Tôi đang đưa bài vở cho nhà in sắp chữ giai phẩm “Thanh Đàm” (do Giáo sư Nguyễn Đình Tuyến chủ trương) thì Hoài Điệp Tử từ quân trường về tới. Dạo đó tình hình căng thẳng, chính phủ ban hành lệnh động viên từng phần. Hoài Điệp Tử thuộc lớp tài nguyên đó, được gọi động viên và khi ra trường về phục vụ tại nhựt báo Tiền Tuyến, Cục Tâm Lý Chiến. Hoài Điệp Tử được sự giúp đỡ tận tình của người nghĩa huynh là nhà văn Thạch Lê tức Trung tá Lê Đình Thạch. Hoài Điệp Tử quê ở Bạc Liêu, bạn học của nhà thơ Huyền Thanh Huyền tức soạn giả Yên Lang, ký giả Nhật Hồng (nguyên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Biệt động quân, có thời gian bị cải tạo khá dài) và ký giả Minh Ngôn (Chủ nhiệm tuần báo Khỏe Đẹp, ở California, cũng là cầu thủ lừng danh Ngôn 2 của Đội Tuyển Quốc Gia VNCH). Hoài Điệp Tử rời Bạc Liêu lên Sàigòn lăn lóc bụi đời khi mới vừa 13 tuổi. Lúc đó ông mới học xong lớp đệ Thất. Nhà nghèo phải ra đời sớm, nhưng ông vốn là người hiếu học. Sau nầy ông tự học, đậu Tú Tài và có mấy năm ở Đại học.
Hoài Điệp Tử ở trên một căn gác trọ trong hẻm Nguyễn Văn Dụng, đại lộ Trần Hưng Đạo. Căn gác nầy thường là chỗ tụ họp của những cây bút trẻ thuộc loại áo “tưa bâu”. Đây là nói theo cách nhà văn Bình Nguyên Lộc, đối với những thanh niên nghèo thường mặc áo sờn vai và tưa bâu.
Mấy ông Bạc Liêu thường có tài ca vọng cổ. Hoài Điệp Tử có giọng ca vọng cổ mùi không thua gì nghệ sĩ Thành Được. Ông thường đứng trên gác nhìn xuống con hẻm để canh chừng... bà Mai (hiện là Chủ nhiệm Tuần báo Mai, ở California). Và khi bóng hồng vừa thấp thoáng là ông vô liền một câu vọng cổ mùi rệu! Bà Mai lúc đó chỉ nguýt xéo:
-Hứ, thân chỉ có một cái áo mặc hoài mà cũng... bày đặt!
Phải, lúc đó Hoài Điệp Tử chỉ có một chiếc áo sơ-mi lành lặn và một chiếc quần dacron trổ màu đỏ như gạch. Quần thì mỗi tuần ông giặt một lần. Còn áo, khi nào dơ ông giặt xong ở trần đợi cho nó khô lại mặc vào đi ra phố. Lâm Tường Dũ thêu dệt thêm là có hôm, Hoài Điệp Tử lộn trái chiếc áo ra, ngụ ý cho bà Mai biết là ông có... hai cái áo! Chuyện nầy Lâm Tường Dũ nói đùa thêm chơi mà thôi. Chuyện Hoài Điệp Tử chỉ có một bộ quần áo là chuyện có thật.
Hoài Điệp Tử là một người rất kiên nhẫn. Đức tính đó đã giúp ông rất nhiều, kể cả trong cuộc hôn nhân với bà Mai. Dạo đó cô nữ sinh Mai là một nhan sắc nổi bật trong xóm, lắm người theo đuổi. Hoàng Trúc Ly nói:
-Chắc mầy thua quá, Hoài ơi!
Hoài Điệp Tử nheo nheo mắt (Hoài Điệp Tử có bộ lông mi đặc biệt rất dài nên được Phan Yến Linh đặt cho cái biệt hiệu là Thầy Năm Nheo):
-Dân Bạc Liêu ít khi nào chịu thua sớm nghe bạn.
