có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 11 03, 2010

Sao Đặc Trời



Bốn câu thơ chợt bắt gặp nơi trang giữa của một cuốn sách biên khảo về văn học làm tôi bật ngồi dậy như bị điện giật. Bốn câu thơ mà trong đó hai câu cuối Nguyễn Vũ Thiện đã chép vào một mảnh giấy ép trong cuốn nhật ký của anh, có lẽ không lâu trước khi anh bị hạ sát. Mảnh giấy không đề tên người nhận, cũng chẳng ký tên người viết, song tôi thuộc tuồng chữ của Thiện, cái tuồng chữ với những phụ âm d, đ, t, th, k, kh, vân vân... đâm thẳng lên trời và cao hơn bình thường như muốn nổi loạn, và những nguyên âm thấp, cam phận, tự nén. Bên dưới hai câu thơ là dòng chữ vỏn vẹn: "Nếu không đoán được ai là tác giả của hai câu thơ trên thì sẽ không về nữa."

Hai mươi hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi tìm thấy mảnh giấy ép trong cuốn nhật ký của Thiện. Tôi đã hỏi quanh một số bạn bè trong giới văn nghệ xem có ai biết tác giả của hai câu thơ đó, song chẳng ai nhớ. Tôi đã quên chúng, đã bị lôi cuốn vào cơn bão thời cuộc của miền Nam Việt Nam, rồi nỗi bi thương của biến cố "miền Nam ơi từ buổi tiêu tan ấy"; những ngày lạc lõng giữa thị trấn lều vải của đảo Guam một mình với hai đứa con nhỏ; nối tiếp là những ngày dài giữa những đồi hoa dại màu vàng mênh mang của trại lính Camp Pendleton ở California; và cuối cùng là đời sống nơi đất Mỹ với những phấn đấu triền miên với xung quanh và với chính mình.

Tình cờ tôi khám phá ra tên của tác giả của hai câu thơ Thiện chép lại. Qua cơn thảng thốt, tôi nghe lòng bồi hồi, như người viễn xứ lâu năm trở về mái nhà xưa với những kỷ niệm tôi đã chôn cất trong lòng trên hai thập niên, đã từng muốn quên vì nỗi nhức nhối khi trực diện với chúng.

***

Thiện bị ám sát vào cuối tháng 10 năm 1972. Tôi nhớ ngày đưa đám anh, ngày 31 tháng 10 năm 1972, cũng ngày đó hai năm sau, 1974, nhật báo Sóng Thần phải ra hầu tòa về tội "phỉ báng mạ lỵ" vị nguyên thủ quốc gia vì đã đăng nguyên văn bản Cáo Trạng Số 1 phơi bầy hệ thống tham nhũng của gia đình Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, do nhóm Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng gồm 300 linh mục do Linh mục Trần Hữu Thanh lãnh đạo đã phổ biến ở Huế.


Nhiều nhân vật tên tuổi trong giới báo chí, văn nghệ, chính trị và nhân sĩ của Sàigòn đến đưa Thiện đến nơi an nghỉ cuối cùng, mặc dù chẳng mấy ai biết đến anh, chưa kịp biết đến anh thì đúng hơn, vì Thiện và tôi mới lấy nhau mới được có ba tháng. Một trong những người mà tôi nhớ nhất đã đến dự đám tang Thiện là cha tôi. Tôi chỉ biết đến sự có mặt của ông sau khi đã hạ quan, khách khứa lần lượt chào tôi ra về và tôi lí nhí nói lời cảm tạ, hai tay ôm chiếc cờ vàng ba sọc đỏ phủ áo quan đã được gấp gọn ghẽ trên tay, với một bên là nữ nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết mặc áo dài đen đeo kính mát to bản đã không dời tôi nửa bước, để lỡ tôi có xụm xuống thì đỡ. Tôi ngẩng lên và nhận ra cha tôi đứng ở một góc xa, tách biệt với mọi người. Ông chỉ nhìn tôi lặng lẽ.

"Cậu... cậu đến từ hồi nào?" Tôi mấp máy môi khi đến gần ông.

Tôi hiểu ông đã hết còn giận tôi vì đã cả gan in một cái thiệp báo hỉ ngoại lệ: "Chúng tôi hân hoan báo tin lễ thành hôn của chúng tôi…" Không có tên của bố mẹ hai bên như thông lệ. Tôi nghe mẹ tôi nói là ông đã giận tôi về việc đó, làm cứ như bố mẹ đã chết hết cả rồi không bằng, mẹ tôi nói, có lẽ cho cả chính bà. Dù vậy tôi biết ông vẫn lẳng lặng theo dõi các hoạt động báo chí của tôi, với một niềm hãnh diện ngấm ngầm.

Tôi đã bàn với Thiện việc hôn nhân của chúng tôi là việc hết sức riêng tư, mọi quyết định và những hay, dở là thuộc phần trách nhiệm của chúng tôi, không có lý gì kéo những người khác vào đứng tên, dù đó là bố mẹ. Thực ra thì từ hồi còn bé tôi đã sớm tỏ ra ngạo mạn đối với những nghi thức rềnh ràng của cưới hỏi, trong đó có nhiều trường hợp người con gái trở nên như một món đồ để trả giá trong các vụ thách cưới, không còn là một con người nữa. Tôi cũng ghét nhất cái tục nhị hỉ của người miền Bắc, theo đó ngay sau ngày cưới bên nhà trai dẫn qua nhà gái một con lợn quay con, có phủ vải đỏ, trước những cặp mắt tọc mạch đến thô lỗ của hai bên hàng xóm, như đã xẩy ra với bà chị hơn tôi có bốn tuổi. Hai tai con lợn mà còn, chứng tỏ với hàng xóm láng giềng là người con gái về nhà chồng còn trinh; và ngược lại. Những ấn tượng từ bé lớn lên biến thành quan niệm về hôn nhân như một việc riêng tư giữa hai người trong cuộc. Chẳng lẽ không in thiệp báo, vì nói theo một ông biên-tập-viên lớn tuổi nhất của tòa báo, dầu gì thì "chị cũng là một chủ nhiệm của một tờ báo lớn của miền Nam." Ông còn khuyên tôi nên làm tiệc cưới nữa cho nó "phải đạo," nhưng tôi chỉ cười gạt đi. Chúng tôi chỉ tổ chức có một bữa tiệc nhỏ duy nhất vì Thiện muốn thế, để Thiện giới thiệu tôi với anh em trong ban chỉ huy của chi đoàn thiết giáp tân lập mà Thiện đang giúp đào tạo và huấn luyện ở trại Bear Cat, Long Thành, chờ ngày lên trấn nhậm Vùng II Chiến Thuật ở cao nguyên.

Dầu sao, cha tôi đã đến dự đám tang của Thiện, dù chỉ để có mặt, chẳng nói năng, bầy tỏ gì, vì từ hồi nào đến giờ ông cũng không quen bộc lộ tình cảm. Sự hiện diện của ông khiến tôi xúc động, thêm nghẹn ngào.

"Cậu chẳng biết nói gì hơn… Cô ráng giữ gìn sức khỏe," ông bảo tôi trước khi chia tay.

