có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 12 05, 2010

Đâu đó, ngày mai



Chuyến xe cuối ấy chuyển bánh… Trước mắt là con đường hơn một trăm năm mươi cây số hai bên lộ là núi rừng dày đặc. Trên dưới 40 hành khách trong xe đều không dấu được vẻ âu lo . Có thể là trái mìn Việt Cộng gài mà đơn vị mở đường đã không dò thấy, hoặc có thể mới gài sau khi toán dò đường vừa đi qua. Cũng có khi Việt Cộng chặn xe, bắt hết đàn ông trên xe xuống lùa vào núi sau khi giết tại chỗ những người họ nghi ngờ.

Và chính vì để yên tâm hơn với con đường mới được khai thông sau hơn cả tuần lễ bị cô lập, Thúc đã tránh đi hai chuyến đầu, dù chàng và Cúc ra bến từ rất sớm. Với nụ cười rạng rỡ trong đôi mắt tinh nghịch, thỉnh thoảng nàng liếc Thúc vừa âu yếm, vừa nghi ngại dò xét. Họ quen nhau chưa đủ lâu để nàng tin chút hạnh phúc có được không như một chuyến xe vội vã, đến bến dừng bánh là kết thúc hành trình.

Nàng bóc vỏ một quả quít, gỡ một múi đưa chàng. Thúc ăn nhưng vẫn nhìn đâu đâu không biểu lộ chút tình cảm nào. Từ sáng đến giờ chàng vẫn lầm lì như vậy, chàng đã cố tình dậy trễ để trốn cái cảm giác ngượng ngập phải ngồi chung xe với nàng suốt 5, 6 tiếng đồng hồ nhưng không hiểu sao nàng đã tinh quái lấy vé bắt chàng phải đi chung chuyến.

oOo

…Nhiều khi định mệnh bắt đầu bằng nỗi tình cờ: Lúc mà Cúc mới đặt chân xuống bến xe, è ạch, loay hoay với mấy cái vali, mấy cái giỏ cần xé hàng, và Thúc lúc đó đang ngồi nói chuyện trên trời dưới đất với chị chủ khách sạn. Từ bên trong nhìn ra ngoài đường, Thúc bỗng thấy người con gái ấy giữa một núi đồ, giữa đám anh chị đang nhao nhao đòi khuân vác kiếm tiền, mà đôi khi chúng có thể vác chạy luôn một túi, một giỏ hàng không chừng. Động lòng, Thúc chạy ra giúp người con gái khiêng đồ vào khách sạn. Cúc lấy phòng, cất hàng định ra cám ơn người lính tốt bụng nhưng thấy Thúc ngồi nơi quầy quản lý “tâm sự đời tôi” với bà chủ khách sạn có vẻ “thân thiết”, Cúc đành thôi. Nàng cúi đầu bước nhanh ra đường, định kiếm chút gì ăn tối. Đêm xuống chậm. Những vì sao lấp lánh trên cao trộn với mấy bóng đèn đường vàng võ làm đêm trở nên lung linh. Một nỗi cô đơn bất chợt làm cho phố xá như muốn lạnh hơn, Cúc giấu hai tay vào túi áo khoác, nhìn xuống chiếc bóng lẻ loi của mình, không thể không bồi hồi thoáng nghĩ đến người lính đã dưng không từ trời nào rớt xuống giữa đống hàng hóa của nàng khi nãy…Thành phố huyền ảo hơn, cũng có nghĩa là từng bước nàng đi càng thêm lạc lõng. Đám bụi đời tụm năm tụm ba đánh bài, uống rượu cố ý ném những ngôn ngữ giang hồ tục tĩu vào đôi chân lính quýnh của nàng “Lì một lam cho ấm đi bà chị”. “Bi nhiêu một dù, em?”. “Anh nè em, bao nhiêu một đêm dị?”. “Thằng lính bốc vác hồi nãy đâu người đẹp?…”

Có mấy tay bụi đời xúm lại chọc ghẹo, cà khịa rồi xin tiền, không biết Cúc nói gì, một tay anh chị vung thẳng tay tát Cúc, Cúc ngã xuống đường ôm mặt đau đớn, bất thần một phát súng nổ khiến đám dân chơi bỏ chạy tán loạn. Bấy giờ Thúc đỡ Cúc dậy:

-Có sao không cô? Đau lắm không?

