có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 12 08, 2010

Nhà cầu




Lời toà soạn:
Truyện ngắn dưới đây đã được đăng lần đầu trên tạp chí Văn (Sài Gòn, 1968) và đã được nhiều người yêu thích. Gần đây, tác giả đã đánh máy lại toàn văn và gửi đến Tiền Vệ. Xin cảm ơn tác giả và xin giới thiệu cùng bạn đọc.


Suốt đêm tôi ngủ không yên giấc. Những cơn mộng mị khiến trái tim tôi luôn luôn phập phồng trong nỗi lo nhục nhã. Từ ba tháng nay tôi không trả được tiền nhà và tiền cơm cho bà chủ trọ. Bà vẫn một mực tử tế với tôi, nhưng không vì thế mà tôi cảm thấy yên tâm.

“Thức ăn lúc này có hơi cao giá, khó mua, cậu ăn đỡ.” Trong bữa cơm chiều, trước những thức ăn không được tươm tất như mọi lần, bà đã nói với tôi như thế. Ánh mắt và giọng nói của bà thành thực, nhưng đã khiến cho những hạt cơm tôi đang nhai trong miệng hóa ra như sạn trấu. Tôi ứa nước mắt .

Sáng hôm sau tôi thức dậy thật sớm, khi ánh điện còn dọi sáng những con đường chưa có bóng người. Nhưng tôi vẫn tưởng như mình đã thức quá muộn, tôi hối hả đến nỗi không kịp làm những viêc vặt thông lệ hàng ngày, vội vã mặc áo quần ra khỏi nhà.

Tôi phải đi bộ một quãng đường ngót năm cây số để đến nơi hẹn mượn món tiền nhỏ. Dọc đường, bụng tôi bắt đầu đau lâm râm, nhưng vì quá nôn nóng đuổi theo mục đích, tôi không để ý và quên đi trong chốc lát. Vậy mà lúc đến nơi đã quá giờ hẹn và người hẹn cũng đã đi khỏi.

Tôi tiếp tục đi bộ đến những nơi tôi hy vọng còn có thể vay được ít tiền – tôi nói hy vọng vì lẽ, ở những nơi đó tôi cũng đã có lần “làm phiền” đến họ mà chưa trả được. Nhưng trước sự khẩn khoản của tôi, tôi chỉ được nghe những lời từ chối đượm chút hối tiếc một cách lịch sự khiến tôi cảm thấy xót xa và ngượng ngùng, miệng tôi lắp bắp mấy lời cảm ơn – để tỏ ra tôi cũng là người có giáo dục, thái độ cần có của người học thức, ít ra là cũng ngoài mặt.

Tôi đã đi bộ hơn mười cây số trong một thành phố nắng cháy, trơ trụi, đầy bụi đen. Đến trưa tôi mệt lả. Tôi khát nước, chân run và mắt hoa lên mỗi bước đi. Ở trong thành phố mà lắm khi các vòi nước công cộng khô cạn không có lấy một giọt nước, như hôm nay – cứ nhìn những dãy thùng chờ lấy nước sắp nối đuôi thì đủ biết. Trong khi không có đủ tiền - chỉ còn vài đồng lẻ để dằn túi - mua một trong vô số những thức giải khát bày ê hề, tôi không biết xin ai một ly nước lạnh nhỏ để thấm giọng. Giá như ở một vùng quê thì tôi đã không ngần ngại vào bất cứ nhà nào ngỏ lời và sau đó, trong sự vô tâm của chủ nhân – không phải vô tâm với lời cầu xin, nhưng vì lời cầu xin đó quá nhỏ mọn, nếu họ tỏ vẻ chú tâm, dù là nhỏ nhặt nhất cũng khiến họ hổ thẹn – tôi ra thẳng lu nước, lấy gáo múc nước uống một bụng đầy – ở quê tôi, người dân có tập quán để sẵn lu nước ngay ngoài đường cho khách bộ hành. Hoặc là tôi ghé lại một giếng nước xin cô thôn nữ cho mượn chiếc gàu, và rồi lòng tôi mát rượi thứ nước nằm sâu trong bóng im lòng giếng. Cũng có thể, một cách thoải mái, tôi vục mặt vào lòng một con sông, vừa uống vừa để cho nước mơn trớn làn da đẫm mồ hôi của tôi. Nhưng ở trong một thành phố có nhiều hàng quán thì tôi đành phải nhịn khát.