Và, Hoài Điệp Tử tiếp tục... vô vọng cổ.
Nhà báo gốc cầu thủ Minh Ngôn cũng khoái ca vọng cổ. Còn ông Bạc Liêu Nhật Hồng thì kẻ viết bài nầy chưa hân hạnh được nghe ông ca lần nào. Khác với sự hoạt bát của Minh Ngôn, Nhật Hồng là một người trầm lặng ít nói, kể cả trong những bữa tiệc đông vui.
Hoài Điệp Tử thường nói năng điềm đạm, nhưng không thiếu phần dí dỏm. Khoảng cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 có hai nhà báo trẻ nổi tiếng là Anh Quân và Hoài Điệp Tử. Hải Bằng và tôi mới vào nghề năm 1959. Anh Quân nổi tiếng về hài hước. Bàn nhậu nào có Anh Quân tham dự thì cả bàn lại có dịp cười muốn bứt ruột. Năm 1974-75, Anh Quân làm Thư ký Tòa soạn nhựt báo Quật Cường. Sau tháng Tư đen, Anh Quân bị bắt đi cải tạo nhiều năm rồi định cư và qua đời tại Bỉ. Anh Quân và Hoàng An từng là hai cây bút trụ cột của nhựt báo Buổi Sáng của ông Tam Mộc (tức Tám Móc, tức Mai Lan Quế, anh của Trung tướng Mai Hữu Xuân).
Hải Bằng điềm đạm ít nói, nhưng trên môi ít khi thiếu nụ cười. Ông là một phóng viên xuất sắc. Trước năm 1975, ông có nhiều loạt phóng sự giá trị. Bây giờ Hải Bằng ở Hoa Kỳ. Ngoài việc làm báo, ông còn là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.
Chúng tôi thường tụ tập uống bia ở quán bà xẩm bên cạnh tòa soạn nhựt báo Tia Sáng đường Phát Diệm Sàigòn.
Có mặt thường xuyên tại quán bà xẩm là nhà văn Thanh Nam, nhà báo Ngô Tỵ, nhà văn Hoài Điệp Tử, nhà thơ Phan Yến Linh, nhà thơ Dương Trữ La, nhà văn An Khê... Thỉnh thoảng lại có thêm các nhà văn Trọng Nguyên, Sơn Nam, Sĩ Trung, và nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà...
Lâu lâu cũng có sự xuất hiện của nhà văn Lâm Tường Dũ, Chủ nhiệm tạp chí Huyền. Lâm Tường Dũ ít khi tới một mình. Khi thì ông dắt theo ảo thuật gia hài hước Mạc Can (con của ảo thuật gia Lê Văn Quí), khi thì ông dắt theo Lâm Hưng, xướng ngôn viên Đài phát thanh Quân Đội (Lâm Hưng là đệ tử của ông Văn Thiệt, có giọng đọc bài bình luận trên đài phát thanh hùng hồn giống y sư phụ Văn Thiệt).
Tại quán bà xẩm, chúng tôi thường uống bia trả tiền bằng cách... hốt lú. Gọi một đợt bia, thức nhấm xong, mọi người nắm mấy đồng cắc trong tay rồi đặt lên bàn. Kế đó lần lượt từng người nói một con số. Nếu người nào nói trật xa với con số tổng cộng thì người đó phải trả tiền. Hết đợt bia nầy đến đợt bia khác. Trò chơi này do nhà văn Thanh Nam bày ra.
Chúng tôi thường tụ vào quán bà xẩm vào buổi sáng, sau khi giao bài cho tòa soạn. Thường khi khoảng 10, 11 giờ mới khui bia, nhưng lắm lúc mới 9 giờ sáng đã... nhập tiệc! Giải tán vào lúc xế chiều, nhưng không ít lần kéo dài cho tới... tối. Mấy người hàng xóm nói:
-Mấy ông nhà báo nầy làm giàu cho bà xẩm!