Cúc đứng dậy, buông tay Thúc ra, vừa phủi quần áo vừa thẹn thùng trả lời:

-Dạ…không sao. Mấy người đó hung dữ quá. Gì mà phải bắn súng kinh thế?

Thúc phân trần:

-Không cho chúng biết mình có cây súng, chúng ăn thịt luôn cả cô lẫn tôi. Dân hút xách, rượu chè mà còn biết gì nữa. Cô định đi đâu?

-Ăn chút gì. Tôi định mời ông nhưng thấy ngồi nghêu ngao với chị chủ vui vẻ quá, nên thôi.

Họ vừa đi vừa nói chuyện. Thúc chống chế:

-Coi bà như chị cả í mà. Bà lớn hơn cả con giáp.

-Xì, giáp gì, ai đánh mà khai? bà liếc xéo tôi giống như muốn nói đừng có đụng tới ông. Thấy sợ…

-Làm ơn đừng có giàu tưởng tượng quá. Buồn chả biết làm gì thì ngồi tán hươu tán vượn cho hết giờ.

-Hươu dê hay gì ai biết, ông không hiểu đàn bà đâu, ồ, hay làm bộ không hiểu?

-Tôi là Thúc.

-Tôi, Cúc.

-Lúc nãy lấy phòng tôi có để ý tên cô rồi.

-Để ý làm chi vậy?

Chàng cười:

-Định mời người đẹp đi uống nước.

Cúc nguýt chàng:

-Định mà người ta đi lúc nào không hay. Mê man hết biết trời đất. Oan nhỉ?

-Bắt bẻ y như là…

-Là gì ? Xúc phạm hở? Xin lỗi.

-Làm gì mới gặp nhau đã cự lộn rồi. Chắc không hạp tuổi quá…

Im lặng. Không khí như cố ý nặng nề, một sự nặng nề êm ái, mà không phải giấc mơ nào cũng có. Hai người sánh vai đi trước những đôi mắt phức tạp dò xét nhìn theo họ. Cả hai trở nên ít nói, như là để tận hưởng những giây phút ban đầu lâng lâng, của hớp rược đầu tiên, vừa cay nồng vừa ngọt ngào, đang rạo rực trong lòng. Và khi biết họ sẽ đồng hành về Cheo Reo, cũng như cái lạnh cắt da của buổi chiều cao nguyên đã làm cho họ sớm gần gũi nhau hơn. Họ có một buổi tối nhẹ nhàng, thanh bình, thơ mộng ở quán ăn, và trên những con đường loanh quanh dẫn đến quán café thả hồn trong những bản nhạc mộng mơ. Họ chìm đắm trong nhau để nghe lời nhạc nói hộ họ về cuộc đời, về những nụ cười và nước mắt, những hội ngộ chia ly, những núi rừng bom đạn và những đêm sâu đợi chờ.

Họ hiểu trong đó có họ. Có đêm nay, tiếng bước rộn ràng trên đường vắng, một chút xuyến xao trong lồng ngực. Có cả ngày mai “còn chút gì để nhớ, để thương” hay sẽ là “để nhớ…để quên…” Vâng, sao thì cũng chỉ là một thoáng, chỉ biết là bây giờ nàng cảm thấy anh trở nên ấm áp hơn, to lớn vững vàng hơn giữa cái không khí càng về đêm càng buốt giá, giữa tiếng còi hối hả của những chiếc xe quân cảnh, cảnh sát tuần đêm. Con đường về khách sạn không đủ xa để thế giới của họ chỉ còn là vầng trăng nhảy múa, ca hát trong lòng.

Đêm quyến luyến, ngất ngây. Nhưng đêm cũng không đủ sâu cho hai tâm hồn họ bay lượn trong khoảng trời riêng tư êm ả của họ. Họ nhẩn nha bên nhau như không muốn nuốt mất chút hương vị mới mẻ, có vẻ như mong manh không thật vừa mới thoang thoảng như mấy cánh quỳnh e ấp, ngắn ngủi đêm trăng. Chầm chậm bên nhau, lang thang trên từng con dốc, những con dốc co ro lạnh không đủ làm mỏi một chút hạnh phúc chớm nhen.

Con đường không mong tới ấy rồi cũng dẫn họ về đến khách sạn.

Điều bất ngờ khó tin xảy ra khi họ bước vào phòng khách, bà chủ khách sạn từ bao giờ như ngồi chờ họ, đùng đùng nổi giận, la toáng lên với Cúc:

-Cô lập tức dọn đi chỗ khác.