Sau đám tang của Thiện mấy ngày thì có hai người quân nhân, một hạ sĩ và một binh nhì, từ chi đoàn khiêng về cho tôi một cái hòm bằng gỗ khá nặng sơn màu xanh rêu nhà binh, và cái ghế bố ba miếng bọc mạng màu đen xếp lại được, mà trên đó Thiện đã nằm đọc báo, số báo Sóng Thần cuối cùng của đời anh trước khi bị bắn gục mặt xuống trang báo lênh láng máu. Tờ báo mới ra khỏi nhà in ở Sàigòn vào buổi trưa và liền đó được xe đò chở tới Long Thành, mang theo những tin tức nóng hổi về một cuộc ngưng bắn sắp xảy ra.

Lúc bấy giờ cả miền Nam đang lên cơn sốt về một cuộc ngưng bắn da beo -- quân bên nào ở đâu thì đóng nguyên ở đấy -- mà miền Nam có thể phải chấp nhận, mặc dù chẳng ai, dù mệt mỏi đối với chiến tranh đến mấy, có thể tin là sẽ có ngưng chiến thực sự, mà coi đấy chỉ là một cách để Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam trong danh dự sau nhiều năm đổ của, người vào cuộc chiến tranh ngăn chặn làn sóng xâm lăng của cộng sản mà vẫn bất phân thắng bại. Tôi còn nhớ những hình ảnh mà anh chị em phóng viên nhiếp ảnh của Sóng Thần thu thập được quanh Sàigòn và ở các tỉnh: Chị bán hàng rong đội chiếc nón trên đó có sơn lá cờ vàng ba sọc đỏ; anh phu xe xích lô không quên cắm trên xe của mình một lá cờ vàng phất phới lớn bằng hai bàn tay; một chủ xe của một chiếc xe du lịch mầu trắng cẩn thận sơn nguyên một lá cờ vàng ba sọc đỏ chạy dài từ mũi xe ngang qua nóc xe bọc xuống thùng xe; trẻ em đi học tay cầm những chiếc cờ giấy; nhiều nhà treo cờ chưa hết, họ còn cẩn thận sơn một vuông cờ trên khoảng tường nơi mặt tiền của ngôi nhà của họ. Tất cả không phải để mừng cuộc ngưng chiến sắp xảy ra, mà là để... đánh dấu những vật dụng, đất đai thuộc quyền sở hữu của họ, kể cả bản thân họ, rằng đây là lãnh vực quốc gia tự do.

Đây cũng là thời kỳ, theo một câu chuyện kể đã gần trở nên huyền thoại, một lá đại kỳ mầu vàng ba sọc đỏ, ngang gần chục mét, đã được may vội vã và chuyển sang Paris, nơi cuộc hòa đàm ngưng bắn đã diễn ra từ năm 1968. Lá cờ ấy, khi miền Nam sụp đổ, đã được một số anh chị em sinh viên quốc gia du học bên Pháp vào Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa lấy được mang đi cất trước khi cơ sở này được chuyển giao cho Cộng sản Việt Nam. Nữ văn sĩ Minh Đức Hoài Trinh được anh em sinh viên giao phó cho phần vụ cất giữ lá cờ mà sau đó, vào khoảng giữa thập niên 1980, chị đã giao lại cho Ông Hoàng Cơ Minh của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam trong một buổi lễ trang trọng trước hàng ngàn người còn đầy bầu nhiệt huyết và quan tâm cho tiền đồ dân tộc, tại một hội trường ở San José, Bắc California, để đem về chiến khu. Tôi đã viết một truyện ngắn loại tự thuật, "Tâm Sự Của Một Lá Cờ," trong đó nhân vật chính xưng tôi là lá đại kỳ, viết với tất cả niềm xúc động khi nghĩ tới những "anh em bà con" của cũng lá cờ ấy đã bọc bao quan tài tử sĩ, trong đó có chiếc quan tài của Thiện -- những chiếc quan tài vùi trong lòng đất đã tưởng là nơi an nghỉ ngàn thu của họ, song đã bị đào xới, san bằng hoặc quên lãng sau khi miền Nam thất thủ.

Tôi trỏ chỗ cho hai người quân nhân đặt chiếc hòm chứa những vật dụng cá nhân của Thiện. Còn chiếc ghế bố, tôi nhờ họ mở ra và đặt giữa phòng khách, để mường tượng hình ảnh Thiện vẫn nằm trên đó. Họ làm theo lời tôi, với vẻ ái ngại, xót xa trong ánh mắt. Xong, họ lột chiếc mũ dạ đen có thêu hình chiếc thiết giáp nhỏ phía trước bằng chỉ bạc và những vòng tròn mạ bạc nhỏ như những miếng confetti xuống cầm tay, nhìn tôi nhìn chiếc ghế bố trên đó Thiện đã bị hạ sát trước khi đọc hết trang nhất của tờ Sóng Thần. Những vết máu đã được rửa sạch, nhưng những lỗ hổng do những viên đạn của khẩu súng máy tự động xuyên thủng thì vẫn còn đó, như những lỗ mắt không con ngươi trố lên nhìn chúng tôi.

"Chị... có muốn kiểm điểm lại những món đồ của đại uý trong rương xem còn thiếu món nào thì tụi em sẽ kiếm đem xuống cho chị?" Viên hạ sĩ nhất mới ngoài hai mươi và là người thân cận nhất của Thiện tằng hắng giọng gợi ý. Anh ta là người đầu tiên khi nghe mấy phát súng nổ trong lều của Thiện, đã chạy vào và bắt gặp Thiện gục mặt trên tờ báo máu tuôn ra lênh láng. Thiện tắt thở liền trên chiếc ghế bố mà tôi đã mua tặng anh để nằm đọc sách báo cho thoải mái sau những giờ huấn luyện cực nhọc.

Tôi lảng tránh câu hỏi của viên hạ sĩ nhất, hỏi anh ta chừng nào thì đơn vị sẽ lên Vùng II. Anh ta đáp cũng sắp. Tôi đang muốn ở một mình để nghiền ngẫm nỗi bi thương và niềm ân hận đang dầy vò tâm tư tôi. Tôi nhớ đến một câu văn của một nhà văn Nga mà tôi không còn nhớ tên, "Chàng như con thú hoang bị thương chạy chốn vào rừng thẳm để tự chữa bằng dược thảo, hoặc để được chết yên thân một mình…" Tôi cũng vậy, như con thú hoang bị thương. Biết vậy, nên anh em trong tòa soạn đã cử Triều Giang và Ngy Thanh, lúc ấy đang nghỉ phép từ Đà Nẵng về Sàigòn để dự đám tang của Thiện, là hai phóng viên trẻ của tòa báo, thay phiên nhau trực ở nhà tôi.

"Chị… nên soát lại di vật của đại úy. Chị yên tâm, thiếu bất cứ món gì của đại uý, tụi em sẽ tìm mọi cách chuyển đến cho chị," Anh hạ sĩ nói, giọng cả quyết pha mối thương cảm, như gợi ý một điều gì đó mà tôi không để ý.