Bà xẩm có giàu thêm hay không, chúng tôi không rõ. Chỉ có điều rõ ràng là trên ngăn kệ của bà luôn luôn có một chồng sổ nợ mà tác giả của những... “tác phẩm” đó đa số là anh em chúng tôi.
Năm 1957, Hoài Điệp Tử mới bắt đầu làm thơ và viết truyện ngắn. Và, câu chuyện “cháu của Hoài Điệp Tử” thỉnh thoảng được anh em kể lại một cách thích thú. Hoài Điệp Tử gởi truyện ngắn tới nhựt báo Chuông Mai, được đăng. Tòa soạn nhắn Hoài Điệp Tử tới lãnh nhuận bút. Khi Hoài Điệp Tử tới Tòa soạn (lúc đó ở số 106 đường Gia Long), ông H.B.T. quản lý, thấy một anh chàng có dáng học trò chừng 14 - 15 tuổi bước vào đòi lãnh nhuận bút của Hoài Điệp Tử thì có phần ngạc nhiên. Ông hỏi với vẻ nghi ngờ:
-Cháu là gì của ông Hoài Điệp Tử?
Hoài Điệp Tử bối rối, đáp:
-Dạ... là cháu ruột!
-Cháu kêu ổng bằng gì?
-Dạ... bằng chú!
-Ông Hoài Điệp Tử đâu, sao không đến lãnh tiền mà bảo cháu tới?
-Dạ... chú của cháu bận lắm.
-Ổng bận việc gì dữ vậy?
Hoài Điệp Tử nheo nheo mắt, đáp:
-Dạ, ổng bận cái gì cháu đâu có biết. Nhưng mà ổng bận hoài... hà!
-Cháu tên gì?
-Dạ... Phạm Văn Tập.
-Có thẻ học sinh không?
-Dạ... có!
-Đưa đây coi.
Xem tới xem lui cái thẻ học sinh của Hoài Điệp Tử một hồi, ông H.B.T. cũng vẫn không tin. Ông bảo:
-Được rồi! Bây giờ thì chưa có tiền. Tuần tới, cháu bảo chú của cháu trở lại đây.
Tuần sau vẫn không có Hoài Điệp Tử xuất hiện. Vẫn là người... “cháu của Hoài Điệp Tử” thôi. Ông H.B.T. đành phát nhuận bút kèm theo lời hăm he:
-Nè, nhớ ghi địa chỉ đàng hoàng. Cháu mà mạo nhận thì bác sẽ kêu phú-lít bắt bỏ tù đó nghe.
Hoài Điệp Tử gật đầu lia lịa:
-Dạ... cháu không dám đâu! Cháu là cháu của chú Hoài Điệp Tử thật mà!...
Liên tiếp bảy, tám truyện ngắn của Hoài Điệp Tử được chọn đăng. Lần nào cũng chỉ có “cháu” Phạm Văn Tập tới lãnh nhuận bút vì... “chú” Hoài Điệp Tử bận quá, không tới được! Và, lần nào, ông quản lý H.B.T. cũng cằn nhằn:
-Cái ông Hoài Điệp Tử này không hiểu... bận cái gì mà bận hoài vậy? Bữa nào cháu bảo ổng ráng tới Tòa soạn một lần thử coi.
-Dạ... dạ...
Hoài Điệp Tử vẫn chưa thấy xuất hiện! Tuy vậy, Tòa soạn cũng yên tâm vì chẳng có ai khiếu nại về chuyện tác quyền cả!
Ông H.B.T. đem chuyện thuật lại với ông Chủ nhiệm Huỳnh Hoài Lạc. Rồi hai ông hội ý với nhau rất lâu. Lần sau, “cháu” Phạm Văn Tập lò dò tới lãnh nhuận bút, không gặp được ông Quản lý mà lại được ông Chủ nhiệm tiếp. Ông Chủ nhiệm nói:
-Cháu ngồi đợi một lát, ông Quản lý về mới có tiền.
