có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 11 01, 2010

Bóng phượng




Người anh đẫm mồ hôi. Lưng anh rát bỏng, ngứa ngáy. Những con kiến hôi đen đủi to sầm vẫn tiếp tục bò lên bò xuống trên người anh, chui cả vào dưới lớp quần áo khô dộp nhưng không làm anh cảm thấy nhột nhạt khó chịu nhiều như hồi đêm. Anh đã chôn mình ở đây từ nửa đêm. Và bây giờ là quá trưa rồi. Anh nhổm mình lên vừa đủ cho tầm mắt vượt lên trên cái mô đất anh đang ẩn núp, nhìn về phía Nam của con đường đất, nơi tầm quan sát của anh bị cắt đứt bởi rặng cây xanh ở chỗ con đường sẽ cong mình chui vào làm thành một khúc quanh dẫn về phía bờ sông. Từ lúc mặt trời lên anh đã chờ đợi một đám bụi đường dấy lên từ đó. Con đường vẫn im lìm, vắng tanh! Anh nhắm mắt lại, ngúc ngắc cần cổ cho đỡ mỏi. Bỗng có tiếng reo nhỏ của người bạn cùng tổ vang lên từ bụi cây nhỏ phía sau lưng, "Tụi nó kìa!" Anh lại chồm dậy, và từ phía trên hàng cây xanh che khuất khúc quanh của con đường, anh nhìn thấy lờ mờ tỏa lên một làn bụi màu vàng đất. 

Anh chỉ có mỗi một quả mìn. Anh không thể đánh hụt. Đêm qua những người trong đội du kích và mấy cô dân công trẻ măng đã ra đây hì hục đào bới, và theo lời đề nghị của anh, chôn trái mìn ở một độ sâu lý tưởng theo như lời hướng dẫn trong khóa học cấp tốc anh được tham dự mười ngày trước đó. Bây giờ anh phải quyết định thật nhanh. Đoàn xe có bốn chiếc, phải đánh cách nào để phân tán lực lượng của địch. Chiếc "cam nhông" đi đầu chỉ còn cách anh khoảng hơn một trăm thước. Anh sẽ để nó đi qua. Chiếc xe thứ hai và hai chiếc sau đó mới là mục tiêu của tiểu đội anh. Như vậy khi bọn lính trên chiếc xe đầu quay lại, toán phục kích của anh đã có đủ thì giờ làm tê liệt sức kháng cự của những tên bị chận lại phía sau. Chiếc đầu tiên an toàn bò qua khoảnh đất chôn mìn. Với tốc độ như thế, nó sẽ đến đầu làng khi chiếc xe thứ nhì lọt vào vòng phục kích. Hai bàn tay anh bám chặt chiếc cần khởi động quả địa lôi mạnh đến nỗi những đầu ngón tay trắng bệch ra. Anh cảm thấy sống lưng mình lạnh ngắt. Đã đến lúc anh bắt đầu trận đánh đầu đời của mình. Anh chồm hẳn người lên, hai tay ôm chiếc cần khởi động đè xuống với tất cả sức lực của mình, miệng la lớn, "Xung phong!" Anh không nghe được tiếng nổ ngay lúc đó, nhưng chiếc "cam nhông" dường như bay lên khỏi mặt đường lầm bụi cùng với bựng lửa từ dưới lườn xe bùng lên. Khói, lửa, và bụi cát! Anh phóng người về phía trước trong bầu không khí bị chấn động của tiếng mìn nổ và tiếng súng trường, tiếng lựu đạn, tiếng la hét của đồng đội hướng về nhóm lính lê dương trên hai chiếc xe đàng sau. Nắng Hè chợt như dịu xuống bởi vì người anh nóng hừng hực. Anh chạy về phía tiếng súng địch đang bắn trả nhưng mắt không rời chiếc "cam nhông" đổ nghiêng cạnh ruộng mía cháy rừng rực. Đó là chiến tích đầu đời của anh. Bỗng dưng như bị ai đó nắm áo giật ngược trở lại, thân trên anh rướn lên, gẫy gập lại, rồi đổ xuống. Những viên đạn từ phía trước đã đập vào người anh ở phần bụng. Có tiếng ai đó la lên, "Lựu đạn, lựu đạn đâu? Khóa miệng khẩu trung liên lại ngay lập tức!" Anh thiếp đi dưới bầu trời mùa Hè rất trong xanh, tia mắt vướng trên chùm hoa đỏ của cây gạo đầu làng. 

