn cơm bữa. Rồi thuốc men nhiều quá khiến anh ấy bị lòa hai mắt. Phải đi ghép võng mạc. Bây giờ một bên coi như tối hẳn, một bên thấy mờ mờ.” Tôi chỉ còn biết kêu trời. Hai đứa con của chị cũng chẳng nên người. Chúng bỏ học nửa chừng, nay đầu đường, mai xó chợ.
Người đàn bà ấy vẫn còn một hai thói quen cũ của thời con gái. Chị đánh phấn một cách kỹ lưỡng và công phu. Làn da trắng mịn của chị ngày trước ai cũng thèm cũng ngó thì bây giờ phải giấu phải che. Nỗi nhọc nhằn, thất vọng, ngao ngán, tiêu điều... Bao nhiêu thứ... Liệu cái lớp phấn ấy đã làm được gì. Chị Thanh vẽ một đường chì lên viền mắt. Chị kể: “Ngày trước tại sao chị lấy anh Thanh? Lấy nhau không phải vì tình mà vì thất tình. Chuyện ngược đời. Chị thất tình. Anh Thanh cũng thất tình. Anh ấy đi cưới chị mà trên tay còn một xấp thư của người yêu cũ. Chị lấy anh Thanh mà ngẩn ngẩn ngơ ngơ như kẻ mất hồn, nhìn đâu cũng thấy hình bóng người xưa. Chị và anh ấy không giấu nhau điều gì. Hai người cùng tưởng rằng mình chung một nỗi đau thì việc dẹp bỏ quá khứ để làm lại từ đầu là chuyện quá đơn giản và dễ ợt. Cái đó chỉ là lý thuyết. Em hiểu không. Chỉ là lý thuyết. Cho tới bây giờ chị vẫn thấy là mình và anh ấy chỉ gá vào nhau một cách tạm bợ như cái mái nhà dột, lại không đủ tiền nên đắp lên đủ thứ từ dầu hắc đến nhựa đường đến tấm nylon, một sự vá víu lôi thôi hết chỗ nói. Rồi hai đứa con ra đời. Rồi anh ấy bệnh. Lỡ rồi. Nhà dột thì phải chống phải che, không lẽ bỏ luôn cho sập?” Chị Thanh càng nói càng mủi lòng, càng tủi thân, lại càng dậm phấn cho đậm. Trên da chị có rất nhiều những chỗ nám màu nâu sậm to bằng đồng xu mọc đầy hai bên má mà tôi nhớ là trước đây không hề có. Tôi hỏi chị một câu mà sau này tôi cứ ân hận mãi vì sự ấu trĩ và ngu độn của mình: “Chị có đi bác sĩ về da không? Sao da chị bị nám nhiều vậy?” Người đàn bà làm như sượng sùng, kề mặt sát tấm gương đập đập cái bông phấn càng mạnh hơn lên những chỗ nám. Phấn dư rơi lả tả, đậu đầy trên cổ áo, trên hai vai áo màu xanh. Nước mắt đột nhiên ràn rụa làm lem luốc những đường kẻ bằng chì, làm lớp phấn lỏng ra, tuột xuống như lớp đường chảy nhão trên cái bánh ngọt lâu ngày. Khuôn mặt chị y hệt một anh hề, một anh hề cố che cái ruột cái gan bầm dập của mình mà che không nổi. Chị Thanh ơi, mùa xuân của đời chị, nó ở nán với chị được bao nhiêu năm? Có lẽ chỉ là ba năm đầu của đời sống chồng vợ. Mười bảy năm sau là đời sống của một y tá với bệnh nhân. Tại sao tôi không hiểu ra điều đó mà còn thắc mắc vòng vo. “Giày dép còn có số. Huống gì mình.” Chị Thanh nói — cái câu người ta hay nói. “Da dẻ là cái bên ngoài. Trái tim chị nám đen hết rồi.” Rồi chị khóc tiếp. Rồi cười. Rồi lau nước mắt. Rồi dậm lại những chỗ không ngay ngắn trên mặt mình bằng một lượt phấn mới.