Hoài Điệp Tử ngồi yên trước bàn ông Chủ nhiệm. Ông nầy thản nhiên làm việc, chừng mười phút sau đưa cho Hoài Điệp Tử một tờ giấy và bảo:
-Trong khi chờ đợi, cháu chép cái nầy dùm bác được không?
-Dạ được!
Chép xong, Hoài Điệp Tử trả tờ giấy lại cho ông Chủ nhiệm. Ông Huỳnh Hoài Lạc xem tờ giấy một hồi rồi hỏi:
-Chú Hoài Điệp Tử của cháu hôm nay lại còn bận việc gì nữa mà cũng không tới?
Hoài Điệp Tử đáp liều:
-Dạ, chú ấy bệnh!
Ông Huỳnh Hoài Lạc nhướn cặp kính lão nhìn Hoài Điệp Tử rồi gật gù, tủm tỉm cười:
-Ờ... chú ấy bệnh hoài, hèn gì lúc nầy coi bộ chú ấy ốm mà đen nữa. Nhưng không hiểu bệnh gì mà... cặp mắt cứ nheo nheo hoài!
Ông nhìn Hoài Điệp Tử chằm chằm. Hoài Điệp Tử phát hoảng, nhưng cố làm tỉnh, ngồi yên, tiếp tục... nheo nheo. Ông Huỳnh Hoài Lạc bỗng nghiêm sắc mặt:
-Chính cháu là Hoài Điệp Tử thì chịu thiệt đi! Có gì đâu phải giấu?
Hoài Điệp Tử nín khe, không biết trả lời sao. Chịu thiệt mình là... Hoài Điệp Tử có lợi hay hại đây? Lâu nay Hoài Điệp Tử chỉ sợ người ta thấy mình còn nhỏ quá sẽ không cho viết truyện ngắn nữa.
Dạo đó, tờ Chuông Mai trả nhuận bút khá hậu. Tiền nhận bút một truyện ngắn, một mình có thể sống tiện tặn được nửa tháng. Ông Huỳnh Hoài Lạc đợi khá lâu mà không thấy Hoài Điệp Tử trả lời nên có ý sốt ruột. Ông dằn giọng:
-Cháu chính là Hoài Điệp Tử phải không? Bác so nét chữ y chang. Cháu không giấu diếm được nữa đâu!
Đến nước này thì Hoài Điệp Tử đành phải thú thật:
-Dạ... Hoài Điệp Tử chính là... cháu!
Ông Huỳnh Hoài Lạc cười:
-Tại sao cháu phải làm như vậy?
Hoài Điệp Tử ấp úng:
-Dạ... cháu sợ mấy bác thấy cháu còn nhỏ, không cho cháu viết.
Ông Huỳnh Hoài Lạc trợn mắt:
-Cho chứ! Truyện viết hay như vậy mà không cho sao được?
Ông ngừng lại rồi hỏi:
-Nè... cháu có muốn làm báo không?
-Dạ... muốn!
-Nếu muốn thì ngày mai tới đây làm việc. Đầu tiên phải làm cái công việc thầy cò (sửa lỗi trên bản vỗ) đã. Đó là căn bản nghề nghiệp để sau nầy trở thành Thư ký Tòa soạn, rồi Chủ bút, Chủ nhiệm. Ngoài ra cháu sẽ viết một truyện dài đăng mỗi ngày trên báo. Cháu về nghĩ ý truyện đi!