Lưng áo tôi đã ướt đẫm mồ hôi, nhưng tôi vẫn đi không nghỉ. Nắng hầm hập vây lấy tôi từ đầu đến chân. Tôi chờ đợi những cơn gió hiếm hoi đem lại chút mát mẻ. Cho đến lúc mọi người tạm dừng công việc vào buổi trưa để ăn uống và nghỉ ngơi tôi vẫn chưa dừng bước, vì tôi lại có hẹn với một nơi khác, ngay sau giờ ăn trưa.

Đến nơi, sau khi anh ta nói thẳng ra là “rất tiếc”, anh mời tôi ở lại dùng cơm, nhưng tôi đã từ chối, tôi chỉ xin được uống nước dù tôi đang đói rã rời. Bấy giờ có một việc riêng đang thôi thúc tôi một cách khẩn thiết và tôi cần phải giải quyết nó hơn là cần một bữa ăn, hơn nữa giữa tôi và anh ta còn trong chỗ sơ giao – nhất là những người trong gia đình – chưa đủ thân để ở lại dùng bữa cơm không báo trước, dù chỉ là việc thêm cái chén đôi đũa. Tôi ngại ngùng trơ trẽn hơn nữa nếu như tôi tỏ với anh ta và nhờ anh giúp cho tôi giải quyết cái việc đang làm tôi ray rức, khốn khổ. Lúc bắt tay cáo từ ra về tôi phải cố để đứng được thẳng người và tôi suýt bị cúi xuống ôm bụng. Một cơn đau bụng dưới đến đột ngột không có triệu chứng báo trước xoắn cả ruột gan tôi lại. Tôi vội quay đi để dấu vẻ khốn khổ trên gương mặt – mà lúc ấy tôi biết là sẽ có những nét nhăn nhó trông rất kinh khiếp – sợ người bạn có thể hiểu lầm là tôi thất vọng vì anh ta đã từ chối giúp tôi.

Khi ra khỏi nhà, cơn quặn đau lắng dịu và giảm phần khẩn cấp. Tôi dùng tay vuốt mồ hôi trán vã ra đầm đìa.

“Phải tìm cách giải quyết ngay tình trạng bức bối trong người tôi thì mới ổn”, tôi bối rối nghĩ. Ra đến phố tôi định ghé vào một quán ăn khả dĩ có chỗ cho tôi làm công việc đó, nhưng trong túi chỉ còn vài đồng tiền kẽm, tôi không thể thực hiện được. Để hãm bớt lại cơn đói cũng đang nổi lên dữ dội, tôi ghé ăn một dĩa cơm “nhỏ” giá khiêm tốn hàng cơm bên vệ đường. Tình trạng cấp bách của cái bụng có phần lắng dịu. Tuy nhiên vừa nhai những hạt cơm có rưới sơ chút xì dầu và nhấm nháp vài cọng dưa giá – để trên mặt cơm – tôi vẫn phải luôn luôn dè chừng, chẳng khác nào một tên cớm đang theo dõi một phần tử anh ta cho là khả nghi, thuộc thành phần đối lập. Tôi ngại mớ cơm mới vào làm to thể tích bao tử rồi chúng đùng đùng nhất loạt xuống đường biểu tình đòi ra ngay thì thật khốn nạn cho tôi. Ngay lúc đó vẫn chưa có triệu chứng khẩn cấp nào, nhưng chỉ một lúc, sau khi tôi rời khỏi hàng cơm, đang trên đường về, bụng dưới quặn lên đau dữ dội. Cơn đau khiến toàn thân tôi toát mồ hôi dầm dề và tưởng như tôi sắp tắt thở đến nơi, mắt tối sầm. Tôi ngồi xuống ôm chặt lấy bụng, cố dằn xuống cơn đau bằng hết sức lực. Nhưng rồi cơn đau qua đi ngay. Sau đó bụng tôi chỉ đau quằn quặn từng cơn không dứt, da bụng dưới nổi gò lên từng cục, chỗ này lặn chỗ khác lại nổi lên như có một hòn đá di động, tuy nhiên tôi cảm thấy có thể chịu đựng nổi những cơn đau êm ái đó – đã bị một cú đập như trời giáng mà không chết thì những cái ngắt véo ăn thua gì! Nhưng lại sinh ra chứng khác, là tôi phải đi chầm chậm và đi khạng nạng. Trong lúc đi như thế, thỉnh thoảng tôi phải dừng hẳn lại ôm chặt lấy bụng, ôm riết lại, cố nén – một cách khác tôi thử cũng có hiệu quả: đứng khép hai chân, vận động bắp thịt mông săn lại, làm cho hậu môn co rút lên, đóng chặt. Nhưng rồi có lúc tôi tưởng chừng như không còn kham nổi nữa và nếu phải cho ra thì không biết tôi phải làm sao, đang khi tôi ở gữa phố thị đông người gọi là Thủ đô miền Nam này! Tôi lại phải áp dụng phương pháp khác, đi thật chậm, rón rén từng bước một, đôi lúc nín thở, không dám dằn mạnh chân xuống mặt đường.