Anh nằm mê man và chỉ tỉnh lại ba ngày sau tại bệnh viện dã chiến Phú Gia. Anh không có cơ hội tham dự buổi tiệc mừng thắng lợi ngay hôm trận đánh nổ ra, nhưng những ngày ở nơi đây thực không khác gì một buổi liên hoan kéo dài. Người ta kéo đến đông nghẹt bên giường bệnh chỉ để được nhìn tận mặt con người tài tuấn, mưu lược đã đem lại vinh quang cho cả huyện. Đám thanh nữ tranh nhau xung phong săn sóc anh cho đến khi anh bình phục hẳn. Ngay cả Liên Khu cũng gởi cả một phái đoàn xuống tận nơi để phát giấy ban khen cho người kháng chiến quân trẻ tuổi can trường. Hôm đó hồn anh bay bổng tận trời, không quan tâm đến việc anh chàng trợ lý chính trị của Liên Khu đang kiên nhẫn bắt chuyện với Vân, cô gái xinh đẹp nhất và dễ thương nhất trong đám thanh nữ vẫn quây quần bên anh. 

Năm đó anh hai mươi hai tuổi! 

■ 

Bốn tháng sau đó, người thanh niên rời bệnh viện. Vì chưa hoàn toàn hồi phục, anh được điều về vùng trung du để làm công tác văn hóa. Cô Vân cùng đi với anh. Trong hơn sáu tháng trời, hai người đi khắp vùng Quế Sơn Đại Lộc, không rời nhau một bước. Cho đến một hôm cơn bệnh sốt rét quái ác cộng với những suy nhược do vết thương cũ gây ra quật anh ngã gục. Người ta giao anh cho một gia đình địa phương săn sóc và điều Vân về Liên Khu. Ở trên đang cần thêm cán bộ văn hóa gần nơi bộ tư lệnh Liên Khu chọn làm căn cứ địa. Cô Vân rời xa anh từ đó. Nếu cô và anh còn gặp lại nhau sau này như lời đồn đãi, những lần gặp gỡ đó phải vô cùng hiếm hoi và xảy ra trong những tình huống vô cùng đặc biệt. Khi cơn bệnh đi qua, người anh gầy rạc đi như xác ve. Anh quay về làng dưỡng bệnh. Vào mỗi buổi chiều, anh ngồi trên chiếc giường tre nhìn ra khung cửa nhỏ. Ở đó anh có thể nhìn thấy tàng lá xanh của cây gạo đầu làng nơi anh đã ngã xuống trong màu hoa đỏ vào một ngày chói chang nắng Hạ. 

Anh không nghe tin tức gì về cô Vân trong một thời gian dài. Khi có được tin tức về cô, anh không mở miệng cả tuần lễ. Sau đó anh không còn phản đối ước muốn có người nối dõi tông đường của người mẹ. Bà mang về cho anh từ làng bên một cô gái rất trẻ, rất ngoan hiền. Cô được dạy dỗ để vâng lời. Lúc nhỏ cô vâng lời mọi người trong nhà. Lớn lên cô vâng lời cha mẹ đi lấy chồng. Cô cũng vâng lời tất cả mọi người ở nhà chồng. Nhất là chồng cô, người chiến sĩ tài ba dũng lược ngày nào. Khi anh bảo cô anh sẽ xa nhà một thời gian, cô lặng lẽ cúi nhìn chiếc bụng tròn trĩnh của mình không nói điều gì. Bốn tháng sau đứa con đầu lòng của cô chào đời trong căn hầm tránh bom của một ngôi làng dưới chân ngọn núi đất bên kia sông Cái. Cô và gia đình nhà chồng đã phải rời làng mình đi tản cư không lâu sau ngày anh ra đi. Cô không biết anh đi dâu, làm gì. Có người bảo cô anh đã tham gia kháng chiến trở lại, hiện đang ngược xuôi dọc theo các chiến tuyến thực hiện sứ mạng bí mật nào đó do trên giao phó. Có người bảo gặp anh ở những sòng bài quán rượu trong vùng chiếm đóng tiêu tiền như rác. Cô nghe vậy thì hay vậy, không một lời bình phẩm. Đứa con lớn dần trong vòng tay mẹ, và chỉ được gặp cha mình lần đầu tiên khi cuộc kháng chiến đến hồi kết thúc. 