Thế là Hoài Điệp Tử chính thức bước vào nghề làm báo. Và, truyện dài đầu tiên của ông mang tựa đề “Mớ Tóc Gái Phù Sa” bắt đầu xuất hiện trên nhựt báo Chuông Mai. Kế đó là truyện dài “Mai Trong Lửa Đạn”. Hoài Điệp Tử có thời gian khá dài cộng tác với nhựt báo Chuông Mai. Trên tờ báo nầy, ông viết hết truyện dài nầy đến truyện dài khác. Nhưng tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản là “Trái Cấm” bán rất chạy. Theo tôi được biết, tác phẩm ưng ý nhứt của ông là “Mười Sáu Phiên Buồn”. Nhưng không rõ làm thế nào mà tác phẩm nầy lại thất lạc. Năm 2000, khi tôi về Cali, có dịp gặp bà Hoài Điệp Tử, chị cho biết đã tìm lại được tập truyện nầy.
Hoài Điệp Tử viết văn, làm báo, nhưng làm trang trong như Thái Châu Phan Yến Linh. Thể tài chính của hai ông là truyện ngắn và truyện dài. Trái lại, Lâm Tường Dũ và tôi, trang trong trang ngoài gì cũng đều có mặt! Thể tài nào cũng viết. Viết riết rồi không biết mình sở trường về cái ngón nào. Âu cũng là một nhược điểm. Dũ và tôi lại có thêm nghề viết quảng cáo. Bạn bè bảo chúng tôi có nghề “hát Sơn Đông”. Tôi cũng có tật tào lao như Lâm Tường Dũ. Bà xã tôi và bà Xuân Hương (bà xã Dũ) thường nói:
-Hai ông Lâm Tường Dũ và Phương Triều mỗi lần xáp lại với nhau thì cứ nói toàn chuyện tào lao. Nói hoài không chịu nghỉ. Đúng là... hai “con ngựa bà Hỡi”!
Chuyến hai ca sĩ Hải Lý và Quốc Việt lên trình diễn ở Minnesota hồi tháng 5.1995, tôi viết bài có tựa đề là “Hát trên những dặm đường xa”. Bà xã tôi nói:
-Khi nào “con ngựa bà Hỡi” Lâm Tường Dũ lên Minnesota thì ông nhớ viết bài lấy tựa đề là “Ngựa hí đường xa” nghen.
Tôi tới Hoa Kỳ năm 1994. Nhà văn Hoài Điệp Tử đã qua đời. Tôi gặp ông lần cuối cùng vào đầu tháng 5.1975, tại một quán cà-phê ở đường Gia Long, đối diện Tòa soạn nhựt báo Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai. Hai đứa uống cà-phê và ngồi với nhau suốt buổi sáng. Rồi sau đó mỗi đứa đi theo định mệnh của mình.
· Trước năm 1975, bà Hoài Điệp Tử vẫn thường phiền trách tôi về việc cất giấu dùm thư tình cho Hoài Điệp Tử.
Tôi chỉ cười trừ. Đối với phụ nữ, chuyện tình cảm của chồng không phải là điều đơn giản. Chuyện mình tưởng bình thường thì các bà lại không cho là bình thường.
Tôi nhớ đâu đó có câu chuyện tiếu lâm kể về một người vợ ghen... quá cỡ thợ mộc. Bà vợ ghen đó thường lục soát áo của chồng, khi thì tìm thấy một sợi tóc đen, khi thì sợi tóc vàng, có khi lại là sợi tóc bạc Bà vợ cằn nhằn:
-Oan gia ơi, tóc đen tóc vàng gì oan gia đều không tha thì đã đành rồi. Đằng nầy bà già tóc bạc mà oan gia cũng quơ luôn thì thiệt là... hết nước nói!
Có khi bà vợ lục lạo hết quần áo mà không tìm ra được sợi tóc nào thì bà lại nổi cơn tam bành:
-Trời ơi, đến đàn bà sói đầu mà oan gia cũng mê thì còn trời cao đất dày gì nữa, hở oan gia?