Tôi nhặt một tờ nhật báo ai vất trên lối đi – đầy rẫy những tin tức của cuộc chiến tranh khốn khổ trên dãy đất hình chữ S – và nẩy ra một sáng kiến: “Một ngõ hẻm vắng người nào đó”. Như vậy là ổn. Rồi tìm một đống rác – thành phố này thì ngữ đó không thiếu, nếu không muốn nói rằng thừa đến nỗi gây ra sự bực dọc cho lỗ mũi của các công dân – vất vào đó là xong. Nhưng phải tìm một bọc ny lông nữa, không thì nước chảy ra, ruồi nhặng đánh hơi bu theo, xem có vẻ mất vệ sinh! Đúng rồi, thật là ổn thỏa, cái khó ló cái khôn! Không ai biết tôi đang xách cái bọc gì mà lại gói cẩn thận thế! Có thể là một gói thức ăn, có lẽ họ sẽ đoán mò như vậy. Nhưng quái ác, nhìn ngang ngửa xuôi dọc tôi không thấy một chỗ nào vắng bóng người ta. Người đâu mà đông thế. Họ đi hàng đàn, hàng lũ, đông nghẹt khắp mọi nơi, huyên thuyên cười nói, mặt mày rạng rỡ. Giữa họ, trông bộ dạng tôi thật khốn khổ. Áo quần nhem nhuốc, xốc xếch. Đầu tóc rối tung, bết mồ hôi. Mặt luôn luôn nhăn nhó như khỉ ăn ớt, đi lom khom, khạng nạng những bước chân sượng sượng ngập ngừng. Tôi tưởng mọi người sẽ nhìn tôi như con quái vật, thưởng thức tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên hay ném ánh mắt thương hại, nhưng không, chẳng có ma nào thèm để ý đến tôi trong bộ dạng khó coi với nỗi khổ tâm đang dày vò tôi. Họ vẫn nhởn nhơ như những kẻ vô tư, sung sướng nhất thế giới. Mặc kệ tôi. Tôi oán trách và bất mãn cái thành phố này với đám dân chúng của nó chỉ có bề mặt lộng lẫy mà không có lấy một chỗ cho tôi làm một việc cỏn con. Thiên hạ chỉ lo ăn cho no, diện cho bảnh, làm những chuyện bá dẽm mà họ cho là trọng đại như xây những tượng đài thổ tả sau này phá đi tốn khối tiền. Tôi oán trách chính phủ không để ý đến đời sống công dân – tôi là một công dân và... việc đó cũng thuộc về đời sống chứ? Nếu không có người ta đầy đường chật phố thì tôi dám bậy ra giữa đường lắm, và lúc ấy thì đừng có trách tôi là làm mất vệ sinh công cộng và công xúc tu sỉ đấy nhé. Tôi sẽ thuê luật sư kiện lại chính phủ, xem ai thắng ai.