■ 

Ít hôm sau ngày cuộc đình chiến được ký kết giữa các phe lâm trận, anh trở về, đứng trên chiếc nền đất nứt nẻ mọc đầy cỏ dại nhìn quanh quất rồi quay lại nhìn vợ đang dắt tay con, nước mắt vòng quanh. Phải cất lại căn nhà rồi hãy tính sau, anh bảo. Trong những ngày tháng sau đó, hai vợ chồng biến cái nền đất hoang tàn thành căn nhà tranh ba gian hai chái, có thêm nhà bếp phía sau. Chung quanh nhà là những bụi chuối thanh tiêu, chuối "hờn" xanh mát mắt. Có cả một chuồng heo ở góc vườn, cạnh bụi tre gai um tùm. Ban ngày họ làm quần quật ngoài đồng, chăm bón những bãi dâu, những nương thuốc lá. Đứa bé lớn lên giữa những nong tằm cái kén, giữa tiếng rè rè nhàm chán của chiếc trục ươm tơ, mùi hăng nồng của xâu thuốc lá treo ngoài sân vào ban đêm để ướp sương. Về sau này khi đã trưởng thành, đứa bé biết ra nếu mẹ của mình có lần nào nếm được mùi hạnh phúc lứa đôi thì những lần đó phải ở vào khoảng thời gian hai năm ngắn ngủi sau ngày đình chiến. Những biến cố sau đó không mang lại cho cô và đứa con một chút hạnh phúc nào hết. 

Bắt đầu là một người khách có vẻ nghiêm trọng ghé thăm nhà. Đứa bé lén lút quan sát ông khách và cha nó qua khe hở của chiếc phên tre ngăn gian nhà khách và buồng ngủ. Nó không thấy ai trong bọn họ cười trong suốt câu chuyện. Ngày hôm sau, đứa bé thức giấc nhìn thấy mẹ nó ngồi ở cạnh giường nhìn nó. "Cha đi về quận làm việc, cả tháng mới về nhà" Mẹ nó nói, giọng chìm xuống. Không lâu sau đó có tin một cán bộ cao cấp của phía bên kia bị hạ sát trong một lần phục kích của lính quận. Đó chính là người trợ lý chính trị của Liên Khu ngày xưa. Người ta bảo anh ta không đi tập kết vì được giao trách nhiệm ở lại để móc nối và xây dựng cơ sở. Vì một tình cờ may mắn nào đó, người vợ đã trốn thoát kịp thời. Vợ anh ta chính là cô Vân xinh đẹp và dễ thương ở bệnh viện Phú Gia năm nào. 

Cha của đứa bé trở thành một nhân vật quan trọng trong vùng. Thỉnh thoảng anh về thăm nhà, mang cho đứa bé những món đồ chơi sặc sỡ. Đứa bé không biết mẹ nó được cha mình cho những gì. Chỉ thấy người mẹ ngày càng héo hon. Bây giờ chỉ có một mình cô gánh vác chuyện trong nhà ngoài ngõ. Những luống cây thuốc lá rồi sẽ héo quắt đi, những bãi dâu sẽ xác xơ, và mỗi buổi tối cô sẽ ôm con nhìn bóng mình chập chờn trên vách. Vào buổi sáng một ngày tháng chạp, những người hiến binh đội chiếc mũ đỏ chói cỡi xe máy dầu đến tìm hai mẹ con. Họ hỏi cô về người chồng, cô ngơ ngác bảo không biết. Ông ấy ở dưới quận với các ông mà, cô hỏi lại. Lúc họ bỏ đi, cô biết ra là họ đã không đến một mình. Có nhiều người đến trước, chặn các ngả ra vào của ngôi làng cô ở. Cũng may mà anh đã thoát đi từ đêm qua. Anh lẻn về lúc chập tối và bảo rằng phải ra đi lập tức. Anh không giải thích lý do, chỉ hứa sẽ liên lạc với gia đình khi đã có nơi trú ẩn an toàn. Anh giữ lời hứa. Ba ngày sau, người vợ nhận được tin anh đã đi thực xa. Đó là lần cuối cô được tin của chồng mình. Đứa bé sẽ không bao giờ gặp lại cha nó. 