Mới đó có ba tháng từ khi Thiện và tôi quyết định thành hôn sau một thời gian dài làm bạn. Chúng tôi vẫn còn và đang làm quen với nhau vì cả hai sống độc thân đã nhiều năm và đã quen nếp. Một vài thân hữu, cộng sự viên nghe tin trễ tôi lấy chồng vẫn còn đang gửi lời góp vui về ty quản lý của tòa báo, và những lời góp vui đã được giữ lại để thay thế vào đó là những mẩu chia buồn trước tin Thiện bị tử thương. Những người quân nhân đứng trước mặt tôi không biết là tôi còn thương cảm họ hơn mối thương cảm họ dành cho tôi. Thiện là một chỉ huy trưởng có khả năng và biết thương lính, cứng rắn song công bằng. Với khả năng ngoại ngữ thông thạo mà Thiện thường dùng để đọc những sách triết học, chính trị, và văn chương -- những đề tài mà qua đó chúng tôi đã quen nhau và thường thảo luận với nhau, hồn nhiên trong trò chơi trí thức như một cách chạy trốn một hiện tại nhiều bất trắc, từ ngày còn lê la ở khuôn viên của Đại Học Luật Khoa Sàigòn trên đường Duy Tân vào đầu thập niên 1960 --, Thiện nghiên cứu những cuốn sách dầy cộm phức tạp bằng tiếng Anh về các hệ thống điện tử tinh vi của loại thiết vận xa M-48 lần đầu được gửi sang, có lẽ cũng là để thử nghiệm, ở chiến trường Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Xong, anh dịch ra tiếng Việt bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu để truyền lại cho đám lính trong chi đoàn, nhiều người vốn là đào binh, trốn lính hoặc tội phạm được đưa vào đơn vị như một cơ hội để "làm lại cuộc đời" lần thứ hai, thay vì bị đưa đi lao công chiến trường. Tôi hiểu nỗi hoang mang của những quân nhân dưới quyền của Thiện mai này đi vào vùng lửa đạn dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan khác, có thể kém xa Thiện. Họ sẽ kề cận với cái chết trong khi tôi được ở chốn yên lành, nỗi đau thương nào của tôi thì cũng đâu bằng sự bất trắc mà họ sẽ phải trực diện nay mai.

Tôi bảo với anh hạ sĩ nhất là tôi sẽ coi lại những món đồ trong rương của Thiện, rằng nếu thiếu món gì tôi sẽ cho người lên nhắn, trong khi nghĩ thật chả có món gì mà tôi tha thiết đến độ phải đòi cho bằng được trước cái mất mát của cả một mạng sống. Thiện chết lúc mới ba mươi tuổi, đem theo cái sức sống hừng hực của một Zorba The Greek, cái nổi loạn của Albert Camus, cái thơ mộng lãng mạn của Jacques Prévert -- những tác phẩm và tác giả Thiện yêu thích -- và nỗi chua xót chịu trận của người thanh niên Việt sinh ra và lớn lên trong thời chiến.

Không lấy tôi, chưa chắc Thiện đã chết thảm như vậy, tôi đã nghiền ngẫm trong nghẹn ngào. Những mảnh puzzles mà tôi đã ráp nối lại được, mặc dù còn nhiều mảnh rơi vãi đâu đó và có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm ra được, đã cho tôi một cái nhìn đại khái, có tính cách suy diễn, đã hẳn: Tôi là chủ nhiệm kiêm chủ bút của một tờ báo có chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội, với mục tiêu làm sạch hậu phương để những người lính ngoài mặt trận không cảm thấy là mình đang chiến đấu trong vô vọng cho một hậu phương thờ ơ, chỉ biết hoặc hưởng thụ hoặc vơ vét cho đầy túi. Thiện lại sắp lên đường đi Vùng II, là lãnh thổ của một ông tướng Tư Lệnh Vùng Nguyễn Văn Toàn, tục danh là Quế Tướng Công vì liên hệ của ông với hệ thống buôn bán quế một dạo do các sĩ quan dưới quyền của ông điều khiển, và là người đã một lần bị Sóng Thần phơi bầy tội dụ dỗ gái vị thành niên qua một loạt bài phóng sự điều tra do ký giả Lê Thị Bích Vân viết. Cả Bích Vân lẫn tôi đã phải ra hầu tòa về tội "phỉ báng, mạ lỵ" này, kết quả ra sao tôi không còn nhớ rõ, vì đã có quá nhiều lần ra hầu toà vì tờ báo, hình như mỗi người bị phạt phải bồi thường một đồng danh dự cho ông tướng.

Trong thời gian huấn luyện ở Long Thành, Thiện đã nhiều lần than với tôi về việc phải ký nhận những thùng xe tăng đầy xăng, trong khi thực tế chỉ có lưng bình; về những bất tài, nhũng lạm của một số người trong giới chỉ huy thiết đoàn mà chi đoàn của Thiện là một thành phần. Đó là những sự việc rời rạc, tôi nghe biết vậy, chứ không có ý định cho người điều tra hay khai thác gì vì tôi đã quyết định công việc của Thiện là của Thiện và việc tôi với tờ báo là của tôi, không thể trộn lẫn với nhau. Thế nhưng những người trong thiết đoàn và cả trên Vùng II có lẽ đã không nghĩ như vậy. Họ có lẽ đã họp với nhau và đưa ra những câu hỏi: Tại sao Thiện lại bỏ Trường Huấn Luyện Thiết Giáp ở Thủ Đức, một chốn an lành, để tình nguyện đi ra đơn vị tác chiến, việc mà Thiện đã làm cách đó mấy năm, đã thấm mệt, đã xin chuyển về trường, nếu không là tình nguyện đi đơn vị tác chiến lên cao nguyên với một mục đích hoặc với một sứ mạng nào đó do tờ báo Sóng Thần giao phó?

Cũng như chính quyền của Ông Thiệu đã không nhìn thấy những hoạt động của nhóm Sóng Thần hoàn toàn phi chính trị như thế nào, mà chỉ nhìn thấy cái sôi nổi, địa bàn hoạt động trải rộng đáng nghi ngại của chúng tôi: Chúng tôi – gồm nhà báo Chu Tử, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên, Nguyễn Liệu, Bác sĩ Phạm Văn Lương, Hà Thế Ruyệt, Nguyễn Đức Nhuận, cùng với sự cộng tác của nhiều nhà báo như Trương Cam Vĩnh, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Vũ Ánh, Nguyễn Tiến Sơn, Dương Phục, Đỗ Ngọc Yến, Trần Phong Vũ, Trần Đình Thọ, Thục Viên, Nguyễn Tuyển, Ngy Thanh, Nguyễn Tân Dân, Vũ Ngọc Long, và nhiều nhà văn, nhà giáo, văn nghệ sĩ, cùng nhiều anh chị em sinh viên trẻ khác, trong đó có Triều Giang (hồi ấy còn là sinh viên Luật) - chống tham nhũng, với khẩu hiệu có vẻ ngạo mạn, khá lãng mạn, "Đầu sóng ngọn gió." Chúng tôi chung vốn và hỗ trợ tận lực, bằng tờ báo, gánh hát cải lương của cặp tài tử Bạch Tuyết - Hùng Cường đi lưu diễn khắp nơi, với vở tuồng ra mắt dựa vào tác phẩm Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du. Chúng tôi dùng tờ báo gây quỹ cho chương trình học bổng cho học sinh nghèo của Quảng Ngãi Nghiã Thục, nơi quy tụ tới cả mấy trăm em học sinh nam nữ hiếu học và một ban giảng huấn và điều hành được cố tình duy trì ở mức 108 người (anh hùng Lương Sơn Bạc đầy lãng mạn tính) hoàn toàn tự nguyện. Chúng tôi dùng tờ báo để phát động chương trình xây nhà cho người nghèo, và vận động gây quỹ đi hốt xác trên 2,000 đồng bào tử nạn trên "Đại lộ Kinh hoàng" nằm giữa Huế và Quảng Trị sau khi Quảng Trị lọt vào tay quân Bắc Việt trong biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 -- hai chương trình này đã được ký giả Đường Thiên Lý gom lại dùng câu ngạn ngữ đặt tên là "Sống mái nhà, chết nấm mồ." Rồi chúng tôi gọi vốn làm phim; bỏ tiền làm tượng Hà Thúc Nhơn, viên đại uý y sĩ đã bị tham nhũng thanh toán năm 1970 ở Nha Trang và đã trở thành biểu tượng của nhóm, do bàn tay điêu khắc tài hoa của Lê Thành Nhơn tạc -- Pho tượng còn đang ở giai đoạn đất sét, cao khoảng 3 mét, tôi chưa có dịp hỏi Nhơn (qua đời ở Úc năm 2002), là cái gì đã xẩy ra với pho tượng đó. Những lúc nhàn rỗi tôi thường đàn đúm với vài người bạn cùng trang lứa và chung lý tưởng, trong đó có Nhơn và kiến trúc sư Trần Quang Đôn, nói chuyện xây dựng đất nước một khi hòa bình. Chúng tôi phân tán nhân lực và vật lực cho quá nhiều các hoạt động khác nhau, tất cả qua tờ báo. Có lẽ chưa có tờ báo nào trên thế giới đã phải cáng đáng, và cả nuôi dưỡng, một lúc biết bao nhiêu công tác như vậy: vừa thông tin, bình luận, tranh đấu, giáo dục, giải trí, gây quỹ cho các chương trình văn hóa, xã hội và nhân đạo khác nhau.
Tóm lại, chúng tôi là những kẻ mơ mộng, lãng mạn, với cái đam mê của một luồng điện mạnh truyền sang nhiều người, và cũng làm cho nhiều người tê tái, e dè, xa lánh, hoặc tìm cách vùi dập nếu có cơ hội và quyền hành.