Tình cảnh tôi khốn đốn quá rồi. Tôi cảm thấy chẳng còn thiết tha gì đến mọi sự ở đời, dù tiền tài bổng lộc hay quyền chức cao sang. Một vạn triệu con gái đẹp nõn nường õng ẹo như tiên nga trêu ghẹo tôi cũng bằng thừa. Một cỗ bàn đầy cao lương mỹ vị tôi cũng không màng. Cả nhân loại đang oằn oại trong hỏa ngục cũng không làm tôi động tâm. Tôi cảm thấy cuộc đời thật đáng nguyền rủa. Khối nhân loại này thật vô tích sự, đáng phỉ nhổ. Một ông bạn xa lâu ngày gặp tôi tay bắt mặt mừng. Tôi cố gượng cười nhưng nụ cười trở nên méo xệch như mếu. Tôi xìa bàn tay lạnh ngắt, nhơm nhớp mồ hôi ra, mặc cho hắn ta nắm lấy. Hắn hỏi thăm tôi rối ra rối rít hết sức chân tình. Tôi chỉ ừ ừ, hử hử, đôi mắt nhìn vào hắn mà xa vắng thất thần, mặt tái đi. Hắn vội buông bàn tay nhầy nhụa mồ hôi của tôi với vẻ hoảng hốt – như đã nắm phải một con lươn sống – hối hả quay lưng đi. Đã bước đi rồi, hắn ta còn quay lại nhìn tôi, ý chừng đề phòng xem tôi có đuổi theo cắn hắn như một con chó điên không. Chắc hẳn hắn nghĩ rằng vừa dừng lại nói chuyện với một thằng điên mới xổng ra khỏi viện tâm thần và may mắn, kẻ đó chưa giở trò gì làm nguy hiểm đến tính mệnh hắn. Phần tôi, tôi rất khổ tâm, nhưng tôi còn thiết gì nữa cơ chứ, ngay cả sự vồn vã chân thành của một người bạn cũ mà do hoàn cảnh đặc biệt tôi không thể đáp lại. Tôi không còn cần tất cả mọi sự trên thế gian này – dù cho điều đó có cao cả đến đâu, quí báu đẹp đẽ đến đâu. Phải. Tôi cần tống khứ ngay khối cặn bã đang nằm chật chội trong đoạn ruột già. Hay chính nó, khối cặn bã đó đang khẩn cấp đòi thoát ra khỏi thân thể tôi. Thôi, đừng có văn chương lịch sự kiểu bác học gì nữa. Đến lúc phải nói toạc móng heo ra bằng ngôn ngữ bình dân dễ hiểu. Tôi đang cần một cái... cầu tiêu vì tôi gấp rút muốn... đi ỉa!

Ngang qua một con hẻm vắng người – ôi! may mắn thay! – tôi lao ngay vào như người sắp chết đuối lao đến chiếc phao, kẻ sa đọa níu lấy đấng cứu rỗi; nhưng, tôi chưa kịp trải tờ báo ra hay làm bất cứ việc gì liên quan đến... vụ đó thì, từ trong hẻm, một con mẹ đàn bà bụng chửa thè lè dắt một thằng oắt con mũi dãi lòng thòng đi ra – mà thằng nhãi ranh thì đang khóc ư ử, trì lại không chịu đi – khiến tôi khựng lại. Tôi hầu như tuyệt vọng. Con mẹ đàn bà trông thấy tôi, thoạt đầu mẻ không để ý, còn lấy tôi ra để dọa cho thằng ranh của mẻ sợ – thì đúng đứt đuôi con nòng nọc rồi chứ còn gì nữa, trông cái bộ dạng của tôi lúc đó – nhưng sau nhìn tôi kỹ lại chính mẻ cũng khiếp vía. Mẻ kéo lôi thằng nhãi lệt bệt bằng hết sức lực để chạy khỏi chỗ tôi đứng cho thật nhanh, mắt nhìn tôi lắm lét. Trông thấy cái điệu bộ của mẻ – dù là đang ở trong hoàn cảnh khốn khổ đáng thương của tôi lúc ấy – tôi cảm thấy mẻ còn đáng thương gấp trăm lần tôi và tôi bỗng bật cười. Thấy tôi cười mẻ lại càng sợ hết hồn – dưới mắt mụ ta tôi lại là cái gì đáng sợ nữa rồi! Nhưng cũng nhờ sự có mặt của mẻ tôi nhận ra cái điều không ổn. “Dẫu là không ai nghĩ đến việc xây cất một cái nhà cầu, tôi cũng không nên làm việc đó ở nơi không phải chỗ của nó”. Nói theo giọng của sở vệ sinh thì là... “không nên phóng uế bừa bãi” dù rằng, sở vệ sinh không nghĩ đến việc xây một nhà cầu công cộng cho công dân của mình làm “chuyện vệ sinh!” Tôi đau khổ mà nghĩ như vậy. Tôi đứng tần ngần một lúc, vừa hối tiếc vừa căm hận quay ra.