Cúc mở tròn đôi mắt, vốn đã to, nhẹ giọng:

-Giờ này em còn biết đi đâu?

-Đó là chuyện của cô. Còn tôi, tôi cần phòng.

-Em có thể trả thêm tiền cho chị.

-Cô đừng khoe tiền với tôi. Ở đây không có chỗ cho cô, thế thôi.

Bóng đêm bất an ngoài kia sao đã trở nên êm đềm thế? Tại sao chiến tranh lại muốn diễn ra ở cái nơi đáng lẽ phải là êm ấm này? Dĩ nhiên tôi hiểu tại sao, nếu đêm không phải giới nghiêm tôi nào muốn quay về cái nơi quái quỷ này (những con đường âm u lạnh lẽo ấy ấm áp làm sao!). Cúc chợt nhớ, lúc chìều khi định đi ăn cơm, Cúc cũng đã thấy chàn ngồi trò chuyện gì đó với chị chủ phòng ở đây. Có cái gì đó nổi lên ngang cổ nghẹn cứng, nước mắt nàng trào ra:

-Có khách sạn nào ngang nhiên đuổi khách nửa đêm nửa hôm thế không? Em làm sao có thể lang thang với hàng hóa cồng kềnh giữa đường phố sắp giới nghiêm này? Chị thông cảm, em trả chị gấp đôi.

-Tiền nữa. Tôi nói, tôi cần phòng.

Thúc lửng thửng bước tới quầy, kéo ghế ngồi đối diện chị chủ, nhìn thẳng vào mắt chị:

-Không ảnh hưởng gì tới em chứ chị?

Chị trả lời, mắt không nhìn Thúc:

-Tôi chỉ nói cái thứ gái hư ấy thôi, không can gì tới anh.

-Nghĩa là em tiếp tục được trọ phòng của em?

-Nếu anh muốn, anh cứ cuốn gói đi theo con đượi đó đi.

-Chị không có quyền sỉ nhục người khác.

Chị ta cười khẩy:

-Quí quá, bênh chằm chặp lên rồi.

-Em hỏi, nếu em không muốn đi đâu thì em cứ ở phải không?

Cúc ấm ức nhìn Thúc, rồi quay nhìn bà chủ:

-Thôi đủ rồi, hai người đừng làm hề với tôi nữa. Chị nghe tôi nói đây, chị đưa giùm hàng hóa của tôi theo tôi được không?

Rồi nàng giận dỗi quay lưng đi.

-Cúc!

Thúc gọi, nàng quay mặt lại.

-Em cứ dọn qua phòng anh. Phòng anh có hai giường đấy.

Như là mừng vì có được chỗ ở thì ít, mà vui vì tự ái được vuốt ve thì nhiều. Ít nhất trong lúc này, không phải chị muốn thắng là thắng. Nàng liếc xéo bà chủ, vội vàng, dứt khoát mở cửa phòng cho Thúc dọn giùm nàng những vali, giỏ, túi xách và nàng thì đến quầy trả chìa khóa, nhận lại tiền trả trước, nghe chị chủ lầm bầm gì đó, rồi lặng lẽ theo Thúc về phòng chàng.

Nàng trách yêu:

-Tự nhiên gọi người ta bằng em ngon ơ.

Chàng một tay xách vali, một tay vòng qua vai nàng siết nhẹ, tiếng bà chủ khách sạn, cố tình nói lớn với ai đó:

-Có quen biết trước cái con mẹ gì đâu, mới nghe nó mời ăn uống gì hồi chiều ấy. Cái thứ mèo mả gà đồng ấy mà.

Buông cái vali, Cúc véo bắp tay chàng:

-Một ngàn năm sau, nếu bà chủ chưa nói ra thì có thánh cũng không biết tại sao bà nổi cơn thịnh nộ phải không?

Thúc cũng thả chiếc vali, khóa trái cửa phòng, ôm Cúc. Nàng cũng ôm chàng, êm đềm, thắm thiết như là đáng lẽ họ đã trộn lẫn vào nhau từ sương giá, trăng sao và những con đường dốc cao dốc thấp. Họ đứng lặng lẽ một lúc, Thúc nói đùa:

-Sao không nghĩ em bị anh và bà chủ gài rồi?

Nàng đẩy nhẹ chàng ra, cười cười ỡm ờ:

-Ai bị ? Em muốn tắm, anh xin hộ em nước nóng.