Vì chúng tôi phân tán mỏng nhân lực và vật lực như vậy, nên khi chính quyền của Ông Thiệu ban hành cái gọi là luật báo chí 007-72 sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, viện lý do vì tình hình khẩn trương, để có thể kiểm soát báo chí chặt chẽ hơn, mà trong đó có điều khoản bắt các nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng để được tiếp tục xuất bản, còn các báo định kỳ phải ký quỹ 10 triệu, một điều khoản quái gở nhất chưa từng thấy trong lịch sử báo chí nhân loại, chúng tôi chới với, họp hành đến xanh cả người, bạc cả đầu. Làm thế nào để duy trì tờ báo, vì không có nó chúng tôi sẽ như người bị chặt cả tay lẫn chân và sẽ buộc phải bỏ dở những công trình vừa mới chớm bắt đầu.

Luật báo chí mới ra đời khá bất ngờ, ngay sau khi Sóng Thần vừa chia tiền lời cho các cổ đông, lên tới khoảng 70 phần trăm số tiền họ đóng góp. Số là hồi xảy ra vụ Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nhờ giàn phóng viên ở Huế do Nguyễn Kinh Châu điều khiển, tăng cường bởi nhóm anh em Sóng Thần từ văn phòng Quảng Trị, như Đoàn Kế Tường, di tản vào, và từ Đà Nẵng, như Ngy Thanh, và từ Sàigòn ra, kể cả tôi lần đầu được anh chị em cho phép đi ra vùng địa đầu (bởi vì nếu tôi có bị sao thì tờ báo cũng không thọ, vì tôi đứng tên), tờ Sóng Thần bỗng phất lên như diều gặp gió, với những tin tức phóng sự, hình ảnh, nhất là hình ảnh của "Đại Lộ Kinh Hoàng," nơi cả ngàn đồng bào trên đường di tản bị pháo kích của quân Cộng sản từ trên dẫy Trường Sơn rót xuống giết hại, mà chúng tôi thu thập được và cung cấp cho độc giả. Cái trò làm báo là nếu báo lên, bán chạy thì quảng cáo cũng ùa tới, nên chúng tôi thu được khá bộn tiền lời.

Là những nhà kinh doanh tài tử, không biết thủ để phòng cơn nắng hạn, hoặc để đầu tư khuyếch trương thêm, chúng tôi đem tiền lời chia cho cổ đông. Thế nên khi phải ký quỹ, chúng tôi lâm vào đường cùng. Thế là có một màn vắt giò lên cổ để lo tiền ký quỹ. Lâu lâu nhà văn Chu Tử, hồi ấy là chủ biên của tờ báo, khập khiễng đi vào với một bọc tiền mượn được của ai đó, nụ cười méo mó (vì anh bị bắn vào mặt, suýt chết, vào cuối thập niên 1960 trong một vụ mưu sát hồi còn nhật báo Sống, khiến hệ thống thần kinh của một bên người bị ảnh hưởng). Các thân hữu khác cũng cho vay hoặc đứng ra làm trung gian vay hộ, nhiều người vì những lý do riêng không muốn đưa tên mình ra.

Hồi ấy báo chí rụng như sung vì không xoay nổi tiền ký quỹ, kể cả những báo định kỳ, như tuần báo, bán nguyệt san, và nguyệt san. Báo trẻ em, thiên về giáo dục, thì đóng 5 triệu đồng, hoặc có thể xin miễn ký quỹ, nếu chạy chọt được. Có nhiều báo văn học, để tránh ký quỹ vì họ cũng không có tiền, xoay ra xuất bản dưới hình thức "sách định kỳ." Tôi nhớ cách đó mới vài ba năm, vào cuối thập niên 1960, để tránh bị kiểm duyệt theo kiểu sách, vốn thường là gắt gao và lâu hơn là báo chí, nhiều tác phẩm văn chương đã phải khoác lên cái áo "tạp chí." Vài tập truyện ngắn của tôi đã được cơ sở xuất bản Nguyễn Đình Vượng xuất bản dưới hình thức "ấn bản đặc biệt của tạp chí Văn". Sau khi luật báo chí mới được ban hành, lại có phong trào ngược lại: Báo định kỳ biến thành sách, để không phải đóng ký quỹ như báo chí. Báo chí đóng cửa hàng loạt, khiến nhiều ký giả, nhà văn, thợ sắp chữ, thợ nhà in mất chỗ đứng, thất nghiệp, gia đình nheo nhóc.