Lạy trời! Cũng có lúc cơn đau lắng dịu. Lợi dụng những giây phút hiếm hoi ân phúc đó tôi bước đi mau hơn, mắt tôi láu liên tìm chỗ. Và tôi mừng rỡ vô hạn nhận ra tôi đang đi qua khu nội trú của sinh viên một trường đại học – thì tôi cũng đã từng là sinh viên chứ bộ. Không ngượng ngập, tôi len qua đám sinh viên đang ngồi uống cà phê trên sân cỏ. Họ đã đồng loạt ngước nhìn tôi bằng những con mắt quái lạ và vội vàng tránh đường cho tôi – nếu không có lẽ tôi cũng sẽ phải dẫm lên họ mà đi thôi. Tôi đi ngay vào khu nhà cầu.

Một dãy nhà cầu! Ôi! Nhà cầu! Hai tiếng “nhà cầu” vang lên trong chốn tận cùng tâm hồn tôi như một hồi chuông cứu rỗi vọng đến từ cõi thiên đường. Cái âm thanh bình thường hơi có vẻ thiếu thanh tao đó giờ trở nên khả ái gợi lên trong lòng tôi những tình cảm cao đẹp như khi nghe nhưng từ “bác ái”, “lòng bao dung”, “đức hy sinh”...

Nhà cầu! Ôi! yêu dấu xiết bao! Ngươi là ân nhân của ta, cứu tinh của ta. Mỗi bước đến gần ngươi tâm hồn ta trở nên trong sáng, thân xác ta nhẹ nhàng như chắp cánh. Cả cái tôi bẩn thỉu dơ dáy, nặng nề ô trọc cũng lần hồi biến đổi trở nên thanh thoát lạ lùng... Cùng lúc đó sự thôi thúc bài tiết càng thêm cấp bách nhưng nó đã mang một ý nghĩa cao cả hơn rồi. Những giây phút chót – giây phút của hỏa sơn tâm linh sắp bùng vỡ, của ân huệ giác ngộ tối hậu – không thể trì hoãn thêm một phút một giây nào nữa mà sự việc không xẩy ra đáng tiếc – ôi! cái giây phút nhiệm mầu của sự hóa thân. Hoặc là phá vỡ ổ kén để tung cánh nhởn nhơ trong trời cao đất rộng. Hoặc là nằm chết dí dưới đất đen chờ ngày thân xác rã tan. Tôi bước những bước lớn gần như chạy. Tôi phóng vào một căn, cửa đóng, có khóa cẩn thận. Căn thứ hai, cũng thế. Rồi căn thứ ba, thứ tư. Ôi! Trời cao đất dày ôi! Đây quả thật là một chuyện lạ của đất nước này. Ở những nơi cần phải đóng và canh phòng cẩn mật như bộ máy chính quyền cao cấp thì đùng một cái khám phá ra ông cố vấn của ngài tổng thống và trong bộ tổng tham mưu quân đội là gián điệp do “bên kia” cài vào từ hồi nẳm. Vậy mà khu cầu tiêu của sinh viên đại học thì lại có khóa. À! Hay họ định chơi khăm tôi? Họ biết rằng hoặc là địch muốn phá hoại tôi, hoặc là một kẻ thù thông minh nào đã biết rõ tình cảnh khốn khổ của tôi, muốn chơi tôi, chứ tôi nhất quyết là ở cái đất nước mà cố vấn ngài tổng thống là người của phe “bên kia” thì khu nhà cầu công cộng – mà là của sinh viên nữa – không thể nào có khóa cẩn thận được. Tôi sắp ngã ra bất tỉnh. Thình lình, ở căn cuối cùng cánh cửa bật mở tung, một bóng người hiện ra và khi trông thấy tôi hắn liếc nhìn tôi thật nhanh – chưa kịp kéo quần lên – ba chân bốn cẳng biến mất trong đám sinh viên. Chắc hẳn hắn vừa chạy vừa cài nút quần; và mặc dù trong bóng tối mờ mờ, tôi cũng kịp nhận ra đôi mắt mở lớn như lòi tròng muốn rớt ra ngoài của hắn nhìn tôi đứng lù lù như một con ma ngay trước cửa nhà cầu từ hồi nào. Rồi đây hắn sẽ đồn ầm lên là khu nhà cầu sinh viên trường đại học X... có ma và “Con ma nhà cầu” sẽ được một phóng viên giàu tưởng tượng viết thành một thiên phóng sự với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn và sẽ có tựa đề mới là “Con ma vú dài trong khu nhà cầu...”chẳng hạn. Con ma vô danh đó sẽ nổi tiếng. Thiếu gì những “con người không ra người” cũng đã nổi tiếng trong những trường hợp còn trớ trêu hơn gấp bội.