Trời cũng đã khá khuya, Cúc nhắm mắt giữ đều hơi thở nhưng không cố dỗ mình vào giấc ngủ. Thúc thì trăn qua trở lại suy nghĩ vẩn vơ. Cũng có thể họ sẽ nằm yên như vậy đến sáng cho hai chiếc giường sẽ phải thao thức, nếu không bất chợt có tiếng gõ cửa bên ngoài. Thúc lầm bầm:

-Lại kiếm chuyện gì nữa đây.

và chàng dậy mở cửa. Bên ngoài lố nhố cả chục người, quân cảnh, cảnh sát, nhân dân tự vệ. Không cần lịch sự, một người lớn tiếng hỏi trổng:

-Phòng này có mấy người?

-Hai

-Hồi chiều anh nổ súng, anh cho xem giấy phép mang súng.

Thúc quay lại giường lấy cái bóp, Cúc cũng đã ngồi dậy lấy căn cước đưa chàng. Thay vì chỉ đưa giấy phép mang súng, chàng kèm luôn cả căn cước quân nhân và sự vụ lệnh xuất trình cho người quân cảnh, Thúc trách đùa:

-Khó dễ chi quá vậy mấy thầy. Lính trận xa nhà mà. Tình trạng bến xe ban chiều thì chắc mấy thầy cũng hiểu rõ mà, bỏ qua nhé.

Nhìn qua giấy tờ của Thúc, người quân cảnh trưởng toán đứng nghiêm, đưa tay chào, nói nhỏ:

-Ồ, xin lỗi.

Chàng nhận lại giấy tờ. Rồi đám tuần cảnh bỏ đi. Còn vọng lại tiếng cười đùa, diễu cợt:

-Làm ăn vui vẻ nhé!

Trả căn cước lại Cúc, chàng ngồi xuống sàn, ôm lấy đầu gối nàng:

-Qua nằm chung với anh đi. Lạnh quá.

-Em không lạnh.

-Nhưng anh lạnh. Tội nghiệp anh.

-Không.

-Anh ngồi đến sáng.

Nàng cười, đứng dậy, lại véo chàng:

-Tội quá há, chưa phạt cái tội không biết dạy bà chủ, để bà báo cáo cảnh sát kia.

Chàng vã lã:

-Ai biết được lòng người.

-Không có em là biết liền chớ gì?

Họ ôm nhau nằm, tự nhiên, dịu dàng, ngọt ngào. Thật lâu sau môi chàng mới tìm môi nàng. Cúc đẩy chàng ra:

-Ấm thôi, không được hư.

Nói vậy nhưng nàng không từ chối nụ hôn của chàng:

-Em cám ơn anh!

-Gì cám ơn ghê vậy?

-Không biết em có nên nói là em đã mắc nợ anh không.

-Nợ gì?

-Ba lần cứu em.

-…?

-Bị đánh, bị bà chủ đuổi, bị cảnh sát xét

-Cảnh sát xét thì mắc mớ gì tới em?

-Không có anh, đâu dễ gì họ lơ em. Phiền lắm.

-Cám ơn họ. Không có họ sức mấy mà người đẹp ngoan ngoãn thế này.

Nàng ép mặt vào mặt chàng, hôn nhẹ lên má:

-Hết lạnh, phải không?

-Em đẹp quá. Cho anh nhìn em chút.

-Nịnh đủ rồi thì ngủ đi.

Thúc hôn nàng tới tấp lên mắt, lên môi, lên tóc, lên bộ quần áo ngủ của nàng, Cúc phản ứng yếu ớt:

-Phá em, em qua giường kia nằm, bỏ anh chết lạnh bây giờ.

-Giường em có hàng rào kẽm gai hả?

-….

-Có đắp mô, gài mìn không?

-Không. Làm ơn anh ơi.

Nàng co rúm người lại dưới mấy ngón tay băng đèo lội suối trong mấy lớp vải áo quần. Nàng đón nhận cảm giác không chờ đợi ấy một cách say sưa thú vị, nhưng khi chàng lần đến mấy cúc áo thì nàng gỡ tay chàng ra. Trong im lặng, dưới bóng đèn run rẩy, trận chiến giành từng cúc áo có phần gay go, nhưng cuối cùng nàng cũng để cho chàng thắng, để cho hai cơ thể tỏa ấm cho nhau. Những nụ hôn tham lam như muốn thu hết hương da thịt vào phổi. Nàng ngất ngây, mê đắm, cố nén những hơi thở nặng nề.