Có những tờ nhật báo tự ý đóng cửa, như tờ báo kỳ cựu Đuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc, tờ báo mà về sau này mỗi lần cầm tờ Wall Street Journal, tôi không khỏi không nghĩ tới tờ báo của Ông Trần vì cái vẻ an nhiên tự tại và chuyên nghiệp, bất chấp những đổi thay, kể cả về phương diện kỹ thuật. Ông Trần Tấn Quốc đóng cửa báo không phải vì ông thiếu tiền ký quỹ, hoặc không vay mượn được ở đâu. Ông đóng cửa là để phản đối luật báo chí mới đã bóp nghẹt tự do ngôn luận và báo chí, điều tối cần cho sự phát triển và thăng tiến của một xã hội, cần thiết tới độ Thomas Jefferson, cha đẻ của nước Mỹ, đã nói, "Nếu phải chọn lựa giữa một chính quyền không có báo chí và một nền báo chí không có chính quyền, tôi sẽ không một chút do dự để chọn cái sau." (http://etext.virginia.edu/jefferson/quotations/jeff1600.htm)

Tờ Sóng Thần tồn tại, song cũng chỉ được hai năm. Tịch thu liên miên làm tờ báo bị mất độc giả vốn đói tin, song không phải loại tin đã gạn lọc do các cơ quan truyền thông của chính quyền và quân đội nhồi nhét cho họ, và do đó mất khách quảng cáo. Từ số phát hành trên 100 ngàn, tờ báo chỉ còn in mỗi ngày trên dưới 10 ngàn. Đã có những tháng tòa báo không có tiền để trả lương cho anh chị em cộng tác viên. Khoảng sau Tết năm 1975 thì Sóng Thần và vài tờ báo khác bị chính quyền rút giấy phép xuất bản ngang nhiên, với không một lời giải thích. Chỉ biết là ba trong số những tờ báo này đã cùng in nguyên văn bản Cáo Trạng số 1, sau khi Sóng Thần đi tiên phong đăng bản tóm lược, bị tịch thu, rồi vận động qua Hội Chủ Báo để một vài tờ khác, như Điện Tín và Đại Dân Tộc, cùng đăng nguyên văn bản Cáo Trạng ở số báo kế, dù ai cũng biết sẽ bị tịch thu. Số báo đăng nguyên văn bản Cáo Trạng do đấy chỉ in giới hạn, đâu vài trăm tờ, được tung ra phát không cho đồng bào do các tổ chức tranh đấu vận động kéo đến vây quanh nhà in của những tờ báo này, trước khi cảnh sát xông vào bứng báo lên xe cây chở đi.

Thiện luôn đứng ngoài những hoạt động báo chí của tôi, đặc biệt kể từ khi chúng tôi thành vợ chồng. Một trong những lý do anh đã không bỏ ý định trở lại đơn vị tác chiến sau khi lấy tôi là để không phải quanh quẩn ở Sàigòn để rồi có thể bị lôi cuốn vào công việc của tôi. Thiện nói khi còn là bạn với nhau, tôi chia sẻ và nhiều khi kéo anh vào để bàn công việc và xin ý kiến này kia, đó là chuyện khác. Song khi thành vợ chồng thì Thiện cảm thấy, anh đã bảo tôi, anh phải tách ra để tạo cho mình một chỗ đứng riêng, chỗ đứng trong binh nghiệp, khi chưa thể dứt được nghiệp nhà binh. Rồi, như để phá vỡ vẻ nghiêm trang của cuộc đối thoại, Thiện phá lên cười, giọng bỡn cợt: "Vả lại, tôi đâu có muốn bạn bè của bạn tôi gọi tôi là ‘ông Trùng Dương’." Phần tôi, tôi ngồi ngẩn ra nghĩ về hai chữ binh nghiệp, một danh từ tôi chưa từng nghĩ đến. Mặc dù cuộc chiến kéo dài, tưởng như vô tận, song mơ ước hòa bình qua những bài hát, câu thơ kiểu "Rồi một hai ba năm / Danh thành anh trở lại / Với anh em chăn tằm / Với em anh dệt vải…" đã điều kiện hóa suy nghĩ của tôi về tính chất tạm thời của chiến tranh, thành ra khi nghe Thiện nói đến danh từ "binh nghiệp," tôi không khỏi tự hỏi là có thể nào có một cái sự nghiệp gọi là binh nghiệp ư?

Ít ai biết chính Thiện là người đã khai sinh ra cái tên Sóng Thần, một cái tên mà anh Chu Tử đã nhăn mặt nói là chẳng có vẻ gì là tên nhật báo cả, nhưng anh Nguyễn Liệu của Quảng Ngãi Nghiã Thục, một cách lãng mạn, thì lại khen là hay, nên Chu Tử cũng thích theo.

Vào giữa năm 1971 khi tôi đang chuẩn bị để xin giấy phép ra báo, Thiện, hồi ấy còn đang dậy trong Trường Thiết Giáp ở Thủ Đức, ghé thăm tôi. Tôi đem một cái danh sách những tên báo cho tờ báo tương lai ra hỏi ý kiến Thiện. Hầu như tên báo nào tôi nghĩ ra đều đã có người xin, kể cả những tên báo đã đi vào lịch sử báo chí, nghĩa là đã đình bản từ lâu. Thiện đọc danh sách những tên báo, trầm ngâm một lúc, rồi kể với tôi một giai thoại Thiền mà anh rất thích. Hồi ấy ở Nam Việt Nam đang có phong trào đọc Thiền, có lẽ vì cuộc chiến kéo dài làm những người trẻ nhiều ưu tư, lắm mệt mỏi như chúng tôi cảm thấy cần phải tìm cho lòng mình một chút nào sự thanh thản để có thể đối phó, kể cả chấp nhận cuộc sống đầy bất trắc.

Có một anh võ sĩ Nhật nọ, Thiện kể, tuy rất khỏe và tài ba, song đánh đâu thua đó. Anh ta bèn đi tìm một thiền sư để xin lãnh giáo. Nhà thiền sư bèn bảo anh ngồi thiền, tập trung tư tưởng vào những ngọn sóng. Nhà võ sĩ làm theo lời thiền sư, ngồi thiền, ngày này qua ngày khác không nghĩ đến cái gì khác ngoài những ngọn sóng, cho tới khi anh ta chỉ còn thấy trong đầu có một ngọn sóng thật lớn, sóng thần, ập tới hung bạo, tàn phá những gì mà nó đụng tới. Từ đấy, chàng võ sĩ mỗi lần lên võ đài chỉ nghĩ tới có độc một ngọn sóng thần, và đánh đâu được đó. Rồi Thiện bảo tôi sao không đặt tên tờ báo là Sóng Thần, nó phù hợp với chủ trương chống tham nhũng của nhóm Hà Thúc Nhơn. Hồi ấy tôi chỉ là thân hữu của nhóm này, vì tôi muốn duy trì vị trí của một người làm văn chương và cũng vì đang trong thời kỳ xin giấy phép ra báo, cho tới khi tờ Sóng Thần ra đời. Cái tờ báo do Thiện khai sinh cho lại chính là cái đã, tôi vẫn âm thầm nghĩ, úp chụp lên cuộc đời anh và đưa anh tới cái chết thảm vì liên hệ tới tôi -- cái chết đã được dàn cảnh thành người lính bất mãn vì bị đưa đi kỷ luật, uống rượu say, rồi vác súng đi thanh toán cấp chỉ huy.

Viên hạ sĩ nhất thấy tôi có vẻ không muốn mở chiếc rương của Thiện ra để kiểm điểm các món di vật của anh, để anh ta có lý do nêu lên một thắc mắc chỉ có tôi có thể giải quyết được, nên cuối cùng anh ta tằng hắng giọng một lần nữa, và nói:

"Chị có biết là đại uý có một cuốn nhật ký và vẫn ghi chép mỗi ngày?"

Tôi ngần ngừ một lúc. Hôn nhân lẽ ra là một chia sẻ hầu như trọn vẹn. Song từ ngày chúng tôi lấy nhau, Thiện ngưng xen vào các hoạt động của tôi, dù chỉ là để góp ý, phần anh cũng bận mù mịt với việc chi đoàn; trong khi tôi cũng tự giới hạn việc đào bới những riêng tư của Thiện mà tôi đã làm thản nhiên khi hai đứa còn là bạn, có lẽ vì không muốn tạo cho Thiện cái cảm tưởng là bị ràng buộc. Chúng tôi hình như đã đánh mất tình bạn và sự hồn nhiên chia sẻ tâm tình, nhưng tình vợ chồng với những lúc đầu gối tay ấp kể cho nhau nghe đủ các thứ chuyện thì chúng tôi vẫn còn đang trên đường tìm kiếm... Tôi do dự, rồi cuối cùng thú nhận trước mặt hai người quân nhân, rằng chồng tôi ghi nhật ký mà tôi không được biết.