Tôi cũng không có thì giờ – hơi sức đâu mà nghĩ đến những người dễ nổi cơn sợ hãi như thế – để nhìn theo cái bóng đen đáng thương kia nữa. Tôi lao vào cái chỗ hắn vừa rời bỏ, dẫm bừa lên những đống phân nhão nhoẹt đầy ngập, tràn cả ra ngoài. Ôi! Trên cái đất nước này có một nhà tiêu công cộng nào mà phân người không đầy tràn như một vũng lầy! Và cũng từ đó thử suy ra coi, có một thứ gì, một chỗ nào thuộc về công cộng mà thoát khỏi số phận đó. Tôi không còn biết chỗ ngồi còn đó hay đã bị chất cặn bã lấp mất rồi. Tối om om. Tôi run rẩy lật bật, bối rối và hết sức vụng về sử dụng mấy ngón tay trong cơn cảm xúc cực độ. Những ngón tay không có lúc nào tỏ ra tồi tệ hơn lúc đó nữa. Chúng cứng lại và co quắp như bị gân rút. Lại thêm cái bút nịt bị kẹt cứng, không biết đàng nào mà lần nữa, khó khăn và lâu lắc cái chốt mới chịu lỏng ra – ôn vật cái bút nịt nhà binh, thằng bạn quân đội đã cho. Khi tháo được cái nịt thì đến phiên mấy cái nút quần. Chúng sờ sờ ra đó, tay tôi mò thấy mà y như là chúng dính luôn vào với vải vậy, gỡ đằng trời cũng không ra được. Ấy! Được một cái rồi! Lạy các đấng bề trên. Ấy chết! Tôi lại quen miệng như một tín đồ ngoan đạo mất rồi. Các tín đồ thường hay gọi đến những giáo chủ của họ mỗi khi họ đau khổ hay sung sướng – mà thường thì những khi họ đau khổ, chứ lúc sung sướng họ hay quên. Tôi không giống họ, nhưng vì sống gần họ lâu ngày nên bị nhiễm. Lại được một cái nữa! Nhưng đến cái thứ ba thì tôi hoàn toàn chịu thua, chắc nó đã bị rối chỉ hay làm sao ấy. Rồi kìa! Cái ngòi! Cái ngòi của khối thuốc nổ đã ngấp nghé kích hỏa. Lạy Ngài! – chẳng rõ là ngài nào, thói quen duy tâm mà! – Hãy đừng cho điều đáng tiếc ấy xẩy ra. Cái quần! Còn cái quần nầy thì làm sao với nó đây? Đừng! Đừng! Không xong nữa rồi, thế là... Ầm! Ngòi nổ đã được kích hỏa, khối thuốc nổ cũng tan theo, một lực đẩy cực mạnh đẩy viên đạn mù quáng ra khỏi nòng súng, không phương chống đỡ. Cái điều tôi muốn tránh cả ngày hôm nay đã không tránh được, nó đã xảy ra. Thế là hỏng! Hỏng be hỏng bét. Như một bình hơi bị dồn nén, bây giờ được tháo nút, chất cặn bã phọt ra tung toé, không phải chỗ tôi muốn mà lại đúng chỗ tôi cố hết sức tránh, ngay... trong quần! Ôi! Cái quần vía duy nhất của tôi mà mỗi lần giặt tôi phải tự nhốt mình ru rú trong phòng, chờ cho đến lúc nó khô. Quí vị thử tưởng tượng xem nỗi kinh hoàng của tôi lên đến mức nào khi lát nữa đây tôi đi ra ngoài đường phố, cái mùi cực kỳ bắt mũi sẽ tỏa ra chung quanh tôi khiến cho bao nhiêu cặp mắt của đồng loại dán vào tôi... Lũ nhặng xanh bay theo tôi hàng đàn như đậu rải...

Đúng lúc ấy thì cái nút quần thứ ba và cả thứ tư nữa tự động sút ra. Rõ là cái đồ vô tích sự. Nếu tôi không kịp dạng hai chân ra để giữ lại thì cái quần nặng trình trịch hơn kí phân – hay vì lâu ngày chưa được giặt – đã tụt xuống đến chân rồi. Và như thế không thể gọi là “dính” được nữa – cái chất sền sệt lầy nhầy đó – mà phải gọi là “dầm” mới đúng, và rồi tôi phải đem ra... biển Đông để giặt cái quần khốn nạn đó.