-Cúc

-Dạ

-Đi nữa không?

-Dạ đi.

Chàng khóa cứng môi nàng dưới môi chàng

-Thật?

-Dạ không.

-Nghĩa là không đi nữa.

-Dạ.

-Chịu thua?

-Dạ, không dám thắng. Ngủ đi anh. Gần sáng rồi. Còn phải ngồi xe cả ngày nữa.

Thúc đờ người ra, không nói một lời. Lạnh, mệt mỏi và buồn ngủ, chàng kéo mền bọc hai người lại.

Khi Thúc thức dậy, Cúc ngồi ở giường bên kia, quần áo đã tươm tất. Chút son phấn làm cho nàng đẹp hẳn lên, bức họa kiều nữ khỏa thân trên giường chàng buổi tối đã được dựng dậy rực rỡ và đang đăm đắm nhìn chàng. Thúc đưa tay:

-Lại nằm với anh.

-Hơn 9 giờ rồi kìa. Em lấy nước nóng rồi đấy. Dậy tắm rửa, ăn sáng còn đi, sắp đến chuyến rồi. Em đã mua vé xe, chuyến cuối đó. Có định ở lại thì nói em đi trước.

Chàng bật dậy, quơ quần áo mặc, nhớ lại chuyện đêm qua, thốt nhiên chàng thấy thẹn, vội vã bước vào phòng tắm.


Cúc nghiêng đầu tựa lên vai Thúc, cái giỏ xách chứa đầy những bánh kẹo, trái cây, nem chả cột vào lưng ghế trước mặt, còn hai cái vali thì đặt dưới chân làm cái thế giới riêng của họ bị nêm nhau chật cứng. Mặc dù vậy họ cũng cảm thấy có chút thoải mái riêng tư nhờ những hàng ghế cao khuất, không hàng nào thấy hàng nào.

Vừa bóc thêm một quả quít, Cúc vừa lúng liếng cười, thì thầm:

-Buồn ngủ anh hở?

Đút múi quít vào miệng chàng, giọng Cúc vẫn đều đều:

-Nói chuyện với em đi. Chỉ mong xuống xe là xong chứ gì?

-Không biết.

Không biết gì? cứ như trên trời rớt xuống, đời này còn có ai cần một lời yêu thương không?

Thúc như muốn mắc nghẹn ngay cổ, quả thật chàng chưa nói một lời yêu thương hứa hẹn nào, hùng hùng hổ hổ như bắt bò lạc, một cuộc vui qua đêm mà hai bên cùng chia xẻ, rồi không ai nợ nần ai. Chàng quay qua nhìn nàng, dịu giọng:

-Em có còn chờ anh nói ra lời đó không?

Vẫn giọng nhẹ nhàng không tỏ vẻ trách cứ:

-Em là ai? Anh cũng nghĩ là em cần?

-Đã muộn chưa? Cho anh xin lỗi.

-Em không bắt buộc.

Thúc luồn tay sau lưng Cúc, ôm nhẹ, nghoẹo đầu sang phía đầu nàng:

-Cho anh nói anh yêu em.

Nàng hiểu là muộn, nhưng nó giá trị hơn là được nghe sớm hơn, vào tối qua, để được việc, phải nói một ngàn lần hơn ba tiếng anh yêu em thì chàng cũng không từ chối, nàng nói lẩy:

-Không cần. Buồn ngủ thì ngủ đi.

-Về đến Cheo Reo, em ở lại được bao lâu?

-Quá nhiều việc đang đợi em, nhưng em cũng định về thăm mẹ ở Buôn Hô, anh có đi được với em không?

-Về đơn vị xem tình hình sao hẵng tính. Buôn Hô thì Pleiku qua tiện hơn.

-Dạ, nhưng em phải xuống Cheo Reo giao hàng.

-Có thì giờ cho anh không? Hàng gì mà quan trọng thế?

-Đâu phải chỉ có anh mới quan trọng. Giao hàng, thăm mẹ.

-Bố em?

-Bố em đi dạy ở Ban Mê Thuột, chết vì xe bị trúng mìn trên đường về thăm nhà, được dịp để bên này đổ thừa bên kia. Quê mất an ninh, chôn cất bố xong mẹ gửi em xuống cậu ở Qui Nhơn học.