"Từ ngày về nhận chi đoàn, tối nào đại uý cũng loay hoay ghi chép vào một cuốn tập bìa cứng trước khi đi ngủ," viên hạ sĩ nhất nói. "Sau khi ban điều tra thiết đoàn đã làm xong phần vụ của họ và em được phép vào thu xếp những vật dụng của đại uý để đem về giao lại cho chị, điều em để ý trước tiên là cuốn nhật ký đã biến mất, có lẽ họ đã tịch thu để điều tra thêm hoặc là ém nhẹm đi."

Viên hạ sĩ ngưng lại một lúc, chờ phản ứng của tôi. Thấy tôi không nói gì, anh ta tiếp:

"Vì chị không biết đến cuốn nhật ký của đại úy, không biết là nó đã biến mất, nên em cảm thấy có bổn phận phải thông báo cho chị, vì chỉ có chị mới có quyền đòi lại cuốn nhật ký của đại uý. Chị cứ nói là chị có biết cuốn nhật ký đó, rằng chị muốn nó phải được giao hoàn lại cho chị vì đó là kỷ vật của đại uý..."

Tôi gật đầu, nói sẽ cho người lên đòi ngay ngày mai, và cám ơn anh ta đã cho tôi biết về sự hiện hữu của cuốn nhật ký.

Hai người quân nhân đội mũ lên đầu, chuẩn bị giã từ tôi:

"Chị đừng nói là em nói với chị về cuốn nhật ký của đại úy," viên hạ sĩ nhất dừng lại ở ngưỡng cửa nói với tôi. Tôi gật đầu, anh ta yên tâm bước xuống cầu thang nơi người bạn đồng hành đang chờ.

Ngay sáng hôm sau tôi nhờ Ngy Thanh mặc thường phục cầm theo một lá thư tôi viết tay xin lại cuốn nhật ký "đã bị thất lạc đâu đó" của Thiện và giao cho người cầm thư đem về cho tôi. Sau một ngày ở Long Thành, Ngy Thanh trở về tay không. Thanh bảo họ nói là chính họ cũng không biết gì về cuốn nhật ký đó, rằng họ hứa "sẽ kiếm" rồi cho người cầm về giao lại cho tôi.

Một tuần lễ sau đó thì có viên thượng sĩ dưới quyền Thiện trước kia trong chi đoàn, người đã về báo tin Thiện chết cho tôi vào một buổi tối nọ, đến tìm tôi ở nhà. Anh ta trao cho tôi một cái phong bì mầu vàng khổ lớn hơn khổ giấy viết thư, trong đó có cuốn nhật ký của Thiện, dầy khoảng hai trăm trang, bìa cứng mầu xanh lá cây nhạt. Anh ta xin lỗi vì "tìm mãi mới ra." Nhân tiện tôi hỏi vụ điều tra về cái chết của Thiện đến đâu, thì anh ta, rất dè dặt, cho tôi biết là ban điều tra thiết đoàn đã đi đến kết luận đây là một vụ lính tráng ba gai, bất mãn cấp chỉ huy, rằng người lính đã bị giải qua quân lao chờ ngày ra tòa án quân sự. Tôi nói, cố nén nỗi ưu uất đã đốt cháy tâm can tôi từ nhiều tuần qua, rằng tôi được biết Thiện đã quyết định không tự tay phạt lính tráng vô kỷ luật ở cấp chi đoàn mà chuyển lên ban an ninh của thiết đoàn để trên đó xử lý. Người lính mới bị chuyển lên thiết đoàn hôm trước, sao chưa có ai kỷ luật anh ta, mà lại còn thả anh ta ra để anh ta đi uống rượu và vác súng trở lại chi đoàn để thanh toán Thiện, một người chỉ làm cái phận sự giao anh ta qua thiết đoàn chứ không trực tiếp ra hình phạt. Viên thượng sĩ ngoài ba mươi chỉ lặng thinh không nói gì. Tôi cũng hiểu là cho là anh ta có biết gì đi chăng nữa, thì cũng phải thủ lấy thân trước. Cái chết của Thiện còn rành rành ra đấy, như một lời cảnh cáo cho những quân nhân nào muốn ngo ngoe, thóc mách.

Khi viên thượng sĩ đi rồi, tôi vội vàng mở cuốn nhật ký của Thiện ra và xem xét có những chỗ nào bị xé, trước khi đọc xem Thiện đã ghi chép những gì. Tôi không thấy vết tích phi tang nào. Cuốn tập ghi được khoảng một phần tư, và đúng như lời viên hạ sĩ nhất hầu cận của Thiện đã nói, là Thiện cũng mới bắt đầu ghi nhật ký từ ngày về nhận xây dựng chi đoàn tân lập trang bị toàn M-48 này để chờ ngày lên cao nguyên, trước khi hai đứa tôi lấy nhau đôi ba tháng. Tôi nhớ tới thời gian một tuần trăng mật ở Vũng Tầu, có lần Thiện đã nói với tôi, trong khi mắt giõi ra ngoài biển sóng dồn dập, là phải chi nếu biết hai đứa quyết định lấy nhau anh đã xin đi Vùng IV hiền hòa hơn, ít giao tranh. Rồi liền đó, anh quay sang nhìn tôi và nói, dù sao anh thích cái cơ hội được xây dựng một chi đoàn tân lập trang bị bằng loại xe tăng tối tân, vì tính cách đầy thách đố của công tác, rồi Thiện cười lớn -- cái giọng cười hồn nhiên, sảng khoái, cố hữu những lúc chúng tôi chia sẻ với nhau một đoạn văn hay câu thơ đầy khúc mắc.