Thoát khỏi được cái thế đứng lom khom tôi liền ngồi ngay xuống – còn làm gì được nữa chứ, trong tình cảnh nan giải đó, cứ để mặc xác nó và tiếp tục... cho ra. Ra hết. Ra cho bằng thích .

Từ lúc lao vào căn phòng vuông vức chỉ một thước đó mũi tôi tịt cứng. Cho đến một lúc, không biết là bao nhiêu lâu – trong hoàn cảnh bối rối như vậy tôi còn tâm trí đâu mà để ý đến thời gian – mũi tôi mới bắt đầu làm việc. Mùi xú uế – người ta có thói quen gọi bất công như thế – bốc lên nức mũi, nhưng quái, tôi không cảm thấy hôi thối một tỉ tì ti nào sất cả, mà lại thơm nồng, cùng lúc tôi cũng cảm thấy thân xác tôi tuôn tràn dầm dề một cảm giác thoải mái cùng cực như khi giữa trưa oi bức được tắm nước giếng hay trong trạng thái cực khoái cảm, dã dượi sau khi xuất tinh. Một mùi hương có được nhờ sự pha trộn, đặc biệt như hương rượu coóc-tay. Một mùi hương đậm đà, ngào ngạt do tính chất cá biệt của một sự hòa hợp tuyệt vời. Sự hòa hợp hồn nhiên, tự nguyện – loại bỏ hẳn cá tính – trở thành đồng nhất mang tính cộng đồng cao cả đích thực, khác xa cái nghĩa của thứ cộng đồng rẻ tiền mà thực ra chỉ là một đống ô hợp hỗn tạp còn nặng mùi vị kỷ hơn là cứ để chúng riêng lẻ. Đúng hơn phải gọi là sự tập hợp những vị kỷ, rất nguy hiểm – vì ở đây làm gì còn những tranh chấp giai cấp, tôn giáo, đẳng cấp, giàu nghèo, sang hèn, chính kiến. Chẳng hạn, phân của ông A nói với phân của ông B: “Tao là... của ông A, đạo Thiên Chúa, thành phần tiểu tư sản, giám đốc ngân hàng. Tao là sự pha trộn của thịt bò bít tết, phó mách, sữa tươi, rượu chát. Mày là phân của thằng B, đạo Phật, bần cố nông, quét đường, là sự pha trộn của mắm tôm, rau muống, tương... và rượu đế. Mày thuộc giai cấp hạ tiện, không được nằm gần tao”. Làm gì có thể xảy ra những chuyên khôi hài như thế – như người ta vẫn thấy xảy ra trong xã hội con người! Cho nên nếu có sự cao cả, vị tha và công bằng tuyệt đối, nếu có thực sự một nơi mà nghĩa chữ “cộng đồng” được thấy như là biểu tượng cao cả của sự đoàn kết thì không đâu khác hơn là chỗ đó: cầu tiêu! Nơi quần tụ của cứt đái, à không, chúng ta là những người có học, vậy tôi hết lời xin lỗi, và xin nói lại cho phải phép lịch sự: đó là nhà cầu, nơi sum vầy của chất cặn bã con người thải ra, không phân biệt là ai, là gì cả, vui vẻ, hòa bình, thân ái nằm cạnh nhau. Đó là thế giới của một cộng đồng lý tưởng.

Tôi phồng mũi ra thở, hít thỏa thuê thứ hương vị thanh cao đó. Tôi hít thở như từ thuở nào tôi chưa được thở.

Ai có kinh nghiệm về những giây phút xuất thần? Phải trải qua những giây phút ngây ngất trong cơn xuất thần mới có thể hiểu được phần nào cái cảm giác lâng lâng sảng khoái được sống trong một không gian ngào ngạt thứ hương thơm cao khiết đó. Nếu tôi được hỏi, có phải tôi là kẻ sung sướng nhất trên cõi đời này, tôi sẽ không ngần ngại trả lời cùng với lòng hân hoan: “Vâng! Chính tôi.”

Cảm giác thoát trần khiến tôi ngất ngây. Tôi lặng yên để cả tâm hồn và thể xác đắm chìm trong một khoái cảm mênh mang.

Nhà cầu! Nơi mà người đời lãng quên, ghê tởm ngay trong cả giây phút chung đụng. Cái chốn bị cho là bẩn thỉu, nhơ nhớp đó tôi sẽ không chịu đổi, ngay đến cả những lâu đài dát ngọc đâu nhé. Tôi đâu có dại gì đánh đổi một ân phúc – quá khó khăn tôi mới tìm thấy giữa một thành phố tự cho là hòn ngọc – để lấy thứ vật chất tầm thường kia chứ!