-Đi tị nạn hả?

-Chỗ hẻo lánh mà. Luật là luật rừng, để trấn áp, dằn mặt người khác, bên nào cũng có thể gây thương tổn cho mình. Sau phút bàng hoàng, với mọi người rồi cũng quên, như tai nghe quen bom đạn mỗi ngày. Xui cho mình là người thân của nạn nhân. Đau đớn rồi cũng còn phải lo cho sự sinh tồn của mình nữa.

-Lạnh lùng.

Cúc thở dài :

-Chiến tranh mà, mình đâu còn là của mình.

-Em không của em nhưng là của anh.

-Của anh để làm gì?

-Anh thề.

Nàng dí nắm đấm vào mặt chàng:

-Làm ơn. Lính tráng liều mạng. Tạm thời cứ tin cho mau hết giờ, đi đến nơi về đến chốn.

-Em có thường đi đường này không?

-Năm bảy tháng một lần, tùy nhu cầu hàng hóa. Cậu mợ không có con lớn, lại không tin ai …

-Ai dám trách cậu mợ đâu mà.

-Nhất là hàng hóa lại nặng vốn, nguy hiểm.

-Ừ, phải cần đến sự lanh lợi, nhạy bén như em.

-Em nói là anh không cần cái giọng móc họng ấy, em đi quen thì em đi. Hơn nữa có dịp về thăm mẹ.

-Em có ghé lại Cheo Reo trên đường trở lại Qui Nhơn không?

-Buôn Hô có xe Ban Mê Thuột Pleiku về thẳng Qui Nhơn.

-Bỏ anh?

-Về Qui Nhơn, rủi mà thấy nhớ anh thì em sẽ lên xử tội anh sau.

-Còn nếu may?

-May là nếu em quên được anh.

-Anh làm gì mà em tàn nhẫn với anh thế? Mới tinh mà, em muốn quên thì quên chứ …

-Anh nguy hiểm quá.

-Quá khen, không dám nhận.

Thúc đưa bàn tay nịnh bợ vuốt mái tóc đầy bụi đường của nàng:

-Phải nói may là nếu anh xuống Qui Nhơn thăm em

-Mà không phải là cũng nhớ ghé lại thăm bà chị ở ở khách sạn Pleiku…

o O o

Bỏ lại thung lũng Cheo Reo êm đềm, thân thiết, bỏ lại cái hẹn tối nay, chiếc trực thăng đã quẳng Thúc xuống đơn vị cách Cheo Reo sáu mươi cây số, nhận lính, nhận lương thực, thực phẩm sẵn sàng ngày mai ra thay thế cho Mai. Lệnh mà. Chàng đã khẩn khoản xin ông pháo đội trưởng cho chàng 30 phút, ra phố để mua ít thuốc lá, cà phê và ít đồ dùng, nhưng ông đã từ chối “Ông cần gì tôi gọi lên trên đó lo cho ông. Thiếu úy Mai chờ ông lên thay hơn tuần lễ rồi, lẽ ra trực thăng đã bay nhưng tôi xin phòng 3 chờ ông đấy” Rồi ông rút trong hộc bàn nguyên một cây Capstan đưa chàng, cười cười, “trễ cả hai tuần lại còn mục gì nữa đây?”. Rồi đích thân ông lái chiếc Jeep đưa chàng thẳng ra phi trường. Thiệt tình. Phải chi chàng và Cúc nấn ná, “có con bò ra có con bò vào” mười, mười lăm phút nữa hoặc ghé quán nước nào đó ngồi chừng hai điếu thuốc là đủ trễ chuyến trực thăng này, chàng sẽ có thêm, ít nhất, một đêm bên Cúc.

Bao nhiêu háo hức, hào hứng đã tan biến hết, không phải bởi vì không có nàng bên cạnh, mà vì những lời của Cúc đang ngọ nguậy trong lòng, và chút tình mới mẻ đó đã trở nên một tình yêu ngây nồng như rượu cũ. Anh nhớ em, xôn xao, nhớ như chưa bao giờ biết nhớ, anh viết cho em đây, về đến Qui Nhơn em sẽ có thư của anh, em yêu, để nữa lỡ mai ngoài mặt trận biết có điều kiện để viết nữa không.

oOo

Người bạn làm trưởng phòng thẩm vấn ty Cảnh sát Phú Bổn là bạn cùng lớp hồi trung học với Thúc dẫn Thúc vào phòng chấp cung và cho gọi Cúc từ phòng giam lên, rồi bảo chàng “Tao cho mày một giờ, chỗ này là chỗ của tao, hơn nữa tối nay tao trực. Còn ban ngày tốt nhất là đừng tới đây, vụ này còn mới, cô ấy chưa tiếp xúc với ai được”, rồi nó khép cửa, ra ngoài.