Một dạo trước đây rất lâu tôi làm ca đêm cho một bệnh viện gần biên giới Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Bệnh viện nhỏ, trên đồi, nhìn xuống thung lũng bên dưới là một thị trấn buồn tẻ và côi cút. Đường sá nhà cửa lưa thưa, quanh năm chẳng hề gặp một đồng hương nào. Vì vậy mà Tết ở đây coi như là Tết mượn, tức là mượn Tết Dương lịch của người ta làm Tết mình. Còn Tết Âm lịch thì không khác một ngày lu mờ thường nhật trong năm, mai Mỹ còn không có nói chi đến mai mình, nói chi đến lân, đến pháo. Tôi đã tự đày ải mình bằng cách trốn lên cái xó xỉnh ấy để quên đi nhiều chuyện, những hối hận giày vò, những thất bại dở khóc dở cười... đại loại là thường tình thế thôi. Chiều ba mươi tôi cắt vài khoanh giò thủ, cái bánh chưng tự biên tự diễn, xếp vào giỏ cơm đem theo đi làm. Ngày còn ở quê nhà, còn háo hức với những cái Tết hàng năm tôi nghĩ người nào phải đi làm đêm ba mươi là “vô phước” lắm. Thiên hạ ở nhà lo đốt pháo ăn giao thừa rầm rầm, còn mình... Những năm đầu rồi những năm sau tôi dần dần quen với những cái Tết mượn ở xứ người, quen với cảm giác “mình mình biết, mình mình hay” khi giở tờ lịch liếc thấy ngày mùng một mùng hai tiết Nguyên Đán được in bằng mực đỏ.
Không ai trong bệnh viện biết tôi đang đón giao thừa. Từ lầu bảy nhìn xuống thị trấn phía dưới nhấp nháy đèn như sao, mênh mông, xa vắng. Người ta nói mỗi ngọn đèn là một tâm sự. Thế gian nhiều tâm sự quá. Trong đó có cả mình, một cô y công âm thầm dựa cửa trong đêm ba mươi nhìn xuống chân đồi hoang vu cô quạnh, không biết mình chờ cái gì, đợi cái gì. Những tiếng vọng mơ hồ trong đêm, tiếng một vài bệnh nhân rên rỉ, tiếng máy điện tâm đồ bíp bíp, tiếng uể oải của cảm giác trống vắng, chênh chao. Gần hai giờ sáng người ta khiêng vào một người đàn ông trên dưới bốn mươi nhặt được bên vệ đường. Tới nơi thì người đó đã chết. Nghẽn động mạch tim. Một người vô gia cư. Một xác chết vô thừa nhận. Tử thi khép hai mắt hờ hững, không vật dụng tùy thân, không miếng giấy làm thuốc. Bác sĩ đến lật lật thân người cáu ghét dơ bẩn hỏi bâng quơ: “Không biết đây là người gì. Nhật bản hay Trung quốc, Đại Hàn?” Tôi bảo: “Người Việt Nam.” Bác sĩ hỏi: “Sao cô biết?” Tôi chỉ vào hàng chữ tiếng Việt xăm trên ngực người xấu số: “ Tôi đọc được câu này. Tiếng Việt.” Ông bác sĩ hỏi: “Câu ấy viết gì cô dịch cho tôi nghe?”