Như vậy đó! Chuyện bà Hoài Điệp Tử trách, tôi nghĩ là chuyện bình thường. Quả thật lúc đó tôi có giữ dùm Hoài Điệp Tử một số thơ của một nhà thơ nữ. Thơ chớ không phải là thư. Câu chuyện thế này:
Năm 1965, Hoài Điệp Tử phụ trách trang trong nhựt báo Tiếng Chuông. Trong số những người góp tiếng thơ, có một nhà thơ nữ nổi bật ký bút hiệu là H.
Hoài Điệp Tử cao hứng làm thơ đối đáp và ký bút hiệu là TYH (có nghĩa là Tôi Yêu H.) thường xuyên gây sôi nổi trên trang báo.
Hai người làm thơ tặng qua, cho lại. Đến một ngày cô H. làm những bài thơ bày tỏ nỗi lòng thiết tha yêu TYH.
TYH, qua các câu thơ, khéo léo từ chối tình yêu của cô, lại còn bộc lộ rằng mình là một khách giang hồ lãng tử, không thể đáp lại mối tình tri kỷ. TYH viết:
Đi không từ giã, về không hẹn
Năm tháng vui buồn ai biết đâu
Trời bắt anh làm thân lãng tử
Đem phơi áo bạc bốn phương sầu!...
Cô H. làm thơ đáp lại ngay, đại ý rằng, anh có là lãng tử thì cũng không hề gì. Em sẽ trọn đời... lãng tử theo anh!
Tới đây thì TYH phát hoảng, làm bài thơ cuối cùng tỏ ý từ biệt lên đường... “một đi không trở lại”, nhưng không nói đi đâu! Trong đó có đoạn tỏ ý vĩnh biệt:
Nếu một mai gót đời tôi mòn mỏi
Và một chiều ngã gục giữa phiêu linh
Tôi không mong tiếng hờn đau nức nở
Mà người xưa rưng lệ khóc bên mình...
Rồi kể từ đó, TYH nín khe luôn. Cô H. làm thêm mấy bài thơ, nhưng TYH không đáp lại nữa. Cô H. cũng ngưng làm thơ và bắt đầu... lùng kiếm nhà thơ TYH. Hai người được chứng kiến từ đầu tới cuối câu chuyện là nhà thơ Phan Yến Linh và tôi. Chúng tôi cũng có quen sơ sơ với cô H. Một buổi chiều, Phan Yến Linh lôi tôi tới quán cà-phê bên cạnh Tòa soạn nhựt báo Tiếng Chuông.
-Đi cứu “Thầy Năm Nheo” đang lâm nạn!...
Cô H. đang ngồi đợi sẵn trong quán. Năm phút sau Hoài Điệp Tử từ trong tòa soạn ra tới. Gọi nước uống xong, Hoài Điệp Tử vừa nheo nheo mắt vừa trịnh trọng lên tiếng:
-Đây là giờ phút của sự thật! Phần anh thì... không biết làm thơ. Chỉ có một trong hai ông nầy làm thơ ghẹo em thôi. Vậy đố em, trong hai ông nầy ai là TYH? Có điều cần nói trước là cả ba anh em chúng tôi đều đã có gia đình. Nhận nhau xong, chúng ta sẽ kết nghĩa anh em.
Cô H. nhìn cả ba chúng tôi khá lâu rồi lắc đầu:
-Không... em không tin đâu! Ông Phương Triều thì phục phịch như... một ông voi, làm thế nào có được những câu thơ thanh thoát nhẹ nhàng như vậy? Còn ông Phan Yến Linh thì ốm nhách như... con khô mực, đi lẩn quẩn Sàigòn - Chợ Lớn còn không nổi thì sức đâu mà giang hồ phiêu bạt? TYH chắc là... anh!
Hoài Điệp Tử chối bai bải:
-Tầm bậy tầm bạ không hà! Anh có biết làm thơ đâu!
Cô H. mếu máo:
-Không phải anh thì là người nào khác chớ nhứt định không phải... hai ông mập và ốm đang diễn tuồng “linh miêu tráo chúa” nầy!