Thúc bồn chồn nắm tay Cúc:

-Sao vậy em? Họ có nhầm lẫn gì chăng?

Giọng Cúc thành khẩn, như một kẻ nhận tội:

-Dạ không. Quả tang mà.

-Gì quả tang? Em làm gì?

-Anh đừng giận em, những gì em đã nói với anh đều không thật. Em không muốn giấu gì anh nữa. Em là VC. Nữ giao liên VC. Anh có tin em không? Trong hai cái va-li mà anh đã hộ tống ấy là đồ tiếp tế.

-??? 

Cúc hỏi:

-Anh không sợ liên lụy với Việt Cộng sao?

-Sợ thì anh không tới đây.

-Đúng là quốc gia của các anh, chả trách chỗ nào Việt cộng cũng chui vào được hết. À, làm ơn, nếu có ai hỏi, anh chỉ nói đi chung chuyến xe thấy phụ nữ thì giúp đỡ vậy thôi, có thể có người thấy anh xách mấy cái va li vào khách sạn cho em. Nghe lời em anh nhé, em không còn nhiều ngày tháng để chăm sóc, nhắc nhở anh.

Thức cầm tay Cúc, nói tha thiết:

– Anh tin em không phải VC. Em bị lợi dụng. Hãy vì con tim của chúng ta, về với anh. Hãy bỏ lại sau những mệnh lệnh chết người đẩy em vào cõi dữ.

Anh sẽ bảo lảnh em . Rồi sẽ được thả. Rồi anh sẽ xin phép làm đám cưới…

-Ai cho? Cúc chọc Thức.

-Tình yêu cho.

Bây giờ Cúc mới nói:

-Bỗng dưng dính líu với nhau làm gì để phải gặp nghịch cảnh này. Thú thật, sau khi gặp anh, em không dám hy vọng gì vào tình anh, nhưng em nhớ anh, không lúc nào không nghĩ đến anh, và cũng không lúc nào em không lo lắng cho những bước chân trong lửa đạn của anh. Anh bỏ em đi mất tiêu…Hôm sau, quăng mấy chữ vào bưu điện cho anh, một tiếng đồng hồ sau là em bị bắt.

-Em cứ nói, anh muốn nghe. Sợ lỡ rồi anh lại đi như hôm ấy, không gần gũi được em.

-Cái đêm về khách sạn ấy… chờ đến khuya không thấy anh, khi hiểu là không thể có anh ở thành phố này, em thương anh quá, nghĩ đến những chuyện tình thời chiến, lắm khi người ta chỉ một thoáng vậy thôi, rồi…em sợ…Trong sự bấp bênh của hẹn hò và chờ mong, em mới thấy được từng phút của anh quý giá đến chừng nào, nói anh đừng cười em, em muốn có với anh … để em nâng niu ôm ấp nó mỗi lúc không anh.

Thúc cảm động quá ôm Cúc hôn Cúc:

-Không ân hận? Anh bảo lãnh em về?

-Không nên. Anh không hiểu đâu, họ sẽ không tha em. Anh cứ để mặc em.

-Em có biết cái giá em phải trả ra sao?

-Hy vọng, một là họ sẽ lo cho em ra sớm, hai là nếu đã bể hết rồi thì em cũng chỉ là tép riu. Tay sai thôi mà, cũng chả gì nặng nề đâu.. Nặng lắm là…anh bỏ em.

-Dư đâu mà bỏ.

– Đùa thôi. Cảnh sát họ biết hoàn cảnh của em rồi. Khi họ bắt em có nghĩa là họ cũng đã nắm hết cả đường giây. Sau này anh sẽ hiểu. Đừng ghé lại khách sạn ở bến xe Pleiku nữa, cơ sở đấy. Mình quen nhau không ngẫu nhiên đâu. Họ gài bẩy để anh bảo vệ em và hàng hóa đấy.