Chung quanh tôi bao phủ bầu không khí im lặng kì bí. Tôi nhắm mắt lim dim mơ màng tận hưởng. Tôi ngẩng đầu nhìn lên ba cái lỗ thông hơi: bên ngoài trời đang sáng trăng. Tôi xê dịch tầm mắt để nhìn thấy mặt trăng trong vắt nằm gọn trong một vuông trời xanh nhỏ. Mặt trăng rằm tròn vạnh, sáng xanh. Một mặt trăng rực rỡ, đẹp đẽ dị thường. Từ trong nhà cầu, nơi trú ngụ thân yêu của tôi, tôi chiêm ngưỡng thiên nhiên một cách thích thú. Tôi thỏa thuê nhìn ngắm chị Hằng đang trải ánh sáng dịu dàng xuống trần thế. Qua ba lỗ thông hơi, trăng dọi vào ba luồng sáng nhẹ, in lên vách tường ba hình thoi vàng nhạt.

Trăng đưa ánh sáng đến cho tôi trong một thế giới dị biệt. Tôi lắng nghe và tôi đã nghe ra. Bên ngoài, vọng đến tiếng rì rầm của thành phố. Gần hơn, giọng thì thầm đám sinh viên đang nói chuyện. Giọng khàn nhựa thuốc của một nữ ca sĩ tài tử ngân nga điệu ca của một nhạc sĩ trẻ thời thượng than vãn về thân phận bị đày đọa của dân da vàng, của tuổi trẻ sinh lầm thế kỷ, phản kháng cuộc nội chiến phi lý của đất nước. Bỗng giữa mớ âm thanh hỗn tạp, vọng âm xa vắng từ Cõi đó cũng đã vẳng đến, nhưng liền bị chìm nghỉm thảm thương trong dòng âm thanh rậm rật vong thân hay ủ ê sầu thảm.

Nhưng thôi quên đi và phải biết đợi chờ. Tôi nhủ thầm. Tôi đang có diễm phúc được đắm mình trong một thế giới mới lạ, đầy không khí tự do. Vâng! Tôi đã cảm thấy Tự do hiển hiện trong không gian bé nhỏ tuyệt hảo này. Hình ảnh Tự do đẹp tuyệt vời, ngạo nghễ, rực rỡ. Tôi tư duy, tôi nói to lên những điều bấy lâu tôi không thể nói – và thật khốn nạn, chỉ lát nữa đây khi tôi rời khỏi khu nhà cầu này tôi không còn dám nói nữa. Nên giờ đây tôi nói, nói to, nói và nói... Tôi nhìn lên hàng lỗ thông hơi vuông và lại xê dịch tầm mắt cho đến lúc thấy lại mặt trăng hiện ra trong ô vuông ở giữa. Tôi nhìn xuống mấy vệt sáng in trên tường đầy dấu vết, hình vẽ và chữ nghĩa – những hình vẽ mang tính biểu tượng diễn tả những động tác của bản năng truyền giống. Còn những dòng chữ, hay từng chữ rời rạc nhưng vô cùng mạnh me, chú giải cho thêm rõ cái công việc hệ trọng đó của nhân loại, hình như người vẽ có phần thiếu tự tin về tài vẽ của mình. Rải rác, có khi bắt gặp một câu diễn đạt một tư tưởng hết sức cao siêu theo kiểu chợ búa. Tôi thử để một bàn tay vào ô ánh sáng và thấy rõ những đường chỉ ngoằn nghoèo.

Tôi bước ra khỏi nhà cầu. Bầu không khí nóng bức nặng nề của thành phố vồ lấy tôi. Những âm thanh chối tai, áo não vồ lấy tôi. Vọng âm từ Cõi đó hoàn toàn tắt lịm.

Tôi băng qua đám sinh viên, hối hả như sợ hãi. Tôi muốn tránh xa họ và con người, tôi vừa từ thế giới thanh tẩy bước ra, tôi sợ sự ô uế từ họ xúc phạm đến tôi.

Tôi vừa được hồi sinh – sau những tháng năm sống trong thành phố ngột ngạt này – thấm nhuần không khí của Tự do đích thực. Tôi cố giữ tôi thoát khỏi sự ô nhiễm.


Kinh Dương Vương
1968