Tôi bị chê là... ông voi nên tự ái quá, ngồi im, rủa thầm trong bụng: "Em chê “qua” phục phịch, vái Trời cho em lấy phải thằng chồng phục phịch hơn “qua” cho đáng đời!...
Phan Yến Linh quyết cứu bạn:
-Em ơi, anh quả thật là... TYH đây! Tuy anh ốm nhom ốm nhách nhưng thơ của anh nó phương phi, mập ú... hà! Em biết anh rồi thì em hãy nhận làm em gái của anh... em nhé!
-Không, không bao giờ! Nếu không gặp được TYH, em sẽ tự vận. - Cô H. nức nở.
Nói xong, cô xô ghế đứng dậy, tất tả đi ra đường. Cấp tốc hội ý, chúng tôi cử Phan Yến Linh theo dõi cô H. và tìm cách an ủi cô. Và, nhờ vậy, Phan Yến Linh gặp được duyên kỳ ngộ với một cô bạn của cô H. Nhưng chuyện trăm năm không thành. Từ đó chấm dứt chuyện về TYH. Mấy năm sau, Phan Yến Linh cho biết cô H. đã lập gia đình và đang hớn hở, tươi rói trong hạnh phúc.
Về sau, Hoài Điệp Tử có nhờ tôi giữ mấy bài thơ của cô H. mà ông không có ý định đăng nữa và dặn khi nào gặp cô H. thì trả lại cho cô. Chuyện có vậy thôi chớ chẳng có bức thư tình nào cả.
Phương Triều
-----------------------------
Tiểu Sử Hoài Ðiệp Tử
Nhà văn Hoài Ðiệp Tử tên thật Phạm Văn Tập, sinh năm 1943 tại Bạcliêu. Ông dùng nhiều bút hiệu khác nhau như Ðiệp Yên Hà, Lê Thăng, Kép Ðộc, Kiều Linh Khanh. Ông bắt đầu làm thơ và viết văn từ năm 14 tuổi.
Năm 1958, ông viết truyện dài đầu tay “Mớ tóc gái Phù Sa” trên nhật báo Chuông Mai. Hoài Ðiệp Tử cộng tác với nhiều nhật báo, tuần san như:Chuông Mai, Tiếng Chuông, Dân Ðen, Tiếng Dân, Tia Sáng, Tiếng Nói Dân Tộc, Ðộc Lập, Tin Sáng, Thách Ðố...
Năm 1966 ông thành lập nhà xuất bản Sông Hậu.
Trước năm 1975, học Ðại Học Văn Khoa Saigon, làm việ cho nhật báo Tiền Tuyến cho đến ngày 30/4/1975.
Sau năm 1975, nhà văn Hoài Ðiệp Tử buôn bán ở chợ Nguyễn Huệ. Vượt biên bằng đường biển năm 1980, sau đó đến định cư tại Mỹ.
Sang Mỹ năm 1981, khởi đầu ông cộng tác cho tờ Saigon News; năm 1982 làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Mai ( Nam California ) từ năm 1982 đến 1987.
Ông mất ngày 9 tháng 8 năm 1987 tại Westminster ( California )
Các tác phẩm đã xuất bản :
Vũng lầy (1964) – Trái Cấm - Tuổi tình yêu (1965) – 16 phiên buồn (1966) - Lửa đạn về
thành – Tình Biển (1968) - Ðỉnh núi sương mù – Còn xanh kỷ niệm (1969) - Bến Ðục - Giọt
máu cho cánh đồng mùa hạ (1970) - Tặng phẩm của đêm - Bụi thành phố (1971) - Mặt trời
cho ai – Hành Lang đen (1972) – Cao ốc số 8 (1973) – Sóng hoang (1974) – Trên đầu
sóng (1982)
Ngoài ra, ông còn viết nhiều thơ và truyện ngắn.