Đứa bé không bao giờ biết được một cách chắc chắn điều gì đã khiế?nngười cha bỏ mẹ con nó ra đi một cách vội vã. Những lời đồn đãi lan truyền trong vùng có vẻ liên kết biến cố đó với việc cô Vân bị bắt, bị tra tấn và sau đó vượt ngục. Người ta nói rằng những người có trách nhiệm khai thác tù nhân ở quận đã treo cô lên xà nhà bằng những sợi dây điện. Một đầu của những sợi dây nhỏ và bền chắc này được cột chặt vào hai núm vú của cô, và người ta để cô lơ lửng như vậy trong nhiều phút đồng hồ. Vào buổi sáng sớm ngày thứ ba của cuộc thẩm vấn, người ta tìm thấy cửa phòng giam của cô mở toang và người lính gác nằm gục chết trong vũng máu. Người ta đi tìm cha của đứa bé để thông báo với anh về việc người nữ tù nhân nguy hiểm đã vượt ngục nhưng không tìm thấy anh ở đâu hết. Ngày hôm sau những người hiến binh đội chiếc nón đỏ tươi cỡi xe máy dầu đến tìm mẹ đứa bé để hỏi về cha nó. Điều này thì đứa bé chứng kiến tận mắt. 

Đứa bé có dịp nhìn thấy cô Vân một lần mấy năm sau đó. Hai ống quần vén lên quá gối để lộ đôi ống chân đen dủi dính đầy bùn non, cô bước vội vã trên quãng đường lầy lội sau một cơn lụt lớn chưa từng thấy ở miền Trung. Tóc cô bới cao, gọn ghẽ. Miệng cô vắt vẻo một điếu thuốc lá quấn tay to tướng. Khẩu súng ngắn treo lủng lẳng trước ngực bằng sợi dây dù màu xanh cức ngựa choàng qua vai. Trông cô không có chút liên hệ nào với cô Vân rất xinh đẹp và rất dễ thương ở bệnh viện Phú Gia năm xưa. Những tính cách phù phiếm đó hẳn đã rơi rụng dọc con đường gian truân mà cô chọn bước lên trong những tháng năm đã qua và có vẻ như sẽ còn dài trước mặt. Cô vừa đi vừa trao đổi một điều gì đó với ngưới đàn ông đi cạnh, có lẽ là một người đồng chí thân tín. Đứa bé lúc đó đang đứng tựa vào người của mẹ mình phía sau cái hàng rào thưa. Nó cảm thấy những ngón tay của mẹ bấu chặt trên vai mình đau điếng lúc cô Vân và người đàn ông băng ngang qua nơi hai người đang đứng. Nó không bao giờ có dịp gặp lại cô Vân lần thứ hai. Không lâu sau đó, làng quê của đứa bé trở thành vùng oanh kích tự do. Thật là khó khăn để sống sót ở một nơi như vậy, ngay cả cho cây cỏ. Người mẹ qua đời không phải vì bom rơi đạn lạc mà vì bệnh thương hàn. Mọi sự đã quá trễ khi người ta đưa được cô về đến nhà thương quận. Đứa bé côi cút tá túc nhà một người bà con ở quận lỵ một thời gian, và sau đó trôi dạt về phía Nam. 

Đứa bé sinh ra trong chiến tranh, nhìn ngắm chiến tranh suốt một thời thơ ấu, và tham dự vào cuộc chơi đầy bất trắc này khi đến tuổi trưởng thành. Sau này, khi hồi tưởng lại chuỗi sự kiện đã xảy ra trong đời mình, đứa bé ngày xưa nhận ra quả nó đã có một đời sống rất bình thường, thực không đáng gì khi so sánh với những điều cha nó đã kinh qua. Không có ngọn lửa đêm liên hoan rừng rực niềm vui, không có chùm hoa gạo đỏ trước cơn mê thiếp. Không có những lỗ đen hun hút trong đời sống, ở đó không ai biết chắc cha nó đã ở đâu và làm gì. Không có những yêu thương, những hất hủi, những phản trắc rất riêng tư và trong cùng một lúc, vô cùng khắn khít với cái rất chung của một quá khứ không dễ quên. Đứa bé thèm muốn đến quay quắt một lần được gặp lại người cha và hỏi ông về những nơi chốn ông dã đi qua, những điều ông đã làm, những chết chóc và sống còn ông đã can dự vào. Có vẻ như ước muốn của nó sẽ không bao giờ thực hiện được. Có lắm khi tro tàn sẽ bị gió cuốn đi. Và cùng với chúng là cánh phượng hoàng sẽ ngàn năm bằn bặt. Còn lại là những mảng hồi ức không trọn vẹn, những hình tượng sứt mẻ, cùng với những điều bất toàn khác đã làm nên một di sản kỳ dị mà đứa bé được thừa hưởng. 

Và sẽ không quên.


Phùng Nguyễn
Tháng Ba, 2000