Tôi nhúng khăn ướt cặm cụi lau rửa cái thi thể trần truồng, âm ấm, chai sượng và phong trần. Hai bàn chân xương xẩu chổng chơ ngửa lên trời, những cái móng lâu ngày không cắt, dài và cứng, quắp bên trong lớp bùn đất đen thui, hai hàm răng vàng ệch cái sứt cái mẻ, mớ tóc rối nùi cát bẩn, hàng chữ xăm trách trời trách đất, bộ phận sinh dục quắt queo bám lòng thòng như chùm mận héo... là tất cả những vết tích còn lại của một đời người giang hồ lang bạt. Người đồng hương này trước giờ vẫn ở quanh quẩn nơi đây mà tôi không biết. Trong phòng cấp cứu các y tá, y công vẫn qua lại, vừa làm việc vừa chuyện trò, giỡn hớt. Mọi người — trong đó có tôi — đã chứng kiến quá nhiều cái chết. Hết người này, tới người khác. Dành cho họ một tiếng thở dài, một cảm giác chao dao, ngậm ngùi trong ít phút là hết cỡ. Ngoài bệnh viện trời sáng dần. Đã bước qua mùng một.
Con đường về nhà trong buổi hôm ấy mờ sương, lấm tấm những ngôi sao quen thuộc. Một bầu trời quen thuộc, một lối đi quen thuộc, một cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ quen thuộc. Tôi bắc một ấm nước, nướng miếng bánh mì, chiên quả trứng, gọt một trái lê. Trong cái vô vị của buổi sáng đầu năm như ngàn vạn những buổi sáng nhàn nhạt ở xứ này, tôi cố gắng tối đa để tìm cái vị của nó — cái vị xuân của một mùa xuân nào đã đến rồi đi luôn — để món trứng chiên hôm ấy trở thành đặc biệt, để bữa điểm tâm hôm ấy không chỉ là cái mà mình bắt buộc phải nuốt. Ngoài cửa sổ hai ba con chim nhảy lưng tưng trên cỏ, vài đám mây lướt thướt kéo dạt qua mái nhà, những cái lá khô lăn lóc trên mặt đường. Tôi cố nuốt bánh mì, rình rập cái không gian quá ư cũ kỹ đang chậm chạp trở mình, kiên nhẫn đợi chờ. Một người hàng xóm bước ra mở cửa xe, lùa hai đứa con vào như lùa vịt. Hai đứa bé lăn quăn, cặp xách trên lưng, giày mũ cẩn thận trông như hai cái nấm, chuẩn bị đến trường. Chiếc xe lùi xuống đường một cách từ tốn. Bỗng bà mẹ từ trong nhà vụt ra, quần áo ngủ còn trên người, đi chân đất, một tay quơ quơ rối rít, một tay xách hai cái bình nước giơ cao. Hình như bà ấy có mắng hai đứa bé hoặc cằn nhằn ông chồng. Hai đứa trẻ thò tay lấy bình nước rồi lại tít mắt gào lên: “Bye mom. Bye mom.” Chiếc xe khuất dần. Hai bàn tay bé xíu như hai cái lá đưa lên vẫy vẫy. Hai miệng cười trống trơ răng sún. Mắt người mẹ trẻ đăm đăm dõi theo con. Mắt hai đứa bé ngoái nhìn lại mẹ. Tôi đứng sau cửa sổ, tôi thấy hết, thấy hết tất cả cái âu yếm nồng nàn của sáu cái hồ nước long lanh mà tôi phải lặng người chiêm ngưỡng. Tôi có cảm tưởng như đó là sáu cái hồ xuân đang run rẩy những đợt sóng lao xao, trào ra thấm ướt mặt đường nứt nẻ những phiền muộn. Ông bạn già của tôi ơi — người đã viết mùa xuân có về bao giờ đâu [*] — ông nói đúng đó. Mùa xuân chỉ đến có một lần rồi đi, vĩnh viễn không trở lại nhưng mình vẫn có thể “hưởng trộm” mùa xuân hay “ké” mùa xuân của người khác. Có chết ai đâu. Vâng. Mùa xuân của tôi đã qua lâu rồi, nó cũng chẳng bao giờ thèm trở lại nhưng tôi đã có cách khác. Tôi sẽ “hưởng trộm” mùa xuân của người khác, của hai đứa trẻ ấy, của bà mẹ đang hạnh phúc kia. Xuân trộm. Xuân ké. Nghe cũng được chớ. Phải không ông?
Cao Thanh Phương Nghi
12/2009
---------------------------------