Thúc giật mình nhớ lại. À, ra thế. Thảo nào chàng có Cúc hình như có gì không bình thường. Họ đã làm tuồng với chàng, chàng nói móc nàng:

-Sao không đi đóng phim đi? Sao như thật vậy? Lúc em chưa tới, bà ấy nói chuyện với anh rất ư là đằm thắm mà, lúc em bị bọn du côn quậy, đâu có vẻ gì là bà ấy biết em đâu… Rồi lúc bà ấy đuổi em thì rõ ràng là bà ghét em mà.

-Cũng có cái thật, cũng có cái giả. Em biết chắc chắn bà ta thích anh và nếu em không bất ngờ xuất hiện thì đêm ấy anh được lợi rối. Lúc em bị mấy thằng cô hồn đánh, bà ta chưa nhận được lệnh bảo vệ em, thấy em đi chơi với anh bà điên tiết lên, có thể bà báo cảnh sát việc anh nổ súng từ lúc đó không chừng. Sau đó lại không ngờ cấp trên báo cho bà biết là tối đó có lực lượng phối hợp xét khách sạn, và người ta thiết kế cho bà ta giàn cảnh gài bẩy cái bàn tay nghĩa hiệp háo sắc của anh. Kịch bản bà ta diễn “tới”quá, vì em biết trong đó có cả lòng ghen tuông thật nữa. Lúc trả chìa khóa, em nhận được lệnh phải theo anh. Trước lúc này, cái cảm tình của em cho anh là thật. Lãng mạn, êm đềm, ấm áp, mơ mộng đủ cả. Cho đến sau cái kịch bản đó thì cái tình thật của em chỉ còn một nửa.

-Nửa còn lại?

-Ray rứt, ghê tởm mình. Coi thường, khinh bỉ tổ chức. Trân trọng, yêu thương người đã có thấm lòng với mình.

-Sao như xi nê vậy? Việt Cộng cũng lãng mạn gớm.

-Em không muốn đùa. Lấy bút ghi địa chỉ này, nhà em đó, không phải Buôn Hô, Qui Nhơn gì đâu, tất cả là em khỏa lấp để giấu tung tích em, chỉ có việc em mồ côi không cha không mẹ là thật, phải sống nhờ và chịu sự điều khiển của người ta.

-Sao lại có cái vụ Buôn Hô gì nữa?

-Ở đó có mấy nơi mà em cần liên lạc.

-Rủ anh đi để làm bia cho em hả?

-Anh nghĩ sao cũng được. Thật tình lúc đó em chỉ sôi nổi một cái ý muốn là được gần gũi anh nhiều hơn.

-Vậy mấy cái thư của anh?

-“Gửi gió cho mây ngàn bay rồi”. Em chỉ cho phép em được viết cho anh thôi. Mà sao em thương được cái mặt lì lợm này hổng biết.

-Kịch bản có còn tiếp diễn tới khúc này không?

-Em nhờ vả gì anh? Em cũng không nghĩ là em sẽ hy vọng gì ở anh. Anh hết giá trị lợi dụng rồi. Chỉ còn giá trị với trái tim điên khùng này thôi. Nếu em như anh nghĩ, sao nãy giờ em phải hạ giọng làm gì. Thôi đủ rồi, anh về đi.

Thấy Cúc có vẻ giận, Thúc siết chặt bàn tay nàng:

-Đùa chút mà, khi được em dạy cho bài học quý giá đó, anh muốn trả bài cho cô giáo thấy là học trò đã thuộc bài cảnh giác chưa.

Thấy chàng có vẻ ngẩn ngơ suy nghĩ, Cúc tiếp:

-May ra sự kiện bị bắt này sẽ giải thoát cho em. Nếu sau này lâu không có tin tức gì của em, anh có thể tìm đến hỏi thăm, mà không được viết thư hay nhắn ai. Đừng buồn, chắc chắn em sẽ có cách để thoát ra khỏi những bủa vây kềm kẹp của họ. Nhớ, đừng tìm cách thăm em nữa.

Cúc sụt sịt khóc. Nàng nói, vừa như than vãn, vừa như muốn nhắc nhở chàng:

-Anh nhẹ dạ lắm, em không còn nhiều thời gian để nhắc nhở anh, thương em, nhớ giùm, thời buổi này giả thật khó lường.

Và nàng rũ rượi gục đầu lên vai Thúc, thầm thì:

-Anh không là sĩ quan, em yêu anh dễ hơn.

-?

-Không cần làm bộ làm tịch với em nữa, Thiếu úy. 


Đặng Kim Côn
1972