Cuốn nhật ký ghi những suy nghĩ, công việc hàng ngày, cả những khó khăn triền miên của Thiện khi phải huấn luyện đám lính trong đó có nhiều tên du thủ du thực, và không có gì là "bí mật quốc phòng." Những tuần lễ cuối cùng trước khi chết, Thiện ghi những việc lặt vặt, như đi mua cho con của một người bạn thân cái bàn học, vì cái bàn mà anh bạn định dùng cho con làm chỗ học, kiểu bàn giấy bắt chước lối cổ, tôi đến hơi thấy thích nên anh ta chở đến nhà tặng tôi. Rồi chuyến đưa bà mẹ nuôi đi thăm mộ ông bố nuôi, một việc làm khiến bà cụ ngạc nhiên. Thiện không còn cha mẹ ruột. Từ bé anh đã được giao cho một cặp vợ chồng trong họ không con nuôi để có người trông nom họ lúc tuổi già. Theo lời Thiện kể, bằng một giọng bỡn cợt nhưng không cay đắng, anh là con của một cặp trai tài gái sắc. Bố Thiện là một nhạc sĩ vĩ cầm, mẹ là một cô gái nhan sắc của đất Hà Thành. Họ mê nhau, sanh ra Thiện, nhưng không mê con. Sau khi tặng Thiện đi cho cặp vợ chồng hiếm con cùng họ, hai người đưa nhau vào Huế sống trên đò, chỉ có hai người với nhau, với bên dưới là nước, trên trời là trăng sao. Tôi lẩn thẩn nghĩ có lẽ vì thế mà Thiện có một cái say mê đặc biệt dành cho những bầu trời đầy sao chăng, như anh đã thỉnh thoảng biên thư cho tôi kể về những đêm nằm ngắm sao nghe tâm hồn muốn nổi loạn, từ sau khi bỏ trường Luật nhập ngũ rồi được thuyên chuyển lên cao nguyên? Vì thế mà Thiện muốn trở lại cao nguyên để được gần trời sao hơn? Chẳng bao lâu ông bố chết vì bệnh lao. Từ đấy không ai trong họ hàng biết bà mẹ Thiện đi đâu. Có tin trong họ hàng đồn đại với nhau là bà đã bỏ đi bưng kháng chiến. Thiện thường mang theo một tấm ảnh đã ngả mầu nâu nhạt, cỡ của một cuốn sách loại bỏ túi, lồng khung, chụp bán thân của một người đàn bà trẻ mới ngoài hai mươi, khá xinh đẹp, trong mớ hành lý cá nhân của một người lính chiến. Một lần Thiện đùa bảo tôi biết đâu có ngày anh sẽ được chạm mặt với bà mẹ từ bên kia chiến tuyến trên một chiến trường nào đó, không chừng.

Thiện không ghi chép gì nhiều về việc thành hôn của chúng tôi. Có lẽ cũng như tôi, anh cũng đang tự hỏi đây có phải là một việc làm đúng, rằng chúng tôi có đang phá hủy một cái gì rất hồn nhiên -- tình bạn -- để lao vào một liên hệ mà chính chúng tôi chưa biết nó sẽ ra làm sao. Song vì tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi ít phân tích với ai kể cả ghi nhật ký, về những thắc mắc đó.

Một việc khác đã được Thiện ghi lại và làm tôi cảm thấy đau, song không thể giận. Đó là việc Thiện nối lại với cô D., nhân tình cũ của anh. D. đã có chồng con, song đã đi lại với Thiện từ nhiều năm, một hai không chịu bỏ chồng để lấy Thiện, mặc dù đã có lúc Thiện năn nỉ. Hồi hai đứa tôi còn là bạn, Thiện thỉnh thoảng mượn nhà tôi để hai người tình tự. Những lúc ấy tôi phải nán lại tòa báo, hoặc sang nhà của bà chị ở gần đó chờ, tới khi Thiện mang hoàn lại chìa khoá. Thiện đôi khi tâm sự với tôi về mối tình vô vọng đó, kể cả quyết định chấm dứt với D. một thời gian ngắn trước khi chúng tôi lấy nhau. Nhưng ít tuần trước khi bị hạ sát, có lẽ như có linh cảm sẵn, Thiện đi tìm lại những mẩu dĩ vãng của đời mình, như để nói lời vĩnh biệt. Buổi gặp gỡ cuối cùng giữa Thiện và D. ở một phòng khách sạn, D. đã để cho Thiện chụp nhiều bức hình khỏa thân. Cuốn phim chưa kịp rửa, nằm lẫn lộn trong mớ di vật của Thiện được chuyển về cho tôi. Tôi nhờ Ngy Thanh tráng cuộn phim xem có hình nào đáng giữ. Tôi xem phim, đoán là D., và đoán là thế nào chị cũng tới tìm tôi để xin lại cuốn phim, nên tôi bỏ nó trong sắc tay sẵn.

Đúng như tôi dự đoán, một buổi gần trưa, D. đến tìm tôi ở tòa báo, đôi kính mát vẫn giữ che đôi mắt khi ngồi đối diện với tôi ở tòa soạn trên căn gác lửng thiếu ánh sáng ở số 133 đường Võ Tánh. D. có giọng nói miền Nam ngọt ngào, và một thân hình thon thả mềm mại, chẳng trách được Thiện mê, và đã ghi trong nhật ký so sánh D. với tôi, phê bình tôi nói năng xử sự thiếu đàn bà tính, trí thức và quá độc lập, khiến anh thấy hụt hẫng, thừa thãi khi ở bên tôi.

D. nói vừa đi thăm mộ Thiện trước khi đến tìm tôi. Tôi biết những khi nào D. đi thăm mộ Thiện. Đọc nhật ký của Thiện, và thấy ai đó bỏ lại trên phần mộ một cành hoa hồng đỏ còn tươi mỗi khi tôi có dịp vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi thăm mộ, tôi phải đoán ra. Tôi thường nói đùa với Thiện đã nằm yên trong mộ sâu, "Vậy là bạn hết than là cô đơn với lại cô độc nhé, vì có tới hai người đàn bà nhớ đến bạn khi bạn nằm xuống. Đâu phải ai cũng có cái diễm phúc ấy. Bao nhiêu thanh niên đã chết trận không có đến cả một cô tình nhân, chứ đừng nói tới có tới cả vợ lẫn tình nhân thương tưởng nhớ tới mình." Tôi biết nếu phản ứng được, Thiện sẽ cười vang, như khi anh kể về mối đam mê của bố mẹ đẻ của mình.

Không chờ D. hỏi xin, tôi lấy trong ví ra cuộn phim, trao cho chị.

"Tôi tìm thấy cuốn phim này trong đám di vật của Thiện. Vì không biết phim đã chụp những gì, nên tôi cho người tráng ra, chứ chưa rửa ra hình, chị đừng lo," tôi nói.

D. cầm cuốn phim trong tay, không dở ra xem, tung hứng cuốn phim trên tay trong khi trao đổi với tôi vài câu rời rạc, sượng sùng. Tôi biết D. đã phải thu hết can đảm đi tìm tôi, với mục đích duy nhất là xin lại cuộn phim, nên tôi cố gắng để D. không ngượng. Một lúc, D. hỏi tôi thế Thiện có ghi gì về cuộc tình của hai người trong cuốn nhật ký mà chị biết anh vẫn giữ, mà tôi không biết. Tôi cảm thấy mình là một kẻ ngoài cuộc trong bộ ba chúng tôi, một người khách lạ đứng ngoài cửa thiên đàng -- chẳng phải đó là tựa của cuốn tiểu thuyết của Camus, Người Khách Lạ, mà tôi với Thiện đọc ngày xưa và cùng phân tích một cách say sưa với nhau đấy sao? Tôi mỉm cười, nói dối không khó khăn về những trang nhật ký đẫm những ái ân, nước mắt, hờn giận, kể cả một lần Thiện bị D. đạp xuống khỏi giường vì hờn lẫy, cùng những vỗ về của Thiện dành cho D. Tôi bảo D. là phần lớn Thiện ghi những khó khăn anh gặp phải trong công tác chuẩn bị, huấn luyện cho đám lính, trong đó nhiều người có lẽ học lực chỉ mới hết tiểu học, cách xử dụng loại xe tăng tối tân vào bậc nhất thế giới của thời ấy, do những đầu óc thông minh tuyệt vời ngồi vẽ ra và được thực hiện trong những xưởng gắn máy lạnh và trang bị bằng những kỹ thuật cực kỳ tối tân.

Một lúc sau D. đứng dậy, xin phép ra về. Chúng tôi không gặp lại nhau sau đó.

Tôi không cho D. xem cả một mảnh giấy nhỏ mà tôi đã tìm thấy trong cuốn nhật ký của Thiện, mảnh giấy do Thiện viết, không ký tên và cũng không đề tên người nhận, không rõ là đó chỉ là một ghi chép vụn vặt, hay nhằm gửi cho D., hay cho tôi. Tôi thích nghĩ là Thiện viết cho tôi, không vì nhớ tôi, song vì chúng tôi thường chia sẻ với nhau những chuyện văn chương, thi phú, triết học. D. có thể sở hữu cái thân thể cuồng nhiệt sức sống của Thiện nay đã nằm sâu trong đất lạnh. Nhưng tôi muốn giữ cái phần trí thức của Thiện sẽ tồn tại mãi trong tôi.

Mảnh giấy vỏn vẹn có hai câu thơ:

Trời còn có bữa sao quên mọc
Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em.

Và giòng chữ viết tay của Thiện bên dưới: "Nếu không đoán được tác giả của hai câu thơ trên thì sẽ không về nữa."

Tôi đã hỏi quanh bạn bè văn nghệ, dù biết rằng trước khi tôi đoán được, Thiện đã ra đi vĩnh viễn. Không ai nhớ tác giả của hai câu thơ cả. Rồi tôi một phần cũng muốn quên đi cái chết của Thiện đã khiến tôi khắc khoải, dằn vặt, không tìm ra đáp số, mà chỉ có những tự vấn; và phần khác tôi bị lôi cuốn vào những thăng trầm của tờ báo, những ngày báo chí tranh đấu giành tự do, buổi ra hầu tòa vào ngày 31 tháng 10, 1974 đã khiến cả Sàigòn lên cơn sốt chính trị, bị tê liệt giữa những vòng kẽm gai, biểu tình, lựu đạn cay, gạch đá.

Có người nói chúng tôi đã làm lợi cho Cộng sản và góp phần vào việc đưa miền Nam đi đến chỗ sụp đổ mau chóng hơn. Điều đó có lẽ có một phần đúng của nó. Nhưng chẳng phải vì chút tự do ngôn luận đó mà chúng ta chiến đấu và đã mất bao xương máu để bảo vệ đấy sao?

Những năm sống ở hải ngoại thiếu thốn sách vở và phương tiện để truy tìm tác giả của hai câu thơ; phần bận rộn với đời sống tại Mỹ, trong đó tôi muốn bù đắp cho các con tôi bù lại những ngày lo chuyện thiên hạ bỏ bê chúng với mẹ tôi và các anh chị em coi sóc; và phần bận rộn với những phấn đấu với xung quanh và với chính mình để tìm một chỗ đứng dưới ánh mặt trời trên phần đất đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, tôi quên bẵng đi mảnh giấy mà tôi đã đốt cùng với cuốn nhật ký của Thiện và các giấy tờ và ghi chép khác của tôi vào cuối tháng 4 năm 1975.

***

Hai mươi hai năm sau, tôi nằm đọc cuốn biên khảo Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản của Nguyễn Hưng Quốc, xuất bản năm 1990 tại hải ngoại, đồng thời để tìm chất liệu cho cuốn tiểu thuyết đang soạn. Khi đọc đến trang ông viết về nhà thơ Nguyễn Bính và bốn câu thơ trích từ một bài thơ của Nguyễn Bính ở giữa tập sách, tôi bật dậy khỏi giường như bị điện giật. Trong cơn thảng thốt, tôi cũng còn nhận ra là mình mỉm cười vì vẫn nghĩ Nguyễn Bính, theo cái nhìn thiển cận của tôi, vốn là một nhà thơ của các cô thiếu nữ "lỡ bước sang ngang" ôm theo những mối tình lỡ dở, viết theo thể lục bát chất phác để các nàng đem ra... ru con, mà tôi đã nằm nghe bà chị dâu lớn ru con hồi tôi còn nhỏ, đến thuộc nằm lòng. Bốn câu thơ trích từ bài "Đêm Sao Sáng," được Nguyễn Hưng Quốc ghi lại là được sáng tác vào năm 1957, không những đã cho tôi thấy một khiá cạnh thi tài khác của Nguyễn Bính, mà chúng còn giúp tôi tìm ra một câu trả lời cho một trong những câu hỏi mà cái chết của Thiện đã để lại trong tôi. Nguyễn Hưng Quốc chỉ ghi lại bốn câu thơ cuối cùng, trong đó có hai câu thơ Thiện ghi trên mảnh giấy kẹp trong cuốn nhật ký. Một chị bạn nay đã khuất, Đặng Thị Huệ, chồng cùng khoá với Thiện, Đại úy Thiết giáp Lê Văn Nghĩa, đã bị mất tích trong trận Quế Sơn trước khi Thiện chết mấy tháng, đã chép tay lại trọn bài thơ gửi cho tôi, như sau:

Đêm Sao Sáng

Đêm hiện dần lên những chấm sao
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào

Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
Thấy con Vịt lội giữa dòng sâu
Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tầu

Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời
Em ở bên kia bờ vỹ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi

Sao đặc trời cao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chung miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.

Nguyễn Bính

Vậy là cuối cùng tôi đã tìm ra tác giả của hai câu thơ bạn chép lại trước khi bị hạ sát, với giòng chữ "Nếu không đoán được …" nghịch ngợm thách đố mà hình như cũng chuyên chở một điềm báo dữ, đó Thiện. Trễ, quá sức là trễ, thế nhưng thế còn hơn không, phải không Thiện?
Tôi tưởng như nghe tiếng Thiện cất lên cười vang, sảng khoái, hồn nhiên trong căn apartment một phòng bừa bãi những sách báo, nơi tôi sống và làm việc từ hơn nửa năm nay...


Trùng Dương
Miền Bắc California tháng 6-1994
Duyệt lại tháng 1-2008



-------------------------------------------

Phụ Bản:


Nhật Báo Sóng Thần bắt đầu xuất bản vào tháng 10, 1971 và bị rút giấy phép vào tháng 2, 1975, tại Saigòn. Hiện microfilm của những số báo ST (không bị tịch thu) được lưu trữ tại thư viện của Đại Học Cornell, ghi số Watson Film 5004. Hình trên, góc trái, là poster quảng cáo ST sắp trình làng, do nhóm Hà Thúc Nhơn và nhà văn Chu Tử chủ biên. Poster này do hoạ sĩ Đằng Giao trình bầy, dựa theo ý của ký giả Uyên Thao và Đường Thiên Lý. Hình trên bên mặt, hình trang nhất của một số báo bị tịch thu đề ngày 22 tháng 9, 1974. Hình dưới bên mặt, trang nhất của số báo ra ngày 31 tháng 10, 1974, là ngày ST bị đưa ra toà xử về tội đã đăng nguyên văn bản cáo trạng của Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng do Linh Muc Trần Hữu Thanh chủ xướng với sự tham gia của 300 linh mục. Các hình dưới bên trái là vài cảnh trong toà, do cố ký giả ST Nguyễn Tân Dân chụp ngày 31 tháng 10, 1974, với vài trong số 205 luật sự nhận biện hộ cho ST. (Collage TD2008, rút từ cuốn Sóng Thần - Vụ Án Lịch Sử 31-10-74: Ngày Báo Chí và Công Lý Thọ Nạn, tài liệu nội bộ, do Uyên Thao và Lê Thiệp soạn).